Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Tôi đã chu toàn bổn phận?

Chúa Nhật XXXI - TN - B

Tôi đã chu toàn bổn phận?


Hôm nay, lịch Phụng Vụ bắt đầu bước vào tháng mười một. Và, như là một truyền thống đẹp, Giáo Hội dành riêng ngày 01/11 kính trọng thể các thánh Nam Nữ.

Các thánh Nam Nữ là ai? Thưa, như lời tác giả Khải Huyền cho biết, thì các ngài là “Một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành là thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta”. Các ngài còn được biết đến là những người “Được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người…” (x. Kh 7, 15)

Có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ tự hỏi rằng, các thánh nam nữ đã sống như thế nào mà lại được hưởng ơn phước như thế!

Thưa, rất giản dị. Đó là các ngài đã có một đời sống đúng như những gì Đức Giê-su đã truyền dạy. Những lời truyền dạy như thế nào? Thưa, những lời đó đã được ghi chép lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**
Tin Mừng thánh Mát-thêu chép lại như sau: hôm đó, trên một ngọn núi cao. Đức Giê-su truyền dạy, rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
 
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp.
 
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa an ủi. Phúc thay ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
 
Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
 
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
 
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.” (x.Mt 5, 3-10)

Tất cả những lời truyền dạy này, ngày nay, chúng ta gọi đó là “Tám mối phúc thật”.
***
“Tám mối phúc thật”. Vâng, những người mà hôm nay chúng ta kính trọng thể, các ngài đã sống đúng những lời truyền dạy đó. Thánh Phan-xi-cô Assisi như môt điển hình cho lời truyền dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”.

Là một người con trong một gia đình giàu có, nhưng ngài hoàn toàn cung hiến mình cho cuộc sống nghèo khó, sau khi nghe một bài thuyết giáo liên quan đến Phúc Âm thánh Mát-thêu (10, 9).

Chuyện kể rằng: từ sự soi dẫn này, ngài luôn “mặc áo vải thô, đi chân đất, và theo giáo huấn của Chúa Giê-su ký thuật trong các sách phúc âm, không đem theo gậy hoặc túi xách, Phan-xi-cô khởi sự rao giảng thông điệp ăn năn. Môn đệ đầu tiên đến với ngài là Bernado di Quintavalle, một luật gia tên tuổi trong thành phố. Rồi những người khác tìm đến, trong vòng một năm Phan-xi-cô có được mười một môn đệ. Ngài quyết định không tìm kiếm chức vụ linh mục, và quy định cộng đồng của ông sống trong tình huynh đệ, vì vậy có tên “fratres minors” nghĩa là “những anh em hèn mọn”. (nguồn: internet)

Còn với thánh nữ Maria Goretti! Vâng, vị thánh nữ này đã thực thi đúng lời truyền dạy thứ sáu “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”.

Maria Goretti sinh tại Corinaldo, Ý. Năm 1890, cô và gia đình di chuyển đến Le Ferriere (gần Nettuno), nơi họ sống trong một toà nhà chung với gia đình Serenellis. Bố cô mất khi cô 10 tuổi. Khi cô 11 tuổi, người hàng xóm của cô, Alessandro Serenelli (sinh năm 1882), trở nên ám ảnh tình dục đối với cô, và tiếp cận cô vài lần với đề nghị tình dục.

Ngày 5 tháng 7, 1902, Alessandro tấn công Maria và đe doạ cô bằng dao; khi cô không khuất phục và phản đối rằng “đó là tội lỗi” và “Thiên Chúa không muốn điều này,” Serenelli đâm cô 14 nhát. Vào ngày hôm sau, sau khi bày tỏ sự tha thứ đối với kẻ giết mình, Maria Goretti nói rằng, cô muốn anh ta cùng lên thiên đàng với cô, Maria Goretti chết vì thương tích. (nguồn: internet)

Lời bày tỏ đó, có thể nói, thánh nữ Maria Goretti đã “…đặt hy vọng như thế vào Đức Ki-tô” (x. 1Ga 3, 3)

Vâng, một Phan-xi-cô Assisi và một Maria Goretti, đó chính là là hai tấm gương điển hình cho sự nên thánh, qua lời truyền dạy của Đức Giê-su trong bài giảng “tám mối phúc thật”.
****
Nói đến chuyện noi gương các thánh để nên thánh, có phần chắc, không ít người trong chúng ta than thở: “Ôi! khó lắm!”

Thưa, đúng vậy. Khi đọc qua tiểu sử của các ngài, có lẽ nhiều người trong chúng ta không khỏi kinh ngạc, sửng sốt, thán phục trước đức tin, đức cậy, và đức mến mà các ngài đã thể hiện qua đời sống thường nhật, và có lẽ, chúng ta sẽ không khỏi băn khoăn nhủ thầm rằng, ôi! sống đời chứng nhân như các ngài, quả là một nan đề đối với chúng ta, bởi chúng ta chỉ là những phàm nhân đầy yếu đuối.

Thật ra, để nên thánh, không nhất thiết chúng ta cần phải làm những việc vĩ đại, phi thường, như: nói tiên tri, làm phép lạ, hóa nước thành rượu hay hóa sắt thành kim cương v.v…

Với Mẹ Têrêsa Calcutta, để trở nên thánh, rất giản dị, chỉ cần, như lời mẹ nói: “làm một việc bình thường với một tình yêu phi thường”.

Với thánh Martin de Porres, vâng, cũng giản dị không kém, ngài đã “đối xử với mọi người bằng tất cả đức ái, một đức ái phát xuất từ con tim với một tâm hồn khiêm nhường”.

Để nên thánh, một vị thánh có nói, “Chu toàn bổn phận hàng ngày đủ để nên thánh”.

“Chu toàn bổn phận hàng ngày”. Vâng, rất khủng khiếp. Đức Piô XII chia sẻ: “Sống được như thế ngày này qua ngày khác, quả là phi thường! Bổn phận hằng ngày cứ lập đi lặp lại mãi, công việc ngày nào cũng như ngày nào, cũng với những bận tâm đó, với những yếu đuối đó, và cũng với những khốn khổ đó. Những bổn phận ấy được gọi là bổn-phận-khủng-khiếp hằng ngày”.

Ngài nói tiếp: “Phải nỗ lực thế nào để chu toàn cái bổn phận khủng khiếp, đơn điệu và ngột ngạt này? Cần phải có một nhân đức phi thường không phải để hành động một cách sơ suất, cẩu thả, hời hợt... mà trái lại, hành động với sự chăm chú, sùng mộ, và tinh thần nhiệt thành từ bên trong”.

Khủng khiếp, nhưng nó lại là cần thiết, vì đó là cách để nên thánh mà bất cứ ai cũng có thể thực thi được.

Hãy thử tưởng tượng, chỉ là một con người bình thường, nhưng, nếu chúng ta luôn đặt tinh thần “xây dựng hòa bình” như là trọng tâm cho cuộc sống, điều gì sẽ xảy ra?

Phải chăng, trong gia đình, anh em ít có chuyện xung khắc? Phải chăng, hàng xóm hiếm xảy ra bất hòa? Và, phải chăng, vợ chồng luôn sống trong bầu khí cảm thông?
Hãy thử tưởng tượng, trong gia đình, nếu vợ cùng chồng không mệt mỏi “khao khát nên người công chính”, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng, tư tưởng của họ sẽ chẳng bao giờ vấn vương hai chữ “ngoại tình”? Phải chăng, tâm tư họ sẽ không có hai chữ bất công?

Hãy thử tưởng tượng, trong gia đình, nếu vợ cùng chồng cho rằng, “tinh thần nghèo khó” chính là trọng tâm cuộc sống của mình, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng họ sẽ không bị sức mạnh của đồng tiền chi phối? Phải chăng, họ sẽ không coi vật chất như là cứu cánh cho cuộc sống? Phải chăng họ sẽ không bị cuốn hút vào những phi vụ kiếm tiền bất chính?

Nói tắt một lời, nếu chúng ta đem tất cả “tám mối phúc thật” coi đó như là trọng tâm cho cuộc sống của mình? Điều gì sẽ xảy ra?

Vâng, thật đơn điệu và ngột ngạt đấy. Thế nhưng, nó sẽ là “hồng phúc” cho ta, bởi, chính nhờ đó, mai sau, chúng ta không chỉ được hưởng “Nước Trời”, được “nhìn thấy Thiên Chúa”, được “gọi là con Thiên Chúa” v.v… nhưng còn nhận được sự an vui ngay đời này, sự an vui đó, chính là: anh em hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu.

Cả ba điều đó, kinh thánh cho biết “Cả ba đều đẹp lòng Thiên Chúa và người ta” (Hc 25, 2) Mà, khi đã làm-đẹp-lòng-Chúa-và-người-ta, có ai lại không được gọi là thánh?
Là một Ki-tô hữu, như lời thánh Phao-lô nói, chúng ta “được kêu gọi làm dân thánh” (x.Rm 1, …7). Thế nên, ngay đêm nay, trước khi “ru hồn vào cõi mộng”, ta hãy tự hỏi mình rằng, hôm nay, “tôi đã chu toàn bổn phận” hàng ngày?

petrus.tran

Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

Đôi mắt ta “nhìn thấy được”?

Chúa Nhật XXX – TN – B

Đôi mắt ta “nhìn thấy được”?

Đức Giê-su trong những ngày còn tại thế, Ngài có phán dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy… Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy…”. (x.Mt 7, 7-8)


Lời phán hứa của Đức Giê-su, không phải là “hứa cho nhiều rồi lại quên” như người đời thường hứa. Đối với Ngài, hứa phải làm và vấn đề còn lại, đó là: hãy tin.

Câu chuyện “Người mù ở thành Giê-ri-khô” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mac-cô, như một minh chứng điển hình.

**
Vâng, diễn tiến câu chuyện xảy ra vào một ngày Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. 

Nói tới thành Giêrikhô, tưởng cũng nên biết, xưa kia, vào thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm rất nhiều phép lạ tại đây. Một trong những phép lạ đó, chính là phép lạ Thiên Chúa làm cho “nước hóa lành” khi mà ở Giêrikhô “địa thế của thành thì tốt, nhưng nước thì độc và xứ sở bị nạn vô sinh”. Phép lạ đó đã hồi sinh dân thành Giêrikhô. (2V2, 21-22).

Còn hôm nay, cũng là Giêrikhô, một lần nữa, người ta lại một phen sửng sốt khi nhìn thấy tỏ tường phép lạ của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu. 

Hôm đó, khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì, có một anh mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Khi nghe nói đó là “Đức Giê-su Na-da-rét”, thế là anh ta vội vàng ngồi bật dậy và lớn tiếng kêu “Lạy ông Giêsu, Con Vua David, xin rủ lòng thương tôi!” (Mc 10, 48).

Nói tới sự mù lòa, có thể nói rằng, đó là nỗi bất hạnh lớn đối với những ai phải gánh chịu. Hãy tưởng tượng, nếu tôi là một người mù, một người mù cô đơn trong một căn nhà lá tồi tàn, ngày hay đêm đều không có ý nghĩa gì, vì đôi mắt đã trở thành vô dụng. Hãy tưởng tượng đi! Phải chăng, đó là một cảm giác tồi tệ nhất trong đời mình!

Vâng, Deep Purple cảm thông được điều đó, qua nhạc phẩm “When a Blind Man Cries”, người nhạc sĩ đã nói lên nỗi lòng của một người mù như sau: “… I’m a blind man and my world is pale. When a blind man cries, Lord, you know there ain’t no sadder tale.” (tạm dịch: Tôi là một người đàn ông mù và thế giới của tôi là nhạt. Khi người đàn ông mù khóc, lạy Chúa, Chúa biết… đó không phải là không có câu chuyện buồn)

Trở lại với anh mù Ba-ti-mê, buồn thay, những người cùng thời với anh ta không một chút cảm thông, khi thấy anh cất tiếng gọi Đức Giê-su, họ… tệ thật, đã “quát nạt bảo anh ta im đi”.

Nhưng, với Đức Giê-su thì khác. Anh mù Ba-ti-mê đã nhận được từ nơi Ngài, không chỉ sự cảm thông mà còn cả lòng thương xót.

Đức Giê-su đã từng nói: “Con Người đến là để tìm và cứu”. Nay, có người tìm đến, có lẽ nào Ngài không cứu sao!

Người đàn ông trong nhạc phẩm của Deep Purple rất cô đơn, anh ta đã than thở, rằng: “If you’re leaving, close the door. I’m not expecting people anymore - Nếu anh ra đi thì đóng cửa lại, tôi chẳng chờ mong ai đó đến thăm đâu”.

Nhưng, với Ba-ti-mê thì không. Đức Giê-su đã không để anh ta phải cô đơn, như những người mù sống cô đơn trong một căn nhà trống vắng nào đó. Ngài đã đến và đã nói với mọi người, rằng: “Gọi anh ta lại đây!”

Thế là, người ta gọi anh mù và bảo “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy”.

Khi được gọi, thánh Mác-cô đã mô tả niềm vui mừng của anh rất xúc động: “Anh mù vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su”.

Xưa, ngôn sứ Giêrêmia có nói “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ … quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng”! (Gr 31, 7-9)

Và, hôm nay, Đức Giê-su đã làm cho anh mù Ba-ti-mê phải “reo vui lên” và gửi đến anh ta một lời an ủi hơn cả lời an ủi, rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” – “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Vâng, anh ta đã nói lên ước muốn của mình với một tâm trạng tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Hôm đó, Chúa biết… Đức Giê-su biết và Ngài đã nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh”.

Câu chuyện kết thúc thấm đậm lòng thương xót của Đức Giêsu, Ngài đã cho “anh ta nhìn thấy được” (Mc 11, …52).

**
Chúng ta thường nghe nói “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Tạ ơn Chúa, đại đa số chúng ta có một “cửa sổ tâm hồn” rất đẹp. Thế nhưng, có phải thế mà chúng ta nghĩ rằng câu chuyện anh mù Ba-ti-mê không liên quan tới chúng ta!

Thưa, có đấy. Anh Ba-ti-mê mù phần “thuộc thể” nhưng không mù phần “thuộc linh”. Đôi mắt thuộc thể của anh không nhìn thấy khuôn mặt Đức Giê-su ra sao, nhưng đôi mắt thuộc linh của anh ta đã nhìn ra Đức Giê-su là “Con vua Đa-vít”. Anh ta đã cất tiếng cầu xin “Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi”.

Đối với người Do Thái thời đó, Con vua Đa-vít chính là Đấng Mê-sia, Đấng mà mọi người đang chờ đợi, rằng, Người sẽ làm cho “…kẻ điếc sẽ được nghe những lời trong sách, mắt người mù sẽ thoát cảnh mù mịt tối tăm và sẽ được nhìn thấy.” (x.Is 29, 18).
Thế nên, qua câu chuyện anh mù Ba-ti-mê, chúng ta cần tự hỏi mình, rằng: “tôi có mù phần thuộc linh?”

Đôi mắt thuộc linh bị mù, điều tất yếu xảy ra, đó là, đôi mắt thuộc thể của ta sẽ trở nên “mù…quáng”.

Mà, sự “mù quáng”… vâng, lịch sử đã cho thấy, nó dẫn con người đi đến thung lũng âm u của tội lỗi và chết chóc.

Xưa, vua Hê-rô-đê như là một ví dụ điển hình, Đôi mắt “mù quáng” của ông ta đã kéo theo căn bệnh “mù tâm hồn” để rồi ông ta đã gây ra một loạt tội ác, cướp vợ của anh mình, và khủng khiếp nhất chính là giết Gioan tẩy giả chỉ vì một điệu múa dâm dật của một cô gái làm cho ông ta vui thích.

Xưa hơn nữa, cũng là một ông vua, vua Đa-vít. Đôi mắt của ông ta cũng trở nên “mù… quáng” trước một “người đàn bà đang tắm, nàng nhan sắc tuyệt vời”, nàng tên là Bát Seva…

Hậu quả là ông ta tìm cách chiếm đoạt bà Bát Seva, bằng một thủ đoạn hạ cấp, ông ta thuyên chuyển Urigia, chồng của Bát Seva, ra tiền tuyến với lời căn dặn “hãy đặt Urigia hàng đầu, chỗ mặt trận nặng nhất, rồi rút bỏ nó lại, để nó bị trúng thương mà chết”… và Urigia đã chết tức tưởi, không bởi sự nhát đảm, mà bởi đôi mắt “mù …quáng” của vua Đa-vít.

***
Vâng, nói không quá lời, có phần chắc, đôi mắt của chúng ta cũng không ít lần bị “mù...quáng”, mù...quáng trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những quyến rũ của trần gian v.v…

Điều đó không có gì lạ, không lạ bởi chúng ta chỉ là những phàm nhân yếu đuối.
Thế nhưng, vì là một Ki-tô hữu, sẽ thật kỳ lạ, nếu chúng ta cứ để đôi mắt mình mãi mãi “mù quáng” trước những quyến rũ của trần gian, là những thứ hay hư mất, những thứ ngăn cản chúng ta bước vào bàn tiệc Nước Trời.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi “đôi mắt tôi có bị mù…quáng” trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những quyến rũ của trần gian?

Nếu có… đừng chần chờ gì nữa, trước khi lên giường ngủ đêm nay, hãy đến bên thánh giá Chúa Ki-tô và thưa với Ngài, rằng: “Lạy Chúa, xin Ngài chữa lành đôi mắt mù… quáng của con, để con nhận ra chỉ có Ngài mới là “Đường, là sự thật và là sự sống”.

Nhận ra Đức Giê-su là “Đường, là sự thật và là sự sống”, đó chính là lúc đôi mắt ta được chữa lành. Nói cách khác, đôi mắt ta “nhìn thấy được”.
Petrus.tran

Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

“Phục Vụ”: thước đo niềm tin

Chúa Nhật XXIX – TN – B
“Phục Vụ”: thước đo niềm tin của mình.
 
Kinh Thánh cho biết Đức Giê-su ba lần loan báo việc Ngài phải lên Giê-ru-sa-lem chịu tử nạn và ba ngày sau sẽ Phục Sinh.
 
Với chúng ta hôm nay, có lẽ không ai lại không biết tầm quan trọng của lời loan báo này. Thế nhưng, với các môn đệ xưa, thì khác. Chỉ cần nghe hai chữ “lên Giê-ru-sa-lem”, nỗi lòng các ông lại dâng trào những ưu tư, những băn khoăn, những trăn trở, rất đời thường.
 
Vâng, thật là những suy nghĩ rất đời thường, khi nỗi lòng anh cả Phêrô đã băn khoăn, với lần loan báo thứ nhất, rằng: tại sao Thầy lại chịu nộp mình, để rồi ông “trách” Đức Giê-su khiến cho Ngài đã lớn tiếng trách lại ông, rằng: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
 
Lần loan báo thứ hai, thật đáng tiếc! Mười hai người môn đệ không ai hiểu lời loan báo đó. Không hiểu, nhưng lại sợ không dám hỏi Thầy mình. Ngược lại, nỗi lòng các ông bùng lên sự trăn trở, rằng: “ai là người lớn hơn cả!” Trước nỗi trăn trở này, Đức Giê-su đã dạy các ông một bài học, rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. (Mc 9, 35).
 
Với lần thứ ba, lời loan báo của Đức Giê-su vẫn như chỉ là tiếng vọng trong sa mạc. Trước một biến cố quan trọng như thế, thế mà trong số các ông lại chỉ nghĩ đến những khát vọng rất đời thường. Thầy “lên Giê-ru-sa-lem” để làm gì, các môn đệ không một chút băn khoăn trăn trở. Các ông chỉ trăn trở băn khoăn về quyền lợi, quyền lực, chức vụ và rằng ai sẽ là người “ngồi chiếu nhất”.
 
Ai sẽ là người ngồi chiếu nhất ư! Trước nỗi ưu tư này, Đức Giê-su đã dạy cho các ông một bài học. Bài học này được chép lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 10, 35-45)
 
** Vâng, chuyện xảy ra vào hôm Đức Giê-su cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem. Hôm đó, cũng là lần thứ ba, Ngài loan báo với các môn đệ, rằng: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp... sẽ bị đánh đòn và giết chết... Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (x.Mc 10, 33-34).
 
Ba lần loan báo “Con Người sẽ bị nộp”, thế mà các ông vẫn “chẳng hiểu gì cả”. Thế nhưng, có một điều, các ông lại hiểu. Tiêu biểu là hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an. Họ là người am hiểu nhất. Hai ông hiểu rằng: “Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” chính là lúc Thầy mình “được vinh quang”.
 
Chính vì thế, hai ông mon men đến gần Đức Giê-su và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.
 
Hai ông xin gì? Thưa, hai ông nói lên khát vọng của mình với Đức Giê-su, rằng: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.
 
Ôi! không thể phủ nhận lời cầu xin này có “hơi hướng” đầy tham vọng và nó đã làm cho “mười môn đệ kia đâm ra tức tối”.
 
Tuy thánh sử Máccô không nói chi tiết về sự tức tối của các ông như thế nào, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng, mười hai ông môn đệ, ông nào cũng muốn ngồi chiếu nhất trong thiên hạ. Phần Đức Giêsu, có phần chắc, nỗi khát vọng của anh em nhà Dêbêđê lại chính là nỗi thất vọng của Ngài.
 
Ba năm theo Thầy Giê-su, nghe biết bao nhiêu lời giảng dạy của Ngài, chẳng lẽ các ông quên lời Đức Giê-su đã tuyên dạy: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” hay sao? (x.Mt 5, 6).
 
Để được “ngồi bên hữu hay ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” ư! Đức Giê-su nói: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”
 
Chén Thầy sắp uống… Phép rửa Thầy sắp chịu… Vâng, nó như là lời nhắc nhở cho hai ông, rằng: đó chính là sự đau khổ mà Đức Giêsu sắp phải chịu. Và trước đau khổ đó, hai ông có sẵn sàng đón nhận không?
 
Nói tắt một lời, phải qua đau khổ mới vào vinh quang.
 
Hôm đó, thay cho lời hứa ban, Đức Giê-su nói với cho các môn đệ, rằng: “Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”. (x.Mc 10, …40).
 
Cuối cùng, để cho mười hai môn đệ không còn nhìn nhau bằng ánh mắt “hình viên đạn đồng”; Đức Giê-su nói với các ông, rằng: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người”.
 
*** Đức Giê-su đã thực thi đúng như những gì Ngài đã nói. Trong bữa Tiệc Ly, chuyện kể rằng: “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (x.Ga 13, 4-5)
 
Ôi! Có hình ảnh nào nói lên tinh thần phục vụ đẹp như hình ảnh này. Và còn đẹp hơn thế nữa, đó là hình ảnh “Người vác thập giá đến nơi gọi là Núi Sọ, tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá”... Ngài đã chết ở đó... một cái chết “làm giá chuộc muôn người”
 
Thế còn các môn đệ, sau này, có thực thi đúng những gì Đức Giê-su đã dạy? Thưa có, một trong hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê đã chết bởi bàn tay vua Hê-rô-đê A-gríp-pa, như một điển hình. (x. Cv 12, 2)
 
Về cái chết của tông đồ Gia-cô-bê, tác giả Nguyễn Ngọc Thế - SJ, trong một bài viết, đã có lời chia sẻ: “Các ông sống tinh thần dấn thân dám hy sinh như Ngài, dám can đảm bỏ tất cả mọi sự, bỏ cả chính mình, để vác thánh giá theo Giêsu, và cùng chia sẻ chén đắng cùng phép rửa với Ngài. Đây chính là chiều sâu của tiếng gọi Giêsu, mà Mác-cô đã nhắc đến trong 3,14: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người.”
 
Ở với Người để chia sẻ một tình bạn tri kỷ, để chia sẻ một bàn ăn mỗi ngày, để chính các ông học hỏi, chiêm ngắm Giêsu, Thầy mình và sau đó bắt chước Thầy sống dấn thân cho Tin Mừng, cho tình yêu và cho Nước Trời.
 
Sự dấn thân này, và chia sẻ tình bạn với Giêsu đạt tới cao điểm, khi các ông cùng bước đi với Đức Kitô trên con đường thập tự.” (nguồn: internet)
 
**** Và bây giờ là đối với chúng ta. Là một Ki-tô hữu, chúng ta đã sống tinh thần phục vụ như Đức Giê-su đã truyền dạy, hay chưa!
 
Có lẽ, chúng ta sẽ nghe được nhiều tiếng xầm xì, rằng “Ôi! Thật khó để mà sống tinh thần phục vụ như Đức Giê-su đã truyền dạy”. Tại sao? Phải chăng vì “những nỗi yếu hèn của chúng ta?”
 
Nếu đúng là vậy, tạ ơn Chúa, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái có lời chia sẻ với chúng ta, rằng: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta…” (Dt 4, 15)
 
Vâng, Chúa Giê-su biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, Ngài biết “hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” là một nan đề lớn đối với chúng ta.
 
Thế nhưng, “hiến” sự-nhẫn-nhục, lòng-nhân-hậu, lòng-từ-tâm, sự-trung-tín, sự-hiền-hòa, sự-tiết-độ v.v… thì, chẳng lẽ chúng ta không thể làm được hay sao?
 
Hãy thử tưởng tượng, khi chúng ta “hiến” những điều nêu trên, điều gì sẽ xảy ra?
 
Phải chăng là, chúng ta biết để tâm đến nhu cầu của người khác, của cộng đoàn, từ đó chúng ta sẵn sàng sống tinh thần phục vụ một cách nhưng không? Thưa, đúng vậy.
 
Hãy thử tưởng tượng thêm một lần nữa, nếu chúng ta “hiến” những điều nêu trên, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là, chúng ta đủ dũng cảm để cất lên lời nguyện với Đức Giê-su, rằng: “Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa”?
 
Về điều này, thánh Phanxicô Asisi đã làm được. Và gần đây, chắc hẳn chúng ta chưa quên mẹ Têrêsa Calcutta, bà ta cũng đã làm được. Vâng, đó là nhờ bà ta đã dám tự hạ mình xuống “làm những sự bình thường với một tình yêu phi thường”.
 
Làm những sự bình thường, như: một nụ cười, một lời cảm ơn, hay một lời xin lỗi, chẳng hạn, chẳng lẽ chúng ta không làm được hay sao? Chẳng lẽ chúng ta lại đổ lỗi cho những yếu hèn của chúng ta?
 
Vâng, con người là một thọ tạo đầy yếu đuối, chính vì thế, hãy nghe lời khuyên của tác giả sách Do Thái mà “mạnh dạn tiến lại gần Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần”! (Dt 4, 16).
 
Với “ơn trợ giúp” có thể chúng ta chưa thể hành động như Đức cha Jean Cassaigne, vị cha hiền của người sắc tộc thiểu số và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy, Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh, nhưng chẳng lẽ chúng ta không thể trở thành một người láng giềng thân thiết của mọi người, một người chồng biết yêu thương vợ, một người vợ dám phục tùng chồng, hơn thế nữa không ngại ngùng “làm người phục vụ anh em” sao!..
 
Nét đẹp của Ki-tô giáo, theo lời Lm Jude Siciliano, OP. chia sẻ thì: “...không thể đo lường bằng những thành công bên ngoài: Nhà thờ to, tín hữu đông, rước sách rầm rộ, được vua quan và thiên hạ kính nể...”.
 
Đúng vậy, tại Châu Âu có biết bao nhà thờ rất đẹp, rất lớn... thế nhưng, cộng đoàn tham dự tại đó lại tỷ lệ nghịch so với sự to lớn của ngôi thánh đường.
 
Có một linh mục tâm sự rằng: Tôi làm chánh xứ mấy chục năm, chưa bao giờ thu phục được một người theo đạo. Vậy mà, khi nhà xứ thành lập một phòng khám bệnh từ thiện, cứ một vài tháng lại có “lai rai” vài người đến xin theo đạo.
 
Điều này nói lên điều gì? Thưa, nó củng cố thêm rằng: điều vĩ đại của Ki-tô giáo, không chỉ là Thánh giá Chúa Kitô, mà còn là cung cách phục vụ tha nhân một cách nhưng không. 
 
Hãy nhớ, trước khi thực hiện điều vĩ đại chết trên thập giá tại đồi Golgotha, Đức Giêsu đã công bố một thông điệp rằng “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
 
Thế nên, là một Ki-tô hữu, đừng quên, “phục vụ” chính là thước đo niềm tin của mình.
 
Petrus.tran

Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

Tôi có còn vấn vương bụi trần?

Chúa Nhật XXVIII – B – TN
 
Tôi có còn vấn vương bụi trần?
 
Sinh lão bệnh tử; đó là vòng tuần hoàn khép kín trong cuộc sống của con người. Khi nói tới “tử”, có thể nói rằng, nó đã để lại nơi con người nhiều nỗi băn khoăn và khao khát. Băn khoăn vì sao con người phải chết và khao khát làm thế nào để được sống đời đời.
 
Băn khoăn và khao khát là thế. Nhưng, con người vẫn cứ loay hoay với điệp khúc, rằng: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” 
 
Thật ra, không phải suốt trăm năm, nhưng là suốt ngàn ngàn năm, con người vẫn loanh quanh trên “cõi đi về” tối tăm của sự chết. Suốt ngàn ngàn năm, nhân loại vẫn rên rỉ, đâu là cõi đi về của phúc trường sinh bất tử?
 
Vâng, Kinh Thánh cho biết, Con Thiên Chúa là Đức Giê-su xuống thế làm người, Ngài đã cho nhân loại một niềm hy vọng, rằng: chính Ngài sẽ là người dẫn nhân loại ra khỏi sự chết, đến “một cõi đi về” tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, đó chính là “Nước Trời”. Ở nơi đó, chính Ngài “đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (x.2Tm 1,10).
 
Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su luôn nói tới phúc trường sinh bất tử. Đã có không ít người đến và xin Ngài cho biết làm thế nào để được hưởng ơn phước đó.
 
Thế nhưng, thật tiếc thay! Khi Đức Giê-su đưa ra phương thức sống, đã có người buồn rầu bỏ đi, bỏ đi vì họ vẫn còn “vấn vương bụi trần”. Câu chuyện về một anh chàng thanh niên giàu có được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như một bài học điển hình cho những ai muốn được hưởng phúc trường sinh bất tử. (x. Mc 10, 17-30).
 
** Câu chuyện được thuật lại rằng: Một lần nọ, sau khi kết thúc sứ vụ giảng dạy cho dân chúng ở vùng bên kia sông Giodan, Đức Giêsu vừa lên đường thì có người tìm đến xin gặp Ngài.
 
Không như những lần trước, đến gặp Ngài là cả một rừng người, lần này, chỉ là một chàng thanh niên tìm đến.
 
Như chúng ta thường thấy, đa số những người tìm gặp Đức Giêsu đều có chủ đích, hoặc là xin chữa bịnh, hoặc là xin trừ quỷ cho thân nhân của họ. Nhưng hôm nay, người thanh niên này không xin chữa bịnh. Trái lại, anh ta khỏe nữa là đằng khác. Anh ta hồng hộc “chạy đến”, chạy nhanh như một vận động viên nước rút.
 
Thật may mắn, anh ta gặp được Đức Giêsu. Gặp được Ngài, anh ta liền “quỳ xuống”. Không thấy thánh sử Máccô mô tả, nhưng có phần chắc, khuôn mặt của anh ta không khỏi không mừng rỡ hân hoan.
 
Trong niềm vui đó, anh ta rụt rè cất tiếng thưa: “Thưa Thầy nhân lành…”
 
Có lẽ đây là lần đầu tiên anh ta nhìn thấy khuôn mặt nhân lành của Người từng “khiến một cậu bé ở thành Na-in đã chết, nay được sống lại”, và chắc hẳn anh ta tin rằng, một người có thể “cải tử hoàn sinh” há lẽ lại không có thể có “bí quyết trường sinh bất tử!”…
 
Chính vì thế, anh ta hỏi Đức Giê-su “tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”
 
Phải làm gì ư! Vâng, thay cho câu trả lời trực tiếp, hôm đó, Đức Giê-su đặt một câu hỏi với anh ta, rằng: “Hẳn anh đã biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”.
 
Nếu… nếu hôm nay, Đức Giê-su gửi câu hỏi này đến chúng ta? Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời, rằng: “Ồ! Con đã học thuộc lòng từ hồi rước lễ lần đầu”?
 
Vâng, hôm đó, anh chàng thanh niên đã trả lời: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”.
 
Ô! Very good! Bài thi “vấn đáp” của anh ta rất tốt, tốt đến độ Đức Giê-su đã phải: “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến.”
 
Tuy nhiên, với Đức Giê-su, tiêu chuẩn để được “phúc trường sinh bất tử“ không chỉ là “tuân giữ” mà còn phải “tuân hành” những điều răn Đức Chúa Trời.
 
Kinh Thánh đã dạy rằng “Kẻ tuân hành mệnh lệnh sẽ không gặp phải việc chẳng lành và lòng người khôn ngoan biết được thời được buổi” (Gv 8, 5)
 
Thời và buổi của hôm nay, chính là thời và buổi của hành động. Gặp một người nghèo khổ bệnh hoạn, thiếu ăn, thiếu mặc… mà ta vẫn “vô cảm” như ông nhà giàu đối với anh Lazaro, trong một dụ ngôn, đã được Đức Giê-su đem ra giáo huấn, dù bài thi vấn đáp về giáo lý của ta có “very good” nó cũng chỉ xứng đáng với điểm “zéro”.
 
Thế nên, tiếp cho việc “trắc nghiệm” tâm lòng chàng thanh niên hôm đó, Đức Giê-su tế nhị nói với anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… Rồi hãy đến theo tôi”
 
Tiếc rằng, anh ta lại cho đó là một công việc “chẳng lành” nên đã “sa sầm nét mặt”. Có lẽ ba chữ “cho người nghèo” đã làm ù đôi tai anh ta, thế nên anh ta không nghe rõ đoạn cuối là một lời hứa của Đức Giêsu, rằng “anh sẽ được một kho tàng trên trời” (Mc 10, …21).
 
Vâng, câu chuyện kết thúc bằng hình ảnh, anh ta “buồn rầu bỏ đi”, chỉ vì “anh ta có nhiều của cải”. Nói tắt một lời, anh ta vẫn còn “vấn vương bụi trần”.
 
*** Có lẽ, chẳng có ai trong chúng ta sẽ khước từ phúc trường sinh bất tử như anh chàng thanh niên trong câu chuyện nêu trên.
Thế nhưng, chắc hẳn, có không ít người trong chúng ta cũng sẽ ái ngại trước lời yêu cầu của Đức Giê-su, rằng: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo... Rồi hãy đến theo tôi”
Thật ra, qua lời yêu cầu này, Đức Giê-su muốn dẫn mọi người đến một cuộc sống trọn đầy “đức ái”, một nhân đức, như lời thánh Phao-lô đã nói, rằng: “cao trọng hơn cả” (x.1Cor 13, …13)
Thiên Chúa không chúc dữ người giàu có. Trái lại, giàu có là ơn phúc Thiên Chúa ban.
Thật vậy, sách sáng thế ký đã kể rằng, “ông I-xa-ác đã gieo vãi trong đất ấy, và năm đó ông thu hoạch gấp trăm lần, Đức Chúa đã chúc phúc cho ông, và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu vô kể… khiến cho người Phi-li-tinh phải ghen tị”. Và còn Gióp nữa, ông ta được mệnh danh là người giàu có số một trong số các con cái Phương Đông (x.G 1, 2)
Tuy nhiên, nếu giàu sang mà “vô cảm” như ông nhà giàu trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazaro nghèo khó, đang khi mình “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, thế mà lại “vô cảm” trước “một người nghèo khó tên là Lazaro, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng…” nhà ông ta, quả thật, đừng trách Đức Giêsu đã nặng lời khi nói “con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu vào nước Thiên Chúa!” (Mc 10, 25)
 
Vấn đề của chúng ta hôm nay không phải là “bán” hay “không bán” tài sản mà-cho-người-nghèo, nhưng là chúng ta phải tự hỏi, rằng: cuộc sống của tôi có còn vấn-vương-bụi-trần?
 
Tại sao chúng ta phải quan tâm đến điều này? Thưa, là bởi, chính việc vấn vương bụi trần nó làm cho ta khó thoát khỏi sự ham muốn, ham muốn có địa vị cao, ham muốn được giàu sang phú quý v.v…
 
Thế nên, thật tốt đẹp biết bao, nếu chúng ta cùng tâm niệm như vua Salomon xưa, rằng: “Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. Đối với tôi, trân châu ngọc bảo chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng chỉ là cát bụi” (Kn 7, 9)
 
Chính “Đức Khôn Ngoan” sẽ giúp chúng ta “tuân hành” những mệnh lệnh, những yêu cầu Đức Giê-su đặt ra.
 
Và một khi chúng ta “tuân hành” triệt để mệnh lệnh của Đức Giê-su, vâng, hãy tin, lời phán hứa của Ngài, rằng, “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được… gấp trăm… và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Mc 10, 29-30) sẽ trở thành hiện thực.
 
Bạn có tin không? Nếu có, hãy tự hỏi mình rằng: Cuộc sống của tôi có còn “Vấn vương bụi trần”?
 
Petrus.tran

Chủ Nhật, 4 tháng 10, 2015

Chuỗi Mân Côi: “Liên khúc của tình yêu”

Chúa Nhật XXVII – TN – B
 
Chuỗi Mân Côi: “Liên khúc của tình yêu”
 
Chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười. Theo lịch phụng vụ, tháng này được gọi là tháng Mân Côi. Và như một truyền thống đẹp, Giáo hội dành riêng Chúa Nhật đầu tháng để kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi.
 
** Đức Mẹ là ai? Thưa, đó là Đức Maria, ngài là người đã được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Người.
 
Cuộc tuyển chọn Đức Maria không ồn ào, không ầm ĩ bởi những tiếng sấm chớp như những cuộc tuyển chọn các ngôn sứ trong thời Cựu Ước. Sứ thần của Thiên Chúa đến nhà Mẹ trong sự tĩnh lặng với những lời đối thoại đầy chân tình.
 
Hôm ấy, qua môi miệng sứ thần, Thiên Chúa đã gửi đến Đức Maria một lời chào hỏi đầy trân trọng “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
 
Chuyện kể rằng: “Nghe lời ấy, (Mẹ) bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì” (Lc 1, 29).
 
Nhìn nét mặt bối rối của Đức Maria, sứ thần Chúa giải thích, rằng “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.
 
Thiên Chúa, qua lời sứ thần, đã gởi đến Đức Maria một lời tuyên bố, lời tuyên bố có thể hiểu như một lời tuyển chọn, rằng “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…”
 
Thế nhưng, với cô nàng thiếu nữ Maria xưa, thì lời tuyển chọn đó lại như thể là một tiếng sét… tiếng sét của âu lo, của bối rối…
 
Biết rằng mình chỉ là một cô thiếu nữ thôn dã. Lại là cư dân của Galilê, gọi là Na-da-rét, một địa danh được biết đến như là một nơi “chẳng có cái gì hay cả…”, làm sao có thể là mẹ “Con Đấng Tối Cao”? Hơn nữa, vâng, Đức Maria đã nói lên những trở ngại của mình rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.
 
Thế nhưng, đó vẫn là cách Thiên Chúa tuyển chọn.
 
Trước kia, Người đã tuyển chọn một Môsê, dù ông ta “không phải là kẻ có tài ăn nói” (Xh 4, 10) hoặc như ngôn sứ Giêrêmia, khi ông ta “còn quá trẻ (và cũng) không biết ăn nói” (Gr 1, 6)…
 
Thì, hôm nay, chuyện “không biết đến việc vợ chồng” ư! Cũng chẳng sao. Như là một mệnh lệnh, sứ thần Chúa tuyên bố: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.
 
Để đóng ấn cho việc tuyển chọn, sứ thần Chúa lớn tiếng nói: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Nghe thế, Đức Maria cất tiếng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
 
Maria, nàng thôn nữ miền Na-da-rét, từ giờ phút cất tiếng “Xin vâng”, người đã gắn chặt cuộc đời mình cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa, gắn chặt cho tới khi được thực hiện một cách hoàn hảo, hoàn hảo với cái chết của Con Trời Giê-su trên thập giá tại Golgotha.
 
*** Trên đây, chúng ta đã nói về Đức Mẹ. Bây giờ hãy nói tới hai chữ Mân Côi. Vâng, có rất nhiều tác giả, cách này cách khác, phân tích, giải nghĩa về hai chữ này. Tuy nhiên, tựu chung khi kết luận, hầu như mọi tác giả cùng đưa ra một lời khuyên chung, đó là “Hãy năng lần hạt Mân Côi”
 
“Lần hạt Mân Côi” là gì? Thưa, lần hạt Mân Côi hay còn gọi là chuỗi Mân Côi, theo truyền thống là một trăm năm mươi kinh, được chia thành mười lăm mầu nhiệm, dựa vào Kinh Thánh, đó là: năm sự Vui, năm sự Thương, năm sự Mừng. (Và mới đây, thêm năm mầu nhiệm: năm sự sáng).
 
Tổng hợp tất cả hai mươi mầu nhiệm, nên chăng gọi chuỗi Mân Côi chính là một “Liên khúc của tình yêu”?
 
Thật vậy, với mầu nhiệm “năm sự vui”, Thiên Chúa, qua sứ thần Gáp-ri-en, loan báo cho chúng ta tin vui rằng: Một “Người trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.
 
“Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” đó chính là những lời nhạc đầu tiên cho “Liên khúc của tình yêu”, một liên khúc, sau này đã được chính Đức Giê-su tiếp nối với những lời ca, rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
 
Và đến mầu nhiệm “năm sự thương”. Vâng, đúng là 
đáng thương, đáng thương đến độ phải “nén đau thương, vương ngậm ngùi” về một Giê-su Con Trời, bị đánh đòn, đầu đội mão gai, vác thánh giá, và cuối cùng là chết trên Thánh giá… vì ai? Thưa, “Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian… Để cứu muôn người lỗi tội đưa về Trời đẹp tươi”
 
Vâng, qua việc hy sinh chính mạng sống của mình, “Con Chúa Trời” đã làm đúng như những gì Ngài đã rao giảng, “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu. Người liều mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13)
 
Với mầu nhiệm “năm sự mừng” ư! Vâng, quả đúng là vui mừng và hy vọng. Con Chúa Trời đã đem niềm vui mừng và hy vọng đến cho nhân loại qua việc “sống lại và lên trời”.
 
Sự sống lại và lên trời của Đức Giê-su đã cho những ai “tin vào Ngài” niềm vui mừng và hy vọng về một ngày sau cũng sẽ được sống lại từ cõi chết.
 
Với mầu nhiệm “năm sự sáng”. Suy niệm mầu nhiệm năm sự sáng chúng ta sẽ nhìn thấy dung nhan “Giêsu Con Trời” sáng tỏa trên núi Tabor, tại nơi đây, Thiên Chúa đã xác thực Ngài chính là “Con (Trời) yêu dấu”. Ngài đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ”.
 
Còn nữa, Ngài đến thế gian để ban tặng cho nhân loại “Mình và Máu” với lời khẳng định “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (x.Ga 6, 54).
 
Hai mươi mầu nhiệm, tất cả đều tỏa sáng bốn chữ “chỉ vì tình yêu”, đúng như lời thánh Gioan tông đồ đã nói “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, …10).
 
Vậy, có gì ngăn cản chúng ta gọi chuỗi Mân Côi chính là một “Liên khúc của tình yêu”.
 
**** Là một tín hữu Công Giáo, có lẽ không ai trong chúng ta lại không lần chuỗi Mân Côi. Thế nhưng, có bao giờ chúng ta đặt ra một câu hỏi cho mình, rằng: “Tôi đã đọc chuỗi Mân Côi trong tâm tình như thế nào?”
 
Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: tôi có đọc “lấy cho được một trăm năm chục kinh”, đọc tới đọc lui cho vui cửa vui nhà? Xin thưa, nếu đọc như vậy, chẳng khác nào chúng ta “tụng kinh”… chỉ thiếu “cái mõ”!
 
Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: tôi có “miệng đọc lòng suy”, suy gẫm những mầu nhiệm trong tâm tình phó thác, xin vâng… như Đức Maria xưa đã một lòng phó thác xin vâng? Xin thưa, nếu đọc như vậy, chúng ta đã làm cho chuỗi Mân Côi trở thành một bản concerto bất hủ.
 
Đừng quên, Đức Giê-su đã dạy rằng: “Không phải tất cả những ai nói với Thầy: ‘Lạy Chúa, Lạy Chúa’, là được vào nước trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi”.
 
Cũng vậy với Chuỗi Mân Côi. Chúng ta không thể cất tiếng đọc “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội…” nhưng rồi cuộc đời của mình lại chẳng bao giờ xin cho được “ăn năn tội nên” hầu có thể “đóng đinh tính xác thịt vào Thánh giá Chúa”.
 
Cất tiếng đọc kinh Mân Côi, chúng ta còn phải sống “khiêm nhường”, biết “vâng lời chịu lụy” và có “lòng yêu người” đúng như những lời suy gẫm… Vâng, chỉ cần thế thôi… có phần chắc, chuỗi Mân Côi của chúng ta sẽ là một “Liên khúc của tình yêu”.
 
Thưa Bạn, trong ngăn tủ tâm hồn của bạn đã có bản “Liên khúc của tình yêu” bất hủ này? Nếu chưa, chúng ta hãy “trông lên Mẹ là gương mẫu của đời ta”.
 
Tại sao phải trông lên Mẹ? Thưa, là bởi, Mẹ sẽ là người dạy ta hai tiếng “xin vâng”. Chính hai tiếng “xin vâng” này, nó sẽ là tiền đề giúp ta phổ lên những ca khúc “khiêm nhường”, “vâng lời chịu lụy” và cuối cùng là “lòng yêu người”.
 
Có những ca khúc này, có gì ngăn trở ta trình làng trước bàn dân thiên hạ bản “Liên khúc của tình yêu”.
 
Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...