Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Xin cho con biết tự hạ…

Chúa Nhật XXII -TN – C 
 
Xin cho con biết tự hạ…
 
Trong bảy mối tội đầu, chúng ta được dạy: “thứ nhất chớ kiêu ngạo”. Vâng, được dạy như thế, thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao ‘sự kiêu ngạo’ lại là thứ tội được xếp hàng đầu? Thưa, vì nó chính là mối tai họa nguy hiểm nhất, khủng khiếp nhất cho con người. 
 
Thật vậy, có lẽ không ai trong chúng ta lại không ngậm ngùi nhớ tới tai họa đau thương mà nguyên tổ Adam và Eva xưa, đã gây ra. Cũng chỉ vì “kiêu ngạo” muốn bằng Thiên Chúa, hai ông bà đã nhẹ dạ cả tin, nghe lời con rắn “là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng”, xúi giục ăn “trái cây ở giữa vườn” mà Thiên Chúa đã bảo “không được ăn”, để rồi hai ông bà (cùng đám hậu duệ con cháu sau này), phải đón nhận sự trừng phạt của Thiên Chúa, một sự trừng phạt là cái chết, như một bài học để đời. 
 
Ấy thế mà, bài học đó, vẫn không làm cho con người hôm nay bớt đi tính kiêu ngạo, sự tự cao tự đại. Vẫn còn đó những con người với bản tính kiêu căng tự phụ, nên đã gây ra hai cuộc đại chiến thế giới, theo lịch sử cận đại đã ghi lại, minh chứng cho điều này. 
 
Con người quên rằng: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 16, 18). Thánh Kinh còn cho biết: “Chúa quở trách kẻ kiêu ngạo” (Tv 119, 21). 
 
Còn với Đức Giê-su thì sao? Thưa, thật nhẹ nhàng, Ngài có lời khuyên: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14, 11). 
 
Lời khuyên này đã được Đức Giêsu công bố trong dịp Ngài tham dự một buổi tiệc, tại nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu. 
 
Vâng, hôm đó, khi chứng kiến cảnh “khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”, Đức Giêsu, qua một dụ ngôn, Ngài đã dạy cho mọi người một bài học căn bản về thuật xử thế trong giao tiếp đời thường.
“Khi anh được mời đi ăn cưới” ư! Ngài dạy rằng: “Đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘xin ông nhường chỗ cho vị này’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”… 
 
Thưa quý vị, quý vị đã có lần nào bị như thế chưa? Nếu có, có phải là “mất mặt bầu cua” không nhỉ! Điều căn bản, nói theo ngôn ngữ bây giờ, của “văn hóa tiệc tùng”, Đức Giêsu có lời dạy, rằng “khi anh được mời, thì hãy vào chỗ ngồi cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên kia cho…” và Ngài kết luận “Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”… 
 
Nói cách khác, hãy khiêm nhường và hạ mình, đó chính là nguyên tắc căn bản mà Đức Giêsu muốn nói đến, khi Ngài nhấn mạnh: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Đừng “tôn mình lên”, nhưng hãy “hạ mình xuống”. 
 
** Vâng, Đức Giê-su đã không lớn tiếng quở trách, nhưng thật khiêm nhường qua những lời mời gọi “hãy hạ mình xuống”. Thế nhưng, lời mời gọi này lại “chói tai” đối với những ông kẹ Phariseu cũng như các thầy thông luật, tại bữa tiệc hôm đó. 
 
Họ là khách V.I.P đấy nhé! Vip-Phariseu và Vip-thông luật đàng hoàng. Thế nên, tại sao lại không dành “cỗ nhất”, (ồ! không… phải nói là chọn “gối nhất” mới đúng, đúng là vì, theo phong tục Do Thái, họ không ngồi ăn, nhưng là nằm, nằm trên những bộ ghế dài mà ăn), vì chỗ “nhất” trong bữa tiệc, thường là chỗ gần chủ nhà. 
 
Vào thời Đức Giê-su, thứ bậc trong bữa tiệc được ấn định tùy theo danh giá, chức vị hay tài sản của vị khách đó. Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi các vị khách mời hôm đó, “cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”. 
 
Dù sao, cũng phải nhìn nhận rằng, hôm đó, Đức Giê-su đã có một lời truyền dạy thật “hiền lành và khiêm nhường”, sự hiền lành và khiêm nhường mà chính Ngài đã một lần mời gọi: “Hãy học cùng Ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường” (x.Mt 11, 29). 
 
*** Thật ra, điều căn bản, qua lời truyền dạy “hạ mình xuống”, mà Đức Giê-su hướng tới cho một tương lai, và mọi người sẽ được mời gọi tham dự, đó chính là “Bàn Tiệc Thiên Quốc”. 
 
Thì đây, tiếp theo lời truyền dạy cho những vị khách được mời, Đức Giê-su đưa ra thêm một lời truyền dạy cho kẻ “đã mời Ngài”, rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con hàng xóm, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi”. 
 
Tại sao Ngài lại đưa ra lời truyền dạy như thế? Thưa, là bởi, tính chất mới mẻ của Nước Trời không có chuyện “bánh ít cho đi, bánh quy cho lại”. 
 
Ngược lại, Bàn Tiệc Thiên Quốc, phải được “mở rộng” cho tất cả mọi người. Cho cả “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”… dẫu rằng: “Họ không có gì đáp lễ”. Sau đó, Đức Giê-su nói tiếp: “Như thế… mới thật có phúc”. Và cuối cùng, Ngài kết luận, ơn phúc đó “sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”. 
 
Vâng, có gì đó, giống như lời Kinh Thánh xưa đã dạy: “Được đặt làm chủ tọa ư? Con đừng có lên mặt, giữa thực khách, hãy xử sự như một người đồng bàn, lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ. Chu toàn mọi bổn phận xong, con hãy yên vị và chung vui với mọi người” (Hc 32, 1-2). 
 
“Lo-cho-người-ta, rồi mới ngồi vào chỗ”, phải chăng cũng là một cách “tự-hạ-mình”!
 
**** Đừng “tôn mình lên”, nhưng hãy “hạ mình xuống”. 
 
Đừng nghĩ rằng, tôi chỉ là một phàm nhân đầy tội lỗi và yếu đuối, thật khó mà thực thi đời sống tự hạ mình. Cũng đừng nghĩ rằng, tự hạ mình thiên hạ sẽ coi ta là kẻ nhu nhược. 
 
Là một Kitô hữu, nghĩ như thế thật là nguy hiểm. Nghĩ như thế chẳng khác nào chúng ta hãy còn tơ tưởng, còn nặng lòng với danh vọng, với chức vụ, với chiếu nhất chiếu nhì. Mà một khi còn tơ tưởng, còn nặng lòng với “danh vọng, chức vụ, chiếu nhất, chiếu nhì” thì làm sao có thể kềm hãm được lòng ham muốn, sự ganh tị trong tâm hồn chúng ta. 
 
“Ganh tị”. Vâng, đừng quên, nó là mầm mống gây ra tội ác. Câu chuyện anh em nhà Giacóp là một ví dụ điển hình. Chỉ vì ganh tị với Giuse, những người anh của ông đã bán ông cho lái buôn rồi sau đó dàn dựng lấy máu dê thấm vào chiếc áo của ông, để rồi cha của ông sau khi nhận được tấm áo đó đã nghĩ rằng “Giuse đã bị thú dữ xé xác” (St 37, 33). 
 
Với thánh Phaolô, ngài nói “Tôi báo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: …làm điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời” (Gl 5, …22). Cho nên, đừng bao giờ để những cám dỗ của thời đại tác động lên cuộc đời ta, khiến cho ta trở nên “kiêu ngạo, nói lộng ngôn, xấc xược, lên mặt kiêu căng…” (2Tm 3, 2-4), nhưng hãy nhìn vào Chúa Giêsu mà học lấy “sự hiền lành và khiêm nhường” của Ngài.
 
Đây, bài học thứ nhất. Trong bữa tiệc ly, có hình ảnh “tự-hạ-mình” nào đẹp hơn hình ảnh “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5)!!! 
 
Và, đây, bài học tiếp theo. Có hình ảnh tự-hạ-mình nào đẹp hơn hình ảnh Đức Giê-su “Hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”? (x.Pl 2, 8). Không, tự hạ mình không khó, chỉ cần nhận ra chính mình là ai. 
 
Và, đó là phương cách mà thánh nữ Monica đã thể hiện. Có thể nói rằng, suốt cuộc đời của vị thánh nữ này là một bản trường ca tự hạ mình. Tự hạ mình trước những sai quấy của mẹ chồng, của chồng, của con. 
 
Làm được như thế, vì bà biết mình là ai. Làm được như thế, vì bà biết mình là một người Công Giáo. Chính phương cách tự-hạ-mình như thế, thánh nữ Monica đã “làm thay đổi chồng, con và biến đổi người con trụy lạc, ham chơi, ham lạc thú là Augustinô trở nên người con tốt, người con đẹp cho Giáo Hội” (nguồn; internet).
 
Trở lại câu chuyện dụ ngôn. Vâng, như đã nói ở trên, sử dụng dụ ngôn bữa tiệc trần thế, Đức Giêsu còn muốn hướng mọi người chuẩn bị cho một bữa tiệc khác thịnh soạn hơn. Đó là “bữa tiệc Nước Trời”. 
 
Là một Kitô hữu, trong sự chờ đợi ngày được “mời đến dự tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19,9); Chúng ta thật là diễm phúc vì “được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” ngay tại trần thế này. Một bữa tiệc được chủ nhân Giêsu đãi bằng “Mình và Máu Thánh của Ngài”. Đó chính là “Bữa Tiệc Thánh Thể”.
Thế nhưng, sẽ thật khó để mà tham dự “bàn tiệc thánh”, nếu chúng ta không tự-hạ-mình “thú nhận cùng Thiên Chúa là Cha toàn năng và cùng anh chị em” về những sự kiêu căng, ích kỷ, ghen ghét, hận thù của chính mình. 
 
Và cuối cùng, hãy dâng lời thú nhận đó lên Thiên Chúa, bằng lời nguyện, rằng “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa… Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa” (Augustino). Vâng, “xin cho con biết tự hạ” Amen. 
 
Petrus.tran

Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp…

Chúa Nhật XXI – TN – C
 
Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp…
 
Petrus.tran
 
Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, trong một lần giảng, có kể một câu chuyện, đó là chuyện sinh hoạt đời thường của mình. Ngài kể rằng: Hồi sống ở Giê-ru-sa-lem để nghiên cứu Kinh Thánh. Một hôm, có việc phải đổi tiền Do Thái để tiêu xài. Khi đến quầy thu đổi ngoại tệ, và sau khi giao dịch xong, ngài trở về. 
 
Thế nhưng, trên đường về, thì biết rằng, người nhân viên giao dịch đưa dư một số tiền khá lớn. Thế là, ngài quay trở lại và trả lại số tiền dư. Người nhân viên sau một phút ngạc nhiên, ông ta thốt lên hỏi: “Có phải ông là người Công Giáo!”. 
 
Thay cho câu trả lời, Lm. Ánh hỏi lại ông ta: “Tại sao ông lại hỏi như vậy?” Ông ta đáp: “Vì tôi thấy, thường chỉ có người Công Giáo mới làm những việc tốt như vậy.” Lm. Ánh hỏi tiếp: “Vậy ông theo đạo nào?”. Ông ta đáp: “Đạo Hồi”. Lm Ánh lại hỏi: “Đạo Công Giáo tốt, sao ông không theo?”. Ông ta trả lời: “Tôi biết chứ. Nhưng đạo Công Giáo không cho lấy nhiều vợ. Theo đạo Hồi, tôi được phép lấy bẩy vợ”… 
 
Đúng, đạo Công Giáo có nhiều người tốt. Theo đạo (CG) không có chuyện “năm thê bảy thiếp”, chỉ được phép “một vợ một chồng”, và không được ly dị. 
 
Theo đạo (CG), hay nói đúng hơn, theo Chúa còn được dạy phải có tâm hồn nghèo khó, sống hiền lành và khao khát nên người công chính. Đối với tha nhân, phải có lòng “xót thương người”, phải “yêu người như chính mình ta vậy” v.v... 
 
Vâng, theo Chúa, có thể nói tóm gọn trong bốn chữ, đó là: “phải vào cửa hẹp”.
 
** Phải-vào-cửa-hẹp… vâng, đó chính là lời truyền dạy của Đức Giê-su trong một dịp Ngài “đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy”. 
 
Hôm ấy, không hẹn mà gặp, có một người đến gặp Đức Giê-su. Người này đến gặp Ngài để làm gì? Thưa, người này tìm đến không phải để tranh luận hay xin Đức Giêsu làm một phép lạ nào đó, nhưng là để hỏi Ngài một vấn đề có liên quan đến sự cứu độ.
 
Khi đã diện đối diện với Đức Giê-su, người này cất tiếng hỏi rằng “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (x.Lc 13, 23).
 
Tại sao người này lại nghĩ “người được cứu thoát thì ít?” Thưa, là bởi, đối với người Do Thái xưa, họ nghĩ rằng, chỉ có dân tộc của họ, một dân tộc được Thiên Chúa chọn làm “dân riêng” của Người, mới là những người được hưởng ơn cứu thoát. 
 
Thế nhưng, với Đức Giê-su, đó không phải là điều Ngài truyền dạy. Thiên Chúa, qua lời truyền dạy của Ngài, là một Thiên Chúa của tình yêu, “…yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17). Thiên Chúa, mà Đức Giê-su rao giảng, là một Thiên Chúa, “…sẽ tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của (Người)” (x.Is 66, 18) 
 
Hỡi người Israel kia ơi! Thiên Chúa, qua lời Ngôn sứ Isaia, là một Thiên Chúa như thế đấy. Tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ (để) họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Người, cớ sao lại dám nghĩ rằng “người được cứu thoát thì ít”! 
 
Không, “ơn cứu độ” không là của riêng ai, không chỉ là sự độc quyền của dân tộc Israel, nhưng còn là cho “tất cả thiên hạ, (họ) sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 13, 29). 
 
Hôm đó, thay vì trả lời nhiều hay ít, Đức Giê-su nói với người đã tìm đến gặp mình, rằng: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào…” Còn chuyện những người được cứu thoát, “nếu ít” ư! Đức Giê-su cho biết: vì họ “tìm cách vào mà không thể được”. Không thể, chỉ vì họ là “những quân làm điều bất chính”. 
 
*** “Cửa hẹp”… Vâng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, “cửa hẹp” mà Đức Giê-su nói ở đây, hẹp cỡ nào? Có lẽ, không gì tốt hơn là hãy tìm đến “bác thợ mộc Giê-su” và chúng ta sẽ có câu trả lời. 
 
Thì đây, với bác thợ mộc Giê-su, “cửa hẹp” mà Ngài đã nói đến, không phải là cánh cửa bằng gỗ, nhưng nó được thiết kế bằng chính trạng thái tâm hồn của ta. 
 
Tâm hồn ta có sẵn sàng bước qua cánh cửa “hạ mình xuống”, hay không? Có chấp nhận bước qua cánh cửa mang hình dáng “nên như người phục vụ”? Có vui vẻ sơn lên cánh cửa đó màu hồng của lòng thương xót: “Hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”, hay không? 
 
Cửa-hẹp, với nhà thiết kế Giê-su, nó còn được trang trí bởi những chùm hoa-thánh-linh, hoa “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. 
 
Nói một cách tổng quát, “cửa hẹp” mà chúng ta sẽ bước qua, đó chính là cánh cửa “Từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). 
 
**** Người được chọn không ít đâu! Vấn đề của chúng ta hôm nay, đó là, tôi có sẵn sàng “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”, hay không? 
 
Mà, dù muốn hay không, trong cuộc sống, như lời Louis Evely nói: “không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, còn có sương mù và giá lạnh nữa”. 
 
Sương mù và giá lạnh đó là gì? Phải chăng là “cửa hẹp” trong đời ta? 
 
Thưa, đúng vậy. Đúng, cửa hẹp đó, có thể là một căn bệnh nan y, có thể là sự “ra đi” của một người thân nào đó trong gia đình mình. Và có thể là một sự đổ vỡ trong hôn nhân “thôi là hết em đi đường em, tình duyên mình chỉ bấy nhiêu thôi”… 
 
Cửa hẹp đó, cũng có thể là một cuộc làm ăn thất bại, và không thể không nói tới những bất công, những thói xấu, sự trịch thượng của một ai đó, gây ra cho ta, nơi ta sinh sống, hay nơi ta làm việc, hằng ngày v.v…
 
Chán nản tuyệt vọng, than thân trách trời, trách Chúa… Chúa ơi! Sao con khổ thế này!?
Đừng… đừng nản lòng, với niềm tin, hãy coi những biến cố đó như là những lời “sửa dạy” của Thiên Chúa, trong cuộc sống thường nhật của mỗi chúng ta. 
 
Thật vậy, tác giả thư Do Thái, với cảm nghiệm của bản thân, đã cho lời khuyên, rằng: “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” 
 
Đừng… đừng tuyệt vọng… “Tôi ơi! đừng tuyệt vọng”. Vì, như lời tác giả thư Do Thái đã khuyên, rằng: “Vả lại, chúng ta có cha trần thế sửa dạy mà chúng ta vẫn tôn kính, thì chúng ta lại càng phải tùng phục Cha trên trời để được sống”. Và, cuối cùng, ngài cho thêm một lời khuyên: “Thiên Chúa sửa dạy là vì lợi ích của chúng ta, để chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Người.”
 
Thế nên, hãy coi việc bước vào những cánh cửa hẹp đó, như là một cuộc “rèn luyện”, một cuộc rèn luyện mà Kinh Thánh gọi là rất cần thiết để “gặt được hoa trái là bình an và công chính” (Dt 12, …11) 
 
Có được sự bình an và công chính, đó chính là hành trang để chúng ta bước vào cửa hẹp. 
 
Vì vậy, đừng vì bất cứ lý do gì mà chúng ta không thực hiện lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào…” Hãy tin, trong cuộc chiến đấu này, chúng ta không đơn độc. Qua việc tham dự bàn Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su vẫn cùng đồng hành với chúng ta, một sự đồng hành “làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, (của chúng ta), nên mạnh mẽ”. (x.Dt 12, 13).
 
Cũng là cuộc chiến đấu này, Lm. Charles E. Miller thêm cho chúng ta một lời khuyên, ngài khuyên rằng: “chúng ta phải là những người trung tín, luôn kết hiệp với Đức Ki-tô trong nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Đây là cách bảo đảm rằng chúng ta sẽ vượt qua mọi cuộc tranh chấp, mọi điều phiền toái trên cõi đời này, để bước vào vương quốc vĩnh cửu trên trời”.
 
Vâng, rất bảo đảm, bảo đảm trong ngày phán xét, Đức Giê-su, người mục tử nhân lành, sẽ không nói với chúng ta “Các anh đấy ư! Ta không biết các anh từ đâu đến”. Trái lại, Ngài sẽ nói: Các anh đấy ư! Hãy cùng đồng bàn với “Apraham, Isaac và Giacop cùng tất cả các ngôn sứ trong Nước Thiên Chúa”. 
 
Thưa Bạn…
 
Bạn có muốn được như thế không? Nếu muốn, tôi và bạn, chúng ta hãy ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô và cùng khấn nguyện, rằng: “Lạy Chúa, xin Ngài cùng đồng hành với chúng con trong cuộc “chiến đấu để qua cửa hẹp”, cánh cửa hẹp mà Ngài đã truyền dạy chúng con hãy bước vào. Amen.

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2016

Chúng ta cùng thắp bùng lên!

Chúa Nhật XX - TN – C 
 
Chúng ta cùng thắp bùng lên!
 
Niềm tin Ki-tô giáo, có thể nói rằng, là một niềm tin luôn phải đương đầu với nhiều sự bách hại. Niềm tin của người Ki-tô hữu, còn là một niềm tin luôn phải đối diện với những bắt bớ, tù đày và chết chóc. 
 
Thật vậy, nói tới bạo lực, bắt bớ, khủng bố, chết chóc đối với Ki-tô giáo, thì, nó đã có ngay từ những ngày đầu sơ khai của Giáo Hội. 
 
Theo sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại, thì, ông Tê-pha-nô chính là người đầu tiên bị bắt bớ và bị giết chết vì niềm tin vào Chúa của mình. Rồi sau đó, như lịch sử Giáo Hội ghi lại, đã có lúc Giáo Hội bị bắt hại hàng trăm năm. Và, gần đây nhất, “…vào khoảng 9 giờ 45 sáng ngày 26-7-2016, hai tên khủng bố đã lẻn vào cửa sau thánh đường Saint-Etienne-du-Rouvray, gần Rouen ở mạn tây bắc Pháp. Trong cuộc tấn công, hai tên khủng bố dùng dao sát hại cha Jacques Hamel, 86 tuổi đang dâng lễ và làm bị thương một tín hữu khác”. 
 
Phản ứng về sự kiện trên đây, Cha Lombardi, giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, ra thông cáo nói rằng: “Lại một tin khủng khiếp, thêm vào một loạt những vụ bạo hành trong những ngày này làm cho chúng ta kinh hoàng xúc động, gây ra đau khổ vô biên và lo âu. Chúng tôi theo dõi tình hình và chờ thêm các thông tin để hiểu rõ hơn những gì đã xảy ra”.(nguồn: radiovatican.va)
 
 Vâng, đúng là thật “khủng khiếp”, thật “đau khổ vô biên và lo âu”. Nhưng, không có gì ngạc nhiên về những khủng khiếp, đau khổ và lo âu đó. Vì, trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. 
 
Tiếp theo lời khuyến cáo, một ngày nọ, không dài dòng văn tự, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ, rằng: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51). 
 
Sự chia rẽ đó, không xảy ra ở đâu xa, nhưng, ở ngay trong một nơi tưởng chừng như là “tổ ấm”, đó là gia đình. Hôm ấy, Đức Giê-su cảnh báo rằng: “Từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”. 
 
 ** Thoạt nghe những lời như thế, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng phải nản lòng. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng tự hỏi: Phải chăng những lời nói đó mâu thuẫn với những gì Đức Giêsu giảng dạy? Phải chăng, những lời nói đó tố cáo Đức Giêsu là một con người hiếu chiến? Phải chăng những lời nói đó như là một lời tuyên chiến với thế giới con người? 
 
Xin thưa, hiểu như thế chẳng khác nào mấy ông thầy bói mù xem voi. Mỗi ông nhận xét về con voi theo cảm xúc riêng của mình. Hiểu như thế là hiểu một cách lệch lạc về thông điệp mà Đức Giêsu muốn công bố. 
 
 
Trong ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu luôn rao giảng một thứ Tin Mừng cứu độ. Và thông điệp mà Đức Giêsu muốn gửi đến cho nhân loại đó chính là thông điệp về tình yêu. Tình yêu mà Đức Giêsu nói đến, đó là một thứ tình yêu thương “người liều mạng sống vì người mình yêu”. Tình yêu mà Ngài nói đến còn là một thứ tình “yêu thương kẻ thù nghịch”. 
 
 Không, Đức Giê-su không dạy mọi người hiếu chiến. Trái lại, Ngài đã truyền dạy, rằng: “Anh em đã nghe dạy rằng: ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em; đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38). 
 
 
Thật vậy, chính cái chết của Đức Giêsu trên đồi Golgotha, với lời cầu nguyện rằng “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” đã chứng thực cho những lời Ngài giảng dạy.
 
 *** Thế thì tại sao Đức Giê-su lại tuyên bố, rằng, Thầy “đem sự chia rẽ” đến thế gian? Thưa, Ngài nói như thế không phải là để chia rẽ giữa con người với con người, nhưng chính là để “rẽ” con người ra khỏi Satan. Con người, như lời thánh Phao-lô mô tả, luôn bị giằng co giữa thiện và ác. Thật mỉa mai khi “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”(x.Rm 7, 19) 
 
Vì sao con người lại có sự giằng co như thế? Thưa, thánh nhân trả lời, đó là do: “tội vẫn ở trong tôi”. Thế nên, Đức Giê-su khi nói “đem chia rẽ đến” thế gian, chính là để “rẽ” con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi, để nhờ đó, con người, như lời tác giả thư Do Thái nói, “cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”(x.Dt 12, ..1) 
 
Nói tắt một lời, với thông điệp này, Đức Giê-su mời gọi những ai đến với Ngài, phải có một sự lựa chọn giữa “thiện và ác”, dù sự lựa chọn đó có phải rơi vào tình trạng “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”. 
 
**** Thế nên, giờ đây, điều mà chúng ta cần hỏi, cần biết, đó là, chúng ta đã “rẽ” ra khỏi Satan, ra khỏi “gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”? 
 
Vâng, hãy để một phút hồi tâm, và tự hỏi, là một môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta đã rẽ-ra-khỏi “những việc do tính xác thịt gây ra như:dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén”, hay chưa? Hay ta cho rằng: rẽ-ra-khỏi những việc do tính xác thịt gây ra, quá khó! 
 
Hãy nhớ rằng, thánh Phao-lô có nói: “những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”. 
 
Và đây, có rất nhiều tấm gương nhân đức, trong Giáo Hội, đã có thể “rẽ” ra khỏi sự những việc do tính xác thịt nêu trên. Đầu tiên là Tê-pha-nô, người tử đạo tiên khởi, chính ngài đã “rẽ” sự hận thù đối với những kẻ bắt bớ và kết án mình, ra khỏi tâm hồn bằng lời cầu nguyện đầy lòng thứ tha, rằng: “Lạy Chúa xin đừng chấp họ tội này”, như một điển hình. 
 
Chúng ta cũng đừng quên tấm gương cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ngài đã thực thi trọn vẹn “những ước mong” mà Đức Giêsu đã nói với các môn đệ năm xưa, rằng; “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”. 
 
Với mười ba năm “tù không tội”, trong đó có chín năm biệt giam, chỉ thấy máu và nước mắt, ấy thế mà Ngài chưa một lần khơi dậy ngọn lửa hận thù, trái lại, qua Ngài, người ta đã thấy “ngọn lửa tình yêu”, và ngọn lửa tình yêu đó đã “bùng lên” nơi con tim Nguyễn Hoàng Đức, một đảng viên CS, người đã từng là cán bộ phòng tôn giáo của bộ công an. 
 
Có lẽ, chuyện tuy đã cũ, nhưng có gì ngăn cản chúng ta nhắc lại, nhất là nhắc lại để mỗi chúng ta coi đó như là tấm gương mẫu mực cho việc “rẽ” ra khỏi sự những việc do tính xác thịt, mà chúng ta cũng phải thực thi. Hãy tìm đọc lại bài viết với tựa đề “Con đường đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận” của Nguyễn Hoàng Đức. 
 
Vâng, bài viết đó như là một lời chứng, chứng thực cho việc vị cố hồng y đã thực thi hoàn hảo tình yêu thương và lời mời gọi tha thứ mà Thầy Giêsu đã giảng dạy. 
 
Nói cách khác, cố hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chính là bàn tay nối dài của Đức Giêsu để “ném lửa vào mặt đất”, không phải ngọn lửa hận thù mà là ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa đó đã “bùng lên” không chỉ nơi nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, mà còn nơi nhiều người khác nữa. 
 
 Cho nên, đừng chủ bại mà nghĩ rằng, tôi chỉ là người trần mắt thịt, trước một xã hội hôm nay đầy cám dỗ và quyến rũ, đầy mưu ma chước quỷ, để “bùng lên” ngọn lửa tình yêu, quả là một thách thức lớn. Để có thể vượt qua thách thức này, tác giả thư gửi Do Thái có lời khuyên: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” Phải "thắp bùng lên" ngọn lửa tình yêu, vì như lời C. S. Lewis có nói: “Trong vũ trụ, không hề có mảnh đất trung lập, mỗi phân vuông, mỗi tích tắc đều được Chúa nhận là của Người, rồi bị Satan nhận làm của nó”.(nguồn; internet) 
 
Vâng, Satan đã “nhận làm của nó”, thế nên, đừng ngạc nhiên khi hôm nay đâu đâu cũng xảy ra thảm cảnh, “ba chống lại hai, hai chống lại ba”. Đừng ngạc nhiên khi chúng ta phải chứng kiến cảnh chia rẽ hay chống đối, trong gia đình cũng như ngoài xã hội chỉ vì để bảo vệ đức tin, chân lý hay sự thật.
Điều quan trọng, đó là, trong việc tranh luận để bảo vệ đức tin, chân lý hay sự thật, chúng ta có dùng lời lẽ “dịu dàng và khiêm nhường”, hay không! 
 
Đừng quên, lời-dịu-dàng, Kinh Thánh nói: “khiến cơn giận tiêu tan”. Còn sự khiêm nhường thì sao? Thưa, sách xưa có câu: “sự khiêm nhường thì người ta càng phục”. Dịu dàng và khiêm nhường”. 
 
Đó… đó chính là dầu để thắp lên ngọn lửa tình yêu, một ngọn lửa, xưa kia, Chúa Giêsu đã “ước mong phải chi lửa ấy đã thắp bùng lên”. Vâng, các môn đệ xưa, đã thắp bùng lên. Và, hôm nay, là tôi và bạn, “chúng ta cùng thắp bùng lên”, chứ! 
 
Petrus tran

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Thật là phúc…

Chúa Nhật XIX - TN – C 
 
Thật là phúc…
 
Chúng ta thường nghe nói: “thế gian ai học được chữ ngờ”. Vâng, quả thật là kỳ lạ, không “học được” nhưng lại là chữ được nhắc nhiều nhất trong vốn liếng tiếng nói của con người. 
 
Thì đây, khi gặp bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc đời mình, vui, chúng ta thường hay nói: Ô! Thật bất ngờ quá! Còn buồn, chúng ta luôn cất tiếng than van: Ôi! quả thật, tôi không ngờ. 
 
Thế nên, đã có thơ rằng: “Ai ơi nhớ lấy vài điều; Dù hay, dù giỏi... không qua chữ NGỜ. Chữ NGỜ luôn nhớ trong lòng; Trước sau cẩn trọng, đục trong khó lường”(nguồn: internet). 
 
** “Bất ngờ hay không ngờ”, đó cũng là đề tài được Đức Giê-su khuyến cáo rất nhiều lần trong những ngày Ngài ra đi loan báo Tin Mừng. Thật vậy, đến thế gian, Đức Giê-su không chỉ loan báo cho mọi người về một Tin Mừng cứu độ, Tin Mừng về một Thiên Chúa “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, mà Ngài còn truyền dạy mọi người phải “cẩn trọng” trong việc ngày “Con Người sẽ đến”. 
 
Một ngày nọ, Đức Giê-su loan báo, rằng, sẽ có một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác” (x.Mt 24, 30-31). 
 
Và, để cho mọi người phải luôn sẵn sàng, Đức Giê-su tiếp lời, rằng: Ngày ấy sẽ xảy ra vào “chính giờ phút anh em không ngờ”. Làm thế nào để không rơi vào tình trạng “bất ngờ hay không ngờ”, trong ngày Con-Người-sẽ-đến? Vâng, rất cẩn trọng, Đức Giê-su đã khuyên mọi người, rằng: “Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về”. 
 
Hôm đó, Đức Giê-su đã mượn câu chuyện “ông chủ đi dự tiệc cưới” để dạy cho các môn đệ một bài học về sự tỉnh thức và sẵn sàng. Vâng, theo phong tục Do Thái, tiệc cưới thường kéo dài trong bảy ngày và thậm chí có thể kéo dài hai tuần, vì thế, việc ông chủ về thật khó đoán, nó sẽ xảy ra “bất ngờ hay không ngờ”. 
 
Và, để có thể không rơi vào tình trạng bất ngờ hay không ngờ, Đức Giê-su khuyến cáo rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn”. 
 
Lời khuyến cáo “hãy thắt lưng” hàm ý nghĩa gì? Thưa, qua lời khuyên này, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh đến sự “sẵn sàng”, sự sẵn sàng của một chiến binh nại nịt vũ khí sẵn sàng chiến đấu, một hình ảnh không người Do Thái nào lại không hơn một lần trải nghiệm. 
 
Còn việc “thắp đèn cho sẵn” ư! 
 
Rất có thể, khi nói lên điều này, Đức Giêsu muốn các môn đệ hãy nhớ lại dụ ngôn “mười cô trinh nữ”, một dụ ngôn không chỉ đề cập đến sự sẵn sàng, mà còn là một lời cảnh báo về sự “tỉnh thức”. 
 
Hôm đó, sau những lời khuyến cáo, Đức Giê-su kết thúc với lời khuyên: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến” (x.Lc 12, 39-40) 
 
Có thể kết luận rằng, qua câu chuyện này, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ, (và ngày nay là cho chúng ta), một bài học, bài học rằng, sẽ không có gì phải than thở “Ôi! thật tình tôi không ngờ”, trong ngày Con Người sẽ đến, nếu chúng ta “tỉnh thức và sẵn sàng”. 
 
** Chưa hết, khi nghe Đức Giêsu nói xong câu chuyện này, thánh Phêrô liền hỏi: “Lạy Chúa! Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” 
 
Vâng, cứ sự thường, sau mỗi lần nói về một dụ ngôn nào đó, Đức Giê-su luôn có lời giải thích. 
 
Tuy nhiên, Ngài đã không có lời giải thích đối với dụ ngôn này. Tại sao? Thưa, ý nghĩa quá rõ ràng. “Ông chủ” là ai nếu không là Đức Giê-su! Người đầy tớ là ai, nếu không là các môn đệ (và cũng là chúng ta hôm nay)! 
 
Thế nên, hôm ấy, thay cho lời giải thích, (cũng như thay cho câu trả lời cho Phê-rô), Đức Giê-su đáp, rằng: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”. 
 
Vâng, có thể nói rằng, qua lời nói này, Đức Giê-su muốn đặt lên vai người đầy tớ một yêu cầu nữa, đó là “trách nhiệm” Đừng quên, đã có lần, Ngài nói: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (x.Lc 9, 61) 
 
Người đầy tớ với vai trò là người quản gia, phải làm tròn trách nhiệm được giao, bởi, có như thế, người đó mới có thể được nhìn nhận là kẻ tỉnh thức và sẵn sàng, và hơn thế nữa, như lời Đức Giê-su nói: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta”. 
 
**** Trở lại câu hỏi của Phê-rô. Vâng, mặc dù Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của tông đồ Phêrô, nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta cũng hiểu rằng, Ngài nói “dụ ngôn này” cho-tất-cả-mọi-người-kể-cả-chúng-ta, hôm nay. 
 
Thế nên, là một Ki-tô hữu, tất cả chúng ta đều là “người đầy tớ trong vai trò quản gia… mà ông chủ đã đặt lên coi sóc… coi sóc tất cả tài sản cùa mình”. 
 
Nói rõ hơn, tất cả chúng ta đều là “người đầy tớ trong vai trò quản gia… mà Thiên Chúa đã đặt lên coi sóc… coi sóc tất cả tài sản cùa Người”. 
 
Những “tài sản” đó là gì? 
 
Phải chăng, đó là những ngôi thánh đường? 
 
Phải chăng, đó là những cơ sở vật chất của Giáo Hội? Thưa, không sai. 
 
Tuy nhiên, vẫn còn đó những “tài sản”, những tài sản không phải có được do tiền bạc, do quyền lực đem lại, nhưng là do chính Đức Giê-su và các tông đồ, cũng như do chính “Máu các thánh tử đạo”, để lại, những tài sản đó chính là “kho tàng đức tin”, chính là “cộng đồng dân Chúa”, chúng ta cần “coi sóc” hơn. 
 
Vì thế, trước một xã hội đầy gian xảo, dối trá và lừa lọc, trong vai trò là “người quản gia”, chúng ta luôn phải tỉnh thức không mê ngủ trước cám dỗ của lợi lộc, của tiền bạc, của danh vọng, những thứ chỉ là phù vân, chóng qua. 
 
Vì thế, trước một xã hội chìm ngập trong tội lỗi, những thứ tội như: dâm bôn, phóng đãng, hận thù, bất hòa, nóng giận, ghen tuông, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén v.v… trong vai trò là người quản gia, chúng ta phải thắp lên ngọn đèn bác ái, nhẫn nhục, từ tâm, hiền hòa, tiết độ. 
 
Nói cách khác, chúng ta phải là tấm gương mẫu mực về sự “trung tín”, trung tín trong việc thực thi lề luật của Chúa và “khôn ngoan” trước những cám dỗ của thế gian. 
 
Đừng nghĩ rằng, đó là nhiệm vụ bất khả thi. 
 
“Đức tin” vâng, tác giả thư Do Thái khẳng định rằng “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng”. Vì thế, đừng sợ. Để có thể trở nên “người quản gia trung tín khôn ngoan”, hãy học phương cách của tông đồ Phao lô, đó là: “Hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”. 
 
Mà, người nào “sống tiết độ”, theo thánh Phao-lô thì, người đó chính là người đã nhận được hoa quả của “Thần Khí” . 
 
Và, một khi có Thần Khí Chúa, có lẽ nào chúng ta không nhận ra đâu là “ý chủ - ý Chúa”, và đâu là ý thế gian. 
 
Và, một khi đã nhận ra “Ý Chủ- Ý Chúa”, có lẽ nào ta lại để cho tâm hồn mình ngập tràn ý tưởng “Chủ ta còn lâu mới về… mà cứ say sưa chè chén”! Có lẽ nào ta lại nghĩ rằng “Chúa ta còn lâu mới tái lâm”, để rồi cứ chìm ngập trong bóng tối tội lỗi!. 
 
Không! Hãy tỉnh thức, tỉnh thức để nhìn Người đang cảnh báo chúng ta, qua những “dấu chỉ của thời đại” như: động đất, sóng thần, chiến tranh, dịch bệnh v.v… Vì thế, phải luôn sống trong tình trạng sẵn sàng.
 
Phải luôn sống như một người quản gia trung tín và đầy trách nhiệm. Bởi vì, lỡ hôm nay “ông chủ về”… lỡ, ngay giây phút này “Chúa đến”, thì sao? 
 
Có lẽ, chẳng ai trong chúng ta muốn mình trở thành kẻ “khôn ba năm, dại một giờ”. Có lẽ không ai trong chúng ta muốn mình “chung số phận với những tên thất tín”. 
 
Vậy, tại sao, ngay giây phút này, chúng ta không ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô, một Chúa Ki-tô đầy lòng thương xót mà khấn nguyện, rằng: Lạy Chúa “Nơi nào có nản chí sờn lòng, xin cho con gieo niềm hy vọng. Nơi nào có buồn sầu khổ đau, xin cho con biết đem lại niềm vui. Nơi nào có khó khăn nghèo túng, xin cho con biết cách chia sẻ cách vui lòng” (theo thánh Phan-xi-co Assisi)
 
Thực thi tốt những lời nguyện nêu trên, hãy tin, Đức Giê-su sẽ nói với ta rằng: “Thật là phúc cho con”. 
 
Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...