Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Tôi muốn!


***********

CHÚA NHẬT XXII – TN – A

Tôi muốn!

Cách nay khoảng một năm, chính xác là vào ngày Chúa Nhật 28/07/2013,  đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 28 tại Brazil bế mạc. Trước lễ bế mạc hai ngày, đêm thứ sáu ngày 26/07, tại bãi biển  Copacabana, có rất đông các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về đây để tham dự nghi thức đi “Đàng Thánh Giá” cùng với đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô.

Bờ biển Rio, nơi thường tổ chức nhiều lễ hội, hôm ấy trở thành khung cảnh của suy niệm và nguyện cầu. Mười ba chặng Đàng Thánh Giá trải dài suốt trên gần một cây số của đại lộ Atlantico, với một đội ngũ 280 người, gồm các nghệ sĩ và các thỉnh nguyện viên cùng nhau “diễn nguyện” trong tình liên đới. Trong cùng lúc, các bạn trẻ khác, không phân biệt quốc tịch, màu da, đã thay nhau vác thập giá.

Đến chặng thứ mười bốn, chặng cuối cùng, được đặt tại lễ đài trung tâm. Nơi đây, một bài huấn từ dành cho giới trẻ,  đã được vị cha chung của Giáo Hội, ngài Phan-xi-cô, công bố.

Mở đầu bài giáo huấn, Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói, “Hôm nay chúng ta ở đây để đồng hành với Chúa Giêsu đoạn đường dài đau khổ và yêu thương của Người, đàng thánh giá, là một trong những khoảnh khắc mạnh mẽ nhất của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới”.  Và đặc biệt, ngài có nhắc đến một người môn đệ của Đức Giê-su, đó là tông đồ Phê-rô.

Vâng, tại sao không bế mạc đại hội bằng những“vũ hội”, đại loại như vũ hội Carnival với những vũ điệu Samba rực lửa… 3D, dễ thu hút hàng triệu người, như thói đời thường làm? Tại sao không nhắc đến những gương mặt nổi tiếng trong ánh mắt giới trẻ Brazil như: Pele, Zico, Socrates, Romario, Ro-béo, Ro-gầy v.v... mà lại nhắc đến ông Phê-rô, một tay chài lưới chẳng có tiếng tăm gì trên thế giới? Về điều này, tôi không biết.

Vâng, đi “đáng Thánh giá” và nhắc đến tông đồ Phê-rô, xin thưa, trước hết, là bởi, ngài chính là tấm gương mẫu mực của người môn đệ theo Đức Giê-su. Một người đã dám “từ bỏ mình”, một người, như lời Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói trong bài huấn từ, rằng: ...đã bước theo Thầy của mình, với lòng cản đảm, cho đến cùng”.

Và sau là, đi “đàng Thánh giá” chính là nhắc lại huấn lệnh khi xưa Đức Giê-su đã công bố, rằng: “Ai  muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (x. Mt 16, 24)

**
“Ai muốn theo Thầy...” Vâng, Đức Giê-su, sau một thời gian dài ra đi loan báo Tin Mừng, tiếng đồn về một ông Giê-su được đồn vang khắp xứ sở Palestina.

Người ta đồn rằng, Ngài: “... Giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền… Giáo lý thì mới mẻ; người dạy lại có uy quyền”, một thứ quyền uy khiến cho cả đến thần ô uế cũng phải thét lên rằng: “chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi” (Mc 1,24). Còn có lời đồn rằng, Đức Giê-su là “ông Ê-lia... hoặc là Gioan tẩy giả” v.v...

Nghe những lời đồn đó, có một số người tìm đến và muốn đi theo Ngài. Tuy nhiên, những người tìm đến và muốn đi theo Đức Giê-su, họ đều “vỡ mộng”. Vỡ mộng vì ý tưởng dấn thân của họ khác hẳn ý tưởng dấn thân của Đức Giê-su.

Trường hợp  một người thanh niên giàu có, muốn theo Đức Giê-su là một ví dụ điển hình. Chuyện kể rằng, có một lần, có một chàng thanh niên đến và ngỏ lời muốn theo Ngài, nhưng khi vừa nghe Đức Giêsu đưa ra điều kiện “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”… Thiệt tình! Khi anh ta nghe lời yêu cầu đóbuồn thay! “anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi…”(x.Mc 10, 22)

Ai muốn theo Thầy ư! Vâng, với Đức Giê-su, để theo Ngài, đừng có mơ mộng như hai anh em nhà Dê-bê-đê, muốn “một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”...

Sứ mạng của Đức Giê-su, khi xuống trần gian cứu nhân độ thế, đã được Ngài loan báo, rằng: “(Người) phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục,các thượng tế  kinh sư gây ra, rồi bị giết chết”... (x.Mt 16, 21)

Một đêm nọ, tại Giêrusalem, Đức Giêsu cũng đã nói rõ phương cách “cứu nhân độ thế” của Ngài cho ông Nicôđêmô, rằng “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”(Ga 3,14-15)

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao”. Giương cao như thế nàoThưa, chính là giương cao trên thập giá.

Hôm đó, để làm sáng tỏ “ý tưởng của Thiên Chúa” và cũng là ý tưởng của Ngài, Đức Giê-su đã có huấn lệnh cho các môn đệ rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

***
Trở lại bài giáo huấn của đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô. Vâng, khi nói về tông đồ Phê-rô, ngài đã kể lại câu chuyện truyền thống cổ xưa của Giáo Hội Roma.

Chuyện kể rằng: “Tông đồ Phê-rô, khi ra khỏi thành để trốn cuộc bách hại của hoàng đế Neron, thánh nhân đã gặp Chúa Giê-su đi ngược lại, ngài rất lấy làm kinh ngạc và đã hỏi Chúa: ‘Lạy Thầy, Thầy đi đâu vậy?’.  Chúa Giê-su trả lời: ‘Thầy đến Roma để chịu đóng đinh lần nữa’. Hiểu được ‘tư tưởng của Thầy’, chuyện kể tiếp rằng:  thánh Phê-rô trở lại thành Roma. Ngài tử đạo tại đó. Cái chết của ngài, cũng là một cái chết trên thập giá như Thầy Giê-su”.

Tông đồ Phê-rô, quả đúng là đã “từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” Đức Giê-su.

****
Với chúng ta hôm nay, thế nào là “từ bỏ chính mình?”. Phải chăng,  là cũng phải “chết”, như Phê-rô đã chết, trên cây thập giá năm xưa?
Xin thưa, không phải vậy. “Từ bỏ chính mình” không có nghĩa là “biến mất khỏi thế gian này”. Từ bỏ chính mình, đó chính là “từ bỏ cái tôi của tôi – từ bỏ cái tôi trong tôi”.  
  
Làm thế nào để có thể  “từ bỏ cái tôi của tôi – từ bỏ cái tôi trong tôi”?
Vâng, tông đồ Phao-lô, với kinh nghiệm bản thân, ngài đã đưa ra một lời khuyênmột lời khuyên chân tình, rằng: “Đừng có rập theo đời này…”.

Đúng vậy, đừng có rập theo thói hư tật xấu của người đời, như: thói “ham tiền bạc, khoác lác kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trác, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa...v.v...” (x.2Tim 3, 2-4).

Thánh nhân có thêm lời khuyên rằng: “…nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo”( x.Rm 12, 2)   

“…Ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” không ở đâu xa, mà ở ngay trong những trang Kinh Thánh (Lời Chúa).  

Một bức họa chân dung, nó chỉ có thể trở nên sinh động khi đã được người họa sĩ “điểm nhãn”.  Với chân dung của một Ki-tô hữu, cũng vậy, anh (chị) ta cũng phải được “điểm nhãn”, điểm nhãn bằng chính “Lời Chúa”. 

“Lời Chúa”, như lời tông đồ Phê-rô nói, là một thứ “sữa tinh tuyền… nhờ đó anh em sẽ lớn lên”, lớn lên trong đức tin. Sự lớn lên trong đức tin chính là một sự “lột xác”, lột xác khỏi “cái tôi của tôi – cái tôi trong tôi” để sống một cuộc sống, một cuộc sống mới, rằng “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi,  mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

****
Đức Giê-su nói “Ai  muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Là một Ki-tô hữu, người môn đệ của Ngài, chúng ta  có “muốn?”

Phải chăng, chúng ta không chỉ trả lời là “Tôi muốn”, nhưng còn “khoe” những cây thập giá mà mình đang  vác “trên cổ… trên vành tai… trên mái tóc highlight”… Nó được làm bằng vàng bốn số 9999, nó được làm bằng bạc, được trạm trổ tinh vi, được mua từ Roma, nó bằng gỗ nhưng là gỗ cẩm lai và được cẩn thêm những viên ngọc lấp lánh v.v.. và v.v…!?

Với những loại “thập giá” đó, Lm. Nguyễn Tầm Thường, nhận định rằng, nó chỉ “là đồ trang sức, là đơn vị kinh tế tính bằng tiền bạc, là phương tiện tranh đấu, có thể là duyên cớ cho lòng thèm muốn tham lam, hoặc có thể để phân biệt chức vị trong xã hội”.

Sau lời nhận định nêu trên, Lm Nguyễn Tầm Thường chia sẻ, rằng, “Vác Thánh giá để đi theo một người chứ không phải để thỏa mãn tò mò về một người. Như thế, Thánh giá không phải là một định nghĩa để hiểu biết bằng trí tuệ mà phải hiểu bằng lối sống. Bởi đó, kẻ không theo Ngài thì sự hiểu biết tri thức về Thánh giá chẳng có ý nghĩa gì. Kẻ đã theo Ngài thì không cần tìm định nghĩa cho Thánh giá. Vì đã theo Ngài thì biết Thánh giá là gì rồi. ‘Về phần tôi, ước chi tôi đừng có vinh quang nơi một điều gì, trừ phi là nơi thập giá của Chúa chúng ta’…”(Gl. 6,14) (Trích trong NƯỚC MẮT & HẠNH PHÚC)

Vâng, “trừ phi tôi muốn…”  Trừ phi tôi muốn “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì…”; ngoài việc “tôi muốn mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu… Tôi muốn cười vào những khoe khoang. Tôi muốn khóc thương đời điêu tàn”. (Tôi muốn*)

Và “ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì”, ngoài việc “cố gắng yêu thương người. Dù người không yêu ta, (vẫn) cứ yêu thương hoài. Mặc người ai quen ai, hãy cho nhau một lời”. 

Và ước-chi-tôi-chẳng-hãnh-diện-về-điều-gì, ngoài việc “cố gắng yêu thương đời. Dù đời không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài. Mặc đời ta không ai, hãy vững tin yêu đời”. (Yêu người-Yêu đời**)

Biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu, hoặc, cố gắng yêu thương người dù người không yêu ta… đó là gì, nếu không phải là giới răn “yêu người” mà Đức Giê-su đã truyền dạy!

Biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu, hoặc, cố gắng yêu thương người dù người không yêu ta… đó là gì, nếu không phải là “thập giá hằng ngày” mà chúng ta luôn đối diện?

Nói về thập giá, khi gặp điều bất hạnh, người ta thường than thở: “Cuộc đời tôi khổ quá! Sao Chúa lại bắt tôi vác thánh giá nặng thế này!” Vâng, quả là một sự “đổ lỗi” trơ trẽn.

Kinh Thánh chép rằng, Đức Giê-su bị bắt, bị làm nhục, bị nhạo bang, bị đánh đập, và sau cùng, người ta làm một cái thập giá, bắt Ngài vác đi , tới Golgotha, người ta đóng đinh Ngài trên cây thập giá đó. (x.Mc 15, 16)

Về điều này, Lm Nguyễn Tầm Thường chia sẻ tiếp, rằng: “Như thế, thập giá trong ý nghĩa bất hạnh là sản phẩm của con người. Con người đã có sáng kiến chế ra thập giá để đóng đinh Chúa: Nếu thập giá là sản phẩm của con người, thì phải nói, con người đã gởi thập giá cho Chúa , chứ Chúa làm gì có thập giá mà gởi cho con người?” 

Chúa Giê-su đã phán: “Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” kia mà!

“Biết thương nhau, không oán ghét không gây hận sầu, hoặc, cố gắng yêu thương người dù người không yêu ta,,hãy cứ yêu thương hoài; có khác gì lời Đức Giê-su mời gọi “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”?!

Và, nếu đây có là “thập giá” thì nó đã trở thành Thánh giá – Thánh giá Chúa Ki-tô. Với thánh giá này, Ngài cũng chỉ mời gọi và luôn mời gọi “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.
Hãy để tâm hồn một phút trong thinh lặng và hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi sẽ thưa với Ngài, rằng: “Tôi muốn”!?

Petrus.tran
------------------
(*) (**) Tác giả Lê Hựu Hà.







Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Thầy là Đấng Ki-tô...



Chúa Nhật XXI – TN – A    
                
 Thầy là Đấng Ki-tô…

Bạn có thích trở thành người nổi tiếng? Vâng, có lẽ không ít người trên thế giới này đều công nhận rằng, trở thành người nổi tiếng là một ước mơ. 

Thế nhưng, có ai biết rằng, khi trở thành người nổi tiếng cũng là lúc có biết bao nhiêu sự phiền toái nảy sinh. Thật vậy, người nổi tiếng luôn luôn là đề tài, là đích ngắm cho giới truyền thông. Từ nguồn gốc gia đình cho tới lời nói việc làm của họ, luôn bị “soi” một cách đặc biệt khác thường. 

Trong quá khứ, có một người rất nổi tiếng, do đã bị “soi” quá kỹ, kỹ đến độ dẫn đến cái chết bởi một tai nạn xe hơi rất thương tâm. Đó là trường hợp công nương Diana. 

Không chỉ công nương Diana, mà bất cứ ai, khi trở thành  người nổi tiếng, cũng đều bị soi từ chân tơ kẻ tóc. Trường hợp của ngài Barack  Obama, khi còn là thượng nghị sĩ, chẳng ai thèm đoái hoài nhìn tới, nhưng khi trở thành tổng thống, mọi nghi vấn về sinh quán của ông ta lập tức bị mang ra soi xét, là một ví dụ điển hình.

Nói tới người nổi tiếng, có một nhân vật, không thể không nhắc đến,  một nhân vật luôn là đề tài, là đích ngắm một cách đặc biệt khác thường, hơn hẳn sự khác thường bình thường. 

Nhân vật đó, chính là Đức Giê-su. Ngài không chỉ bị “soi xét” từ hơn hai mươi thế kỷ trước, mà hôm nay vẫn còn là một đề tài nóng bỏng, một đề tài với biết bao nhiêu lời xầm xì bàn tán. 

Đức Giê-su là ai? Là ai mà đã có biết bao câu hỏi được đặt ra, biết bao nhiêu cặp mắt “soi xét” đời tư của người.? 

** Đức Giê-su là ai ư! Vâng, hãy trở về Palestina, nơi được gọi là xứ sở của chà là, hơn hai mươi thế kỷ trước. Chuyện kể rằng, tại đây, có một người tên là Giêsu. Khi còn trong thời kỳ sống ẩn dật tại làng quê Na-da-rét, Đức Giê-su chỉ là một kẻ vô danh đối với đa số người Do Thái. Mọi công việc Ngài làm, không có một biểu hiện gì khiến cho mọi người phải chú ý đến.

Thế nhưng, khi Đức Giê-su  “trạc ba mươi tuổi” và  khởi sự ra đi loan báo Tin Mừng, thì, Ngài không còn là một nhân vật vô danh tiểu tốt nữa.

Thật vậy, “Từ lúc Ngài đi khắp vùng Galilê… rao giảng Tin Mừng…Từ miền Galilê, vùng thập tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan”, thì, thật đáng ngạc nhiên, ngạc nhiên khi dân chúng  bất chấp trở ngại đường xá xa xôi, họ “lũ lượt kéo đến đi theo Người”. (Mt 5, 23-25).

Chuyện gì khiến họ cùng nhau kéo đến đi theo Đức Giê-su? Thưa, chuyện là vầy, khi Đức Giê-su xuất hiện, dân chúng đã được nghe Ngài “giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” và rằng, Ngài đã loan báo một thứ “Giáo Lý mới mẻ”, và cuối cùng, họ nhìn nhận rằng: “người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 27).

Và thực tế là Đức Giêsu còn làm nhiều phép lạ. Thật vậy, nơi đâu Ngài xuất hiện, lập tức nơi đó “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt…”. Nhân chứng Mat-thêu đã thuật lại rằng “Người đã chữa họ lành”. Qua những phép lạ đó “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri” (Mt 4,24).

Khi danh tiếng Đức Giê-su được đồn đãi ra, có rất nhiều dư luận nói về Ngài. Có dư luận tốt, cũng có dư luận xấu. Tất nhiên, những nguồn dư luận đó đến tai Đức Giêsu. 

Chính vì thế, vào một hôm, khi Thầy và trò “đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Philipphe”. Tại nơi đây, Đức Giêsu đã làm một cuộc chất vấn các môn đệ. Ngài hỏi các môn đệ rằng “Người ta nói Con Người là ai?”

“Người ta nói Con Người là ai ư?” Đây có phải là một câu hỏi quá bất ngờ đối với các môn đệ? Thưa không? Tại sao? Thưa, là bởi, sau khi Đức Giê-su đưa ra câu hỏi, ngay lập tức các môn đệ có ngay câu trả lời. Có lẽ chưa có lúc nào bầu không khí trong nhóm các môn đệ lại sôi động như lúc này. Sự sôi động chẳng khác nào một cuộc điều trần trước “lưỡng viện quốc hội”.

Những tin đồn liên quan đến Đức Giêsu đã được các ông tường trình lại một cách cặn kẽ. Nào là dân chúng đồn rằng, Thầy là “ông Gioan tẩy giả”, nào là thiên hạ phao tin rằng, Thầy là “ông Ê-li-a… là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. 

Vâng, đại diện cho dân cử, là mười hai ông nghị sĩ. Mười hai ông nghị sĩ, thật đáng tiếc, đã đưa ra một bản tường trình không như mong đợi.

Thầy Giêsu là Gioan Tẩy Giả ư! Là Êlia tái thế! Là Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ ư! Ôi ! thật tiếc!

Tiếc vì, một cách chắc chắn rằng, “người ta” đã quên cuộc gặp gỡ giữa họ và Gioan Tẩy Giả “bên kia sông Giodan, nơi ông Gioan làm phép rửa”.

Vâng, chính nơi đó, khi “ông Gioan thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, liền nói: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”(Ga 1, 29-30).

“Đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” thì làm sao là “tôi” cho được!

Vâng, rất có thể Đức Giêsu không ngạc nhiên lắm với những lời nhận định về Ngài như thế. Không ngạc nhiên, bởi những lời nhận định đó chỉ là những lời nhận định theo nhãn giới phàm nhân.
Thì đấy, với đôi mắt người phàm, có ai mà không thấy những gì Ngài đã giảng dạy; như kêu gọi mọi người “hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần”, thì Gioan tẩy giả cũng giảng dạy như thế. 

Hoặc  phép lạ Ngài đã làm “hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Cana” cho tới phép lạ “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, thì cũng vậy, cũng một ngôn sứ Êlia, nhờ lời cầu nguyện với Đức Chúa mà “hũ bột và vò dầu” của một bà góa ở Xarepta “không vơi và chẳng cạn”. Con trai của bà “bệnh tình trầm trọng đến nỗi đã tắt thở” cũng đã được “Đức Chúa nghe tiếng ông kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với nó, và nó sống” (1V 14,22).

So sánh những sự kiện trên, quả  thật,  để có thể nhận biết Đức Giê-su thật sự là ai, thì người đó, theo lời Đức Giê-su nói, vâng, người đó phải được mặc khải bởi “Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. 

Vui thay! hôm đó, chỉ một Phê-rô, một Simon Phêrô “thật là người có phúc vì không phải phàm nhân mặc khải cho (ông ta) điều ấy”, hôm đó, Simon Phê-rô nhờ sự mặc khải của “Đấng ngự trên trời”, ông ta mới có thể thốt lên rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (Mt 16,16).

*** “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Phải chăng, hôm ấy, Phê-rô trả lời theo kiểu “hên xui may rủi”?  Thưa, không phải vậy. Câu trả lời cùa Phê-rô  không phải là một thứ “thông tin” như những thông tin rẻ tiền nơi những trang báo lá cải thường hay loan tin về những nhân vật nổi tiếng. Câu trả  lời của Phê-rô là một hành động tuyên xưng niềm tin.

Đừng quên, ở một lần khác, chỉ vì “nuốt không trôi” mặc khải về bánh-hằng-sống, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Đức Giêsu. Phêrô, lại là Phêrô, một lần nữa, thay mặt nhóm mười hai, tuyên xưng niềm tin của mình trước Thầy Giêsu. “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”(Ga 6,69).

Hai lần xác tín. Hai lần tuyên xưng. Một lần hôm trước và một lần hôm nay đủ để thấy lời tuyên xưng của ông không do bởi “phàm nhân mặc khải”. Chính vì thế, hôm nay, hỏi sao Đức Giê-su không ngần ngại gọi  Phê-rô “là Tảng Đá”, một thứ “Tảng Đá” mà Ngài sẽ dùng để “xây Hội Thánh của Ngài”. Hỏi sao Đức Giêsu không ngần ngại hứa trao cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời” cùng với quyền năng “cầm buộc – tháo cởi”…

 Phụng Vụ Lời Chúa năm nay, hai lần đọc bài Tin Mừng này (Mt 16, 13-20), lần trước, vào Chúa Nhật 29/06/2014 và hôm nay, Chúa Nhật 24/08/2014. Đừng nghĩ đây là một việc làm dư thừa, mà hãy nghĩ rằng, nó cần đọc đi đọc lại trong suốt cuộc đời Ki-tô hữu của mỗi chúng ta. Nó cần phải được ghi khắc trong tận sâu thẳm tâm hồn của mỗi chúng ta.

Tại sao? Thưa, là bởi, nó chính là “bửu bối” để chúng ta tỉnh táo trước một thế giới ngày đêm cổ vũ con người từ chối Thiên Chúa, trước một xã hội ra rả kêu gọi con người từ bỏ Giáo Hội. Hơn nữa, nó còn là chiếc phao cứu sinh, giúp chúng ta vượt qua được “Chốn ba đào nhiều phen nguy biến. Quanh chúng ta quỷ ma chực liên”.
Vâng, chỉ cần ghi khắc một câu thôi,  một câu Đức Giê-su đã nói với Phê-rô, rằng: “Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.

Hãy tin “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (x. Mt 16, 18).

**** Làm sao để có thể xác tín rằng, tôi đã đặt tất cả niềm tin vào “Tảng Đá” – Tảng-Đá mà Đức Giê-su đã xây Hội thánh của Ngài?
Thưa, chắc hẳn không ai trong chúng ta phủ nhận rằng, cách tốt nhất để xác tín niềm tin của mình, chính là cách trả lời của mỗi chúng ta về câu hỏi Đức Giê-su đã đưa ra, rằng “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” 

Vâng, “Giờ này, đối với tôi, Đức Ki-tô là ai rồi? Giờ này, đối với tôi, Ngài còn là Ngài hay thôi. Là một chiếc bóng bên đường, một lần cất bước đi qua, để lại thoáng chút dư âm và rồi lòng quên hay nhớ?”(*) Hay, phải chăng, hôm nay, đối với tôi, Đức Ki-tô chỉ là người “Một lần đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất bước ra đi, để lại thoáng nhớ mong manh rồi tan dần với thời gian”?

Trước khi trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần biết rằng, chúng ta không cần thắc mắc hay giận dữ với những câu trả lời về Đức Ki-tô của thế gian này. Bởi những câu trả lời về Đức Ki-tô của thế gian này chỉ là những câu trả lời đầy “gian dối”. 

Thật vậy, thế gian này, với phương tiện truyền thông hiện đại như hôm nay, họ đã đưa ra cả trăm, cả triệu, cả hằng triệu câu trả lời đầy gian dối, rằng thì-là-mà Thiên Chúa đã chết rồi…r Rằng  “bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm” coi Thượng Đế như là không có trên trần gian này.… Vâng, đại loại là thế v.v… và v.v…

Vấn đề của chúng ta hôm nay, đó là, đừng để mất thời gian đối chất hay  tranh luận với những kẻ đã đưa ra những lời “lộng ngôn” như thế. Điều cần thiết, hay nói đúng hơn, rất khẩn thiết, đó là, chúng ta hãy tự có câu trả lời cho chính bản thân của mình..

Tất nhiên, câu trả lời của chúng ta  không chỉ là cất lên tiếng hát, hát rằng: “Giờ này đối với tôi Đức Ki-tô là vua trời, vào đời chết cho tôi vì một tình không biên giới. Ngài hằng dẫn lối đưa đường, đồng hành sánh bước ngay bên. Ngài là ánh sáng trong đêm, nguyện lòng không chút nào quên”, nhưng còn phải bằng chính cuộc “hành trình” sống đức tin của chúng ta.

Cuộc hành trình đó, như lời giảng của đương kim Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã giảng trong thánh lễ sáng  thứ năm, 20/02/2014, tại nhà nguyện Santa Marta, rằng,  sẽ là  “…một hành trình rất dài, hành trình của ân sủng và tội lỗi, hành trình của một người môn đệ. Chúa Giêsu đã không nói với Phêrô và các Thánh Tông Đồ ‘Hãy biết Ta!’; nhưng Ngài nói: ‘Hãy theo Ta!’ Và việc theo Chúa Giêsu này làm cho chúng ta biết Ngài. Chúng ta theo Chúa Giêsu với sức mạnh của chúng ta, và cả với tội lỗi chúng ta, nói tắt một lời, đó là luôn luôn theo Chúa. Điều cần thiết không phải chỉ là học biết điều này điều nọ, nhưng là sống cuộc sống của một môn đệ của Người." (nguồn: VietCatholic).

Thế nào là  “sống cuộc sống của một môn đệ của Người"? Thưa,  một cách trọn vẹn nhất, Đức Giê-su có lời dạy rằng: “Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày”. Thập giá của tình yêu thương, một tình yêu “không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù” (1Cor 13,4-5), một  tình yêu sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,…13)

Nếu… nếu chúng ta sống trọn vẹn “cuộc sống của một môn đệ của Người”, đó chính là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, và hơn thế nữa, đó cũng chính là cách chúng ta làm sáng danh Đức Giê-su,  “Người” mà chúng ta đã tuyên xưng rằng: “Thầy là Đấng Kitô”, dĩ nhiên không phải Kitô theo chủ thuyết Marx, một thứ chủ thuyết coi tôn giáo như là thuốc phiện, hay Ki-tô theo kiểu Dan Brown đã mô tả  trong  cuốn tiểu thuyết của ông ta, nhưng là “Đấng Kitô - ConThiên Chúa hằng sống”.                                                              

Petrus.tran

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Bà muốn sao thì sẽ được vậy…

  Chúa Nhật XX – TN – A

Bà muốn sao thì sẽ được vậy…

Một trong nhiều đức tính cần có để đạt được sự thành công hoặc một ước mơ nào muốn vươn tới, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không công nhận rằng, đó chính là đức tính kiên nhẫn. Lịch sử đã cho chúng ta thấy rằng, đa phần sự thành công mà con người đạt được đều  là nhờ vào sự kiên nhẫn và lòng kiên trì.

Một tấm gương kiên nhẫn đáng nể đã được lịch sử ghi lại, đó là tấm gương của nhà phát minh Thomas Edison. Là một đứa bé có thói quen hay tìm hiểu nguyên do và quy luật của mọi vật, mọi hiện tượng, mặc dù không xuất sắc lắm với việc học hành ở trường, nhưng với lòng yêu thích khoa học và ham muốn tìm hiểu, Edison đã kiên nhẫn theo đuổi cho bằng được hoài bão của mình.

Người ta kể rằng, để có tiền mua sách, mua dụng cụ thí nghiệm, Edison đã phải làm rất nhiều công việc tay chân như bán báo, bán rau quả. Dù phải nếm trải nhiều thất bại nhưng ông vẫn kiên nhẫn và cuối cùng thì nhân loại đã được thừa hưởng hơn 1.500 phát minh của ông. Để thành công trong công việc, Edison cho rằng, do 10% thiên tài, phần còn lại là do 90% sự nhẫn nại và lòng kiên trì.

Một tấm gương kiên nhẫn khác cũng rất đáng kính nể, đó  là Helen Keller. Do mắc một căn bệnh, Helen Keller bị mù ,câm và điếc từ khi 19 tháng tuổi. Tuy vậy, như lời Keller nói sau này: “Than thân trách phận là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta, và nếu ta đầu hàng nó, ta sẽ chẳng làm được gì khôn ngoan trên thế giới này”, Keller đã vượt qua được số phận hẩm hiu của mình.

Với sự dạy dỗ của một giáo sư, Helen Keller đã theo những khoá học tại một đại học. Đến năm 1904 Keller tốt nghiệp và trở thành người mù-điếc đầu tiên được tốt nghiệp đại học. Bà ta xuất bản nhiều tác phẩm và cống hiến hầu hết thời gian của mình cho nhưng người mù và điếc trên toàn thế giới.

Nói tới đức tính kiên nhẫn thì, phụ nữ là “số một”. Vâng, để đạt được một ước muốn nào đó, người phụ nữ rất “lì đòn”, dẫu cho họ có phải đứng trước những thách thức cam go. Câu chuyện “người đàn bà Ca-na-an” được ghi trong Tin Mừng Thánh Mát-thêu là một minh chứng điển hình.

**
Câu chuyện được kể rằng: Một ngày nọ “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đôn…”(Mt 15, 21). Theo nhiều nhà chú giải thì “Tia và Xi-đôn” ngày nay thuộc miền nam Liban, và được biết đến như là miền giáp ranh với đất của dân ngoại.

Nhắc tới điều này để biết rằng, hôm đó,  không phải là lần đầu tiên Đức Giê-su cùng với các môn đệ đi qua vùng đất dân ngoại. Đã có lần Thầy và trò băng qua Samari, cũng là vùng đất của dân ngoại. Tại đó, có một người phụ nữ Samari đi lấy nước và đã gặp Đức Giê-su.

Hôm nay, khi đến Tia và Xi-đôn, Đức Giêsu cũng gặp một người phụ nữ. Nếu ở Samari, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samari là một cuộc chuyện trò cởi mở và chân tình. Thì hôm nay, ở  Tia và Xi-đôn, người phụ nữ, còn được gọi là “người đàn bà Ca-na-an”, lại có một cuộc chuyện trò đầy cay đắng với Đức Giê-su.

Chuyện là thế này, khi thấy Đức Giê-su, người đàn bà Ca-na-an liền kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”

Xin rủ lòng thương bà ư! Ôi! Thiên Chúa, như lời Đức Giê-su nói: “Yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết…”(Ga 3, 16).

Bà Ca-na-an ơi! Tạm gọi tên bà như thế nhé! Bà gõ đúng cửa rồi… Đức Giê-su, người bà vừa lớn tiếng gọi, Ngài chính là Con Một Thiên Chúa, Ngài đến thế gian là “để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu”… Bà yên chí đi nhé!

Thế nhưng, than ôi! Khi bà ta cất tiếng thở than “Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm”, thì, Đức Giê-su “Người không đáp lại một lời”. (x.Mt 15, 23)

Sao Đức Giê-su lại im lặng? Tại sao khi bà Ca-na-an cất tiếng “…kêu lên Ngài, nhưng Ngài không đáp”? Tại sao bà ta “…trình diện Ngài, nhưng Ngài chẳng lưu tâm.”! (Gióp 30, 20)

Phải chăng sự im lặng của Đức Giê-su giống như “sự im lặng đáng sợ” của những quan tham ngày nay mà báo chí vẫn thường lên tiếng?

Thưa, không phải vậy. Thái độ im lặng của Đức Giê-su không có nghĩa là Ngài vô cảm, không có nghĩa là Ngài từ chối yêu thương. Đức Giê-su chậm trả lời là vì Ngài “dè giữ lời nói”, bởi,  như lời Kinh Thánh nói, đó “mới là người khôn” (x.Cn 10, 19)

Thật vậy, chính sự im lặng đầy khôn ngoan  của Đức Giê-su đã tạo ra  hình ảnh một người phụ nữ kiên nhẫn, dũng cảm đương đầu trước một cuộc “tranh luận”, một cuộc tranh luận sinh tử.

Hôm đó, mặc cho những lời đối đáp đầy cay đắng được tuôn ra, rằng: “không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Thế nhưng,  người đàn bà Ca-na-an vẫn kiên nhẫn khẩn khoản nài xin rằng, dù sao đi nữa “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” nữa chứ, Thưa Thầy!

Không thấy Tin Mừng Mát-thêu mô tả, nhưng chúng ta có thể tin rằng, sau lời biện luận đầy tha thiết của người đàn bà Ca-na-an là một sự thinh lặng, một sự thinh lặng nơi tâm hồn bà, một tâm hồn  “run như run thần-tử thấy long nhan – run như run hơi thở chạm tơ vàng”(*).

Jean Jacques Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát…”. Điều này thật đúng cho người đàn bà Ca-na-an.

Hôm đó, bà ta đã nhận không biết bao nhiều lời “đằng chát”, nào là những lời đắng chát từ các môn đệ  yêu cầu  Thầy Giêsu “bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu nài mãi”, nào là bị xếp trong thành phần “chó con”, một thứ ngôn từ mà người Do Thái thời đó dùng để nói tới “dân ngoại”, không phải dân riêng của Thiên Chúa.

Thế nhưng, cũng là lời của Jean Jacques Rousseau “…nhưng quả của nó lại ngọt”. Vâng, hôm ấy, trước sự kiên nhẫn và lòng tin của bà Ca-na-an, “Con vua Đa-vít” đã phải rung động cõi lòng, đã phải chạnh lòng thương xót mà thốt lên rằng “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Nhân chứng Mát-thêu khép lại câu chuyện bằng tám chữ ngắn ngủi nhưng đủ để mô tả những “quả ngọt” mà người đàn  bà Ca-na-an nhận được, đó là tám chữ: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi” (Mt 15,…28).

***
Câu chuyện người đàn bà Ca-na-an quả là đã để lại cho chúng ta rất nhiều điều cần học hỏi và noi theo. Và có lẽ, không ai có thể phủ nhận, điều chúng ta cần học hỏi và noi theo đó chính là đức tính kiên nhẫn.

Tại sao? Thưa, trước là bởi, đức tính kiên nhẫn có thể được coi là “cầu nối” dẫn đến các đức tính khác; nó như là chất xúc tác góp phần tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái.

Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết đến một nhân vật nhờ đức tính kiên nhẫn nên đã tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái, người đó chính là Gióp.

Cho dù bị rơi vào thảm cảnh mất mát tài sản, con cái chết chóc, ông ta vẫn đón nhận trong một tinh thần kiên nhẫn chịu đựng không chút oán trách thở than.

Nhờ vào đức tin, ông ta đã không để cho những lời trách cứ điên rồ của bà vợ, rằng “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa và chết đi cho rồi.”, ảnh hưởng đến đức cậy và đức ái của ông ta. Nhờ “kiên vững” trong đức tin ông đã có thể thốt lên rằng “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (x.G 2, 9-10)

****

Giờ đây, chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi, rằng: “Đâu là giới hạn sự kiên nhẫn của tôi trước một đứa con hư hỏng? – Đâu là giới hạn sự kiên nhẫn của tôi trước một ai đó cứ luôn tìm cách nói xấu, nói hành nói tỏi tôi? Nói chung, đâu là giới hạn sự kiên nhẫn của tôi trước những đụng chạm trong gia đình, ngoài xã hội và ngay cả trong Giáo Hội?

Đâu là giới hạn? Thưa, Đức Giê-su đã cho chúng ta câu trả lời qua câu chuyện sau đây.

Câu chuyện kể rằng: Tông đồ Phê-rô đã có lần hỏi Đức Giê-su “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”

“Đến bảy mươi lần bảy”… Vâng, để có thể làm đúng lời Chúa dạy, chắc chắn mỗi chúng ta phải mất rất nhiều sự kiên nhẫn.

Nói là vậy, chứ thật ra, trong đời sống thường nhật, trong Giáo Hội, trong gia đình hay ngoài xã hội; chỉ cần một “chút” lòng kiên nhẫn, chúng ta cũng có thể “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem niềm vui đến chốn u sầu”.

Thật vậy, chỉ cần một chút lòng kiên nhẫn, chúng ta sẽ không bao giờ nổi cơn thịnh nộ trước một đứa con chậm chạp, kém thông minh. Thì đấy, không thiếu những tin tức trên truyền thông báo chí hoặc internet cho chúng ta biết, chỉ vì thiếu kiên nhẫn, không ít bậc cha mẹ đã nỗi cơn thịnh nộ hành hạ con em mình… có khi cho tới chết.
Trên phương tiện truyền thông báo chí, không thiếu những tin tức chỉ vì thiếu kiên nhẫn trong việc giao thông, thiếu kiên nhẫn chờ đèn xanh, đèn đỏ nên đã đưa đến nhiều tai nạn thương tâm, có khi  chết người.

Tác giả Lê An Phong, SDB, trong bài  “Kiên nhẫn trong giáo dục theo tinh thần Don Bosco” có viết: “Don Bosco, trong nhiều lần nói chuyện với học sinh hay với những ai sống quanh ngài, đã không ít lần nói đến lợi ích của đức tính kiên nhẫn. Ngài khẳng định rằng: “Với sự kiên nhẫn chúng ta có thể giải quyết nhiều chuyện”. (MB III, 147). Với ngài, kiên nhẫn không chỉ là một đức tính tốt thuần nhân bản, mà còn mang tính chất thiêng liêng: một khía cạnh đặc trưng của Đức Ái và của sự thánh thiện Kitô giáo. Chúng ta có thể đọc được những dòng tư tưởng này của ngài: “Nếu không có sự kiên nhẫn , chúng ta không thể trở nên thánh thiện” (MB XII, 606). (source: gpcantho.com)

Nói tắt một lời, đức tính kiên nhẫn chính là vũ khí tối thượng cho công việc truyền giáo, cho công việc thu phục nhân tâm. Tấm gương bà Monica kiên nhẫn trong sự cầu nguyện đã thu phục cậu ấm Augustino hoán cải, điều mà chính ngài đã kể lại trong cuốn Tự Thuật (Confession).

*****
Vâng, xã hội hôm nay một xã hội đầy dẫy tội ác, tội ác ở khắp nơi, tội ác ở trong học đường, tội ác ở ngay gia đình, thậm chí tội ác ở chính trong giáo đường…

“Satan never sleeps – Quỷ địa ngục không bao giờ ngủ”.  Vâng, nó không bao giờ ngủ. Nó luôn rình rập nơi cửa sổ tâm hồn mỗi con em chúng ta. Chờ đợi thời cơ “ám” con em chúng ta. Cám dỗ con em chúng ta sống “dâm bôn, phóng đãng, thờ quấy, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén và những điều khác giống như vậy”.

Ai… ai dám khẳng định rằng, con em chúng ta không bị ảnh hưởng! Ai dám khẳng định con em chúng ta không một lần “bị quỷ ám khổ sở lắm!”

Chính vì thế, hãy noi gương bà Monica, người mà chúng ta kính nhớ vào ngày 27/8 hàng năm, kiên nhẫn trong sự cầu nguyện. Hãy đến chạy đến cùng Đức Giê-su, như người đàn bà Ca-na-an xưa, mà kêu lên rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!”.

Với sự kiên nhẫn trong cầu nguyện, với một đức tin kiên vững; hãy tin rằng, Đức Giê-su, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta rằng: “Này con, lòng tin của con mạnh thật. Con muốn sao thì sẽ được vậy”.

Vâng, với một đức tin mạnh mẽ, hãy tin, chúng ta “muốn sao thì sẽ được vậy”

Petrus.tran



Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...