Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Hôm nay, Ngài hãy ở lại nhà con…

 

Hôm nay, Ngài hãy ở lại nhà con…

“Này ông Dakêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,…5).



Chúa Nhật XXXI – TN – C

Hôm nay, Ngài hãy ở lại nhà con…

Tình yêu và lòng thương xót, đó là điều luôn được Đức Giê-su thực hiện trong những ngày Ngài còn tại thế. Tình yêu và lòng thương xót mà Đức Giê-su thực hiện đã đem lại cho mọi người một cái nhìn rõ nét về một Thiên Chúa… một Thiên Chúa: “sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”. (x.Ga 3, 17).

Chính Đức Giê-su cũng từng tuyên bố: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Và, dịu ngọt thay, khi Ngài tiếp lời, rằng: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, nhưng người đau ốm mới cần. Hãy đi, và học cho hiểu ý nghĩa câu nầy: ‘Ta muốn lòng thương xót hơn sinh tế.’ Vì Ta đến không phải để gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội.” (x.Mt 9, 12-13).

Đức Giê-su đã “gọi kẻ có tội” ư! Thưa, đúng vậy. Ngài không chỉ gọi mà còn đồng bàn với họ nữa. Điển hình nhất là ông Da-kêu làm nghề thu thuế, một loại nghề bị dân Do Thái coi là “nghề tội lỗi”. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 19, 1-10).

**
Tin Mừng thánh Luca ghi lại, rằng: “Sau khi vào Giê-ri-cô. Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy.” Trong thành phố ấy: “có một người tên là Da-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có”.

Vâng, chỉ một vài lời mô tả, không cần bàn cãi, chúng ta có thể nói rằng, ông Da-kêu là một người có vị thế cao trong xã hội. Có vị thế cao, thế mà cách ứng xử của ông ta lại như là một đứa trẻ con.

Ông ta đã ứng xử như thế nào mà lại bị coi như là một đứa bé? Thưa, chuyện là như thế này: Hôm ấy, khi nghe đồn có một người tên là Giê-su đi ngang qua thành, ông Da-kêu bèn “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai…”.

Nhưng tiếc thay! Vây quanh Đức Giê-su là một rừng người. Với bản thân của mình, thật khó để ông ta nhìn thấy dung nhan của một người được cho là đi tới đâu đều đem đến cho mọi người niềm vui và hạnh phúc. Vâng, “ông ta lại lùn”.

Như chúng ta được biết người xưa có nói: “cái khó ló cái khôn”. Ông Da-kêu, trong lúc lúng túng bởi “cái khó” về chiều cao của mình, thì chợt thấy trước mặt là một cây sung, thế là ông ta “ló cái khôn” ra. Cớ sao không leo lên đó nhỉ! Vâng, thật đúng như một đứa trẻ con, ông Da-kêu đã leo… “leo lên cây sung để xem Đức Giê-su, vì (có lẽ ông nghĩ rằng) Ngài sắp đi ngang qua đó”. Và, quả thật Đức Giê-su đã đi “tới chỗ ấy”.

“Khi Đức Giê-su đi tới chỗ ấy, thì “Người nhìn lên…” Đứng trên cây sung, ông nhìn xuống. Người ông muốn thấy mặt, nay đã thấy. Trí tò mò của ông đã được thỏa mãn. Hóa ra “Đây là Người!” Người mà ông nghe nói, đã dám đồng bàn với Lê-vi, đồng nghiệp của ông mà không sợ tai tiếng là “ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Lại còn nhận Lê-vi làm đệ tử mới ghê chứ!

Những dòng suy nghĩ của ông bị cắt ngang bởi có tiếng ai đó gọi tên của mình. Nằm mơ chăng! Không! Có tiếng gọi tên ông thật và người gọi chính là Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu đã gọi ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông” (Lc 19,…5). Quá đỗi vui mừng, ông Da-kêu, “vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người”.

***
Hôm ấy, Đức Giê-su đã ở-lại-nhà-ông Da-kêu. Thế nhưng, có một số người thất vọng về điều này. Họ cảm thấy “gai mắt”, họ “xầm xì với nhau: nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ.” (x.Lc 19, 7).

Da-kêu là người tội lỗi. Nhà Da-kêu là nhà người tội lỗi. Đúng, không sai. Không sai dưới cái nhìn của người Do Thái, thời đó. Thế nhưng, chính vì lý do này, Đức Giê-su đã ở-lại-nhà-ông.

Hôm trước, hôm Đức Giê-su dự tiệc tại nhà ông Lê-vi, cũng là một cán bộ thu thuế, Ngài đã tuyên bố rằng: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”.

Da-kêu là một người tội lỗi. Đức Giê-su đã đến nhà ông. Và, ông đã sám hối ăn năn. Về mặt vật chất, tất cả quyền hành lẫn quyền lợi, ông coi như cỏ rác. Về mặt tâm linh, ông có một sự hoán cải, hoán cải trở về. Thì đây, chúng ta cùng xem sự thay đổi của ông, qua những lời ông tuyên bố.

Trước mặt Đức Giê-su, ông đã tuyên bố rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo”. Tiếp đến, ông khẳng định: “Và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Thấy chưa! Đừng xầm xì với nhau nữa!

Da-kêu, một người lùn-thể-xác, nhưng không lùn-đức-ái. Da-kêu, một người thể-xác-lùn, nhưng không lùn-công-bằng. Trước một con người hoàn toàn “sám hối”, Đức Giê-su nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Và, hạnh phúc thay, khi ông đã được Ngài nhìn nhận “người này cũng là con cháu tổ phụ Apraham”.

****
Khi nói đến câu chuyện ông Da-kêu, Lm.Charles E. Miller có lời chia sẻ: “Những gì đã làm cho ông Da-kêu, Chúa Giê-su cũng làm cho chúng ta. Ngài đã đặt chân lên thế giới này mà thực chất (cũng) là nhà của phường tội lỗi. Chúng ta quả được chúc phúc qua cách hành xử gây sửng sốt của Con Một Thiên Chúa.”

Vâng, Đức Giê-su đã hành-sử-gây-sửng-sốt thế gian, khi tuyên bố rằng: “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối”. Đức Giê-su đã hành-sử-gây-sửng-sốt thế gian, khi có lời mời gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta.” (x.Kh 3, 20).

Như vậy là đã rõ. Hôm nay, Đức Giê-su vẫn chờ đợi lời mời gọi của chúng ta. Ngài không đứng trước cây sung, nhưng đứng trước cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta và “gõ… gõ… gõ…” Hôm nay, Đức Giê-su không đứng trước cây sung, nhưng đứng trước bàn Tiệc Thánh Thể, qua vị linh mục, và mời gọi mọi người, rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Về lời mời gọi này, Lm. Charles có lời nói rằng: “Rồi các vai trò đảo ngược. Chúa Giê-su không phải là khách mời của chúng ta như Người từng đến nhà ông Da-kêu, mà chúng ta trở nên khách mời của Người. Bí Tích Thánh Thể mở toang cho chúng ta cánh cửa nhà của Người. Giáo Hội, nơi đó Chúa Giê-su, với tư cách là gia chủ mời gọi chúng ta vào dự một bữa Tiệc Thánh, Mình và Máu của Người trong Bí Tích Tình Yêu. Chúng ta được vui hưởng đặc ân cả thể này mỗi ngày Chúa Nhật, thậm chí hằng ngày, nếu muốn.”

Thưa quý vị! Quý vị có muốn gặp gỡ Đức Giê-su Ki-tô, hằng ngày! Mà, tại sao không muốn nhỉ! Bởi vì, Thánh Thể chẳng phải là phương cách để mỗi chúng ta đón rước Chúa vào ngôi nhà tâm hồn của chúng ta”, đó sao!

Là một Ki-tô hữu chúng ta phải tìm cách gặp gỡ Đức Giê-su, mỗi ngày. Phải mời cho được Ngài vào ngôi nhà tâm hồn của chúng ta. Có Đức Giê-su trong ngôi nhà tâm hồn mình, chúng ta sẽ không bị “dao động” cũng như “hoảng sợ” trước những lời xầm xì của thế gian rằng thì-là-mà: Tôn giáo là thuốc phiện. Thiên Chúa đã chết rồi. Kinh Thánh đã lỗi thời, v.v…

Tất cả những lời xầm xì nêu trên, sẽ không là vấn đề gì với đức tin của chúng ta, nếu chúng ta để “Lời Chúa” trong tâm hồn mình. Mà, thật vậy, sách Thánh Vịnh chẳng đã nói rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”, đó sao!

Lời Chúa hay còn được gọi là Kinh Thánh chính là nơi để mỗi chúng ta nhìn thấy một “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Kinh Thánh chính là nơi chúng ta gặp gỡ Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô của tình yêu: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghĩ ngơi bồi dưỡng”.

Kinh Thánh chính là nơi chúng ta gặp gỡ Đức Ki-tô, một Đức Ki-tô của lòng thương xót: “Ta đến là để chiên được sống và sống dồi dào.”

Đừng quên, Đức Giê-su cũng đã tuyên bố: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

Sống nhờ-mọi-lời-miệng-Thiên-Chúa chẳng phải là có Chúa trong ngôi nhà tâm hồn mình, đó sao!

Xưa, ngôn sứ Giêrêmi đã nói: “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa. Và có Đức Chúa làm chỗ nương thân” (Gr 17, 7). Nay, chúng ta hãy cùng nhau nói: “Tôi chỉ ước trông một điều, đêm ngày tôi khấn xin. Là cho tôi được hạnh phúc trong nhà Chúa muôn đời”.

Nếu chúng ta xác tín như thế, hãy nói với Chúa rằng: “Chúa ơi! Hôm nay, Ngài hãy ở lại nhà con.”

Petrus.tran

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

Chúng con là kẻ có tội…

 

Chúng con là kẻ có tội…

“Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (x.Lc 18, …14)



Chúa Nhật XXX – TN – C

Chúng con là kẻ có tội…

Cầu nguyện, như chúng ta được biết, là phương cách tốt nhất để củng cố niềm tin của mình. Khi nói tới cầu nguyện, Lm. MJ Nguyễn Trường Luân nói rằng: “Đạo chúng ta (Công Giáo) là đạo cầu nguyện.”

Vâng, gọi là đạo-cầu-nguyện cũng chẳng sai. Chẳng sai là bởi, chính Đức Giê-su cũng đã kêu gọi mọi người “phải cầu nguyện luôn”.

Không chỉ khuyên phải-cầu-nguyện-luôn, Đức Giê-su còn dạy các môn đệ cách cầu nguyện. Ngài dạy rằng: “Khi cầu nguyện anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại và cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

Chưa hết… Đức Giê-su còn nhắc nhở các ông rằng: “Đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ.” Tiếp đến, Ngài dạy các ông hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển… Xin tha tội cho chúng con…” Và cuối cùng, Đức Giê-su cẩn thận khuyến cáo các ông: “không được nản chí”.

Tổng hợp những lời truyền dạy nêu trên, chúng ta có thể nói rằng, Đức Giê-su đã dạy cho các môn đệ một cung cách mới trong sự cầu nguyện. Cung cách đó tóm gọn trong bốn chữ “khiêm tốn - hạ mình”.

Vâng, rất cần sự khiêm tốn - hạ mình. Một sự khiêm tốn hạ mình hầu nhận biết tôi-là-ai trước một Thiên Chúa “không coi thường lời khấn nguyện” (x.Hc 35, 14). Để cho các môn đệ (và bây giờ là chúng ta) hiểu thế nào là “khiêm tốn”, thế nào là “hạ mình”, Đức Giê-su đã kể một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề: “người Phariseu và người thu thuế” (x.Lc 18, 9-14).

**
Tin Mừng thánh Luca ghi lại như sau: “Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác.” Dụ ngôn kể rằng: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.”

Cầu nguyện. Vâng, đó là một hành vi đã có từ thuở xa xưa. Từ cái thưở “hậu vườn Eden.” Kinh Thánh có ghi lại rằng: Sết – con của Adam – sau khi sinh được một con trai thì “người ta bắt đầu kêu cầu danh ĐỨC CHÚA” (St 4, 26).

Trở lại với ông Pha-ri-sêu và người làm nghề thu thuế. Hai người đã cầu-danh-ĐỨC-CHÚA điều gì? Thưa, với ông Pha-ri-sêu, ông ta “Đứng thẳng, nguyện thầm rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: trộm cắp, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.” Chưa hết… “ông thánh sống Pha-ri-seu” còn kể lể rằng: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”

Còn người làm nghề thu thuế thì sao? Thưa, ông ta “Đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Hết. Tất cả lời cầu nguyện của ông ta chỉ có thế, mà thôi.

Giữa lời cầu nguyện của ông Pha-ri-sêu và người làm nghề thu thuế, chúng ta sẽ “vote” cho ai? 

Cho “người-thuộc-nhóm-Phariseu”? Vâng, nghe qua lời cầu nguyện của ông Phariseu, thật không thể không ngưỡng mộ ông ta. Và không thể không ng-nón-chào tinh thần bất khuất qua việc “ăn chay mỗi tuần hai lần” của ông ta. Trong khi “tiêu chuẩn” giữ chay mỗi năm chỉ có một lần vào “Ngày Xá Tội Vong Ân”. Ông ta còn giữ đúng luật thập phân. Thế nên, làm sao không nghĩ rằng, ông Phariseu này quả là một người đáng trân trọng.

“Vote” cho người làm nghề thu thuế ư! Làm sao được! Nghe qua lời cầu nguyện của ông này không thể nói gì hơn ngoài ba chữ “Ôi! tệ quá!”

Ôi! tệ quá! Ấy thế mà Đức Giê-su lại không cho là tệ. Ngài đã tuyên bố: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi, còn người kia thì không.”

“Người này”… Người này là ai? Thưa, “tên thu thuế”, ông ta đã biết “tự hạ mình xuống”, nhận ra con người thật của mình. Còn “người kia”… Thưa, không nói ra, ai cũng có thể hiểu chính là “ông thánh sống Phariseu”, ông ta đã “tự tôn mình lên”, ưỡn ngực ngạo nghễ nơi đền thờ.

***
Có gì là nghịch lý, khi người thu thuế chỉ là kẻ-tội-lỗi, thế mà lại “được nên công chính”! Và có bất công không, khi ông “ba không”: không trộm cắp, không bất chính, không ngoại tình, lại phải trở về với “số 0”!

Vâng, chẳng có gì nghịch lý cả. Hãy nhớ, Đức Giê-su đã chẳng từng nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn”, đó sao! Người thu thuế là kẻ tội lỗi như lời anh ta thú nhận. Chẳng những đã thú nhận tội lỗi mình, anh ta còn có lòng sám hối ăn năn khi thưa rằng: “xin thương xót con”.

Mà, “…một người tội lỗi ăn năn sám hối” thì sao, nhỉ! Thưa, “…cả triều thần Thiên Quốc đều vui mừng hớn hở” (x.Lc 15, 7). Thế thì, chẳng có gì nghịch lý khi người thu thuế “trở xuống mà về nhà” và được xem là “người công chính”.

Còn ông Pha-ri-sêu ư! Thật ra, ông ta cũng sẽ nhận được “vòng hoa dành cho người công chính”, bởi vì như lời tông đồ Phaolô nói: “Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó… cho tất cả những ai hết tình mong đợi.” (2Tm 4, 8).

Thế nhưng thật đáng tiếc! Tâm tình cầu nguyện của ông Phariseu chẳng có một chút gì gọi là “mong đợi” cả. Trái lại, nó có hơi hướng của một người đi “hối lộ”.

Hãy nhìn xem, ông ta khoe khoang trước Thiên Chúa cả một “rổ” công đức (ăn chay) lẫn tiền bạc (tiền dâng một phần mười)” của mình. Ông ta nghĩ rằng, như thế, chắc hẳn Đức Chúa sẽ ban cho ông tấm bằng khen “người tốt việc tốt” như thói đời, thường làm.

Đúng là nằm mơ giữa ban ngày. Với Thiên Chúa – Kinh Thánh cho biết  “Đừng hối lộ, Người chẳng nhận đâu”. (Hc 35, 11).

Chưa hết, trong lời “cầu nguyện” của ông ta, lại có đầy sự “khinh chê”. Ông khinh chê người khác, “con không như bao kẻ khác… con không như tên thu thuế kia”. Ông ta quên rằng: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau” (Cn 16,18).

Hôm đó, kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su truyền dạy: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (x.Lc 18, …14)

****
Vâng, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn này. Và, hôm nay chúng ta được nghe lại. Chúng ta được nghe lại. Nghe… nhưng đừng để “tai này lọt tai kia”, và hãy để “lọt vào tâm hồn mình.” 

Lọt vào tâm hồn mình để làm gì? Thưa, để xem đó như một bản “tự kiểm”. Một bản tự kiểm về cung cách cầu nguyện của chính mình. Cung cách cầu nguyện của tôi giống ai! Giống ông-thánh-sống-Phariseu hay giống người làm-nghề-thu-thuế?

Đây là một việc làm hết sức cần thiết. Hết sức cần thiết là bởi cung cách cầu nguyện của ta sẽ là kết quả cho việc lời cầu nguyện của ta có “được Thiên Chúa chấp nhận”, hay không!

Vì vậy, chúng ta cùng nghe thêm một lần nữa lời cầu nguyện của người-làm-nghề-thu-thuế: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Và, chúng ta cũng sẽ cầu nguyện theo cung cách của vị này! Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, cung cách cầu nguyện của vị này đã đem lại cho ông ta “được nên công chính”.

Thế nên, thật phải đạo khi mỗi ngày Chúa Nhật chúng ta cùng nhau “đến nhà thờ cầu nguyện” như người làm nghề thu thuế đã “lên đền thờ cầu nguyện”.

Vâng, sẽ thật là khôn ngoan khi chúng ta cùng nhau nguyện rằng: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và cùng anh chị em. Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói việc làm, và những điều thiếu xót. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng. Vì vậy tôi xin Ðức Bà Maria trọn đời đồng trinh, các thiên thần, các thánh, và anh chị em khẩn cầu cho tôi trước tòa Thiên Chúa, Chúa chúng ta. Amen.”

Và đừng quên mỗi ngày cất tiếng nguyện xin: “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là-kẻ-có-tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen”! 

Cầu nguyện như thế, hãy tin, lời cầu nguyện của chúng ta “sẽ vọng tới các tầng mây”. Cầu nguyện như thế, hãy tin, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ “vượt ngàn mây thẳm”. Cầu nguyện như thế, hãy tin, lời cầu nguyện của chúng ta “sẽ được Người chấp nhận.” (x.Hc 35, …16-17).

Nói tắt một lời, mỗi khi cầu nguyện, đừng quên nói với Chúa rằng: “Chúng con là kẻ có tội.”

Petrus.tran

Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2022

Phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí…

 “Anh em nghe quan tòa bất chính nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không mình xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?”



Chúa Nhật XXIX – TN – C

Phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí…

Cầu nguyện là gì? Thưa: “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa hay là dâng lời cầu lên Thiên Chúa để xin những ơn lành phù hợp với thánh ý của Ngài. Cầu nguyện luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, Ðấng đến gặp gỡ con người. Cầu nguyện theo Kitô giáo là một liên hệ cá nhân và sống động của con cái với Cha là Thiên Chúa vô cùng nhân lành, với Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong tâm hồn họ.” (nguồn: tonggiaophanhanoi.org).

Cầu nguyện có từ khi nào? Thưa, như lời Kinh Thánh cho biết, đến thời ông Sết “người ta bắt đầu kêu cầu danh Đức Chúa.” (x.St 4, …26) Người Việt Nam ngay từ thời xa xưa cũng đã biết “Cầu Trời”. Vâng, thật chân thành khi họ cất tiếng kêu xin: “Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Lấy đầy bát cơm. Lấy rơm đun bếp”.

Tôn giáo nào cũng đều coi trọng sự cầu nguyện. Với Ki-tô giáo, cầu nguyện được ví như “hơi thở” của linh hồn. Còn Martin Luther thì nói: “Lời cầu nguyện là tường và thành trì vững chắc của nhà thờ, nó là vũ khí mạnh mẽ của người Ki-tô hữu.”

Đức Giêsu cũng rất coi trọng đến việc cầu nguyện. Kinh Thánh cho biết, Ngài vẫn thường xuyên “đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”.

Đã có lần Đức Giê-su dạy cho các môn đệ cầu nguyện. Và, Ngài có lời khuyên rằng, phải biết kiên trì “không được nản chí”. Để cho các môn đệ thấy sự kiên trì là điều cần thiết, Ngài đã kể cho các ông nghe một dụ ngôn. Dụ ngôn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (x.Lc 18, 1-8).

**
Thánh Luca đã ghi lại dụ ngôn như sau: “Trong thành kia có một ông quan tòa. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì”.

Mở đầu câu chuyện, với sự mô tả về một ông quan “coi trời bằng vung” như thế, quả là vô phước cho những ai được ông ta ra tay xử kiện. Tại sao? Thưa, bởi theo kinh nghiệm của cuộc sống dân gian, chưa thấy một ông quan “vô thần” nào được coi là “dân chi công bộc” cả. Loại quan này, không ăn hối lội thì cũng vòi vĩnh quà cáp.

Mà, thật vậy. Quan tòa thời đó được mô tả là: “Tất cả bọn chúng đều thích ăn hối lộ, và chạy theo quà cáp. Chúng không phân xử công minh cho cô nhi, cũng chẳng quan tâm đến quyền lợi quả phụ”? (Is 1, 23). Chưa hết, mấy ông kẹ này còn “đặt ra những luật lệ bất công… viết nên các chỉ thị áp bức… để biến bà góa thành mồi ngon cho chúng, và bóc lột kẻ mồ côi” (Is 10, 2).

Nghiệt ngã là thế đấy! Ấy thế mà lại có một bà góa đến xin ông xử kiện. Vâng, bà ta đã đến gặp ông quan này và thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”.

“Đơn kiện” được quan nhận. Thế nhưng: “(cả) một thời gian khá lâu, ông (vẫn) không chịu (xét)”. Không chịu xét thì sao? Thưa, bà lại đến. Albert Eintein nói: “Không phải là tôi quá thông minh, chỉ là tôi chịu bỏ ra nhiều thời giờ hơn với rắc rối”.

Áp dụng lời khuyên của Eintein, bà góa lại đến cửa quan, và bà đã toại nguyện. Dụ ngôn kể rằng: “bà đã nhiều lần đến…” Và đó là lý do ông quan tòa thay đổi ý định của mình. Thật vậy, trước kế sách “lỳ đòn” của bà góa, ông quan tòa như ngồi trên đống lửa. Cuối cùng, ông ta nghĩ: “Dầu ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc”.

Cứ-đến-hoài… Vâng, chính hành động này đã chứng tỏ rằng, bà góa, quả là đã chịu-bỏ-ra-nhiều-thời-giờ-hơn cho rắc rối của mình. Nói cách khác, bà góa là một người đầy lòng nhẫn nại, bền chí khẩn nài cho ước nguyện của mình.

Qua dụ ngôn này, không cần giải thích nhiều, chúng ta cũng có thể hiểu, thông điệp của Đức Giê-su gửi đến cho các môn đệ (và bây giờ là chúng ta), đó là: phải kiên trì “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.

Hôm ấy, Đức Giê-su còn có lời bảo rằng: “Anh em nghe quan tòa bất chính nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không mình xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?” Cuối cùng Đức Giê-su khẳng định: “Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ”.

***
Lời khẳng định (nêu trên) của Đức Giê-su, không phải là lời “nói cho có”. Lịch sử Do Thái, dân Thiên Chúa tuyển chọn, đã cho mọi người nhìn rõ sự thật. Lịch sử Do Thái, dân Thiên Chúa tuyển chọn, đã cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa “đã minh xét” cho những kẻ có lòng nhẫn nại, “ngày đêm hằng kêu cứu với người”.

Kinh Thánh kể rằng: hồi đó, khi dân Israel đang trên đường đến miền đất hứa. Bất ngờ họ bị người Amalech chận đánh tại Rophidim. (x.Xh 17, 8).

Xét về tương quan lực lượng hai bên. Amalech là một đạo quân tinh nhuệ. Trong khi đó, người Israel chẳng khác nào một đám quân ô hợp. Nếu đụng trận, nhắm mắt chúng ta cũng có thể nói: Israel sẽ thua Amalech.

Là một đạo quân quá kinh nghiệm trong những trận địa chiến, quân đội Amalech đủ sức xóa sổ quân đội Israel. Thế mà, chuyện lại không xảy ra như chúng ta nghĩ. Trái lại, chuyện đã xảy ra đúng như câu tục ngữ xưa của Việt Nam: “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng chấu ngã nào ngờ xe nghiêng”.

Con “châu chấu Israel” đã xô ngã cả một “đoàn xe” chở đầy quân binh tinh nhuệ Amalech. Quân sử Israel đã ghi lại chiến tích vang dội này, rằng: “Giôsuê đã đánh bại Amalech… xóa hẳn tên tuổi Amalech, khiến cho thiên hạ không còn nhớ đến nó nữa” (Xh 17, 13…14).

Nhờ đâu Israel có được chiến tích này? Thưa, do bởi chính lời cầu nguyện của Môsê. Mô-sê nói: “Tôi, tôi sẽ đứng trên đỉnh đồi, tay cầm gậy của Thiên Chúa”. Kinh Thánh ghi rằng: Trên đỉnh đồi, “khi nào ông Mô-sê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế, còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalech thắng thế”.

Mô-sê không có sức để “giơ tay lên” mãi. May thay, Aharon và Khua đã “đỡ tay ông, mỗi người một bên.” Nhờ đó Mô-sê đã đủ sức giơ tay-lên “cho đến khi mặt trời lặn”. Nói cách khác, Mô-sê đã liên lỉ “kêu cứu với Người…” Thiên Chúa đã không “bắt họ phải chờ đợi mãi”. Và Người đã “mau chóng” cho Israel cất tiếng hát khúc khải hoàn ca.

****
“Phải cầu nguyện luôn…” Tại sao “phải cầu nguyện luôn?” Thưa, bởi đó là lời truyền dạy của Đức Giê-su. Một lần nọ, Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được” (Lc 11, 9). Đúng, xin Chúa sẽ cho. Nhưng có trường hợp phải xin nhiều lần. Truyền các môn đệ “cứ xin” chính là Đức Giê-su muốn nói với các ông rằng, không chỉ xin một lần mà là “cứ” phải xin luôn luôn.
 
“Không được nản chí” Tại sao “không được nản chí?” Thưa, bởi đó chính là “thước đo” sự nhẫn nại cho niềm tin của mình. Ông Gia-cóp, một nhân vật thời Cựu Ước, chính là mẫu mực của một con người nhẫn nại, không nản chí.

Trước khi được “chúc phúc”, Gia-cóp đã kiên trì chiến đấu, đã phải “vật lộn” với Thiên Chúa suốt cả đêm. Kinh Thánh thuật lại rằng : “Có một người vật lộn với ông cho tới lúc rạng đông” (Stk 32, …25).

Cuộc sống Kitô hữu của chúng ta chẳng phải là cũng luôn “vật lộn” với những cơn-đau-tinh-thần, cơn đau của sự thất vọng và bội phản, cơn đau của sự bất trung; bất tín! Rồi còn đó là những cơn-đau-của-thể-xác, cơn đau của bệnh tật, của chết chóc, v.v… đó sao!

Giacop đã chiến thằng bằng sự nhẫn nại. Giacop biết rằng người vật lộn với mình không ai khác chính là Thiên Chúa. Vì thế, dù “khớp xương hông của ông bị trật đang khi ông vật lộn với người đó”, nhưng Giacop vẫn kiên trì chiến đấu. Sự kiên trì chiến đấu của ông không ngoài mục đích là “đòi” cho được lời chúc phúc từ nơi Thiên Chúa. Ông đã lớn tiếng nói rằng: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi… Và người đó đã chúc phúc cho ông…” (Stk 32,…37-30).

Chúng ta cũng sẽ như Giacop “không buông Chúa ra” khi đứng trước những nan đề nêu trên! Chúng ta sẽ “liên lỉ cầu nguyện, không nản chí!” Chúng ta sẽ cất tiếng nói với Chúa rằng: “Con sẽ không buông Ngài ra, nếu Ngài không cứu giúp con!” Đừng “buông Chúa ra”. Đừng buông bỏ lời cầu nguyện. Chúa sẽ chúc lành cho chúng ta, như Người đã chúc phúc cho Gia-cóp.

“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Đừng nản chí. Đừng nản chí, dẫu cho khi lời cầu nguyện của chúng ta không có sự hồi âm.

Phải nhìn nhận rằng, một trong những điều ảnh hưởng lớn nhất cho việc “không được nản chí” của chúng ta, đó là sự “hồi âm”. Chính sự chậm trễ trong việc hồi âm khiến chúng ta sinh ra nản lòng.

Thế nhưng, có bao giờ chúng ta tự hỏi, tại sao chúng ta không được Chúa hồi âm?

Phải chăng “…là vì (ta) xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc!” (Gc 4, 3). (Xin trúng số… số đề, chẳng hạn!).

Phải chăng là vì chúng ta do dự! “Do dự”, thánh Gia-cô-bê nói: “thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống. Người ấy đừng tưởng mình sẽ nhận được cái gì của Chúa, họ là kẻ hai lòng, hay thay đổi trong việc họ làm” (x.Gc 1, …6-7). “Hai lòng” đó là điều chẳng ai thích, phải không, thưa quý vị?

Với việc chậm trễ hồi âm, hãy xem đó như là một phước hạnh, phước hạnh để ta có cơ hội “cầu nguyện khẩn thiết” hơn, phước hạnh để chúng ta đến gần hơn với cuộc tương giao giữa Chúa với chúng ta.

Một người có đức tin mạnh mẽ, vấn đề hồi âm trở thành thứ yếu. Điều quan trọng, lúc đó, chính là mối tương giao mật thiết giữa ta và Chúa. Chính mối tương giao này khơi dậy trong ta sự tín thác trọn vẹn, và điều tất yếu đó là ta sẽ cầu nguyện liên lỉ không thôi.
Về điều này, thánh Augustin có lời khuyên, rằng: “Niềm tin làm phát sinh cầu nguyện, và cầu nguyện một khi đã phát sinh sẽ đem lại chắc chắn trong niềm tin”. Còn thánh Phao-lô ư! Vâng, ngài có lời chia sẻ: “Hãy cầu nguyện không ngừng”.

Có rất nhiều tấm gương về những con người chuyên tâm cầu nguyện, liên lỉ cầu nguyện không thôi, trong suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội. Nếu liệt kê ra e rằng đọc hết cả tuần. Mà, có cần liệt kê ra không, nhỉ! Liệt kê để xem đó như là “những dẫn chứng thực tế” ư! Ấy chết, nếu thế thì, có khác gì mấy ộng kẹ Pha-ri-sêu xưa, thay vì vâng nghe lời Đức Giê-su truyền dạy, họ lại đòi Ngài cho xem “dấu lạ!”

Vâng, có lẽ điều cần thiết hơn, đó là, hãy “ghi khắc trong con tim mình” về lời truyền dạy của Đức Giê-su, lời chia sẻ của tông đồ Phao-lô, và cả lời khuyên của thánh Augustin (nêu trên), và xem đó chính là hành trang cho đời sống cầu nguyện của mình.

*****
“Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Lời truyền dạy này chưa bao giờ Giáo Hội hủy bỏ. Không thể hủy bỏ, bởi vì chúng ta không thể đến gần Chúa, nếu chúng ta không cầu nguyện. Không thể hủy bỏ, bởi vì tất cả mọi ý nghĩ, lời nói, cũng như việc làm của chúng ta, sẽ là “tốt hay xấu”, đó là do chúng ta có “cầu nguyện luôn”, hay không!

Qua việc cầu nguyện luôn, Chúa sẽ hướng dẫn chúng ta tránh khỏi những mưu ma chuớc quỷ của thế gian, cũng như những gian dối, lừa bịp, bất tín tràn lan trong xã hội. Qua việc cầu nguyện luôn, Chúa sẽ che chở chúng ta khỏi những kẻ thù của mình.

Nên cầu nguyện luôn, vì đó là sức mạnh để chúng ta chống lại những cơn cám dỗ của Satan và con cái chúng. Chúng ta cần cầu nguyện luôn, vì mỗi lần cầu nguyện chúng ta có cơ hội “Thú nhận cùng Thiên Chúa” về những tội mình đã phạm “trong tư tưởng, lời nói lẫn việc làm”, để xin Người tha thứ chúng ta.

Chúng ta cần cầu nguyện luôn, vì mỗi lần cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta sức mạnh của Thần Khí, nhờ đó chúng ta đủ sc mạnh để để sống theo những lời dạy của Phúc Âm.

Sống theo những lời dạy của Phúc Âm, đó chính là phương cách tốt nhất để chúng ta được hưởng sự sống vĩnh cu mà Đức Giê-su đã hứa ban. Thật thế đấy! Một lần nọ, Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”

Cuối cùng, ngoài cầu nguyện riêng, chúng ta cũng cần cầu nguyện chung. Chung với gia đình, chung với bạn bè, chung với hàng xóm láng giềng. Chính những buổi cầu nguyện như thế, có phần chắc, chúng ta sẽ tạo ra một khung cảnh: “láng giềng thân thiết, anh em hòa thuận, vợ chồng ý hợp tâm đầu”.

Cầu nguyện chung, Lm. Charles E.Miller có lời khuyên dạy: “Là người Công Giáo, là thành viên của gia đình Giáo Hội, chúng ta có trách nhiệm với nhau. Aharon và Khua đã không bỏ rơi Mô-sê lúc ông này có dấu hiệu mỏi tay. Hai ông đã không nghĩ là Mô-sê phải cầu nguyện một mình và các ông chỉ nên chú tâm vào kinh nguyện riêng của các ông.”

Ngày nay, Thánh Lễ còn là nơi chúng ta “cầu nguyện chung”. Về điều này, ngài Charles nói: “Linh mục không chỉ cầu nguyện cho bản thân. Là chủ tế, ngài cầu nguyện cho lợi ích của cộng đoàn. Có lúc giáo dân và linh mục đọc (hoặc) hát chung với nhau như kinh Vinh Danh và các lời tung hô trong thánh lễ. Có lúc giáo dân đáp lại những lời kinh do linh mục xướng lên nhân danh cộng đoàn. Có lúc giáo dân chăm chú lắng nghe và (đôi khi) đọc thầm theo chủ tế, nhất là phần kinh nguyện Thánh Thể.”

Cuối cùng, cũng là điều quan trọng chúng ta nên nghe. Vâng, ngài Lm. Charles kết luận: “Thiên Chúa đẹp lòng với loại mô hình cầu nguyện đầy sức mạnh, bởi lẽ chúng ta đều cầu nguyện không phải như những cá nhân riêng lẻ, mà cùng chung với nhau như người Công Giáo, như những thành viên của Giáo Hội, hiệp nhất bởi Thần Khí trong thân thể duy nhất của Đức Ki-tô”.

Những lời chia sẻ của ngài Lm. Charles thật là chính đáng để chúng ta đem ra thực hành, phải không, thưa quý vị! Vâng, chúng ta nên thực hành. Và, dù chúng ta cầu nguyện riêng hay chúng ta cầu nguyện chung, đừng quên lời truyền dạy của Thầy Giê-su: “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.”

Hãy nhớ: “Phải cầu nguyện luôn, đừng nản chí.”

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...