Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2020

Phải là: “hai trong một”…

 

CHÚA NHẬT XXX – TN – A


Phải là: “hai trong một”…


Thế giới chúng ta đang sống, có thể nói, là một thế giới của những luật lệ. Có hai thứ luật đang chi phối đời sống con người, đó là luật quốc gia và luật quốc tế. Mỗi quốc gia có một đạo luật riêng cho quốc gia đó và luật quốc tế thì được sử dụng cho toàn thế giới.


Từ luật quốc gia đến luật quốc tế, con người đã phải sống trong cả một rừng luật. Cả một rừng luật, cứ tưởng rằng sẽ đem lại cho quốc gia, cho  thế giới một nền hòa bình, và cho con người một sự sống an lành, ấm no và hạnh phúc. Trái lại, thế giới lại luôn phải đối diện với chiến tranh, và  con người lại luôn phải sống trong bất an, trong lo âu…  từng ngày… từng giờ.


Tại sao? Thưa, tại vì trong mớ rừng luật ấy, những nhà lãnh đạo, những nhà cầm quyền (nhất là nhà cầm quyền độc tài) lại thường sử dụng “luật rừng”.  Và đó là lý do con người luôn phải đối phó tìm cách “lách luật”.    


Cuộc sống của một Ki-tô hữu cũng là một cuộc sống của luật lệ. Người Ki-tô hữu cũng phải thực thi những luật lệ mà Thiên Chúa đã công bố. Đó là “Mười Điều Răn Của Đức Chúa Trời”.


Khác với luật thế gian, một thứ luật được thực thi bằng họng súng, bằng nhà tù. Luật của người Ki-tô hữu được thực thi bởi tình yêu thương. Nói theo cách nói của thánh Phao-lô, đó là: “đức mến”.


Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã truyền dạy như thế khi có một số người Pha-ri-sêu, còn được gọi là những nhà thông luật, đến chất vấn Ngài về luật lệ. Vâng, câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 22, 34-40)

 

**

Chuyện kể rằng: sau thất bại trong việc gài bẫy Đức Giê-su về việc nộp thuế, nhóm Pha-ri-sêu họp nhau lại. Họ họp nhau lại để làm gì? Thưa, họ bàn với nhau cử một người thông luật trong nhóm đến gặp Đức Giê-su để chất vấn Ngài những vấn đề liên quan đến lề luật.


Không như những lần trước, họ thường đặt thẳng vấn đề với Đức Giêsu về việc thực thi luật lệ. Ví dụ như, tại sao Ngài “không giữ ngày sa-bát!” Hoặc là, tại sao môn đệ Thầy “không rửa tay trước khi ăn?” v.v…


Lần này, khi vị thông luật đến, ông ta tung một đòn hỏa mù bằng một câu hỏi đầy lắt léo, ông ta hỏi rằng: “Thưa Thầy,  trong sách Luật Mô-se, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Vâng, đúng là quá lắt léo. Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư! Do Thái giáo dựa trên 10 điều răn. Trải qua nhiều thế hệ, những thầy thông giáo chú giải thêm, thêm đến 613 lề luật. Trong số 613 lề luật, những thầy thông giáo lại chia thành 248 luật khuyên làm và 365 luật cấm làm. Nếu tính số ngày trong một năm, thì mỗi ngày là có một luật cấm làm.


Vâng, giả sử ông Mô-se có sống lại, có lẽ, ông ta sẽ rất ngạc nhiên về câu hỏi này. Làm sao không ngạc nhiên cho được! Năm xưa, hồi trên núi Sinai xuống, chẳng phải là ông đã công bố  “Mười Điều Luật” đó sao! Trải qua bao thế hệ, với mười giới luật đó mọi người đều tuân giữ, có ai thắc mắc điều nào trọng nhất đâu! Thế mà hôm nay, mấy ông Pha-ri-sêu lại bày trò thắc mắc !


Thật ra, khi đặt câu hỏi này, ông thầy thông luật đã đặt Đức Giê-su vào một cái bẫy. Tại sao lại gọi là bẫy ? Thưa, trong bối cảnh Israel thời đó, mỗi một phe nhóm như Xa-đốc, kinh sư, luật sĩ, Phariseu v.v… họ thích điều luật nào thì cho điều luật đó quan trọng hơn cả. Nếu Đức Giêsu trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng, Ngài sẽ bị “chụp mũ” là về phe nhóm này, chống nhóm kia. Và điều hiển nhiên là các nhóm khác sẽ gân cổ lên đối chất với Ngài…


Hôm ấy, dù ông thầy thông luật có ngụy trang cái bẫy đầy mầu sắc đạo đức, nó vẫn không làm cho Đức Giêsu sập bẫy.

“Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư?”. Đức Giêsu đáp “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”. Người nói tiếp rằng : “Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38).


Ông thầy thông luật đã hố to khi đem luật ông Môse ra “thử” Ngài. Những điều Đức Giêsu nói cho ông thông luật nghe cũng chính là những điều khi xưa ông Môse đã nói trước toàn dân Israel, “Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Dnl 5,5).


Ông Môse còn dặn rằng “Những lời tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng… phải nói lại cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường…”(Dnl 6, 6-7).

 

Ngoài ra, luật cũng đã nói: “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,..18).


Và, hôm ấy, Đức Giêsu cũng  đã nói đến. Ngài nói rằng: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.


Cuối cùng, Đức Giê-su kết luận rằng: “Tất cả Luật Môse và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

***

Một lần nọ, khi nói tới lề luật, Đức Giê-su có nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-se hoặc các lời ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Và hôm nay, đúng là Ngài đã kiện toàn. Một sự kiện toàn tuyệt hảo.


“Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”, tốt nhưng chưa đủ, còn phải “Yêu người thân cận”, nữa. Phải yêu người thân cận, bởi đó chính là “dấu” để thiên hạ biết “anh em là môn đệ của Thầy”. Phải yêu người thân cận vì đó là “vật chứng” để chúng ta đem ra trình diện trong ngày phán xét.


Tông đồ  Gioan đã nói “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải yêu thương anh em mình” (1Ga 4,21). Chúng ta sẽ được phán xét dựa vào tình yêu tha nhân, bằng sự phục vụ, chứ không phải là yêu Chúa bằng hình thức, trên môi miệng.


Thật vậy, chính Đức Giêsu đã nói rằng : “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy"(Mt 25, 40).

 

 

“Làm như thế cho một trong những người bé nhỏ” là làm gì ? Xin thưa, chính là “Cho kẻ đói ăn. Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho khách đỗ nhà. Chuộc kẻ làm tôi. Chôn xác kẻ chết”.  Thực thi những điều nêu trên, đó chính là cách minh chứng rằng, rằng chúng ta đã “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của (chúng ta), hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”.

 

****

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất.”  Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (x.Mt 22, 37-40).


Đó… đó là lời truyền dạy của Đức Giê-su, năm xưa. Còn hôm nay, với chúng ta thì sao, nhỉ !


Thưa, hôm nay, Đức Giê-su – qua Hội Thánh – chúng ta được truyền dạy rằng: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự sau lại yêu người như mình ta vậy. Amen.” 


Vâng, Hãy tạ ơn Chúa…  Hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã rút từ 613 điều luật, thật khó “học thuộc lòng”  cũng như thật khó thực thi, để hôm nay chỉ còn có Mười-Điều-Răn và đã được tóm về hai điều, đó là “mến Chúa  và yêu người”.


Vâng, chỉ có năm chữ “mến Chúa và yêu người” quả là quá dễ học và dễ nhớ. Thế nhưng dễ nhớ và dễ học vẫn chưa đủ để chứng thực chúng ta là một Ki-tô hữu, một người môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô.

 

Để chứng thực là một Ki-tô hữu, chúng ta không chỉ “học” mà còn phải “hành”, chưa hết, việc thực hành của chúng ta còn phải ở mức độ “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”.

Luật Kitô giáo là luật được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương. Và tình yêu thương mà luật Kitô giáo truyền dạy chính là sự  luôn sẵn sàng dấn thân, dẫu biết rằng để thể hiện sự dấn thân đó, đôi lúc sẽ phải “chết trong lòng một ít”, và đôi khi sẽ phải  “cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu”.


Chính vì thế, để chứng tỏ mến Chúa và yêu người  “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” chúng ta không được phép “yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”, mà ngược lại, chúng ta cần phải  “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 43-44).


Một cách thế khác, để chứng tỏ mến Chúa và yêu người  “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”, chúng ta chỉ cần “làm một việc bình thường với một tình yêu phi thường”.(Mẹ Têrêsa Calcutta)


“Làm một việc bình thường” đó là việc gì? Thưa, rất giản dị, đôi khi chỉ là một nụ cười. Đôi khi chỉ là một lời xin lỗi hay một lời cám ơn. Và, sẽ là tốt hơn nữa, nếu chúng ta biết: “nhẫn nhục, hiền hậu, không làm điều bất chính, không vênh vang, không tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù…” với tha nhân, với tất cả mọi người chung quanh ta.


Nói cách khác, khi chúng ta thực hiện những điều giản dị nêu trên, thì đó chính là lúc chúng ta thể hiện một cách hoàn hảo giới răn Mến Chúa và yêu người.

 

 

“Mến Chúa và yêu người”. Với hai điều răn này, Lm Charles E Miller có lời khuyên rằng: “chúng không được tách rời trong tâm hồn hoặc trong hành động của chúng ta”. Nói theo cách nói bình-dân-học-vụ, Mến Chúa và Yêu người, “phải là hai trong một”.

 

Petrus.tran

 

Hãy làm vì lòng tin…

 

CHÚA NHẬT XXIX – TN – A


Hãy làm vì lòng tin…


Thuế là gì? Vâng, “Cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm nào trên thế giới thống nhất về thuế. Đứng ở các góc độ khác nhau của các nhà kinh tế khác nhau lại có một khái niệm khác nhau về thuế.   

              

Một trong những khái niệm phổ biến về thuế đó là ‘Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung’.    

 

Ngoài ra còn có khái niệm khác: ‘Thuế là một khoản phí tài chính bắt buộc hoặc một số loại thuế khác áp dụng cho người nộp thuế (một cá nhân hoặc pháp nhân) phải trả cho một tổ chức chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công khác nhau’.


Thuế được áp dụng lần đầu tiên ở Ai Cập cổ đại vào khoảng năm 3000-2900 TCN, nếu không trả tiền hoặc trốn thuế chống lại việc nộp thuế sẽ bị phạt theo quy định của Pháp luật”. (nguồn: internet)


Khi nói về thuế, phải nhìn nhận rằng, nó là một đề tài “nóng” trong suốt chiều dài lịch sử con người. Gọi là nóng vì nó là một thứ “vũ khí” có thể triệt tiêu nền kinh tế của cả một quốc gia. Cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung đang xảy ra như một điển hình.


Nó còn có thể được dùng như là một “lá bài” để hạ uy tín của một lãnh tụ, của một chính trị gia. Câu chuyện “New York Times nói Donald Trump chỉ đóng 750 đôla thuế lợi tức liên bang cho 2016, năm ông tranh cử tổng thống Mỹ và cho 2017, năm đầu tiên tại Tòa Bạch Cung”, như là một chứng minh.


Nó còn là gì nữa, nhỉ! Thưa, nó còn được dùng như một ngón đòn lợi hại để “gài bẫy”, gài bẫy nhằm gây hại đến chính danh, chính nghĩa của một chính nhân, của một con người, nào đó. Câu chuyện “Nộp thuế cho César”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, như một minh chứng cho lời nhận định này.

**

Câu chuyện xảy ra trong bối cảnh Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt Qua, một kỳ lễ cuối cùng trong đời của Ngài.

Đức Giê-su biết rằng, chỉ còn một tuần nữa thôi, Ngài sẽ phải chịu chết trên thập giá. Và đó là lý do Ngài nói đến cuộc thương khó mà mình sẽ gánh chịu cho các môn đệ biết, rằng:  “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và, ngày thứ ba , Người sẽ trỗi dậy”.


Vâng, hôm ấy, quả đúng là người Pha-ri-sêu đã liên kết thành một liên minh, liên minh Hê-rô-đê Phariseu, tìm sự sơ hở về lời giảng dạy hoặc lời nói của Ngài để hạ độc thủ.


Khi thì họ chất vấn Ngài về luật giữ ngày Sabat. Lần khác họ đòi xin Ngài “một dấu lạ” từ trời. Nặng ký hơn, họ đòi Đức Giêsu chứng minh rằng “Ai đã cho Ngài quyền” rao giảng Tin Mừng! (Mt 21, 23).

 

 

 

 

Đức Giêsu luôn là người chiến thắng trước những cuộc tranh luận hay chất vấn của họ. Thế nhưng, như những con đỉa đói, họ vẫn bám chặt đôi chân của nhà truyền giáo Giêsu để tìm cách hãm hại Ngài.


Và rồi, quá tức giận vì Đức Giêsu đã ví họ như “những tá điền sát nhân”. Nhóm Phariseu “bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22, 5).


Người Pha-ri-sêu sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê lập thành một liên minh. Một liên minh giữa “đạo và đời”. Liên minh đạo-và-đời đến gặp Đức Giêsu. Rút kinh nghiệm của những lần trước. Lần này, họ không tấn công Đức Giêsu trực diện bằng những câu hỏi “tại sao Thầy làm thế này!  tại sao môn đệ Thầy làm thế kia! v.v…”.


Rất quỷ quyệt, chẳng khác con rắn xưa trong vườn Eden đã tâng bốc bà Eva, hôm ấy họ tâng bốc Ngài bằng những lời tâng bốc thật ngọt ngào. Nào là  “Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà giảng dạy đường lối của Thiên Chúa”. Nào là “Thầy cũng chẳng vị nể ai… Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta” v.v…


Nói nào ngay, những lời tâng bốc đó không sai. Đức Giêsu đã chẳng từng nhận mình: “Là đường, là sự thật” đó sao! Ngài cũng đã chẳng “vị nể ai” khi đã dám “đuổi hết những người đang mua bán trong Đền Thờ”.


Thật ra những lời tâng bốc của nhóm liên minh này, nó chẳng khác nào một cú đấm thăm dò mà những tay đấm boxing thường sử dụng. Thật vậy, vừa tâng bốc xong, họ quay ngoắt 180 độ bằng một câu hỏi đầy ác ý: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho César hay không?”


Vâng, rất ác ý. Nếu Đức Giê-su trả lời không, nhóm “những người phe Hêrôđê” sẽ tố cáo Ngài không trung thành với Hoàng đế César.


Và điều gì sẽ xảy ra? Đương nhiên sẽ sập bẫy họ. Sẽ trúng kế “tá đạo sát nhân – mượn dao giết người” của họ chứ còn gì nữa! Một lũ quần-chúng-tự-phát sẽ xuất hiện, sẽ lớn tiếng gọi Đức Giê-su là “tên phản động”… Và chúng sẽ bắt Đức Giê-su nộp cho tổng trấn Phi-la-tô, ngay lập tức.


Còn nếu trả lời có, thì sao! Thưa, mấy ông “thần quyền” Phariseu dễ gì ngồi yên. Họ sẽ huy động “các môn đệ của họ” đi khắp Palestina ra rả vu khống Đức Giêsu là một tên “phản dân tộc”…


Binh pháp Tôn Tử có chép “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vâng, Đức Giêsu “biết họ có ác ý…”. Chính vì thế Ngài đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để lôi cổ những con hổ giả hình Phariseu và phe nhóm Hêrôđê ra ánh sáng của chân lý và sự thật.


Dùng phương pháp thính thị, Đức Giêsu yêu cầu họ “cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Khi đồng tiền được đưa ra, Ngài hỏi họ rằng “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Không quá một  giây đồng hồ, họ đồng thanh đáp “Của César”.


Vâng, trên mặt đồng tiền là ảnh chân dung của César. Thế là… thế là Đức Giê-su liền bảo họ rằng: “Thế thì của César trả về César”. Và, tiếp đến Ngài đưa ra một lời truyền dạy, dạy rằng: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

 

 

Và, tới đây thì cuộc chất vấn giữa nhóm người phe Hê-rô-đê cùng Pha-ri-sêu và Đức Giê-su chấm dứt, chấm dứt trong sự “ngạc nhiên” của họ. Thánh sử Mát-thêu cho biết: Họ đã “để Người lại đó mà đi”.

***

“Thế thì của César trả về César, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Vâng, thông điệp Đức Giê-su đã tuyên bố với nhóm người phe Hê-rô-đê và Pha-ri-sêu là như thế đấy. Rất rõ ràng và rất dễ hiểu.


Vấn đề của chúng ta, hôm nay, là hiểu thế nào về thông điệp này? Phải chăng nên hiểu rằng: cái-gì-của-thế-gian-trả-về-thế-gian? Phải chăng nên hiểu rằng: Đức Giê-su muốn gửi đến chúng ta một thông điệp, thông điệp rằng: Đừng nhập nhằng giữa Đạo và Đời?


Suy nghĩ về điều này, thật phải đạo khi chúng ta cùng nghe lời chia sẻ của  Lm Charles E. Miller, lời chia sẻ, rằng: “Đức Giê-su không định làm nhục nhóm Pha-ri-sêu, mà chỉ thách thức họ. Tất nhiên họ phải đóng thuế cho hoàng đế, bởi người La Mã sẽ quán xuyến việc đó bằng vũ lực, nếu cần. Song Thiên Chúa không ép buộc ta làm bất cứ gì, mà chỉ trông đợi ta tự nguyện phụng sự Ngài. Trên hết, Ngài đòi hỏi một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta”.


Đúng thế, sống Đạo, hay nói đúng hơn, sống đức tin là phải sống như thế. Nói rõ hơn, khi chúng ta “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục”, đó chính là lúc chúng ta biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta.

 

Biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta, chẳng phải là chúng ta thực hiện đúng lời yêu cầu của Đức Giê-su: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, sao!


Khi gia đình chúng ta có một cuộc sống: “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”, đó chính là lúc chúng ta biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta.


Biểu lộ một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta, chẳng phải là chúng ta thực hiện đúng lời yêu cầu của Đức Giê-su: “Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”, sao!


Xưa kia, khi Đức Giê-su nói với nhóm người phe Hê-rô-đê cùng Pha-ri-sêu rằng: “Thế thì của César trả về César, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.  Họ trả lời thế nào nhỉ! Họ… họ không trả lời và đã “để Người lại đó mà đi”.


Nếu hôm nay Ngài nói với chúng ta như thế! Đừng sợ và đừng để-Người-ở-đó-mà-đi. Hãy nói với Đức Giê-su rằng: chúng con sẽ làm.


Vâng, chúng ta sẽ làm…làm vì lòng tin. “Hãy làm vì lòng tin”, quý vị nhé!


Petrus.tran

 

 

 

 

 

 

 

Cỗ bàn… Chúa đã dọn xong.

 

Chúa Nhật XXVIII – TN – A


Cỗ bàn… Chúa đã dọn xong. 


Thánh Augustino có nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Người cần đến sự cộng tác của con người”.


Tại sao Thiên Chúa lại cần sự cộng tác của con người? Thưa, sở dĩ cần đến sự cộng tác của con người là bởi Thiên Chúa dựng nên con người có tự do, và sự tự do đó được thể hiện qua sự chọn lựa, chọn lựa đón nhận ơn cứu chuộc hay không đón nhận ơn cứu chuộc.


Ơn Cứu Chuộc được ban một cách nhưng không. Nước Trời luôn mở rộng cho những ai tìm đến. Và, công việc của Thiên Chúa, đó là đưa ra những lời mời gọi.


Vâng, thông điệp này đã được Đức Giê-su diễn giải qua một dụ ngôn mang tên “Dụ ngôn tiệc cưới”.

**

Dụ ngôn được kể, rằng: “Một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”. Ông ta mời nhiều nhân vật quan trọng. Ông ta “sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc…” Thế nhưng, thật đáng ngạc nhiên “họ không chịu đến”. 


“Cỗ bàn… đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn…” Ấy thế mà! Thế mà… “quan khách không thèm đếm xỉa đến”. Họ bỏ đi…”kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn…” Có kẻ còn ác nhân ác đức, họ “bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết”.

 

 

 

 

Thưa quý vị, không thấy thánh Mát-thêu, người viết lại dụ ngôn này nói, nhưng chúng ta có thể biết rằng: nhà vua đã phải chi rất nhiều tiền cho bữa tiệc cưới này. Và, đó là lý do “nhà vua nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”

. 

Câu chuyện tới đây, chắc hẳn chúng ta sẽ thầm nói: Ôi! Một đám cưới, nhiều đám ma!


Chuyện kể như thế, đương nhiên là phải có nhiều đám ma… Nhưng thôi, hãy bỏ qua tiểu tiết này, và hãy trở lại bữa tiệc cưới, trở lại xem nhà vua tiếp tục làm điều gì. 


Nhà vua tiếp tục làm gì nhỉ! Thưa, nhà vua bảo đầy tớ rằng: “các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”. Và, các người đầy tớ đã đi. Họ “đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại…” Cuối cùng… “Phòng tiệc cưới đầy thực khách”.


***

Đức Giê-su mở đầu dụ ngôn bằng cách đề cập đến “Nước Trời”. Thế nên, điều hợp lý chẳng phải là nhân vật “vua” ở đây chính là nói đến Gia-vê Thiên Chúa, sao!


Còn con trai vua và những người được mời đến dự tiệc là ai, chẳng phải là chính Đức Giê-su và là những người sẽ được hưởng phúc Thiên Đàng, sao!


Ai là những người đầu tiên “được mời trước” chẳng phải là những người Do Thái, sao!

 

 

Phần lớn người Do Thái phản ứng thế nào trước lời mời gọi ấy? Thưa, đúng như Đức Giê-su nói: “họ không chịu đến”.

 

 

Hầu hết những nhà lãnh đạo tôn giáo và dân chúng không chấp nhận Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Chẳng những họ không chấp nhận Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a, mà họ còn ngược đãi “những đầy tớ của vua”. Vụ án Tê-pha-nô là điển hình. (x.Cv 4, 13-18; 7, 54, 58).


Chúng ta sẽ không còn “thắc mắc” vì sao “nhà vua nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng”. Vâng, điều này đã xảy đến cho người Do Thái vào năm 70 CN khi quân La Mã hủy diệt “thành phố của chúng” là Giê-ru-sa-lem.

 

Đừng quên, một lần nọ, Đức Giê-su đã nói, rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. 

Và, rằng: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải là để lên án thế gian, nhưng là để thế gian , nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.


Đây là một lời mời gọi. Toàn thể dân Do Thái đã từ chối lời mời gọi này. Thế nhưng, một sĩ quan La Mã tên là Co-nê-li-ô, cùng gia đình ông, nhận được thần khí của Thiên Chúa. Gia đình ông đã đáp lời mời gọi và trở thành những người “được tập hợp lại” để bước vào Bàn Tiệc Cưới Nước Trời. (x.Cv 10, 1… 34-48).

 

 

Vâng, đúng như lời Đức Giê-su nói: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.

****

Và bây giờ là đến chúng ta. Mỗi chúng ta là ai trong dụ ngôn này? Là những thực khách được Đức Giê-su mời chăng?

Vâng, hôm nay, trong mỗi thánh đường, bàn tiệc Thánh Kinh và bàn tiệc Thánh Thể vẫn luôn được dọn ra, vẫn luôn sẵn sàng để tiếp đón chúng ta.


Tiếc thay! Hôm nay, nơi những bàn tiệc đó… vẫn còn rất nhiều ghế trống! Vẫn vắng mặt chúng ta? Tại sao?

Phải chăng, chúng ta chán ngán bàn tiệc đó (bàn tiệc Lời Chúa), vì những bàn tiệc đó đã được người đầu bếp “chế biến” một cách hời hợt và bày ra một cách chiếu lệ!


Phải chăng, chúng ta không dám tham dự bàn tiệc đó (bàn tiệc Thánh Thể), vì chúng ta “không có y phục lễ cưới”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, hãy nhớ rằng: quyền xét đoán là của Thiên Chúa. Hãy để Thiên Chúa xét đoán những người đầu bếp đó.


Còn về chuyện không-có-y-phục-lễ-cưới chăng! Vâng, thật đáng ngại cho sự việc này.  Đức Giê-su, qua dụ ngôn, Ngài đã nói cái kết cho kẻ không-có-y-phục-lễ-cưới, đó là, họ sẽ bị: “trói chân tay lại… quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng”.


Thế thì, chúng ta phải làm gì khi không có y phục lễ cưới? Thưa, hãy đến tòa giải tội. Vâng, phải đến tòa giải tội, vì không có y phục lễ cưới, có nghĩa là chiếc áo tâm hồn chúng ta đã bị hoen ố vì những vết nhơ tội lụy, thưa quý vị.

 

 

Nơi đó, nơi tòa giải tội,  chúng ta sẽ được Thiên Chúa ban tặng cho một chiếc y phục lễ cưới trắng tinh, không tì vết.

Có một thực tế mà chúng ta phải nhìn nhận, đó là số lượng người Công Giáo tham dự bàn tiệc Lời Chúa (đọc Kinh Thánh) quá ít, rất ít, thưa quý vị.


Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta hãy cùng “tập hợp cả lại”, tập hợp lại thành từng nhóm hai, ba người cùng nhau đọc Kinh Thánh. Vâng, chỉ cần hai, ba người cũng có thể được coi như bàn tiệc Lời Chúa “đã đầy thực khách”.


Hôm nay, Đức Giê-su, qua các linh mục, Ngài vẫn lớn tiếng mời chúng ta, rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai đến dự Tiệc Chiên Thiên Chúa”. Ngài vẫn nhắn nhủ chúng ta, rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi”.


Vâng, “Cỗ bàn… Chúa đã dọn xong”.


Petrus.tran

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hãy là tá điền biết sinh hoa lợi…

 

Chúa Nhật XXVII – TN – A


Hãy là tá điền biết sinh hoa lợi…


Vào ngày 02/10/2020 vừa qua, chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican có bản tin như sau: “Ngay sau khi được Tổng thống Trump đề cử, Thẩm Phán Amy Coney Barrett đã phải gánh chịu những cuộc tấn công rất dữ dội. Những cuộc tấn công vào vị nữ Thẩm Phán thông minh xuất chúng này không nhắm vào khả năng của cô, nhưng nhắm vào đức tin của cô, vào đạo Công Giáo.


Oái oăm nhất là cuộc tấn công của nữ tu Campbell. Campbell nói rằng: ‘Là một nữ tu Công Giáo luôn cố gắng nghe theo các giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tôi không thể ủng hộ việc đề cử Amy Coney Barrett vào Tối cao Pháp viện’. Bà nữ tu Campbell cho rằng: ‘Barrett được đề cử do một động cơ duy nhất: để lật ngược phán quyết phá thai Roe kiện Wade” được Tối Cao Pháp Viện đưa ra vào năm 1973 nhằm hợp pháp hóa hành động phá thai, mà bà nữ tu này cho rằng đó là một “nhân quyền liên quan đến việc sinh sản của phụ nữ’. Trong bối cảnh các cuộc tấn công quyết liệt này, Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, Tổng Giám Mục Hiệu Tòa của Philadelphia có một bài nhận định, và trong bài nhận định này, ngài TGM đã có lời nói: Có một loại virus bài Công Giáo lan nhanh trong đảng Dân Chủ Mỹ”.


Vâng, tấn công vào đức tin Công Giáo của Thẩm Phán Amy Coney Barrett, hay có một loại virus bài Công Giáo lan nhanh trong đảng Dân Chủ Mỹ, là điều không có gì ngạc nhiên. Không ngạc nhiên vì điều này đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội.


Khi nói về việc tấn công đức tin vào Chúa, Đức Giê-su cũng đã cảnh báo rằng: ”Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích những gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy” (Ga15,18-21).


Vâng, chương trình cứu độ của Thiên Chúa qua Con một Người là Đức Giê-su, phải là như vậy. Phải là bị ruồng bỏ, là bị bắt bớ, là bị đánh đập, và là phải bị giết chết. Chính Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã mô tả sự kiện đau thương này, mô tả bằng cách kể một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Dụ ngôn những tá điền sát nhân”.

**

Dụ ngôn được kể rằng: “Có gia chủ nhà kia trồng được một vườn nho, chung quanh vườn ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi phương xa”.

Và rồi theo thời gian, khi “gần đến mùa hái nho”, chuyện kể tiếp rằng: “Ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi”.

 

 

 

Những người đầy tớ có thu được không? Thưa, không. Không thu được gì cả. Hôm ấy, khi những đầy tớ đến thu, hoa lợi đâu không thấy, chỉ thấy bọn tá điền như bày sói hung hãn, chúng hành hung đầy tớ của gia chủ.


Thánh sử Mát-thêu đã ghi rất chi tiết vụ hành hung như sau: “Bọn tá điền đến bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ”


Với sự việc xấu như thế, nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Báo cho nhà chức trách ư! Có thể là vậy. Thế nhưng, với gia chủ vườn nho, ông đã không làm vậy. Ông ta làm gì? Thưa, thánh Mát-thêu cho biết: “ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước”.


Than ôi! tưởng rằng, với “số đông”, bọn tá điền sẽ không còn dám manh động, trái lại, bọn chúng “cũng xử với họ y như vậy”.


Tới đây, lẽ ra gia chủ phải dùng vũ lực để trị đám tá điền bất nhân mới đúng, phải không, thưa quý vị! Thế mà, ông ta vẫn nhẫn nại. Chuyện kể rằng: “Ông sai chính con trai mình đến gặp chúng”. Vâng, ông nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta”.

Bọn tá điền có nể không? Thưa, không. Tại sao không? 


Thưa, theo chia sẻ của Lm Ansgar Phạm Tĩnh SDD, thì, “Họ muốn ăn trọn gói, muốn làm chủ và hưởng tất cả mọi hoa lợi của vườn nho. Chính lòng tham đã khiến cho họ trở thành những kẻ tàn ác và sát nhân. Bạn thấy có lý không? Bởi vì khi lòng tham nổi lên trong lòng con người ta, thì họ sẽ trở nên mù quáng, lòng tham sẽ khiến họ phạm những tội ác dã man không thể tưởng tượng được”.

 

 

Ngài Lm. chia sẻ tiếp: “Vì tham lam vườn nho của ông Na-vốt, hoàng hậu I-de-ven, vợ của vua A-kháp đã bày mưu lập kế vu oan cáo vạ cho ông Na-vốt tội nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua. Và ném đá cho chết” (x.1V 21, 9-10).

Trở lại với câu chuyện dụ ngôn, quả thật, đúng là vì lòng tham, nên khi bọn tá điền “vừa thấy người con, thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó”. Và, bọn họ đã làm vậy. Bọn họ “bắt lấy cậu quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi”.

***

Vâng, giải thích cho dụ ngôn này,  Lm.Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Đức Giê-su giáng trần sau khi bao đời ngôn sứ thời Cựu Ước, nói chung, phần nào đã bị dân chúng cùng thời bác bỏ và ngoảng mặt làm ngơ. Các ông đã bị đối xử giống như trường hợp những tên đầy tớ của chủ vườn nho trong dụ ngôn Đức Giê-su đã kể. Được sai đến gặp các tá điền để thu phần hoa lợi chính đáng mang về cho chủ, những đầy tớ này đã bị nhục mạ và đối xử tàn nhẫn. Nản lòng, gia chủ bèn sai chính đứa con trai của ông đến, hy vọng các tá điền vô luân ấy sẽ nể mặt mình, nhưng chúng túm lấy người con và giết luôn. Không cần phải tưởng tượng nhiều, chúng ta cũng nhận ra người con trong dụ ngôn chính là Đức Giê-su”.  


Chính là Đức Giê-su, thưa quý vị. Chính Đức Giê-su rồi cũng sẽ  đến thăm “vườn nho” của mỗi chúng ta, hôm nay. Ngài sẽ đến là bởi, khi đã là một Ki-tô hữu, chúng ta cũng là một “tá điền” của Thiên Chúa.

 

 

Là tá điền của Thiên Chúa, tất nhiên, chúng ta cũng sẽ được Thiên Chúa “trồng một vườn nho và cho chúng ta vào canh tác”.

 

Vườn nho đó có thể được mang tên “Tòa Giám Mục”. Vườn nho đó có thể được mang tên “Giáo Xứ A…hoặc Giáo Xứ B v.v…”. Vườn nho đó có thể được mang tên “Gia Đình”. Vườn nho đó có thể mang tên Xã Hội…


Chúng ta… chúng ta có thể là tá điền của một trong những vườn nho nêu trên. Và,Thiên Chúa sẽ đến gặp mỗi chúng ta “để thu hoa lợi”.


Vâng, Chúa sẽ đến và chúng ta sẽ đem đến trước Ngài “hoa lợi”… hoa lợi của tình yêu thương được thể hiện nơi “những thành phần khốn cùng, bị hắt hủi và khinh rẻ của xã hội”, trong vườn nho mang tên Tòa Giám Mục hoặc mang tên Giáo Xứ A… Giáo xứ B?


Chúa sẽ đến và chúng ta sẽ đem đến trước Ngài “hoa lợi”… hoa lợi của lòng trung tín, sự nhẫn nhục, sự hiền hòa được thể hiện nơi người vợ hoặc người chồng, hoặc con cái, trong vườn nho mang tên là Gia Đình?


Chúa sẽ đến và chúng ta sẽ đem đến trước Ngài “hoa lợi”… hoa lợi của việc “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”, trong vườn nho mang tên Xã Hội?


Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, nếu chúng ta “xù”… nếu chúng ta cư xử với Chúa như những tên tá điền trong dụ ngôn “giết quách Chúa đi”… bằng những thỏa hiệp với thế gian, bằng thói tham-sân-si, bằng những lời nói lộng ngôn, bằng thói giả hình v.v… chúng ta sẽ lãnh hậu quả. Hậu quả đó là sự tru diệt, sự tru diệt của Thiên Chúa.


Vâng, nếu chúng ta cử xử với Chúa như những tên tá điền trong dụ ngôn, thì : “Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho (chúng ta) nữa, mà ban cho một (tá điền) biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”(x.Mt 22, 43).


Có phần chắc, chẳng ai trong chúng ta mong bị Thiên Chúa lấy đi, phải không, thưa quý vị! Thế thì, hãy là: “một tá điền biết sinh hoa lợi”, nhé!


Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...