Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2011

Lo gì !?

Thế giới đang xảy ra nhiều biến động. Việt Nam cũng đang nằm trong cơn "bão giá" phi mã... Hẳn rằng mỗi chúng ta ai mà không một chút lo âu ! Hãy đem âu lo đó đến với Đức Giêsu. Ngài sẽ cho chúng ta biết phải "lo gì ?"



..........


Lo gì !?


(hình chỉ có tính cách minh họa)


"Cuộc đời bon chen giữa muôn con người;


Cùng nhiều lo lắng, áo cơm bạc tiền.


Này người bạn ơi ! Chớ quá buồn lo...


Hãy cứ tin yêu; CHA quan phòng là THIÊN CHÚA..."


(Trích nhạc phẩm : Lo gì - tác giả : Đức Dũng)


*************


Thật vậy; lúc khởi nguyên; sau khi sáng tạo trời đất cùng các loài sinh vật cỏ cây. Thiên Chúa phán : "Chúng ta hãy làm ra con người... để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (Stk 2,26).


Và rồi; sau khi Thiên Chúa sáng tạo con người. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ; và Thiên Chúa phán với họ : "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất".
Tiếp đến, Thiên Chúa phán : "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi". (Stk 2, 29).


Đúng là, con người chẳng phải "Lo gì mặc chi... ăn uống chi" (trích nhạc phẩm Lo gì - tác giả Đức Dũng)


Nhưng than ôi ! chỉ vì nghe lời con rắn lừa dối. Chỉ vì muốn được trở nên "như những vị thần" ! Chỉ muốn "cho mình được tinh khôn" ! Đang là "bá chủ" trái đất muôn vật; con người trở nên "lệ thuộc" vào duy nhất một thứ "trái trên cây giữa vườn"; để rồi chính thứ trái cây đó đã cướp đi quyền làm chủ trái đất cùng muôn vật trên đất của con người.

Hậu quả của việc bội phản, bất trung, bất tín; của việc vừa làm tôi tớ của Thiên Chúa; vừa làm tôi tớ của những quyến rũ vật chất; đó là con người đã "phải cực nhọc mọi ngày trong đời... mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra" (Stk 2, 17).


Thế nhưng, dù con người đã phạm tội bất trung "làm tôi hai chủ". Thiên Chúa luôn là "Đấng từ bi nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương" (Thánh Vịnh 145,8). Qua ngôn sứ Hô-se; Thiên Chúa đã phán hứa rằng : "Ta sẽ chữa chúng khỏi tội bất trung, sẽ yêu thương chúng hết tình, vì cơn giận của Ta sẽ không còn đeo đuổi chúng". (Hs 14,5).

..........


Quả đó là một "Tin Mừng". Và Tin Mừng đó đã được chính "Con Một của Người" là Đức Giêsu loan báo rằng : "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng".


Trên đỉnh núi cao với một rừng người vây quanh. Đức Giêsu không chỉ giảng dạy cho mọi người biết rằng; những ai tin vào Tin Mừng; người đó phải có lòng nhân; không thù oán; không giận ghét. Người đó phải có lòng bác ái; biết thứ tha và yêu cả kẻ thù nghịch lẫn cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình... Mà Ngài còn cho mọi người biết rằng; chỉ những ai "ăn ở công chính" và thực sự sống trung thành với Tin Mừng; người đó mới "được vào nước Trời". (Mt 5,...20).


Sự trung thành không cho phép con người "tái phạm" lỗi lầm mà nguyên tổ đã phạm. Đó là "làm tôi hai chủ". Trước đám đông cử tọa; Đức Giêsu lớn tiếng công bố rằng : "Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ".

Không để mọi người thắc mắc chủ này là ai và chủ nọ là ai ! Đức Giêsu nói rõ rằng : "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được".(Mt 6,24).


một chút tâm tình...


Có phải đây là một sự đòi hỏi quá đáng của Thiên Chúa !? Thưa không. Lịch sử cứu độ đã minh chứng rằng; khi con người làm-tôi-hai-chủ; lập tức đại họa ập tới. Ân sủng và tình yêu thương của Thiên Chúa không còn ngự trị trên con người đó.
Vua Saun là một ví dụ điển hình. Dù vua Saun " đã được Đức Chúa xức dầu tấn phong" nhưng vì "thất trung với Đức Chúa"; làm tôi hai chủ; đó chính là khi ông ta "kiếm một mụ đồng bóng mà thỉnh vấn". Nên Thiên Chúa đã khiến ông phải chết bằng chính bàn tay của mình là tự sát. (1Sb10,13).


Rồi đến Vua Salomon. Một vị vua nhận được nhiều ơn Chúa. Thế mà chỉ vì khi về già "Vua ngã lòng theo các thần ngoại"; làm-tôi-hai-chủ; chính vì thế nên Thiên Chúa đã nổi giận với vua Salomon mà "lấy vương quốc của (Salomon) mà trao cho một thuộc hạ của (Salomon)".(1V11,11).


Phải lựa chọn. Hoặc "Làm tôi Thiên Chúa". Hoặc "làm tôi Tiền Bạc"...


Làm tôi Thiên Chúa ư ! Thánh Phaolo có nói rằng : "... Đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý mầu nhiệm của Thiên Chúa... phải chứng tỏ lòng trung thành" (1Cor 4,1-2).


Mà Lòng-trung-thành phải chăng chính là không cho phép làm-tôi-hai-chủ !!!


một phút suy tư...


"Hãy làm tôi Thiên Chúa". Vâng, nếu hôm nay Đức Giêsu nói như thế; chúng ta sẵn sàng đón nhận lời mời gọi này ! Hay chúng ta khước từ để đón nhận "Tiền Của" làm Chúa-của-chúng-ta !!!


Thực ra khi nói "làm tôi Tiền Của"; Đức Giêsu muốn khuyến cáo mọi người phải cẩn thận trước quyến rũ của Tiền bạc. Kinh Thánh đã thuật lại nhiều trường hợp lầm đường lạc lối chỉ vì tôn thờ tiền bạc. Coi tiền bạc như là chủ của đời mình.


Một "Bi-lơ-am kẻ ưa thích tiền công bất chính, đã bị khiển trách vì hành động sai trái của mình" (2Ph2,15). Một Giê-kha-di; tiểu đồng của ông Elise; chỉ vì tham "sáu mươi ký bạc của Naaman" để rồi phải nhận lấy hậu quả là "bệnh phung hủi của Naaman bám lấy". Căn bệnh đó không chỉ lây vào người Giê-kha-di mà còn cả "dòng dõi của anh ta" (2V5,27).


Đó là chưa nói đến trường hợp Giuda Iscariot !!!


"Cội rễ sinh ra mọi điều gian ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao đớn đau xâu xé" (1Tm 6,10).


Lời Thánh Phaolo đang ứng nghiệm cho thời đại hôm nay.


Thật vậy, không chỉ một Hosni Mubarack; chỉ vì "lòng ham muốn giữ khư khư bảy mươi tỷ dollar" nên đã gây ra biết bao điều gian ác. Mà còn nhiều vị khác vô danh hoặc biết tên nhưng không tiện nói ra; Chỉ vì vẫn đang "buông theo lòng ham muốn đó" nên đã và đang gây ra "bao đau đớn xâu xé" cho nhiều người.


Đức Giêsu có nói rằng : "Nếu con người được cả thế giới mà phải thiệt mất linh hồn, thì nào có lợi gì ? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại ?"(Mt 16, 26).


Là một Kitô hữu; chúng ta chọn làm-tôi-Thiên-Chúa hay chọn làm-tôi-tiền-của !?


Nếu chọn... nếu chọn "làm tôi Thiên Chúa". Hãy quẳng gánh lo đi và : "Hãy cứ tin yêu, Cha quan phòng là Thiên Chúa". Trước hết hãy "lo tìm, tìm vui công chính Cha. Lo tìm, tìm cho ta nước Cha".


Vâng, hãy tin rằng : "tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33).


petrus.tran



Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Tha thứ để được thứ tha.


Cn 07 A : Tha thứ để được thứ tha





“Cái tát mạnh đến nỗi mãi mười ba năm sau tôi mới gượng dậy được. Quả nhiên đó không phải là một cái tát bình thường, và để giáng cái tát đó vào mặt tôi, họ đã xúm lại khá đông…” (trích đoạn tác phẩm : Papillon - Người tù khổ sai).

“Cái tát” đó chính là bản án khổ sai chung thân dành cho Herry Charrière vì tội giết người; căn cứ vào lời khai của một nhân chứng đã được cảnh sát "mớm" cung.

Herry Charrière với biệt danh là "Papillon"; quyết chí chuẩn bị vượt ngục ngay từ khi bị tống giam. Anh quyết chí tìm mọi cách thoát ra khỏi trại khổ sai để trả thù.

Papillon đã thuật lại trong cuốn tự truyện của mình rằng; ông rất oán hận lão biện lý kết tội oan cho ông thấu đến tận xương ! Rằng ông căm thù tên ma cô làm chứng gian đến tận tủy... Ông chỉ mong thoát khỏi ngục tù để xử tội hai tên khốn kiếp này.

Trong phòng biệt giam; Papillon đã vẽ trong trí tưởng tượng của mình những hình thức trả thù; chậm chạp nhưng hoàn hảo; để khiến cho những kẻ hại ông phải đau đớn gấp vạn lần nỗi đau mà ông đã hứng chịu trong ngục tù khổ sai.

Trả thù !Trả thù ! Đó là điều mà Papillon luôn nghĩ tới. Điều đó hiển nhiên; bởi người xưa; hay đúng hơn là luật Mose xưa có dạy rằng : “Mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng”(Xh 21,24).

......

Với Đức Giêsu; đó không phải là điều Ngài khuyến khích.

Khi bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng; Đức Giêsu đã làm cho nhiều người kinh ngạc về những gì Ngài đã giảng dạy. Họ đã phải bàn tán với nhau rằng : “Giáo lý thì mới mẻ. Người dạy lại có uy quyền”.

Thật vậy, những lời giảng dạy của Đức Giêsu đầy quyền uy. Qua Ngài; mọi người đã nhìn thấy hình ảnh một Thiên Chúa tràn đầy tình yêu thương; lòng bao dung và sự tha thứ. Qua Ngài, hình ảnh một Thiên Chúa “chậm giận và giàu lòng thương xót” tỏ lộ.

Tình yêu; lòng bao dung và sự tha thứ chính là một thứ giáo lý mới, một lề luật mới. Một lề luật với tên gọi mới : “luật mặc dù”…

Trên đỉnh núi cao; sau bài giảng tám mối phúc thật. Đức Giêsu đã kiện toàn lề luật mới với những lời công bố đầy quyền uy…

“Anh em đã nghe luật dạy rằng… Còn Thầy, Thầy bảo anh em rằng v.v…”

Vâng, Còn Thầy, Thầy bảo anh em rằng : măc dù ai đó “vả má bên phải” anh em…“Đừng chống cự”. Trái lại; “hãy giơ cả má bên trái ra nữa”.Mặc dù ai đó không phải là người lân cận của ta… Vẫn cứ phải biểu lộ tình yêu thương đối với họ. Bởi vì luật của Thầy không phải là luật : “có qua có lại mới toại lòng nhau”…

Mặc dù ai đó là kẻ thù của ta… Thầy bảo anh em rằng: “Hãy yêu kẻ thù”. Hơn nữa; vẫn cứ phải “cầu nguyện” cho họ; cho dù họ “ngược đãi anh em”…

Một chút tâm tình…

“Hãy yêu kẻ thù”. Khi truyền dạy điều này; hẳn nhiên Đức Giêsu không hoan nghinh tội ác mà kẻ thù đã gây ra. Bằng chứng là trước dinh thượng hội đồng; Đức Giêsu; thay vì đưa tiếp má bên kia; Ngài đã phản ứng lại một cách mãnh liệt khi “một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Ngài” (Ga 18,…22).

Yêu-kẻ-thù không có nghĩa là “phớt lờ” trước bất công do kẻ thù gây ra. Lại càng không thể im lặng khiếp nhược trước bạo lực của kẻ thù. Cũng tại dinh thượng hội đồng, Đức Giêsu đã lên tiếng đáp trả lại bạo lực rằng : “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi” (Ga 18,23).

Dạy các môn đệ hãy yêu kẻ thù. Đức Giêsu muốn nói đến sự tha thứ. Sự tha thứ chính là chất xúc tác làm cho quên đi hận thù.

Một khi quên đi hận thù… Vâng, chắc hẳn rằng; chẳng ai còn cần thiết đến gặp kẻ thù để đòi cho được “mắt đền mắt, răng đền răng”…

Một khi đã quên đi hận thù… Vâng, sẽ được ích gì khi đòi “mạng đền mạng”. Hơn nữa; khi đã không còn hận thù “giết người đi thì ta ở với ai” !?

Nói tắt một lời; “yêu kẻ thù” chính là tha thứ kẻ thù. Không chỉ tha một lần mà là; theo lời dạy của Đức Giêsu; phải tha “bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Có nghĩa là phải tha thứ suốt cả cuộc đời mình… Cho tới chết... Vâng, cho tới chết...

Một phút suy tư…

“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Lời truyền dạy này phải chăng cũng là lời truyền dạy cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay !?

Đúng vậy. Đã là một Kitô hữu; chúng ta phải thực thi lời truyền dạy này. Có như vậy; Đức Giêsu nói : “Anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời”.(Mt 5,45).

Cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn-Văn-Thuận khi ở trong ngục tù đã nói với những người giam giữ Ngài rằng : “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy; tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.

Đức Giêsu; trên thập giá tại đồi Golgotha ; Ngài đã yêu kẻ thù bằng sự tha thứ với lời cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, xin tha cho họ”.



Có quá khó để mà thực thi lời truyền dạy này !? Thưa không…

Một khi tâm hồn ta có “lòng xót thương người”; chúng ta sẽ không ngần ngại mà từ bỏ ý nghĩ trả thù.

Một khi tâm hồn ta ấp ủ “xây dựng hòa bình”. Vâng, chúng ta sẽ không ngần ngại để mà sẵn sàng “tha thứ”.

Sau khi đào thoát tới đảo Curacao . Papillon đã gặp vị Giám Mục Iréné de Bruyne và nhận được lời khuyên rằng : “Con phải là một vị cứu tinh cho những người khác, chứ không phải là một người sống để làm hại người khác. Dù con có đủ lý do để làm điều ác (trả thù) một cách công bằng”.

Và trước đó; khi còn bị giam ở nhà tù Conciergerie. Sau khi Papillon kể lại nỗi oan ức và ý định trả thù. Vị Linh mục tuyên úy của nhà giam cũng đã nói với Papillon rằng : “Con hãy tha thứ cho những kẻ đã làm con đau khổ đến như vậy”. Ngài còn nói tiếp rằng : “Rồi sau này; con sẽ từ bỏ ý định trừng phạt và trả thù”.

Herry Charrièe đã viết trong cuốn tự truyện của ông rằng : “Ba mươi bốn năm sau; tôi đã nghĩ đúng như ông linh mục nói”…

Hãy nhớ rằng; thánh Phanxico Assisi cũng đã nói : “chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.

Chỉ khi chúng ta biết “tha thứ cho những người có lỗi với chúng ta” như Chúa đã “tha thứ cho chúng ta”. Vâng, chỉ khi đó; chúng ta mới có thể “trở nên hoàn thiện, như Cha (chúng ta) trên trời là Đấng hoàn thiện”

Là một Kitô hữu; hôm nay, chúng ta sẵn sàng đón nhận lời truyền dạy của Đức Giêsu như là chân lý cho cuộc sống đức tin của mình !? Hay là phải đợi đến “ba mươi bốn năm sau…!?”

petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...