Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

Hãy đón nhận “Gia Thất Thánh”



Lễ Thánh Gia.

Hãy đón nhận “Gia Thất Thánh”

Như chúng ta được biết, gia đình  là nền tảng của xã hội và Giáo Hội. Và người ta còn nói rằng: gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình quan trọng là vậy. Thế mà, đáng buồn thay, do những biến động xã hội trên thế giới, do những chủ thuyết lệch lạc của con người, nó đã gây ra biết bao xáo trộn trong đời sống gia đình, làm lung lay tận gốc rễ của xã hội cũng như của Giáo Hội.  

Thật ra, không đợi đến hôm nay, gia đình mới phải đối diện với thảm cảnh như thế. Mà, ngay từ tạo thiên lập địa, với nguyên tội của Adam và Eva, một thứ tội “bất tuân lệnh truyền”, gia đình không còn là nơi “Ôm ấp ta những ngày thơ. Cho ta bao nhiêu niềm thương mến”. 

Ngược lại, nó đã trở thành bãi chiến trường. Kinh Thánh có ghi lại một cuộc chiến đã xảy ra trong gia đình nguyên tổ. Cain, người anh, chỉ vì tính ích kỷ, thói ganh tỵ đã  giết chết em mình là Abel.

Kể từ đó, khi nói tới hai tiếng “gia đình”, người ta thường tự hỏi. “… là đường đưa ta tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục” (Honoré de Balzac).

Không. Gia đình vẫn là một món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người. Thật vậy, qua chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không như một Tôn Ngộ Không huyền thoại, nứt từ trong đá ra,  với bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, nhưng từ trong một gia đình. Thiên Chúa muốn phục hồi giá trị của gia đình bằng một gia thất mới, gia thất thánh, gồm có: Thánh Giuse, Thánh Maria và Thánh Tử Giêsu.

Gia thất thánh, không “thánh” qua những vầng hào quang bởi  các nhà họa sĩ thường vẽ trên những bức chân dung của ba vị, nhưng là bởi đời sống của ba vị, một đời sống “vâng phục và vâng lời” Thiên Chúa.

Sự vâng phục và vâng lời của gia thất thánh có được là do bởi các ngài có một đời sống đức tin, đức cậy và đức mến vững mạnh. 
Và câu chuyện gia thất thánh “trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”, vào năm Đức Giê-su “ được mười hai tuổi”, như một minh chứng điển hình.

Thật vậy, câu chuyện đó đã được kể rằng: hôm đó, sau khi “xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêsusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (Lc 2, 43).

Tại sao cha mẹ Ngài không hay biết? Thưa, chuyện là thế này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích. Cho nên, việc ông bà Giuse-Maria “cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành” là điều thường tình.

Thế nhưng, khi “không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm”. Sau ba ngày tìm kiếm, thật không ngờ, hai ông bà tìm thấy con mình “đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”. 

Thế là, một cuộc đối đáp xảy ra giữa các thành viên của gia thất thánh. Và chính cuộc đối đáp này chứng tỏ các ngài đã “vâng phục và vâng lời” Thiên Chúa.

Thì đây, hãy nghe mẹ Đức Giê-su nói với Người: “Con ơi, sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con  và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Có lẽ, có phần chắc, các bạn trẻ hôm nay sẽ trả lời rằng: “Chuyện của tui, ông bà xía dzô làm gì!”, phải không, thưa quý vị?

Với Đức Giê-su thì không phải vậy. Ngài thấu hiểu “đức mến”, nói rõ hơn, đó là, tình yêu thương của cha mẹ đối với  mình. Hôm đó, với tư cách là “Con Thiên Chúa”, Ngài đã trả lời rất rõ ràng, rằng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 

Còn ông bà Giu-se và Maria thì sao? Thưa, thánh sử Luca cho biết: “Ông bà không hiểu lời Người nói”.

Vâng, “Ông bà không hiểu”,  nhưng chúng ta phải hiểu rằng, sự việc không hiểu của các ngài, đủ để khẳng định,  gia thất của các ngài đúng là một gia thất sống vâng phục và vâng lời trong đức tin, đức cậy và đức mến. 

Tại sao chúng ta có thể khẳng định như thế! Thưa, là bởi,  dựa vào biến cố sứ thần Chúa “truyền tin cho ông Giu-se”  cũng như “truyền tin cho Đức Maria”. Hôm đó, cả hai vị có “hiểu gì đâu” những gì sứ thần truyền, ngoài việc “vâng phục và vâng lời”!

Vâng, một gia đình như thế, thưa ngài Honoré de Balzac, có gì ngăn cản ta khẳng định, rằng: gia đình vẫn “… là đường đưa ta tới thiên đàng”
**
Năm 2014 vừa qua,  Giáo hội chọn làm năm “Phúc Âm hóa gia đình”. Làm thế nào để Phúc Âm hóa ? Thưa, theo  Đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn, qua một bài giảng, ngài đã nói: cách tốt nhất, đó là: “Suy niệm Lời Chúa”. 

Vậy, nên chăng, hãy lấy ngay đoạn Tin Mừng hôm nay, đoạn nói về  gia thất thánh: Giuse - Maria – Giêsu, để suy niệm, để “Phúc Âm hóa” gia đình chúng ta? (x.Lc, 2, 41-52)

Thưa, đúng vậy. Là một Kitô hữu, một người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta  phải nhìn, phải  lấy gia đình Giuse-Maria-Giêsu, như là  mẫu mực cho cuộc sống gia đình mình.
Tại sao phải xem gia thất thánh như là  mẫu mực cho cuộc sống gia đình của ta? 

Thưa, là bởi,  nơi đó có một thánh tử Giê-su biết “vâng lệnh Đức Chúa” cũng như “hằng vâng phục” cha mẹ mình. Nơi đó, còn có một bà Mẹ  Maria “hằng luôn ghi nhớ tất cả những điều” Chúa truyền dạy. Và cuối cùng, nơi đó, có một người cha Giu-se luôn sẵn sàng “cực lòng vì con”.  

Thế còn, những “mẫu mực” do người đời truyền bá, thì sao? Thưa, đó chỉ là những lý thuyết khập khễnh, những chủ thuyết vô nhân.

Chúng chỉ đem lại cho gia đình sự ích kỷ. Chúng đã để lại một hậu quả là: “Nhiều gia đình leo lét trong bão giông. Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2012 ở Việt Nam đã có gần 100.000 vụ ly hôn, con số này chiếm gần 35-40% tổng số đôi hôn nhân ở Việt Nam trong năm. 

Điều đáng nói là trong số đó có hơn 70% là số gia đình trẻ (tuổi 22-30). Theo phóng viên Ben Bland của tờ Financial Times, Radio Australia, số vụ ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng nhanh. Điều đáng nói là số vụ ly hôn ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm, từ 53.000 vụ trong năm 2005 lên đến 90.000 vụ trong năm 2010. Thêm nữa, trung bình ở nước ta mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai, trong đó độ tuổi 15-19 chiếm khoảng 60-70 %”. (nguồn: internet)

Đừng cho rằng, chúng ta, chỉ là những phàm nhân, đầy yếu đuối và tội lỗi, làm sao có thể sống như cách sống của gia thất thánh, một gia thất  có hai vị “thánh Maria-Giuse” và một vị là “Con Đấng Tối Cao”…

Nghĩ như thế, có phải là một cách nghĩ quá thiển cận? Thưa, đúng vậy. Đức Maria và thánh Giu-se, hai vị chỉ được gọi là “thánh” sau khi họ đã qua đời. Khi hai vị còn tại thế, một vị chỉ là “bác thợ mộc”, còn vị kia chỉ là “bà Maria”, mà thôi. 
Mà, nếu..  Đức Maria và thánh Giu-se được gọi là “thánh” khi còn tại thế, thì cách nên thánh của hai vị cũng không quá khó để chúng ta noi theo. Vâng, rất giản dị, chỉ hai chữ “vâng lời” đối với Đức Maria và “vâng phục” đối với Thánh Giuse. 

Thiên Chúa, đừng nghĩ rằng, Người sẽ bắt chúng ta phải “vâng lời và vâng phục” giống như cách Đức Maria và thánh Giuse đã vâng lời và vâng phục, xưa kia.

Hôm nay, điều chúng ta cần vâng lời và vâng phục, chính là “tuân giữ các điều răn của (Thiên Chúa) và làm những gì đẹp ý Người” (1Ga 3, …22).

Mà điều răn của Chúa nào có khó giữ đâu? Chỉ là “mến Chúa yêu người”, mà thôi. 

Còn “làm đẹp ý Người ư!” Vâng, ý của Người là:, thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Và thứ hai, cũng không kém phần quan trọng, đó là: “Chớ muốn vợ chồng người”. 

Thưa Bạn, Bạn có thấy “ý của Người” là một “ý tốt” đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình? Vâng, câu trả lời là của quý bạn, thế nhưng, hãy nhớ rằng, Kinh Thánh có lời khuyên: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể” (x.Tv 119, 14)

***
Ngày 25/12/2015 vừa qua, chúng ta có một đại lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh. “Chúa Giáng Sinh”, nói theo “ngôn ngữ” Thánh Kinh, thì, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.

Đã hơn hai ngàn năm, là người Ki-tô hữu, chúng ta vui mừng về điều này. Thế nhưng, vui mừng là một chuyện, còn chuyện khác quan trọng hơn, đó là: Chúa đã thật sự “cư ngụ giữa ta”… Ta đã thật sự “đón nhận Ngài”!

Đừng quên, Thánh Kinh cho ta biết “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên  Chúa” (x.Ga 1, 12)

Vâng, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng đều nhìn nhận mình là “con Thiên Chúa”. Có phần chắc,  ai trong chúng ta cũng đều thốt lên, rằng: tôi đã “đón nhận Ngài”. 

Vậy, còn chờ gì nữa mà không  đón nhận “gia thất của Ngài”, đón nhận như một hành trang, như một “vốn sống”, như một “mẫu mực” cho cuộc sống gia thất của chúng ta, hôm nay! 

Hãy đón nhận Gia Thất Thánh, các Bạn nhé!

Petrus.tran

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2015

Tôi thật có phúc!



Chúa Nhật IV  -  MV – C

Tôi thật có phúc!

Lịch Phụng Vụ hôm nay (20/12/2015) bước vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng. Bầu không khí của Lễ Giáng Sinh mỗi ngày một thêm rộn ràng. Thật vậy, nơi các xóm đạo như: Bình An, Bình An Thượng, Nam Hòa, Nghĩa Hòa v.v… những nơi đây, như một truyền thống đẹp, hễ đến lễ Giáng Sinh, nhà nhà, người người làm hang đá, làm hang đá trong tư thất chưa đủ, họ còn làm hang đá suốt dọc hai bên đường.

Ngoài những hang đá, những gì có liên quan đến Giáng Sinh đều được đem ra trưng bày, như cây thông Noel, như hình nhân người tuyết và đặc biệt là hình ảnh “ông già Noel”.


Ông già Noel là ai? Thưa, theo truyền thống cho rằng, ông già Noel được nói đến trong dịp lễ Giáng Sinh chính là hiện thân của thánh Nicola, một vị thánh được Giáo Hội Công Giáo kính nhớ vào ngày 6 tháng 12 hằng năm. Ngài là giám mục tại Myra, một hải cảng trong vùng Lycea của Tiểu Á (ngày nay là Demre, Thổ Nhĩ Kỳ).

Thánh Nicôla là một người biết thương người nghèo và dành cả đời mình để phục vụ Thiên Chúa.  Ngài còn được ca tụng là người rất yêu thương trẻ em. Luôn luôn mang quà đến cho trẻ em vào các dịp lễ Giáng Sinh.  

Là vậy, nhưng, thánh Nicola không thể chiếm chỗ của một người trong dịp lễ Giáng Sinh, hay nói đúng hơn, tình yêu thương cũng như sự phục vụ của ngài không thể sánh bằng một người. Người đó chính là Đức Maria.

Thật vậy, Tin Mừng thánh Luca với trình thuật “Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth” đã mô tả rõ nét một Maria như là mẫu mực cho “tình yêu và sự phục vụ”.

Vâng, khi được sứ thần Gabriel loan báo “bà Êlisabeth tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai, bà ấy vẫn mang tiếng là hiếm muộn mà nay đã có thai”, Đức Maria đã vội vã lên đường viếng thăm bà Êlisabeth.

Đừng nghĩ rằng đây là một cuộc viếng thăm bình thường. Trái lại, đó là một cuộc viếng thăm của tất cả  nỗi lòng yêu thương, một sự yêu thương quên mình, quên ngay hoàn cảnh của mình cũng vừa “thai nghén”, Đức Maria đã không “ngại núi e sông”.  

Đi thăm bà chị họ, Đức Maria muốn nói rằng, tình yêu thương phải được biểu lộ cụ thể qua sự phục vụ, sự phục vụ mà sau này chính con của Mẹ đã đem ra làm bài học cho người môn đệ của mình, rằng “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10, 45).

Đến là để phục vụ. Chuyện kể rằng, Đức Maria đã ở lại với bà Êlisabeth “độ ba tháng” rồi mới trở về nhà mình. Vâng, một cuộc viếng thăm như thế, ai dám phủ nhận, Đức Maria đã để lại cho chúng ta một tấm gương mẫu mực  về “tình yêu và sự phục vụ”!

**
Tưởng chúng ta cũng cần biết, Thánh Nicôla, theo truyền thống, ngoài việc được gọi là “Ông già Noel”, ngài còn được gọi bằng một cái tên là “Thánh Ních vui vẻ”. Vâng, quả là thật vui vẻ khi chân dung Ngài được nhìn qua biểu tượng ông già Noel với trang phục đỏ thắm, dí dỏm với chùm râu bạc, ngồi chễm chệ trên chiếc xe trượt tuyết, có bảy con tuần lộc kéo, với một lô quà đem phát tặng cho trẻ em.

Thế nhưng, ngày nay, thật đáng tiếc “Ông già Noel” ngày càng bị xã hội thương mại hóa, “trần tục hóa” làm hoen ố tấm gương quảng đại của vị giám mục Nicola thánh thiện.

Vâng, có buồn không chứ! Ngày nay “thánh Ních” lại bị người ta cho đứng trước vũ trường, quán bar, nhà hàng vẫy tay mời gọi khách qua đường. Có buồn không chứ! Ngày nay, “thánh Ních” cưỡi Honda, chỉ đến với trẻ em nhà giàu với túi quà nặng trĩu.

Chính vì thế,  chúng ta phải có bổn phận tái hiện lại hình ảnh một “thánh Ních” thánh thiện và quảng đại. 

Tái hiện bằng cách nào? Thưa, bằng cách, hãy mặc lấy tâm tình của Đức Maria, một tâm tình yêu thương và phục vụ, sẵn sàng vội vã lên đường. Lên đường đến những nơi cần chúng ta đến, như: cô nhi viện, viện dưỡng lão, bệnh viện v.v…

Hãy thử tưởng tượng! Nếu… nếu chúng ta cùng có một tâm tình của Đức Maria, một tâm tình yêu thương và phục vụ, sẵn sàng vội vã lên đường, đến với những trẻ thơ bất hạnh, đến với những thai nhi vô thừa nhận… điều gì sẽ xảy ra?  Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ lại được nghe tiếng thai nhi “trong bụng nhảy mừng”. Có phần chắc, chúng ta sẽ được nhìn thấy nhiều trẻ thơ “nhảy lên vui sướng”.


Hãy thử nghĩ xem! Nếu… nếu chúng ta sẵn sàng vội vã lên đường, đến với những bà Êlisabeth-già-nua không nơi nương tựa… những Êlisabeth đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang… những Êlisabeth bị bỏ rơi với đàn con nhếch nhác v.v… điều gì sẽ xảy ra?  Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ được nghe nhiều lời chúc phúc. Có phần chắc, chúng ta sẽ được những bà Elizabeth-của-thời-đại-hôm-nay lớn tiếng kêu lên “Bởi đâu tôi được (bạn) tôi đến với tôi thế này!”…


Chắc hẳn hôm nay, ai trong chúng ta cũng đã bài trí xong một hang đá Belem, với những nhân vật đã viết lên lịch sử cứu độ như thánh Giuse, Chúa Hài Đồng Giêsu và Đức Maria, cho gia đình của mình.
Vâng, đó là một truyền thống đẹp. Thế còn, hang-đá-tâm-hồn của chúng ta, ta sẽ bài trí những gì? Phải chăng là tâm tình “yêu thương và phục vụ”? Câu trả lời tùy thuộc mỗi chúng ta.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, sống yêu thương và phục vụ, Kinh Thánh cho biết: “vì nhờ những việc như thế mà con sẽ được mến yêu” (x.Hc 7, 35).

Ai sẽ mến yêu chúng ta? Thưa, không chỉ mọi người mà còn chính Chúa, chính Chúa Giê-su, vào ngày trở lại trong vính quang, Ngài sẽ nói với ta rằng:  “Con thật có phúc”.

Petrus.tran




Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

Hãy “chia cho người không có”.

Chúa Nhật III – MV – C

Hãy “chia cho người không có”.

Hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào tuần thứ III – MV. Rảo quang các thánh đường, ngoài việc tái hiện hang đá Belem, chúng ta còn thấy chương trình tĩnh tâm giảng phòng đã được niêm yết.

Vâng, khi nói tới những buổi tĩnh tâm giảng phòng, không thể không nhắc tới những nhà thuyết giảng. Có thể nói rằng, ngoài ơn Chúa tác động, vai trò của các nhà thuyết giảng rất quan trọng. Các vị chính là những người truyền cảm xúc, đem sự xúc động đến tâm hồn các tín hữu qua những lời thuyết giảng của mình.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, bất cứ ở thời đại nào, cũng đều xuất hiện những nhà thuyết giảng lừng danh. Nếu xưa kia, vào thời các tông đồ là Thánh Phê-rô và Phaolô, thì những thế kỷ sau là các vị như: thánh Bernadine, thánh Inhaxio, thánh Đa Minh v.v…

Riêng Việt Nam, vào thập niên 70, tại Saigon, chúng ta không thể không nói tới những nhà giảng thuyết của DCCT, như: Lm GB. Nguyễn Văn Vàng, Lm Giu-se Trần Hữu Thanh, hoặc của dòng Đa Minh như: Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh.

Còn một nhà thuyết giảng khác rất lừng danh. Và cứ đến Mùa Vọng, Giáo Hội không thể không nhắc đến tên ông ta. Vị đó chính là Gioan Tẩy Giả.

Gioan Tẩy Giả đã thuyết giảng như thế nào? Thưa, thánh sử Luca đã kể lại buổi thuyết giảng đó như sau: vào “năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời Phongxio Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit… Khanan và Caipha làm thượng tế…”, ông Gio-an đã xuất hiện tại sông Giodan. Nhà thuyết giảng Gioan đã truyền giảng cho mọi người rằng: “hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Có rất nhiều người đến với ông. Và ông đã không bỏ lỡ cơ hội khuyến cáo họ rằng: “Các ông hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”.

Những cảnh báo thẳng thắn của ông được mô tả như những “phát búa”, như những “nhát rìu” chém thẳng vào tận tâm can, tận đáy lòng, tận thâm tâm từng người.
Và như một phép lạ, bài “thuyết giảng” của ông Gio-an đã truyền cảm đến tâm hồn từng người, từng người một.

Không thể tưởng tượng được, đã hằng bao ngàn năm, họ trông ngóng “Đấng Mesia”, nay lại được ông Gioan công bố rằng “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”, hỏi sao họ không trải lòng đón nhận!

Dòng sông Giodan, hôm đó dậy sóng, nhưng không phải sóng nước mà là một làn sóng người “lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa”. Họ, quả là đã thật sự sám hối, một sự sám hối chân thành, với những lời tha thiết xin được biết việc “đền tội” của mình: “Chúng tôi phải làm gì đây?”

Hôm đó, ông Gio-an đã nói với họ: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.


Rất thẳng thắn và quyết liệt, ông đã nói với những người thu thuế, rằng: “Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh”. Còn với những binh lính, ông có lời khuyên: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.

Hôm đó, theo lời thánh sử Luca đã ghi: Ông Gio-an Tẩy Giả “còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.

** Vâng, đã hơn hai ngàn năm, phải chăng bài “thuyết giảng” của ông Gio-an Tẩy Giả vẫn mang tính thời sự đối với chúng ta, hôm nay? Phải chăng, những lời khuyên răn của Gio-an Tẩy Giả xưa kia cũng dành cho chúng ta, hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Và câu hỏi đặt ra cho chúng ta hôm nay, đó là: “Chúng ta sẽ làm gì đây?”

Chúng ta sẽ làm gì đây? Khi mà, thế giới hôm nay, việc phân bổ tài nguyên giữa các quốc gia không đồng đều, có những nước quá giàu, lại có nhiều nước quá nghèo… để rồi, vẫn còn đó, rất… rất nhiều người cần được chúng ta “chia cho”.
Chúng ta sẽ làm gì đây? Khi mà, xã hội hôm nay, vẫn còn không ít người tôn thờ “chủ nghĩa cá nhân”, họ chỉ lo sống hưởng thụ ích kỷ v.v… để rồi, vẫn còn đó, rất… rất nhiều người cần được chúng ta “chia cho”.
Cho nên, thật phải đạo khi chúng ta trở lại dòng sông Gio-dan năm xưa, trở lại không phải để “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng là để lấy lại nguồn cảm hứng, nguồn cảm hứng xưa kia ông Gio-an Tẩy Giả đã đem lại cho những người “lũ lượt” đến với ông, hầu cho chúng ta có được một tấm lòng nhận biết, rằng: “Cho có phúc hơn nhận”.

Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta trở về dòng sông Giodan năm xưa, trở về nơi chốn đó, không phải để ngồi nhìn “thuyền ai lờ lững trôi suôi dòng”, nhưng là để nhìn lại “con thuyền cuộc đời” của ta và tự hỏi mình, rằng: “Con thuyền cuộc đời của ta, sau bao mùa NOEL, đã chất chứa những gì?

Vâng, hãy tự hỏi lòng mình, rằng: Phải chăng là chất chứa sự vô cảm, sự thờ ơ, lãnh đạm trước những nỗi khổ đau, trước sự nghèo túng, trước sự áp bức, trước nỗi bất công… những thứ mà chỉ có “nòi rắn độc” luôn sẵn sàng thể hiện?

Hay, con thuyền cuộc đời của chúng ta đang chuyên chở một tâm hồn độ lượng, một tình thương bao dung, một tấm lòng nhân ái của “người Samari nhân hậu”?

Hãy nhớ rằng, “Mùa Vọng”, với chúng ta hôm nay, không chỉ là “Mùa sao sáng đêm noel Chúa sinh ra đời”, nhưng còn là mùa nhắc nhở chúng ta rằng “Chúa sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”.

Mà, Chúa sẽ phán xét điều gì? Thưa, đó là, Ngài sẽ hỏi: “Xưa Ta đói, các ngươi có cho Ta ăn. Ta khát, các ngươi có cho Ta uống. Ta là khách lạ, các người có tiếp rước. Ta trần truồng, các ngươi có cho mặc. Ta đau yếu, các người có viếng thăm. Ta ngồi tù, các ngươi có hỏi han”?

Vì thế, không gì tốt hơn là hãy “chất lên” con thuyền cuộc đời của mình bằng lời khuyên của thánh Phao-lô, lời khuyên rằng, hãy sống “Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi…” (x.Pl 4, 5)
Chính sự “hiền hòa rông rãi” đó sẽ tạo trong ta một “mâm hoa quả”, hoa-quả-của-Thần-Khí, đó là hoa quả “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, những loại hoa quả mà con người hôm nay đang cần chúng ta “chia cho”.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói rõ “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”.

Thế nên, một lần nữa, hãy tự hỏi lòng mình, rằng: Tôi đang sống cho mình? Hay tôi đang “sống cho Chúa và sống cho tha nhân”? Tôi là một “ốc đảo” hay tôi là một hòn đảo trong một quần đảo của đại dương bao la, nơi cuộc đời này?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, trong bài thuyết giảng năm xưa, ông Gio-an Tẩy Giả có nói, ngày đó, “thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Thưa Bạn, chắc hẳn Bạn và tôi, không ai trong chúng ta muốn mình là “thóc lép”. Vậy, nên chăng, ngay hôm nay, chúng ta hãy lấy những gì mình có, mà “chia cho người không có”!

Petrus.tran
Chúa Nhật II – MV – C
Hãy tỏ lòng sám hối…
Hôm nay, chúng ta bước vào tuần thứ II – Mùa Vọng. Với tuần thứ I, chúng ta được kêu gọi hãy tỉnh thức và cầu nguyện, còn hôm nay, Phụng Vụ Lời Chúa, qua trích đoạn Tin Mừng thánh Luca, Giáo Hội mời gọi mọi tín hữu hãy sám hối.
**
Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng: “Năm thứ mười lăm dưới triều đại hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê… Kha-nan và Cai-Pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa.” (x.Lc 3, 1-2)
Ông Dacaria là ai? Thưa, là một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, ông có người vợ tên là Elisabeth, cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon. Dưới sự quan phòng của Thiên Chúa, mặc dù vợ ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa đã nhận lời cầu xin của ông, Người đã cho ông sinh được một cậu con trai, một cách đặc biệt.
Cậu con trai đó, sau khi sinh được tám ngày, chịu phép cắt bì và đặt tên là Gio-an, thì người cha là Dacaria được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.” (Lc 1,76).
Và quả thật, ông Gio-an sau khi trải qua những ngày sống ẩn dật, cho đến khi Thiên Chúa phán cùng ông, “ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-dan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3)
Lời rao giảng của ông, đúng như lời chép trong sách ngôn sứ Isaia, rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Lời rao giảng của ông tưởng chừng như là những lời lạc lõng giữa sa mạc. Trái lại, Kinh Thánh ghi rằng, người ta “lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa”.
** “Hãy tỏ lòng sám hối”, phải chăng, đây cũng là lời mời gọi cho mỗi chúng ta?

Thưa, đúng vậy. Đúng là bởi, chúng ta hay lầm lẫn và nghĩ rằng, mình sống ăn-ngay-ở-lành không làm gì nên tội, không trộm cắp, không bất công với ai, thì có gì phải “sám hối”.

Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phao lô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Rm 3, 23).

Vì-mọi-người-đã-phạm-tội. Xưa, vua David đã nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7).

Vâng, thật não lòng khi David thú tội: “Con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm… Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”.

Và ngày nay, Bà Catherine Samba-Panza, nữ tổng thống lâm thời cộng hòa Trung Phi, vào Chúa Nhật 29/11/2015, khi tiếp đón Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đến thăm Bangui, cũng nhận rõ điều này, nên đã lớn tiếng nhân danh các nhà cầm quyền Trung Phi, xin “được tha thứ” vì đã góp phần đưa đất nước mình “xuống địa ngục”.

Hôm đó, để “tỏ lòng sám hối”, bà ta đã “xưng tội” trước đông đảo cử tọa, như sau: “Nhân danh tầng lớp lãnh đạo của đất nước này và cũng nhân danh cho tất cả những người đã góp phần cách này cách khác đã đưa đất nước này xuống hỏa ngục, tôi xin xưng tất cả sự dữ đã phạm cho đất nước này trong quá trình lịch sử, và tự đáy lòng tôi, tôi xin được tha thứ”.

Rất chân thành, bà ta đã nói lên tột cùng của những lời thú tội, rằng: “…Làm sao tự cho mình là tín hữu mà đi phá hủy nơi thờ phượng, giết người anh em, hãm hiếp người khác, phá hoại tài sản người khác, gây bạo lực dưới mọi hình thức”.

Cuối cùng bà ta, hai lần nói, “Chúng tôi tuyệt đối cần sự tha thứ... Chúng tôi cần sự tha thứ…” (nguồn: internet)Lời khẩn cầu đó, có gì ngăn cản chúng ta nghĩ rằng: bà ta đã thật sự “tỏ lòng sám hối”!

Và bây giờ là đến chúng ta. Hãy tự hỏi lòng mình rằng: Làm-sao-tự-cho-mình-là-tín-hữu, với bao nhiêu Mùa Vọng đi qua đời ta, thế mà, đã được bao nhiêu lần ta thực thi lời kêu gọi của ông Gioan tiền hô “tỏ lòng sám hối”?

Thế nên, hãy tự thú tội bằng một lời “hạch tội” mình, rằng: Với bao nhiêu lần Mùa Vọng đi qua đời ta, thế mà được bao nhiêu lần ta thật sự “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng, cùng tất cả anh chị em” rằng “tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng lời nói, việc làm và những điều thiếu xót”?

“Nhân danh là một gia trưởng”, đã có lần nào chúng ta thú nhận rằng, tôi còn thiếu xót nhiều trong vai trò thuyền trưởng của một gia đình, trong việc dạy dỗ con cái, trong việc làm gương tốt trước mặt các con v.v…?

Còn… còn rất nhiều thiếu xót, trong nhiều vai trò khác nhau của ta, trong cuộc sống thường nhật, mỗi ngày.

Thế nên, đừng quên lời thánh Phao-lô khuyên dạy, rằng: hãy làm cho “lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào”, chính lòng mến, thánh nhân nói tiếp: “khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì tốt hơn” (x.Pl 3, 9)

Có lòng mến, có được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì tốt hơn… Vâng, đó chính là lực đẩy giúp ta nhận ra những thiếu xót, giúp ta sửa đổi những quanh-co-dối-trá trong tâm hồn, giúp ta san phẳng núi-tham-lam, núi-hận-thù, núi-chia-rẽ, núi-đam-mê, hố-dục-vọng, núi-kiêu-căng-tự-mãn v.v…

Nói cách khác, nó giúp ta “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”, phải không, thưa quý bạn?

Mà, khi đời sống đức tin của chúng ta sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối, ai dám phủ nhận ta đã thật sự “tỏ lòng sám hối”!
Vâng, một lần nữa, chúng ta cùng nghe lời kêu gọi của ông Gio-an tiền hô: “Hãy tỏ lòng sám hối”

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...