Chúa Nhật
XXXII – TN – A
Chỉ-có-năm-người, mà thôi.
Trong kinh
Tin Kính chúng ta tuyên xưng, rằng: Đức Giê-su – “Người lên trời, ngự bên hữu Ðức
Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết,
Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.
Vâng, lời
tuyên xưng này không phải do Giáo Hội tự đặt ra, nhưng là một thông điệp đã được
chính Đức Giê-su công bố trong một lần lên Giê-ru-sa-lem, rằng: “Con Người rất
uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người
thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ
chân trời này đến chân trời khác”(Mt 24, 30-31).
Trong ba
năm ra đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã công bố rất nhiều thông điệp. Và mỗi
thông điệp Ngài thường kèm theo những dụ ngôn rất đời thường để diễn giải cho mọi
người.
Nếu, khi
loan báo thông điệp về ơn cứu độ, Đức
Giê-su đã so sánh rằng, như “ông
Môse đã gương cao con rắn đồng trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được gương
cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Thì, khi
nói đến ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến”, Đức
Giêsu diễn giải rằng, ngày đó sẽ xảy ra giống như một tên “kẻ trộm” bất ngờ xuất
hiện.
Không chỉ
đưa ra lời cảnh báo, Ngài còn có lời khuyên rằng, “hãy canh thức và hãy sẵn
sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người đến”.
Canh thức và sẵn sàng như thế nào? Thưa, Đức Giê-su đã diễn giải bằng một dụ ngôn. Dụ ngôn được mang tên “Mười trinh nữ” (x.Mt 25, 1 – 13)
**
Dụ ngôn được
kể rằng: “Có mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể”. Vâng, thoạt nghe, có lẽ
không ai trong chúng ta có thể hình dung được hình ảnh cái đám cưới ngộ nghĩnh
này.
Đón chú rể
sao phải cầm đèn nhỉ! “Cầm đèn” để làm gì! Đám cưới vào ban đêm ư! Thưa đúng,
đó là phong tục của người Do Thái thời đó, có những đám cưới tổ chúc vào ban
đêm, vì thế phải có đèn.
Câu chuyện
được kể tiếp rằng, “Trong mười cô đó, thì có năm cô dại và năm cô khôn”.
Ơ! Tại sao lại có năm cô khôn,
năm cô dại? Thưa, là bởi, nhà gái không biết thời gian chú rể sẽ đến, có thể là chập tối, có thể giữa
đêm, hay hừng đông; vì thế tất cả mọi sự phải sẵn sàng, sẵn sàng không chỉ đèn
mà còn cả dầu. Không mang theo dầu dự trữ, khi chú rể đến, hết dầu thì làm sao
đây!
Hôm ấy,
chuyện kể tiếp rằng: “chú rể đến chậm”. Đến chậm có nghĩa là mười cô phải chờ,
và vì chờ đợi quá lâu “nên các cô thiếp đi và ngủ cả”.
Và rồi,
trong khi các cô đang say nồng trong giấc ngủ, chợt có tiếng la lên: “Chú rể
kia rồi, ra đón đi! Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn
đèn”.
Than ôi!
Năm cô dại khi nhìn vào đèn của mình thì chẳng còn miếng dầu nào cả. Năm cô này
bèn “năn nỉ” với năm cô khôn rằng: “Xin các chị cho chúng em ít dầu, vì đèn của
chúng em tắt mất rồi”.
Hết dầu! có đáng trách không! Vâng, đáng trách, đáng
trách là bởi năm cô dại đã không có sự chuẩn bị, một sự chuẩn bị tối cần thiết
để hoàn tất vai trò mình được giao phó.
Hôm ấy,
các cô khôn không cho, không cho là bởi “Sợ
không đủ cho chúng em và cho các chị đâu”. Vâng, rất nhẹ nhàng, các cô khôn đưa
ra một giải pháp, rằng: “các chị ra hàng mua lấy thì hơn”.
Sách có câu “cẩn tắc vô ưu”. Và, đúng vậy, hôm ấy, nhờ cẩn tắc, nhờ cẩn thận, năm cô khôn đã không phải lo lắng khi “chú rể tới”.
Chú rể tới
rổi sao nhỉ! Thì cùng lớn tiêng ca, ca rằng: “Tay đan tay nhịp bước đi trên đời.
Xin yêu thương hạnh phúc đến cho người. Người em anh yêu người em anh mến, mẹ
ơi trông đến” … chứ còn sao! Vâng, hôm ấy, năm có khôn đã tay-đan-tay “đi theo
chú rể vào dự tiệc cưới”.
Còn năm cô
dại… đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào. Hôm ấy, khi trở về và cất
tiếng gọi cửa. Buồn thay, quý cô dại đã phải nhận ngay những lời cay đắng từ
chú rể, lời rằng: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả”.
Vâng, hôm ấy,
kết thúc câu chuyện, Đức Giê-su cho một lời nhắc nhở, nhắc nhở rằng: “anh em hãy canh thức, vì anh em không biết
ngày nào, giờ nào”. (Mt 25, 13).
***
Qua dụ
ngôn này, chúng ta có thể hiểu rằng: Đức Giê-su được ví như chàng rể, cô dâu và
các phù dâu được ví như Giáo Hội và các tín hữu, ngày Đức Giê-su Quang Lâm được
ví như ngày chàng rể đến đón dâu.
Ngày quang
lâm của Đức Giê-su chắc chắn sẽ đến, không ai có thể biết ngày nào hay giờ nào,
như Ngài đã nói: "Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả
các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết
mà thôi." (Mt 24, 36).
Tông đồ
Phaolô, sau này, cũng đã nói với tín hữu ở Thê-xa-lô-ni-ca rằng “Thưa anh
em, về ngày giờ và thời kỳ Chúa đến, anh
em không cần ai viết cho anh em. Vì chính anh em biết rõ : ngày của Chúa sẽ đến
như kẻ trộm ban đêm”.
Và cùng một
tâm tình như Đức Giêsu, thánh nhân cũng đã khuyên nhủ rằng “hãy tỉnh thức và sống
tiết độ”(1Tx 5, …6). Tại
sao chúng ta phải “sống tiết độ và tỉnh thức”? Thưa, như lời thánh Phê-rô nói,
là vì “ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn
xé” (1Pr 5, 8)
Đúng vậy,
có thể nói rằng, chưa bao giờ chúng ta phải sống trong một thế giới đầy dẫy tiếng
“gầm thét” của satan và con cái nó, như hôm nay. Miệng chúng gào thét những lời
“vu khống, dối trá, gian xảo, lộng ngôn, bịp bợm”, như chúng đang làm tại Mỹ
trong những ngày bầu cử vừa qua, không ngượng ngập.
Satan và
con cái chúng đang “cắn xé” những người con cái Chúa ở khắp nơi trên thế giới
này. Chúng chặt đầu, như đã chặt đầu một vị thầy giáo ở Paris, nước Pháp. Chúng
giết người như đã giết chết ba người phụ nữ tại một nhà thờ ở thành phố Nice
cũng tại Pháp, như những điển hình.
Và, đó là
lý do chúng ta phải thực thi lời thánh Phao-lô truyền dạy: “hãy tỉnh thức và sống
tiết độ”.
Vâng, đây
quả là một lời khuyên rất hữu ích và thực tế, hữu ích và thực tế là bởi, chính
nhờ sống tiết độ, chúng ta mới dễ dàng tỉnh thức.
Thật vậy,
nếu chúng ta sống tiết độ, không mê ăn uống, không say sưa chè chén, có phần chắc
chúng ta sẽ “tỉnh táo”, tỉnh táo trước những cám dỗ, cám dỗ về tiền bạc, về
danh vọng, về quyền lực, về những thú vui bất chính v.v…
“Sống tiết
độ” còn được xem là một lời khuyên hết sức quan trọng. Quan trọng, bởi tiết độ
là một trong những hoa quả của “Thần Khí” (Gl 6, 22). Đời sống của Kitô hữu nếu
không có “hoa quả của Thần Khí” thì chẳng khác gì “có đèn mà không có dầu”.
Một khi
“có đèn mà không có dầu”, dẫu cho đã là một Kitô hữu, khi đến lúc “chàng rể
Giêsu tới”, có phần chắc Ngài sẽ phán rằng “Tôi bảo thật, tôi không biết anh là
ai”.
Trở về với
câu chuyện dụ ngôn, hãy để một phút thinh lặng và hãy tự hỏi mình rằng: tôi là ai trong mười cô
trinh nữ?
Là “các cô
dại mang đèn mà không mang dầu” ư! Vâng, có thể… rất có thể. Rất có thể chúng
ta có “cây đèn mang nhãn hiệu Ki-tô hữu” nhưng lại thiếu dầu, dầu-Thánh-Kinh và
dầu-Thánh Thể.
Dầu-Thánh-Thể… đó… đó chính là phương tiện giúp chúng ta “ở lại trong Chúa, và Chúa ở lại trong ta” (x. Ga 6, 56). Có Chúa ở trong ta, sử tử nào dám gầm thét cắn xé chúng ta!
Còn dầu-Thánh-Kinh
ư! Vâng, đó chính là phương thế giúp chúng ta nhìn ra đâu là con đường chính đạo, đâu là con đường
tà đạo.
Ở đâu sẽ
cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh? Phải chăng là ở
vũ trường? Ở những quán nhậu? Ở sòng bài? Ở những chốn đô hội?
Thưa, không phải. Nơi cung cấp cho ta dầu-Thánh-Thể và dầu-Thánh-Kinh
chính là ở “Nhà Thờ”. Tại đây, trong Thánh Lễ, phần phụng vụ Lời Chúa sẽ cung cấp
cho ta dầu-Thánh-kinh. Và nơi bàn Tiệc Thánh, chúng ta sẽ được cung cấp dầu-Thánh-Thể.
Chính vì
thế, hãy siêng năng đến “Nhà Thời, và nhớ đừng bao giờ chúng ta biến ngôi “Nhà
Thờ” thành nơi buôn bán hay “thành sào huyệt của bọn cướp”.
Thưa bạn,
chúng ta lại cần thêm một phút nữa để tự hỏi lòng mình, rằng: Hôm nay, tôi đã
có Dầu-Thánh-Thể và Dầu-Thánh-Kinh trong
gói hành trang cho cuộc hành trình đến với “Tiệc Cưới Nước Trời”?
Câu trả lời
là của mỗi chúng ta. Nhưng hãy nhớ, chỉ có năm người “có dầu” mới được dự tiệc
cưới. Chỉ-có-năm-người, mà thôi.
Petrus.tran