Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

VÔ CẢM...

ĐỪNG VÔ CẢM…

“Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ;
Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo
 …………

Cuộc sống đói rach bơ vơ;
Hỏi ai ai cho nương nhờ !!!
Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ…”

Có lẽ ai trong chúng ta đều nhận ra những lời ca trên được trích trong nhạc phẩm “NÓ” của tác giả Anh Bằng. Và khi nghe nhạc phẩm này, chắc hẳn mỗi chúng ta đều cảm nhận được nỗi khó nghèo của một cậu bé mồ côi mẹ.

“Giàu-nghèo” đúng là chuyện muôn thuở trên trái đất này. Và có vẻ như khoảng cách giữa “giàu nghèo” như mỗi ngày một được nhân rộng. Thật đáng buồn; đang khi nhiều nơi trên thế giới có rất nhiều người “một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no”… Thì ngược lại, nơi phương trời Âu Mỹ, tỷ phú người Nga Abramovich đã chi hơn 52.000 USD, bằng với thu nhập cả năm của một người dân ở nước giàu, chỉ để “xơi” một bữa ăn trưa.(nguồn internet). Quả là đúng với câu tục ngữ xưa : “Kẻ ăn không hết, người lần không ra” !!!
……………
Palestin cách đây hơn hai ngàn năm; trong thời Đức Giêsu Kitô còn tại thế; cũng không thiếu những cảnh đời ngang trái nêu trên.

Ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu đã cảm nhận được điều này. Ngài đã từng chứng kiến nơi Đền Thờ “có lắm người giàu” và ngược lại cũng có nhiều người nghèo; nghèo đến độ chỉ có “hai đồng tiền kẽm” dính túi. (Mc 12,41-42)…

Và quả thật đã có những người, có “rất nhiều của cải” nhưng lại không dám “bán những gì (họ) có mà cho người nghèo”… Đó là trường hợp anh chàng thanh niên giàu có muốn đi theo Đức Giêsu. (Mc 10,17-22).

Không chấp nhận sự “vô cảm” nơi một số người giàu có; Đức Giêsu trong một lần giảng thuyết; Ngài đã dạy cho họ một bài học qua dụ ngôn : “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” (Xem Luca 16, 19-31).

Ông nhà giàu và chàng Lazaro nghèo khó tuy “rất gần mà lại xa”!!! Vâng, họ rất gần nhau; chỉ cách “một cái cổng nhà”… Như lại rất xa; xa bởi chính “sự-vô-cảm” nơi ông ta.

Sự vô cảm đó khiến ông ta chỉ quan tâm tới việc “ăn mặc” và “ngày ngày yến tiệc linh đình”… Còn chàng Lazaro nghèo khó : “mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng nhà của ông” thì ông ta phớt lờ !!!

Kệ ! đã có “mấy con chó… đến liếm ghẻ chốc anh ta” là tốt rồi !!!

Kết thúc câu chuyện là một sự đảo ngược. Ông nhà giàu lại là kẻ mong Lazaro “đừng-vô-cảm” trước sự đau khổ của ông ta !!!

Vâng, trước kia thì Lazaro “thèm những thứ trên bàn ăn của ông rớt xuống mà ăn cho no”… Thì hôm nay ông “thèm” được Lazaro : “nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi (ông) cho mát, vì ở đây (ông) bị lửa thiêu đốt khổ lắm” (Lc 16, 24).

Qua dụ ngôn trên; Đức Giêsu đã hé mở cho mọi người thấy rằng : “sự-vô-cảm” trước những người nghèo khó sẽ dẫn con người đi về đâu !!!

Đó chính là : “Dưới âm phủ” (Lc 16, 23)...

Một chút tâm tình…

Giàu có không phải là một cái tội. Câu chuyện dụ ngôn trên không thấy một câu hay một chữ nào Đức Giêsu lên án về việc “giàu có” của ông nhà giàu.

Trái lại “giàu có” là ơn phúc Chúa ban. Kinh Thánh đã mô tả Đức Chúa đã ban cho ông Gióp giàu sang như thế nào. Ông ta có : “một đàn súc vật bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”. Chính Xatan cũng phải công nhận Đức Chúa đã : “ban phúc lành cho công việc do tay (Gióp) làm, và các đàn gia súc của (Gióp) lan tràn khắp xứ” (G 1, 10).

Giàu có ư ! Hãy nghe lời khuyên của Tông đồ Phaolô : “Đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng”(1Tm 6,17). Thánh nhân thêm một lời khuyên rằng : “Phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy (sẽ) tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai”. Và nhất là : “để được sự sống thật”(1Tm 6,19).

Một phút suy tư…

Là một Kitô hữu; sẽ thật là tốt; nếu mỗi chúng ta sau khi đọc xong một dụ ngôn trong Kinh Thánh; hãy tự hỏi rằng : tôi-là-nhân-vật-nào-trong-dụ-ngôn-ấy !!!

Vâng, tôi là nhân vật nào trong dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó” ?

Là vai ông nhà giàu ư !!! Hãy tạ ơn Chúa… Và đừng để mình mắc-bệnh-vô-cảm; mà cứ vô tư “sáng sáng shopping, đêm đêm yến tiệc linh đình”…

Trái lại, “Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng” (Hc 28, 8-9).

Hãy nhớ rằng, nếu chúng ta : “Theo lệnh Đấng Tối Cao mà sử dụng của cải, việc đó còn ích lợi cho (ta) hơn cả vàng” (Hc 28,11).

Vâng, chỉ khi thực thi trọn vẹn những lời dạy dỗ trên, chắc chắn sẽ không còn “vực-thẳm-lớn” nào ngăn cách người giàu và kẻ nghèo “đến nỗi bên này muốn qua bên (kia) cũng không được, mà bên đó có qua bên (đây) cũng không được” (Lc 17, …26).

Có một điều phải thừa nhận rằng; thường thì chúng ta quá chú trọng đến sự “đói-nghèo-thuộc-thể” hơn là “đói-nghèo-thuộc- linh”…

Chúng ta “đói nghèo thuộc thể ư” ! Hãy mở Kinh Thánh ra và hãy nghe lời hứa của Đức Giêsu : “Thầy bảo cho anh em biết : đừng lo cho mạng sống : lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể : lấy gì mà mặc… Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài” (Mt 6, 25…33).

Vua David cũng có một lời khuyên rằng : “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37, 5).

Vâng, vấn đề là chúng ta hãy sợ mình là một người “nghèo-khó-thuộc-linh”… Một người suốt cả cuộc đời này; cuộc đời Kitô hữu; chỉ “đứng-ngoài-cổng-nhà-thờ” và luôn “đói khát… Lời Đức Chúa” (Amos 9,11) thì làm sao “đời sau” có thể được ở “trong lòng tổ phụ Apraham” được !!Đức Giêsu không phải là ông nhà giàu trong dụ ngôn trên. Ngài không “vô cảm” trước sự nghèo-đói-thuộc-linh của chúng ta. Đức Giêsu luôn đứng trước “Ngôi-Nhà-Tạm-Thánh-Thể” với không phải là “những vụn bánh rơi vãi từ bàn ăn” mà chính là tấm bánh “Mình-Máu-Thánh” của Ngài.

“Hãy đến cùng Ta”. Vâng, Đức Giêsu luôn mời gọi chúng ta, với mong mỏi chúng ta hãy đến; để cùng được “Dùng bữa với Ngài” (Kh 3, 20)

Petrus.tran   



Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010

Thư ngỏ...

But copy.jpgThân chào các BẠN sinh viên Công Giáo.
Hôm vừa qua, sau khi đọc xong bài cảnh báo về những website chống đối Đạo Công Giáo. Điển hình như trang “sáchhiếm” và “giaođiểm”. Petrus.tran có đôi điều suy tư gửi đến các bạn.
Đúng là hai trang này chuyên đăng những bài mạ lỵ bôi xấu Đạo Công Giáo nói riêng và Kitô giáo nói chung. Ở trang này, họ tập trung nhiều cây bút sắc sảo chuyên bới móc, xuyên tạc những khuyết điểm thuộc lãnh vực con người của Giáo Hội.

Họ còn bẻ cong lời Kinh Thánh và trích dẫn lệch lạc để phê phán giáo lý Công giáo cũng như niềm tin vào Đức Giêsu, Mẹ Maria và các thánh.
Ngoài những cây bút không Công Giáo, họ còn thu nạp một số người Công Giáo bỏ Giáo Hội. Điển hình là một người có bút hiệu là Charlie Nguyễn.
Ông này là một người Công giáo và đã từng là một tu sĩ với chức Thày sáu. Chẳng hiểu có phải "vụng đường tu" hay là bất mãn gì đó với Giáo Hội, ông ta bỏ đạo và công kích Giáo hội qua nhiều bài viết của ông ta. Thật đáng tiếc “CharliE” yêu quí của ta đã về-với-Chúa rồi !!!
Thật ra thì không đợi những website trên bôi xấu Đạo Công Giáo. Hàng ngày chúng ta là những người theo Chúa vẫn luôn phải nghe rất nhiều lời công kích mạ lỵ trên truyền thông xã hội cũng như những người chung quanh ta.

Chắc hẳn các bạn cũng biết văn hào François-Marie Arouet triết gia người Pháp. Có bút hiệu là Voltaire. Qua những bài bình luận có tính châm biếm. - Voltaire thường chỉ trích Giáo hội và nhà nước Pháp. Ông được xem như một nhân vật có tiếng và quan trọng lúc sinh thời.
Phải nói rằng Voltaire là một cây bút xuất sắc trong vai trò chống đối Giáo Hội Công giáo thời bấy giờ. Ấy thế mà ông ta đã phải chết nhưng Giáo Hội Công Giáo vẫn không những tồn tại mà còn phát triển.
Gần đây nhất là Karl Marx. Nên nhớ rằng Marx là con một mục sư tin lành phái Luther. Không cần nói ra ở đây chắc các bạn cũng biết Marx ghét cay ghét đắng Jesus Christ của ông ta như thế nào.
Marx đã chết. Nếu Chúa cho Marx sống lại ngay bây giờ chắc hẳn ông ta rất buồn vì "tín đồ" của ông ta đã chôn vùi "cái gọi là thuyết marxis-vô thần" của ông ta đã được tròn 20 năm.
Còn Giêsu Kitô - Ngài vẫn tồn tại. Ngài vẫn là Thiên Chúa của tình yêu.
Rồi ở Việt Nam chúng ta. Trong cuối thế kỷ trước ; một trào lưu chống đối Công Giáo qua những tác phẩm văn học như « ruồi trâu.. ruồi bò » vớ vẩn gì đó v.v..

Vâng, tất cả những tác phẩm đó đã đi vào quên lãng.. Niềm tin Kitô giáo vẫn trường tồn.
Các Bạn SINH VIÊN CÔNG GIÁO thân mến.
Vào những website vớ vẩn đó, có chăng chỉ là thỏa một chút tò mò ; chứ ở đó cùng lắm chỉ để lại nơi chúng ta sự bực bội về một lối trình bày quan điểm tôn giáo thiếu khách quan, không trung thực và nhất là có tính cách gây chia rẽ tôn giáo.
Chắc hẳn các BẠN đồng ý rằng : chúng ta không cần tranh luận với những loại người chỉ biết nhìn cọng-rác nơi mắt người khác mà giả vờ quên « cây-xà-gồ » ngay trong đôi mắt của mình.
Chúng ta đừng quên sự im lặng của Đức Giêsu Kitô – Thầy Chí Thánh – trước mặt quan lớn Philatô ! Vì thế không cần quan tâm đến họ hoặc tranh luận với họ làm gì !

Đôi lời chia sẻ với các BẠN. Hãy vui mừng và tạ ơn Chúa vì Ngài đã : « Mặc lấy xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta » (Ga 1,14). Nguyện xin ơn phước và sự bình an của Chúa luôn ở cùng với các BẠN.
petrus.tran

Thứ Bảy, 18 tháng 9, 2010

Phải lựa chọn...

                  PHẢI LỰA CHỌN…                 
Cuộc sống của một đời người luôn phải đối diện nhiều lựa chọn. Có những lựa chọn dẫn ta đến niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Có những lựa chọn đẩy ta rơi xuống vực thẳm hố sâu của cuộc đời. Chính vì thế mỗi khi phải đứng trước một lựa chọn; ai trong chúng ta lại không khỏi băn khoăn và trăn trở…
Ba năm rao giảng Tin Mừng – Đức Giêsu cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp băn khoăn và trăn trở như được nêu ở trên. Đã có rất nhiều người; ngưỡng mộ trước những lời giảng dạy và kinh ngạc về những phép lạ Đức Giêsu đã làm; họ “xin đi theo Ngài”…
Thế nhưng, sự lựa chọn của họ luôn bị cản trở bởi nhiều băn khoăn và trăn trở rất đời thường. Khi thì từ phía gia đình. Như trường hợp một người lựa chọn đi theo Đức Giêsu nhưng lại băn khoăn về việc làm sao “chôn cất cha tôi” (Lc 9,60).  Khi thì sợ phải từ bỏ tiền bạc của cải. Đó là trường hợp người thanh niên có nhiều của cải. Anh ta dù rất “muốn nên hoàn thiện” nhưng lại ngần ngại trước lời đề nghị của Đức Giêsu rằng : “Hãy bán đi tài sản của anh và đem cho người nghèo… Rồi hãy đến theo Ta” (Mt 19, 21-22).
Với các môn đệ; Đức Giêsu cũng đã “biết điều các ông tự hỏi trong lòng” về những băn khoăn và trăn trở khi đã lựa chọn đi theo Ngài. Khi thì các ông đã băn khoăn về ngôi thứ “Ai sẽ là người lớn nhất”. Khi thì các ông trăn trở về vị trí “được ngồi bên tả, bên hữu Thầy”…     
Có vẻ như các ông đã quên những lời dạy dỗ của Đức Giêsu : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình” (Lc 9,23). Và rằng : “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).
Để cho các ông biết rõ người môn đệ khi đã lựa chọn đi theo Ngài thì phải làm gì ? Đức Giêsu tuyên bố : “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết… (rằng) Anh Em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền bạc được” (Lc 16,…13).
Phải lựa chọn ! Vâng, phải-lựa-chọn… “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia” (Lc 16,13).
     Một chút tâm tình…
Đưa ra lời dạy dỗ trên; Đức Giêsu đồng thời đã dùng dụ ngôn “người quản gia bất chính” như để làm sáng tỏ cho những điều Ngài dạy dỗ.
Thật vậy, một người đã “làm tôi hai chủ” làm sao họ có thể “trung tín” trong công việc chủ đã giao phó. Dù là trung tín “trong-việc-rất-nhỏ”…
Khi đã làm-tôi-hai-chủ; cũng không chắc lắm họ sẽ “ghét chủ này và yêu chủ kia”. Chín mươi chin phần trăm họ sẽ “phung phí của cải” của cả hai ông chủ của mình…
Khi Đức Giêsu nói : “Nếu anh em không trung tín trong việc sự dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ?”. Và rằng : “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em” (Lc 16,11-12).
Vâng, hai câu nói trên không chỉ “cảnh tỉnh” cho mọi người chớ- có-dại-làm-tôi-hai-chủ mà còn cho mọi người thấy rằng “nằm mơ” cũng không thấy Đức Giêsu tán đồng cho phép dùng dụ ngôn “người quản gia bất lương” này như một mẫu gương; hay Ngài cho phép người môn đệ làm điều bất chính, gian lận…      
Điều Đức Giêsu muốn dạy dỗ chính là “lòng trung tín” của người môn đệ. Và một khi đã lựa chọn theo Chúa thì đừng vấn vương những gì thuộc trần thế…
Vâng, hãy nhớ lời Đức Giêsu đã nói : “ Của cải các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó."(Mt 6,21).
       Một phút suy tư…       
 Là một Kitô hữu; chúng ta hiểu thế nào là “làm-tôi-hai-chủ ???”.
Mới hôm nao : “Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”… Rồi hôm nay, kẻ chán “cơm”… người thèm “phở”… Để rồi “tay đan tay nhịp bước (ra-tòa) đời”… Vâng ! Phải chăng đó chính là hành động làm tôi hai chủ !!!
“Tâm” tôi đã lựa chọn sống đời sống tu trì; độc thân phục vụ; thế mà “hồn” tôi lại muốn đóng trọn vai “Ralph”… phải chăng đó cũng là một hình thức làm-tôi-hai-chủ !!!
Tuyên thệ giữ Mười điều răn Đức Chúa Trời, nhưng vẫn ủng hộ phá thai cách này cách khác; phải chăng đó cũng là một hình thức làm-tôi-hai-chủ !!!
Là một Kitô hữu; chắc chắn Đức Giêsu cũng khuyến cáo chúng ta rằng : “(Đừng) làm tôi hai chủ”… Bởi khi rơi vào trường hợp này ai mà không “gắn bó với chủ này mà khinh dể với chủ nọ” !!!
Một điều chắc chắn rằng - lúc đó - người chủ bị khinh dể chính là “Thiên Chúa”… Và phải chăng “khinh dể Thiên Chúa” chính là chối bỏ Ngài !!!
Hãy nhớ rằng; Tông đồ Phao lô đã nói  : “Nếu ta chối bỏ Ngài. Ngài cũng sẽ chối bỏ ta” (2Tm 2,…12).  
                                                                                          Petrus.tran

Thứ Bảy, 4 tháng 9, 2010

THẬP GIÁ và sự từ bỏ...

Thập giá và sự từ bỏ…



“Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 27).






Sau ba thập niên sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth. “Đức Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng khi Ngài trạc ba mươi tuổi” (Lc 3,23). Mở đầu cho sứ vụ; Đức Giêsu kêu gọi mọi người : “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).


Sự xuất hiện của Đức Giêsu trước công chúng; lập tức trở thành một sự kiện. Và sự kiện này đã được “đồn ra khắp nơi trong vùng”…


Tiếng đồn như một vết dầu loang; loang ra khắp “miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, Thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Giodan”… Người ta đồn rằng “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… Giáo lý thì mới mẻ; người dạy lại có uy quyền”. Một thứ quyền uy khiến cho cả đến thần ô uế cũng phải thét lên rằng : “chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi” (Mc 1,24). Và kể từ đó, bất cứ nơi đâu Đức Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng; lập tức nơi đó “dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Ngài” (Mt 4,25).


Đi-theo-Thầy-Giêsu ! Có thể nói nó trở thành đề tài “nóng” được bàn luận khắp vùng Palestin. Trong ba năm thi hành sứ vụ; tất cả mọi người, bất luận là ai đến với Đức Giêsu; đều được Ngài mời gọi :“Hãy đến cùng Ta… Hãy theo Ta…”


Không thiếu những trường hợp cá nhân lẫn tập thể xin đi theo Đức Giêsu. Thế nhưng đôi lúc động lực xin đi theo của họ không phù hợp với sứ mạng mà Ngài loan báo…


Có người muốn theo Đức Giêsu để mong sao được Ngài “hóa bánh ra nhiều để được ăn bánh no nê” !!! Có người muốn trở thành môn đệ của Ngài để mong được “ngồi bên hữu; ngồi bên tả Thầy” trong vinh quang !!!


Ôi ! Tệ thật !!! “Các anh không biết các anh xin gì !” Đức Giêsu nói tiếp rằng : Sứ mạng của Thầy chính là : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết…”(Lc 9,22). Chết trên Thập giá !!!


Trong một dịp “có rất đông người cùng đi”với mình. Đức Giêsu nhân cơ hội này đã phá tan những suy nghĩ lệch lạc của họ bằng lời khẳng định rằng : “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi., thì không thể làm môn đệ tôi được”. Ngài nói tiếp : “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”(Lc 14,33)..


Một chút tâm tình…


Đây không phải là lần đầu tiên Đức Giêsu nhấn mạnh đến thái độ và lập trường của người môn đệ muốn đi theo Ngài.


Muốn đi theo Đức Giêsu; điều thứ nhất và quan trọng nhất đó là : phải có thái độ dứt khoát. Ngài đã nói : “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62).


Khi nói “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được”. Vâng, khi nói lên điều này; Đức Giêsu không tự tạo ra mâu thuẫn giữa lời kêu gọi với điều răn thứ tư “Hãy thảo kính cha mẹ” !!! Văn chương Cựu ước của Israel không có kiểu nói so sánh hơn hay kém.


Thực ra, Đức Giêsu; khi nói như thế; Ngài muốn đặt ra một bậc thang giá trị cho một chọn lựa.


Muốn là môn đệ của Đức Giêsu ư !!! Phải đặt Chúa lên hàng ưu tiên số một trong bậc thang giá trị của con người.


Đức Giêsu đã nói : ‘Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).


Một phút suy tư…


“Thập giá và sự từ bỏ”. Đó … đó chính là hành trang cho những ai muốn đi theo Chúa để trở thành môn đệ của Ngài.


Có quá khó để có thể “vác thập giá mình” và “từ bỏ hết những gì mình có” !!!


Tạ ơn Chúa. Thánh Phanxico Assisi đã cho chúng ta lời khuyên rằng : “Phải sống theo mẫu mực Phúc Âm” (DC 14). Chuyện được kể lại rằng : Khi Bernado di Quintavalle, là luật gia và cũng là người môn đệ đầu tiên; đến với Phanxico và hỏi Ngài rằng; phải làm gì. Thánh nhân đã trả lời rằng : “Ngày mai chúng ta sẽ vào nhà thờ; mở sách Phúc Âm và chúng ta sẽ cầu xin Chúa Kitô ban cho lời khuyên” (2 Cel. 15).


Anh Cả Phêrô cũng đã nói rằng : “Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ”(1Pr 2,2).


Trở lại câu chuyện thánh Phanxico Assisi. Điều gì đã khiến từ một “Francis nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc” thành một “Khí cụ bình an của Chúa” !!!


Xin thưa chính là Ngài đã “bước đi theo Đức Giêsu Kitô”. Từ bỏ mọi sự và “dâng thân mình… vác thánh giá Người. Và bước tới cùng theo thánh chỉ Người ban” (Kinh vượt qua).


“Thánh chỉ Người ban”… phải chăng chính là Lời Chúa trong Kinh Thánh !!!


“Bước tới cùng” theo Lời Chúa dạy; phải chăng là sống nghèo khó, khiêm hạ, “sẵn sang hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” !!!


Sống đời sống khiêm hạ, khó nghèo như Đức Giêsu; phải chăng chính là lúc được “nên một” trong Chúa !!


Khi đã được “nên một” với Chúa thì có khác nào – như lời thánh Phaolô nói – “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2,20).


“Đức Giêsu sống trong tôi” thì thập giá của tôi phải chăng cũng là “thập giá của Chúa Giêsu” !!!


Một khi thập giá của tôi trở thành thập giá của Đức Giêsu… Vâng, khi đó chúng ta chỉ cần; như Simon người Kyrene; hạ mình xuống cùng vác thập giá với Ngài… Chắc chắn chúng ta sẽ có thể đi đến đích điểm của cuộc đời mình.


Thế nhưng, để có thể vác-thập-giá-mình đi đến đích điểm của cuộc đời, chúng ta đừng quên lời khuyên của thánh Phanxico : “phải sống mẫu mực theo Lời Chúa”…


Thật vậy, Vua thánh David đã nói : “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).


Petrus.tran















Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...