Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Đừng hoài nghi - Hãy xác tín.

Đừng hoài nghi – Hãy xác tín.
Đã hai ngày trôi qua, kể từ khi Đức Giêsu bị kết án tử trên đồi Golgotha . Các môn đệ của Đức Giêsu vẫn sống trong sự hoang mang và sợ hãi.

Truyền thông thần quyền liên tục ra rả tuyên truyền rằng thì là mà cái đám môn đệ của ông Giêsu, lợi dụng đêm tối và sự ngủ quên của lính canh mộ, đến ăn cắp xác rồi phao tin đồn nhảm ông Thầy của họ đã sống lại.

Về phần thế quyền Roma, đâu đó vẫn có những con mắt cú vọ theo dõi nhất cử nhất động nhóm môn đệ của Đức Giêsu.

Người ta thường nói “ngoại cảnh chi phối nội tâm”. Đúng thế, những lời tuyên truyền “láo to” đó đã tác động rất lớn đến các ông. Tác động đến độ, các ông, ai nấy đều “sợ (đám quần chúng tự phát) người Do Thái” (Ga 20,19).

Tính từ hôm thứ-sáu-đen, ngày Đức Giêsu thọ nạn, cho đến hôm nay là “ngày thứ nhất trong tuần”… trời lại đã xế chiều. Sắp hết ba ngày rồi ! Thế mà lời phán hứa của Thầy rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31)… Ôi ! Sao vẫn chưa thấy ứng nghiệm !!!

Vào chiều ngày ấy, đang lúc Phêrô và Gioan thuật lại hiện tượng ngôi mộ trống để vực dậy niềm tin cho các bạn đồng môn thì một điều không tưởng đã xảy ra. “Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông”. Mặc dầu nơi các ông đang ẩn náu “các cửa đều đóng kín”. Đức Giêsu đã hiện đến và nói rằng : “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19).

Sự hoang mang và ngờ vực, sự sợ hãi và lo lắng của các ông được nhường chỗ cho : “niềm vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20, 20).

Thầy đó ư ! Lời Thầy đã ứng nghiệm rồi sao !

Vâng. Chính Đức Giêsu chứ không là ai khác. “Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”. Bàn tay và cạnh sườn in đậm dấu tích của vết đinh và mũi đòng. Những dấu tích mà tám ngày sau Tôma đã phải quỳ mọp xuống khi Đức Giêsu bảo với ông rằng : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27).

Tôma còn gọi là Didymo, người đã không có mặt khi Đức Giêsu hiện đến với các môn đệ, tám ngày sau đã phải sững sờ nhìn những dấu tích của vết đinh và mũi đòng trên cơ thể Đức Giêsu.

“Nếu … nếu tôi không …”. Vâng, những từ ngữ hoài nghi đó đã biến mất khỏi não bộ của Tôma. Thay vào đó là những lời tuyên tín đầy cảm xúc : “Lạy Chúa của con. Lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Một chút tâm tình

“Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”.

Phải chăng lời trách cứ trên, Đức Giêsu dành riêng cho tông đồ Tôma ? Thực ra, nếu phải trách cứ, thì cả nhóm mười người còn lại cũng cần phải bị trách cứ.

Trước tiên là Phêrô. Sao anh lại chối Thầy ! Sao anh lại chối rằng, “tôi không biết”, tôi không thuộc nhóm các môn đệ của Đức Giêsu !?

Còn Giacôbê, “con của sấm sét” đâu ! Sao lúc Thầy bị bắt, anh lại “chém vè” !!!

Chín anh còn lại, sao không chạy đến, mỗi người một tay, phụ vác thập giá cho Thầy ! Mà lại để cho một anh “ngoại đạo” Simon xứ Kyrene làm công việc đó !

Không ! Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến không phải để “tính sổ” các ông. Càng không phải để trách móc những yếu đuối của các môn đệ.

Đức Giêsu Phục Sinh và hiện đến là để chứng tỏ cho các ông biết rằng Ngài đã chiến thắng sự chết như lời Ngài đã phán rằng “Ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy”.

Ngài đến là để biểu lộ lòng xót thương qua việc “Ban Bình An” cho các ông. Một thứ bình an không theo kiểu thế gian ban cho. Một thứ bình an chỉ thật sự bình an “nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,…31).

Dẫu sao cũng phải cảm ơn sự “cứng lòng tin” của tông đồ Tôma. Chính sự cứng lòng tin đó, mà hôm nay, toàn thể con cái Chúa được Ngài tặng thêm một lời chúc phúc : “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,…29).

Niên trưởng Phêrô cũng đã xác tín điều này khi nói : “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin” (1Pr1,8).

Một phút suy tư…

Lời chúc “Bình An cho anh em” của Đức Giêsu, phải chăng chỉ dành riêng cho các môn đệ xưa ! Thưa không. Lời chúc đó cũng dành cho mỗi chúng ta hôm nay.

Lời chúc “Bình An cho anh em” mà Đức Giêsu đã gửi đến các môn đệ gợi cho ta nhớ lại “Bữa Tiệc Ly”. Hôm đó, Đức Giêsu đã phán rằng : “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến và cũng đừng sợ hãi”. (Ga 14,27).

Chính lời chúc đó, với niềm tin, các môn đệ đã vượt qua sự sợ hãi trước bạo quyền lẫn bạo lực.

Phải chăng sự sợ hãi của các môn đệ xưa, không khác gì sự sợ hãi của chúng ta hôm nay !?

Hôm nay, vẫn còn quá nhiều bất ổn và bất an trong cuộc sống của chúng ta. Bạo lực học đường. Bạo lực đường phố. Bạo lực trong gia đình… mỗi ngày một gia tăng ! Bạo quyền có vẻ như vẫn phát triển khắp nơi trên thế giới !

“… Suy đi nghĩ lại, con thấy lời chúc "Bình An cho anh em" của Chúa Giêsu chẳng khác mấy lời Ngài kêu gọi "Chính Thầy đây. Hãy yên tâm. Đừng sợ!" (Mt 14,27). (Đây là cảm nhận của một blogger với nickname là “chuotdanang”).

"Chính Thầy đây. Hãy yên tâm. Đừng sợ !".

Đừng hoài nghi và hãy xác tín rằng “Thầy” đang đứng bên cạnh chúng ta.

Chúng ta tin !? Nếu tin ! Nếu chúng ta tin. Hãy mở toang cánh cửa sổ tâm hồn mình. Vào những ngày “thứ nhất trong tuần”, đừng vì bất cứ lý do gì mà vắng mặt nơi bàn Tiệc Thánh Thể.

Nơi đó, chúng ta được chạm vào chính Đức Giêsu Phục Sinh.

Nơi đó, Đức Giêsu Phục Sinh luôn đứng chờ đợi chúng ta với lời khẳng định : “Chính Thầy đây. Hãy yên tâm. Đừng sợ”.

Nơi đó, Đức Giêsu Phục Sinh tặng cho chúng ta lời chúc phúc : ““Peace be with you !” - "Bình an cho anh em" (Ga 20,21).

Petrus.tran

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Đêm chờ sáng.


"Các ông đã thấy và đã tin"
 Đêm chờ sáng …





Bốn mươi tám tiếng đồng hồ trôi qua. Bốn mươi tám tiếng của máu và nước mắt. Bốn mươi tám tiếng của kinh hoàng và sợ hãi. Nhóm mười hai chỉ còn mười một. Nhóm mười một chạy tán loạn. Giờ đây, chỉ còn hai người ngồi bên nhau than thở !!!

Hai người đó chính là Phêrô và Gioan. Hai ông nhớ lại khung cảnh vườn Ghếtsimani hôm đó. Giuđa cùng với một nhóm người đông đảo mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế và kỳ mục trong dân sai đến bắt Thầy Giêsu.

Ngồi đây, Phêrô vẫn ấm ức với những câu hỏi tại sao ! Tại sao lại có thể xảy ra như thế được ! Tại sao với sức mạnh quyền năng, có thể “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4,30)… thế mà Thầy Giêsu vẫn không phản ứng, vẫn an nhiên tự tại để cho họ bắt và điệu đến thượng tế Caipha !

Tại sao có thể xin cấp ngay “hơn mười hai đạo binh thiên thần” đến để giải vây, thế mà Thầy Giêsu vẫn cứ “đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu… không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Còn Gioan. Ông đang trầm tư mặc tưởng về những gì ông đã chứng kiến dưới chân thập giá, nơi Thầy Giêsu bị đóng đinh. Làm sao ông có thể quên được hình ảnh “một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn” Thầy của mình. Hai đêm nay, Gioan vẫn ám ảnh về hình ảnh Thầy Giêsu chết thảm thiết trên đồi máu Golgotha !

Đêm nay, đã là hai đêm Phêrô và Gioan thấp thỏm, lo lắng và đợi chờ. Đã hai đêm chờ sáng !!! Chẳng lẽ lời phán hứa của Thầy Giêsu rằng: “ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31) là lời phán hứa “cuội” hay sao !?

…..

Hôm nay bước vào ngày thứ nhất trong tuần rồi. Nếu Thầy Giêsu không sống lại, chắc hẳn thế quyền Roma lẫn thần quyền Do Thái “phấn khởi hồ hởi” lắm đây !!!

Khi Phêrô và Gioan đang miên man chìm theo những dòng suy nghĩ trên thì có những tiếng chân chạy cùng những tiếng lao xao thức tỉnh hai ông.

Một người phụ nữ xuất hiện. Bà Maria Macdala. Bà ta chính là người đã theo chân Thầy Giêsu suốt con đường từ dinh Philato đến tận đỉnh đồi Golgotha . Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài.

Làm sao quên được ngôi mộ mà ông Giosep, người Arimathe, liệm xác Thầy Giêsu. Bà đã thấy ông Nicôđêmô “mang theo chừng một trăm cân mộc dược trộn với trầm hương” ra mộ.

Bà còn thấy họ “lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn” thi hài Đức Giêsu, đúng “theo tục lệ chôn cất của người Do Thái” (Ga 19,38-40).

Vậy mà hôm nay !!! Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà đã đi đến mộ. Hỡi ơi ! Tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Đứng trước mặt Phêrô và Gioan. Bà quả quyết rằng : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”(Ga 20,…2).

Mặc dù thực hư thế nào, hai ông chưa biết. Nhưng nguồn tin của Maria Macdala như một cài đòn bẩy, “bẩy” các ông ra khỏi căn nhà đang bị phủ trùm đầy những khắc khoải sầu thương.

Câu chuyện được kể lại rằng : “Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai ông cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giêsu đã được mai táng. Một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Các ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuồn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,..7).

Đúng là có sự khác thường. Khác thường khi những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” nay đã được “xếp riêng ra một nơi”…

Sự khác thường đó có thể ví như dấu chỉ về một nguồn ánh sáng. Ánh sáng Phục Sinh của Thầy Giêsu. Hai đêm chờ sáng của Phêrô và Gioan đã tràn ngập nguồn ánh sáng Phục Sinh đó.

Để rồi khi bước vào mộ “các ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8).

Một chút tâm tình…

“Các ông đã thấy và đã tin”.

Các ông đã thấy gì để rồi các ông tin !?

Thưa, các ông chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy Đức Giêsu Phục Sinh…

Có chăng, các ông chỉ thấy khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và ngôi mộ trống.

Vâng, chính ngôi mộ trống đã tác động lên niềm tin các ông. Nó đã hé mở cho các ông hiểu rõ hơn về những điều Kinh Thánh đã chép rằng “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”(Ga 20, 9).

Và hơn nữa, chính Đức Giêsu, “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình : trong suốt bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (Cv 1,3)

Chính vì thế, mà sau này, dù đang phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, ông Phêrô và Gioan vẫn không sợ hãi mà tuyên tín rằng “Đức Giêsu Kitô , người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 4,10).

Trong một lần khác. Hôm đó, có dịp giảng tại nhà ông Conelio. Ông Phêrô cũng đã lớn tiếng làm chứng về Đức Giêsu rằng : “Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,40-41).

một phút suy tư…

“Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy”.

Hôm nay, toàn thể Giáo Hội theo gương thánh Phêrô tiếp tục tuyên xưng rằng : “Ngày thứ ba Người sống lại thật như lời Thánh Kinh”.

Nếu xưa kia các thượng tế và kỳ mục dùng thủ đoạn hối lộ : “cho lính một số tiền lớn” (Mt 28,12) để họ vu khống lên rằng : “các môn đệ của (Giêsu) đã đến lấy trộm xác” hòng xuyên tạc niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh.

Thì hôm nay – Satan – qua một vài cá nhân hoặc một vài tập-thể-tà-quyền; vẫn kiên trì dùng những thủ đoạn đó. Họ đưa ra những sự lừa dối rất thâm độc để tấn công Hội Thánh Chúa; đả phá sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô.

Hẳn chúng ta không quên quyển sách “the Da Vinci code”. Và một “the Gospel of Judas Iscariot” v.v…là những ví dụ điển hình.

Và còn đó những thế quyền, qua những phương tiện truyền thông, lớn tiếng cho rằng, tôn giáo là thuộc phiện của nhân dân.

Những triết lý cho rằng Thiên Chúa đã chết có khác nào những tảng đá hoài nghi, che lấp chân lý và sự thật.

Những lời tuyên bố rằng con người “thay trời làm mưa” có khác nào những tảng đá kiêu ngạo đè bẹp niềm tin vào Thiên Chúa.

Là một Kitô hữu, làm thế nào để những tảng đá hoài nghi, những tảng đá kiêu ngạo không thể che lấp ngôi mộ tâm hồn của chúng ta !?

Thưa rằng : chính Lời Chúa qua Kinh Thánh. Tông đồ Gioan đã nói rằng: “những điều đã được chép ở đây là để anh em tin” (Ga 20, 31).

Và đừng quên chạy đến bàn Tiệc Thánh Thể. Nơi đó, với niềm tin, chúng ta sẽ thấy Giêsu Phục Sinh. Một Giêsu đã chiến thắng sự chết. Một Giêsu đã phán rằng : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).

Trở lại câu chuyện Phêrô và Gioan. Ra tới mộ, hai ông chỉ thấy ngôi mộ trống. Không thấy “Vinh quang Phục Sinh” của Thầy Giêsu. Nhưng hai ông đã tin.

Nhắc lại điều này để chúng ta thấy rằng, niềm tin vào Chúa Phục Sinh không phải là “thấy mới tin” nhưng là nhờ “tin mà thấy”.

Và đó cũng là điều mà sau này Đức Giêsu đã nói với tông đồ Toma rằng : “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,…29).

Petrus.tran























































































Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

"Via Dolorosa" - Đường Chúa đi qua.




Khi bình minh vừa ló dạng nơi chân trời. Cũng là lúc kinh thành Giêrusalem lại một phen náo loạn. Sự náo loạn diễn ra trong sân dinh quan tổng trấn. Hội Đồng Công Tọa đứng đầu là Cai-Pha “bàn kế hại Đức Giêsu, để xử tử Người. Sau đó, họ cho trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Philatô” (Mt 27, 1-2). Họ muốn quan tổng trấn mở phiên tòa xét xử Ngài.
….....................................

Vài hôm trước đó, nhóm thượng tế và Giuda Iscariot đã sắp đặt một kế hoạch truy bắt Đức Giêsu. Và hôm qua, khi những vệt nắng cuối cùng khuất hẳn bầu trời Giêrusalem. Một nhóm người được các thượng tế và kỳ mục sai đi truy nã Ngài.

Ánh đuốc bập bùng phá tan màn đêm vườn “Ghết”, nơi được cho là Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài đang cầu nguyện. Tiếng vó ngựa, tiếng gươm giáo và gậy gộc va chạm đến rợn người. Vòng vây mỗi lúc một xiết chặt hơn.

Ghết-si-ma-ni như nổ tung lên khi Giuda Iscariot, một người trong nhóm mười hai, xuất hiện. Nụ hôn của Giuda chính là ám hiệu cho cuộc bắt bớ. Hắn đã nói với đồng bọn rằng : “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.” (Mt 26, 48). Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ khi Giuda xông đến hôn Đức Giêsu…

Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).

Nhưng hôm nay, tại vườn Ghếtsimani, Giêsu người Nazareth , Ngài đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”.(Tv 55).

Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái ập đến bắt Đức Giêsu. Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha.

Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài đã dám tuyên bố rằng “Tôi có thể phá Đền Thờ Thiên Chúa, và nội trong ba ngày sẽ xây cất lại” (Mt 25,61). Họ bắt Ngài chỉ vì Ngài nhìn nhận mình chính là “Đấng Kitô Con Thiên Chúa”.

Bảy mươi mốt thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi bất ngờ trước chiến tích của tên “nằm vùng” Giuda. Màn đấu tố Đức Giêsu suốt đêm tại dinh thượng hội đồng không làm họ mãn nguyện. Họ muốn tìm một sự hậu thuẫn từ quan tổng trấn Philatô.

Tại dinh quan tổng trấn. Philatô xuất hiện. Philatô lặng người khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu sau một đêm bị những trận đòn tra tấn. Hình hài của Đức Giêsu, thật đúng như những gì ngôn sứ Isaia đã tiên tri : “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi người ta phỉ nhổ” (Is 50, 6).

Cuộc thẩm vấn “bỏ túi” giữa Philatô và Đức Giêsu diễn ra chóng vánh, trước mắt ông ta, Đức Giêsu “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14).

Philatô, ba lần muốn phóng thích Ngài, nhưng cả ba lần ông ta đều được đáp lại bằng những tiếng gào thét man rợ của nhóm kỳ mục và đám đông dân chúng : “Giết ! Giết nó đi ! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Phiên tòa bị nát vụn bởi sự nhu nhược của Philatô. Đức Giêsu,như bị bủa vây bởi sự hèn nhát của quan tổng trấn. Ông ta, chứ không ngoài ai khác, đã lộ tâm địa của một kẻ bàng quang. Qua việc “rửa tay”, ông phủi bỏ trách nhiệm của mình.

Dẫu biết chắc rằng các cáo buộc chống lại Đức Giêsu không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp đúng luật lệ. Dẫu biết rằng, những lời chứng đều là “chứng gian” (Mt 26, …59). Thế nhưng, Philatô vẫn ngoảnh mặt làm ngơ trước “sự thật và công lý”. Trước tiếng gào thét cuồng nộ của đám đông. Philatô ngượng ngùng tuyên bố : “Mặc các ngươi liệu lấy !”. (Mt 27, 25)

một chút tâm tình................…

“Mặc các ngươi liệu lấy !” Chỉ với năm từ đó, quan lớn Philatô, một cách nào đó, đã đặt tay ký bản án tử cho Đức Giêsu. Giờ đây, Đức Giêsu “như chiên con bị dẫn đi làm thịt. Như chiên mẹ trước mặt thợ xén lông”(Isaia).

Một ngày nọ, khi Thầy và trò chuẩn bị vào Giêrusalem. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20, 18-19).

Và hôm nay, ngày thứ sáu trong tuần, trên con đường từ dinh quan tổng trấn đến đồi Golgotha . Tất cả những lời Đức Giêsu loan báo đều đã được ứng nghiệm.

Thân xác Đức Giêsu, sau những giờ phút bị bức cung, trông như “thân sâu bọ chứ người đâu phải” (Tv 22,7). Khuôn mặt Đức Giêsu đã từng biến hình sáng láng trên núi Tabor, giờ đây bị biến dạng bởi sự diễu cợt và nhạo báng của cả một cơ đội chuyên viên tra tấn.

Con đường Đức Giêsu vác thập giá đi qua, hôm nay quen được gọi là “Via Dolorosa” có nghĩa là “Con đường đau đớn”. “Con đường sầu thảm”.

Làm sao không đau đớn cho được ! Hãy nhìn Giêsu. Một Giêsu sức cùng lực kiệt với khuôn mặt rỉ máu bởi một vòng gai sắc nhọn ở trên đỉnh đầu. Với một đôi vai cong oằn trước sức nặng của cây thập giá...

Làm sao không sầu thảm cho được ! Hãy nhìn Giêsu. Ngài thật cô đơn. Thấy Ngài “ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” (Tv 22, 8).

Làm sao không sầu thảm cho được ! Hãy nhìn Giêsu. Ngài thật cô độc. Các môn đệ của Ngài ở đâu ư !!! Mỉa mai thay ! Họ đã “bỏ Ngài mà chạy trốn hết.”(Mt 26,56).

Và cũng một ngày nọ, Đức Giêsu, một lần nữa nhấn mạnh rằng : “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế cùng các kinh sư loại bỏ, bị giết chết” (Mc 8, 31).

Nhắc lại lời nói này để hiểu rằng, vì sao Đức Giêsu, dù đang phải “ôm vết thương rỉ máu*” nhưng Ngài vẫn “ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi**” tiến thẳng lên đồi Golgotha .

Và hơn nữa, khi nhắc lại lời nói này, chúng ta sẽ hiểu rằng, vì sao khi thấy một nhóm người phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”, Đức Giêsu đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình : “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

Các bà quên rằng, Đức Giêsu nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho (Ngài) hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài.

Nhưng ! Vâng, “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được ?”(Mt 26,54).

một phút suy tư…

Cách nay vài năm,(có lẽ là vào năm 2004), vào dịp mùa chay, rất nhiều nhà thờ Công Giáo chiếu bộ phim “The Passion Of The Christ” do tài tử kiêm đạo diễn Mel Gibson thực hiện.

Khi bộ phim được chiếu tới cảnh Đức Giêsu bị tra tấn, có nơi, hơn nửa nhà thờ òa lên khóc. Phần đông là quý bà và quý cô.

Cứ thử tưởng tượng. Nếu Đức Giêsu hiện ra làm phép lạ. Từ trong màn ảnh, Ngài bước ra đứng giữa mọi người và nói “Đừng khóc nữa ! Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” của quý vị đi !!!

Hôm nay, vẫn còn đó những tên Giuđa thời đại. Vẫn còn đó những tên “nằm vùng" trong Giáo Hội và sẵn sàng “chia rẽ” Giáo Hội. Đây là một nỗi buồn không của riêng ai. Thật phải đạo, nếu có khóc thì hãy khóc thương cho Giáo Hội của chúng ta. Và đừng quên hãy cùng với Đức Giêsu mà cầu nguyện rằng : “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ rơi Giáo Hội chúng con”.

Hôm nay, trước một thế giới cổ vũ nền văn hóa của sự chết, một nền văn hóa phát triển tràn lan chủ nghĩa duy vật, duy hưởng thụ, duy khoái lạc và tục hóa. Có khủng khiếp không ! Bà Merian Clindon, trưởng đoàn Tòa Thánh, tham dự diễn đàn phụ nữ tại Bắc Kinh năm 1995, đã phát biểu rằng : “Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất trong nền văn hóa sự chết là con người không còn màng đến các giá trị đạo đức nữa. Quan hệ gia đình ngày càng mong manh. Tình mẫu tử bị kinh miệt. Trẻ em dành ít thì giờ cho cha mẹ và anh chị em hơn là màn ảnh truyền hình”… (trích nguồn : Vietcatholic).

“Con người không còn màng đến các giá trị đạo đức nữa”. Merian Clindon nói tiếp rằng : “nền văn hóa sự chết lại được thịnh hành hơn trong những thành phần ưu tú và lãnh đạo trong xã hội”. Những-thành-phần-ưu-tú-và lãnh-đạo-trong-xã-hội. Ôi ! nguy hiểm thay ! Đức Giêsu quả đúng khi nói, có khóc thì hãy “khóc cho con cháu” của chúng ta.

Chúa Nhật hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa đọc bài “Tưởng niệm cuộc thương khó của Đức Giêsu”.

Bài đọc có vẻ khá dài. Nó cũng dài như cuộc đời Kitô hữu của chúng ta hôm nay.

Bài đọc cho chúng ta thấy nhiều vấp ngã của các môn đệ. Nó cũng giống như những vấp ngã của chúng ta hôm nay.

Bài đọc cho thấy một Phêrô sau ba lần vấp ngã. Ông sực nhớ lời Đức Giêsu và ông đã “ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,…75).

Vâng, hôm nay, có lẽ điều quan trọng hơn hết là chúng ta “hãy đấm ngực than khóc cho chính bản thân mình”.

Đã bao năm, “miệng tôi xưng Chúa nhưng lòng không có Ngài !?”

Đã bao năm, chúng ta vẫn cứ “đứng nhìn (Chúa) từ đàng xa” !? (Mt 27,, 55).

Chúa Nhật hôm nay còn được gọi là Chúa Nhật lễ lá. Mở đầu cho Thánh Lễ là cuộc rước lá long trọng và trang nghiêm. Một rừng người bước theo sau vị chủ tế mặc áo đỏ tượng trưng cho Chúa Giêsu. Mọi người cùng cất tiếng ca “Vang lời tụng ca… Hoan hô, hoan hô, hoan hô Con Vua David. Chúc tụng Đấng Nhân Danh Chúa mà đến***”

“Chúc tụng Đức Vua. Đấng ngự đến nhân danh Chúa !” (Lc 19,38).

Vâng, viên đại đội trưởng và những người cùng ông, chỉ trong vài giờ canh giữ Đức Giêsu, thế mà họ đã nhận ra Đức Giêsu “Quả thật là Con Thiên Chúa”.

Còn chúng ta, bao năm qua, tuy đã là một Kitô hữu. Chúng ta đã thật sự tin nhận Ngài là Cứu Chúa của đời ta !?

Petrus.tran
……………

(*)&(**) : (trích đoạn nhạc phẩm : Việt Nam quê hương ngạo nghễ. Tác giả : cố NS. Nguyễn-Đức-Quang).

(***) : (trích đoạn nhạc phẩm : Vang lời tụng ca. Tác giả : NS. Nguyễn Duy)
































































































Chủ Nhật, 10 tháng 4, 2011

CON CÓ TIN KHÔNG !?

CON CÓ TIN KHÔNG !?


Tuần thứ năm của Mùa Chay đã đến. Và cũng là lúc chúng ta sắp sửa bước vào những ngày tĩnh tâm. Tĩnh tâm chính là lúc để cho tâm hồn lắng đọng, để sám hối, và để chuẩn bị cho ngày đại lễ Đức Giêsu Kitô đã sống lại một cách sốt sáng.

Nói đến sự sống lai không thể không nghĩ tới sự chết. Vâng, sự chết, đó là nỗi ám ảnh suốt chiều dài lịch sử con người. Bắt nguồn từ sự bội phản và bất trung của nguyên tổ Adam và Eva. Một án phạt Thiên Chúa đã dành cho con người rằng “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,..19). Án phạt đó cho thấy “Thiên Chúa là thẩm phán công minh”(Tv 7,12). Thế nhưng, không vì sự phản bội bất trung đó mà Thiên Chúa bỏ rơi con người. Thiên Chúa còn là “Đấng từ bi nhân hậu. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9). Lòng nhân hậu đó được biểu lộ qua việc “sai Con của Người đến thế gian”. Người Con đó chính là Đức Giêsu “để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Chính Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài cũng đã tuyên bố rằng “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,40).

Qua phép lạ cho con trai bà góa thành Nain sống lại. Và nổi bật nhất, qua việc cứu một người đã chết bốn ngày cũng được sống lại, đã củng cố cho lời tuyên bố nêu trên của Đức Giêsu.

…….

Câu chuyện cứu một người đã chết sống lại xảy ra tại làng Bêtania. Nơi đó có một gia trang với ba chị em Macta, Maria và Lazaro cùng nhau sinh sống.

Có phải rằng, cuộc đời con người lúc nào cũng êm đềm, phẳng lặng ! Thưa không ! Trong một đời người, “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui” Louis Evely nói tiếp “còn có cả sương mù và giá lạnh” nữa.

Vâng, sương mù và giá lạnh đang phủ trùm lên gia đình hai chị em Macta và Maria. Người em trai của hai chị em cô, tên là Lazaro, “đang bị đau nặng” (Ga 11,…3).

Thật là nghiệt ngã. Không phương tiện cứu chữa và cũng không biết bám víu vào đâu. Thời gian trôi qua thật ngột ngạt. Một sự ngột ngạt bởi không khí của sự chết. Sự sống của Lazaro như sợi chỉ mành treo chuông ! Và rồi chỉ đứt chuông rơi… Gia trang của Macta bao phủ một màu tang tóc. Lazaro đã chết !!!

Có cái chết nào lại không làm cho lòng người thổn thức và xao xuyến.! Nếu cái chết của Abel kêu thấu tận Trời cao. Thì hôm nay, cái chết của Lazaro đã làm cho Con Trời “bật khóc”.

Đức Giêsu đã khóc. Ngài khóc không phải bởi tại không có mặt kịp thời kể cứu Lazaro. Chính Đức Giêsu, khi nhận được tin xấu về Lazaro, Ngài đã nói với các môn đệ rằng : “Thầy mừng cho anh em, vì Thầy không có mặt ở đó, để anh em tin.”(Ga 11,15).

Nhưng Đức Giêsu khóc là “vì dân chúng đứng quanh đây”(Ga 11,..42). Họ đúng là như bầy chiên không người chăn dắt.


Họ cần nhìn đức tin đơn sơ của hai chị em Macta và Maria “Nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”.


Họ cần nghe lời Đức Giêsu công bố : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25). Họ cần nghe lời tuyên tín của Macta : “Thầy là Đức Kitô”(Ga 11,27).


Họ cần chứng kiến hình ảnh “Lazaro ra khỏi mồ”. Một hình ảnh chứng thực Đức Giêsu, quả thật, Thiên Chúa Cha “đã nhận lời Ngài”. Và rằng Chúa Cha “đã sai Ngài” xuống thế gian để cứu chuộc thế gian.


Và cuối cùng, họ cần trả lời câu hỏi của Đức Giêsu rằng : “Con có tin thế không ?”(Ga 11,26).


một chút tâm tình…


Món quà “sống lại” và “sự sống đời đời” Đức Giêsu không dành riêng cho anh Lazaro. Ngài còn tặng cho tất cả những ai “tin vào người… thì được sống đời đời”(Ga 3, 36).


Tông đồ Phao-lô cũng đã xác tín rằng : “Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính”.


y chậm trãi đọc tiếp lời của Phaolô. Đừng thấy những từ “Thần Khí” lập đi lập lại mà bối rối.

Thánh nhân nói tiếp rằng : “Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).

Chính cách dẫn giải này, chúng ta có được một cái nhìn rõ nét về thân phận của những ai đã tin vào Đức Giêsu Kitô.

Tin vào Đức Giêsu Kitô, chúng ta nhận được một sự-sống-mới. Một sự sống không phải để chờ tới ngày “trở về với bụi đất”, nhưng là một “sự sống thay đổi chứ không mất đi” (1)(Kinh tiền tụng thánh lễ an táng).

Vâng, “chỉ là sự biến đổi, chứ không hề tiêu tan”(2).

một phút suy tư…

Con có tin thế không ?”. Vâng, nếu hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta như thế ! Chúng ta sẽ trả lời ra sao !? Có sự sống đời sau không ? Có sự sống đời đời không ?


Thật nực cười vì có nhiều người, nhất là những kẻ vô thần, không tin có sự sống đời đời. Nhưng, họ lại rất muốn được sống đời đời… Chính vì thế họ tìm đủ mọi cách để kéo dài cuộc sống. Họ không ngần ngại giết một mầm sống để nuôi dưỡng sức sống, để kéo dài cuộc sống cho họ. Đã có những bạo chúa, vì muốn kéo dài tuổi thọ, vì muốn trường sinh bất tử, họ đã dửng dưng phạm những tội ác tầy trời.


Những kẻ ấy, không biết rằng “cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên (họ) !


Thật ra, khi đã là một Kitô hữu. Khi đã tin nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa của đời mình. Vấn đề không còn là có tin hay không tin. Nhưng, vấn đề là phải nhận biết rằng sự sống đời đời ở đây không phải là một cuộc sống đời đời ở trần thế.


Một khi chúng ta đã nhận thức được như thế… Vâng, có điều gì ngăn trở chúng ta, tuy vẫn sống ở thế gian nhưng không thuộc về thế gian !?


Để có một cuộc sống đời đời ư !


Hãy đem “phiếm đá xác thịt” ra khỏi tâm hồn mình. Hãy bước ra khỏi “mộ huyệt” của thú vui trần thế. Hãy cởi những tấm khăn dâm bôn, ô uế, phóng đãng. Hãy bỏ những tấm vải hận thù, bất hòa, chia rẽ, ganh tị, say sưa, chè chén ra khỏi con tim mình.


Chỉ như thế, chúng ta mới có thể bước đi theo “hướng đi của Thần Khí”. Một khi đã bước đi theo hướng đi của Thần Khí. Vâng, chúng ta sẽ có “sự sống và bình an”. (Rm 8,…6).


Petrus.tran















































Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

AI MÙ ! AI SÁNG !!!

“Tôi mang thân phận người mù,
Ngày dài đêm ngắn âm u cũng là.
Người mù đếm những xót xa,
Đêm dài ngày ngắn cũng là bóng đêm.(1)



…..!






Sau khi đọc những dòng thơ trên, mỗi chúng ta hãy nhắm mắt lại, chỉ vài phút thôi. Hãy thử tưởng tượng, sẽ ra sao, nếu chúng ta phải sống suốt cuộc đời mình trong cảnh mù lòa tối tăm như thế !

Vâng, không có gì đau khổ hơn, khi một người phải sống trong cảnh “Lần mò phận lấy thương thân; Làm sao biết được phương gần phương xa”(2). Và có gì bất hạnh hơn khi người đó chỉ : “Nghe tiếng Cha, biết vậy mà ! Nghe tiếng Mẹ, Mẹ ấy à, Mẹ ơi !”(3).

Thói đời, khi nhìn những người hoạn nạn tật nguyền, người ta thường nghĩ rằng, chắc tại “kiếp trước” người đó sống thất đức, nên họ phải gánh chịu những bất hạnh khổ đau cho kiếp này.


Niềm tin Kitô giáo không cho phép nghĩ như vậy. Đức Giêsu khi còn tại thế, Ngài đã dạy một bài học cho các môn đệ khi các ông có cùng một não trạng như trên.
…..

Chuyện được kể lại rằng : Sau khi Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ. Và khi đi ngang qua, “Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh”(Ga 9,1).

Người mù này được mô tả là một kẻ hành khất. Anh ta “ngồi ăn xin” bên lề đường với sự cô đơn, với khuôn mặt phảng phất “một nỗi ưu sầu đắng cay”(4).

Các môn đệ của Đức Giêsu cũng nhìn thấy. Nhưng thay vì nhìn anh mù với một tấm lòng nhân ái, các ông đã nhìn tên “đệ tử cái bang” này với một cái nhìn sặc mùi Do Thái giáo.

Đối với người Do Thái, hễ người nào bệnh hoạn tật nguyền, họ cho rằng kẻ đó bị Thiên Chúa trừng phạt.

Chính vì thê, khi thấy anh mù ngồi ăn xin, các môn đệ liền hỏi Đức Giêsu : “Thưa Thầy ! ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù…”. Quả là một cái nhìn đầy thiển cận của các ông.

Thay vì kêu thủ quỹ Giuda xuất quỹ vài đồng xu lẻ bố thí cho anh mù, các ông đã “thí” vào mặt anh mù một câu hỏi đầy ác ý: “anh ta hay cha mẹ anh ta phạm tội ?”(Ga 9,2).

Thiên Chúa là tình yêu. Người đã sai “Con của Người, đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu” (Ga 3,17).

Thật vậy, tại nhà Da-kêu, Đức Giêsu cũng đã khẳng định điều đó trước bàn dân thiên hạ, trong đó có cả các môn đệ, rằng “Con Người đến là để tìm và cứu”(Lc 19,10).

Tệ thật ! có lẽ các môn đệ đã quên… quên lời phán hứa đầy tình yêu và lòng thương xót của Thầy mình !

Anh chàng khiếm thị bẩm sinh này ư ! Đức Giêsu nói : “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9,3). Đó… đó chính là lý do Đức Giêsu xuống thế làm người. Ngài đến thế gian là để “Thực hiện công trình của Đấng đã sai (Ngài)”.

Làm sao Đức Giêsu có thể vô cảm nhìn anh chàng khiếm thị bẩm sinh này đang phải “Lần mò từng bước tôi đi… Mò trong bóng tối biết gì thời gian.”(5) !

Anh mù bẩm sinh chính là công trình mà Thiên Chúa đã tác tạo nên. Anh mù bẩm sinh chính là “công trình của Đấng đã sai Ngài”.

Vâng, làm sao có thể làm ngơ trước một công-trình-của-Thiên-Chúa !

Chính vì thế “Đức Giêsu (đã) nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và sức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta : Anh hãy đến hồ Si-lô-ac mà rửa”.

Kỳ diệu thay ! “Anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9,7)

một chút tâm tình…

Một cuộc tranh luận nổ ra sau khi anh mù bẩm sinh được Đức Giêsu chữa lành.

Ai mù ! Ai sáng ! Ai đã được sáng ! Ai đang bị mù !

Đặt vấn đề như thế, để nhắc lại hình ảnh nguyên tổ Adam và Eva nơi vườn Eden năm xưa.

Ông bà đang sáng mắt nhưng lại tưởng mình bị mù. Chính vì thế ông bà nghĩ rằng, sau khi ăn “trái của cây cho biết điều thiện điều ác”… Vâng, Adam và Eva chắc mẩm rằng “mắt ông bà sẽ mở ra”(St 3,…5).

Đúng, “mắt hai người mở ra, và họ thấy mình…” Ôi ! quả thật là khó diễn tả !

Trở lại câu chuyện anh mù bẩm sinh được Đức Giêsu chữa lành. Quả là có một số người cũng rơi vào trường hợp nguyên tổ năm xưa.

Họ sáng mắt đấy, nhưng đôi mắt “cú vọ” của họ chuyên dùng vào việc “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết”. Và họ đã thành công khi tìm ra cái “vết” mà Đức Giêsu đã phạm. Cái vết đó là “ngày sa-bát”, ngày Đức Giêsu chữa lành cho anh mù.

Dựa vào tôn giáo, đôi mắt họ nhìn soi mói Đức Giêsu. Họ cho rằng, một người “không giữ ngày sabat, không thể là người của Thiên Chúa !”.

Thật không khác gì đôi mắt của nguyên tổ Adam và Eva. Một khu vườn Eden rộng lớn bao la. Thế mà dưới đôi mắt lệch lạc của ông bà, khu vườn ấy trở nên “nhỏ hơn con thỏ”, nhỏ hơn cái túi “tinh khôn”. Ông bà có ngờ đâu, túi tinh khôn đó chỉ là “tinh khôn ảo”.

Và hôm nay, những người Phariseu, lại theo vết xe cũ của tổ tiên. Đôi mắt họ đã dính “cườm”, một thứ cườm-lề-luật, thứ cườm đó đã làm hoen mờ tình yêu của Thiên Chúa.

Xét cho cùng, những người chỉ trích Đức Giêsu, họ chỉ sáng đôi mắt thể lý. Còn đôi mắt tâm linh, không quá lời, họ mù. Họ mù Kinh Thánh. Hoặc họ “giả mù sa mưa”, quên lời ngôn sứ Isaia.


Lời ngôn sứ Isaia còn đó. Chính Đức Giêsu đã lớn tiếng đọc vào một ngày sabat, trong một hội đường tại Nazareth : “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…”(Lc 4,18).

“Cho người mù biết họ được sáng mắt”. Tới đây, quá rõ để biết rằng, ai mù, ai sáng… Ai đang sáng hóa mù ! Ai đang mù hóa sáng !

Vâng, anh mù từ thuở mới sinh. Anh ta đang mù hóa sáng. Không chỉ sáng đôi mắt thể lý, nhưng còn sáng đôi mắt tâm linh.

Thật phải đạo khi anh ta cất tiêng ca, ca tụng Đức Giêsu, rằng “Ngài là một vị ngôn sứ”. (Ga 9,17).

một phút suy tư…

Mỗi một phép lạ Đức Giêsu thực hiện, Ngài đều muốn gửi đến một thông điệp hoặc dẫn đến một chân lý nào đó.

Qua phép lạ chữa lành anh mù từ thuở mới sinh, phải chăng Đức Giêsu muốn gửi đến chúng ta một thông điệp rằng “mù mắt sáng hồn hơn mù hồn sáng mắt !”.

Đúng vậy, cái sợ của thế giới hôm nay không phải là cái sợ mù-thể-lý. Y học ngày nay cho biết, những bệnh có thể gây mù, lé, nhược thị ở trẻ em thường gặp nhất, đó là : bệnh ROP, glocom bẩm sinh, đục thủy tinh thể và bướu nguyên bào võng mạc. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn ngừa được mù lòa, giảm thiểu biến chứng.

Ngày nay, có sợ, hãy sợ mù-tâm-hồn. Mù tâm hồn sẽ dẫn tới mù lương tâm. Mù lương tâm sẽ dẫn tời mù lương thiện. Mù lương thiện sẽ dẫn tới mù công chính. Mù công chính sẽ dẫn tới mù chân thật. Mù chân thật sẽ dẫn tới sự nghi kỵ. Sự nghi kỵ dễ dẫn tới hận thù. Có hận thù là có chiến tranh và chết chóc.

Có vẻ như đây là một căn bệnh trầm kha trong thế giới hôm nay !? Vâng, làm thế nào để chữa trị căn bệnh mù tâm hồn này !?

Xin thưa ! Hãy đến cùng Giêsu. Trước khi chữa lành anh mù. Tại Đền Thờ, Đức Giêsu đã nói với người Do Thái rằng : “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”. (Ga, 8,12).

Thánh Phaolô cũng đã khẳng định : “Trong Chúa, anh em lại là ánh sáng”. Thánh nhân nói tiếp rằng : “Ánh sáng (đó) đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5, 8-9).

Một khi chúng ta “nhận được ánh sáng ban sự sống”. Một khi chúng ta lương thiện, công chính và chân thật. Chúng ta sẽ là, như lời Đức Giêsu nói, “ánh sáng cho trần gian”.

Và một khi đã trở nên ánh sáng cho trần gian, ơn Chúa, chúng ta đủ sức để “dọi ánh sáng vào nơi tối tăm (chân lý), đem niềm vui đến chốn u sầu (tâm linh)”.

Một lần nữa, chúng ta hãy nhắm mắt lại, một phút thôi ! Một phút không chỉ để cảm thông cho những ai đang bị mù lòa thể lý, mà còn để tự hỏi mình rằng : Tôi đang mù hay sáng ? Tôi đang mù mắt sáng hồn ? Tôi đang mù hồn sáng mắt !?

Nếu chúng ta sáng-mắt-mù-hồn !!!

Hãy coi chừng : “TỘI CHÚNG TA VẪN CÒN”. (Ga 9, 41)

petrus.tran
……..


(1) (2) (3) (4) (5) : (trích thơ : Tôi mang thân phận người mù - tác giả : Mặc Giang).





Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...