Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

Giê-su Ki-tô là Vua của đời tôi.

  Chúa Nhật XXXIV – TN – C

Giê-su Ki-tô là Vua của đời tôi.

Theo lịch Phụng Vụ, Chúa Nhật hôm nay (20/11/2016), kết thúc mùa thường niên. Và, theo truyền thống, hôm nay, Giáo Hội Công Giáo long trọng kính Chúa Giêsu Kitô Vua.

Thật ra, không phải hôm nay, mà ngay từ khi Đức Giê-su xuống thế làm người, để thực thi chương trình cứu độ, đã có một nhóm người tôn vinh Ngài là Vua. Nhóm người đó chính là “mấy nhà chiêm tinh”.

Chuyện kể rằng: Khi thấy “có vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”, họ đã có một cuộc hành trình tìm kiếm để “bái lạy Người”. Bắt đầu từ phương Đông, họ đến Giê-ru-sa-lem, ở đó họ được các thượng tế và kinh sư cho biết “Belem, miền đất Giu-đa… là nơi vị lãnh tụ… sẽ ra đời”. Nhờ lời chỉ dẫn đó, họ đã đến tận nơi, “và sấp mình thờ lạy”. (x.Mt 2, 6…11)

Rõ nét nhất để nói rằng Đức Giê-su là Vua, chính là lời loan báo của sứ thần Gabrien cho cô trinh nữ Maria. Lời loan báo rằng: “Thưa bà Maria… bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu, Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 31-33)

Và, trong những ngày thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, có không ít người nhìn Đức Giê-su như là một vị Vua – Vua của đời họ, khi lớn tiếng nói: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít”.

Rồi, đỉnh điểm của lời tôn vinh, đó là hôm Ngài cùng các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem, chuyện kể rằng: “nghe tin Đức Giê-su tới… họ cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo hò: Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Chúc tụng Vua Ít-ra-en” (Ga 12, 12-13).

** Đức Giê-su là Vua, thế nhưng lạ lùng thay, cách Vua Giêsu lên ngôi, không giống như cách lên ngôi của những ông vua, những lãnh tụ trần thế. Vua Giêsu không dùng bạo lực, không dùng thủ đoạn, không dùng sức mạnh của họng súng, nhưng bằng chính “tình yêu thương”, một thứ tình yêu, dám “hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu”, để “lên ngôi”.

Và quả thật, lịch sử ghi lại rằng: Vua Giê-su đã hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu, trên thập giá tại “Đồi Sọ”, cho việc “lên ngôi” của Ngài.

Hôm đó, nơi Đồi Sọ, với cảnh chiều lộng gió, không một tiếng kèn, tiếng trống hay tiếng tung hô, nhưng là với “tiếng chày tiếng búa nện đinh”, nện không thương tiếc những chiếc đinh vào hai bàn tay và đôi chân của Đức Giê-su, một cách để dán chặt cơ thể Ngài vào thập giá, và cuối cùng là giương cao xác Ngài lên, trên thập giá có một dòng chữ “Người này là Giê-su, vua dân Do Thái”.

Vây quanh đồi Sọ, là hàng ngàn người với những tiếng hò hét “buông lời nhạo báng”, với những lời thách thức ngạo mạn “Nếu ông là Vua dân Do Thái thì cứu lấy mình đi” v.v…

Trên thập giá, Vua Giê-su đã không xấu hổ về những lời nhục mạ đó. Trái lại, Ngài đã chứng tỏ cho mọi người thấy, Ngài thật sự là Vua, Vua-Tình-Yêu, một tình yêu “chậm giận và hay tha thứ”, qua lời nguyện của mình, rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Hôm đó, cùng trên núi Sọ, có hai tên gian phi, một tên “cũng nhục mạ người”. Nhưng tên kia thì không. Người gian phi này, thưa với Đức Giêsu, rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”. Và anh ta đã toại nguyện. Ngay lập tức, sau lời kêu xin của anh ta, Giêsu – Vua-Tình-Yêu, đã nói với anh ta, rằng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Hơn bảy trăm năm trước, ngôn sứ Mikha đã tiên báo “Phần ngươi, hỡi Belem Epratha… từ nơi ngươi… sẽ xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel ” (Mk 5, 1).

Đúng, vai trò của Đức Giêsu đến thế gian là để thi hành sứ-mạng-thống-lĩnh-Israel. Thống lĩnh Israel, nhưng Ngài không thống lĩnh quốc gia “thuộc về thế gian này” mà là thống lĩnh con dân Israel, đưa họ trở về với chân lý và sự thật.

Chân lý và sự thật đó đã được Vua Giêsu công bố, rằng: “Như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,15).

Thế nên, đừng thất vọng về những gì đã xảy ra trong ngày lên ngôi của Vua Giêsu. Và cũng đừng bao giờ quên lời công bố của Vua Giê-su (nêu trên), vì đó là thông điệp đời đời cho những ai đặt niềm tin vào Ngài.

*** Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, đã có không ít người đặt niềm tin vào Vua Giê-su, trong đó có chúng ta.

Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, đặt niềm tin vào Đức Giê-su, nhưng tôi có thực sự chọn Ngài là Vua của đời tôi?

Hay, chúng ta lại ngả ngớn với một thế giới cổ súy cho một nền văn hóa sự chết, với một thế giới ngả theo chủ nghĩa thế tục.? Và, xem đó như là những vị vua của đời tôi!

Lm Charles E. Miller, với kinh nghiệm của mình, đã cảnh báo: “Chủ thuyết thế tục quả quyết ‘vương quốc của cải’ là tại đây trên trần thế. Nó bác bỏ mọi hình thức tôn giáo về đức tin và phụng tự. Chủ nghĩa duy vật rao giảng một học thuyết, theo đó, tiện nghi, khoái lạc và tiền bạc là những mục tiêu duy nhất và tối thượng của cuộc sống”.

Quyến rũ đấy! nhưng đừng quên lời Đức Giê-su truyền dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”.

Hãy nhìn xem, suốt chiều dài lịch sử con người, đã có ai là thần dân của “vương quốc thế tục”, khi chết đi, có mang được gì “về bên kia thế giới” hay chỉ là “ngoài trống vắng mà thôi”?

Chúng ta luôn phải nhớ rằng, đã là người môn đệ của Chúa, dù đang “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian; sống ở giữa đời nhưng không sống như người đời”. 

  Cho nên, thật phải đạo khi hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình, rằng: Tôi đang là thần dân của ai? Của vương quốc thế tục hay vương quốc Nước Trời?

Nếu là vương quốc thế tục, phải coi chừng, vì Lời Chúa có phán dạy rằng: “Hãy ra khỏi thành ấy đi, để khỏi thông đồng với tội lỗi của nó và hứng lấy những tai ương dành cho nó” (x. Kh 18, 4)

Sô-đô-ma… Vâng, thành Sô-đô-ma, một vương quốc thế tục, như một minh chứng điển hình cho lời cảnh báo đó. Chính Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã nhắc lại những tai ương dành cho nó, đó là “Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả” (x.Lc 17, 29).

**** Thế nên, hãy nghe lại lời khẩn cầu của tên gian phi: “Ông Giêsu ơi! khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và, nên chăng, đây cũng là lời khẩn cầu của mỗi chúng ta?

Người gian phi, chưa có một ngày là môn đệ Đức Giêsu, nhưng anh ta đã tin, không phải tin Đức Giê-su giải thoát cái chết của mình khỏi thập giá, nhưng là tin vào một Vua Giê-su sẽ giải thoát mình khỏi sự chết đời đời.

Cũng vậy, với chúng ta hôm nay. Sống trong một thế giới cổ súy cho một nền văn hóa sự chết, sống trong một xã hội xem chủ nghĩa thế tục như là cứu cánh của cuộc đời, có ai trong chúng ta không một lần “bị đóng đinh” vào sự mời mọc, sự gạ gẫm, sự lôi cuốn của nó, để rồi nó dẫn chúng ta đến sự chết đời đời?

Có ai trong chúng ta không một lần bị đóng đinh vào những đam mê của thú vui xác thịt? Hoặc vào những cám dỗ của tiền tài danh vọng v.v…?

Ai sẽ giải thoát chúng ta, phải chăng là chính “ông Giê-su”? Thưa, đúng vậy.

Thánh Phao-lô, (sau cú ngã ngựa tại Damas, ngài đã từ bỏ vai trò thần dân của vương quốc thế tục Roma, để trở thành thần dân của Vua Giê-su), đã chia sẻ cảm nghiệm của mình, rằng: “Anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha… Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái, trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi” (x.Cl 1, 12…13)

Vâng, dưới gầm trời này, không ai có thể cứu chuộc ta. Chỉ duy nhất một người, đó chính là Đức Giê-su. Thánh Phao-lô xác tín: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”, trong đó có chúng ta.

Thế nên, mỗi sớm mai thức giấc, đừng vội nghĩ: hôm nay ăn gì mặc gì, hôm nay chứng khoán tăng hay giảm, “đô” lên hay xuống, hôm nay phải kiếm bao nhiêu tiền v.v… mà hãy nhìn lên thánh giá Chúa Giêsu, đọc lời khẩn nguyện “Ông Giêsu ơi!... xin nhớ đến tôi” với lòng xác tín rằng: Vua của chúng ta tên là Giê-su Ki-tô.

Vâng, không có tên nào khác cả, không là Donal Trump, không là Tập, không là Ho, là v.v… và v.v… Chỉ một tên duy nhất “Giê-su Ki-tô – Ngài là Vua đời tôi”.

petrus.tran

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

Hãy xin ơn kiên trì.

  Chúa Nhật XXXIII - TN – C

Hãy xin ơn kiên trì.

Quintilian nói: “Tất cả mọi thứ đều có một sự khởi đầu đến một sự kết thúc”. Đức tin Ki-tô giáo cũng vậy, cũng có một sự khởi đầu, khởi đầu Thiên Chúa tạo dựng trời đất muôn loài muôn vật, và đến một kết thúc, đó là ngày tận thế.

Khởi đầu khi nào, chúng ta đã biết. Kết thúc khi nào? Vâng, đó là câu hỏi không ít người muốn có câu trả lời.

Khi nói tới ngày tận thế, một thống kê tương đối cho biết, tại Hoa Kỳ, có một số tín đồ của một giáo phái nọ, họ đã làm công việc “tiên đoán” về ngày tận thế tổng cộng năm lần, cả năm lần đều được công bố trong thế kỷ 20, vừa qua.

Còn các nhà khoa học ư! Theo họ, một ngày nào đó sau hàng tỷ năm, thế giới chúng ta sẽ qua đi, vì mặt trời, nguồn năng lượng của nó, sẽ cạn kiệt nhiên liệu.

Với Hội Thánh Công Giáo, có lời giáo huấn, rằng, không một ai “…biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại… Chúng ta cũng chẳng biết cách thức biến đổi của vũ trụ. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một đất mới, nơi công bằng ngự trị…” (x.Hiến chế về Mục Vụ trong thế giới ngày nay, số 39)

Ngày tận thế ư! Đó là điều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Vì là chương trình của Thiên Chúa, cho nên ngày đó sẽ đến, không phải theo cách hoặc thời điểm mà một số các giáo phái thường tiên báo hay các nhà khoa học tưởng là…

Với Đức Giêsu, Ngài đã cho mọi người biết rằng, sự cần thiết để biết “bao giờ sẽ tận thế” không quan trọng cho bằng “đến Ngày phán xét (mọi người) sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói (hay đã làm)”, mới là điều cần quan tâm đến.

Và, trong một lần khác, khi có người hỏi “bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra”, Đức Giê-su có lời truyền dạy, lời truyền dạy đó được thánh Luca ghi lại như sau.

** Một hôm, nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào”.

Đây không phải lần đầu tiên Đức Giê-su nói về Đền Thờ. Đã có lần, nhìn Đền Thờ bị con người lạm dụng cho việc kinh doanh buôn bán, Đức Giê-su đã xua đuổi họ, và sau đó Ngài tuyên bố, “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”.
Hôm đó, họ không hiểu ý “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người”.

Và, hôm nay, khi nghe những lời tiên báo đầy bi quan, họ lại càng hoang mang. Có người liền chất vấn Đức Giê-su: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?”.

Trước việc họ muốn được nghe một lời giải đáp khả dĩ, Ngài có lời cảnh báo: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘chính ta đây’, và ‘Thời kỳ đã đến gần’: anh em chớ theo họ” (Lc 21, 8).

Điềm gì báo trước ư! Thưa, hôm đó Ngài nói: “Khi anh em nghe có chiến tranh thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước.”

 Cũng “sẽ có động đất, ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện”. Thê thảm hơn nữa, “người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em và bỏ tù v.v…” Và để khép lại cuộc chất vấn, Đức Giêsu không nói với họ ngày nào “sẽ tận thế”, Ngài chỉ khuyên, rằng: “Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.” (Lc 21, 19)

*** Những lời tiên báo của Đức Giê-su đã ứng nghiệm.

Ứng nghiệm về Đền Thờ, niềm tự hào của người Do Thái. Ngày 9/8/70, hùng binh La Mã đã triệt hạ và thiêu hủy Đền Thờ. Ngày nay, dấu tích Đền Thờ chỉ còn một bức tường, người Do Thái gọi là “bức tường than khóc”.

Ứng nghiệm về sự “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét”.

Thì đây, suốt chiều dài lịch sử Ki-tô giáo, có biết bao nhiêu người Ki-tô hữu rơi vào thảm trạng này. Thánh Têphanô như là vị tử đạo tiên khởi. Chỉ vì rao giảng một “Giêsu người Nadaret”, ngài đã bị người ta chống đối “xông vào ông rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá”.

Chuyện kể rằng: “Họ ném đá ông, đang lúc ông cầu xin rằng: ‘Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này’. Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7, 60).

Tiếp đến là thánh Giacôbê , ông ta đã bị con cáo già Hêrôđê chém đầu. Sách Công Vụ tông đồ cho biết, khi thấy việc làm đó vừa lòng người Do Thái, “nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa”.

Rồi đến Việt Nam, tiêu biểu là một trăm mười tám vị tử đạo(118), là những vị hôm nay chúng ta kính nhớ. Các vị cũng chính là điển hình cho lời tiên báo của Đức Giêsu về sự “ngược đãi, bắt bớ, tù đầy, chết chóc và thù ghét” xưa kia, nay đã trở thành hiện thực.
Nhắc lại những biến cố lịch sử này để làm gì?

Thưa, trước hết là để xem các vị đó như là tấm gương mẫu mực cho sự kiên trì trong đời sống niềm tin, một niềm tin vì “danh Thầy Giê-su” của mình, và sau là để nhìn lại đời sống niềm tin của chúng ta, hôm nay.

Vâng, hãy nhìn lại và tự hỏi lòng mình rằng, “vì danh Thầy Giêsu” chúng ta cũng sẽ “noi gương” các ngài! Noi gương không ở việc cũng sẽ “tử đạo” như các ngài, nhưng là noi gương ở sự kiên trì trong vai trò chứng nhân của Đức Ki-tô?

Với sứ mạng của một nhà giáo hoặc của một bác sĩ, hay của một nữ y tá và cũng có thể là một linh mục v.v… mà Chúa giao phó, tôi có sự kiên trì cho sứ mạng đó!

Còn nữa, “vì danh Chúa”, chúng ta sẽ xử sự ra sao khi phải đối diện trước những nhà cầm quyền áp đặt những luật lệ, như luật cho phép phá thai, cho phép hôn nhân đồng tính, nói tóm lại là những đạo luật đi ngược lại luật Thiên Chúa? Ta sẽ bỏ phiếu tán đồng! Hay tôi vẫn kiên trì trong đức tin truyền thống của Giáo Hội “cấm phá thai –cấm hôn nhân đồng tính”!

Đừng làm ngơ trước lời ngôn sứ Malakhi đã nói: “Ngày ấy đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy sẽ đến thiêu rụi chúng - ĐỨC CHÚA các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo tia sáng chữa lành bệnh” (Ml 3, 19-20)

Làm sao để “ngày ấy đến”, chúng ta được diễm phúc “mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo tia sáng chữa lành bệnh”? Phải chăng là đừng bao giờ để mất đi sự kiên trì trong việc gánh vác sứ mạng Chúa đã trao phó (nêu trên)! Thưa, đúng vậy.

Thế nên, đừng bao giờ đi ngủ, trước khi ta ngước lên thánh giá Chúa Kitô và cầu xin với Người, dĩ nhiên, cầu xin Người “Ơn Kiên Trì”, vì đó là điều Đức Giê-su đã truyền dạy: “có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình”.

Đừng quên, với sự kiên trì, hành trình của ba nhà đạo sĩ xưa, dù phải gặp nhiều gian nan hiểm nguy, các vị đó đã diễm phúc gặp được “Hài Nhi Giê-su”.

Cũng vậy, với ta hôm nay, nếu cuộc hành trình của ta trên con đường về Nước Trời cũng có “sự kiên trì” như thế, lẽ nào ta không diễm phúc ở bên “Cứu Chúa Giê-su”!

Vậy, cớ gì hôm nay, chúng ta không “xin ơn kiên trì”!

Petrus.tran      

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Hôm nay, tôi “nghiêng bên nào”?





Chúa Nhật XXXII - TN – C

Hôm nay, tôi “nghiêng bên nào”?

Cuộc đời của con người, như một vòng tuần hoàn, sinh lão bệnh tử. Đó là quy luật muôn đời của Tạo Hóa. Mọi người, không trừ một ai, “sống làm người ai không phải chết?” (x.Tv 88, 49).

Cái chết, không ai trốn tránh khỏi. Người ta có thể trốn công an, trốn thuế, trốn học, trốn giám thị v.v.. nhưng không thể trốn cái chết.

Chỉ có điều, sau cái chết là gì, con người sẽ đi về đâu vẫn luôn là điều bận tâm của con người.

Phật giáo, theo thuyết luân hồi, cho rằng, sau khi chết, con người sẽ đầu thai kiếp mới. Tùy cách sống đời này, kiếp sau, con người có thể thành con vật, cũng có thể từ con vật hóa kiếp thành người. 

Người vô thần thì sao! Thưa, với những kẻ chẳng tin vào Thượng Đế, thì, chết là hết.

Còn với Ki-tô giáo? Thưa, đức tin dạy rằng: “Sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”. “Đổi thay” như thế nào? Thưa, điều này đã được Đức Giê-su mặc khải trong một lần tranh luận với nhóm Sa-đốc.  Cuộc tranh luận này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.
**                                                                
Cuộc tranh luận được ghi lại như sau:  Một hôm, có mấy người thuộc nhóm Sa-đốc đến gặp Đức Giêsu. 

Cứ sự thường, mỗi khi có một “nhóm” nào đến gặp Ngài, y như rằng, hôm đó sẽ có một cuộc tranh luận gay gắt.

Với nhóm Sa-đốc hôm nay, cũng không là ngoại lệ. Khi gặp Đức Giêsu, thoạt tiên họ giả lả nói với Ngài một câu chuyện rất bình thường, chuyện rằng: “Thưa Thầy, ông Môse có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dõi cho anh hay em mình…”

Ơ hay! Thì cứ theo luật (luật thế huynh),  mà thi hành, chứ kể ra với chủ ý gì hả, thưa mấy ông Sa-đốc! 

Đúng, quả thật mấy ông Sa-đốc có chủ ý rõ rệt. 

Hôm ấy, họ nói tiếp với Đức Giêsu, rằng: “Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ góa ấy. Cứ như vậy,  bảy anh em chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng người đàn bà ấy cũng chết”.

Và đây là chủ ý của họ: “Vậy, trong ngày sống lại, người đàn bà  sẽ là vợ ai?” (x.Lc 20, 33)
 

Theo bạn, đây là câu chuyện thật hay do nhóm Sa-đốc “phịa” ra? Không thấy thánh sử Luca nói đến. Thế nhưng, dù thật hay phịa thì câu chuyện này như một sự thách thức mà nhóm Sa-đốc muốn thách thức Đức Giêsu.

Họ thách thức Đức Giêsu điều gì? Thưa, họ thách thức Ngài về việc “chuyện gì sẽ xảy ra ở thế giới bên kia, thế giới của sự chết…?”
 

Đúng, quả là một thách thức gay go. Thế nhưng, có gay go thì cũng chỉ gay go đối với những ai chưa biết gì về “cuộc sống đời sau”.

Với Đức Giêsu, Đấng “từ trời mà xuống” - Đấng đã tuyên bố rằng “Ta  là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống.”, thì có gì ngăn trở Ngài biết đến những gì sẽ xảy ra ở “cuộc sống đời sau”!
 

Và, để trả lời cho câu hỏi,  Đức Giêsu nói rằng, “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chống” (Lc 20, 34-35). 

Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra ở sự sống đời sau! 

Thưa, là thế này. Sự sống đời sau, không có luật sư, vì cuộc sống ở đó không có sự tranh tụng. Không có bác sĩ, vì ở đó không có bệnh nhân. Không có kỹ sư, vì ở đó không cần xây dựng nhà cửa. Không có linh mục để làm phép hôn phối, vì ở đó không có chuyện “cưới vợ cũng chẳng lấy chồng”. 

Hôm ấy, Đức Giêsu tuyên bố, con người sẽ “không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần” (Lc 20, 36)


***
Như vậy, chuyện “kẻ chết sống lại” và cuộc sống đời sau ra sao, đã được Đức Giê-su mặc khải quá rõ ràng.

Thật đáng tiếc cho nhóm Sa-đốc xưa, tiếc vì họ chỉ công nhận “ngũ kinh”, năm cuốn đầu bộ Cựu Ước và không tin có đời sau.

Vâng, đó là một thiếu xót lớn. Thật vậy, nếu họ công nhận thêm những sách khác trong Kinh Thánh, họ sẽ nghe được Thiên Chúa nói gì với dân riêng của Người. 

Thì đây, sách Macabe chẳng từng chép: “dựa vào Lời Chúa hứa mà hy vọng sẽ được Người cho sống lại”, đó sao!(2Mcb 7,14).

Mà thật, những phép lạ (sau này), “cho con trai một bà góa thành Nain sống lại”, rồi đến “cho con gái ông Gia-ia sống lại”, kế đến sự kiện “anh Lazaro đã chôn trong mồ được bốn ngày” được sống lại,  do Đức Giê-su thực hiện, như để củng cố thêm niềm tin, rằng: vào ngày sau hết, Thiên Chúa “Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.

****
Theo lịch Phụng Vụ, chúng ta bắt đầu bước vào tháng mười một, tháng nhớ đến những người đã “lìa thế”. Nhớ đến những người ấy, để nghĩ về chúng ta, rồi sẽ có một ngày, ta cũng sẽ “xuôi tay ra đi giã từ cuộc đời”. 

Tôi có là ai đi chăng nữa, thì: “Nay anh mai tôi chung đường chung lối”. Tôi có là ai đi chăng nữa, thì, “Ngày mai ra đi sẽ mang được gì?” 

Vâng, chẳng mang được gì cả, “của Xê-da trả cho Xê-da”, là bụi đất lại trở về bụi đất. Chẳng được gì cả “ngoài trống vắng mà thôi”! 

Nếu… nếu cái gì còn tồn tại bên ta,  đó chính là một sự “đổi thay”, đổi thay một cuộc sống mới, một cuộc sống trong “cực hình lửa thiêu đốt” hoặc một cuộc sống mới “ngang hàng với các thiên thần”.

Được như thế nào, phụ thuộc vào  cách sống ngay trong hiện tại của chính mỗi chúng ta, như có lời đã chép “sống sao chết vậy”.

Thật vậy, Kinh Thánh có chép rằng,  “Trong ngày mệnh chung, trả cho con người theo lối họ đã  sống, đối với Đức Chúa, là chuyện thật dễ dàng” (x.Hc 11, 26).

Cho nên, hãy ghi khắc câu Kinh Thánh (nêu trên) vào tâm hồn mình, bởi, “cái lối” mà chúng ta đã và đang sống chính là “tiêu chuẩn”, chính là “thước đo”, và là “câu trả lời” trước tòa phán xét, nơi Thiên Chúa sẽ chọn “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết” (x.Lc 20, 34-35)


Cuối cùng, như chúng ta thường nói: “cây nghiêng bên nào thì sẽ ngã bên ấy”. 

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi: lối sống của tôi hôm nay, có “nghiêng” về với những điều Đức Giê-su đã truyền dạy! (tám mối phúc thật, chẳng hạn), hay ta lại “nghiêng” về Satan và những quyến rũ của nó? 

Nếu “nghiêng” về Satan và những quyến rũ của nó! Thưa, có phần chắc, có nằm mơ, cũng không thể thấy được Nước Trời.

Còn nếu “nghiêng” về “tám mối phúc thật” ư! Hãy tin rằng, chúng ta sẽ được “gọi là con Thiên Chúa” và “Nước Trời” sẽ là của chúng ta, đúng với lời hứa của Đức Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Thưa Bạn, để chắc chắn cuộc sống đời sau của ta “ngang hàng với các thiên thần”, không gì tốt hơn là chúng ta hãy tự vấn tâm hồn mình, rằng: đời sống Ki-tô hữu của tôi, hôm nay, tôi “nghiêng bên nào?”

Petrus.tran

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Có một cuộc đổi đời…


Chúa Nhật XXXI - TN – C

Có một cuộc đổi đời…
***************

Tuần trước (23/10/2016)  gọi là Chúa Nhật truyền giáo. Nhớ, năm 2014, trong “Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo”,  Giáo Hoàng Phan-xi-cô có lời viết: “Ngày nay còn nhiều người không biết Đức Giê-su. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Ki-tô giáo là việc cấp bách, mà tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi, từ bản tính Giáo Hội là truyền giáo. Giáo Hội được sinh ra là để ra đi”.

Trong một thông điệp khác, ĐTC nói: “Cha muốn mọi người ra đi! Cha muốn Giáo Hội ra ngoài đường phố!... Bắt đầu từ vùng ngoại ô, với những người ở xa nhất, với những người không thường xuyên đi nhà thờ. Họ cũng được mời đến dự bàn tiệc Chúa” (nguồn: internet).

Phải, truyền giáo là ra đi và gặp gỡ, vì là lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.

Kinh Thánh ghi lại nhiều câu chuyện về sự ra đi và gặp gỡ của Đức Giê-su. Câu chuyện “Ông Da-kêu”, như một điển hình.

**
Chuyện kể rằng: Hôm ấy, Đức Giê-su đến Giê-ri-cô.  “Ở đó có một người tên là Da-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có”.

Vâng, chỉ một vài dòng mô tả, ta có thể tin rằng, ông này bị rất nhiều người “căm ghét”. Tại sao? Thưa, bất cứ thời buổi nào, chẳng ai ưa người thu thuế, họ thường thu nhiều hơn quy định mà họ phải thu, nhờ đó họ rất giàu, cho nên nhìn họ là thấy ghét.

Ấy thế mà, Đức Giê-su không “ghét” ông ta.

Thật vậy, hôm ấy, khi nghe đồn có ông Giê-su, ông Da-kêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai…”.

Và khi ông thấy, trời ạ! vây quanh Ngài là một rừng người. Tiếc thay! “ông ta lại lùn”, thật khó để chen chân đến bên  Ngài.

Vâng, người xưa thường nói: “cái khó ló cái khôn”, trong lúc khó khăn về “thước tấc”, chợt ông thấy trước mặt mình là cây sung. Ố hay đấy! Cái khôn trong người ông “ló ra”. Tại sao không leo lên đó nhỉ! Và, như một đứa trẻ con,  ông đã leo… “leo lên cây sung để xem Đức Giê-su, vì Ngài sắp đi ngang qua đó”.

Trời thương, Đức Giê-su có đi ngang qua. Và, “Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên…”. Trên cây, Dakêu nhìn xuống,  người ông muốn thấy, nay đã thấy.

Hóa ra “Đây là Người” ư! Chưa kịp bảy tỏ niềm vui, thì, ông nghe như có tiếng ai gọi tên-cúng-cơm của mình.

Đúng, không thể tin được! Chính là Đức Giêsu. Ngài nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi…”

Nằm mơ ư! Không! Đôi tai ông nghe rõ mồn một tiếng Đức Giêsu nói: “hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.
Thế là, mặc cho những kẻ hiếu kỳ xầm xì với nhau, rằng: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ”. Ông Da-kêu phớt lờ, “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”.


***
Nhà ông Dakêu là “nhà người tội lỗi” ư! Có sao đâu! Vì đó  chính là lý do để Đức Giêsu “phải ở lại nhà ông”.
Đức Giêsu đến Giê-ri-cô không phải là đến để thăm di tích lịch sử, một lịch sử hàng ngàn ngàn năm trước, người hùng Giô-suê cùng đạo quân mình, đã tiến chiếm Giê-ri-cô, một Giê-ri-cô như là bàn đạp để thiết lập một quốc gia Do Thái hùng mạnh, dưới triều đại vua David.
Không! Ngài đến là để “đến với những con chiên lạc nhà Israel”.
Mà, Da-kêu, như ta được biết, là một người, nói theo cách nói ngày nay,  chí ít cũng là “chi cục trưởng” một chi cục thuế, một chức vụ đáng nể, hái ra tiền, những đồng tiền (tất nhiên) có hơi hám bất chính, thế thì, ông có khác gì “con chiên lạc nhà Israel”! Vậy, có gì ngăn cản Đức Giê-su đến với ông?
Hôm ấy, sau khi Đức Giê-su quá bộ về nhà Da-kêu, thật tuyệt vời, một thay đổi lớn trong con người ông, tất cả quyền hành lẫn quyền lợi, ông coi như pha.  
Nhìn Đức Giê-su, ông nói: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”. Tiếp đến, ông khẳng định: “Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”.
Ôi! một người lùn-thể-xác, nhưng không lùn-đức-ái.
Ôi! một người thể-xác-lùn, nhưng không lùn-công-bằng.
Trước sự “lột xác” của ông ta, Đức Giê-su nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này…”. Và, cuối cùng, Ngài kết luận: “…người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham”.
Hôm ấy, kết thúc câu chuyện, Đức Giê-su nói: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.  
Vâng, vào nhà Da-kêu, Đức Giê-su đã hành sử đúng vai trò của một người “đến tìm và cứu”. Ngài không một lời lên tiếng chỉ trích Da-kêu. Ngài, nói theo cách nói của tác giả sách khôn ngoan, đã “nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải”(x.Kn 11, …22).
Và thật, Da-kêu đã ăn năn hối cải. Qua cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su, ông ta đã “có một cuộc đổi đời”.
****
Qua câu chuyện ông Da-kêu, thật phải đạo khi chúng ta cần xem lại cuộc sống Ki-tô hữu của mình.
Hãy xem lại, bao nhiêu năm (mười, hai mươi, ba mươi, năm mươi v.v…) là một Ki-tô hữu, tôi đã bao nhiêu lần “gặp gỡ Đức Giê-su?”
Vâng, chắc hẳn không ít người sẽ trả lời: nhiều lắm, nhiều lắm. Này nhé, mỗi ngày Chúa Nhật tôi đã gặp Ngài trong Thánh Lễ, qua phần tham dự Tiệc Thánh Thể. Này nhé, tôi còn gặp Ngài vào những lúc kinh nguyện nữa cơ.
Tốt. Thế nhưng, gặp Ngài nhiều như thế, thế mà cuộc sống của tôi có đổi thay? Nói cách khác, tôi đã “có một cuộc đổi đời”, như cuộc đổi đời của Da-kêu?
Vâng, phải có một cuộc đổi đời, bởi nếu không, chúng ta cũng chỉ như một số người Do Thái xưa.
Hồi ấy, có rất nhiều người gặp gỡ Đức Giê-su. Họ đã gặp và đã được “ăn no nê”, thế nhưng, họ chưa “đổi đời”. Trái lại, vào giờ thứ 25, giờ Ngài đứng trước dinh tổng trấn Phi-la-tô, họ lại gào thét tha Ba-ra-ba và đòi đóng dinh Ngài vào thập giá.
Lại có  người đến gặp gỡ Đức Giê-su, nhưng rồi “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” chỉ vì một đòi hỏi duy nhất của Ngài “Hãy đi bán những gì anh có cho người nghèo… rồi hãy đến theo tôi”.
Và đây, một câu chuyện ngắn như là  mẫu mực cho một cuộc đổi đời. Cách đây vài năm, ở Việt Nam có tiếp đón một nhân vật quen gọi là “chứng nhân đức tin”. Anh ta tên Nick Vujicic. Nick sinh ra trong hoàn cảnh không bình thường. Không có tay cũng không có chân. Thật ra, chỉ có một bàn chân nhỏ thò ra mà anh ta thường gọi đùa là “cái đùi gà”.      
Sự thiếu vắng tay chân đã biến anh thành mục tiêu của sự chế giễu. Anh bị trầm cảm. Năm 8 tuổi, anh có ý định tự tử. Năm 10 tuổi, Nick cố dìm mình trong bồn tắm, nhưng vì nghĩ đến cha mẹ, anh đã ngưng việc điên rồ đó.
Cho đến khi Nick “gặp gỡ Đức Giê-su”. Người ta kể rằng: Năm 15 tuổi, anh đã gặp gỡ Đức Giê-su qua câu chuyện “anh mù Ba-ti-mê”. Sau khi đọc câu chuyện này, Nick nói: “Tôi không phải là một người bị trừng phạt. Tôi là sự sáng tạo đặc biệt để Chúa biểu lộ công việc của Ngài qua tôi.
Trong đoạn video bài “Something more – Điều lớn hơn”, Nick nói: “Chúa đã có kế hoạch cho cuộc đời tôi và đó là lý do vì sao tôi đã không thể dìm mình xuống bồn tắm”(nguồn: internet)  
Vâng, Nick, một mẫu mực của sự đổi đời ngày nay. Đời anh ta, trở thành đời sống “chứng nhân đức tin” của Thiên Chúa.
Thế nên, một lần nữa, hãy tự hỏi, sau bao lần gặp gỡ Đức Giê-su, tôi đã thật sự có một cuộc đổi đời?
Da-kêu, sau khi gặp gỡ Đức Giê-su, ông ta đã “đổi đời”. Nói rõ hơn, ông ta đã đổi đời qua việc chuyển cuộc gặp gỡ của mình với Đức Giê-su, thành cuộc gặp gỡ của mình với tha nhân, từ lối sống “cho mình”  đổi thành lối sống “cho người” – “đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”.
Cũng vậy, với chúng ta! Chúng ta cũng sẽ đổi đời bằng cách chuyển cuộc gặp gỡ của ta với Đức Giê-su, thành cuộc gặp gỡ của ta với tha nhân, từ lối sống “cho mình” đổi thành lối sống “cho người”?
Tại sao không gặp gỡ với tha nhân? Tại sao ta không gặp nhau “Trao cho nhau yêu thương tình loài người?” Tại sao ta không gặp nhau “Trao cho nhau tin yêu đừng gian dối?” Tại sao ta không gặp nhau, để đem “Tình yêu thương trao nhau xây đắp trên tình người!”
Thế giới ngày nay, xã hội ngày nay đang thiếu vắng tình yêu thương, sự tin yêu, tại sao ta không “cố gắng yêu thương người, dù người không yêu ta, hãy cứ yêu thương hoài?”
Là một Ki-tô hữu, phải có những cuộc gặp gỡ và trao cho nhau những điều nêu trên, có như thế, nó mới làm sáng danh những cuộc gặp gỡ của ta với Đức Giê-su. Và, hơn hết, nó chứng tỏ rằng, ta “có một cuộc  đổi đời”.
Petrus.tran


Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...