Ai là người lớn hơn hết!
Đã sinh ra trên cõi đời này, ai trong chúng ta lại không có đôi
điều ước muốn! Thuở nhỏ ước muốn nhỏ, đến
tuổi trưởng thành ước muốn cao hơn. Và có lẽ không có ước muốn nào thực tế cho
bằng ước muốn được có địa vị, có danh vọng, có chức tước cao trong xã hội.
Chẳng có gì xấu khi
có những ước muốn đó. Nguyễn Công Trứ, một nhà quân sự và cũng là một nhà thơ
lỗi lạc trong lịch sử cận đại của Việt Nam , đã có thơ rằng: “Làm trai đứng ở trong trời đất. Phải có danh
gì với núi sông”.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là con người
luôn có tham vọng, luôn muốn trội hơn người khác. Và đó cũng chính là mần mống
dẫn đến hận thù, chia rẽ, bè phái.
Khi xưa, các môn đệ của Đức Giêsu cũng đã bị rơi vào loại cám dỗ
này. Và Ngài đã dạy cho các ông một bài học “muốn trội hơn người khác” thì phải
làm gì?
******
Câu chuyện đã được kể lại rằng: Sau biến cố Đức Giêsu biến hình trên núi
Tabor dưới sự chứng kiến của Phêrô, Giacôbê và Gioan, và sau khi chữa lành một
người bị quỷ ám, các môn đệ đã cùng với Thầy của mình rời khỏi đó và đi băng
qua miền Galilê.
Nhắc tới Galilê! Vâng, linh mục Thành Tâm đã cảm xúc rằng “Galilê!
Nhắc ta nhớ ngày xưa. Ngày Chúa ta sống thân phận chúng ta. Vì thương ta bao
năm trời đây đó. Làm chứng nhân: Tình thương của Cha”...
Những cảm xúc đó, chắc hẳn các môn đệ là những người thấu hiểu hơn
chúng ta hôm nay, nhưng hôm đó, hôm ở Galilê, có một điều các ông không thể
hiểu được, đó là lời tiên báo của Đức Giêsu.
Ôi! một Thầy Giêsu quyền uy, vừa mới “biến đổi hình dạng trước mắt
các ông”, một Thầy Giêsu đã “quát mắng tên quỷ…” để rồi “quỷ thét lên” trước
quyền phép của Ngài… thế mà không thể hiểu vì sao Thầy lại tiên báo rằng, “Con
Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị
giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9, 31)
Chính lời tiên báo này đã tác động rất lớn lên tâm tư của các môn
đệ. Nó đã làm cho đoạn đường từ Galilê đến Caphacnaum trở nên dài lê thê và
buồn nản!
Sự buồn nản đó đã làm cho Caphacnaum, hôm đó, trong tâm tư các ông, không còn là một thành phố của náo
nhiệt. Tiếng cãi vã của các ông đã át hẳn tiếng chào mời của các thương gia.
Thầy sẽ “đi chết” ư! Và khi Thầy đã chết rồi… ai… “ai là người lớn
hơn cả?”
Ôi! Thật đáng tiếc! Không hiểu lời tiên báo của Đức Giêsu, nhưng
các môn đệ “sợ không dám hỏi lại Người”
(Mc 9, 32).
Cho đến khi về tới nhà, Đức Giêsu phá tan bầu không khí chết chóc
bằng một câu hỏi bâng quơ: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” (Mc 9,
33). Mười hai môn đệ với hai mươi bốn con mắt nhìn nhau trong thinh lặng.
Chuyện kể tiếp rằng : “Các ông làm thinh”. (Mc 9, 34).
Một phút tâm tình và suy tư…
“Các ông làm thinh”, có phần chắc là vì các ông quên lời giảng dạy
của Đức Giêsu, hoặc giả, các ông chưa thuộc bài, những bài học mà Đức Giêsu đã
truyền dạy cho các ông trong suốt những ngày tháng Thầy và trò chung vai sát
cánh bên nhau.
“Các ông làm thinh”. Nhưng Đức Giêsu không làm thinh.
“Ai muốn theo tôi”, Đức Giêsu đã nói rất rõ, rằng, “phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8, 34).
Các ông đã bỏ mọi sự, bỏ gia tài, bỏ gia đình mà theo Ngài.
Tốt! các ông đã thuộc phần đầu bài. Tiếc thay! còn phần thân bài và
phần kết bài các ông quên. Chính vì thế mà hôm nay, thay vì “từ-bỏ-chính-mình”,
các ông lại “cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả” (Mc 9, 34).
Ôi! Ai cũng muốn làm quan, thì ai làm lính đây!
Muốn làm người lớn hơn cả ư! Muốn làm người đứng đầu ư! Vâng, Đức
Giêsu đã đưa ra một quan điểm hết sức bất ngờ, ngược lại với tất cả những gì mà
các ông đã nghĩ đến.
Người-đứng-đầu, theo quan điểm của Đức Giêsu, phải là người
dùng-đôi-tay-để phục vụ. Người-đứng-đầu, theo quan điểm của Đức Giêsu, phải là người
dùng-con-tim để hành động.
Trước nhóm Mười Hai, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố: “Ai muốn làm
người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc
9, 35).
Tuy thánh sử Máccô không nói gì về phản ứng của các môn đệ sau lời
tuyên bố của Đức Giêsu, nhưng chúng ta có thể tin rằng, các môn đệ đã hiểu và
đã hối tiếc vì đã gây ra một cuộc tranh chấp quyền lực giữa các ông.
Thật vậy, nếu các ngài không hiểu và không hối tiếc thì, sau này,
thánh Giacôbê, như là một đại diện cho nhóm mười hai, đã không lớn tiếng chỉ
trích rằng: “Nếu trong lòng anh em có sự ghen tương, chua chát và tranh chấp,
thì anh em đừng có tự cao tự đại…”.
Sau đó, thánh nhân nhấn mạnh: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở
đấy có đủ thứ xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa” (Gc 3, 16).
******
Giờ đây, chúng ta hãy nghe lại lời Đức Giêsu đã nói với Nhóm Mười
Hai: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục
vụ mọi người”.
“Nhóm mười Hai” xưa kia, nay không còn nữa và có phần chắc, họ, đã
có người ngồi bên tả, có người ngồi bên hữu Đức Giêsu.
Vậy, lời Đức Giêsu đã tuyên bố với Nhóm Mười Hai xưa kia, nay,
không “ăn nhập” gì đối với chúng ta ư?
Ôi! Thật sai lầm khi để tư tưởng chúng ta suy nghĩ như thế!
Là một Kitô hữu, “Nhóm Mười Hai” hôm nay, có thể là một vị giám
mục, một linh mục, một tu sĩ và tất nhiên cũng là mỗi người tín hữu chúng
ta.
Đừng bao giờ nghĩ rằng, nếu tôi là một giám mục, hay linh mục, hoặc
tu sĩ, tôi mới có thể phục vụ tha nhân tốt hơn…
Trái lại, hãy tự hỏi rằng, là một Kitô hữu, là người môn đệ của
Chúa Kitô, tôi đã được “Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước
là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi…” chưa?
Đừng coi thường đức thanh khiết, bởi đức thanh khiết là chất xúc
tác dẫn đến tình yêu thương. Và ở đâu có tình yêu thương là có sự vui mừng và
bình an. Ở đâu có tình yêu thương ở đó không thể có thù oán, chém giết, xung
đột, gây chiến.
Và sống thanh khiết là nền tảng để phát huy sự trung tín và tiết
độ. Một khi có sự trung tín và tiết độ sẽ chẳng bao giờ xảy ra chuyện gian dâm,
luông tuồng, sẽ chẳng bao giờ say sưa
chè chén, mê ăn uống và những điều khác giống như vậy.
Hãy thử tưởng tượng, nếu mỗi người chúng ta được “Đức khôn ngoan
Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hòa, khoan
dung, mềm dẻo, đầy từ bi…” thì điều gì sẽ xảy ra?
Xin thưa, có phần chắc mỗi người chúng ta đủ khả năng làm cho “anh em
hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.
Đừng quên, ba điều này “đều đẹp lòng Chúa và người ta” (Hc 25, 1).
Nếu… nếu chúng ta có một cuộc sống đẹp-lòng-Chúa-và-người-ta, thì…
Vâng, dẫu cho chúng ta có là một tên vô danh tiểu tốt nào đó và đang phải sống
chui rúc nơi một xó xỉnh nào đó trên thế giới này, thì, hãy tin rằng, Chúa vẫn
coi chúng ta như là “người lớn hơn hết” mọi người.
Petrus.tran