Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

Đừng ném đá - đừng phạm tội.


Chúa Nhật – V  – MC – C 

            

             Đừng ném đá - đừng phạm tội.

d2444bd8-cd89-42e3-8e0c-ceef1907af3e.jpg


Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương chúng ta vì thế Chúa sinh ra. Chúa thương chúng ta vì Chúa muốn thương ta, vì Thánh ý của Ngài là luôn luôn thương ta.”

Vâng, những dòng chữ trên đây là điệp khúc của bài thánh ca có tựa đề: “Chúa thương chúng ta”, tác giả là Lm. Thành Tâm. Có thể nói, mỗi khi bài thánh ca này được hát lên, nó đã làm cho biết bao trái tim người nghe phải thổn thức.

Không thổn thức sao được, khi “Ca đoàn Cecilia - Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn” đồng thanh cất tiếng hát: “Ðâu phải ta ngoan mà Thiên Chúa mến thương ta, đâu phải ta hay để Ngài thương ta, nhưng do nơi lòng hay thương xót của Ngài, ngàn đời thời gian không xóa.”

Đúng vậy. Sách Thánh Vịnh cũng có lời chép rằng: “CHÚA là ĐẤNG từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm”. (Tv 102, 8-10)

Đó là chân lý ngàn đời. Và, chân lý ngàn đời này đã được Đức Giê-su tái khẳng định trong những ngày Ngài còn tại thế. Chân lý ngàn đời này, có khi được Đức Giê-su diễn đạt bằng dụ ngôn. Và, có lúc được thể hiện bằng chính con người thật của mình.

Nói về dụ ngôn, chúng ta biết rồi, đó là dụ ngôn “Người Cha nhân hậu”. Còn về chuyện chính Đức Giê-su thể hiện ư! Thưa, đó là câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình”. Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 8, 1-11) 

**      

Chuyện được thánh sử Gio-an ghi lại như sau: Hôm ấy, “Vừa tảng sáng, Đức Giê-su trở lại Đền Thờ”. Biết Đức Giê-su trở lại, “toàn dân đến với Người”. Và, như một thông lệ, “Người ngồi xuống giảng dạy họ”.

Đức Giê-su đã giảng điều gì? Thưa, thánh Gio-an không nói đến. Điều ngài thánh sử đề cập đến, đó là: cùng lúc đó “các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình.” (Ga 8, 3).

Và rồi, ngay lập tức, một vòng tròn đồng tâm khép kín được thiết lập bằng một nhóm đông người.  Đó là những ông kinh sư và Pha-ri-sêu, là những kẻ hiếu kỳ, là những người thích lên án người khác, với những “ánh mắt cuồng căm”. Người phụ nữ bị đẩy ra “đứng ở giữa”.

Khi mọi sự đâu vào đấy, họ lớn tiếng nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”

Thầy nghĩ sao ư! Vâng, đây là một câu hỏi rất khó xử cho Đức Giê-su.

Khó xử thứ nhất, đó là, nếu Đức Giê-su lên án theo đúng luật Mô-se, Ngài sẽ bị cho là qua mặt chính quyền Roma. Israel vào thời của Đức Giêsu thuộc quyền bảo hộ của đế quốc La Mã. Phán quyết về mạng sống của một người, không thuộc thẩm quyền của bất cứ một người công dân nào trong xã hội thuộc địa Do Thái. Thẩm quyền đó, thuộc về nhà nước bảo hộ La Mã

Khó xử thứ hai, nếu đồng ý lên án, Đức Giêsu sẽ tự tạo ra những mâu thuẫn, mâu thuẫn về những gì Ngài đã giảng dạy, như Ngài đã từng dạy, rằng: “anh em đừng xét đoán nhau… anh em hãy tha thứ”, và quan trọng hơn, đó là mất đi hình ảnh một con người “hiền lành và khiêm nhường”.

Còn nếu không lên án, thì sao! Trong trường hợp này, Đức Giê-su sẽ bị cho là dám chống lại bộ luật của Mô-se, bộ luật đã được lưu hành trong xã hội Do Thái từ khoảng năm 1250 trước Công Nguyên.

Nói tắt một lời, một câu hỏi như thế, nói theo cách nói của dân chơi “domino”, quả đúng là họ đã tạo ra một thế cờ triệt buộc, mà Đức Giê-su lại là người đang cầm con “bò trống” mười ba điểm, thua chắc!

Thì đây, thánh sử Gio-an cho biết: “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 6) Và, đó là lý do, hôm ấy. “Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.”

Đức Giê-su viết gì, thánh sử Gio-an không đề cập đến.  Có người đoán Ngài viết ra tội của những người tố cáo người đàn bà ngoại tình. Cũng có thể Đức Giê-su chỉ vẽ nguệch ngoạc để chờ đợi phản ứng của đám đông vây quanh, chăng!

Trở lại câu chuyện.  Hôm ấy, “vì họ cứ hỏi mãi”, nên Đức Giêsu ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Nói xong “Người lại cúi xuống viết trên đất.” (x.Ga 8, 7-8).

Sau lời tuyên bố của Đức Giê-su, những tiếng gầm gừ, những tiếng hò, tiếng hét, tiếng y uông… tắt lịm. Quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu cùng với những kẻ hiếu kỳ, những kẻ thích lên án người khác “bỏ đi hết”.  

Vâng, họ bỏ đi hết. Rất… rất trật tự “kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Bình luận về sự kiện này, cha Giuse Nguyễn Hữu An có lời, rằng: “Vì càng lớn tuổi càng có bề dày cuộc sống, càng dễ nhận ra bề dày tội lỗi (của mình)”. Có thể lắm chứ! Phải không, thưa quý vị!

Trở lại tòa án… cứ gọi là vậy đi… “Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su , và người phụ nữ thì (vẫn) đứng ở giữa”. Người phụ nữ đang chờ một bản án cho mình. Đức Giê-su là người duy nhất có quyền xét xử cô, thế nhưng Ngài không nói gì. Ngón tay Ngài vẫn viết trên đất.

Và rồi, sự thinh lặng bị phá vỡ. Phá vỡ bởi tiếng nói nhẹ nhàng của Đức Giê-su: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người phụ nữ ngập ngừng đáp: “Thưa ông, không có ai cả.”  

Sự thinh lặng, một lần nữa, lại bao trùm, tim người phụ nữ như ngừng đập, chị ta nín thở chờ đợi lời phán quyết của Đức Giê-su.

“Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!”. Đức Giê-su đã phán quyết rất rõ ràng như thế. Kèm theo đó, là một lời khuyên dạy: “Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

“Chúa là người duy nhất có quyền làm việc đó (lên án) nhưng Ngài không làm. Ngài bày tỏ một tình yêu vô điều kiện, chấp nhận vô điều kiện. Ngài là Đấng thánh khiết, Đấng ghét tội lỗi, nhưng Ngài lại yêu tội nhân, yêu bạn và tôi, yêu những con người lầm lạc. Chúa đến để cứu chúng ta ra khỏi tội.

Ngài không chỉ nói Ta không định tội cô, nếu Ngài chỉ nói vậy thì ngày mai dễ lắm, cô lại phạm tội và rồi một ngày nào đ, lại bị bắt. Nhưng nếu Ngài chỉ kết tội cô như những công tố viên kia thì cũng không thể làm cô thay đổi được. Ngài tha thứ cho cô và ban cho cô một giải pháp, một định hướng cho cuộc đời mới của mình”.

Cô “Debbie Thủy” một người tin Chúa, có lời chia sẻ như thế, một lời chia sẻ nói lên niềm tin của mình, rằng: “(Thiên Chúa) không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

***     

Câu chuyện này đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Xảy ra hơn hai ngàn năm, nhưng không vì thế mà nó không còn tính thời sự đối với chúng ta, hôm nay.

Đúng, còn-tính-thời-sự. Và, đó là lý do, nhạc sĩ Song Ngọc, qua nhạc phẩm “Chuyện Người Đàn Bà Hai Ngàn  Năm Trước”, đã buồn bã thốt lên, rằng: “Chuyện người đàn bà hai ngàn năm trước. Sách cổ đã ghi, đống đá còn nguyên”.

Thật vậy, đống-đá-còn-nguyên và rất dễ để chúng ta cầm lên ném ai đó. Chỉ cần một “cú nhấp chuột”, chúng ta có thể ném từ Việt Nam qua tận Mỹ Quốc. Thậm chí, cùng một lúc, chúng ta ném ra toàn thế giới.

Rất có thể, có những lúc, chúng ta “ném đá” một ai đó trên net, chỉ vì, “cái mặt con nhỏ đó dễ ghét quá đi!”. Rất có thể, vào một lúc nào đó, chỉ vì ganh tỵ, chúng ta sẵn sàng “ném đá” một ai đó bằng lời nói thâm độc, bằng cử chỉ tẩy chay, bằng sự gây chia rẽ, bè phái v.v…

Điều đáng buồn, rất đáng buồn là trong Giáo Hội ngày nay, giữa “Cha và con” lại xảy ra chuyện ném đá nhau chí tử. Nhiều lắm! Đau lòng lắm! Ai đúng ai sai, chúng ta không biết.

Nhưng có một điều chắc chắn, Chúa Giê-su biết. Và Ngài sẽ nói với tất cả những ai muốn cầm đá ném vào nhau, rằng: “Ai trong các con sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”.

Đừng quên, Đức Giê-su đã có lời dạy rằng: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?”

Chúng ta… chúng ta nghĩ sao về lời khuyến cáo này! Có nên lấy “cái xà” trong con mắt của mình ra, trước khi lấy “cái rác” trong con mắt của người anh em!

Chắc nên là vậy! Thế nên, thật phải đạo, sau khi nghiền ngẫm câu chuyện này, chúng ta nên là người “bỏ đi”, đi thật xa khỏi những đống đá bẩn thỉu, những đống đá gây ra sự hận thù, sự ganh tỵ, sự tranh chấp v.v… ngõ hầu tránh khỏi một cuộc phán xét nghiệt ngã của chính Thiên Chúa, trong ngày sau hết. 

Đừng ném đá! “vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Thiên Chúa…”, thánh Phao-lô đã có lời khuyến cáo như thế với cộng đoàn tín hữu tại Rô-ma. Tất nhiên, cũng là cho chúng ta, hôm nay.

Thế nên, điều tiếp theo của chúng ta là… là “từ nay đừng phạm tội”, nữa!

Vâng, hãy ghi khắc trong con tim mình lời Đức Giê-su truyền dạy, một lời truyền dạy, tuy hai-mà-một, tuy một-mà-hai, đó là: “Đừng ném đá - đừng phạm tội.”

Petrus.tran

 

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2025

“con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”

Chúa Nhật – IV – MC – C
Hãy sám hối và trở về

 

tbd 290325b


Trong thư thứ nhất, thánh Gio-an có lời viết: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống.”

Hơn hai ngàn năm xa trước, Con Một của Thiên Chúa là Đức Giê-su đã đến gian. Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Na-da-rét, Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng. Lời rao giảng đầu tiên của Đức Giê-su là một lời mời gọi thiết tha: “Anh em hãy sám hối”.

Ngoài lời mời gọi sám hối, Đức Giê-su còn giảng dạy nhiều điều khác nữa. Một trong những điều thường được Ngài nói đến, đó là tình yêu của Thiên Chúa.

Khi nói đến tình yêu của Thiên Chúa, ngôn sứ Ê-dê-ki-en có lời rằng: “(Người) chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống”.

Còn với Đức Giê-su ư! Thưa, Ngài dùng đến dụ ngôn, những dụ ngôn rất đời thường, để phác họa chân dung một vị Thiên Chúa “…là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.”

Một trong những dụ ngôn mô tả rõ nét nhất, đã được Đức Giê-su kể, đó là “dụ ngôn người cha nhân hậu”. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 15, 11-32).

**
Câu chuyện được kể rằng: “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: Thưa cha, xin cho con phần gia tài con được hưởng”.

Nói… nói đến việc con cái đòi chia gia tài, có thể nói rằng, đó là một câu chuyện, mà người Việt Nam chúng ta mỗi khi nghe đến, đều phải thốt lên “biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Với người Do Thái, việc đòi chia gia tài, mà người đòi lại là “con thứ” trong gia đình, thì đó là một hành động phạm luật. (x. Đnl 21, 17). Phạm luật, nhưng người cha không từ chối. Vâng, người cha… “người cha đã chia của cải cho hai con.”

Sau khi được chia của cải… “Ít ngày sau, người con thứ thu gom tất cả rồi trẩy đi phương xa”. Thánh sử Luca không nói, nhưng chúng ta có thể tưởng tượng rằng, trên đường đi, chàng con thứ rất hớn hở vừa đi vừa ca bài Biệt-Kinh-Kỳ. Lời ca rằng: “Bạn ơi! quan hà xin cạn chén ly bôi. Ngày mai tôi đã đã đi xa rồi…”

Vâng, chàng công tử… “công tử vô danh” đã giã từ ngôi nhà thân yêu của mình. Chàng ta “Đi lang thang theo ngày tháng theo đời hoang. Mang hồn đi bốn phương trời.”

Và rồi, chuyện kể tiếp rằng: “Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình”. Rồi sao nữa! Thưa, theo lời thánh sử Luca kể lại, thì: “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp.”

Kêt quả là: “Anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu…” Thiếu tiền, thiếu ăn… “Anh ta phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng, người này sai anh ta ra đồng chăn heo”.

“Một mình một bóng đời mình một mình một bóng” bên đàn heo, với những chiếc máng đầy thức ăn, người con thứ “ước ao lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng…” Tiếc thay! “chẳng ai cho”.

Buồn tủi nhưng không tuyệt vọng, người con thứ ”hồi tâm và tự nhủ: biết bao người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta lại ở đây chết đói!” Ừ! Tại sao ta lại ngồi ở đây chết bên cái chuồng heo thổ tả này! Vâng, có thể anh ta đã lẩm bẩm như thế!

Mà, thật vậy. Sau khi hồi tâm và tự nhủ, anh ta đã đưa ra một quyết định: “Thôi, ta đứng lên đi về cùng cha, và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

Chỉ xin “làm công”, chẳng lẽ cha mình không cho sao! Và rồi, chuyện kể rằng: “Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha”. (x.Lc 15, 20).

Còn người cha! Thưa, tuy thánh sử Luca không nói gì cả, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, người cha vẫn hy vọng một ngày nào đó, con ông sẽ “quay đầu là bờ”.

Có người còn nghĩ rằng, có lẽ… có lẽ ở nhà, ông ta đã xây một cái tháp rất cao, để mỗi ngày leo lên đó, phóng tầm mắt quan sát xem bóng dáng con mình có trở về không!

Tất cả… tất cả chỉ là suy diễn cá nhân. Tuy vậy, dù đúng hay sai thì sự thật rất lạc quan. Vâng, một ngày nọ, sau những ngày “như cánh chim… lỡ vui bay phương xa”, người con thứ trở về. Và, khi “anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.”

Trước tình yêu chan chứa của người cha, người con thứ, cứ tưởng như mình vừa mới trải qua một cơn mê… một “cơn mê vẫn xanh… dù bao tháng năm đau thương dập vùi”, anh ta cất lên những lời thống hối xót xa: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”. (x.Lc 15, 21).

Nhận thấy người con thứ “nay trở về ăn năn”, người cha thúc giục các đầy tớ “mau đem áo đẹp ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu...”

“Màu tím” của tang tóc đã được biến thành “màu hồng”, màu của niềm vui. (Chúa Nhật hôm nay, thứ IV mùa chay, quý cha cử hành thánh lễ không mặc áo màu tím, thay vào đó mặc áo màu hồng).

Hôm đó, người cha rất vui, ông ta đã sai gia nhân “đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt… mở tiệc ăn mừng”. Ông ta lớn tiếng công bố “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và, mọi người bắt đầu ăn mừng.

***
Qua dụ ngôn “người cha nhân hậu”, có lẽ ai trong chúng ta cũng đều biết, người cha trong dụ ngôn, chính là hình ảnh Thiên Chúa.
Và, qua những gì người cha đã xử sự với người con thứ, chúng ta có thể thấy, Thiên Chúa quả là Đấng “Chẳng trách cứ luôn luôn. Không oán hờn mãi mãi”. Thiên Chúa không đòi hỏi “công đức” của con người, nhưng Thiên Chúa nhìn đến sự “hồi tâm và hối cải” nơi con người.

Người con thứ trong dụ ngôn đã không có được một việc làm nào được gọi là “tốt lành”, ngoại trừ việc “nuốt hết của cải của cha với bọn điếm”, thế nhưng, nhờ anh ta hồi tâm và hối cải, nhận ra mình đã “đắc tội với Trời và với cha”, một dấu chỉ của “sám hối “, cho nên anh ta đã nhận được một cách nhưng không, lòng từ bi và nhân hậu của người cha.

Thánh Phaolô, người đã có kinh nghiệm về điều này, khẳng định rằng “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người” (2 Cor 5, 18).

Tiếp đến, ngài tông đồ dân ngoại nhấn mạnh: “Trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải.”

Nhắc đến những lời thánh Phao-lô nói để làm gì? Thưa, để chúng ta, nếu đã lỡ “đắc tội với Chúa”, thì hãy hồi tâm và tự nhủ: “Thôi, ta đứng lên… đi đến tòa giải tội.” Đó, đó là một việc làm, cần làm ngay hôm nay, bây giờ.

Vâng, ân huệ của lòng Chúa thương xót, là đến tòa-giải-tội. Đừng nghi ngờ gì cả. Đừng nghi ngờ vào lòng Chúa thương xót. Và đừng “nổi giận” như người con cả trong dụ ngôn đã nổi giận “không chịu vào nhà” trước lòng thương xót của người cha đối với em mình.

Này anh hai ơi! Anh đã quên sao! Chẳng phải là cha đã “chia của cải cho (cả) hai con” sao! Thế thì, có gì phài kèn cựa với em mình, khi thấy người cha “đã làm thịt một con bê béo” đãi đằng cậu ấy!

Có gì phải ganh tỵ vì “chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con”, để làm một cái lẩu dê, “ăn mừng với bạn bè”! Sao (hồi ấy) anh không mạnh dạn đến “xin cha một con dê!”

Một ngày nọ, Đức Giê-su dạy rằng: “Cứ xin thì sẽ được”. Ngài nói tiếp: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em. Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?”

Thế nên, nếu chúng ta (lỡ) là người anh cả, “đừng ganh tỵ”, thánh Phao-lô có lời khuyên như thế. Cũng đừng nghi ngờ tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa.

Đã có lần Đức Giê-su nói: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao?” Anh hai trong dụ ngôn (có lẽ) đã quên. Phần chúng ta, đừng quên lời Chúa nói, nhé!

Trở lại với người con thứ, rất có thể, trong từng giai đoạn của một đời người, chúng ta là “hiện thân của người con thứ”. Chúng ta đòi Chúa phải ban cho cái này. Chúng ta chất vấn Chúa rằng thì-là-mà, sao Ngài không cho chúng ta điều chúng ta muốn.

Khi có một chút kiến thức và học vấn, chúng ta kiêu hãnh và ngạo mạn, nhìn mái ấm “gia đình Kitô giáo” bằng nửa con mắt. Xem niềm tin truyền thống mà Giáo Hội truyền dạy, không phá thai, không hôn nhân đồng tính, không ly dị, như là rào cản cho một cuộc sống văn minh, tiến bộ, ngày nay.

Chớ có dại mà lớn tiếng “xin cha chia cho con phần tài sản con được hưởng.” Chớ có dại rời bỏ mái ấm gia đình Ki-tô giáo, háo hức tìm kiếm chủ thuyết mới, những chủ thuyết chỉ sản sinh bạo lực lẫn hận thù, hô hào tự do luyến ái, tự do phò lựa chọn, tự do thờ quấy và phù phép v.v…

Cuối cùng, rồi cũng dẫn chúng ta đến những “cơn đói” khác, nghiêm trọng hơn. Đó là, những cơn đói, “đói tiền, đói tình, đói quyền lực, đói danh vọng”, những cơn đói mang nặng “thú tính”.

****
Hôm nay, sau khi đọc xong “dụ ngôn người cha nhân hậu”, chúng ta nghĩ gì? Chúng ta là người con cả hay người con thứ?

Nhà thần học người Hà Lan, Henri Nouwen, sau khi đọc xong dụ ngôn này, thú nhận rằng nó đã tác động phần nào cuộc hành trình tâm linh của ông. Và ông đã để lại một lời khuyên, khuyên rằng, “tất cả mọi người Kitô hữu, kể cả ông, luôn phải chiến đấu để được giải thoát khỏi những ‘sự yếu đuối’ cố hữu, thể hiện qua tính cách của hai anh em, hầu có thể trải nghiệm sự tăng trưởng tâm linh mà trở thành người cha hy sinh, sẵn sàng ban cho và sẵn lòng tha thứ” (nguồn: internet).

Đúng vậy, chúng ta phải chiến đấu. Và, cách chiến đấu hiệu quả nhất đó là: “Hãy tự vấn lương tâm để nhận thức được nếp sống hiện tại của mình. Chúng ta cần thành khẩn tự nhủ, như đứa con hoàng đàng, về những gì mình đã làm và chưa làm được trong mối quan hệ với Thiên Chúa và với dân Ngài. Ta nên tự hỏi, mình đang hướng về đâu, trong cuộc sống đời này. Và khi nhận ra là cần phải thay đổi, ta nên tự ấn định một việc đền tội, phương pháp này sẽ giúp đảo ngược nếp sống chúng ta”.

Cha Charles E. Miller, có lời dạy như thế. Kèm theo là một lời khuyên: “Hễ có tinh thần sám hối và tham gia cách nghiêm túc Bí Tích Giải Tội, thì đến cuối mùa chay, anh chị em sẽ nghe Chúa Cha phán: Chúng ta hãy mở tiệc ăn mừng, vì các con Ta, nay đã trở về cùng Ta.”

Vâng, để được tham dự bàn tiệc, chúng ta chỉ cần khiêm hạ đến với Bí Tích Giải Tội. Nói theo cách nói Tin Mừng, đó là: Hãy sám hối và trở về.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2025

 Sám hốí là nhu cầu của tôi

tbd 220325a


Theo lịch phụng vụ, hôm nay (23/03/2025) chúng ta bước vào tuần thứ ba mùa Chay. Khi nói tới mùa Chay, cứ sự thường, không ít người nghĩ đến việc ăn chay và cầu nguyện.

Ăn chay và cầu nguyện, đó là điều Giáo Hội luôn mời gọi mỗi khi mùa Chay đến. Tuy nhiên, ngoài ăn chay và cầu nguyện, còn một thực tại được Giáo Hội nhắc nhở, đó là “sự sám hối”.

Sám hối là gì? Thưa, theo định nghĩa thông thường, sám hối là: “ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình và mong được sửa chữa.” Khi nói tới sám hối, có thể nói, đó là việc không một ai được miễn trừ.

Có một nhà truyền giáo, trong một bài giảng với chủ đề sám hối, có lời chia sẻ rằng: “Không ai có thể nói rằng mình vô tội, không nhiều thì ít, mỗi chúng ta đều có những phút lầm lỡ, có khi cố ý, có khi vô ý, chúng ta đều đã có những lúc làm những điều không đáng làm, nói những lời không đáng nói, suy nghĩ những điều không đáng suy nghĩ. Đã có những lần chúng ta làm những việc mà mình phải tự thẹn với lương tâm. Do đó chúng ta không thể cho rằng mình là người vô tội mà đã có tội thì chúng ta phải ăn năn. Ăn năn vì vậy dành cho tất cả mọi người, không chừa một ai”. (nguồn: internet).

“Thiên Chúa là tình yêu” thế nên, Người rất muốn mọi người ăn năn sám hối. Qua môi miệng ngôn sứ Edekien, Thiên Chúa có lời phán truyền, rằng: “Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó ăn năn sám hối để được sống.” (Ed 33, 11).

Đối với Đức Giê-su ư! Vâng, Ngài cũng đã coi việc sám hối là điều hệ trọng. Khởi đầu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Vào một ngày nọ, Ngài còn tuyên bố: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15, 7).

**
Vâng, cái số “chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”, vào thời Đức Giê-su còn tại thế, nhiều vô kể. Họ cho rằng, những người gặp tai ương hoạn nạn thường là do tội lỗi của người ấy gây ra. Họ cho rằng, những con người đó bị Thiên Chúa phạt.

Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại: Một ngày nọ, có một số những ông kẹ công chính “kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng”, với mục đích xem Ngài có phản ứng ra sao.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã nói với họ rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.”

Và, như một lời khuyến cáo mạnh mẽ, Ngài kể ra một trường hợp khác đầy thương tâm, đó là chuyện “mười tám người bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết.” Mười tám người này, Đức Giê-su nói: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao?”

Trước sự thinh lặng của mọi người, Đức Giê-su thẳng thắn nói lại điều Ngài đã nói: “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

***
Tai ương, hoạn nạn xảy đến với con người ư! Vâng, Đức Giê-su nói: “…là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện”. Công-trình-của-Thiên-Chúa-được-tỏ-hiện, chứ không phải là vì người đó “tội lỗi”.

Thánh Phao-lô, với con mắt đức tin, đã có lời dạy rằng: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức, nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1Cor 10, 13).

Ông Gióp, như một điển hình. Vâng, theo Kinh Thánh ghi lại: “Ông (Gióp) là một con người vẹn toàn và ngay thẳng”. Ông còn “kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (x.G 1, 1).

Thế mà, tai ương, bất hạnh, khổ đau lại ập xuống gia đình ông ta. Chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bò lừa, lạc đà bị cướp hết, chiên dê bị lửa thiêu rụi hết. Chưa hết, bảy người con trai và ba người con gái, khi “đang ăn tiệc trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà, nhà sập xuống đè trên đám trẻ, họ chết hết”.

Thảm thương là vậy, thế nhưng, ông ta vẫn không hề “buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa”. Còn nữa, ngay chính bản thân ông, dù bị “ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu”, ông vẫn không một lời than van.

Trước lời nhạo báng, chế diễu, xúi giục của bà vợ, rằng “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi”. Ông lớn tiếng đáp rằng: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao!” (x.G 2, 10).

Tuy vậy, trước những đau khổ “quá lớn” như thế, ông than rằng: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi chào đời, cũng như đêm đã báo: Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi… Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ”.

Than thở nhưng không tuyệt vọng. Ông tìm đến Chúa với lời nỉ non: “Tôi sẽ thưa với Chúa: Xin đừng kết án con, xin cho con biết tại sao…?” Và rồi, Thiên Chúa, qua môi miệng ông Ê-li-hu, nói với ông rằng: “Kiên nhẫn thêm chút nữa… Thiên Chúa dùng cái nghèo để giải thoát người nghèo, dùng khổ đau mà mở mắt họ” (x.G 36, 1… 15).

Vâng, Gióp đã kiên nhẫn, và rồi, trước mặt Thiên Chúa, ông thú tội mình: “Con biết rằng, việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà không thành tựu”. Rồi ông thú nhận rằng: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến”.

Cuối cùng, ông làm điều, điều mà mọi Ki-tô hữu đều làm vào ngày thứ tư Lễ Tro, đó là: “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42, 6).

****
Như ông Gióp năm xưa, hôm nay chúng ta cũng hãy sấp-mình-thống-hối-ăn-năn.

Hãy biết rằng: “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội. Và không trả cho ta theo lỗi của ta”.

Hồi ấy, Đức Giê-su có kể một dụ ngôn mô tả sự đại lượng và chan chứa tình thương của Thiên Chúa. Dụ ngôn được kể như sau “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy…”. (x.Lc 13, 6).

Chỉ… chỉ là một câu nói ngắn ngủi, chúng ta cũng có thể nhận ra sự kiên nhẫn của “ông chủ vườn nho”. Này nhé, theo luật Lêvi, người Do Thái được dạy, khi “trồng bất cứ một cây ăn trái nào, thì các ngươi sẽ kể trái nó là chưa cắt bì; trong ba năm các ngươi phải coi trái nó là chưa cắt bì, không được ăn. Năm thứ tư, mọi trái nó sẽ được thánh hiến trong một buổi lễ mừng ĐỨC CHÚA. Năm thứ năm, các người được ăn trái nó” (x.Lv 19, 23).

Như vậy, theo lời ông chủ nói “đã ba năm nay tôi ra cây vả này”, thì giá chót, cây vả này cũng đã được trồng sáu năm… Sáu năm kiên nhẫn đợi chờ… vẫn không thấy trái. Thế là, ông đã ra lệnh “anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất”. (x.Lc 13, 7).

Người làm vườn có chặt không? Thưa không. Nếu chặt, thì câu chuyện còn gì để nói tới. Nếu chặt, thì còn đâu để chúng ta nhìn thấy hình ảnh một Thiên Chúa “đại lượng và chan chứa tình thương!”

Hôm đó, người làm vườn nho, đã nói với ông chủ: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi” (x.Lc 13, 8-9).

Câu chuyện kết thúc, không thấy tác giả nói đến sự phản đối của ông chủ vườn nho. Vâng, điều này gợi cho ta nhớ đến lời Thánh Phao-lô, có nói: “Trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm” (Rm 3,…25).

*****
Hai thảm kịch và một dụ ngôn, chúng ta rút ra được điều gì! Phải chăng là “hãy sám hối và hãy sinh hoa trái”! Thưa, đúng vậy.


Nói tới việc sám hối… có ai trong chúng ta là người không có tội! Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu thành Roma, có nói: “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (x.Rm 3, 23). Tông đồ Gia-cô-bê có lời, rằng: “Kẻ nào biết làm điều lành mà không chịu làm, thì mắc tội” (x.Gc 4, 17).

Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, có lời tuyên phán: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận. Tội các ngươi, dẫu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa hồng điều, cũng hóa trắng như bông.” (Is 1, 18).

Vâng, hôm nay, chúng ta hãy-đến-đây… đến tòa-giải-tội. Nên “thu xếp đi xưng tội, bởi lẽ Bí Tích Giải Tội là một phần quan trọng trong việc dọn lòng đón mừng Chúa Phục Sinh”. Cha Charles E.Miller đã có lời khuyên dạy, như thế.

Chính việc sám hối (đi xưng tội), nó sẽ loại bỏ được những “con sâu độc hại”, đại loại như: sâu-bất-hòa, sâu-hận-thù, sâu-ghen-tuông, sâu-nóng-giận, sâu-tranh-chấp, sâu-bè-phái, sâu-chia-rẽ, và quan trọng đối với quý ông, đó là: sâu-rượu v.v… ra khỏi cây vả Ki-tô hữu của mỗi chúng ta.

Khi những con sâu độc hại nêu trên đã được loại bỏ, có phần chắc, cây vả Ki-tô hữu của mỗi chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái, hoa trái “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”

Hãy tưởng tượng xem, nếu những hoa trái nêu trên, nở rộ tràn ngập trong mảnh vườn gia đình chúng ta, chẳng phải là chúng ta sẽ có một gia đình hạnh phúc, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu, sao!

Có một điều, tưởng chúng ta cần lưu ý đến, đó là: muốn những hoa trái nêu trên luôn tươi tốt, luôn nở rộ… đừng quên “vun xới và bón phân”. Vâng, hãy vun xới và bón phân bằng Thánh Thể và Thánh Kinh.

Một cách cụ thể, hãy đến nhà thờ, nơi đó chúng ta sẽ gặp được những vị linh mục, là những người làm-vườn-nho của Chúa, các ngài sẽ vun xới và bón phân cho những cây vả Ki-tô hữu của mỗi chúng ta, qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể và Phụng vụ Lời Chúa.

Thời gian… thời gian không chờ đợi chúng ta. Năm nay… “mùa chay năm nay” sắp sửa kết thúc rồi. Kết thúc mà cây vả Ki-tô hữu của mỗi chúng ta “tìm trái… (vẫn) không thấy” thì… nguy to. Ông CHỦ “sẽ chặt nó đi”, đấy nhé! Thế nên, ngay hôm nay, hãy xem sám hối như là nhu cầu cấp thiết của mỗi chúng ta.

Vâng, hãy nói: Sám hối là nhu cầu của tôi.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2025

Đi nhà thờ… là vâng lời Chúa

 Chúa Nhật – II – MC – C

Đi nhà thờ… là vâng lời Chúa

tbd 150325a


Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại, chúng ta được biết, sau khi ông An-rê là anh ông Si-mon Phê-rô, dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su, và Đức Giê-su đã nói với ông Si-mon rằng “anh sẽ được gọi là Kê-pha”, Ngài quyết định đi tới miền Ga-li-lê.

Tại Ga-li-lê, Đức Giê-su gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.” Ông Phi-líp-phê không chỉ đi theo, mà còn gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”

Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-lip-phê trả lời: “Cứ đến mà xem”. Hai ông đã đến gặp Đức Giê-su, và rồi ông Na-tha-na-en đã phải kinh ngạc khi Đức Giê-su nói: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”

Nghe thế, ông Na-tha-na-en đã nói lên một điều mà từ trước tới nay, chưa một ai dám khẳng định: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Israel”. Trước lời nói của ông Na-tha-na-en, Đức Giê-su không xác định một cách trực tiếp, nhưng gián tiếp, Ngài nói: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”

Chưa dừng ở đó, Ngài còn tuyên bố: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời mở rộng, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Vâng, điều Đức Giê-su nói với Phi-líp-phê và Na-tha-na-en, đã xảy ra. Lần thứ nhất, tại sông Gio-dan, vào hôm Đức Giê-su chịu phép rửa, khi “Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (x.Mc 1, 10-11).

Và, lần thứ hai… lần thứ hai là trên một ngọn núi. Sự kiện này, đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 9, 28b-36).

**
Theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại: Hôm ấy “Đức Giê-su lên núi cầu nguyện”. Ngài: “đem theo các ông Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê”.
Lên núi cầu nguyện là một việc Đức Giê-su thường thực hiện. Và, sẽ chẳng có gì để nói nếu hôm ấy không xảy ra một hiện tượng… chưa từng xảy ra từ trước tới giờ.

Chuyện là thế này, hôm ấy, đang lúc Đức Giê-su cầu nguyện, “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người.”

Hai người đó “…là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” (x.Lc 9, 31).

Vâng, Đức Giê-su đã từng tuyên bố với các môn đệ, rằng Ngài sẽ lên Giê-ru-sa-lem “chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”

Lần tuyên bố đó, ông Phê-rô can ngăn. Và, Đức Giê-su đã dạy cho ông một bài học rằng: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”

Còn hôm nay, ông Phê-rô đâu, sao không ra góp chuyện với Mô-sê và Ê-li-a! Thưa, chuyện được ghi lại rằng: “Ông Phê-rô và đồng bạn ngủ mê mệt”.

Đừng! Đừng vội cười ba vị này nhé! Bởi biết đâu, không ít lần, chúng ta “ngái ngủ” trong lúc đang tham dự thánh lễ! Bởi biết đâu, đã có lần, chúng ta “ngủ mê mệt” trong khi vị chủ tế đang giảng dạy trên tòa giảng!

Trở lại câu chuyện, hôm đó, sau khi ba vị môn đệ có một vài phút thả hồn vào cõi mộng mơ, mơ thấy “trăm con chim mộng về bay đầu giường”, các ông bừng tỉnh.

Và, “khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người” (x.Lc 9, ...32). Thánh sử Luca, người ghi lại biến cố này, tuy không nói ra, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, ba vị môn đệ, chắc hẳn rất kinh ngạc vô cùng.

Mà, làm sao không kinh ngạc cho được! Hai nhân vật đứng bên Đức Giê-su là ông Mô-sê và ông Ê-lia. Hai vị này là những người, vào thời các môn đệ, chỉ được biết đến “qua Kinh Thánh” Sao… sao hôm nay, hai ông lại đang “nói lời từ biệt”, với Đức Giê-su!

Hôm ấy, ông Phê-rô nhìn thấy rất rõ ràng, “hai vị này (đang) từ biệt Đức Giê-su”. Ông vội vàng nói với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông Ê-li-a” Nói xong, ông Phê-rô “không biết mình đang nói gì”…

Trong lúc “ông còn đang nói, thì có một đám mây bao phủ các ông”. (Và) “khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ.” Trong cơn hoảng sợ, các ông nghe rõ mồn một: “Từ đám mây có tiếng phán rằng: Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9, 35).

Sau khi tiếng phán vừa dứt, chuyện kể tiếp rằng: “chỉ còn Đức Giê-su.” Mô-sê và Ê-li-a đâu rồi! Ba vị môn đệ, chúng ta có thể tưởng tượng, như những “con nai vàng ngơ ngác”. Đúng! Các ông ngơ ngác nhìn nhau, không biết phải làm gì ngoài việc “nín thinh”.

Vâng, các ông đã nín thinh… “và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9, …36).

***
Đừng ngạc nhiên khi ba vị môn đệ đã không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy. Tại sao? Thưa, theo thánh sử Mát-thêu cho biết, thì chính Đức Giê-su là người đã nói với các môn đệ rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.” (Mt 17, …9). Và, ba vị môn đệ Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê đã “Vâng nghe lời Người”.

Thật ra, nói cho mọi người biết về thị kiến mình đã thấy, (sau này) ông Phê-rô có nói đấy chứ!. Ông nói rằng: “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến. Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người” (2 Pr 1,16-18).

Tin Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” cùng với việc “Vâng nghe lời Người”, đó không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, một lệnh truyền từ Thiên Chúa.

Chính vì thế, sau này, tông đồ Phê-rô mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Chính ông chứ không ai khác, khi đã được “biến đổi” thành tay-lưới-người, ông đã vâng nghe lời Người cho đến chết, để vẽ lại “dung mạo” một Đức Giê-su Ki-tô, đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.

“Tháng 8 năm 64, Hoàng đế Nero bắt đầu bách hại giáo dân Ki-tô giáo. Theo một truyền tụng, Phê-rô quyết định đi khỏi Rôma tìm nơi trú ẩn. Nhưng trên con đường Appia, gần cửa Capena, ông đã gặp Chúa Giêsu vác thập giá trên vai. Phêrô hỏi: ‘Lạy Chúa, Chúa đi đâu?’ (Quo Vadis, Domine?). Chúa Giê-su đáp: ‘Thầy vào thành Roma để chịu đóng đinh một lần nữa’. Phêrô hiểu ra ẩn ý của Chúa. Ông trở vào thành và chịu tử đạo.” (nguồn: internet).

Phê-rô đã lên “Núi Thánh Giá” như Thầy Giê-su. Ông đã “Vâng nghe lời Người”.

****
Hôm nay, chúng ta bước vào Chúa Nhật II – Mùa Chay. Với CN I – MC, chúng ta được mời gọi cùng Đức Giê-su “vào hoang địa” sống chay tịnh và nguyện cầu. Còn Chúa Nhật hôm nay? Thưa, hãy cùng lên núi với Đức Giê-su.

Đừng… đừng bao giờ nghĩ rằng, phải lặn lội qua tận Palestin, lên núi Tabor. Đừng quan trọng hóa vấn đề, rằng thì-là-mà chúng ta sẽ lên Núi Cúi hay Tàpao v.v… Lên núi cùng Chúa hôm nay, đó là đến “nhà thờ”.

Đến nhà thờ, chúng ta sẽ được nghe tiếng Thiên Chúa phán truyền, qua phần phụng vụ Lời Chúa, được trích thuật trong Thánh Kinh. Đến nhà thờ, chúng ta sẽ thấy, Đức Giê-su hiển dung, qua Bí Tích Thánh Thể.

Thánh Kinh sẽ giúp chúng ta nhận ra Đức Giê-su chính là Con Một Thiên Chúa. Ngài “đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ (Ngài) mà được cứu độ.” (x.Ga 3, 17). Thánh Kinh “soi sáng” cho ta biết “Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Thánh Kinh “chỉ dẫn” cho ta biết, tất cả chúng ta là “tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su” (x.Ep 2, 10).

Nhiều… rất nhiều lời Chúa phán truyền cho chúng ta trong Thánh Kinh. Vì thế, hãy tìm cho mình một quyển Thánh Kinh, để mỗi ngày chúng ta được nghe lời Chúa phán dạy.

Còn Thánh Thể ư! Vâng, nói tới Thánh Thể, cha Charles E.Miller có lời dạy rằng “Mình và Máu Thánh Chúa trong Bí Tích Thánh Thể nuôi dưỡng ta trên đường đến với định mệnh của mình… Trong khi phép Rửa cho chúng ta được bắt đầu thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, Bí Tích Thánh Thể sẽ kiện toàn và bổ sung cho Bí Tích Thánh Tẩy… Bởi lẽ, Mình Thánh Chúa là bí tích cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô.”

Và, tưởng chúng ta đừng quên, còn là một ơn phước Chúa ban: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết.”
Thế nên, chúng ta đừng “lên núi” (đi nhà thờ) một năm một lần. Hãy “lên núi” mỗi ngày mỗi tuần.

Lên núi mỗi ngày, mỗi tuần… chúng ta sẽ thấy Chúa Giê-su hiển dung mỗi ngày mỗi tuần. Thấy Chúa hiển dung mỗi ngày mỗi tuần, nó sẽ là nguồn cảm hứng để chúng ta mở lời tâm tình với Ngài, rằng: “Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi mắt con. Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con. Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con. Xin cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.” (Rabbouni).

Đức Giê-su rất muốn chúng ta lên-núi-cùng-Ngài. Nói rõ hơn, đó là đi nhà thờ và gặp Ngài nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Xưa, Ngài đã chẳng từng nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, đó sao!

Như vậy, theo lệnh Chúa Giê-su, chúng ta hãy vâng lời Chúa lên núi. Hãy vâng lời Chúa đi nhà thờ. Nói cách khác: “Đi nhà thờ… là vâng lời Chúa”.

Petrus.tran

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Có gươm Thần Khí, ta sẽ thắng cám dỗ.

 Chúa Nhật – I – MC – C

Có gươm Thần Khí, ta sẽ thắng cám dỗ

tbd 090325a


Cám dỗ là gì? Thưa, theo định nghĩa chung, cám dỗ có nghĩa là: “khêu gợi lòng ham muốn đến mức làm cho sa ngã”. Một tác giả (vô danh) chia sẻ trên internet, rằng: “Cám dỗ là sự lôi kéo, thúc dục, khơi gợi lòng ham muốn của bạn thực hiện một điều gì đó đến mức sai trái, sa ngã vào nó. Cám dỗ cũng có thể hiểu là một hiện tượng nổi lên trong cuộc sống khiến bạn chạy theo nó mà không nghĩ đến hậu quả sau này.”

Nói đến cám dỗ, có thể nói rằng, đó là điều không ai tránh khỏi, khi còn sống trên thế gian này. Ông Gióp, một nhân vật được nói đến trong Cựu Ước, đã có lời nhận định, rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Là một Ki-tô hữu, có phần chắc, không ai trong chúng ta lại không muốn mình vượt qua được cơn cám dỗ. Có điều, đôi khi lực bất tòng tâm. Nói, theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19).

**
Đức Giê-su, vì mang “bản tính con người”, nên Ngài cũng đã không tránh được việc “chịu cám dỗ”. Thật vậy, theo Tin Mừng thánh Luca ghi lại: Sau khi chịu phép rửa, “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ.”

Quỷ đã cám dỗ Đức Giê-su điều gì? Thưa, khi phát giác “trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói”, quỷ đã không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này. Nó lân la đến và gợi ý với Đức Giê-su rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”

Đói, thì kiếm miếng ăn. Khát, thì kiếm nước uống, đó là điều tất nhiên. Thế nhưng, Đức Giê-su đã không chiều theo lời gợi ý của quỷ, một lời gợi ý nói lên bản chất của một con người ích kỷ, chỉ biết phục vụ cho tiện ích cá nhân của mình.

Hôm ấy, Ngài đã đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.

Không nản lòng, quỷ tung chiêu thứ hai. Đó là: “quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.”

Chiêu này, nếu để ý một chút, chúng ta sẽ thấy rõ bản chất xảo quyệt của nó. Này nhé! Thiên Chúa là Đấng có toàn quyền trên trời dưới đất. Đức Giê-su là Con của Người. Thế thì, chẳng lẽ Thiên Chúa Cha lại không trao quyền cai trị cho Ngài!

Ôi! Quỷ ơi là quỷ! Đúng là “của người phúc ta… lấy xôi làng đãi ăn mày”. Vâng, hôm ấy, một lần nữa Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Kiên trì cám dỗ, đó là sở trường của quỷ. Thế nên, “Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!”.

Kèm theo lời xúi giục, y buông lời khuyến khích: “Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”

Vâng, nghe có vẻ rất hợp lý. Thế nhưng, Đức Giê-su đã không mắc lừa quỷ. Từ trên nóc Đền Thờ… mà gieo mình xuống… liệu có quan trọng hơn việc “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, (Ngài) đã từ-trời-xuống-thế”! Đúng là… quỷ quái ranh ma!

Hôm ấy, Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

***
Ba lần cám dỗ với những lời gợi ý đầy mánh khóe, không đem lại hiệu quả trước một Giê-su tràn đầy Thánh Thần và thấm nhuần Lời Thiên Chúa.

Thật vậy, không phải Đức Giêsu không thể dùng quyền phép truyền-cho-hòn-đá-này-hóa-thành-bánh. Điều Đức Giêsu sẽ “truyền” (sau này), chính là truyền cho tấm bánh và chén rượu trở thành “Mình Máu Thánh Ngài, để tưởng niệm cách sống động hy tế của Người trên thập giá vì lợi ích của chúng ta”. Cha Charles E. Miller, trong một bài giảng, đã có lời chia sẻ như thế.

Tiếp đến, Đức Giê-su đến thế gian không phải để làm vua thế gian. Thế nên, những hứa hẹn về quyền hành của quỷ là điều vô nghĩa đối với Ngài.

Cuối cùng, Đức Giê-su vào hoang địa không phải là để biễu diễn võ thuật qua những màn nhào lộn. Ngài vào hoang địa là để chay tịnh.

Thật không may cho quỷ. Đức Giê-su là bậc thầy về Kinh Thánh. Mỗi chiêu trò cám dỗ quỷ tung ra, Ngài chống lại bằng những lời được ghi trong Kinh Thánh. Chính những lời Kinh Thánh đã đem lại cho Đức Giê-su sự chiến thắng vẻ vang, trước những chiêu trò bịp bợm của quỷ.

****
Vâng, Đức Giê-su đã chiến thắng, bất chấp quỷ đã “xoay hết cách để cám dỗ” Ngài. Và rồi, quỷ đã bỏ đi. Đi… nhưng quỷ vẫn “chờ đợi thời cơ” để trở lại.

Và, thực tế là nó đã trở lại. Nó đã trở lại với những chiêu trò cám dỗ tinh vi hơn, ma quái hơn. Nó đã “cập nhật hóa sự cám dỗ” cho hợp với xu thế thời đại, đại loại như “(hút) điều hòa kinh nguyệt” chứ nào phải phá thai!

Nó đã khoác lên người mình những chiếc áo khoác quảng bá cho một nền văn hóa sự chết, một nền văn hóa tự do hôn nhân đồng tính, tự do ly dị, tự do phá thai v.v… Nó vẫn lớn tiếng phỉnh gạt rằng thì-là-mà “Chẳng chết chóc gì đâu!”

Phải coi chừng. Phải tỉnh thức và cầu nguyện. Đức Giê-su đã có lời truyền dạy như thế: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ.” (Mc 14, 38).

Trong cuốn sách “Gương Chúa Giê-su” Thomas à Kempis có viết: “Bao lâu còn sống ở đời, ta còn phải chịu hoạn nạn và cám dỗ.”
Đúng vậy, chúng ta không thể tránh khỏi những chước cám dỗ, nhưng chúng ta có thể chiến thắng sự cám dỗ. Chúng ta có thể chiến thắng, nếu chúng ta chiến đấu như cách Đức Giê-su chiến đấu.

Mà, phương cách Đức Giê-su chiến đấu và chiến thắng được sự cám dỗ của quỷ, chẳng phải là dựa vào Lời Chúa, sao! Chẳng phải là Ngài đã ba lần lớn tiếng nói: “Đã có lời chép rằng”, đó sao!

Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta theo gương thánh Phao-lô, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm, 10, 8). Bởi vì, chỉ khi Lời Thiên Chúa ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, chúng ta mới có thể củng cố được đức tin, đức cậy và đưc mến.

Củng cố được đức tin, đức cậy và đức mến nó chính là sự khởi đầu cho việc chúng ta chỉ biết “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”.

Một khi chúng ta chỉ biết “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”, khi đó “lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn”, có phần chắc, chúng ta sẽ sợ mất linh hồn hơn là mất phần lãi thế gian cho.

Khi chúng ta sợ mất linh hồn hơn là mất phần lãi thế gian cho, khi đó những món quà quỷ hứa ban cho những ai bái lạy nó, có giá trị cách mấy, đối với chúng ta chỉ là rác rưởi, mà thôi.

*****
Quỷ vẫn luôn chờ thời cơ. Chúng ta cũng chờ thời cơ. Và hôm nay, thời cơ đã đến với chúng ta. Vâng, mùa chay là “thời cơ” để chúng ta “kiểm lại túi hành trang” túi hành trang mà mình mang trên vai cho cuộc hành trình về Nước Trời.

Hãy loại bỏ ra khỏi túi hành trang của mình những cái gì được cho là có hại đến đức mến, đại loại như: hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẻ, bè phái, ganh tỵ. Hãy loại bỏ những gì được cho là vi phạm điều răn thứ sáu, đại loại như: dâm bôn, phóng đãng.

Hãy để lại trong túi hành trang của mình các giá trị hợp với mười điều răn Đức Chúa Trời. Hãy để lại những hoa quả của Thần Khí, đó là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”

Cuối cùng, đừng quên… đừng quên một quyển Kinh Thánh. Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa. Vâng, Lời Thiên Chúa, thánh Phao-lô nói đó là “gươm của Thần Khí ban cho” (Êp, 6, …17) Có gươm-của-Thần-Khí trong túi hành trang của mình, quỷ nào cám dỗ được chúng ta!

Có gươm Thần Khí, ta sẽ thắng cám dỗ.

Petrus.t

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...