Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Đức Giêsu...Đấng chinh phục lòng tôi !

ĐỨC GIÊSU… Đấng chinh phục lòng tôi !.  



--------------------------------------------------------------------------------


Petrus Tran




Mùa chay thánh đã bước vào tuần thứ ba. Và chỉ còn ba tuần nữa Giáo Hội long trọng tưởng niệm cuộc tử nạn và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Cuộc tử nạn và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã minh chứng rằng "Thiên Chúa là tình yêu". Người yêu thế gian, nên đã “sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Trước những giờ phút bị nộp, Đức Giêsu cũng đã nói rằng : “Phần tôi,một khi được giương cao khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. (Ga 12,32).

…..

Thật vậy, ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu luôn chứng tỏ cho mọi người biết rằng, Ngài đến không phải để lên án tội nhân nhưng đến là để chinh phục, như Ngài đã tuyên bố “Con Người đến để tìm và cứu những kẻ hư mất” (Lc 19,10).

Bất cứ ai, khi gặp Đức Giêsu, đều bị chinh phục trước những lời nói, trước những việc làm và nhất là trước những lời giảng dạy của Ngài.

Câu chuyện giữa ông Nicôđêmô và Đức Giêsu gặp gỡ trong đêm khuya là một minh chứng cụ thể. . Ông đến gặp Đức Giêsu vì biết rằng Ngài chính “là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”(Ga 3,2). Qua những giờ phút tiếp xúc, ông đã bị chinh phục bởi những lời giảng dạy của Đức Giêsu và ông đã phải thú nhận với Ngài rằng “chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở với người ấy”.

Rồi đến trường hợp ông Da-kêu. Là thủ lãnh những người thu thuế, một hạng người bị cho là kẻ tội lỗi, thật khó có hy vọng được Đức Giêsu tiếp xúc. Thế mà Ngài đã “ở lại nhà ông”. Chính sự kiện gặp gỡ này, Đức Giêsu đã chinh phục được tâm hồn ông. Từ một hạng người bị mọi người xầm xì cho là “người tội lỗi”, ông đã được cảm hóa và được nhận lãnh ơn cứu độ.

Có thể nói rằng, Đức Giêsu là Đấng chinh phục các tội nhân vĩ đại nhất trải qua mọi thời đại, dù chỉ qua một lần gặp gỡ, qua một lần tiếp xúc và đôi khi thật tình cờ. Câu chuyện Đức Giêsu tại Samari đã vẽ lên chân dung “Đấng chinh phục” thật rõ nét.

Hôm ấy, Đức Giêsu “đến một thành xứ Samari, tên là Xy-kha… Ở đấy, có giếng của ông Giacóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.” (Ga 4,6).

Vâng, thật tình cờ… “Có một người phụ nữ Samari đến lấy nước”.

Chỉ là những trao đổi rất đời thường. Đói thì phải ăn. Khát thì phải uống. Đức Giêsu đã dẫn dắt người phụ nữ Samari đi từ ngạc nhiên đến thán phục và để rồi chị ta đã bị chinh phục.

Làm sao không bị chinh phục cho được ! Chỉ là một kẻ xa lạ, mới gặp gỡ lần đầu tiên, thế mà Đức Giêsu đã biết rất rõ cái lý lịch đen tối của chị ta rằng “chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị” (Ga 4,18).

Làm sao không bị chinh phục cho được ! Những gì chị đã làm, Đức Giêsu đã nói tất cả cho chị nghe.

Có thể nói rằng, cuộc gặp gỡ tình cờ này, một lần nữa chứng minh rằng, Đức Giêsu đến là để chinh phục. Chị Samari như “các con chiên lạc” được Đức Giêsu chinh phục, để rồi con chiên lạc đó biết rằng, Ngài chính là nguồn mạch “đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,…14).

một chút tâm tình…

Trở lại câu chuyện nêu trên. Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari rằng : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : cho tôi chút nước uống, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”.

Chắc hẳn chị Samari này nghĩ rằng “nước hằng sống” chính là loại nước chị ta dùng hằng ngày. Vì thế chị ta đã không ngần ngại xin Đức Giêsu “thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”.

Cứ cho là chị ta nghĩ như thế ! Vâng, thật đáng cảm phục về lòng tin của chị ta. Chỉ mới diện kiến lần đầu. Chưa biết Đức Giêsu là ai ! Thế mà chị ta vẫn cứ tin vào lời nói của Ngài “ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”.

Nghĩ đến chị Samari này, thật đáng xấu hổ cho một số người hôm nay.

Vẫn còn một số người, khi gặp cơn hạn hán, miệng thì ra rả kêu van "Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống...", nhưng tâm lòng lại không tin có Trời.

Tệ hơn, có một số người còn cho rằng Thiên Chúa đã chết rồi. Chính vì thế, họ đã ngạo mạn đòi thay “thằng trời” làm mưa !!!

Ôi ! “Tại sao lại thử thách ĐỨC CHÚA ?”. Ông Môsê đã phải thốt lên như thế khi con cái Israel cũng đã ngạo mạn tuyên bố "có ĐỨC CHÚA ở giữa chúng ta hay không ?" (Xh 17,7).

Hãy nhìn xem, Thiên Chúa vẫn đang “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như kẻ tốt, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5, …45).

Thánh Phaolô khẳng định : Nếu “chúng ta tin, … Đức Giêsu (sẽ) mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa”(Rm5,2).

Vâng, chị Samari đã tin. Và quả thật, ân sủng của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, đã đem đến cho chị ta thứ nước "không bao giờ khát nữa". Đó là nước "thần khí và sự thật".

Chính thứ nước này, thứ nước không cần dùng "gầu" để múc, không cần dùng "vò" để đựng, đã giải cơn khao khát chờ mong "Đấng Mesia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến" nơi chị. Để rồi chị đã nhận ra "Đấng ấy chính là (Đức Giêsu), người đang nói với chị". (Ga 4,26)

một phút suy tư…

Hôm nay, Đức Giêsu vẫn tiếp tục ngồi bên bờ giếng, không phải bờ giếng Giacop năm xưa, nhưng là bờ-giếng-Thánh-Thể, để chinh phục chúng ta.

Đã năm năm, mười năm, ba mươi năm tin Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã bao nhiêu lần đến bờ-giếng-Thánh-Thể để gặp gỡ, để trò chuyện cùng Đức Giêsu !?

Hay là chúng ta đang mải mê bu quanh bờ-giếng-trần-thế, mong sao giải quyết được những cơn khát trần gian. Những cơn khát quyền lực, những cơn khát danh vọng, những cơn khát tiền bạc, những cơn khát tình dục v.v...

Đừng sợ phải đối diện những cơn khát-thuộc-thể, những cơn khát trần gian. Hãy nghe Cohelet nói : "Phù vân, quả là phù vân...Tất cả chỉ là phù vân". Và ông ta nói tiếp rằng : "Thú vui trần gian ư ! Nhà cửa, bạc vàng và vật quý ư ! Đào kép, mỹ nữ cung phi ư ! Tôi đã trổi vượt và giàu có hơn mọi người... Tôi nhận thấy : tất cả chỉ là phù vân" (Gv 2,11).

Nhưng hãy sợ phải đối diện những cơn khát-thuộc-linh. Những cơn "đói khát được nghe LỜI Đức Chúa" (Amos 8,11).

Hãy đến bên bờ-giếng-Thánh-Thể, Đức Giêsu vẫn ngồi đó chờ đợi chúng ta. Ngài vẫn sẵn sàng ban cho chúng ta một thứ bánh trường sinh, một thứ nước hằng sống. Bánh và nước đó chính là Mình Máu thánh của Ngài. Để những ai "ăn và uống thì được sống muôn đời" (Ga 6,54).

Chúng ta tin chứ !? Nếu tin... nếu chúng ta tin. Hãy đến và hãy nếm thứ "nước hằng sống" đó. Chúng ta sẽ thấy ngọt dịu dường bao.

Sự ngọt dịu đó chính là, chúng ta có thể nhận ra Đức Giêsu Kitô "Người thật là Đấng cứu độ trần gian" (Ga 4,...42).

SAIGON - MÙA CHAY 2011         






































































































Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Hãy biến đổi.

Cn 02 chay A : Hãy biến đổi...


Sau bốn mươi ngày ăn chay ròng rã trong hoang địa, Đức Giêsu trở về Galile. Từ nơi đây; Ngài bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Công việc đầu tiên của Đức Giêsu đó là thâu nạp các môn đệ. Không phải ai cũng sẵn sàng đáp lời mời gọi của Đức Giêsu.

Có người khi nghe Đức Giêsu nói : “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo… Rồi hãy đến theo Ta”, đã buồn bã bỏ Ngài mà đi. Có những người chỉ cần một lời mời gọi “Hãy theo tôi”. Lập tức họ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Đó chính là bốn anh em ngư dân tên là Anrê, Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Cũng có người phải đợi thấy quyền năng của Ngài, họ mới tin và đi theo. Đó là trường hợp ông Nathanael. Ông ta chỉ tin sau khi nghe Đức Giêsu nói rằng “đã thấy ông ở dưới cây vả trước khi Philipphê gọi ông” đến gặp Ngài.

Biết rằng các môn đệ không phải một sớm một chiều đặt trọn niềm tin vào Ngài. Vì thế Đức Giêsu đã nói : “Anh em sẽ còn thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Ngài nói tiếp : “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người” (Ga 1,51).

……

Và quả thật, Đức Giêsu đã cho các môn đệ thấy điều đó.

Hôm ấy, Đức Giêsu “lên một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Sự kiện này chứng thực cho điều Đức Giêsu đã tuyên bố trước đây rằng “rồi các anh sẽ thấy…”


Và quả thật hôm ấy, trên đỉnh núi cao, các ông đã thấy và đã nghe. Phêrô và hai người bạn của ông là Giacôbê và Gioan đã thấy, không phải là hình ảnh “thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống” nhưng là hình ảnh “ông Mose và ông Elia hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”.

Trong sự kinh hoàng bởi đám mây sáng ngời bao phủ; các ông ngã xấp mặt xuống đất. Có tiếng từ đám mây phán rằng : “Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người.” (Mt 17,5).

Không phải tự nhiên mà Đức Giêsu; đặc biệt; cho Phêrô cùng lên núi với Ngài ! Bởi chỉ mới cách đó sáu ngày, giữa Đức Giêsu và ông Phêrô đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc lên Gierusalem. Làm sao ông có thể chấp nhận việc “Đức Giêsu phải lên Gierusalem; phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết”. Làm sao ông có thể tin rằng Thầy của mình “ngày thứ ba sẽ sống lại” !!!

Hôm nay, trên ngọn núi cao, sau khi chứng kiến tận mắt cuộc thần hiện, và nghe tận tai những lời phán từ trời cao, ông đã nhận ra rằng, Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, và rằng Ngài chính là Người mà “các ông phải vâng nghe lời”.

Một chút tâm tình…

Qua biến cố Đức Giêsu biến hình, Phêrô, Giacôbê và Gioan đã nhìn thấy Vinh Quang của Thiên Chúa. Các ông đã cảm nghiệm và hiệp thông thực sự với Thiên Chúa.

Các ông đã không “dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là (các ông) đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người” (2Pr 1,16).

Tông đồ Gioan cũng đã làm chứng rằng : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga1,3).

Hôm nay, là một Kitô hữu, làm thế nào để có thể cảm nghiệm và hiệp thông thực sự với Đức Giêsu !?

Thưa rằng, chính Kinh Thánh, bởi “đó là Lời sự sống”. Và Bí Tích Thánh Thể.

Kinh Thánh cho chúng ta nhận ra Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa, để từ đó, chúng ta có thể cảm nghiệm được rằng : quả thật Ngài có Lời ban sự sống đời đời.

Với Bí Tích Thánh Thể, đó chính là phương thế để chúng ta hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Hiệp thông với Đức Giêsu Phục Sinh, dù chúng ta có chết, thì “sự chết chỉ là sự biến đổi chứ không hề tiêu tan” (kinh tiền tụng 1).

Chúng ta tin, bởi Đức Giêsu đã phán rằng : “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sự sống muôn đời; và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

một phút suy tư…

Giáo Hội đã bước vào tuần thứ hai của Mùa Chay Thánh. Mùa Chay Thánh, mùa mà chúng ta thường quy hướng về sự ăn chay và hãm mình. Mùa mà chúng ta thấy các vị chủ tế thay đổi phẩm phục áo lễ màu trắng, màu xanh bằng chiếc áo màu tím.

Thế nhưng, sẽ là ý nghĩa hơn, tích cực hơn, thì đây chính là mùa để mỗi người Kitô hữu chúng ta không chỉ thay đổi cách ăn, cách mặc nhưng còn thay đổi cách sống. Chính sự thay đổi cách sống nó sẽ dẫn chúng ta đến sự biến hóa tâm hồn.

Là một Kitô hữu, không gì tốt hơn là hãy để cho Thiên Chúa "biến hóa" tâm hồn chúng ta. Nếu không để Thiên Chúa biến hóa; chúng ta sẽ bị đồng hóa với đời.

Thật vậy, trong một thế giới ngày một "tục hóa" nguy cơ chúng ta bị "đồng hóa" không phải không khả thi.

Hãy nhìn xem, chưa bao giờ thế giới phải sống-chung-với-lũ… quỷ như hôm nay. Chỉ một cú “click chuột”, một tâm hồn trong trắng dễ dàng biến hóa thành một tâm hồn nhớp nhơ.

Mở đầu trình thuật “Đức Giêsu hiển dung”, Thánh Matthew thuật rằng : “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao” (Mt 17,1).

Vâng, chúng ta, nhất là các bạn trẻ, cũng cần “đi riêng ra một chỗ” để gặp gỡ Đức Giêsu. Gặp gỡ Ngài qua Kinh Thánh và Thánh Thể. Hãy tin rằng, Kinh Thánh và Thánh Thể chính là “lưỡng kiếm trấn ải” đủ sức quét sạch những làn gió văn hóa độc hại, văn hóa của sự chết.

Phải “đi riêng ra một chỗ” để cảm nhận và hiệp thông với Đức Giêsu. Có Đức Giêsu, dù “có phải đi trong trũng bóng chết; cũng không sợ gì”. Hãy tin rằng : Đức Giêsu, Ngài sẽ đến bên chúng ta và bảo : “Hãy trỗi dậy đi ! Đừng sợ !”.

petrus.tran

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

HOANG ĐỊA... thao trường đổ mồ hôi !!!

Đang khi thành phố Galile vẫn mọi-ngày-như-mọi-ngày. Vẫn là những buổi bình minh rực nắng. Vẫn là những buổi hoàng hôn êm đềm. Vẫn là những sinh hoạt đời thường của mọi cư dân. Vẫn thấy những bầy lạc đà của thương nhân qua lại. Vẫn thấy những thương thuyền lướt sóng trên biển hồ. Vẫn thấy những chàng trai vạm vỡ dong thuyền ra khơi.


Có một người lặng lẽ rời bỏ Galile. Từng bước, từng bước chân âm thầm tiến về sông Giodan.


Sông Giodan như bừng tỉnh khi thấy bóng dáng người đi qua. Dòng sông dõi theo người. Dòng sông lắng nghe tiếng thì thầm to nhỏ giữa người với người. Dòng sông cuộn sóng khi người và người cùng bước xuống dòng sông.


Họ quen mà lạ. Họ lạ mà quen. Họ nhận ra đâu là sứ vụ của mình. Rồi thì kẻ ở người đi. Người ở lại Giodan như thấu hiểu công việc mình phải làm. Người ra đi tiếp tục cất bước. Lại từng bước chân âm thầm; từng bước chân lặng lẽ.


Rồi khi hoang địa hiện ra trước mắt. Người đã ra đi dừng lại và quỳ xuống nguyện cầu. Người đó chính là Giêsu người Nazareth.



“Bấy giờ; Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1). Ba mươi năm sống ẩn dật đã trôi qua. Giờ đây, Đức Giêsu xuất hiện và bắt đầu sứ vụ mà Cha Ngài là Thiên Chúa giao phó.


Khởi đầu sứ vụ bằng việc vào hoang địa chay tịnh. Đức Giêsu muốn gửi đến cho mọi người một thông điệp. Rằng: sự chay tịnh chính là phương cách tốt nhất để vượt lên chính mình, để vượt qua thử thách, để chiến thắng satan, để chiến thắng những cơn cám dỗ.


Với bốn mươi ngày ròng rã chay tịnh, mệt mỏi, đói và khát… Dầu đang trong tình trạng bất lợi về thể lực. Nhưng Đức Giêsu vẫn vững vàng trước những thách thức của “tên cám dỗ”.


Hình ảnh “tên cám dỗ đến gần Người” gợi cho ta nhớ lại nơi vườn Eden năm xưa. Một Eden với những bi kịch của nó. Một “địa đàng” bỗng chốc biến thành “địa ngục”. Nguyên tổ Adam và Eva đã không vượt lên được chính mình. Hai ông bà đã “knock out” ngay từ hiệp thứ nhất. Cú “rờ ve” của tên-cám-dỗ đã làm cho đôi mắt của nguyên tổ “mở ra và họ thấy mình…”. Vâng, thật là khó diễn tả!!!


Trở lại hoang địa; có thể ví đây như là chặng đầu của vòng đua “tour de Palestin”. Điểm xuất phát từ Galile đến hoang địa. “Cua rơ” Giêsu đã gặp ngay đối thủ sừng xỏ là tên-cám-dỗ.


Tên cám dỗ bước vào đấu trường với ánh mắt gian xảo của những tên đánh bài bịp không làm Đức Giêsu nao núng. Ba lần tráo bài là ba lần bị Đức Giêsu lật tẩy. Đúng là “mãnh hổ nan địch quần hồ”.



Kinh Thánh có chép rằng: “Trong hy vọng và thinh lặng, con sẽ được cường tráng”. Trong thinh lặng của hoang địa, Giêsu tràn đầy “Thần Khí Thiên Chúa”.


Thật vậy, Thần Khí Thiên Chúa đã không ở lại sông Giodan, nơi Đức Giêsu vừa đến để nhận phép rửa và được “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài” (Mt 3,…16).


Thần Khí Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành cùng với Ngài. Vẫn cùng chiến đấu để chiến thắng những lời phỉnh gạt của tên-cám-dỗ.


Ba lần dụ dỗ, dù đã được ngụy trang bằng những lời Kinh Thánh, như những viên thuốc độc bọc đường, vẫn không lừa bịp được Đức Giêsu. Thấm nhuần lời Chúa. Đức Giêsu đã xuất chiêu “gậy ông đập lưng ông”. Cũng là những lời Kinh Thánh được trích dẫn. Đức Giêsu đã lột chiếc mặt nạ gian trá của satan.


Cua-rơ mặc số áo “666”(1) gãy “ghi-đông” ngay chặng đầu của vòng đua. Tên-cám-dỗ lủi đi không quên ngoái lại nhìn “các sứ thần tiến đến” choàng vòng hoa chiến thắng lên cổ Đức Giêsu.


Vừa đi Satan vừa nghe văng vẳng bên tai hắn những từ ngữ đầy khinh miệt: “Satan kia! Xéo đi!”(Mt 4,10).


Một chút tâm tình


“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!”. Lời thách đố trên khiến cho chúng ta liên tưởng đến lời của Satan thách đố Adam và Eva khi xưa ở vườn Eden. “(Nếu) ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần…” (St 3,5).


Đức Giêsu không sập bẫy trước những lời khiêu khích của Satan. Ngài vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Cũng không phải để biểu diễn một vài màn xiếc nhào lộn trên không trung.

Vào hoang địa, Đức Giêsu đã mở một lớp “dạy Kinh Thánh”. Kinh Thánh, nếu được đọc trong sự soi sáng của Thánh Thần. Vâng, nó chính là giáp sắt để bảo vệ đức tin và là ánh sáng để chiếu soi chân lý.


Vua David đã cảm nghiệm được điều này nên đã nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105).


Những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã cho mọi người thấy đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là sự thật và là sự sống”.


Việc leo lên nóc đền thờ rồi “gieo mình xuống” đất!!! Vâng, không phải là Đức Giêsu không làm được. Ở đây, Ngài muốn dạy con người cách làm thế nào để đang-từ-dưới-đất-có-thể-bay-lên-Trời.


Làm thế nào ư! Satan không có câu trả lời. Có biết nó cũng chẳng nói ra.


Thật giản dị. Đức Giêsu, trong hoang địa, Ngài đã để lại cho mọi người một bài học để đời. Bài học đó chính là “Phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Ngài mà thôi” (Mt 4,10).


Một phút suy tư..


Tin Mừng Luca thuật lại rằng: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ (Đức Giêsu), quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13).


Có vẻ như hôm nay đang là thời cơ của chúng!!! Vẫn là những chiêu thức cổ truyền: gian dối và phỉnh gạt. Satan dẫn đưa chúng ta vào mê cung của chúng bằng những triết lý ảo tưởng. Rằng “Thiên Chúa đã chết! Phải thay trời làm mưa!”. Và rằng “Tôn giáo chỉ là thuốc phiện…”


Cái “độc…” của satan thời @ là nó cũng biết “nâng cấp cám dỗ” cho hợp với xu hướng thời đại.


Có thể nói, hôm nay, những cám dỗ của satan rất tinh vi xảo quyệt.


Hãy nhìn xem! Chỉ vì muốn khẳng-định-cá-tính, một số bạn trẻ dù đang còn trong độ “tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền”(2)… nên đã không ngần ngại tham dự những cuộc thi hoa-hậu-tuổi-teen!!! Để làm gì? Để tự tin bước vào đời? Để tự mãn rằng mình đã “tinh khôn…”!!!


Phải cảnh giác! Những lời mời gọi có cánh của nhà tổ chức rằng: hãy tự khẳng định mình; có khác nào lời dụ dỗ ngọt ngào của tên-cám-dỗ ở vườn Eden năm xưa… “Chẳng chết chóc gì đâu!” (St3,4).


Coi chừng! sau những màn tung hứng trên sân khấu, mắt-mình-lại-nhìn-thấy-mình…! Vâng, cũng thật là khó nói!


Kinh Thánh có chép rằng: “Hãy thinh lặng trước mặt Chúa và đợi trông Ngài” (Tv 37,7).


Khung cảnh tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể thinh lặng phải chăng là trong hoang địa!? Đúng vậy. Hãy bước theo Đức Giêsu vào-hoang-địa chay tịnh và nguyện cầu.


Đói ăn, đói mặc ư! Đừng sợ. Có sợ thì hãy sợ đói-Lời-Thiên-Chúa. Bởi vì “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh. Nhưng còn mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.


Tiền bạc, danh vọng, quyền lực “và vinh hoa lợi lộc của thế gian” liệu sẽ mãi tồn tại bên tôi suốt đời!? Hay là “…khi tôi không còn nữa, sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới, ngoài trống vắng mà thôi !”(3)?


Cohelet có câu trả lời rằng: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân” (Gv1,2).


Vào hoang địa chay tịnh và nguyện cầu. Vâng, có thể nói đây chính là thao trường rèn luyện cho các nhân đức: Đức tin, đức cậy và đức mến.


Nếu chúng ta cậy trông và tin tưởng “gắn bó cùng Chúa…” chẳng có gì ngăn cản “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho (ta)” (Tv 91,12)


Và một khi chúng ta chỉ “bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của (ta), và (chỉ) thờ phượng một mình Người mà thôi”. Vâng, chắc chắn rằng “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng” cho ta “khỏi sa-chước-cám-dỗ”.


petrus.tran


.............


(1) "666" : Dấu hiệu của satan.


(2) trích nhạc phẩm : Tuổi thần tiên - tác giả : Phạm Duy.


(3) trích thơ : Khúc thụy du - tác giả : Du Tử Lê.

Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2011

Nói phải làm !!!

NÓI PHẢI LÀM …


Theo số liệu mới nhất của Giáo Hội Công Giáo. Số người tin vào Chúa mỗi ngày một tiếp tục tăng. Niên giám Giáo Hội năm 2011 đã được trình lên Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI vào ngày 19.02 cho biết : tổng số người Công Giáo hiện đang sống trên toàn cầu trong năm 2009 đạt 1.181.000.000 tín hữu. (nguồn : VietCatholic). Cuốn niên giám còn nhấn mạnh rằng; trong hai năm gần đây (2008-2009); số lượng tín hữu tăng thêm 15 triệu người.

Nhìn lại từ ngày Lễ ngũ tuần; ngày được coi là ngày khai sinh Giáo Hội; cho đến hôm nay. Quả là càng lúc càng có nhiều người tin và theo Chúa.

……

Vào thời Đức Giêsu còn tại thế. Hiện tượng càng lúc càng có nhiều người tin và theo Ngài cũng thường xuyên xảy ra. Bất cứ nơi đâu Đức Giêsu xuất hiện; lập tức dân chúng lũ lượt tuôn đến với Ngài. Họ đến bởi được nghe những lời giảng dạy đầy quyền uy. Họ đến bởi được chứng kiến nhiều phép lạ Đức Giêsu đã làm.

Thật vậy; Phúc Âm Thánh Matthew đã chép lại rằng : Khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Với lời kêu gọi : “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”. Với những phép lạ chữa lành mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền. Lập tức “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyri… Từ miền Galile, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giodan,. Dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4,17…24-25).

Quả đó là điều không ai không mong đợi. Nhưng với Đức Giêsu; điều mong đợi nơi Ngài không nằm ở những con số… Hiện tượng từng đoàn người lũ lượt kéo đến; tin và đi theo càng làm cho Đức Giêsu băn khoăn và trăn trở. Điều băn khoăn và trăn trở chính là lòng tin của họ. Họ đã tin và theo Ngài bởi động lực nào ! Tiêu cực hay tích cực !?

Chính vì thế nên hôm ấy; thấy đám đông; Đức Giêsu lên núi. Và tại ngọn núi này; Đức Giêsu đã dạy cho đám đông đó một bài học; thế nào là một người môn đệ tin và đi theo Ngài.

Tin và đi theo Ngài ư ! Đức Giêsu nói : “Hãy có tâm hồn nghèo khó”.

Muốn trở thành môn đệ của Ngài ư ! Phải hiền lành và khiêm nhường. Phải “khát khao nên người công chính”. Phải có lòng “xót thương người”. Phải luôn có “tâm hồn trong sạch” Và sẵn sàng chịu “bách hại vì sự công chính”.

Tin và đi theo Ngài ư ! Tốt. Nhưng với Đức Giêsu; vấn đề Ngài mong đợi và luôn quan tâm đến chính là tâm tình và nỗi khát khao của người môn đệ.

Người tin và đi theo Đức Giêsu; phải khát khao trở nên “muối cho đời” và là “ánh sáng thế gian”. Phải biết yêu thương; kể cả kẻ thù nghịch. Phải biết đặt sự tha thứ lên trên sự trả thù.

Người thực sự tin và đi theo Thầy Giêsu; không chỉ nói ở đầu môi chóp lưỡi nhưng phải có hành động và bằng việc làm.

Đứng trước một rừng người đông đúc; Đức Giêsu lớn tiếng khuyến cáo rằng : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa ! Lạy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu !”. Tin và đi theo Chúa;; Đức Giêsu tiếp lời rằng : “(Phải) thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời”. Có như thế mới được gọi là người môn đệ chân chính. Và “mới được vào (Nước Trời) mà thôi”. (Mt 7,21).

một chút tâm tình…

Có vô lý không; khi những người tin Chúa cất tiếng “Lạy Chúa !” lại bị Đức Giêsu khiển trách !?

Hãy trở về Galile để thấy được câu trả lời. Thật vậy, khi thấy đoàn dân lũ lượt kéo đến với Đức Giêsu. Với tâm tình của một người giàu lòng thương xót; Đức Giêsu không khỏi chạnh lòng.

Trước cảnh họ đang bị bủa vây bởi một thứ tôn giáo nặng về lề luật và hình thức. Sự bủa vây đó dẫn họ đến tình trạng; như lời ngôn sứ Isaia đã nói : “dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng; còn lòng chúng thì lại xa Ta”.

Trước cảnh những lãnh tụ tôn giáo giữ lề luật Chúa một cách hình thức; họ “đeo những hộp kinh thật lớn; may những tua áo thật dài…Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ nói mà không làm”(Mt 23,5).

Những kẻ nói mà không làm… Ngôn sứ Isaia nói tiếp : “Chúng có thờ phượng Chúa cũng vô ích” (Isaia).

Chính những hiện tượng nêu trên. Lời khuyến cáo của Đức Giêsu không phải không có lý. Vì thế, đừng hỏi tại sao Đức Giêsu xua đuổi và trách mắng những kẻ đó rằng : “xéo đi cho khuất mắt Ta..” (Mt 7,23).

Nếu… nếu họ nghe lời dạy của Mose mà “ghi lòng tạc dạ… cẩn thận giữ tất cả mệnh lệnh… đem ra thực hành, mà yêu mến Đức Chúa”.

Vâng, nếu họ “vâng nghe mệnh lệnh của Đức Chúa … lo đem ra thực hành mọi thánh chỉ” (Dnl 11,22… 32). Chắc hẳn Đức Giêsu không xếp họ vào hạng những kẻ “làm điều gian ác” (Mt 7,…23).

một phút suy tư…

Qua những lời khuyến cáo trên; có thể tóm tắt rằng; Đức Giêsu muốn gửi đến một thông điệp. Thông điệp đó gói gọn chỉ trong ba chữ. “Nói phải làm”.

Và phải chăng; thông điệp đó; cũng chính là thông điệp Đức Giêsu gửi đến cho mỗi Kitô hữu chúng ta hôm nay !?

Thưa đúng vậy. Đã là một Kitô hữu; lời nói phải đi đôi với việc làm. Nói tắt một lời “nói phải làm”.

Là một Kitô hữu; một khi đã “quỳ bên nhau trước Đấng Tối cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”(1). Thế mà đến lúc “đời buồn vui” lại ca bài “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”(2)…như vậy có khác gì nói mà không làm !

Là một Kitô hữu; mười điều răn Chúa và sáu điều Hội Thánh dạy; thuộc văn vách. Thế mà lỡ bể-kế-hoạch, không chần chừ gì, sẵn sàng vi phạm điều răn thứ năm… đi “điều hòa kinh nguyệt” !!! Ngày Chúa Nhật thay vì dành riêng cho Chúa; nhưng lỡ gặp “độ”… thôi thì để tuần sau !!! Phải chăng, làm như vậy; chẳng khác nào nghe những lời Chúa dạy nhưng không đem ra thực hành !?

Là một Kitô hữu; phải có một quyết định … “Nói phải làm”.

Nói mà “lờ” ! … Có khác nào những người Phariseu xưa : “Họ nói mà không làm”.

Nói mà không làm có khác nào nói dối !!! Nói dối là bản tính của ma quỷ. Ma quỷ là chuyên viên nói dối và là cha của sự gian dối.

Kẻ nói mà không làm; phải chăng cũng là “các sứ thần” của ma quỷ !?

Đừng quên “lửa đời đời” chính là nơi “dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó” (Mt 25,41)

Thật ra, Đức Giêsu không ngăn cản những kẻ tin và theo Ngài thưa với Ngài là “Lạy Chúa !”. Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã nói : “Không phải bất cứ ai…”.

Điều đó có nghĩa là : bất cứ ai gọi Thầy Lạy Chúa ! Lạy Chúa. Và “nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá”.

Đừng nghĩ rằng Đức Giêsu trổ nghề “thợ xây”. Nói tới việc xây nhà ở đây; Đức Giêsu ám chỉ đến ngôi nhà tâm linh của chúng ta.

Nếu ngôi nhà tâm linh của chúng ta được xây trên nền tảng đức tin; đức cậy và đức ái. Thì việc “thực thi ý muốn của Chúa” là điều khả thi.

Và một khi đã “thực thi ý muốn của Chúa là Đấng ngự trên trời”. Hãy tin rằng; chúng ta sẽ “được vào (Nước Trời) mà thôi” (Mt 7…21).

Petrus.tran

…………….

(1) trích đoạn : Diễm tình ca 3 – tác giả LM. THÀNH TÂM.

(2) trích đoạn : Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi – tác giả LAM PHƯƠNG.

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...