Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Hãy là chứng nhân của Chúa

 Đức Giê-su “đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (x.Lc 24, 51).



Chúa Nhật – Lễ Chúa Thăng Thiên

Hãy là chứng nhân của Chúa

Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Corinto, có lời rằng: “Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.” (1Cor 15, 14).

Vâng, Đức Ki-tô đã “trỗi dậy” và hôm nay, chúng ta tuyên xưng rằng: “Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”. Chúng ta vẫn tuyên xưng như thế và chúng ta còn tuyên xưng: “Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”.

Những lời tuyên xưng nêu trên, không do Giáo Hội tự bịa đặt ra, nhưng là do các vị tông đồ truyền dạy. Các vị tông đồ đã truyền dạy, vì các vị chính là chứng nhân.

Các thánh tông đồ đã truyền dạy, và những lời truyền dạy đó đã được chép lại trong các sách Tin Mừng. Trong các sách Tin Mừng đó, có Tin Mừng Thánh Luca. Thánh Luca có ghi lại sự kiện Đức Giê-su lên trời.

Theo thánh Luca, sự kiện Đức Giê-su lên trời xảy ra gần ngôi làng Bê-ta-ni-a. Hôm ấy, các môn đệ đang quy tụ bên nhau trong một ngôi nhà tại Giê-ru-sa-lem. Có thể, đây là ngôi nhà các ông và Thầy Giê-su đã cùng ở bên nhau trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng.

Trong lúc “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em”.

Vâng, trước lúc đó vài phút, lúc các-ông-còn-đang-nói, còn đang nói về việc “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon”, ấy thế mà, bây giờ Thầy Giê-su đến chúc các ông bình an, các ông lại “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Phải chăng, các ông “thần hồn nát thần tính”!

Không phải là ma. Là chính Đức Giê-su. Là Đức Giê-su và Ngài nói: “Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây”

Vâng, là chính Đức Giê-su Phục Sinh. Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết và đã đến gặp gỡ các môn đệ. Đến và nói, nói với các ông rằng: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách luật Môsê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm”.

Không thấy thánh Luca nói Đức Giê-su đã trích dẫn chương nào, đoạn nào trong sách Thánh Vịnh, nhưng ai cấm chúng ta nghĩ rằng, chắc hẳn, Ngài đã nói đến chương 68, câu 19: “Ngài đã lên cao… ở bên cạnh CHÚA TRỜI”!

Phần các môn đệ, chắc hẳn các ông biết Thầy Giê-su nói gì. Biết, nhưng biết khác với hiểu. Biết rằng Thánh Vịnh có chép như thế, nhưng lời chép đó phải “hiểu” như thế nào, khó đấy!

Và, đó là lý do, hôm đó, Đức Giê-su “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh.”

Đối với Đức Giê-su, Kinh Thánh chính là chìa khóa để hiểu được “ý định của Thiên Chúa”. Và, ý định của Thiên Chúa, hôm ấy, Đức Giê-su nói cho các môn đệ biết, đó là: “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.”

Nói xong, Ngài truyền lệnh cho các môn đệ, rằng: “Chính anh em là chứng nhân về những điều này.” Mười một người môn đệ đón nhận mệnh lệnh của Đức Giê-su! Thưa, chắc chắn là thế.

Truyền lệnh xong, Đức Giê-su “dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a rồi giơ tay chúc lành cho các ông.”

Gần Bê-ta-ni-a là gần nhà chị em cô Mát-ta chăng! Thánh Luca không cho biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết rằng, gần ngôi làng này đã xảy ra một hiện tượng vô tiền khoáng hậu.

Vâng, hôm đó, tại nơi này, Đức Giê-su “đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời” (x.Lc 24, 51).

Đức Giê-su đã “được đem lên trời”. Và các môn đệ, sau khi chứng kiến sự kiện này, thánh Luca cho biết “Các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.”

**

Thật ra, vào những ngày đầu, sau khi Đức Giê-su Phục Sinh, có thể nói, các môn đệ vẫn chưa nghĩ rằng, rồi đây Thầy của mình sẽ “được đem lên trời”. 

Chứng kiến tận mắt sự Phục Sinh của Ngài, nhưng với hai môn đệ trên đường về Emmau, tâm hồn họ vẫn chỉ quanh quẩn trong niềm vui “nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”.

Còn mười một vị trong nhóm mười hai ư! Vâng, có thể nói, sự kiện Thầy Giê-su Phục Sinh đã đem đến cho các ông niềm vui khôn tả. Các ông đã vui, đã tin tưởng, đã hy vọng và đã hỏi Thầy Giê-su rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?”.

Không… Đức Giêsu đã nói không. Bốn mươi ngày qua, kể từ khi “trỗi dậy” từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng đến với các môn đệ. Nhưng, mỗi khi đến với các ông, Ngài chưa một lần có những lời nói hay việc làm ngụ ý như thế. Trái lại, khi nghe các môn đệ hỏi như thế, Đức Giêsu đã cảnh báo các ông rằng: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt…”

Đức Giê-su sẽ không khôi phục vương quốc Israel. Vương quốc của Ngài không phải là vương quốc ở trần thế, như có lần Ngài đã nói: “Nước tôi không thuộc thế gian này.”

“Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi… Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” Và rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em” (Ga 16, 7).

Vâng, Đức Giê-su đã nói như thế. Rất có lợi, đó là: “…để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”.

 

Điều cần thiết, ngay lúc này, điều Đức Giê-su đã nói cho các ông biết, đó là các ông cần: “sức mạnh của Thánh Thần”. Và rồi, Ngài có lời truyền dạy các ông, rằng: “Khi (sức mạnh) Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (x.Cv 1, 8).

***

“Ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha”. Các môn đệ xưa, chính là chứng nhân về những điều này. Và, ngày nay chúng ta chính là chứng nhân.

Chứng nhân của ngày hôm nay, không hẳn là phải dùng lý lẽ để biện chứng cho sự kiện Đức Giê-su đã trỗi-dậy-từ-cõi-chết, và rằng Ngài đã được-đem-lên-trời, nhưng điều cần làm và tối cần làm, đó là “…Đến phần chúng ta. (Chúng ta) phải là những người nhận trách nhiệm về sứ vụ của Giáo Hội”. Vâng, ngài Lm. Charles E.Miller có lời khuyên, như thế.

Mà, sứ vụ của Giáo Hội là gì? Thưa, đó là “Hãy đi… làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Đức Giê-su. Chưa hết… còn nữa. Đó là “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều (Đức Giê-su) đã truyền dạy”.

“Làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Đức Giê-su! Điều này chúng ta đã làm, đang làm và vẫn tiếp tục làm. Thành quả như thế nào, chắc hẳn mỗi chúng ta đều biết.

Còn việc “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy” ư! Vâng, đây mới là công việc quan trọng. Quan trọng là bởi, chính Đức Giê-su đã phán truyền: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (x.Mt 7, 21).

Thi-hành-ý-muốn-của-Cha-Thầy chẳng phải là tuân-giữ-mọi-điểu-Đức Giê-su-đã-truyền-dạy, sao!

Tất nhiên là Giáo Hội, qua các vị Giám Mục, Linh Mục vẫn luôn dạy bảo người tín hữu tuân giữ mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy.

Thì đây, Giáo Hội, được hiện diện qua mỗi giáo xứ, chẳng phải là vẫn luôn “dạy bảo” các em thiếu nhi qua các lớp giáo lý... lớp giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu, lớp giáo lý để lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức, lớp giáo lý Bao Đồng dành cho các em trưởng thành, đó sao!

Rồi những hội đoàn. Hội Con Đức Mẹ. Hội Thiếu nhi Thánh Thể, Hội Hùng Tâm Dũng Chí, cũng là những nơi “dạy bảo người tín hữu tuân giữ mọi điều Đức Giê-su đã truyền dạy”. Đó là chưa nói tới những lớp học Kinh Thánh, Thần Học giáo dân, v.v…

Chỉ tiếc rằng, không ít người “nghe”, “học” nhưng không “đem ra thực hành”. Điển hình là mấy tuần lễ vừa qua, một người lãnh tụ của một cường quốc hạt nhân (không muốn nêu tên ông kẹ này ở đây), tay phải làm “dấu thánh giá” (một dấu hiệu chứng minh mình là một người môn đệ của Đức Giê-su), tay trái ký sắc lệnh tiến hành cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, tấn công (vô cớ) vào một nước láng giềng nhỏ bé, với tất cả sức mạnh của hỏa tiễn hành trình, của boom chùm, và có thể có cả vũ khí hạt nhân.

Người lãnh tụ này, đã và đang hành động như thế. “Ông kẹ” này có thể có nghe lời Đức Giê-su đã truyền dạy: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. Thế nhưng, ông ta không chịu trở thành “chứng nhân cho những lời Chúa truyền dạy”. 

Vâng, phải chăng ông ta đã “nhổ nước bọt” vào tờ “sự vụ lệnh”, tờ sự-vụ-lệnh Đức Giê-su đã ký truyền, với mệnh lệnh: “Anh em là chứng nhân của Thầy”!

Nói lên điều này để làm gì? Thưa, là để, nếu chúng ta đã là một Ki-tô hữu, chúng ta phải là chứng nhân của Đức Ki-tô Giê-su. Phải là chứng nhân cho Đức Ki-tô ở bất cứ nơi nào mình có mặt.

Tất nhiên, không nhất thiết chúng ta phải có mặt ở Phi Châu, ở Trung Đông hay một xó xỉnh nào đó trên thế giới. Trước nhất và quan trọng nhất, đó chính là trong gia đình chúng ta.

Chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết rằng, gia đình là rường cột xã hội, là nền tảng cộng đồng, là chiếc nôi sự sống, là nhà giáo dục đầu tiên, và cũng là một tập hợp để hình thành Giáo Hội. Thế nên, hãy tự hỏi mình rằng: “Tôi có là một chứng nhân cho Đức Ki-tô, ngay trong gia đình tôi?”

Mà, “làm chứng nhân” ngay trong gia đình mình, nào có khó chi! Tất cả đều là “người nhà” với nhau, chẳng lẽ chúng ta không sống chứng nhân cho nhau, vì nhau, sao!

Chỉ cần một cử động của tâm hồn, một tâm hồn mở ra, mời Đức Giê-su vào. Khi có Đức Giê-su trong tâm hồn, những lời truyền dạy của Ngài tự nhiên (có phần chắc như thế) sẽ xuất hiện trong con tim ta.

Vâng, những lời truyền dạy của Đức Giê-su, không phải là những lời truyền dạy khó thực hiện. Những lời truyền dạy của Đức Giê-su, chẳng phải là chúng ta gọi là “tám mối phúc thật”, đó sao!

Là “mối phúc” cớ sao chúng ta không đem-ra-thực-hành, nhỉ! Hãy đón nhận và thực hành. Thử đi! Cứ thử sống “hiền lành, khao khát nên người công chính, xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình”, v.v… có phần chắc, chúng ta sẽ nằm trong danh sách những “chứng nhân cho Nước Trời”.

Đức Giê-su đã chẳng phán truyền: “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”, đó sao!

Hãy tưởng tượng, khi đức tính “hiền lành” hiện diện trong tâm hồn mỗi thành viên trong gia đình, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là sự “nóng giận” sẽ bị đẩy lui? Khi sự sự nóng giận bị đẩy lui, phải chăng, sẽ không dẫn đến bất hòa và khó dẫn tới bất đồng?

Cũng vậy, với tất cả thành viên trong gia đình đều có “tâm hồn trong sạch”, điều gì sẽ xảy ra? Phải chăng là sẽ chẳng có ai sống “dâm bôn, phóng đãng”? Phải chăng sẽ không có cảnh “ông ăn chả, bà ăn nem”? Phải chăng là chẳng cần dùng đến “tường lửa” để chặn những trang web đen?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên rằng, nếu chúng ta “sống thật” với những đức tính nêu trên, đó là lúc chúng ta đã trở thành “chứng nhân về những điều Chúa đã truyền dạy”.

Một chi tiết mà chúng ta cần biết, đó là: hôm Đức Giê-su được rước lên trời, tác giả sách Công Vụ Tông Đồ cho biết: “Có hai người đàn ông mặc áo trắng… nói (với các môn đệ) rằng: Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (x.Cv 1, 11).

Vâng, điều này cũng đã được thánh Mát-thêu nói đến, nói rất rõ rằng: “Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16,27).

Chúa sẽ thưởng. Vâng, chúng ta chỉ nói tới phần thưởng thôi. Vì, tâm lý là ai cũng muốn “được thưởng”. Mà, Chúa sẽ thưởng ai? Riêng người viết, người viết cho rằng, Chúa sẽ thưởng những ai là “chứng nhân của Chúa”. Đúng không, thưa quý vị!

Vậy, muốn nhận được phần thưởng của Chúa, chúng ta “hãy là chứng nhân của Chúa”, ngay hôm nay, bây giờ.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

Trong Chúa, chúng ta mới được bình an

 “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”



Chúa Nhật VI – PS – C

Trong Chúa, chúng ta mới được bình an

Bình an là gì? Thưa, theo cách hiểu thông thường, bình an có nghĩa là không gặp hoạn nạn, không gặp vấn đề gì nguy hiểm, không có gì bất trắc xảy ra ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của con người.

Theo cách hiểu như thế, có ai trong chúng ta lại không mong muốn có được sự bình an! Rất mong muốn là vậy. Thế nhưng, trong thực tế của cuộc sống, mấy ai thực sự có được sự bình an! Và nếu có, thì sự bình an đó liệu sẽ tồn tại bao lâu! Vâng, thật sự là chẳng bao lâu, vì chỉ cần một tác động nhỏ lên cuộc sống, sự bình an mà ta đang có, rất có thể trở thành nỗi bất an.

Nhóm Mười Hai các môn đệ là những người đã cảm nghiệm được điều nhận định nêu trên. Sự kiện Đức Giê-su sẽ “phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết…” đã tác động không nhỏ lên cuộc sống của các môn đệ. Nỗi ám ảnh đó đã làm cho các ông không có được một cuộc sống bình an. Các ông luôn bất an.

Đức Giê-su thấu suốt nỗi bất an của tất cả mọi người. Vì thế, đã có lần Ngài tuyên bố: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

Còn về phần các môn đệ ư! Thưa, rất chân tình. Trước những nỗi bất an của các môn đệ, Đức Giê-su đã gửi đến các ông những lời an ủi chân tình. Những lời an ủi đó đã đem lại cho các ông sự “bình tâm” và quan trọng hơn cả, đó là “hồi sinh sự bình an” nơi con người các ông.

Thánh Gio-an, một người thuộc nhóm Mười Hai, đã ghi lại chi tiết những lời an ủi của Đức Giê-su.

**

Theo những gì thánh Gio-an ghi lại, chúng ta được biết: Hôm ấy, nhằm vào lễ Vượt Qua. Đức Giê-su và các môn đệ đã cùng nhau hiện diện trong bữa tiệc ấy.

Nói về lễ Vượt Qua. Vâng, đây là ngày lễ trọng đại của người Do Thái. Ngày này, toàn dân vui mừng về một biến cố xưa kia Thiên Chúa đã giải thoát cha ông họ khỏi cảnh nô lệ Ai Cập.

Ấy thế mà… thế mà hôm ấy các môn đệ lại tỏ ra buồn rầu xao xuyến.

Ơ hay! Sao lại thế nhỉ! Thưa, là thế… là bởi, Thầy Giê-su đã loan báo cho các ông biết, rằng: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.”

Bao nhiêu năm Thầy và trò ở bên nhau, hôm nay chỉ còn một-ít-lâu-nữa-thôi, Thầy sẽ ra đi… hỏi làm sao các ông không buồn rầu xao xuyến, cho được!

Nhìn tâm trạng của các môn đệ, Đức Giê-su không khỏi chạnh lòng thương xót. Hôm ấy, Ngài đã thì thầm với các ông rằng: “Này đoàn con ơi chớ hãi sợ chi. Ta sẽ ra đi nhưng Ta lại tới.” (Lm. Thành Tâm).

“Anh em đừng xao xuyến” Vâng, trong thực tế, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ như thế. Và, Ngài tiếp tục nói với các ông, rằng: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).

Thế nào! Đức Giê-su đã nói như thế, quý ngài môn đệ có “bình tâm” chưa! Lm. Thành Tâm rất bình tâm, rất bình tâm nên ngài Lm. đã cất cao giọng hát: “Lời Ngài khi xưa, Lời Ngài khi xưa con xin nhớ hoài. Tình Ngài thương con. Tình Ngài thương con không bến không bờ…”.

Đúng. Đức Giê-su đã nói lên những lời nói thấm đậm tình yêu thương. Và Ngài nhấn mạnh, rằng: “lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”.

Của Chúa Cha – Đấng đã sai Thầy ư! Nếu… nếu đúng vậy, thế thì chúng ta cùng với Lm. Thành Tâm cớ gì không cất tiếng ca mừng, mừng rằng: “Đừng buồn lo chi sẽ có ngày vui. Khi Đấng ủi an nơi Cha ngự đến. Ngài là ngôi ba xuất phát từ Cha. Và Ngài thay Ta hướng dẫn đường đi. Là nguồn ơn thiêng yêu thương chứa chan. Ban sức thêm ơn ủi an vỗ về”.

Lm. Thành Tâm đúng là rất bình tâm. Mà, không bình tâm sao được, khi chúng ta được ban-sức-thêm-ơn-ủi-an-vỗ-về, kia mà!

Phần Đức Giê-su, hôm ấy, Ngài có lời tuyên bố tiếp theo, một lời tuyên bố đủ để nhóm Mười Hai có được một sự thấu hiểu, thấu hiểu vì sao Thầy Giê-su chỉ còn ở lại với các ông một ít lâu nữa thôi.

Vâng, chúng ta cùng nghe, nghe lại lời Đức Giê-su đã tuyên bố với các môn đệ: “Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”

Những lời an ủi trên, Đức Giê-su mới chỉ đem đến cho các một đệ sự bình tâm. Và đây, lời tuyên phán này, lời tuyên phán này mới là quan trọng, quan trọng là bởi liên quan đến sự bình an, sự bình an mà các môn đệ đang làm tuột mất khỏi tâm hồn.

Chúng ta cùng nghe Đức Giê-su tuyên phán: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”

***

Trên đây là những lời tuyên phán của Đức Giê-su trong “Bữa ăn tối cuối cùng”. Vâng, đây là tên của bức họa do danh họa Leonardo da Vinci vẽ. Ngày nay, người ta thường gọi là bức tranh “Bữa Tiệc Ly”.

Bình luận về bức tranh này, có người cho rằng, đây là lúc các môn đệ đang tranh luận xem ai là kẻ phản bội.

Riêng người viết, sau nhiều lần ngắm nhìn thưởng thức, người viết cho rằng các môn đệ đang biểu lộ niềm vui, một niềm vui được Thầy Giê-su ban cho “Bình An của Thầy”.

“Của Thầy” vui không! Trước đó là “giới răn của Thầy” và bây giờ là “bình an của Thầy” sao không vui, nhỉ!

Rất vui thế nên, các môn đệ, đã tiếp nhận Bình An của Thầy. Các ông đã đón nhận, và các ông không còn sống trong cảnh “sợ người Do Thái”.

Bình An của Thầy và Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha đã đem đến cho các môn đệ một năng lực siêu nhiên, năng lực đó giúp các ông “bình an trong nghịch cảnh” Đó mới là quan trọng cho đời sống đức tin của các môn đệ. (và bây giờ là cho chúng ta).

Tông đồ Phao-lô như một minh chứng điển hình. Ngài tông đồ dân ngoại đã làm chứng rằng, nhờ có sự Bình An của Chúa, nên dù có “bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không tiêu diệt.”

Vâng, xưa Đức Giê-su đã ban “Bình An của Thầy” cho các môn đệ. Và, nay chúng ta cũng không là ngoại lệ. Chúng ta không là ngoại lệ, ngoại trừ chúng ta không đón nhận Bình An của Chúa.

Nếu, ngày xưa Đức Giê-su hiện diện nơi “Bàn Tiệc Ly”, thì ngày nay Ngài hiện diện nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, qua vị linh mục chủ tế, Đức Giê-su tiếp tục cất tiếng tuyên phán với mỗi chúng ta: “Bình An của Chúa ở cùng anh chị em”.

Đón nhận hay không đón nhận là quyền của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng ảo tưởng về một sự bình an mà thế giới này sẽ ban cho. Đừng ảo tưởng tiền bạc, danh vọng, quyền lực, quyền hành do thế gian này ban cho, sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an.

Lịch sử cho chúng ta thấy: Marylin Monroe, một siêu sao điện ảnh, danh vọng và tiền bạc đồng hành với cuộc đời của bà. Ấy thế mà, ngày 05/08/1962 bà ta đã tự tử. Tại sao vậy? Thưa, trong bức thư tuyệt mạng, bà ta viết: “Tôi không tìm thấy sự bình an”.

Còn… còn nhiều “sao” trên khắp thế giới (sao “Hàn” hơi bị nhiều) cũng đã kết thúc cuộc sống của mình. Lý do: giản dị thôi! Không có sự bình an.

Nói tới quyền hành và quyền lực, lịch sử đã chứng minh và bây giờ đang chứng minh, rằng: cũng chẳng đem lại sự bình an. Hiện tượng “Putin của Russia” ai dám khẳng định ông ta rất bình an. Vâng, không thể không nghĩ rằng, ông ta đang không còn “bình tâm - bình gia - bình quốc”

Điều bây giờ và rất quan trọng, đó là: chúng ta hãy mở rộng tâm hồn, đón nhận Bình An của Chúa. Chúa ban. Chúa sẽ ban, nếu chúng ta nguyện xin Ngài.

Đức Giê-su nói: “Xin thì sẽ được” Nếu chúng ta xin mà chưa được, đó là do tội lỗi, tội lỗi mà chúng ta đã phạm.

Thì đây, hãy tự hỏi, nếu một ai đó “buôn gian bán lận”, liệu tâm hồn người đó có được bình an! Nếu… còn rất nhiều nếu… nhưng thôi không nói nữa. Điều cần nói, đó là chúng ta đừng quên: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi. Hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn”. (Thánh Vịnh).

Nói ngắn gọn: Trong Chúa, chúng ta mới được bình an.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 15 tháng 5, 2022

Hãy yêu như Thầy đã yêu

 “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.



Chúa Nhật V – PS – C

Hãy yêu như Thầy đã yêu

Thương yêu và được yêu thương, đó là điều không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Gọi là không thể thiếu, nhưng trong thực tế, nó vẫn cứ “thiếu thiếu” làm sao đấy! Sự thiếu thiếu đó có nhiều nguyên nhân. Và, nguyên nhân gần nhất đó là “tính ích kỷ và sự ganh tỵ”. Nhóm Mười Hai môn đệ của Đức Giê-su chính là điển hình cho lời nhận định này.

Chuyện kể rằng, “một hôm, con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gặp Đức Giê-su và nói: Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện điều chúng con sắp xin đây. Đức Giê-su hỏi: Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì? Các ông thưa: Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”.

Đây quả là một lời xin thể hiện tính vị kỷ và đó là lý do mười người môn đệ còn lại nổi cơn ganh tỵ. Chuyện kể rằng: “Họ đâm ra tức tối”. Tức tối thì còn gì để thể hiện tình yêu thương!

Đức Giê-su không tán thành cách hành xử của các ông. Trong những ngày còn tại thế, Ngài đã nhiều lần truyền dạy các ông những bài học về tình yêu thương. Có một bài học đặc biệt nhất đã được Đức Giê-su truyền dạy trong bữa tiệc mừng lễ Vượt Qua, một bữa tiệc ngày nay được gọi là bữa tiệc ly. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (Ga 13, 31-33a 34-35).

**

Câu chuyện được ghi lại như sau: Hôm đó, trong khung cảnh của một buổi tiệc mừng lễ Vượt Qua, và trong lúc các môn đệ còn đang băn khoăn về một kẻ trong nhóm họ phản bội, Đức Giêsu lên tiếng “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy...”.

Gọi các ông là-những-người-con-bé-nhỏ, phải chăng là Đức Giê-su ám chỉ đến sự “nhỏ mọn” của các ông trước việc thể hiện tình yêu thương! Mà, cũng có thể là như vậy. Là như vậy vì có vài lần các ông đã tranh cãi nhau ai sẽ là người lớn hơn cả.

Cuộc cãi vã của các ông đã làm cho tình đồng môn hoen mờ. Và hồi ấy Đức Giêsu đã dạy cho các ông một bài học, bài học rằng: “...Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người...” (Mt 20, 17-28).

Lời dạy này, đã được Đức Giê-su thực hiện, qua việc rửa chân cho các người môn đệ của mình, trong một dịp Ngài và các ông cùng tham dự bữa tiệc ly.

Hôm đó, sau khi rửa chân cho các ông, Ngài đã nói với họ bằng những lời đầy thiết tha: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

***

Đức Giê-su đã nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới…” Mới ở chỗ nào? Vâng, thánh sử Gio-an không ghi lại. Nhưng thánh sử Mát-thêu có ghi. Luật yêu thương Đức Giê-su truyền dạy đã được ngài Mát-thêu ghi lại rằng: “Tất cả những gì chúng con muốn người ta làm cho mình, thì chính các con cũng hãy làm cho người ta.” (x.Mt 12,12). Có “mới” không nhỉ, khi chúng ta đem ra so sánh với luật của người xưa đã dạy rằng, “kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”!

Chưa hết… còn nữa. Đây, có “mới” không nhỉ, khi chúng ta đem so sánh luật xưa dạy: “mắt đền mắt, răng đền răng”, với luật Đức Giê-su dạy: “Đừng chống cự kẻ ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”

Cái mới tuyệt vời nhất, đó là, Đức Giê-su - người truyền dạy điều luật, chính là người đã thực thi điều luật mình truyền dạy một cách tuyệt đối.

Trên đồi Golgotha, cái chết của Đức Giêsu chứng minh cho điều Ngài đã truyền dạy: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu, người liều mạng sống vì người mình yêu”.

****

Lời truyền dạy của Đức Giê-su phải chăng là “chỉ” truyền dạy cho các môn đệ xưa! Thưa không. Cho cả chúng ta. Cho cả chúng ta, vì hôm ấy, Ngài đã nói rằng: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Vâng, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta chẳng phải là “môn đệ của Đức Giê-su” sao!

Với các môn đệ xưa, cũng như với những tín hữu tiên khởi, thiên hạ đã nhận ra họ là môn đệ của Đức Giê-su, nhờ họ đã có lòng yêu thương nhau.

Thật vậy, giữa các môn đệ và các tín hữu, họ đã có lòng yêu thương nhau qua việc “Hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung... đồng tâm nhất trí. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ” (Cv 2, 44-46).

Nhắc lại sự kiện này để làm gì? Thưa, để nhìn lại chúng ta là những-tín-hữu-hôm nay. Hôm nay chúng ta đã thực thi “điều răn mới” mà Đức Giê-su đã truyền dạy, như thế nào? Chúng ta sẽ thể hiện như thế nào để “mọi người nhận biết (mình) là môn đệ của Chúa Giêsu”?

Phải chăng là đi nhà thờ, là siêng năng tham dự các bí tích?

Thưa, đúng. Đúng, nhưng chưa đủ. Sẽ là đủ nếu trong cuộc sống thực tế hàng ngày, chúng ta chính là “nhân tố” làm cho “láng giềng thân thiết… anh em hòa thuận… vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Sẽ là đủ khi chúng ta sẵn sàng trở nên “khí cụ bình an của Chúa” để “đem yêu thương vào nơi oán thù… đem thứ tha vào nơi lăng nhục… đem an hòa vào nơi tranh chấp… đem niềm vui đến chốn u sầu.”

Vâng, sẽ không quá khó để thực hiện những điều nêu trên. Không khó, nếu chúng ta cất đi khỏi tâm hồn mình “tính ích kỷ và sự ganh tỵ”. Và, sẽ rất dễ dàng thực hiện, nếu chúng ta luôn có được một tâm hồn nhân hậu, bác ái, một đức tính hiền hòa, nhẫn nhục v..v.. Nói rõ hơn, nếu ngôi vườn tâm hồn chúng ta tràn ngập “hoa trái của Thánh Linh”. (x.Gl 5, 22-23).

Hãy nhớ rằng, khi Chúa “truyền dạy” điều gì cho con người, thì Người cũng sẽ ban ơn đủ để thực thi. Thánh Phao-lô có sự cảm nghiệm này nên ngài đã có lời chia sẻ: “Ơn Chúa đủ cho ta”. Thế nên chúng ta không thể không thực hiện điều-răn-mới Đức Giê-su đã truyền dạy .

Có một câu chuyện (tuy đã cũ) nhưng thiết tưởng chúng ta nên nghe lại một lần nữa. Chuyện được kể rằng: “Một lần nọ, Tổng Giám Mục Anh giáo Usher, trong một chuyến hải hành, chẳng may bị chìm tàu nơi bờ biển Ái Nhĩ Lan. Sau nhiều giờ liền lang thang trên bờ biển trong cảnh lạnh lẽo và đói khát, ông ta tìm đường vào thành phố.

Vào tới thành phố, ông ta gặp được một người cũng thuộc hàng giáo phẩm. Quá đỗi vui mừng, ông ta tự giới thiệu mình là một Tổng Giám Mục và xin được trợ giúp.

Vị hàng giáo phẩm kia thuộc tuýp người thận trọng nên nghi ngờ. Bất thình lình, ông ta đưa ra một câu hỏi để thử nghiệm con người mà ông ta nghi ngờ là mạo danh, rằng, “Sách Thánh dạy có bao nhiêu điều răn?”. Vị Tổng Giám Mục có một câu trả lời rất thú vị, “Tôi có thể làm cho ông hài lòng, rằng tôi không phải là kẻ mạo danh. Thưa ông, Sách Thánh dạy có mười một điều răn”.

Vị hàng giáo phẩm sau một phút ngạc nhiên bèn chế nhạo ông Tổng Giám Mục: “Ông sai rồi, sách Thánh mà tôi đang đọc chỉ ghi có mười điều răn thôi”. Nghe thế, ông Tổng Giám Mục bèn trả lời, “Điều răn thứ mười một chính Chúa Giêsu đã dạy và được ghi chép lại trong sách tin mừng Gioan, rằng “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. (nguồn: internet).

Thật ra, nếu trả lời có mười điều răn thì điều này chưa chắc đã chứng minh đủ, rằng vị Tổng Giám Mục kia là “thứ thiệt”. Trên thế giới này chẳng thiếu những kẻ (đại loại như những ông cán bộ tôn giáo) thuộc mười điều răn vanh vách, nhưng họ có “yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương” đâu!

Qua câu chuyện trên, điều chúng ta cần noi theo, đó là noi theo vị Tổng giám mục Anh giáo Usher, ghi khắc vào con tim mình “điều răn mới” mà Thầy Giê-su đã truyền dạy.

Vâng, đã là một Ki-tô hữu – được gọi là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta hãy ghi khắc điều-răn-mới vào tâm lòng mình. Vì “Lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Lòng không đầy, miệng không nói, chúng ta chẳng khác nào “một người đội trưởng kỵ binh không biết cưỡi ngựa” (Elon Musk).

Nói theo cách nói “con nhà đạo”, là một Ki-tô hữu, phải yêu thương nhau như Đức Giê-su đã yêu thương. Nói ngắn gọn “Hãy yêu như Thầy Giê-su”.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...