Thứ Hai, 23 tháng 7, 2012

Nơi thanh vắng chính là nơi nghỉ ngơi tuyệt diệu.

Nơi thanh vắng chính là nơi nghỉ ngơi tuyệt diệu.



Thế giới mà chúng ta đang sống, có thể nói, càng ngày càng nhiều người mắc phải “stress”. Nguyên nhân chính là do cuộc sống căng thẳng với nhịp sống nhanh, với áp lực công việc, với những va chạm bởi các mối quan hệ ngoài xã hội.


Theo một nghiên cứu của Hiệp Hội Tâm Thần Mỹ, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người tuyên bố rằng họ cảm thấy bị stress. Và người ta đã khuyến cáo rằng, stress chính là tên sát thủ thầm lặng, nó có thể cướp đi sinh mạng của bất cứ ai, bất cứ lúc nào.


Mới đây, ngày 21.07.2012, VnExpress.net đưa một bản tin, nguyên văn như sau : “Tuần qua, dân mạng Trung Quốc xôn xao trước cái chết của một cô gái trẻ mới 24 tuổi, chủ một gian hàng trên Taobao, đột tử vì quá bận rộn cho công việc kinh doanh. Cô cũng đang lo sửa sang nhà cửa để chuẩn bị đám cưới đồng thời nhịn ăn để giảm cân. Sau khi thức trọn một ngày làm việc, khi đi ngủ vào rạng sáng 17/7, cô gái đã không tỉnh dậy nữa”.


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự đột tử của cô ta. Và có phần chắc nguyên nhân chính là do cô ta thiếu thời gian nghỉ ngơi.


Y học đã khẳng định rằng, sự nghỉ ngơi chính là liều thuốc bổ tốt nhất, nó không chỉ phục hồi thể xác mà còn bồi dưỡng tinh thần một cách tuyệt hảo.


Quan trọng là thế. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta thử hỏi, thế nào là một sự nghỉ ngơi tốt nhất? Phải chăng, đó chính là những giây phút thư giãn bên ly cà phê, trong một quán rượu, xem một bộ phim hoặc là một chuyến du lịch, picnic hay là một giấc ngủ sâu với nhiều mộng đẹp, v.v…?


Thưa không. Ngay cả giấc ngủ, nó cũng chưa phải là sự nghỉ ngơi tuyệt diệu.
Có được sự nghỉ ngơi tuyệt diệu, điều cần phải có cho bản thân chính là một khoảng không gian trong tâm hồn, trong một nơi thanh vắng và không thể không có nguyện cầu.


*****


Đức Giêsu chính là người hội đủ tất cả những điều nêu trên. Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, dù phải chống chọi với rất nhiều áp lực tứ phía, nhưng khi trở về, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy cuộc sống nội tâm của Ngài là một biển cả bao la của sự bình an.


Bất cứ ai đến với Đức Giêsu họ đều có thể nhận được sự bình an từ nơi Ngài. Ngay cả khi phải đối diện trước những giây phút của sự phản bội, của bắt bớ, của chết chóc, Đức Giêsu vẫn có thể truyền cảm sự bình an cho các môn đệ.


Có được như vậy chính là nhờ Ngài đã có những phút giây tĩnh lặng của tâm hồn, trong một nơi thanh vắng và luôn nguyện cầu.

 
Có những lúc một mình Đức Giêsu đi vào những nơi “hoang vắng và cầu nguyện”. Và cũng có khi Ngài truyền cho các môn đệ cùng đi với Ngài.


Hôm đó, sau những ngày nhận “bài sai” ra đi khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng, mười hai người môn đệ “tụ họp chung quanh Đức Giêsu”. Các ông thay nhau “kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy” (Mc 6, 30).

 
Mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy… Vâng, có phần chắc đó là những công việc đã để lại nơi các ông những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”.


Với sự cảm thông sâu sắc, Đức Giêsu khuyên các ông rằng, “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút.” Và rồi “Thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.”


Phải chăng là các ông đã quá chán ngán trong sứ vụ ra đi “tìm chiên lạc”? Thưa không. Không ai có thể thấy một lời than phiền nào đến từ các ông.

Ngược lại, hình ảnh một rừng người “kẻ lui người tới quá đông” khiến cho các ông “chẳng có thì giờ ăn uống” đã chứng tỏ kết quả việc ra đi loan báo Tin Mừng của các ông thành công mỹ mãn.


Hãy nhìn xem, “khi thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến.”

 
Hãy nhìn xem, tuy chạy bộ nhưng họ đến nơi “trước cả các ngài” (Mc 6, 33). Chính hình ảnh này làm nổi bật lòng tin của họ vào Đức Giêsu.


Và kìa, còn gì xúc động hơn, khi “ra khỏi thuyền, Đức Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”.


Kinh Thánh Cựu ước có viết rằng: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.”(Hs 2,16).

 
Vâng, trong nơi thanh vắng đó, Đức Giêsu đã thổ lộ tâm tình cùng họ bằng cách “Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6, …34)


Một phút tâm tình và suy tư…


“Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.”


Vâng, điều này vẫn tiếp tục xảy ra đối với chúng ta hôm nay.


Trong thánh lễ, với phần Phụng Vụ Lời Chúa, lời dạy dỗ của Đức Giêsu vẫn vang vọng đến với mỗi chúng ta. Qua các giám mục và các linh mục, Đức Giêsu vẫn tiếp tục dạy dỗ chúng ta bằng những giáo huấn, bằng những thư chung, bằng những bài giảng trong thánh lễ.


Và nơi thanh vắng của hôm nay, để mỗi chúng ta đến đón nhận sự nghỉ ngơi tuyệt diệu, sau những căng thẳng trong cuộc đời, chính là nơi ngôi nhà tạm thân yêu mà Đức Giêsu Phục Sinh đang đứng đó cất lời mời gọi “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Mt 11, 28).


Vâng, trong một thời đại “cơm-áo-gạo-tiền” là một cuộc chạy marathon, sự bất công không thể phản kháng, bạo lực thì ngày một tràn lan… lan từ học đường lan ra khắp phố phường, lòng trung tín và sự thủy chung là một thứ xa xỉ… Con người đã đối xử với nhau mất hẳn tình người.


Ai…? Ai trong chúng ta dám nói rằng, mình không cảm thấy “mệt mỏi và gánh nặng”… không hơn một lần rơi vào trạng thái trầm cảm, không hơn một lần cảm thấy bất an?


Hãy để tâm hồn mình chìm trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng: tôi có rơi vào tình trạng nêu trên?


Nếu có hãy đến cùng lương y Giêsu. Điều này, thánh Phaolô đã trải nghiệm và ngài đã khẳng định rằng “chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14).


Vua David xưa cũng đã cảm nghiệm: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62,2).


Petrus.tran









Thứ Năm, 19 tháng 7, 2012

Hãy đi...

HÃY ĐI…



Chúa Nhật 26.02.2012 vừa qua, tiểu ban dự tòng của Ban Giáo Lý Tổng Giáo Phận Sài-Gòn đã tổ chức buổi gặp gỡ giữa giám mục giáo phận và anh chị em dự tòng tại Trung-Tâm Mục-Vụ Tổng-Giáo-Phận.


Tham dự buổi gặp gỡ có Đức Hồng Y Tổng Giám-Mục Gioan Baotixita Phạm-Minh-Mẫn, Đức Giám Mục Phụ Tá Phêrô Nguyễn-Văn-Khảm và 782 người dự tòng thuộc 43 giáo xứ, trong đó có 264 người dự tòng sẽ được rửa tội vào Lễ Vọng Phục-Sinh.


Vui mừng thay trước sự kiện 782 người anh chị em này từ khắp bốn phương trời, nay gia nhập vào đại gia đình Công Giáo với khoảng gần 2 tỷ người trên toàn thế giới.


Có lẽ trong chúng ta, không ai mà không hiểu rằng, có được một đại gia đình Công Giáo như thế, chính là nhờ các tông đồ xưa, cũng như các nhà truyền giáo hôm nay, họ đã thực thi mệnh lệnh Đức Giêsu đã truyền dạy trước khi về trời, một cách hoàn hảo, rằng, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho khắp loài thụ tạo”.






*****


Thật ra, không đợi tới lúc về trời, mà ngay khi còn tại thế, Đức Giêsu đã coi sứ mạng ra đi loan báo Tin Mừng là một việc hệ trọng. Chính vì thế, ngay khi bắt đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã cất tiếng mời gọi một số người để họ trở thành những người tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng.


Đầu tiên là An-rê và Simon Phêrô, kế tiếp là Giacôbê và Gioan, sau đó là Philipphê, Nathanael, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông An-phê, Tađêô, Simon thuộc nhóm quá khích và Giuda Itcariot. Họ chính là “nhóm Mười Hai”, họ đã đáp lời mời gọi và đã được Đức Giêsu quy tụ lại “để ở với Người và để Người sai đi rao giảng” (Mc 3, 14). Có thể nói rằng, họ đã sống như một nhóm truyền giáo lưu động rày đây mai đó cùng với Đức Giêsu.


Trong những lần ra đi rao giảng Tin Mừng, nhìn những người dân Israel luôn phải mệt mỏi và gánh nặng bởi sự lãnh đạo của những Pharisiêu và những kinh sư, những người mà Đức Giêsu gọi là “những kẻ giả hình”, là những kẻ “rủ cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi thì lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi”… Vâng, Đức Giêsu đã phải chạnh lòng thương xót để rồi Ngài đã phải thốt lên rằng “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.


Đối với Đức Giêsu, vai trò của người môn đệ không chỉ tin-và-theo-Ngài nhưng còn phải “được sai đi” cũng giống như “chủ gặt sai thợ ra gặt lúa về”.


Chính vì thế, sau chuyến hành trình về làng quê Nazareth với những “gánh sầu thương mệt mỏi hai vai”, Đức Giêsu đã “gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi” (Mc 6, 7).


Ngôn sứ Isaia có nói : “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ” (Is 52, 7)


Quả đúng là như thế, “từng hai người một”, các môn đệ đi đến khắp thôn làng rao giảng Tin Mừng và kêu gọi người ta ăn năn sám hối . Họ đã để lại khắp thôn làng những hình ảnh đẹp của vị sứ giả.


Vâng, đẹp thay hình ảnh những vị sứ giả của Đức Giêsu, họ đã “trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa trị họ khỏi bệnh” (Mc 6, 13).


Một phút tâm tình và suy tư…


Tất cả những sự kiện trên được ghi lại trong Phúc Âm thánh Máccô với tiêu đề “Đức Giêsu sai nhóm mười hai đi giảng”. Vâng, trong câu chuyện này, có hai chi tiết không thể không làm cho chúng ta suy nghĩ.


Chi tiết thứ nhất là việc “sai nhóm Mười Hai”, chi tiết thứ hai là những chỉ thị cho người được sai đi, đó là “không được mang gì đi đường, không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng v.v…”


“Sai nhóm Mười Hai” nghĩa là gì ? Vâng, theo lời giải thích của một số nhà chú giải Kinh Thánh, con số “12” tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel . Việc Đức Giêsu sai nhóm mười hai có thể hiểu rằng, trước hết, mười hai chi tộc Irael là “đích ngắm” mà các môn đệ phải đến rao giảng trước tiên.


Thế nhưng, “sai nhóm Mười Hai” với thực tại hôm nay, nếu được hiểu đó là lời sai được gửi đến tất cả những ai đã là một Kitô hữu, có gì là sai trái?


Và nếu được hiểu như thế, thì chúng ta có mong “được sai đi” để mà đáp lời mời gọi ?


Vâng, đừng sợ rằng, Chúa Giêsu của hôm nay, khi sai đi, Ngài cũng lại ra chỉ thị cho chúng ta rằng : “không được mang laptop, không được đi Honda, không được mang iPod v.v…” mà hãy sợ rằng, với lợi thế về công nghệ thông tin, về phương tiện cơ giới hiện đại, thuận tiện hơn so với các môn đệ xưa, chúng ta có giới thiệu được khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu cho muôn dân hay không ?


Thực ra, không nhất thiết phải có đầy đủ những phương tiện nêu trên chúng ta mới có thể trở thành một nhà truyền giáo “Pro”.


Hãy nghe anh Tạ-Ân-Phúc nói về trường hợp sự trở về của một tân tòng qua một bài viết được đăng trên VietCatholic vào ngày 29.02.2012. Anh ta viết như sau :


“Đến với Công-Giáo qua chứng tá của người có đạo, qua những sinh hoạt của người Công-Giáo là trường hợp của em Nguyễn-Thị-Thanh-Hồng, sinh viên năm thứ hai trường Cao Đẳng Công Thương.

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, ba là đảng viên, trước đây em không hề biết đến Thiên Chúa. Khi lên Sài-Gòn đi thi, được các tình nguyện viên đưa về một nhà trọ, cô chủ nhà trọ đã yêu thương giúp đỡ trong năm ngày đi thi đó. Em đã có hai buổi giao lưu với gần 150 người và cô đã có dịp để giới thiệu về Thiên Chúa với một câu hỏi làm đánh động mọi người: “Con người sinh ra từ đâu và chết đi sẽ đi về đâu?”.


Khi trọ học, mỗi tối Chúa Nhật, em đã cầu nguyện cùng với các bạn, đó là nơi chia sẻ những vui buồn và những điều nhân bản. Từng bước, em đã đến với Thiên Chúa và giờ đây mỗi ngày em đều có Chúa trong tâm tư, hành động.” (ngưng trích).


“… Cô chủ nhà trọ đã yêu thương giúp đỡ trong năm ngày đi thi đó.”. Vâng, đó chính là hành trang mà mỗi nhà truyền giáo phải “mang theo”. Và đây cũng là câu trả lời vì sao Đức Giêsu căn dặn : ““không được mang gì đi đường, không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng v.v…”


Chỉ tính ở Việt-Nam, tám mươi triệu người đang thiếu “tình yêu của Thiên Chúa”. Ai sẽ mang đến cho họ ! Phải chăng là chính chúng ta ? Phải chăng là Thiên Chúa “Người đã chọn ta” ? (Ep 1, 4)


Chúng ta không chịu trách nhiệm về chuyện này trước khi sinh ra, nhưng giờ đây, chúng ta đầy trọng trách trong cuộc đời hiện hữu, hiện hữu mình là một Kitô hữu.


Bạn có đồng ý như thế không ? Nếu đồng ý, thì, dù tôi không phải là giám mục, cũng chẳng phải là linh mục… tôi chỉ là một bác sĩ, một nữ điều dưỡng, một giáo sư, một người công nhân, một phu cyclo, một chị quét rác bên đường v. v… hãy xác tín rằng “chính ĐỨC CHÚA đã bắt lấy tôi… và ĐỨC CHÚA đã truyền cho tôi : Hãy đi…” (Am 7, 15)


Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...