Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

“Ôi Giêsu! Chúa muôn thủa là Vua”

Chúa Nhật XXXIV – TN – A

Ôi Giêsu! Chúa muôn thủa là Vua”

Ngày 16/11/2014 vừa qua, truyền thông mạng có đăng tải một bài viết mang tựa đề là: “Trung Đông sẽ loạn hơn nữa nếu người đàn ông này qua đời”.
Người đàn ông này là ai? Thưa, đó là Qaboos Bin Sa’id, vua của vương quốc Hồi giáo Oman. Vào năm 1970, Qaboos Bin Sa’id đã lật đổ cha mình và giành lấy vương quyền tại vương quốc này.
Ông ta là một vị vua có kiến thức, có công chấm dứt tình trạng bài ngoại và cô lập với thế giới bên ngoài của quốc gia này. Kể từ đó, Oman trở thành một hình tượng của sự trung lập và khoan dung, thường trở thành cầu nối giữa các đối thủ trong khu vực. Việc đàm phán giữa Mỹ và Iran có được, chính là do chiếc cầu nối của vương quốc này.
Trong tầm nhìn chiến lược, Oman được xem là một quốc gia quan trọng. Đối với tất cả các hoạch định chính sách của phương Tây trước những hoạt động của Iran tại eo biển Hormuz, Oman đóng vai trò là một đường thủy quan trọng trong khu vực. Nhưng nếu Iran có thể dành được chỗ đứng ở cả hai bên của eo biển thì những tính toán về an ninh tại Vịnh Ba Tư sẽ bị đảo lộn hoàn toàn.
Đó là chưa nói tới , Oman đã thực hiện những gì cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Những máy bay của Mỹ đóng quân tại Oman đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên chống lại Taliban trong chiến dịch tự do bền vững.
Than ôi, tình trạng cân bằng hiện nay không thể nào tồn tại mãi mãi được. Sultan Qaboos đang trở nên lớn tuổi. Một nguồn tin khẳng định rằng, Quốc vương Qaboos không hề có con cái để kế thừa ngai vàng. Theo trang ForeignPolicy.com đưa tin thì vị quốc vương 74 tuổi này có lẽ đang ở vào thời khắc lâm chung của cuộc đời.
Sau nhiều thập niên là trụ cột của sự ổn định trong khu vực Trung Đông, Oman hiện đang phải đối mặt với tình trạng đảo chính, sự trỗi dậy của những căng thẳng trong khu vực. Nếu điều này xảy ra, tình hình Trung Đông sẽ trở nên kinh khủng.
Chúng ta hy vọng rằng Qaboos sẽ vượt qua được những khủng hoảng sức khoẻ hiện tại của mình. Nhưng trên thực tế nhà lãnh đạo trên 70 tuổi này không thể nào trường sinh bất tử. (nguồn: internet)
Đúng. Quốc Vương Qaboos Bin Sa’id không thể trường sinh bất tử. Ông ta không thể kéo dài cuộc sống để ổn định tình hình Trung Đông, để làm cầu nối giữa các đối thủ. Thế nhưng, có một vị Quốc Vương, Người có thể làm được tất cả, không chỉ ổn định Trung Đông mà là ổn định toàn thế giới, không chỉ là cầu nối với một vài đối thủ, nhưng là cầu nối với tất cả mọi người, vị Quốc Vương đó chính là  Đức Giê-su Ki-tô.
**
Vâng, ngược dòng thời gian, trở về quá khứ của hơn hai ngàn năm có lẻ. Vào thời hoàng đế Augusto trị vì. Tại thành vua David tức là Belem. Có một con trẻ đã được sinh ra và được đặt tên là Giêsu. Người con trẻ này được  tiên báo rằng: “Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”(Lc 1,32-33).
Có một điều, một điều hết sức lạ lùng, “triều đại” Quốc Vương Giêsu thiết lập, không giống như triều đại của những ông vua, những lãnh tụ trần thế.  Quốc Vương Giêsu không thiết lập vương quốc của mình bằng việc lật đổ cha mình để dành lấy vương quyền như Qaboos Bin Sa’id.
Quốc Vương Giêsu không xây dựng vương quyền mình bằng bạo lực, bằng thủ đoạn, bằng sức mạnh của họng súng, nhưng bằng chính “tình yêu thương”, một thứ tình yêu, như là “cầu nối” giữa con người với con người, dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Và quả thật, sau ba mươi năm sống ẩn dật cùng với ba năm ra đi rao giảng về một “Vương Quốc Thiên Chúa”, Quốc Vương Giê-su đã hy sinh mạng sống mình trên đồi Golgotha, Người đã “bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, đúng như lời Ngài đã từng nói rằng: “Như ông Mose đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như thế… Để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Đối với những vị vua thế gian, chết, đồng nghĩa với việc họ mất hết mọi sự, thế nhưng đối với Quốc Vương Giêsu, Người không chỉ “sống lại” thống trị cái chết mà còn sẽ “trở lại trong vính quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Trong những ngày còn tại thế, chính Quốc Vương Giêsu đã công bố rằng: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.”, đúng như lời Kinh Thánh có chép rằng “Chúa là vua hiển trị. Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng” (Tv 95, 10).

***
Hôm nay, Chúa Nhật XXXIV, theo truyền thống, Giáo Hội Công Giáo kết thức năm phụng vụ bằng thánh lễ kính trọng thể Chúa Giêsu Kitô Vua. Lễ Chúa Giêsu Kitô Vua được thiết lập vào ngày 11 tháng 12 năm 1925.

Trước trào lưu con người chủ trương tiêu diệt Thiên Chúa, con người hô hào trục xuất Thiên Chúa ra khỏi gia đình, ra khỏi xã hội, ra khỏi quốc gia, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập một ngày lễ tôn vinh CHÚA GIÊSU KITÔ VUA như một cách minh định rằng: Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, và là Thiên Chúa thật, Ngài là Vua vũ trụ, Vua muôn loài, là Vua của tất cả mọi người, của mọi dân tộc, của mọi quốc gia.

Tôn vinh Đức Giê-su là vua, Giáo Hội không chủ trương khôi phục lại thời phong kiến, một thời chỉ sản sinh những vị vua  “thống trị (dân) một cách tàn bạo và hà khắc”, một thời nhan nhản những hôn quân vô đạo “chỉ biết lo cho mình” (Ed 34,…8) 

Tôn vinh Đức Giê-su là Vua, Giáo Hội muốn mời gọi người tín hữu hãy chỉ nhìn về một Giê-su, Ngài chính là một vị Vua mẫu mực, một vị Vua của tình yêu, một vị Vua “ưa sự nhân từ”, một vị Vua “hiền lành và khiêm nhường”, một vị Vua luôn “chạnh lòng thương xót”, một vị Vua không “dùng uy mà thống trị dân”, không  “lấy quyền mà cai trị dân”. Nói tắt một lời, một vị Vua “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (x.Mt 20, 28)

****

Trở lại câu chuyện Qaboos Bin Sa’id. Vâng, Hoa Kỳ nhìn thấy tầm quan trọng của vương quốc Oman đã đạt đến mức tuyệt đối, cho nên, họ không thể mất Oman, nếu không muốn tình hình Trung Đông trở nên kinh khủng hơn nữa.

Còn chúng ta, là một Ki-tô hữu, chúng ta có thấy tầm quan trọng của việc đặt Quốc Vương Giê-su chính là “Vua của đời tôi”?

Nếu có, hãy lấy việc “Phục vụ”, dù chỉ là “phục vụ cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất” thì đó như là tiêu chuẩn để  trở thành “thần dân” của Quốc Vương Giê-su, bởi đó chính là dấu hiệu để xem ai sẽ là chiên, một thành phần được “đứng bên phải Người“, những người được “chúc phúc”, được “thừa hưởng Vương Quốc” và ai là dê, là những kẻ “ở bên trái”, những người sẽ phải “ra đi để chịu cực hình muôn kiếp”.

Vâng, nếu chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đặt Quốc Vương Giê-su chính là “Vua của đời tôi” thì hãy tránh xa những vị thần khác, đại loại như: thần-tiền-bạc, thần-danh-vọng, thần-dâm-bôn, thần-phóng-đãng, thần-hận-thù, thần-chia-rẽ-bè-phái, thần-say-sưa-chè-chén v.v…  mà hãy ngước nhìn lên Thánh Giá Chúa Ki-tô, chính nơi ấy Người đã được “Phong Vương” mà cất tiếng ca rằng: “Ôi Giêsu! Chúa Giêsu là Vua… Chúa muôn thủa là Vua... muôn vua”

Petrus.tran








Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…

Chúa Nhật XXXIII – TN – A

Kính trọng thể các thánh tử đạo Việt Nam.

Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành…

Ngày 26/05/2014 vừa qua, toàn thể nước Mỹ kỷ niệm ngày chiến sĩ trận vong. Ngày lễ này được tổ chức với mục đích để ghi nhớ những chiến sĩ đã bỏ mình trong các cuộc chiến, những quân nhân  đã hy sinh cho tổ quốc Hoa Kỳ.  Hôm đó, quốc kỳ Mỹ được để rủ cho đến trưa ngày thứ hai theo giờ địa phương.  Nhiều người dân Mỹ  tới viếng thăm các nghĩa trang và các đài kỷ niệm. Tại các nghĩa trang trên toàn quốc, người thân, bạn bè của những quân nhân đã ngã xuống tới cắm cờ tưởng nhớ họ.


 “Tưởng nhớ” những người đã “ngã xuống” cho tổ quốc, vâng, đó là một việc phải làm. Khi nói tới tưởng nhớ, Chúa Nhật tuần này, ngày 16/11/2014, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cũng có một cuộc “tưởng nhớ”, đó là, tưởng nhớ những người đã “ngã xuống” cho niềm tin – “niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô”,  và theo truyền thống , các vị này, chúng ta gọi họ là các Thánh Tử Đạo Việt Nam .  


 “Tử Đạo là gì?” Thưa, là , chấp nhận hy sinh, ngay cả tính mạng của mình, cho niềm tin mà mình đã tin theo.


Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tin vào Chúa Giêsu,  đã trung thành theo Chúa Giêsu, đã sẵn sàng chịu bắt bớ tù đày, chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt, dẫu cho đó là cái chết, chỉ vì tuyên xưng niềm tin của mình.

Có rất nhiều hình phạt cho họ. Nào là bị gông cùm, xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói. Nặng hơn thì bị voi dầy, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng. Tàn bạo hơn thì bị xử trảm, xử giảo (thắt cổ) hoặc bị thiêu sống. Ác liệt nhất là bị xử lăng trì (một hình thức phân thây ra từng mảnh) hay bá đao (bị xẻo từng mảnh thịt)… cho tới chết.  Án nhẹ nhất, đó là khắc lên trên trán hai chữ “tà đạo” . . .


Thật ra, trước những sự tàn bạo đó, không có gì đáng ngạc nhiên, bởi những chuyện này đã được Đức Giêsu tiên báo trong những ngày Ngài còn tại thế, rằng: “Anh em hãy coi chừng… người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy” (Mt 24, 4-…9).

Xưa, trong một lần lên Giêrusalem, khi loan báo về cái chết của Người, một cái chết để cứu chuộc nhân loại, Đức Giêsu đã phán rằng : “Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”  (Ga 12, 24).


Và ngày nay, các thánh tử đạo Việt Nam đã vâng theo lời truyền dạy của Thầy Giê-su, sẵn sàng “chết đi”. Chết đi để trở thành những “Martyr”, những Martyr  của niềm tin và tình yêu thương.


Như Roma vào những thế kỷ đầu, với ba trăm năm bách hại, Việt Nam vào những thế kỷ sau cũng lãnh chịu ba trăm năm, trải qua sáu triều đại: Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Có rất nhiều “Martyr” ở khắp nơi trên thế giới, với những Martyr Việt Nam, cũng vào khoảng hàng trăm  ngàn người, trong số đó, có 118 vị chính thức được tôn phong . 


Được tôn phong là bởi các ngài đã hy sinh bản thân mình, sống đúng như lời Thầy Giê-su giảng dạy, rằng “không có tình thương nào cao quý hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13) .


“Hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Vâng,  đơn cử đó là tấm gương của ba người: linh mục Gioan Đạt – thừa sai Gagelin Kính và linh Mục Đặng Đỉnh Viên. 


Với linh mục Gioan Đạt, khi ngài vừa dâng lễ xong thì quân lính vây bắt. Cha đã chạy thoát, nhưng vì để quên áo lễ, cha thấy quân lính tra tấn gia chủ nên ra nộp mạng và nói: "Vẫn biết tôi có thể thoát, nhưng như thế anh chị em sẽ bị khổ nhiều".


Với thừa sai Gagelin Kính, ngài đã viết thư xin phép giám mục cho mình ra trình diện để tín hữu Bình Định được bình an.

Còn với  linh mục Đặng Đình Viên thì sao? Thưa, cha đã trốn an toàn trong vườn mía dày đặc, nhưng khi thấy quân lính đánh đập tra khảo con của chủ nhà, cha cũng tự động ra thế mạng. (*)


Qua những chứng từ trên, có thể nói rằng, các thánh tử đạo Việt Nam đã để lại cho chúng ta những tấm gương mẫu mực về một đời sống đức tin và sự trung tín.

Vì thế, thật phải đạo, khi hôm nay toàn thể Giáo Hội kính cẩn tưởng nhớ đến các ngài, tưởng nhớ không bằng cách “để cờ rủ”, nhưng là đồng thanh cất lên tiếng ca  “Dâng về Thiên Chúa”, những người con ưu tú của Giáo Hội, là những người đã “anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu” (**)


**
Lịch sử Ki-tô giáo đã hơn hai ngàn năm có lẻ. và cũng như xưa, ngày nay, đâu đó vẫn còn không ít người Ki-tô hữu, chỉ vì trung thành với niềm tin vào Chúa, họ đã phải chịu tử vì đạo.


 Thì đây, tại Trung Đông, nhóm phiến quân ISIS quá khích, đi tới đâu, họ đã và đang ép buộc, cưỡng bức, thậm chí giết hại những người Công Giáo, cũng như các giáo phái  khác tại Syri, Irak.  Họ buộc các tín hữu Ki-tô giáo bỏ đạo. Họ bắt tất cả những người dưới quyền kiểm soát của họ theo đạo Hồi (thuộc nhóm quá khích), nếu không tuân lệnh, những người đó phải rời bỏ quê hương, hoặc sẽ bị giết một cách dã man. 

Theo tin tức được lưu truyền trên mạng lưới điện báomột  bé gái Công Giáo mới 2 tuổi đã bị phiếm quân ISIS chặt đầu trước mặt bà mẹ và những người thân của cháu. Cuộc thảm sát đó được thực hiện gần bên cạnh một thánh đường. Hôm đó, nhiều người Kitô hữu buộc phải đổi sang Hồi giáo, nếu không, họ sẽ cùng chung số phận như em bé gái.
 Sự bách hại vẫn còn xảy ra, cho đến ngày tận thế.  Đừng quên, Đức Giêsu đã chẳng nói rằng: “Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo” (Lc 22, 31).

Có thể chúng ta không phải chịu cảnh “máu đổ đầu rơi”. Nhưng chắc chắn chúng ta vẫn bị Sa-tan, cũng như con cái của nó,  “sàng sảy” cách này cách khác.


Có bao giờ chúng ta tự hỏi, hôm nay, cái mà Sa-tan luôn đem ra “sàng sảy” chúng ta, đó  là cái gì? Phải chăng, đó chính là sự trung tín? Phải chăng, đó là sự trung thành với với nhiệm vụ đã được giao, với những lời thề hứa?


Đúng vậy, ngày nay, sự trung tín như thể là một món quà quý hiếm. Sự trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa như thể biến mất khỏi thế gian.

Hằng ngày, không biết bao nhiêu lần, chính người thân yêu ta hại ta, chính người đồng nghiệp ta hại ta, bởi, chỉ vì họ bất trung, bất tín, bởi, chỉ vì họ không trung  thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa.


Mỗi ngày, chúng ta nghe không biết bao nhiêu vụ “ly dị”. Những hành động phụ bạc xảy ra chóng mặt khiến chúng ta không thể không nhớ đến lời ngôn sứ Mi-kha: “Kẻ hiếu trung đã biệt dạng khỏi xứ, không còn người lương thiện chốn dương gian. Tất cả đều đợi dịp gây đổ máu, người này đặt lưới dò hãm hại người kia” (Mk 7, 2)


Thế nên, tử đạo, với chúng ta hôm nay, không  phải  tử đạo giống như người xưa, nào là bị  chém đầu, phân thây, tùng xẻo v.v… nhưng là tử đạo trong cuộc sống thường ngày,  bằng một đời sống trung tín, bằng một đời sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa.


***

Hôm nay, chúng ta cảm nghiệm gì khi tưởng nhớ đến các thánh tử đạo Việt Nam?

Nên chăng, hãy cảm nghiệm rằng, là một Ki-tô hữu, như người đầy tớ được chủ gọi đến “giao phó của cải của mình” trước khi sắp đi xa. (x Mt 25, 14-30), chúng ta cũng được”ông chủ Giê-su” giao phó những gì Ngài đã và đang giao phó.

Vâng, hôm nay, có thể ông chủ Giê-su  sẽ giao phó cho ta “năm yến, hai yến, hoặc một yến”.

Có thể ông chủ Giê-su giao phó cho ta chức vụ Giám Mục, Linh Mục, Tu sĩ. Ta nhận hay ta từ chối? Nếu nhận,  ta có sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa, hứa “sống độc thân vì Nước Trời”? Hay ta lại “tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau” chiêm ngắm một mỹ nhân nào đó, để rồi trong một phút yếu lòng, ta rơi vào thảm cảnh “hồn lỡ sa vào đôi mắt em” đầy hối tiếc!


Có thể ông chủ Giê-su giao phó cho ta thiên chức làm vợ, làm chồng, làm cha, làm mẹ. Ta nhận hay ta từ chối? Về chuyện này, đương nhiên là nhận, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phải không thưa quý vị!


Vâng, nếu nhận,  ta có sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa, “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống trọn đời”? Hay chỉ vì một chút “đời buồn vui” ta lại cất tiếng ca “thôi là hết anh đi đường anh, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”?


Có thể ông chủ Giê-su trao cho ta nhiệm vụ là một bác sĩ, là một lương y. Ta nhận hay ta từ chối? Nếu nhận, ta có sống trung thành với lời thề , lời thề Hypocrat: “…Người yếu đau, bệnh tật


phải cứu chữa tận tình, không tư lợi cho mình, luôn đề cao y đức…”? Hay chỉ vì “…những đồng tiền quái đản, đã quật ngã được anh… anh tặc lưỡi làm liều – phong bì đưa bao nhiêu, anh vẫn còn thấy ít!”, để rồi “anh ngoảnh mặt làm ngơ, trước nỗi đau người bệnh”? (***)


phải cứu chữa tận tình, không tư lợi cho mình, luôn đề cao y đức…”? Hay chỉ vì “…những đồng tiền quái đản, đã quật ngã được anh… anh tặc lưỡi làm liều – phong bì đưa bao nhiêu, anh vẫn còn thấy ít!”, để rồi “anh ngoảnh mặt làm ngơ, trước nỗi đau người bệnh”? 

(***)


 Còn… còn rất nhiều nhiệm vụ (yến bạc), ông chủ Giê-su sẽ giao phó cho chúng ta. Vấn đề của chúng ta, đó là,  khi  “ông chủ (Giê-su) đến tính sổ và thanh toán sổ sách”, chúng ta có thể chứng minh rằng, “tôi đã gây lời được năm nén, hai nén”, nói rõ hơn, rằng “tôi đã hoàn thành nhiệm vụ” mà ông chủ đã giao phó hay không?


 Hay chúng ta lại than thở rằng “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vay. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn yến bạc của ông dưới đất” rồi! Vâng, chúng ta hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, bao năm qua, là một Ki-tô hữu, là người “đầy tớ của Đức Giê-su”, với những gì Ngài đã giao phó cho tôi, tôi có làm cho “sinh lời” hay tôi đã đem “chôn” dưới đất? Đem chôn ư! Ôi! ta không sợ ông chủ Giê-su sẽ gọi ta là “tên đầy tớ vô dụng” sao? Ta không sợ bị “quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng” sao?


Các thánh tử đạo Việt Nam, có phần chắc, các ngài đã không “đem chôn những yến bạc” mà ông chủ Giê-su đã giao phó. Các ngài đã sinh lời, việc sinh lời đó được minh chứng qua sự trung tín và lòng trung thành trong  đức tin của các ngài, nó được đóng ấn bằng chính việc tử vì đạo của các ngài.


****

Trở lại sự kiện ngày lễ chiến sĩ trận vong. Vâng, ngoài việc tưởng niệm, nó còn là ngày bắt đầu cho mùa nghỉ hè tại Hoa Kỳ. Và theo truyền thống, đây là ngày có những mặt hàng “sale” đặc biệt. Và tất nhiên, người dân nói chung, không bỏ qua cơ hội này để mua sắm, một sự mua sắm rất hữu ích cho những ngày nghỉ hè, những buổi picnic hay những buổi họp mặt thân hữu.


Thế còn  ngày lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam của chúng ta thì sao? Ngoài việc tưởng niệm, chúng ta nên chăng, coi lại xem hành trang  đến gặp ông chủ Giê-su “thanh toán sổ sách” còn thiếu những gì để mà mua sắm?


Vâng, hãy xem lại hành trang của  chúng ta,  đã có món quà “đức tin”, tin vào ông chủ Giê-su, rằng,  Người không phải là một “người hà khắc”? Hãy xem lại hành trang của chúng ta, đã có nóm quà “trông cậy”, trông cậy vào ông chủ Giê-su, rằng Người là Đấng giải thoát ta khỏi những “thủ hạ của Sa-tan được sai đến vả mặt (ta)”? Hãy xem lại hành trang của chúng ta, đã có món quà “đức mến”, một nhân đức giúp ta thi thố nhiệm vụ ông chủ Giê-su giao phó một cách ngoạn mục?


Nếu chúng ta còn thiếu những “món hàng nhân đức” nêu trên, hãy đến gian hang mang tên Giê-su mà mua sắm. Không cần tiền bạc, chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn nguyện cầu như thánh Phao-lô đã nguyện cầu rằng: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nổi khổ này”, sau ba lần nguyện cầu, thánh nhân xác định, rằng: Đức Giê-su  “Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2 Cor 12, 7-9).


Với ơn của Chúa, ơn có đức tin, đức cậy và đức mến, đó chính là giáp sắt, là khiên mộc để chúng ta, như lời thánh Phao-lô khẳng định, rằng: “nhờ đó, (chúng ta) sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần” (Ep 5, 16)


Một khi “mọi tên lửa của ác thần bị dập tắt”, hãy tin,  sẽ chẳng còn trở ngại  nào ngăn cản chúng ta “sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”.


Sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”, đó chính là cách tốt nhất cho cuộc sống “tử vì đạo” hôm nay.

Thưa Bạn… Bạn và tôi, chúng ta hãy nhìn lại chính mình mà tự hỏi,  tôi có noi  gương các thánh tử đạo Việt Nam, “sống trung thành với nhiệm vụ được giao, với những lời đã thề hứa”?


Đừng quên, lối sống này, chính là lối sống đã được ông chủ Giê-su khen tặng, rằng  “Khá lắm! Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (x. Mt 25, 22).


Petrus.tran


*****

(*)   “Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam” - Lm PX. Đào Trung Hiệu. OP.

(**)  “Bài ca ngàn trùng” -  Lm Kim Long.

(***) Thơ  Lê Trường Hưởng.

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Chúng ta trong “top” năm cô khôn ngoan?

Chúa Nhật XXXII – A – TN

Chúng ta trong “top” năm cô khôn ngoan?

Khoảng 10 giờ sáng ngày 25/10/2014 vừa qua, một tai nạn đã xảy ra trên quốc lộ 91, thuộc khóm Trung An, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên (An Giang). Nạn nhân là một phụ nữ đang trên đường đến bệnh viện để sinh nở.

Theo nguồn tin của danviet.vn cho biết “Vào thời điểm trên, anh Nguyễn Văn Nam điều khiển xe gắn máy chở vợ là Nguyễn Thị Kim Ngọc đến bệnh viện để sinh con. Khi đến khóm Trung An, phường Mỹ Thới (cách bệnh viện khoảng 100m) thì, bất ngờ,  một xe ôtô do tài xế Đỗ Công Vũ điều khiển chạy cùng chiều đâm vào. Tai nạn  đã làm chị Ngọc chết tại chỗ, anh Nam bị nát một bàn chân, còn thai nhi bị lọt ra ngoài bụng mẹ.  Bé sơ sinh bị nạn may mắn sống sót và đã được chuyển  lên bệnh viện nhi của TP”.

Quả là một tai nạn thương tâm, và phải chi, phải chi anh Nam được nghe lời cảnh báo rằng, đừng bao giờ chở bà bầu bằng xe hai bánh, rất nguy hiểm, và rằng, hãy cho chị Ngọc đến bệnh viện bằng một chiếc taxi, thì đâu có tai nạn thương tâm như thế v.v… và v.v…

Qua biến cố của gia đình anh Nam, có thể nói rằng, nó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho mọi người, trong đó có chúng ta.
Vâng, biến cố đó cảnh tỉnh chúng ta rằng,  cuộc sống trong đời thường luôn có những bất ngờ. Điều bất ngờ lớn nhất người Ki-tô hữu sẽ phải đối diện, đó chính là sự kiện “ngày quang lâm của Đức Giê-su Ki-tô”, ngày mà chúng ta quen gọi là “ngày tận thế”.

Sự kiện này đã được Đức Giê-su công bố trong một lần lên Giê-ru-sa-lem, rằng: “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác”(Mt 24, 30-31).  

Thường thì, khi đưa ra một thông điệp hay một lời loan báo, Đức Giê-su  dùng những ví dụ cụ thể hoặc những dụ ngôn rất đời thường để diễn giải cho mọi người.

Nếu, khi loan báo về chương trình cứu độ, Đức  Giê-su đã  so sánh rằng, như “ông Môse đã gương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.

Thì, khi nói đến ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến”, Đức Giêsu nói rằng, ngày đó sẽ xảy ra giống như một tên “kẻ trộm” bất ngờ xuất hiện. Không chỉ đưa ra lời cảnh báo, Ngài còn có lời khuyên rằng, “hãy canh thức và hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến”. 

Canh thức và sẵn sàng như thế nào? Thưa, Đức Giê-su đã diễn giải bằng một dụ ngôn. Dụ ngôn được mang tên “Mười trinh nữ” (x.Mt 25, 1 – 13)

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”. Vâng, thoạt nghe, có lẽ không ai trong chúng ta có thể hình dung được hình ảnh cái đám cưới ngộ nghĩnh này.

“Cầm đèn” để làm gì! Đám cưới vào ban đêm ư! Thưa đúng, đó là phong tục của người Do Thái thời đó, có những đám cưới tổ chúc vào ban đêm, vì thế phải có đèn. Có đèn chưa đủ, còn phải có dầu.

Câu chuyện được kể tiếp rằng, “Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn”.

Ơ! Tại sao lại có khôn, có dại ở đây? Thưa, là bởi, nhà gái không biết thời gian  chú rể sẽ đến, có thể là chập tối, có thể giữa đêm, hay hừng đông; vì thế tất cả mọi sự phải sẵn sàng, sẵn sàng không chỉ đèn mà còn cả dầu. Không mang theo dầu dự trữ, khi chú rể đến, hết dầu thì làm sao đây!

Chính vì thế, năm cô bị cho là dại vì đã “mang đèn mà không mang dầu theo”. Còn năm cô kia được cho là khôn nhờ đã “vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo”.

Quả nhiên, bất ngờ “Nửa đêm có tiếng la lên : ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi’. Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn”.
Than ôi! Năm cô dại chẳng khác gì có súng mà không có đạn. “Chú rể kia rồi ” nhưng khổ thay! “đèn của chúng em tắt mất rồi!”. Hết dầu!  Xin không được. Các cô vội vàng đi mua…
Vâng, năm cô dại có khác gì là những kẻ không “sẵn sàng” cho một đêm “canh thức”, một đêm quan trọng của một đời người.
Sách có câu “cẩn tắc vô ưu”. Nghĩa là cẩn thận thì không lo lắng về sau.
Đúng vậy. Năm cô được cho là khôn, nhờ cẩn thân mang theo chai dầu nên đã có một đêm “canh thức” rất an nhàn. Khi “chàng rể tới” các cô  đã “sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”.

Rất nhẹ nhàng và rất đời thường. Chẳng có gì là ẩn ý trong dụ ngôn. Đức Giêsu khép lại câu chuyện bằng một lời nhắc nhở  “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).
***
Sử dụng dụ ngôn, như chúng ta được biết,  là cách Đức Giê-su dùng để diễn tả một thực tại. Thực tại mà Ngài muốn dạy cho chúng ta hôm nay, qua dụ ngôn “Mười trinh nữ” là: Đức Giê-su được ví như chàng rể, cô dâu và các phù dâu được ví như Giáo Hội và các tín hữu, ngày Đức Giê-su Quang Lâm được ví như ngày chàng rể đến đón dâu.

Ngày quang lâm của Đức Giê-su chắc chắn sẽ đến, không ai có thể biết ngày nào hay giờ nào, như Ngài đã nói: "Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi." (Mt 24, 36).

Tông đồ Phaolô, sau này, cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh em,  về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ : ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”.  Và cùng một tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống tiết độ”(1Tx 5, …6).

Tại sao phải “sống tiết độ và tỉnh thức”? Thưa, như lời thánh Phê-rô nói, là vì “ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5, 8)

Đúng vậy, có thể nói rằng, chưa bao giờ chúng ta phải sống trong một xã hội đầy dẫy tiếng “sư tử gầm thét”, như hôm nay. Những con sư tử mang tên “danh vọng, tiền bạc, thờ quấy, hận thù, dâm bôn, chia rẽ, bè phái, say sưa chè chén” đang rảo quanh tìm mồi, là chính chúng ta, để mà cắn xé.

Cứ thử tưởng tượng, chúng ta sống không ‘tiết độ”, ăn uống không chừng mực, cứ say sưa chè chén, cứ kết bè với con sư tử mang những tên gọi nêu trên…  Vậy thì, ai… ai sẽ là người kính nể chúng ta! Và ai… ai là người làm danh Chúa bị ô uế!?.

Cứ thử tưởng tượng, chúng ta sống không tiết độ, cứ để nhu cầu bản năng: tham, sân, si ngự trị và nó kéo chúng ta vào việc thỏa mãn những khát vọng… hỏi làm sao chúng ta có thể theo đuổi tới cùng những lý tưởng cao đẹp, lý tưởng “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”! (x.Mt 19, …12)

“Sống tiết độ”. Vâng, đây quả là một lời khuyên hết sức quan trọng. Quan trọng, bởi, tiết độ là một trong những hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22). Đời sống của Kitô hữu nếu không có “hoa quả của Thần Khí” thì chẳng khác gì “có đèn mà không có dầu”.
Một khi “có đèn mà không có dầu”, dẫu cho đã là một Kitô hữu, khi đến lúc “chàng rể Giêsu tới”, có phần chắc Ngài sẽ phán rằng “Tôi bảo thật, tôi không biết anh là ai”.
****
Trở về với bài dụ ngôn, hãy để một phút thinh lặng và  hãy tự hỏi mình rằng “tôi là ai trong mười trinh nữ?”
Là “các cô dại mang đèn mà không mang dầu” ư! Vâng, có thể… rất có thể. Rất có thể chúng ta có “cây đèn mang nhãn hiệu Ki-tô hữu” nhưng lại thiếu dầu, dầu-Thánh-Kinh và dầu-Thánh Thể.

Dầu-Thánh-Thể… đó… đó chính là thứ thần lương giúp chúng ta “ở lại trong Chúa, và Chúa ở lại trong ta” (x. Ga 6, 56). Có Chúa ở trong ta, sử tử nào dám gầm thét cắn xé chúng ta!

Còn dầu-Thánh-KInh ư! Vâng, đó chính là “Ngọn đèn soi ta bước” (x.Tv 119, 105).

Ở đâu sẽ cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh? Phải chăng là ở vũ trường? Ở những quán nhậu? Ở sòng bài? Ở những chốn đô hội?

Thưa, không phải. Nơi cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh chính là ở “Nhà Thờ”. Tại đây, trong Thánh Lễ, phần phụng vụ Lời Chúa sẽ cung cấp cho ta dầu-Thánh-kinh. Và nơi bàn Tiệc Thánh, chúng ta sẽ được  cung cấp dầu-Thánh-Thể.

Chính vì thế, hãy siêng năng đến “Nhà Thời, và nhớ đừng bao giờ chúng ta biến ngôi “Nhà Thờ” thành nơi buôn bán hay “thành sào huyệt của bọn cướp”.  

Thưa bạn, chúng ta lại cần thêm một phút nữa để tự hỏi lòng mình, rằng: Hôm nay, tôi đã có  Dầu-Thánh-Thể và Dầu-Thánh-Kinh trong gói hành trang cho cuộc hành trình đến với “Tiệc Cưới Nước Trời”?

Nếu có, hãy tin rằng, trước mặt chàng rể Giê-su, chúng ta sẽ “được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới”. Nếu có, hãy tự hào, dĩ nhiên là “tự hào trong Chúa” rằng, chúng ta đang ở trong top “năm cô khôn ngoan”

Petrus.tran




Chủ Nhật, 2 tháng 11, 2014

Bên kia thế giới…

Bên kia thế giới…

Tháng mười đã trôi qua, hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười một. Như là một truyền thống đẹp, tháng mười một là tháng Giáo Hội dành riêng, trước là kính trọng thể các thánh nam nữ, sau là tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người anh chị em tín hữu đã “Về bên kia thế giới”.
Các thánh nam nữ là ai? Thưa, các ngài chính là những người đã ly trần, đã để lại những tấm gương mẫu mực trong đời sống đức tin, đức cậy và đức mến. Giáo Hội, dựa trên quyền năng tối thượng, tôn phong các ngài sau nhiều cuộc điều tra cẩn thận và tỷ mỉ về các nhân đức mà các ngài  đã thể hiện khi còn tại thế.
Còn với những người anh chị em tín hữu đã “về bên kia thế giới”, nhớ và cầu nguyện cho họ, là để thể hiện niềm tin “tôi tin có hội thánh ở khắp thế này, các thánh thông công”, và hơn thế nữa, đó là tin vào : “Xác loài người sẽ sống lại và sự sống đời sau”.
Đây không phải là một niềm tin mơ hồ, niềm tin này đã được chính Đức Giê-su dạy dỗ trong những ngày Ngài còn tại thế.
Từ khởi nguyên: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật… Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Eden, để cày cấy và canh giữ đất đai. Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn NGƯƠI SẼ PHẢI CHẾT”.(St 2,7…16-17).
Con người đã ăn và con người đã phải chết. Sự trừng phạt cho tội bất tuân chính là cái chết. Đức Chúa đã phán với con người rằng: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất”(St 3,…19). 
Sự chết đã ám ảnh suốt chiều dài lịch sử của con người. Và khi Đức Giê-su đến, ám ảnh đó đã được giải tỏa. Một thông điệp đã được Ngài loan báo: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Được sống muôn đời” không có nghĩa là không phải chết đi với cái thân xác hư nát thuộc dòng dõi nguyên tổ. Sự sống muôn đời, theo niềm tin mới, đã được Đức Giê-su công bố trong một lần Ngài đến Ca-phác-na-um.
Hôm đó, tại Ca-phác-na-um, có thể nói, đó là một ngày trọng đại, trọng đại bởi Đức Giê-su đã gởi đến cho thế gian một thông điệp, một thông điệp hệ trọng cho cả một đời người.
Thông điệp rằng: “…Tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”.
Trước một rừng cử tọa vây quanh, hôm đó, Đức Giê-su kết thúc thông điệp, rằng “...Ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40)
Không phải bây giờ Giáo Hội mới xác tín niềm tin này, ngay từ thời tiên khởi, Giáo Hội đã xác tín, sự xác tín đó được biết đến qua thị kiến của thánh Gioan rằng: “Tôi thấy; kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta… Họ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn  nước trường sinh”. (Kh 7, 16).
“Nguồn nước trường sinh”, vâng, hãy nhớ, đó chính là nguồn nước Đức Giê-su đã nói với người phụ nữ Sa-ma-ri-a bên bờ giếng Gia-cóp, rằng “đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, …14)
Trở lại với lịch Phụng Vụ tháng mười một hôm nay. Kinh Thánh có chép rằng: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời; một thời để chào đời, một thời để lìa thế…” (Gv 3, 1-2).
Với những gì sách Giảng Viên đã chép, nên chăng,  gọi tháng này là tháng của “một thời để lìa thế”! Vâng, sẽ có một ngày chúng ta phải lìa thế. Hôm nay là anh và ngày mai là tôi, không một ai trong chúng ta mà không phải chết.
Cho nên, hãy dành một phút thinh lặng để:“… nói về cuộc đời; Khi tôi không còn nữa… Sẽ lấy được những gì! Về bên kia thế giới….” (Thơ Du Tử Lê).
Nói cách khác, khi tôi không còn trên cõi đời này nữa, tôi có được “sống lại và được hưởng sự sống đời đời” hay không? Hay, điều chúng ta “sẽ lấy được” sau cái chết, đó là sự “cực hình lửa thiêu đốt”?
Vâng, câu trả lời phụ thuộc vào đời sống của chính mỗi chúng ta, như người xưa có nói “sống sao chết vậy”.
Thưa bạn, trong đời sống thường nhật, để bảo đảm cho sức khỏe, cho tuổi già, cho tương lai cuộc sống, chúng ta thường chạy đến những công ty bảo hiểm và đặt niềm tin vào đó bằng cách mua đủ loại bảo hiểm. Nào là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tai nạn,  bảo hiểm nhân thọ v.v…  và v.v…
Thế còn, bảo hiểm cho “sự sống lại và sự sống đời đời”; chúng ta có nghĩ đến? Và khi nghĩ đến, chúng ta sẽ đến “công ty bảo hiểm” nào đây?
Sẽ không có công ty nào ngoài công ty mang tên “Giê-su”. Ông chủ  Giê-su luôn cất tiếng mời gọi, mời gọi  những ai “mệt mỏi và gánh nặng”, gánh nặng về  sức khỏe, về bệnh tật, và nhất là về một “sự sống lại và sự sống đời đời” rằng: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ”.
Vẫn biết rằng, những bảo hiểm về thể xác, tốt, thế nhưng, rồi nó cũng sẽ lụi tàn, lụi tàn “khi tôi không còn nữa”. Nhưng, với việc “bảo hiểm cho linh hồn”, một loại bảo hiểm cho “sự sống lại và sự sống đời đời” cho dù chúng ta đã “về bên kia thế giới” nó vẫn tồn tại, tồn tại theo chúng ta tới tòa phán xét, nơi ông chủ Giê-su sẽ chọn “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (Lc 20, 34-35)
Với việc bảo hiểm cho thể xác, chúng ta sẽ phải mất nhiều tiền… rất nhiều tiền. Theo phát ngôn viên của Real Madrid, ông chủ của câu lạc bộ hoàng gia này đã phải bỏ ra không dưới 4,5 triệu euro mỗi năm để mua bảo hiểm cho Cristinao Ronaldo.
Thế nhưng, với việc “bảo hiểm cho linh hồn”, một loại bảo hiểm cho “sự sống lại và sự sống đời đời”, ông chủ Giê-su không lấy một xu. Chỉ cần người đó “thấy người Con và tin vào người Con” là chính Đức Giê-su, là đủ. Đủ để người đó “được sống muôn đời” và theo lời Ngài tuyên phán, Ngài “sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6, 40)
Giờ đây, chúng ta hãy trở lại với thị kiến của thánh Gioan, ngài đã làm chứng rằng: “Tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn…” (Kh 7, 4).
Đừng để ý đến con số “tượng trưng” đó, mà hãy tự hỏi lòng mình rằng, liệu, “khi tôi không còn nữa”, tôi có là một trong số những người đã được thánh Gioan “nghe nói đến”? Và rằng, khi tôi “về bên kia thế giới” tôi  có là người đã được “đóng ấn”? Muốn “tôi có là ư!” Phải có tấm thẻ bảo hiểm mang tên công ty Giê-su.
Ngày xưa, như chúng ta được biết, là một quân nhân, không một ai mà không luôn đeo  “tấm thẻ bài” trên người của mình, bởi nhờ đó, ban chung sự mới biết được tên tuổi và số quân khi người quân nhân đó tử trận để làm hồ sơ lãnh tiền tử tuất.
Cũng vậy, với chúng ta, là người Ki-tô hữu, đừng bao giờ rời bỏ “tấm thẻ bảo hiểm mang tên công ty Giê-su”, bởi, tấm thẻ đó chính là  “vật chứng” để làm hồ sơ, không phải hồ sơ lãnh tiền tử tuất, nhưng là hồ sơ hưởng phúc đời sau, một hạnh phúc “được sống muôn đời”.
Thưa Bạn… Bạn đã có tấm thẻ bảo hiểm mang tên công ty Giê-su? Vâng, phải có Bạn nhé! Bởi, tấm thẻ đó, chính là câu trả lời  cho câu hỏi “Khi tôi không còn nữa… Sẽ lấy được những gì! Về bên kia thế giới….
petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...