Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016

Chính anh em…



Chúa Nhật IX – TN - C

Lễ Mình Máu Chúa Ki-tô.   

Chính anh em…

Đức Giê-su từng nói: “Tôi đến là để chiên được sống và sống dồi dào”. Thật vậy, trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, đã có lần, khi nhìn thấy đoàn dân đông đúc kéo đến, Ngài không khỏi “chạnh lòng thương xót” và đã thốt lên với các môn đệ rằng: “họ như bầy chiên không người chăn dắt”.

Đức Giê-su không chỉ nói, Ngài đã hành động, hành động như một vị chủ chăn nhân lành. Câu chuyện xảy ra tại Bét-xai-đa, nơi Đức Giê-su cùng nhóm mười hai dự định nghỉ ngơi sau những ngày ra đi vào “các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh”, như một điển hình.
**
Câu chuyện được kể rằng: Hôm đó, khi biết Đức Giê-su và các môn đệ đến Bét-xai-đa, không rõ vì cớ gì mà nhiều người biết, thế là người này rỉ tai người kia, và kết quả là có rất đông người “đi theo Người”.

Nhìn họ đến với mình, Đức Giê-su không khỏi chạnh lòng thương xót, thế nên, “Người tiếp đón họ”. Và cũng như bao lần khác, Ngài “nói với họ về Nước Thiên Chúa”, đồng thời “chữa lành những ai cần được chữa” (x.Lc 9, 11)

Cứ sự thường, tới đây,  mọi người giải tán ra về. Còn hôm nay, có vẻ như đám đông dân chúng không bận tâm, họ vẫn cứ thản nhiên quây quần bên Đức Giê-su.

Trong khi đó, nhóm mười hai bắt đầu hốt hoảng… Không hốt hoảng sao được. Số lượng người đi theo Đức Giê-su hôm đó, theo các môn đệ thống kê, khoảng năm ngàn người.  Mà lại, “ngày đã bắt đầu tàn rồi”.

Vấn đề bây giờ thật khẩn cấp. Đó là ẩm thực… “Năm ngàn người đàn ông” chứ có ít ỏi gì.

Chính vì thế các ông “gợi ý” với ông Thầy của mình rằng nên giải tán đám đông này bằng cách “Hãy để họ vào các làng mạc và nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn”.

Các môn đệ chưa kịp dứt lời thì Đức Giêsu nói một cách quyết liệt rằng: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9, 13).

Ôi! tệ thật… Chỉ có “vọn vẹn năm cái bánh và hai con cá”, thế mà Thầy mình lại bảo “chính anh em” làm công việc “cứu đói”, thì có phải là đội đá vá trời!

Vâng, hôm đó, trong khi các môn đệ đang lúng túng  vì số lương thực quá ít ỏi,  thì, Đức Giê-su rất bình thản, Ngài : “cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9, 16).

Vâng lời Thầy, các ông dọn ra… sau khi các ông “bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một”.



Câu chuyện kể tiếp rằng: “Mọi người đều ăn, và ai nấy đều no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng”. (Lc 9,17).

Hôm đó, các ông… các ông đã thấy rõ “năng lực và quyền phép” của Thầy mình.

***
Phải chăng Đức Giêsu dùng năng lực và quyền phép biến hóa năm chiếc bánh và hai con cá chỉ với ý nghĩ là để nuôi năm ngàn người ăn trên lãnh vực “thuộc thể”!

Thưa không, bởi nếu chỉ có thế thì cũng chẳng khác gì phép lạ manna xưa thời Mosê “đã ăn… và đã chết”.

Nhớ, bốn mươi ngày trong hoang địa, ăn chay và cầu nguyện, và sau đó là cảm thấy đói, thế nhưng, Đức Giê-su vẫn không bị Satan cám dỗ về cái ăn. Trái lại, Ngài đã cho tên cám dỗ thấy (và bây giờ là mỗi chúng ta), thiếu ăn phần thuộc thể không quan trọng bằng thiếu ăn phần thuộc linh. Thế nên, Ngài đã truyền dạy:  “Đã có lời chép rằng: Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Đức Giêsu, khi thực hiện phép lạ này, Ngài như muốn chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ,  để sau này ngay tại bàn tiệc trong lễ Vượt Qua, các ông hiểu được ý nghĩa của việc “hóa Bánh” một tấm bánh mang đến sự sống đời đời..

Thật vậy, tại nơi bữa tiệc Vượt Qua. Cũng vẫn là những cử chỉ quen thuộc. Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói; Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy… ” (Mt 26, 26).

Giờ đây, bánh không còn là bánh nữa. Nhưng là “Mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Cũng vậy, rượu không còn là rượu. Nhưng là “Máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra cho muôn người được tha tội”.


     Một  Giao Ước mới được lập ra. “Cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến” (x.Lc 22,18).

Và đó là lý do, hôm nay,  toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Mình Máu Chúa Ki-tô.

Cho nên, thật là sai lầm khi một số người cho rằng Bí Tích Thánh Thể là do Giáo Hội tự nghĩ ra.

“Bí tích Thánh Thể không do Giáo Hội,  không do bất cứ ai bịa ra. Chính Chúa Kitô thiết lập. Thánh lễ ngày nay tái diễn và làm sống lại Thánh lễ Chúa Kitô đã dâng khi xưa trên thánh giá để tiếp tục chuyển ơn cứu rỗi cho mọi người, mọi thời và mọi nơi.


Chính Đức Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần: “Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta  thì sẽ được sống đời đời”(Ga 6,54-55).



Ngay cả khi Đức Giêsu biết rõ ràng, rằng: Khi Ngài nói ra những điều ấy, người ta sẽ không tin, sẽ nhạo cười và sẽ bỏ đi. Ngài vẫn cứ nói. Điều đó cho thấy vấn đề Đức Giêsu nói ra quan trọng và cần thiết như thế nào.” (trích bài giảng của Lm. Giuse Đinh lập Liễm)

****
Trở lại với câu chuyện Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều. Dù câu chuyện đã xảy ra hơn hai ngàn năm, là một Ki-tô hữu, hãy nhớ rằng, nó vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta.


 Nói rõ hơn, lời Đức Giê-su nói với các môn đệ xưa: “Chính anh  em hãy cho họ ăn”, cũng là lời Ngài nói với chúng ta, hôm nay.


“Họ” là ai? Thưa, đó là những người “ngồi quanh đây trán in vết nhăn”. Không phải năm ngàn người. Không phải bốn ngàn người, mà là rất nhiều triệu…triệu người Việt Nam chúng ta.


Họ đang nhăn nhó vì vẫn chưa được chúng ta bảo ngồi lại “thành từng nhóm năm mươi người”. Họ vẫn còn lang thang rên rỉ ở vỉa hè, ở xó chợ. Họ đói khát sự công bằng và bác ái. Họ đói khát chân lý và sự thật. Họ đói khát sự sống đời đời. Họ đói khát lời Đức Chúa Trời. Nói tắt một lời họ đói khát “Tình Yêu Thương Của Thiên Chúa”.


Ai sẽ cho họ ăn? Thưa, có phần chắc, nếu Đức Giê-su hiện đến, Ngài sẽ nói: “Chính anh  em hãy cho họ ăn”.


Thật vậy, chính chúng ta phải là nhà sản xuất ra  những loại lương thực “bác ái, nhân hậu, từ tâm, hiền hòa, trung tín,  tiết độ”, là những loại lương thực có thể thỏa mãn những cơn đói, nêu trên..   


Hãy tin, Đức Giê-su, qua việc ban ơn Chúa Thánh Thần, Ngài vẫn luôn đồng hành với chúng ta trong chương trình “thỏa lấp những cơn đói” của thời đại.


“Họ” còn là ai? Thưa, gần nhất, đó là những người con, người cháu của chúng ta.



Vâng, có thể nói rằng, chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến một thế hệ trẻ tăng trưởng chiều cao thể xác một cách bất thường, nhưng lại “lùn tâm linh – thiểu năng tâm hồn”, một cách tệ hại.

Vì sao? Phải chăng, vì họ quá dư thừa một thứ “man-na ăn vào rồi cũng chết”, nhưng lại thiếu một thứ “lương thực thường tồn” đem lại sự sống đời đời”?



Thưa, đúng vậy.  Chúng ta quá quan tâm đến thể xác con em mình. Chúng ta không tiếc rẻ tiền bạc, thời gian lo cho con em mình phát triển tài năng, học thức. Đó là điều tốt. Thế nhưng, một con người thiểu năng tâm hồn cũng như lùn tâm linh, có phần chắc, xã hội cũng như Giáo Hội, chỉ rặt những con người, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. (Việt Nam, thời xã nghĩa hôm nay, như một minh chứng điển hình).


Trách nhiệm thuộc về ai, nếu không phải là chính chúng ta!

Thế nên, việc của chúng ta hôm nay, đó là hãy đưa con em mình đến nơi chúng có thể nhận lãnh lương thực thường tồn.

Nơi đó là nơi nào? Thưa, nhà thờ. Nơi mà, mỗi ngày có một thánh lễ sẽ được cử hành.

Hãy nhớ rằng: Thánh Lễ là một phần không thể thiếu trong đời sống đức tin Công Giáo. Như, con người cần lương thực nuôi phần thuộc thể. Người Ki-tô hữu cũng cần lương thực nuôi phần thuộc linh.  Mà, lương thực nuôi phần thuộc linh kiếm ở đâu, nếu không là ở trong thánh lễ!


Trong thánh lễ, có hai “món ăn” người tín hữu sẽ được nhận lãnh để nuôi dưỡng phần thuộc linh. Đó là món ăn “Lời Chúa”  qua phần phụng vụ Lời Chúa, và món ăn “Mình Máu Thánh Chúa” nơi bàn Tiệc Thánh Thể.



Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: tôi đã làm tròn trách nhiệm của mình đối với con em của tôi?


Vâng, hơn hai ngàn năm đã trôi qua, hôm nay, Đức Giêsu, qua các Linh Mục,  Ngài vẫn  “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho…”.


Ai sẽ là người được trao cho… Ai sẽ làm nhiệm vụ  “dọn ra cho đám đông”?  Thưa, chính chúng ta.
Chính chúng ta. Đó là lệnh truyền của Đức Giê-su: “Chính anh  em hãy cho họ ăn”.


Vâng, Chính anh em…


Petrus Tran

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi.



Chúa Nhật VIII – TN  

Sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi

Trước khi về trời, Đức Giê-su truyền cho  mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến một ngọn núi, ở đó, Ngài đã ban một huấn lệnh cuối cùng, huấn lệnh, rằng: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh  em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em.” (x.Mt 28, 18-20) 

Lời truyền dạy của Đức Giê-su “làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” không chỉ đem lại cho những ai lãnh nhận, được hưởng ơn cứu độ, nhưng, qua lời truyền dạy của Giáo Hội, người tín hữu còn được  lãnh hội một chân lý, chân lý  Một Chúa Ba Ngôi. Giáo lý Công Giáo dạy rằng : Chỉ có một Thiên Chúa nhưng có Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.   

Và, đó là lý do, Chúa Nhật hôm nay, (22/05/2016), toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Ba Ngôi.

** 
Một Chúa Ba Ngôi hay có thể gọi là “Ba Ngôi Thiên Chúa”, đó là trung tâm điểm của đức tin Ki-tô giáo. Có người nói rằng, Ba Ngôi Thiên Chúa,  một danh từ thần học, tuy không được chép trong Thánh Kinh nhưng lại là “danh từ” rõ nghĩa nhất để diễn tả về Thiên Chúa trong Kinh Thánh. 

Tuy Kinh Thánh không trực tiếp nói về Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng, Kinh Thánh vẫn phảng phất đây đó những trình thuật, những thông điệp về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Trước hết là ở chương một sách Sáng Thế Ký,  trình thuật đã mô tả “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trỗng rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước”(x.St 1, 1-2).

Điều này đã nói lên một chân lý rằng, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hai ngôi trong Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hiện diện nơi công trình sáng tạo. 

Cựu Ước là vậy, còn Tân Ước thì sao?  Thưa, Phúc Âm Matthêu, qua trình thuật biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giodan, tác giả đã  cho chúng ta thấy hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa thật rõ nét.

Thật vậy, “ Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra”. Chúa Thánh Thần, lại một lần nữa, chính là “Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người”. Và Chúa Cha, từ trời cao, Người đã phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 16-17).

Qua lời phán của Chúa Cha từ trời cao, hình ảnh về một “Chúa Con” không ai khác chính là Đức Giê-su. Và chính Đức Giê-su, Ngài cũng đã hơn một lần khẳng định lại điều này, rằng “Ta với Cha là một… Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha”. 

***
Nói về Một Chúa Ba Ngôi, người ta thường ví von qua  hình ảnh như: so sánh Ba Ngôi Thiên Chúa giống như H2O, tuy ở ba dạng thể: thể lỏng (nước lỏng), thể rắn (nước đá), và thể khí (hơi nước) nhưng tất cả đều được gọi là H2O.  Có người đã so sánh về một quả trứng. Nó có vỏ bọc, có lòng đỏ và có lòng trắng, nhưng cũng chỉ là quả trứng. Và họ cũng không quên hình ảnh về mặt trời nơi phát ra ánh sáng và sức nóng nhưng cũng chỉ được gọi là mặt trời.

Tuy nhiên, tất cả những so sánh đó cũng chỉ là những diễn tả môt cách khập khiễng về “Ba Ngôi Thiên Chúa”.
Giảng dạy về  Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Giêsu đã không dùng những ngôn ngữ “giới hạn” mà con người đã dùng. Vâng, Ngài đã dùng một thứ ngôn ngữ tuyệt diệu để diễn tả về Thiên Chúa Ba Ngôi, đó chính là ngôn-ngữ-tình-yêu… một thứ ngôn ngữ không giới hạn.

Thật vậy, với Chúa Cha, Đức Giê-su nói:  Thiên Chúa (Cha) “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. 

Và rằng: Với Chúa Con “(Ngài)đến thế gian, không phải để lên án thế gian… ”, nhưng đến thế gian là để cứu thế gian bằng chính cái chết của Ngài, như lời Chúa Con đã nói: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”.

Với Chúa Thánh Thần, hãy nghe tiếp những lời nói sau đây , và chúng ta sẽ nghe rõ cái ngôn ngữ tình yêu mà Đức Giê-su đã sử dụng để nói về Ba Ngôi Thiên Chúa. 

Hôm đó, Đức Giêsu đã nói: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh  em đến sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh  em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.”(x.Ga 16, 13-14).

Với những lời loan báo như thế, có gì để ngăn cản chúng ta, hôm nay, cất tiếng tuyên xưng: “Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau”.

****
Hôm nay, toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thiên Chúa Ba Ngôi.

Nếu… nếu chúng ta được mời đến một cộng đoàn, một nhóm nhỏ hoặc chỉ một người, để nói về Ba Ngôi Thiên Chúa… Vâng, chúng ta sẽ nói gì?

Phải chăng chúng ta sẽ ‘bổn cũ soạn lại” mượn những vật thể như quả trứng, nước hoặc mặt trời v.v… để diễn tả về một Ba Ngôi Thiên Chúa và kết thúc bằng câu chuyện thánh Augustino đi lang thang trên bờ biển rồi than thở rằng, Thiên Chúa là Đấng vô hình… rằng thì là mà Thiên Chúa cao xa làm sao nói hết về Người ?

Ôi ! Thiên Chúa là Đấng vô hạn sao ta lại dùng những vật thể hữu hạn để mà so sánh về Người! Và Thiên Chúa nào có cao xa… Người đã mặc lấy xác phàm và đang cư ngụ giữa chúng ta kia mà!

Vâng, không gì tốt hơn là tiếp tục sử dụng “ngôn ngữ tình yêu”, thứ ngôn ngữ được Đức Giê-su đã sử dụng, khi xưa.

Nói rõ hơn, đó là, hãy đem mối tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, một mối tương quan “hiệp nhất trong tình yêu”, làm hành trang cho cuộc sống đức tin của mình, bởi, chỉ có một cuộc sống như thế, chúng ta mới có thể nói về một “Thiên Chúa Ba Ngôi”, thực tế nhất.

Thật vậy, hãy tưởng tượng, trong cuộc sống thường nhật, trước những va chạm, những vu oan giá họa của người khác, chúng ta “chậm giận và hay tha thứ”, phải chăng hình ảnh về một “Đức Chúa Cha” đã được  chúng ta công bố  trước đôi mắt mọi người!

Hãy tưởng tượng, trong một cộng đoàn, chúng ta luôn sống trong tinh thần “phục vụ” hơn là “được phục vụ”, phải chăng, hình ảnh về một “Chúa Con” đã được chúng ta trình làng trước bàn dân thiên hạ!

Cuối cùng, hãy tưởng tượng, trong cuộc sống gia đình,  cũng như ngoài xã hội, hay trong Giáo Hội, trước nhiều thành viên, nhiều con người,  tính khí khác thường, chúng ta luôn “nhẫn nại, từ tâm, hiền hòa”, phải chăng, hình ảnh về một “Chúa Thánh Thần” không chỉ hiện diện trong ta, mà còn tỏa chiếu trên thế gian này!

Hỏi là vậy. Câu trả lời là của mỗi chúng ta. 

Thế nhưng, trước hết, hãy nhớ rằng: xưa, tại dòng sông Gio-dan, khi Đức Giê-su chịu phép rửa, từ trời cao, có tiếng phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Thì, nay, nhờ Bí Tích Thanh Tẩy, Thánh Thần Chúa làm cho chúng ta nên nghĩa tử của Người, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!” (x.Rm 8, …15)

Được gọi Thiên Chúa là “Cha ơi!”. Vậy, cớ gì chúng ta lại không sống một cuộc sống tương quan mật thiết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, một mối tương quan “hiệp nhất trong tình yêu”?

Bởi vì, sống như thế, trước hết, không chỉ là chúng ta tiếp tay vào công trình “sáng tạo, cứu chuộc, thánh hóa” của Ba Ngôi Thiên Chúa, đối với thế gian này, nhưng còn là để làm: “Sáng Danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần”.

Nói tắt một lời, đó là làm “Sáng Danh Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2016

Hồn con đang mong chờ Ngài.

Lễ Chúa Thánh Thần. 
 
Hồn con đang mong chờ Ngài.
 
Đức tin Công Giáo dạy rằng: có Chúa Thánh Thần. Và mỗi thánh lễ Chúa Nhật, sau phần phụng vụ Lời Chúa, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống”. 
 
Tuyên xưng là vậy, nhưng, nếu có ai hỏi: Chúa Thánh Thần là ai, có phần chắc, không ít người trong chúng ta sẽ ấp a, ấp úng không biết nên trả lời như thế nào. 
 
“Chúa Thánh Thần là ‘nước hằng sống’. Người làm cho tín hữu được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa Tình Yêu và khiến cho cuộc sống của họ được Thiên Chúa soi sáng, canh tân, biến đổi, hướng dẫn, linh hoạt và dưỡng nuôi”. Vâng, đó là lời đương kim Giáo hoàng Phanxico đã nói trước 100.000 tín hữu và du khách hành hương hiện diện ở quảng trường thánh Phêrô trong buổi triều yết chung vào thư tư ngày 08/05/2013. (radiovaticana.ca
 
Đúng vậy, tất cả những điều giảng dạy nêu trên, cũng là những điều Đức Giê-su đã giảng dạy, trong ba năm Ngài ra đi rao giảng Tin Mừng.
 
Nhớ, một lần nọ, lần Đức Giê-su gặp một thủ lãnh của người Do Thái, Ngài đã nói với ông ta về một Chúa Thánh Thần, một Thánh Thần “chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa” cho những ai muốn vào Nước Thiên Chúa.
 
Hôm đó, trước ông Ni-cô-đê-mô, (tên vị thủ lãnh Do Thái), nhìn mình như một “vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”, Đức Giê-su nói với ông rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu”. Và, sau đó, Đức Giê-su nói tiếp: “Ai bởi Thần Khí sinh ra thì cũng vậy”. 
 
Bởi Thần Khí sinh ra, có khác nào là được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa. 
 
Một lần khác, khi Đức Giê-su và các môn đệ cùng đồng bàn trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, Ngài đã nhắc đến một Chúa Thánh Thần, như là “Đấng Bảo Trợ”, rằng, Ngài “…Sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”. 
 
Các môn đệ có hiểu gì về một Chúa Thánh Thần sẽ đến “soi sáng và biến đổi” các ông? Thưa, không thấy Kinh Thánh nói gì. Nhưng, có điều chắc chắn rằng, Chúa Thánh Thần đã được sai đến. 
 
Điều đó đã xảy ra. Xảy ra ngay sau khi Đức Giê-su Phục Sinh. Hôm đó, đúng “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã hiện đến với các môn đệ. Và đúng như lời đã phán hứa với các ông trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su đã “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (x.Ga 20, 22). 
 
**
Các môn đệ đã nhận lấy Thánh Thần. Điều này đã được sách Công Vụ Tông Đồ ghi chép lại rất chi tiết. 
 
Vâng, tác giả sách Công Vụ ghi lại, rằng: Hôm đó, đúng vào ngày lễ Ngũ Tuần, khi các môn đệ “đang tề tựu ở một nơi”, không ai có thể tưởng tượng được, “từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”. Và rồi tiếp đó, các môn đệ đã nhìn thấy “xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Câu chuyện được ghi tiếp rằng: các ông “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2,2).
 
Chúa Thánh Thần mà các môn đệ nhận lấy, có phải là Chúa Thánh Thần “khiến cho cuộc sống của họ được Thiên Chúa soi sáng, canh tân, biến đổi, hướng dẫn, linh hoạt và dưỡng nuôi”? Thưa, đúng vậy.
Khi đã được tràn đầy ơn Thánh Thần, quả đúng là các môn đệ được Thánh Thần Chúa “soi sáng và biến đổi” hoàn toàn con người các ông. Sự “biến đổi” thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: sự nhát đảm của các ông được “biến đổi” bằng sự can đảm. Các ông không còn đóng kín cửa vì sợ người Do Thái nữa. Niên trưởng Phêrô đã hiên ngang “đứng chung với nhóm mười một… chứng thực sứ mạng của (Đức Giêsu)” cho mọi người nghe.
 
Sự biến đổi thứ hai, đó là: Thánh Thần Chúa đã biến đổi ngôn ngữ của các môn đệ. Các ông có thể “nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho”. Hôm đó, thật không thể tin được “các dân thiên hạ” phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2,6).
Dù là “người Roma hay người Do Thái… người đảo Cơrêta hay ngưởi Ảrập” tất cả mọi người đếu được nghe các môn đệ “dùng tiếng nói của họ mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2,11).
 
Sự biến đổi thứ ba, như lời Đức Giêsu đã nói “Khi (Đấng Bảo Trợ) đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính” (x.Ga 16, 8). 
 
Thì đây, hôm đó, Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi các tông đồ, đã cáo trách mọi người “Hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội”. Và quả thật, những lời cáo trách đó đã làm cho nhiều người “đau đớn trong lòng”. 
 
Thánh Thần Chúa đã “soi sáng” tâm hồn “khoảng ba ngàn người”, Ngài đã biến đổi họ, từ con người sinh bởi xác thịt, thành con người sinh bởi Thần Khí. Nói theo cách nói của tác giả sách Công Vụ, ba ngàn người ấy được biến đổi, từ người chưa tin Chúa Giê-su trở thành “người tin” (Cv 2,…41) 
 
Qua những thực tế đã xảy ra, Chúa Thánh Thần quả đúng là ‘nước hằng sống’. Người làm cho tín hữu được chia sẻ chính sự sống của Thiên Chúa Tình Yêu.
 
***
Thời đại Thiên Chúa sáng tạo đã qua. Thời kỳ Thiên Chúa cứu chuộc đã hoàn tất qua biến cố “chết, sống lại và lên trời” của Đức Giê-su Ki-tô. Và hôm nay, chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng – thời kỳ “Ân điển Chúa Thánh Thần”. 
 
Thế nên, thật quan trọng để chúng ta tự hỏi mình, rằng: Là một Ki-tô hữu, tôi đã nhận lấy Chúa Thánh Thần? Tôi đã có ân điển của Chúa Thánh Thần? Nếu chưa? Quả là một sự tệ hại cho đời sống Ki-tô hữu của chúng ta. 
 
Thật vậy, không có Chúa Thánh Thần, làm sao chúng ta có được “Ơn khôn ngoan” để mà phân biệt đâu là lẽ phải, đâu là điều gian ác! 
 
Làm sao chúng ta có được “Ơn hiểu biết” để mà nhận biết đâu là lẽ thật để được hưởng sự sống đời đời! 
 
Làm sao chúng ta có được “Ơn sức mạnh – Ơn thông minh” để mà vượt qua những cám dỗ, những cạm bẫy tràn lan trong một xã hội duy vật vô thần như hôm nay! 
 
Làm sao chúng ta có được “Ơn đạo đức – Ơn kính sợ Thiên Chúa” để mà tôn kính sự công bằng và quyền phép của Người? Nói tắt một lời, người không có những ơn của Chúa Thánh Thần (nêu trên), như lời thánh Phao-lô nói, có khác nào là: “những trẻ nhỏ trong Đức Kitô”. 
 
Đừng lầm tưởng hai chữ “trẻ nhỏ” ở đây, đồng nghĩa với hai chữ “trẻ em”, mà Đức Giê-su thường dùng, nhé!
 
****
Vâng, có lẽ, sau nhiều năm (hai, ba, bốn, năm chục năm…), là một Ki-tô hữu, không ai trong chúng ta muốn mang danh là một “trẻ nhỏ”, một danh hiệu nếu không muốn nói là “xấu tệ”…
 
Thế nên, cách duy nhất để không mang danh hiệu xấu này, đó là, hãy tự hỏi: Không có Chúa Thánh Thần, phải chăng là do lỗi của chúng ta? Phải chăng, chúng ta đã để cho “nơi ở” của Ngài luôn trong tình trạng lấm lem “bụi trần”, lấm lem những hạt bụi “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, v.v…”? 
 
Có lẽ, sẽ có người hỏi “nơi ở của Chúa Thánh Thần” là nơi nào? Thưa, đừng nghĩ rằng nó nằm ở một địa danh nào đó, trên thế giới này. 
 
Nơi ở của Ngài chính là “thân thể” của chúng ta. Điều này, không phải do ai đó loạn ngôn, nói ra, nhưng là do thánh Phao-lô đã nói trong thư gửi tín hữu Corinto, rằng: “Nào anh em chẳng biết rằng, anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần của Thiên Chúa cư ngụ trong anh em sao?”. Ngài khẳng định: “Đền Thờ ấy chính là anh em” (x.1Cor 3, 16-17) 
 
“Đền Thờ ấy chính là anh em”. Biết vậy, tại sao chúng ta không “tẩy sạch” những lấm lem bụi trần nêu trên (nếu có)? Tại sao chúng ta không “tái cấu trúc” ngôi đền của Chúa Thánh Thần bằng những viên gạch mới? 
 
Đừng… đừng bao giờ nghĩ rằng phải mua những viên gạch đó tận Paris, London, Newyork, v.v… tốn kém lắm! 
 
Hãy đến “lò nung” của thánh Phao-lô, ở đó, ngài sẽ cung cấp cho chúng ta những viên gạch tuyệt hảo nhất. Đó là, những viên gạch mang nhãn hiệu “Hoa Quả của Thần Khí”. 
 
Những viên gạch đó, khi được xếp bên nhau sẽ đem lại cho “Ngôi Đền của Chúa Thánh Thần” tỏa ra những tia sáng của “hoan lạc và bình an”, và tràn ngập những con người đầy lòng “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (x.Gl 5, 22) 
 
Một ngôi đền thờ như thế, lẽ nào Chúa Thánh Thần không “ngự đến”! 
 
Cuối cùng, xin mượn lời của một nhà truyền giáo nổi tiếng Hoa Kỳ, như một lời khẳng định, là một Ki-tô hữu, chúng ta phải có Chúa Thánh Thần. 
 
Vâng, ngài Charles Spurgeon đã nói: “Nếu chúng ta không có Thánh Thần, chúng ta nên đóng cửa các nhà thờ. Nếu các giáo sĩ không có Thánh Thần, tốt hơn họ đừng rao giảng Lời Chúa và giáo dân nên ở nhà mà ngủ” (nguồn: 5/phút cho Lời Chúa) 
 
May thay! Điều này đã không xảy ra. Vì từ ngày lễ ngũ tuần năm xưa, cho đến hôm nay, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong Giáo Hội và trên thế giới này. Phần còn lại, thuộc về chúng ta. Nếu chúng ta chưa nhận lấy Thánh Thần, hãy hướng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa và cất tiếng nguyện rằng: “Thánh Thần! khấn xin ngự đến! Hồn con đang mong chờ Ngài”. 
 
Vâng, Lạy Chúa Thánh Thần: “Hồn con đang mong chờ Ngài”. 
 
Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...