Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Phải canh thức.

Phải canh thức.

Theo truyền thống, lịch Phụng Vụ của một năm được khép lại bằng lễ Chúa Giêsu Kitô Vua. Và năm Phụng Vụ mới luôn bắt đầu bằng Mùa Vọng.

Chúa Nhật hôm nay 27.11.2011. Giáo Hội Công Giáo bước vào Mùa Vọng.

Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus", có nghĩa là "đến". Vọng là trông chờ, là mong đợi điều sắp đến. Vâng, mùa vọng là mùa trông chờ và mong đợi “Chúa đến”.

Hơn hai ngàn năm trước đó. Con người đã trông chờ và mong đợi để được nhìn thấy một “vì sao xuất hiện bên phương Đông” bởi vì đó là dấu chỉ báo tin có một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”(Mt 2,2). Vị Vua đó được đặt tên là Giêsu. Ngài chính là “Emmanuel , nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(Mt 1,23).

Và điều đó đã trở thành hiện thực. Tại Belem miền Giu-đê, một tin mừng trọng đại, tin mừng cho toàn dân “Một Đấng Cứu Độ đã sinh ra. Người là Đấng Kitô Đức Chúa”.

Vâng, quả là “Phước cho nhân loại Chúa ta ra đời”. Một nguồn ơn phước đã khiến cho muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).

Thế nhưng, với chúng ta hôm nay. Mùa Vọng không chỉ trông đợi cuộc cử hành ngày kỷ niệm Chúa Giêsu Kitô xuống thế làm người. Nhưng còn mong chờ ngày “Người lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Sự trông đợi và mong chờ đó được dựa vào chính lời Đức Giêsu đã tâm tình cùng các môn đệ trong bữa tiệc ly rằng : “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng, và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được.” (Ga 16, 16…22).

“Ít lâu nữa” là bao lâu !

Trong một bài giáo huấn Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng “Ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi” (Mt 24, 35).

Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng đã mượn một câu chuyện rất đời thường như để giải tỏa nỗi ưu tư của các môn đệ.

Mở đầu câu chuyện Đức Giêsu nói “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (Mc 13, 33)

Chuyện được kể tiếp rằng : Có một người kia trẩy đi phương xa, để nhà lại và trao quyền cho các đầy tớ của mình. Mỗi người đầy tớ ông ta “chỉ định mỗi người một việc”. Riêng người giữ cửa, ông chủ ra lệnh “phải canh thức”.

Người chủ không cho đầy tớ biết khi nào ông ta sẽ trở về ngoài những mệnh lệnh cần thiết. Ông ta không cho biết sẽ trở về vào “lúc chập tối hay nửa đêm”. Ông ta cũng chẳng nói, tôi sẽ về “lúc gà gáy hay tảng sáng”…

Chuyện kể tới đây, không ai có thể phủ nhận, lời khuyên của Đức Giêsu rất chính đáng. Ngài nói “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến”(Mc 13, 35).

“Phải canh thức”. Đó chính là lời khuyên được Đức Giêsu dùng để khép lại câu chuyện nêu trên.


Vâng, “phải canh thức” cũng chính là trọng tâm của Mùa Vọng mà hôm nay toàn thể Giáo Hội Công Giáo long trọng cử hành.

Một phút suy tư…

Gần cuối câu chuyện Đức Giêsu đã nói : “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là : phải canh thức” (Mc 13, 37)

Hết thảy mọi người là ai ! Phải chăng là có chúng ta hôm nay !

Đúng vậy. Được mời gọi trở nên người Ki-tô hữu, chúng ta cũng được “Ông chủ Giêsu” giao phó “mỗi người một việc”.

Được giao phó làm “người giữ cửa Giáo Hội” hay được giao phó làm công việc của một giáo dân, không quan trọng. Được giao phó trách nhiệm làm quan hay làm dân, không quan trọng. Được giao phó trách nhiệm làm thầy hay làm trò, không quan trọng.

Điều quan trọng là, tất cả chúng ta đều phải trung tín trong công việc được giao phó. Bởi vì đó chính là kiểu canh thức hợp lòng Chúa Giê-su.

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi được giao phó trách nhiệm là “người mục tử của Chúa” nhưng lại “mơ ngủ” muốn mình trở thành “Hoàng tử của Công Chúa Bạch Tuyết” !

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi được giao phó trách nhiệm “kỹ sư tâm hồn” nhưng lại biến thể thành “quỷ sư gạ tình đổi điểm” !?

Phải trả lời như thế nào với “Ông chủ Giêsu” khi được mang danh hiệu “lương y như từ mẫu” nhưng lại coi “lương tâm không bằng lương tháng” !?

Phải trả lời làm sao với “Ông chủ Giêsu” khi chúng ta lãnh trọng trách làm chồng, làm vợ. Tự nguyện “quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao, hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời” nhưng lại “mơ ngủ” muốn mình có một cuộc sống thoải mái “trăm thê ngàn thiếp” như vua Minh Mạng !

Có quá khó để chúng ta không “mơ ngủ” trong công việc được giao phó ! Có quá khó để chúng ta canh thức cho đến khi “Ông chủ Giê-su” đến !


Xin thưa, không quá khó. Nếu chúng ta tin rằng, mỗi công việc “Ông chủ Giêsu” giao phó chính là, như lời tông đồ Phao-lô nói, “ân huệ Thiên Chúa đã ban cho (chúng ta) nơi Đức Kitô Giêsu”…

Vâng, nếu chúng ta đón nhận công-việc-Chúa-giao-phó như là ân huệ Chúa ban, chắc chắn chúng ta sẽ không “mơ ngủ” mà hành xử công việc được giao một cách vô trách nhiệm.

Thánh Phaolô đã nói : “Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện, phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. (1Cor 1, 5).

Một khi đã “được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. Vâng, có phần chắc lời cảnh báo “phải canh thức” của Chúa Giêsu sẽ “ăn sâu vững chắc vào lòng trí” chúng ta.

Chúng ta hãy nhẫn nại nghe thêm một lời khẳng định của thánh Phaolô “Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa”.


Hãy nhớ rằng, đến “Ngày của Chúa”. Vâng, Ngài sẽ xét đoán chúng ta về những gì chúng ta được giao phó. Ngài sẽ chất vấn chúng ta về những gì chúng ta đã làm.

Xưa kia, các trẻ mục đồng đã “thức đêm canh giữ” vì thế họ mới có thể nhìn thấy “vinh quang của Chúa chiếu tỏa”.

Vâng, chúng ta cũng “phải canh thức”. Nói cách khác, “mỗi người” phải chu toàn “một việc” đã được giao phó. Có như thế , khi “ông chủ Giêsu đến” dù cho có “đến bất thần” chúng ta cũng không sợ gì. Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người sẽ kêu gọi chúng ta “đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cor 1, 9).

Thánh Phaolô đã xác tín như thế. Còn chúng ta.. Chúng ta cũng xác tín như thế !?

Nếu chúng ta xác tín như thế, quả thật, sự trông đợi và mong chờ của chúng ta về ngày Chúa đến lần thứ hai đã đi đúng quỹ đạo của nó.

Nếu chúng ta xác tín như thế, đừng chần chờ gì nữa, hãy mượn lời của ngôn sứ Isaia, để làm một lời nguyện khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa “Lạy ĐỨC CHÚA… Vì tình thương đối với tôi tớ…. Xin Ngài mau trở lại” (Is 63, 17).

Vâng, vì tình thương…
…Xin Ngài mau trở lại. Amen.

Petrus.tran











Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Giờ đã đến... và Giờ sẽ đến.

Giờ đã đến…và Giờ sẽ đến !
--------------------------------------------------------------------------------

Petrus Tran

Đang khi Giêrusalem say nồng trong giấc ngủ. "Đức Giêsu cùng các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani". (Mt 14, 36). Con suối Kit-rôn nằm uốn khúc lượn lờ. Còn những chiếc lá oliu thì hững hờ nhìn màn đêm.

Đêm thinh lặng bị phá vỡ bởi tiếng vó ngựa và tiếng va chạm binh khí đến lạnh người. Một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Phariseu xuất hiện.

Vài hôm trước, các thủ lãnh Do Thái quyết định giết Đức Giêsu. Họ cho rằng Ngài là nguyên nhân dẫn đến việc Roma sẽ phá hủy thành thánh. Vì thế, họ quyết định truy bắt Ngài. Tên phản bội Giuda biết rõ nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Y thông báo cho nhóm cơ binh biết Ngài đang ở trong vườn Ghết-si-ma-ni.

Vòng vây được xiết chặt lại. Và như con thú đói mồi, Giuda xông đến trước mặt Đức Giêsu. Thấy sự hung hăng trên khuôn mặt của tên phản bội. Đức Giêsu biết trước điều gì sẽ xảy ra cho Ngài. Ngài cất tiếng hỏi “Các anh tìm ai ?”. Họ đáp “Tìm Giêsu Nazareth”. Đức Giêsu nói “Chính tôi đây”. Giuda cùng nhóm cơ binh hốt hoảng lùi lại và ngã xuống đất.

Và đúng như điều Đức Giêsu đã tiên đoán. Nhóm cơ binh xông vào trói Ngài lại. Họ điệu Ngài đến trước các ông Kha-nan và thượng tế Cai-pha, một chức sắc cao cấp của người Do Thái.

Trong lúc thẩm vấn Đức Giêsu, những màn xỉ nhục và đánh đập đã diễn ra. Chuyện không giải quyết được gì. Họ dẫn giải Ngài đến trước tổng trấn Phi-la-tô. Phi-la-tô đã nghe nhiều về danh tiếng của Đức Giêsu. Ông cho gọi Đức Giêsu và nói với Ngài “Ông có phải là vua dân Do Thái không ?”.

…..

Không phải là người Do Thái, vì thế tổng trấn Phi-la-tô đã không biết rằng, hơn bảy trăm năm trước, ngôn sứ Mikha đã tiên báo “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel” (Mk 5, 1).

Và hôm nay… “Giờ-đã-đến…” Trước mặt quan tổng trấn Phi-la-tô đầy kiêu hãnh, Đức Giêsu lớn tiếng nói rằng “Thật như lời, ta là vua” (Mt 18, 37).

Đức Giêsu là vua ư ! Đúng. “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Đã đến lúc Thiên Chúa “ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai (Thiên Chúa) đã ban cho Người” (Ga 17,1-2).

Không như các vua chúa của trần gian, để có quyền hành cai trị đất nước, họ đã dùng tới sức mạnh của gươm đao, của mánh khóe, của vũ lực… Họ sẵn sàng giết chết vua để đoạt ngôi vua.

Vua Giêsu. Ngài không dùng bạo lực. Không dùng gươm đao… Không dùng quân đội “đảo chánh”… Không dùng sức mạnh đảng phái để “cướp-chính-quyền” !!!

Ngài đã lên ngôi vương bằng chính “tình yêu thương”. Một thứ tình yêu dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).

Thảm hại thay cho Tân Vương Giêsu… Là Vua nhưng không có ngai… Vương miện là một mão gai… Và thập giá chính là “Tòa Bạch Ốc” của Ngài… Kết thúc lễ đăng quang là một án tử “đóng đinh Người” vào thập giá… Lại còn mỉa mai bằng cách viết trên đầu Ngài dòng chữ “Đây là Vua…”!!!

Vô tình thay, cách mà con người đã tổ chức lễ đăng quang cho Ngài lại nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đức Giêsu, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài đã từng nói rằng : “Như ông Mose đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như thế…”

Phải-được-giương-cao-như-thế !!! Đức Giêsu nói tiếp rằng : “Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,15).

Vô tình họ đã góp phần thực thi chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vô tình họ đã suy tôn Đức Giê-su “Là VUA”…

Đúng. Đức Giêsu là Vua. Như lời Kinh Thánh có chép rằng “Chúa là vua hiển trị. Người xét xử muôn nư theo đường ngay thẳng” (Tv 95, 10).

Một chút tâm tình…

Và… “Giờ sẽ đến !”. Giờ sẽ đến chính là giờ Vua Giêsu sẽ “ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.(Mt 16, 27).

Chính Vua Giêsu đã ra “thông cáo chung” về cuộc phán xét chung rằng : “Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.”(Mt 25, 32).

Không phân biệt các vua chúa, quan quyền hay người dân trong mọi thời đại. Họ sẽ phải trả lời trước mặt Đức Giêsu về những hành vi họ đã làm.

Vua Giêsu có thẩm quyền như thế, bởi vì Ngài không như các vị vua trần gian đã chết và đã đi vào quên lãng.

Vua Giêsu có thẩm quyền như thế, bởi vì Ngài “đã trỗi dậy từ cõi chết mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cor 15, 20).

Vua Giêsu Kitô có thẩm quyền như thế, bởi vì “Mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần” cũng như tất cả “mọi thù địch” đều bị tiêu diệt hoặc “đã quy phục Đức Kitô”.

Vâng, thật phải đạo khi hôm nay, toàn thể Giáo Hội Công Giáo kính thờ Chúa Giêsu Kitô như là một vi Vua-của-muôn-vua, Chúa-của-các-chúa.

Một phút suy tư…

Đức Giêsu là Vua. Nhưng ! Hãy nhớ rằng…

Đức Giêsu không phải là loại vua “chỉ biết lo cho mình” (Ed 34,…8).

Đức Giêsu không phải là loại lãnh tụ “thống trị (dân) một cách tàn bạo và hà khắc” (Ed 34, …5) như nhiều lãnh tụ trần gian mà ai trong chúng ta đều biết, nhưng vì lý do tế nhị không tiện nêu tên ở đây.

Đức Giêsu không khuyến khích các môn đệ cũng như những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài “dùng uy mà thống trị dân… lấy quyền mà cai trị dân”.

Trái lại, Đức Giêsu đã khuyến cáo rằng : “Giữa anh em thì không được như vậy”. Ngài nói tiếp rằng “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em” (Mt 20, 26).

Đón nhận Đức Giêsu như là Vua-của-đời-ta chính là phải đón nhận và thực thi những gì Ngài đã dạy bảo.

Nói một cách khác, để trở thành thần dân của Ngài, hãy nhớ rằng Đức Giêsu, qua Giáo Hội, đã nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng “thương người có mười bốn mối” và hãy thực thi không chỉ “thương linh hồn bảy mối” mà còn phải thực thi “thương xác bảy mối” một cách hoàn thiện.

Thật ra, không phải khi chúng ta “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết” là chúng ta được Chúa Giêsu cho “điểm mười”.

Hãy nghe Đức Giêsu nói “Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).

“Là các ngươi làm cho chính Ta vậy” nghĩa là gì ? Thưa chính là làm cho Chúa Giêsu. Vâng, đó mới là điều chúng ta cần nhớ đến.

Cần nhớ đến, bởi khi làm một điều gì đó “vì danh Chúa”, có phần chắc chúng ta không dám bất công, xảo trá, vu oan giá họa như bà hoàng hậu I-de-ven vợ vua A-kháp đã làm.

Hoàng hậu I-de-ven đã xúi dục những kẻ vô lại cáo gian ông Na-vốt để có cớ giết ông ta, chỉ vì ông ta không chịu nhượng lại vườn nho cho nhà vua… (1V 21, 1-16).

“Là các ngươi làm cho chính Ta vậy” nghĩa là gì ? Thưa chính là làm cho Chúa Giêsu. Vâng, đó mới là điều chúng ta cần nhớ và phải nhớ suốt đời.

Và một điều cần nhớ nữa rằng, chỉ khi chúng ta làm “Vì Danh Chúa”. Chỉ khi đó chúng ta mới được trở thành những người “đứng bên phải Chúa Giêsu”, những người được “chúc phúc”, những người được “thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn… ngay từ tạo thiên lập địa” (Mt 25, …34).

“Giờ đã đến” và “Giờ sẽ đến !”.

Bạn đã chọn Chúa Giêsu là Vua-của-đời-Ta !? Nếu chưa ! Xin gửi câu nói sau đây đến quý bạn. Vâng, “Jesus – Don’t leave earth without HIM” – “Đừng lìa thế gian mà không có NGÀI”.

Petrus Tran

Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2011

Hãy sẵn sàng.

Niềm tin Kitô giáo dạy rằng, Đức Giêsu “Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. (trích: Kinh Tin Kính).




Cách nay khoảng gần sáu tháng, thế giới xôn xao về lời tiên báo của nhà truyền giáo Harold Camping rằng, ngày 21.05.2011 sẽ là ngày tận thế. Là ngày trở lại và phán xét của Chúa Giêsu Kitô.









Qua việc nghiên cứu Kinh Thánh, Cựu Ước lẫn Tân Ước, Harold Camping tiên tri rằng, vào ngày 21.05.2011 Chúa Jesus Christ tái lâm và song song với sự trở lại của Chúa Jesus, nhiều thiên tai như động đất xảy ra, khởi đầu từ 6 giờ chiều ngày thứ bảy tại New Zealand (Tân Tây Lan) và cuộn theo từng múi giờ, sự tàn phá của thiên tai tràn ngập trên hành tinh của chúng ta. Kể từ ngày 21.05.2011 thiên tai tấn công liên tiếp, hủy diệt loài người trên trái đất cho đến tháng 10.2011, trái đất bị “hỏa thiêu”, trở thành quả cầu lửa, và trong số 6 tỷ người, chỉ có 200 triệu là được Chúa đón về thiên đàng.



Lời tiên đoán này đã được Harold Camping loan tin qua hệ thống 65 đài phát thanh, bằng 81 ngôn ngữ, và qua hệ thống Internet. Không dừng ở đó, ông ta còn tung ra mấy triệu Mỹ kim để đặt các bảng Billboards, tổ chức quảng cáo trên xe bus, và bằng những đoàn người mặc áo T-Shirt có dòng chữ “Judgment-Day May 21, 2011” hoặc chữ “RAPTURE May 21, 2011”. (trích nguồn: internet).



Sáu tháng đã trôi qua, những lời tiên đoán của Harold Camping đã chìm vào quên lãng.



Tại sao lại có sự tiên đoán sai lầm như thế! Thưa rằng, vì ông ta quên Đức Giêsu đã phán rằng “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Matthêu 24, 36).



……



Trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu không chỉ loan báo Tin Mừng Cứu Độ, rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”.



Đức Giêsu còn loan báo tin về một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác” (Mt 24, 30-31).



Bất cứ lời loan báo nào, Đức Giêsu cũng dùng những ví dụ cụ thể hoặc những dụ ngôn rất đời thường để diễn giải cho mọi người.



Nếu lời loan báo về cái chết của Ngài được ví như xưa kia “ông Môse đã gương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy”.



Thì, khi nói đến ngày “Con Người sẽ đến”, Đức Giêsu đã ví ngày đó sẽ bất ngờ xảy ra giống như một tên “kẻ trộm” bất ngờ xuất hiện.



Với lời loan báo ngày “Con Người sẽ đến”, Đức Giêsu đã có lời dặn dò rằng “hãy canh thức và hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến”.







Và để cho mọi người thấu hiểu thế nào là “canh thức” và thế nào là “sẵn sàng” Ngài đã kể một dụ ngôn. Đó là “dụ ngôn mười trinh nữ”. (Mt 25, 1-13).



Dụ ngôn được kể rằng: “Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”.



Là người Việt Nam, chắc hẳn chúng ta sẽ khó hình dung ra cái đám cưới ngộ nghĩnh này. Nội chi tiết “cầm đèn” cũng đủ gây nhiều thắc mắc! Đám cưới vào ban đêm ư!?



Thưa đúng, đó là phong tục của người Do Thái thời Đức Giêsu. Về phong tục cưới hỏi của người Do Thái, có lẽ không nhất thiết phải bàn ở đây.



Vấn đề cần tìm hiểu là, mười cô trinh nữ đó đã canh thức và đã sẵn sàng như thế nào!? Và rằng các cô đó đã làm gì đến nỗi để bị phân loại “có năm cô dại và năm cô khôn”!



Vâng, năm cô bị cho là dại vì đã “mang đèn mà không mang dầu theo”. Còn năm cô kia được cho là khôn nhờ đã “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”.



Chuyện được kể tiếp rằng: Bất ngờ “Nửa đêm có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi’. Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn”.



Than ôi! Năm cô dại chẳng khác gì phải xỏ chân vào một đôi giày chật. “Chú rể kia” nhưng đèn của các cô “tắt mất rồi”. Hết dầu! Xin không được. Các cô vội vàng đi mua… Vâng, năm cô này có khác gì là những kẻ không “sẵn sàng” để “canh thức” cho một đêm quan trọng của một đời người!



Sách có câu “cẩn tắc vô ưu”. Nghĩa là cẩn thận thì không lo lắng về sau.



Đúng vậy. Năm cô được cho là khôn, nhờ cẩn thận mang theo chai dầu nên đã có một đêm “canh thức” rất an nhàn. Khi “chàng rể tới” các cô đã “sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”.



Rất nhẹ nhàng và rất đời thường. Chẳng có gì là ẩn ý trong dụ ngôn. Đức Giêsu khép lại câu chuyện bằng một lời nhắc nhở “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).



Một chút tâm tình



“Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).



Vâng, tông đồ Phaolô cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ: ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”.



Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1Tx 5, …6).


“Sống tiết độ”. Vâng, đây quả là một lời khuyên hết sức quan trọng. Bởi tiết độ là một trong những hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22).

Đời sống của Kitô hữu nếu không có “hoa quả của Thần Khí” thì chẳng khác gì “có đèn mà không có dầu”!

Một khi “có đèn mà không có dầu”, dẫu cho đã là một Kitô hữu, khi đến lúc “chàng rể Giêsu tới”, có phần chắc Ngài sẽ phán rằng “Tôi bảo thật, tôi không biết anh là ai”!!!

Một phút suy tư

Cũng như các dụ ngôn khác. Hãy tự hỏi mình rằng “tôi là ai trong mười trinh nLà năm cô dại “mang đèn mà không mang dầu”? Vâng, rất có thể! Rất có thể, bởi dù đã mang ngọn-đèn-Kitô-hữu nhưng lại không có dầu-Thánh-Thể và dầu-Lời-Chúa thì làm sao có thể thắp sáng ngọn đèn thập giá Chúa Kitô!!!

Ngọn đèn thập giá Chúa Kitô trong tâm hồn ta, lu mờ trước Thiên Chúa, thì làm sao chúng ta được mời “dự tiệc Nước Trời”!

Vua David đã khẳng định rằng “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước” (Tv 119, 105).

Thật vậy, Dầu-Lời-Chúa chính là phương tiện dẫn đưa chúng ta đến kho-dầu-Thánh-Thể. Và một khi ngọn-đèn-Kitô-hữu được đổ tràn đầy dầu-Thánh-Thể.

Vâng, “ngọn đèn thập giá Chúa Kitô” trong ta sẽ bừng sáng lên.

Một khi “ngọn đèn thập giá Chúa Kitô” trong ta bừng sáng lên. Vâng. Sẽ không có trở ngại nào ngăn cản chúng ta được đi theo chàng rể Giêsu vào dự “tiệc cưới Con Chiên”.

Chúng ta đã “sẵn sàng” để dự bữa tiệc có một không hai này!? Nếu chúng ta đã “sẵn sàng”! Vâng, hãy cùng nhau cất tiếng nguyện rằng: “MANARATHA. Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 20, 20)

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...