Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

Hãy theo TA.

Hãy theo TA.



Thánh Gioan nói “Thiên Chúa là tình yêu”. Thật vậy, sau khi nguyên tổ phạm tội; con người mỗi ngày một gian ác và “chỉ toan tính những ý định xấu trên mặt đất” (Stk) . Thế nhưng; Thiên Chúa không vì thế mà mất đi tình yêu thương đối với con người. Người đã thực hiện một chương trình cứu độ qua việc chọn lựa và kêu gọi những “người công chính; hoàn hảo giữa những người đồng thời và đi với Thiên Chúa”(Stk).

Mở đầu cho chương trình cứu độ. Thiên Chúa đã chọn và kêu gọi ông Noe. Vì ông là người “đẹp lòng Đức Chúa”(Stk 6,8). Từ đó lịch sử cứu độ được tiếp tục qua các thời kỳ. Với việc chọn và gọi Apram; Thiên Chúa đã thiết lập một dân riêng; mà sau này được gọi là Israel ; để từ dân tộc này Người tiếp nối chương trình cứu độ.


Đỉnh điểm của sự chọn lựa và kêu gọi để tiếp nối chương trình của Thiên Chúa chính là biến cố Người sai sứ thần đến truyền tin cho Giuse và Maria. Đáp lời mời gọi bằng lời xin vâng; Giuse và Maria đã tiếp bước chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tại Belem; một con trẻ được sinh ra và được đặt tên là Giêsu. “Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).


…..


Biến cố Belem nói lên một điều rằng; Thiên Chúa không để mặc cho con tạo xoay vần. Sau ba mươi năm ẩn dật tại làng quê Nazareth ; Đức Giêsu xuất hiện và đi khắp miền Galile; những kẻ tật nguyền trong dân lần lượt được Ngài chữa lành. Sự kiện này minh chứng lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm “Đoàn dân đang trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”(Mt 4,…16)…


Nguồn ánh sáng đó không chỉ dừng ở ơn chữa lành nơi những bệnh nhân; nhưng còn được tỏa sáng qua những lời rao giảng và mời gọi của Đức Giêsu “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” Và rằng “Hãy theo Ta…”.


Galile như được hồi sinh. Galile như một nhân chứng sống động chứng kiến lời loan báo của Thiên Chúa qua môi miệng ngôn sứ Geremi khi xưa : “Này đây Ta sẽ sai nhiều ngư phủ; sấm ngôn của Đức Chúa; đến đánh bắt chúng” (Gr 16,16).


Và hôm nay; lời loan báo đó đã thành sự thật; khi Đức Giêsu cất tiếng kêu gọi Phêrô; Andre; Giacobe và Gioan…


“Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4,19).


Một chút tâm tình…

“Hãy theo Ta… Hãy theo Thầy…”


Chỉ có ba từ… nhưng với ba từ đó; nó đã để lại những âm vang làm biến chuyển lòng người.


Chỉ với ba từ… nhưng với ba từ đó; nó đã làm cho biết bao người “lập tức bỏ mọi sự và theo Ngài”.


Biết bao người đó là ai !? Thưa chính là Phêrô, là Andre, là Giacobe, là Gioan, là Philipphe, là Levi…

Ánh-sáng-đức-tin đã chiếu rọi tận con tim các ông; để rồi các ông cảm nhận được lời chứng của Gioan Tẩy Giả rằng; Đức Giêsu quả đúng là Chiên Thiên Chúa; là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn.


Một phút suy tư…

Có cần thiết phải làm một “tour” du lịch đến bờ hồ Galile xưa để may chi nghe được tiếng Chúa gọi !?


Thưa không. Hãy lắng nghe tiếng Ngài gọi ngay trong sâu thẳm của tâm hồn mình. Và nhất là nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”. Chính nơi đây, Đức Giêsu; Ngài đã và đang mời gọi chúng ta ; không phải bằng lời nói; nhưng bằng chính tình yêu; một thứ tình yêu thí mạng mình vì người mình yêu. Đó chính là Mình-và-Máu-Thánh của Ngài.


Chính nơi Bàn Tiệc Thánh; chúng ta mới có thể cảm nhận đươc lời mời gọi thiết tha của Đức Giêsu : “Lại đây con, mau hỡi con, cùng theo Ta;

Ta nếm mùi cay đắng thay con rồi. Chuộc con Ta đã chết cách nhục nhã; Ðau khổ vì con trả xong nợ tội… Lại đây con, mau hỡi con, cùng theo Ta..”(trích đoan nhạc phẩm : Hãy theo Ta – tác giả George D.Watson)


Hãy tự hỏi lòng mình rằng; đã bao năm là một Kitô hữu; nhưng thực sự chúng ta có nghe được tiếng Chúa gọi đích danh ta !?
Nếu chưa ! Vâng, hãy cùng Vua David mà ước nguyện rằng : “Ngày hôm nay, ước gì (con) nghe tiếng Chúa”(Tv 94).



Petrus.tran







Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Đức Giêsu...chiên con hiến tế.


Mở đầu thư gửi tín hữu Do Thái; tác giả đã viết rằng : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này; Thiên Chúa phán dạy qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2).


Thật vậy, ngay thuở ban đầu, dầu cho nguyên tổ Adam và Eva đã phạm tội bất trung và bị trục xuất ra khỏi vườn Eden với án phạt là sự chết; thế nhưng Thiên Chúa không vì thế mà ruồng bỏ con người. Thiên Chúa vẫn đi bước trước. Ngài luôn là “ Ðấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”. (Tv 145:8-9).


Từ một dân được tuyển chọn là Israel; lòng nhân hậu và từ bi của Thiên Chúa được bày tỏ qua miệng ngôn sứ : “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,23).


Và đang khi toàn dân Israel ngóng chờ Đấng Cứu Thế; thì tại Belem ; lời ngôn sứ loan báo đã thành sự thật. Thánh Tử đã sinh ra với muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa. Thánh Tử đó chính là Đức Giêsu.
……


Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại làng quê Nazareth . Thánh Tử Giêsu rời Galile và đến sông Giodan. Sông Giodan vốn luôn ồn ào náo nhiệt bởi khách thập phương nay lại càng náo nhiệt hơn nữa khi mọi người thấy Đức Giêsu xuất hiện.

Những năm tháng qua; giấc mơ có một Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân Người đã nung nấu toàn thể cộng đồng Israel . Hình ảnh ông Gioan đứng bên sông Giodan; giản dị trong trang phục và mạnh mẽ với những lời kêu gọi sám hối đã khiến cho một số thành phần trong dân chúng nghĩ rằng; ông là Đấng Kitô hay ít ra cũng là một ngôn sứ nào đó.


Thế nhưng, tất cả luồng suy nghĩ đó đều bị ông Gioan phủ nhận. Và để phủ nhận những suy đoán thiếu căn cứ của một số người. Ông Gioan đã làm chứng rằng; ông đã nghe rõ lời Đấng sai ông đi làm phép rửa trong nước bảo ông “Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33).


Không ! Sứ vụ của ông chỉ là kẻ dọn đường; như lời ông nói. Và rằng; vai trò của ông chỉ là giới thiệu “Người đến sau ông..”. Sự kiện từng đoàn người “rồng rắn” đến xin ông làm phép rửa không đủ yếu tố để khẳng định rằng ông chính là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Ai ! ai sẽ là người làm-phép-rửa-trong-Thánh-Thần !? Phải chăng đó là một ẩn số ! Thưa không. Người đó chính là Đức Giêsu. Là người đang tiến về phía ông. Chính ông đã “Thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người”.


Vâng, hôm đó; trước đám đông cử tọa; ông khẳng định : “Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”.(Ga 1,34).


Một chút tâm tình


Trình thuật Tin Mừng kể lại rằng : “Ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói : Đây là Chiên Thiên Chúa”.


Có là nghịch nhĩ không ! Người-là-Đấng-Thiên-Chúa-tuyển-chọn… Là Thánh Tử Con Trời… Lẽ ra phải dàn chào cả trung đội. Phải bồng súng đứng nghiêm. Phải bắn cả chục phát đại bác. Phải cờ xí ngập trời. Phải treo la liệt những băng-đờ-rôn hoan hô… Phải là những lời “welcome” muôn năm vạn tuế v.v…!!!


Thế mà ông Gioan chỉ dùng vọn vẹn có năm chữ để tung hô Con Trời : Đây-là-Chiên-Thiên-Chúa !


Thật ra chỉ cần năm chữ đó cũng đủ để nói lên sứ mạng của Đức Giêsu là gì.


Trở về với lịch sử cứu độ. Giáo lý cựu ước dạy rằng : "Nếu một người vô ý phạm tội, làm một trong những điều mà ĐỨC CHÚA cấm làm... thì vì tội đã phạm, nó sẽ đưa đến một con dê (hoặc chiên) làm lễ tiến. Nó sẽ đặt tay trên đầu lễ vật tạ tội và sát tế lễ vật tạ tội ở nơi sát tế lễ vật toàn thiêu. Tư tế sẽ dùng ngón tay lấy máu con vật và bôi lên các góc cong của bàn thờ dâng lễ toàn thiêu, rồi đổ tất cả máu còn lại xuống chân bàn thờ.... Tư tế sẽ cử hành lễ xá tội như thế cho người ấy, và người ấy sẽ được tha. (Lê-vi 4, 27-32).


Vâng, tung hô Đức Giêsu như thế. Gọi Ngài là Chiên-Thiên-Chúa; ông Gioan muốn nói lên sứ mạng của Giêsu Con Trời. Người chính là Chiên-Con-Mới; đến thế gian; để hiến thân chịu chết và đổ máu mình rửa sạch tội lỗi thế gian.


Tác giả thư Do Thái cũng đã viết rằng : "Thật thế, máu các con bò, con dê không thể nào xoá được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10, 4-7).


Thánh Phaolô cũng đã xác tín như thế khi nói rằng : "Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta" (I Corinto 5,7).


Vâng, sứ mạng của Chiên-Thiên-Chúa chính là “xóa bỏ tội trần gian”.


Một phút suy tư…


Khi đã tin Chúa và lãnh nhận Bí tích thánh tẩy; chúng ta trở thành chi thể trong nhiệm thể là Đức Kitô; và được hiệp thông nên một với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể.


Chính nhờ ân sủng đó; chúng ta được thông dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu. Hãy ý thức rằng; nhờ đó chúng ta cũng được mời gọi trở nên Chiên-của-Thiên-Chúa.


Khi đã trở thành Chiên-của-Thiên-Chúa chính là lúc chúng ta cùng “hiến tế” với Chiên-Con-của-Người là Đức Giêsu. Đây là một sứ vụ không thể từ chối của những ai đã là Kitô hữu.

Chỉ khi hiến tế cuộc đời ta vì Nước Trời, tội lỗi trần gian mới có thể được xóa bỏ…

Thật vậy, chính khi thực-sự-hiến-tế đời mình cho đức ái; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội tham lam và ích kỷ. Chính khi thực sự hiến tế đời mình cho lời thề “hứa yêu nhau chung sống trọn đời”; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội bất trung bội phản. Chính khi thực sự hiến tế đời mình cho lời khấn hứa khiết tịnh vì Nước Trời; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội-bất-trung-bội-tín. Chính khi thực sự hiến tế đời mình cho đức vâng lời; là lúc chúng ta xóa-bỏ-tội-kiêu căng ngạo mạn.

Hãy nhớ rằng “hiến tế” đồng nghĩa với “chết đi”. Thế nhưng, hãy vui lên; bởi vì Thánh Phanxico Assisi đã xác tín rằng : “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.
petrus.tran



Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2011

Giodan... dòng sông huyền diệu.

Giodan… dòng sông huyền diệu



--------------------------------------------------------------------------------


“Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa ! Chúa thương chúng ta vì thế Chúa sinh ra. Chúa thương chúng ta vì Chúa muốn thương ta, vì Thánh Ý của Ngài là luôn luôn thương ta !” (trích đoạn nhạc phẩm : Chúa thương chúng ta – tác giả : LM Thành Tâm).


Thiên Chúa luôn luôn thương yêu con người. Ngay từ khởi nguyên; tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ qua việc sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa đã cho con người “làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1,…26).


Buồn thay ! nguyên tổ đã phạm tội bất trung và đã đánh mất đi tình yêu thương ban đầu Thiên Chúa đã ban. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn là : “ Ðấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”. (Tv 145:8-9).


Lòng nhân hậu và tình thương của Thiên Chúa vẫn được thể hiện qua từng thời kỳ với những giao ước. Từ giao ước với ông Noe cho tới giao ước với Apraham. Con người có được một niềm hy vọng mới. Niềm hy vọng về một Đấng Cứu Thế dựa vào lời tiên báo rằng : “Một ngôi sao hiện ra từ Giacop. Một cây phủ việt trồi lên từ Israel ” ! (Dân số ký : 24,17).


Trải qua đời nọ đến đời kia; niềm hy vọng đã thành sự thật. Tại Belem miền đất Giuda; Tình yêu thương của Thiên Chúa đã được tỏ lộ. Một con trẻ đã sinh ra và được đặt tên là Giêsu. Người chính là “Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2,11).
…..
Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nazareth . Đức Giêsu từ miền Galile đến sông Giodan. Nói tới sông Giodan là nói tới một con sông gắn liền với lịch sử của Israel . Một con sông với những điều huyền diệu. Huyền diệu bởi nơi đây đã biết bao lần Thiên Chúa tỏ mình ra bằng những phép lạ phi thường.


Nhiều ngàn năm xa trước đó. Trong cuộc xuất hành về miền đất hứa. Khi cuộc hành trình đến bên sông Giodan. Mười hai chi tộc Israel đã phải sững sờ chứng kiến : “Hòm-Bia-Giao-Ước của Đức Chúa” đã biến sông Giodan thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân ( Israel ) đã qua hết”. (Gs 4, 17).


Cũng tại con sông này; quyền năng của Thiên Chúa thêm một lần nữa được vinh danh. Đó là vào thời ngôn sứ Êlisa. Có một vị tướng của Vua Aram là ông Naaman. Ông ta mắc chứng bệnh phong hủi. Khi biết rằng : “Một ngôn sứ ở Samari (có thể) chữa ông khỏi bệnh”. Na-a-man đã đến để xin được chữa lành.


Sau một chút nghi ngờ về những lời chỉ dẫn của Ê-li-a. Naaman đã thực hiện lời chỉ dẫn đó. Đúng là một phép lạ; sau khi : “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan… Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng : “Ông đã được sạch” (2V 5, 14).


Hôm nay, một lần nữa; sông Giodan như một nhân chứng; chứng kiến thêm một điều huyền diệu. Nếu ba mươi năm về trước; bầu trời Belem xuất hiện một vì sao báo tin rằng “Đấng Cứu Độ đã sinh ra”. Thì hôm nay; bầu trời sông Giodan rúng động… Rúng động khi Giêsu được gọi là “Chiên Thiên Chúa… Đấng xóa bỏ tội trần gian”(Ga 1,29). Thế mà Ngài đã hạ mình xuống đến “gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình”.


Nếu xưa kia tại Belem “muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa” trước biến cố lịch sử Thiên Chúa làm người. Thì hôm nay tại sông Giodan, sự huyền diệu lại xuất hiện :“Các tầng trời mở ra. Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Người” sau khi Đức Giêsu dìm-mình-xuống chịu phép rửa.


Một chút tâm tình…


Sông Giodan không chỉ là nhân chứng của những điều huyền diệu. Dòng sông này như còn là một nhân chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa luôn đi bước trước để tỏ mình ra cho muôn dân.


Nếu xưa kia tại sông Giodan; Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho “mọi dân trên mặt đất biết rằng tay ĐỨC CHÚA mạnh mẽ dường bao” để Israel “sẽ kính sợ ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ( Israel ), hết mọi ngày” (Gs 4, 24)…


Nếu xưa kia tại sông Giodan; Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho Naaman biết qua việc chữa lành; để ông ta “không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA” (2V 5,…17)…


Thì hôm nay; tại sông Giodan; một lần nữa; Thiên Chúa lại đi bước trước; qua hình ảnh một Giêsu bị “dìm-mình-xuống” để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian.

Đó chính là hình ảnh của một Thiên Chúa là tình yêu. Ngài đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Giêsu “ đặt làm giao ước với (muôn) dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt những ai mù lòa, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”(Is 42,6-7).


Từ trời cao; Thiên Chúa tiếp tục phán hứa qua Con Ngài. Tiếng phán đó không phải là tiếng phán của luận phạt. Không phải là tiếng phán để khi nghe chúng ta phải “sợ hãi và chạy trốn” như nguyên tổ khi xưa !!!


“Hãy đến mà biện luận. Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18).


Vâng, tiếng phán đó là tiêng phán của một Thiên Chúa là tình yêu. Tiếng phán đã được đóng ấn trên chính Con Một của Người : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).


Một phút suy tư…


Nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa không thể không nghĩ tới phép Rửa của chính chúng ta. Lm Jude Siciliano trong một bài giảng có nói vui rằng : “Tôi chắc rằng một số đông trong chúng ta không ai nhớ được ngày rửa tội của mình!...”Quả thật LM Jude Siciliano đã có một nhận xét rất chính xác.


Hôm nay, thật cần thiết để nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhớ lại để chúng ta tái-khám-phá một ân sủng; mà có thể vì những bụi-bặm-trần-gian, những đam-mê-trần-thế… đã làm lu mờ cái giá trị chúng ta được trở nên “con Thiên Chúa”.


Bí Tích Rửa Tội không phải là một thủ-tục-hành-chánh để gia nhập đạo Công Giáo. Thánh Phaolô xác tín rằng : “Lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5).
Bí Tích rửa tội là bước đầu trong cuộc hành trình của chúng ta về Giêrusalem mới. Đang lúc cuộc hành trình của chúng ta chưa đến đích. Nhà thờ nơi chúng ta đến thờ phượng chính là Giêrusalem tại thế của chúng ta.


Đã là Kitô hữu; không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ; như lời Lm Charles E.Miller đã nói; “cũng giống như tay chơi vĩ cầm mà chẳng bao giờ mó tới cây đàn của mình”… Quy tụ nơi đây; chúng ta được đồng hành cùng Đức Giêsu qua Thánh Thể. Luôn được Lời Ngài; qua phần đọc Phúc Âm, soi bước chúng ta đi.


Khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội; chính là lúc chúng có được một đời sống mới. Một đời sống; “không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).


Đức-Kitô-sống-trong-tôi. Vâng, đó chính là dấu ấn của chúng ta; một dấu ấn không thể thay thế trong ngày quang lâm; ngày mà Đức Giêsu trở lại. Chính nhờ dấu ấn đó; chúng ta mới có thể được nghe Đức Giêsu gọi rằng : “Đây là con yêu dấu của Ta”.


petrus.tran



Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

tôi đã thấy...


Tôi đã thấy…



Mỗi mùa Giáng Sinh về. Điều dễ nhận thấy nhất đó là mọi người nô nức trang hoàng nhà cửa bằng những biểu tượng liên quan tới Noel. Với người đời; họ trưng bày ông già Noel, người tuyết hoặc cây thông v.v…

Với những người tin Chúa; trưng bày hang Belem như một sự kiện không thể tách rời với Lễ Giáng Sinh. Sự hiện diện một Hang đá tại các Giáo đường cũng như tại đa số các gia đình Công Giáo như một truyền thống đẹp. Một truyền thống được dựa vào Thánh Kinh.

“…Nguồn gốc sự trưng bày hang Belem được cho là một khám phá của thánh Phanxicô Assisi. Năm 1223 ở Greccio; để chuẩn bị thuyết giảng về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh làm người trong thân phận khó khăn nghèo hèn; thánh nhân đã cho dàn dựng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một hang đá bằng gỗ, bên cạnh có các con bò lừa…” (trích đoạn trong bài giảng của Lm Nguyễn Hữu Thy )

Ngày nay, nhiều người đã cách-điệu-hóa hang Belem. Có hang Belem chỉ có tượng Đức Maria và Hài Nhi. Có khi chỉ có độc nhất vô nhị tượng Chúa Hài Đồng Giêsu. Dù muốn giản dị như thế nào đi nữa; có một hình ảnh chẳng những không thể thiếu mà còn được trưng bày rất nhiều; đó là hình ảnh các ngôi sao.

Một ngôi sao rất lớn được đặt trên đỉnh nhà thờ với các chùm sao nhỏ tỏa dài xuống. Có thể nói là có cả một rừng sao. Phải chăng chính vì thế mà người ta còn gọi Mùa Giáng Sinh là mùa-sao-sáng !!! Và phải chăng; cũng chính vì thế mà nhạc phẩm “Mùa sao sáng” đã ra đời với những ca từ bất hủ : “Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời… Một mùa đông giá hang Belem Chúa sinh ra đời. Bầu trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng Ngôi cao…” (Tác giả : Nguyễn-văn-Đông).

…..

Vâng.. Không phải tự nhiên lại đem một-ngôi-sao-rất-lớn-đặt-trên-đỉnh-nhà-thờ ! Nó chính là biểu tượng của một ngôi sao đã xuất hiện cách đây hơn hai ngàn năm có lẻ.

Đó là một vì-sao-lạ ! Nhưng lại không xa lạ đối với các nhà chiêm tinh. Từ phương Đông; họ đã nhìn thấy vì sao xuất hiện. Họ đoan chắc rằng; dấu chỉ đó chính là điềm báo “Đức Vua dân Do Thái mới sinh…”

Điềm báo đó đã được loan truyền khiến cho Vua Herode bối rối…. Các thượng tế và các kinh sư không khỏi bàng hoàng…

Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh với những lời loan báo rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”… như một trái boom tấn đánh thức cả kinh thành Giêrusalem.

Belem, miềm Giu-đê sao ! Không lẽ hôm nay lời ngôn sứ đã ứng nghiệm ! Thật đáng tiếc ! Có vẻ như các thượng tế và các kinh sư không mặn mà lắm cho việc truy tìm “vị lãnh tụ” mà các ngôn sứ đã loan báo rằng : “Tại Belem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ có chép : Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Không thấy có hành động nào cho thấy nhóm thượng tế và kinh sư sẵn sàng làm người hướng đạo cho các nhà chiêm tinh.

Chỉ nhờ niềm tin vào lời ngôn sứ; các nhà chiêm tinh mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Họ đi… đi theo hướng “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông”. Bỏ mặc đàng sau sự hào nhoáng của Giêrusalem với những lời hứa hão huyền của bạo chúa Herode.

Họ lên đường trong niềm tin tưởng rằng “vì sao lạ” chính là người dẫn đường. Và quả thật niềm tin của họ được đặt đúng chỗ. Ngôi sao lạ “đã dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở mới dừng lại. … Họ vào nhà , thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”…

Một chút tâm tình…

Thật là ngây thơ khi cho rằng cuộc hành trình đi tìm “Đức Vua dân Do Thái” của các nhà chiêm tinh như là một chuyến du lịch về một địa danh lịch sử.

Đã có những cạm bẩy được giăng ra. Đã có những âm mưu chờ chực phía trước. Con “cáo già” Herode dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng “để cũng đến bái lạy Người” !!!

Ngôn sứ Isaia có nói : “Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi” (Is 60,…1).

Và quả thật; các nhà chiêm tinh đã vượt qua “bóng tối bao trùm mặt đất” bởi chính họ đã nhận ra “Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa” qua dấu chỉ là một vì-sao-của-Người.

Nhờ niềm tin; các nhà chiêm tinh đã nhìn theo “vì sao” như “ánh bình minh của (họ) mà tiến bước”(Is 60,…3).

Nhờ vâng phục; các nhà chiêm tinh đã thoát khỏi quỷ kế của cáo-già-Herode… Họ đã “đi lối khác mà về xứ của mình” (Mt 2,12).

Một phút suy tư…

Đời sống đức tin của chúng ta hôm nay cũng chính là một cuộc hành trình. Không phải là một cuộc hành trình “tìm để gặp Hài nhi Giêsu” nhưng là tìm để gặp Giêsu Cứu Chúa của đời ta.

Niềm tin Kitô giáo cho chúng ta biết rằng : Chúng ta chỉ là những lữ khách trần gian. Sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Cuộc lữ hành về “Belem Thiên Quốc” của chúng ta cũng sẽ phải gặp những Herode-thời-@; họ cũng làm ra vẻ lịch lãm “Xin quý Ngài đi dò hỏi tường tận Hài Nhi” nhưng thâm tâm họ vẫn ra sức tiêu diệt những mần sống chưa kịp thành người !!!

Vẫn còn đó những ngôn sứ; nhưng họ chỉ là những ngôn sứ giả. Họ mang danh Giêsu nhưng luôn chống lại Giêsu bằng những lời cắt xét Thánh Kinh. Họ đã vẽ ra một Thiên Đường nhưng không phải là một Thiên Đường của tình yêu. Ngược lại, thiên đường của họ chỉ dẫn con người đi vào thung lũng âm u, nghi ngờ, chia rẽ; bè phái !!!

Chúng ta sẽ ra sao nếu không dựa vào Lời Chúa – như mấy nhà chiêm tinh – để tiến bước trên đường lữ thứ trần gian !!!

Các nhà chiêm tinh đã không cô đơn. Họ đã có ánh sáng của vì sao đồng hành. Hành trình về “Belem Thiên Quốc” của chúng ta hôm nay cũng vậy; chúng ta cũng sẽ không cô độc; nếu chúng ta có Lời của Ngài !!!

Hãy nhớ vua David đã nói : “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).

Một khi đã có ánh-sáng-Đức-Kitô. Đó chính là lúc chúng ta có thể cùng các nhà chiêm tinh xưa mà cất tiếng nói với muôn dân rằng : Tôi đã thấy Giêsu Cứu Chúa của tôi.

petrus.tran









Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...