Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

Xin thêm lòng tin cho chúng con.

 

Xin thêm lòng tin cho chúng con

Thứ bảy - 01/10/2022 19:00 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   221
“Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).



Chúa Nhật XXVII – TN – C

Xin thêm lòng tin cho chúng con

Là một Ki-tô hữu, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không đặt niềm tin vào Đức Giê-su. Đặt niềm tin vào Đức Giê-su, thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, niềm tin của tôi có phải là một niềm tin tuyệt đối vào Ngài! Vâng, đây là một câu hỏi khó trả lời. Khó là bởi, có những lúc chúng ta nửa tin nửa ngờ!

Có rất nhiều lý do khiến chúng ta nửa tin nửa ngờ. Một điển hình mà ai trong chúng ta cũng đều trải nghiệm, đó là “cầu xin mãi mà Chúa vẫn không cho”, thế là chúng ta nản lòng, và kết quả là thiếu niềm tin vào Chúa. Thiếu niềm tin vào Chúa, ngày này qua ngày khác, chúng ta sẽ kém lòng tin. Kém lòng tin lâu ngày, chúng ta sẽ mất đức tin.

Thật ra, thiếu niềm tin hay kém lòng tin là “căn bệnh” không của riêng ai. Các vị môn đệ xưa cũng từng bị Đức Giê-su khiển trách rằng: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!”.

Lời khiển trách đó đã làm cho các môn đệ thật sự ý thức được sự kém lòng tin của mình. Do vậy, một lần nọ, các môn đệ đã xin Thầy Giê-su “thêm lòng tin cho chúng con”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mng thánh Luca.

**

Theo lời thánh Luca ghi lại: Một ngày nọ: “Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.”

Sao hôm nay các ông lại xin thêm lòng tin! Thưa, do bởi các ông hiểu rằng mình là những kẻ kém lòng tin. Là những người đã trải nghiệm biến cố hãi hùng trên Biển Hồ bởi trận cuồng phong khiến con thuyền lâm nguy, và đã được Thầy Giê-su giải cứu, thế nên các môn đệ hiểu rằng, chỉ có xin Thầy thêm-lòng-tin thì các ông mới có thể đối diện với những nghịch cảnh trên cuộc hành trình theo Ngài với sứ vụ loan truyền Tin Mừng.

Hôm đó, đáp lại lời xin của các Tông Đồ, Đức Giêsu nói: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. (Lc 17, 6).

Lòng tin không phải là món đồ trang sức để khoe khoang, nhưng là một ân sủng. Một ân sủng để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Thế nên, nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã dạy cho các ông bài học về sự khiêm tốn trong phục vụ, lời dạy rằng: “Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10).

***

“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải…” Vâng , “Lòng tin lớn bằng hạt cải” là lòng tin như thế nào? Thưa, đó là một lòng tin phó thác và vâng phục. Và, Đức Maria chính là mẫu mực cho việc thể hiện lòng tin này.

Thật vậy, chính nhờ có một lòng tin phó thác và vâng phục, Đức Maria đã đáp lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người, Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”, bằng hai lời “xin vâng”.

Chính nhờ có một lòng tin phó thác và vâng phục, Đức Maria đã không ngần ngại xem mình chính là “nữ tỳ của Chúa”, một người nữ tỳ sẵn sàng để “Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Chính nhờ có một lòng tin phó thác và vâng phục, Đức Maria đã đi Belem, qua Ai Cập, về Nadaret và cuối cùng “trên đồi Golgotha. Mẹ đứng gần bên thánh giá. Mẹ nhìn Chúa trút hơi thở cuối cùng…”

Chúng ta cũng không thể không nhắc đến lòng-tin-lớn-bằng-hạt-cải của thánh Phao-lô. Với một lòng tin phó thác, ngài Phao-lô đã: “Cam chịu mọi sự, để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su, và được hưởng vinh quang muôn đời.” (x.2Tm 2, 10).

****

Như đã nói ở trên, không ai trong chúng ta lại không hơn một lần “kém lòng tin”. “Vì thế, Lm Jos.Vinc. Ngọc Biển, có lời khuyên: “lời cầu xin của các tông đồ khi xưa cũng là lời cầu nguyện của mỗi chúng ta ngày hôm nay.”

Ngài Lm. chia sẻ tiếp, rằng: “Quả thật, xã hội ngày hôm nay nhiều người sống rất vô cảm, ít tương trợ lẫn nhau, và nhiều khi còn cắn xé lẫn nhau, hệ quả xảy ra là tham nhũng, bóc lột, đàn áp những người thấp cổ bé họng… đứng trước những bạo nạn đó, nhiều khi chúng ta thấy mình quá nhỏ bé nên không dám lên tiếng, không dám nói lên chính kiến của mình, không dám thể hiện một nghĩa cử liên đới với những anh chị em đang lâm nạn. Những lúc chúng ta cảm thấy bất lực vì sợ hãi như vậy, ấy là lúc chúng ta cần phải: Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta”.

Và, đây… đây là điều chúng ta hay gặp phải. Đó là: “Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta xin Chúa mãi mà vẫn không được những ơn chúng ta xin. Những lúc đó, chúng ta hay phàn nàn trách móc Chúa vì Ngài không nhận lời. Ta thấy tâm trạng của mình lúc này có phần giống tiên tri Kha-ba-cúc trong bài đọc I, ông phải chịu đựng những điều nghiệt ngã tương tự: “Con la lên: Bạo tàn! Mà Ngài không cứu vớt”; “Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa, con kêu van mà Ngài chẳng đoái nghe?” (Kb 1,2-3).

Vâng, một lần nữa, ngài Lm Jos.Vinc. Ngọc Biển có lời khuyên rằng: “Tuy nhiên, chúng ta đâu biết được rằng: ‘Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người’. Chúng ta chưa nhận được là vì chúng ta chưa có niềm tin đủ mạnh. Vì thế, chúng ta cũng cần: xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta.”

Chúng ta “phải” xin Chúa thêm lòng tin cho chúng ta. Bởi vì, trước một xã hội hôm nay, một xã hội tràn đầy sự cám dỗ, cám dỗ làm ăn bất chính, cám dỗ thỏa hiệp với gian dối để trục lợi, cám dỗ mua gian bán lận v.v… nếu chúng ta “kém lòng tin” không sớm thì muộn chúng ta sẽ sa vào những chước cám dỗ này.

“Thiên Chúa”, thánh Phao-lô nói: “đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương và biết tự chủ.”

Đó… đó là lý do Lm. Charles E.Miller có lời khuyên, rằng: “Chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa không những với lòng sùng kính mà còn với sự bền đỗ, không những khi dự thánh lễ mà còn bất cứ lúc nào ta cầu nguyện. Một kinh nguyện ‘đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ’ giúp ta nhìn nhận Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, đúng là đối tượng để kêu ca, bởi lẽ Ngài là Đấng dảm trách duy nhất”.

Đúng vậy, là một Ki-tô hữu, chúng ta đặt niềm tin vào Đức Giê-su. Mà, Đức Giê-su chẳng phải chính là Ngôi Hai Thiên Chúa! Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa thế thì cớ gì chúng ta không chạy đến “để kêu ca” với Ngài!

Vâng, hãy đến… hãy đến và kêu ca với Đức Giê-su, rằng: “Lạy Chúa! Xin thêm lòng tin cho chúng con”.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Đừng cất dấu tình yêu thương…

 “Con ơi! Hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh.” (x.Lc 16, 25).



Chúa Nhật XXVI– TN – C

Đừng cất dấu tình yêu thương…

Người xưa có lời dạy rằng: “Thương người như thể thương thân. Một miếng khi đói bằng gói khi no”. Vâng, quả thật đây là những lời dạy dỗ rất nhân ái, tràn ngập tình người.

Thế nhưng, ngày nay, có vẻ như những lời dạy dỗ nêu trên không còn được xem như là nét đẹp cần thể hiện trong cuộc sống. Có không ít người đã thờ ơ, lãnh đạm trước lời dạy dỗ này. Có không ít người đã sống vô tâm, vô cảm trước những bất hạnh, khổ đau, nghèo đói của đồng loại.

Nói… không sợ sai, vô tâm hay vô cảm đang là một cơn đại dịch, một cơn đại dịch lây tràn lan trong xã hội của chúng ta, hôm nay. Khi đề cập đến cơn đại dịch này, Helen Keller nói: “Chúng ta có thể chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất, sự vô cảm của con người”.

Nhìn sự-vô-cảm-của-con-người, Lm An-tôn Nguyễn Văn Độ buồn bã chia sẻ: “Bệnh này thể hiện ở chỗ, không động lòng trắc ẩn trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội đang xảy ra. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác. Vậy đó còn là con người không, hay chỉ là xác khô của một cỗ máy?”

Niềm tin Kitô giáo không hoan nghênh lối sống vô cảm, không tán thành cung cách sống “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Người Kitô hữu không phải là “xác khô của một cỗ máy”. Người Ki-tô hữu được dạy phải “mến Chúa - yêu người”. Thương người có mười bốn mối, thương xác bảy mối: “Thứ nhất cho kẻ đói ăn. Thứ hai cho kẻ khát uống. Thứ ba cho kẻ rách rưới ăn mặc. v.v…” Đó là chưa nói đến, thương linh hồn bảy mối. “Thứ ba: yên ủi kẻ âu lo. Thứ năm: tha kẻ dể ta. Thứ sáu: nhịn kẻ mất lòng ta” v.v…

Đức Giê-su, tất nhiên là Ngài cũng lên án lối sống vô tâm, vô cảm. Rất rõ ràng và quyết liệt, Ngài đã khuyến cáo những hạng người này bằng nhiều dụ ngôn. Một trong những dụ ngôn ai nghe qua cũng phải “nhìn lại mình”, đó là dụ ngôn nói về “Ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó”. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca.

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”. Vâng, chỉ chừng ấy lời mô tả, chúng ta có thể nói, ông nhà giàu này là một người “sống để ăn”. Ngày-ngày-yến-tiệc-linh-đình chẳng phải là chỉ ăn-ăn-và-ăn, sao!

Tương phản với ông nhà giàu, kẻ chỉ sống-để-ăn là một người cần ăn-để-sống. Người đó là “…một người nghèo khó tên là La-da-rô”. Và, như người xưa có nói: “nghèo lại gặp cái eo”. Anh nhà nghèo La-da-rô đã “gặp cái eo”, đó là, người anh ta “mụn nhọt đầy mình”.

Nói, quý vị đừng cười… Tôi (người viết) lúc lên năm tuổi, cũng đã bị mụn-nhọt-đầy-mình. Hồi đó, chúng ta thường gọi là “ghẻ tàu”. Với căn bệnh này, đau đớn lắm, nhức nhối lắm.

Thế nên, qua những gì anh La-da-rô gặp phải, chúng ta có thể nghĩ rằng, anh ta rất đau khổ. Mà thật vậy, anh ta không chỉ “đau” vì bệnh tật, mà còn “khổ” vì đói khát. Chuyện kể rằng, “nằm trước cổng ông nhà giàu”, anh ta đói đến độ “thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no”.

Thế nhưng, thật đáng tiếc! Cơn “thèm” của anh ta không được đáp ứng. Buồn nhỉ! Vâng, rất buồn… buồn vì chỉ có “mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta”.

Chỉ có mấy-con-chó thôi! Không có người đồng cảnh ngộ nào, như anh ta, cũng “nằm trước cổng ông nhà giàu”, để chia sẻ nỗi đau với nhau. Ước gì có nhỉ! Ước gì nếu có, rất có thể họ sẽ cùng nhau cất tiếng ca, ca rằng: “Trời cao có thấu cúi xin người ban phước cho đời (chúng) con”!

Những suy nghĩ trên đây, chỉ là sự tưởng tượng của người viết. Ấy thế mà, chuyện lại xảy ra đúng y như vậy. Trời cao “đã” thấu cho hoàn cảnh của anh La-da-rô.

Vâng, như chúng ta được biết, người Trung Hoa xưa có nói: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử.” nghĩa là: “Nhân sinh tự cổ ai không chết”. Đúng vậy, ai mà không phải chết! Anh nhà nghèo La-da-rô, chuyện kể rằng: “Thế rồi người nghèo này chết”.

Khi người nghèo này chết, “Trời cao” đã nhìn “thấu suốt” hoàn cảnh của anh ta. Trời cao đã ban phước cho anh ta. Phước đức anh ta được hưởng, đó là: “được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham”. (x.Lc 17, 22).

Còn ông nhà giàu… ông nhà giàu thì sao! Thưa, cũng chết. Kinh Thánh chẳng nói rằng: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi... cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.”, đó sao! (Tv 90, 10).

Tuy nhiên, sau khi chết, ông nhà giàu không được hưởng những gì mà anh La-da-rô đã được hưởng. Ông nhà giàu, rất thảm hại. Chuyện kể rằng: “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ”.

Thấy anh La-da-rô! Ôi, chắc hẳn ông nhà giàu vui mừng lắm. Vui mừng vì anh chàng này ít ra thì cũng biết ông là ai. Thế là, ông nhà giàu “nước mắt cá sấu” năn nỉ với tổ phụ Áp-ra-ham. Ông ta năn nỉ rằng: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát, vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!”

Rất công bằng, tổ phụ Ap-ra-ham đáp: “Con ơi! Hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi, còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ” (x.Lc 16, 25).

Và rất… rất cay đắng cho ông nhà giàu, khi tổ phụ Áp-ra-ham cho ông ta thấy sự thật, sự thật về khoảng cách giữa ông ta và anh La-da-rô. Khoảng cách đó không còn là một cái “cổng nhà” nhưng đó là “một vực thẳm lớn”. Vâng, tổ phụ Áp-ra-ham đã nói rằng: “Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta cũng không được.”

Như chúng ta thường nói “còn nước còn tát”. Ông nhà giàu, sau khi nghe thế, cố gắng “tát” thêm một lời thỉnh cầu, một lời thỉnh cầu may chi có thể “vớt vát” tương lai cho những người anh em của ông, là những người còn sống ở trần gian. Ông đã khẩn khoản nài xin rằng: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này.”

Lời thỉnh cầu này nghe có lý chăng! Đúng, có lý, nhưng là “lý sự cùn”. Cùn ở chỗ, anh La-da-rô này đâu phải là một vị “chức sắc” nào đó của Đền Thờ! Anh ta chỉ là một tên khố rách áo ôm, mụn nhọt đầy mình, hỏi sao “năm người anh em” của ông chịu nghe lời cảnh cáo! Biết đâu chừng khi tổ phụ sai anh Ladaro đến nhà cha ông, năm người anh em của ông, lại chẳng xua đàn chó ra đuổi anh ta đi!

Muốn nghe lời cảnh cáo ư! Tổ phụ Áp-ra-ham có lời rằng: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” Đúng… đúng quá đi chứ! Này ông nhà giàu ơi! nếu ông đừng sáng say, chiều xỉn, tối sương sương mà dành thời giờ đọc “Xuất hành, Levi, Dân số, Đệ nhị luật.” thì đâu có chuyện hôm nay “con bị thiêu đốt khổ sở lắm”!

Không muốn năm người anh em lại rơi vào hoàn cảnh bị-thiêu-đốt-khổ-sở như mình, ông nhà giàu cố biện luận với tổ phụ Áp-ra-ham một lần nữa. Ông ta nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.”

Câu chuyện kết thúc ở đây. Kết thúc với lời phán quyết của tổ phụ Áp-ra-ham. Lời phán quyết rằng: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng tin”.

Đúng. Đức Giê-su từ trong cõi chết Ngài đã Phục Sinh. Thế mà, được bao nhiều người trong số hơn bảy tỷ người trên thế gian này… “đã tin”!!!

***
Câu chuyện chỉ là một dụ ngôn. Thế nhưng, chúng ta đừng nghĩ rằng, đây chỉ là một câu chuyện phù phiếm, chẳng liên quan gì đến mình. Không, rất liên quan… rất liên quan đến cuộc sống của chúng ta. Nói rõ hơn, nó là một bài học rất giá trị cho chúng ta, hôm nay.

Bài học thứ nhất. Nếu tôi là “ông nhà giàu”, thì sao! Tốt thôi, vì đó là ơn phúc Chúa ban. Giàu không phải là một cái tội. Trong câu chuyện dụ ngôn, không thấy một câu hay một chữ nào lên án sự “giàu sang” của ông nhà giàu. Ông ta bị lên án chỉ vì sự vô tâm, vô cảm của ông ta.

Sự giàu có của ông Gióp như một điển hình. Kinh Thánh chép rằng, ông ta có “một đàn súc vật bảy ngàn chiên dê, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái”. Chính Satan cũng phải công nhận Đức Chúa đã “ban phúc lành cho công việc do tay (Gióp) làm, và các đàn gia súc của (Gióp) lan tràn khắp xứ” (x.G 1, 10).

Vào thời Đức Giê-su còn tại thế, cũng có nhiều người giàu đi theo trợ giúp Ngài. Một vài tên tuổi chúng ta biết rồi đó. Ông Ni-cô-đê-mô, ông Giô-xếp người thành A-ri-ma-thê, bà Sa-lô-mê, v.v...

Thế nên, nếu chúng ta giàu có: “Hãy rộng lượng với kẻ nghèo hèn, đừng chần chừ khi phải bố thí. Hãy đón tiếp kẻ khó nghèo, vì họ túng quẫn, đừng để họ ra về tay trắng” (x.Hc 28, 8-9).

Và đây, hãy nghe Thiên Chúa nói với chúng ta rằng: “Thương xót kẻ khó nghèo là cho ĐỨC CHÚA vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm” (Cn 19, 17).

Cuối cùng, nếu chúng ta giàu có: “Đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng” (1Tm 6, 17).

Bài học thứ hai. Nếu chúng ta là anh chàng La-da-rô? Thưa, cũng hãy vui lên, vui là bởi chính Đức Maria đã có lời khẳng định: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư” (Lc 1, 53) Thế nên, nếu chẳng may: “Khi tôi sinh ra mang được ngay tiếng con nhà nghèo” thì đừng nghĩ rằng, là do “quả báo”, là do “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

Đừng quên, Đức Giê-su chẳng từng tuyên phán: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của anh em.”, đó sao! (x.Lc 6, 20) Lời Đức Giê-su tuyên phán, gợi cho chúng ta nhớ… nhớ một ai đó nói rằng: “nghèo tiền bạc, nhưng không nghèo tình yêu thương.”

Khi đề cập đến “những kẻ nghèo khó”, Raniero Cantalamessa, qua cuốn sách tựa đề: “Tám chặng đường đi tới hạnh phúc”, có lời viết rằng: “Người nghèo khó đích thực của Phúc Âm là người ‘được Thiên Chúa che chở’… Nơi người Do Thái thời ấy, hạn từ ‘nghèo khó’ thực tế đồng nghĩa với thánh thiện (hasid) và đạo đức. Các Giáo Phụ coi người ‘có tâm hồn nghèo khó’ hầu như đồng nghĩa với khiêm nhường”.

Vậy, có gì phải nặng lòng khi cuộc đời chúng ta: “Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên còn nghèo!”
Vâng, dù hôm nay chúng ta vẫn-còn-nghèo thì cũng đừng “túng quá hóa liều”. Niềm tin Ki-tô giáo không cho phép chúng ta viện cớ rằng: túng quá nên đành liều đi trộm cướp. Nghèo mà lại hành động như Chí Phèo, có phần chắc tổ phụ Áp-ra-ham không hoan nghênh.

Hãy nhớ, người xưa từng nói: “Nghèo cho sạch, rách cho thơm.” Nhớ để đừng quên Kinh Thánh có lời rằng: chúng ta chỉ có “một thời để lìa thế… một thời để yêu thương.”

Vâng, chúng ta chỉ có một thời… một thời để yêu thương, để sống bác ái, để xót thương người, để đem niềm vui đến chốn u sầu. Đừng lãng phí thời gian này vào những đêm dài say sưa chèn chén, vào những tháng ngày yến tiệc linh đình.

Bởi vì… bởi vì nếu lãng phí, khi đến “thời gian lìa thế” hệ quả mà chúng ta sẽ lãnh nhận chẳng khác gì hệ quả “ông nhà giàu” trong dụ ngôn đã lãnh nhận. Đó là: “bị thiêu đốt khổ sở lắm”.

Do vậy, đừng lãng phí “một thời để yêu thương”, bởi vì nếu không lãng phí, khi đến thời-gian-lìa-thế, chúng ta cũng sẽ được… “được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham”, như anh La-da-rô, đã được.

Nói rõ hơn, chúng ta đừng sống vô tâm, vô cảm. Đừng cất dấu tình yêu thương.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

Không… không thể làm tôi hai chủ

 “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10).



Chúa Nhật XXV– TN – C

Không… không thể làm tôi hai chủ

Một trong những đức tính không thể thiếu đối với người Ki-tô hữu, đó là: lòng trung tín. Gọi không thể thiếu là bởi lòng trung tín có thể được xem như là thước đo niềm tin của người Ki-tô hữu.

Là thước đo niềm tin, do đó lòng trung tín rất là quan trọng. Thế mà, như một bóng cây dưới ánh nắng mặt trời liên tục thay đổi phương hướng và kích thước theo thời gian, lòng trung tín của con người (chúng ta) cũng hay thay đổi như thế.

Gia-vê Thiên Chúa không bao giờ thay đổi như chúng ta hay thay đổi. Tông đồ Gia-cô-bê nói: “Nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng” (Gc 1, 17). Kinh Thánh Cựu Ước thì nói rằng: Gia-vê là “Đức Chúa Trời thành tín.”

Đối với Đức Giê-su thì sao? Thưa, với Đức Giê-su, khi đã là người môn đệ của Ngài, người ấy không được phép “thay lòng đổi dạ”. Khả năng mà người môn đệ phụng sự Ngài không nhất thiết là phải “vượt qua những thử thách nghiêm trọng”, nhưng chỉ cần dựa trên lòng trung tín của người môn đệ ấy, mà thôi.

Một lần nọ, Đức Giê-su đã nói với các môn đệ mình, rằng: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10).

Để cho các môn đệ hình dung ra sự bất lương trong việc rất nhỏ sẽ dẫn đến sự bất lương trong việc lớn, Đức Giê-su đã dùng một dụ ngôn, một dụ ngôn rất sát thực với cuộc sống đời thường. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề “người quản gia bất lương”.

**

Theo Tin Mừng thánh Luca: Hôm ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này phung phí của cải nhà ông”.

Vâng, chỉ mới có một chi tiết “phung phí của cải nhà ông (chủ)” chúng ta đủ lý lẽ để có thể nói rằng, người quản gia này là một kẻ “bất lương”. Của cải có phải của mình đâu, sao lại phung phí như thế!

Người quản gia là một kẻ bất lương, nếu bạn là ông phú hộ, bạn sẽ làm gì? Vâng, có phần chắc, chúng ta sẽ cho anh chàng này thôi việc, và tính sổ những gì y đã làm. Thật vậy, khi những lời tố cáo đến tai ông phú hộ, chuyện kể rằng: “Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”

Đúng quá! Phải “xử lý” như thế chứ, phải không thưa quý vị?

Bị ông chủ “cất chức quản gia của mình”, người quản gia ra về trong tâm trạng sầu não khi nghĩ đến tương lai của mình. Chuyện kể rằng: “Anh ta nghĩ bụng: Mình sẽ làm gì đây? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.”

Và, như người xưa có nói: “Cái khó ló cái khôn”. Chàng quản gia khi nhìn thấy “cái khó” của mình liền “ló cái khôn”. Ló-cái-khôn, nhưng lại là “khôn lỏi”, một thứ “khôn vặt, luôn tìm cách giành lợi riêng cho mình một cách ích kỷ.”

Thật vậy, “để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đến rước mình về nhà họ”, người quản gia thể hiện cái khôn lỏi của mình. Y “cho gọi từng con nợ của chủ đến”, và rồi, rất thản nhiên, anh ta “khuyến mãi” cho mỗi con nợ của chủ bằng cách “giảm nợ” tùy theo giá trị số nợ của họ.

Với con nợ thứ nhất, người quản gia hỏi: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: Một trăm thùng dầu ô-liu.” Nghe thế, người quản gia bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.”

Một con nợ khác, người này nợ “một ngàn giạ lúa”. Cũng như con nợ thứ nhất, người quản gia nói với con nợ này rằng: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”.

Thật… thật “hết ý kiến” cho hành vi của người quản gia. Tuy nhiên, với ông phú hộ: “ổng” có ý kiến rằng “...tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”.  

***

Vâng, thánh Luca ghi rằng: “ông ta khen” người quản gia. Tuy nhiên, đằng sau lời khen, rất thâm thúy, ông phú hộ tặng cho người quản gia một “nickname” rất xứng đáng cho hành vi của y. Đó là nickname “bất lương”.

Vâng, từ “việc rất nhỏ” đó là phung-phí-tài-sản (của chủ), để rồi trong cả “việc lớn”, đó là xem tài sản của chủ như là của mình, rồi đem cho bừa bãi, “của người phúc ta”, như thế chẳng phải là bất lương, sao!

Còn đối với lời nhận định: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” thì sao? Thưa, chúng ta biết rồi, đây chỉ là khôn khéo vặt.

Khi suy tư về những điều Đức Giê-su nói, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Đức Giê-su chẳng hề quan tâm đến các sáng kiến (của người quản gia) vốn là các sáng kiến trên trần thế, cũng như tham vọng (của người quản gia) vốn là tham vọng của người đời. Song, Người quả hy vọng chúng ta quan tâm đến sự cứu độ vĩnh viễn của mình.”

Đúng vậy. Tiếp nối câu chuyện về người quản gia, Đức Giê-su nói: “Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu”.

Đừng… đừng chú ý đến bốn chữ “Tiền Của bất chính”. Gọi là bất chính vì của cải vật chất, đặc biệt là tiền bạc, thuộc về con người là những kẻ bất toàn. Chính vì bất toàn, nên khi con người ước muốn đạt được nhiều của cải có thể dẫn đến những hành vi bất chính.

Với lời nói Đức Giê-su nêu trên và lời chia sẻ của ngài Lm.Charles, nên chăng chúng ta hãy nghĩ rằng: thể hiện lòng trung tín qua việc sử dụng của cải vật chất phải thật khôn ngoan!

Thật vậy, với sự khôn ngoan chúng ta sẽ không dùng nó vào những mục tiêu ích kỷ, mà sẽ sử dụng của cải vào việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, cụ thể là ngôi nhà Giáo Hội. Cũng như chia sẻ với tha nhân tiền của và phúc lành mà chúng ta đã lãnh nhận.

Tỏ lòng trung tín theo cung cách nêu trên, như lời Đức Giê-su nói: chúng ta sẽ “tạo lấy bạn bè.” Người Bạn Lớn mà chúng ta sẽ được kết bạn, đó chính là Đức Giê-su – Người sẽ “rước (chúng ta) vào nơi vĩnh cửu” (x.Lc 16, 10).

Vâng, Đức Giê-su chẳng bao giờ truyền dạy các môn đệ (và bây giờ là chúng ta) dùng tiền buôn bán ma túy làm việc từ thiện. Đức Giê-su chẳng bao giờ dạy chúng ta cướp ngân hàng, tặng quý cha xây sửa nhà thờ.

Lời Đức Giê-su nói (nêu trên), ngài Lm. Charles có lời giải thích, rằng: “Chúa Giê-su còn trông đợi chúng ta cũng cật lực đạt tới các giá trị thiêng liêng như một số người cố giành cho được lợi lộc về tiền bạc.”

Hãy chú ý đến sự-cứu-độ-vĩnh-viễn và vào-nơi-vĩnh-cửu. Và, hãy xem đó chính là điều chúng ta cần phải “cật lực”.

Thế nên, lời khuyến cáo của Đức Giê-su: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em?”, là điều chúng ta phải “cật lực” cảnh giác, cảnh giác để mình không sa vào “vết chàm” của người quản gia bất lương, trong câu chuyện dụ ngôn.

Thế nên lời khuyến cáo của Đức Giê-su: “Nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?”, là điều chúng ta phải “cật lực” cảnh giác, cảnh giác để chúng ta không trở thành “kẻ bất lương”, như người quản gia, trong câu chuyện dụ ngôn.

Và, điều Đức Giê-su phán truyền: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”, cũng là điều chúng ta phải “cật lực” phân định, phân định và thực thi.

Phải cật lực thực thi lòng trung tín, dù có phải thực thi trong những vấn đề có vẻ nhỏ. Tại sao? Thưa, là bởi, điều đó nói lên rằng, chúng ta coi trọng quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Hãy nhìn lại sự thử thách về lòng trung tín mà Thiên Chúa đã đặt ra cho nguyên tổ Adam và Eva. Sự thử thách đó không phải là một đòi hỏi quá sức cho hai người.

Adam và Eva đã có quyền hưởng tất cả các trái cây trong vườn Eden. Chỉ có một cây, “cây biết điều thiện và điều ác”, là không được đụng tới. (Stk 2, 16-17). Lòng trung tín trong việc vâng theo lệnh truyền đó sẽ cho thấy hai ông bà coi trọng quyền cai trị của Thiên Chúa. Đáng tiếc thay! Hai ông bà đã bất trung…

Trung tín tuân theo những chỉ dẫn của Chúa trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đứng về phía quyền tối thượng của Thiên Chúa.

Thế nên, đừng ngại khi chúng ta phải nghe thêm một lần nữa. Đó là đừng bỏ lỡ việc thực thi lòng trung tín, dù là thực thi “trong việc rất nhỏ”. Bởi vì, nó sẽ có tầm ảnh hưởng đến cách chúng ta thực thi lòng trung tín “trong việc lớn”.

Trong-việc-lớn, là trong việc gì? Thưa, có thể… có thể “việc lớn” đó là cuộc sống hôn nhân gia đình. “Trong việc lớn” này, chúng ta có trung tín với lời hứa “hứa yêu nhau trao câu thề chung sống muôn đời?” “Trong việc lớn” này, dẫu cho “bụi thời gian có làm mờ đi những kỷ niệm của hai chúng mình, (chúng ta) cũng không bao giờ, không bao giờ quên (nhau)?”

Chưa hết, việc-lớn… việc lớn này cũng có thể đó là ơn gọi sống đời sống tu trì, đời sống là linh mục, là tu sĩ nam nữ. Trong-việc-lớn này, chúng ta có trung tín với “thánh chức”, với chức vụ, thánh chức giảng dạy, chức vụ săn sóc đoàn chiên, Chúa trao ban?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy nhớ rằng, khi chúng ta trung tín trong đời sống hôn nhân, chúng ta sẽ là một nhà xây dựng, xây dựng một thôn xóm “láng giềng thân thiết”, xây dựng một gia đình “anh em hòa thuận” và quan trọng hơn cả, đó là: xây dựng một tổ ấm, một tổ ấm “vợ chồng ý hợp tâm đầu”. Đừng quên, cả ba điều này, “cả ba đều làm đẹp lòng Thiên Chúa” (Hc 25, 1).

Thế còn trung tín với thánh chức, chức vụ, Chúa trao ban thì sao, nhỉ! Thưa, tuyệt vời lắm, thưa quý linh mục, quý tu sĩ nam nữ. Trung tín với thánh chức, chức vụ Chúa trao ban, thánh Phao-lô nói: “Làm như vậy, anh em sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy” (x.1Tim 4, …16).

Cứu-được-những-người-nghe-anh-giảng-dạy. Vâng, viết tới đây, người viết đã phải dừng viết. À không! dừng “gõ” keyboard mới đúng. Dừng gõ để ngước lên thánh giá Chúa Ki-tô, ngước lên và khẩn nguyện với Người, rằng: “Lạy Chúa! Xin Người ban cho quý linh mục, quý tu sĩ ơn trung tín.” (Tất nhiên cũng phải xin cho chúng ta nữa).

Phải… phải xin Chúa ban ơn thôi. Vì, sống trung tín trong một xã hội tràn ngập bất tín không phải là một việc dễ dàng. Do đó, ngoài việc xin Chúa ban ơn, chúng ta còn phải ghi khắc trong con tim mình lời truyền dạy của Người-Bạn-Lớn là Đức Giê-su. Lời truyền dạy rằng: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Không… Đức Giê-su nói: “Không thể làm tôi hai chủ.”

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...