Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Món quà vô giá.

Món Quà Vô Giá.



Thiên Chúa muốn con người được sống và sống muôn đời. Thật vậy, Sách Sáng thế ký đã ghi lại rằng : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ.”

Sáng tạo nên con người, Thiên Chúa không chỉ ban phúc lành cho họ. Ngài còn tặng quà cho con người, để con người có miếng ăn mà sống.

Món quà đầu tiên mà Thiên Chúa đã ban cho con người chính là “một vườn cây ở Eden ”. Vườn Eden, nơi tràn ngập “thảo mộc xinh tươi… cây trên mặt đất có trái… Nước sinh ra đầy dẫy những sinh vật. Chim bay lượn trên mặt đất. Các thủy quái khổng lồ cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tùy theo loại”. Một nơi như thế, quả là lý tưởng để mà sinh sống. Sách Thánh ghi lại rằng : Thiên Chúa “đặt vào đó con người do chính mình tạo ra” để con người làm bá chủ.

Thế nhưng, thay vì đón nhận món quà đó như một ơn huệ Thiên Chúa ban cho, con người đã đánh đổi nó bằng một món quà khác. Một món quà tưởng chừng như sẽ làm cho con người đi từ sự sống giới hạn quanh vườn Eden , đến một sự sống vô biên, thông biết mọi sự. Nhưng, hỡi ơi ! khi nhận món quà khác, không do Thiên Chúa ban, sự sống của con người lại bị giới hạn hơn, đó chính là sự chết.

Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn muốn con người được sống và sống muôn đời. Chính vì thế, từ các dân các nước; dân tộc Israel đã được tuyển chọn. Từ dân tộc này; Thiên Chúa đã ban cho thế gian một món quà mới. Đó chính là Con Một của Người. Con của Người sẽ được gọi là “Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Để “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Vâng, Giêsu người Nazareth , chính là món quà bởi trời, một món quà mới được ban cho thế gian.
……
Trong những ngày thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã tái khẳng định điều đó rằng “Tôi từ trời mà xuống” (Ga 6,38).

Nhiều người tin và đi theo Ngài. Trong số đó, có nhóm mười hai môn đệ. Họ đã bỏ cả công việc, nghề nghiệp và ngay cả gia đình, để cùng đồng hành với Thầy Giêsu. Họ say sưa trong công việc rao giảng Nước Trời. Họ tin rằng, Ngài chính là Đấng Kitô. Họ nghĩ rằng “Đấng Kitô phải trường tồn”. Họ hy vọng rằng, “khi Đấng Kitô được vinh quang”, ít nhiều, họ cũng sẽ được ngồi bên tả hoặc bên hữu Ngài.

Thế nhưng, mọi suy nghĩ của các ông đều bị đảo ngược. Và Đức Giêsu đã nói về các ông rằng “tư tưởng của (các) anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23).

Đã ba lần, Đức Giêsu nói cho các môn đệ biết về vai trò và sứ vụ của Ngài. Đúng, Đức Kitô phải trường tồn. Nhưng trước hết “Con Người (tức chính Đấng Kitô) phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại.” (Mt 16: 21).

Trong bữa tiệc ly, vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu được công bố một cách cụ thể. “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi”. Đức Giêsu nói tiếp rằng “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.

Quả thật, lời công bố của Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ không thể không xao xuyến và bối rối. “Thầy đi đâu ?… (về) nhà Cha Thầy ư ?”. Có chắc là “Thầy đi dọn chỗ” cho các môn đệ ! Hay là món quà từ trời ban xuống cho các ông, nay bị “Trời” thâu hồi ?

Không để cho các môn đệ phải “xao xuyến”. Đức Giêsu nói với họ rằng, “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Qua lời trần tình đó, Ngài đã vực dậy niềm tin các ông.

“Thầy đi”. Đúng ! Nhưng “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”.

“Thầy đi”. Đúng ! Nhưng Thầy “sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16).

Nếu xưa kia, từ Belem , một món quà bởi trời, được ban cho con người là Đức Giêsu Kitô. Thì hôm nay, tại Giêrusalem, một món quà bởi trời, cũng được ban cho con người, chính là “Đấng Bảo Trợ”.

Đức Giêsu và Đấng Bảo Trợ. Vâng, chính là món quà vô giá được ban bởi trời. Một món quà 2 trong 1.

Một chút tâm tình…

Đấng Bảo Trợ là ai ? Đức Giêsu đã cho chúng ta câu trả lời rằng : “Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,17).

Thần Khí sự thật là một món quà vô giá ? Đúng vậy, đó là một món quà, theo như lời tông đồ Phêrô đã nói “(không) thể lấy tiền mà mua”(Cv 8,20).

Để có thể đón nhận được món quà vô giá là “Thần Khí sự thật”, không gì tốt bằng hãy đón nhận chính Đức Giêsu Kitô. Hay nói một cách cụ thể là hãy “yêu mến Đức Giêsu và giữ các điều răn của Ngài”.

Đừng quên thảm kịch nơi vườn Eden năm xưa. Chỉ vì không còn yêu mến Chúa. Chỉ vì muốn “trở nên như những vị thần”. Chỉ vì gạt bỏ những “điều răn cấm” của Thiên Chúa. Hai ông bà Adam và Eva đã đánh mất “món quà địa đàng” Thiên Chúa đã ban cho.

Đức Giêsu đã khẳng định “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy. và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

“Tỏ mình ra” bằng cách nào ! Thưa chính là bằng cách “xin Chúa Cha ban cho Thần Khí sự thật”. Để Người “luôn ở giữa chúng ta, ở trong chúng ta và ở với chúng ta luôn mãi”.

Một phút suy tư…

Đức Giêsu đã phán rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,16-17).

“Thần Khí sự thật” chính là Chúa Thánh Thần theo cách gọi hôm nay.

Vâng, hãy để tâm hồn lắng đọng và hãy tự hỏi mình rằng, đời sống tâm linh của ta đã thật sự có Chúa Thánh Thần !?

Không có Chúa Thánh Thần ngự trị trong đời sống đức tin, thật quá khó để chúng ta có thể đương đầu với một thế giới ngày một “tục hóa” như hôm nay.

Nếu không có Chúa Thánh Thần. Đấng có thể “ban cho trí hồn (ta). Ơn biết khôn ngoan tìm theo chân lý”(1). Vâng, làm sao chúng ta có thể “xa điều gian dối” nhan nhản trên truyền thông đại chúng cũng như ngoài xã hội hôm nay !

Không có Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể gặt hái hoa trái của Người.

Nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “bác ái, vui vẻ, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm”… Vâng, làm sao chúng ta có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”(2) !

Nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “tiết độ và trong sạch”… Vâng, làm sao chúng ta có thể chế ngự những dục vọng, một trong nhiều nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân gia đình !?

Có bao giờ chúng ta phân vân chọn lựa giữa món quà của thế gian như tiền tài, danh vọng, quyền lực v.v… với món quà Thiên Chúa ban cho chính là Chúa Thánh Thần !?

Xưa kia, Adam và Eva đã chọn món quà của thế gian. Và kết quả của sự lựa chọn đó chính là sự chết. Còn hôm nay, việc lựa chọn xin dành riêng cho mỗi người chúng ta.

Nhưng trước khi lựa chọn, chúng ta hãy nhớ rằng, món quà Đức Giêsu xin Chúa Cha cho chúng ta “Đó là Thần Khí sự thật”. Vâng, Thần Khí sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Thần Khí sự thật sẽ dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu, nơi chúng ta sẽ thấy được Đức Giêsu Phục Sinh. Nơi mà “Đức Giêsu sống và chúng ta cũng sẽ được sống”(Ga 14,…19).
Petrus.tran
…………
(1) trích Cầu xin Chúa Thánh Thần – Ns Phương Linh.
(2) trích Kinh hòa bình - Ns Kim Long.

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2011

Đừng bối rối !

Đừng bối rối !
--------------------------------------------------------------------------------


Thế giới chúng ta đang sống, có thể nói rằng, quả là một thế giới quá nhiều âu lo và sợ hãi. Âu lo và sợ hãi bởi sự khủng hoảng kinh tế, bởi nạn thất nghiệp tràn lan, bởi đạo đức băng hoại, bởi sự tiềm ẩn của những mối đe dọa chiến tranh và khủng bố, cuối cùng là bởi tội lỗi ngày một gian ác, ngày một gia tăng.

Nhìn vào những thực trạng trên, hỏi rằng, cuộc sống của chúng ta, làm sao ít nhiều không bị ảnh hưởng. ! Hỏi rằng, cuộc sống của chúng ta, làm sao ít nhiều không khỏi bàng hoàng, lo lắng và bối rối !
…..

Bàng hoàng, lo lắng và bối rối cũng chính là điều mà các môn đệ của Đức Giêsu xưa kia từng đối mặt. Ba năm theo Thầy Giêsu, mỗi khi đối diện với những vấn đề nan giải, các môn đệ cũng không thoát khỏi tâm trạng bàng hoàng, lo lắng và bối rối.

Một trong những những nan đề dẫn đến sự bàng hoàng, lo lắng và bối rối trầm trọng nhất trong ba năm theo Thầy Giêsu chính là những sự kiện đã xảy ra vào buổi chiều của bữa tiệc ly.
…….

Hãy trở về Giêrusalem của hơn hai ngàn năm trước. Chúng ta sẽ thấy điều gì đã xảy ra ! Điều gì đã khiến cho các môn đệ phải bàng hoàng, lo lắng và bối rối !

Vâng, đó là một buổi chiều của những tin tức xấu, những tin tức buồn.

Một buổi chiều của bàng hoàng. Bàng hoàng vì một kẻ trong nhóm mười hai “sẽ nộp Thầy Giêsu”.

Một buổi chiều của những nỗi “buồn hiu hắt buồn”. Buồn vì có một người sẽ “chối Thầy Giêsu ba lần”.

Một buổi chiều của lo lắng và bối rối. Lo lắng và bối rối vì Thầy Giêsu chỉ “còn ở với (các môn đệ) một ít lâu nữa thôi”.

Hãy thử tưởng tượng, trong ba năm qua, các môn đệ đã bỏ hết mọi sự, nghề nghiệp, cuộc sống gia đình để theo Thầy Giêsu, với tất cả niềm tin và lòng phó thác. Họ đã có một cuộc sống an tâm bên cạnh Ngài. Khi thiếu bánh ăn, Thầy Giêsu hóa bánh ra nhiều. Khi gặp phong ba bão táp, Thầy Giêsu giải cứu họ. Khi cần, Thầy Giêsu dạy dỗ họ…

Thế mà hôm nay, Thầy Giêsu lại nói : “Nơi tôi đi, các ngươi không thể đến được”…

Chuyện là như thế đấy !

Hỏi sao các môn đệ không bàng hoàng, lo lắng và bối rối !

Hỏi sao ông Simon Phêrô lại không hỏi ; “Thầy đi đâu ? Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ?”

Hỏi sao ông Tôma lại không thắc mắc với Thầy của mình rằng : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường” !

Nếu những lần trước, Đức Giêsu đã hóa giải sự lo lắng và bối rối trước những nan đề mà các môn đệ đã phải đối mặt, bằng những phép lạ tỏ tường. Thì hôm nay, chỉ cần đôi lời đàm đạo. Ngài đã xua tan những lo lắng và bối rối của các ông.

Qua những lời đàm đạo, Thầy Giêsu không chỉ hé mở cho các môn đệ thấy nơi các ông sẽ đến, nhưng Ngài còn vẽ ra một “sinh lộ” cho cuộc hành trình các ông sẽ phải đi qua. Một cuộc hành trình đi về “Nhà Cha”. Nơi mà Thầy Giêsu sẽ đi trước để “dọn chỗ” cho các môn đệ của Ngài. Để Thầy Giêsu ở đâu thì các môn đệ của Ngài “cũng ở đó”.

Sau phần đàm đạo giữa Thầy và trò. Có phần chắc, các môn đệ thấu hiểu và tin tưởng vào lời Đức Giêsu đã nói : “Anh em đừng bối rối ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1).

Một chút tâm tình…

Trong cuộc đàm đạo. Ông Philipphe có nói với Đức Giêsu “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.

Đức Giêsu trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Và rằng “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9…11).

Vâng, Có thể ví rằng, câu trả lời của Đức Giêsu như một “chiếc cầu treo” nối kết “Trời và Đất”. Nó đã phá vỡ sự ngăn cách giữa con người và Thiên Chúa, Sự ngăn cách mà xưa kia nguyên tổ Adam và Eva đã gây ra.

Tất cả những lời đàm đạo giữa Chúa Giêsu với các môn đệ trong bữa tiệc ly năm xưa, có thể được tóm gọn trong lời Ngài đã khẳng định với Tôma rằng : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6).

Không có dấu hiệu cho thấy các môn đệ nghi ngờ lời khẳng định trên của Chúa Giêsu. Bởi nếu các ông nghi ngờ, thì sau này làm gì có chuyện “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,7).

Một phút suy tư…

Cuộc đời thường được ví như một con đường. “Đường đời”. Và phải chăng, đường đời chúng ta đi cũng không thiếu những âu lo phiền muộn, những lo lắng và bối rối !

Đúng vậy, trong hoàn cảnh riêng tư của cuộc đời, sẽ có lúc chúng ta cũng lo lắng và bối rối trước một nan đề nào đó.

Một cơn cám dỗ bội phản lời thề thủy chung !

Trước cám dỗ của danh vọng, của tiền bạc, của quyền bính !

Trước sự bắt bớ của bạo quyền !

Chúng ta sẽ làm gì để vượt qua sự sợ hãi, sự lo lắng và bối rối !

Phải chăng là “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Vâng, thông điệp này không chỉ dành riêng cho các môn đệ của Đức Giêsu năm xưa. Nó cũng dành cho chúng ta là những Kitô hữu hôm nay.

Tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy ! Phải chăng chính là hãy tin Đức Giêsu, Ngài chính là “con đường, là sự thật và là sự sống” !?

Các môn đệ đã tin. Vâng, họ đã tin Đức Giêsu chính là con đường đời của họ. Một con đường dẫn đến sự thật và có sự sống đời đời.

Giáo Hội tiên khởi, bất chấp ba trăm năm “hầm trú”, bị bắt bớ, cũng đã tin như thế.

Còn chúng ta ! Chúng ta tin !

Nếu chúng ta tin, chẳng có gì phải lo lắng và bối rối trước cơn cám dỗ bội phản lời thề thủy chung. Hãy mặc lấy tư tưởng ông Giuse, “từ chối, không chịu nghe… chạy trốn và ra ngoài” (St 38, 7…12) .

Nếu chúng ta tin ! Trước cám dỗ của danh vọng, của tiền bạc, của quyền bính ư ! Hãy nhớ rằng “Tất cả mọi sự chỉ là phù vân”.

Sự bắt bớ của bạo quyền ư ! Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã nói : “Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục” (Mt 10,28).

“Anh em đừng bối rối ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Hãy tin. Bởi có tin vào Thiên Chúa “bất cứ điều gì chúng ta nhân danh Ngài mà xin… thì chính Ngài sẽ làm điều đó” cho chúng ta.

Vâng, Lạy Chúa ! Xin Ngài cất đi những lo lắng và bối rối trong cuộc sống của chúng con. Amen.

Petrus.tran





Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Người lữ khách đó chính là NGÀI.

Người lữ khách đó chính là NGÀI.





















Đức Giêsu Phục Sinh chính là sự toàn vẹn của chương trình cứu chuộc hoàn hảo của Thiên Chúa, nhưng lại là những thách đố đối với các môn đệ, là những người đã tin và đi theo Ngài.

Thật vậy, câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau đã cho thấy sự thách đố đó. Và hôm nay, chúng ta hãy trở về Giêrusalem, cách đây hơn hai ngàn năm, nơi Đức Giêsu đã tử nạn và đã Phục Sinh, để thấy hai môn đệ đã vượt qua sự thách đố như thế nào.
…………..
Chuyện được kể lại rằng : Trên một con đường làng. Có hai người lữ khách bước đi bên nhau. Hai người lữ khách đó, một người tên là Cơlêôpat và người kia là bạn đồng hương. Họ là hai trong số những người môn đệ của Đức Giêsu.

Tuần vừa qua, một biến cố nằm ngoài sức tưởng tượng của họ. Thầy Giêsu đã bị kết án tử, đã chết treo trên thập giá và đã được chôn trong huyệt mộ. Trong nỗi thất vọng, hai người môn đệ với “vẻ mặt buồn rầu” trở về làng quê tên là Emmau.

Con đường trở về làng chừng mười một cây số, ngày ra đi sao cảm thấy hăng hái làm sao ! Vâng, sự việc bắt đầu từ hôm đó. Hôm mà họ bỏ tất cả mọi sự, chia tay cha mẹ, giã từ vợ con, tạm biệt ngôi làng thân yêu để lên thành đô Giêrusalem, theo Thầy Giêsu.

Theo Thầy Giêsu, họ hy vọng một ngày kia, chính Thầy mình sẽ đem lại cho đất nước, cho gia đình, cho mọi người một nền hòa bình, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.

Làm sao không tin tưởng như thế cho được. Chính Thầy Giêsu đã sai họ ra đi rao giảng cho mọi người rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,9). Hơn nữa, nằm trong nhóm bảy mươi hai môn đệ. Họ đã nhìn thấy quyền năng của Thầy Giêsu. Một thứ quyền năng mà chỉ cần “nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục”. (Lc 10,17).

Vì thế, ba năm trời “nằm gai nếm mật” cũng là ba năm các ông mong đợi cho “Triều Đại” ấy mau đến. Hy vọng một khi Thầy Giêsu lên ngôi Vua, tệ lắm các ông cũng được một ghế trong nội các hoàng tộc !

Than ôi ! sự việc lại không như mong muốn. Thê thảm quá ! Thật không thể hiểu nổi một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát ! Thầy Giêsu đã chết. Bước qua ngày thứ ba rồi. Thế là chấm hết ! Thế là “mộng vàng tan mây” !(1)

Kinh Thánh có chép rằng “Giấc mộng chưa thành làm trái tim khắc khoải” (Cn 12,13). Ôm trái tim khắc khoải sầu thương “về những sự việc vừa mới xảy ra” cho Thầy Giêsu, hai ông “nhọc nhằn lê gót chân buồn” đi về Emmau.

Đang chìm trong tâm trạng “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường”(2) thì bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện. Ngài “tiến đến gần và cùng đồng hành với các ông” (Lc 24 : 15).

Dù đã cố gắng lục lại trí nhớ, nhưng các ông vẫn không sao “nhận ra Người”. Thôi kệ ! Trước lạ sau quen. Thế là các ông và người khách lạ cùng nhau chuyện trò.

Chuyện về “ông Giêsu người Nazareth ư !”

“Các anh chẳng hiểu gì cả !” Tất cả những gì xảy ra cho Giêsu người Nazareth đều đã được tiên tri “trong tất cả Sách Thánh”.

Ô hay ! Là cư dân Giêrusalem, các anh không biết, không nghe lời ông Giêsu đã lớn tiếng trong dinh toàn quyền Philato sao !? “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này” (Ga 18,36).

“Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ !” (Lc 24, 25). Ông Giêsu “phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang”.

Những lời giải thích của người khách lạ nghe quen quen. Đúng ! Thầy Giêsu đã từng nói rằng : “Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,34).

Và quả đúng là trước lạ sau quen. Người khách lạ khi được mời ở lại “vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” thì không còn xa lạ đối với các ông.

Trong bữa ăn tối, thật là lạ lùng khi Người khách lạ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho” các ông…

Ôi ! cử chỉ bẻ bánh hôm nay, sao giống như hôm ở Biển Hồ Galile, Thầy Giêsu đã làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho “khoảng năm ngàn” người ăn.

Hôm đó, cũng một cử chỉ như thế “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6, 11).

Câu chuyện được kể tiếp rằng : “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 20,31). Thế rồi, họ nhìn nhau và đồng thanh thốt lên : “Người lữ khách đó chính là Ngài”.

Một chút tâm tình…
Không phải một sớm một chiều mà hai môn đệ trên đướng Emmau đặt trọn niềm tin rằng Đức Giêsu Phục Sinh. Thật vậy, niềm tin của các ông là một niềm tin tiệm tiến.

Từ chỗ “nhìn” thấy Chúa, rồi đến “nghe” giải thích Lời Chúa, và cuối cùng là “đón nhận” chính con người Phục Sinh Của Đức Giêsu qua nghi thức “Bẻ Bánh”. Hai môn đệ mới nhận ra Thầy Giêsu của mình.

Tưởng cũng nên nhắc lại những gì đã xảy ra cho nhóm mười một. Tất cả những “dấu chỉ” như “ngôi mộ trống” hay “khăn liệm không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” cũng chỉ làm cho các ông “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Lc 24,…12).

Còn lời chứng của nhóm các bà Maria Macdala, bà Gioanna và bà Maria, mẹ ông Giacobe thì “các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24,11). Hay sự kiện Đức Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông chúc “Bình An”. Thế ma các ông vẫn chưa tin. Trái lại, các ông “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).

Trước sự yếu đức tin như thế, trong một lần Đức Giêsu Phục Sinh hiện đến với nhóm mười một, Ngài đã phải nhấn mạnh rằng : “Tất cả những gì sách Luật Mosê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”(Lc 24,…44). Và hỏi sao Đức Giêsu lại không “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” !

Sau này, trong một bức thư gửi cho các tín hữu, tông đồ Phêrô đã khẳng định rằng “ Chúng tôi lại càng thêm tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em” (2Pr1,19).

Một phút suy tư…

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta trở về con đường Emmau.

Câu chuyện con đường Emmau đã mô tả rằng, hai người môn đệ có một “vẻ mặt buồn rầu”. Họ đã có những lời lẽ tràn đầy thất vọng “những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi” !

Cuộc đời mỗi chúng ta đang sống thường được ví như một con đường. Chúng ta thường gọi là “Đường đời”. Và phải chăng đường đời chúng ta đang đi, có điều gì đó cũng giống như con đường Emmau mà hai môn đệ xưa đã đi qua ! Cũng có những nỗi buồn bực và thất vọng.

Có những nỗi buồn không tên. “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” !!!

Có những nỗi buồn đắng cay đến độ dẫn tới chán chường và tuyệt vọng. Mới “chiều hôm nao tiếng hát bay cao. Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chúng sống trọn đời”(3). Nhưng chỉ vì một thoáng “đời buồn vui” vậy mà “người ta lại bỏ con rồi, Chúa ơi !” (4).

Có những nỗi buồn không thể buồn hơn. Cùng là con cái Chúa, chung một niềm tin, chung một phép rửa… Thế mà lại coi nhau như kẻ thù, không tin tưởng lẫn nhau, lập bè phái. Chẳng khác gì nhóm mười một xưa kia. Các ông “cũng đã không tin” hai người môn đệ về sự kiện họ đã thấy “Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người” (Mc 16,12).

Người ta thường nói “nỗi buồn càng dấu kín, càng thêm buồn khổ”.

Hai môn đệ trên đường Emmau, họ không dấu kín nỗi buồn. Họ “trò chuyện và bàn tán” với nhau. Họ trải lòng ra với Đức Giêsu. Và hơn hết, họ cùng đồng bàn với Ngài.

Với chúng ta hôm nay. “Trò chuyện và bàn tán” với nhau, phải chăng chính là đến nhà thờ, một Emmau thứ hai, để “trò chuyện và bàn tán” với Chúa qua vị Linh Mục !

Vị Linh Mục như là hiện thân của Đức Giêsu Phục Sinh. Ngài sẽ “giải thích Kinh Thánh” cho chúng ta nghe, qua bài giảng trong Thánh lễ.

Đừng quên rằng, lòng-hai-môn-đệ-đã-bừng-cháy-lên sau khi hai ông đã được nghe Đức Giêsu Phục Sinh “nói chuyện và giải thích Kinh Thánh”(Lc 24, 32).

“Trải lòng ra với Đức Giêsu”. Phải chăng chính là lúc chúng ta “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng” về những tội lỗi mình đã phạm !

“Đồng bàn với Đức Giêsu”. Vâng, chính là lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể. Một bí tích kiện toàn cho đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy nhớ rằng, hai môn đệ trên đường Emmau “đã nhận ra Chúa thể nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, …35).

Xin được mượn lời chia sẻ của một blogger Công Giáo với nickname là “Tùng Trang” để khép lại cuộc hành trình về làng Emmau của chúng ta hôm nay.

“…Giữa cuộc đời, đi qua phận người, ai mà không từng rơi lệ ! Có những giọt nước mắt lặng thầm, chảy ngược vào tim, có tiếng khóc nức nở, ai oán ! Khóc là một biểu hiện trạng thái của tình cảm, người ta khóc vì hạnh phúc, vì đau khổ, vì oan khiên, vì nghịch cảnh, khóc mà vẫn nghe được tiếng Chúa gọi như Mary Macdala (Ga 20,11-18) (thì cũng nên khóc). Bởi đó không phải tiếng khóc than, nhưng là tiếng khóc thì thầm của nguyện cầu, tiếng khóc xua tan đau khổ, dẫn đến hạnh phúc !”

Đừng để tiếng khóc của ta át hẳn tiếng Chúa gọi ta. Và cũng đừng “chăm chăm nhìn” vào nỗi thổng khổ trên đường đời. Bởi như thế, làm sao chúng ta có thể thấy “Chúa đã trỗi dậy thật rồi” (Lc 24,34)

Petrus.tran
……….

(1) trích Trên đường Emmau - LM Thành Tâm.

(2) trích Thu Vàng – Ns Cung Tiến

(3) trích Diễm tình ca 3 – Lm Thánh Tâm.

(4) trích Con quỳ Lạy Chúa trên trời – Ns Phạm Duy.








































































































Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...