Thứ Bảy, 30 tháng 10, 2010

NGÀY HẠNH PHÚC...

… Người nổi tiếng; nhất là nổi tiếng bởi những việc lành phúc đức; bất cứ ở thời đại nào; luôn được mọi người kính nể, ngưỡng mộ và mến phục. Bất cứ nơi nào họ xuất hiện; lập tức đều được hàng đoàn người hoan nghinh đón rước…

Xứ Palestin; cách đây hơn hai ngàn năm; có một người rất nổi tiếng. Người đó chính là Đức Giêsu Kitô. Với những bài giảng lừng danh; “Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền”. Cộng với những phép lạ chữa lành cho những kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền. Danh tiếng của Ngài được đồn ra khắp xứ Xyri. Và như một vết dầu loang; những lời đồn đó được loan truyền khắp “vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Giodan…”(Mt 4,25).


Người ta thường nói “tiếng lành đồn xa”. Và quả đúng là như vậy…
…..


Đúng như vậy. Chuyện đã được kể rằng : Trong một cuộc hành trình lên Giêrusalem. “Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-cô” (Lc 18,35). Vâng, Giê-ri-cô chính là vùng đất hứa mà Đức Chúa đã hứa ban cho Israel. Là nơi mà Giôsuê đã được “Tướng chỉ huy đạo binh của Đức Chúa”(Gs 5,14) đến trợ giúp để mở đầu cho một trang sử oai hùng của Israel…


Hôm ấy; cũng lại là một-vị-tướng-của-Đức-Chúa; “vào Giê-ri-cô”… Vị tướng đó chính là Giêsu-Nazareth. Khi “Người đi qua thành phố ấy”. Lập tức những lời “đồn thổi” về một Ông Giêsu được “thổi” tới tai ông Da-kêu; một “cán gộc” đương nhiệm của sở thuế trong thành…


“Giê-su-Nazareth… Ông ta là ai ?”… Là ai mà được “cư dân Giê-ri-cô cất tiếng khen ngợi” ! Quyền phép nào mà ông ta có thể chữa “người mù ăn xin ở vệ đường” được nhìn thấy !!! Lý trí thì quay cuồng với những câu hỏi; còn thâm tâm thì muốn được “xem cho biết Đức Giêsu là ai”. Vì thế ông Da-kêu loay hoay tìm mọi cách để được nhìn thấy vị khách không mời mà đến…


Nhưng than ôi ! Dân chúng quá đông. Cả một rừng người án ngữ mọi lối đi; làm sao có thể tiếp cận với ông Giêsu đây ! Chán thật ! Dakeu lẩm bẩm “ta lại lùn”… Chuyện được kể lại là như thế…


Trong cuộc sống; thường thì “cái khó ló cái khôn”… Vâng, trong lúc khó khăn về “thước tấc” của mình; Dakêu “ló” ra cái khôn bằng cách “chạy tới phía trước, leo lên một cây sung”. Sự tiên đoán của ông ta chính xác… Vì Đức Giêsu “Người sắp đi qua đó”…


Trên “đài quan sát”; người ông muốn thấy mặt; nay đã thấy. Trí tò mò của ông đã được thỏa mãn. Hóa ra “Đây là Người” !!! Người mà thiên hạ đồn rằng; ông ta đã dám đồng bàn với LêVi; đồng nghiệp của ông; mà không sợ tai tiếng là “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”… Lại còn nhận “y” làm đệ tử ruột nữa thì phải !?


Đang vật lộn với dòng suy nghĩ; bất ngờ ông nghe như có tiếng ai gọi tên-cúng-cơm của mình…


Nhìn xuống… Vâng, nhìn xuống đất … Không thể tin được ! Chính là Đức Giêsu. Ngài ngước mắt nhìn lên và nói với ông : “Này ông Dakêu, xuống mau đi…” (Lc 19,…5). Có “lộn tiệm” không đây ! Đang khi bản thân ông; được bàn dân thiên hạ gán cho là quân-tội-lỗi và nhà của ông được mệnh danh là “nhà người tội lỗi”… Ấy thế mà Ông Giêsu lại đòi cho được “hôm nay phải ở lại nhà ông” kia chứ !


Kệ ! nhớ như in câu ngạn ngữ “chó sủa mặc chó; lạc đà cứ đi qua”. Lạc-đà-Da-kêu “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người” về nhà của mình…


Một chút tâm tình…     “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. Đức Giêsu đã lớn tiếng tuyên bố như thế trước “những người Phariseu và những kinh sư” vào hôm ông Lêvi – cũng là một cán bộ thu thuế - “làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông”(Lc 5,29).


Có thể khẳng định mà không sợ lầm rằng; những người Phariseu và các kinh sư kia; hoặc là họ quên, hoặc họ không thuộc lời Kinh Thánh được chép trong sách Khôn ngoan; một cuốn sách được coi là “sách gối đầu giường”.


Sách chép rằng “Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa” (Kn 12,2).


Làm sao có thể “sửa dạy” ai đó nếu không đến và gặp họ !? Làm sao đến và gặp họ nếu không vào nhà của họ ?


Đức Giêsu đến Giê-ri-cô không phải là đến để thăm di tích lịch sử. Không phải là đến để cưỡi lạc đà… ăn chà là… tà tà ngắm cảnh ốc đảo thần tiên…


Không ! Ngài đến là để “tìm và cứu những gì đã mất”. Sự việc Đức Giêsu đến và tìm nhà Dakêu – một người bị cho là quân tội lỗi - có gì để mà “càm ràm”… xầm xì bàn tán ! Nếu Đức Giêsu không “ở lại nhà ông ta” hôm đó. Vâng, làm sao có thể chứng kiến sự tự-thú-trước-bình-minh của Da-kêu ! “Nếu… nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”…


Tông đồ Phaolô xác tín rằng : Thiên Chúa – “Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin” (2Tx1,…11).


Phải chăng quyền năng của Đức Giê su đã thôi thúc Dakêu hoàn-thành-mọi-thiện-chí của ông ta !? Và phải chăng với lòng tin vào Ngài; ông ta đã làm tròn công việc đem “phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo” !


Chắc hẳn ông ta đã thực hiện những gì ông ta nói. Nếu ông ta chỉ nói mà không làm… Vâng, Đức Giêsu sẽ chẳng bao giờ tuyên bố : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà (ông)”.


Hôm nay… Vâng, hôm nay, quả đúng là một “ngày-hạnh-phúc” nhất của Dakêu… Bởi hôm nay; ông được Đức Giê su tái công nhận; ông “cũng là con cháu tổ phụ Apraham”..(Lc 18, 9).


Một phút suy tư…  Trong câu chuyện trên; một chi tiết chúng ta cần chú ý. Đó là ông Dakêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông, mà ông lại lùn”(Lc 19,3)…

Vâng, hôm nay cũng vậy. Tuy đã là một Kitô hữu, nhưng rất có thể chúng ta không biết gì nhiều về Đức Giêsu Kitô. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta không “tìm cách” để biết thêm về Thầy Chí Thánh Giêsu của mình. Bởi nếu không tích cực “chạy tới tìm hiểu Chúa”… Vâng, dẫu chúng ta có “năm mươi năm… sáu mươi năm tuổi ĐẠO”; chúng ta vẫn chỉ là một người “lùn-đức-tin” !!!


Người ta thường nói “vô tri bất mộ”. Vâng, không khó lắm để “xem cho biết Đức Giêsu là ai ?”. Thánh kinh chính là nơi để mỗi chúng ta tái-khám-phá một “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và Thánh Thể chính là cơ hội để mỗi chúng ta sẵn sàng “đón rước Chúa vào ngôi nhà tâm hồn của chúng ta”.


Đã là một Kitô hữu. Đừng để - như lời Thánh Phaolô nói :“tinh thần dao động, cũng đừng hoảng sợ”(2Tx2,2)… trước-những-đám-đông-truyền-thông-ma-quỷ… tìm cách thông tin lệch lạc về hình ảnh Đức Giêsu Kitô cũng như Giáo Hội của Ngài.


Một sự thực hiển nhiên là; khi ông Dakêu đã thấy và đã được Đức Giêsu “ở lại nhà ông”. Ông chẳng màng đến những điều mà “mọi người xầm xì với nhau”.


Chúng ta cũng vậy. Mỗi khi – nhận Bí Tích Thánh Thể - chúng ta cũng đã được Đức Giêsu “ở trong nhà chúng ta”. Vâng, hãy như ông Dakêu; gạt bỏ ngoài tai những truyền thông lệch lạc; và hãy “mừng rỡ” cất tiếng ca rằng : “Tôi chỉ ước trông một điều đêm ngày tôi khấn xin. Là cho tôi được hạnh phúc trong nhà Chúa muôn đời”.


Cũng đừng quên lời ngôn sứ Giêrêmi đã nói : “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17, 7).


Petrus.tran











Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

lời cầu nguyện chân thành.

Lời cầu nguyện chân thành…




Sứ mạng loan báo Tin Mừng bất cứ thời buổi nào luôn là một sứ mạng đầy cam go và thách thức. Ba năm rao giảng Tin Mừng; Đức Giêsu cũng đã gặp không ít những thách thức và sự chống đối của người cùng thời. Sự thách thức và chống đối đến từ nhiều phía. Khi thì từ giới thế quyền. Lúc thì từ giới thần quyền.


Nếu giới thế quyền được cho là bạo chúa Herode. Thì giới thần quyền là những “ông kẹ” Phariseu và các luật sĩ. Những ông kẹ này luôn tự hào là những người đạo đức và công chính. Họ đeo thẻ kinh; ăn chay nghiêm ngặt và thích “xúng xính trong bộ áo thụng; thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng… Họ lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ”. .(Mc 12,40).


Với Đức Giêsu; họ luôn chờ chực dèm pha, chỉ trích và phá bỉnh những lời dạy dỗ của Ngài. Với những người thu thuế; họ xếp đồng bàn với “quân tội lỗi”… Tin Mừng Đức Giêsu rao giảng hoàn toàn ngược lại tất cả những gì họ đã nghĩ và đã làm. Rất nhiều lần trong lúc giảng dạy; Ngài đã thẳng thừng “kết án nghiêm khắc” họ là một bọn “giả hình”…


Trong một lần lên Giêrusalem; Đức Giêsu đã tái khẳng định lời kết án bằng một dụ ngôn rất thực tại. “Dụ ngôn người Phariseu và người thu thuế”.


Chuyện được kể rằng : “Có hai người… Một người thuộc nhóm Phariseu còn người kia làm nghề thu thuế ”. Họ cùng tin vào một Thiên Chúa. Họ cùng lên đền thờ và cùng thực hiện một hành vi đạo đức. Đó là “cầu nguyện”.


Cầu nguyện… Vâng, đó là một hành vi đã có từ thuở xa xưa. Từ cái thưở “hậu vườn Eden”... Kinh Thánh thuật lại rằng : Sết – con của A dam – sau khi sinh được một con trai thì “người ta bắt đầu kêu cầu danh ĐỨC CHÚA”(St 4,26).


Chuyện kể tiếp rằng : Hai người đều dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện. Hai bài cầu nguyện tự phát đã cho thấy một sự đối nghịch : thiện và ác – tốt và xấu. Và qua hai bài cầu nguyện của họ; có thể “bình bầu” ai là kẻ đáng được gọi là người công chính, ai là kẻ đáng xếp vào hạng “quân tội lỗi”…

Với con mắt đời thường; đọc qua lời cầu nguyện của “Người-thuộc-nhóm-Phariseu”; không thể không ngưỡng mộ ông ta; một con người “không như bao kẻ khác : trộm cắp, bất chính, ngoại tình…”. Và không thể không ngã-nón-chào tinh thần bất khuất của ông ta; khi ông ta dám “ăn chay mỗi tuần hai lần”. Trong khi “tiêu chuẩn” giữ chay mỗi năm chỉ có một lần vào “Ngày Xá Tội Vong Ân”. Ông ta còn giữ đúng luật thập phân “dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Chắc hẳn ai cũng nghĩ rằng ông Phariseu này quả là một người công chính !!!


Với người thu thuế. Vâng, không cần bàn tới. Tất cả những gì cần nói đã được nói qua lời cầu nguyện của ông ta : “Lạy Thiên Chúa ! xin thương xót con là kẻ tội lỗi”… Kẻ-tội-lỗi… Hỡi ơi ! Làm sao anh ta dám vỗ ngực “tự hào cho mình là công chính”…


Ấy thế mà !!! Không khác gì một vụ nổ bom nguyên tử… Kết thúc câu chuyện; Đức Giêsu nói rằng : “Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính; còn người kia thì không”.(Lc 18,14).


“Người này”… Người này là ai ? Xin thưa là “tên thu thuế”… Còn “người kia”… Vâng, không nói ra, ai cũng có thể hiểu rằng chính là “ông kẹ Phariseu”…


Một chút tâm tình…


Có gì là nghịch lý không; khi tên thu thuế tội lỗi cùng mình; lại “được nên công chính” !? Và có bất công không; khi ông Phariseu “không như tên thu thuế kia”; thay vì được xếp vào hàng công chính; lại phải trở về tay không !?


Thưa không. Đức Giêsu đã chẳng từng nói rằng : “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”. (Lc 5,31). Người thu thuế đúng là kẻ tội lỗi như lời anh ta thú nhận. Chẳng những đã thú nhận tội lỗi mình; anh ta còn có lòng sám hối ăn năn khi thưa rằng : “xin thương xót con”.


Hẳn chúng ta cũng đã nghe Đức Giêsu tuyên bố rằng : “Vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (thì) cả triều thần Thiên Quốc đều vui mừng hớn hở” (Lc 15,7). Vâng, không có gì nghịch lý khi người thu thuế “trở xuống mà về nhà” và được đón nhận như một “người công chính”.


Thật ra ông Phariseu cũng sẽ được “vòng hoa dành cho người công chính” như lời tông đồ Phaolô nói. Vâng, thánh nhân nói tiếp rằng : “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó… cho tất cả những ai hết tình mong đợi” (2Tm 4,8).


Thế nhưng thật là tệ ! Tâm tình cầu nguyện của ông Phariseu có vẻ như không có một chút gì “mong đợi”. Không thấy một câu hay một chữ nào trong lời cầu nguyện của ông chứng tỏ ông “Xin Chúa thương xót”… Trái lại, lời cầu nguyện của ông giống như một lời “phê và tự phê” thì đúng hơn…


Ông ta đã “tung lên mạng Trời” những lời “phê” chí tử; đánh vào “tên thu thuế” đang đứng xớ rớ gục mặt “chẳng dám ngước mắt” nhìn ai. Bản thân ông thì “tự phê” mình bằng những lời có cánh… Chắc hẳn ông nghĩ rằng; bản “kê khai thành tích” của ông đã được nêu trên; quả là “tốt đời đẹp đạo”…


Phải chăng bản-thành-tích của ông có vấn đề ! Và phải chăng vấn đề là nó có hơi hám của một kẻ kiêu ngạo !!! Nếu đúng là như thế thì thật đáng tiếc cho ông ta; vì Kinh Thánh Chúa có chép rằng : “Sự kiêu ngạo đi trước. Sự bại hoại theo sau”(Cn 16,18)…

Một phút suy tư…


Là một Kitô hữu; một lần nữa; chúng ta hãy tự hỏi rằng; tôi đang là ai trong hai nhân vật của dụ ngôn được nêu trên !?

Là “ông kẹ Phariseu” ư ! Là một Phariseu-Kitô hữu ư ! Chẳng có gì xấu hổ mà ngược lại còn đáng tự hào. Hãy nhìn gương Thánh Phaolô. Chính Ngài cũng đã từng là một Phariseu… Một Phariseu-VIP… Phaolô đã có một sự trải nghiệm và Ngài cũng chẳng ngại ngùng tự hào về mình khi nói “Nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2Tm 4,17).


Thật quá tốt nếu chúng ta không bao giờ “trộm cắp, bất chính, ngoại tình…”. Thật đẹp lòng Chúa nếu chúng ta “đến nhà thờ ngày Chúa Nhật” không phải vì sợ “mắc tội trọng” nhưng là để cùng nhau “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội… trong tư tưởng; lời nói, việc làm và những điều thiếu xót…”


Sẽ thật tự hào nếu chúng ta đừng bao giờ soi mói “cái rác trong con mắt người anh em”… mà phớt lờ “cái xà trong con mắt của mình” !!!


Nếu có tự hào về những việc làm phúc đức của mình thì hãy mặc lấy tâm tình của “ông-phariseu-Phaolô” mà tự hào cùng Thiên Chúa - Đấng luôn “Đứng bên cạnh; Người đã ban sức mạnh cho tôi… Người sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc , sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời”(2Tm 4, 17-18).


Trở lại câu chuyện : “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện”. Vâng, chúng ta cầu nguyện như thê nào; để lời cầu nguyện của chúng ta “sẽ vọng tới các tầng mây” !!!


Phải chăng là hãy có một tâm tình khiêm tốn mà thưa với Thiên Chúa rằng : “Lỗi tại tôi… lỗi tại tôi… lỗi tại tôi mọi đàng” !!!


Vâng, nếu chúng ta có một lời cầu nguyện chân thành như thế; hãy tin rằng lời cầu nguyện của chúng ta : “Sẽ được Chúa chấp nhận” (Hc 35, 16).


Petrus.tran











Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

sự khẩn nài và lòng nhẫn nại...

Cn 29 Tn : Sự khẩn nài và lòng nhẫn nại…


“Lạy Trời mưa xuống;
Lấy nước tôi uống…
Lấy ruộng tôi cày.
Lấy đầy bát cơm;
Lấy rơm đun bếp…”.
Đây là những lời “đồng dao”; những lời đồng dao chất chứa một tâm tình cầu nguyện. “Lạy Trời !!!”
Vâng; từ ngàn xưa con người đã biết tới cầu nguyện. Trong bất cứ tôn giáo nào, cầu nguyện luôn là một chiều kích, một điều quan trọng của mối tương giao giữa người tín hữu với Đấng tối cao.
Cầu nguyện giúp con người nhận ra thân phận mỏng manh, yếu đuối, bất toàn và giới hạn của mình. Cầu nguyện giúp con người biết trông cậy vào Đấng toàn năng.
Với Kitô giáo; cầu nguyện được cho là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống bước theo Chúa. Cầu nguyện thường được ví như hơi thở. Được ví như hơi thở; vì thế cầu nguyện thật quan trọng là dường nào…
……
Đó cũng là tâm tình của Đức Giêsu khi Ngài còn tại thế. Không chỉ chú tâm vào công việc loan báo Tin Mừng; Đức Giêsu luôn coi trọng đến tâm tình cầu nguyện. Tâm tình cầu nguyện không chỉ dừng ở điểm “xin thì sẽ được…” nhưng còn phải có lòng nhẫn nại trong sự khẩn nài.
…….
Đó là lý do tại sao Đức Giêsu; mượn câu chuyện “quan tòa bất chính và bà góa quấy rầy” để dạy cho các môn đệ rằng “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc 18, 1)...
Câu chuyện được kể rằng : một bà góa đến gặp một vị quan tòa. Bà ta khẩn khoản van nài ông ta minh xét về việc có người rắp tâm “hại bà”…
Ôi ! tệ thật… Ông quan “phụ mẫu chi dân” này coi trời bằng vung. Ông ta “chẳng kính sợ Thiên Chúa”. Với đám dân đen; ông ta lại càng “chẳng coi ai ra gì cả”(Lc 18,2)…
Với tính cách như thế, nếu không “nhất thân nhì thế” hoặc dùng chiêu “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” thì thật khó để mà đến “cầu cạnh” ông ta…
Ở một xã hội trọng nam khinh nữ ; thường người đàn bà phải chịu sự câm nín; không được có tiếng nói nơi cộng đồng. Người đàn bà đến gặp quan tòa lại là “bà góa” thì quả là nghiệt ngã biết bao !!!
Thế mà bà ta vẫn cứ liều mà “đến thưa với ông quan tòa…” Chuyện gì sẽ xảy ra cho bà ta khi mà quan tòa thời đó được mô tả là “Tất cả bọn chúng đều thích ăn hối lộ, và chạy theo quà cáp. Chúng không phân xử công minh cho cô nhi, cũng chẳng quan tâm đến quyền lợi quả phụ” (Is 1, 23). Không dừng ở đó; họ còn “đặt ra những luật lệ bất công… viết nên các chỉ thị áp bức… để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi” (Is 10,2)…
Thế nhưng !!! Thật không thể tin được… Ông quan này – tuy bị cho là “quan tòa bất chính” – nhưng có lẽ vì bị “mụ góa này quấy rầy mãi…” và chắc là nhờ những cơn “nhức đầu nhức óc” đánh thức “bộ óc lương tâm” của quan-phụ-mẫu… Vì thế,chẳng đặng đừng; ông ta đáp ứng lời nài xin của bà góa với một lý lẽ rất … lý-sự-cùn… Kệ ! “Ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài”…
“Cứ đến hoài”… Vâng, chính hành động đó đã chứng tỏ rằng; bà góa; quả là một người đầy lòng nhẫn nại; bền chí khẩn nài cho một ước nguyện.
Và cũng chính hành động này đã được Đức Giêsu làm mẫu gương cho những ai “ngày đêm hằng kêu cứu với Chúa”(Lc 17,7)…
Một chút tâm tình…


Lịch sử đã trả lời cho chúng ta rằng; Thiên Chúa “đã minh xét” cho những kẻ có lòng nhẫn nại trong sự khẩn nài “ngày đêm hằng kêu cứu với người”…
Chuyện kể rằng : Israel đang trên đường đi đến miềm đất hứa. Bất ngờ đạo quân “Amalech đến đánh Israel tại Rophidim” (Xh 17,8).

một đạo binh tinh nhuệ và quá kinh nghiệm trong những trận địa chiến; quân đội Amalech đủ sức “làm gỏi” quân đội Israel – một đạo quân ô hợp…
Thế mà… thế mà… “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã nào ngờ xe nghiêng”. Con châu chấu Israel đã xô ngã cả một đạo quân tinh nhuệ Amalech. Quân sử Israel đã ghi lại chiến tích này rằng : “Giôsuê đã đánh bại Amalech… xóa hẳn tên tuổi Amalech, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa”(Xh 17,13…14).
Có được chiến tích đó chính bởi lời cầu nguyện của Mosê. “Tôi , tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm gậy của Thiên Chúa”. Mosê cần có sức mạnh để “giơ tay lên” cầu nguyện. Bởi nhờ thế thì “dân Israel thắng thế”… Sức mạnh đó đã được Aharon và Khua trợ giúp.
Và Mosê đã đủ sức liên lỉ cầu nguyện “cho đến khi mặt trời lặn”...
Nhờ Mosê đã liên lỉ “kêu cứu với Người…”. Thiên Chúa đã không “bắt họ phải chờ đợi mãi”… Và Ngài đã “mau chóng” cho Israel cất tiếng hát khúc khải hoàn ca.


Một phút suy tư…
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc18,1).
Chúng ta thường hay nản chí khi cầu nguyện; phải chăng là vì lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm ! Lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm; phải chăng là vì chúng ta chưa đủ nhẫn nại đợi chờ !
Sự nhẫn nại đó không tự nhiên mà tới. Chúng ta phải “vật lộn”… Vâng, như một trận “boxing” chúng ta phải chiến đấu để dành giật lấy nó.
Giacop trước khi được “chúc phúc”; ông ta đã phải chiến đấu, đã phải “vật lộn” với Thiên Chúa suốt cả đêm. Kinh Thánh thuật lại rằng : “Có một người vật lộn với ông cho tới lúc rạng đông” (Stk 32, …25).
Cuộc sống Kitô hữu của chúng ta cũng luôn phải “vật lộn” với những cơn-đau-tinh-thần; cơn đau của sự thất vọng và bội phản… Và cả những cơn-đau-của-thể-xác, cơn đau của bệnh tật, của mất mát người thân… những cơn đau của sự bất trung; bất tín…
Giacop đã chiến thằng bằng sự nhẫn nại. Giacop biết rằng người vật lộn với mình không ai khác chính là Thiên Chúa. Vì thế dù “khớp xương hông của ông bị trật đang khi ông vật lộn với người đó”. Nhưng Giacop vẫn kiên trì chiến đấu. Sự kiên trì chiến đấu của ông không ngoài mục đích là “đòi” cho được lời chúc phúc từ nơi Thiên Chúa. Ông đã lớn tiếng nói rằng : “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi”(Stk 33,…27).
Là một Kitô hữu chúng ta có kinh nghiệm gì trong đời sống cầu nguyện ! Chúng ta cũng sẽ như Giacop “không buông Chúa ra” khi đứng trước sự tuyệt vọng ! Chúng ta cũng sẽ cất tiếng nói rằng : “Con sẽ không buông Ngài ra, nếu Ngài không chúc phúc cho con” !
Thánh Augustin có nói : “Niềm tin làm phát sinh cầu nguyện, và cầu nguyện một khi đã phát sinh sẽ đem lại chắc chắn trong niềm tin”.
Khi chúng ta đã “chắc chắn trong niềm tin” và luôn kiên trì trong sự cầu nguyện thì dẫu cho “Con Người ngự đến” cách bất ngờ; trong khi các người nữ đồng trinh đi đón Ngài còn ngủ mê; chúng ta vẫn có thể dõng dạc lớn tiếng ca ngợi Thiên Chúa rằng : “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,…20).

Petrus.tran   

Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

Tâm tình TẠ ƠN...

                  tâm tình tạ ơn…

“Con hủi… đồ hủi” là một từ ngữ thể hiện hàm ý khinh miệt, ghê sợ  chỉ người bệnh hủi và nghe có vẻ hơi lạ với nhiều người. Nhưng khi nói bằng từ ngữ “bệnh phong hủi” chắc hẳn ai cũng có thể mường tượng ra căn bệnh đó.
Người bị bệnh phong hủi da thịt thường phát nhọt và lở loét. Khi chuyển nặng vết thương lỏm vào da thịt. Trên khuôn mặt, lông mày rụng kèm theo là mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Các bắp thịt tiêu dần đi, gân cốt co làm cho hai bàn tay co lại. Ở mức độ nặng ngón tay và ngón chân rụng.
Xã hội thời xa xưa thường xa lánh và kỳ thị những người mắc bệnh phong hủi. Đã có thời người bệnh phong phải chịu  nhiều luật lệ khắt khe như thả trôi sông, chôn sng, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai quan hệ… 
………………
Israel thời Cựu Ước cũng có luật lệ riêng cho những người bệnh phong hủi. Những luật lệ đó cũng không kém phần khắc nghiệt. Khắc nghiệt ngay từ “khâu chẩn bệnh”… Nếu một người bị nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, lang ben, sói đầu v.v… mà các vết thương đó “cứ loang ra” trên cơ thể... “Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong”(Lêvi 13,7).
Một đạo luật đã được các Tư tế đặt ra : “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!" .Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”(Lêvi 13, 45-46).
Nói chung, đối với xã hội thời xa xưa; cả ở phương Tây lẫn phương Đông… người bệnh phong hủi bị ghẻ lạnh, kỳ thị và xa lánh…
Ấy vậy mà !!! Vâng, vậy mà !!! Có một người đã làm thay đổi một định kiến thâm căn cố đế như thế… Người đó chính là Đức Giêsu Kitô.
……………..
Chuyện là thế này. Khi còn tại thế; trong một dịp Đức Giêsu lên Giêrusalem. “Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi…”. Theo luật định họ “phải ở riêng ra”; phải la lớn lên rằng : “Ô uế ! Ô uế !” để mọi người tránh xa.
Thế nhưng, có lẽ vì nghe đồn rằng; cách đây không lâu;  Đức Giêsu đã cứu chữa một người cũng mắc bịnh phong như họ bằng cách “Giơ tay đụng vào anh ta… Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi” (Lc 5,13). Chính vì nghe được tin đồn đó, nên hôm nay, khi biết Đức Giêsu “đi qua biên giới giữa hai làng Samari và Galilê”… Đạp-lên-luật-lệ; họ đi đến “đón gặp Người”.
Dù còn ở xa, họ không ngần ngại lớn tiếng kêu : “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi” (Lc 17,13). Có thể hình dung ra hình hài ghê tởm với tiếng kêu gào của họ thảm thiết đến mức nào. Và cũng có thể hình dung ra hình ảnh một Đức Giêsu động lòng thương xót họ ra sao.
Ngài không sợ lây bệnh. Vì thế; thay vì sai các môn đệ lớn tiếng mắng mỏ họ rằng “đồ hủi ! tránh xa ra !!!”. Đức Giêsu với ánh mắt cảm thông và trìu mến. Ngài không giơ-tay-đụng-vào-họ và cũng không truyền họ phải “đi tắm bảy lần trong sông Giodan” như trường hợp ngôn sứ  Elise; đã trị bệnh phong cho “tướng chỉ huy quân đội của vua Aram là ông Naaman” (2V5,1…10) bằng lệnh truyền đó…
Vâng, chỉ với một lệnh truyền rất phù hợp với truyền thống : “Hãy đi trình diện với các tư tế”. Và thật bất ngờ. Câu chuyện được kể tiếp rằng : “Đang khi đi thì họ được sạch” (Lc 17,14)…

Một chút tâm tình…  

Rất nhiều lần, sau mỗi phép lạ chữa lành. Thường thì người được chữa lành lẫn người chứng kiến đều khen ngợi Đức Giêsu và “Tôn Vinh Thiên Chúa”. Câu chuyện Đức Giêsu chữa người bại liệt là một ví dụ điển hình.
Thật vậy, ngay sau khi được Đức Giêsu chữa lành; anh bại liệt “vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa”. Chẳng những thế; những người chứng kiến sự kiện vô tiền khoáng hậu đó cũng đều “sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa”(Lc 5,25-26).
Thật đáng tiếc ! “Mười người phong hủi” sau khi được chữa lành, chỉ có một người “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15).
“Thế thì chín người kia đâu ?”… Chắc họ còn phải “trình diện tư tế” theo đúng luật. Chắc họ còn phải gặp tư tế để : ‘làm lễ tạ tội và… cử hành lễ xá tội (để được) thanh tẩy khỏi sự ô uế, sau đó sẽ sát lễ vật toàn thiêu… Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội cho nó và nó sẽ thanh sạch” (Lv 14, 19…20). 
Trách rằng “chín người” trong bọn họ “vô ơn” ư !!! Họ “vâng lời” Đức Giêsu mà đi “trình diện tư tế” kia mà !!! Thế nhưng, chính… chính việc đi trình-diện-tư-tế nên hành động đó tố cáo rằng họ là kẻ vô ơn…
Thật vậy, là người Do Thái, họ rành “sáu câu” về Kinh Thánh. Họ thuộc nằm lòng luật “Lêvi” dành cho người bị phong hủi. Thế mà họ quên hoặc chưa bao giờ đọc sách “Các Vua” !!!
Sách các vua kể lại rằng : khi bị vua Aram “ép” phải chữa bệnh phong cho quan Naaman. Vua Israel “xé áo mình ra và nói : Ta đâu có phải là vị thần cầm quyền sinh tử, mà ông ấy lại sai người này đến nhờ ta chữa hắn khỏi bệnh phung hủi” (2V 5, …7).
Đối với quan niệm Do Thái xưa; chữa lành khỏi bệnh phong được coi như là sự Phục Sinh từ cõi chết... Và  người ta chỉ có thể chờ mong Thiên Chúa làm điều đó.
“Thần cầm quyền sinh tử” là ai nếu không phải là Thiên Chúa !!!
Nếu… nếu “chín người kia” hiểu được điều đó và quay lại tôn vinh Thiên Chúa trước mặt Đức Giêsu trước khi gặp tư tế “tái khám” căn bệnh phong của mình... Vâng, họ đã không mắc nợ Ngài “một lời tạ ơn” !!!
Trở lại anh chàng “Samari” được cho là “người ngoại bang” nhưng lại nhận ra Đức Giêsu chính là “thần cầm quyền sinh tử”. Tuy trình thuật Luca không viết ra; nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng; anh chàng phong hủi này trên đường quay trở lại tìm “Đức Giêsu mà tạ ơn”; chắc hẳn anh ta vừa đi vừa ca rằng : Chúa ơi ! Chúa ơi ! con người không đạo…  Nhưng tin Chúa giúp đời thương đau…” (trích đoạn nhạc phẩm : Trời chưa muốn sáng – tác giả Trần Thiện Thanh).
John Hery Jowett đã viết: "Lòng tin mà thiếu niềm tri ân là một lòng tin không có nghị lực. Tất cả những nhân đức bị tách biệt khỏi lòng biết ơn đều trở nên tàn tật khập khiễng trên con đường thiêng liêng".(nguồn internet).
Tông đồ Phao lô cũng có lời khuyên: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1Tx 5, 16-18).

 Một phút suy tư…
“Thế thì chín người kia đâu ?” Vâng, là một Kitô hữu; phải chăng câu hỏi này cũng rất phù hợp đối với chúng ta hôm nay ???
Được “rửa tội” khi vừa tròn tháng tuổi; có khác nào chúng ta được sạch khỏi “bệnh phong tổ tông”… Cớ sao khi trưởng thành cũng là lúc ý thức được hồng ân làm con Thiên Chúa; thay vì “quay trở lại ngôi thánh đường” tôn vinh Đức Chúa Trời; chúng ta lại “trình diện satan và những sự cám dỗ của nó”!!!
Tại sao chúng ta sợ “vi khuẩn bệnh than”… Sợ vi khuẩn Hansen… Sợ phong cùi thể xác… Thế mà lại không sợ “vi khuẩn dâm bôn… vi khuẩn phóng đãng, thờ quấy, vi khuẩn hận thù, bất hòa, ghen tuông, tranh chấp, tị hiềm, chia rẻ, bè phái, ganh tị, say sưa v.v…” là những loại vi khuẩn dẫn đến “phong cùi tâm linh” !!!
Hãy để cho tâm hồn lắng đọng và hãy tự hỏi rằng : những vi khuẩn kể trên có đang cư ngụ; đang đục khoét tâm hồn chúng ta khống ?
Nếu có… vâng, nếu có thì hãy đến với Đức Giêsu. Ngài vẫn đang có mặt nơi biên-giới-giữa “ngôi thánh đường” và “Gierusalem Thiên Quốc”. Ngài vẫn mời gọi chúng ta “Hãy đi trình diện tư tế”. Không phải tư tế theo “phẩm trật Aharon”, không phải “tư tế do Lề Luật quy định cha truyền con nối, nhưng do sức mạnh của một đời sống bất diệt” (Dt 7,16).
Vị tư tế đó chính là các Linh Mục mà chúng ta quen gọi một cách thân thương là “Quý Cha”…  Với “Dapsone-Giải tội”… với “Rifarmpin và Clofazimine-Hòa giải”… Vâng, với quyền thay mặt Đức Giêsu Kitô ban “Bí Tích Giao Hòa”; vị “Tư tế-Linh Mục” đó sẽ chữa sạch bệnh-phong-tâm-hồn chúng ta. 
Chúng ta đã sẵn sàng “gặp các vị tư tế Linh Mục” để được cứu chữa ??? Chúng ta đã sẵn sàng để đón nhận lời Đức Giêsu nói – qua các Linh Mục – rằng : “Lòng tin của anh đã cứu chữa (bệnh phong tâm hồn) anh” !!!
Nếu chúng ta đã sẵn sàng… Hãy cùng nhau quay-trở-lại-ngôi-thánh-đường-và-lớn-tiếng “Tạ Ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta”. Vâng, vì điều đó “Thật là chính đáng”…
Petrus.tran

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

MARIA... người Mẹ đáng kính của chúng ta.

“Lần hạt Mân Côi”… Vâng, khi lần hạt Mân Côi; phải chăng chính là lúc chúng ta “đổ tràn đầy nước vào cái chum tâm hồn” của mình những lời ăn năn thống hối; những lời cầu nguyện xin ơn và những lời tán dương chúc tụng Thiên Chúa !!!



********************

Đức MARIA…người Mẹ đáng kính của chúng ta.


Phụng vụ Thánh Lễ được chia theo mùa trong năm. Ngoài những mùa đặc biệt như “Mùa Vọng & Mùa Giáng Sinh” kế đến là “Mùa Chay & Mùa Phục Sinh”. Phụng Vụ Thánh Lễ còn có Mùa Thường Niên.
Trong mùa-thường-niên Giáo Hội ấn định một số lễ riêng biệt để mừng các Thánh Bổn Mạng, các Thánh Tử Đạo hoặc các Thánh nam nữ. Nhưng đặc biệt hơn hết Giáo Hội đã dành riêng một số ngày để kính nhớ một cách kính trọng về Đức Maria.


Có thể nói rằng Đức Maria là nhân vật được kính trọng một cách đặc biệt của Giáo Hội Công Giáo.


Vì sao Giáo Hội lại kính trọng Đức Maria như thế !!!


Hãy trở về Palestina cách đây hơn hai ngàn năm của lịch sử Kitô giáo; và hãy lược qua ba mươi ba năm cuộc đời Đức Giêsu…


Từ “thành Galilê, gọi là Nazareth ”. Sứ thần của Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy được dung nhan một cô “trinh nữ tên là Maria”.
“Maria” tên nàng đã đi vào “Lịch Sử Cứu Độ”. Ba mươi ba năm nghiệt ngã; khởi đầu là cuộc gặp gỡ với Gapriel – vị sứ thần của Thiên Chúa đã loan báo rằng : “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”(Lc 1, 31). Chín tháng cưu mang với nhiều biến động trong cuộc đời. “Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ” đã được sinh ra tại Belem miền Giuda”. Chính nơi đây lịch sử cứu độ được hình thành. Hình thành do bởi lòng tin và lời “xin vâng” của cô thôn nữ tên Maria. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như sứ thần nói” (Lc 1, 38).
“Maria” nàng không còn là một nàng thôn nữ… Nàng đã trở thành Đức Maria - Mẹ Chúa của muôn dân - như lời tán dương chúc tụng của bà chị Elizabeth : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này”(Lc 1,42-43).
Đức Maria – có thể nói rằng – kể từ đó đã gắn chặt cuộc đời mình với Đức Giêsu. Hãy nhìn xem những gian truân của Đức Maria từ Belem cho tới đồi máu Golgotha … Ai… ai là người duy nhất bên Đức Giêsu nếu không phải là Đức Maria !!!
Chiều Golgotha… một chiều hoàng hôn tím ! “Đứng gần thập giá Đức Giêsu có thân mẫu người” (Ga 19,25). Lịch sử cứu độ đã hoàn thành. Một Đức Maria chính là nhân chứng. Nhân chứng của sự “thủy chung”…


Từ lòng tin vào Thiên Chúa dẫn đến lời xin vâng và kết thúc là sự thủy chung bên Đức Giêsu; cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng… Vâng, hỏi sao Giáo Hội không kính trọng Đức Maria cho được !!!


Hơn nữa sự kính trọng Đức Maria không chỉ nằm ở những nhân đức và sự thánh thiện của Mẹ; mà còn ở chỗ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và là Mẹ của mỗi chúng ta.



Một chút tâm tình…


“Đức Maria… Người Mẹ của Giáo Hội và là Mẹ đáng kính của mỗi chúng ta”.


Nhân chứng sống động cho lời tín thác trên chính là Đức Maria và tông đồ Gioan. Thánh Gioan đã thuật lại rằng : “Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng :Thưa Bà, đây là con Bà. Rồi người nói với môn đệ : Đây là Mẹ anh. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,26-27).


Một khi chúng ta tin vào Đức Giêsu và là môn đệ của Ngài, thiết tưởng chúng ta cũng sẽ không có vấn đề gì khi gọi Đức Maria là Mẹ Giáo Hội và cũng là Mẹ của mỗi chúng ta.


Đừng ngần ngại mà không gọi Đức Maria là Mẹ… “Mẹ của tôi” Và cũng đừng chần chờ mà không thực thi những lời Mẹ khuyên răn…


Hãy nhìn những gia nhân trong bữa tiệc cưới ở Cana . Họ nghe lời Đức Maria dạy bảo. Nhờ thế; họ đã “cứu một bàn thua trông thấy” cho đôi tân lang và tân nương.


Chuyện là thế này… Tiệc chưa tàn mà lại “thiếu rượu”. Sau một cuộc trao đổi ngắn với con mình là Đức Giêsu. Đức Maria nói với các gia nhân : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo…”


Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết rằng; kết thúc câu chuyện này có hậu. Thật vậy, đó là một phép lạ, và cũng là phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm. Sáu chum đá được các gia nhân “đổ đầy nước vào tới miệng chum”… Kết quả là “nước đã hóa thành rượu” mà lại là “rượu ngon” nữa chứ ! (Ga 2, 10)…





một phút suy tư
Hôm nay Đức Maria đã về trời không còn cư ngụ giữa chúng ta. Nhưng có phải vì thế mà Mẹ không thể khuyên dạy chúng ta ???


Thưa không. Đức Maria vẫn dạy dỗ chúng ta qua những gì đã được chép lại trong Kinh Thánh. Thật vậy, lòng tin cùng với sự khiêm nhường và lời xin vâng; chắc chắn là điều mà Đức Maria : “vẫn hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,…51).


Vâng, nếu Mẹ không nói ra cho các môn đệ nghe và các môn đệ không nói lại cho Luca biết; thì làm sao thánh sử có thể truyền bá lại những nhân đức của Mẹ để hậu thế noi theo !!!


Sẽ là thiếu xót nếu chúng ta không nhắc lại những điều Đức Maria trực tiếp dạy dỗ khuyên răn chúng ta qua những lần Mẹ hiện ra trong thế kỷ trước. Khi thì Mẹ hiện ra ở Lộ Đức 1858; khi ở Fatima năm 1917 và nhiều nơi trên thế giới. Trong đó có La Vang Việt Nam năm 1798….


“Hãy ăn năn đền tội. Tôn sùng Mẫu tâm. Siêng năng lần hạt Mân Côi”… Đó… đó chính là những gì Đức Maria đã khuyên răn.


“Lần hạt Mân Côi”… Vâng, khi lần hạt Mân Côi; phải chăng chính là lúc chúng ta “đổ tràn đầy nước vào cái chum tâm hồn” của mình những lời ăn năn thống hối; những lời cầu nguyện xin ơn và những lời tán dương chúc tụng Thiên Chúa !!!


Thật vậy, có gì tốt hơn khi nhớ lại hình ảnh Đức Giêsu trong vườn cây dầu “lo buồn đổ mồ hôi máu”; chúng ta hãy khẩn khoản “xin cho được ăn năn tội nên”…


Có gì tốt hơn khi nhớ lại biến cố “Đức Mẹ đi viếng Bà Isave” chúng ta hãy cầu xin “cho được lòng yêu người”…


Và khi suy tư về việc “Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời” có gì ngăn cản chúng ta xin “Đức Mẹ phù hộ cho chúng ta được thưởng cùng Mẹ trên nước Thiên Đàng”…


Một trăm năm mươi kinh Mân Côi có khác nào một trăm năm mươi Thánh Vịnh sám hối, xin ơn và tán tụng hồng ân Thiên Chúa…


Vâng, đừng chần chờ gì nữa; hãy thực thi lời khuyên của Mẹ Maria mà cùng nhau đồng tâm nhất trí; cất cao lời hát dâng lên Mẹ : “Một tràng hoa Mân Côi hương thơm ngào ngạt thắm ân tình. Từng lời kinh sốt mến xin dâng về Nữ Vương hiển vinh”.Amen.


SAIGON – 10.2010 - THÁNG MÂN CÔI.
Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...