Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Gia trang Nazareth... Gia Thất Thánh ...

Gia Trang Nazareth - Gia Thất Thánh.



Bốn Chúa Nhật của trông mong và đợi chờ rồi cũng trôi qua. Lễ Giáng Sinh đã đến. Hầu như ở bất cứ nhà thờ nào cũng đều có đông đảo tín hữu tham dự. Phụng Vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ Giáng sinh đã thuật lại đầy đủ về một “tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân… Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra… Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng : vì sao khi sai Con-Một đến thế gian ... Thiên Chúa lại không đến thế gian như một vị thần linh với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa !!! Mà Ngài đã phải đến thế gian bằng hình hài một hài nhi được sinh ra bởi một Trinh Nữ tên là Maria với người cha là Giuse !?

Một thắc mắc mà chắc hẳn ai trong chúng ta đều có thể trả lời rằng; chỉ vì “lung linh… lung linh hai tiếng gia đình”…

Thật vậy, ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã tạo dựng một gia đình hoàn thiện. Nhưng vì gia đình đó đã phạm tội bất tuân. Chính sự bất tuân đó đã dẫn đến sự đổ vỡ trong gia đình. Những bất đồng đã xảy ra dẫn đến vụ án Cain đã giết em ruột của mình là Abel. Nó như là đỉnh điểm của sự đổ vỡ.

Tại Belem; Thiên Chúa “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” trong một gia đình có “bà Maria; ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ”. Hình ảnh đó nói lên một điều rằng; Thiên Chúa muốn dùng gia đình này như là mẫu mực để thánh hóa và phục hồi lại giá trị của gia đình mà xưa kia tổ tông con người đã đánh mất…

Nơi Belem. Một gia đình mới đã hình thành. Một gia đình gồm những thành viên là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Sự vâng lời của Maria ““xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Và sự vâng phục của Giuse sẵn sàng “làm như sứ thần Chúa dạy” đã biến gia trang Nazareth ; nơi được mô tả là “làm sao có cái gì hay được” trở thành nơi có một Gia-Thất-Thánh.

Cũng chỉ là những con người bình thường; nhưng nhờ sống-bởi-đức-tin Gia thất Thánh đã vượt qua biết bao hiểm nguy rình rập. Nhờ tin lời sứ thần Chúa; Gia thất thánh đã vượt thoát khỏi sự truy sát của bạo chúa Herode. Nhờ sống bởi đức tin; đã bao lần ông cứu được gia đình. Và hơn thế nữa; ông đã cứu biết bao “bàn thua trông thấy” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Một gia trưởng như thế; chẳng có gì ngăn cản chúng ta gọi gia thất của ông là một Gia-Thất-Thánh; một gia thất mẫu mực để mọi người noi theo…

Một chút tâm tình…

Có rất nhiều điều chúng ta có thể lĩnh hội qua câu chuyện Thánh Giuse “đưa Hài Nhi Giêsu và mẹ người trốn sang Ai cập”. Một trong những điều đẹp nhất và cần lĩnh hội nhất đó là hình ảnh người cha Giuse luôn sát cánh bên gia đình.

Kể từ sau khi nghe lời sứ thần Chúa “đón vợ về nhà”. Thánh Giuse vẫn luôn sẵn sàng “trỗi dậy” đưa đi đón về Gia Thất Thánh của mình. Từ Nazareth đến Belem ; từ Belem qua Ai cập; từ Ai cập về Israel và cuối cùng lại là Nazareth .

Một văn hào đã viết “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới này là căn phòng của cha nó!”. Vâng, chắc hẳn Hài Nhi Giêsu và Mẹ Maria cảm nhận rõ nơi chốn bình an nhất của họ chính là sự hiện diện của Giuse bên cạnh gia đình mình.

Người ta cho rằng Thánh Giuse chết sớm. Thánh Kinh không thấy ghi chép lại. Nhưng cho dù có đúng như thế; thánh Giuse vẫn mãi luôn ở bên cạnh Gia Thất Thánh của Ngài. Bởi vì Thánh Kinh có chép rằng : “Người cha dù có tắt thở, họ cũng chưa chết, vì đã để lại đứa con giống hệt mình (Hc 30,4).

Một phút suy tư…

Có một điều hết sức nghịch lý. Ngày nay, nhiều gia đình người cha người mẹ vẫn còn sống nhưng họ như đã chết.

… Họ đã chết vùi bên những phi vụ kinh doanh béo bở… Họ đã chết vùi bên những chiếu bạc thâu đêm… Họ đã chết bên những ly rượu, trong những cuộc vui thâu đêm suốt sáng. Họ đã chết mê chết mệt bên những vũ-nữ-thân-gầy… bên những người tình không chân dung…

Họ có biết đâu rằng; vẫn còn đó những Herode-thời-đại… vẫn còn đó những cuộc truy sát tập thể những con trẻ ngây thơ; bởi những game online bạo lực, bởi những website-đen… đen như mõm chó…

Họ có biết đâu rằng; những Herode-thời-đại vẫn rình rập bức tử những con trẻ ngây thơ bằng những thần tượng ảo… những thần tượng quái dị kiểu Harry Potter…

Là một Kitô hữu; hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và tự hỏi rằng; những trường hợp nêu trên có rơi vào gia đình chúng ta !?

Nếu không ! Tạ ơn Chúa. Và hãy nhớ lời thánh Phaolô khuyên nhủ : “Những bậc cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3,21).

Petrus.tran

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Giấc mộng vàng...

GIẤC MỘNG VÀNG...



Ba tuần của Mùa Vọng đã trôi qua. Lễ Giáng Sinh sắp gần kề. Tất cả mọi nhà thờ đều đã xuất hiện hang đá Belem . Nhiều gia đình Công Giáo cũng đã làm máng cỏ trước sân nhà của mình.

Chắc hẳn không một hang đá nào mà không đẹp và sinh động. Đẹp và sinh động không chỉ bởi những ánh đèn lung linh quanh máng cỏ với những cây thông cao chót vót đứng kề bên; nhưng còn đẹp và sinh động bởi những hình tượng Thánh Giuse – Mẹ Maria – Chúa hài đồng Giêsu.

Đặt những hình tượng đó trong hang đá không chỉ để tái hiện lại khung cảnh Belem xưa nhưng còn muốn nhắc cho mọi người biết rằng; Belem chính là tấm gương mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương.

Khi nói về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương. Vâng, người ta thường nghĩ tới Đức Maria và nhất là Chúa Giêsu.

Còn thánh Giuse thì sao ! Ngài có là con người mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương !!!

Hãy trở về miền Galile thành Nazareth với sự kiện sứ thần Chúa gặp gỡ Giuse qua giấc mộng. Chính cuộc gặp gỡ này đã phác họa ra chân dung một con người với tất cả mẫu mực nêu trên.

Câu chuyện được chép lại rằng : Ông Giuse đang mang tâm trạng khắc khoải về việc vì đâu Maria; người đã thành hôn với mình “đã có thai” trước khi về chung sống ! Và ông đang có ý định ca rằng : “thôi là hết anh đi đường anh” !

Thế mà sau khi sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông : “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu vì chính Người sẽ cứu dân Người…”.

Vâng, nhờ có "giấc mộng vàng"; Giuse đã xua tan mối ngờ vực cũng như cất đi những toan tính “bỏ Maria cách kín đáo” của ông.

Hình ảnh một Giuse, thực thi đúng những gì sứ thần truyền, “Đón vợ về nhà… Không ăn ở với bà , cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên là Giêsu”…

Những hình ảnh đó đã cho mọi người có một nhận định về ông; ông Giuse; quả là một con người mẫu mực về sự vâng phục, lòng nhân từ và tình yêu thương.

Vâng, hỏi sao Thánh Kinh khi chép về ông; lại đã nói rằng; Giuse – ông quả là một “người-công-chính”…

Một chút tâm tình…

Xưa kia, nếu thánh Giuse không vâng phục lời sứ thần truyền “Đón vợ về nhà” mình; thì Belem sẽ không có “vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,…6).

Ngày hôm nay cũng thế, niềm vui và hạnh phúc Đức-Giêsu- thật-là Đấng-phải-đến-và-đã-đến; sẽ không thể trọn vẹn nếu chúng ta; là những Kitô hữu; không “rước Chúa vào nhà” mình.

Belem chỉ có ý nghĩa khi có “Hài nhi Giêsu”. Cũng vậy, lễ Giáng sinh cũng chỉ có ý nghĩa khi chúng ta có “Thiên Chúa ở cùng”.

Xưa kia, Thánh Giuse; qua giấc mộng gặp sứ thần Chúa: Ngài đã nhận ra Giêsu chính là “Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Hôm nay cũng vậy; chỉ khi đến Bàn Tiệc Thánh Thể; chúng ta mới nhận ra Chúa vẫn đang ở cùng chúng ta.

Một phút suy tư…


Qua câu chuyện “truyền tin cho ông Giuse”(Mt 1, 18-24) một câu hỏi được đặt ra là : Trong đời sống Kitô hữu; phải chăng có đôi lần chúng ta cũng “định tâm” bỏ Chúa…bỏ những việc làm phúc đức… bỏ chân lý và sự thật… Chỉ vì một vài lý do kinh tế… xã hội…v.v… !?

Hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và hãy tìm đến Lời Chúa qua Thánh Kinh. Bởi vì Lời Chúa chính là “ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.

Và có tốt hơn chăng, trong những lúc nghi nan ngờ vực xâm chiếm tâm hồn mình… Vâng, hãy nhớ tới lời tuyên xưng của Thánh Phêrô : “Bỏ Thầy con biết theo ai. Vì Thầy có lời ban sự sống”.

Ba tuần của mùa vọng đã trôi qua. Thời gian không còn nữa.

Hãy tỉnh giấc như thánh Giuse đã tỉnh giấc. Hãy làm những điều Chúa dạy như “ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy”…

Và cũng đừng quên rước-Chúa-vào-Belem-tâm-hồn-của-chính-ta.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Hãy giục lòng sám hối ...

HÃY GIỤC LÒNG SÁM HỐI...




Phụng vụ Thánh lễ bắt đầu tuần thứ hai Mùa Vọng. Ngoài bốn tuần chuẩn bị cho đại lễ mừng kỷ niệm ngày Chúa Giêsu giáng trần. Giáo Hội còn dành riêng ba ngày; thường được gọi là tuần-tam-nhật; để tổ chức những buổi tĩnh tâm giảng phòng; hầu kêu gọi mọi thành phần tín hữu hãy xem xét lại tâm hồn mình trước ngày lễ trọng đại đó.

Khi nói tới những buổi tĩnh tâm giảng phòng; không thể không nhắc tới những nhà thuyết giảng. Có thể nói rằng; ngoài ơn Chúa tác động; vai trò của các nhà thuyết giảng rất quan trọng. Họ chính là chất xúc tác; tác động tâm hồn các tín hữu qua những lời thuyết giảng của mình.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, bất cứ ở thời đại nào, cũng đều xuất hiện những nhà thuyết giảng lừng danh. Nếu xưa kia là Thánh Phaolô; thì những thế kỷ sau này có Thánh Bernadine… Thánh Inhaxio… Thánh Đa Minh v.v.. Với ơn Chúa, các vị thuyết giảng này đã khiến cho biết bao con tim phải ray rứt mở lòng ra ăn năn sám hối.
………

Có một nhà thuyết giảng lừng danh khắp mọi thời đại. Và cứ đến Mùa Vọng; Giáo Hội không thể không nhắc đến tên ông ta. Vị thuyết giảng đó chính là Gioan.

Mùa Vọng đầu tiên; nếu có thể được gọi là như thế… Ông Gioan mà người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả. Từ miền hoang địa trở về. Không vào Hội Đường… Ông đứng bên sông Giodan với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu và rao giảng rằng : “Anh em hãy sám hối…”. (Mt 3,2).

Vâng, kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất trung, con người mất hết ơn lành. Con người “bị trục xuất ra khỏi vườn Eden ”. Con người trốn chạy Thiên Chúa. Từ “bụi đất con người sẽ trở về bụi đất”.(St 3, 19). Thế nhưng, dẫu cho con người đã bất trung và bội phản. “Thiên Chúa (vẫn luôn) là Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (Thánh vịnh).

Tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua từng thời kỳ. Bắt đầu từ Ông Noe. Một “giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất (đã được) Thiên Chúa phán với ông Noe” (St 9, 16). Rồi từ Ap-ra-ham và trải qua các thời kỳ ngôn sứ. Một sứ điệp mới đã được loan báo rằng : “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử. Để rồi hôm nay, sứ điệp đó; sứ điệp về một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”; được ông Gioan Tẩy Giả lớn tiếng rao giảng rằng “nay đã đến gần”.

Những lời rao giảng đó cứ tưởng rằng chỉ là những tiếng kêu lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những tiếng hô vang của Gioan đã vang đến tận “Giêrusalem và khắp miền Giuđê…”. Nó đã lôi kéo nhiều người đến với ông. Trước một rừng người vây quanh ông; như một ngôn sứ; ông đã cất tiếng cảnh báo rằng : “Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”… Và ông nhấn mạnh rằng : “Cái rìu đã đặt sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi…”(Mt 3,10).

Những lời cảnh báo đó như xé toạc tâm hồn họ; đã thôi thúc họ “thú tội” và đã khiến cho tâm hồn họ “giục lòng sám hối”…

Dòng sông Giodan một phen dậy sóng… Không phải sóng nước; mà là làn-sóng-người bước xuống sông Giodan; để ông Gioan “làm phép rửa cho họ…”

Một chút tâm tình...

“Còn Đấng đến sau tôi. Quyền thế hơn tôi… Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa”.(Mt 3,11).

Đây là một thông điệp không chỉ dành riêng cho Israsel xưa nhưng cũng dành cho chúng ta là những Kitô hữu hôm nay.
Thật vậy, “Đấng đến sau tôi” theo lời Gioan nói; nay đã đến. Ngài “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga1,11).
Ngài cũng kêu gọi mọi người rằng : “anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17).
Ngài cũng đã khẳng định rằng phải-tái-sinh. “Thật, tôi bảo thật… không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,3).
Sẽ thật là thảm hại nếu chúng ta chưa thanh tẩy bằng chính phép-rửa-trong-Thánh-Thần !!! Bởi vì Đức Giêsu đã khẳng định : “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5).
Một phút suy tư…

Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta !? Mười… Hai mươi… Ba Mươi… Năm mươi ! Và đã bao lần chúng ta thực thi thông điệp “hãy sám hối và hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” !!!
Thiết kế một Hang đá với những ngọn đèn lung linh ! Có tượng thiên thần bé nhỏ quỳ bên tượng Chúa Hài đồng Giêsu ! Có cây thông cao vút với những trái châu lung linh muôn sắc muôn màu !!! Vâng, đó là một cử chỉ truyền thống tốt đẹp.
Thế nhưng, để thật sự tốt đẹp hơn nếu chúng ta thiết kế một hang-đá-tâm-hồn với ngọn đèn Lời Chúa, với những ánh lửa Thánh Thần và với một tinh thần sám hối thực sự.
Chỉ khi chúng ta thực hiện như thế. Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh mới thật sự là niềm vui có “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
Một khi chúng ta “dọn sẵn” một hang-đá-tâm-hồn như thế. Hãy tin rằng không chỉ hôm nay Đức Giêsu đã ngự trị trong chúng ta. Mà ngày Ngài “ngự đến trong vinh quang”; niềm trông mong được ở “trong lòng tổ phụ Apraham” của chúng ta sẽ trở thành hiện thực.
Vâng, hãy giục-lòng-sám-hối như lời Gioan Tẩy giả kêu gọi. Kẻo Thiên Chúa nổi giận mà biến “hòn đá này trở nên con cháu ông Apraham” !!
Petrus.tran





Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...