Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Quyền lực và quyền hành phải thực thi như thế nào !

 
Dao và kéo là những vật dụng thiết yếu cho đời sống của con người. Khi đề cập đến những vật bén nhọn như dao kéo, chúng ta thường có những lời cảnh báo, nào là phải thật cẩn thận, đừng cẩu thả khi sử dụng những vật bén nhọn đó. Và nhất là đừng lạm dụng biến nó thành một thứ vũ khí để giết người.

Quyền lực hay quyền hành cũng vậy. Nó cũng được ví như một con dao hai lưỡi. Cũng sẽ phải thật thận trọng, đừng bất cẩn khi thừa hành nó. Bởi nếu quyền lực hay quyền hành bị lạm dụng, nó sẽ xảy ra những thảm cảnh, không chỉ trên một vài cá nhân, mà còn có thể tác hại trên nhiều người.

Thực ra, quyền lực hay quyền hành tự nó chẳng tốt cũng chẳng xấu. Điều quan trọng là, khi thực thi quyền lực hay quyền hành, cần có động lực là tình yêu sự thật và đức hạnh, nếu không, sự thiệt hại cho người khác là điều tất yếu xảy ra.

Quyền lực hay quyền hành. Đó cũng là điều Đức Giêsu rất quan tâm đến. Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, bên cạnh những lời giảng dạy về tình yêu thương, Ngài cũng đã để lại không ít lời giáo huấn cho những ai muốn trở thành “người làm lớn”.

Trong một lần đang trên đường lên Giêrusalem. Hai người con ông Dê-bê-đê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và xin Ngài cho họ được “một người bên hữu, một người bên tả” khi Ngài được vinh quang.

Giáo huấn mà Đức Giêsu giảng dạy là “con Ngươi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”.

Chính vì thế, hôm đó, không chỉ hai anh em nhà Dê-bê-đê, mà là tất cả các môn đệ đã được Đức Giêsu dạy cho một bài học “muốn làm lớn”… muốn được ngồi bên tả bên hữu thì phải làm gì?!

Vâng, Đức Giêsu đã nói “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”

Muốn trở thành nhà lãnh đạo ư?! “Nói phải làm”.

Muốn thực thi quyền lực ư?!

Đừng như những Phariseu và các kinh sư “Ngồi trên tòa ông Môse” hùng hồn giảng thuyết. Nhưng lại “nói mà không làm”!

Muốn thực thi quyền hành ư?!

Đừng “bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta…”. Đừng “làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy…”. Đừng “ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường…”. Đừng “ưa người ta chào hỏi ở những nơi công cộng…”. Và cũng đừng ham “được thiên hạ gọi là ‘rapbi’…”.

Đã không ít lần chứng kiến cách hành xử quyền hành thiếu tình yêu và đức hạnh của các nhà lãnh đão tôn giáo đương thời. Đức Giêsu có lời dạy bảo rằng “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em” (Mt 23,11).

Một chút tâm tình
Chắc chắn Đức Giêsu không cấm chúng ta gọi những người dạy dỗ chúng ta là “thầy”.

Chắc chắn Đức Giêsu sẽ phiền lòng về một ai đó phủ nhận giá trị làm “cha” làm “mẹ” trong cuộc sống hôn nhân.

Và hẳn nhiên những vị trí quyền hành khác nhau trong xã hội như: Linh mục, Luật sư, Thầy giáo, Huấn luyện viên, Bác sĩ, Y tá điều dưỡng, Chủ xí nghiệp, những nhà lãnh đạo quốc gia, những bậc cha mẹ, những nhà lãnh đạo Hội thánh, Hội đồng giáo xứ v.v… là điều rất cần cho xã hội cũng như cho Giáo Hội ở trần gian này.

Khi Đức Giêsu nói “đừng để ai gọi mình là ‘rapbi’…” hoặc Ngài khuyến cáo rằng “anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha” chính là Đức Giêsu muốn mọi người biết rằng, tất cả quyền hành hay quyền lực ở trần gian này, nếu có, cũng là do Thiên Chúa mà ra, như sau này Đức Giêsu đã có lời đối đáp trước mặt Philatô rằng “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11).

Hẳn ai trong chúng ta đều biết, quyền lực hay quyền hành trong một quốc gia đều dưới quyền vị vua.

Vì thế tất nhiên, quyền lực và quyền hành dưới trái đất này phải thuộc quyền Vua vũ trụ này.

Và ai là Vua vũ trụ này! Vâng, lời Đức Chúa đã phán với Israel qua trung gian ông Malakhi rằng: “Chính Ta là Đức Vua cao cả” (Ml 1…14).

Vì thế, thật phải đạo khi chúng ta tin lời Đức Giêsu đã nói: “Anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời”.

Một phút suy tư

Quyền lực hay quyền hành được thiết lập là để duy trì trật tự xã hội. Hay nói một cách khác, là để phục vụ con người.

Là một Kitô hữu, đừng bao giờ lạm dụng quyền hành hay quyền lực. Gương vua David chính là bài học bổ ích cho mỗi chúng ta hôm nay.

David đã phải vượt qua một thử thách lớn khi sử dụng quyền lực của mình. David biết rõ về giới hạn của ông ta. Ông ta đã lắng nghe Avigagin và đã không giết chồng cô ta, cũng như mọi người liên quan với ông ta (1Sm 25, 32).

Rồi đến khi David có cơ hội để giết Saun, nhưng David thậm chí đã không làm mà còn ray rứt về tội đã cắt áo của vua. Kinh Thánh thuật lại rằng: “David áy náy trong lòng vì đã cắt vạt áo của vua Saun. Ông bảo cùng người của ông: Xin ĐỨC CHÚA đừng để tôi làm điều này cho chúa thượng của tôi, đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong, là tra tay hại vua, vì người là đấng ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong” (1Sm 24, 6-7).

Thế nhưng, chúng ta không thể không nhắc tới chuyện David đã lạm dụng quyền lực của ông ta qua câu chuyện bà Bat Seva.

Phải thú nhận rằng, mỗi chúng ta đều có thể vấp phạm sự lạm dụng quyền hành hay quyền lực, một lúc nào đó trong cuộc sống nếu không để Thánh Thần Chúa dẫn dắt trong mọi lúc, trong cuộc đời của chúng ta.

Lạm dụng quyền hành hay quyền lực sẽ làm cho phản tác dụng mọi lời rao giảng Tin Mừng Đức Kitô.

Là thành viên trong Giáo Hội, trong cộng đồng, trong gia đình, mỗi chúng ta phải chịu trách nhiệm về mình trước mặt mọi người, và hơn hết trước mặt Đức Chúa Trời.

Làm sao chúng ta có thể không vấp phạm sự lạm dụng quyền hành hay quyền lực?

Xin thưa. Tông đồ Phaolô có lời khuyên rằng: “Tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy tha thiết duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau” (Ep 4, 1-3).

Một khi chúng ta có “Thần Khí Chúa”. Một khi chúng ta “ăn ở thuận hòa với nhau”. Vâng, chẳng có gì xấu hổ để mà “hạ mình xuống” trước lợi ích của cộng đồng, của xã hội và hơn hết của Giáo Hội.

Hãy nhớ lời Đức Giêsu dạy bảo: “Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, …12).


Petrus.tran







Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

MẾN CHÚA - YÊU NGƯỜI


Sứ mạng loan báo Tin Mừng ở bất cứ thời buổi nào luôn là một sứ mạng đầy cam go và thách thức. Ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu cũng đã gặp không ít những thách thức và sự chống đối của người cùng thời. Sự thách thức và chống đối đến từ nhiều phía. Khi thì phía giới thế quyền. Lúc thì từ giới thần quyền.

Dù là rất ghét Đức Giêsu, nhưng họ vẫn cứ tới mỗi khi Ngài xuất hiện đâu đó rao giảng Tin Mừng. Họ là những người thuộc phe Hêrôđê. Cũng có người thuộc nhóm Xa-đốc. Và nguy hiểm nhất là nhóm Phariseu và các kinh sư.

Không như những người thuộc nhóm Hê-rô-đê hay nhóm Xa-đốc chỉ chất vấn Đức Giêsu những điều liên quan đến đời thường như thuế má hay chuyện sống chết.

Nhóm Pharieu và kinh sư là con nhà luật nên họ luôn tìm gặp Đức Giêsu để làm khó dễ Ngài về vấn đề luật lệ.

Thật vậy. Dù đã nhiều lần thất bại qua việc chất vấn Đức Giêsu về luật lệ. Nhóm Phariseu vẫn không từ bỏ ý định gài bẫy Ngài. Một hôm, họ họp nhau lại để đưa ra đối sách mới. Một thầy thông luật trong nhóm của họ đầy kinh nghiệm được cử đến gặp Đức Giêsu.

Không như những lần trước, họ thường đặt thẳng vấn đề với Đức Giêsu. Nào là… tại sao Ngài “không giữ ngày sa-bát”! Nào là… tại sao môn đệ Thầy không rửa tay trước khi ăn v.v…

Lần này, họ sử dụng chiêu “dương đông kích tây”. Với vẻ mặt đạo mạo, ông thầy thông luật “dương đông” bằng một câu hỏi hết sức đạo đức: “Thưa Thầy, trong sách luật Môse, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Với hơn sáu trăm điều luật, chưa kể đến những luật phụ. Cho là ông Môse có sống lại, cũng không chắc lắm ông ta sẽ trả lời được câu hỏi đầy “thủ đoạn” của nhóm Phariseu. Chắc chắn ông Môse sẽ ú ớ trước hàng trăm thứ luật mà hậu duệ của ông đã lập ra.

Thật ra, khi đặt câu hỏi này, ông thầy thông luật chuẩn bị “kích tây”.

Một cái bẫy được giăng ra. Thật vậy, trong bối cảnh Israel thời đó, mỗi một phe nhóm như Xa-đốc, kinh sư, luật sĩ, Phariseu v.v… họ thích điều luật nào thì cho điều luật đó quan trọng hơn cả.

Nếu Đức Giêsu trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng Ngài sẽ bị “chụp mũ” là về phe nhóm này, chống nhóm kia. Và điều hiển nhiên là các nhóm khác sẽ gân cổ lên đối chất với Ngài…

Thế nhưng, dù ông thầy thông luật có ngụy trang cái bẫy đầy mầu sắc đạo đức, nó vẫn không làm cho Đức Giêsu sập bẫy.

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư?”. Đức Giêsu đáp “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Người nói tiếp rằng: “Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38).

Thật sai lầm khi đem luật ông Môse ra “thử” Ngài. Những điều Đức Giêsu nói cho ông thông luật nghe cũng chính là những điều khi xưa ông Môse đã nói trước toàn dân Israel.

“Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Dnl 5,5).

Có lẽ ông thông luật quên lời Môse đã dặn rằng “Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng… phải nói lại cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường…” (Dnl 6, 6-7).

Đúng! ông thông luật đã quên. Ông quên rằng, ông Môse cũng đã nói: “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,..18).

Vâng, ông đã quên nhưng Đức Giêsu không quên. Ngài nhắc lại cho ông biết rằng: Đó là “điều răn thứ hai, cũng giống điều răn thứ nhất”. Và rằng: “Tất cả Luật Môse và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều ấy”.

Một chút tâm tình

“Người phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22, 39).

Hãy nhớ rằng, đây chính là thước đo đời sống đức tin cho người Kitô hữu, không chỉ bây giờ mà còn trong ngày phán xét.

Tông đồ Gioan đã nói: “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21).

Vâng, chúng ta sẽ được phán xét dựa vào tình yêu tha nhân, bằng sự phục vụ, chứ không phải là yêu Chúa bằng hình thức, trên môi miệng.

Thật vậy, chính Đức Giêsu đã nói rằng: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

“Làm như thế cho một trong những người bé nhỏ” là làm gì?
Xin thưa, chính là “Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết”.

Tưởng cũng nên nhắc lại lời Đức Giêsu đã cảnh báo rằng: “mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45)

Và như vậy, dẫu cho chúng ta có “Yêu mến Thiên Chúa”, thì, như tông đồ Gioan đã nói, chúng ta cũng chỉ là “kẻ nói dối” mà thôi.

Một phút suy tư

Trở lại điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. (Mt 22, 37-38).

Có bao giờ chúng ta tự hỏi “tại sao Chúa lại đòi HẾT… HẾT… HẾT”?

“…Cuộc sống con người là một hồng ân hoàn toàn nhưng không. Tự đâu chúng ta sống? Tự đâu chúng ta thở? Tự đâu có ánh sáng, có trời có đất, có nắng có mưa, tự đâu có muôn vàn chim thú, cây cảnh hoa lá?

Tự đâu chúng ta có cha có mẹ, có gia đình và có bạn bè! Vâng, còn muôn vàn hồng ân khác chúng ta lãnh nhận mỗi ngày. Và chúng ta nghĩ gì về ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta!”.

Vâng, những lời tâm sự trên của một blogger Công Giáo có thể thay cho câu trả lời chăng!?

Người ta thường nói: yêu một người nào đó theo ý mình, thật khó làm cho người đó cảm nhận được tình yêu. Nhưng nếu yêu một người nào đó theo ý người đó muốn, chắc chắn người đó sẽ cảm nhận được tình yêu.

Có quá khó để “Yêu Chúa như Ý Chúa” muốn không? Có quá khó để thực thi “Ý của Chúa”, để giữ các điều răn của Người !?

Hãy nghe Tông đồ Gioan đã nói: “các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1Ga 5, 3). Thánh nhân nói tiếp rằng: “vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian đó là lòng tin của chúng ta” (1Ga 5,4).

Chúng ta tin chứ! Nếu tin. Vâng, với ơn Chúa, chúng ta đủ sức để “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi” và “Yêu người thân cận như chính mình”.

Petrus.tran



Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Lời mời của ân sủng.

Lời mời của ân sủng


--------------------------------------------------------------------------------

Petrus Tran

Theo số liệu thống kê năm 2007. Trên thế giới có khoảng 194 quốc gia và vùng lãnh thổ có chủ quyền và là thành viên Liên Hiệp Quốc. Trong tổng số những quốc gia và vùng lãnh thổ đó, trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có người Việt Nam sinh sống.

Biến cố lịch sử 30.04.1975 đã tạo ra một làn sóng người di tản ra khỏi Việt Nam . Sau đó vài năm, vì nhiều lý do khác nhau, hàng triệu người rời bỏ Việt Nam tìm đường định cư ở những quốc gia khác bằng cách vượt biển. Và cuối cùng là chương trình ra đi có trật tự như HO, ODP, RO v.v… cũng đã giải quyết hàng trăm ngàn người Việt Nam rời khỏi quê hương để đến định cư tại Hoa Kỳ.

Để được định cư ở Hoa Kỳ , Canada hay Anh Quốc. Hoặc ở Úc, Nauy , New Zealand hay Nhật Bản v.v… Họ phải trải qua nhiều cuộc thanh lọc và phỏng vấn rất khắt khe. Họ phải đợi chờ trong lo âu, hồi hộp và hy vọng.

Đối với những người vượt biên và sống tạm cư ở đảo, được xét duyệt định cư ở nước thứ ba chẳng khác nào như được tái sinh. Còn đối với những người nộp hồ sơ xuất cảnh từ Việt Nam , “rinh được tấm giấy hồng” là niềm vui bất tận.

Vâng, có thể nói, dù có đôi chút lưu luyến rời cố hương, nhưng dẫu sao cũng là tốt khi họ “xin chọn Hoa Kỳ làm quê hương” …



……

Thế nhưng, có một quê hương khác tốt đẹp hơn. Quê hương đó được gọi là “Quê Trời”. Hay còn gọi là Nước Trời.

Quê hương “Nước Trời”. Vâng. Đây không phải là trí tưởng tượng của con người. Quê hương Nước Trời là một mầu nhiệm. Quê hương Nước Trời là Nước của Thiên Chúa ban cho con người. Quê hương Nước Trời là nước của tình yêu thương và sự bình an. Quê hương Nước Trời không phải là một quốc gia có biên cương lãnh thổ. Không có những đoàn quân hùng mạnh. Không có chính phủ hay đảng phái.

Hơn hai mươi thế kỷ trước. “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian”. Con của Người đến thế gian là để loan báo một Tin Mừng. Đó chính là “Tin Mừng Nước Trời”.

Ngay những ngày đầu tiên bắt đầu sứ vụ loan báo Tin Mừng. Con Thiên Chúa chính là Đức Giêsu, Ngài đã đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời (Mt 4, 23).

Ngài đã nói với mọi người rằng “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Và rằng “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Trời và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Để cho việc rao giảng dễ đi sâu vào lòng người. Đức Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh và dụ ngôn để diễn tả về Nước Trời. Đã có lần Đức Giêsu ví : Nước Trời như viên ngọc quý hay như một kho báu mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Con người phải ra công gắng sức tìm kiếm để chiếm hữu.

Một lần khác Ngài ví Nước Trời lại giống như chiếc lưới thả xuống biển. Vâng, qua dụ ngôn “chiếc lưới”, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy một Thiên Chúa từ bi và nhận hậu. Như một chiếc lưới cá thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài (Mt 13,48). Nước Thiên Chúa cũng vậy, không phân biệt ai, không phân biệt chúng tộc màu da, luôn mở rộng và đón nhận mọi tâm hồn sám hối và thống hối ăn năn.

Nghe những lời rao giảng đó. Trong dân chúng, có nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Nhưng các thượng tế và người Pharisêu thì cho rằng đó là những lời nói “mê hoặc” chỉ có bọn “dân đen” – một bọn mà các thượng tế gọi là “quân bị nguyền rủa” - tin theo, chứ còn “trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu ?” (Ga 7,48)

Để đáp lại những lời nhận định đầy ác ý của các thượng tế và nhóm Pharisêu. Đức Giêsu lại dùng một dụ ngôn để nói lên rằng, ai mới là người đáng bị nguyền rủa ! Và rằng những lời rao giảng của Ngài về một Quê-Hương-Nước-Trời không phải là những lời “mê hoặc” nhưng là những “lời mời của ân sủng”.

Đó chính là “dụ ngôn tiệc cưới”.(Mt 22, 1-14).

Mở đầu dụ ngôn được kể rằng “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình…” (Mt 22, 2).

Người ta thường nói “miếng ăn không trọng bằng lời mời”. Đúng vậy. đã có một số người hân hạnh được nhà vua trân trọng mời.

Ba lần nhà vua “sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách”… Thật đáng tiếc ! Lần nào cũng có những rắc rối xảy ra.

Lần mời thứ nhất, quan khách “không chịu đến”.

Lần mời thứ hai, tệ hơn nữa. Họ “không thèm đếm xỉa tới, lại còn bỏ đi : kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”.

Lần thứ ba, lại một người gây rắc rối. Anh ta bước vào dự tiệc cưới nhưng lại “không mặc y phục lễ cưới”. Ôi ! Tệ thật ! Anh ta không lịch sự trước lời “thỉnh” của nhà vua.

Câu chuyện chỉ mới được kể tới đây nhưng cũng có thể làm cho độc giả giật mình! “Thỉnh” ! Vâng, “thỉnh cầu” theo từ điển tiếng Việt nghĩa là xin điều gì với bề trên có quyền thế.

Phải chăng đó chính là lý do để “nhà vua nổi cơn thịnh nộ”? Vâng, có lẽ nào nhà vua là một người có quyền thế, vậy mà khi “xin điều gì” với các quan khách là những người bề dưới chẳng những bị từ chối mà còn bị sỉ nhục sao !!!

Cứ sự thường, không một vị vua nào chịu im lặng trước những kẻ đã sỉ nhục mình. Sự kiện những kẻ sỉ nhục nhà vua, những kẻ gây “rắc rối” bữa tiệc cưới bị “tru diệt”, bị “trói chân tay lại quăng ra chỗ tối tăm” là điều tất yếu…

Có lẽ “trong giới Phariseu” khi đọc được dụ ngôn này, chắc hẳn họ sẽ nhận ra ai là người đáng gọi là “quân bị nguyền rủa”!

Và chắc hẳn những người dù đã được “mời vào tiệc cưới” nhưng cũng phải xem lại liệu mình có nằm trong “số ít” những “người được chọn”!



Một chút tâm tình…

Qua dụ ngôn tiệc cưới, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy, Thiên Chúa chính là hình ảnh vị vua trong dụ ngôn. Người chính là Vua của bữa tiệc cưới. Người chính là Vua của Nước Trời.

Một vị Vua của lòng nhân hậu “gặp ai cũng mời vào tiệc cưới”. Một vị Vua giàu tình yêu thương. Người sẵn sàng mời gọi tất cả mọi người “bất luận tốt xấu cũng tập hợp cả lại” để cùng nhau “bước vào tiệc cưới”. Những lời mời gọi của Người chính là những “lời mời của ân sủng”.

Vâng, có thể gọi dụ ngôn tiệc cưới là câu chuyện về những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa cũng hợp lý.

Một phút suy tư…

Là một Kitô hữu không thể không tin rằng, hôm nay, chúng ta vẫn nhận được những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa.

Đúng vậy. Qua tôi tớ của Thiên Chúa là những Giám Mục hoặc những Linh Mục, những “lời mời của ân sủng” đến từ Thiên Chúa, vẫn được gửi đến chúng ta hàng ngày, hàng tuần.

Nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, người tôi-tớ-Linh-Mục vẫn cất giọng mời gọi chúng ta “Đây Chiên Thiên Chúa. Đấng gánh tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Là một Kitô hữu đã được hai mươi năm, ba mươi năm hoăc nhiều năm hơn nữa. Vâng, chúng ta đáp lời mời đến “Bàn Tiệc Thánh Thể” như thế nào ?

Phải chăng chỉ cần một năm một lần là đủ !!!

Ôi ! Hãy nhớ rằng chúng ta chỉ là cục đất sét trong tay Thiên Chúa – Đấng sáng tạo chúng ta như lời ngôn sứ Isaia đã nói : “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài…” (Is 64, 7).

“…Do đó, mỗi lần chúng ta tham dự Thánh Lễ cách trọn vẹn là chúng ta lại được Chúa Giêsu nắn tạo mỗi ngày nên hoàn hảo hơn.

Nếu nắm đất sét trong tay người thợ gốm, ông chỉ nắn tạo tác phẩm một lần trong ngày, thì tác phẩm đó rất tầm thường. Trái lại, tác phẩm ấy được người thợ nắn ra nó, mỗi ngày ông sửa một chút, cho tới cả trăm năm mới xong, thì chắc chắn tác phẩm đó sẽ là một kiệt tác.

Không biết một Kitô hữu chỉ giữ Luật Rước Lễ trong mùa Phục Sinh mỗi năm một lần, mà họ sống tới 100 tuổi, họ chỉ được Chúa nắn tạo 100 lần. Trong khi đó, Chúa muốn nắn tạo họ ba vạn sáu nghìn lần mà không được, thì liệu trong thế giới Phục Sinh, họ có phải là người khuyết tật không?”(*)

Hãy nhớ rằng Đức Giêsu đã nói “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56).

Vâng, mỗi năm “ăn và uống máu Chúa” chỉ có một lần e rằng khó mà có thể duy trì tình trạng “Chúa ở lại trong ta và ta ở lại trong Chúa”. Và như vậy việc “khuyết tật tâm hồn” chỉ là vấn đề thời gian.

Một khi đã “khuyết tật tâm hồn” chúng ta có khác nào người đã vào bàn tiệc cưới nhưng lại “không mặc y phục lễ cưới”.

Không mặc y-phục-lễ-cưới. Vâng, Thật khó để mà Chúa Giêsu nhận ra để Ngài có thể mời ta vào “Bàn Tiệc Nước Trời”.

Có là buồn không, nếu chúng ta đã là một Kitô hữu nhưng chỉ nằm trong danh sách “kẻ được gọi”, mà lại không phải là “người được chọn” !!!

petrus.tran

…….

(*) Trích từ một bài giảng của LM Giuse Đinh Quang Thịnh.

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...