Thứ Tư, 23 tháng 1, 2019

Người bảo gì, ta cứ việc làm theo…


Chúa Nhật II – TN – C 

Người bảo gì, ta cứ việc làm theo…

Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, quyền năng của Thiên Chúa đã được thể hiện qua các tiên tri, ngôn sứ và cuối cùng qua chính Con Một Người là Đức Giê-su.

Thật vậy, Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã “đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời”, bên cạnh đó, Ngài còn dùng quyền năng để “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân”.

Chuyện được ghi lại rằng: “Danh tiếng Ngài đồn ra khắp sứ Syri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt, và Người đã chữa khỏi”. Ngoài việc làm phép lạ chữa bệnh, Đức Giê-su còn làm nhiều “dấu lạ” thể hiện quyền năng Thiên Chúa. Có một dấu lạ, một dấu lạ được cho là đầu tiên đã được Đức Giê-su thực hiện, và nó đã làm chấn động khắp miền Ga-li-lê. Câu chuyện này được chép lại trong Tin Mừng thánh Gio-an (x.Ga 2, 1-11)

** Câu chuyện được  ghi lại như sau: Tại Cana miền Galile, vào ngày thứ ba, có một đôi uyên ương tổ chức tiệc cưới tại gia. Trong bữa tiệc hôm đó, “có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự” .

Tuy thánh sử Gio-an không đề cập đến, nhưng việc Đức Giê-su cùng thân mẫu Ngài cùng tham dự khiến cho không ít người nghĩ rằng đám cưới này là một gia đình bà con gần của Đức Giê-su.

Nghĩ như thế không sai, không sai, vì thân mẫu Đức Giê-su đã có một việc làm, mà chỉ là người trong nhà, họ mới làm. Thì đây, khi thấy thiếu rượu, Đức Maria liền có lời cảnh báo với Đức Giê-su. 

Rượu, đó là một thứ cần thiết trong đám cưới ở bất cứ thời đại nào. Việt Nam có  câu: “Vô tửu bất thành lễ”. Với người Do Thái ư! Phải nói là “tối cần thiết”.

Gọi tối cần thiết là vì, đối với người Do Thái, trong việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày, họ không uống nước, nước ngọt, hoặc là bia. Họ uống rượu, một loại rượu được ép từ trái nho.

Ngày thường còn như thế, huống chi hôm nay là tiệc cưới. Tiệc chưa tàn mà lại thiếu rượu, thì làm sao mọi người có thể “xin mời anh nâng ly cùng tôi, nào ta cùng uống”!

Vâng, hôm ấy,  chỉ mới là “thiếu rượu”, Đức Maria lập tức nói với Đức Giê-su: “Họ hết rượu rồi”. Và, đúng như là một người thân trong gia đình, Đức Maria nói tiếp với nhóm gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Nhà đám thiếu rượu ư! “Chuyện đó can gì!”. Vâng, Đức Giê-su đã trả lời như thế. Có không ít người nghĩ rằng đây là lời thoái thác của Đức Giê-su. Thế nhưng, thực tế lại là khác. Đức Giê-su không thoái thác.  

Làm sao thoái thác cho được, sau chuyến đi lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua, Ngài trở về sống ẩn dật ở Nazareth. Ngài được biết đến “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn, và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. Vậy hôm nay, tại Cana, lòng ân nghĩa của Ngài với “người ta” cớ gì không được thể hiện thêm một lần nữa sao!

Hôm ấy, lòng ân nghĩa của Đức Giê-su đã làm chấn động toàn cõi Ga-li-lê. Chuyện kể rằng: tại tiệc cưới: “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít”. Đức Giê-su đã bảo họ “Các anh đổ đầy nước vào chum đi”.

Ơ hay! Tiệc cưới thiếu rượu đâu có thiếu nước, cớ sao lại bảo “đổ đầy nước vào chum”, một lệnh truyền rõ là khó chấp nhận. Thế nhưng, vì nhớ đến lời truyền dạy của Đức Maria, nhóm gia nhân tuân theo chỉ thị của Đức Giê-su: “Họ đổ đầy tới miệng”. Sau đó, cũng theo lời Đức Giê-su bảo, họ “múc và đem cho ông quản tiệc”. Kinh ngạc thay! “Khi người quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu mà không biết rượu từ đâu ra” (x.Ga 2, 9)

Cuối cùng thì buổi tiệc cũng được tiếp tục trong niềm vui, mọi người lại tiếp tục “nhấp chén đầy vơi, chúc người người vui”. Vâng, thánh sử Gio-an cho biết: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galile và bày tỏ vinh quang của Người”

*** Có đúng là Đức Giê-su đã làm cho “nước hóa thành rượu”, hay, như một số ít những người “ghét” Chúa, cho rằng, Ngài sai gia nhân bỏ vào nước một loại hóa chất, đại loại như cồn, rồi quậy đều lên, biến thành một loại “rượu cồn”, như ngày nay một số tay bán rượu đểu, vẫn làm?

Trả lời nghi vấn này không khó. Thật vậy, nếu Đức Giêsu dùng thủ thuật này, có phần chắc, vị quản tiệc đã không “gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ” (Ga 2, 10).

Hơn nữa, nếu đó là rượu được chế biến từ cồn, với sáu chum, tương đương với 720 lít, chắc chắn mọi người trong bữa tiệc đó, sau khi uống sẽ “đứt bóng”, mà chết mất. Không, Đức Giê-su đến thế gian là để cứu độ nhân loại, không cứu độ bằng thủ đoạn gian dối, lừa bịp. Người đến là để làm chứng cho “sự thật”, như sau này, Người đã nói trước mặt quan tổng trấn Philato, rằng: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật”.

Có một số người khác, ác ý hơn nữa cho rằng,  phép lạ nước-hóa-thành-rượu là bằng chứng Ngài và các môn đệ của Ngài là một “con sâu rượu”. Thưa không phải vậy. Tưởng chúng ta nên biết, với phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng.

Còn dưới lăng kiếng thần học, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm xấu, ý muốn nói ngay cả Giavê Thiên Chúa cũng không chúc lành cho đôi tân hôn.

Gia-vê Thiên Chúa, qua Con Một Người, hôm đó, đã làm dấu lạ hóa nước thành rượu, trước hết, là để “bày tỏ vinh quang của Người” và sau là, như lời thánh Gio-an kể lại, để “các môn đệ tin vào Người”.

**** Câu chuyện được trình bày (nêu trên) có tên là “Tiệc cưới Cana”. Và, có lẽ, đây không phải là lần đầu chúng ta được nghe đến. Thế nên, hãy tự hỏi, chúng ta có thể học hỏi được điều gì qua câu chuyện này, để áp dụng vào đời sống của chúng ta?

Trước nhất và quan trọng nhất đó là chúng ta có “mời” Đức Giê-su, mời Đức Maria vào những bữa tiệc riêng tư của mình? Nói rõ hơn, tôi có mời Người và Mẹ của Người bước vào đời sống của tôi?

Vâng, là người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, là người đã nhận lãnh Bí Tích Thánh Thể, ai dám nói tôi không “mời” Đức Giê-su vào cuộc đời của tôi! Hôm cử hành lễ cưới, chúng tôi còn được lãnh nhận Bí Tích  Hôn Phối, ai dám nói tôi không “mời” Chúa Giê-su vào dụ tiệc cưới của tôi!

Trong nhà tôi, có bàn thờ với thánh giá Chúa Giê-su, với tượng Đức Mẹ ban ơn, ai dám nói tôi không mời Chúa Giê-su và Mẹ của Người vào nhà của tôi!  Tốt. Đó là một điều hết sức tốt đẹp.

Thế nhưng, sau khi Đức Giê-su và Đức Maria đã được mời, rất có thể chúng ta, một lúc nào đó, bận bịu với công việc làm ăn, vùi đầu vào những thú vui trần thế, để rồi chúng ta quên đi các Ngài, coi thường các Ngài, để các Ngài đứng một bên, và trở lại với một đời sống như chưa hề có sự hiện diện của các Ngài!

đã mời Đức Giê-su và Đức Maria vào đời sống của mình, rất có thể chúng ta vẫn tiếp tục sống như thể là người chưa biết Chúa. Mỗi Chúa Nhật chúng ta miễn cưỡng đi nhà thờ, ráng ngồi “xem lễ” cho xong. Trả nợ cho Chúa như vậy rồi, chúng ta về đọc phớt qua Kinh Thánh, có người không thèm đọc. Chúng ta cầu nguyện chỉ là một nghi thức phải làm. Chúng ta đọc kinh chỉ như đọc một công thức, bùa chú v.v…

Mời Chúa vào đời sống của mình như thế, sẽ có lúc chúng ta “thiếu rượu”. Thiếu rượu ở đây, không phải là thiếu rượu đế, rượu rắn hổ mang, Chivas, Johny Walker, Hennessy, Remy Martin, Gò Đen, Nếp Mới… hay một loại rượu vớ vẩn nào đó, nhưng là thiếu “niềm vui, sự bình an, tình yêu thương, sự hiền hòa, lòng nhân hậu”.

Cuối cùng là gì? Thưa, từ từ đời sống (đức tin) của chúng ta không còn sốt sáng nữa. Càng ngày, chúng ta càng thấy nghi lễ tôn giáo (thánh lễ)  rỗng tuếch, không còn muốn tham dự. Chúng ta sống ích kỷ. Chúng ta trở thành môn đệ cho chủ thuyết “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”.

Chúng ta sẽ phải làm gì để đừng bị “thiếu rượu”? Thưa, trước hết hãy cậy dựa vào Đức Maria. Hãy đến với Đức Maria, bởi, nếu xưa kia tại Cana, Mẹ là người đầu tiên phát giác ra nhà đám thiếu rượu, thì hôm nay Mẹ cũng chính là người đầu tiên phát giác ra sự thiếu thốn của chúng ta. Vâng, hãy đến với Đức Maria, bởi vì Mẹ chính là “Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Tiếp đến, người có thể giúp chúng ta “có rượu”, đó là chính Đức Giê-su. Chúng ta hãy tìm đến Đức Giê-su, vị cứu Chúa của đời ta và thú nhận cùng Ngài, rằng: “Chúng con hết rượu rồi”. Phải tìm đến với Đức Giê-su và Người bảo gì, (chúng ta) cứ việc làm theo”.

Hôm nay, Đức Giê-su không còn hiện hữu bên chúng ta, Ngài không thể trực tiếp “bảo” chúng ta, nhưng Ngài vẫn có thể cho chúng ta biết phải làm gì, qua Kinh Thánh.

Đọc Kinh Thánh, nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta sẽ nhận được bí quyết “hóa nước thành rượu”, nói rõ hơn, chúng ta sẽ có được một kho báu, một kho báu chứa đựng đầy đủ các loại rượu: “rượu bình an, rượu hoan lạc, rượu nhẫn nhục, rượu hiền hòa, rượu từ tâm”, những thứ rượu đem đến cho chúng ta một  đời sống chiến thắng.

Để sở hữu những thứ rượu nêu trên, chúng ta cần phải có sự vâng lời tuyệt đối, không nửa vời. Xưa, Đức Giê-su đã bảo với các gia nhân: “Các anh đổ đầy nước vào chum”. Nay, Ngài sẽ bảo chúng ta phải hết lòng tuân phục Ngài, không tuân phục lấy lệ, nửa vời. 

Một điều ai cũng phải đồng ý, đổ nước vào bình bao nhiêu, sẽ có rượu ngon chừng đó. Thế nên, tại sao chúng ta không vâng lời Chúa tuyệt đối!

Cuối cùng, khi đã mời Đức Giê-su dự tiệc cưới đời ta, hãy để Ngài làm chủ đời ta. Nói cách khác: “Người bảo gì, ta cứ việc làm theo”.

Petrus.tran







Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Con là con của Cha…


Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa.

Con là con của Cha…

Trước khi về trời, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em  hãy đi và làm cho muôn dân trở thành các môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo cho họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”.

“Làm phép rửa cho họ”. Vâng, đây là một lệnh truyền, và Giáo Hội, hơn hai ngàn năm qua đã tuân theo lệnh truyền này. Giáo Hội luôn coi “phép rửa” như là điều kiện tiên quyết để trở thành công dân Nước Trời, hay nói chính xác hơn, đó là được trở nên con cái Thiên Chúa.

Đức Giê-su, trước khi thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Ngài  đã đến sông Gio-dan “cùng chịu phép rửa” với mọi người. Biến cố này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**
Theo thánh sử Luca cho biết, dấu mốc lịch sử  khi biến cố này xảy ra là vào “ năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberio, thời Phongxio Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philipphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônit, Lyxania làm tiểu vương miền Abilen”. Còn về mặt tôn giáo thì “Khanan và Caipha làm thượng tế…”.

Vâng, đúng thời điểm đó, ông Gio-an đã xuất hiện tại sông Giodan. Từ trong hoang địa, ông đã đến dây và đã lớn tiếng kêu gọi  mọi người: “hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”.

Có rất nhiều người đã “lũ lượt kéo đến xin ông làm phép rửa”. Ông đã không bỏ lỡ cơ hội để khuyến cáo họ, rằng: “Các ông hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”. Những lời rao giảng của ông đã khiến cho dân chúng ngỡ ông là Đấng Messia.

Ngỡ ông là Đấng Messia là vì “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Messia!”.

Để xóa tan dư luận vô căn cứ đó, ông Gio-an đã thẳng thắn nói với dân chúng rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (x.Lc 3, 16)

Và quả thật, Đấng đó đã đến. Đấng đó không ai xa lạ, chính là Giê-su người Na-da-rét. Đấng đó đã xuất hiện tại sông Gio-đan, và… và thật kinh ngạc, “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cùng chịu phép rửa” (x.Lc 3, 21)

Kinh ngạc hơn nữa, “đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra”. Và, “Thần Khí Chúa đáp xuống như hình chim bồ câu và ngự trên Ngài”. Chính trong giây phút đó, “có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (x.Lc 3, 22).

***

Có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao Đức Giêsu lại phải “cùng chịu phép rửa” với mọi người?

Vâng, Đức Giê-su  cùng chịu phép rửa là bởi,  qua sự kiện này, Ngài biểu lộ sự khiêm nhường hạ mình, “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.

Ngài chấp nhận “dìm-mình-xuống”, để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian, đúng như lời ông Gio-an đã công bố: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”.

****
Hôm nay, nhắc lại biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa chính là dịp để tái nhắc nhở cho chúng ta về Bí Tích Rửa Tội mà  chúng ta đã lãnh nhận.

Rất… rất cần thiết, để nhớ lại ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhớ lại để chúng ta tái khám phá ân sủng mà Thiên Chúa đã ban, ân sủng được trở nên “con Thiên Chúa”, một bảo đảm chúng ta sẽ được hưởng sự sống đời đời nơi Thiên Quốc, mai sau.

Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng: Tôi có vui mừng được là con Thiên Chúa?  Hay tôi chỉ nhận mình là con của Người trong nhà thờ, còn khi phải hòa nhập cuộc sống ngoài xã hội, tôi lại trở thành con của thế gian, của satan, sống theo lối sống của satan, của thế gian?

Vâng, chúng ta đang sống trong một xã hội cổ vũ cho một lối sống thực dụng, một lối sống luôn đặt vấn đề vật chất là trên hết, sống không có tình cảm, chỉ nghĩ đến mình, không nghĩ đến người khác, một lối sống luôn muốn giành những gì có lợi cho mình, bất chấp đúng hay sai. Và nó đã ảnh hưởng rất nặng lên đời sống của chúng ta, thế nên, để trả lời câu hỏi nêu trên, khó quá chăng?

Khó… khó đấy! Nhưng đã là một Ki-tô hữu, chúng ta phải tìm ra câu trả lời. Tìm câu trả lời ở đâu? Thưa, ở Kinh Thánh, hay nói cách khác ở những lời Đức Giê-su đã truyền dạy.

Đức Giê-su truyền dạy những gì? Thưa, có rất nhiều lời Ngài đã truyền dạy, và đây là một lời dạy rất hữu ích cho mỗi chúng ta: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì”.

Qua lời khuyên này, và dựa vào thực tế của cuộc sống, có lẽ không ai trong chúng ta lại không có câu trả lời.

Vâng, chớ… chớ có trả lời rằng, tôi muốn làm con cái satan, của thế gian và sống theo lối sống của satan, của thế gian. Chớ… chớ có thỏa hiệp với lối sống phóng đãng, dâm bôn, chia rẽ, bè phái, say sưa, chè chén.

Tại sao? Thưa, thánh Phao-lô khuyến cáo “những kẻ làm những điều đó (sống như thế), không được thừa hưởng Nước Trời”(x.Gl 5, 19-21)

Hơn nữa, Đức Giê-su đã có lời truyền dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”.

Thế nên, chúng ta không thể nhận mình là con của Ngài trong nhà thờ, rồi khi phải hòa nhập cuộc sống ngoài xã hội, chúng ta lại trở thành con của thế gian, của satan, sống theo lối sống của satan, của thế gian.

Thánh Phao-lô, qua thư gửi cho Ti-tô, có lời chia sẻ, rằng: “Đấng cứu độ chúng ta, đã biểu lộ lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Người đối với nhân loại. Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới”. (x.Tt 3, 4-5).

Chính vì thế, đừng cho rằng Bí Tích Rửa Tội chỉ là thủ tục hành chánh để gia nhập đạo Công Giáo, hoặc tệ hơn là để “kết hôn”, rồi sau đó là “tôi lấy được vợ (chồng) tôi thôi nhà thờ”.

Trái lại, phải coi đó như là: “ân sủng”,  ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta để chúng ta đủ sức “từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này”.
*****
Giờ đây, chúng ta hãy để một phút thinh lặng và tự hỏi mình, rằng: đã qua bao nhiêu năm lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, tôi đã thật sự là “Con Của Chúa”!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, chúng ta hãy thử nhìn qua bức tranh cuộc sống của thế gian hôm nay, nhìn để thấy, rằng làm con của satan, của thế gian nguy hiểm lắm, nguy hiểm ở chỗ dù đã là con của satan, của thế gian, nhưng satan và thế gian vẫn đâu có để cho những người con đó sống an lành hạnh phúc.

Trong thực tế của cuộc sống, satan và thế gian vẫn luôn là thủ phạm gây bất hòa chia rẽ. Chúng vẫn luôn tạo ra sự tranh chấp,  ghen tỵ, bè phái v.v… để rồi chính những người con của nó quay ra cấu xé, giết chóc lẫn nhau, đúng như những gì đã được mô tả qua bức tranh “bàn tiệc của quỷ”.

Còn làm con của Chúa ư! Thưa, đó là một hồng phúc, hồng phúc mà chúng ta “vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Ki-tô Giê-su là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang”(Tt 2, 13)

Vâng, ngày đó chính là sự kiện trọng đại trong đời chúng ta. Là thời khắc chúng ta đựợc kết nạp vào gia đình Thiên Chúa và được nên một với Con của Người.

Trong niềm tin đó, chúng ta vui mừng chờ đợi ngày Ngài quang lâm. Và sẽ vui mừng hơn nữa khi từ trời cao, Thiên Chúa, một lần nữa, Người sẽ gọi chúng ta là: “Con là con của Cha”.

Petrus.tran















Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2019

Chúng tôi không lạc lối về…


Lễ Hiển Linh

Chúng tôi không lạc lối về…


Giáng Sinh… Vâng, mùa Giáng Sinh đã khép lại. Khép lại với một thánh lễ rất đặc biệt, đó là Lễ Chúa Hiển Linh. Hiển Linh là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt do viện ngôn ngữ học xuất bản, định nghĩa là: “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng”.
Lại có cuốn tự điển khác, tác giả là ông Thanh Nghị, ghi rằng, hiển linh nghĩa là “linh thiêng rõ ràng”. Với danh từ gốc Hy Lạp “Epiphania” thì nó có nghĩa là “hiện ra, bày tỏ”

Kinh Thánh Tân Ước thường dùng hai chữ “hiển linh” để nói tới việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Thế nên, khi cử hành thánh lễ Hiển Linh, Giáo Hội muốn nói lên việc Thiên Chúa đã tỏ mình ra, qua Hài Nhi Giê-su, cho mọi người.

Với lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa đã tỏ mình, qua Hài Nhi Giê-su, một cách âm thầm lặng lẽ tại Belem. Trái lại, với lễ Hiển Linh,  sự tỏ mình của Người, qua Hài Nhi Giê-su,  đã gây chấn động lớn. Tin Mừng thánh Mát-thêu đã ghi lại sự kiện này rất chi tiết. (x.Mt 2, 1-12)
**
Vâng, câu chuyện được thuật lại rằng: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem”.
Họ đến Giêrusalem, phải chăng là để chiêm ngắm Đền Thờ, nơi được mô tả là “Cảnh sắc tuyệt vời, Thiên Chúa hiển minh”? Thưa không phải vậy. Họ đến với một sứ mạng đặc biệt, đó là để tìm vua dân Do Thái mới sinh.
Giêrusalem là thủ đô Do Thái, thế nên, họ đến đó và nghĩ rằng mình đã đến đúng địa chỉ. Hôm ấy, khi đến nơi, họ hỏi cư dân ở đó, rằng “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?”
Tiếp theo câu hỏi gây không ít người bàng hoàng là lời loan báo đầy chấn động: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.
Khi nguồn tin ấy được loan ra, thánh sử Mát-thêu kể rằng: “vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành cũng xôn xao”.
Trong cơn bối rối đó, vua Hêrôđê triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, để hỏi cho ra lẽ. Ông ta hỏi rằng: “Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?”
Không một phút chần chờ, các thượng tế và kinh sư khẳng định: “Tại Belem miền Giu-đa”. Vâng, là chức sắc của Đền Thờ, họ quá am tường những gì được ghi trong Kinh Thánh, họ cho biết có lời ngôn sứ chép rằng: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).
Qua sự chỉ dẫn của các thượng tế và kinh sư, những nhà chiêm tinh đã biết được nơi mình sẽ phải đến. Thế là họ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm. Đó là Belem miền Giu-đa.
Từ Giê-ru-sa-lem đến Belem đi hướng nào đây? Vâng, rất kỳ diệu… kỳ diệu không thể tin được, “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông lại dẫn đường cho họ”… dẫn họ…  “đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”.
Vâng, ngôi sao đó, rất kỳ diệu,  kỳ diệu ở chỗ, (mà không ai có thể phủ nhận), đó là: cùng thời điểm trên, tại Belem, cũng có rất nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… kỳ diệu  thay! Ngôi-sao lại chỉ dừng chính nơi “Lãnh tụ chăn dắt Israel ra đời”.
Chuyện kể tiếp rằng “Họ vào nhà , thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người”, đồng thời, họ “mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”.
***  
Các nhà chiêm tinh, theo những gì được tường thuật nêu trên, đã “đi đến nơi”. Thế họ có “về đến chốn”? Thưa có. Nhưng, để có thể về-đến-chốn, các nhà chiêm tinh cũng đã phải trải qua nhiều phút giây nghẹt thở.
Hê-rô-đê, như mọi người đều biết, là một tay cáo già, một “cáo già” đầy tham vọng. Hôm ấy, y đã “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.” Hỏi xong, ông ta “giả nai” nói với những nhà chiêm tinh rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.
Nghe những lời “đưa đẩy” như thế, những nhà chiêm tinh quả là tiến thoái lưỡng nan. Đã đi đến nơi, vậy có nên quay về “báo lại cho Hê-rô-đê”! Kỳ diệu thay! Vâng, lại một điều kỳ diệu nữa xảy ra cho những nhà chiêm tinh. Các ông đã được “báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”.
Trên thế gian này, từ cổ chí kim, có nhà vua nào “vui mừng” khi nghe tin có người vừa mới sinh ra sẽ trở thành lãnh tụ, sẽ là vua, một nguy cơ soán ngôi của mình, thế mà mình vẫn muốn đến “bái lạy” sao! Đúng là chuyện khó xảy ra.  
Không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì, nhưng ai cấm rằng những nhà chiêm tinh đã có sự suy nghĩ như thế! Chính vì thế, hôm ấy, vâng theo lời báo mộng, những nhà chiêm tinh đã “đi lối khác mà về xứ mình”.
Có lẽ, chúng ta nên tưởng tượng thêm rằng, những nhà chiêm tinh, khi về tới nhà, các vị sẽ cất cao giọng hát: “Tôi đã thấy mặt trời lên, sau đêm dài tăm tối triền miên”.
Vâng, “mặt trời công chính Giê-su” đã đến thế gian, cớ sao không cất tiếng hát nhảy mừng, nhỉ?
****
Trên đây là câu chuyện về những nhà chiêm tinh đã thực hiện cuộc hành trình tìm đến “bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.
Là một Ki-tô hữu, có lẽ, không ai trong chúng ta lại không nghe câu chuyện này, không dưới một lần, trong cuộc đời của ta.
Nghe, nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi, tôi đã xem nó như là một câu chuyện thuộc về lịch sử của một thời xa xưa, hay tôi coi đó như là chính câu chuyện của tôi, hôm nay! Mà, tại sao lại không coi đó như là chính câu chuyện của mình, nhỉ! Bởi, thời đại của những nhà chiêm tinh xưa, có khác mấy thời đại của chúng ta, hôm nay.
Chúng ta thử nhìn xem. Xưa, các nhà chiêm tinh, đã lạc lõng giữa một Giêrusalem, với nỗi khắc khoải “Đức Vua mới sinh, hiện ở đâu”, thì nay, phải chăng chúng ta cũng đang lạc lõng giữa một “chợ đời”, một chợ đời đầy bất công và bạo lực, với nỗi khắc khoải “Chúa ơi! Chúa đâu rồi!”.  
Chúng ta thử nhìn xem. Xưa, các nhà chiêm tinh, lạc lõng giữa một Giê-ru-sa-lem, với một Hê-rô-đê bạo tàn và giả dối. thì nay, phải chăng, chúng ta cũng đang loay hoay giữa một xã hội đầy sự dối trá, dối trá từ những tên bạo chúa độc tài thời nay, dối trá từ nơi học đường lẫn trong giáo đường… để rồi chúng ta phải nức nở thốt lên: “Giê-su ơi! Chẳng biết Ngài đang ở đâu!”
Vâng, đó là một sự thật. Sự thật là, những bạo chúa độc tài đó, tạm gọi chung là Herode-thời-đại, chúng cũng làm ra vẻ cởi mở, cũng ra vẻ lịch lãm trong những bộ veston, tuyên bố vung vít rằng thì-là-mà chúng tôi tôn trọng tự do tôn giáo. Thế nhưng, lợi dụng sự độc quyền truyền thông, chúng ra rả chửi bới Ki-tô giáo.
Sự thật là, những tên bạo chúa độc tài đó cảm thấy bất an (như sự bất an của Hê-rô-đê xưa), khi nhìn thấy chúng ta (là những nhà chiêm tinh thời nay), tìm kiếm và viếng thăm những người già cô đơn, những trẻ em cơ nhỡ, những kẻ thân cô thế cô, những người nghèo khó, ốm đau, bệnh hoạn, những người chúng ta coi là “Hài Nhi Giê-su” của thời đại.
Chưa hết, trong khuôn mặt là những tên đồ tể, chúng ra vẻ đạo đức giả, tuyên bố: “Ở đâu có người Công Giáo, ở đó tệ nạn ít xảy ra”, thế nhưng, thâm tâm họ, chính sách của họ vẫn là  chính sách cổ võ, tiêu diệt những mầm sống chưa kịp thành người, bằng những đạo luật đại loại như: tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính, đi ngược với đức tin Kitô giáo, chống lại “Mười giới răn của Đức Chúa Trời”.
Đấy! Xin nhắc lại một lần nữa, thời của những nhà chiêm tinh và thời của chúng ta, thế sự có gì khác biệt mấy!
Chúng ta phải làm gì… làm gì để có thể biết Giê-su Cứu Chúa của ta đang ở đâu và đang làm gì cho chúng ta?
Phải chăng là, hãy theo gương các nhà chiêm tinh xưa! Phải chăng là, dựa vào lời ngôn sứ (Thánh Kinh), như những nhà chiêm tinh xưa, đã lắng nghe và thi hành!
Thưa đúng vậy. Ngày nay, chúng ta không chỉ có Thánh Kinh, có Thánh Thể, mà còn có một người dẫn đường tuyệt vời đó là Giáo Hội.
Với Thánh Kinh, đó chính là “ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi” (x.Tv 119, 105). Đừng nghe những lời ngụy ngôn rằng thì-là-mà, Thánh Kinh đã lỗi thời… xưa rồi…
Đúng,  Thánh Kinh xưa như mặt trời, nhưng nếu không có mặt trời, loài người sẽ phải dò dẫm trong bóng đêm.  Thánh Kinh xưa như không khí, nhưng nếu không có không khí, loài người sẽ ngạt thở và giãy chết. Thánh Kinh xưa như nước, nhưng loài người sẽ phát điên nếu không có nước.
Với Thánh Thể. Vâng, Thánh Thể chính là bảo chứng về sự hiện diện của Đức Giê-su, một sự hiện diện bên chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế”.
Còn với Giáo Hội thì sao? Thưa, tại đây, Giáo Hội như một “ngôi sao” mới, với ơn Chúa Thánh Thần, Giáo Hội dẫn chúng ta tiến bước về Belem - Belem Thiên Quốc, mà chúng ta không sợ lạc lối.
*****
Chúa Nhật hôm nay (06/01/2019) toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành Lễ Chúa Hiển Linh. Nói về lễ Chúa Hiển Linh, Lm. Jude Siciliano, OP chia sẻ: “Lễ Chúa Hiển Linh chính là Tin Mừng thu nhỏ và bao hàm cả cuộc tìm kiếm và một đời sống mới, cũng như sự thay đổi hay sự chết, mà các môn đệ của Đức Giêsu sẽ phải nhận. Việc cởi bỏ cái cũ và mang lấy một lối sống mới được gợi ý ở dòng cuối của bài Tin Mừng. Các vị Đạo sĩ đã-đi-lối-khác-mà-về-xứ-mình”.
Ngài Lm. chia sẻ tiếp: “Sau Mùa Giáng Sinh, nhiều người trở lại cuộc sống thường nhật của họ, ‘mọi việc đâu sẽ vào đấy’. Họ để lại phía sau cảnh tượng êm đềm, luyến tiếc về hình ảnh máng cỏ. Nhưng ở đây trong việc thờ phượng, chúng ta không thể để câu chuyện về Đức Kitô lại phía sau ngôi thánh đường của chúng ta. Mỗi Chúa Nhật, chúng ta sẽ quy tụ và lắng nghe Tin Mừng mở ra khi Đức Kitô trưởng thành, loan báo tin vui và hy vọng cho toàn nhân loại (hãy nhớ rằng ba vị Đạo sĩ là những nhà chiêm tinh ngoại giáo) và đương đầu với sức mạnh tôn giáo và xã hội trong thời đại của Người.”
Đức Giê-su, vào thời của Ngài, cũng đâu khác gì thời đại chúng ta hôm nay! Thế nên, chúng ta cũng đừng để câu chuyện “các nhà chiêm tinh” ở lại trong cuốn Thánh Kinh. Câu chuyện này phải là hành trang cho cuộc hành trình về Belem Thiên Quốc của mỗi chúng ta. Bởi vì, nhờ đó chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui rằng: nếu xưa kia Thiên Chúa đã “tỏ mình ra” cho các nhà chiêm tinh, thì hôm nay, Người cũng sẽ tỏ-mình-ra cho cả chính chúng ta. 
Vâng, Ngài sẽ tỏ mình ra cho chúng ta. Chúng ta sẽ lại thấy Chúa, chúng ta sẽ có Chúa ở cùng, và rồi chúng ta có thể tự tin mà nói rằng: “Chúng tôi không lạc lối về Thiên Quốc.”
Petrus.tran







Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...