Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Ai ăn… Tôi sẽ cho.


Chúa Nhật XX – TN – B

Ai ăn… Tôi sẽ cho.

Là tín hữu Công Giáo, chúng ta được dạy rằng: Đạo Đức Chúa Trời  có bảy phép bí tích. .Thứ nhất là  bí tích Rửa tội. Thứ hai  là bí tích Thêm sức. Thứ ba là bí tích Mình Thánh Chúa. Thứ bốn là bí tích Giải tội. Thứ năm là bí tích Xức dầu thánh. Thứ sáu là  bí tích Truyền chức thánh. Thứ bảy : là bí tích Hôn phối .

Trong bảy bí tích, có thể nói rằng: bí tích Mình Thánh Chúa (Thánh Thể) chính là bí tích của “trung tâm điểm đời sống đức tin” của mỗi người Công Giáo chúng ta.

Khi nói tới Bí Tích Thánh Thể (Mình Thánh Chúa), Lm Charles E.Miller chia sẻ: “Số lượng sách viết về Bí Tích Thánh Thể còn nhiều hơn cả sáu bí tích kia gộp lại, món quà kỳ diệu này của Thiên Chúa quả hết sức phong phú. Từ Eucharist – Thánh Thể - còn có nghĩa là tạ ơn, nhắc đến hành vi thánh lễ. Thế nhưng, nếu có một từ phải được gắn liền với Thánh Thể, thì hẳn đó là sự sống”.

Ngài Lm, chia sẻ tiếp: “…Trong Bí Tích này, Chúa Giê-su tự hiến mình làm hy lễ dưới hình bánh và hình rượu – thức ăn thức uống – bởi lẽ Người là của dinh dưỡng thiêng liêng cho sự sống phần hồn của chúng ta”.

Không phải tự nhiên mà Lm Charles E.Miller chia sẻ như thế. Chính Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài đã tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. 

**
Vâng, lời tuyên phán này  được thánh Gio-an ghi lại trong bối cảnh như sau: Hôm ấy, sau nhiều ngày qua lại Biển Hồ Galilê rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu trở về Caphacnaum.

Đây không phải là lần đầu tiên Ngài đến đây. Nhớ, lần trước, khi đến Ca-pha-na-um, Đức Giê-su đã gây sửng sốt cho mọi người qua việc chữa lành một kẻ bại liệt.

Còn hôm nay, vị thần y Giê-su đã không đặt nặng việc chữa bệnh “phần xác”, nhưng là chữa bệnh “phần hồn”. Nói rõ hơn, Ngài muốn gửi đến mọi người một chân lý mới, đó là sự cứu rỗi, một sự cứu rỗi mang đến “sự sống đời đời”.

Vâng, trong ba năm rao giảng Tin Mừng, hai trong số những lời rao giảng được Đức Giêsu đặt trọng tâm chính, đó là “sự cứu rỗi” và “sự sống đời đời”.   

 Về “sự cứu rỗi ”, qua cuộc đàm luận với ông Nicôđêmô, Ngài đã tỏ bày rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Thế còn “sự sống đời đời”! Đức Giêsu đã nói gì?  

Xin thưa, hôm đó, bầu khí trong hội đường ở Caphacnaum chẳng khác nào một đàn ong vỡ tổ khi nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống”.

Bánh từ trời xuống ư! Có thể nói, lời tuyên bố này đã đưa Đức Giêsu vào tình trạng “tứ bề thọ địch”.

 Xưa nay, có bánh nào từ trời xuống ngoài “man-na”! Và có ai đã dám nói  “Bánh tôi bạn tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).?

Nhiều lời tranh luận đầy nghi ngờ của người Do Thái vang lên: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.

Dẫu vậy, Đức Giêsu vẫn dõng dạc tuyên phán: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời…”.

***
Chúa Nhật hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe lại lời tuyên phán của Đức Giê-su khi xưa: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.

Vâng, hôm nay, có lẽ không còn cần thiết để thêm gì nữa, có lẽ không cần tranh luận gì nữa về lời Đức Giêsu đã tuyên phán. Bởi vì “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Vấn đề là chúng ta có đáp lời mời gọi của Thiên Chúa rằng: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế” hay không? (x.Cn 9, 5)

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng hãy nhớ rằng, vì mình còn là một con người Ki-tô hữu, thế nên, chúng ta không chỉ nuôi dưỡng thể xác qua việc ăn uống thường ngày, mà còn phải nuôi dưỡng linh hồn nữa.

Về điều này, Lm. Charles E. Miller có lời dạy: “Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được sinh ra trong nước và Thần Khí, như con cái của Thiên Chúa. Ngài là Cha chúng ta, và ta được thông dự vào sự sống thần linh của Ngài. Để duy trì sự sống này trong chúng ta, mọi người đều cần có một loại thức ăn dinh dưỡng  thiêng liêng, và Thiên Chúa là Cha ban cho ta thứ báu trọng nhất có thể: Mình và Máu của chính Con Ngài”.

Vâng, ngài Lm Charles không “tưởng tượng” đâu! Bời, chính Đức Giê-su đã tuyên phán: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.

Chính vì thế, hôm nay, vâng theo lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”,  Giáo Hội - qua Bí Tích Thánh Thể,  tiếp tục mời gọi mỗi chúng ta hãy đến bàn Tiệc Thánh:  “Cầm lấy mà ăn… Ăn Chúa”.

Hãy nhớ rằng, chính việc ‘”Ăn Chúa” (có Chúa trong ta), sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để vượt qua những thách thức của những cơn cám dỗ. Đức Giê-su như một điển hình. Vâng, hôm ấy, hôm ở trong hoang địa ăn chay suốt bốn mươi đêm ngày, nhờ “tràn đầy Thánh Thần” (có Chúa), Ngài đã chiến thắng tất cả những thách thức satan đem tới.   

Chưa hết, chính việc tham dự bữa tiệc Thánh Thể, Lm.Charles E. Miller chia sẻ cảm nghiệm của mình rằng: “(Nó) là sức mạnh giúp ta vượt qua hệ quả của tội và chữa lành hẳn các vết thương”.

Vâng, trong suốt cuộc đời Ki-tô hữu của mình, thánh Phao-lô cũng đã có một trải nghiệm rất đáng để chúng ta noi theo, đó là: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi”(Gl 2, 20).
Làm thế nào để có được sự trải nghiệm này? Thưa, hãy tham dự “Bí Tích Thánh Thể”, hằng ngày. Hãy “Ăn Chúa” hằng ngày.

Cuối cùng, “Bí Tích Thánh Thể - Ăn Chúa”, như đã trích dẫn ở trên, đồng nghĩa với “Sự Sống”. Sự sống này không phải là sự sống mà ta đang sống. Sự sống này không kết thúc bằng cái chết.

“Sự sống” này, nhờ “ăn Chúa”, giúp chúng ta “thông dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa”, một sự sống được chính Đức Giê-su hứa ban: “Ai ăn… sẽ được sống muôn đời” (x.Ga, 6, 58)  

Ai sẽ ăn…! Ai đó là tôi? Ai đó có tôi? Vâng, câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Nhưng đừng quên, Đức Giê-su có lời hứa rằng: “Ai ăn…. tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.

Vâng, Chúa Giê-su đã phán hứa: “Ai ăn… Tôi sẽ cho”.

Petrus.tran








Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2018

Ai tin thì được...


Chúa Nhật XIX – TN – B
Ai tin thì được...

Có một nhà truyền giáo nói: Nếu toàn bộ các sách Kinh Thánh bị thất lạc hay bị một vị bạo chúa nào đó đốt bỏ, mà chỉ còn giữ lại được một câu trong Tin Mừng thánh Gio-an (3, 16), thì cũng đủ để cho mọi người biết Thiên Chúa là ai.

Thiên Chúa là ai ư! Thánh Gio-an cho biết: Thiên Chúa là tình yêu. Người “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Mà thật vậy, hơn hai mươi thế kỷ đã trôi qua, Thiên Chúa, qua Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô đã đến thế gian. Đến thế gian, Ngài không chỉ chịu nạn chịu chết để cứu độ nhân loại, mà còn ban cho nhân loại một thứ lương thực “thường tồn đem lại phúc trường sinh”.

**
Vâng, sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Nazareth, Đức Giêsu bắt đầu ra đi rao giảng Tin Mừng. Bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Ngài, lập tức nơi đó đông đảo dân chúng kéo đến đi theo. Họ đến từ khắp mọi miền Palestina, từ Galilê, Giuđê, Giêrusalem và cả vùng phụ cận bên kia sông Gio-đan.

Họ đến không chỉ “để nghe Người giảng dạy” mà còn để xin Đức Giêsu “chữa lành bệnh tật”. Thật vậy, khi “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ và xin Người cho họ… được khỏi” (Mc 6, 56).

Thế nhưng, theo là vậy, nghe là vậy… không phải ai đến với Đức Giêsu cũng đều tin và đón nhận lời giảng dạy của Ngài. Đã có một số người, điển hình là nhóm Pharisêu, luôn rình rập tìm dịp Đức Giêsu giảng những gì họ cho là “trái khoáy” hầu để chất vấn, công kích và phản đối.

Sự kiện Đức Giêsu chữa một người đau ốm ở bên hồ nước tại Bet-da-tha là một ví dụ điển hình. Hôm đó, sau khi Đức Giêsu chữa một người bất toại ba mươi tám năm được khỏi thì giữa Ngài và những người Do Thái đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt.

Có sự ganh tỵ giữa người được chữa lành và người không được chữa lành chăng? Xin thưa, không thấy thánh sử Gioan nói tới và đó cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến việc tranh luận. Nguyên nhân chính, đó là người Do Thái nuốt không trôi lời Đức Giêsu đã nói rằng, “Thiên Chúa là Cha của mình” (Ga 5, 18).

Vâng, thật khó để mà công nhận một người tự nhận là “Con Thiên Chúa” mà lại cứ vi phạm luật ngày sabát. Và tất nhiên, là họ tức giận, giận đến nỗi muốn “tìm cách giết Đức Giêsu”.
Sự tức giận đó âm ỉ như một lò thuốc nổ, để rồi ít lâu sau đó, tại Caphacnaum, sự tức giận đó nổ bùng lên, khi họ, một lần nữa, lại phải nghe những lời mà họ cho rằng rất vô lý từ Đức Giêsu.

Hôm đó, Đức Giêsu tuyên bố rằng “Tôi là bánh từ trường sinh”.

Lời tuyên bố của Đức Giê-su đã tạo ra một sự kinh ngạc nơi dân chúng. Và, họ đã xầm xì với nhau, rằng: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao?... Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 41-42).

Với Đức Giê-su, bất chấp những lời xầm xì phản đối, Ngài vẫn nói lên thông điệp từ trời, một thông điệp của tình yêu, rằng: “Thật tôi bảo thật với các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”.

Người Do Thái hồi đó không tin, và Đức Giê-su không vì thế mà rút lại lời tuyên bố, Ngài khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).
***  
Đức Giê-su không rút lại những gì mình tuyên bố. Tại bữa Tiệc Ly, một bữa tiệc đánh dấu việc chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn, trong bữa ăn đó, “Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho môn đệ và nói: Anh  em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh  em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28)

Vâng, rất rõ ràng trong từng lời nói, không một ẩn ý gì.

Lm. Charles E. Miller, với chân lý này,  ngài chia sẻ như sau: Chẳng có lời nào có thể bộc trực hơn. Không thuật ngữ nào có thể rõ ràng hơn. Cũng chẳng có chuyện lập lờ nước đôi. Đức Giê-su không nói bánh ấy “giống như” hoặc “ám chỉ” thịt của Người, mà nói rõ mồn một “bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Ngài Charles E. Miller nói tiếp: “Làm trọn lời hứa của mình trong đêm trước khi chịu nạn, Chúa Giê-su đã lập ra Bí Tích Thánh Thể cho các Tông Đồ, cho mọi thế hệ đã và sẽ theo bước các ông, cho đến tận thế”.

Cuối cùng vị linh mục mời gọi: “Khi cầu xin ơn lương thực hằng ngày, ta không chỉ cầu xin thứ bánh giúp duy trì sự sống đời này, mà còn thức ăn trên trời vốn sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời sau. Anh chị em chớ lầm lẫn, nhưng hãy giữ vững niềm tin Công Giáo của mình”.

Một lần nữa, chúng ta hãy nghe lời Đức Giêsu tuyên phán, “Tôi là BÁNH HẰNG SỐNG từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Giáo Hội Công Giáo luôn trung thành với niềm tin này. Trong thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội, qua vị linh mục, vẫn luôn cất tiếng loan báo cho mọi người biết rằng: “Đây là mầu nhiệm đức tin” cùng với lời mời gọi: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”

Chúng ta tin và sẽ đến, mỗi ngày, mỗi tuần? Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta.

Nhưng, đừng quên, Đức Giêsu khẳng định: “Thật, tôi bảo thật, ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6, 47)

Vâng,  “Ai tin thì được”.

Petrus.tran





Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Bảo người ta ngồi xuống đi…


Chúa Nhật XVII – TN – B

Bảo người ta ngồi xuống đi…

“Thiên Chúa là tình yêu”, tông đồ Gio-an nói: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta  được biểu lộ như thế này… không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”.

Kinh Thánh nói rất nhiều về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Và, khi Đức Giê-su xuống thế làm người, tình yêu của Thiên Chúa qua những dấu lạ hay phép lạ do chính Ngài thể hiện, luôn là một tình yêu “đi bước trước”.

Câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều” được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an, như một điển hình.
**
Theo tông đồ Gio-an, chuyện được kể lại rằng: Sau sự kiện nói về công việc của mình sẽ phải làm cho một số người tại Ga-li-lê nghe, “Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Galilê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a”.

Đến nơi, “Đức Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ”. Và, từ trên núi cao: “Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”.

Vâng, hôm ấy, có cả một rừng người trùng trùng điệp điệp đi theo Người. Đi theo Đức Giê-su, bởi vì “họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (x.Ga 6, 2).

Trước cảnh tượng đó, mười hai người môn đệ không thể không ngỡ ngàng, ngỡ ngàng là bởi, việc Thầy và trò “lên núi” rất âm thầm và kín đáo… thế mà không hiểu vì sao nhóm người đông đảo này lại biết và lại kéo đến vây quanh.

Có lẽ, có lẽ… một ai đó trong các ông đã phải cất tiếng “than ôi!”.

Vâng, phải than ôi thật. Than ôi là bởi khi Đức Giê-su nhìn thấy hình ảnh “đông đảo dân chúng đến với mình”,  Ngài chạnh lòng thương xót, thương xót vì họ “như đàn chiên không người chăn dắt”.

Thế nên, hôm ấy, là một con người luôn động lòng trắc ẩn, không chần chờ, Đức Giê-su hỏi ông Phi-lip-phê “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” (Ga 6, ...5)

Mua đâu ư, Thầy ơi! Phi-lip-phê khổ sở trả lời: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”.
Và hơn nữa, hai trăm quan… một số tiền không nhỏ, các ông lại là những kẻ  đã “bỏ hết mọi sự mà đi theo Thầy”, thì lấy đâu ra tiền, dù chỉ là một quan!

Không thấy thánh sử Gio-an, cũng là một nhân vật hiện diện hôm đó,  nói gì, nhưng có lẽ trong số các môn đệ, có người sẽ lẩm bẩm rằng: Thầy sao vậy! Thầy từng chỉ thị cho chúng con “ra đi” không được mang gì… không mang bao bị, lương thực, tiền bạc v.v… nay lại bảo “mua đâu ra bánh cho họ ăn”… tiền đâu chúng con mua!

Vâng, có lẽ cũng có người rất mong đợi một lệnh truyền mới của Thầy Giêsu, rằng Ngài sẽ truyền cho họ “hãy xuống thuyền đi nơi khác”.

Thế nhưng, Đức Giêsu đã không nghĩ như thế. Bởi vì đó là “tư tưởng của loài người”. Với Ngài, bản chất của Con Một Thiên Chúa, là lòng trắc ẩn, là “Agape”, là tình yêu thương vô điều kiện.

Hôm đó, với một tâm tình yêu thương, với một tấm lòng luôn bày tỏ lòng trắc ẩn, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng, “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi” (Ga 6, 10)

***
Bảo người ta ngồi xuống đi ư! Vâng, hôm ấy, đối với các môn đệ, có phần chắc, các ông nghĩ đây là một lệnh… “lạc”. Lạc là bởi như ông An-rê đã cho biết rằng “ở đây… có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu” (Ga 6, 9).

Với sự kiện này, cả ba thánh sử Matthêu, Máccô và Luca đều cho biết các môn đệ đã gợi ý với Đức Giêsu rằng “xin Thầy cho dân chúng về…”

Ôi! Tệ thật. Chắc hẳn các môn đệ đã quên rằng, đối với Thiên Chúa, “trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối của Ta cao hơn của các ngươi và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9)

Đúng vậy, khi Đức Giê-su “nói như thế…” là muốn “để thử… chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (Ga 6, 6).

Với quyền năng của mình, hôm đó, Đức Giêsu “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó”. (Ga 6, 11)

Và, thật kỳ diệu, phép “thử” của Đức Giê-su đã cho một kết quả, một kết quả mà không ai ngờ tới. Theo thống kê được biết: “nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn”, chưa tính đàn bà và trẻ em.

Theo thánh Mát-thêu, cũng là người có sự hiện diện hôm đó, cho biết: “ai nấy đều ăn và được no nê”.
Chưa hết, chuyện được kể rằng: “Khi họ đã no nê rồi… (người ta) đã thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch ăn còn lại và chất đầy được mười hai thúng”.

Trước phép lạ này, mọi người đều nghĩ rằng, Đức Giê-su “hẳn… là vị ngôn sứ”. Phần Đức Giê-su, tông đồ Gio-an cho biết: “Người lánh mặt, đi lên núi một mình”.

****
Chúng ta vừa được nghe lại câu chuyện “Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, qua câu chuyện này, lời khuyên nào sẽ được gửi đến mỗi chúng ta?

Phải chăng, đó là hãy biết chia sẻ tình yêu thương? Phải chăng, đó là hãy biết tỏ bày lòng trắc ẩn? Phải chăng, đó là hãy biết đóng góp một-chút-gì-đó (giống như một chút gì đó của năm con cá và  hai chiếc bánh), cho một thế giới đói khát, hôm nay?

Thưa, đúng vậy. Thế giới chúng ta đang sống, là một thế giới còn rất nhiều người đói: không chỉ đói ăn, đói mặc, (thuộc thể), mà còn đói công bằng, đói chân lý, đói sự thật, đói tình thương,  đói Lời Chúa (thuộc linh).

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải tiếp tục công việc của các môn đệ xưa, đó là, hãy thực thi lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”.
Bảo người ta ngồi xuống, tất nhiên, chúng ta phải cho họ ăn. Không chỉ cho họ ăn  phần “thuộc thể” mà, quan trọng hơn, còn cả phần “thuộc linh”  nữa.

Làm sao để có cái gì đó để xóa tan cơn đói thuộc thể? Thưa, chỉ cần một chút hy sinh, một chút tiết kiệm, là chúng ta có thể làm được.

Thế còn để xóa tan cơn đói thuộc linh, những cơn đói sẽ làm cho chúng ta “chết linh hồn”! Thưa, chúng ta chỉ cần:  biết chia sẻ tình yêu thương, biết tỏ bày lòng trắc ẩn, nói cách khác, biết chia sẻ một-ít-gì-đó, để tạo nên một tấm bánh, một tấm bánh có thể xóa tan những cơn đói: bạo lực, hận thù, dâm bôn, nóng giận, ganh tỵ, say sưa chè chén v.v…

Vâng, chỉ cần chia sẻ một ít miếng bánh của “hiền hòa và khiêm nhường”, là những chiếc bánh  mang tên “Chúa Thánh Thần”, chúng ta sẽ có thể xóa tan “cơn đói bạo lực, cơn đói nóng giận”, một loại đói mãn tính của nhân loại, hôm nay.  

Chỉ cần chia sẻ một ít miếng bánh của “trung tín và tiết độ”, cũng là những chiếc bánh  mang tên “Chúa Thánh Thần”

chúng ta sẽ có thể xóa tan “cơn đói dâm bôn, cơn khát say sưa chè chén”, những cơn đói, cơn khát rất có thể, mỗi chúng ta đã hơn một lần gặp phải.

Thế nên, hãy tự hỏi: chúng ta có “năm con cá và hai chiếc bánh?” Nói rõ hơn,  chúng ta đã có những chiếc bánh mang tên “Chúa Thánh Thần”?

Nếu chưa, hãy đến một ngôi nhà, ngôi nhà đó chính là ngôi “Nhà Thờ”. Nơi đó có Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ chúng ta sẽ được lãnh nhận một loại men, loại men mang tên “Thánh Thể và Thánh Kinh”. Chính loại men này giúp chúng ta sản xuất ra những loại bánh mang tên Chúa Thánh Thần.

Hãy nhớ, chỉ có loại bánh mang tên Chúa Thánh Thần, mới có thể xua tan những cơn đói khát nêu trên. Chỉ có loại bánh này, chúng ta mới đủ thực lực để thực hiện lệnh truyền của Đức Giê-su: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi”.

Là một Ki-tô hữu,  chúng ta phải tích trữ loại bánh này. Chúng ta phải tiếp tục thực hiện lời truyền của Đức Giê-su.

Vâng, chúng ta chính là người “…bảo người ta ngồi xuống đi” .

Petrus.tran















Xin cho con thứ bánh ấy…


Chúa Nhật XVIII – TN – B

Xin cho con thứ bánh ấy…

Sinh-lão-bệnh-tử… một vòng tuần hoàn, không ai trong chúng ta lại không phải đối diện. Khi nói tới “sinh tử”, có thể nói rằng, đó là nỗi băn khoăn, trăn trở suốt chiều dài lịch sử con người.

Đã có không ít người, (nhất là các vị vua chúa ngày xưa và những quan  tham ngày nay), đau đáu với những ước mơ làm thế nào để có thể trường sinh bất tử. Không… Không bao giờ ước  mơ đó có thể thành hiện thực. 

Niềm tin Ki-tô giáo cho chúng ta biết rằng: vì nguyên tổ là Adam và Eva phạm tội bất trung, cho nên hai ông bà đã bị Thiên Chúa đoán phạt. Hình phạt đó, chính là sự chết. Vì tội nguyên tổ, cho nên con người, ai ai cũng đều phải chết.

Tuy nhiên, như lời Kinh Thánh nói, Thiên Chúa “ không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (x.Ed 18, 23).

Và rồi, để thể hiện lòng thương xót, Thiên Chúa  “…đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. “Con của Người”, chính là Đức Giê-su Ki-tô, hơn hai mươi thế kỷ trước, đã đến thế gian.

Đến thế gian, Đức Giê-su đã loan báo cho thế gian biết về một Tin Mừng cứu độ, một Tin Mừng cứu độ đem đến cho thế gian “phúc trường sinh”.

Ca-phác-na-um,  chính là nơi đã được Ngài loan báo Tin Mừng này.  và thánh sử Gio-an, đã ghi lại như sau:

**

Vâng, chuyện được ghi lại, rằng: Hôm đó, sau biến cố hóa bánh ra cho năm ngàn người ăn, Đức Giê-su đã lánh mặt, đi lên núi một mình. Lên núi, vì Ngài “biết họ sắp bắt mình đem đi mà tôn làm vua”. 

Riêng nhóm môn đệ thì họ xuống bờ Biển Hồ, rồi xuống thuyền đi về phía Ca-phác-na-um, bên kia Biển Hồ. Và rồi một đêm trôi qua. Một đêm trôi qua, Thầy và trò cứ tưởng rằng không còn ai đến quấy rầy nữa.

Thực tế thì không phải vậy. Hôm ấy, (tức là hôm sau của biến cố phép lạ), bờ Biển Hồ lại nhốn nháo một rừng người. Một rừng người nháo nhác tìm kiếm Đức Giê-su.

Than ôi! Ngài đã đi rồi… Trong niềm nuối tiếc đó, họ lập tức cùng nhau “xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người”.

Đi tìm Đức Giê-su ư! Để làm gì? Không thấy thánh sử Gio-an cho biết, chỉ thấy ngài ghi rằng: Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?”

Vâng, một câu hỏi xem ra rất tự nhiên. Thế nhưng, với Đức Giê-su thì khác. Cái khác đó là, họ hỏi là thế, thế nhưng tâm can của họ, là một tâm can nặng phần thế gian. Thế nên, hôm ấy, Đức Giê-su đã trách họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”.

Mặc cho đám đông đang còn kinh ngạc về lời nhận xét đó, Đức Giê-su tiếp lời truyền dạy, rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x Ga 6, 27).

Hôm ấy, sau khi nghe những điều Đức Giê-su nói, đám đông dân chúng nhao nhao lên chất vấn Ngài. Họ chất vấn đủ điều, nào là: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?”. Nặng nề nhất, là lời chất vấn, rằng: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”

Vâng, không thể tin được về những lời chất vấn đó. Thế là, cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu, đã không có tiếng nói chung. Đức Giê-su đã không thể thỏa lòng họ, là những kẻ, chỉ nghĩ đến những chuyện liên quan tới  “bánh trần gian”.

Theo như điều họ mong đợi, đó là, phải chi Đức Giê-su là Mô-sê tái thế, một Mô-sê đã xin Thiên Chúa cho họ ăn man-na trong sa mạc, (một thứ bánh ăn rồi cũng phải chết).  

Đó là một sự mong đợi sai lầm. Sứ điệp Đức Giê-su muốn gửi đến họ, (cũng như cho chúng ta hôm nay), đó là sự nhận biết về một sự sống “trên trời”. Sự sống đó phải được nuôi dưỡng bởi “bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.
Bánh đó, không phải là loại bánh được cung cấp bởi một “lò bánh” nào đó ở thế gian này. Nó được cung cấp từ chính Đức Giêsu. 

Vâng, hôm ấy, chính Đức Giê-su đã dõng dạc tuyên bố trước cử tọa rằng: “Chính tôi là bánh trường sinh” (x.Ga 6, 35).

***
“Chính tôi là bánh trường sinh”. Đức Giê-su đã tuyên bố như thế.

Thưa bạn, bạn muốn được “nếm và biết” loại bánh này, chứ? 

Hay, chúng ta lại thích những loại bánh do những “lò bánh” của thế gian sản xuất, những loại bánh được nhồi bởi những loại bột-dâm-bôn, bột-phóng-đãng, bột-hận-thù, bột-bất-hòa, bột-chia-rẽ, bột-bè-phái, bột-ganh-tỵ, bột-say-sưa-chè-chén v.v…?

Hay chúng ta lại thích thưởng thức những loại “bánh vẽ”, những loại bánh dán mác chủ nghĩa duy vật – vô thần,  trông thì đẹp nhưng ăn thì chát đắng, những chát đắng của bất công và bạo lực, của thờ ơ và lãnh đạm, của dối trá và lừa bịp v.v…

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, những kẻ    “ăn” bánh được nhồi bởi những loại bột (nêu trên), thánh Phao-lô nói: “sẽ không được thừa hưởng Nước Trời”. 

Chúng ta là những con người có hồn có xác. Để nuôi dưỡng thể xác, chúng ta phải ăn, nếu không ăn, chúng ta sẽ chết. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: “Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn”. Và, đừng quên lời Kinh Thánh đã dạy: “Người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng còn nhờ vào lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Và, như lời thánh Augustino nói: "Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người"

Thì, hôm nay, cũng vậy trước lời mời gọi của Đức Giê-su: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi…không hề phải đói” , chúng ta cũng cần “phải đến” với Ngài…

Muốn “không hề phải đói”, phải đến với Đức Giê-su, và nói với Ngài: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”.

Nói rõ hơn, nếu chúng ta muốn được hưởng phúc-trường-sinh, phải đến trước bàn Tiệc Thánh Thể và nói: Lạy Chúa, “xin cho con thứ bánh ấy”.

Petrus.tran





Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...