Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

“Anh em hãy sám hối…”

*************
Chúa Nhật I - MC – B

“Anh em hãy sám hối…”

Sám hối là gì? Theo từ điển tiếng Việt phổ thông định nghĩa, sám hối có nghĩa là: ăn năn, hối hận về tội lỗi của mình. Nói tới sám hối, có thể nói rằng, không một tôn giáo nào mà không kêu gọi người tín hữu của mình thực hiện việc sám hối.

Đối với người tín hữu Công Giáo, việc sám hối luôn được Giáo Hội nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đặc biệt nhất là vào “Mùa Chay”.

Mùa Chay, không tính các ngày Chúa Nhật, thường được kéo dài với khoảng thời gian 40 ngày, trước lễ Phục Sinh. Trọng tâm của mùa chay không chỉ là chay tịnh, nhưng còn là nhắc nhở chúng ta hướng về một thực tại đó là “Mầu Nhiệm Vượt Qua”, về cái chết hy tế và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, mang lại ơn cứu độ cho muôn người.

Giáo hội khởi đầu mùa chay bắt đầu bằng thứ tư “Lễ Tro” với tâm tình ăn năn sám hối. “Tro” là cách người xưa sử dụng để bày tỏ lòng ăn năn sám hối.

“Trong lịch sử, việc sử dụng tro như một dấu hiệu của sự sám hối, đã được Cựu Ước ghi chép lại, và Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng nói về sự cần thiết cho một số người tội lỗi để làm việc đền tội, là mang áo nhặm và xức tro (Mt 11, 21). 

Tertulianô, thánh Xyprianô, thánh Ambrôxiô, thánh Giêrônimô, thánh Augustino, và nhiều Giáo Phụ khác thường nhắc đến việc thực hành này, đặc biệt là trong tương quan với việc thực hành để khởi đầu một giai đoạn của sự sám hối công khai cho các tội trọng… 

Lúc đầu, nghi thức được thực hiện ngoài thánh lễ, nhưng rồi được đưa vào thánh lễ khoảng thế kỷ XII”. (x.Nguyễn Trọng Đa - Giải đáp phụng vụ: Làm phép tro và xức tro như thế nào?)

Vào ngày Lễ tro, sau phần Phụng vụ Lời Chúa, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại nhiều cảm xúc. Họ tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế trong tiếng nhạc thâm trầm du dương với những ca từ u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro… ”.

Những lời ca đó gợi cho chúng ta nhớ đến lời tuyên phạt của Thiên Chúa, sau khi nguyên tổ Adam và Eva “sa vào chước cám dỗ” của Xa-tan: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về bụi đất” (St 3, …19).

“Sa vào chước cám dỗ”. Vâng, đó là một trong những vấn nạn của cuộc đời, nhất là cuộc đời của một người Ki-tô hữu. Ông Gióp, một nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, trước vấn nạn này, cũng đã nghẹn ngào thốt lên rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Không chỉ riêng con người, mà ngay cả Đức Giêsu, là Con Một Thiên Chúa, nhưng khi đã trở nên người phàm, Ngài cũng đã phải đương đầu trước nhiều cơn cám dỗ của Xa-tan.

Thật vậy, Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật I Mùa Chay, với trích đoạn Tin mừng Máccô (1, 12-15), đã thuật lại rằng: Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi đêm ngày”. Và như bao phàm nhân khác, Đức Giêsu cũng đã phải “chịu Xa-tan cám dỗ” (Mc 1, 13)

Với Tin Mừng Mác-cô, thánh sử không mô tả chi tiết về những cơn cám dỗ, nhưng chúng ta vẫn có thể tin rằng, Đức Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi mưu ma chước quỷ mà Xa-tan đã xuất chiêu để cám dỗ Ngài.

Niềm tin này được dựa vào sự kiện “ông Gio-an”, người đã làm phép rửa cho Đức Giê-su, “bị nộp”.  Xét về một khía cạnh nào đó, cũng có thể nói, đó là một cơm cám dỗ nho nhỏ, “cơn cám dỗ sợ hãi”, một sự sợ hãi khiến cho Đức Giêsu nhụt chí không dám lớn tiếng rao giảng tại Galilê.

Nhưng không, Đức Giêsu đã không sa vào chước cám dỗ của Xa-tan. Ngài vẫn tiếp tục ra đi loan báo Tin Mừng. Vẫn hiên ngang công bố thông điệp cần công bố, rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

**
“Anh em hãy sám hối…”.

Chúng ta thường nghĩ rằng, tôi chẳng làm gì gây ra  tội lỗi, nên không cần ăn năn,  tôi sống ăn-ngay-ở-lành, không làm gì nên tội vì thế cần “quái” gì phải sám hối...

Nghĩ như thế là một sai lầm lớn. Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân. Từ đáy lòng của chúng ta, có ai mà không hơn một lần có những ý tưởng xấu, như: “ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ganh tỵ, chia rẽ, bè phái, say sưa…” v.v… Có ai dám khẳng định, những ý định này không bị hoàn cảnh chi phối, tạo ra dịp tiện dẫn đưa chúng ta vào con đường phạm tội!? 

Về chuyện này, Thánh Thần Chúa qua miệng lưỡi tông đồ Phao lô đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Roma 3, 23).

Hãy nghe vua David diễn tả rõ nét hơn thân phận “phàm nhân” đầy tội lụy: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7). Đó…  đó, phải chăng đó chính là tội “nguyên tổ”, bản chất tội lỗi di truyền! Vì thế, có gì để chúng ta không hiểu, rằng: Nguồn nước dơ bẩn dẫn đến một dòng sông dơ bẩn.

Ai mà không hơn một lần sa chước cám dỗ! Vì thế, bốn mươi ngày chay thánh, không quá dài để mà chúng ta chần chờ, để mà chúng ta chậm chân trở về trong tâm tình sám hối.

Đừng quên,  Kinh Thánh có lời dạy rằng: “…Những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn… Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách” (x.Kh 20, 11-12)

Nếu chúng ta không ăn năn sám hối, quay lại với Thiên Chúa, ngay hôm nay, thì, trong ngày phán xét, chúng ta sẽ phải đứng trước tòa án của Thiên Chúa và chịu trách nhiệm trước mặt Ngài về mọi hành động tội lỗi của mình.

***
Trở lại thông điệp của Đức Giê-su, hôm đó, Ngài còn mời gọi mọi người: “Hãy tin vào Tin Mừng”. Tin Mừng đó là tin mừng gì? Thưa, đó là Tin Mừng về một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “là Đấng từ bi và nhân hậu. Người chậm giận và giàu tình thương” (x.Tv 145, 8).

Thật vậy, sự giàu tình thương của Thiên Chúa đã  cứu vớt nhiều tội nhân ra khỏi “sự cám dỗ” của Xa-tan. Lịch sử Cựu Ước, qua câu chuyện sa ngã của vua David, là một bằng chứng điển hình.

Vua David dù đã “sa chước cám dỗ”, dù đã phạm tội tà dâm và sát nhân, nhưng, nhờ biết sám hối, nhận mình “đắc tội với Đức Chúa”, tình thương tha thứ của Thiên Chúa đã “bỏ qua tội của ngài, ngài không phải chết” (2Sm 12, 13).

Tin và cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ dứt dấy tâm hồn tội nhân sám hối. Và một khi người tội nhân thật sự sám hối, một sự thôi thúc mãnh liệt sẽ thúc đẩy người ấy thoát ra khỏi “cơn cám dỗ” để đứng lên trở về. Người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” đã cảm nhận được điều đó và anh ta đã đứng lên trở về nhà cha.

****
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.  Không cần biết chúng ta đã nghe bao nhiều lần lời mời này, qua bao nhiêu Mùa Chay, trong đời ta. Chỉ cần biết rằng, ngay hôm nay, chúng ta đừng thờ ơ, phớt lờ lời mời gọi này. Chỉ cần biết, hôm nay, chúng ta hãy “xé lòng” để đón nhận lời mới này, hay không!

Thiên Chúa, Người đã làm tất cả. Người chờ đợi chúng ta đến để biện luận. Thiên Chúa, qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, đã cho chúng ta biết rằng: dù tội chúng ta “có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải diều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18)

Vấn đề còn lại, đó là, chúng ta sẽ sám hối và tin vào Tin Mừng? Thánh Cyprian  có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn rộng mở”.

Vâng, Con đường đến với lòng thương xót Thiên Chúa vẫn-rộng-mở, rộng mở cho chúng ta, nếu chúng ta thực hiện ngay lời mời gọi của Đức Giê- su, rằng: “Anh em hãy sám hối”.

Petrus.tran







Thứ Ba, 17 tháng 2, 2015

Tôi muốn, anh sạch đi.

Tôi muốn, anh sạch đi
Nếu có ai hỏi, giữa cái chết và bệnh tật, nhất là bệnh nan y, cái nào đáng sợ hơn, bạn sẽ trả lời như thế nào? Với câu hỏi này, tại Pháp, trong 1.000 người đại diện các giới, từ 28 tuổi trở lên, đã có  54% người trả lời rằng, “sợ bệnh tật hơn là cái chết”.

Thật vậy, bệnh tật, nhất là những loại bệnh thuộc loại tứ chứng nan y: phong, lao, cổ, lại… thì quả là sống không bằng chết. Nếu chúng ta thử thăm viếng một vài bệnh nhân vướng phải những căn bệnh này, bệnh phong chẳng hạn, ta sẽ được nghe những tiếng rên xiết đau đớn của họ. Chưa hết, ta còn được nghe họ than thở về chi phí điều trị. Cuối cùng, ta còn thấy họ luôn mặc cảm vì bị ghẻ lạnh, kỳ thị, xa lánh.
Đối với bệnh phong, đúng là, xã hội thời xa xưa thường xa lánh và kỳ thị. Đã có thời người bệnh phong phải chịu  nhiều luật lệ khắt khe như thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai dám bén mảng tới gần.
Do Thái giáo thời Cựu Ước cũng có luật lệ riêng cho những người bệnh phong hủi. Những luật lệ đó cũng không kém phần khắc nghiệt. Khắc nghiệt ngay từ “khâu chẩn bệnh”… Nếu một người bị nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, lang ben, sói đầu v.v… mà các vết thương đó “cứ loang ra” trên cơ thể... “Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong” (Lêvi 13,7).
Một đạo luật đã được các Tư tế đặt ra : “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên: "Ô uế! Ô uế!". Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại”(Lêvi 13, 45-46).
Nói chung, đối với xã hội thời xa xưa; cả ở phương Tây lẫn phương Đông, người bệnh phong hủi bị ghẻ lạnh, kỳ thị và xa lánh…
Ấy vậy mà… Vâng, vậy mà… có một người đã làm thay đổi một định kiến thâm căn cố đế như thế. Người đó đã coi họ là những kẻ đáng thương xót hơn là ghẻ lạnh, nên gần gũi hơn là xa lánh và nên cảm thông hơn là kỳ thị. Người đó chính là Đức Giêsu.
Chuyện kể rằng: Sau khi rời bỏ Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. Khi Người và các môn đệ đang “từng bước từng bước thầm”, bất ngờ, có một người phong hủi đến gặp Người.
Vâng, không thể tin được về sự liều lĩnh của người phong hủi này. Tại sao? Thưa, vì, theo luật Do Thái thời bấy giờ, ít nhất, người phong hủi phải có một cái chuông… Để làm gì?  Thưa, để lắc vang lên báo hiệu rằng, có người hủi quanh đó. Hoặc phải la lên “ô uế! ô uế!” để mọi người tránh xa. Bởi vì đó là luật. Luật Lêvi.
Không biết nhóm môn đệ của Đức Giêsu có lẩm bẩm về sự thiếu tôn trọng và sự hiểu biết về luật của chàng cùi đó với nhau không. Nhưng có phần chắc, khi thấy bóng dáng chàng “cùi”, các môn đệ đã “lùi lại”.
Vâng, cũng đúng thôi. Lùi lại vì sợ lây bệnh và cũng vì  luật đã được các Rabbi dạy rằng “cấm không được đến gần người cùi trong khoảng cách một sải tay”. Vì thế, có thể tin, các môn đệ đã lùi lại để bảo vệ cho sức khỏe và sự thánh khiết của mình.   
Thế nhưng, với Đức Giêsu, Người không lùi lại. Người vẫn tiếp tục tiến về phía người phong hủi. Khoảng cách mỗi lúc một ngắn dần.
Khi cự ly giữa chàng cùi và Đức Giêsu không còn có thể ngắn hơn được  nữa, người ta thấy chàng cùi  bèn quỳ sụp xuống. Những lời van xin thống thiết của chàng ta được tuôn ra: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
“Nếu Ngài muốn”. Vâng, chúng ta có thể hình dung ra hình hài ghê tởm với tiếng kêu gào của chàng hủi thảm thiết đến mức nào. Còn Đức Giê-su thì sao! Thưa, đó là hình ảnh một Đức Giêsu động lòng thương xót.
Và Đức Giêsu đã thương xót. Ngài “đã muốn”, bởi khi nhìn thấy anh ta trong tình cảnh “chết còn hơn là sống cay cực” như thế này, Người đã “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh ta và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi”.
Câu chuyện kể tiếp rằng “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.
**
Đức Giê-su đã “giơ tay đụng vào anh ta”, đây là một cử chỉ, một hành động, rất dễ bị hiểu lầm là đã phá luật, luật tiếp xúc với người phong.  Đức Giê-su không phá luật, hãy nhìn xem, sau khi chữa lành chàng hủi, Đức Giêsu đã chẳng bảo chàng ta rằng “hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môse đã truyền, để làm chứng cho người ta biết” đó sao!
Chữa cho chàng hủi này, Đức Giêsu chỉ cần phán một lời, như cách thức Ngài đã chữa lành một người con của vị quan cận thần ở Caphanaum, cũng được. Nhưng chủ ý của Ngài khi đặt tay lên chàng hủi là muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng : không có điều gì có thể ngăn cách con người với Thiên Chúa, kể cả tội lỗi, theo quan niệm Do Thái giáo: người hủi là người tội lỗi, nếu con người biết “đến mà biện luận” (Is 1, 18).
Đặt tay lên chàng hủi, Đức Giêsu đã kiện toàn một điều luật – luật yêu thương – một đạo luật cần thực hiện khi thực hiện “mục vụ giao hòa”, là đặt tay vào tội nhân, là nói với tội nhân, rằng: “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
***
Ngày nay, bệnh phong, phong thể xác, hầu như đã được khống chế. Với nền y học tiên tiến hôm nay, với những loại thuốc đặc trị như Dapsone, Rifampicin và Clofazimine, bệnh nhân chỉ cần dùng liều thuốc này từ sáu tháng đến một năm hoặc có thể lâu hơn nữa, thì có thể khỏi bệnh.
Chính vì thế, số lượng người mắc phong hủi thể xác không còn là điều đáng quan ngại. Thế nhưng, là một Ki-tô hữu, điều chúng ta đáng quan ngại, đó là, số người phong hủi đức tin, đức cậy và đức mến ngày một tăng cao.
Sẽ có một số người hỏi, điều gì khiến chúng ta quan ngại?
Thì đây, cứ nhìn xem… cứ nhìn xem, tại khắp các học đường, hôm nay, đâu đâu chúng ta cũng nhìn thấy những con vi-khuẩn-dối-trá, những con vi-khuẩn-bịp-bợm, những con vi-khuẩn-chạy-theo-thành-tích, xuất hiện và tung hoành… Ai… ai dám phủ nhận, con em chúng ta sẽ không bị nhiễm những con vi khuẩn đó, để rồi dẫn đến “phung hủi tư cách, phung hủi tâm hồn”?
Hãy nhìn xem, ngoài xã hội, đi tới bất cứ đâu, chúng ta đều thấy những con vi-khuẩn-dâm-bôn, những con vi-khuẩn-say-sưa-chè-chén v.v… Ai… ai dám chắc là chúng ta không một lần bị nhiễm những con vi khuẩn đó! Ai dám chắc là chúng ta không một lần bị “phong-đức-ái cũng như đức trong sạch”?
Đó là chưa nói đến lãnh vực truyền thông, một thứ truyền thông vô thần, một loại truyền thông chỉ sản sinh những con vi-khuẩn-bịp-bợm, những con vi khuẩn nghi nan và  ngờ vực v.v… Ai… ai dám chắc là chúng ta không một lần bị nhiễm những con vi khuẩn đó! Ai dám chắc là chúng ta không một lần bị “phong-đức-tin cũng như đức-cậy”?
Y học có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vì thế, không có lời khuyên nào tốt hơn lời khuyên “đừng dây với hủi”. Nói cách khác, đó là, hãy tránh xa “những nơi có thể” làm cho chúng ta lây nhiễm những con vi khuẩn đó.  
“Những nơi có thể” là nơi nào? Thưa, đó là vũ trường, quán nhậu, là những quán karaoke trá hình, là những loại truyền thông bịp v.v…
Bây giờ, hãy để một phút hồi  tâm và hãy tự hỏi lòng mình rằng “Tôi có đang bị mắc bệnh phong tâm hồn không? Tôi có bị nhiễm những con vi khuẩn nêu trên không?”
Nếu chưa, hãy bảo vệ tâm hồn mình bằng Thánh Kinh, bằng Lời Thiên Chúa. Bởi, Lời Thiên Chúa “là lời sống động, hữu hiệu, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12)
Một Ki-tô hữu được Lời Thiên Chúa “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” thì những con vi khuẩn “xấu” nêu trên không thể thâm nhập vào tâm hồn mình để gây ra chứng phong tâm hồn.
Còn nếu bị nhiễm! Vâng,  hãy đến với Thánh Thể Chúa Giêsu mà nguyện xin rằng “Nếu Chúa muốn. Xin Ngài phán một lời thì linh hốn con sẽ lành mạnh”.
Chưa hết, chúng ta còn cần và rất cần, đến “tòa cáo giải” gặp gỡ vị linh mục, như xưa kia chàng hủi đã đến gặp gỡ các thầy tư tế.  Hãy tin rằng, Đức Giêsu, qua các linh mục, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta, rằng “Anh đã được lành sạch”.
Đừng chậm một giây nào hết, bởi, biết đâu, ngay bây giờ, Chúa Giêsu trở lại mà ta lại vắng mặt trên con đường Ngài đi qua, thì làm sao ta có thể nghe Ngài nói “Tôi muốn, anh hãy lành mạnh”.
petrus.tran

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Một ngày trong đời…

Một ngày trong đời…

Petrus Tran
 
Chúa Nhật V – TN – B

Sau khi chương trình sáng tạo, tạo dựng “trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất”, Kinh Thánh cho biết rằng, “Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (x.St 2, 1-2)

Từ nguyên tổ Adam cho tới thời các tổ phụ, rồi từ thời các tổ phụ cho tới thời Mô-se, ngày thứ bảy, nay được gọi là “ngày sa-bát”, đã được nói đến, không chỉ  như là một dấu hiệu đặc biệt giữa Thiên Chúa với Israel, dân riêng của Người, rằng “Các người sẽ giữ ngày sa-bát của ta, bởi vì đó là một dấu hiệu giữa Ta và con cái các ngươi qua mọi thế hệ, để người Ta biết rằng chính Ta là ĐỨC CHÚA, Đấng thánh hiến các ngươi.” (x.Xh 31, 12-13), mà còn trở thành một trong Mười điều răn của Đức Chúa Trời, rằng: mọi  con dân của Do Thái đều phải “giữ ngày sa-bát, mà coi đó là ngày thánh…” (x.Đnl 5, 12)

Với chúng ta hôm nay, nói một cách tóm tắt, ngày sa-bát chính là ngày Chúa Nhật và cũng được coi là một trong mười điều răn của Đức Chúa Trời, điều thứ ba “Giữ ngày Chúa Nhật.”

“Giữ ngày Chúa Nhật”, thật giản dị, thế nhưng, ngày nay, nếu có ai hỏi chúng ta: bạn giữ ngày Chúa Nhật như thế nào? Vâng, có  phần chắc, đa số người tín hữu sẽ trả lời, rằng: tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật đủ để coi như đã giữ đúng điều răn Chúa dạy.

Chỉ cần thế thôi sao! E rằng chưa đủ…  Sách giáo lý Công Giáo được “Imprimatur” bởi ngài Nicolaus Huỳnh Văn Nghi tại Saigon  ngày 30.03.1975, dạy rằng: “Điều răn thứ ba dạy ta thánh hóa ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc” Tiếp đến, để trả lời cho câu hỏi “Ta phải làm gì để thánh hóa những ngày ấy?”, cũng quyển sách giáo lý này, dạy rằng “Ta phải dự Thánh Lễ, nghỉ việc xác và nên làm thêm các việc lành, như đi dự những giờ kinh chung, làm việc bác ái, tông đồ…”

Giáo Hội không tự đặt ra luật lệ nêu trên, hòng tạo thêm gánh nặng cho người tín hữu, nhưng là do lời tuyên phán của Thiên Chúa năm xưa, rằng: “Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy, là ngày sa-bát kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, người không được làm công việc nào…”

Đức Giê-su, khi còn tại thế, cứ đến ngày sa-bát, Ngài liền đến hội đường và luôn có một ngày sống đúng nghĩa là một  “ngày thánh”. Tin Mừng thánh Mác-cô, đã thuật lại sự việc này, và hôm nay, trong phần Phụng Vụ Lời Chúa,  chúng ta sẽ được nhìn thấy  Đức Giê-su đã sống “một ngày trong đời” của Ngài vào ngày sa-bát như thế nào.
**
Chuyện được kể lại rằng: Hôm ấy, “Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um…” Vì là  ngày Sa-bát, nên “Người vào hội đường…”

Sa-bát và hội đường… Nói về hội đường, đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh. Còn sa-bát, đó chính là “ngày thánh”, ngày “Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành” (x.Đnl 5, …15), có thể nói rằng, sa-bát và hội đường chính là máu, là thịt, là hơi thở của Israel, không có nó, cả một dân tộc sẽ tan rã.

Hôm đó, Đức Giê-su đã làm đúng theo lệnh truyền, chuyện kể rằng: Người đã cử hành lệnh truyền bằng một bài giảng “khiến thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người”. Nhiều người đã bàn tán với nhau rằng “Người giảng dạy như Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.

Tại sao thiên hạ lại có sự so sánh như thế? Thưa, bởi các kinh sư giảng dạy hay thì có hay nhưng họ chỉ nói mà không làm.

Còn với Đức Giê-su ư! Thưa, Người nói là làm. Người nói “Ta đến là để chiên được sống và được sống sung mãn”, thì đây, tại hội đường hôm ấy, Đức Giê-su đã đem lại cho một người bị quỷ ám một sự sống “sung mãn” toàn diện.

Chuyện kể rằng: Có một người bị thần ô uế nhập, khi người ấy đứng trước mặt Đức Giê-su với những lời la hét ầm ĩ, Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”, kinh ngạc thay “Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất ra khỏi anh ta”.

Rồi, khi nói “Ta đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ”, Đức Giê-su đã thật sự là người phục vụ, Ngài đã phục vụ con người qua việc hóa bánh cho nhiều người ăn trong một nơi hoang vắng, hóa rượu cho  nhiều người uống trong một bữa tiệc cưới tại Ca-na v.v…
Việc phục vụ của Đức Giê-su còn rõ nét hơn nữa trong chuyến quá bộ đến “nhà hai ông Si-môn và An-rê.” 

Simôn và Anrê  là ai? Thưa, là môn đệ của Đức Giêsu. Vì thế không có gì ngạc nhiên khi Ngài, sau một buổi thuyết giảng ở hội đường, nay trở về nhà của trò để nghỉ ngơi,  dưỡng sức.

Than ôi! Cứ tưởng rằng Thầy và trò sẽ có vài giây phút thư giãn và nghỉ ngơi. Không ngờ, khi Đức Giêsu vào nhà, trước mặt Ngài là hình ảnh “bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt nằm trên giường”. Thấy Đức Giêsu, thân nhân của ông Simôn không bỏ lỡ cơ hội, họ “nói cho Người biết tình trạng của bà”.

Nghe thế, Đức Giê-su, “…lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay…”. (Mc 1, 31). Chỉ một động tác đơn giản của Đức Giêsu, người ta thấy “bà mẹ vợ ông Simon” đi lại như chưa hề bị cơn sốt hành hạ. Bà ta lại còn lăng xăng lui tới “phục vụ các ngài”.

Tiếng đồn về một ông Giêsu đầy quyền năng lan ra. Chuyện kể tiếp rằng: “Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. (Mc 1, 32)
Tại sao người ta không đến với Đức Giêsu lúc trời còn sáng? Thưa, vì khi trời còn sáng là còn trong phạm vi ngày sa-bát, mà  ngày sa-bát là ngày mọi người không được làm việc nặng nhọc như khiêng vác, chính vì thế, họ sợ việc khiêng vác bệnh nhân cũng bị coi như phạm luật.

Vâng, hôm đó, dù mặt trời đã lặn, Đức Giê-su vẫn tiếp tục “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ..”. Cũng giống như lúc buổi sáng trong hội đường, ở đây, quỷ cũng biết rõ Đức Giêsu là ai. Nhưng Đức Giêsu đã “không cho quỷ nói”.

Hồi đó, Đức Giê-su không cho quỷ nói. Không thấy thánh sử Mác-cô cho biết lý do, rất có thể, lúc đó, ý của Ngài là “Giờ Ta chưa đến”. 

Tuy nhiên, hôm nay, nếu được nói, chúng ta cần nói rằng: Đức Giêsu, quả là, Ngài đã để lại cho chúng ta một chuẩn mực, chuẩn mực của một ngày sa-bát, và nay được chúng ta gọi là ngày Chúa Nhật, một ngày mà bất cứ ai là một Ki-tô hữu đều phải coi đó như là “một ngày trong đời” của tôi.

***
Thưa Bạn, bạn có chấp nhận lấy “chuẩn mực của một ngày sa-bát” mà Đức Giê-su đã thực hiện, để  làm chuẩn mực cho “một ngày trong đời” của ta?

Nếu chúng ta chấp nhận! Vâng, là một Ki-tô hữu, chúng ta cần chấp nhận, chấp nhận để tự hỏi lại lòng mình rằng: Ngày sa-bát Đức Giê-su vào hội đường… Còn tôi, ngày Chúa Nhật, tôi có đến thánh đường hay không?

Đức Giê-su đã “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ..”. Còn tôi thì sao? Tôi có làm như Đức Giê-su đã làm? Tất nhiên, cách chữa trị của chúng ta sẽ không là cách chữa trị như của Đức Giê-su hay như của một người bác sĩ…

Cách chữa của chúng ta, đó là, viếng thăm… đó là biết “yếu với những người yếu” để chia sẻ nỗi yếu đau, để an ủi và cuối cùng là để cảm thông. Và tôi có làm như thế hay không?

Còn trừ quỷ nữa chứ! Đúng, thế nhưng, quỷ hôm nay mà chúng ta cần phải trừ khử không phải là những con quỷ  Kinh Thánh đã mô tả, mà là những con quỷ dâm bôn, quỷ hận thù, quỷ ích kỷ, quỷ dối trá, quỷ lừa lọc, quỷ bè phái, tramh chấp, chia rẽ v.v..

Thế nên, hãy tự hỏi, “một ngày trong đời” của tôi, tôi có để cho những con quỷ nêu trên ám ảnh chi phối tôi? Nếu có, tôi sẽ “trục” nó ra ngay khỏi cuộc đời tôi!?

Làm sao để trục nó? Thưa, một cách hữu hiệu nhất để trục những loại quỷ nêu trên, đó là, hãy theo gương Đức Giê-su khi Ngài ở hoang địa suốt bốn mươi đêm ngày mà “Ăn chay và Cầu nguyện”. 

Đừng quên, một lần nọ, các môn đệ của Đức Giê-su đi trừ quỷ nhưng không thành công, họ đã quay về hỏi Thầy của mình “tại sao?”, Đức Giê-su trả lời: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi!” (Mc 9,29).

“…Chỉ có cầu nguyện….” Đó là điều Đức Giê-su luôn thực hiện và Ngài đã chiến thắng. Cũng vậy với chúng ta hôm nay, “chỉ có cầu nguyện….”, chúng ta mới có thể thực hiện được “chuẩn mực của một ngày sa-bát”, một chuẩn mực cho “một ngày trong đời” của chính chúng ta.

Petrus.tran
 

Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Đức Giê-su: Đấng Thánh của Thiên Chúa.

Chúa Nhật IV – TN – B

Đức Giê-su: Đấng Thánh của Thiên Chúa.


Sau những ngày mời gọi và thu phục các môn đệ đầu tiên, Đức Giê-su tiếp tục ra đi loan báo Tin Mừng. Nơi Ngài đến, đó là thành Ca-phác-na-um.
Ca-phác-na-um, tưởng chúng ta nên biết, đó là một ngôi làng chài nằm trên bờ bắc của Biển Hồ Ga-li-lê, với dân số khoảng 1.500 người. Nơi đây, chính là nơi, sau này, Đức Giê-su thường xuyên lui tới trong những ngày rày đây mai đó loan báo Tin Mừng, vì thế nó đã được mệnh danh là “trung tâm truyền giáo” của Ngài.

Đến Ca-phác-na-um, hôm ấy, Đức Giê-su đã vào hội đường, bởi đó là ngày Sa-bát, ngày toàn dân Israel nghỉ ngơi để thờ phượng Thiên Chúa, theo truyền thống.

Hội đường, theo lịch sử ghi chép, nó bắt đầu xuất hiện từ thời người Do Thái bị đi đày bên Babylon . Đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh trong lúc bị lưu đày nơi đất khách quê người. Truyền thống đó vẫn được duy trì khi người Do Thái trở về cố hương.

Trong buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram . Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Trở lại câu chuyện của Đức Giêsu, hôm ấy, Ngài chính là người được mời lên “tòa giảng” thực hiện công việc danh dự này.

Chuyện kể rằng: “Người vào hội đường giảng dạy”.

Không ai có thể ngờ được, Đức Giêsu, hôm đó, Người đã có một bài giảng khiến cho mọi người “phải sửng sốt”. Một sự so sánh đã được các cử tọa bàn tán xôn xao, rằng “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”.

Thật vậy, “thẩm quyền” đó, đã được chứng tỏ qua việc Đức Giê-su thực hiện một phép lạ phi thường.
Chuyện là, có một người bị “thần ô uế nhập”,  bất ngờ thay! người này la lên, rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”.

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, một người bị thần ô uế nhập, lời nói của họ có đáng tin không? Tuy nhiên, ở đây, người bị thần ô uế nhập chính là bị ma quỷ nhập, mà, ma quỷ là thần linh, nó  biết rõ Đức Giê-su là ai, chính vì thế, sau lời la hét nêu trên, thần ô uế, qua thân xác người nó nhập vào, đã nói tiếp rằng “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Thánh Gia-cô-bê, sau này cũng cho biết, “Bạn tin rằng, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất… Ma quỷ cũng tin như thế, và chúng run sợ”. (Gc 2, 19)

Đúng vậy,  hôm đó, khi Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Chuyện kể rằng: “Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất ra khỏi anh ta” (x. Mc 1, 25-26)

Chuyện kể tiếp rằng, toàn thể mọi người trong hội đường, khi chứng kiến phép lạ tỏ tường, họ đã phải kinh ngạc trước quyền uy của Đức Giêsu. Họ đã bàn tán với nhau về Đức Giêsu, rằng: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Hôm đó, danh tiếng Đức Giê-su, không chỉ được biết đến ở Ca-phác-na-um, mà còn được đồn ra khắp nơi,  khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
**
Câu chuyện này được trích trong Tin mừng Mác-cô với tiêu đề “Đức Giê-su giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành một người bị quỷ ám” (x Mc 1, 21-28).

Trước hết, chúng ta hãy nói về việc  “Đức Giê-su giảng dạy”. Ngài đã giảng dạy  điều gì? Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su không giảng dạy bằng lời nói, nhưng bằng việc làm… “làm phép lạ”.

Thật vậy, qua phép lạ chữa lành người bị quỷ ám, Ngài đã dạy chúng ta rằng: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên” (x.Tv 115, 3)
Còn hôm nay ư! Làm cách nào Ngài giảng dạy cho chúng ta? Thưa, KInh Thánh, qua Kinh Thánh, Chúa vẫn dạy dỗ chúng ta như một “người có đầy uy quyền”. Và qua các nhà thuyết giảng hay các linh mục, Chúa vẫn đứng đó giảng dạy chúng ta bằng những lời giảng đầy quyền uy.

Lịch sử Ki-tô giáo đã chứng thực điều này. Không ít người, sau khi đọc Kinh Thánh hoặc nghe giảng Kinh Thánh, qua lời giảng của các nhà thuyết giáo hay linh mục, họ đã trở lại và trở thành những người môn đệ, những người tín hữu nhiệt thành của Chúa Giêsu. Nói rõ hơn, họ đã được “trục quỷ - con quỷ vô thần” ra khỏi con người của họ, để trở thành con người có niềm tin, tin vào Thiên Chúa.

Trường hợp của thánh Phanxicô Assisi như  là một ví dụ rõ nét. Chuyện kể rằng: vào khoảng năm 1209, nhân một dịp Phanxicô nghe một bài thuyết giáo với nội dung được trích trong Tin mừng thánh Matthêu, thuật lại lời Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ không cần đem theo tiền bạc khi đi rao giảng Tin Mừng, ơn Chúa đã soi dẫn chàng Phanxicô, người trước đây nổi tiếng trong vòng bạn bè nhờ tửu lượng cao và giao du rộng, đa phần là với con cái của giới quý tộc, nay hoàn toàn cung hiến cuộc sống của mình cho cuộc sống tu trì nghèo khó.

Nói cách khác, nhờ  “Lời Chúa” phán, những con quỷ, quỷ-say-sưa-chè-chén, quỷ-chơi-bời-trác-táng đã bị trục ra khỏi con người Phan-xi-cô.

***
Ngày nay, Satan cùng với thế lực của nó là thế gian, vẫn đang cố sức “giằng” chúng ta, ám chúng ta bằng những lời hứa hẹn, rằng, thì-làmà có một cái gọi là “thiên đàng trần gian” nơi được cho là sẽ có một cuộc sống hưởng thụ vật chất “mút chỉ cà tha” làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu!

Satan cùng với thế lực của thế gian vẫn tiếp tục tung những con quỷ, quỷ “dâm bôn, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, ganh tỵ, nóng giận, chia rẽ, bè phái, say sưa chè chén” ám chúng ta. Còn… còn rất nhiều thứ quỷ khác ám chúng ta. Quỷ mamôn – quỷ tiền bạc “ám” chúng ta bằng chức tước, bằng quyền lực của thế gian.

Làm sao để thoát khỏi?  Thưa,  hãy nhìn Đức Giê-su, và hãy học theo Ngài. Thật vậy, Xưa, trong bốn mươi ngày ở hoang địa, để chiến thắng việc bị “quỷ ám”, Đức Giê-su đã dùng một thứ vũ khí tối thượng, đó chính là “Lời Chúa”.

Thì nay, cũng vậy đối với chúng ta, không có Lời Chúa chúng ta không thể thoát khỏi sự giằng co của Satan và thế lực của nó là thế gian này.

Nếu chúng ta nghe và hiểu Lời Chúa dạy rằng: “Thiên Chúa là thần khí và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” thì, chúng ta sẽ chẳng bao giờ phải băn khoăn than thở: ôi! sao ngôi nhà thờ của ta thiếu cái này, thiếu cái nọ, xấu xí hơn ngôi nhà thờ kia, vừa mới xây thật “hoành tráng”, với chi phí vài chục tỳ đồng.

Vâng, nghe và hiểu được Lời Chúa nêu trên, có phần chắc, không cần tới Chúa, mà chính chúng ta sẽ trục xuất được con “quỷ ganh tỵ” ra khỏi tâm hồn chúng ta.

Đừng quên câu chuyện hai người con của nguyên tổ Adam và Eva, chỉ vì để cho con “quỷ ganh tỵ” chế ngự trong tâm hồn mà Cain đã giết em mình là Abel.

Nếu chúng ta nghe và hiểu Lời Chúa dạy rằng: “Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”, ai… ai dám bảo rằng, ta không thể trục xuất con “quỷ mamon-quỷ tiền bạc, quỷ quyền lực, quỷ danh vọng” ra khỏi tâm hồn ta!

Nói tắt một lời, nếu chúng ta nghe và hiểu tất cả những lời Đức Giê-su đã dạy trong một bài giảng mà chúng ta quen gọi là “Bài giảng trên núi” và đem ra thực hành, vâng, satan và thế lực của nó là thế gian, sẽ chẳng thể đụng đến chúng ta, dù chỉ một giây trong đời.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: rằng,  tôi đã tiếp nhận Lời Chúa như thế nào và sống Lời Chúa ra sao? Tôi đã có quyển Kinh Thánh chưa?

Nếu bạn chưa có quyển Kinh Thánh, phải có ngay trong hôm nay. Bởi đó chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi”(Tv 119. 105). Bởi, đọc và cảm nghiệm sống Lời Chúa, như lời thánh Phao-lô nói, ta sẽ “được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co”, tất nhiên là sự giằng co giữa Thiên Chúa và thế gian này.

Cuối cùng, nhờ đọc và cảm nghiệm sống Lời Chúa, không cần tới Satan, mà chính chúng ta là những người sẽ cất lên tiếng nói trước bàn dân thiên hạ, rằng: “Giê-su Na-da-rét – Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa”.

Petrus.tran




Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...