Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Thập giá... hành trang cho cuộc đời.

Thập giá… hành trang cho cuộc đời
Những ngày vừa qua, truyền thông mạng loan truyền một video clip với tựa đề “Bế mạc Đại hội giới trẻ thế giới 2011”(WYD). Phải nói rằng, nên đặt lại tên cho video clip này là “Những chứng nhân sống động của Chúa Giêsu Kitô”

Ngay từ những đoạn phim đầu tiên, hình ảnh Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, người cha chung của Giáo Hội Công Giáo, bị vây quanh bởi một rừng các bạn trẻ, với những lời hoan hô vang dội, bởi đủ mọi loại ngôn ngữ trên thế giới, đã để lại nơi lòng người biết bao điều xúc động.

Và cho tới những đoạn phim cuối cùng, đoạn phim những bạn trẻ Tây Ban Nha, với nghi thức chuyển giao Thánh Giá cho những bạn trẻ Brazil, nơi sẽ tổ chức đại hội giới trẻ kế tiếp vào năm 2013, đã làm cho tâm hồn nhiều người phải thổn thức.

Điều gì đã khiến cho cả triệu bạn trẻ quy tụ nơi đây ? Và tại sao các bạn trẻ lại dùng biểu tượng Thánh Giá, thay vì bó đuốc hay cờ hiệu, như các tổ chức đời thường, để làm nghi thức chuyển giao cho quốc gia đăng cai đại hội kế tiếp ?

Thưa rằng, các bạn trẻ đã từ muôn phương quy tụ nơi đây, là để làm chứng rằng, họ đã tin và đón nhận Đức Giêsu là vị cứu tinh của đời mình. Và họ chọn biểu tượng Thánh Giá như để tái xác tín rằng, Đức Giêsu, Ngài đã “chịu nạn thời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đinh trên cây Thánh giá, chết và táng xác. Xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng. Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết”(Kinh Tin Kính).....

Tin và đón nhận Đức Giêsu là vị cứu tinh của đời mình. Vâng, đó cũng là niềm tin của những môn đệ năm xưa. Nhưng khi nói Thầy Giêsu phải “chịu nạn, chịu đóng đinh trên cây thánh giá đến chết” thì quả là một lời nói “gở”, là một sự bàng hoàng đối với các môn đệ tiên khởi của Chúa.

Thật vậy, chuyện đã được kể lại rằng : Khi Thầy và trò đến vùng kế cận Xê-da-rê Philipphe, “Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết : Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21).

Làm sao lại có thể như thế được ! Bao nhiêu năm tháng theo Đức Giêsu, các ông đã bao lần thấy Thầy Giêsu chứng tỏ quyền năng của mình, bằng những phép lạ phi thường, Ngài đã chữa lành biết bao kẻ đau ốm tật nguyền, người chết được sống lại. Quỷ cũng còn phải sợ Ngài...

Vả lại, Thầy là Đấng Kitô. Điều mà mới đây, đã được chính Thầy Giêsu công nhận và đã có một lời khuyến cáo rằng “không được nói cho ai biết”... Ôi ! Tại sao hôm nay, Thầy lại công bố một phương án hạ sách như thế ! Tại sao Thầy lại phải cứu nhân độ thế bằng một hành động quái gỡ như vậy!

Nhà tâm lý học thời danh Emerson nói rằng: “Suốt ngày ta suy nghĩ thế nào thì hành động và cư xử thế đó”. Vâng, Tông đồ Phêrô, và rất có thể cả nhóm mười một kia, có phần chắc là “suốt ngày suy nghĩ như thế”, cho nên đã phản ứng dữ dội trước thông tin trên của Thầy mình.

Thật tội nghiệp cho niên trưởng Phêrô. Có lẽ niên trưởng quên lời ngôn sứ Isaia đã nói rằng “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Isaia 55, 8-9).

Phêrô đã gọi Thầy Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” thế mà, ông ta lại không nhận ra rằng, tư tưởng của Thầy mình chính là tư tưởng của Thiên Chúa... Ôi ! hỏi sao không bị Đức Giêsu tặng cho một “nickname” không đẹp đẽ chút nào : “Xatan...”.

Vâng, Đức Giêsu nói với Phêrô : “Xatan, lui lại đàng sau Thầy !”.

Một chút tâm tình...

Gọi Phêrô là “Xatan”, đừng nghĩ rằng, Đức Giêsu “đồng hóa” người niên trưởng này vào hàng ngũ con cái ma quỷ. Ngay sau khi nói “lui lại đàng sau Thầy”, Đức Giêsu tiếp lời rằng “Anh cản lối Thầy...”

Chữ Xatan ở đây được hiểu như là “người cản lối”, một ý nghĩa khác có vẻ nặng lời hơn “người chống đối”.

Vâng, Đức Giêsu muốn nói với Phêrô rằng, đừng cản lối phương cách cứu độ của Thiên Chúa. Đừng chống đối chương trình cứu độ của Người.

Một đêm nọ, tại Giêrusalem, Đức Giêsu cũng đã nói rõ phương cách “cứu nhân độ thế” của Ngài cho ông Nicôđêmô, rằng “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”(Ga 3,14-15)

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao”. Giương cao như thế nào ! Thưa chính là giương cao trên thập giá.

Đó mới chính là “tư tưởng của Thiên Chúa”.

Một phút suy tư...

Là một Kitô hữu. Là người môn đệ của Chúa Giêsu. Sẽ thật là hiểm họa, nếu chúng ta không nhận ra, đâu là “Tư tưởng của Thiên Chúa”.

Bởi vì nếu chúng ta không nhận ra “đâu là ý Thiên Chúa : cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo”. Vâng, chúng ta sẽ bị đè bẹp, bởi những trào lưu tư-tưởng-của-thói-đời, như “ham tiền bạc, khoác lác kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trắc, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa...v.v...” (2Tim 3, 2-4).

Đâu là “Tư tưởng của Thiên Chúa” ? Thưa, chính là những lời được chép trong Kinh Thánh. Thật vậy, tông đồ Phaolô đã nói rằng “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành”. ”(2 Tim 3, 16-17)

Thánh nhân nói tiếp : “Sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Kitô Giêsu”(2 Tim 3, 15).

Nhận ra được "Tư tưởng của Thiên Chúa" thì dẫu cho có phải “mất mạng sống mình vì Thầy” để được ơn cứu độ thì cũng không có gì thiệt thòi. Bởi vì, ơn cứu độ chính là ân sủng của Thiên Chúa, ban cho ta trở nên người môn đệ đích thực của Ngài.

Vâng, đừng quên, một khi trở nên người môn đệ của Đức Giêsu, hãy xem lời truyền dạy của Thầy Giêsu chính là tư tưởng cho đời sống đức tin của mình : “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Niềm tin phó thác.

Sự hoài nghi thường dẫn đến sự đổ vỡ. Sự hoài nghi dễ dẫn đến chia ly. Sự hoài nghi là bước đầu cho sự bất trung và bội phản. Sự hoài nghi làm suy yếu niềm tin. Mà niềm tin vào Thiên Chúa phải là một niềm tin tuyệt đối. Bởi chỉ có niềm tin tuyệt đối mới dẫn đến một niềm tin phó thác vào Người.



"Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Cocủa Người, mà được cứu độ”. (Ga 3, 17).


Không có sự cảm nhận đó, khó có thể có được một niềm tin phó thác nơi Đức Giêsu Kitô. Và ngược lại; muốn trở thành người môn đệ trung tín của Đức Giêsu, trước nhất và quan trọng nhất là phải có một niềm tin phó thác vào Ngài.


…………


Tin và đi theo Đức Giêsu, phải có một niềm tin phó thác. Thật vậy, suốt ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, niềm tin phó thác luôn là thông điệp Ngài gửi đến với các môn đệ. Mỗi một bài giảng hay mỗi một phép lạ chữa lành, Đức Giêsu luôn nhấn mạnh đến niềm tin phó thác.

Một ngày nọ, có lần Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng : “Hãy nhìn xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ?”. Và Ngài đã khuyến cáo rằng “Nếu anh em có lòng tin bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”.


Và cũng chính trong niềm tin phó thác, có biết bao bệnh nhân đã được Đức Giêsu chữa lành.


Ba năm theo Thầy Giêsu. Ba năm cùng ăn, cùng ở với Ngài. Dù đã chứng kiến biết bao điều kỳ diệu Đức Giêsu đã làm, như “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” kể cả những kẻ “bị quỷ ám”… Và dù đã thấy rõ Đức Giêsu đã “chữa người đàn bà băng huyết” nhờ vào “lòng tin phó thác” của bà ta… Thế nhưng, các môn đệ dường như vẫn thiếu niềm tin tưởng phó thác nơi Thầy Giêsu ! Sự thiếu niềm tin phó thác nơi các ông đã bộc lộ không dưới một lần.


Lần thứ nhất đã xảy ra trong dịp các ông và Đức Giêsu cùng đồng hành trong một cuộc hải trình băng qua biển hồ Tiberia.


Chuyện được kể lại rằng : “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Các ông sợ hãi đến độ tưởng rằng Thầy và trò “chết đến nơi rồi…”. Chỉ đến khi Đức Giêsu “ngăm đe gió và truyền cho biển : Im đi. Câm đi…”. Lúc đó các ông mới cảm thấy “tẽn tò” trước lời trách cứ của Thầy mình : “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin”(Mt 8,26)…


Và hôm nay, sau biến cố Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, các môn đệ, theo lệnh truyền của Đức Giêsu, nhổ neo con thuyền, trực chỉ ra khơi để “qua bờ bên kia” Biển Hồ.


Chỉ là một cuộc hành trình như mọi cuộc hành trình khác. Có khác chăng là cuộc ra khơi lần này, không có mặt Đức Giêsu. Khi đó, “Người lên núi một mình và cầu nguyện” suốt đêm hôm đó.


Phải chăng, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện cho các môn đệ, khi biết rằng, con thuyền của các ông đang “bị sóng đánh vì ngược gió” ? Phải chăng Ngài cầu nguyện cho các môn đệ hãy có lòng tin phó thác vào Ngài ?


Không thấy nhân chứng Matthew thuật lại chuyện này. Thay vào đó, ông ta đã thuật lại rằng : Vào khoảng canh tư. Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ”.


Người đời thường nói : “Tâm ma mới gặp ma”. Tâm hướng về đâu, hồn sẽ hướng về đó. Tâm ma thì luôn nghĩ đến ma. Luôn nghĩ đến ma thì sẽ nhìn thấy ma. Luôn nhìn thấy ma thì sẽ dễ sống trong tâm trạng có ma bên mình.


Có vẻ như lời nhận định trên là đúng ! Hãy nhìn xem mười hai môn đệ của Đức Giêsu đang hiện diện trên con thuyền. Họ đã dám bỏ hết mọi sự để theo Ngài. Đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với Đức Giêsu. Hàng ngày luôn kề cận bên Đức Giêsu. Thế mà, than ôi ! Thân các ông bên Chúa nhưng tâm của các ông lại là “tâm ma” !!! Và phải chăng chính vì thế nên các ông đã không nhận ra Chúa !


Người nhân chứng Matthew kể tiếp rằng “Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: Ma đấy !”.


Không khiển trách như lần trước. Lần này, Đức Giêsu có vẻ như thấu hiểu nỗi lòng của các ông. Nỗi lòng của những con người đang phải sống trong một xứ sở đầy dẫy những tên “ma đầu giáo chủ”. Nỗi lòng của những con người đang phải đối đầu với những tên biệt phái Phariseu luôn rình rập, chực chờ hãm hại Ngài cũng như các môn đệ của Ngài. Đức Giêsu củng cố niềm tin các ông bằng một lời nói đầy quyền uy. Ngài nói : “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.


Vui mừng thay ! Tâm của Phêrô đã được định hướng lại, nên ông đã nhận ra được tiếng nói của Đức Giêsu “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Ông đã dám bước ra khỏi thuyền. Ông đã xin “cho ông đi trên mặt biển” để đến với Ngài.


Câu chuyện kết thúc có hậu. Không chỉ một mình thuyền trưởng Phêrô không còn sợ. Nhưng toàn thể thủy thủ đoàn cũng đã hết sợ. Nhân chứng Matthew đã thuật lại rằng : “Khi Thầy trò đã lên thuyền… Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa”.


Một chút tâm tình…


Về trường hợp của Phêrô. Rõ ràng Đức Giêsu đã cho ông “đi trên mặt nước” để đến với Ngài. Thế nhưng chỉ vì “kém tin” nên ông sợ “khi thấy gió thổi tới”. Và vì “hoài nghi” vào quyền năng của Chúa nên ông đã nghĩ rằng, mình đang bị “con ma da” kéo chìm !!!


Thánh Vịnh 118, 5-6 có chép rằng “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.


Đúng vậy. Có một câu nói rằng “No Jesus – No life”. “Không Chúa Giêsu – Không có cuộc sống”. Có Chúa sẽ gặp được Chúa. Gặp Chúa sẽ biết phải làm thế nào để vượt qua những gian nan thử thách.


Chưa gặp Chúa, Phêrô “bắt đầu chìm”. Và khi Phêrô đã gặp Chúa với lời cầu khẩn “xin cứu con”. Vâng, lúc đó ông mới có thể cùng Thầy Giêsu bước “lên thuyền”.


Với phép lạ đi trên mặt nước, Đức Giêsu muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng, Ngài có quyền trên thiên nhiên. Ngài chính là Thiên Chúa của vũ trụ này. Và rằng, hãy vũng tin, đừng sợ. Vì Ngài chính là Con Thiên Chúa.


Một phút suy tư…


Trở lại câu chuyện “Đức Giêsu đi trên mặt nước”. Vâng. Các môn đệ năm xưa, chỉ vì một “con ma” che khuất tầm nhìn, thế mà các ông đã không thể nhìn thấy Đức Giêsu để mà đến cùng Ngài.




Với thời đại hôm nay. Chúng ta không chỉ phải đối diện một “con ma”, nhưng là nhiều con ma rất đáng sợ. Rất nhiều bóng ma chập chờn quanh ta. Chúng luôn rình rập để xem “mặt ai méc-méc nhào ra bắt liền”.


Đó là những “con ma triết lý” đã nhào nặn biết bao học thuyết vớ vẩn, hầu tìm cách phỉ báng học thuyết Kitô giáo của chúng ta.


Đó là những “con ma bạo quyền” kết hợp với những “con ma truyền thông” ngày đêm ra rả tuyên truyền, bằng những thủ đoạn ma giáo, gian trá, hầu làm lu mờ hình ảnh “con thuyền Giáo Hội” hoặc tìm cách nhấn chìm những “Phêrô thời đại” của Giáo Hội hôm nay.


Chúng ta sẽ làm gì ? Phải chăng là run rẩy sợ hãi, là im lặng đồng lõa ? Hay hãy như tông đồ Phêrô, mà la lên rằng “Lạy Chúa ! Xin cứu Giáo Hội chúng con. Xin cứu những Phêrô thời đại của chúng con ” !!!


Thật ra, điều đáng sợ hơn cả chính là “con ma lòng” của chúng ta. Nó không ở đâu xa. Nó ở ngay trong chính tâm hồn của chúng ta.


Ôi ! Con-ma-dâm-dục… Con-ma-hận-thù… Con-ma-ích-kỷ… Con-ma-phóng-đáng… Con-ma-bè-phái… Con-ma-ganh-tị. v.v.. Còn con-ma-men và ma-đề nữa chứ !


Chính những con ma này đã che khuất tầm nhìn của chúng ta. Nó đã làm cho tê liệt tâm hồn chúng ta. Làm cho chúng ta không còn nhận ra đâu là hình ảnh một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).


Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay được trích đoạn trong Tin Mừng Matthew (14, 22-33) không ngoài mục đích khẳng định một lần nữa rằng, Đức Giêsu – Ngài quả thật là Con Thiên Chúa.


Đặt niềm tin vào Con Thiên Chúa, con-ma-bạo-quyền, dù có đầy đủ “quyền lực tử thần (cũng) sẽ không thắng nổi” Giáo Hội.


Trao phó trọn vẹn niềm tin nơi Con Thiên Chúa, cho dù chúng ta có vấp ngã bởi những con-ma-lòng. Vâng, hãy tin như thánh Phaolô đã tin, rằng, “Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, Ngài sẽ “giải thoát ta khỏi thân xác phải chết này” (Rm 7, 25).


Hãy nhớ rằng, xưa kia, tông đồ Phêrô, sau khi được Đức Giêsu “đưa tay nắm lấy ông”, thánh nhân mới có thể cùng Thầy của mình “bước lên thuyền”.


Cũng vậy với chúng ta hôm nay. Đức Giêsu chỉ có thể giải thoát chúng ta khỏi những “con ma lòng” với điều kiện chúng ta phải có một niềm tin phó thác, phải để Ngài “chạm vào lòng chúng ta” và đừng quên có một lời cầu khẩn chân thành “Lạy Chúa ! Xin cứu chúng con”.


Bạn đã để Chúa “chạm vào lòng” chưa ? Nếu chưa thì chúng ta hãy cùng nhau cất tiếng ca nguyện mà xin với Chúa, rằng :


“Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.


Chạm lòng con, để con không xa Ngài.


Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.


Chạm lòng con để con say mê Ngài.


Vực con vươn lên khỏi chốn tối tăm tuyệt vọng.


Vực con vươn lên khỏi nghi sợ và sầu não.


Thì con sẽ hát, chúc tán ngợi khen danh Chúa.


Xin Thần Linh đến chạm vào con ngay Chúa ơi.


Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.


Chạm lòng con để con luôn tin Ngài


Chạm lòng con, Chúa ơi ngay giờ này.


Chạm lòng con để con luôn yêu Ngài” (*)


Petrus.tran


………..


(*) trích “Chạm lòng con” – tác giả Nguyễn-Đình-Thôn.







Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...