Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

Phúc thay ai biết tự hạ mình…

 

Phúc thay ai biết tự hạ mình…

Chủ nhật - 28/08/2022 06:45 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   44
“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.



Chúa Nhật XXII – TN – C


Phúc thay ai biết tự hạ mình…

Theo tâm lý chung của con người thì ai cũng muốn mình được tôn vinh, được trọng vọng trước đôi mắt người đời. Sẽ vinh dự làm sao nếu mình được đón tiếp nồng nhiệt khi tham dự một sự kiện nào đó! Và, sẽ tự hào làm sao nếu mình được ngồi bàn V.I.P trong một bữa tiệc mừng kim khánh của ngài Lm. chánh xứ nào đó, chẳng hạn… Vâng, đó chỉ là những ước muốn bình thường, của những con người bình thường, trong một cuộc sống bình thường.

Tuy nhiên, những ước muốn bình thường nêu trên, đôi lúc sẽ không còn bình thường nữa. Nó sẽ không còn bình thường khi lòng người bị tham, sân, si… chế ngự.

Do bởi tham sân si chế ngự, nên khi được tôn vinh, con người dễ bị cuốn hút tới sự ngạo mạn. Do bởi tham sân si chế ngự, nên khi được trọng vọng, con người dễ bị rơi vào sự tự mãn kiêu căng. Tôi phải là ai mới được tôn vinh như thế chứ! Tôi phải là gì mới được ngồi chiếu nhất, chiếu nhì!

Kiêu căng và ngạo mạn, hay nói ngắn gọn: kiêu ngạo. Đó… đó là điều không ai trong chúng ta lại không hơn một lần vấp phạm. Giáo lý Công Giáo gọi đó là một trong bảy mối tội đầu. Thứ nhất: chớ kiêu ngạo.

Vâng, chớ kiêu căng ngạo mạn. Vì, như lời sách Châm ngôn cảnh báo: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào.” (Cn 16, 18) Chưa hết, tác giả sách Thánh Vịnh cũng có lời khuyến cáo: “Chúa quở trách kẻ kiêu ngạo” (Tv 119, 21).

Còn với Đức Giê-su ư! Với Đức Giê-su – Ngài có lời khuyến cáo: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

Đức Giê-su không chỉ có lời khuyến cáo, Ngài còn để lại cho hậu thế một bài học. Vâng, một bài học, tạm gọi là bài học về thuật xử thế trong giao tiếp đời thường. Bài học này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (Lc 14, 1,7-14).

**
Theo lời thánh Luca ghi lại: Hôm ấy là ngày Sa-bát và Đức Giê-su đã đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-seu để dùng bữa. Ngồi nhìn thực khách lần lượt đến dự, Đức Giê-su “nhận thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi.” (x.Lc 14, 7).

Tại sao thực khách cứ-chọn-cỗ-nhất-mà-ngồi! Thưa, rất có thể những thực khách đó cho rằng mình cũng là một Pha-ri-seu có thế giá, mà đã có thế giá thì phải ngồi ở cỗ nhất, nơi thường là chỗ gần chủ nhà, mới phải lẽ chứ!

Cứ ngồi cỗ nhất, thế thì “cỗ hai, cỗ ba” bỏ trống ư! Chẳng lẽ điều này không làm khó khăn cho ban tổ chức sao! Vâng, trước hiện tượng phi lý này, Đức Giê-su đã lên tiếng. Ngài đã lên tiếng gì! Thưa, hôm ấy, Đức Giê-su đã lên tiếng với mọi người, rằng: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cùng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: ‘xin ông nhường chỗ cho vị này’ Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối”.

Đức Giê-su nói rất rõ ràng. Chẳng có lời nói nào quá mơ hồ khiến người nghe không hiểu. Mà, nếu không hiểu ư! Thì đây, một bài học tiếp theo về cách ứng xử khi được mời tham dự sự kiện, đã được Đức Giê-su công bố: “Khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: ‘Xin mời ông bạn lên trên cho.’ Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn”.

Không khách sáo với quý ông Phariseu, là những kẻ thích được tôn vinh… hôm ấy, Đức Giê-su đã có một lời khuyến cáo rất thẳng thắn, rằng: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.

***
Thật ra, có cần đợi Đức Giê-su đưa ra lời khuyến cáo! Này, quý ông Pha-ri-seu, lẽ ra quý ông phải biết, sách Huấn ca có lời chép, rằng: “Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.”

Đúng, chính Đức Giê-su cũng đã “nhắc khéo” về việc tự hạ mà những người “làm lớn” cần phải thể hiện. Hôm ấy, đối với “ông thủ lãnh” và cũng là chủ nhà, Ngài đã khéo léo nhắc nhở, rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con hàng xóm, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi”.

Thật thế, cung cách tự hạ không nhất thiết là từ chối ngồi cỗ nhất, cỗ nhì. Nhưng, nó còn được thể hiện qua việc ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn với những kẻ “bề dưới”. Và đây, đây là cách thể hiện đã được Đức Giê-su nhắc nhở ông chủ nhà, rằng: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (x.Lc 14, 14).

Này ông “thủ lãnh nhóm Pha-ri-seu”, không có cách thể hiện “sự tự hạ” nào đẹp hơn cách thể hiện này. Không có sự tự hạ nào đẹp hơn khi “Được đặt làm chủ tọa… Con đừng có lên mặt giữa thực khách, hãy xử sự như một người đồng bàn, lo cho người ta, rồi mới ngồi vào chỗ. Chu toàn mọi bổn phận xong, con hãy yên vị và chung vui với mọi người” (Hc 32, 1-2).

****
Đức Giê-su không chỉ có lời khuyên, Ngài đã thể hiện “sự tự hạ” nơi chính con người mình. Trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su đã tự hạ mình. “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13, 4-5).

Có bao giờ chúng ta tự hỏi rằng: sao lại có chuyện, một Giê-su “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”!!!

Chưa hết! Đức Giê-su – “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (x.Pl 2, 8).

Vậy đó… Đức Giê-su đã hạ mình như thế đó. Thế nên, là một Ki-tô hữu, là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta đừng bao giờ nghĩ đến việc “tôn mình lên” nhưng hãy… hãy “hạ mình xuống”.

Hạ-mình-xuống có thể được xem như là chiếc đòn bẩy, “bẩy” tính chơi trội, tính khoe khoang, thích người đời tung hô, tán tụng (ngay cả khi những điều đó chẳng phải là thuộc về mình), ra khỏi con người chúng ta.

Hạ-mình-xuống còn được xem như là chiếc chìa khóa, chiếc chìa khóa khóa-cánh-cửa-lòng-tự-tôn nơi con người chúng ta. Mà cớ gì chúng ta không “khóa” nó lại nhỉ! Phải khóa nó lại, bởi vì khi lòng-tự-tôn (quá lớn), nó sẽ khiến chúng ta có nhu cầu phải được ngưỡng mộ quá mức độ và cuối cùng là chúng ta không còn có sự đồng cảm với người khác. Nói tắt một lời, lòng-tự-tôn chính là nguyên nhân “phá hủy các mối quan hệ” giữa con người với con người. Hôm nay, chẳng phải là thiên hạ đang đua nhau tự tôn mình lên, đó sao!

Vâng, hạ-mình-xuống còn được xem như là tiền đề cho lối sống khiêm tốn, một lối sống đem lại cho chúng ta sự nhận thức rằng: chúng ta cũng chỉ là người bất toàn yếu đuối và nhờ đó chúng ta dễ dàng thông cảm, chia sẻ những thiếu sót, lỗi lầm của kẻ khác.

Cuối cùng, càng hạ-mình-xuống chúng ta lại càng vững lòng trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Càng hạ-mình-xuống chúng ta lại càng biết “quên mình”, quên mình để phục vụ tha nhân, như chính Thầy Giê-su đã nói: “Con Người đến là để phục vụ…”

*****

Lời Chúa đã phán dạy là như thế. Vấn đề là chúng ta sẽ thực hiện như thế nào.

Vâng, chúng ta sẽ “tôn mình lên”? Chớ… chớ có dại. Đức Giê-su chẳng từng nói: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”, đó sao!

Chúa sẽ tôn-chúng-ta-lên. Chúa sẽ tôn ông A làm Giám Mục. Chúa sẽ tôn bà B làm “sơ bề trên”. Chúa sẽ tôn ai… ai đó làm Giáo Hoàng, v.v… Đó là việc của Chúa.

Phần còn lại là chúng ta. Nếu chúng ta được-Chúa-tôn-lên làm những chức vụ nêu trên, (hay bất cứ việc gì khác), thì “hãy hoàn thành việc của (mình) một cách nhũn nhặn…”, một-cách-nhũn-nhặn “thì (chúng ta) sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.” (x.Hc 3, 17).

Nói cách khác, hãy hoàn thành việc của mình một cách khiêm nhường. Vâng, vị “Giáo Hoàng tiên khởi”, ngài tông đồ Phê-rô, cũng đã có lời truyền dạy như thế: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.

Còn… nếu Chúa hạ-chúng-ta-xuống thì sao? Không, Chúa không bao giờ hạ chúng ta xuống. Người chỉ “hạ bệ những ai quyền thế (và kiêu ngạo). Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” (x.Lc 1, 52).

Thế nên, đừng quên ghi khắc trong con tim mình lời Đức Giê-su đã mời gọi: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” Thế nên, đừng ngần ngại khi chúng ta tự “hạ mình xuống”.

Tông đồ Phê-rô đã cảm nghiệm được thế nào là niềm hạnh phúc của một người biết tự hạ mình, nên đã có lời khuyến khích: “Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời đã định.” (x.1Pr 5, 6).

Vâng, hãy tự hạ mình xuống, ngay hôm nay, bây giờ, niềm hạnh phúc sẽ đến với chúng ta. Thật vậy, nếu chúng ta khiêm nhường tự hạ mình xuống, có phần chắc, gia đình chúng ta sẽ không thể xảy ra cảnh “ông nói gà bà nói vịt”. Nếu chúng ta nhẫn nhục tự hạ mình xuống, có phần chắc gia đình chúng ta sẽ không bao giờ có chuyện bất hòa, có phần chắc chúng ta sẽ kềm chế đươc tính nổi nóng vô cớ của mình, có phần chắc gia đình chúng ta sẽ là một gia đình “vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Một gia đình không có chuyện bất hòa. Một gia đình không để cho sự nóng giận ngự trị. Một gia đình không có cảnh “ông nói gà bà nói vịt”. Một gia đình vợ chồng ý hợp tâm đầu. Vâng, chẳng phải đó là một gia đình hạnh phúc, sao!

Đúng. Đó là một gia đình “có phúc”, không chỉ có phúc đời này, nhưng còn có phúc “trong ngày các kẻ lành sống lại”. Sao lại có phúc trong-ngày-các-kẻ-lành-sống-lại? Thưa, không có phúc sao được! Bởi, ngày đó Đức Giê-su sẽ nói, nói với những ai, những gia đình nào biết tự-hạ-mình, rằng: “Xin mời bạn lên trên cho.” Rõ ràng hơn, ngày đó, Đức Giê-su sẽ nói như vầy: Con có phúc. Phúc được vào Nước Trời... Vì con biết tự hạ mình.

Nói, theo cách nói của bài giảng trên núi: “Phúc thay ai biết tự hạ mình.”

Petrus.tran

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Nước Trời chỉ dành cho người vào cửa hẹp...

 “Hãy chiến đấu để được vào cửa hẹp.” Đây không phải là lời mời gọi, nhưng là lệnh truyền, lệnh truyền của Đức Giê-su.



Chúa Nhật – XXI– TN – C

Nước Trời chỉ dành cho người vào cửa hẹp...

Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài của những lựa chọn. Và khi đã lựa chọn, cứ sự thường, chúng ta sẽ lựa chọn những gì tốt nhất cho mình. Khi nói về cái ăn, chúng ta sẽ chọn những món ăn ngon, hợp khẩu vị. Khi nói về cái mặc, chúng ta sẽ chọn những bộ quần áo hợp thời trang. Khi nói về chốn ở, chúng ta sẽ chọn nhà cao cửa rộng. Và để cho ngôi nhà thêm giá trị, đôi khi chúng ta chọn thêm những gì là đẹp nhất, độc đáo nhất (tranh sơn mài, cây cảnh, v.v…), để trang trí cho ngôi nhà.

Còn nhiều sự lựa chọn khác nữa, và đó là chuyện thường tình của một cuộc sống thường tình, trong xã hội. Tuy nhiên, là một Ki-tô hữu, sự lựa chọn của chúng ta đôi khi sẽ không thường tình trong một cuộc sống thường tình, như chúng ta nghĩ.

Tại sao lại không-thường-tình-như-chúng-ta-nghĩ? Thưa bởi, là một Ki-tô hữu, chúng ta còn phải chuẩn bị cho một cuộc sống “đời sau”. Cuộc sống đời sau, như chúng ta được truyền dạy, đó là cuộc sống vĩnh cửu ở Nước Trời. Và, muốn có được cuộc sống vĩnh cửu ở Nước Trời, như đã nói ở trên, sự lựa chọn của chúng ta sẽ khác với sự lựa chọn của một cuộc sống đời thường.

Đây là điều không phải tự Giáo Hội áp đặt, nhưng là do chính Đức Giê-su đã công bố: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4, 17) Và, khi nói đến Nước Trời, Đức Giê-su không chỉ dừng lại nơi những lời công bố, Ngài… chính Ngài đã đưa ra một phương án, một phương án cho những ai muốn thừa hưởng Nước Trời, đó là phải lựa chọn, lựa chọn giữa “cửa rộng, đường thênh thang (và) cửa hẹp và chật”... Phương án này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca (x.Lc 13, 22-30).

**

Theo lời thánh Luca ghi lại: Hôm ấy, Đức Giê-su có một cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Lộ trình lên Giê-ru-sa-lem dẫn Ngài “đi ngang qua các thành trì và làng mạc”. Không bỏ phí thời gian, Đức Giê-su giảng dạy.

Đức Giê-su giảng dạy về Nước Trời ư! Đây… đây chỉ là sự phỏng đoán của người viết. Mà, đoán như vậy chẳng phải là cũng có lý lắm, sao! Này nhé, hôm ấy, có kẻ đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”

Những-người-được-cứu-thoát… cứu thoát cái gì đây! Phải chăng là cứu thoát khỏi sự dữ! Phải chăng là cứu thoát khỏi hỏa ngục đời sau! Vâng, thánh Luca không giải thích. Còn Đức Giê-su thì không trả lời thẳng vào câu hỏi.

Tại sao Đức Giê-su không trả lời? Thưa, rất có thể Đức Giê-su đọc được ý nghĩ của người này. Rất có thể người này nghĩ rằng, chỉ có dân tộc của họ, một dân tộc được Thiên Chúa chọn làm “dân riêng” của Người, mới là những người được hưởng ơn cứu thoát. Còn những dân tộc khác thì không…

Vâng, nếu thật sự đó là ý nghĩ riêng của người này, thì đúng là người này chưa biết đến lời Thiên Chúa đã phán qua miệng lưỡi ngôn sứ Isaia, rằng: “Còn Ta… Ta sẽ tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta.” (x.Is 66, 18).

Mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ là ai, nếu không phải là dân các nước khác! Hôm đó, thay vì trả lời “nhiều hay ít”, Đức Giê-su nói với người đã tìm đến gặp mình, rằng: “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được”.

Thiên Chúa, qua lời Ngôn sứ Isaia, là một Thiên Chúa của tất cả mọi người. Thế nên, sao lại nghĩ rằng “người được cứu thoát thì ít”! “Ơn cứu độ” không là của riêng ai, không chỉ là sự độc quyền của dân tộc Israel.

Hôm ấy, Đức Giê-su còn đưa ra một lời cảnh báo cho những ai còn chần chờ, còn ngần ngại trước lời truyền dạy “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp”. Lời cảnh báo rất quyết liệt, rằng: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại, mà anh em còn đứng ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi vào’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư! Ta không biết các anh từ đâu đến!”

Vâng, các anh quá muộn màng trong cuộc chiến đấu để dành Nước Trời. Muộn màng là điều không thể chấp nhận. Không thể chấp nhận cho những ai muốn được “cứu thoát”. Muộn màng sẽ làm cho hình ảnh những ai muốn được cứu thoát hoen mờ. Vâng, rất rõ nét khi Đức Giê-su diễn tả sự khó chịu của “chủ nhà” đối với những kẻ muộn màng, rằng: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.” (x.Lc 13, …27).

***

“Hãy chiến đấu để được vào cửa hẹp.” Đây không phải là lời mời gọi, nhưng là lệnh truyền, lệnh truyền của Đức Giê-su. Sẽ hết sức ngây thơ khi chúng ta hiểu hai chữ “cửa hẹp” theo nghĩa đen. Giải nghĩa hai chữ “cửa hẹp” mà Đức Giê-su đã công bố, Lm. Giu-se Nguyễn Hữu An chia sẻ: “Tin Mừng hôm nay nói đến hình ảnh cửa hẹp. Cửa hẹp là cửa khó đi qua, chỉ dành cho ít người. Kinh Thánh dùng hình ảnh cửa hẹp để chỉ những đòi hỏi của Nước Trời. Hẹp ở đây không có nghĩa là hẹp hòi hay kém giá trị. Tính từ hẹp chỉ sự thách đố, chông gai, đòi hỏi nỗ lực để kiên vững bước đi. Hẹp chỉ sự khó khăn, vất vả, từ bỏ, cần phải ‘chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào’. Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay nói về cửa vào Nước Trời tuy hẹp nhưng không chật mà vẫn rộng thênh thang.” (nguồn: internet).

Với “bác thợ mộc Giê-su”, cửa hẹp mà Ngài nói đến, không phải là cánh cửa bằng gỗ, nhưng nó là cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta. Cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta có sẵn sàng mở ra đón nhận lệnh truyền của Thầy Giê-su, rằng: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ chính mình?”

Phải từ bỏ chính mình, vì đó chính là “bàn đạp” để chúng ta sẵn sàng từ bỏ thế gian và lối sống của thế gian! Vâng, lối sống của thế gian, chúng ta biết rồi. Đó là lối sống: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén…” (x.Gl 5, 19-21).

Một lối sống rất quyến rũ… rất quyến rũ phải không, thưa quý vị! Đúng, rất quyến rũ. Thế nhưng, chúng ta phải từ bỏ. Phải từ bỏ, bởi thánh Phao-lô đã có lời khuyến cáo: “Những kẻ làm những điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Trời.”

Không-được-thừa-hưởng-Nước-Trời thì coi như “tiêu” rồi! Không-được-thừa-hưởng-Nước-Trời chúng ta sẽ mất cơ hội được “(nhìn) thấy các ông Ap-ra-ham, Isaac, và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ” là những người đã “được ở trong Nước Thiên Chúa”. Không-được-thừa-hưởng-Nước-Trời chúng ta sẽ chỉ có ngồi đó mà “khóc lóc nghiến răng”. Khóc lóc vì lỡ sống theo lối sống thế gian. Nghiến răng vì sự muộn màng cho việc tuân theo lệnh truyền của Đức Giê-su.

Thực hành lệnh truyền của Thầy Giê-su là điều rất khó. Khó nhưng nếu chúng ta “không sờn lòng và bền chí”, Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng: “Gia-vê Thiên Chúa sẽ ở với ta, trong mọi nơi ta đi”. Còn nữa, thực hành lệnh truyền của Thầy Giê-su là điều rất cần thiết. Cần thiết là bởi chính Ngài đã có lời phán: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”

Chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy”, nhớ nha! Vâng, nói theo cách nói của Thầy Giê-su, đó là: “Nước Trời chỉ dành cho người vào cửa hẹp”.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2022

Hãy thắp bùng lên ước mong của Chúa...

 “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51).



Chúa Nhật – XX – TN – C

Hãy thắp bùng lên ước mong của Chúa

Căng thẳng và lo âu, lo âu và căng thẳng là tình trạng phổ biến và hầu như mọi người sống trên thế gian này đều phải đối diện. Khi nói về một ai đó đang trong tình trạng căng thẳng, chúng ta thường nói: Ồ! người ấy bị stress.

Người-ấy-bị-stress. Vâng, stress đang là một vấn nạn đối với con người hôm nay. Stress xảy ra bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào. Stress tại nơi làm việc. Stress trong đời sống hôn nhân. Stress nơi học đường. Stress trong việc mưu sinh. Stress do dịch bệnh. Stress do chiến tranh. v.v…

Chưa hết… Stress còn xảy ra trong Giáo Hội. Khi luận bàn về stress trong Giáo Hội, Lm. Charles E.Miller thổ lộ: “Hiện đang có nhiều căng thẳng trong gia đình Giáo Hội, nhất là ở nhiều khía cạnh về phụng vụ.”

Tuy nhiên, sự căng thẳng này không phải là không giải quyết được. Điều “căng thẳng” đáng nói, và đã được Lm. Charles nói, đó là: “Đức Giê-su cảnh báo giáo lý của Người có thể mang lại một sự căng thẳng và sẽ kết thúc với tình trạng chia rẽ, ngay cả trong gia đình.”

Thật vậy sao! Thưa, đúng vậy.Trong những ngày còn tại thế, không ít người đã căng thẳng khi nghe giáo lý Đức Giê-su truyền dạy. Không ít người “căng” đôi tai nghe giáo lý Ngài truyền dạy, và sau đó là những câu hỏi trong lòng mình, rằng “sao lại là thế!” Sao lại phải “yêu thương kẻ thù nghịch!” Sao lại phải “tha đến bảy mươi lần bảy!”

Đã có nhiều người bỏ đi khi Đức Giê-su tuyên bố: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).

Còn… còn rất nhiều điều đã được Đức Giê-su tuyên bố, đã được Ngài giảng dạy và đã làm cho những người nghe phải căng thẳng. Những điều này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**

Vâng, theo tuần tự những gì thánh Luca ghi lại: Hôm ấy, sau khi khuyến cáo các môn đệ rằng: “chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”, Đức Giê-su nói với các ông về ước mong của mình: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên”.

Chưa kịp ngỡ ngàng về ước mong của Đức Giê-su, các môn đệ nhận thêm một ngỡ ngàng khác đến từ Thầy mình: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (Lc 12, 51).

Đem-sự-chia-rẽ thế nghĩa là gì! Vâng, hôm ấy, Đức Giê-su bạch hóa lời mình nói như sau: “Từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

***

Đấy! Thật “hết biết” khi Thầy Giê-su tuyên bố như thế, nhỉ! Có quá “căng thẳng” khi phải nghe những lời tuyên bố này!

Vâng, rất căng thẳng. Căng thẳng là bởi những lời tuyên bố này nghe sao “hiếu chiến” quá. Nghe sao có vẻ như mâu thuẫn với những lời tuyên bố khác, như có lần Thầy Giê-su đã tuyên bố: “Hãy yêu thương kẻ thù...”

Thật ra, sự căng thẳng (nếu có) sẽ được hóa giải. Đúng vậy, sẽ được hóa giải nếu chúng ta biết được vì sao Đức Giê-su tuyên bố như thế.

Vì sao Ngài đã có lời tuyên bố như thế? Thưa, đây là thời điểm Đức Giê-su chuẩn bị lên Giê-ru-sa-lem chịu thương khó, và trong một tương lai gần, các môn đệ sẽ phải đối diện với những cuộc bách hại vì-danh-Thầy.

Có một ngày nọ, Đức Giê-su đã chẳng nói với các môn đệ rằng: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”, đó sao!

Sẽ có nhiều người thù ghét các môn đệ. Và, những người đó có thể là chính những người trong gia đình. Có thể người đó là cha, là mẹ, là con trai, là con gái.

Thế nên, khi Đức Giêsu nói “nhưng là đem sự chia rẽ”, thì Ngài không có ý nói rằng, đó là mục đích của việc Ngài đến trần gian. Việc Đức Giê-su đến trần gian và kêu gọi mọi người: “Hãy theo Ta”, điều đó sẽ dẫn đến một sự chia rẽ tất nhiên giữa những người theo Ngài và những người chống lại Ngài.

Như vậy, những lời tuyên bố của Đức Giê-su quá rõ ràng. Không có gì khiến chúng ta “stress” về lời tuyên bố đó, phải không, thưa quý vị! Không có lý do gì để chúng ta nghĩ rằng “lửa” mà Đức Giê-su “ném vào mặt đất” là lửa-hận-thù. Đó là lửa-tình-yêu.

Đó là lửa tình yêu, một thứ tình yêu cao quý “người liều mạng sống vì người mình yêu”. Không, Đức Giê-su không “ném lửa hiếu chiến” vào mặt đất này. Trái lại, Ngài đã truyền ngọn lửa tình yêu, rằng: “Anh em đã nghe dạy: ‘mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em; đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5, 38).

Chính cái chết của Đức Giêsu trên đồi Golgotha, với lời cầu nguyện rằng “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”, đã làm rõ nghĩa cho những lời Ngài tuyên bố.

****

“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Hôm nay, lời tuyên bố này hết hiệu lực chăng! Thưa không, vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta.

Đức Giê-su vẫn sẽ tuyên bố với chúng ta, như thế. Vẫn còn không ít kẻ “thù ghét” người Ki-tô hữu. Những kẻ thù ghét đó cũng có thể là cha, là mẹ, là con trai, là con gái… của chúng ta.

Nói theo cách nói đức tin, kẻ thù ghét người Ki-tô hữu chính là Satan. Khi nói đến Satan, chúng ta sẽ hiểu rõ nghĩa hơn về lời tuyên bố của Đức Giê-su.

Đức Giê-su, khi tuyên bố điều này (nêu trên), không phải là để chia rẽ giữa con người với con người, nhưng chính là để “rẽ” con người ra khỏi Satan. Con người, như lời thánh Phao-lô mô tả, luôn bị giằng co giữa thiện và ác. Và ngài Phao-lô, với kinh nghiệm bản thân mình, đã chứng minh: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (x.Rm 7, 19).

Đừng ngạc nhiên vì sao con người lại có sự giằng co như thế. Chúng ta cùng nghe lời thánh Phao-lô giải thích, đó là do: “tội vẫn ở trong tôi”. Thế nên, Đức Giê-su khi nói “đem chia rẽ đến” thế gian, chính là để “rẽ” con người ra khỏi vũng lầy tội lỗi, để nhờ đó, con người, như lời tác giả thư Do Thái nói, “cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình” (x.Dt 12, …1).

Nói tắt một lời, lời tuyên bố của Đức Giê-su không ngoài mục đích mời gọi những ai đến với Ngài, phải có một sự lựa chọn. Giữa thiện và ác, giữa tốt và xấu, giữa công bằng và bất công, giữa thật thà và dối trá, giữa yêu thương và hận thù, v.v… phải lựa chọn.

Phải lựa chọn, dù sự lựa chọn đó có phải rơi vào tình trạng căng thẳng, căng thẳng đến độ “cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ, mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

Như đã nói ở trên, lời tuyên bố của Đức Giê-su vẫn còn tính thời sự đối với chúng ta. Và đó là lý do chúng ta cần hỏi, rằng: chúng ta đã “rẽ” ra khỏi Satan, ra khỏi “gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình”?

Vâng, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi, là người môn đệ của Đức Giê-su, chúng ta đã rẽ-ra-khỏi “những việc do tính xác thịt gây ra như: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén”?

Hay chúng ta cho rằng: là phàm nhân rẽ-ra-khỏi những việc do tính xác thịt gây ra, khó quá Chúa ơi! Đúng vậy, khó lắm. Satan và bè lũ con cái của nó có rất nhiều “mưu ma chước quỷ” cám dỗ chúng ta.

Thế nên, không gì tốt hơn là chúng ta hãy ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô và mượn lời thánh Phao-lô, khẩn nguyện ba lần, như thánh nhân đã khẩn nguyện, với Chúa rằng: “Xin Chúa cho (con) thoát khỏi nỗi khổ này.” (x.2Cor 12, 8).

Thưa quý vị, Chúa đã trả lời cho Phao-lô. Và, Chúa cũng sẽ trả lời cho chúng ta. Vâng, Ngài sẽ trả lời rằng: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”

Vâng, chúng ta rất yếu đuối, nhưng đừng sợ. Chính sự yếu đuối, thánh Phao-lô nói: “sức mạnh của Đức Ki-tô (sẽ) ở mãi trong (ta)”. Nói cách khác, chính sự yếu đuối của chúng ta, Chúa sẽ ban “Ơn của Ngài” cho chúng ta.

Do vậy, đừng chủ bại mà nghĩ rằng, tôi chỉ là người trần mắt thịt đầy yếu đuối, trước một xã hội hôm nay đầy cám dỗ và quyến rũ, đầy mưu ma chước quỷ của Satan, nên tôi không thể thổi “bùng lên” ngọn lửa tình yêu, điều mà Thầy Giê-su mong ước.

Để có thể vượt qua thách thức này, tác giả thư gửi Do Thái có lời khuyên: “Hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin.”

Phải. Mắt chúng ta “phải” hướng về Thầy Giê-su. Ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta “thắp bùng lên”. Ơn của Thấy Giê-su, sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa yêu thương. Ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa công bằng. Ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa trung tín, ngọn lửa nhẫn nhục, ngọn lửa nhân hậu, ngọn lửa từ tâm, ngọn lửa hiền hòa. Cuối cùng, ơn của Thầy Giê-su sẽ giúp chúng ta thắp bùng lên ngọn lửa hòa bình, điều mà thế giới hôm nay mong muốn hơn bao giờ hết.

Hãy nhớ, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. (Mt 5, 9). Mà, khi chịu Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, rồi mà! Thế thì… thế thì có lý do gì chúng ta không cùng nhau thắp bùng lên, thắp bùng lên “những ước mong” của Thầy Giê-su.

Vâng, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta hãy thắp bùng lên ước mong của Chúa.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Hãy sợ mình kém lòng tin

 “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12, 35-36).



Chúa Nhật – XIX – TN – C

Hãy sợ mình kém lòng tin

“Khoảng 8g30 sáng 28/6/2022, tại đường 16/4 (TP. Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông thương tâm làm em Hồ Hoàng Anh 18 tuổi, nữ sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tử vong sau đó ít phút.

Em Hồ Hoàng Anh đi xe gắn máy hiệu Dream (đi đúng làn đường dành cho xe gắn máy), còn xe ô tô 7 chỗ do một cán bộ (thuộc Trung đoàn không quân 937 cầm lái), cả hai xe đi song song cùng chiều.

Tài xế xe ô tô 7 chỗ quẹo phải vào ngân hàng nhưng không quan sát kỹ, không thấy mở đèn xi nhan trước khi rẽ phải đã làm em Hồ Hoàng Anh đâm vào bên phải của xe ô tô. Cú tông này đã làm em Hồ Hoàng Anh bay về phía trước, đập đầu xuống lề đường, va vào cây trụ đèn gần đó, nằm bất động tại chỗ.”

Được biết. em vừa đạt IELTS 7,5 trúng tuyển vào HVNG và một Trường ĐH… Ngoài ra, em cũng được học bổng của một trường nước ngoài và gia đình đã lên kế hoạch cho em đi du học.” (nguồn: internet)

Sự kiện nêu trên, quả là một câu chuyện buồn. Câu chuyện buồn này gợi cho chúng ta nhớ tới lời người xưa: “thế gian ai học được chữ ngờ”. Vâng, có ai ngờ rằng, cái ngày 28/06 vừa qua, lại là ngày định mệnh của em. Có ai ngờ rằng, cái ngày hôm ấy, lại là ngày tang tóc cho gia đình của em.

Khi nói tới chữ “ngờ’, trong dân gian cũng có lời thơ, rằng: “Ai ơi nhớ lấy vài điều; Dù hay, dù giỏi... không qua chữ NGỜ. Chữ NGỜ luôn nhớ trong lòng; Trước sau cẩn trọng, đục trong khó lường.”

Chữ NGỜ… Vâng, đó cũng là đề tài được Đức Giê-su nói đến rất nhiều trong những ngày Ngài còn tại thế.

Trong ba năm ra đi loan báo Tin Mừng. Đức Giêsu không chỉ cho các môn đệ biết vai trò và sứ mạng của Ngài “đến thế gian… là để thế gian nhờ (Ngài) mà được cứu độ”, nhưng Ngài còn cho các ông biết đến một sự kiện sẽ xảy ra, sự kiện sẽ có một ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời khác” (Mt 24, 30-31).

Ngày “Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến” sẽ là một ngày “anh em không ngờ.”

Đức Giê-su đã cảnh báo như thế. Một lời cảnh báo không khỏi làm “thót tim” các môn đệ. Thế nhưng, như một người Mục Tử nhân lành, Đức Giê-su đã có những lời trấn an rất chân tình với các môn đệ. Ngài trấn an rằng: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em.” (x.Lc 12, 32).

**

“Sợ” luôn là một phần trong cuộc sống. Và, hồi ấy, Đức Giê-su đã hóa giải nỗi sợ “không” được Thiên Chúa tuyển chọn (như lời Ngài đã tuyên phán) qua lời truyền dạy, rằng: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá.” Cuối cùng, Ngài lý giải với các môn đệ rằng: “Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.”

Đức Giê-su không chỉ lý giải điều hệ trọng (được Thiên Chúa tuyển chọn) qua lời nói, nhưng Ngài còn hướng dẫn các môn đệ việc phải làm. Việc phải làm, đó là phải-sẵn-sàng, sẵn sàng như một người đầy tớ chờ chủ về.

Vâng, hôm ấy, người Mục Tử Giê-su đã truyền dạy rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay.” (Lc 12, 35-36).

Lời truyền dạy này, đối với chúng ta hôm nay, có vẻ như khó hiểu. Thế nhưng, với người Do Thái nói chung, và các môn đệ nói riêng, thì đây lại là một lời truyền dạy đầy ý nghĩa.

Rất ý nghĩa và chúng ta hãy nghe lời giải thích. Nói tới hãy-thắt-lưng-cho-gọn, là nói tới hình ảnh của một người chiến binh, một người chiến binh nai nịt vũ khí sẵn sàng chiến đấu. Đây là một hình ảnh không người Do Thái nào lại không hình dung ra được. Cha ông họ đã trải qua biết bao cuộc chiến đấu để bảo vệ giống nòi. Thế nên, nói đến hãy thắt lưng cho gọn, các môn đệ chẳng có lý do gì không hiểu.

Còn việc thắp-đèn-cho-sẵn thì sao nhỉ! Vâng, để hiểu lời truyền dạy này, chúng ta nghe tiếp lời Đức Giê-su nói. Hôm ấy, Ngài nói tiếp rằng: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ… Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”

Canh hai hoặc canh ba chẳng phải là trời còn tối, sao! Thế thì lời khuyên thắp-đèn-cho-sẵn có gì để chúng ta ngạc nhiên!

Khẳng định lúc đó trời còn tối, vì người Do Thái tính giờ cũng không khác Việt Nam của chúng ta là mấy. Việt Nam ngày xưa, tính “đêm năm canh ngày sáu khắc”. Còn người Do Thái ư! Vâng, họ tính hơi khác chúng ta, “bốn canh đêm và bốn canh ngày”. Vào ban đêm, canh thứ nhất bắt đầu từ lúc hoàng hôn đến 9 giờ khuya; canh thứ hai từ lúc 9 giờ khuya đến nửa đêm, canh thứ ba từ nửa đêm đến 3 giờ sáng; và canh thứ tư từ 3 giờ sáng đến lúc mặt trời mọc” (nguồn: internet).

Hôm đó, sau những lời truyền dạy, Đức Giê-su kết thúc với lời khuyến cáo: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (x.Lc 12, 39-40).

Có thể kết luận rằng, qua câu chuyện này, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ, (và ngày nay là cho chúng ta), một bài học, bài học rằng, những gì gọi là bất ngờ (hay) không ngờ, sẽ không còn là bất ngờ (hay) không ngờ, nếu chúng ta “tỉnh thức và sẵn sàng”.

***

Những lời Đức Giê-su truyền dạy (nêu trên) đã được công bố hơn hai ngàn năm. Và có chậm hiểu cách mấy, thì cũng phải nhìn nhận, đó là lời Ngài truyền dạy cho các môn đệ ngày xưa và cũng là cho chúng ta, hôm nay.

Ấy thế mà, có một người, người đó là tông đồ Phê-rô, đã thắc mắc và hỏi Đức Giê-su rằng: “Lạy Chúa! Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Thiệt-là-cái-tình! (Xin lỗi! A. Huy Đức cho mình mượn lời nói này của anh nha!)

Cứ sự thường, sau mỗi lần nói về một dụ ngôn nào đó, Đức Giê-su luôn có lời giải thích. Nhưng hôm nay, hôm nay Ngài đã không có lời giải thích đối với dụ ngôn này. Tại sao? Thưa, ý nghĩa quá rõ ràng. “Ông chủ” là ai nếu không là Đức Giê-su! Người đầy tớ là ai, nếu không là các môn đệ (và cũng là chúng ta hôm nay)! Thế thì, đâu cần có câu trả lời cho tông đồ Phê-rô!

Vâng, chúng ta không cần để ý đến câu trả lời. Nhưng chúng ta cần “để ý’ đến những câu hỏi sau đó của Đức Giê-su. Ngài hỏi rằng: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc?”

Câu hỏi này hay nha! Hay ở chỗ nào? Thưa, ở chỗ Đức Giê-su cho người đầy tớ này một “chức vụ”. Vâng, đó là chức vụ quản gia. Đức Giê-su đã đặt vào tay người đầy tớ một nhiệm vụ mới, anh ta bây giờ không chỉ là một anh gác cửa, nhưng còn được giao trọng trách là người quản gia. Anh ta không chỉ ngồi đó chờ chủ về để mở cửa, nhưng còn phải làm tròn trách nhiệm “coi sóc”.

Vâng, thật tuyệt vời cho câu chuyện hôm nay. Thật tuyệt vời về lời Đức Giê-su khuyến cáo, phải “sẵn sàng và tỉnh thức”. Và, càng tuyệt vời hơn khi Ngài nói đến “trách nhiệm” của một người quản gia, phải “coi sóc kẻ ăn người ở”, như thế nào.

Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ mất đi sự tuyệt vời này, nếu chúng ta không tự đặt mình vào vai trò là người quản gia của Chúa. Nói dễ hiểu hơn, là một Ki-tô hữu, mỗi chúng ta cũng là người quản gia của Đức Giê-su.

Sao! Hả! Chúng ta không muốn làm quản gia của Đức Giê-su ư! Vậy thì ai sẽ là người “coi sóc” Giáo Hội của Ngài! Ai sẽ là người coi sóc đàn chiên của Ngài!

Đã là một Ki-tô hữu, mỗi chúng ta phải là người quản gia “coi sóc kẻ ăn người ở”. Kẻ ăn người ở, đó là giáo dân, nếu chúng ta là Giám Mục hay Linh Mục. Kẻ ăn người ở, đó là gia đình, là con cái, nếu chúng ta là cha, là mẹ.

Mỗi chúng ta phải “cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc”. Phần thóc gạo mà chúng ta cấp, đó là những bài giảng trong thánh lễ, đó là việc ban các phép Bí Tích, đó là thóc-gạo-Lời-Chúa, nếu chúng ta là Giám Mục hay Linh Mục. Phần thóc gạo mà chúng ta cấp, đó là giáo dục con cái, lo cho gia đình có cái ăn, cái mặc đầy đủ, nếu chúng ta là cha, là mẹ.

Nếu mỗi chúng ta làm tròn những phần việc nêu trên, người đó mới có thể được nhìn nhận là người quản gia trung tín, và hơn thế nữa, như lời Đức Giê-su nói: “Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta”.

Chớ dại dột nghĩ rằng: “Chủ ta còn lâu mới về…” Vâng, về điều này, ngày nay không ít người vượt lên cả thẩm quyền của “Chủ”, vượt lên cả thẩm quyền của Chúa. Họ ngạo mạn ấn định ngày-giờ-Chủ-về. Nói rõ hơn, họ ấn định ngày Con-Người-sẽ-đến.

Có người còn dám ấn định luôn cả “Ngày tận thế”. Thật vậy, dựa vào một số nguồn tin trên cộng đồng mạng, chúng ta được biết, đã có một “ông thần” (không tiện nêu tên ở đây) là một Ki-tô hữu đàng hoàng nha, thế mà lại từng tuyên bố sẽ cho nước này, nước nọ nếm mùi ngày tận thế! Thật là hết biết.

Chớ có hành động như thế, với loại người này, Đức Giê-su cảnh báo rằng: “ông (chủ) sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín”. (Lc 12,…46).

****

Vâng, là phàm nhân đầy yếu đuối, có phần chắc chúng ta sẽ có đôi lúc không làm tròn trách nhiệm người quản gia mà Chúa giao phó. Sẽ có đôi lúc chúng ta “ngã lòng”, khi phải chờ đợi ngày “Con Người sẽ đến”, quá lâu. Sẽ có đôi lúc chúng ta nản chí, khi chung quanh chúng ta chỉ thấy “phường gian ác nhởn nhơ khắp chốn, chuyện đê hèn đầy dẫy nhân gian” (Tv 12, 9).

Đừng ngã lòng và đừng nản chí. Hãy đến bên thánh giá Đức Ki-tô mà khẩn nguyện, van xin: “Lạy Chúa, Ngài quên con mãi tới bao giờ? Tới bao giờ còn ngoảng mặt làm ngơ? Tới bao giờ hồn con vẫn còn lo lắng và lòng con ủ rũ đêm ngày?” (x.Tv 13, 1-2).

Hãy ghi khắc trong con tim mình lời khuyên của thánh Gia-cô-bê: “Thưa anh em, xin anh em hãy kiên nhẫn cho đến ngày Chúa quang lâm. Kìa, xem nhà nông, họ kiên nhẫn chờ đợi cho đất trổ sinh hoa màu quý giá, họ phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn mưa cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới” (Gc 5, 7-8).

Hoàn cảnh chờ đợi của chúng ta không phải là hoàn cảnh của một tử tù chờ ngày hành quyết. Người tử tù đó bắt buộc phải “chờ đợi” ngày hành quyết, chờ đợi trong tuyệt vọng. Chúng ta khác hẳn. Chúng ta sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa sẽ đến vì biết rằng Người sẽ thực hiện lời hứa, hứa ban cho chúng ta sự sống vĩnh cữu vào đúng thời điểm tốt nhất.

Do vậy, không có gì ngăn cản chúng ta “chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng” (x.Cl 1, 11-12). Kinh Thánh có ghi lại rất nhiều tấm gương kiên nhẫn, kiên nhẫn trong nghịch cảnh như: Áp-ra-ham, Giu-se, David, v.v…

Thiên Chúa không đòi chúng ta kiên nhẫn nếu Người không sẵn sàng kiên nhẫn. Về điều này tông đồ Phê-rô khẳng định: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa, như có kẻ cho là Người chậm trễ. Kỳ thực, Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2Pr 3, 9).

Thiên Chúa đã kiên nhẫn với chúng ta. Vấn đề còn lại là chúng ta hãy kiên nhẫn chờ ngày “Con Người sẽ đến”. Nhờ sự kiên nhẫn trong đức tin, chúng ta sẽ không sợ đến “thót tim” khi bất ngờ Con-Người-sẽ-đến. Điều chúng ta phải sợ, đó là sợ kém lòng tin.

Vâng, hãy sợ mình kém lòng tin.

Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...