Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2017

Trước hết, hãy thú nhận tội lỗi mình…



Chúa Nhật XXIII – TN – A 

Trước hết, hãy thú nhận tội lỗi mình…

Niềm tin Ki-tô giáo không phải là niềm tin chỉ “nhìn lên” Thiên Chúa trên cao, nhưng còn phải “nhìn ngang” với mọi người chung quanh.  Niềm tin Ki-tô giáo không phải là niềm tin chỉ cất lên tiếng nói  “Chúc tụng danh Thiên Chúa”, nhưng còn phải cất lên những lời tốt đẹp đối với tất cả mọi người.

Mà, thật vậy, Đức Giê-su Ki-tô, trong những ngày ra đi loan báo Tin Mừng, Ngài không chỉ công bố về một “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, nhưng còn truyền dạy những lời hay ý đẹp, những lời chỉ giáo về  cung cách đối nhân xử thế ở đời, hầu đem lại cho con người một cuộc sống bình an, chan hòa tình yêu thương.

Đức Giê-su đã truyền dạy những gì? Thưa, Ngài đã không ít lần nói lên những điều hay lẽ phải, những “nguyên tắc sống” ở đời. Một trong những nguyên tắc đã được Ngài truyền dạy, được xem là mẫu mực cho việc đối nhân xử thế, đó là nguyên tắc “sửa lỗi cho nhau”. 

Vâng, trong cuộc sống thường nhật, có ai mà không hơn một lần phạm sai lầm, có ai mà không trót phạm tội. Và, cứ sự thường, nói theo ngôn ngữ @ thời nay, chúng ta “ném đá”  những con người đó, ngay lập tức.

Với Đức Giê-su, hành xử như thế không phải là điều Ngài khuyến khích. Trong một dịp tâm tình riêng tư với các môn đệ, Ngài đã đề ra một cung cách “sửa lỗi” rất tế nhị, rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (x.Mt 18, 15). 

Tại sao lại “một mình anh với nó mà thôi”? Thưa, là bởi giữa ta và người phạm lỗi được ở trong trạng thái: “riêng tư, kín đáo”.  Nhờ riêng tư và kín đáo, ta  “giữ thể diện” người phạm lỗi.  

Lời khuyên của Đức Giê-su, quả là thấu tình đạt lý, phải không thưa quý vị?
Nếu “nó chịu nghe anh”… Đức Giê-su nói tiếp: “thì anh đã chinh phục được người anh em”. 

Thưa Bạn, trong một đời người của mình, bạn đã chinh phục (thuyết phục)  được ai nhận lỗi chưa! Vâng, thật khó trả lời, khó trả lời vì đôi khi chính chúng ta “phạm lỗi” nhưng “không nhận lỗi”.
Tại sao đa số người phạm lỗi nhưng không nhận lỗi! Thưa, là bởi sự sợ hãi và xấu hổ chính là tác nhân làm cho người phạm lỗi không đủ can đảm nhận lỗi.

Vậy, phải làm sao để “nó” nhận lỗi? Thưa, Dale Carnegie, tác giả  cuốn Đắc Nhân Tâm, một cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất và được biết đến nhiều nhất cho đến tận ngày nay, cho chúng ta phương cách, đó là hãy “dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta”.

Với phương cách này, ngôn sứ Na-than vào thời Cựu Ước, đã thành công.  Câu chuyện xảy ra “vào một buổi chiều”. Chiều hôm đó, “Vua Đa-vít từ trên giường trổi dậy và đi bách bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, vua thấy một người đàn bà đang tắm. Nàng nhan sắc tuyệt vời” (x. 2Sm 11, 2).

Chỉ là một sự tình cờ, không chủ định. Nhưng chính sự tình cờ đó đã làm đảo lộn con người vua Đa-vít, người được mệnh danh là “người công chính”, vì một cái nhìn, ông ta “phạm lỗi”.

Ông phạm lỗi gì? Thưa, theo lời kinh Thánh ghi lại: “Vua Đa-vít sai người đi điều tra về người đàn bà, và người ta nói: đó chính là bà Bát Se-va, con gái ông Ê-li-am, vợ ông U-ri-gia người Khết”. 

Mặc cho người đàn bà đã có chồng, vua Đa-vít vẫn không buông tha. Rồi chuyện gì đến cũng đã đến. “Vua Đa-vít sai lính đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm với nàng”. Và kết quả là: “Nàng thụ thai”…

Kể từ khi để cho “hồn lỡ sa vào đôi mắt em”, vua Đa-vít ngày càng “sa lầy” vào vòng vây của tội lụy. Cao điểm của hành vi tội lụy, đó là, nhà vua đã gián tiếp gây ra cái chết của ông U-ri-gia – chồng nàng Bát Se-va.

Mọi hành vi của Đa-vít không qua khỏi đôi mắt của ngôn sứ Na-than. Ngôn sứ Na-than đã “một mình” đến “sửa lỗi” vua Đa-vít. Ngôn sứ Na-than đã có một “cuộc nói chuyện riêng tư, không hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình”.

Và bằng phương pháp “dùng cách đặt câu hỏi để khuyên bảo người ta”, ngôn sứ Na-than đã thành công trong việc “chinh phục được người anh em”.

Hôm đó, vua Đa-vít, sau khi nghe Na-than kể một câu chuyện ví von đầy bi ai, ông ta đã thốt lên rằng: “Tôi đã đắc tội với ĐỨC CHÚA”. (x. 2Sm 12, 1-13).

**
Giả sử  vua Đa-vít không nghe lời sửa lỗi của ngôn sứ Na-than, điều gì sẽ xảy ra? Rất may là đã không có sự “giả sử” đó.
Nhưng, nếu điều đó xảy ra! “Nếu nó không chịu nghe”? Thưa, Đức Giê-su dạy: “Nếu nó không chịu nghe, thì đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng” (x Mt 18, 16).

Đừng nghĩ rằng, đây là cách thức để “gây áp lực”. Luật Môsê dạy: ‘Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét’ (Đnl 19,15). 

Lời truyền dạy của Chúa Giêsu, không phải là để đem nhiều nhân chứng buộc tội, nhưng họ là những người trợ lực có uy tín đến giúp tội nhân dễ dàng sữa lỗi. Chúng ta cần nhớ , với người cố chấp, không gì tốt hơn là kiên nhẫn.

“Đem theo một hay hai người nữa”, theo quan điểm của thánh Phao-lô, đó là cách thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” (x. Rm 13, 8).
Trở lại với lời truyền dạy của Đức Giê-su. Hôm đó, Ngài còn đưa ra một nguyên tắc nữa, đó là: Nếu một hay hai người đến “sửa lỗi” với tinh thần tương thân tương ái mà người phạm lỗi không nghe, Đức Giê-su dạy rằng: “Hãy đi thưa Hội Thánh”.

“Hãy đi thưa Hội Thánh sao!”. Đúng vậy. Ở một vài thời điểm, một ai đó có thể từng bước, từng bước “trót phạm tội”, những tội vi phạm đến giới luật “một vợ một chồng”, hoặc những tội vi phạm đến giới luật “độc thân” trong đời tu v.v… Thưa ra Hội Thánh, Lm Nguyễn Hữu An nói: “không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá”.

 “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe” thì sao? Thưa, Đức Giê-su nói: “thì hãy kể nó như một người ngoại” (x Mt 18, 17).

Thật ra, theo dòng lịch sử của Hội Thánh, thì, với trường hợp này, nếu có thực thi thì cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”, là một sự bất khả kháng, mà thôi…
***
Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay kêu gọi chúng ta ý thức rằng, ta phải có trách nhiệm đối với nhau. Trách nhiệm đó chính là “sửa lỗi cho nhau”.

Vẫn biết rằng, sửa lỗi cho nhau, rằng, sửa lỗi một ai đó đang “sa lầy” vào một vũng lầy tội lỗi, không phải là một chuyện dễ dàng. Thế nhưng, như ngôn sứ Ê-dê-ki-en xưa, được ĐỨC CHÚA đặt “làm người canh gác cho nhà It-ra-en”, thì, hôm nay, cũng vậy đối với chúng ta. Chúng ta cũng được  Thiên Chúa đặt làm người canh gác những “người anh em của chúng ta”, chí ít, là những người cùng mái ấm gia đình của chúng ta.

Mỗi năm, cơ quan NASA của Hoa Kỳ chi hơn 1,8 tỉ dollar để nghiên cứu về trái đất. So với các nghiên cứu về các hành tinh khác, thì đây là một sự chi tiêu kỷ lục. Nhờ sự nghiên cứu này, người ta có thể dự đoán động đất, núi lửa, cháy rừng và bão,  để rồi, nhờ đó, họ có thể đưa ra những lời cảnh báo sớm, hầu con người có thể phòng tránh.

Với chúng ta, cũng vậy, mỗi ngày chúng ta cũng cần tiêu tốn một ít thời gian, chỉ cần một ít thời gian, để tìm xem có “cơn bão” nào đó xuất hiện, cơn bão mang tên “nghiện ngập thuốc lá, nghiện ngập rượu mạnh, nghiện ngập ma túy, nghiện-sex” v.v… đang chuẩn bị tàn phá mảnh đất tâm hồn lẫn thể xác  của con em chúng ta, để mà đưa ra những lời cảnh báo sớm, để mà  phòng tránh, để mà chế ngự nó.

Không thể viện dẫn lý do này khác, chẳng hạn như: “Ồ! Đã có nhà trường lo, đã có nhà thờ lo v.v…” Không thể viện dẫn lý do rằng: nước đổ là khoai, rằng, nó có thèm nghe đâu…

Tại sao nó không thèm nghe? Phải chăng là vì những thú vui của trần gian quá hấp dẫn? Hay, phải chăng là bởi, cách mà chúng ta  cảnh báo và sửa trị thiếu thuyết phục, nhưng lại đầy thô bạo, đầy độc đoán và thiếu công bằng?

Hãy tự hỏi, mỗi khi cảnh báo hay sửa trị con em mình, chúng ta dùng lời lẽ  “khuyên bảo” hay “chửi bới đánh đập”? Chúng ta có công bằng trong sự khen thưởng hay sửa phạt? Chúng ta có vì giận vợ, giận chồng mà đánh con, “giận cá chém thớt” đánh con để “dằn mặt” hàng xóm? Chúng ta có đem lỗi lầm của con cái rêu rao khắp bàn dân thiên hạ?

Nếu có, thì đó không phải là cách “sửa trị” hay, trái lại nó chỉ làm cho con em chúng ta “tức giận”. Đừng quên thánh Phao-lô có lời khuyên rằng: “Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận…”

Cách sửa trị con em chúng ta tốt nhất, đó là “làm gương sáng”.  Cuối cùng, đừng quên, chính chúng ta phải biết nhận lỗi khi phạm lỗi. 

Chính chúng ta phải biết “Thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tuởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót: lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng…”

Để có thể là người canh gác, để có thể sửa lỗi anh em được kết quả mỹ mãn, trước tiên, phải biết “Thú nhận tội lỗi mình…”

Petrus.tran

Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Chúa không để ta mồ côi…

CHÚA NHẬT VI – PS – A

Chúa không để ta mồ côi…

“Biệt ly nhớ nhung từ đây, chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay. Biệt ly sóng trên dòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng. Và mây trôi nước trôi, ngày tháng trôi cùng lướt trôi…”. Vâng,  đó là tâm trạng thường tình với bất cứ ai, khi phải đối diện với sự biệt ly.

Nói tới sự biệt ly, Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã không ít lần chứng kiến. Và, mỗi lần chứng kiến, Ngài không thể không có sự phản ứng nhất định của mình.

Với sự kiện con trai của một bà góa ở thành Nain “ra đi”,  Đức Giê-su hóa giải cảnh biệt ly đó bằng một phép lạ, cho anh ta sống lại. Với tâm trạng “như xé đôi lòng” của các môn đệ khi biết Thầy Giê-su chỉ còn ở với mình “ít lâu nữa thôi”, Đức Giê-su, qua một thông điệp, Ngài đã lấp đi khoảng trống cô đơn nơi các ông. Thông điệp đó đã được thánh Gio-an ghi lại như sau:

**  Hôm ấy, Thầy và trò cùng quây quần bên nhau trong một bữa tiệc, bữa tiệc nhân ngày lễ Vượt Qua. 
Trong bữa tiệc ấy,  Đức Giê-su đã bảy tỏ với các môn đệ rằng, “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Hai lần nhấn mạnh với các môn đệ “hãy tin… và tin” là để giảm đi nỗi cô đơn nặng nề nơi các ông, một nỗi cô đơn theo kiểu cô đơn củaWalter Scott: “Khi nghĩ về những người bạn đồng hành đã rời ta, chúng ta cảm thấy cô đơn gấp đôi”.

Cho nên, trước hoàn cảnh đó, Đức Giê-su thấy rằng, Ngài cần phải đưa ra một thông điệp mạnh mẽ để xóa tan khoảng trống cô đơn trong tâm hồn của các ông. Và Ngài đã đưa ra thông điệp, rằng: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”(x.Ga 14, 16-17)

Vâng,  chính thông điệp này  đã lấp đầy khoảng trống cô đơn nơi  các người môn đệ của Ngài. Một thông điệp thấm đậm tình yêu thương khi Đức Giê-su tiếp tục tuyên bố với các ông,  rằng: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14, 18).

*** “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Đúng vậy, bởi Đức Giê-su “đi”, nhưng không phải là Ngài “một đi không trở lại”.

Đức Giê-su đi,  rồi Ngài lại đến. Ngài đi là có lợi cho chúng ta, như Ngài đã phán hứa.

Cái lợi rõ nét nhất, Đức Giê-su nói, đó là: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em”. Cái lợi tiếp đến, đó là: “Thầy sống và anh em cũng được sống”.

Vâng, lịch sử hơn hai ngàn năm Ki-tô giáo. Mặc cho có biết bao cuộc bách hại, mặc cho có biết bao thăng trầm, Giáo Hội vẫn trường tồn và phát triển, một sự trường tồn và phát triển đủ để chứng minh những “cái lợi” (nêu trên),  đã thực sự tác động trên đời sống của Giáo Hội nói chung, và của từng người tín hữu nói riêng.

Thế nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, sau nhiều năm là một Ki-tô hữu, “tôi có ở trong Chúa và Chúa có ở trong tôi”! Hỏi cách khác, Đấng Bảo Trợ có “ở giữa chúng ta và ở trong chúng ta”!?

Hãy nhớ rằng, Đấng Bảo Trợ là Đấng không thể thiếu cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta.

Thật vậy, không có Chúa Thánh Thần ngự trị trong đời sống đức tin, thật quá khó để chúng ta có thể đương đầu với một thế giới ngày một cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết, như hôm nay.

Nếu không có Chúa Thánh Thần. Đấng có thể “ban cho trí hồn (ta). Ơn biết khôn ngoan tìm theo chân lý”. Vâng, làm sao chúng ta có thể “xa điều gian dối” nhan nhản trên truyền thông đại chúng, một thứ truyền thông được điều hành bởi những kẻ độc tài đảng trị.

Không có Chúa Thánh Thần. Chúng ta không thể gặt hái hoa trái của Người.


Mà, nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “bác ái, vui vẻ, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm”… Vâng, làm sao chúng ta có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”!

Nếu không có hoa trái Chúa Thánh Thần, hoa trái “tiết độ và trong sạch”… Vâng, làm sao chúng ta có thể chế ngự những dục vọng, một trong nhiều nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân gia đình!?

Nói tắt một lời, không có Đấng Bảo Trợ, chúng ta không có “Uy lực của Thần Khí”, và nói theo cách nói của Đức Giê-su, chúng ta chẳng khác nào là một kẻ “mồ côi”.

**** Đã là một Ki-tô hữu, chắc chắn không ai trong chúng ta muốn mình trở thành kẻ mồ côi trước mặt Thiên Chúa.
Thế nên, đừng để mất đi “Uy Lực của Thần Khí” trong đời sống đức tin của chúng ta. Muốn thế, không gì tốt hơn là hãy nghe lời truyền dạy của Đức Giê-su, lời truyền dạy rằng: “:Ai có và giữ các giới răn của Thầy, kẻ ấy mới là kẻ yêu Thầy. Và ai yêu Thầy sẽ được Cha Thầy yêu. Thầy sẽ yêu nó và tỏ mình ra cho nó”.

“Giới răn của Thầy” là giới răn nào? Thưa, đó là “Mến Chúa – Yêu Người”. Vâng, chỉ vậy thôi. Chỉ vậy thôi, Chúa sẽ “yêu ta và tỏ mình ra cho ta”. Ngài yêu ta như thế nào? Thưa, Đức Giê-su – Ngài sẽ không để ta mồ côi.

Chỉ cần Mến Chúa – Yêu Người. Chúa sẽ “không để ta mồ côi”.

Petrus.tran

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

Đường Thập Giá – Đường Tình Yêu.

Chúa Nhật Lễ Lá.

Đường Thập Giá – Đường Tình Yêu.

“Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua. Con đường nào Ngài ra pháp trường. Mão gai nào hằn sâu trên trán”. Vâng, mỗi khi nghe  bản thánh ca này, có phần chắc, ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến “cuộc thương khó của Đức Giê-su”.

Cuộc thương khó của Đức Giê-su, mà hôm nay chúng ta quen gọi là “Mười bốn chặng đàng Thánh Giá”,  luôn được tái hiện trong đời sống đức tin của Giáo Hội,  qua việc đi  “Đàng Thánh Giá” vào mỗi thứ sáu đầu tháng, đặc biệt nhất là vào thứ sáu tuần thánh trong tuần “Tam Nhật Thánh”, một tuần lễ  đưa toàn thể người tín hữu trở về Giê-ru-sa-lem xưa, để  nhìn lại lộ trình Chúa đã đi qua,  một lộ trình  có tên gọi lịch sử: “Via Dolorosa”.

**   
Via Dolorosa được dịch là Con Đường Đau Buồn. Người khác dịch là Con Đường Sầu Khổ. Cũng có lúc được dịch là Con Đường Đau Đớn. Muốn gọi như thế nào cũng được, bởi những gì là đau buồn, là sầu khổ, là đau đớn, là bi kịch… vâng, ngày ấy Đức Giê-su đều gánh chịu.

Bi kịch bắt đầu xảy ra tại vườn Ghếtsimani, nơi Đức Giêsu cùng các môn đệ thường đến đó cầu nguyện. Hôm ấy, trong thinh lặng của nguyện cầu, Người cảm thấy buồn rầu xao xuyến.

Buồn rầu chuyện gì! Thưa, một người trong nhóm mười hai phản bội. Y tên là Giu-đa Itcariot. Được các thượng tế hứa hẹn sẽ “cho hắn ba mươi đồng bạc”, vì thế cho nên “từ lúc đó, hắn cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giê-su.” (x.Mt 26, 15-16).

Trong bữa tiệc lễ Vượt Qua, đang bữa ăn, Đức Giê-su vén bức màn bí mật đó khi Ngài tuyên bố trước nhóm mười hai, rằng: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy”.

Nghe tin đó, các ông  “buồn rầu quá sức”. Để phá tan mối nghi ngờ, các ông tranh nhau lên tiếng: “Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao?” Không  trực tiếp trả lời, mà qua một vài câu đối đáp, Đức Giê-su điểm mặt đích danh tên “nằm vùng”  Giu- đa Itcariot – “Chính anh… đó!” (x. Mt 26, 25).

Vài hôm trước, các thượng tế và kỳ mục nhóm họp tại dinh của vị thượng tế tên là Caipha. Họ quyết định dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi. 

Và hôm nay,  khi những vệt nắng cuối cùng khuất hẳn bầu trời Giêrusalem. Một nhóm người được các thượng tế và kỳ mục sai đi truy nã Ngài.

Ánh đuốc bập bùng phá tan màn đêm vườn “Ghết”, nơi họ được tên điềm chỉ cho biết, rằng, Đức Giêsu cùng các môn đệ của Ngài đang ở đó.

Tiếng vó ngựa, tiếng gươm giáo khua vang đến rợn người. Ghết-sê-ma-ni như nổ tung lên khi tên phản bội, xuất hiện. Nụ hôn của y chính là ám hiệu ai sẽ là người cần bắt. Hôm trước, hắn đã nói với đồng bọn: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy.”

Sự trang nghiêm của nguyện cầu bị phá vỡ khi tên phản bội xông đến hôn Đức Giêsu.

Thật ra, đây không phải lần đầu tiên người ta tìm bắt Đức Giêsu. Đã nhiều lần người ta tìm cách giết Ngài, đe dọa và ném đá Ngài. Đức Giêsu đều tìm cách lánh đi. (Ga 8,59).
Nhưng hôm nay, tại vườn Ghết, Giêsu người Nazareth  vẫn đứng lặng, mặc cho  “địch thù gào thét”, mặc cho “ác nhân hà hiếp”.(Tv 55).

Toán quân và viên chỉ huy cùng đám thuộc hạ người Do Thái, sau khi nhận ra ám hiệu, đã ập đến bắt Đức Giêsu. Họ trói Ngài rồi điệu đến dinh thượng tế Caipha.

Tất cả thành viên Hội Đồng Công Tọa quá đỗi vui mừng trước chiến tích của Guida Iscariot. Một “toà án nhân dân” được vội vàng dựng lên. Họ “tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình”. Oái ăm thay! họ không tìm ra, “mặc dù có nhiều kẻ đã đứng ra làm chứng gian” (Mt 26, 59).

Một cái bẫy đã được thượng hội đồng dàn dựng, quả đúng như lời Kinh Thánh có chép: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người”(Gr 17, 9).  Một vị thượng  tế cất tiếng hỏi Đức Giê-su: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa không?”

Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa ư! Vâng, đó là điều Đức Giê-su đã “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết” vì giờ-Ngài-chưa-đến. Nhưng  hôm nay thì “Giờ đã đến” -  “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”.  Hôm đó, tại dinh thượng hội đồng, Đức Giê-su dõng dạc lên tiếng: “Chính ngài vừa nói”.
“Chính ngài vừa nói” cũng chính là chứng cứ để cho các vị thượng tế lên án tử Đức Giê-su. Họ cho rằng, đó là những “lời nói phạm thượng”.

Tuy nhiên, dù đã có chứng cứ để xử Đức Giê-su, nhưng các thượng tế lại còn muốn tìm một sự hậu thuẫn từ quan quyền thế gian. Chính vì thế, “họ trói Người lại và giải đi nộp cho tổng trấn Phi-la-tô” (x. Mt 27, 2).

Tại dinh quan tổng trấn, Philatô xuất hiện, ông ta đã lặng người khi nhìn thấy thân thể rã rời của Đức Giêsu, sau một đêm bị những trận đòn tra tấn. Hình hài của Ngài, thật đúng là “Thân sâu bọ chứ người đâu phải…” (Tv 22, 7).

Cuộc thẩm vấn “bỏ túi” giữa Philatô và Đức Giêsu diễn ra chóng vánh, trước mắt ông ta,  Ngài “chẳng can tội gì đáng chết” (Lc 23,14).

Tổng trấn Philatô, ba lần muốn phóng thích Ngài, nhưng cả ba lần ông ta đều được đáp lại bằng những tiếng gào thét man rợ của nhóm kỳ mục và đám đông dân chúng: “Giết! Giết nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá”.

Phiên tòa bị nát vụn bởi sự nhu nhược và hèn nhát của Philatô.  Các cáo buộc chống lại Đức Giêsu, chiếu theo luật pháp, của bất cứ thời đại nào, không đạt tiêu chuẩn của một cuộc điều tra tư pháp đúng luật lệ. Thế nhưng, Philatô vẫn  bàng quan,  “rửa tay” như muốn phủi bỏ trách nhiệm của mình.

Hôm đó, bị áp lực  của đám đông. Philatô ngượng ngùng tuyên bố: “Mặc các ngươi liệu lấy !”. (Mt 27, 25)

Mặc-các-ngươi-liệu-lấy. Ôi! nó có khác gì tiếng búa lệnh của vị quan toà chấm dứt phiên xử.

Một ngày nọ, khi Thầy và trò chuẩn bị vào Giêrusalem. Đức Giêsu đã nói với các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá” (Mt 20, 18-19).

Và hôm nay, ngày thứ sáu trong tuần, mọi sự đều diễn ra “y như kinh”. Trên con đường từ dinh quan tổng trấn đến đồi Golgotha, Đức Giêsu “như chiên con bị dẫn đi làm thịt. Như chiên mẹ trước mặt thợ xén lông”(Isaia).

Khuôn mặt Đức Giêsu đã từng biến hình sáng láng trên núi Tabor, giờ đây bị biến dạng bởi sự diễu cợt và nhạo báng của cả một cơ đội chuyên viên tra tấn.

Nhìn Giêsu, một Giêsu sức cùng lực kiệt, với khuôn mặt rỉ máu bởi một vòng gai sắc nhọn trên đỉnh đầu, với một đôi vai cong oằn trước sức nặng của cây thập giá... Buồn thay! Chẳng còn ai cất tiếng tung hô, như đã tung hô trước đó mấy ngày:  “Hoan hô! Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.

Ngược lại, cả một rừng người: “ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai”. Điều này, đã xảy ra tại đồi Golgotha: “Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống thập giá xem nào!”.

Thật ra, cũng có một nhóm người phụ nữ “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”.  Đức Giêsu, khi nhìn thấy,  đã quay lại và cho họ một lời khuyên chân tình : “Đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc 23,28).

Các bà quên rằng, Đức Giêsu nếu muốn, Ngài đã có thể cầu xin Thiên Chúa Cha “cấp ngay cho hơn mười hai đạo binh thiên thần” để giải thoát Ngài. Nhưng… “như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?” (Mt 26, 54).

Hôm đó, tại Golgotha, sau khi Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma-xa-bac-tha-ni, nghĩa là: lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”, Kinh Thánh ghi lại rằng: Ngài “trút linh hồn”.

***
Chúng ta vừa nhìn lại con đường xưa Chúa đi, một con đường mỗi khi nhìn lại, chúng ta không thể không cảm thấy “ngõ hồn dâng tái tê”.

Làm sao không “tái tê” cho được, khi phải nhìn một Giê-su “không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành”, thế mà hôm nay Ngài lại phải: “gục ngã treo thân thập giá… thân tàn hơi…tin nát tan gai nhọn bạo tàn”!

Làm sao không tái tê cho được, khi Đức  Giêsu với đôi bàn tay cứu nhân độ thế bằng những phép lạ chữa lành, nay lại được thiên hạ trả công bằng những mũi đinh đóng ngập bàn tay, bằng những ngọn đòng đâm sâu vào cơ thể!

Vâng, tái tê quả là tái tê! Thế nhưng, những tái tê đó lại là những “ân tình” mà Thiên Chúa, qua Đức Giê-su, ban tặng cho nhân loại, như có lần Ngài đã phán: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”

Vâng, ân tình đó, thánh Phao-lô đã cảm nghiệm, và ngài đã truyền đạt lại cho tín hữu Phi-lip-phê, rằng: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.

Chưa hết, “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết , chết trên cây thập tự”(x. Pl 2, 8)

Chính vì thế,  nhìn lại con đường xưa Chúa đi, hãy tự hỏi: tôi là ai trong một rừng người đau đáu đứng nhìn từng bước, từng bước chân Giê-su bước lên đồi Golgotha! 

Thế nên từ Golgotha xưa, chúng ta hãy nhìn về những “Golgotha nay”. Ôi! vẫn còn biết bao “thập giá” đang cần người gánh vác. Thập giá của bệnh tật và nghèo đói, thập giá của cô đơn và bất hạnh, đang đè nặng trên một ai đó, chung quanh ta.

Và, còn đó thập giá của những người bị bỏ rơi bởi sự bận rộn và thờ ơ đang hối hả ngược xuôi trên dòng đời.

Nếu hôm nay “tình cờ” chúng ta gặp được một trong những cây thập giá đó! Chúng ta sẽ xử trí ra sao! Chúng ta sẽ dửng dưng đứng nhìn… bàng quan… xa lạ… thờ ơ... “muốn ra sao thì ra” !
Hay chúng ta sẽ ghé đôi vai mình vào một trong những thập giá (nêu trên), cùng gánh vác, gánh vác trong tâm tình chia sẻ, (vật chất hoặc tinh thần), theo khả năng của ta!

 Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, lời truyền dạy của Đức Giêsu: “Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.

Xưa, người nông dân Simon xứ Kyrênê, từ việc “bị cưỡng bách”, ông ta trở thành người môn đệ “vác đỡ thánh giá theo sau Chúa Giêsu và tiến bước theo chân Ngài”. Và giờ đây, ông như là một “biểu tượng” cho mọi hành vi liên đới với những ai đang lao-nhọc-vất-vả, mệt-mỏi-và-gánh-nặng.

Nay, chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Nhưng, nếu chúng ta đã là một Ki-tô hữu, cớ gì ta không mạnh dạn cất tiếng nói với Đức Giê-su, rằng:  “Xin cho con bước đi với Ngài. Xin cho con cùng vác với Ngài. Thập Gíá trên đường đời con đi”?

Là một Ki-tô hữu, phải cùng bước với Ngài, phải cùng vác với Ngài (qua những cây thập giá đang đè nặng trên cuộc đời của tha nhân). Vì có như thế, chúng ta mới được gọi là người “chu toàn luật Đức Ki-tô” (x.Gl 6, 2)

Cuối cùng, có như thế, chúng ta mới tự hào (tất nhiên là tự hào trong Chúa), rằng: tôi đã biến Via Dolorosa – Đường Thập Giá thành con đường của hương hoa, của ân tình, nói tắt một lời, đó là: Đường Tình Yêu.

Biến”Đường Thập Giá” thành “Đường Tình Yêu”, tại sao không nhỉ!

Petrus.tran



Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2017

Lời Chúa: bửu bối chế ngự cám dỗ.

Chúa Nhật I – MC – A

Lời Chúa: bửu bối chế ngự cám dỗ.

Ông Gióp, một nhân vật trong Cựu Ước, nhận định rằng “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.
Thật vậy, nói đến sự cám dỗ, đó là nan đề không ai trong chúng ta, lại không hơn một lần đối mặt.  Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo ta như đỉa đói. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.

Có những cơn cám dỗ tuy nhẹ nhàng, nhưng cũng đủ làm cho ta mất phương hướng, không biết đâu là bến bờ của chân lý và sự thật. Cũng có những cơn cám dỗ như một trận cuồng phong, lôi thẳng ta xuống tận cùng địa ngục.

Trong nhiều nỗ lực, chúng ta cầu xin cho mình “khỏi sa chước cám dỗ”. Thế nhưng, với bản chất “yếu đuối”, ta trở nên nhu nhược, thế rồi, ta vấp ngã.

Đâu là phương thế  để chế ngự cơn cám dỗ? Vâng, thánh Phaolô, với sự từng trải, ngài có lời đáp, rằng “Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 25). Tác giả sách Do Thái cũng mạnh mẽ xác quyết: “Bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (x.Dt 2, 18)
**
Thật vậy, khi còn tại thế, Đức Giê-su cũng không thoát khỏi những thử thách của sự cám dỗ. Qua những cơn cám dỗ đó, Ngài đã để lại cho hậu thế phương cách tốt nhất để chiến thắng cơn cám dỗ, và thánh Mát-thêu đã ghi lại tỉ mỉ những gì Đức Giê-su đã làm để vượt qua sự cám dỗ như sau:

Chuyện ghi lại rằng: hôm ấy, Đức Giê-su “được Thần Khí dẫn vào hoang địa”. Người vào hoang địa không phải để sống đời “ẩn tu” như Gio-an Tẩy Giả, nhưng là “để chịu quỷ cám dỗ”.

Quỷ hay còn gọi là “satan”, quả là có xuất hiện.  Nó xuất hiện sau khi Đức Giê-su “ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày”.

Đúng với biệt danh là “tên cám dỗ”, nó đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!”

Hóa bánh ư! Tại sao lại là hóa bánh? Thưa, là bởi, tên cám dỗ rất sành tâm lý con người, đói thì ăn và khát phải uống. Và, Đức Giê-su lúc đó “thấy đói”…]

Vâng, là chúng ta, nếu có quyền phép, chắc hẳn ta sẽ trổ tài cho satan nể mặt, phải không, thưa quý vị!

Thế nhưng, với Đức Giê-su, thật không may cho têm cám dỗ, Ngài không phải là kẻ “háu đói”… (như sự háu đói của Esau xưa, hậu quả là mất chức trưởng nam về tay Gia-cóp).

Hôm đó, rất tỉnh táo, Ngài đã lớn tiếng quát thẳng vào mặt satan rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
Và, quả thật, chính nhờ  vào “mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”, Đức Giê-su đã làm cho quỷ thất bại trong phi vụ cám dỗ thứ hai.

Ở phi vụ thứ hai, “quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ”. Rất xảo quyệt, y dùng ngay chính lời Kinh Thánh để lèo bịp Đức Giê-su. Y nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Đức Giê-su đã làm gì? Thưa, Ngài dùng chiêu  “gậy ông đập lưng ông”. Hôm ấy, Đức Giê-su dùng ngay “cây gậy” Kinh Thánh đập gãy lời thách thức đầy kiêu ngạo của satan, rằng: “Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.

Bị hai cú “rờ ve” bất ngờ, thế nhưng tên cám dỗ vẫn không nao núng. Nó tiếp tục cám dỗ Đức Giê-su. Lần này, Satan tung chiêu độc, y mang “quyền lực, danh vọng, vinh hoa lợi lộc”, làm mồi nhử. Nó nhử Đức Giê-su: “Nếu ông sấp mình bái lạy tôi… tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó…”

Sấp mình bái lạy Sa-tan sao! Ôi! đó là việc không tưởng. Đức Giêsu, người vừa mới được chính Thiên Chúa Cha xác nhận tại sông Giodan rằng: “Con là Con của Cha”. Con là Con của Cha…  có lẽ nào lại từ chối thờ phượng Người.
Đáp lại lời mời mọc đầy quyến rũ, Đức Giê-su nói: “Satan kia, xéo đi. Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy  Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Ba lần cám dỗ đều được sa-tan nguỵ trang kín đáo bằng những lời phỉnh nịnh “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Ba lần cám dỗ satan lấp liếm bằng những trích đoạn kinh thánh rất tinh vi:  “vì đã có lời chép rằng” v.v… và v.v… Tiếc thay, tất cả sự phô diễn đó đều không khuất phục được Đức Giê-su. Không khuất phục được, là bởi, Ngài có bửu bối “Thánh Kinh – Lời Chúa”.

** 
Thật ra, Đức Giêsu không non-tay-ấn. Không dùng quyền phép “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” là bởi, nếu có làm ra, thì thứ bánh đó “ăn rồi cũng chết”. 

Điều Đức Giêsu sẽ “truyền”, sau này, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Một tấm bánh và một chén rượu để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.

Thách thức Ngài đứng đây mà gieo mình xuống ư! Không, Đức Giêsu đến thế gian không phải để biểu diễn ảo thuật. Ngài đến để dạy “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Sa-tan đã lầm lẫn giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa và một màn biểu diễn hô biến nhuốm mùi “mãi võ Sơn Đông”.

Đức Giêsu không sập bẫy trước chiêu “khích tướng” của Satan “nếu ông là Con Thiên Chúa”.

Đúng, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”.  Vào hoang địa, Đức Giêsu mở trường “dạy Kinh Thánh”.

Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã làm sáng tỏ đâu là chân lý, đâu chính “Là Đường, là Sự thật và là Sự sống”.

Nói tắt một lời, qua những cơn cám dỗ đó, Đức Giêsu đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc, rằng “Kinh Thánh - Lời Chúa” chính là vũ khí,  là sức mạnh, là bửu bối, để con người “chế ngự  cơn cám dỗ”.

***
Giống như thời ông Gióp, ngày nay chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ liên lỉ. Khác một điều, satan thời @ ngày nay, cám dỗ con người tinh vi hơn xưa, xảo quyệt hơn xưa, rất nhiều.

Thời buổi kinh tế khó khăn, muốn kế hoạch hóa gia đình ư! Cứ tự nhiên “hút điều hòa kinh nguyệt”, chứ nào có phải là “phá thai”! 

Làm suốt cả tuần vẫn không đủ ăn ư! Thì cứ tự nhiên “tranh thủ làm đêm, làm thêm Chúa Nhật”, chứ nào có phải là vi phạm điều răn thứ ba!

Hôm nay, thứ tư ăn chay kiêng thịt, thì ăn tôm hùm, chứ nào có phải là ta “mê ăn uống”?

Toàn là những lời cám dỗ có cánh,  đầy mỹ từ, rất thuyết phục.

Làm thế nào để nhận ra những lời cám dỗ, nhuốm giọng điệu lừa phỉnh này? Thưa, thánh Phao-lô có lời khuyên: “hãy cầm gươm của Thần Khí ban cho , tức là Lời Thiên Chúa”.

Đúng vậy, nếu chúng ta nghe và tuân giữ lời Đức Giê-su truyền dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, liệu chúng ta có “sa vào những chước cám dỗ” nêu trên!

Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: đời sống tâm linh của tôi, ngoài việc được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể, có còn được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa (Thánh Kinh)?”

Nói cách khác, tôi đã có một quyển  Kinh Thánh cho mình? Tôi có đọc Kinh Thánh mỗi ngày? Tôi có xem Kinh Thánh như là “ngọn đèn soi ta bước… là ánh sáng chỉ đường ta đi?”
Nếu có, hãy để “Lời Thiên Chúa  ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng” (x.Rm, 10, 8). 

Bởi vì, khi “bửu bối Lời Chúa” ở gần chúng ta, ngay trên miệng chúng ta, ngay trong lòng chúng ta, bất cứ một tên cám dỗ nào bén mảng đến gần chúng ta, gươm-của-Thần-Khí sẽ giúp chúng ta “chế ngự cơn cám dỗ”.

Đừng chần chờ gỉ nữa, hãy có  một quyển Kinh Thánh, như là quyển sách gối đầu giường của mình, ngay hôm nay, bạn nhé. Bởi vì, Lời Chúa chính là “bửu bối chế ngự cơn cám dỗ”.

Petrus.tran


Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...