Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Thầy sẽ không để anh em mồ côi…

Thầy sẽ không để anh em mồ côi…

Trong cuộc sống đời thường, một trong những điều mà mỗi người chúng ta đều sợ hãi khi phải đối diện, đó là sự cô đơn. Thật vậy,  cô đơn quả là một điều đáng sợ. Đáng sợ, bởi, nếu cuộc đời ta rơi vào tình trạng cô đơn, dù ta có sống giữa một rừng người, tuy không cô độc nhưng ta vẫn cô đơn.  Đáng sợ hơn nữa, vì, khi cuộc sống ta rơi vào tình trạng cô đơn, như lời nhà thơ Robert Creeley, đã nói: “Thật khó mà đóng cửa, cánh cửa nhỏ bé trên tường, nơi cảnh vật vẳng lại nỗi cô đơn, mang đến mùi hoa rừng dại”.

Vâng, sự cô đơn là một thực tại trong cuộc sống thường nhật, nó ập đến không loại trừ một ai. Sẽ có lúc, ta cảm thấy cô đơn vì một người bạn đồng hành bỏ rơi ta. Sẽ có lúc, ta cảm thấy cô đơn vì một người “bạn đời”, một người thân yêu nào đó, khuất núi. Hoặc,  chỉ vì một chút hiểu lầm nào đó mà người tình trong mộng của ta thét lên, rằng “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”, hỏi sao ta không cảm thấy cô đơn v.v…

Chỉ có điều, ta sẽ làm gì khi rơi vào tình trạng cô đơn? Phải chăng là cứ ngồi đó mà nỉ non rằng thì-là-mà “đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”? Phải chăng là cứ ngồi đó ngậm ngùi, rằng: “nỗi buồn biết tỏ cùng ai bây giờ?”

Thưa, đó không phải là một giải pháp tốt. Một tác giả khuyết danh, khuyên rằng: “khi bạn đang cô đơn, buồn rầu và ủ rũ, hãy nhớ rằng có ai đó, ở đâu đó đang nghĩ về bạn.”

“Ai đó, ở đâu đó đang nghĩ về bạn” là ai? Thưa, với niềm tin Ki-tô giáo, người đó chính là Đức Giê-su Ki-tô.

Thật vậy, Đức Giê-su khi còn tại thế, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài luôn là người đi bước trước, luôn “nghĩ về” một ai đó trước khi họ nghĩ về Ngài.

Một-ai-đó,  là những người đã được Ngài chữa lành bệnh tật, là những người lang thang lếch thếch theo Ngài  như “đàn chiên không người chăn dắt”. Một-ai-đó, quan trọng hơn, chính là các người môn đệ của Ngài.

Trước ngày chịu nạn, trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, Đức Giê-su đã bảy tỏ cho các môn đệ thấy rằng, Ngài đã “nghĩ về” các ông như thế nào.

Hôm đó, mở đầu cho những điều “nghĩ về” các môn đệ, Đức Giê-su nói với các ông, rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
Tại sao Đức Giê-su lại hai lần nhấn mạnh với các môn đệ “hãy tin… và tin” như thế! Thưa, là bởi, như Walter Scott có nói: “Khi nghĩ về những người bạn đồng hành đã rời ta, chúng ta cảm thấy cô đơn gấp đôi”.

Cho nên, trong bối cảnh Ngài công bố với các môn đệ, rằng: “Thầy đi”… Đức Giê-su thấy rằng, Ngài cần phải đưa ra một thông điệp mạnh mẽ để xóa tan khoảng trống cô đơn trong tâm hồn của các ông.

“Thầy đi”. Đúng! Nhưng Thầy “sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”.(Ga 14, 16-17)

Vâng, đó là tất cả những gì Đức Giê-su đã “nghĩ về” các người môn đệ của Ngài. Một sự “nghĩ về” thấm đậm tình yêu thương khi Đức Giê-su tuyên bố với các môn đệ rằng: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14, 18).

***
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Thật vậy, sau khi Đức Giê-su “xin Chúa Cha” sai Thần Khí ngự xuống trên các môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần, các ông không còn là nhóm mười một cô đơn trong căn phòng đóng cửa kín tại Giê-ru-sa-lem.

Trái lại, một Hội Thánh đã được hình thành với khởi dầu thêm khoảng ba ngàn người theo và sau này đã trở thành một Hội Thánh toàn cầu trải rộng từ “Giê-ru-salem ra khắp các miền Giu-đê, Samaria,  và cho đến tận cùng trái đất”. Có được điều này chính là do “Uy lực của Thần Khí”.

Nói tới điều này để làm gì? Thưa, là để thấy “Uy lực của Thần Khí” là điều không thể thiếu cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta.

Thật vậy, không có Chúa Thánh Thần ngự trị trong đời sống đức tin, thật quá khó để chúng ta có thể đương đầu với một thế giới ngày một cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết như hôm nay.

Nếu không có Chúa Thánh Thần. Đấng có thể “ban cho trí hồn (ta). Ơn biết khôn ngoan tìm theo chân lý”. Vâng, làm sao chúng ta có thể “xa điều gian dối” nhan nhản trên truyền thông đại chúng, một thứ truyền thông được điều hành bởi những kẻ độc tài đảng trị.
Không có Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể gặt hái hoa trái của Người. Mà, nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “bác ái, vui vẻ, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm”… Vâng, làm sao chúng ta có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”!

Nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “tiết độ và trong sạch”… Vâng, làm sao chúng ta có thể chế ngự những dục vọng, một trong nhiều nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân gia đình!?

****

Khi nói về “Uy lực của Thần Khí”, Lm. Charles E. Miller chia sẻ “Dòng điện là một uy lực ghê gớm ta không nhìn thấy, song thường nhận ra giá trị của nó mỗi khi mất điện, dù chỉ một thời gian ngắn. Chúa Thánh Thần, về mặt nào đó, giống như dòng điện thiêng liêng của chúng ta, Ngài là sức mạnh bên trong Giáo Hội, là Đấng “mà thế gian không thấy và cũng chẳng nhận biết”.

Thế-gian-không-thấy-và-cũng-chẳng-nhận-biết, còn chúng ta? Nếu chúng ta CŨNG RƠI VÀO TÌNH TRẠNG NHƯ THẾ, vâng, dù chúng ta đang sống trong một rừng người giữa lòng Giáo Hội, chúng ta vẫn chỉ là những kẻ mồ côi.

Ngược lại, nếu chúng ta “biết Người”, Đức Giê-su nói: “Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”.

Thần Khí Chúa “ở giữa và ở trong” chúng ta, vâng, đó chính là ấn tín “Ơn Chúa Thánh Thần”, một ấn tín xác thực Đức Giê-su “không để chúng ta mồ côi”.

Petrus.tran


Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

Đừng xao xuyến…

*****   
Chúa Nhật  V - PS – A

Đừng xao xuyến…

Trong những ngày vừa qua, theo dõi tin tức trên truyền hình hoặc truyền thông mạng, có thể nói rằng, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều biến động hết sức nghiêm trọng. Nào là chuyện anh bạn láng giềng “16 chữ vàng – 4 tốt” ngang nghiên cắm dàn khoan tại biển đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Nào là hàng ngàn công nhân Việt Nam biểu tình phn đi Trung Quc, vi hu qu là hàng chc nhà máy b đt cháy, đp phá, phn ln là ca các công ty Trung Quc v.v… 

Trước tình hình này, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không lo lắng, hoang mang và bối rối. Làm sao không lo lắng và bối rối cho được, khi nguy cơ thất nghiệp cận kề, nhiều mối đe đoạ chiến tranh sẽ xảy ra.

Về phương diện thể xác là vậy, về phương diện tâm linh, dĩ nhiên, cũng sẽ  ảnh hưởng trầm trọng trên mỗi chúng ta. Sẽ có người, vì thế mà bất an, vì thế mà không còn sự bình an trong tâm hồn.
Có bao giờ chúng ta tự hỏi, khi phải đối diện với tình trạng như thế, chúng ta sẽ làm gì?

Tạ ơn Chúa, Đức Giê-su, người mà chúng ta đang tôn thờ, Ngài đã cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Anh  em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.
**
“Đừng xao xuyến và hãy tin”.  Đó… đó chính là thông điệp Đức Giê-su đã gửi đến các môn đệ trong lúc tâm hồn các ông cũng đang rơi vào tâm trạng lo lắng và bối rối.
Câu chuyện được bắt đầu vào một buổi chiều, một buổi chiều khi Đức Giê-su và các môn đệ cùng đồng bàn trong một bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua. Đó là một buổi chiều của những tin tức xấu, những tin tức buồn, của những nỗi bàng hoàng, lo âu và bối rối.

Làm sao các môn đệ không bàng hoàng cho được,  khi Đức Giê-su công bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.

Làm sao các môn đệ không lo âu cho được, vì có một người sẽ “chối Thầy ba lần”.

Làm sao các môn đệ không lo lắng và bối rối cho được vì Thầy Giêsu tuyên bố “Hỡi anh  em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh  em  một ít lâu nữa thôi”.

Ai! Ai sẽ là người phản bội Thầy? Anh cả Phê-rô, người được Thầy Giê-su giao trọng trách đặc biệt cai quản Hội Thánh tương lai, thế mà “gà chưa gáy, anh đã chối Thấy ba lần” ư!

Trong ba năm qua, các môn đệ đã bỏ hết mọi sự, nghề nghiệp, cuộc sống gia đình để theo Thầy Giêsu, với tất cả niềm tin và lòng phó thác. Họ đã có một cuộc sống an tâm bên cạnh Ngài. Khi thiếu bánh ăn, Thầy Giêsu hóa bánh ra nhiều. Khi gặp phong ba bão táp, Thầy Giêsu giải cứu họ. Khi cần, Thầy Giêsu dạy dỗ họ… Thế mà hôm nay, Thầy Giêsu lại nói : “Nơi tôi đi, các ngươi không thể đến được”… hỏi sao các ông không lo lắng và bối rối!

Phê-rô rồi đến Tô-ma đã không ngần ngại bộc lộ sự lo lắng đó. Một ông đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Thầy đi đâu ? Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được?”  Còn  ông  kia lúng  túng  hỏi  rằng “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao biết được đường”!
Đức Giê-su đã xua tan những lo lắng và bối rối của các ông qua những lời đàm đạo chân tình. Ngài không chỉ hé mở cho các môn đệ thấy nơi các ông sẽ đến, nhưng Ngài còn vẽ ra một “sinh lộ”, một “con đường” cho cuộc hành trình mà các ông sẽ phải đi qua. Một cuộc hành trình đi về “Nhà Cha”. Nơi Ngài sẽ đi trước để “dọn chỗ” cho các môn đệ của Ngài. Và cuối cùng, là để Ngài ở đâu thì các môn đệ của Ngài “cũng ở đó”.

Không chỉ có Phê-rô và Tô-ma, ông Philipphe cũng không khỏi lo lắng và bối rối khi đặt một câu hỏi với Đức Giêsu, rằng  “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”.

Và ông ta đã mãn nguyện khi Đức Giêsu trả lời: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Và rằng “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9…11).

Có thể nói, câu trả lời của Đức Giêsu như một “gạnh nối” nối kết “Trời và Đất”. Nó đã phá vỡ sự ngăn cách giữa con người và Thiên Chúa, sự ngăn cách mà xưa kia nguyên tổ Adam và Eva đã gây ra. Và hơn nữa, nó đã xoá tan những ưu tư phiền muộn, những lo lắng và bối rối về sự ra đi của Đức Giê-su.

Cuối cùng, để cho các môn đệ không còn xao xuyến và vững tin, Đức Giê-su khẳng  định, rằng: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”(Ga 14, 6).

***
Các môn đệ có tin và thực thi lời Đức Giê-su nói? Thưa có.
Không có dấu hiệu cho thấy các môn đệ nghi ngờ lời khẳng định trên của Chúa Giêsu. Bởi nếu các ông nghi ngờ, thì sau này làm gì có chuyện “Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,7).
Nhắc tới điều này để làm gì? Thưa, là để nói tới mỗi chúng ta hôm nay. Hôm nay, về mặt cá nhân, cuộc sống của mỗi chúng ta cũng không thiếu những âu lo phiền muộn, những lo lắng và bối rối.

Trong hoàn cảnh riêng tư của cuộc đời, sẽ có lúc chúng ta cũng lo lắng và bối rối trước một nan đề nào đó. Một cơn cám dỗ bội phản lời thề thủy chung chẳng hạn. Một cơn cám dỗ trước danh vọng, tiền bạc, quyền bính chẳng hạn. Một sự yếu đuối không dám làm chứng cho sự thật chẳng hạn.

Tại sao chúng ta không thể vượt qua sự sợ hãi, sự lo lắng và bối rối! Tại sao chúng ta không thể vượt qua những cơn cám dỗ nêu trên?

Phải chăng là vì chúng ta đã chọn sai con đường để đi? Phải chăng là chúng ta đã đi trên con đường mang tên “cá nhân chủ nghĩa”?

Vâng, đừng bao giờ nghĩ rằng, những âu lo phiền muộn, những lo lắng và bối rối, những cám dỗ của chúng ta hôm nay “nặng ký” hơn của các môn đệ xưa, nhưng hãy nghĩ rằng, khi gặp những nan đề nêu trên, chúng ta có tìm đến Đức Giê-su và đi trên con đường Ngài đã vạch ra, con đường mang tên “sự thật và sự sống”!?

Hãy nhìn xem, Giáo Hội tiên khởi, bất chấp ba trăm năm “hầm trú”, ba trăm năm bị bắt bớ, tù đày, thế nhưng, Giáo Hội vẫn vượt qua được những âu lo, những bối rối, những thử thách cũng là nhờ Giáo Hội “không xao xuyến và tin” vào Thầy Giê-su.

Thế gian, có câu nói rằng: “All roads lead to Rome - Đường nào cũng về La Mã”. Vâng, đó là chuyện của thế gian, còn chuyện “về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” thì chỉ có một con đường mà thôi, đó chính là  con đường mang tên “Giê-su” – Ngài chính là “đường, sự thật và là sự sống”.

Đừng quên rằng, Thánh Lễ chính là nơi chúng ta tìm thấy con đường mang tên Giê-su. Nơi đây, chúng ta sẽ tìm được “Sự Thật” qua  những lời Kinh Thánh. Nơi đây, chúng ta sẽ nhận được “Sự Sống” qua Bí Tích Thánh Thể, và cùng cuối, nơi đây chúng ta sẽ gặp được Đức Giê-su Phục Sinh, Ngài chính là “Đường” dẫn chúng ta về với Ngài, như lời Ngài nói “Thầy ở đâu, anh   em cũng ở đó”.

Bạn có tin thế không? Nếu tin… Vâng, hãy đến cùng Đức  Giê-su và  “Đừng xao xuyến”.

Petrus.tran








Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

Đức Giê-su: đến để chiên được sống.


 

Chúa Nhật IV – PS – A

 

Đức Giê-su: đến để chiên được sống.

 

Thế giới hôm nay, có thể nói, là một thế giới đầy bất ổn, bất ổn vì sự khủng hoảng kinh tế, bởi nạn thất nghiệp tràn lan, bởi sự tiềm ẩn của những mối đe dọa chiến tranh và khủng bố, bởi sự đạo đức băng hoại,  cuối cùng là bởi tội lỗi ngày một gian ác, ngày một gia tăng. 

 

Khi phải sống chung với những gánh nặng của sự bất ổn đó, con người luôn cảm thấy bất an. Và theo lẽ thường tình, khi cuộc sống gặp sự bất an, con người thường tìm đến một ai đó để nương náu, nhờ cậy. Chỉ tiếc rằng, không ít người, họ đã nương náu, nhờ cậy vào những nơi, những chốn không đem đến cho họ một cuộc sống bình an, một đời sống sung mãn.

 

Với người Ki-tô hữu, đứng trước những nan đề nêu trên, thông điệp được gửi đến, đó là: hãy nương cậy vào Đức Giê-su Ki-tô.

 

**

 

Hãy nương cậy vào Đức Giê-su Ki-tô ư! Vâng, đó chính là thông điệp của Ngài, rằng: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10)

 

Thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần, khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến. Đức Giêsu không khỏi “chạnh lòng thương xót !”… Đã có lần, khi nhìn đoàn dân lũ lượt đi theo, Đức Giêsu đã phải thốt lên với các môn đệ rằng : “họ như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6,34)

 

Tại sao Đức Giê-su lại có cái nhìn về những người đi theo Ngài như thế?

 

Thưa, là bởi, họ đang phải sống trong sự bất ổn trước ách thống trị của bạo quyền Roma. Đồng thời, họ còn đang phải oằn vai gánh nặng với những luật lệ do “các kinh sư và người Pharisieu” đặt ra hết sức phi lý.

 

Có tệ không kia chứ! Có ai lại chỉ biết “ngồi trên tòa Môse giảng dạy… rủ  cho được một người theo đạo, nhưng khi họ theo rồi, lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục…”.

 

Với bối cảnh như thế, những người đi theo Đức Giê-su có khác gì đang bị những kẻ “chăn thuê” dẫn dắt, họ có khác nào những con chiên lạc của nhà Israel !?

 

Chính vì thế,  một lần nọ, bất chấp những căng thẳng vốn đã xảy ra giữa Ngài và nhóm Pharisieu. Đức Giêsu tuyên bố rằng, “mọi kẻ đến trước tôi đều là tên trộm cướp” Và tiếp theo đó, Ngài khẳng định, rằng “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10,9).

 

***

Hôm đó, chỉ với một câu chuyện rất đời thường, sát với thực tế của cuộc sống, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy thế nào là người mục tử chân chính, thế nào là kẻ chăn thuê..  

 

Là mục tử chân chính, Đức Giê-su nói:  Đó  chính   những  ai “Đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử”.

 

Là mục tử chân chính, Đức Giê-su mô tả, rằng: họ chính là người “đi trước và chiên đi theo sau”.

 

Vâng, hình ảnh người mục tử “đi trước và chiên đi theo sau” gợi cho chúng ta nhớ đến Thánh Vịnh thứ hai mươi ba. Chỉ trong sáu câu ngắn ngủi nhưng Thánh Vịnh hai mươi ba đã  mô tả đầy đủ hình ảnh người mục tử chân chính đầy quyền uy.

 

Với “côn trượng” trên tay, người mục tử dẫn đưa đoàn chiên tới “dòng nước trong lành”. Quả thật là quá an toàn và chẳng có gì phải sợ nguy khốn.

 

Nếu xưa kia, con người cất tiếng mừng vui vì được “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”. (Tv 23, 1-2). Thì hôm nay, niềm vui đó như được nhân đôi, nhân đôi là vì chính Chúa Giêsu đã cất tiếng hòa theo nhịp điệu mừng vui đó, rằng: “Thật, tôi bảo thật: Tôi là cửa cho chiên ra vào”. Và rằng: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10)

 
****

Hôm nay, Chúa Nhật IV - Phục Sinh. Theo truyền thống, vào Chúa Nhật này, Giáo Hôi cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục.

 

Nói tới ơn thiên triệu, không ít người lo sợ rằng, với một thế giới cổ suý cho chủ nghĩa thế tục, thật khó để mà có nhiều người từ bỏ hết mọi sự, “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”.

 

Thật ra, điều đáng để sợ, đó là sợ rằng,  những người đã-được-Chúa-tuyển-chọn, thế mà, dù đã được năm, mười năm… dù đã vượt qua “kim khánh” thế mà vẫn chưa thấy quý  ngài  “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”.

 

Bởi vì chỉ khi “đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người”, người linh mục hôm nay mới có thể cùng Đức Giêsu “đi trước” chứ không phải “đi giữa hay đi sau” đoàn chiên và có thể cất tiếng “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, cuối cùng, đủ dũng cảm như “anh cả Phêrô” dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.

 

Về điểm này, Đức Giêsu nói “Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được”.

 

Vâng, chỉ khi thực thi mệnh lệnh đó, người mục tử hôm nay mới có thể được ghi nhận là người mục-tử-nhân-lành - “người mục tử đích thực”.

 

****

Trở lại câu chuyện nêu trên, vâng, chúng ta  có thể thấy rằng, để có thể “đi theo sau” người mục tử, “ra vào và gặp đồng cỏ” chiên phải nghe tiếng của người mục tử, phải  nhận biết tiếng của người mục tử.

 

Cuộc đời của một Kitô hữu, một cuộc đời đi theo Chúa, phải chăng cũng giống như hình ảnh một con chiên bước theo sau người mục tử! Và phải chăng, để có thể đi-theo-Chúa, người Kitô cũng cần phải nghe tiếng Chúa và nhận ra tiếng nói của Ngài?

 

Thưa, đúng vậy. Chính vì thế, giờ đây, chúng ta hãy để cho tâm hồn mình lắng đọng và tự hỏi rằng: Đã nhiều năm đi-theo-Chúa nhưng thật sự chúng ta đã “nghe tiếng Chúa” và “nhận biết tiếng Chúa gọi” trong cuộc đời mình!?

 

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ truyền thông hiện đại. Một trong những đặc tính của cuộc sống hôm nay là có quá nhiều tiếng gọi, có quá nhiều điều được rao giảng, được tuyên truyền trên trần gian này.

 

Thế nhưng, không phải tiếng gọi nào chúng ta cũng có thể đáp lời. Bởi  có thể tiếng gọi đó của Satan, của cám dỗ, của sự dữ, của “kẻ chăn thuê”.

 

Không phải lời rao giảng nào chúng ta cũng nghe theo. Bởi có thể đó là lời rao giảng của “tà giáo – tà quyền”.

 

Không phải lời tuyên truyền nào cũng dẫn đưa đến một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc. Bởi có thể đó là lời tuyên truyền láo khoét.

 

Hãy nhớ, Samuel chỉ có thể nghe tiếng Đức Chúa gọi trong đêm thanh vắng. Cũng vậy, chúng ta chỉ có thể nghe tiếng Chúa trong thinh lặng nguyện cầu.

Cũng đừng quên, Thánh Kinh chính là nơi chúng ta nhận ra tiếng người mục tử, và Thánh Thể chính là nơi chúng ta sẽ nhận được một thứ cỏ, không phải “cỏ dại” nhưng là chính Mình Máu Thánh Đức Giêsu. Một thứ cỏ cho chúng ta “được sống và sống dồi dào”.

 
Petrus.tran

 

 

 

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

CHÚA TRỖI DẬY THẬT RỒI.

Chúa Nhật III – PS – A

CHÚA TRỖI DẬY THẬT RỒI.

“Chúa trỗi dậy thật rồi”. Vâng, đó là một trong những niềm tin quan trọng nhất của người Ki-tô hữu. Chúa-trỗi-dậy-thật-rồi chính là nguyên lý sống còn cho Hội Thánh Chúa Ki-tô. “Chúa trỗi dậy thật rồi” chính là sự vẹn toàn của chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa ban cho con người.
Với chúng ta hôm nay, thật đơn sơ và giản dị khi tuyên xưng niềm tin này. Thế nhưng, với nhóm mười một tông đồ cũng như nhóm bảy mươi hai môn đệ xưa, để tin vào niềm tin đó, lại là một sự thách đố lớn đối với họ.
Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay (04.05.2014) qua câu chuyện “Đức Giê-su hiện ra với hai môn đệ trên đường Em-mau” sẽ  cho chúng ta thấy các ngài đã phải vượt qua  sự thách đố đó như thế nào.
**
Câu chuyện được kể lại rằng: Trên một con đường làng, có hai người lữ khách bước đi bên nhau. Hai người lữ khách đó, một người tên là Cơ-lê-ô-pát và người kia là bạn đồng môn. Họ là hai trong số những người môn đệ đã theo Đức Giêsu.

Theo Đức Giêsu, họ hy vọng một ngày kia, chính Thầy mình sẽ đem lại cho đất nước, cho gia đình, cho dân tộc một nền hòa bình, một sự giải thoát, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Roma.

Làm sao không tin tưởng như thế cho được. Chính Thầy Giêsu đã sai họ ra đi rao giảng cho mọi người rằng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc10,9). Hơn nữa, nằm trong nhóm bảy mươi hai môn đệ, họ đã nhìn thấy quyền năng của Thầy Giêsu, một thứ quyền năng mà chỉ cần “nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục”. (Lc 10,17).

Vì thế, ba năm trời “nằm gai nếm mật” cùng Thầy cũng là ba năm các ông mong đợi cho “Triều Đại” ấy mau đến. Hy vọng một khi Thầy Giêsu lên ngôi Vua, tệ lắm các ông cũng được một ghế trong nội các chính phủ!

Than ôi! sự việc lại không như mong muốn. Thê thảm quá! Hai người môn đệ không thể hiểu nổi một người đầy quyền năng, đầy lòng nhân ái như “sư phụ”, thế mà lại có một kết cục bi đát! Thầy Giêsu đã chết, chết trên thập giá, đã bị táng xác, bước qua ngày thứ ba rồi. Thế là chấm hết! Thế là “mộng vàng tan mây”!

Mang tâm trạng  “chẳng còn chi… chẳng còn chi… ngoài con tim héo”, hai người môn đệ, với “vẻ mặt buồn rầu”, với trái tim khắc khoải sầu thương “về những sự việc vừa mới xảy ra” cho Thầy Giêsu, họ trở về làng quê.

Con đường trở về làng chừng mười một cây số, ngày ra đi cảm thấy hăng hái làm sao! Than ôi! Hôm nay, sự hăng hái đó mất đi, thay vào là hình ảnh hai tấm thân “nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”.

Hôm đó, đang khi hai môn đệ chìm trong tâm trạng “nhớ nhớ buồn buồn với chán chường” thì bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện. Ngài “tiến đến gần và cùng đồng hành với các ông” (Lc 24, 15).

Dù đã cố gắng lục lại trí nhớ, nhưng các ông vẫn không sao “nhận ra Người”.  Không nhận ra, nhưng hai môn đệ vẫn coi người khách lạ như một người bạn đồng hành.

Thế là ba người cùng đi với nhau. Họ  trò  chuyện  với  Người-khách-lạ về  ông Giêsu người Na-da-rét. Họ tỏ vẻ buồn bực vì Thầy của mình “là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm củng như lời nói trước mặt Thiên Chúa  và toàn dân”; thế mà…  “thế mà các thượng tế và thủ lãnh (Do Thái)  đã nộp Người  để Người bị án tử hình và đã đóng đinh Người vào thập giá”.

Trước sự buồn bã, thất vọng, nghi nan, ngờ vực của hai người môn đệ, Người-khách-lạ  cất tiếng nói: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”.

Vâng, người ta thường nói “trước lạ sau quen”. Hôm ấy, quả đúng là khi được mời ở lại “vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” thì “Người khách lạ” không còn xa lạ đối với hai môn đệ.

Và như đã có một sự thân quen, trong bữa ăn tối, khi Người khách lạ “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho” các ông, qua cử chỉ bẻ bánh, chuyện kể rằng:  “Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người”.

Tiếc thay! Đức Giê-su, sau đó, như một sự thách đố “Người lại biến mất”.  Dù vậy, hai người môn đệ đã có thể vượt qua sự thách đố đó và hai ông đã “quay trở lại Giê-ru-sa-lem gặp nhóm Mười Một”.

Và  khi gặp  nhóm  mười  một , hai người  môn  đệ  đã  “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, 35).

***

Câu chuyện hai môn đệ trên làng Em-mau được chép trong Tin Mừng Thánh Luca (24, 13-35). 

Vâng, đọc lại câu chuyện này, chúng ta như được trở lại làng Em-mau xưa. Trở lại Em-mau xưa , để thấy rằng, cuộc đời mỗi chúng ta đang sống, đường đời mà chúng ta đang đi, cũng sẽ phải đương đầu với những nỗi buồn bực, chán nản và thất vọng như hai môn đệ xưa.

Cũng sẽ có những lúc “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” Cũng sẽ có những lúc ta chán nản và thất vọng khi phải đối diện với những nỗi buồn đắng cay đến độ dẫn tới chán chường và tuyệt vọng.

Nỗi buồn đó có thể là sự mất mát một người cha, một người mẹ, hay có thể là một “người em gái tôi thương”.

Nỗi buồn đó có thể chỉ vì chàng lỡ một thoáng đời-buồn-vui, nên nàng đành phải cất bước “sang ngang”.

Nỗi buồn đó có thể là một cơn hoạn nạn, một căn bệnh hiểm nghèo, một rủi ro trong kinh doanh, một thất bại trên thương trường.

Còn rất nhiều nỗi buồn vây quanh đường đời ta, mưa nhiều cũng buồn, nắng quá cũng buồn.. v.v… và v.v… buồn! 

Vâng, người ta thường nói “nỗi buồn càng dấu kín, càng thêm buồn khổ”.

Hai môn đệ trên đường Emmau, họ đã không dấu kín nỗi buồn. Họ “trò chuyện và bàn tán” với nhau. Họ trải lòng ra với Đức Giêsu, và hơn hết, họ cùng đồng bàn với Ngài.

Chính vì thế, với chúng ta hôm nay, chúng ta cũng phải “trò chuyện và bàn tán” với nhau. Và cách tốt nhất, đó là, hãy  đi đến nhà thờ, một con đường Em-mau mới, để “trò chuyện và bàn tán” với Chúa.

Đến nhà thờ, ta sẽ nói với Chúa về những nỗi buồn bực của ta. Nơi nhà thờ, vị Linh Mục,  như là hiện thân của Đức Giêsu Phục Sinh, ngài sẽ giải  toả  nỗi  buồn  bực  của  ta qua việc “giải thích Kinh Thánh” cho chúng ta nghe, qua những bài giảng trong Thánh lễ.

Đừng quên rằng, lòng-hai-môn-đệ-đã-bừng-cháy-lên sau khi hai ông đã được nghe Đức Giêsu Phục Sinh “nói chuyện và giải thích Kinh Thánh”(Lc 24, 32).

Thật vậy, nếu chúng ta “nghe Lời Chúa” và “mở rộng lòng đón nhận ân sủng Chúa Thánh Linh, như xưa kia hai môn đệ trên làng Em-mau đã đón nhận, có phần chắc, đường đời ta,  sẽ chẳng bao giờ phải đối diện với những nỗi buồn đắng cay, đắng cay đến độ dẫn tới chán chường và tuyệt vọng!

Nếu chúng ta “nghe Lời Chúa” và “mở rộng lòng đón nhận ân sủng Chúa Thánh Linh, sẽ chẳng bao giờ chúng ta, mới “chiều hôm nao tiếng hát bay cao. Quỳ bên nhau trước Đấng Tối Cao. Hứa yêu nhau trao câu thề chúng sống trọn đời”, nhưng chỉ vì một thoáng “đời mất vui khi đã vẹn câu thề” chúng ta lại sẵn sàng huỷ lời giao ước “sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”!.

Với chúng ta hôm nay, thế nào  “trải lòng ra với Đức Giêsu?” Phải chăng, đó chính là lúc chúng ta “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng” về những tội lỗi mình đã phạm?

Thưa, đúng vậy. Có nỗi buồn, không ít người, không cảm thấy buồn, đó là buồn cho tội lỗi của mình. Đây là một việc rất hệ trọng. Hệ trọng là bởi chính tội lỗi ngăn cản đức tin, và một khi đức tin bị ngăn cản, chúng ta không thể nhận ra đâu là dấu chỉ của Chúa, đâu là chương trình của Chúa.

Cuối cùng, với chúng ta hôm nay, “Đồng bàn với Đức Giêsu”. Vâng,  đó chính là lúc chúng ta  đi đến bàn Tiệc Thánh Thể, nơi sẽ cho chúng ta kiện toàn đức tin, đức cậy và đức mến.

Đừng quên, hai môn đệ trên đường Em-mau “đã nhận ra Chúa thể nào khi Người bẻ bánh” (Lc 24, …35).


****  
“Chúa trỗi dậy thật rồi”. Xưa, vào ngày thứ nhất, “ngày Chúa trỗi dậy” năm ấy, Kinh Thánh thuật rằng “bà Maria Mác-đa-la, đứng ở ngoài gần bên mộ, mà khóc” (Ga 20, 11). Nay,  vẫn thấy, không ít người trong chúng ta “cũng khóc”.  

Vâng,  “…Giữa cuộc đời, đi qua phận người, ai mà không từng rơi lệ! Có những giọt nước mắt lặng thầm, chảy ngược vào tim, có tiếng khóc nức nở, ai oán! Khóc là một biểu hiện trạng thái của tình cảm, người ta khóc vì hạnh phúc, vì đau khổ, vì oan khiên, vì nghịch cảnh, khóc mà vẫn nghe được tiếng Chúa gọi như Maria Macdala (Ga 20,11-18) (thì cũng nên khóc). Bởi đó không phải tiếng khóc than, nhưng là tiếng khóc thì thầm của nguyện cầu, tiếng khóc xua tan đau khổ, dẫn đến hạnh phúc!”. (lời chia sẻ của Tùng Trang - một blogger Công Giáo).

Chính vì thế, đừng để tiếng khóc của ta át hẳn tiếng Chúa gọi ta. Và cũng đừng “chăm chăm nhìn” vào nỗi thổng khổ trên đường đời của ta. Bởi như thế, làm sao chúng ta có thể thấy “Chúa trỗi dậy thật rồi” (Lc 24, 34)

Petrus.tran



Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...