Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Hãy tỏ lòng sám hối.


HÃY TỎ LÒNG SÁM HỐI.


Lịch Phụng Vụ hôm nay bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng. Nhiều Nhà Thờ đã bắt đầu thông báo chương trình tĩnh tâm với nhiều chủ đề khác nhau. Và một trong những chủ đề không thể thiếu đó là sự sám hối.

Vâng. Sự sám hối là một trong những chủ đề lớn của Mùa Vọng. Và “lòng sám hối” luôn là lời mời gọi khẩn thiết cho những ai muốn đón nhận “ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
…..
Hơn hai mươi thế kỷ trước. Mùa Vọng đầu tiên trong lịch sử loài người, nếu có thể được gọi như thế, cũng đã được bắt đầu bằng lời mời gọi. Đó là lời mời gọi của ông Gioan. Ông đã kêu gọi mọi người “hãy tỏ lòng sám hối…”.

Ông Gioan là ai ? Thưa rằng, ông là một sứ giả được Thiên Chúa sai đến, như lời ngôn sứ Isaia đã loan báo rằng “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1, 2-3).

Sứ giả Gioan, người đương thời còn quen gọi là Gioan Tẩy Giả, xuất hiện bên bờ sông Giodan, với khuôn mặt thánh thiện của một vị ẩn tu. Ông đã lớn tiếng rao giảng cho mọi người biết rằng : “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi ”.

……

Vâng, Từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội bất tuân. Con người “bị trục xuất ra khỏi vườn Eden ”. Con người đã phải lãnh án phạt từ đời nọ đến đời kia, đó là “Án Tử”. Từ bụi đất con người trở về bụi đất.

Thế nhưng, dẫu cho con người đã bất trung và bội phản. Thiên Chúa không vì thế mà bỏ rơi con người. Thiên Chúa vẫn luôn là “Đấng từ bi và nhân hậu: Người đại lượng và chan chứa tình thương… Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” (Tv 102, 8-10).

Sự đại lượng và tình thương của Thiên Chúa được thể hiện qua từng giao ước. Bắt đầu từ Ông Noe. Một “giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm ở trên mặt đất (đã được) Thiên Chúa phán với ông Noe” (St 9, 16).

Rồi từ ông Ap-ra-ham cho đến ông Môse và trải qua các thời kỳ ngôn sứ. Lời giao ước mới đã được Thiên Chúa, một lần nữa, phán qua miệng ngôn sứ rằng : “Này đây, Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” (Mt 1, 23).

Trải qua nhiều ngàn năm lịch sử. Để rồi hôm nay, giao ước đó đã trở thành sự thật, “Con trẻ là Emmanuel”, qua lời chứng của sứ giả Gioan, “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Ngài nói tiếp rằng : “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1, 14).

Vị sứ giả Gioan thú nhận rằng : “Tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”.

Những lời chứng đó, cứ tưởng rằng, chỉ là những tiếng phèn la chập choãng lạc lõng giữa hoang địa. Nhưng không, những lời chứng của ông Gioan Tẩy giả đã vang vọng đến mọi người. Để rồi “từ khắp miền Giu-đê và thành Giêrusalem”, từng đoàn người đã lũ lượt “kéo đến với ông”.

Họ đã đến, không chỉ bởi hình ảnh giản dị của vị ẩn sĩ Gioan, nhưng còn bởi chính tiếng mời gọi chân tình của người sứ giả đã kêu gọi mọi người “hãy chịu phép rửa… để được ơn tha tội”.

Dòng sông Giodan dậy sóng. Sóng nước hòa quyện lẫn làn-sóng-người đến “thú tội”. Họ thú tội. Và ông Gioan đã “làm phép rửa cho họ trong sông Giodan”(Mc 1, 5).

Một chút tâm tình…

Chúng ta thường nghĩ rằng, người đóng vai trò chính trong lịch sử cứu độ chính là Đức Maria và Thánh Giuse. Thế nhưng, nếu không nói đến Gioan Tẩy Giả thì quả là một sự thiếu sót.

Khi Gioan Tẩy Giả được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Zacaria – cha của ông – được tràn đầy Thánh Thần và nói : “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng tối cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến Gioan Tẩy Giả không phải là để giới thiệu ông như một “người mẫu” cho một kiểu thời trang mùa đông với chiếc “áo lông lạc đà”.

Nhắc đến Gioan Tẩy Giả chính là để giới thiệu cho mỗi Kitô hữu chúng ta một “Ngôn sứ của Đấng Tối Cao”. Một người ngôn sứ trung thực đã dám sống cho sự thật và chết cho sự thật.

Thật vậy, để bảo vệ sự thật, Gioan Tẩy Giả đã không ngần ngại vạch mặt chỉ tên nhóm “thần quyền” giả hình Phariseu và Xa-đốc chỉ là một “Nòi rắn độc”. Và ông đã dám chết cho sự thật để ngăn cản một việc làm đáng xấu hổ của bạo chúa Hê-rô-đê.

Có thể kết luận rằng, nhắc tới Gioan Tẩy Giả chính là để giới thiệu với mỗi người Kitô hữu chúng ta một tấm gương mẫu mực về một con người, không phải là qua cách ăn mặc của ông : “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng” (Mc 1,6) mà là qua cách sống của ông, để sao cho bản-thân-mình chính là tiếng-nói-nối-tiếp-của-Gioan, nói lên một sự thật với mọi người rằng “hãy tỏ lòng sám hối”. Bởi vì “Nước Chúa đang gần kề”.

Thật đấy ! “Nước Chúa đang gần kề”.

Một phút suy tư…

Đã có bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta ? Và đã có bao nhiêu lần chúng ta nghe rằng : “Nước Chúa đang gần kề” ?

Chắc hẳn là nhiều lắm. Nếu tính từ lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng với lời loan báo rằng “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ôi ! đã hơn hai ngàn năm rồi. Cớ sao vẫn chưa thấy “Nước Chúa” đâu cả !!!

Thánh Phê-rô đã có lời giải đáp cho chúng ta rằng “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên : đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, một năm cũng tựa một ngày. Chúa không chậm trể thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải”.( 2 Pr 3, 8-9)

Vâng, vấn đề không phải là bao lâu và khi nào.

Vấn đề chính đó là, chúng ta “phải sống đạo đức và thánh thiện… trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa”. Bởi vì, chỉ khi sống một đời sống như thế, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống, như lời Thánh Phê-rô đã nói, “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”(2 Pr 3, 14).

Một khi có được một cuộc sống “tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an”. Vâng, đó là lúc chúng ta đã “dọn sẵn con đường tâm linh, sửa lối con đường tâm hồn” của chính chúng ta.

Một khi chúng ta đã “dọn sẵn con đường tâm linh, sửa lối con đường tâm hồn” của chính chúng ta. Vâng, đó là lúc chúng ta đã “san bằng những con đường tự mãn kiêu căng, đã lấp đầy những hố sâu dục vọng, đã uốn ngay những quanh co gian dối”.

Một khi chúng ta đã “dọn sẵn con đường tâm linh, sửa lối con đường tâm hồn” của chính chúng ta. Hãy tin rằng, ngày Chúa Giêsu “ngự đến trong vinh quang”, niềm trông mong được ở “trong lòng tổ phụ Apraham” của chúng ta sẽ trở thành hiện thực.

Bạn đã “tỏ lòng sám hối” chưa ! Nếu chưa ! Hãy thực hiện ngay hôm nay.

Hãy nghe ! Kinh Thánh có chép rằng “Lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dể đâu." (TV 51, 19).

Petrus.tran

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Phải canh thức.

Phải canh thức.

Theo truyền thống, lịch Phụng Vụ của một năm được khép lại bằng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua. Và năm Phụng Vụ mới luôn bắt đầu bằng Mùa Vọng.

Chúa Nhật hôm nay 27.11.2011. Giáo Hội Công Giáo bước vào Mùa Vọng.

Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus", có nghĩa là "đến". Vọng là trông chờ, là mong đợi điều sắp đến. Vâng, mùa vọng là mùa trông chờ và mong đợi “Chúa đến”.

Hơn hai ngàn năm trước đó. Con người đã trông chờ và mong đợi để được nhìn thấy một “vì sao xuất hiện bên phương Đông” bởi vì đó là dấu chỉ báo tin có một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”(Mt 2,2). Vị Vua đó được đặt tên là Giêsu. Ngài chính là “Emmanuel , nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(Mt 1,23).

Và điều đó đã trở thành hiện thực. Tại Belem miền Giu-đê, một tin mừng trọng đại, tin mừng cho toàn dân “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra. Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

Vâng, quả là “Phước cho nhân loại Chúa ta ra đời”. Một nguồn ơn phước đã khiến cho muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Thế nhưng, với chúng ta hôm nay. Mùa Vọng không chỉ trông đợi cuộc cử hành ngày kỷ niệm Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người. Nhưng còn mong chờ ngày “Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Sự trông đợi và mong chờ đó được dựa vào chính lời Đức Giêsu đã tâm tình cùng các môn đệ trong bữa tiệc ly rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

“Ít lâu nữa” là bao lâu !

Trong một bài giáo huấn Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng “Ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 35).

Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng đã mượn một câu chuyện rất đời thường như để giải tỏa nỗi ưu tư của các môn đệ.

Mở đầu câu chuyện Đức Giêsu nói “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33)

Chuyện được kể tiếp rằng : Có một người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại và trao quyền cho các đầy tớ của mình. Mỗi người đầy tớ ông ta “chỉ định mỗi người một việc”. Riêng người giữ cửa, ông chủ ra lệnh “phải canh thức”.

Người chủ không cho đầy tớ biết khi nào ông ta sẽ trở về ngoài những mệnh lệnh cần thiết. Ông ta không cho biết sẽ trở về vào “lúc chập tối hay nửa đêm”. Ông ta cũng chẳng nói, tôi sẽ về “lúc gà gáy hay tảng sáng”…

Chuyện kể tới đây, không ai có thể phủ nhận, lời khuyên của Đức Giêsu rất chính đáng. Ngài nói “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến”(Mc 13, 35).

“Phải canh thức”. Đó chính là lời khuyên được Đức Giêsu dùng để khép lại câu chuyện nêu trên.


Vâng, “phải canh thức” cũng chính là trọng tâm của Mùa Vọng mà hôm nay toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành.

Một phút suy tư…

Gần cuối câu chuyện Đức Giêsu đã nói : “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là : phải canh thức” (Mc 13, 37)

Hết thảy mọi người là ai ! Phải chăng là có chúng ta hôm nay !

Đúng vậy. Được mời gọi trở nên người Ki-tô hữu, chúng ta cũng được “Ông chủ Giêsu” giao phó “mỗi người một việc”.

Được giao phó làm “người giữ cửa Giáo Hội” hay được giao phó làm công việc của một giáo dân, không quan trọng. Được giao phó trách nhiệm làm quan hay làm dân, không quan trọng. Được giao phó trách nhiệm làm thầy hay làm trò, không quan trọng.

Điều quan trọng là, tất cả chúng ta đều phải trung tín trong công việc được giao phó. Bởi vì đó chính là kiểu canh thức hợp lòng Chúa Giê-su.

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi được giao phó trách nhiệm là “người mục tử của Chúa” nhưng lại “mơ ngủ” muốn mình trở thành “Hoàng tử của Công Chúa Bạch Tuyết” !

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi được giao phó trách nhiệm “kỹ sư tâm hồn” nhưng lại biến thể thành “quỷ sư gạ tình đổi điểm” !?

Phải trả lời như thế nào với “Ông chủ Giêsu” khi được mang danh hiệu “lương y như từ mẫu” nhưng lại coi “lương tâm không bằng lương tháng” !?

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi chúng ta lãnh trọng trách làm chồng, làm vợ. Tự nguyện “quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời” nhưng lại “mơ ngủ” muốn mình có một cuộc sống thoải mái “trăm thê ngàn thiếp” như vua Minh Mạng !

Có quá khó để chúng ta không “mơ ngủ” trong công việc được giao phó ! Có quá khó để chúng ta canh thức cho đến khi “Ông chủ Giê-su” đến !


Xin thưa, không quá khó. Nếu chúng ta tin rằng, mỗi công việc “Ông chủ Giêsu” giao phó chính là, như lời tông đồ Phao-lô nói, “ân huệ Thiên Chúa đã ban cho (chúng ta) nơi Đức Kitô Giêsu”…

Vâng, nếu chúng ta đón nhận công-việc-Chúa-giao-phó như là ân huệ Chúa ban, chắc chắn chúng ta sẽ không “mơ ngủ” mà hành xử công việc được giao một cách vô trách nhiệm.

Thánh Phaolô đã nói : “Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. (1Cor 1, 5).

Một khi đã “được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. Vâng, có phần chắc lời cảnh báo “phải canh thức” của Chúa Giêsu sẽ “ăn sâu vững chắc vào lòng trí” chúng ta.

Chúng ta hãy nhẫn nại nghe thêm một lời khẳng định của thánh Phaolô “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa”.


Hãy nhớ rằng, đến “Ngày của Chúa”. Vâng, Ngài sẽ xét đoán chúng ta về những gì chúng ta được giao phó. Ngài sẽ chất vấn chúng ta về những gì chúng ta đã làm.

Xưa kia, các trẻ mục đồng đã “thức đêm canh giữ” vì thế họ mới có thể nhìn thấy “vinh quang của Chúa chiếu tỏa”.

Vâng, chúng ta cũng “phải canh thức”. Nói cách khác, “mỗi người” phải chu toàn “một việc” đã được giao phó. Có như thế , khi “ông chủ Giêsu đến” dù cho có “đến bất thần” chúng ta cũng không sợ gì. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ kêu gọi chúng ta “đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cor 1, 9).

Thánh Phaolô đã xác tín như thế. Còn chúng ta.. Chúng ta cũng xác tín như thế !?

Nếu chúng ta xác tín như thế, quả thật, sự trông đợi và mong chờ của chúng ta về ngày Chúa đến lần thứ hai đã đi đúng quỹ đạo của nó.

Nếu chúng ta xác tín như thế, đừng chần chờ gì nữa, hãy mượn lời của ngôn sứ Isaia, để làm một lời nguyện khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa “Lạy ĐỨC CHÚA… Vì tình thương đối với tôi tớ…. Xin Ngài mau trở lại” (Is 63, 17).

Vâng, vì tình thương…
…Xin Ngài mau trở lại. Amen.

Petrus.tran











Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Giờ đã đến... và Giờ sẽ đến.

Giờ đã đến…và Giờ sẽ đến !
--------------------------------------------------------------------------------

Petrus Tran

Đang khi Giêrusalem say nồng trong giấc ngủ. "Đức Giêsu cùng các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani". (Mt 14, 36). Con suối Kit-rôn nằm uốn khúc lượn lờ. Còn những chiếc lá oliu thì hững hờ nhìn màn đêm.

Đêm thinh lặng bị phá vỡ bởi tiếng vó ngựa và tiếng va chạm binh khí đến lạnh người. Một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Phariseu xuất hiện.

Vài hôm trước, các thủ lãnh Do Thái quyết định giết Đức Giêsu. Họ cho rằng Ngài là nguyên nhân dẫn đến việc Roma sẽ phá hủy thành thánh. Vì thế, họ quyết định truy bắt Ngài. Tên phản bội Giuda biết rõ nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Y thông báo cho nhóm cơ binh biết Ngài đang ở trong vườn Ghết-si-ma-ni.

Vòng vây được xiết chặt lại. Và như con thú đói mồi, Giuda xông đến trước mặt Đức Giêsu. Thấy sự hung hăng trên khuôn mặt của tên phản bội. Đức Giêsu biết trước điều gì sẽ xảy ra cho Ngài. Ngài cất tiếng hỏi “Các anh tìm ai ?”. Họ đáp “Tìm Giêsu Nazareth”. Đức Giêsu nói “Chính tôi đây”. Giuda cùng nhóm cơ binh hốt hoảng lùi lại và ngã xuống đất.

Và đúng như điều Đức Giêsu đã tiên đoán. Nhóm cơ binh xông vào trói Ngài lại. Họ điệu Ngài đến trước các ông Kha-nan và thượng tế Cai-pha, một chức sắc cao cấp của người Do Thái.

Trong lúc thẩm vấn Đức Giêsu, những màn xỉ nhục và đánh đập đã diễn ra. Chuyện không giải quyết được gì. Họ dẫn giải Ngài đến trước tổng trấn Phi-la-tô. Phi-la-tô đã nghe nhiều về danh tiếng của Đức Giêsu. Ông cho gọi Đức Giêsu và nói với Ngài “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?”.

…..

Không phải là người Do Thái, vì thế tổng trấn Phi-la-tô đã không biết rằng, hơn bảy trăm năm trước, ngôn sứ Mikha đã tiên báo “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel” (Mk 5, 1).

Và hôm nay… “Giờ-đã-đến…” Trước mặt quan tổng trấn Phi-la-tô đầy kiêu hãnh, Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng “Thật như lời, ta là vua” (Mt 18, 37).

Đức Giêsu là vua ư ! Đúng. “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Đã đến lúc Thiên Chúa “ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai (Thiên Chúa) đã ban cho Người” (Ga 17,1-2).

Không như các vua chúa của trần gian, để có quyền hành cai trị đất nước, họ đã dùng tới sức mạnh của gươm đao, của mánh khóe, của vũ lực… Họ sẵn sàng giết chết vua để đoạt ngôi vua.

Vua Giêsu. Ngài không dùng bạo lực. Không dùng gươm đao… Không dùng quân đội “đảo chánh”… Không dùng sức mạnh đảng phái để “cướp-chính-quyền” !!!

Ngài đã lên ngôi vương bằng chính “tình yêu thương”. Một thứ tình yêu dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Thảm hại thay cho Tân Vương Giêsu… Là Vua nhưng không có ngai… Vương miện là một mão gai… Và thập giá chính là “Tòa Bạch Ốc” của Ngài… Kết thúc lễ đăng quang là một án tử “đóng đinh Người” vào thập giá… Lại còn mỉa mai bằng cách viết trên đầu Ngài dòng chữ “Đây là Vua…”!!!

Vô tình thay, cách mà con người đã tổ chức lễ đăng quang cho Ngài lại nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã từng nói rằng : “Như ông Mose đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như thế…”

Phải-được-giương-cao-như-thế !!! Đức Giêsu nói tiếp rằng : “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,15).

Vô tình họ đã góp phần thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vô tình họ đã suy tôn Đức Giê-su “Là VUA”…

Đúng. Đức Giêsu là Vua. Như lời Kinh Thánh có chép rằng “Chúa là vua hiển trị. Người xét xử muôn nư theo đường ngay thẳng” (Tv 95, 10).

Một chút tâm tình…

Và… “Giờ sẽ đến !”. Giờ sẽ đến chính là giờ Vua Giêsu sẽ “ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.(Mt 16, 27).

Chính Vua Giêsu đã ra “thông cáo chung” về cuộc phán xét chung rằng : “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.”(Mt 25, 32).

Không phân biệt các vua chúa, quan quyền hay người dân trong mọi thời đại. Họ sẽ phải trả lời trước mặt Đức Giêsu về những hành vi họ đã làm.

Vua Giêsu có thẩm quyền như thế, bởi vì Ngài không như các vị vua trần gian đã chết và đã đi vào quên lãng.

Vua Giêsu có thẩm quyền như thế, bởi vì Ngài “đã trỗi dậy từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cor 15, 20).

Vua Giêsu Kitô có thẩm quyền như thế, bởi vì “Mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần” cũng như tất cả “mọi thù địch” đều bị tiêu diệt hoặc “đã quy phục Đức Kitô”.

Vâng, thật phải đạo khi hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo kính thờ Chúa Giêsu Kitô như là một vi Vua-của-muôn-vua, Chúa-của-các-chúa.

Một phút suy tư…

Đức Giêsu là Vua. Nhưng ! Hãy nhớ rằng…

Đức Giêsu không phải là loại vua “chỉ biết lo cho mình” (Ed 34,…8).

Đức Giêsu không phải là loại lãnh tụ “thống trị (dân) một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34, …5) như nhiều lãnh tụ trần gian mà ai trong chúng ta đều biết, nhưng vì lý do tế nhị không tiện nêu tên ở đây.

Đức Giêsu không khuyến khích các môn đệ cũng như những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài “dùng uy mà thống trị dân… lấy quyền mà cai trị dân”.

Trái lại, Đức Giêsu đã khuyến cáo rằng : “Giữa anh em thì không được như vậy”. Ngài nói tiếp rằng “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26).

Đón nhận Đức Giêsu như là Vua-của-đời-ta chính là phải đón nhận và thực thi những gì Ngài đã dạy bảo.

Nói một cách khác, để trở thành thần dân của Ngài, hãy nhớ rằng Đức Giêsu, qua Giáo Hội, đã nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng “thương người có mười bốn mối” và hãy thực thi không chỉ “thương linh hồn bảy mối” mà còn phải thực thi “thương xác bảy mối” một cách hoàn thiện.

Thật ra, không phải khi chúng ta “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết” là chúng ta được Chúa Giêsu cho “điểm mười”.

Hãy nghe Đức Giêsu nói “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

“Là các ngươi làm cho chính Ta vậy” nghĩa là gì ? Thưa chính là làm cho Chúa Giêsu. Vâng, đó mới là điều chúng ta cần nhớ đến.

Cần nhớ đến, bởi khi làm một điều gì đó “vì danh Chúa”, có phần chắc chúng ta không dám bất công, xảo trá, vu oan giá họa như bà hoàng hậu I-de-ven vợ vua A-kháp đã làm.

Hoàng hậu I-de-ven đã xúi dục những kẻ vô lại cáo gian ông Na-vốt để có cớ giết ông ta, chỉ vì ông ta không chịu nhượng lại vườn nho cho nhà vua… (1V 21, 1-16).

“Là các ngươi làm cho chính Ta vậy” nghĩa là gì ? Thưa chính là làm cho Chúa Giêsu. Vâng, đó mới là điều chúng ta cần nhớ và phải nhớ suốt đời.

Và một điều cần nhớ nữa rằng, chỉ khi chúng ta làm “Vì Danh Chúa”. Chỉ khi đó chúng ta mới được trở thành những người “đứng bên phải Chúa Giêsu”, những người được “chúc phúc”, những người được “thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn… ngay từ tạo thiên lập địa” (Mt 25, …34).

“Giờ đã đến” và “Giờ sẽ đến !”.

Bạn đã chọn Chúa Giêsu là Vua-của-đời-Ta !? Nếu chưa ! Xin gửi câu nói sau đây đến quý bạn. Vâng, “Jesus – Don’t leave earth without HIM” – “Đừng lìa thế gian mà không có NGÀI”.

Petrus Tran

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Hãy sẵn sàng.

Niềm tin Kitô giáo dạy rằng, Đức Giêsu “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. (trích: Kinh Tin Kính).




Cách nay khoảng gần sáu tháng, thế giới xôn xao về lời tiên báo của nhà truyền giáo Harold Camping rằng, ngày 21.05.2011 sẽ là ngày tận thế. Là ngày trở lại và phán xét của Chúa Giêsu Kitô.









Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, Cựu Ước lẫn Tân Ước, Harold Camping tiên tri rằng, vào ngày 21.05.2011 Chúa Jesus Christ tái lâm và song song với sự trở lại của Chúa Jesus, nhiều thiên tai như động đất xảy ra, khởi đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ bảy tại New Zealand (Tân Tây Lan) và cuộn theo từng múi giờ, sự tàn phá của thiên tai tràn ngập trên hành tinh của chúng ta. Kể từ ngày 21.05.2011 thiên tai tấn công liên tiếp, hủy diệt loài người trên trái đất cho đến tháng 10.2011, trái đất bị “hỏa thiêu”, trở thành quả cầu lửa, và trong số 6 tỷ người, chỉ có 200 triệu là được Chúa đón về thiên đàng.



Lời tiên đoán này đã được Harold Camping loan tin qua hệ thống 65 đài phát thanh, bằng 81 ngôn ngữ, và qua hệ thống Internet. Không dừng ở đó, ông ta còn tung ra mấy triệu Mỹ kim để đặt các bảng Billboards, tổ chức quảng cáo trên xe bus, và bằng những đoàn người mặc áo T-Shirt có dòng chữ “Judgment-Day May 21, 2011” hoặc chữ “RAPTURE May 21, 2011”. (trích nguồn: internet).



Sáu tháng đã trôi qua, những lời tiên đoán của Harold Camping đã chìm vào quên lãng.



Tại sao lại có sự tiên đoán sai lầm như thế! Thưa rằng, vì ông ta quên Đức Giêsu đã phán rằng “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Matthêu 24, 36).



……



Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu không chỉ loan báo Tin Mừng Cứu Độ, rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.



Đức Giêsu còn loan báo tin về một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác” (Mt 24, 30-31).



Bất cứ lời loan báo nào, Đức Giêsu cũng dùng những ví dụ cụ thể hoặc những dụ ngôn rất đời thường để diễn giải cho mọi người.



Nếu lời loan báo về cái chết của Ngài được ví như xưa kia “ông Môse đã gương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy”.



Thì, khi nói đến ngày “Con Người sẽ đến”, Đức Giêsu đã ví ngày đó sẽ bất ngờ xảy ra giống như một tên “kẻ trộm” bất ngờ xuất hiện.



Với lời loan báo ngày “Con Người sẽ đến”, Đức Giêsu đã có lời dặn dò rằng “hãy canh thức và hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến”.







Và để cho mọi người thấu hiểu thế nào là “canh thức” và thế nào là “sẵn sàng” Ngài đã kể một dụ ngôn. Đó là “dụ ngôn mười trinh nữ”. (Mt 25, 1-13).



Dụ ngôn được kể rằng: “Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”.



Là người Việt Nam, chắc hẳn chúng ta sẽ khó hình dung ra cái đám cưới ngộ nghĩnh này. Nội chi tiết “cầm đèn” cũng đủ gây nhiều thắc mắc! Đám cưới vào ban đêm ư!?



Thưa đúng, đó là phong tục của người Do Thái thời Đức Giêsu. Về phong tục cưới hỏi của người Do Thái, có lẽ không nhất thiết phải bàn ở đây.



Vấn đề cần tìm hiểu là, mười cô trinh nữ đó đã canh thức và đã sẵn sàng như thế nào!? Và rằng các cô đó đã làm gì đến nỗi để bị phân loại “có năm cô dại và năm cô khôn”!



Vâng, năm cô bị cho là dại vì đã “mang đèn mà không mang dầu theo”. Còn năm cô kia được cho là khôn nhờ đã “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”.



Chuyện được kể tiếp rằng: Bất ngờ “Nửa đêm có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi’. Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn”.



Than ôi! Năm cô dại chẳng khác gì phải xỏ chân vào một đôi giày chật. “Chú rể kia” nhưng đèn của các cô “tắt mất rồi”. Hết dầu! Xin không được. Các cô vội vàng đi mua… Vâng, năm cô này có khác gì là những kẻ không “sẵn sàng” để “canh thức” cho một đêm quan trọng của một đời người!



Sách có câu “cẩn tắc vô ưu”. Nghĩa là cẩn thận thì không lo lắng về sau.



Đúng vậy. Năm cô được cho là khôn, nhờ cẩn thận mang theo chai dầu nên đã có một đêm “canh thức” rất an nhàn. Khi “chàng rể tới” các cô đã “sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”.



Rất nhẹ nhàng và rất đời thường. Chẳng có gì là ẩn ý trong dụ ngôn. Đức Giêsu khép lại câu chuyện bằng một lời nhắc nhở “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).



Một chút tâm tình



“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).



Vâng, tông đồ Phaolô cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”.



Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, …6).


“Sống tiết độ”. Vâng, đây quả là một lời khuyên hết sức quan trọng. Bởi tiết độ là một trong những hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22).

Đời sống của Kitô hữu nếu không có “hoa quả của Thần Khí” thì chẳng khác gì “có đèn mà không có dầu”!

Một khi “có đèn mà không có dầu”, dẫu cho đã là một Kitô hữu, khi đến lúc “chàng rể Giêsu tới”, có phần chắc Ngài sẽ phán rằng “Tôi bảo thật, tôi không biết anh là ai”!!!

Một phút suy tư

Cũng như các dụ ngôn khác. Hãy tự hỏi mình rằng “tôi là ai trong mười trinh nLà năm cô dại “mang đèn mà không mang dầu”? Vâng, rất có thể! Rất có thể, bởi dù đã mang ngọn-đèn-Kitô-hữu nhưng lại không có dầu-Thánh-Thể và dầu-Lời-Chúa thì làm sao có thể thắp sáng ngọn đèn thập giá Chúa Kitô!!!

Ngọn đèn thập giá Chúa Kitô trong tâm hồn ta, lu mờ trước Thiên Chúa, thì làm sao chúng ta được mời “dự tiệc Nước Trời”!

Vua David đã khẳng định rằng “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước” (Tv 119, 105).

Thật vậy, Dầu-Lời-Chúa chính là phương tiện dẫn đưa chúng ta đến kho-dầu-Thánh-Thể. Và một khi ngọn-đèn-Kitô-hữu được đổ tràn đầy dầu-Thánh-Thể.

Vâng, “ngọn đèn thập giá Chúa Kitô” trong ta sẽ bừng sáng lên.

Một khi “ngọn đèn thập giá Chúa Kitô” trong ta bừng sáng lên. Vâng. Sẽ không có trở ngại nào ngăn cản chúng ta được đi theo chàng rể Giêsu vào dự “tiệc cưới Con Chiên”.

Chúng ta đã “sẵn sàng” để dự bữa tiệc có một không hai này!? Nếu chúng ta đã “sẵn sàng”! Vâng, hãy cùng nhau cất tiếng nguyện rằng: “MANARATHA. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 20, 20)

Petrus.tran

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Quyền lực và quyền hành phải thực thi như thế nào !

 
Dao và kéo là những vật dụng thiết yếu cho đời sống của con người. Khi đề cập đến những vật bén nhọn như dao kéo, chúng ta thường có những lời cảnh báo, nào là phải thật cẩn thận, đừng cẩu thả khi sử dụng những vật bén nhọn đó. Và nhất là đừng lạm dụng biến nó thành một thứ vũ khí để giết người.

Quyền lực hay quyền hành cũng vậy. Nó cũng được ví như một con dao hai lưỡi. Cũng sẽ phải thật thận trọng, đừng bất cẩn khi thừa hành nó. Bởi nếu quyền lực hay quyền hành bị lạm dụng, nó sẽ xảy ra những thảm cảnh, không chỉ trên một vài cá nhân, mà còn có thể tác hại trên nhiều người.

Thực ra, quyền lực hay quyền hành tự nó chẳng tốt cũng chẳng xấu. Điều quan trọng là, khi thực thi quyền lực hay quyền hành, cần có động lực là tình yêu sự thật và đức hạnh, nếu không, sự thiệt hại cho người khác là điều tất yếu xảy ra.

Quyền lực hay quyền hành. Đó cũng là điều Đức Giêsu rất quan tâm đến. Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, bên cạnh những lời giảng dạy về tình yêu thương, Ngài cũng đã để lại không ít lời giáo huấn cho những ai muốn trở thành “người làm lớn”.

Trong một lần đang trên đường lên Giêrusalem. Hai người con ông Dê-bê-đê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và xin Ngài cho họ được “một người bên hữu, một người bên tả” khi Ngài được vinh quang.

Giáo huấn mà Đức Giêsu giảng dạy là “con Ngươi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

Chính vì thế, hôm đó, không chỉ hai anh em nhà Dê-bê-đê, mà là tất cả các môn đệ đã được Đức Giêsu dạy cho một bài học “muốn làm lớn”… muốn được ngồi bên tả bên hữu thì phải làm gì?!

Vâng, Đức Giêsu đã nói “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”

Muốn trở thành nhà lãnh đạo ư?! “Nói phải làm”.

Muốn thực thi quyền lực ư?!

Đừng như những Phariseu và các kinh sư “Ngồi trên tòa ông Môse” hùng hồn giảng thuyết. Nhưng lại “nói mà không làm”!

Muốn thực thi quyền hành ư?!

Đừng “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta…”. Đừng “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy…”. Đừng “ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường…”. Đừng “ưa người ta chào hỏi ở những nơi công cộng…”. Và cũng đừng ham “được thiên hạ gọi là ‘rapbi’…”.

Đã không ít lần chứng kiến cách hành xử quyền hành thiếu tình yêu và đức hạnh của các nhà lãnh đão tôn giáo đương thời. Đức Giêsu có lời dạy bảo rằng “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).

Một chút tâm tình
Chắc chắn Đức Giêsu không cấm chúng ta gọi những người dạy dỗ chúng ta là “thầy”.

Chắc chắn Đức Giêsu sẽ phiền lòng về một ai đó phủ nhận giá trị làm “cha” làm “mẹ” trong cuộc sống hôn nhân.

Và hẳn nhiên những vị trí quyền hành khác nhau trong xã hội như: Linh mục, Luật sư, Thầy giáo, Huấn luyện viên, Bác sĩ, Y tá điều dưỡng, Chủ xí nghiệp, những nhà lãnh đạo quốc gia, những bậc cha mẹ, những nhà lãnh đạo Hội thánh, Hội đồng giáo xứ v.v… là điều rất cần cho xã hội cũng như cho Giáo Hội ở trần gian này.

Khi Đức Giêsu nói “đừng để ai gọi mình là ‘rapbi’…” hoặc Ngài khuyến cáo rằng “anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha” chính là Đức Giêsu muốn mọi người biết rằng, tất cả quyền hành hay quyền lực ở trần gian này, nếu có, cũng là do Thiên Chúa mà ra, như sau này Đức Giêsu đã có lời đối đáp trước mặt Philatô rằng “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11).

Hẳn ai trong chúng ta đều biết, quyền lực hay quyền hành trong một quốc gia đều dưới quyền vị vua.

Vì thế tất nhiên, quyền lực và quyền hành dưới trái đất này phải thuộc quyền Vua vũ trụ này.

Và ai là Vua vũ trụ này! Vâng, lời Đức Chúa đã phán với Israel qua trung gian ông Malakhi rằng: “Chính Ta là Đức Vua cao cả” (Ml 1…14).

Vì thế, thật phải đạo khi chúng ta tin lời Đức Giêsu đã nói: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời”.

Một phút suy tư

Quyền lực hay quyền hành được thiết lập là để duy trì trật tự xã hội. Hay nói một cách khác, là để phục vụ con người.

Là một Kitô hữu, đừng bao giờ lạm dụng quyền hành hay quyền lực. Gương vua David chính là bài học bổ ích cho mỗi chúng ta hôm nay.

David đã phải vượt qua một thử thách lớn khi sử dụng quyền lực của mình. David biết rõ về giới hạn của ông ta. Ông ta đã lắng nghe Avigagin và đã không giết chồng cô ta, cũng như mọi người liên quan với ông ta (1Sm 25, 32).

Rồi đến khi David có cơ hội để giết Saun, nhưng David thậm chí đã không làm mà còn ray rứt về tội đã cắt áo của vua. Kinh Thánh thuật lại rằng: “David áy náy trong lòng vì đã cắt vạt áo của vua Saun. Ông bảo cùng người của ông: Xin ĐỨC CHÚA đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong, là tra tay hại vua, vì người là đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong” (1Sm 24, 6-7).

Thế nhưng, chúng ta không thể không nhắc tới chuyện David đã lạm dụng quyền lực của ông ta qua câu chuyện bà Bat Seva.

Phải thú nhận rằng, mỗi chúng ta đều có thể vấp phạm sự lạm dụng quyền hành hay quyền lực, một lúc nào đó trong cuộc sống nếu không để Thánh Thần Chúa dẫn dắt trong mọi lúc, trong cuộc đời của chúng ta.

Lạm dụng quyền hành hay quyền lực sẽ làm cho phản tác dụng mọi lời rao giảng Tin Mừng Đức Kitô.

Là thành viên trong Giáo Hội, trong cộng đồng, trong gia đình, mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về mình trước mặt mọi người, và hơn hết trước mặt Đức Chúa Trời.

Làm sao chúng ta có thể không vấp phạm sự lạm dụng quyền hành hay quyền lực?

Xin thưa. Tông đồ Phaolô có lời khuyên rằng: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4, 1-3).

Một khi chúng ta có “Thần Khí Chúa”. Một khi chúng ta “ăn ở thuận hòa với nhau”. Vâng, chẳng có gì xấu hổ để mà “hạ mình xuống” trước lợi ích của cộng đồng, của xã hội và hơn hết của Giáo Hội.

Hãy nhớ lời Đức Giêsu dạy bảo: “Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, …12).


Petrus.tran







Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI


Sứ mạng loan báo Tin Mừng ở bất cứ thời buổi nào luôn là một sứ mạng đầy cam go và thách thức. Ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đã gặp không ít những thách thức và sự chống đối của người cùng thời. Sự thách thức và chống đối đến từ nhiều phía. Khi thì phía giới thế quyền. Lúc thì từ giới thần quyền.

Dù là rất ghét Đức Giêsu, nhưng họ vẫn cứ tới mỗi khi Ngài xuất hiện đâu đó rao giảng Tin Mừng. Họ là những người thuộc phe Hêrôđê. Cũng có người thuộc nhóm Xa-đốc. Và nguy hiểm nhất là nhóm Phariseu và các kinh sư.

Không như những người thuộc nhóm Hê-rô-đê hay nhóm Xa-đốc chỉ chất vấn Đức Giêsu những điều liên quan đến đời thường như thuế má hay chuyện sống chết.

Nhóm Pharieu và kinh sư là con nhà luật nên họ luôn tìm gặp Đức Giêsu để làm khó dễ Ngài về vấn đề luật lệ.

Thật vậy. Dù đã nhiều lần thất bại qua việc chất vấn Đức Giêsu về luật lệ. Nhóm Phariseu vẫn không từ bỏ ý định gài bẫy Ngài. Một hôm, họ họp nhau lại để đưa ra đối sách mới. Một thầy thông luật trong nhóm của họ đầy kinh nghiệm được cử đến gặp Đức Giêsu.

Không như những lần trước, họ thường đặt thẳng vấn đề với Đức Giêsu. Nào là… tại sao Ngài “không giữ ngày sa-bát”! Nào là… tại sao môn đệ Thầy không rửa tay trước khi ăn v.v…

Lần này, họ sử dụng chiêu “dương đông kích tây”. Với vẻ mặt đạo mạo, ông thầy thông luật “dương đông” bằng một câu hỏi hết sức đạo đức: “Thưa Thầy, trong sách luật Môse, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Với hơn sáu trăm điều luật, chưa kể đến những luật phụ. Cho là ông Môse có sống lại, cũng không chắc lắm ông ta sẽ trả lời được câu hỏi đầy “thủ đoạn” của nhóm Phariseu. Chắc chắn ông Môse sẽ ú ớ trước hàng trăm thứ luật mà hậu duệ của ông đã lập ra.

Thật ra, khi đặt câu hỏi này, ông thầy thông luật chuẩn bị “kích tây”.

Một cái bẫy được giăng ra. Thật vậy, trong bối cảnh Israel thời đó, mỗi một phe nhóm như Xa-đốc, kinh sư, luật sĩ, Phariseu v.v… họ thích điều luật nào thì cho điều luật đó quan trọng hơn cả.

Nếu Đức Giêsu trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng Ngài sẽ bị “chụp mũ” là về phe nhóm này, chống nhóm kia. Và điều hiển nhiên là các nhóm khác sẽ gân cổ lên đối chất với Ngài…

Thế nhưng, dù ông thầy thông luật có ngụy trang cái bẫy đầy mầu sắc đạo đức, nó vẫn không làm cho Đức Giêsu sập bẫy.

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư?”. Đức Giêsu đáp “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Người nói tiếp rằng: “Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38).

Thật sai lầm khi đem luật ông Môse ra “thử” Ngài. Những điều Đức Giêsu nói cho ông thông luật nghe cũng chính là những điều khi xưa ông Môse đã nói trước toàn dân Israel.

“Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Dnl 5,5).

Có lẽ ông thông luật quên lời Môse đã dặn rằng “Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng… phải nói lại cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường…” (Dnl 6, 6-7).

Đúng! ông thông luật đã quên. Ông quên rằng, ông Môse cũng đã nói: “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,..18).

Vâng, ông đã quên nhưng Đức Giêsu không quên. Ngài nhắc lại cho ông biết rằng: Đó là “điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất”. Và rằng: “Tất cả Luật Môse và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều ấy”.

Một chút tâm tình

“Người phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 39).

Hãy nhớ rằng, đây chính là thước đo đời sống đức tin cho người Kitô hữu, không chỉ bây giờ mà còn trong ngày phán xét.

Tông đồ Gioan đã nói: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21).

Vâng, chúng ta sẽ được phán xét dựa vào tình yêu tha nhân, bằng sự phục vụ, chứ không phải là yêu Chúa bằng hình thức, trên môi miệng.

Thật vậy, chính Đức Giêsu đã nói rằng: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

“Làm như thế cho một trong những người bé nhỏ” là làm gì?
Xin thưa, chính là “Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết”.

Tưởng cũng nên nhắc lại lời Đức Giêsu đã cảnh báo rằng: “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45)

Và như vậy, dẫu cho chúng ta có “Yêu mến Thiên Chúa”, thì, như tông đồ Gioan đã nói, chúng ta cũng chỉ là “kẻ nói dối” mà thôi.

Một phút suy tư

Trở lại điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. (Mt 22, 37-38).

Có bao giờ chúng ta tự hỏi “tại sao Chúa lại đòi HẾT… HẾT… HẾT”?

“…Cuộc sống con người là một hồng ân hoàn toàn nhưng không. Tự đâu chúng ta sống? Tự đâu chúng ta thở? Tự đâu có ánh sáng, có trời có đất, có nắng có mưa, tự đâu có muôn vàn chim thú, cây cảnh hoa lá?

Tự đâu chúng ta có cha có mẹ, có gia đình và có bạn bè! Vâng, còn muôn vàn hồng ân khác chúng ta lãnh nhận mỗi ngày. Và chúng ta nghĩ gì về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!”.

Vâng, những lời tâm sự trên của một blogger Công Giáo có thể thay cho câu trả lời chăng!?

Người ta thường nói: yêu một người nào đó theo ý mình, thật khó làm cho người đó cảm nhận được tình yêu. Nhưng nếu yêu một người nào đó theo ý người đó muốn, chắc chắn người đó sẽ cảm nhận được tình yêu.

Có quá khó để “Yêu Chúa như Ý Chúa” muốn không? Có quá khó để thực thi “Ý của Chúa”, để giữ các điều răn của Người !?

Hãy nghe Tông đồ Gioan đã nói: “các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1Ga 5, 3). Thánh nhân nói tiếp rằng: “vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4).

Chúng ta tin chứ! Nếu tin. Vâng, với ơn Chúa, chúng ta đủ sức để “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” và “Yêu người thân cận như chính mình”.

Petrus.tran



Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Lời mời của ân sủng.

Lời mời của ân sủng


--------------------------------------------------------------------------------

Petrus Tran

Theo số liệu thống kê năm 2007. Trên thế giới có khoảng 194 quốc gia và vùng lãnh thổ có chủ quyền và là thành viên Liên Hiệp Quốc. Trong tổng số những quốc gia và vùng lãnh thổ đó, trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống.

Biến cố lịch sử 30.04.1975 đã tạo ra một làn sóng người di tản ra khỏi Việt Nam . Sau đó vài năm, vì nhiều lý do khác nhau, hàng triệu người rời bỏ Việt Nam tìm đường định cư ở những quốc gia khác bằng cách vượt biển. Và cuối cùng là chương trình ra đi có trật tự như HO, ODP, RO v.v… cũng đã giải quyết hàng trăm ngàn người Việt Nam rời khỏi quê hương để đến định cư tại Hoa Kỳ.

Để được định cư ở Hoa Kỳ , Canada hay Anh Quốc. Hoặc ở Úc, Nauy , New Zealand hay Nhật Bản v.v… Họ phải trải qua nhiều cuộc thanh lọc và phỏng vấn rất khắt khe. Họ phải đợi chờ trong lo âu, hồi hộp và hy vọng.

Đối với những người vượt biên và sống tạm cư ở đảo, được xét duyệt định cư ở nước thứ ba chẳng khác nào như được tái sinh. Còn đối với những người nộp hồ sơ xuất cảnh từ Việt Nam , “rinh được tấm giấy hồng” là niềm vui bất tận.

Vâng, có thể nói, dù có đôi chút lưu luyến rời cố hương, nhưng dẫu sao cũng là tốt khi họ “xin chọn Hoa Kỳ làm quê hương” …



……

Thế nhưng, có một quê hương khác tốt đẹp hơn. Quê hương đó được gọi là “Quê Trời”. Hay còn gọi là Nước Trời.

Quê hương “Nước Trời”. Vâng. Đây không phải là trí tưởng tượng của con người. Quê hương Nước Trời là một mầu nhiệm. Quê hương Nước Trời là Nước của Thiên Chúa ban cho con người. Quê hương Nước Trời là nước của tình yêu thương và sự bình an. Quê hương Nước Trời không phải là một quốc gia có biên cương lãnh thổ. Không có những đoàn quân hùng mạnh. Không có chính phủ hay đảng phái.

Hơn hai mươi thế kỷ trước. “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian”. Con của Người đến thế gian là để loan báo một Tin Mừng. Đó chính là “Tin Mừng Nước Trời”.

Ngay những ngày đầu tiên bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Con Thiên Chúa chính là Đức Giêsu, Ngài đã đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời (Mt 4, 23).

Ngài đã nói với mọi người rằng “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Và rằng “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Để cho việc rao giảng dễ đi sâu vào lòng người. Đức Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh và dụ ngôn để diễn tả về Nước Trời. Đã có lần Đức Giêsu ví : Nước Trời như viên ngọc quý hay như một kho báu mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Con người phải ra công gắng sức tìm kiếm để chiếm hữu.

Một lần khác Ngài ví Nước Trời lại giống như chiếc lưới thả xuống biển. Vâng, qua dụ ngôn “chiếc lưới”, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy một Thiên Chúa từ bi và nhận hậu. Như một chiếc lưới cá thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài (Mt 13,48). Nước Thiên Chúa cũng vậy, không phân biệt ai, không phân biệt chúng tộc màu da, luôn mở rộng và đón nhận mọi tâm hồn sám hối và thống hối ăn năn.

Nghe những lời rao giảng đó. Trong dân chúng, có nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Nhưng các thượng tế và người Pharisêu thì cho rằng đó là những lời nói “mê hoặc” chỉ có bọn “dân đen” – một bọn mà các thượng tế gọi là “quân bị nguyền rủa” - tin theo, chứ còn “trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (Ga 7,48)

Để đáp lại những lời nhận định đầy ác ý của các thượng tế và nhóm Pharisêu. Đức Giêsu lại dùng một dụ ngôn để nói lên rằng, ai mới là người đáng bị nguyền rủa ! Và rằng những lời rao giảng của Ngài về một Quê-Hương-Nước-Trời không phải là những lời “mê hoặc” nhưng là những “lời mời của ân sủng”.

Đó chính là “dụ ngôn tiệc cưới”.(Mt 22, 1-14).

Mở đầu dụ ngôn được kể rằng “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…” (Mt 22, 2).

Người ta thường nói “miếng ăn không trọng bằng lời mời”. Đúng vậy. đã có một số người hân hạnh được nhà vua trân trọng mời.

Ba lần nhà vua “sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách”… Thật đáng tiếc ! Lần nào cũng có những rắc rối xảy ra.

Lần mời thứ nhất, quan khách “không chịu đến”.

Lần mời thứ hai, tệ hơn nữa. Họ “không thèm đếm xỉa tới, lại còn bỏ đi : kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”.

Lần thứ ba, lại một người gây rắc rối. Anh ta bước vào dự tiệc cưới nhưng lại “không mặc y phục lễ cưới”. Ôi ! Tệ thật ! Anh ta không lịch sự trước lời “thỉnh” của nhà vua.

Câu chuyện chỉ mới được kể tới đây nhưng cũng có thể làm cho độc giả giật mình! “Thỉnh” ! Vâng, “thỉnh cầu” theo từ điển tiếng Việt nghĩa là xin điều gì với bề trên có quyền thế.

Phải chăng đó chính là lý do để “nhà vua nổi cơn thịnh nộ”? Vâng, có lẽ nào nhà vua là một người có quyền thế, vậy mà khi “xin điều gì” với các quan khách là những người bề dưới chẳng những bị từ chối mà còn bị sỉ nhục sao !!!

Cứ sự thường, không một vị vua nào chịu im lặng trước những kẻ đã sỉ nhục mình. Sự kiện những kẻ sỉ nhục nhà vua, những kẻ gây “rắc rối” bữa tiệc cưới bị “tru diệt”, bị “trói chân tay lại quăng ra chỗ tối tăm” là điều tất yếu…

Có lẽ “trong giới Phariseu” khi đọc được dụ ngôn này, chắc hẳn họ sẽ nhận ra ai là người đáng gọi là “quân bị nguyền rủa”!

Và chắc hẳn những người dù đã được “mời vào tiệc cưới” nhưng cũng phải xem lại liệu mình có nằm trong “số ít” những “người được chọn”!



Một chút tâm tình…

Qua dụ ngôn tiệc cưới, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy, Thiên Chúa chính là hình ảnh vị vua trong dụ ngôn. Người chính là Vua của bữa tiệc cưới. Người chính là Vua của Nước Trời.

Một vị Vua của lòng nhân hậu “gặp ai cũng mời vào tiệc cưới”. Một vị Vua giàu tình yêu thương. Người sẵn sàng mời gọi tất cả mọi người “bất luận tốt xấu cũng tập hợp cả lại” để cùng nhau “bước vào tiệc cưới”. Những lời mời gọi của Người chính là những “lời mời của ân sủng”.

Vâng, có thể gọi dụ ngôn tiệc cưới là câu chuyện về những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa cũng hợp lý.

Một phút suy tư…

Là một Kitô hữu không thể không tin rằng, hôm nay, chúng ta vẫn nhận được những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa.

Đúng vậy. Qua tôi tớ của Thiên Chúa là những Giám Mục hoặc những Linh Mục, những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa, vẫn được gửi đến chúng ta hàng ngày, hàng tuần.

Nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, người tôi-tớ-Linh-Mục vẫn cất giọng mời gọi chúng ta “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Là một Kitô hữu đã được hai mươi năm, ba mươi năm hoăc nhiều năm hơn nữa. Vâng, chúng ta đáp lời mời đến “Bàn Tiệc Thánh Thể” như thế nào ?

Phải chăng chỉ cần một năm một lần là đủ !!!

Ôi ! Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là cục đất sét trong tay Thiên Chúa – Đấng sáng tạo chúng ta như lời ngôn sứ Isaia đã nói : “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài…” (Is 64, 7).

“…Do đó, mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn là chúng ta lại được Chúa Giêsu nắn tạo mỗi ngày nên hoàn hảo hơn.

Nếu nắm đất sét trong tay người thợ gốm, ông chỉ nắn tạo tác phẩm một lần trong ngày, thì tác phẩm đó rất tầm thường. Trái lại, tác phẩm ấy được người thợ nắn ra nó, mỗi ngày ông sửa một chút, cho tới cả trăm năm mới xong, thì chắc chắn tác phẩm đó sẽ là một kiệt tác.

Không biết một Kitô hữu chỉ giữ Luật Rước Lễ trong mùa Phục Sinh mỗi năm một lần, mà họ sống tới 100 tuổi, họ chỉ được Chúa nắn tạo 100 lần. Trong khi đó, Chúa muốn nắn tạo họ ba vạn sáu nghìn lần mà không được, thì liệu trong thế giới Phục Sinh, họ có phải là người khuyết tật không?”(*)

Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã nói “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

Vâng, mỗi năm “ăn và uống máu Chúa” chỉ có một lần e rằng khó mà có thể duy trì tình trạng “Chúa ở lại trong ta và ta ở lại trong Chúa”. Và như vậy việc “khuyết tật tâm hồn” chỉ là vấn đề thời gian.

Một khi đã “khuyết tật tâm hồn” chúng ta có khác nào người đã vào bàn tiệc cưới nhưng lại “không mặc y phục lễ cưới”.

Không mặc y-phục-lễ-cưới. Vâng, Thật khó để mà Chúa Giêsu nhận ra để Ngài có thể mời ta vào “Bàn Tiệc Nước Trời”.

Có là buồn không, nếu chúng ta đã là một Kitô hữu nhưng chỉ nằm trong danh sách “kẻ được gọi”, mà lại không phải là “người được chọn” !!!

petrus.tran

…….

(*) Trích từ một bài giảng của LM Giuse Đinh Quang Thịnh.

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...