Chúa Nhật XXVI – TN – B
Đừng ngăn cản người ta…
“Cáo
mượn oai hùm”. Có lẽ, mỗi khi thành ngữ này được nói đến, chắc hẳn không ai
trong chúng ta lại không cười thầm mà nói: Ồ! Đó là hành động của kẻ tiểu nhân,
không lương thiện.
Mà, thật vậy, làm sao có thể gọi đó là việc làm của
một bậc quân tử. Chuyện thời xưa kể rằng: “Tại một khu rừng nọ, có một con hổ bắt
được một con cáo. Khi hổ định ăn thịt cáo, cáo liền gầm lên và nói: ‘Ngươi làm
sao dám ăn thịt ta. Thượng Đế đã ra lịnh cho ta làm thủ lĩnh bách thú, thống
soái muôn chim, nếu ngươi ăn ta, tất ngươi sẽ bị trời trừng phạt. Ngươi không
tin sao? Vậy thì ngươi hãy ở sau lưng ta, và cùng đi với ta. Rồi ngươi sẽ thấy,
chẳng con thú nào khi thấy ta mà không quay lưng bỏ chạy’. Hổ cả tin, liền đi
sau cáo. Quả nhiên, muôn thú nhìn thấy cáo, liền quay đầu bỏ chạy”.(nguồn:
internet)
Hổ đâu biết rằng, muôn thú bỏ chạy là sợ hổ, chứ đâu
phải vì sợ cáo. Câu chuyện ngụ ngôn này cho ra đời câu “Hổ giả hổ uy”. Hay cũng
được nói là “cáo mượn oai hùm”.
Theo câu chuyện nêu trên, thì, mượn oai, mượn danh,
lấy danh người khác, đúng là hành động của những kẻ cơ hội, bất lương, tiểu
nhân.
Các môn đệ của Đức Giê-su xưa, cũng đâu có hoan nghênh những kẻ như thế. Đã
có lần các ông phát giác có kẻ “lấy danh Thầy” mình, thế là các ông liền nộ khí
xung thiên, ra sức ngăn cản.
Tuy nhiên, với Đức Giê-su, quan điểm của Ngài đối với
những kẻ như thế, có phần khác. Khác như thế nào? Thưa, hãy trở về với Tin Mừng
thánh Mác-cô (x.Mc 9, 38-48), chúng ta sẽ biết được quan điểm của Đức Giê-su,
như thế nào.
** Vâng, câu
chuyện được kể rằng: hôm đó, có một người môn đệ tên là Gio-an, đại diện cho
nhóm Mười Hai, đến với Đức Giê-su và nói với Ngài, trong tâm trạng “khó chịu…
ghen tỵ”, rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy
có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ” (x.Mc 9, 38).
Tại sao các ông lại “khó chịu… ghen tỵ” về chuyện
này? Phải chăng, các ông đã nghĩ rằng, chỉ những ai được Đức
Giêsu ban cho “quyền trừ quỷ”, như chính các ông đã được “sai đi rao giảng với
quyền trừ quỷ”, thì mới được “xuất chiêu” trừ quỷ?
Về chuyện này, không thấy thánh sử Mác-cô nói đến.
Thế nhưng, có một chuyện, một chuyện chúng ta có thể suy đoán rằng, các ông rất
bực dọc, và sự bực dọc đó đã được đổ dồn vào những lời tường trình của các ông
với Đức Giê-su. Hôm ấy, các ông đã tường
trình với Ngài rằng: “Chúng con đã cố ngăn cản vì người ấy không theo chúng
ta”.
Trước lời tường trình của các ông, Đức Giê-su đã phản
ứng ra sao? Thưa, rất hòa nhã. Hôm ấy, Ngài đã bảo rằng: “Đừng ngăn cản người
ta”.
Không
cần biết những người ấy thuộc “giáo phái” nào, và cũng không quan tâm rằng những
người ấy “không theo chúng ta”, Đức Giê-su từ tốn giải thích cho các môn đệ
mình, rằng: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại
có thể nói xấu về Thầy”.
Vâng,
cũng hợp lý thôi. Các môn đệ được Đức Giê-su ban cho quyền trừ quỷ, những người
ấy “lấy danh Ngài” cũng để trừ quỷ thì có lý gì họ “chống lại chúng ta”!
Kết
thúc cho việc giải thích, Đức Giê-su nói với các môn đệ, rằng: “Ai không chống
lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
***
Qua lời tuyên bố (nêu trên) của Đức
Giê-su, có thể nói rằng, Ngài muốn gửi đến cho các môn đệ (và cũng là cho chúng
ta hôm nay) một thông điệp, thông điệp rằng: đừng để thói ghen tỵ chế ngự, vì
nó chính là tác nhân cản trở công việc của Thiên Chúa.
Thánh
Kinh nói rất rõ, Thiên Chúa: “…không về phe với hàng thủ lãnh, không trọng người
giàu, khinh kẻ nghèo; vì tất cả đều là công trình do tay Người tạo ra” (Gióp
34, 19).
Mà,
ai là công trình do Thiên Chúa sáng tạo, nếu không phải là tất cả nhân loại
trên thế gian này! Thế nên, đừng ngạc nhiên khi Đức Giê-su đã không đặt nặng vấn
đề về những người lấy-danh-Thầy đã “theo chúng ta”, hay chưa.
Vâng,
câu chuyện tuy đã xảy ra hơn hai ngàn năm, nhưng có vẻ như nó vẫn đang xảy ra
trong Giáo Hội, trong từng Giáo Xứ, trong từng cộng đoàn chúng ta, hôm nay.
Hôm
nay, vẫn còn một số người giống thánh Gio-an xưa, họ cũng mang tâm trạng khó chịu…
ghen tỵ… và muốn ngăn cản, khi thấy một ai đó (một giáo dân bình thường), được
phép mang Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt.
Hôm
nay, (chuyện này xảy ra ở ngoại quốc nhiều hơn), vẫn còn một số người giống
thánh Gio-an xưa, họ cũng mang tâm trạng khó chịu… ghen tỵ… và muốn ngăn cản,
khi thấy một ai đó (một giáo dân đã lập gia đình), nay được truyền chức phó tế.
v.v…
Hôm
nay, vẫn còn một số người khó chịu và muốn ngăn cản, khi thấy giáo dân “rước lễ
bằng tay”.
Còn…
còn rất nhiều trường hợp, (không tiện nêu ở đây), chỉ vì ghen tỵ và muốn ngăn cản, nên sứ vụ Chúa trao (qua việc sai đi của Giáo
Hội) bị chậm trễ, bị lãng quên, thậm chí bị quăng vào sọt rác.
Đức
Giê-su, hôm nay, nếu phải nghe những lời phàn nàn khó chịu (nêu trên), và nếu
những kẻ phàn nàn đó, có thái độ muốn ngăn cản, có phần chắc, Ngài cũng sẽ nói
rằng: “Đừng ngăn cản người ta”.
Đúng
vậy, đừng-ngăn-cản-người-ta, bởi, như lời Lm. Charles E. Miller chia sẻ, thì:
“Do nhu cầu, một ánh sáng không ngừng tỏa xuống Giáo Hội, rực rỡ hơn nhiều so với
loại mà Thomas Edison đã phát minh. Đây là ánh sáng Thần Khí chiếu rọi lên sự
thật để Giáo Hội nhìn thấy tường tận hơn…”
Rồi,
ngài Miller kết luận: “Thay vì cau có (khó chịu, ghen tỵ) với các chức vụ mới
trong phụng vụ, chúng ta nên cảm tạ Thiên Chúa và cầu xin Ngài tiếp tục đổ tràn
Thần Khí của Ngài trên Giáo Hội”… và trên cả chúng ta nữa.
****
Một ngày nọ, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Mẹ
tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
(Lc 8, 21)
Nhắc
lại lời tuyên bố của Đức Giê-su để làm gì? Thưa, để chúng ta thấy ai mới thực sự
là người theo Chúa, ai mới thực sự (nói theo cách nói của các môn đệ) là người
“theo chúng ta”.
Nhắc
lại lời tuyên bố của Đức Giê-su để làm gì? Thưa, là để chúng ta nếu có khó chịu
và muốn ngăn cản, thì hãy khó chịu và ngăn cản những ai “lấy danh Thầy” nhưng lại
“làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã”.
Còn
nữa, nếu muốn ngăn cản, hãy ngăn cản những gì làm cớ cho mình phạm tội. Vâng,
đây là điều Đức Giê-su yêu cầu. Ngài yêu cầu rằng: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…”. Còn
nữa: “Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi…”. Cuối cùng: “Nếu mắt
anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi…”
Và rồi, Ngài đã kết luận rằng: “Thà
cụt một tay… thà cụt một chân… thà chột mắt… mà được vào cõi sống… mà được vào
Nước Thiên Chúa, còn hơn có đủ hai tay, có đủ hai chân, có đủ hai mắt, mà phải
sa hỏa ngục, mà bị ném vào hỏa ngục”.
Đừng… đừng sợ những lời yêu câu (nêu
trên) của Đức Giê-su. Phải hiểu những lời yêu cầu của Ngài là nói theo cách nói
“nhấn mạnh”. Bởi, nếu không, lịch sử Giáo Hội với hơn hai ngàn năm, chắc hẳn sẽ
có rất nhiều người, có thể có cả chúng ta, cụt tay, cụt chân hoặc mù mắt.
Giờ đây, chúng ta bỏ thêm một
phút, nghe lại lời tuyên bố của Đức
Giê-su: “Mẹ
tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành”.
Hôm
nay, chúng ta sẽ thực hành điều gì đây? Nên chăng đó là hãy xem lại cách hành xử
của mình đối với mọi người chung quanh? Nên chăng, cần cẩn trọng hơn, khi nào
thì chúng ta nên ngăn cản hay không nên ngăn cản, một việc làm của một ai đó,
mà chúng ta nhìn thấy?
Câu
trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, bất cứ ai lấy-danh-Thầy,
lấy-danh-Đức Giê-su để làm một việc gì đó hữu ích cho Giáo Hội, cho xã hội, cho
tha nhân, cho cộng đoàn… Vâng, hãy nhớ : “Đừng ngăn cản người ta”.
Petrus.tran