Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Đức GIÊSU… niềm vui giải thoát đích thực.

……


Đức GIÊSU… niềm vui giải thoát đích thực.

Bạn có muốn được đọc Sách Thánh trong những buổi lễ Chúa Nhật không? Và đã có lần nào Bạn được thực hiện công việc vinh dự này? Riêng tôi, tôi đã được thực hiện công việc này, đúng một lần.

Chuyện là thế này, cách nay vài năm, chính xác là năm 2009, giáo xứ Gò Mây có một buổi lễ ban phép rửa tội cho một số anh chị em tân tòng. Trong số những người tân tòng, có một chàng thanh niên là dân nhập cư, anh ta không có thân nhân hay người quen biết để nhận làm người đỡ đầu.

Vâng, tệ thật, chỉ còn vài ngày, nhưng vẫn chưa tìm được người đỡ đầu cho anh ta. Thầy phụ trách của giáo xứ bèn gọi phone cho tôi trình bày sự bế tắc đó và có nhã ý mời tôi đứng ra lãnh nhận trách nhiệm này. Không ngần ngại, tôi đồng ý.

Một ngày trước khi thánh lễ được cử hành, những người tân tòng và người đỡ đầu phải tập trung tại giáo xứ để tập nghi thức. Trong lúc đang tập nghi thức, bất ngờ thay, thầy phụ trách giáo xứ gọi tôi ra và nói rằng “Ngày mai, đến phần đọc Sách Thánh, anh đọc bài đọc thứ hai nhé”.

Thành thật mà nói, tôi nhận lời nhưng hơi ngại. Ngại là vì chưa bao giờ tôi làm công việc này. Hơn nữa, nếu nhận lời, tôi phải mất một ít thời gian chuẩn bị như tới nhà thờ sớm hơn để đọc sơ qua bài mình sẽ phải đọc. Rồi đọc làm sao cho rõ từng câu từng chữ, chưa kể tới việc trang phục phải sao cho lịch sự nữa chứ!

Cuối cùng thì… tôi đã làm tròn công việc này, kể cả khi phải cất tiếng hát câu “Đó là Lơơơời… Chúa” một công việc không phải dễ dàng cho một người “không quen hát” như tôi...

Chỉ tiếc rằng, hôm đó, tấm ảnh bác phó nhòm chụp tôi khi đọc Sách Thánh bị hư, nếu không, tôi sẽ thật hãnh diện khi có một tấm ảnh “để đời” và chắc chắn tôi sẽ đưa tấm ảnh đó làm “Avatar” nơi trang blog của tôi rồi.

Tiếc quá! Thật tiếc quá, phải không thưa quý Bạn!

**

“Đọc Sách Thánh”… Vâng, đó cũng là việc người Do Thái thực hiện trong hội đường vào ngày sabát.

Tưởng chúng ta cũng nên biết, sa-bát là ngày cuối cùng trong một tuần lễ bảy ngày, một ngày đã được: “Thiên Chúa ban phúc lành … và thánh hóa” (Stk 2, 3). Đến thời Mô-sê, trong cuộc hành trình dẫn đưa dân Do-Thái về miền đất hứa, một lần nữa, tại núi Sinai, Thiên Chúa đã đóng ấn ngày Sa-bát bằng một điều luật trong mười điều Người đã phán cùng Mô-sê rằng: “ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20, 8-10).

Kể từ đó, ngày sa-bát trở thành ngày toàn dân Israel: “dành cho Đức Chúa”. Ngày đó, họ nhóm lại trong hội đường để lắng nghe Lời Chúa. Bắt đầu cho phần phụng vụ, họ xướng kinh “Shêma”, và kinh “mười tám lời chúc phúc”. Kế tiếp, mọi người thinh lặng lắng nghe Lời Chúa được trích từ Sách Luật (Ngũ Thư) hay từ các sách Ngôn Sứ.

Mọi người đều có quyền đọc Sách Thánh, hoặc tự nguyện hay được viên trưởng hội đường chỉ định. Người được chỉ định thường là người thông thạo Kinh Thánh. Họ được mời lên công bố và giảng giải Lời Chúa cho cộng đoàn.



***

Đức Giêsu, trong một lần về Nadarét,, Ngài cũng đã được mời lên đọc Sách Thánh.

Vâng, chuyện được kể lại rằng, sau khi chịu phép rửa tại sông Giodan, được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê. Hôm đó, đúng vào ngày sabát.

Có lẽ, tiếng đồn về những điều “Người giảng dạy” và được “mọi người tôn vinh” lọt đến tai ông trưởng hội đường, cho nên, khi thấy Đức Giêsu “vào hội đường”, với sự ngưỡng mộ, ông ta đã không ngần ngại mời Đức Giêsu “lên đọc Sách Thánh”.

Hôm đó, họ trao cho Đức Giêsu cuốn sách ngôn sứ I-saia. Ngài mở ra và long trọng đọc một đoạn có chép rằng:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt,trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.”

Khi lời đọc của Người vừa chấm dứt, bầu khí thinh lặng trong hội đường bị phá vỡ bởi những lời “tán thành và thán phục”. Họ tán thành và thán phục không chỉ bởi “những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người” mà còn bởi từ trước tới nay, tuy đã nhiều lần được nghe lời ngôn sứ Isaia, nhưng hôm nay, đây là lần đầu tiên họ được nghe Đức Giêsu dám dõng dạc tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).



****

Có thể nói rằng, lời trích sách ngôn sứ Isaia và lời tuyên bố của Đức Giêsu được nêu ở trên chính là bản tuyên ngôn cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Ngài.

Không như những tuyên ngôn của những chính khách, của những nhà lãnh đạo trần gian, thường mang hơi hướng mị dân, đại loại như “mọi người đều được quyền bình đẳng” nhưng thực tế, sự bình đẳng của con người đã bị ngăn trở trước sức mạnh của họng súng…

Với Đức Giêsu thì khác hẳn. Lời tuyên ngôn của Ngài mang đậm dấu ấn tình người và trên hết đã được Ngài thực thi một cách trọn vẹn.

Thật vậy, ngay khi bản tuyên ngôn được công bố, bằt đầu từ Caphanaum cho đến miền Giuđê, người ta đã thấy “Thiên hạ đem đến cho Ngài mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt; và Ngài đã chữa họ” (Mt 4,24). Người ta còn được chứng kiến Đức Giêsu đã làm phép lạ cho: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại…”(Mt 11, 5).

Thế nhưng, đó chỉ là niềm vui giải thoát “phần xác”. Điều Đức Giêsu muốn nói tới trong bản tuyên ngôn, đó là niềm vui giải thoát “phần hồn”, như sau này, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài đã nói với ông Nicôđêmô rằng “Như ông Môsê đã gương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Và sự thật là điều đó đã xảy ra tại Gogotha bằng cái chết của Ngài trên thập giá .

Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được điều này, Ngài đã nói với những tín hữu của mình rằng “người Do Thái đòi những điềm thiêng dấu lạ… người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan”, còn chúng ta, thánh nhân nói tiếp rằng “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

Vâng, có thể kết luận rằng, những lời nói và những việc làm, hay nói chính xác hơn, “thập giá và sự phục sinh” của Đức Giêsu đã dệt lên bản tuyên ngôn – một bản tuyên ngôn của “niềm vui giải thoát đích thực”.



*****

Không ai trong chúng ta mà không một lần tự hỏi rằng, đã hơn hai ngàn năm trôi qua, kể từ khi bản tuyên ngôn của Đức Giêsu được công bố, nhưng… tại sao… sao hôm nay…

Vâng, sao hôm nay, vẫn còn thấy nhan nhản những “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ, Tuổi ấu thơ đã mang nhiều âu lo. Ngày nó sống kiếp lang thang. Ngẩn ngơ như chim xa đàn, nghĩ mình tủi thân muôn vàn…”? (*)

Sao hôm nay, vẫn còn thấy những cụ già, với vầng trán nhăn nhúm như chiếc mão gai quân dữ đội lên đầu Đức Giêsu xưa, lếch tha lếch thếch gánh giỏ cóc, giỏ ổi đi bán kiếm sống qua ngày?

Sao hôm nay, vẫn còn biết bao người khiếm thị, khiếm thính, vẫn còn đó những trại tập trung bệnh nhân phong, những trại tập trung người già neo đơn, cơ nhỡ?

Sao hôm nay, vẫn còn đó những kẻ bị áp bức tù đày chỉ vì dám nói sự thật và sống cho sự thật?

Phải chăng, chính những thực tại này, lời tiên tri I-sai-a mà Đức Giêsu đã tuyên bố: hôm-nay-đã-ứng-nghiệm, đã trở nên một lời nói vu vơ, ru ngủ!

Xin thưa, không phải vậy. Chính những thực tại này đã có, vẫn có và còn có là để chúng ta nhìn thấy Đức Giêsu “đói khát, nghèo nàn, đau yếu, tù đày” và để chúng ta cho Ngài ăn, cho Ngài uống, thăm viếng Ngài, hỏi han Ngài.

Những thực tại này, ngày xưa đã tồn tại, hôm nay vẫn tồn tại và ngày mai cũng vẫn tồn tại là để “vinh quang của Thiên Chúa” vẫn được bày tỏ và phải được bày tỏ qua chính mỗi người chúng ta.

Đừng quên, Đức Giêsu đã nói “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”. (Mt 25, 40)

Thế nhưng, sẽ thật khó để chúng ta có thể thực thi trọn vẹn lời “di chúc” trên của Đức Giêsu nếu chính chúng ta chưa được giải thoát khỏi những ngục-tù-đam-mê, ngục-tù-ham-muốn-trần-tục, ngục-tù-ích-kỷ, ngục-tù-hận-thù…

Vì thế, chúng ta hãy trở về hội đường ở Nadarét năm xưa và hãy để ý đến một chi tiết nhỏ, nhỏ nhưng rất hữu ích cho sự giải thoát chúng ta ra khỏi những ngục tù đó, chi tiết đó là, “Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”.

Thưa quý Bạn, chúng ta đã bao nhiêu năm là Kitô hữu, thế nhưng được bấy nhiêu lần chúng ta “chăm chú nhìn Chúa”? Đã bao nhiêu lần chúng ta chăm-chú-nhìn-Người qua những lời dạy dỗ trong “Sách Thánh”?

Cũng như Do Thái xưa, Đạo Công Giáo không cấm chúng ta đọc “Sách Thánh” như có một vài kẻ loạn ngôn đã nói Giáo Hội Công Giáo cấm giáo dân đọc Sách Thánh.

Có thể, suốt cả cuộc đời của một Kitô hữu, chúng ta chưa một lần được vinh dự đọc Sách Thánh trong một Thánh Lễ nào đó. Nhưng ai cấm chúng ta đọc Sách Thánh ngay tại nhà mình!

Cho nên, sẽ là “trọn vẹn đôi đường” một khi chúng ta đã mời Đức Giêsu vào ngôi nhà Nadarét-tâm-hồn của chúng ta qua việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể thì cũng đừng quên chăm-chú-nhìn-Người bằng việc đọc Sách Thánh.

Được như thế, dẫu chúng ta có phải bước đi trong một thế giới phủ trùm bóng tối của văn hóa sự chết, của gian dối, của lưu manh bởi những chủ thuyết hiện sinh, vô thần, vô tôn giáo, chúng ta cũng không sợ gì. Vì Sách Thánh, như lời vua David đã cảm nghiệm: “Là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105).

Có ngọn đèn của Chúa, có ánh sáng của Người… Vâng, hãy tin, chúng ta sẽ có được “niềm vui giải thoát đích thực” từ nơi Thiên Chúa.

Petrus.tran

*****

(*) Nó – tác giả: Anh Bằng.



















Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

CANA... dấu ấn tình yêu.


CANA... dấu ấn tình yêu.



Một trong những thách đố lớn nhất suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, đó là con người vẫn luôn tự hỏi rằng, có Thiên Chúa hay không và thực sự Ngài có là Đấng quyền năng?


Sự thật là có Thiên Chúa. Người không chỉ vẫn tồn tại mà còn đã sai Con Một của Người đến thế gian, để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.


Hơn hai ngàn năm trước, tai Belem miền Giuđê, một Hài Nhi đã sinh ra và được đặt tên là Giêsu và qua Đức Giêsu, quyền năng của Thiên Chúa đã được biểu lộ bởi những phép lạ cũng như dấu lạ Đức Giêsu đã làm.



**

Thật vậy, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà Nadarét, Đức Giêsu bắt đầu ra đi loan báo tin mừng, và ngay lập tức, tiếng tăm của Ngài được: “đồn ra khắp toàn vùng lân cận” (Lc 4, 14). Người ta không chỉ đồn đãi về những bài thuyết giảng của Ngài đầy những: “lời hay ý đẹp” nhưng còn loan tin rằng, Ngài đã làm nhiều phép lạ cũng như dấu lạ, vô tiền khoáng hậu, mang đậm dấu ấn tình người.


Một trong những dấu lạ đó đã xảy ra trong một buổi tiệc cưới tại Cana miền Galilê.


Chuyện được kể lại rằng, trong buổi tiệc cưới đó, ngoài “Đức Giêsu và các môn đệ được mời tham dự”, người ta còn thấy “có thân mẫu Đức Giêsu” (Ga 2, 1-2).


Trong khi đôi tân hôn đang ngất ngây “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”. Còn toàn thể quan khách, nhóm thì “nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui”, nhóm thì vây quanh đôi tân hôn “mừng đôi uyên ương, xây tổ ấm trên cành yêu đương” (*)… thì hỡi ơi! nhà đám bỗng dưng nhốn nháo…



Hóa ra là: “Họ hết rượu”. Ôi! tệ thật!



Vâng, tưởng chúng ta nên biết, đối với người Do Thái, trong việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày, họ không uống trà, nước ngọt, hoặc là bia. Họ uống rượu, một loại rượu được ép từ trái nho.



Ngày thường còn như thế, huống chi hôm nay là tiệc cưới, mọi người đang hò hét “nhấc cao ly này… hãy chúc ngày mai sáng trời tự do” mà lại hết rượu thì đúng là “vô tửu bất thành lễ” rồi!!!



Không thấy nói đôi uyên ương có biết việc hết rượu không, nhưng Đức Maria biết.Và khi Đức Giêsu được thân mẫu Người báo tin “Họ hết rượu rồi”, Người đã bảo các gia nhân đổ đầy nước vào sáu chum đá, một vật dụng dùng để thanh tẩy theo thói tục người Do Thái



Cuối cùng thì buổi tiệc cũng được tiếp tục trong niềm vui với một kết thúc có hậu.



Câu chuyện kể rằng, những người gia nhân đã nghe theo lời Đức Giêsu “đổ đầy nước vào chum”. Và “Khi người quản tiệc nếm thử”, kinh ngạc thay, “nước đã hóa thành rượu” (Ga 2,9)…


***
Ngày nay, có một số người thắc mắc, có đúng là Đức Giêsu làm cho “nước đã hóa thành rượu” hay Ngài sai các gia nhân lấy “cồn” bỏ vào nước rồi khuấy đều lên để thành rượu rồi phao tin đó là “dấu lạ” ?


Thưa không, bởi nếu Đức Giêsu dùng thủ thuật này, có phần chắc, vị quản tiệc đã không “gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2, 10). Hơn nữa, nếu đó là rượu được chế biến từ “cồn”, với sáu chum, tương đương với 720 lít, chắc chắn mọi người trong bữa tiệc đó, sau khi uống sẽ đứt ruột mà chết mất…


Có người khác lại thắc mắc, tại sao Đức Giêsu không làm một phép lạ nào khác, mà Ngài lại làm phép lạ nước-hóa-thành-rượu? Phải chăng, Ngài và các môn đệ của Ngài là một “con sâu rượu”?


Thưa không phải vậy. Với phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng.


Còn dưới lăng kiếng thần học, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.


Việc Đức Giêsu “hóa nước thành rượu” trước là để khẳng định rằng “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” và sau là để “bày tỏ vinh quang của Người”, và cuối cùng là để các môn đệ “tin vào Người” (Ga 2, …12)



****

Tiệc cưới của Bạn có hết rượu, hết bia giữa chừng không? Chắc hẳn là không hết bia, hết rượu mà chỉ sợ, sau tiệc cưới, hết “tiền” phải không thưa quý Bạn!


Nói vui vậy thôi. Trong đời sống hôn nhân, nếu có điều đáng sợ, đó là đôi tân hôn nên sợ, chỉ ít lâu sau đám cưới, anh và em “hết tình mặn nồng” không còn muốn “Góp hết tương lai vào tiếng. Yêu thương trao em một đời” (**)


Vâng, điều này rất dễ xảy ra khi “hai nửa của nhau” không còn là “của nhau” nữa, mà tự cao tự đại cho rằng “trời phú” cho mình “khôn ngoan” hơn, “hiểu biết” hơn, “thành công” hơn “nửa còn lại”, để rồi, khi nghĩ đến nửa-còn-lại chỉ còn là những tiếng thở dài “…oán trách nhau”!


Về những điều “trời phú”, thánh Phaolô nói “chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1Cor 12, 11). Ngài nói tiếp rằng, “Là vì ích chung”.


Thật ra, trong đời sống hôn nhân, không ai mà không gặp phải những vấn đề nan giải. Thế nhưng, nếu hôn nhân của chúng ta được liên kết bởi tình yêu trong niềm tin “thật sự” vào Thiên Chúa, chắc chắn, như đôi tân hôn ở Cana, chúng ta sẽ được Đức Giêsu ban cho một thứ rượu, nhưng không phải thứ rượu được hóa từ nước lã mà từ “Máu Thánh” của Ngài. Đó chính là “Mình-Máu-Thánh-Chúa” qua Bí-tích-Thánh-Thể. Một thứ rượu-yêu-thương, rượu-tha-thứ, rượu-chia-sẻ-và-quên-mình, rượu-xây-dựng-và-phục-tùng, hơn thế nữa, một thứ rượu-hy-sinh-liều-mạng-sống-mình-vì-người-mình-yêu…

Được uống loại rượu như thế, có phần chắc, gia đình của chúng ta sẽ là một Cana-mới, một Cana tràn đầy “dấu ấn tình yêu”.

Petrus.tran



*****

(*) Ly rượu mừng – tác giả Phạm Đình Chương.

(**)Bài không tên số 5 – tác giả Vũ Thành An.







Thứ Hai, 14 tháng 1, 2013

Con là Con của Cha...

Con là Con của Cha…



Cứ sự thường, sau lễ Hiển Linh, là lúc kết thúc một mùa Giáng Sinh. Máng cỏ được tháo dỡ, những chú mục đồng và các nhà chiêm tinh được cất đi, chờ năm sau sẽ đem ra sử dụng. Thế nhưng, những nhân vật như Đức Maria, thánh Giuse và nhất là Hài Nhi Giêsu thì vẫn tiếp tục được nhắc đến.

Với Hài Nhi Giêsu, chuyện được kể rằng, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Ngài đã khởi đầu cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng việc đến đến sông Giodan và xin ông Gioan làm phép rửa.

Nói tới sông Giodan, đó là một con sông, không chỉ của biết bao điều huyền diệu từ nơi Thiên Chúa, mà còn là nơi con người nhận lãnh những ơn phúc Thiên Chúa ban.

Thật vậy, xưa kia, trong cuộc hành trình về miền đất hứa, khi đến bên sông Giodan, mười hai chi tộc Israel đã phải sững sờ chứng kiến điều huyền diệu “Hòm-Bia-Giao-Ước” đã biến sông Giodan thành “đất khô cạn cho đến khi toàn dân đã qua hết”. (Gs 4, 17).

Còn ơn phúc Thiên Chúa ban ư! Đó chính là trường hợp của “Na-a-man, tướng chỉ huy quân đội của Vua Aram”. Ông ta bị bệnh phong. Và khi nghe người ta mách bảo ở Samari có một ngôn sứ tên là Êlia, ông ta có thể chữa ông khỏi bệnh. Ông Na-a-man đã tìm đến. Sau một chút nghi ngờ về những lời chỉ dẫn của ngôn sứ Ê-li-a. Ông đã thực hiện lời chỉ dẫn đó. Để rồi ông đã phải kinh ngạc khi ông ta chỉ cần: “Dìm mình bảy lần trong sông Giodan”… thế mà nhờ đó : “Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ”. Chuyện kể rằng : “Ông đã được sạch” (2V 5, 14).

Hôm ấy, hôm Đức Giêsu đến sông Giodan, dòng sông lại một lần nữa, cho mọi người thấy thêm một sự huyền diệu từ nơi Thiên Chúa.

Vâng, sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa và “đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra”. Và liền đó : “Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài”.

Nhưng đó chưa phải là điều kinh ngạc. Điều làm cho mọi người kinh ngạc chính là “có tiếng từ trời phán rằng; Con là Con Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).

**

Hôm nay, Chúa Nhật 13/01/2013, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Đã có nhiều ý nghĩ cho rằng, Chúa Giêsu có tội gì mà phải chịu phép rửa?

Vâng, xin thưa, sự kiện Đức Giêsu “xin-làm-phép-rửa-cho-mình”, một phép rửa “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” đã làm nổi bật vai trò cứu chuộc của Ngài. Vai trò đó đã được sứ thần Chúa loan báo khi xưa rằng: “Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Và Gioan Tiền Hô, chính ông cũng đã nói về Đức Giêsu rằng : “Đây! Chiên con của Đức Chúa Trời. Là Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

Và tiếng nói từ trời cao “Con là Con Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” như là sự tái khẳng định tình yêu thương của Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu mà sau này Đức Giêsu đã bày tỏ rằng “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

***

Nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, không thể không nghĩ tới Bí Tích Rửa Tội mà chính chúng ta đã lãnh nhận. Vâng, khi nói tới Bí Tích Rửa Tội, thật đáng tiếc rằng, nhiều người trong chúng ta, như lời Lm Jude Siciliano trong một bài giảng, Ngài có nói vui rằng : “Tôi chắc rằng một số đông trong chúng ta không ai nhớ được ngày rửa tội của mình!...”

Điều này lỗi tại ai? Phải chăng là lỗi nơi các bậc cha mẹ?

Vâng, chúng ta thường tổ chức tiệc sinh nhật cho con chúng ta, nhưng dường như cả đời, từ lúc con chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội khi còn nhỏ, cho tới lúc trưởng thành, có lẽ chẳng ai trong chúng ta tổ chức, dù chỉ một lần, ngày kỷ niệm trọng đại đó!

Thế nhưng, đó chưa phải là điều nghiêm trọng. Điều nghiêm trọng, chính là đôi khi chúng ta nghĩ rằng, Bí Tích Rửa Tội chỉ là thủ-tục-hành-chánh để gia nhập đạo Công Giáo, hoặc tệ hơn là để “kết hôn”, rồi sau đó là “tôi lấy được vợ (chồng) tôi thôi nhà thờ”.

Thánh Phaolô nói: “Lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,5).

Như vậy, Bí Tích Rửa Tội chính là ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta được trở nên “con Thiên Chúa”, một khởi đầu trong cuộc hành trình về “Giêrusalem mới – Trời mới đất mới” trên Thiên Đàng.

Vâng, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết đến sự kiện “D-Day”, ngày quân đội đồng minh đổ bộ lên Normandy-Pháp quốc. Trong tổng số 156.000 quân nhân được đổ bộ trong D-Day, đã có 4.000 binh sĩ đồng minh thiệt mạng và khoảng 8.000 người bị thương.

Nơi được cho là ít tổn thất là bờ biển phía tây Utah, và nơi tổn thất nặng nề nhất là bãi Omaha. Vâng, Omaha đã được dựng thành phim với tựa đề “Surviving D-Day”.

Trong phim, nhiều nhân chứng đã nói rằng, chỉ có tiến lên mới mong sống sót.

Đúng vậy, xem phim, chúng ta có thể nhận thấy điều đó. Các chiến binh chỉ có một con đường tiến lên phía trước, bất chấp những bãi mìn, những làn đạn của những tay thiện xạ Đức Quốc Xã, để chiếm Omaha.

Nhắc tới “Surviving D-Day” để làm gì?

Xin thưa, là để chúng ta biết rằng, một khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta cũng là một người chiến binh, chiến binh tiến về Nước Trời. Và cũng giống như những người chiến binh tiến chiếm Omaha năm xưa, chúng ta cũng phải vượt qua những bãi-mìn-cám-dỗ, những làn-đạn-ru-ngủ rằng thì, là, mà “tôn giáo là thuốc phiện… thượng đế đã chết rồi” v.v…

Những người chiến binh tiến chiếm Omaha năm xưa vượt qua được những làn đạn là nhờ áo giáp, cùng với sự yểm trợ của không quân, hải pháo.

Còn chúng ta thì sao? Trong “cẩm-nang-hành-quân” gửi cho tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô đã có lời chỉ bảo rằng “Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vũng trong ngày đen tối” (Ep 6, 13).

Vũ khí của Thiên Chúa, vâng, đó chính là “lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an, hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin…” thánh nhân khẳng định rằng, “nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần”.

Vâng, với sự “yểm trợ” như thế của Thiên Chúa, tên-lửa-của-ác-thần nào dám ngăn cản chúng ta tiến lên đỉnh đồi của tình yêu thương, của niềm hy vọng, của sự sống đời đời!

Một khi chúng ta hiện diện nơi đó, nơi đỉnh đồi của yêu thương, của niềm hy vọng và của sự sống đời đời, đó chính là lúc chúng ta hoàn tất vai trò một chiến binh của Nước Trời.

Và một khi chúng ta hoàn tất vai trò một chiến binh của Nước Trời, hãy tin… Vâng, hãy tin, trong ngày Thiên Chúa phán xét kẻ sống và kẻ chết, chúng ta sẽ được nghe tiếng Người nói với chúng ta rằng, “Con là con của Cha”.

Petrus.tran



Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

CHÚNG TÔI ĐÃ THẤY...

Thân Chào các bạn,


Tuần này, petrus.tran mời các bạn theo bước chân các nhà chiêm tinh đến Belem gặp Hài Nhi Giêsu để chúng ta cùng thờ phượng Người.

Kính chúc các bạn cùng toàn thể gia quyến bình an và khỏe mạnh.

…….

Chúng tôi đã thấy…


… nên chúng tôi đến bái lạy Người.


Cách nay hơn bốn mươi năm, chính xác là ngày 16/07/1969, qua hệ thống truyền hình, hàng trăm triệu người đã theo dõi chiếc phi thuyền Apollo 11 rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ John F. Kennedy. Chiếc phi thuyền này đã mang theo ba phi hành gia là Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin với sứ mệnh thám hiểm mặt trăng.



Vượt qua hàng trăm ngàn cây số, ngày 20/07/1969, phi thuyền Apollo 11 đã tới đích, cả thế giới được chứng kiến thời khắc lịch sử, Neil Armstrong và sau đó là Buzz Aldrin đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng và thám hiểm hai tiếng rưỡi đồng hồ trên đó, trong khi Michael Collins ở lại trên quỹ đạo trong module Command.


Không thể tưởng tượng rằng, các nhà du hành vũ trụ đã chấp nhận những rủi ro. Trước khi tàu Apollo 11 cất cánh, nhiều người đã nghĩ tới tình huống xấu nhất trong chuyến đi của ba nhà du hành. Người ta đã chuẩn bị bài phát biểu cho Tổng thống Richard Nixon với tựa đề: “Thảm họa mặt trăng”. Bài phát biểu bắt đầu bằng câu: “Số phận đã quyết định rằng, những người thám hiểm mặt trăng yên nghỉ vĩnh viễn trên đó trong thanh bình”.


Thật vậy, một trong nhiều câu chuyện về tình huống xấu được kể lại rằng, sau khi các nhà du hành kết thúc cuộc đi bộ trên mặt trăng hai tiếng rưỡi đồng hồ, họ phát hiện ra nút công tắc điện trên khoang đổ bộ mặt trăng bị hỏng. Họ rất có thể phải ở lại trên mặt trăng mãi mãi. Trong giây phút nguy khốn đó, Aldrin đã tìm được một cây bút bi trong khoang đổ bộ và thành công trong việc nối đường điện bằng chính cây bút đó, khoang đổ bộ đã có thể rời khỏi mặt trăng.


Cả ba phi hành gia đã trở về trái đất an toàn, mở ra kỷ nguyên mới cho nhân loại về con người chinh phục vũ trụ.” (nguồn:Wikipedia)


**


Giống như cuộc hành trình của ba nhà du hành vũ trụ, Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin, đầy rủi ro và chết chóc. Cách nay hơn hai ngàn năm, cuộc hành trình của mấy nhà chiêm tinh đi tìm “Đức Vua dân Do Thái mới sinh” cũng là một cuộc hành trình đầy gian nan, trắc trở và không kém phần nguy hiểm đến tính mạng.


Câu chuyện xảy ra vào thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông, sau khi đã nhìn thấy một ngôi sao lạ và tin rằng “ngôi sao lạ” mà họ đã nhìn thấy chính là “điềm chỉ” về một “Đức Vua dân Do Thái mới sinh”, thế là họ lập tức tiến hành một cuộc hành trình đi tìm nơi Đức Vua sinh ra.


Không phải là người Do Thái, thế nhưng họ vẫn rời bỏ quê hương, cùng nhau dong duổi đường gió bụi, lần theo dấu vết “ngôi sao lạ” tìm cho được Đức Vua để mà “bái lạy người”.


Vâng, rất có thể họ là con cháu Apraham thuộc dòng dõi của Itmaen và những người con của Apraham với Cơtura mà khi còn sống “ông Apraham đã cho họ đi xa ông Isaac, con ông, về hướng đông, về đất Phương Đông”(St 25, …6).


Cũng rất có thể họ đã nghe lời Bi-lơ-am, một người thuộc dân tộc Madian, cũng là một dân tộc thuộc dòng dõi Itmaen, đã nói “Tôi thấy nó, nhưng bây giờ chưa phải lúc, tôi nhìn, nhưng chưa thấy nó kề bên; một vì sao xuất hiện từ Giacop, một vương trượng trổi dậy từ Israel”. (Ds 24, 17).


Vì thế, hôm đó, khi mà “vì sao” đó đã được các nhà chiêm tinh thấy “kề bên”, họ liền tức tốc lên đường “đến Giêrusalem”. Sự xuất hiện của các nhà chiêm tinh với những lời loan báo rằng “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”… đã trở thành trái boom tấn đánh thức cả kinh thành.


Quả thật, cả thành Giêrusalem đã xôn xao, còn vua Hêrôđê thì “bối rối” về việc “Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu”. Các thượng tế và các kinh sư thì… hỡi ơi! quý ông ấy vẫn điềm nhiên với lời phát ngôn rằng,“Tại Belem, miền Giuđê”.


Với các nhà chiêm tinh, vâng, lại là “cây bút”… cây bút của các ngôn sứ xưa, đã vẽ đường chỉ lối cho cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh. Cây bút của các ngôn sứ đã chép rằng, “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).


Nhờ lời ngôn sứ, cuộc hành trình tìm kiếm “Ấu Chúa” của các ông được tiếp tục. Cùng đồng hành với các ông không phải là những nhà kinh sư, mà là “ngôi sao lạ”. Ngôi sao lạ như một người bạn chung thủy đồng hành với các nhà chiêm tinh. Ngôi sao đó tiếp tục “dẫn đường cho họ”. Từ phương Đông, ngôi sao lạ dẫn dắt họ băng qua Giêrusalem, rồi đến Belem, và cuối cùng là “đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”(Mt 2, 10).


Không ai có thể phủ nhận, cùng thời điểm trên, tại Belem, cũng đã có nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… lạ lùng thay! Ngôi-sao-lạ lại chỉ dừng nơi chính “Đức Vua sinh ra” để các nhà chiêm tinh vào “sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,10).


***


Ba phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin không giản dị là lên mặt trăng, ôm một mớ đá thô, rồi trở về trái đất. Chuyện được kể lại rằng, “Theo dự kiến, hệ thống máy tính sẽ tự điều khiển việc tiếp đất. Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn hạ cánh cuối cùng, hệ thống chợt bị quá tải. Đèn báo động chớp liên hồi, nhiên liệu trên tàu hầu như đã cạn. Rất bình tĩnh, Armstrong tắt hệ thống lái tự động và tự điều khiển hạ cánh bằng tay. Cú hạ cánh thành công mỹ mãn, nhưng ít ai biết rằng, chỉ chậm 30 giây, phi thuyền đã có thể hoàn toàn mất điều khiển và rơi tự do xuống đất”. (nguồn: internet).


Cũng vậy đối với cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh xưa. Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc hành trình đi tìm “Hài Nhi Giêsu” của mấy nhà chiêm tinh như là một cuộc trẩy hội cưỡi-lạc-đà-xem-hoa!


Thực tế thì các ông đã phải đối diện với thần chết mà các ông không ngờ. Trước khi các ông chuẩn bị trở về, đã có những cạm bẫy được giăng ra, đã có những âm mưu xấu của Hêrôđê chờ chực phía trước. Con “cáo già” Herode đầy tham vọng, dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng “để… cũng đến bái lạy Người”!


Kinh Thánh có chép rằng: “Kẻ gian ác mưu hại người công chính, và hậm hực nghiến răng. Nhưng Chúa cười nhạo nó” (Tv 37(36), 12-13).


Và, quả đúng như vậy. Thiên Chúa đã “cười nhạo” cáo già Hêrôđê bằng việc báo mộng cho các nhà chiêm tinh “đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa”.


Còn các nhà chiêm tinh, có thể nói, nhờ đức tin, tin vào lời Chúa qua ngôn sứ và sự vâng lời, nó như là một “cây bút” vẽ ra một lộ trình, một lộ trình để các nhà chiêm tinh đi “đến bái lạy Người”, và một lộ trình để họ đi “về xứ của mình” bình an.


****


Chúa Nhật hôm nay (06/01/2013) Phụng Vụ Lời Chúa được trích thuật trong Tin Mừng Matthêu (Mt 2, 1-12).


Với những nhân vật và sự vật trong đoạn Tin Mừng này, chúng ta sẽ phải suy nghĩ tới nhân vật hay sự vật nào đây?


Các nhà chiêm tinh ư! Đúng, đó là điều chúng ta vừa mới suy nghĩ ở phần trên. Còn vua Hêrôđê và các kinh sư ư!.. Ôi! Con cáo già và mấy ông kẹ này, suốt trong năm phụng vụ, chúng ta đã nói quá nhiều về những vị này rồi.


Vâng, có lẽ chỉ còn một sự vật mà chúng ta ít có dịp nói tới, đó là “ngôi sao”.


Nói tới ngôi sao, ai trong chúng ta lại không thích mình cũng như con em mình trở thành “sao”!


Thế nhưng, sẽ là nguy hiểm thay, nếu những sao-ăn-nhậu, sao-chè-chén-say-sưa, sao-trụy-lạc, sao-hận-thù, sao-bất-hòa, sao-ghen-tuông, sao-tranh-chấp, sao-chia-rẽ-bè-phái v.v... lại là “ngôi sao của đời ta”…


Và chúng ta sẽ nghĩ gì khi con em chúng ta coi những “sao”, đại loại như sao-hàn, sao-đài, sao-holywood v.v… là “ngôi sao của đời mình”!


Vâng, trong cuộc họp của Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Á Châu tại Việt Nam vừa qua, Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh tham dự với tư cách thông dịch, Ngài đã kể lại rằng, có một vị Giám mục (xin dấu tên) than phiền rằng, tại nước ông, trung bình mỗi ngày có 8.000 người bỏ Giáo Hội.


Tại sao? Tại sao họ lại bỏ Giáo Hội?


Phải chăng họ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa thế tục? Phải chăng họ bị hớp hồn bởi chủ nghĩa duy vật chất?


Hay, phải chăng vì Giáo Hội hôm nay thiếu vắng “những ngôi sao” như: ngôi-sao-Phêrô-Phaolô, ngôi-sao-Augustinô, ngôi-sao-Thomas Aquino, ngôi-sao-Bênađô, ngôi sao Phanxicô, ngôi-sao-Dominico v.v… để dẫn dắt đoàn con của Chúa… để hướng dẫn mọi người tìm đến Thiên Chúa?


Cho nên, là một Kitô hữu, chúng ta hãy tự hỏi lòng mình rằng, đã qua bao “mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời”, thế nhưng, chúng ta đã như các nhà chiêm tinh “đến tận nơi Hài Nhi ở (và) sấp mình thờ lạy Người”! Và hơn thế nữa, chúng ta đã trở nên “vì sao của Người” để dẫn dắt những ai muốn đến “bái lạy Người”?


Chúng ta đừng bi quan mà nghĩ rằng, “vì sao của Người”, sau hơn hai ngàn năm, giờ đây không còn ‘xuất hiện bên phương Đông” nữa.


Không! Vì sao đó vẫn xuất hiện… nếu chúng ta, như lời thánh Phaolô nói, tìm đến “Đức-Giêsu-Kitô-và-nhờ-Tin-Mừng” (Ep 3, 6). Đó… đó chính là “cây bút” - lại là cây bút - vẽ nên “vì sao của Người – vì sao của Chúa”.


Có “vì sao của Người – vì sao của Chúa” trong chúng ta… Vâng, hãy tin… hãy tin rằng, với ơn Chúa, chúng ta đủ sức làm cho “đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”(*).


Và một khi, ở nơi đâu “sáng đức tin Chúa trên trời cao” có phần chắc, ở nơi đó, chúng ta sẽ được nghe nhiều tiếng nói cất lên “Chúng tôi đã thấy… nên chúng tôi đến bái lạy Người”.


Petrus.tran


****


(*) Mùa sao sáng – tác giả: Nguyễn văn Đông.
















Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...