Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2021

Đi nào… chúng ta cùng đi

 

Đi nào… chúng ta cùng đi

“Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (x.Mt 2, 13).



Chúa Nhật Lễ Hiển Linh

Đi nào… chúng ta cùng đi

Tin Mừng thánh Mát-thêu có hai câu chuyện, cứ đến mùa Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe đến. Hai câu chuyện này đều được ngài ghi tại chương thứ 2. (Mt 2, 1-18).

Một câu chuyện nói về cuộc thảm sát con trẻ tại Belem, do Hê-rô-đê phát động. Hê-rô-đê là vua cai trị miền bắc Galilê, chỉ vì “thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, (ông ta) đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng phụ cận”.

Vâng, câu chuyện rất thương tâm, thương tâm khi cả một đạo quân của tên bạo chúa này, võ trang tận răng, đã tàn sát những con trẻ “từ hai tuổi trở xuống”, là những con trẻ chẳng hiểu vì sao, mình phải chết.

Một câu chuyện khác, và chính câu chuyện này, khơi nguồn cho việc bạo chúa He-rô-đê gây ra cuộc tàn sát nêu trên. Đó là câu chuyện: “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.

**

Vâng, chi tiết câu chuyện với những diễn biến của nó, đã được thánh Mát-thêu kể lại như sau: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem” (x.Mt 2, 1-2).

Rồi khi đã đến Giê-ru-sa-lem, quý ông chiêm tinh lớn tiếng hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?”. Tiếp theo câu hỏi gây hoang mang cho không ít người, là lời loan báo đầy chấn động: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Lời loan báo đầy chấn động đã làm cho “vua Hê-rô-đê bối rối”. Còn Giê-ru-sa-lem thì sao, nhỉ! Thưa: “Cả thành cũng xôn xao”.

Trong cơn bối rối, chuyện kể tiếp, rằng: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?”

Rất nhanh chóng, nhanh hơn một cú click chuột trên computer, quý ngài thượng tế và kinh sư, trả lời: “Tại Belem, miền Giu-đê”. Vâng, quý ngài thượng tế và kinh sư công bố như thế là dựa vào “sách ngôn sứ, có chép, rằng: Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Qua lời công bố của các thượng tế và kinh sư, mấy nhà chiêm tinh đã biết được nơi mình sẽ phải đến. Đó là Belem miền Giu-đa.

Belem miền Giu-đa… Let’s go – Đi nào… Từng đoàn lạc đà cùng mấy nhà chiêm tinh tiếp tục cuộc hành trình.

Cùng đi với mấy nhà chiêm tinh, không phải là quý ngài kinh sư và biệt phái, càng không phải là Hê-rô-đê, nhưng là “một ngôi sao” - “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ…” Ngôi sao đã “dẫn đường cho họ, đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.” (x.Mt 2, …9).

Kỳ lạ thật! Phải chăng đây là “dấu lạ” đầu tiên được Hài Nhi Giê-su thực hiện! Vâng, người viết đã nghĩ như thế. Này nhé, cùng thời điểm trên, tại Belem, chẳng lẽ chỉ có mình Hài Nhi Giê-su sinh ra, sao!

Bao nhiêu con trẻ đã sinh ra! Muốn biết, chúng ta hãy cùng nhau tham khảo tài liệu được đăng trên trang mạng conggiao.info (http://conggiao.info/co-bao-nhieu-thanh-anh-hai-da-bi-giet-boi-vua-herode-d-43753).

Vâng, chúng ta cùng đọc nhé. “Theo Bách Khoa Công Giáo thì ‘Lễ điển Hy Lạp khẳng định Hêrôđê đã giết 14.000 hài nhi, Syria thì nói rằng 64.000, trong khi nhiều nguồn khác thời trung cổ cho là con số lên đến 144.000”.

Tuy nhiên, những con số này đã phóng đại quá mức dân số Bêlem và các vùng lân cận thời Chúa Giêsu.

Chuyên gia Willim F. Albright ước tính tổng dân số toàn Bêlem thời Chúa Giêsu sinh ra là khoảng 300 người. Số các trẻ nam sơ sinh từ hai tuổi trở xuống vì thế chắc chắn chỉ vào khoảng 6 đến 7 mà thôi. Như vậy, cả Bêlem và các vùng lân cận chỉ có tối đa 20 bé trai dưới hai tuổi vào lúc đó, tức là con số các Thánh Anh hài ở mức 10-20 vị”.

Sáu đến bảy. Hoặc mười đến hai mươi. Vậy mà, “ngôi sao” lại chỉ dừng chính nơi “Lãnh tụ chăn dắt Israel ra đời” tên là Giê-su, “thân mẫu là bà Maria”, thánh Mát-thêu ghi rõ như thế, thế nên không gọi là “dấu lạ” sao được, nhỉ!

Vâng, hôm ấy khi ngôi sao “dừng lại” nơi Hài Nhi Giê-su sinh ra, chuyện kể rằng: “(Các nhà chiêm tinh) vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (x.Mt 2, 13).

***

Các nhà chiêm tinh, đã “đi đến nơi”. Thế họ có “về đến chốn”? Thưa có. Nhưng, hành trình “trở về mái nhà xưa” của quý ngài chiêm tinh cũng là một bài toán khó giải. Khó giải vì lời “dặn dò dễ thương” của vua Hê-rô-đê.

Vâng, ông kẹ Hê-rô-đê, hôm gặp các nhà chiêm tinh ở Giê-ru-sa-lem, đã “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.” Hỏi xong, ông ta dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.

“Để tôi cũng đến bái lạy Người”. Vâng, lời dặn khôi hài quá, phải không, thưa quý vị?

Trên thế gian này, từ cổ chí kim, có vị lãnh tụ nào “phấn khởi” khi nghe tin có thằng nhóc nào vừa mới sinh ra, sau này sẽ trở thành lãnh tụ… một nguy cơ cướp chiếc ghế quyền lực muôn năm của mình, có vị vua nào “hồ hởi” khi nghe tin có chú bé nào vừa mới sinh ra, sau này sẽ là vua, một nguy cơ truất phế ngai vàng muôn năm của mình, thế mà mình vẫn muốn đến “bái lạy” thằng nhóc đó, không! Đúng là chuyện tề thiên đại thánh...

Không thấy thánh sử Mát-thêu nói gì, nhưng chúng ta có thể tin rằng, các nhà chiêm tinh đã cảm thấy “sao sao đó” về lời dặn dò của Hê-rô-đê. Có thể là vậy.

Hôm ấy, bài toán khó giải của các nhà chiêm tinh đã có lời giải. Lời giải quý ngài chiêm tinh nhận được qua một giấc mộng. Qua giấc mộng, các ông “được báo mộng là đừng trở lại gặp Hê-rô-đê nữa”. Vâng theo lời báo mộng, các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ mình”.

****

Các nhà chiêm tinh, nói theo cách nói của các đồng chí nhà ta hôm nay, đã có một cuộc hành trình “thành công tốt đẹp”.

Vâng, rất thành công. Chỉ cần “một mùa đông giá, hang Belem Chúa sinh ra đời”, chỉ cần “một mùa” thôi… các nhà chiêm tinh đã gặp Hài Nhi Giê-su. Các ông đã “sấp mình thờ lạy Người”, đó là điều đáng để chúng ta ghi nhớ.

Ghi nhớ để tự hỏi mình rằng: Nay, qua biết bao “mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời”… vâng, đã qua “rất nhiều mùa sao sáng” trong cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta cũng đã gặp được “Giê-su Cứu Chúa đời ta”?

Hả! Chưa gặp được sao? Chưa… chưa gặp được, đó là do bởi chúng ta chưa có “lòng khao khát” như các nhà chiêm tinh xưa đã có “lòng khao khát”.

Xưa, chính nhờ lòng khao khát, các nhà chiêm tinh đã không quản ngại đường xá xa xôi, (theo tính toán của những nhà nghiên cứu là khoảng 2.000km), các ông đã “từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem…” để hỏi cho bằng được “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu”. Cuối cùng, các ông đã gặp.

Nay, nếu chúng ta cũng có lòng khao khát… Nếu chúng ta có lòng khao khát đi tìm Giê-su Cứu Chúa, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, có phán hứa rằng: “Các ngươi sẽ thấy… Ta sẽ cho các ngươi được gặp” (Gr 29, 13-14).

Vâng, chúng ta phải có lòng khao khát. Chúng ta phải “hết lòng kiếm”, lời Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, nói như thế.

Chưa… còn nữa. Ngoài lòng khao khát, các nhà chiêm tinh còn nhờ vào “ơn phước” Chúa ban. Ơn phước Chúa ban, chính là “ngôi sao dẫn đường”.

Ngôi sao dẫn đường cho chúng ta hôm nay chính là quyển Kinh Thánh (Lời Chúa). Thật vậy, vua David xưa đã chẳng từng nói: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi”, đó sao!

Là-ánh-sáng-chỉ-đường có khác nào ngôi-sao-dẫn-đường! Như đã nói ở trên, đây là ơn phước. Có bao giờ chúng ta nguyện xin Chúa cho mình “ơn phước” yêu mến việc “đọc – học” Kinh Thánh?

Hôm nay, hành trình tìm để gặp Chúa Giê-su không còn là tại “Belem, miền đất Giu-đa” năm xưa, nhưng là tại “Bàn Tiệc Thánh Thể”, chính nơi đây, ta sẽ gặp được “Giê-su Cứu Chúa”, một Đức Giê-su luôn lớn tiếng mời gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 2, 20).

Không còn là chuyện phải cưỡi lạc đà đi trên 2.000km. Chỉ cần năm, mười phút “lội bộ”, nếu nhà gần thánh đường. Chỉ cần ba mươi phút trên chiếc “Future 125 Fi”, nếu nhà xa, là chúng ta có thể đến tham dự “Bàn Tiệc Thánh”

Sao! “Cô-vi 19” ngăn cản hả! Thì “Rước Lễ Thiêng Liêng”. Ai cản được!

Không gì có thể ngăn cản chúng ta tìm và gặp Chúa, nếu chúng ta có lòng khao khát. Không gì có thể làm “giảm” lòng khao khát của chúng ta, nếu chúng ta có Lời Chúa “làm ánh sáng chỉ đường ta đi”.

Bạn có tràn đầy lòng khao khát! Bạn có Lời Chúa làm ánh sáng chỉ đường! Nếu có, vậy thì chúng ta cùng đi. Cùng đi gặp Giê-su nơi Bàn Tiệc Thánh Thể. Vâng, “Đi nào… chúng ta cùng đi.”

Petrus.tran

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Lặng… để nghe tiếng Chúa

 Chúa Nhật Lễ Thánh Gia

Lặng… để nghe tiếng Chúa

“Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. Ha hà há ha ha. Thắp sáng một gia đình. Gia đình, gia đình. Ôm ấp ta những ngày thơ. Cho ta bao nhiêu niềm thương mến. Gia đình, gia đình. Vương vấn bước chân ra đi. Ấm áp trái tim quay về.”

Những dòng chữ trên đây là trích đoạn nhạc phẩm “Ba ngọn nến lung linh”, tác giả: nhạc sĩ Ngọc Lễ. Qua trích đoạn này, chúng ta được tác giả cho nhìn thấy hình ảnh một gia đình ấm cúng, một gia đình sáng ngời tình yêu thương.

Thấy là thế, thế nhưng trong thực tế ngày nay, để tìm một gia đình “Lung linh lung linh tình mẹ tình cha. Lung linh lung linh cùng một mái nhà. Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui. Lung linh lung linh hai tiếng gia đình.” ôi! sao mà khó thế...

Vâng khó tìm thấy lắm. Và, đó là lý do khiến Honoré de Balzac đã phải buồn bã nói: “Gia đình… là đường đưa tới thiên đàng hay đưa tới địa ngục”.

Rất nhiều lý do đã được nêu ra để biện minh. Nào là do chiến tranh, nào là do ảnh hưởng từ những chủ thuyết lệch lạc, đại loại như: chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết vô thần và gần đây là sự cổ vũ cho một lối sống tự do, tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính.

Cũng có nhiều ý kiến đóng góp được nêu lên để “khắc phục” những hậu quả đã làm cho gia đình không còn là “tổ ấm”. Thế nhưng, những ý kiến đóng góp đó chỉ như là những tiếng vọng yếu ớt, yếu ớt như thể tiếng hót của “những con chim ẩn mình chờ chết”.

Báo chí đã lớn tiếng cảnh báo, nhiều nhà giáo dục với tâm huyết của mình, đã phát hành những tác phẩm hướng dẫn hôn nhân gia đình, v.v… nhưng kết quả chẳng đáng bao nhiêu. Tại sao?

Thưa, chỉ vì người ta không nhìn ra rằng, còn một nguyên nhân sâu xa hơn nữa, và chính nguyên nhân này đã khiến ngày nay, nhiều gia đình tan vỡ, nhiều gia đình như hỏa ngục, nhiều gia đình trẻ ly hôn, v.v…

Vâng, nguyên nhân chính, đó là: gia đình thiếu vắng Thiên Chúa, gia đình không tuân giữ lề luật Chúa, tệ hơn gia đình đã chối bỏ Thiên Chúa. 

Kinh Thánh đã ghi lại nhiều bài học cay đắng khi một gia đình nào đó từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Kinh Thánh cũng đã ghi lại nhiều trường hợp gia đình đổ vỡ chỉ vì gia đình đó không tuân giữ lề luật Thiên Chúa. Gia đình nguyên tổ Adam và Evachắc hẳn ai trong chúng ta đều biết, như điển hình. 

Trong chương trình sáng tạo, “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. Đó là gia đình đầu tiên, và “Người ban phúc lành cho họ” (Stk 1, 28).

Phúc lành Thiên Chúa ban đã mất đi khi Adam và Eva phạm tội bất tuân. Ông bà đã “bất tuân” lệnh Thiên Chúa truyền rằng: “trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì… không được ăn.” Vậy mà, hai ông bà đã nghe lời gạt gẫm của Satan và đã ăn.

Để rồi, từ khi phạm tội bất tuân, sự khủng hoảng bắt đầu xảy ra trong gia đình nguyên tổ. Sự khủng hoảng đầu tiên, đó là, hai ông bà “trốn… để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa”. 

Không giáp mặt Thiên Chúa, kể như gia đình hai ông bà không còn sự hiện diện của Thiên Chúa. Không còn sự hiện diện của Thiên Chúa, gia đình Adam và Eva mất đi sự gắn bó “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” của mình. Mất đi sự gắn bó, gia đình Adam-Eva mất đi “hai tiếng yêu thương”. Mất đi hai tiếng yêu thương, gia đình Adam-Eva trở thành “bãi chiến trường”. Tại bãi chiến trường đó, hai người con là Cain và Abel trở thành thù nghịch. Kết quả người anh Cain giết chết em mình là Abel. 

Câu chuyện Cain và Abel quả đúng là một thảm họa, một thảm họa mà (tất nhiên) chẳng ai trong chúng ta muốn nó xảy ra trong gia đình mình. 

Làm sao để nó không xảy ra! Thưa, hãy nhìn lại gia đình mình và tự hỏi, gia đình tôi có sự hiện diện của Thiên Chúa không?

Kinh Thánh có rất nhiều câu chuyện cho chúng ta thấy, sự hiện diện của Thiên Chúa, đã hóa giải biết bao nhiêu nan đề trong cuộc sống gia đình. Câu chuyện “Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do-thái”, được ghi trong Tin Mừng thánh Luca, chính là một thông điệp sống, một thông điệp sống nói về sự hiện diện của Thiên Chúa trong gia đình, là sự hiện diện sẽ đem đến biết bao điều tốt đẹp.

**

Câu chuyện được thánh Luca ghi lại như sau: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua”. Đức Giê-su cũng cùng đi với gia đình. Năm ấy: “Người được mười hai tuổi”.

Sẽ chẳng có gì để nói nếu không xảy ra chyện: “xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêsusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (Lc 2, 43).

Chuyện tới đây, với những người không hiểu biết sẽ cho rằng cha mẹ Đức Giêsu vô tâm, không theo sát con cái mình.

Thưa không phải thế. Chuyện là thế này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích.

(Điều này, cũng giống như ngày xưa, ở miền nam Việt Nam hồi thập niên 60, vào nhà thờ dự thánh lễ, nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên, con cái còn nhỏ muốn ngồi bên nào cũng được.)

Thế nên, việc ông bà Giuse-Maria “cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành” là điều không có gì đáng trách.

Mà có gì phải đáng trách chứ! Hãy nhìn xem, sau khi tìm kiếm con giữa đám bà con và người thân thuộc… “Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm”. Hãy nhìn xem, cha mẹ Đức Giêsu đã phải “cực lòng tìm con” như thế nào! 

“Sau ba ngày”… khi trở lại Đền Thờ, chuyện kể rằng: “ông bà thấy con (mình) đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”. Chỉ là một cậu bé mười hai tuổi, thế mà “ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và lời đối đáp của cậu”. 

Và rồi, một cuộc “đối đáp” tiếp theo xảy ra. Đó là cuộc đối đáp giữa Đức Giê-su và Mẹ của Ngài. 

Hôm ấy, Đức Maria lên tiếng: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!”. Đức Giê-su đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Vâng, cuộc đối đáp chấm dứt, và chúng ta được thánh Luca cho biết: “Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói”.

***

Câu chuyện cho chúng ta nghe hai cuộc đối đáp. Và, chính hai cuộc đối đáp này cho chúng ta thấy, quả đúng là có “Sự hiện diện của Thiên Chúa” trong gia đình Đức Giê-su.

Với cuộc đối đáp thứ nhất, rất rõ nét. Phải có sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Giê-su… phải có, Ngài mới có thể làm cho mọi người “ngạc nhiên (về) những lời đối đáp” của mình.

Về cuộc đối đáp thứ hai, cuộc đối đáp giữa Đức Maria và Đức Giê-su, thì sao? Chúng ta hãy nghe lại câu nói của Đức Maria: “Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực nhọc tìm con!”

Phải-cực-nhọc nha! Nếu là chúng ta, chúng ta trả lời sao đây? Riêng tôi, tôi sẽ trả lời, rằng: “I’m sorry”. Đức Giê-su không biết tiếng Mỹ. Ngài trả lời bằng tiếng Do Thái (được dịch ra tiếng Việt) rằng: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

Thánh Giu-se và Đức Maria, nói gì? Thưa, không nói gì cả. Không nói, không phải vì hai ngài “không hiểu lời (Đức Giê-su) vừa nói.” Không nói vì “có thể” hai ngài nhận ra có “sự hiện diện của Thiên Chúa” qua lời nói của Đức Giê-su, con mình. 

Với thánh Giu-se, câu nói “Cha con” đã làm ngài suy tư! Giu-se là cha con đây. Còn “Cha con” nào nữa. Hay phải chăng “Cha con” là “Đức Chúa là Thiên Chúa?” 

Với Đức Maria thì sao? Thưa, (có lẽ) tâm trạng của Mẹ cũng không khác gì thánh Giu-se. Câu nói “bổn phận ở nhà Cha con” cũng làm cho Đức Maria suy tư. Nhà con ở Nadaret kia mà… vậy sao con không về Nadaret làm bổn phận của người con!

Cha mẹ của Đức Giê-su đã suy tư… suy tư trong “thinh lặng”. “Lặng để nghe CON nói… biết đâu đó là Lời Chúa Cha!” 

Thánh Giu-se và Đức Maria đã im lặng. Nếu là chúng ta, có lẽ chúng ta sẽ có lời phản ứng. Nhẹ thì chúng ta sẽ nói: “Này con, đừng nói hỗn với mẹ như thế!” Nặng thì chúng ta sẽ “lôi cổ” con mình ra khỏi đám đông và tặng cho nó vài cái tát. 

Vâng, không có sự hiện diện của Thiên Chúa rất có thể chúng ta sẽ hành xử như vậy. Chúng ta sẽ “xổ” vài câu tiếng Đức, vài câu tiếng Đan Mạch, vài cái tát cùng với lời đay nghiến “mày làm khổ cha mẹ mày.”

Sống trong một xã hội đầy bạo lực, như hôm nay. Bạo lực học đường. Bạo lực gia đình. Bạo lực công sở. Bạo lực ngay cả trong nhà thờ. Biết đâu… biết đâu chúng ta sẽ bị tiêm nhiễm! 

(Chính người viết đã chứng kiến hai bạn cỡ tuổi trung niên, chỉ vì tranh giành việc cầm cờ, đánh trống, trong một buổi rước sách, thế là hai bạn này đã “xổ nho”, xổ từng chùm nho uất hận, khiến cho ban tổ chức phải đỏ mặt mắc cỡ trước cộng đoàn.)

*****
Chúng ta vừa nhìn qua gia đình Thánh Giu-se, Đức Maria và Chúa Giê-su. Đây là một gia đình không có bạo lực. Không có bạo lực, vì đây là một gia đình có sự hiện diện của Thiên Chúa.

Không ai trong chúng ta muốn gia đình mình là một gia đình đầy bạo lực, đúng không? Thế thì, hãy nhìn vào gia đình này, gia đình Thánh Giu-se, Đức Maria, Chúa Giê-su, truyền thống Giáo Hội gọi là Gia Thất Thánh, như là mẫu mực để gia đình chúng ta noi theo.

Vâng, sẽ đem đến gia đình chúng ta nhiều điều tốt đẹp, nếu chúng ta có một đời sống giống như đời sống của Gia Thất Thánh. 

Sẽ đem đến gia đình chúng ta nhiều điều tốt đẹp, nếu gia đình chúng ta có sự hiện diện của Thiên Chúa. Sẽ không có bạo lực trong gia đình chúng ta, nếu chúng ta tuân giữ lề luật của Thiên Chúa.

Sẽ có một “Gia đình hòa thuận, láng giềng thân thiết, vợ chồng ý hợp tâm đầu” nếu chúng ta không chối bỏ Thiên Chúa. 

Có Chúa trong gia đình, chúng ta sẽ chẳng bao giờ bạo lực với vợ, với con cái mình.

“Đừng bao giờ tát vào mặt đứa trẻ”. Đức Thánh Cha Phanxico đã nói như thế trong một chương trình Giáng Sinh, dành riêng cho những người ‘vô hình’ trong xã hội ngày nay, được đài truyền hình Mediaset của Ý phát sóng vào ngày 19 tháng 12 năm 2021.

Ngài than thở rằng “Số lượng phụ nữ bị đánh đập, ở nhà, ngay cả bởi chồng họ là quá lớn”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm: “Thật là nhục nhã khi một người cha hoặc người mẹ tát vào mặt một đứa trẻ. Đừng bao giờ tát vào mặt một đứa trẻ, bởi vì nhân phẩm thể hiện trên khuôn mặt.” (VietcatholicNews).

Nhân-phẩm-thể-hiện-trên-khuôn-mặt. Chúa Giê-su cũng thể hiện trên khuôn mặt mỗi người. Thế nên, đừng sử dụng bạo lực với bất cứ ai.

Trong gia đình, khi phải đối diện một nan đề khó khăn nào đó, đừng vội nôn nóng, đừng vội sử dụng bạo lực, để giải quyết nan đề. Hãy lặng im, như thánh Giu-se và Đức Maria đã lặng im trước nan đề của gia đình mình. Lặng im không có nghĩa là buông xuôi. Lặng im không có nghĩa là thỏa hiệp. Vâng, “Lặng… Lặng để nghe tiếng Chúa, nói trong trong tâm hồn ta”.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2021

Hãy sống yêu thương và phục vụ

 Yêu thương và phục vụ, phục vụ và yêu thương, đó là nét đẹp của Ki-tô giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, “nét đẹp” này đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới.



Chúa Nhật IV – MV – C

Hãy sống yêu thương và phục vụ

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “anh em phải thương yêu nhau” và rằng: “con người đến… là để phục vụ”.

Yêu thương và phục vụ, phục vụ và yêu thương, đó là nét đẹp của Ki-tô giáo. Trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, “nét đẹp” này đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới.

Có rất nhiều người con của Giáo Hội đã sống tận hiến cả cuộc đời mình cho nét đẹp này. Xin đơn cử một nhân vật gần đây, mà hầu như ai trong chúng ta, đều biết. Đó là Đức cha Jean Cassaigne.

“Ngài được mệnh danh là vị Cha hiền của người dân tộc thiểu số và của những người phong cùi. Hơn nửa cuộc đời Ngài sống ở Việt Nam, phần lớn thời gian ấy Ngài sống với những người phong cùi của miền sơn cước Di Linh. Có thể nói Ngài là người đã khai mở công cuộc truyền giáo cho người bản địa trên cao nguyên hẻo lánh này, mỗi bước chân của Ngài đều để lại dấu ấn ‘yêu thương’ và đem lại niềm vui hạnh phúc cho những người bất hạnh bị bỏ rơi.”

“Ngày lễ kính thánh Gioan Baotixita 24.06.1941 một sự kiện trọng đại đã đến với vị Cha hiền của người dân tộc thiểu số và những người phong cùi, đó là Ngài được tấn phong Giám mục và là Giám quản Tông tòa Giáo phận sài Gòn. Nhưng sau 14 năm, khi bước vào tuổi 60 (cuối năm 1955), Ngài xin từ chức để nghỉ hưu và tình nguyện về lại Di Linh để phục vụ làng cùi. Tại sao Ngài làm như vậy? Thật đơn giản, vì suốt 14 năm làm Giám quản một Giáo phận lớn nhưng dường như tâm trí và trái tim của Ngài phần lớn vẫn dành cho những bệnh nhân phong, những người bị ruồng bỏ nơi chốn rừng sâu hoang vắng trên cao nguyên Di Linh.”

“Ngài đã hiến-mạng-sống-mình-vì-người-mình-yêu ngay tại làng cùi ở tuổi 78. Nữ tu Mai Thị Mậu kể lại rằng: Ngày lễ an táng của Ngài tất cả bệnh nhân phong, bà con giáo dân, và đông đảo người lương quanh vùng đều để tang, khóc lóc thảm thiết đưa tiễn người Cha nhân lành đến nơi an nghỉ cuối cùng.” (nguồn: simonhoadalat.com).

Cách đây hơn hai ngàn năm, Đức Maria, người được gọi là “Đấng đầy ơn sủng”, cũng là một tấm gương mẫu mực trong việc thể hiện một cuộc sống tràn đầy tình yêu thương và sự phục vụ.

Là người tuyên bố mình là “nữ tỳ của Chúa”, Đức Maria ý thức rằng “tình yêu thương” luôn phải là kim chỉ nam cho cuộc sống của mình. Và, tình yêu đó phải là một tình yêu phục vụ.

Trình thuật “Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth” được ghi trong Tin Mừng thánh Luca như một “diễn từ sống động”, một diễn từ sống động nói lên tình yêu thương và sự phục vụ quên mình của Đức Maria.

**

Câu chuyện được thánh sử Luca ghi lại như sau: Sau khi được sứ thần Gaprien loan báo “bà Êlisabet… đang cưu mang một người con trai”, Đức Maria liền “vội vã lên đường”.

Kinh Thánh của United Bible Societies thì dịch là “Mari chờ dậy, lật đật đi”. Với hai chữ “lật đật”, nó làm cho chúng ta liên tưởng đến việc chuyến đi của Đức Maria, là một chuyến đi đầy khó khăn và vất vả.

Mà đúng vậy, đây là một chuyến đi “đến miền núi”, mà nói tới núi thì làm sao dễ dàng cho việc đi lại nhỉ! Vâng, Đức Maria đã lật đật đi. Hồi đó, không có “Grab Bike”, thế nên thật nhọc nhằn cho Đức Maria, ngồi trên lưng lừa (nếu được vậy cũng tốt), với một cung đường gập gềnh khó đi, dài khoảng 160 cây số, (đây là con số mà nhiều vị linh mục đã nêu lên trong bài giảng của mình), thì quả là Mẹ đã phải có một tình yêu thương, một tình yêu thương quên mình, với bà chị họ của mình.

Kinh Thánh có lời khuyên “Đừng ngại thăm nom người ốm” (Hc 7, 35). Đức Maria đã không “ngại”, và Mẹ đã đến “nhà ông Da-ca-ri-a”. Mẹ đã không ngại thăm bà chị họ đang “ốm nghén” được sáu tháng.

Cuộc thăm viếng của Đức Maria được mở đầu bằng lời “chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”. Hôm ấy, gia đình ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét rất vui mừng. Thế nhưng, người vui đầu tiên lại không phải là hai ông bà, mà đó là thai nhi. Thánh sử Luca ghi: “vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên”.

Và rồi, tiếp đến là niềm vui của bà Ê-li-sa-bét, bà vui vì: “được đầy tràn Thánh Thần”. Bà Ê-li-sa-bét còn biểu lộ niềm vui mình, qua lời chia sẻ, rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui mừng.”

Bà Ê-li-sa-bét vui. Đứa con trong bụng của bà cũng đã-nhảy-lên-vui-mừng. Thế còn ông Da-ca-ri-a? Chúng ta không biết, vì thánh Luca không nói gì đến ông ta. Thế nhưng, có một điều chúng ta tin chắc rằng, Đức Maria cũng rất vui, vui vì Mẹ đã thể hiện tình yêu thương của mình qua việc ở lại “phục vụ” bà chị họ “độ ba tháng”.

Độ-ba-tháng, chẳng phải là Đức Maria đã “ở lại với bà Ê-li-sa-bét” cho đến lúc mẹ tròn con vuông, sao! Vâng, điều này minh chứng, Đức Maria chính là tấm gương mẫu mực về tình yêu thương và sự phục vụ.

***

Những ngày qua, nhiều nhà thờ đã “vội vã” thiết kế hang đá tái hiện hình ảnh Chúa Giê-su giáng sinh. Nhiều gia đình “lật đật” đi mua sắm những vật dụng như dây đèn, cây thông v.v… để trang trí máng cỏ.

Đó… đó là một truyền thống đẹp. Đẹp nhưng chưa đủ. Tân Giám Mục Giu-se Đỗ Quang Khang, qua bài giảng đầu tiên trong thánh lễ tạ ơn, được đăng tải trên YouTube, đã có lời tâm tình, rằng: “mắc mấy dây đèn, làm mấy cây thông Noel… cắm chung quanh nhà thờ… dễ”.

Vâng, lời tâm tình của ngài Tân Giám Mục đáng để chúng ta suy gẫm. Tại sao phải suy gẫm? Thưa, ngài Tân Giám Mục nói, đó chỉ là những sửa soạn, những chuẩn bị “bề ngoài”. Thế nên, thật phải đạo để suy gẫm rằng, ngoài việc vội vã và lật đật cho công việc mắc dây đèn, cắm cây thông, làm máng cỏ, v.v… chúng ta còn phải làm gì?

Phải chăng là hãy vội vã và lật đật như Đức Maria xưa, đã vội vã và lật đật? Phải chăng là hãy thể hiện tình yêu thương và sự phục vụ, như Đức Maria xưa, đã thể hiện?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy tưởng tượng, nếu chúng ta “vội vã lên đường” viếng thăm những trẻ em cô nhi bất hạnh, điều gì sẽ xảy ra? Thưa, có phần chắc, chúng ta sẽ được nhìn thấy nhiều trẻ thơ “nhảy lên vui sướng”.

Hãy tưởng tượng, nếu chúng ta lật-đật-đi-đến với những bà “Ê-lisa-bét thời @” đang muốn phá thai, với những lời khuyên chân tình, biết đâu… biết đâu chúng ta sẽ được nghe nhiều bà mẹ, sau khi không phá thai và sanh con, đã vui mừng thốt lên: “Bởi đâu tôi được ‘soeur’ tôi đến với tôi thế này?” (Vâng, về công việc này các soeur là những người luôn “lật đật” lên đường, và các soeur, có phần chắc, đã không ít lần được nghe rất nhiều bà mẹ vui mừng thốt lên.) 

Chưa hết… còn nữa. Còn đó những bà Êlisabet-già-nua không nơi nương tựa, đang phải sống cô đơn trong một xó xỉnh của một nghĩa trang nào đó, những Êlisabet đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang, những Êlisabet bị bỏ rơi với đàn con nhếch nhác, v.v… Ai sẽ là người vội vã lên đường viếng thăm… Ai sẽ là người lật đật đi đến với họ, nếu không phải là chúng ta!

Vâng, phải là chúng ta. Cách này hay cách khác. Một lời cầu nguyện. Một giờ phục vụ vệ sinh cho bệnh nhân. Một sự đóng góp tùy theo khả năng của mình.

Chỉ một tin nhắn thăm hỏi qua zalo, cho một người bạn bị cách ly vì Covid 19, cũng là một nguồn an ủi lớn lao như thế nào. Thưa quý vị, đó là điều người viết từng trải.

Là một Ki-tô hữu, chúng ta phải ghi khắc trong con tim mình tấm gương mẫu mực của Đức Maria. Đó chính là tấm gương yêu thương và phục vụ. Đừng quên, sống yêu thương và phục vụ, Kinh Thánh cho biết: “vì nhờ những việc như thế mà con sẽ được mến yêu” (x.Hc 7, 35).

Thật vậy, mọi người sẽ yêu mến chúng ta. Và, như Đức Maria, chúng ta cũng sẽ được gọi là những người “thật có phúc”. Thế nên, hãy xây dựng cho bản thân mình một cung cách sống, đó là sống yêu thương và phục vụ.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...