Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Gia trang Nazareth... Gia Thất Thánh ...

Gia Trang Nazareth - Gia Thất Thánh.



Bốn Chúa Nhật của trông mong và đợi chờ rồi cũng trôi qua. Lễ Giáng Sinh đã đến. Hầu như ở bất cứ nhà thờ nào cũng đều có đông đảo tín hữu tham dự. Phụng Vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ Giáng sinh đã thuật lại đầy đủ về một “tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân… Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra… Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng : vì sao khi sai Con-Một đến thế gian ... Thiên Chúa lại không đến thế gian như một vị thần linh với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa !!! Mà Ngài đã phải đến thế gian bằng hình hài một hài nhi được sinh ra bởi một Trinh Nữ tên là Maria với người cha là Giuse !?

Một thắc mắc mà chắc hẳn ai trong chúng ta đều có thể trả lời rằng; chỉ vì “lung linh… lung linh hai tiếng gia đình”…

Thật vậy, ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã tạo dựng một gia đình hoàn thiện. Nhưng vì gia đình đó đã phạm tội bất tuân. Chính sự bất tuân đó đã dẫn đến sự đổ vỡ trong gia đình. Những bất đồng đã xảy ra dẫn đến vụ án Cain đã giết em ruột của mình là Abel. Nó như là đỉnh điểm của sự đổ vỡ.

Tại Belem; Thiên Chúa “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” trong một gia đình có “bà Maria; ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Hình ảnh đó nói lên một điều rằng; Thiên Chúa muốn dùng gia đình này như là mẫu mực để thánh hóa và phục hồi lại giá trị của gia đình mà xưa kia tổ tông con người đã đánh mất…

Nơi Belem. Một gia đình mới đã hình thành. Một gia đình gồm những thành viên là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Sự vâng lời của Maria ““xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Và sự vâng phục của Giuse sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy” đã biến gia trang Nazareth ; nơi được mô tả là “làm sao có cái gì hay được” trở thành nơi có một Gia-Thất-Thánh.

Cũng chỉ là những con người bình thường; nhưng nhờ sống-bởi-đức-tin Gia thất Thánh đã vượt qua biết bao hiểm nguy rình rập. Nhờ tin lời sứ thần Chúa; Gia thất thánh đã vượt thoát khỏi sự truy sát của bạo chúa Herode. Nhờ sống bởi đức tin; đã bao lần ông cứu được gia đình. Và hơn thế nữa; ông đã cứu biết bao “bàn thua trông thấy” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Một gia trưởng như thế; chẳng có gì ngăn cản chúng ta gọi gia thất của ông là một Gia-Thất-Thánh; một gia thất mẫu mực để mọi người noi theo…

Một chút tâm tình…

Có rất nhiều điều chúng ta có thể lĩnh hội qua câu chuyện Thánh Giuse “đưa Hài Nhi Giêsu và mẹ người trốn sang Ai cập”. Một trong những điều đẹp nhất và cần lĩnh hội nhất đó là hình ảnh người cha Giuse luôn sát cánh bên gia đình.

Kể từ sau khi nghe lời sứ thần Chúa “đón vợ về nhà”. Thánh Giuse vẫn luôn sẵn sàng “trỗi dậy” đưa đi đón về Gia Thất Thánh của mình. Từ Nazareth đến Belem ; từ Belem qua Ai cập; từ Ai cập về Israel và cuối cùng lại là Nazareth .

Một văn hào đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó!”. Vâng, chắc hẳn Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria cảm nhận rõ nơi chốn bình an nhất của họ chính là sự hiện diện của Giuse bên cạnh gia đình mình.

Người ta cho rằng Thánh Giuse chết sớm. Thánh Kinh không thấy ghi chép lại. Nhưng cho dù có đúng như thế; thánh Giuse vẫn mãi luôn ở bên cạnh Gia Thất Thánh của Ngài. Bởi vì Thánh Kinh có chép rằng : “Người cha dù có tắt thở, họ cũng chưa chết, vì đã để lại đứa con giống hệt mình (Hc 30,4).

Một phút suy tư…

Có một điều hết sức nghịch lý. Ngày nay, nhiều gia đình người cha người mẹ vẫn còn sống nhưng họ như đã chết.

… Họ đã chết vùi bên những phi vụ kinh doanh béo bở… Họ đã chết vùi bên những chiếu bạc thâu đêm… Họ đã chết bên những ly rượu, trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Họ đã chết mê chết mệt bên những vũ-nữ-thân-gầy… bên những người tình không chân dung…

Họ có biết đâu rằng; vẫn còn đó những Herode-thời-đại… vẫn còn đó những cuộc truy sát tập thể những con trẻ ngây thơ; bởi những game online bạo lực, bởi những website-đen… đen như mõm chó…

Họ có biết đâu rằng; những Herode-thời-đại vẫn rình rập bức tử những con trẻ ngây thơ bằng những thần tượng ảo… những thần tượng quái dị kiểu Harry Potter…

Là một Kitô hữu; hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và tự hỏi rằng; những trường hợp nêu trên có rơi vào gia đình chúng ta !?

Nếu không ! Tạ ơn Chúa. Và hãy nhớ lời thánh Phaolô khuyên nhủ : “Những bậc cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21).

Petrus.tran

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Giấc mộng vàng...

GIẤC MỘNG VÀNG...



Ba tuần của Mùa Vọng đã trôi qua. Lễ Giáng Sinh sắp gần kề. Tất cả mọi nhà thờ đều đã xuất hiện hang đá Belem . Nhiều gia đình Công Giáo cũng đã làm máng cỏ trước sân nhà của mình.

Chắc hẳn không một hang đá nào mà không đẹp và sinh động. Đẹp và sinh động không chỉ bởi những ánh đèn lung linh quanh máng cỏ với những cây thông cao chót vót đứng kề bên; nhưng còn đẹp và sinh động bởi những hình tượng Thánh Giuse – Mẹ Maria – Chúa hài đồng Giêsu.

Đặt những hình tượng đó trong hang đá không chỉ để tái hiện lại khung cảnh Belem xưa nhưng còn muốn nhắc cho mọi người biết rằng; Belem chính là tấm gương mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương.

Khi nói về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương. Vâng, người ta thường nghĩ tới Đức Maria và nhất là Chúa Giêsu.

Còn thánh Giuse thì sao ! Ngài có là con người mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương !!!

Hãy trở về miền Galile thành Nazareth với sự kiện sứ thần Chúa gặp gỡ Giuse qua giấc mộng. Chính cuộc gặp gỡ này đã phác họa ra chân dung một con người với tất cả mẫu mực nêu trên.

Câu chuyện được chép lại rằng : Ông Giuse đang mang tâm trạng khắc khoải về việc vì đâu Maria; người đã thành hôn với mình “đã có thai” trước khi về chung sống ! Và ông đang có ý định ca rằng : “thôi là hết anh đi đường anh” !

Thế mà sau khi sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông : “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu vì chính Người sẽ cứu dân Người…”.

Vâng, nhờ có "giấc mộng vàng"; Giuse đã xua tan mối ngờ vực cũng như cất đi những toan tính “bỏ Maria cách kín đáo” của ông.

Hình ảnh một Giuse, thực thi đúng những gì sứ thần truyền, “Đón vợ về nhà… Không ăn ở với bà , cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên là Giêsu”…

Những hình ảnh đó đã cho mọi người có một nhận định về ông; ông Giuse; quả là một con người mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương.

Vâng, hỏi sao Thánh Kinh khi chép về ông; lại đã nói rằng; Giuse – ông quả là một “người-công-chính”…

Một chút tâm tình…

Xưa kia, nếu thánh Giuse không vâng phục lời sứ thần truyền “Đón vợ về nhà” mình; thì Belem sẽ không có “vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,…6).

Ngày hôm nay cũng thế, niềm vui và hạnh phúc Đức-Giêsu- thật-là Đấng-phải-đến-và-đã-đến; sẽ không thể trọn vẹn nếu chúng ta; là những Kitô hữu; không “rước Chúa vào nhà” mình.

Belem chỉ có ý nghĩa khi có “Hài nhi Giêsu”. Cũng vậy, lễ Giáng sinh cũng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta có “Thiên Chúa ở cùng”.

Xưa kia, Thánh Giuse; qua giấc mộng gặp sứ thần Chúa: Ngài đã nhận ra Giêsu chính là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Hôm nay cũng vậy; chỉ khi đến Bàn Tiệc Thánh Thể; chúng ta mới nhận ra Chúa vẫn đang ở cùng chúng ta.

Một phút suy tư…


Qua câu chuyện “truyền tin cho ông Giuse”(Mt 1, 18-24) một câu hỏi được đặt ra là : Trong đời sống Kitô hữu; phải chăng có đôi lần chúng ta cũng “định tâm” bỏ Chúa…bỏ những việc làm phúc đức… bỏ chân lý và sự thật… Chỉ vì một vài lý do kinh tế… xã hội…v.v… !?

Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tìm đến Lời Chúa qua Thánh Kinh. Bởi vì Lời Chúa chính là “ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.

Và có tốt hơn chăng, trong những lúc nghi nan ngờ vực xâm chiếm tâm hồn mình… Vâng, hãy nhớ tới lời tuyên xưng của Thánh Phêrô : “Bỏ Thầy con biết theo ai. Vì Thầy có lời ban sự sống”.

Ba tuần của mùa vọng đã trôi qua. Thời gian không còn nữa.

Hãy tỉnh giấc như thánh Giuse đã tỉnh giấc. Hãy làm những điều Chúa dạy như “ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”…

Và cũng đừng quên rước-Chúa-vào-Belem-tâm-hồn-của-chính-ta.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Hãy giục lòng sám hối ...

HÃY GIỤC LÒNG SÁM HỐI...




Phụng vụ Thánh lễ bắt đầu tuần thứ hai Mùa Vọng. Ngoài bốn tuần chuẩn bị cho đại lễ mừng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu giáng trần. Giáo Hội còn dành riêng ba ngày; thường được gọi là tuần-tam-nhật; để tổ chức những buổi tĩnh tâm giảng phòng; hầu kêu gọi mọi thành phần tín hữu hãy xem xét lại tâm hồn mình trước ngày lễ trọng đại đó.

Khi nói tới những buổi tĩnh tâm giảng phòng; không thể không nhắc tới những nhà thuyết giảng. Có thể nói rằng; ngoài ơn Chúa tác động; vai trò của các nhà thuyết giảng rất quan trọng. Họ chính là chất xúc tác; tác động tâm hồn các tín hữu qua những lời thuyết giảng của mình.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, bất cứ ở thời đại nào, cũng đều xuất hiện những nhà thuyết giảng lừng danh. Nếu xưa kia là Thánh Phaolô; thì những thế kỷ sau này có Thánh Bernadine… Thánh Inhaxio… Thánh Đa Minh v.v.. Với ơn Chúa, các vị thuyết giảng này đã khiến cho biết bao con tim phải ray rứt mở lòng ra ăn năn sám hối.
………

Có một nhà thuyết giảng lừng danh khắp mọi thời đại. Và cứ đến Mùa Vọng; Giáo Hội không thể không nhắc đến tên ông ta. Vị thuyết giảng đó chính là Gioan.

Mùa Vọng đầu tiên; nếu có thể được gọi là như thế… Ông Gioan mà người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả. Từ miền hoang địa trở về. Không vào Hội Đường… Ông đứng bên sông Giodan với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu và rao giảng rằng : “Anh em hãy sám hối…”. (Mt 3,2).

Vâng, kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất trung, con người mất hết ơn lành. Con người “bị trục xuất ra khỏi vườn Eden ”. Con người trốn chạy Thiên Chúa. Từ “bụi đất con người sẽ trở về bụi đất”.(St 3, 19). Thế nhưng, dẫu cho con người đã bất trung và bội phản. “Thiên Chúa (vẫn luôn) là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (Thánh vịnh).

Tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua từng thời kỳ. Bắt đầu từ Ông Noe. Một “giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất (đã được) Thiên Chúa phán với ông Noe” (St 9, 16). Rồi từ Ap-ra-ham và trải qua các thời kỳ ngôn sứ. Một sứ điệp mới đã được loan báo rằng : “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử. Để rồi hôm nay, sứ điệp đó; sứ điệp về một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”; được ông Gioan Tẩy Giả lớn tiếng rao giảng rằng “nay đã đến gần”.

Những lời rao giảng đó cứ tưởng rằng chỉ là những tiếng kêu lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những tiếng hô vang của Gioan đã vang đến tận “Giêrusalem và khắp miền Giuđê…”. Nó đã lôi kéo nhiều người đến với ông. Trước một rừng người vây quanh ông; như một ngôn sứ; ông đã cất tiếng cảnh báo rằng : “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”… Và ông nhấn mạnh rằng : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi…”(Mt 3,10).

Những lời cảnh báo đó như xé toạc tâm hồn họ; đã thôi thúc họ “thú tội” và đã khiến cho tâm hồn họ “giục lòng sám hối”…

Dòng sông Giodan một phen dậy sóng… Không phải sóng nước; mà là làn-sóng-người bước xuống sông Giodan; để ông Gioan “làm phép rửa cho họ…”

Một chút tâm tình...

“Còn Đấng đến sau tôi. Quyền thế hơn tôi… Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”.(Mt 3,11).

Đây là một thông điệp không chỉ dành riêng cho Israsel xưa nhưng cũng dành cho chúng ta là những Kitô hữu hôm nay.
Thật vậy, “Đấng đến sau tôi” theo lời Gioan nói; nay đã đến. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga1,11).
Ngài cũng kêu gọi mọi người rằng : “anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).
Ngài cũng đã khẳng định rằng phải-tái-sinh. “Thật, tôi bảo thật… không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,3).
Sẽ thật là thảm hại nếu chúng ta chưa thanh tẩy bằng chính phép-rửa-trong-Thánh-Thần !!! Bởi vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).
Một phút suy tư…

Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta !? Mười… Hai mươi… Ba Mươi… Năm mươi ! Và đã bao lần chúng ta thực thi thông điệp “hãy sám hối và hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” !!!
Thiết kế một Hang đá với những ngọn đèn lung linh ! Có tượng thiên thần bé nhỏ quỳ bên tượng Chúa Hài đồng Giêsu ! Có cây thông cao vút với những trái châu lung linh muôn sắc muôn màu !!! Vâng, đó là một cử chỉ truyền thống tốt đẹp.
Thế nhưng, để thật sự tốt đẹp hơn nếu chúng ta thiết kế một hang-đá-tâm-hồn với ngọn đèn Lời Chúa, với những ánh lửa Thánh Thần và với một tinh thần sám hối thực sự.
Chỉ khi chúng ta thực hiện như thế. Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh mới thật sự là niềm vui có “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Một khi chúng ta “dọn sẵn” một hang-đá-tâm-hồn như thế. Hãy tin rằng không chỉ hôm nay Đức Giêsu đã ngự trị trong chúng ta. Mà ngày Ngài “ngự đến trong vinh quang”; niềm trông mong được ở “trong lòng tổ phụ Apraham” của chúng ta sẽ trở thành hiện thực.
Vâng, hãy giục-lòng-sám-hối như lời Gioan Tẩy giả kêu gọi. Kẻo Thiên Chúa nổi giận mà biến “hòn đá này trở nên con cháu ông Apraham” !!
Petrus.tran





Chủ Nhật, 28 tháng 11, 2010

Sự trông mong và niềm hy vọng...


Sự trông mong và niềm hy vọng.

Chỉ còn vài tuần nữa sẽ tới ngày Lễ Giáng Sinh và bước sang năm mới của Tây Lịch.. Có thể nói rằng cả thế giới đang háo hức chờ đợi ngày lễ trọng đại này. Chắc hẳn rằng nhiều người sẽ mua sắm, chưng diện, tiêu xài không thương tiếc cho một tuần cuối cùng của năm cũ. Chắc hẳn rằng nhiều người sẽ chờ đợi, trông mong và hy vọng sẽ nhận được những món quà quý giá từ người thân gửi tới. Và cũng chắc hẳn rằng có rất nhiều người đang chờ đợi, trông mong và hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cuộc đời của mình.

Với người Kitô hữu. Một năm mới không phải được bắt đầu bằng ngày mùng một tháng giêng nhưng được khởi đầu bằng một danh từ thân quen :“Mùa Vọng”. Mùa Vọng chính là mùa của chờ đợi, trông mong và hy vọng.

Sự chờ đợi, trông mong và hy vọng của người Kitô hữu không chỉ dừng lại ở những sự việc liên quan đến cuộc sống vật chất nơi trần gian. Người Kitô hữu còn hướng tới những sự việc liên quan tới tinh thần, tâm linh.

Thật phải đạo khi người Kitô hữu chờ đợi ngày đó để tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đấng Cứu Thế giáng trần.

Ngày mà có một “vì sao xuất hiện bên phương Đông” báo tin có một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”(Mt 2,2). Vị Vua đó được đặt tên là Giêsu. Ngài chính là “Emmanuel , nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(Mt 1,23).

Ngày mà muôn dân muôn nước tái lập lại lời ngợi ca : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”(Lc 2,14). Vâng, quả là “Phước cho nhân loại Chúa ta ra đời”...

Không chỉ chờ đợi để tổ chức một lễ kỷ niệm ngày giáng trần của Đức Giêsu một cách long trọng; người Ki tô hữu hôm nay còn trông mong và hy vọng về một ngày Đấng Cứu Thế sẽ đến lần thứ hai.

Sự trông mong và hy vọng đó được dựa vào chính lời Đức Giê su đã tâm tình cùng các môn đệ trong bữa tiệc ly rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

“Thầy sẽ gặp lại anh em”. Đó chính là trọng tâm của Mùa Vọng mà hôm nay toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng bắt đầu cử hành.

Một chút tâm tình…

Khi nói : “Rồi ít lâu nữa …”. Đức Giê su không khuyến khích người Kitô hữu tin vào lời bàn của những “Mao Tôn Cương thời đại” rằng thì là mà hôm nay…ngày mai …tháng này… năm tới… Thầy-sẽ-tái-lâm !!!

Khi Đức Giêsu nói : “Rồi ít lâu nữa”… Phải chăng đó là một hình thức nói nhấn mạnh !!! Và phải chăng chính cách nói đó đem lại cho chúng ta nhận thức rõ về việc phải luôn-sẵn-sàng và luôn-tỉnh-thức !!!

Qua bài diễn từ cánh chung; Đức Giêsu đã hé mở cho mọi người biết ngày Con Người quang lâm sẽ diễn tiến như thế nào.

Ngài đã khuyến cáo rằng : “Thời ông Nô-e thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” . Là một Kitô hữu; chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều biết rõ câu chuyện Đức Giêsu nêu trên…

Chỉ có một “cửa” duy nhất để chúng ta không nằm trong số “người bị bỏ lại” khi Đức Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết…

Vâng, đó chính là “hãy canh thức, vì (chúng ta) không biết ngày nào Chúa của (chúng ta) đến”. Và “hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút (chúng ta) không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24, 42… 44).
Một phút suy tư…
Bước vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. Phụng Vụ Lời Chúa trích Tin Mừng Matthew đoạn 24 từ câu 37 đến câu 44.

Đọc qua đoạn Tin Mừng này…Nào là “khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi tất cả”. Nào là “một người được mang đi, một người bị bỏ lại”… Quả là một bầu khí đầy bi quan và tang tóc !!! Phải chăng Mùa Vọng là… Mùa Tận Thế !!!

Thưa không, với những suy nghĩ trên, phải nói rằng, đó là cách suy nghĩ của những kẻ đọc Tin Mừng theo kiểu “cắt xén”… Mùa Vọng phải được gọi là Mùa của sự trông mong và niềm hy vọng

Hãy trở lại trích đoạn Tin Mừng nêu trên. Đức Giêsu có nói rằng : “Con Người sẽ đến”. Đó chính là cơ sở để chúng ta tin tưởng chờ đợi, trông mong và hy vọng về ngày Đức Giêsu quang lâm !!!
Trong bài diễn từ cáo biệt; Đức Giêsu đã nói rằng : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở, nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3).
Nếu lần thứ nhất; nơi hang đá Belem ; Con-Người-đã-đến; để trở thành nguồn ánh sáng và ơn cứu độ cho muôn dân. Thì lần thứ hai; Con-Người-sẽ-đến “đem theo lương bổng để trả cho mỗi người tùy theo việc mình làm” (Kh 22,12).
Chúng ta tin như thế !? Vâng, nếu chúng ta tin; hãy mừng vui và hãy ngước lên trời cao mà khẩn nguyện rằng : “Maranatha ! Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến” (Kh 22,20).

Petrus.tran



Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

JESUS... Vua của đời tôi.

Đức Giêsu… Vua của cuộc đời tôi !!!



Ngày 20.01.2009 vào lúc 12g06’ trưa (giờ Washington). Một rừng người quanh Đồi Capitol ở thủ đô Washington DC nín lặng trong thời khắc lịch sử khi ông Barack Obama đặt tay lên cuốn Kinh Thánh tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 44 của nước Hoa Kỳ.


Chức vụ tổng thống; lại là tổng thống Hoa Kỳ; là một chức vụ đầy quyền lực. Để chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng; ứng cử viên phải đối diện nhiều thách thức; những thách thức từ chính người cùng đảng phái; những thách thức từ đảng đối lập và cuối cùng là những thách thức trước những thủ đoạn thường thấy trong các kỳ vận động tranh cử.


Đó là chưa nói đến vị ứng cử viên đó phải bỏ ra hàng trăm triệu dollars để đánh bóng tên tuổi của mình qua những buổi diễn thuyết.


Cũng có những trường hợp; để trở thành vua chúa; để trở thành những vị tổng thống lãnh đạo quốc gia; có người đã dùng tới sức mạnh của đảng phái, của mánh khóe, của vũ lực và của quân đội… Đôi khi họ sẵn sàng giết chết vua của mình để đoạt ngôi vương… Sẵn sàng tiêu diệt vị đương nhiệm để lập tân chính phủ . Điều này thường xảy ra thời phong kiến…Và ngày nay không phải là không còn tái diễn…


…..


Thế nhưng, có một vị Vua đã lên ngôi vương. Ngài không dùng bạo lực. Không dùng mánh khóe thủ đoạn… Không dùng gươm đao… Không dùng quân đội “đảo chánh”… Không dùng sức mạnh đảng phái để “cướp-chính-quyền” !!!


Ngài đã lên ngôi vương bằng chính “tình yêu thương”. Một thứ tình yêu dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13). Vị Vua đó chính là Đức Giêsu Kitô.


Hãy trở về quá khứ của hai ngàn năm có lẻ. Vào thời hoàng đế Augusto trị vì. Tại thành vua David tức là Belem. Có một con trẻ đã được sinh ra và được đặt tên là Giêsu với lời tiên báo rằng : “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”(Lc 1,32-33).


Ba mươi ba năm sau; lời tiên báo đó đã thành sự thật. Nơi “Đồi Sọ”… Vâng, Đồi-Sọ… Giêsu đã đăng quang ngôi Vua.


Hãy trở về “Đồi Sọ” năm xưa và đồi Capitol hôm nay để chứng kiến hai cuộc đăng quang của hai vị “tân vương” !!! Về mặt địa lý hai ngọn đồi không xa lắm theo đường chim bay; nhưng về thời gian và không gian thì quả là “nghìn trùng xa cách” !!! Xa cách bởi tấm lòng con người !!!


Nếu ở đồi Capitol là một đám đông ước lượng hơn hai triệu người. Họ vui mừng trước ngày trọng đại của Obama vì chính họ đã bỏ lá phiếu để chọn ra vị tổng thống cho mình…


Thì ở “Đồi-sọ” cũng một rừng người… Nhưng không còn là những tiếng “Hosana ! Hosana ! Chúc tụng vua Israel”… Thay vào đó là những tiếng la hét… chế riễu… nhạo cười : “Hắn đã cứu người khác, thì hãy cứu mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn” (Lc 23,35).


Barack Obama sau lễ nhậm chức; ông ta ung dung “nhập hộ khẩu” vào số nhà 1600 đại lộ Pennsylvania; nơi tọa lạc Tòa Bạch Ốc. Đó là một biệt thự sơn màu trắng và được xây bằng sa thạch theo kiểu tân cổ điển với tất cả tiện nghi bậc nhất thế giới.


Thảm hại thay cho Tân Vương Giêsu… Là Vua nhưng không có ngai… Vương miện là một mão gai… Và thập giá chính là “Tòa Bạch Ốc” của Ngài… Kết thúc lễ đăng quang là một án tử “đóng đinh Người” vào thập giá… Lại còn mỉa mai bằng cách viết trên đầu Ngài dòng chữ “Đây là Vua…”!!!


Thật ra, cách mà con người đã tổ chức lễ đăng quang cho Ngài lại nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu – trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng - Ngài đã từng nói rằng : “Như ông Mose đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như thế…”


Phải-được-giương-cao-như-thế !!! Đức Giêsu nói tiếp rằng : “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,15).


Vô tình họ đã góp phần thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vô tình họ đã suy tôn Đức Giê-su “Là VUA”…


Một chút tâm tình…


Thực ra; không đợi họ suy tôn Đức Giêsu. Chính “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2, 9)…


Tặng-ban-danh-hiệu-trổi-vượt-trên-muôn-ngàn-danh-hiệu !!! Vâng, có danh hiệu nào vượt trên danh hiệu “Vua muôn Vua… Vua tình yêu”!!! Và ai… ai là người xứng đáng để nhận lãnh danh hiệu đó nếu không phải là Đức Giêsu – Con Thiên Chúa !!!


Hãy nhìn và hãy so sánh !!! Đang khi có người “bức tử” vua để tiếm đoạt ngôi vua. Giết người để làm vương… làm tướng !!! Thì Vua Giêsu : “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”(Pl 2,8). Chỉ vì để chuộc tội nhân loại.


Hãy nhìn và so sánh… Ai xứng đáng với danh hiệu “Vua tình yêu” ?! Barach Obama với khẩu hiệu ăn khách “Change, Yes, we can” (Thay đổi, vâng, chúng ta có thể !) mà nhờ đó ông đã tranh đoạt thắng lợi chiếc ghế Tổng Thống… Vâng, hơn một năm trôi qua “nhãn hiệu Obama” và lời hứa hẹn “thay đổi”… nhưng hôm nay đã thay đổi được những gì !?


Trong khi đó, Đức Giêsu, chẳng cần tuyên ngôn, chẳng cần khẩu hiệu, Ngài đã “change” cả thế giới. Thay đổi cả một xã hội con người. Từ chỗ con người mất “quyền-công-dân” Nước Trời… Nay “những ai tin vào danh Người” thì được trả lại “quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).


Một tên gian phi đã “được ở với (Vua Giêsu) trên Thiên Đàng” là bằng chứng sống động; cho thấy Đức Giêsu đã thực hiện đúng lời rao giảng của mình… “Tôi đến là để chiên được sống và được sự sống sung mãn”…


Thêm một nhân chứng sống động về sự đổi thay đó chính là tông đồ Phaolô. Ngài đã làm chứng rằng : Trước kia; khi còn “trong đạo Do Thái” – “tôi đã quá hăng say bắt bớ và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Chúa”…


Nhưng sau khi gặp Đức Giêsu trên con đường định mệnh – con đường Damas - thánh nhân đã “thay đổi” não trạng trên. Thay vì tiếp tục truy bắt những người theo Đức Giêsu. Ngài nhiệt thành trong việc “loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Pl 1,16).


Vâng, qua những gì Đức Giêsu đã nói và đã thực hiện. Thật phải đạo khi toàn thể Giáo Hội Công Giáo hôm nay đồng thanh cất cao giọng hát : “Ôi Giêsu ! Chúa Giêsu là Vua. Chúa muôn thuở là Vua muôn vua”.(trích nhạc phẩm : Giêsu Vua – tác giả Huyền Linh).


Một phút suy tư…


“Ông Giêsu ơi ! khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42). Nếu gọi đây là một lời cầu nguyện !!! Vâng, chắc hẳn không có lời cầu nguyện nào đẹp hơn lời cầu nguyện này...


Người gian phi; tuy chưa có một ngày là môn đệ Đức Giêsu; nhưng anh ta đã cảm nghiệm được rằng; vấn đề không phải là xin Đức Giêsu giải thoát mình khỏi thập giá… Nhưng “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”(MT 6,33).


Thật vậy; chỉ khi được – như lời tông đồ Phaolô nói – “đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái, trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,…13-14).


Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tự hỏi rằng : Có thật sự chúng ta tin rằng “Nhờ máu (Đức Giêsu) đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất” trong đó có chúng ta !!! (Cl 1,…20).


Chỉ khi tin như thế; chúng ta mới có thể trở thành “thần dân” của Ngài. Chỉ khi là thần dân của Đức Giêsu; chúng ta mới có thể cất tiếng gọi Ngài là Vua. Vua-của-tôi !!!


Một khi chúng ta gọi Ngài là “Vua của cuộc đời tôi”… Vâng, hãy tin rằng; trong ngày Ngài quang lâm; chúng ta “sẽ được ở với (Đức Giêsu) trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).


Petrus.tran  







Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

HÃY KIÊN TRÌ và đừng sợ hãi !!!

Cn 33 C : Hãy Kiên Trì và đừng sợ hãi !!!
Ngày 13.11.2009; hãng Columbia Picture cho ra mắt một cuốn phim với tựa đề là “2012”. Dựa vào sự kiện phát hiện bộ lịch của người Maya cổ, một dân tộc từng sống tại châu Mỹ và được cho là khá phát triển cho đến khi bị diệt vong vào khoảng năm 900. Họ đã để lại nhiều di sản, trong đó có bộ lịch cổ mà ngày cuối cùng trong đó là vào đúng ngày 21.12.2012 theo niên lịch hiện đại… Theo nhiều người, người Maya cổ đã tiên đoán đó là ngày kết thúc của nhân loại... Ngày tận thế !!! (nguồn : internet).

Qua bộ phim 2012; đạo diễn Roland Emmerich đã mô tả hình ảnh về một ngày tận cùng của trái đất bằng những thước phim đầy kinh hoàng và kịch tính đến nghẹt thở trong suốt chín mươi phút trình chiếu…

Có thể nói rằng; dư âm của cuốn phim thật là khủng khiếp. Nó đã gây hoang mang; lo lắng và ám ảnh hàng triệu triệu người, trong đó đa phần là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ sau khi xem xong bộ phim đã “xây xẩm mặt mày”… đầu óc lúc nào cũng hoang mang lo sợ và nghĩ rằng; sự sống của con người sẽ biến mất trong một ngày không xa !!!

……

Không riêng gì những người thời đại hôm nay. Các môn đệ của Đức Giêsu năm xưa; khi được Thầy của mình nói đến Ngày-tận-thế; cũng không khỏi băn khoăn và tự hỏi “cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế !” (Mt 24,…3).

Đối với Đức Giêsu, sự cần thiết để biết “bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra” không quan trọng cho bằng “đến Ngày phán xét (mọi người) sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói (hay đã làm)” mới là điều cần quan tâm đến !!!

Ngày tận thế hay còn được gọi là Ngày phán xét là điều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Và khi nói đến chương trình cứu độ của Thiên Chúa; không thể không nói đến tình yêu thương của Người.

Tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ qua việc Người “đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Trong bối cảnh con người khoe khoang về việc Đền Thờ được “trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng” mà lại quên đi ý nghĩa đích thực của việc thờ phượng Thiên Chúa là phải thờ phượng “trong thần khí và sự thật”; Đức Giêsu đã phải đau buồn mà nói rằng “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng…”. Vào ngày ấy – ngày tận thế - nó sẽ chẳng còn ý nghĩa nào trước mặt Thiên Chúa… Ngài nói tiếp rằng : Nó sẽ “bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”(Lc 21,6)…

Vấn đề không phải là cần biết ngày-và-giờ nào “Thầy quang lâm”! Điều quan trọng và cũng là tâm điểm của thông điệp mà Đức Giêsu muốn gửi đến các môn đệ; chính là hãy “bền chí đến cùng” tin vào Con Một tức là “tin vào danh Người” !!! Và dẫu cho “vì danh Thầy, anh em bị thù ghét” thì cũng “đừng sợ hãi”…

Nếu ngày ấy đến – ngày Thầy quang lâm – là ngày mai hay ngày mốt… thậm chí là nhiều năm sau nữa… mà anh em không còn “sự kiên trì” chờ đợi !!! Hỏi làm sao anh em có thể “giữ được mạng sống mình”…

Hãy kiên trì và đừng sợ hãi. Đức Giêsu đã khuyến cáo rằng : “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình” trong Ngày phán xét…

Một chút tâm tình…

“Ngày tận thế”… Với cái nhìn của người đời “trái đất sẽ nổ tung”… Và rằng “ tất cả các hành tinh trong hệ mặt trời sẽ xếp thẳng hàng dẫn đến cộng hưởng lực hấp dẫn làm suy yếu từ trường Trái đất và bức xạ Mặt trời sẽ quét sạch mọi sự sống”(nguồn internet).

Người đời còn tưởng tượng rằng : “đại dương sẽ nuốt chửng toàn bộ đất liền bởi Trái Đất sẽ nghiêng tới 180 độ. Công viên quốc gia Yellowstone bị gãy gập như một chiếc bánh rán vì bị hút vào tâm Trái Đất”.(theo mô tả trong phim 2012).

“Ngày tận thế”… Đối với những người tin vào Thiên Chúa, đó chính là ngày “Đức Giêsu tái lâm”. Ngày “đổi mới mọi sự”. Ngày mà “Từ trời… từ nơi Thiên Chúa mà xuống... Ngài sẽ lau sạch nước mắt. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa” (Kh 21,2…4).

“Ngày tận thế”… Đối với những người tin vào Đức Giêsu Kitô; cũng còn được gọi là “Ngày phán xét”. Ngày Thầy Chí Thánh Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”…

Thánh Thần Chúa; qua miệng lưỡi Ngôn sứ Malakhi; đã phán rằng “Vì này Ngày ấy đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy sẽ đến thiêu rụi chúng - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3, 19-20)…

“Những kẻ kính sợ Danh Chúa”. Vâng, Tông đồ Phaolô gửi đến một lời khuyên rằng : “Đừng sờn lòng nản chí” (2Tx 3,…13).

Một phút suy tư…

Trở lại bộ phim “2012”. Một cảnh quay mô tả “hình ảnh Tượng Chúa Cứu Thế ở Rio De Janeiro - Brazil sụp đổ trước hàng ngàn con người đang tuyệt vọng khẩn cầu”!!! Phải chăng hình ảnh đó một cách ẩn dụ mang tính tâm linh và tôn giáo mỉa mai rằng Chúa Giêsu bị đổ hàm ý rằng con người bây giờ không còn Chúa Trời bên cạnh trợ giúp nữa !!!

Đối diện trước những “tà thuyết” cho rằng “Thiên Chúa đã chết”… và rằng niềm tin vào “Đức Giêsu tái lâm” chỉ là huyền thoại !!! Vâng, là “những kẻ tin vào Danh Thầy Giêsu” chúng ta sẽ đối phó thế nào về những tà thuyết đó !? Phải chăng là hãy chuyên cần tham dự Phụng Vụ Thánh Thể và siêng năng nghe lời Chúa qua Thánh Kinh !!!

Đúng vậy, trong Phụng Vụ Thánh Thể, chúng ta không chỉ tuyên xưng “Chúa đã chết, Chúa đã sống lại, trong vinh quang mai Ngài lại đến..” mà chúng ta còn được – như lời Thánh Phaolô nói : “chính Chúa Kitô sống trong tôi”…

Chính-Chúa-sống-trong-tôi cùng với lời phán hứa của Ngài rằng “Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,2-3).

Chúng ta đã nghe lời Chúa phán hứa nhưng chúng ta đã đặt niềm tin vào Ngài chưa !? Nếu đã tin… Vâng, nếu đã tin, đừng-sợ-hãi khi phải tuyên xưng Danh Thầy trước mặt thiên hạ.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam chính là những tấm gương mẫu mực cho mỗi chúng ta. Chính niềm tin vào Danh Chúa, các Ngài đã vượt qua sợ hãi trước bạo quyền, bạo lực. Chính sự kiên trì vào lòng cậy trông, các Ngài đã “từng bao người anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu” (trích nhạc phẩm : Bài Ca Nghìn Trùng – Tác giả Kim Long).

Hãy nhớ lời Đức Giêsu đã truyền dạy : “Có kiên trì (trong niềm tin), anh em mới giữ được mạng sống mình” trong ngày Ngài quang lâm.
petrus.tran



Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

BÊN KIA THẾ GIỚI !!!

BÊN KIA THẾ GIỚI…


Sách Giảng Viên có chép rằng : “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. : một thời để chào đời, một thời để lìa thế” (Gv 3,1-2). Thật vậy; trải qua suốt dòng lịch sử con người. Mọi người đều có sinh và có tử. Lần đầu tiên sự chết đã được nhắc đến chính là lúc sự sống của con người bắt đầu xuất hiện.


Thánh Kinh thuật lại rằng : “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật… Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden , để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng : “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn NGƯƠI SẼ PHẢI CHẾT”.(St 2,7…16-17).


Con người đã ăn và con người đã phải chết. Sự trừng phạt cho tội bất tuân chính là cái chết. Đức Chúa đã phán với con người rằng : “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”(St 3,…19).

Sự chết đã ám ảnh suốt chiều dài lịch sử của con người. Để rồi với tâm trạng khắc khoải không nguôi; con người luôn tự hỏi rằng : "Ðiều gì xảy ra sau khi tôi chết?"


Mỗi thời đại; tùy theo niềm tin của mình; con người đã có những câu trả lời khác nhau cho nan đề nêu trên. Một nhà thơ Việt Nam ; khi nghĩ tới cái chết đã nghẹn ngào thốt lên rằng : “Hãy nói về cuộc đời; Khi tôi không còn nữa… Sẽ lấy được những gì ! Về bên kia thế giới….” (Thơ Du Tử Lê).


“Về bên kia thế giới…. Sẽ lấy được những gì ! Khi tôi không còn nữa…”… Vâng, trong ba năm rao giảng Tin Mừng Cứu Độ; Đức Giê-su; qua các bài giảng bằng các dụ ngôn; Ngài đã giải tỏa những thắc mắc, những nan đề về một thế giới bên kia; thế giới của sự chết…


Dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” đã hé mở cho mọi người thấy chuyện gì đã và đang xảy ra ở “thế giới bên kia” !!


Chính dụ ngôn này Đức Giê-su đã gửi đến mọi người một thông điệp rằng “có sự sống đời sau”. Bởi nếu không có sự sống đời sau; chết là hết…; thì làm gì có chuyện anh Lazaro “được thiên thần đem vào lòng ông Apraham” sau khi anh ta đã chết !!


Thế nhưng; ở vào thời đại nào; vẫn có người không tin có sự sống đời sau. Hôm đó “có mấy người… đến gặp Đức Giê-su”. Họ là ai ? Thuộc nhóm nào !? Và đến gặp Ngài để làm gì !?


Thưa rằng : Họ thuộc nhóm Sadoc. “Nhóm này chủ trương không có sự sống lại” (Lc 20, 27)…. Họ đến chất vấn Đức Giê-su. Có lẽ họ nghe được lời Đức Giê-su tuyên bố rằng : “Tôi là bánh trường sinh… Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” Và rằng : “…Tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết”(Ga 6, 54). Vâng, với lời tuyên bố trên; làm sao Đức Giê-su có thể thoát khỏi “tầm ngắm” của họ.


Khi đã diện đối diện với Đức Giê-su. Họ lên tiếng rằng : Giả sử một cô gái có bảy đời chồng… Bảy lần tái giá với bảy anh em trai; đúng luật Mose; bảy đời chồng chỉ vì hết người anh chết; đến người em chết… Lần lượt bảy người đều chết; mà chưa kịp có con. Rồi đến lượt nàng cũng về bên-kia-thế-giới.

Ai ! Ai sẽ là chồng cô ta trong ngày kẻ chết sống lại !!! Nhóm Sa doc… Họ… họ muốn “triệt buộc” Đức Giê-su qua câu hỏi đó…


Thật ra thì không cần trả lời câu hỏi của nhóm Sadoc này. Ngay tự bản thân, họ đã không tin có đời sau; không tin có sự sống lại; thì nói như câu nói được Đức Giê-su đặt vào câu chuyện dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro” thì đúng là : “người chết có sống lại, (về nói cho họ biết người-đàn-bà-ấy-sẽ-là-vợ-ai), họ cũng chẳng tin”… Tuy nhiên, Đức Giê-su vẫn hé mở cho họ biết rằng; cuộc sống đời sau; không còn chuyện “cưới vợ cũng như lấy chồng”. (Lc 20,35).

Một chút tâm tình…


“SADOC…” Nguyên ngữ Do Thái là tsaddiqim, có nghĩa những người công chính. Tên gọi Sadoc lấy từ tên thượng tế Zadok thời vua David ngự trị.(1V 1:26). Trong thời điểm đó; có rất nhiều nhiều người trong nhóm Sadoc là tư tế.


Thời Đức Giêsu; họ là những người giàu và có thế lực; ở lãnh vực chính trị cũng như tôn giáo. Hội đồng tôn giáo của đền thờ Giêrusalem cũng như Hội Đồng dân sự Do Thái đều bị chi phối bởi thế lực và tiền bạc của nhóm Sadoc. (trích nguồn : internet).


Là tư tế trong Đền Thờ. Đương nhiên họ phải tin rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, Thiên Chúa của tổ phụ Isaac, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacop”(Lc 20,37). Chỉ tiếc là họ chỉ công nhận “ngũ kinh”; năm cuốn đầu bộ Cựu Ước. Phải chi họ đọc toàn bộ sách cựu ước !!!


Kinh Thánh có chép rằng : “Con người là chi; mà Chúa cần nhớ đến. Phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm ? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy”(Tv 8,5-6).


Nếu… nếu cuộc sống đời này Đức Chúa “cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy; ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên; cho làm chủ công trình Chúa sáng tạo; đặt muôn loài muôn sự dưới chân”. Thì ở đời sau “với những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau”; chẳng có gì ngăn cản Đức Chúa; Ngài sẽ cho con người được “ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20,36) .


Nếu nhóm Sadoc đọc đoạn Thánh Vịnh trên. Và nếu họ đọc sách Macabe. Vâng, chắc hẳn họ sẽ không có cuộc tranh luận ngớ ngẩn với Đức Giê-su.


Sách Macabe có kể rằng “Có bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ”. Vua Antiokho bắt họ phải “ăn thịt heo là thức ăn luật Mose cấm”(2Mcb 7,1). Đối với người Do Thái; luật Mose chính là luật của Đức Chúa. Chính vì thế bảy anh em không thi hành lệnh vua. Thế là vua ra lệnh giết họ. Một người trong bảy anh em trước khi chết đã lớn tiếng nói rằng : “Vua là một tên hung thần, vua khai trừ chúng tôi ra khỏi cuộc đời hiện tại, nhưng bởi lẽ chúng tôi chết vì Luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (2Mcb 7, 9).

“Sống lại để hưởng sự sống đời đời”… Nếu nhóm Sadoc đọc toàn bộ Kinh Thánh. Vâng, chắc hẳn họ sẽ tin có sự sống đời sau và chắc chắn họ sẽ “dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại”(2Mcb 7,14).


Một phút suy tư…


Là một Kitô hữu; chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã hơn một lần tuyên xưng rằng : “Tôi tin sự sống lại. Và sự sống đời sau”.


Với nhóm Sadoc xưa và những người vô thần duy vật thời nay, thì niềm tin vào sự-sống-lại-và-sự-sống-đời-sau chỉ là một huyền thoại; một niềm tin mơ hồ…


Giống như nhóm Sadoc xưa; những vị “sadoc thời @” hôm nay cũng ra sức tìm cách đạp đổ … bới-lông-tìm-vết… vạch-lá-tìm-sâu… cắt xén lời nói... tuyên truyền xuyên tạc v.v… để hạ bệ niềm tin đó…


Và có thể nói rằng; sự bùng phát của internet đã giúp cho thế và lực của những vị “sadoc@” hôm nay mỗi lúc một “quái” hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn… Phải nói rằng những thủ thuật “photoshop” đã khiến không ít Kitô hữu chao đảo niềm tin của mình…


Để niềm tin được tồn tại và không bị “cuốn theo chiều gió”; những làn gió văn-hóa-độc-văn-hóa-của-sự-chết… chúng ta sẽ phải làm gì !?


“Ơn Chúa đủ cho chúng ta”.. Thánh Phaolô khẳng định tiếp rằng : “Chính Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô… Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta”.(2Tx 2,16).


“Thánh Thể và Thánh Kinh” chính là kho tàng “ân sủng” đó. Thật vậy, khi lãnh nhận “Thánh Thể” chính là lúc chúng ta lãnh nhận “Mình-và-Máu-Thánh-Chúa” – Đấng đã chết và đã Phục Sinh vinh hiển. Đấng đã phán hứa rằng : “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời. Và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).


Và khi suy niệm Thánh Kinh; chính là lúc chúng ta nghe rõ tiếng nói của Thầy Chí Thánh – Ngài chính là “niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp” của chúng ta. (2Tx 2,16).


Chúng ta đã nghe Lời Chúa nhưng đã đặt lòng tin nơi Ngài chưa!? Nếu đã đặt lòng tin nơi Ngài. Vâng, một lần nữa hãy cùng toàn thể Hội Thánh mà cất tiếng tuyên xưng rằng : “Tôi tin sự sống lại. Và sự sống đời sau”. Amen.


Petrus.tran
























Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

NGÀY HẠNH PHÚC...

… Người nổi tiếng; nhất là nổi tiếng bởi những việc lành phúc đức; bất cứ ở thời đại nào; luôn được mọi người kính nể, ngưỡng mộ và mến phục. Bất cứ nơi nào họ xuất hiện; lập tức đều được hàng đoàn người hoan nghinh đón rước…

Xứ Palestin; cách đây hơn hai ngàn năm; có một người rất nổi tiếng. Người đó chính là Đức Giêsu Kitô. Với những bài giảng lừng danh; “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”. Cộng với những phép lạ chữa lành cho những kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền. Danh tiếng của Ngài được đồn ra khắp xứ Xyri. Và như một vết dầu loang; những lời đồn đó được loan truyền khắp “vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Giodan…”(Mt 4,25).


Người ta thường nói “tiếng lành đồn xa”. Và quả đúng là như vậy…
…..


Đúng như vậy. Chuyện đã được kể rằng : Trong một cuộc hành trình lên Giêrusalem. “Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-cô” (Lc 18,35). Vâng, Giê-ri-cô chính là vùng đất hứa mà Đức Chúa đã hứa ban cho Israel. Là nơi mà Giôsuê đã được “Tướng chỉ huy đạo binh của Đức Chúa”(Gs 5,14) đến trợ giúp để mở đầu cho một trang sử oai hùng của Israel…


Hôm ấy; cũng lại là một-vị-tướng-của-Đức-Chúa; “vào Giê-ri-cô”… Vị tướng đó chính là Giêsu-Nazareth. Khi “Người đi qua thành phố ấy”. Lập tức những lời “đồn thổi” về một Ông Giêsu được “thổi” tới tai ông Da-kêu; một “cán gộc” đương nhiệm của sở thuế trong thành…


“Giê-su-Nazareth… Ông ta là ai ?”… Là ai mà được “cư dân Giê-ri-cô cất tiếng khen ngợi” ! Quyền phép nào mà ông ta có thể chữa “người mù ăn xin ở vệ đường” được nhìn thấy !!! Lý trí thì quay cuồng với những câu hỏi; còn thâm tâm thì muốn được “xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Vì thế ông Da-kêu loay hoay tìm mọi cách để được nhìn thấy vị khách không mời mà đến…


Nhưng than ôi ! Dân chúng quá đông. Cả một rừng người án ngữ mọi lối đi; làm sao có thể tiếp cận với ông Giêsu đây ! Chán thật ! Dakeu lẩm bẩm “ta lại lùn”… Chuyện được kể lại là như thế…


Trong cuộc sống; thường thì “cái khó ló cái khôn”… Vâng, trong lúc khó khăn về “thước tấc” của mình; Dakêu “ló” ra cái khôn bằng cách “chạy tới phía trước, leo lên một cây sung”. Sự tiên đoán của ông ta chính xác… Vì Đức Giêsu “Người sắp đi qua đó”…


Trên “đài quan sát”; người ông muốn thấy mặt; nay đã thấy. Trí tò mò của ông đã được thỏa mãn. Hóa ra “Đây là Người” !!! Người mà thiên hạ đồn rằng; ông ta đã dám đồng bàn với LêVi; đồng nghiệp của ông; mà không sợ tai tiếng là “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”… Lại còn nhận “y” làm đệ tử ruột nữa thì phải !?


Đang vật lộn với dòng suy nghĩ; bất ngờ ông nghe như có tiếng ai gọi tên-cúng-cơm của mình…


Nhìn xuống… Vâng, nhìn xuống đất … Không thể tin được ! Chính là Đức Giêsu. Ngài ngước mắt nhìn lên và nói với ông : “Này ông Dakêu, xuống mau đi…” (Lc 19,…5). Có “lộn tiệm” không đây ! Đang khi bản thân ông; được bàn dân thiên hạ gán cho là quân-tội-lỗi và nhà của ông được mệnh danh là “nhà người tội lỗi”… Ấy thế mà Ông Giêsu lại đòi cho được “hôm nay phải ở lại nhà ông” kia chứ !


Kệ ! nhớ như in câu ngạn ngữ “chó sủa mặc chó; lạc đà cứ đi qua”. Lạc-đà-Da-kêu “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” về nhà của mình…


Một chút tâm tình…     “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Đức Giêsu đã lớn tiếng tuyên bố như thế trước “những người Phariseu và những kinh sư” vào hôm ông Lêvi – cũng là một cán bộ thu thuế - “làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông”(Lc 5,29).


Có thể khẳng định mà không sợ lầm rằng; những người Phariseu và các kinh sư kia; hoặc là họ quên, hoặc họ không thuộc lời Kinh Thánh được chép trong sách Khôn ngoan; một cuốn sách được coi là “sách gối đầu giường”.


Sách chép rằng “Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kn 12,2).


Làm sao có thể “sửa dạy” ai đó nếu không đến và gặp họ !? Làm sao đến và gặp họ nếu không vào nhà của họ ?


Đức Giêsu đến Giê-ri-cô không phải là đến để thăm di tích lịch sử. Không phải là đến để cưỡi lạc đà… ăn chà là… tà tà ngắm cảnh ốc đảo thần tiên…


Không ! Ngài đến là để “tìm và cứu những gì đã mất”. Sự việc Đức Giêsu đến và tìm nhà Dakêu – một người bị cho là quân tội lỗi - có gì để mà “càm ràm”… xầm xì bàn tán ! Nếu Đức Giêsu không “ở lại nhà ông ta” hôm đó. Vâng, làm sao có thể chứng kiến sự tự-thú-trước-bình-minh của Da-kêu ! “Nếu… nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”…


Tông đồ Phaolô xác tín rằng : Thiên Chúa – “Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin” (2Tx1,…11).


Phải chăng quyền năng của Đức Giê su đã thôi thúc Dakêu hoàn-thành-mọi-thiện-chí của ông ta !? Và phải chăng với lòng tin vào Ngài; ông ta đã làm tròn công việc đem “phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo” !


Chắc hẳn ông ta đã thực hiện những gì ông ta nói. Nếu ông ta chỉ nói mà không làm… Vâng, Đức Giêsu sẽ chẳng bao giờ tuyên bố : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà (ông)”.


Hôm nay… Vâng, hôm nay, quả đúng là một “ngày-hạnh-phúc” nhất của Dakêu… Bởi hôm nay; ông được Đức Giê su tái công nhận; ông “cũng là con cháu tổ phụ Apraham”..(Lc 18, 9).


Một phút suy tư…  Trong câu chuyện trên; một chi tiết chúng ta cần chú ý. Đó là ông Dakêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông, mà ông lại lùn”(Lc 19,3)…

Vâng, hôm nay cũng vậy. Tuy đã là một Kitô hữu, nhưng rất có thể chúng ta không biết gì nhiều về Đức Giêsu Kitô. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta không “tìm cách” để biết thêm về Thầy Chí Thánh Giêsu của mình. Bởi nếu không tích cực “chạy tới tìm hiểu Chúa”… Vâng, dẫu chúng ta có “năm mươi năm… sáu mươi năm tuổi ĐẠO”; chúng ta vẫn chỉ là một người “lùn-đức-tin” !!!


Người ta thường nói “vô tri bất mộ”. Vâng, không khó lắm để “xem cho biết Đức Giêsu là ai ?”. Thánh kinh chính là nơi để mỗi chúng ta tái-khám-phá một “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và Thánh Thể chính là cơ hội để mỗi chúng ta sẵn sàng “đón rước Chúa vào ngôi nhà tâm hồn của chúng ta”.


Đã là một Kitô hữu. Đừng để - như lời Thánh Phaolô nói :“tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ”(2Tx2,2)… trước-những-đám-đông-truyền-thông-ma-quỷ… tìm cách thông tin lệch lạc về hình ảnh Đức Giêsu Kitô cũng như Giáo Hội của Ngài.


Một sự thực hiển nhiên là; khi ông Dakêu đã thấy và đã được Đức Giêsu “ở lại nhà ông”. Ông chẳng màng đến những điều mà “mọi người xầm xì với nhau”.


Chúng ta cũng vậy. Mỗi khi – nhận Bí Tích Thánh Thể - chúng ta cũng đã được Đức Giêsu “ở trong nhà chúng ta”. Vâng, hãy như ông Dakêu; gạt bỏ ngoài tai những truyền thông lệch lạc; và hãy “mừng rỡ” cất tiếng ca rằng : “Tôi chỉ ước trông một điều đêm ngày tôi khấn xin. Là cho tôi được hạnh phúc trong nhà Chúa muôn đời”.


Cũng đừng quên lời ngôn sứ Giêrêmi đã nói : “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17, 7).


Petrus.tran











Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

lời cầu nguyện chân thành.

Lời cầu nguyện chân thành…




Sứ mạng loan báo Tin Mừng bất cứ thời buổi nào luôn là một sứ mạng đầy cam go và thách thức. Ba năm rao giảng Tin Mừng; Đức Giêsu cũng đã gặp không ít những thách thức và sự chống đối của người cùng thời. Sự thách thức và chống đối đến từ nhiều phía. Khi thì từ giới thế quyền. Lúc thì từ giới thần quyền.


Nếu giới thế quyền được cho là bạo chúa Herode. Thì giới thần quyền là những “ông kẹ” Phariseu và các luật sĩ. Những ông kẹ này luôn tự hào là những người đạo đức và công chính. Họ đeo thẻ kinh; ăn chay nghiêm ngặt và thích “xúng xính trong bộ áo thụng; thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng… Họ lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”. .(Mc 12,40).


Với Đức Giêsu; họ luôn chờ chực dèm pha, chỉ trích và phá bỉnh những lời dạy dỗ của Ngài. Với những người thu thuế; họ xếp đồng bàn với “quân tội lỗi”… Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng hoàn toàn ngược lại tất cả những gì họ đã nghĩ và đã làm. Rất nhiều lần trong lúc giảng dạy; Ngài đã thẳng thừng “kết án nghiêm khắc” họ là một bọn “giả hình”…


Trong một lần lên Giêrusalem; Đức Giêsu đã tái khẳng định lời kết án bằng một dụ ngôn rất thực tại. “Dụ ngôn người Phariseu và người thu thuế”.


Chuyện được kể rằng : “Có hai người… Một người thuộc nhóm Phariseu còn người kia làm nghề thu thuế ”. Họ cùng tin vào một Thiên Chúa. Họ cùng lên đền thờ và cùng thực hiện một hành vi đạo đức. Đó là “cầu nguyện”.


Cầu nguyện… Vâng, đó là một hành vi đã có từ thuở xa xưa. Từ cái thưở “hậu vườn Eden”... Kinh Thánh thuật lại rằng : Sết – con của A dam – sau khi sinh được một con trai thì “người ta bắt đầu kêu cầu danh ĐỨC CHÚA”(St 4,26).


Chuyện kể tiếp rằng : Hai người đều dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện. Hai bài cầu nguyện tự phát đã cho thấy một sự đối nghịch : thiện và ác – tốt và xấu. Và qua hai bài cầu nguyện của họ; có thể “bình bầu” ai là kẻ đáng được gọi là người công chính, ai là kẻ đáng xếp vào hạng “quân tội lỗi”…

Với con mắt đời thường; đọc qua lời cầu nguyện của “Người-thuộc-nhóm-Phariseu”; không thể không ngưỡng mộ ông ta; một con người “không như bao kẻ khác : trộm cắp, bất chính, ngoại tình…”. Và không thể không ngã-nón-chào tinh thần bất khuất của ông ta; khi ông ta dám “ăn chay mỗi tuần hai lần”. Trong khi “tiêu chuẩn” giữ chay mỗi năm chỉ có một lần vào “Ngày Xá Tội Vong Ân”. Ông ta còn giữ đúng luật thập phân “dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng ông Phariseu này quả là một người công chính !!!


Với người thu thuế. Vâng, không cần bàn tới. Tất cả những gì cần nói đã được nói qua lời cầu nguyện của ông ta : “Lạy Thiên Chúa ! xin thương xót con là kẻ tội lỗi”… Kẻ-tội-lỗi… Hỡi ơi ! Làm sao anh ta dám vỗ ngực “tự hào cho mình là công chính”…


Ấy thế mà !!! Không khác gì một vụ nổ bom nguyên tử… Kết thúc câu chuyện; Đức Giêsu nói rằng : “Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người kia thì không”.(Lc 18,14).


“Người này”… Người này là ai ? Xin thưa là “tên thu thuế”… Còn “người kia”… Vâng, không nói ra, ai cũng có thể hiểu rằng chính là “ông kẹ Phariseu”…


Một chút tâm tình…


Có gì là nghịch lý không; khi tên thu thuế tội lỗi cùng mình; lại “được nên công chính” !? Và có bất công không; khi ông Phariseu “không như tên thu thuế kia”; thay vì được xếp vào hàng công chính; lại phải trở về tay không !?


Thưa không. Đức Giêsu đã chẳng từng nói rằng : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. (Lc 5,31). Người thu thuế đúng là kẻ tội lỗi như lời anh ta thú nhận. Chẳng những đã thú nhận tội lỗi mình; anh ta còn có lòng sám hối ăn năn khi thưa rằng : “xin thương xót con”.


Hẳn chúng ta cũng đã nghe Đức Giêsu tuyên bố rằng : “Vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (thì) cả triều thần Thiên Quốc đều vui mừng hớn hở” (Lc 15,7). Vâng, không có gì nghịch lý khi người thu thuế “trở xuống mà về nhà” và được đón nhận như một “người công chính”.


Thật ra ông Phariseu cũng sẽ được “vòng hoa dành cho người công chính” như lời tông đồ Phaolô nói. Vâng, thánh nhân nói tiếp rằng : “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó… cho tất cả những ai hết tình mong đợi” (2Tm 4,8).


Thế nhưng thật là tệ ! Tâm tình cầu nguyện của ông Phariseu có vẻ như không có một chút gì “mong đợi”. Không thấy một câu hay một chữ nào trong lời cầu nguyện của ông chứng tỏ ông “Xin Chúa thương xót”… Trái lại, lời cầu nguyện của ông giống như một lời “phê và tự phê” thì đúng hơn…


Ông ta đã “tung lên mạng Trời” những lời “phê” chí tử; đánh vào “tên thu thuế” đang đứng xớ rớ gục mặt “chẳng dám ngước mắt” nhìn ai. Bản thân ông thì “tự phê” mình bằng những lời có cánh… Chắc hẳn ông nghĩ rằng; bản “kê khai thành tích” của ông đã được nêu trên; quả là “tốt đời đẹp đạo”…


Phải chăng bản-thành-tích của ông có vấn đề ! Và phải chăng vấn đề là nó có hơi hám của một kẻ kiêu ngạo !!! Nếu đúng là như thế thì thật đáng tiếc cho ông ta; vì Kinh Thánh Chúa có chép rằng : “Sự kiêu ngạo đi trước. Sự bại hoại theo sau”(Cn 16,18)…

Một phút suy tư…


Là một Kitô hữu; một lần nữa; chúng ta hãy tự hỏi rằng; tôi đang là ai trong hai nhân vật của dụ ngôn được nêu trên !?

Là “ông kẹ Phariseu” ư ! Là một Phariseu-Kitô hữu ư ! Chẳng có gì xấu hổ mà ngược lại còn đáng tự hào. Hãy nhìn gương Thánh Phaolô. Chính Ngài cũng đã từng là một Phariseu… Một Phariseu-VIP… Phaolô đã có một sự trải nghiệm và Ngài cũng chẳng ngại ngùng tự hào về mình khi nói “Nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2Tm 4,17).


Thật quá tốt nếu chúng ta không bao giờ “trộm cắp, bất chính, ngoại tình…”. Thật đẹp lòng Chúa nếu chúng ta “đến nhà thờ ngày Chúa Nhật” không phải vì sợ “mắc tội trọng” nhưng là để cùng nhau “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội… trong tư tưởng; lời nói, việc làm và những điều thiếu xót…”


Sẽ thật tự hào nếu chúng ta đừng bao giờ soi mói “cái rác trong con mắt người anh em”… mà phớt lờ “cái xà trong con mắt của mình” !!!


Nếu có tự hào về những việc làm phúc đức của mình thì hãy mặc lấy tâm tình của “ông-phariseu-Phaolô” mà tự hào cùng Thiên Chúa - Đấng luôn “Đứng bên cạnh; Người đã ban sức mạnh cho tôi… Người sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc , sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời”(2Tm 4, 17-18).


Trở lại câu chuyện : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện”. Vâng, chúng ta cầu nguyện như thê nào; để lời cầu nguyện của chúng ta “sẽ vọng tới các tầng mây” !!!


Phải chăng là hãy có một tâm tình khiêm tốn mà thưa với Thiên Chúa rằng : “Lỗi tại tôi… lỗi tại tôi… lỗi tại tôi mọi đàng” !!!


Vâng, nếu chúng ta có một lời cầu nguyện chân thành như thế; hãy tin rằng lời cầu nguyện của chúng ta : “Sẽ được Chúa chấp nhận” (Hc 35, 16).


Petrus.tran











Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...