Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2023

Lời Chúa là sức mạnh chiến thắng cám dỗ

 

Lời Chúa là sức mạnh chiến thắng cám dỗ

“Satan kia, xéo đi. Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.


Chúa Nhật I – MC – A
Lời Chúa là sức mạnh chiến thắng cám dỗ

Cám dỗ là gì? Thưa, hiểu một cách giản dị, cám dỗ có nghĩa là “khêu gợi lòng ham muốn đến mức bản thân bị lôi cuốn và sa ngã” (nguồn: internet).

Cám dỗ có từ bao giờ? Thưa, dựa vào Kinh Thánh, chúng ta có thể nói rằng, cám dỗ có từ khi con người xuất hiện. Câu chuyện Eva và Adam sa chước cám dỗ, như điển hình.

Cám dỗ có miễn trừ ai không? Thưa, cám dỗ không trừ một ai, già trẻ lớn bé, nam phụ lão ấu, v.v… bất cứ ai cũng đều bị cám dỗ. Ông Gióp, một nhân vật thời trước Đức Giê-su giáng sinh, đã nhận định rằng: “Đời sống con người trên mặt đất chỉ là một cám dỗ liên lỉ”.

Đúng vậy. Ngay từ khi có trí khôn cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, có biết bao cơn cám dỗ bám theo chúng ta. Từ sáng sớm cho tới chiều tà, từ lúc lên giường ngủ cho tới lúc thức giấc, sự cám dỗ luôn luẩn quẩn quanh ta như hình với bóng.

Ngay chính Đức Giê-su, khi còn tại thế, Ngài cũng đã trải qua những thử thách và cám dỗ rất nghiệt ngã. Sự kiện này được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Mát-thêu.

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại: Hôm ấy, “Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ”. Vâng, Đức Giê-su thật sự đã bị quỷ cám dỗ sau khi: “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói”.

Đức Giê-su thấy đói, rồi sao nhỉ! Thưa, quỷ hay còn gọi là satan, nó xuất hiện. Đúng với biệt danh là “tên cám dỗ”, nó mon men đến gần và mở lời cám dỗ Người, rằng: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!”

Hóa-những-hòn-đá-thành-bánh ư! Tại sao satan lại “xúi” như thế? Thưa là bởi, cứ sự thường, con người khi đói thì phải ăn và khi khát thì phải uống. Và, Đức Giê-su lúc đó chẳng phải là “thấy đói” sao!

Đức Giê-su phản ứng thế nào nhỉ! Phải chăng, Ngài nhớ đến bài kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức. Thứ năm: Kiêng bớt chớ mê ăn uống.”! Vâng, đây chỉ là suy nghĩ riêng của người viết.

Đức Giê-su – Ngài đúng là “Con Thiên Chúa Hằng Sống. Đấng ngang hàng với Chúa Cha trong mọi sự”. Nhưng không phải vì thế mà tự kiêu tự đại muốn “hô biến” cái gì thì cứ “hô biến”.

Đức Giê-su không dựa thế mình là “con ông cháu cha” như thói đời. Hôm ấy, Ngài đã lớn tiếng quát thẳng vào mặt satan, rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.

Satan, nghe rất rõ lời Đức Giê-su đáp. Tuy nhiên, như một con đỉa đói, satan không buông tha Đức Giê-su. Chuyện kể rằng: “Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.

Ghê chưa! Vâng, rất là ghê nhưng là “ghê tởm”. Tại sao gọi là ghê tởm? Thưa, vì satan “bổn cũ soạn lại”, đó là y chơi trò “xảo ngôn”, một chiêu trò mà satan đã thực hiện tại vườn Eden năm xưa.

Năm xưa, satan đã nói khéo, khéo đến mức bà Eva không bao giờ thấy được lời nói của y là xảo trá, mà trái lại, satan đã cố gắng làm cho bà Eva tin tưởng lời y nói. “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”.

Eva nghe thấy có lý và đã ăn, rồi đưa cho Adam cùng ăn, hậu quả là… Vâng, Sách Sáng Thế cho biết: Eva “phải cực nhọc thật nhiều…” Muốn biết Eva cực nhọc ra sao, hãy mở sách sáng thế ký, chương 3, chúng ta sẽ rõ. Còn Adam! Nguyên tổ Adam “phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn”, thưa quý vị.

Thiên-sứ-sẽ-tay-đỡ-tay-nâng. Nghe rất có lý. Nhưng, Đức Giê-su không mù quáng như nguyên tổ Adam và Eva. Ngài không “mù” Lời Chúa.

Năm mười hai tuổi, Đức Giê-su đã gây kinh ngạc khi “Ai nghe (ngài) nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của (ngài)” (x.Lc 2, 47).

Nay, ba mươi nha! Satan, đừng giở trò “xảo ngôn”. Hôm ấy, tại thành thánh, nơi quỷ đem Đức Giê-su đến và thách đố Ngài. Đức Giê-su không “gieo mình xuống”. Trái lại, Ngài dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông”. Hôm ấy, Đức Giê-su dùng ngay “cây gậy” Kinh Thánh đập gãy lời thách thức đầy kiêu ngạo của satan, lời rằng: “Nhưng cũng có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.

Bị hai cú “revers” nổ đom đóm mắt, thế nhưng satan vẫn không nao núng. Nó tiếp tục cám dỗ Đức Giê-su. Lần này, satan tung chiêu độc, y mang “quyền lực, danh vọng”, làm mồi nhử.

Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi rằng: “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy và bảo rằng: Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”.

Đáp lại lời cám dỗ đầy quyến rũ, Đức Giê-su nói: “Satan kia, xéo đi. Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Ba lần cám dỗ đều được satan ngụy trang kín đáo bằng những lời phỉnh nịnh “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Ba lần cám dỗ satan lấp liếm bằng những trích đoạn kinh thánh rất tinh vi: “vì đã có lời chép rằng”, v.v… và v.v… Tiếc thay, tất cả những mánh khóe đó đều không lòe bịp được Đức Giê-su. Không lòe bịp được, là bởi, Ngài có bửu bối: “Thánh Kinh – Lời Chúa”.

**
Đức Giêsu không non-tay-ấn. Ngài không phải là “tôn ngộ không”. Ngài không dùng quyền phép “truyền cho hòn đá này hóa thành bánh” là bởi, nếu có làm ra, thì thứ bánh đó “ăn rồi cũng chết”.

Điều Đức Giêsu sẽ “truyền”… Vâng, chính là truyền cho các môn đệ “quyền phép” làm cho “tấm bánh và chén rượu” trở thành “Mình Máu Thánh Ngài”. Để bất cứ ai ăn hoặc uống sẽ không còn đói khát nhưng được sự-sống-đời-đời.

Thách thức Ngài đứng “trên nóc đền thờ” rồi gieo mình xuống ư! Không, Đức Giêsu đến thế gian không phải để biểu diễn những trò ảo thuật huyền bí, đại loại giống như ảo thuật gia David Copperfield. Ngài đến để thi thố “sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.

Sa-tan muốn đánh đồng giữa một phép lạ để củng cố lòng tin vào Thiên Chúa với màn biểu diễn hô biến nhuốm mùi “mãi võ Sơn Đông”.

Đức Giêsu không sập bẫy trước chiêu “khích tướng” của Satan “nếu ông là Con Thiên Chúa”. Đúng, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, nhưng Con Thiên Chúa vào hoang địa không phải để mở trường dạy làm “ảo thuật”.

Vào hoang địa, Đức Giêsu mở trường “dạy Kinh Thánh”. Chính những lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu dùng để “phản biện” tên-cám-dỗ đã để lại cho chúng ta một bài giáo huấn sâu sắc, rằng: “Kinh Thánh - Lời Chúa” chính là vũ khí, là sức mạnh, là bửu bối, để chúng ta “chế ngự cơn cám dỗ”.

***
Đúng như lời ông Gióp nói năm xưa, ngày nay chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ liên lỉ của Satan. Cũng là những cám dỗ xưa kia Đức Giê-su đã đối diện. Cũng là danh vọng, quyền lực, tiền bạc, mê ăn uống, v.v…

Những lời cám dỗ rất ngọt ngào và nhẹ nhàng. Và, đó là lý do ngài Giáo Hoàng Phanxicô đã phải cảnh báo: “Satan nó xâm nhập vào linh hồn con người rất nhẹ nhàng: ‘gõ cửa, xin phép, bấm chuông, rất lịch sự’, nó bước vào trong thinh lặng, bắt đầu trở thành một phần của đời sống. Với ý tưởng và những thúc đẩy của nó, nó giúp con người sống tốt hơn, và từ đó, bước vào đời sống, tận bên trong, bắt đầu thay đổi họ, nhưng âm thầm không gây ra tiếng ồn. Ma quỷ từ từ thay đổi những tiêu chuẩn của chúng ta, đưa chúng ta đến tình trạng thế tục, nó ngụy trang theo cách hành động của chúng ta và hầu như chúng ta không thể nhận ra điều đó. Ma quỷ xứng đáng với tên gọi “là cha đẻ của sự gian dối.” (nguồn: internet).

Rất… rất gian dối khi con cái satan đã đánh lận con đen rằng thì-là-mà, “hút điều hòa kinh nguyệt”, không phải là “phá thai”! Rất… rất là xảo ngôn, khi chúng nói, thứ tư lễ tro, thứ sáu tuần thánh ăn chay kiêng thịt, thì ăn tôm hùm, chứ nào có phải là ta “mê ăn uống”!

Vâng, toàn là những lời cám dỗ có cánh, rất thuyết phục, phải không, thưa quý vị! Toàn là những lời khuyến dụ, đặt bẫy và quyến rũ…

Làm thế nào để chiến thắng những lời cám dỗ, nhuốm giọng điệu lừa phỉnh này? Thưa, thánh Phao-lô có lời khuyên: “hãy cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”.

Đúng vậy, nếu chúng ta nghe và tuân giữ lời Đức Giê-su truyền dạy: “Trước hết, hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, nếu chúng ta nghe lời Đức Giê-su truyền dạy: “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào ích gì”, có phần chắc chúng ta sẽ không bị “sa vào những chước cám dỗ” nêu trên. Chắc chắn chúng ta sẽ không bằng mọi giá, không bán linh hồn cho quỷ, để có được quyền lực, danh vọng, địa vị, tiền bạc, ở thế gian này.

Tưởng chúng ta cũng nên biết, theo tiếng Hy Lạp chữ “cám dỗ” được hiểu là “để đưa vào thử nghiệm.” Do vậy, khi chúng ta đối diện với những cơn cám dỗ, đó chính là chúng ta “được đưa vào thử nghiệm”, như Đức Giê-su cũng đã được-đưa-vào-thử-nghiệm.

Vì thế, chúng ta có thể tin rằng Đức Giê-su sẽ thấu hiểu và đồng cảm với chúng ta. Vâng, tác giả thư gửi tín hữu Do Thái cũng đã khẳng định, rằng Đức Giê-su: “Vì bản thân Người chịu khổ trong khi bị cám dỗ. Người có thể cứu giúp những ai đang bị cám dỗ vậy.” (x.Dt 2, 18).

Satan, thông qua những thế lực của cái ác, chúng reo rắc đến chúng ta với vô số cám dỗ. Tất cả những cám dỗ đó đều có chung ba điểm cốt lõi: dục vọng của mắt, dục vọng của tính xác thịt, và sự kiêu ngạo của đời (1Ga 2, 16).

Để có thể nhận biết và chống lại những cám dỗ đó, chúng ta hãy nghe thêm một lần nữa lời thánh Phao-lô khuyên dạy: “Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa ác thần. Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa” (Êp 6,17).

Có một đời sống đức tin, một đức tin mật thiết với Lời Thiên Chúa, đó chính là lúc thanh kiếm của Thần Khí nằm trong tay của chúng ta. Điều này cho phép chúng ta chiến thắng mọi cơn cám dỗ.

Tưởng chúng ta cũng nên nghe thêm lời dạy dỗ của Đức Phanxicô, ngài dạy rằng: “Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Lời Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi”.

Nói tắt một lời: “Lời Chúa là sức mạnh để chiến thắng cám dỗ.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Chớ trả thù - Phải yêu kẻ thù…

 

Chớ trả thù - Phải yêu kẻ thù…

Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.


Chúa Nhật VII – TN – A
Chớ trả thù - Phải yêu kẻ thù…

Trong cuôc sống hằng ngày, cứ sự thường, khi một ai đó xử sự xấu với ta, ta không ngần ngại xử sự xấu lại với họ. Khi một ai đó làm cho ta thất điên bát đảo, ta sẽ tìm cơ hội gây tổn thất lại cho người ấy.

Vâng, những hành động đó, thường được gọi nôm na là trả đũa, trả thù. Và, nói không sợ sai, nó như là căn bệnh trầm kha trong xã hội loài người.

Về việc trả đũa, điều chúng ta dễ nhìn thấy nhất, đó là, hễ có ai đó phun vào mặt ta vài câu “tiếng Đức”, ta sẽ trả đũa lại bằng một loạt tiếng “Đan Mạch”. Hễ có ai đó xúc phạm, gây tổn thương, hoặc có cử chỉ khiếm nhã, khiến ta nổi giận, 99% ta sẽ tìm cách để trả đũa, trả thù. Đúng không, thưa quý vị!

Con người, trải qua nhiều ngàn năm lịch sử, đã chứng kiến biết bao cuộc trả thù. Xưa, các vị vua chúa thường trả thù bằng cách tru di tam tộc, hay tru di cửu tộc. Còn ngày nay, nhẹ nhưng đau, đó là truy xét “lý lịch”, truy xét tận ba đời, v.v…

Sự trả thù còn ngấm sâu vào đời sống tôn giáo. Với Nho giáo, thì, “quân tử mười năm trả thù chưa muộn”. Với Do Thái giáo, khỏi chờ lâu, “mạng đền mạng”.

Đạo Công Giáo thì sao? Thưa, Giáo Hội Công Giáo không khuyến khích người tín hữu trả thù. Trái lại phải biết tha thứ và nhẫn nhịn. Qua bài kinh “thương người có mười bốn mối”, Giáo hội khuyên người tín hữu hãy “tha kẻ dể ta (và) nhịn kẻ mất lòng ta”.

Với Đức Giê-su thì sao? Thưa, Ngài không hoan nghênh cách xử sự “ăn miếng trả miếng”. Đức Giê-su từng truyền dạy “Chớ trả thù”. Có rất… rất nhiều lời truyền dạy. Và, khi nghe qua, ai cũng phải nhìn nhận rằng, quả là những lời truyền dạy đầy lòng bao dung. Những lời truyền dạy này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 5, 38-48).

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu, một ngày nọ, Đức Giê-su có lời phán truyền, rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự kẻ ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.”

Đấy! Luật rất bao dung. Một sự bao dung đến độ chấp nhận thua thiệt nơi chính bản thân mình.

So với Luật Do Thái xưa, thường được gọi là “bộ Luật Giao Ước”, thì một chiếc răng đổi một chiếc răng, một con mắt đổi một con mắt, là lẽ công bằng. Thế nhưng, Đức Giê-su muốn người môn đệ của Ngài phải có “tính cách đạo đức cao hơn” so với người đời.

Vâng, đó là lý do Đức Giê-su có thêm lời truyền dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: hãy yêu đồng loại, và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”

Và, rất là hữu lý khi Ngài thêm lời cảnh báo, rằng: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”

Cuối cùng, Đức Giê-su có lời mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

***
Đức Giê-su đã có lời mời gọi. Vậy, chúng ta sẽ “nên hoàn thiện” đúng như lòng Ngài mong ước! Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, đừng… đừng nghĩ rằng, khi hoàn thiện những điều luật Đức Giê-su truyền dạy, chúng ta sẽ trở thành những kẻ nhát đảm, sợ hãi, yếu nhược. Trái lại, khi thực thi, chúng ta lại là những người can đảm, là những kẻ chiến thắng, trước hết là chiến thắng chính bản thân mình. Và sau là chiến thắng “thói đời”, nơi luôn tạo ra sự gây thù chuốc oán.

Do vậy, đừng ngần ngại khi mình phải tha và nhịn. Hãy nhớ rằng: tha ở đây, là tha thứ. Còn nhịn ư! Vâng, “nhịn” đừng nghĩ như người đời thường nghĩ “nhịn là nhục”. Nhịn, theo ý nghĩa của bài kinh, có nghĩa là: chịu đựng, nhẫn nại, dung thứ (rộng lượng tha thứ).

Mà, khi chúng ta chịu đựng, nhẫn nại, dung thứ, rộng lượng tha thứ, thì… thì sao nhỉ! Thưa, không có lý do gì chúng ta cứ chăm chăm vào chuyện gây thù chuốc oán.

Vâng, không gây thù chuốc oán, thì lấy gì chúng ta có kẻ thù! Không gây thù chuốc oán chúng ta đã hoàn thiện luật yêu thương mà Đức Giê-su đã công bố “chớ trả thù”..

Một khi không-trả-thù, chẳng ai còn cần thiết đến gặp kẻ thù để đòi cho được “mắt đền mắt, răng đền răng”, và cũng không còn cần thiết để đòi “mạng đền mạng”.

Vâng, “giết người đi thì ta ở với ai!” Thế nên, cớ gì ta không vui mừng thực thi lời truyền dạy của Thầy Giê-su: “Chớ trả thù - Phải yêu kẻ thù”.

Không được trả thù và phải yêu kẻ thù, không có nghĩa là ta “dung dưỡng” tội ác mà kẻ thù đã gây ra, ta “phớt lờ” trước bất công do kẻ thù gây ra, ta khiếp nhược trước bạo lực của kẻ thù.

Đức Giê-su đã không phớt lờ, không khiếp nhược trước bạo lực của kẻ thù. Trước dinh thượng hội đồng, khi bị “một tên trong nhóm thuộc hạ đứng đó vả vào mặt Ngài”, Đức Giê-su đã không đưa tiếp má bên kia, như Ngài từng dạy bảo. Ngược lại, Ngài đã đáp trả lại bạo lực bằng một câu hỏi khiến cho cả thượng hội đồng phải câm lặng. Câu hỏi rằng: “Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi” (x.Ga 18, 23).

Không được trả thù là vì Kinh Thánh có dạy rằng: “Anh em… đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả.” (Rm 12, 20).

****
Khi nói tới việc Chớ trả thù - Phải yêu kẻ thù, thánh Phao-lô cũng đã có lời khuyên: “Kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống, làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó.

Vâng, khó thực hiện đấy. Nhưng, có người đã làm được. Cô Maria Goretti, như một điển hình.

Chuyện kể rằng: “khi cô 11 tuổi, người hàng xóm của cô, Alessandro Serenelli, trở nên ám ảnh tình dục đối với cô, và tiếp cận cô vài lần với đề nghị tình dục. Ngày 05/07/1902, Alessandro tấn công Maria và đe doạ cô bằng dao; khi cô không khuất phục và phản đối rằng ‘đó là tội lỗi’ và ‘Thiên Chúa không muốn điều này’, Serenelli đâm cô 14 nhát. Vào ngày hôm sau, sau khi bày tỏ sự tha thứ đối với kẻ giết mình, Goretti nói rằng, cô muốn anh ta cùng lên thiên đàng với cô, Maria Goretti chết vì thương tích”.

Nếu câu chuyện dừng ở đây thì không có gì đáng nói. Vâng, “Alessandro Serenelli bị tuyên phạt tù. Anh ta vẫn không ăn năn. Một đêm nọ, anh ta mơ thấy Maria đưa cho anh ta 14 đoá hoa huệ cho 14 lần cô bị đâm. Sau giấc mơ, anh ta trở nên hối hận sâu sắc. Sau khi ra khỏi tù, anh đến nhà mẹ của Maria, bà Assunta, và khẩn cầu cho sự tha thứ của bà. Bà đã tha thứ anh ta, và họ cùng dự Thánh lễ vào ngày hôm sau, rước Mình Thánh bên cạnh nhau. Alessandro Serenelli trở thành phần tử dòng ba của dòng Capuchin”. (nguồn: internet).

Gọi cô Maria Goretti - bà Assunta, như là mẫu mực cho việc thực thi lời Đức Giê-su truyền dạy và chúng ta nên noi theo, có gì là không đúng, nhỉ!

Còn… còn rất nhiều người chỉ là phàm nhân như chúng ta, thế mà họ đã thực thi trọn vẹn lời truyền dạy của Đức Giê-su. Đó là vị cố Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đáng kính. Khi còn ở trong ngục tù, ngài đã nói với những người giam giữ mình rằng: “Cho dù các anh giết tôi, tôi vẫn yêu thương các anh. Tại vì Chúa Kitô đã dạy tôi phải yêu thương tất cả mọi người, cả những kẻ thù. Nếu tôi không làm như vậy, tôi không đáng được gọi là Kitô hữu”.

Chưa hết, ông Herry Charrière với biệt danh “Papillon”, cũng là người chúng ta cần suy nghĩ. Chuyện kể rằng: Ông ta đã phải lãnh một bản án khổ sai chung thân vì tội giết người, căn cứ vào lời khai của một nhân chứng đã được cảnh sát “mớm” cung.

Ngay từ khi bị tống giam, ông quyết tìm mọi cách thoát ra khỏi trại khổ sai để trả thù. Ông đã vẽ trong trí tưởng tượng của mình những hình thức trả thù, chậm chạp nhưng hoàn hảo, để khiến cho những kẻ hại ông phải đau đớn gấp vạn lần nỗi đau, mà ông đã hứng chịu.

Ý chí trả thù của ông rất mãnh liệt. Thế nhưng, sau khi đào thoát tới đảo Curacao. Papillon đã gặp vị Giám Mục Iréné de Bruyne và nhận được lời khuyên: ‘Con phải là một vị cứu tinh cho những người khác, chứ không phải là một người sống để làm hại người khác. Dù con có đủ lý do để làm điều ác (trả thù) một cách công bằng’.

Trước đó, khi còn bị giam ở nhà tù Conciergerie. Và, sau khi kể lại nỗi oan ức và ý định trả thù cho vị linh mục tuyên úy của nhà giam nghe. Vị linh mục này đã nói với Papillon: “Con hãy tha thứ cho những kẻ đã làm con đau khổ đến như vậy… Rồi sau này, con sẽ từ bỏ ý định trừng phạt và trả thù”.

Herry Charrièe đã thú nhận trong cuốn tự truyện của ông: “Ba mươi bốn năm sau, tôi đã nghĩ đúng như ông linh mục nói”. Papillon đã thứ tha và quên đi việc trả thù.

Thánh Phanxico Assisi cũng đã nói: “chính khi thứ tha là khi được tha thứ”. Với Đức Giê-su, đừng quên, mặc dù đã phải lãnh chịu sự đánh đập tàn bạo, một mão gai trên đầu, với những lời phỉ báng, bị đóng đinh trên thập giá tại đồi Golgotha, Ngài vẫn “yêu kẻ thù” với lời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ”.

Mỗi ngày, chúng ta đều cầu nguyện: “Xin Cha… tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Vâng, một khi chúng ta cầu nguyện như thế, thì chớ nghĩ đến chuyện trả thù. 

Chớ trả thù và phải yêu kẻ thù.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2023

Hãy tuân hành Luật Chúa…

 

Hãy tuân hành Luật Chúa…

Thứ bảy - 11/02/2023 15:30 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   16
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật… Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.”

tbd 110223a
Chúa Nhật VI – TN – A

Hãy tuân hành Luật Chúa…

Luật pháp là gì? Thưa: “Luật pháp dưới góc độ luật học được hiểu như là tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí chung của một quốc gia, khu vực, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế.” (nguồn: wikipedia).

Luật pháp đặt ra để làm gì? Thưa, chúng ta tạm hiểu một cách vắn tắt rằng: “Luật pháp được đặt ra với mục đích bảo vệ các giá trị về đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng. Nếu không có luật để bảo vệ, hoặc luật không đủ sức mạnh để bảo vệ, các giá trị đạo đức sẽ bị xói mòn”.

Mà, đúng vậy. Đời thì có luật đời. Mỗi một quốc gia, đều phải có luật của quốc gia đó. Trong lãnh vực thế giới, cũng phải có luật của thế giới, đó là luật quốc tế. Không có luật pháp, quốc gia nói riêng, thế giới nói chung sẽ trở thành một nồi cám heo.

Còn về đạo ư! Cũng phải có. Đó là luật đạo. Đạo Công Giáo có Mười Điều Răn. Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn: Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự. Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật. Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ. Thứ năm: Chớ giết người. Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục. Thứ bảy: Chớ lấy của người. Thứ tám: Chớ làm chứng dối. Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười: Chớ tham của người.”

Do Thái giáo cũng có Mười Điều Răn. Mười Điều Răn do Đức Chúa ban hành qua ông Mô-sê. Theo sách Xuất Hành ghi lại: “Tháng thứ ba kể từ khi ra khỏi Ai Cập, chính ngày đó con cái Israel tới sa mạc Si-nai… Israel đóng trại ở đó, đối diện với núi.” (x.Xh 19, 1-2).

Tại đây, “Ông Mô-sê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi ĐỨC CHÚA gọi ông và phán: ‘Ngươi sẽ nói với nhà Gia-cóp, sẽ thông báo cho cái cái Israel thế này… nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.”

Có… có rất nhiều điều Thiên Chúa đã truyền dạy Israel, qua ông Mô-sê. Điều qua trọng nhất, đó là Thiên Chúa đã ban hành Mười-Điều-Răn, còn được gọi là “Thập Giới” là những điều Israel phải tuân hành.

Vâng, đạo lẫn đời đều có luật. Và, như đã nói ở trên, luật đời được ban hành là để “bảo vệ các giá trị về đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng.”

Còn luật đạo ư! Thưa, trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18/8/2021, ngài Giáo Hoàng Phan-xi-cô có lời dạy, rằng: “Lề Luật (luật đạo) có chức năng ‘giám hộ’. Như một món quà nhân từ của Thiên Chúa, Lề Luật đòi hỏi tuân giữ các điều răn của Người, đồng thời chỉ ra thực trạng tội lỗi và nhu cầu cần được cứu độ của chúng ta. Khi Chúa Ki-tô đến và cùng với ơn cứu độ của Người, Lề Luật được kiện toàn trong sứ điệp Tin Mừng về sự sống mới và sự tự do trong Chúa Thánh Thần.” (nguồn: vatican.news).

Đúng vậy. Xưa, ông Mô-sê sau khi công bố Mười Điều Răn, đã nói rằng: “Đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa đến là để thử thách anh em và làm cho anh em luôn luôn kính sợ Người, ngõ hầu anh em đừng phạm tội.”

Còn với Đức Giê-su! Thưa, Ngài đã tuyên bố, rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật… Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” Đức Giê-su đã “kiện toàn lề luật”, một sự kiện toàn quy hướng về tình yêu thương, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu.”

**
Vâng, chúng ta hãy nghe những điều Luật đã được Đức Giê-su kiện toàn. Trước hết, Ngài tuyên bố, rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hỏa ngục thiêu đốt”.

Tiếp theo… Ngài đã đưa ra lời truyền dạy khiến ai nghe qua cũng phải “lạnh lùng… ngơ ngác”. Vâng, làm sao không “ngơ ngác” cho được khi Đức Giê-su truyền dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết; ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (x.Mt 5, 28).

Chúa ơi! Kiện toàn lề luật như thế có khắt khe quá chăng! Vâng, sẽ có người nghĩ như thế. Tuy nhiên, nếu chúng ta bình tâm suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy rằng, Đức Giê-su đúng, đúng khi Ngài truyền dạy như thế.

Đôi mắt, như chúng ta thường nói: là cửa sổ tâm hồn. Nó chính là “tiền đồn” để ngăn cản hoặc tiếp đón những gì là tốt đẹp cũng như những gì là xấu xa. Còn cái miệng, đừng quên, người xưa có nói: “cái miệng hại cái thân”.

Với đôi mắt, hãy nhớ bài học đau thương của nguyên tổ Eva. Thuở ấy, chỉ vì đôi mắt của bà “thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt”… “Thấy và trông” để rồi “bà hái trái cây mà ăn...”. Và kết quả là: Ôi! Lạy Chúa! “Con rắn... con rắn đã lừa con”. Thấy chưa!

Chưa hết. Cũng với đôi mắt, Vua David đã “nhìn trộm” một người đàn bà đang tắm… Và, thế là David “thèm muốn”… thèm muốn rồi “Vua David sai lính biệt phái đến đón nàng. Nàng đến với vua và vua nằm-với-nàng...”. Rồi sao nữa? Thưa, theo thời gian, kết quả “siêu âm” cho biết: có một thai nhi sống trong lòng tử cung của nàng. Vâng, đó là cách nói của ngày hôm nay. Còn thời David thì sao! Rất giản dị, rằng nàng-có-thai.

Nàng có thai rồi sao nữa! Thưa, vua David tìm đủ mọi cách để “bán cái”. David bán cái cho ông chồng của nàng. Thế nhưng, không thành công. Không thành công, David đã dùng độc kế giết chồng của người đàn bà đó…

Sau khi dùng thủ đoạn giết người chồng xong, David “ẵm nàng về dinh”, ẵm về một cách danh chính ngôn thuận, ẵm về như thể là mình đã ban cho nàng một ơn phước.

Đôi mắt, chỉ từ đôi mắt nhỏ bé thôi, thế mà vì không biết kiểm soát nó, nó đã khiến xảy ra một án mạng. Chính vì thế, đừng ngạc nhiên khi Chúa Giê-su đưa ra lời phán truyền mạnh mẽ, rằng: “Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục” (Mt 5, 29).

Còn “cái miệng” phải làm sao đây! Thưa, Kinh Thánh dạy rằng: “Phúc thay kẻ không ăn nói lỡ lầm”. Không ăn nói lỡ lầm thì sẽ “không vấp ngã về lời nói”, không vấp ngã về lời nói, “ấy là người hoàn hảo, có khả năng làm chủ được toàn thân” (x.Gc 3, 2).

Khi làm chủ được toàn thân thì sao nhỉ! Thưa, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “chửi người này, mắng người kia, rủa người nọ”, phải không, thưa quý vị!

“Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (x.Tv 145, 8). Vâng, đó là lý do Đức Giê-su có thêm lời truyền dạy, rằng: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”.

“…Liệu ta có phải hiểu theo từng lời từng chữ những gì Đức Giê-su dạy không? Liệu ta có phải bỏ dở thánh lễ, đi tìm người mình đã xúc phạm, hầu có thể tiến hành ngay việc làm hòa?”  

Đó… đó là những câu hỏi đã được Lm. Charles. E. Miller đưa ra và đồng thời ngài Lm. có lời khuyên, rằng: “Bước đầu tiên chúng ta phải làm là cầu xin ơn hòa giải, rồi dốc lòng tìm kiếm sự tha thứ”.

Tại sao phải “Cầu xin ơn hòa giải, rồi dốc lòng tìm kiếm sự tha thứ”? Thưa, là bởi, khi chúng ta “hòa giải và tha thứ”, điều đó nói lên rằng, chúng ta đang tiếp tục thực hiện sứ mạng của Đức Giê-su, sứ mạng kiện toàn lề luật, luật “mến Chúa yêu người”, mà Ngài đã truyền dạy.

Hôm ấy, Đức Giê-su còn nói đến luật hôn nhân gia đình. Vâng, nói tới điều luật này, chúng ta phải nhìn nhận rằng: rất nhân bản, nhân bản ở chỗ “không được ly dị”. Không vòng vo tam quốc, Đức Giê-su tuyên bố: “luật (xưa) dạy rằng: ai ry vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình và ai cưới người đàn bà bị ry, thì cũng phạm tội ngoại tình”.

***
Đã có không ít người cho rằng, làm thế nào để có thể thực thi những lề luật xem ra quá khó thực hiện, mà Đức Giê-su đã truyền dạy?

Xin thưa, trước hết là hãy có “tâm tình yêu thương”, bởi vì như lời Kinh Thánh dạy: “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại…” (Rm 13, 10).

Đúng vậy, một khi đã có tình yêu thương “yêu người như chính mình vậy” có phần chắc, chẳng ai lại “giận anh em mình... mắng anh em mình... chửi anh em mình” (Mt 5, 22). Một khi chúng ta yêu-người-như-chính-mình-vậy, sẽ chẳng bao giờ chúng ta “làm hại” anh em mình.

Cũng nằm trong sự yêu thương. Một khi mọi người đã thật sự “yêu người lân cận như chính mình” thì có ai dám qua hàng xóm láng giềng cướp của giết người!? Một khi người chồng hay người vợ thật sự yêu-thương-nhau-như-chính-mình thì làm gì có chuyện “rẫy vợ”!

Vâng, chúng ta hãy nghe thêm một lần na lời Đức Giê-su đã nói: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môse hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”.

Và, hôm nay, chúng ta chính là những người tiếp nối sứ mạng của Ngài. Tại sao lại là chính chúng ta? Thưa, là bởi, nếu chúng ta không “kiện toàn lề luật” để “bảo vệ các giá trị về đạo đức và chuẩn mực của cộng đồng”, thì nguy cơ những đạo luật phản-đạo-đức, phản-tự-nhiên sẽ lên ngôi.

Vâng, nếu chúng ta kiện toàn hóa luật Chúa dạy: “Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly”, thì xã hội sẽ không có sự bất hạnh xảy ra. Sẽ không có những đứa trẻ bất hạnh vì không còn cha hoặc không còn mẹ. Luật ly dị sẽ bị quăng vào xọt rác.

Nếu chúng ta kiện toàn hóa luật Chúa dạy: “Chớ giết người”. Chúng ta sẽ cứu được một hoặc nhiều thai nhi. Luật cho phép phá thai sẽ chỉ còn là tấm giấy lộn.

Hồi ấy, Đức Giê-su đã phán: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy, ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Chúng ta nghe lời Đức Giê-su phán truyền! Nếu… nếu chúng ta nghe, hãy tuân-hành-và-dạy “Mười Điều Răn Đức Chúa Trời.” Hãy tuân hành Luật Chúa trong cuộc sống của mình. Và, hãy dạy Luật Chúa cho con em chúng ta.

Là một Ki-tô hữu.... “Hãy tuân hành Luật Chúa”.


Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...