Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Chỉ là “năm nay nữa”, mà thôi…

Chúa Nhật III - MC – C

Chỉ là “năm nay nữa”, mà thôi…



Chúng ta vừa mới trải qua một cái Tết an lành. Bên cạnh niềm vui xuân của nhiều gia đình, vẫn còn có niềm u buồn của nhiều gia đình khác. Họ buồn cái gì? Thưa, nhiều lắm. Có người buồn vì “Ông Trời ơi! Sao ông lại để gia cảnh tôi nghèo khó, không có tiền sắm tết!” Có người buồn vì “ông Trời ơi! Sao mới mùng một tết mà chồng tôi lại đột ngột về bên kia thế giới!” Người khác buồn vì “Ông Trời có mắt không? Sao vợ chồng người em của tôi hiền lành như thế, lại bị một tên say sỉn đụng chết ngay đêm ba mươi!” v.v…

Có thể nói, dưới con mắt người đời, những gì là bất hạnh, là khổ đau, con người luôn lớn tiếng nói “tại Trời xui khiến”. Thì đây, có biết bao bạn trẻ đã nói: “Không phải tại anh, cũng không phải tại em. Tại Trời xui khiến nên chúng mình yêu nhau”!!!

Đối với người Do Thái xưa, cũng với những sự kiện nêu trên, họ có cái nhìn còn cực đoan hơn. Với những người gặp tai ương như bệnh tật, tai nạn, tàn tật, họ cho rằng, những người đó bị như thế là do chính tội lỗi của họ gây ra.

Ơ hay! những bất hạnh, những đau khổ là tại ông Trời, là tại tội lỗi ư? Thưa, với Đức Giê-su thì không phải vậy, trong những ngày còn tại thế, trước quan niệm đầy cực đoan của người Do Thái, Ngài đã dạy cho họ (và cũng là cho chúng ta hôm nay), một bài học đích đáng, rằng: “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương. Người không xử với ta như ta đáng tội. Và không trả cho ta theo lỗi của ta”.

Bài học đó được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (13, 1-9)
**
Tin Mừng thánh Luca ghi rằng, hôm đó, trong lúc Đức Giê-su đang nói chuyện với đám đông về những kẻ không biết tự xét mình xem cái gì là phải, thì bỗng nhiên “có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng” (Lc 13, 1). 

Những người Galilê kia phạm tội gì, khiến Philato giết, không thấy thánh sử Luca nói đến. Thế nhưng, có phần chắc, mấy “ông tám” nghĩ rằng bọn họ “tội lỗi” lắm nên mới bị thảm sát như thế.

Tại sao ta có thể nghĩ như vậy? Thưa, bởi, đó là quan niệm của người Do Thái xưa. Nhớ, hôm Đức Giê-su chữa một người mù từ thuở mới sinh, chính các môn đệ đã chất vấn Thầy mình, rằng; “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta” (x.Ga 9, 2)

Ai đã phạm tội ư! Có lẽ, mấy người đó không biết đến những lời vàng ngọc của Thiên Chúa, qua môi miệng David, nói rằng: “lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (x.Tv 51, 7)

Ai cũng mang tội “khi mẹ mới hoài thai” vậy, cớ gì lại hỏi: Anh ta hay cha mẹ anh ta! Vâng, hôm đó, để trả lời cho đám đông dân chúng, cũng như mấy ông Do Thái cực đoan, Đức Giêsu dõng dạc tuyên bố “Không phải thế đâu…”.

Nói xong, Ngài đưa ra thêm một trường hợp đầy thương tâm khác, đó là chuyện “mười tám người bị tháp Si-lô-ác đè chết” và hỏi với họ rằng: Ai! ai là “người mắc tội nặng hơn”? Mười tám người đó hay “tất cả mọi người trong thành Giêrusalem”?

Hôm đó, trước sự thinh lặng của mọi người, một lần nữa, Đức Giêsu thẳng thắn phán quyết “Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu” Và Ngài nhấn mạnh rằng: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”. 

***
Tai ương, bất hạnh, khổ đau xảy đến với con người, như lời Đức Giê-su nói: “…là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện”, chứ không phải là vì người đó “tội lỗi”. Nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, đó là một sự huyền nhiệm. 

Thật vậy, chúng ta hãy nghe lại câu chuyện ông Gióp, một câu chuyện cho ta thấy, đau khổ, là một sự huyền nhiệm. Vâng, theo như Kinh Thánh ghi lại: “Ông (Gióp) là một con người vẹn toàn và ngay thẳng”. Ông còn “kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác” (x.G 1, 1).

Một người như thế, ai dám bảo ông là một kẻ tội lỗi! Ai dám bảo ông là ác nhân!

Ấy thế mà, tai ương, bất hạnh, khổ đau lại ập xuống gia đình ông ta. Chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bò lừa, lạc đà bị cướp hết, chiên dê bị lửa thiêu rụi hết.

Chưa hết, bảy người con trai và ba người con gái, khi “đang ăn tiệc trong nhà người anh cả của họ, thì một trận cuồng phong từ bên kia sa mạc thổi thốc vào bốn góc nhà, nhà sập xuống đè trên đám trẻ, họ chết hết”. Thảm thương là vậy, thế nhưng, ông ta vẫn không hề “buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa”.

Còn nữa, ngay chính bản thân ông, dù bị “ung nhọt ác tính từ bàn chân cho tới đỉnh đầu”, ông vẫn không một lời than van. Trước lời nhạo báng, chế diễu, xúi giục của bà vợ, rằng “Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi”. Ông lớn tiếng đáp rằng: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao!” (x.G 2, 10)

Tuy nói “nói cứng” như vậy, thế nhưng, môi miệng ông Gióp cũng không thể không thốt ra những lời thở than. Vâng, trước những đau khổ “quá lớn” như thế, ông than rằng: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi chào đời, cũng như đêm đã báo: Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi… Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ”.

Tuy nhiên, cái hay của ông Gióp, đó là, than thở nhưng không tuyệt vọng. Ông tìm đến Chúa với lời nỉ non: “Tôi sẽ thưa với Chúa: Xin đừng kết án con, xin cho con biết tại sao…?” Và rồi, Thiên Chúa, qua môi miệng ông Ê-li-hu, nói với ông rằng: “Kiên nhẫn thêm chút nữa… Thiên Chúa dùng cái nghèo để giải thoát người nghèo, dùng khổ đau mà mở mắt họ” (x.G 36, 1… 15).

Thưa bạn, nếu là bạn, bạn có “kiên nhẫn thêm chút nữa”, sống trong sự đau khổ của nghèo đói và bệnh tật, như Gióp không?

Vâng, Gióp đã kiên nhẫn, và rồi, trước mặt Thiên Chúa, ông thú tội mình: “Con biết rằng, việc gì Ngài cũng làm được, không có gì Ngài đã định trước mà không thành tựu”. Rồi ông thú nhận rằng: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến”. Cuối cùng, ông làm điều, điều mà mọi Ki-tô hữu đều làm vào ngày thứ tư Lễ Tro, đó là: “trên tro bụi, con sấp mình thống hối ăn năn” (G 42, 6).

****
Qua câu chuyện, quả thật, ông Gióp đã kiên nhẫn thêm chút nữa. Thế nhưng, với Thiên Chúa, Người không chỉ kiên nhẫn mà còn có lòng thương xót. Thật vậy, qua câu chuyện của một dụ ngôn, hôm đó, Đức Giê-su đã cho mọi người biết Thiên Chúa nhẫn nại và giàu lòng thương xót, như thế nào.

Dụ ngôn được kể như sau “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy…”. (x.Lc 13, 6)

Vâng, chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để nhận ra sự kiên nhẫn của “ông chủ vườn nho”, tức là Thiên Chúa.

Này nhé, theo luật Lêvi, người Do Thái được dạy, khi “trồng bất cứ một cây ăn trái nào, thì các ngươi sẽ kể trái nó là chưa cắt bì; trong ba năm các ngươi phải coi trái nó là chưa cắt bì, không được ăn. Năm thứ tư, mọi trái nó sẽ được thánh hiến trong một buổi lễ mừng ĐỨC CHÚA. Năm thứ năm, các người được ăn trái nó” (x.Lv 19, 23)

Như vậy, theo lời ông chủ nói “đã ba năm nay tôi ra cây vả này”, thì giá chót, cây vả này cũng đã được trồng sáu năm, sáu năm kiên nhẫn đợi chờ.

Theo bạn, bạn có kiên nhẫn đợi chờ sáu năm? Với ông chủ vườn nho, sáu năm là một giới hạn vừa đủ, thế nên, ông đã ra lệnh “chặt nó đi, để làm gì cho hại đất”. (x.Lc 13, 7) 

Tuy nhiên, nếu câu chuyện đến đây được chấm hết, thì sự kiên nhẫn của “ông chủ vườn nho”, tức là Thiên Chúa, có gì để đáng nhớ đến!

Hôm đó, người làm vườn nho, ông ta đã hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng, nên đã không ngần ngại xin ông chủ “Cứ để nó lại năm nay nữa… May ra sang năm nó có trái…” (x.Lc 13, 8).

Câu chuyện kết thúc, không thấy tác giả nói đến phản ứng của ông chủ vườn nho. Vâng, điều này gợi cho ta nhớ đến lời Thánh Phao-lô, sau này, có nói: “Trong thời Thiên Chúa nhẫn nại, Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm” (Rm 3, …25).

*****
“Nếu không sám hối… Nếu không sinh trái”, phải chăng, đó cũng là lời cảnh cáo Đức Giê-su gửi đến mỗi chúng ta hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Dưới gầm trời này, có ai là người không có tội!

Thánh Kinh chép “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (x.Rm 3, 23)

Chúng ta phạm tội không chỉ vì chúng ta làm những điều không nên làm, mà còn là vì không làm những điều chúng ta nên làm. Tông đồ Gia-cô-bê có nói: “Cho nên, kẻ nào biết làm điều lành mà không chịu làm, thì mắc tội” (x.Gc 4, 17).

Thế nên, hãy để một phút thinh lặng, trong tâm tình sám hối, và hãy tự hỏi lòng mình rằng, sau bao nhiêu năm, từ một “cây vả trần gian”, qua Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên “cây-vả-Kitô-hữu”, mỗi Chúa Nhật chúng ta có đến vườn-nho-nhà-thờ để các linh-mục-làm-vườn “vun xới và bón phân” bằng Thánh Thể và Thánh Kinh? 

Và sau bao nhiêu năm được vun xới và bón phân bằng Thánh Thể và Thánh Kinh, tôi có sinh ra hoa quả “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”?

Hay chúng ta lại đến “địa đàng trần gian” để được nuôi dưỡng bằng những thứ lương thực hay hư mất, những thứ lương thực chỉ sinh ra hoa trái “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng đừng quên, thời giờ “ông chủ vườn nho” gia hạn để “vun xới và bón phân” chỉ là “năm nay nữa”, mà thôi.
Petrus.tran

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2016

Tôi có: Vâng nghe lời Người?

Chúa Nhật II – MC – C

Tôi có: Vâng nghe lời Người?

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng, rằng: “Tôi tin kính một Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời”.

Tuyên xưng là vậy, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, dựa vào đâu để tuyên xưng “Chúa Giê-su Ki-tô, Con Một Thiên Chúa”? Vâng, đây không phải là một lời tuyên xưng vu vơ, nhưng là lời tuyên xưng tông truyền. Và hơn thế nữa, lời tuyên xưng này còn  dựa vào chính lời tuyên phán của Thiên Chúa,  được tuyên phán trong những ngày Đức Giê-su còn tại thế,  và đã được  ghi lại trong cả ba sách Tin Mừng Matthew, Macco và Luca.
**
Với Tin Mừng Luca,  sự kiện này đã được thánh sử ghi lại như sau:  Một lần nọ “Đức Giê-su lên núi cầu nguyện”.

Nói tới việc “lên núi cầu nguyện”, vâng, đây là một thông lệ Đức Giê-su thường làm. Chỉ khác rằng, nếu những lần trước, Ngài lên núi cầu nguyện một mình, thì hôm nay, ba người môn đệ là “ông Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê” được tháp tùng cùng Đức Giê-su.

Chuyện gì đã xảy ra?  Thưa, hôm ấy, đang lúc Đức Giê-su cầu nguyện, “dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. 

Tiếp đến, điều mà từ trước tới nay, chưa bao giờ xảy ra,  hôm ấy đã xảy ra; “Có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a”.

Cuộc đàm đạo nói về một sự thực, một “sự thực” mà Đức Giêsu, sau này, sẽ phải thực hiện, đó là “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”... một cuộc xuất hành đầy bạo lực, với sự vu khống, sự sỉ nhục, sự đánh đập và cuối cùng là cái chết của Ngài, bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Golgotha...    

Tiếc thay! Dù biết là cùng Thầy “lên núi cầu nguyện”, thế nhưng các ông lại  chẳng cùng Thầy cầu nguyện, trái lại, thánh sử Luca cho biết: “ông Phê-rô và đồng bạn cùng ngủ mê mệt”.

Đừng! Đừng vội cười ba vị này nhé! Bởi biết đâu, không ít lần, chúng ta “ngái ngủ” trong lúc đang tham dự thánh lễ! Bởi biết đâu, đã có lần, chúng ta “ngủ mê mệt” trong khi vị chủ tế đang giảng dạy trên tòa giảng!

Trở lại câu chuyện, vâng, hôm đó, cũng còn may mắn cho ba vị môn đệ. Gọi “may mắn”, là bởi, ba ông đã “tỉnh hẳn” đúng lúc. Nhờ đó, ba ông đã thấy “Vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật đứng bên Người” (x.Lc 9, ...32) 

Thánh Luca, người ghi lại biến cố này, tuy không kể, nhưng chúng ta có thể tin rằng, ba vị môn đệ, chắc hẳn rất kinh ngạc vô cùng.

Vâng, làm sao không kinh ngạc cho được chứ! Hai nhân vật đứng bên Đức Giê-su là Mô-sê và Ê-lia ư! Hai vị này là những người, vào thời các ông, chỉ được biết đến, qua Kinh Thánh… Sao… sao hôm nay, trước mắt mình, họ lại đang “nói lời từ biệt”, ông Thầy của mình?

Từ kinh ngạc, ba vị môn đệ chuyển qua sự bối rối. Và, bối rối nhất chính là người “anh cả” Phê-rô. Vâng, hôm đó, trước hiện tượng “khó tin nhưng có thật”, anh cả Phê-rô hiên ngang lên tiếng với Đức Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay. Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông Ê-li-a”… nói xong, người “anh cả” cảm thấy bối rối, vì, “không biết mình đang nói gì”…

Tuy nhiên, như lời thánh Phao-lô, sau này, có nói, “Người đã mặc khải để tôi biết được sự mầu nhiệm”, hôm ấy, Thiên Chúa đã mặc khải cho ba môn đệ, (và hôm nay, là cho chúng ta), thấy một sự mầu nhiệm, mầu nhiệm Đức Giê-su, người đang ở với các ông, chính là “Con Thiên Chúa”.

Hôm đó: “Từ đám mây có tiếng phán rằng: Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (x.Lc 9, 35)

***
Khép lại câu chuyện, thánh Luca đã vẽ lên vầng trán ba vị môn đệ những nét hằn ưu tư. Vâng, thánh nhân viết rằng: “Các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông  không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9, …36).

Đúng là ba vị môn đệ đã nín thinh. Thế nhưng, sau khi thực sự không còn là những “tay lưới cá”, mà đã trở thành những “tay lưới người”, các ông không còn nín thinh nữa.

Người anh cả Phê-rô đã lớn tiếng khẳng định rằng “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người : Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến ” (2 Pr 1,16-17).

Thánh Phê-rô khẳng định rằng “Tiếng đó chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.

Tin Đức Giêsu là “Con Một Thiên Chúa” cùng với việc “Vâng nghe lời Người”, đó không phải là một lời mời gọi, nhưng là một mệnh lệnh, một lệnh truyền từ Thiên Chúa.

Chính vì  thế, sau này, tông đồ Phêrô mạnh dạn lớn tiếng trước các vị thượng tế rằng “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5, 29).

Còn với người tông đồ Gio-an ư! Vâng, ngài cũng đã làm chứng rằng : “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

****
Chúng ta có tin tông đồ Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê thật sự đã “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người”? Thưa, có chứ.

Này nhé, với thánh Phê-rô,  chính ông chứ không ai khác, khi đã được “biến đổi” thành tay lưới người, ông đã vâng nghe lời Người cho đến chết, một cái chết để vẽ lại “dung mạo” một Giê-su, một Giê-su đã “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, tại Golgotha. 

Với thánh Gia-cô-bê thì, ngài cũng đã hiệp thông bằng việc đổ máu ra để minh chứng cho Chúa Giêsu phục sinh dưới thời vua Hêrôđê Agrippa I. (x.Cv 12, 2)

Còn thánh Gio-an ư! Về ngài, không cần nói nhiều, với biệt danh “Đại Bàng” ba lần tung cánh trên đảo Pát-mô, với sứ mạng Chúa trao phó: “viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra, và những gì sẽ xảy ra sau này…” , thưa, nếu không “hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người”, hỏi làm sao chúng ta có thể thưởng thức được tuyệt tác mang tên Khải Huyền!

Nói tắt một lời, các môn đệ, điển hình là ba vị Phê-rô, Gioan và Gia-cô-bê, đã thi hành đúng mệnh lệnh Thiên Chúa phán “Hãy vâng nghe lời Người”.

*****
“Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.

Vâng, như xưa kia, từ núi thánh, Thiên Chúa truyền mệnh lệnh này cho các môn đệ, thì hôm nay, từ thánh đường, qua phần Phụng vụ lời Chúa, Người cũng truyền mệnh lệnh này, cho ta. 

Thế nên, hãy tự hỏi, qua  biết bao nhiêu năm là Ki-tô hữu, tôi đã thực sự nghe được “tiếng phán” này? Và tôi đã “tuân lệnh”?

Hay tôi chỉ nghe những lời mời gọi hỗn tạp của Sa-tan và con cái của nó, những lời mời gọi sặc mùi của một “nền văn hóa sự chết”, một nền văn hóa không coi trọng đến sự sống, không chú trọng vào sự cứu rỗi, từ chối sự hiện hữu của Thiên Chúa, đại loại như lời kêu gọi này, rằng: “Thằng trời đi chỗ khác chơi. Để cho nông hội đứng lên làm mùa”?

Hay tôi chỉ nghe lời dụ dỗ ngọt ngào của những “con rắn thời @”, những lời dụ dỗ sắc mùi của một nền “văn hóa  hưởng thụ”, đại loại như lời dụ dỗ này, rằng: “Say sưa nghĩ cũng hư đời. Hư thời hư vậy, say thời cứ say”?

Trong một xã hội như thế, quả thực, đó là một thách đố lớn cho chúng ta. Phải làm sao trước nan đề này? Thưa, hãy cầu nguyện,  như lời Đức Giê-su khuyên dạy, “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được mà thôi”, và tất nhiên là, chúng ta hãy cùng Đức Giê-su “lên núi cầu nguyện”.

Đừng quan trọng hóa vấn đề, rằng thì-là-mà chúng ta sẽ lên ngọn núi nào: Tabor,  Núi Sọ, Núi Cúi hay Tàpao v.v…  nhưng hãy tự hỏi, cùng lên núi cầu nguyện với Đức Giê-su, tôi sẽ “dựng lều” ở lại với Ngài, hay không?

Vâng, chỉ cần một mái lều ở lại với Ngài, và đừng quên, trong cuộc hành trình cùng  Đức Giê-su “lên núi cầu nguyện”,  hành trang chúng ta cần có, đó là:  lương thực Thánh Thể cùng với ngọn đèn Thánh Kinh,  hai thứ đó tạo thành một đôi “song kiếm”,  đôi song-kiếm-trấn-ải, trấn giữ cuộc đời ta, tâm hồn ta, trong cõi ta bà nhìn đâu cũng thấy đầy dẫy những “thằng quỷ”, những thằng quỷ man rợ luôn rình rập lôi kéo chúng ta đi vào con đường chết, như hôm nay.

Thật vậy, Thánh Thể, như lời Đức Giê-su nói: “Ai ăn sẽ được sống đời đời”. Còn Thánh Kinh ư! Thưa, chính là “ngọn đèn soi ta bước… (và) là ánh sáng chỉ đường ta đi”.

Chính Thánh Kinh đã  “soi sáng” cho ta biết “Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Chính Thánh Kinh đã  “chỉ dẫn” cho ta biết, tất cả chúng ta là “tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su” (x.Ep 2, 10).

Biết được những điều nêu trên, tin vào những gì Thánh kinh nói, điều còn lại, đó là chúng ta  hãy cất tiếng nguyện xin với Thiên Chúa, rằng: “Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con trong đêm tối. Xin cho con biết lắng nghe, lời Ngài dạy con lúc lẻ loi”.

Vâng, cuối cùng, hãy thêm một lời nguyện nữa, nguyện rằng: Lạy Chúa, xin cho con biết “Vâng nghe lời Ngài”.

Petrus.tran








Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Lời Chúa: đốt cháy sự cám dỗ…

Chúa Nhật I - MC - C
 
Trong kinh Lạy Cha, chúng ta có một lời nguyện, rằng: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…”. Vâng, sự cám dỗ, có thể nói: nó là sự xấu đầu tiên xuất hiện trên thế gian này.
 
Theo sách Sáng Thế Ký, thì: nguyên tổ Adam và Eva là những người đầu tiên đã bị “sự cám dỗ” quật ngã, để rồi dẫn tới cái kết bi thảm, đó là: bị trục xuất khỏi vườn Eden cùng với án phạt là sự chết.
 
Với hệ lụy của tội nguyên tổ, sự cám dỗ là một nan đề mà ai trong chúng ta cũng đều khiếp sợ. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ vây quanh ta. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn bám chặt vào đời sống ta như một con đỉa đói.
 
Ông Gióp, một nhân vật nổi tiếng trong Cựu Ước, đã có lời nhận định, rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.
 
Trong nhiều nỗ lực, con người tìm đủ mọi cách để vượt qua sự cám dỗ. Thế nhưng, trước sự yếu đuối, theo như lời thánh Phao-lô nói, con người, vẫn cứ làm-điều-không-muốn-làm, còn điều-muốn-làm-lại-không-làm… để rồi suốt một kiếp người, con người cứ phải thở than: “Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này?”
 
Cũng thánh Phaolô, với sự từng trải, Ngài đã nói “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25).
 
Thật vậy, Đức Giêsu, khi còn tại thế, Ngài cũng đã đôi lần chạm trán với những cơn cám dỗ. Và chính những lần đối đầu với những cơn cám dỗ đó, Ngài đã để lại cho chúng ta một bài học sâu sắc, một bài học làm thế nào để vượt lên chính mình, trước những sự cám dỗ.
 
** Nói đến việc Đức Giê-su chịu cám dỗ, thánh sử Luca có ghi lại một câu chuyện như sau: Sau khi chịu phép rửa tại sông Giodan, Đức Giê-su “được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (x.Lc 4, 2)
 
Vào hoang địa, Đức Giê-su đã sống một cuộc sống chay tịnh, và chính cuộc sống chay tịnh này đã làm nổi bật bản tính “con người” nơi Ngài.
 
Không thể ngờ rằng, trong “suốt bốn mươi ngày”, “Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói”.
 
Với bản tính con người, có thể nói rằng, sống trong cảnh đói khát, đó chính là lúc yếu đuối nhất, dễ bị cám dỗ nhất. Thế nên, Satan, với bản chất dối trá và xảo quyệt, lợi dụng lúc Đức Giê-su “thấy đói”, nó đưa Ngài vào một mê hồn trận, một mê hồn trận đầy tinh xảo với những cám dỗ rất đời thường, những cám dỗ mà với những ai “yếu bóng vía” sẽ dễ dàng quy phục.
 
Đây, hãy nhìn xem, chiêu thứ nhất Satan tung ra… Hắn dụ Đức Giê-su khoe khoang “quyền phép” bằng một lời dụ dỗ đầy thâm ý, “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”
 
Về lời cám dỗ này, Lm. Charles E. Miller, trong một bài giảng, đã chia sẻ, rằng: “Trong sa mạc, có thể nói Chúa Giê-su vứt bỏ hành lý của Người: đó là những chước cám dỗ mà Người luôn phải chống chọi khi mang lấy thân phận con người. Trước hết, Người vất bỏ thói ‘ích kỷ’. Quỷ xúi giục Đức Giê-su dùng ‘quyền năng’ Thiên Chúa phục vụ cho tiện ích cá nhân, bằng cách hóa đá ra thành bánh để ăn. Song Đức Giê-su kiên nhẫn đợi đến ngày Người sẽ biến tấm bánh nên Mình Thánh và chén rượu nên Máu Thánh Người, để tưởng niệm cách sống động hy tế của Người trên thập giá vì lợi ích của chúng ta”.
 
Đúng vậy, không phải Đức Giêsu non-tay-ấn không thể dùng “quyền phép”: “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh”. Nhưng điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.
 
Đói ăn, đói mặc ư! Đừng sợ. Có sợ thì hãy sợ đói-Lời-Thiên-Chúa. Vâng, hôm đó, Đức Giêsu bác bỏ lời dụ dỗ của Sa-tan bằng một lời Kinh Thánh, rằng “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. Ngài đến là để tái khẳng định với mọi người rằng, sự sống của con người “còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra”.
 
Với chiêu thứ hai ư! Hôm đó, Sa-tan đã “đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi và tôi muốn cho ai tùy ý”.
 
Ôi! đúng như người xưa có nói “của người phúc ta”… “lấy xôi làng đãi ăn mày”. Và hôm nay, điều đó đã được Satan đem ra áp dụng. Thật vậy, Sa-tan không biết, mà có biết chắc hẳn nó cũng giả quên. Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha trao ban toàn quyền trên trời dưới đất, để “ai tin vào Ngài thì được sống”, vậy thì, Satan có gì để mà yêu cầu Đức Giêsu “Bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông”!
 
Chiêu thứ ba, Satan đưa “quyền lợi” ra làm mồi câu nhử Đức Giêsu. Và đúng là, nó muốn làm “lóa” mắt Đức Giê-su, từ hoang địa, chỉ một chớp mắt, Satan đã “đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đến Thờ”.
 
Và, như ông bầu của một gánh xiếc, Satan muốn Đức Giêsu biểu diễn màn “nhào lộn trên không” qua lời đề nghị rằng “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi”.
 
Có thể nói, chiêu thứ ba là chiêu cám dỗ nặng ký nhất, nặng ký là bởi đây là lần thứ hai Satan đánh trúng huyệt của Đức Giêsu, “Nếu ông là Con Thiên Chúa”…
 
Là Con Thiên Chúa thì sao đây? Phải chăng, là Con thì Thiên Chúa phải đáp ứng đúng nhu cầu con đòi hỏi ư! Hỗn… như thế là hỗn! Phải chăng, là Con thì Thiên Chúa phải cho “thiên sứ đến” để “tay đỡ tay nâng” khi Đức Giêsu biểu diễn màn phi thân từ nóc Đền Thờ xuống đất? Lại càng bậy nữa…
 
Vâng, ba chiêu thức cám dỗ đầy mánh khóe không đem lại hiệu quả trước một Giê-su “tràn đầy Thánh Thần”, trước một Giê-su thấm nhuần Lời Thiên Chúa.
 
Vết chàm từ chối Thiên Chúa làm chủ đời mình của nguyên tổ Adam và Eva không dễ gì tái hiện nơi Đức Giêsu, người vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”.
 
Con là Con của Cha có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người. Con là Con của Cha thì chỉ “phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.
 
Satan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn thuộc loại “mãi võ sơn đông”.
 
Đức Giêsu không sập bẫy trước những lời khiêu khích của Satan. Ngài vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”. Cũng không phải để biểu diễn một vài màn xiếc nhào lộn trên không trung. Vào hoang địa, Đức Giêsu đã mở một trường “dạy Kinh Thánh”.
 
Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã cho mọi người thấy đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là sự thật và là sự sống”; và một khi con người bước đi trên con Đường của Sự Thật và Chân Lý, có lẽ nào Thiên Chúa lại không truyền cho “Thiên Sứ gìn giữ Bạn” có lẽ nào Thiên Sứ lại không “tay đỡ tay nâng”!
 
Vâng, qua câu chuyện này, chúng ta đã nhận được từ Đức Giê-su một bài giáo huấn sâu sắc rằng, Lời Chúa chính sức mạnh, để con người có được “niềm tin chiến thắng” trước những cơn cám dỗ.
 
*** Cuối câu chuyện này, thánh Luca có ghi một chi tiết mà có lẽ không ít người trong chúng ta ít chú ý tới. Chi tiết đó như thế này: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ” (x.Lc 4, 13).
 
Vâng, tuy tác giả các sách Tin Mừng không ghi lại thời cơ nào quỷ đã quay lại. Thế nhưng, chúng ta có thể tin rằng, tại vườn Cây Dầu, cũng như tại đồi Golgotha, nó đã lởn vởn ở đó, chờ đợi thời cơ để cám dỗ Đức Giê-su từ bỏ sứ mạng, sứ mạng “Con Người cũng sẽ phải được gương cao… để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
 
Tuy nhiên, nó đã thất bại, vì sao? Thưa, bởi vì Đức Giê-su, trước sau như một, Ngài vẫn một lòng “Xin phó thác hồn con trong tay Cha”.
 
Hơn hai ngàn năm đã trôi qua, có vẻ như, hôm nay đang là “thời cơ” của Satan. Đúng vậy, vẫn là những chiêu thức mà nó đã sử dụng để cám dỗ Chúa Giê-su, năm xưa, đó là: “lừa dối và phỉnh gạt”.
 
Vâng, vẫn là những màn tung hứng, tung hứng bằng những chủ thuyết này, chủ thuyết nọ, những chủ thuyết bịp bợm, thoạt nghe, cứ tưởng đó là khuôn vàng thước ngọc, rằng thì-là-mà “chẳng chết chóc chi”, nhưng rồi sẽ bé cái lầm như nguyên tổ Adam và Eva xưa, mà thốt lên trước mặt Thiên Chúa, khi đã nhìn thấy sự thật phũ phàng, rằng: “Con rắn đã lừa dối con..”
 
Hãy cảnh giác. Satan thời @ hôm nay hơn hẳn Satan thời xưa, nó biết cách cập nhật hóa sự cám dỗ. Nó sẽ chẳng bao giờ nói “Hãy thờ lạy ta” nhưng sẽ nói: “có Thiên Chúa đấy, nhưng ông ấy đã chết rồi”.
 
Nó sẽ chẳng bao giờ nói với ta, rằng “đừng tin Đức Giê-su đã xuống thế làm người”, nhưng sẽ rủ rỉ rù rì với ta rằng, hãy tổ chức ngày lễ Giáng Sinh thật “hoành tráng”, bất chấp tốn kém, bất chấp những buổi lễ đó bị trần tục hóa như những lễ hội dân gian.
 
Nó sẽ chẳng nói với ta “không có ngày tận thế”, nhưng sẽ thủ thỉ với ta, qua những chứng minh của khoa học, rằng ngày đó nếu có xảy ra, thì cũng phải mất hàng tỷ năm nữa. Và, rằng hãy cứ “…Chơi cho lịch mới là chơi. Chơi cho đài các cho người biết tay” v.v…
 
Trở lại với những chủ thuyết của thời đại hôm nay. Vâng, thoạt nghe những lời cổ vũ của nó, đại loại như: “Hãy thay trời làm mưa… Tôn giáo chỉ là thuốc phiện… Hãy tự do luyến ái… Hãy đòi quyền được phá thai… Hãy đòi quyền được ly dị… Hãy đòi quyền được hôn nhân đồng tính v.v…”, cứ tưởng đó là những đòi hỏi mang tính công bằng bác ái.
 
Thế nhưng, thực tế lại rất phũ phàng! Càng thay trời làm mưa lại càng mất mùa đói kém. Càng tự do phá thai lại càng nảy sinh những tên sát thủ giết người có bằng cấp. Càng tự do ly dị lại càng thấy những tội phạm “tuổi teen”.
 
Cho nên, phải coi chừng! Coi chừng! sau khi “bái lạy” những chủ thuyết quái thai đó, sau khi “tôn thờ” những học thuyết phỉnh gạt nêu trên, mắt-mình-lại-nhìn-thấy-mình… thấy mình “AIDS” giai đoạn cuối, thấy mình “vô sinh”… thấy mình bất an, thấy mình luôn lẩm bà lẩm bẩm: “Ơi người ơi! Ơi người ơi! Sao mình trong mộng vẫn ngu si?”
 
**** Là một Ki-tô hữu, chúng ta không thể để cho mình luôn sống trong trạng thái “ngu si” như thế. Nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, sống như thế là sống “khờ dại”. 
 
Và ngược lại, để được gọi là sống “khôn ngoan”, Kinh Thánh mô tả, đó là những người, bên cạnh luôn có một “ngọn đèn cháy sáng”. Câu chuyện “dụ ngôn mười trinh nữ” như một ví dụ điển hình. Cũng đừng quên, ngọn đèn cháy sáng đó Kinh Thánh ví, đó chính là “Lời Chúa”. (x.Tv 119, 105)
 
Trở lại câu chuyện “Đức Giê-su chịu cám dỗ”. Vâng, hôm đó, bên cạnh Đức Giê-su có ngọn đèn cháy sáng. Nói rõ hơn, Ngài đã dùng ba câu “Lời Chúa” như ba cú đấm thôi sơn để hạ “nốc ao” tên cám dỗ.
 
Bạn có nhớ ba câu Chúa Giê-su đã trích dẫn không? Nếu chưa, hãy đọc lại một lần nữa: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” – “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” – “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
 
Nếu bạn đã nhớ, vâng, thánh Phaolô có lời khuyên rằng, hãy để “Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (Rm, 10, 8).
 
Bởi vì, chỉ khi Lời Thiên Chúa ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, chúng ta mới có được một “ngọn đèn cháy sáng”, một ngọn đèn không chỉ để “soi ta bước, chỉ đường ta đi”, mà còn có thể “đốt cháy”, đốt cháy dục vọng, đốt cháy tham vọng, đốt cháy những khát vọng xấu xa, nói tắt một lời, đốt cháy những “cơn cám dỗ”, những cơn cám dỗ của thời đại, hôm nay.
 
Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...