Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

Đức Giêsu... thật sự là Vua của đời tôi!


Đức Giêsu… thật sự là Vua của đời tôi!

Theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo kết thức năm phụng vụ bằng thánh lễ kính trọng thể Chúa Giêsu Kitô Vua. Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua được thiết lập cách nay hơn tám mươi năm, chính xác là vào ngày 11 tháng 12 năm 1925.

Trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, con người hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.


Thật ra, không đợi để giáo hội tôn Chúa Giêsu là vua; nhưng cách đây hơn hai ngàn năm, chính Thiên Chúa đã có chương trình tôn vinh Người là vua, bằng việc sai sứ thần Gabrien đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ tên là Maria và báo tin rằng “bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33)

Có điều là, hôm nay, Chúa Giêsu được tôn vinh là Vua muôn Vua, là Chúa các Chúa trong sự trang nghiêm, cung kính nơi thánh đường. Còn xưa kia…

…..

Vâng, xưa kia, tại Palestina của hơn hai ngàn năm xa trước đó. Đang lúc cư dân Giêrusalem chìm đắm trong giấc ngủ, thì tại vườn Giếtsêmani, một khung cảnh hỗn loạn xảy ra. Đức Giêsu đang bị bao vây bởi một nhóm người. Họ là quân binh cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Phariseu.

Vài hôm trước, khi Đức Giêsu tới Giêrusalem. Một rừng người đã cầm nhánh thiên tuế ra đón Người và reo hò “Hoan hô! Hoan hô!... Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng vua Israel”.

Làm sao không chúc tụng Đức Giêsu như thế cho được. Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng. Đức Giêsu đã để lại nơi mọi người hình ảnh Ngài là Vua, một vị Vua “ưa sự nhân từ”, một vị Vua “hiền lành và khiêm nhường”, một vị Vua luôn “chạnh lòng thương xót”, một vị Vua “đến để phục vụ”, một vị Vua dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”…

Người ta thường nói, “tiếng lành đồn xa”. Vì thế, “tiếng lành” về Đức Giêsu được dân chúng chúc tụng là vua Israel “đồn” đến tai các thượng tế và nhóm Pharisêu, lập tức, họ quyết định tìm Ngài…

Tìm Đức Giêsu để tôn Ngài làm vua ư! Thưa không. Họ tìm để bắt Ngài. Bắt Ngài vì họ cho rằng cuộc rước sách đó chính là là nguyên nhân dẫn đến việc Roma sẽ phá hủy thành thánh. Do Thái đang bị cai trị bởi Roma. Ngoài hoàng đế Cesar … ai dám tôn xưng là vua!

Tên phản bội Giuda biết rõ nơi Đức Giêsu đang hiện diện. Y đã thông báo cho các thượng tế và nhóm Phariseu. Giếtsêmani bị phong tỏa bởi một đội cơ binh. Và rồi, khi tìm thấy Đức Giêsu, như con thú đói mồi, Giuda xông đến trước mặt Ngài.

Nụ hôn của tên phản bội chính là sự điềm chỉ, nhóm cơ binh chờ có thế và xông vào trói Ngài lại. Họ điệu Ngài đến trước các ông Kha-nan và thượng tế Cai-pha, chức sắc cao cấp của người Do Thái.

Sau những màn sỉ nhục và đánh đập diễn ra, họ dẫn giải Ngài đến trước tổng trấn Phi-la-tô.

Tại đây, không tra tấn, không đánh đập nhưng thật tệ vì những câu hỏi, những câu hỏi không đáng hỏi của quan lớn Philatô.

“Ông đã làm gì? Ông có phải là vua dân Do Thái không?” Ôi! Không phải là người Do Thái, làm sao quan tổng trấn Phi-la-tô có thể hiểu được vai trò và sứ mạng của Đức Giêsu khi Ngài đến thế gian!

Đức Giêsu đến thế gian để “làm gì” ư? Hơn bảy trăm năm trước, Israel đã được ngôn sứ Mikha tiên báo rằng, “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel” (Mk 5, 1).

Trước mặt tổng trấn Philatô, bất chấp bạo lực và chết chóc, Đức Giêsu trả lời rằng “Chính Ngài nói tôi là vua”.

Vâng, đến thế gian, Đức Giêsu là vua để thi hành sứ-mạng-thống-lĩnh-Israel. Thống lĩnh Israel nhưng Ngài không thống lĩnh quốc gia “thuộc về thế gian này” mà là thống lĩnh con dân Israel trở về với chân lý và sự thật, “làm chứng cho sự thật và đứng về phía sự thật”. (Ga 18, 37)

**

“Sự thật là gì?” Sự thật Chúa Giêsu thật sự là Vua?

Qua việc tổng trấn Philatô đã “cho viết một tấm bảng và treo trên thập giá; bảng đó có ghi: “Giêsu Nazareth, Vua dân Do Thái”, vâng, dẫu cho có là vô tình thì điều đó cũng có thể nói lên rằng “ý dân không bằng ý trời”.

Thế còn chúng ta! Có bao giờ chúng ta tự hỏi: Sự thật là gì? Giêsu… thật sự là Vua của đời tôi! Và tôi có là con dân của Người?

Hay, phải chăng, chủ nghĩa thế tục đẻ ra những “vương quốc thế tục” được cai trị bởi những “ông vua thế tục” với sức mạnh bởi nòng súng hoặc mền mỏng bởi những chính sách mị dân, cho phép tự do luyến ái, tự do phá thai, kết hôn đồng tính v.v… lôi cuốn chúng ta, thuyết phục chúng ta bái lạy nó!

Và phải chăng, chủ nghĩa duy vật đẻ ra những “vương quốc của cải” được cai trị bởi những ông-vua-duy-vật-chất, rao giảng một học thuyết cho rằng, những tiện nghi vật chất, những khoái lạc và dục vọng, tiền bạc và danh vọng v.v… mới thật sự là vua của đời tôi?

Tưởng cũng nên nhắc tới “vương quốc game” một vương quốc được lập nên bởi chủ nghĩa của cải và thế tục. Vâng, nó đã làm gì cho thần dân của nó! Hạnh phúc ư! Sự sống đời đời ư! Hay nó chỉ đem lại cho thần dân của nó bạo lực, chém giết và sự chết?

Hãy nhớ lời Đức Giêsu đã phán “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì” và luôn phải nhớ, đã là người môn đệ của Chúa, dù đang “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời”.

***

Thế giới vẫn đang hướng tới chủ nghĩa thế tục, và chúng ta hãy biết rằng, một chủ nghĩa thế tục dù có ôn hòa hay trung lập cũng sẽ có ngày trở thành một thế lực “hung hãn”, nó sẵn sàng “cưỡng chế” mọi người, thông qua những đạo luật nghe cứ tưởng như là tự do dân chủ, đạo luật Obamacare, một sản phẩm của chủ nghĩa thế tục, là một ví dụ điển hình.

Nghe ra có đáng sợ không? Thưa không, để có thể chiến thắng chủ nghĩa thế tục, tông đồ Phaolô có lời khuyên rằng “anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người” (Ep 6, 10)

Sức mạnh trong Chúa và uy lực toàn năng của Người chính là “đức tin và Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6, 16-17).

Tuy nhiên, sức mạnh và uy lực đó sẽ vô dụng nếu chúng ta còn vấn vương bởi những sự quyến rũ của chủ nghĩa thế tục và duy vật. Lời Thiên Chúa phán dạy rất rõ ràng, rằng “Hỡi dân Ta, hãy ra khỏi đó, để các ngươi không tham dự vào các tội lỗi của nó và để các ngươi không chia phần tai ương với chúng” (x. Kh 18, 1-4)

Vâng, là một Kitô hữu “Hãy ra khỏi vương quốc thế tục và duy vật đó đi”, còn chần chờ gì nữa, lỡ ngay khi chúng ta vừa đọc xong bài suy tư này, Vua Giêsu Kitô “Người ngự đến giữa đám mây” chúng ta sẽ không phải “đấm ngực than khóc khi thấy Người” nhưng chúng ta có thể nhìn Người mà nói: Lạy Chúa Giêsu! “Ngài… thật sự là Vua của đời tôi”.

Petrus.tran













Thứ Hai, 19 tháng 11, 2012

Đây! Con Người đã đến…


Chúng ta đang ở trong những ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ 2012. Có lẽ không ít người trong chúng ta nghĩ rằng “Ồ! Lại sắp đến ngày kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh”.

Với sự kiện Con Thiên Chúa đã đến thế gian lần thứ nhất, chúng ta đã quá quen thuộc về những hiện tượng đã xảy ra, nào là có một cô “trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”, nào là trong hang đá có Đức Maria và thánh Giuse cùng với vài con chiên quây quần bên hài nhi Giêsu, nào là có ngôi sao lạ dẫn đường cho ba nhà thông thái đến Belem để bái lạy Ngài, rồi có những trẻ mục đồng cùng với muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng vinh danh Thiên Chúa v.v…


Thế nhưng, với sự kiện Con Thiên Chúa sẽ đến thế gian lần thứ hai! Thành thật mà nói, chúng ta ít quan tâm đến nếu không muốn nói là thờ ơ “que sera sera!”…


Những hiện tượng nào sẽ xảy ra! Sẽ có những biến cố nào xoay quanh sự quang lâm của Đức Giêsu? Vâng, đối với các môn đệ, đó là điều quan trọng mà các ông rất cần biết và các ông đã đến gặp Đức Giêsu để hỏi Ngài.


***
Chuyện đã được tông đồ Maccô ghi lại rằng, hôm đó, lúc Đức Giêsu ngồi trên núi Ôliu, đối diện với Đền Thờ thì bốn người môn đệ là các ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê đã đến bên Đức Giêsu.


Ba năm theo Thầy Giêsu, có thể nói rằng, chưa có lúc nào mà các ông lại mang tâm trạng buồn hiu hắt buồn như hôm đó.


Làm sao không buồn cho được khi mà Thầy Giêsu đã đưa ra những lời cảnh báo nhuốm đậm hình ảnh tang thương và chết chóc… Nào là “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lường gạt… Nếu có ai bảo anh em: này Đấng Kitô ở đây! Kìa, Đấng Kitô ở đó!... đừng có tin”. Và có tang tóc không kia chứ! Khi mà “trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không có chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển” v.v… (Mc 13, 24-25).


Người ta thường nói, nỗi buồn càng dấu kín càng thêm buồn khổ. Chính vì thế, để dịu bớt đi nỗi buồn tang thương đó, các ông gặp Đức Giêsu và đã thổ lộ với Người bằng một câu hỏi rằng “Xin Thầy nói cho chúng con biết bao giờ các sự việc ấy sẽ xảy ra, và khi sắp đến hồi chung cục, thì có điềm gì báo trước?” (Mc 13, 4).


Và quả thật, sau lời thổ lộ đó, qua thí dụ về cây vả, Đức Giêsu đã giải tỏa nỗi buồn hiu hắt của các ông. Hình ảnh nắng hạ với những cành cây “xanh tươi và đâm chồi nẩy lộc” không chỉ xứng hợp để so sánh với ngày “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Mc 13, 28) mà còn như một lời nhắc lại cho các môn đệ điều Đức Giêsu đã nói với các ông trước đó rằng “lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho tới cuối chân trời”! (c. 27)


Thật ra, đó cũng chỉ là những “hiện tượng”. Điều quan trọng mà Đức Giêsu muốn nhắn nhủ các ông, đó chính là niềm tin.


Vâng, kết thúc buổi trò chuyện với các môn đệ, Đức Giêsu đã nhắn nhủ các ông rằng “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13, 31)


Một phút tâm tình và suy tư…


“Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”.


Các môn đệ đã tin vào lời nói đó của Đức Giêsu. Niềm tin đó đã được đóng ấn bằng chính cái chết, cái chết “tử đạo” của ba trong bốn chàng ngự lâm, đầu tiên là Giacôbê, rồi đến Phêrô và sau đó là Andrê.


Riêng tông đồ Gioan, Ngài đã được Thiên Chúa cho thấy những kẻ đã được Người tuyển chọn “đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi nước, mọi chi tộc và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên” (Kh 7, 9)


Không ai có thể phủ nhận rằng, trong số những người thuộc “mọi dân, mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ” đó, có cả ngàn người Việt Nam và đã có 117 vị chính thức được tôn phong hiển thánh mà hôm nay Giáo hội Việt Nam long trọng kính nhớ.


Đừng bao giờ yếu đuối mà nghĩ rằng, tôi chỉ là một giáo dân, thật khó để mà trở thành một “martyr” của Đức Giêsu. Hãy nhìn người giáo dân Phaolô Tống Viết Bường như là tấm gương mẫu mực cho đời sống đức tin của chúng ta.


Chuyện được kể rằng, khi nghe tin ông bị bắt nhiều giáo hữu đến thăm ông. Ông nói với họ: “Ðem cho tôi cái gì nặng hơn nữa, vì xiềng xích của tôi còn nhẹ. Người ta chưa đánh đập tôi nhiều, tôi muốn người ta đánh tôi nhiều hơn nữa. Phúc được chịu khó vì Chúa.”. Những lời này cho thấy tâm trạng của người tù Phaolô Tống Viết Bường rất can trường, không chút sợ khổ hình vì Ðức Tin.


Đứng trước bạo quyền và bạo lực ai mà không sợ hãi! Đứng trước xiềng xích tù đày, ai mà không thối lui! Nhưng với Phaolô Tống Viết Bường thì nhờ “áo giáp đức tin” và “mũ chiến là niềm hy vọng”, ngài đã đánh bại tất cả, kể cả sự chết.


Thật vậy, khi đàn áp bằng đánh đập tàn nhẫn không có kết quả, các quan quay sang dụ dỗ. Ðích thân quan thượng thư Bộ Hình Võ Xuân Cẩn ra sức khuyến giục Tống Viết Bường nên chiều theo ý vua “bỏ đạo lúc này thôi rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm”. Tống Viết Bường trả lời khiêm tốn, nhưng cương quyết “Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ trung với Chúa Trời”.(nguồn: internet)


***


Đúng là chúng ta đang ở trong những ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ 2012. Hãy tự hỏi lòng mình rằng, ngay giây phút này đây, tôi thật sự vẫn “trung với Chúa Trời!”…


Và nếu… nếu ngay lúc này, Đức Giêsu “trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”… tôi sẽ ra sao?


Hy vọng mỗi chúng ta sẽ không có câu trả lời rằng “muốn ra sao thì ra” mà hãy chiêm nghiệm lại những lời tiên báo của Chúa Giêsu xưa kia như môt lời cảnh giác.


Có thể nói, chưa có thời đại nào những lời tiên báo của Chúa Giêsu lại ứng nghiệm như thời đại chúng ta hôm nay.


Ngày nay, thiên nhiên mỗi ngày một bị xáo trộn, mưa bão thất thường, nước sông bỗng nhiên đỏ như máu, phải chăng đó là dấu hiệu sẽ có lúc “mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không có chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống”!

Còn về những giá trị “siêu nhiên” thì ngày nay, con người càng ngày càng muốn từ bỏ. Thiên Chúa phán “Chớ giết người” con người lại cổ vũ cho việc phá thai. Thiên Chúa phán “Sự gì Thiên Chúa kết hợp con người không được phân ly” thì người ta lại cổ vũ cho việc ly thân ly dị.


Vâng, việc con người cổ súy cho hôn nhân đồng tính, phải chăng đó là dấu hiệu “các quyền lực trên trời bị lay chuyển”?


Vẫn biết rằng, Chúa Giêsu đã nói “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”, nhưng có gì sai khi chúng ta nhìn những hiện tượng đó như một lời cảnh báo rằng “Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi”!


Trong một thế giới mà con người đang cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, cho một lối sống duy vật… ai… ai trong chúng ta lại không hơn một lần rơi vào vòng quyến rũ của nó! Ai trong chúng ta không một lần bất trung, bất tín!


Hôm nay, trong tâm tình hướng về các thánh tử đạo Việt Nam , không gì tốt hơn là hãy nhìn các ngài như là tấm gương mẫu mực cho một đời sống đức tin và sự trung tín.


Các thánh tử đạo cũng chỉ là những con người trần gian, nhưng các ngài có thể “coi thường mạng sống mình ở đời này” là bởi các ngài đã nhờ có “Ơn Chúa!”


Đúng vậy, tông đồ Phaolô đã thú nhận rằng “thân xác tôi như bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi… Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nổi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2 Cor 12, 7-9)


Ơn của Chúa đủ cho Phaolô chẳng lẽ lại không đủ cho chúng ta!


Vâng, ơn của Chúa chính là bí tích Thánh Thể, một ơn phúc bảo đảm cho sự sống đời đời và là nguồn lực giúp chúng ta bền vững trong sự trung tín.


Sự trung tín không chỉ giúp chúng ta được “chiếu sáng muôn đời như những vì sao” mà còn giúp chúng ta đứng vững trước nhan Thiên Chúa để nghe tiếng Ngài phán “Đây! Con Người đã đến”.


Petrus.tran






Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2012

Dâng ít … hiến nhiều.




Dâng cúng hay dâng hiến là một hành vi biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn của con người đối với Thượng Đế. Việc dâng cúng đã có từ thời tạo thiên lập địa. Thuở đó, con người thường dùng “hoa trái đầu mùa” như là lễ vật dâng lên Thượng Đế. Để biểu lộ lòng tôn kính và biết ơn, họ chỉ cần dâng cúng “con đầu lòng của bầy chiên” thì cũng đủ để được “Đức Chúa đoái nhìn” (St 4, 4)

Đáng tiếc thay! Theo thời gian, con người đã có cái nhìn phàm tục về sự dâng cúng. Nhiều người nghĩ rằng, dâng cúng như là một sự “hối lộ” Thượng đế, càng dâng cúng nhiều, thì càng chứng tỏ lòng hảo tâm cao, và rồi họ cho rằng, những người khá giả, giàu có, dễ dàng thực hiện việc dâng cúng hơn những người thiếu thốn nghèo khó.

Kitô giáo không có cái nhìn về sự dâng cúng như thế. Đối với Thiên Chúa, Kinh Thánh chép rằng “Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu”. Sự dâng cúng đẹp lòng Thiên Chúa chính là “phải giữ nét mặt tươi cười… và tùy khả năng con có” (Hc 35, 8-9).


**

Sự dâng cúng đẹp lòng Thiên Chúa cũng đã được Đức Giêsu nói đến một lần ở Giêrusalem.

Giêrusalem hôm đó, hôm có sự hiện diện của Đức Giêsu, như một ngày lễ hội. Ngoài đường phố là những khuôn mặt hợm hĩnh của các ông kinh sư “xúng xính trong bộ áo thụng”. Các ông dạo qua dạo lại mong được người ta chào hỏi. Còn bên trong Đền Thờ là một dòng người đang tiến về thùng tiền dâng cúng.

Trong dòng người đó, có một người phụ nữ. Và người phụ nữ đó được mô tả là “một bà góa nghèo”.

Israel thời đó là một xã hội phân chia giai cấp rõ rệt. Những người bị bệnh truyền nhiễm như phong hủi, những người tật nguyền, các bà góa… tất cả đều bị gạt ra bên lề xã hội. Phụ nữ khi kết hôn phải chấm dứt liên hệ với gia đình ruột thịt. Điều tệ hại là nếu chồng chết cũng là lúc mất hết mọi quyền lợi vật chất từ nhà chồng.

Bà góa nghèo hôm đó, chắc hẳn đã “mất hết mọi quyền lợi vật chất” thế nhưng bà ta vẫn lên Đền Thờ, bởi bà ta tin rằng, Thiên Chúa “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của kẻ góa bụa” (Hc 35, 14), hơn nữa, lên Đền Thờ là để “gắn bó với lệnh truyền là dâng lễ kỳ an”. Bà ta đã không “đứng trước nhan Đức Chúa tay không” nhưng với của lễ là “hai đồng tiền kẽm”…

Từng bước, từng bước bà ta tiến đến thùng tiền, nơi luôn có những vị “cảnh sát tôn giáo” hiện diện canh chừng. Đây là thùng tiền dâng cúng cho Đền thờ. Không một chút ngập ngừng, bà ta “bỏ vào đó hai đồng tiền” một cách hân hoan vui vẻ theo đúng khả năng bà ta có. Rồi bà ta vội vã đi ra.

Đức Giêsu, lúc đó, đang “ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng” và sau khi “quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao”, Ngài kết luận rằng, “bà góa này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”

Một phút tâm tình và suy tư…

“Bà góa này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết”. Vâng, lời nhận định của Đức Giêsu có là nghịch lý không, trong khi đó, còn “có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền”!

Thưa không, Mẹ Têrêsa Calcutta có nói: “Khi ta trao tặng một món quà, mà nếu là một mất mát hy sinh lớn đối với ta, thì đó mới thật là món quà”.

Bà góa nghèo đã “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó”, thì quả đúng là một-mất-mát-hy-sinh-lớn đối với bà ta.

Cho nên, dù bà ta “dâng ít” cũng kể như “hiến nhiều”.

**

Là một Kitô hữu, khi tham dự thánh lễ, chúng ta nghĩ gì về lòng quảng đại của Đức Giêsu qua Bí Tích Thánh Thể! Mình và Máu Chúa Kitô không trở thành lực đẩy và sức mạnh để chúng ta có thể, cũng giống như bà góa, dám đem “tất cả những gì bà có để nuôi sống mình” mà hiến dâng!

Đừng bao giờ nghĩ rằng, đợi đến khi có của ăn của để chúng ta mới thực hiện sự dâng hiến.

Chuyện kể rằng: Có một chàng thanh niên đến thăm Mẹ Têrêsa Calcutta. Sau khi chứng kiến những việc Mẹ cùng các cộng sự làm, chàng ta xúc động và nói “Thưa Mẹ, con có thể cộng tác vào công việc của Mẹ bằng cách nào? Mẹ Têrêsa từ tốn trả lời rằng “Chỉ cần cố gắng mỉm cười với người khác, vậy thôi”.

Dâng hiến là một khả năng cũng giống như chơi một nhạc cụ nào đó. Có thực tập, chúng ta mới có thể dâng hiến tốt hơn. Chúng ta tiến thân trong nghề nghiệp nhờ những mảnh bằng cấp. Vậy, sao chúng ta lại không xem việc dâng hiến như là một tấm bằng để tiến thân nơi “công sở Nước Trời”!

Hãy thử tưởng tượng, khi Chúa trở lại, điều gì sẽ xảy ra cho những số tiền đang nằm ngay ngắn trong tài khoản ngân hàng hay bất động sản! Phải chăng nó chẳng còn giá trị gì; trong khi lẽ ra nó phải được dùng để chia sẻ cho người nghèo hoặc để sử dụng cho việc truyền giáo…

Thánh Phaolô đã nói “Hãy chú ý làm trổi hơn việc nhân đức dâng hiến này” (2Cor) Đừng quên, khi dâng hiến “Đức Chúa là Đấng thưởng công, sẽ trả lại cho con gấp bảy lần” (Hc 35, 10).

petrus.tran

























Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...