Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2023

Xin Chúa đoái nghe lời con…

 “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Xin Chúa đoái nghe lời con…

tbd 270523a

Một trong những điều Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ trước lúc Ngài phải chịu bắt bớ, chịu đánh đòn và chịu chết trên thập giá tại đồi Golgotha, đó là: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.”

Lời hứa đó đã được Đức Giê-su thực hiện. Ngài đã thực hiện ngay sau khi từ cõi chết trỗi dậy. Bối cảnh thực hiện lời hứa đã được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Gio-an.

**
Theo Tin Mừng Gio-an ghi lại, thì: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái”, Thật bất ngờ! “Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em.”

Chúc bình an cho các môn đệ xong, Đức Giê-su “cho các ông xem tay và cạnh sườn.” Được xem những chứng tích cuộc khổ hình của Thầy Giê-su “các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.”

Niềm vui được thấy Chúa đã làm tan biến những lời huyền hoặc do truyền thông thế quyền Roma lẫn thần quyền Do Thái đã cáo gian rằng, các ông đã lợi dụng ban đêm lén đến “lấy trộm xác” rồi phao tin rằng Thầy của họ đã sống lại từ cõi chết. (Mt 28, 13).

Các ông đã không lấy-trộm-xác nhưng “xác” Thầy Giê-su đang đứng trước mặt các ông, rõ ràng là một Thầy Giê-su Phục Sinh. Rồi Thầy Giê-su lại chúc các ông một lần nữa: “Bình An cho anh em.”

“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Đức Giê-su đã công bố với các môn đệ mình như thế. Tiếp đến “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Thổi hơi vào các ông và bảo các ông hãy nhận lấy Thánh Thần. Vâng, có thể nói, sự kiện này như một bằng chứng cho lời hứa mà Đức Giê-su đã hứa hôm Thầy và trò cùng mừng lễ Vượt Qua. Hôm ấy, Đức Giê-su hứa rằng: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em…” (x.Ga 16, 7).

Ngoài thánh sử Gio-an, tác giả sách Công Vụ cũng đã ghi lại biến cố Thánh Thần Chúa ngự đến với các thánh tông đồ. Đó là vào “Ngày lễ Ngũ Tuần.”

Câu chuyện được ghi lại rằng: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2, 4).

Hôm đó, “tại Giê-ru-sa-lem… có nhiều người kéo đến”. Họ kéo đến và đã phải “kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình” (Cv 2, 6).

Chính họ… chính họ đã phải “sửng sốt thán phục và nói: Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê sao? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?”

Vâng, hôm đó, các dân thiên hạ, dù là dân “Pác-thi-a, Mê-đi, Ê-lam, Mê-xô-pô-ta-mi-a, Giu-đê, Cáp-pa-đô-ki-a, Pon-tô, A-xi-a”, hoặc là dân “Phy-ghi-a, Pam-phy-li-a, Ai-cậpRoma hay Do Thái, người đảo Cơrêta hay người Ảrập”, v.v… tất cả mọi sắc dân đó đều nghe các môn đệ “dùng tiếng nói của (họ) mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 11).

***
Đúng như lời Đức Giê-su phán hứa, các môn đệ xưa đã nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Lời phán hứa đó cũng dành cho chúng ta hôm nay? Thưa, chắc chắn là có.

Sau biến cố Thánh Thần Chúa hiện xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần, cách thức lãnh nhận Chúa Thánh Thần không trực tiếp như các tông đồ xưa, nhưng là qua việc “đặt tay” của các tông đồ. (Bây giờ là các Giám Mục).

Sách Công Vụ có thuật lại rằng: “Các Tông Đồ ở Giê-ru-sa-lem nghe biết dân miền Sa-ma-ri đã đón nhận lời Thiên Chúa, thì cử ông Phê-rô và Gio-an đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần.” (Cv 6, 14-17).

Chưa hết. Thánh Phao-lô, một lần nọ đi qua miền thượng du đến Ê-phê-sô. Tại đây, ngài tông đồ gặp một số môn đệ và hỏi họ: “Khi tin theo anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? Họ trả lời: Ngay cả việc có Thánh Thần chúng tôi cũng chưa hề nghe nói.”

Sau một vài trao đổi, ngài Phao-lô biết được những người này chịu “phép rửa của ông Gio-an (Tẩy Giả)”. Thế là tông đồ Phao-lô giảng dạy cho họ rằng: “Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su.” Nghe nói thế, “Họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. Và khi ông Phao-lô đặt tay lên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người.” (x.Cv 19, 1-7).

Hôm nay, chúng ta nhận lãnh Chúa Thánh Thần (được gọi là Bí Tích Thêm Sức) qua nghi thức đặt tay của Giám Mục. Giám Mục ngày nay là người kế thừa các thánh tông đồ xưa.

Có cần thiết phải được ơn “nói các thứ tiếng khác”, như các thánh tông đồ! Có cần thiết phải được ơn “nói tiếng lạ và nói tiên tri” như nhóm mười hai (nêu trên)!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, đừng quên, về việc nói tiếng lạ, nói tiên tri, thánh Phao-lô có lời truyền dạy, rằng: “Anh em thân mến, anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn. Và tôi chỉ bảo anh em một con đường hoàn hảo nhất. Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được ơn nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khoa học; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không.” (1Cor 13, 1-2).

Thế nên, không cần nói tiếng lạ. Nhưng “Hãy để Thần Khí đổi mới tâm trí” chúng ta.

Hãy để cho Thánh Thần Chúa đổi mới tính “chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ” của chúng ta. Hãy để cho Thánh Thần Chúa đổi mới lời ăn tiếng nói của chúng ta. Đừng bao giờ “thốt ra những lời nói độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp để xây dựng và làm ích cho người nghe” (x. Ep 4, 29).

Hãy để cho Thánh Thần Chúa “đổi mới” những hạt giống chát đắng, hận thù, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, v.v… bằng những hạt giống “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” vào mảnh vườn tâm hồn chúng ta.

Cũng chẳng cần nói tiên tri. Nhưng “Hãy nhờ Thánh Thần mà tiến bước.” Tại sao? Thưa, là bởi, nhờ tiến bước cùng Thánh Thần Chúa, ngôi vườn tâm hồn của chúng ta mới được Ngài “Bảo Trợ” (ngài là Đấng Bảo Trợ kia mà!). 

Vâng, Thánh Thần Chúa sẽ bảo trợ ngôi vườn của chúng ta khỏi hung thần satan và bè lũ của chúng, là những kẻ chuyên đi gieo rắc “cỏ lùng”, một thứ cỏ có nguy cơ làm cho những hạt giống tuyệt mỹ mà Thánh Thần Chúa đã ban cho không đơn hoa kết trái.

Phải tiến bước cùng Thánh Thần Chúa, bởi nhờ đó, ngôi vườn tâm hồn chúng ta mới có thể sinh hoa kết trái, “Hoa trái của Thánh Thần”.

Cuối cùng, khi Thánh Thần Chúa đổi mới chúng ta. Khi chúng ta tiến bước cùng Thánh Thần Chúa, chẳng phải là chúng ta đã cùng Thánh Thần Chúa “đổi mới, đổi mới mặt địa cầu”, đó sao!

Như thánh Phao-lô đã có lời khuyên trên: “anh em hãy cầu mong những ơn cao trọng hơn.” Vậy chúng ta cầu mong ơn gì? Nên chăng, chúng ta sẽ cầu mong “Ơn biết khôn ngoan tìm theo chân lý. Xa điều gian dối, luôn trung thành.”!

Nếu, nếu muốn “cầu mong” ơn này… Chúng ta hãy cất tiếng nguyện ca, ca rằng: “Cầu xin Chúa ngôi ba. Đoái nghe lời con thiết tha. Tình thương mến ấp ủ con ngày đêm. Nhuần thấm xác hồn tràn lan ơn thiêng.”

Vâng, Lạy Chúa! Xin Chúa đoái nghe lời con.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2023

Chúng ta vẫn cứ đi đi hoài…

 “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).

Chúa Nhật VII – PS – A
Chúa Thăng Thiên

Chúng ta vẫn cứ đi đi hoài…

Đức Ki-tô Phục Sinh. Đó là điều chúng ta tin. Chúng ta còn tin rằng: “Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha.” Những điều chúng ta tin, không phải là niềm tin vô căn cứ. Trái lại, niềm tin chúng ta tin là do các thánh tông đồ truyền dạy. Ngày nay, chúng ta gọi là đức tin “tông truyền”.

Mà, thật là vậy. Các thánh tông đồ chính là những nhân chứng, những nhân chứng đã được thấy, được nghe, được đụng chạm đến Đức Ki-tô Phục Sinh. Các ngài còn là những nhân chứng chứng kiến Thầy Giê-su “được cất lên ngay trước mắt các ông…” Vâng, biến cố này đã được ghi lại trong sách Công vụ Tông Đồ.

**
Theo tác giả sách Công Vụ ghi lại thì, sau khi chết và sống lại Đức Giê-su đã hiện ra với các tông đồ trong quãng thời gian bốn mươi ngày. Có lần Đức Giê-su “…đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.” Lại có lần, Ngài dặn dò các ông rằng: “không được rời khỏi Giê-ru-sa-lem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa…”

Điều-Chúa-Cha-đã-hứa như một tiền đề đem lại cho các môn đệ sự lạc quan và hy vọng. Và rồi, trong sự lạc quan và hy vọng đó, các môn đệ đã hỏi Thầy mình rằng: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy sẽ khôi phục vương quốc Israel không!”

Khôi phục vương quốc Israel, vào thời Đức Giê-su, đó là một mơ ước chính đáng. Thế nhưng, thật đáng tiếc! Khôi phục một vương quốc ở trần thế không phải là sứ vụ của Đức Giê-su, như có lần Ngài đã nói trước quan tổng trấn Philato: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (x.Ga 18, 36).

Bốn mươi ngày qua, kể từ khi sống lại từ cõi chết, Đức Giêsu không ngừng hiện ra với các môn đệ. Và mỗi khi hiện ra với các ông, ngoài những việc như ăn và uống để chứng minh rằng Ngài không phải là ma, nhưng đã thật sự sống lại, Đức Giêsu còn chú trọng đến việc dạy dỗ các môn đệ.

Một trong những việc dạy dỗ quan trọng, đó là Đức Giêsu đã “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”. Ngài chưa một lần hứa sẽ thực hiện nguyện vọng nhuốm mùi “trần thế” của các ông.

Điều Đức Giê-su muốn các môn đệ mình cần có, đó là sự bình an. Ngài đã chúc “Bình An” cho các ông. Quan trọng hơn, đó là Ngài đã “thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.

Trở lại với câu hỏi của các môn đệ, Đức Giê-su có lời đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (x.Cv 1, 8).

Hôm ấy, mười một vị môn đệ, với mười một đôi tai, đã nghe rõ mồn một lời Thầy tuyên phán như thế.

“Không, trăm không ngàn lần” vương quốc Đức Giê-su thiết lập không phải ở tại Giê-ru-sa-lem. Lại càng không phải ở Roma. Nhưng là ở “Nước Trời”. Là ở Nhà-Cha-Thầy, nơi Thầy Giê-su đã tuyên bố với các môn đệ của mình, rằng: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.”

Hôm ấy, mười một vị môn đệ, đã nhìn thấy “Đức Giê-su về Nhà Cha”. Tác giả sách Công Vụ ghi rằng: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1, 9).

***
Ngoài sách Công Vụ Tông Đồ, thánh sử Mác-cô, là người chúng ta được biết đã theo thánh Phê-rô sang truyền giáo ở La-mã, cũng đã ghi chép mạch lạc về cuộc đời của Đức Giê-su, dựa vào những lời giảng dạy của thánh Phê-rô. Và trong phần Đức Giê-su lên trời, ngài Mác-cô ghi vắn tắt: “Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.” (x.Mc 18, 19).

Với thánh sử Mát-thêu. Vâng, ngài thánh sử ghi lại lời truyền dạy của Thầy Giê-su, trước khi lên trời, chi tiết hơn: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (x.Mt 28, 16-20).

Riêng thánh Phao-lô, ngài đã có lời chia sẻ sâu sắc, lời rằng: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt bên hữu Người trên trời” (Ep 1, …19-20). “Đặt bên hữu Người”, thánh Phao-lô ngụ ý nói đến “bên hữu Thiên Chúa”.

Đức Giê-su đã Phục Sinh. Đức Giê-su đã lên trời. Và, quan trọng hơn hết, đó là: Đức Giê-su sẽ lại đến. Điều quan trọng này đã được “hai người đàn ông mặc áo trắng” nhắc nhở các thánh tông đồ. Và hôm nay, các thánh tông đồ, qua tác giả sách Công Vụ, nhắc nhở đến chúng ta, lời nhắc nhở rằng: “Hỡi những người Ga-li-lê sao còn đứng nhìn trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 10-11).

****
Sự kiện Đức Giê-su lên trời đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Chúng ta là những người tin. Tuy nhiên, cũng có một số ít người không tin. Một “nhúm” nhỏ những người không tin, tiêu biểu là mấy ông thần phi hành gia thuộc Liên Xô cũ. Họ đã được “lên trời”, lên trời bằng tàu vũ trụ Vostov1, Vostov2 v.v… sau vài tiếng đồng hồ (thậm chí có người tới 48 tiếng) du hành vào vũ trụ, rồi khi trở về trái đất tuyên bố vung vít rằng, tôi chẳng thấy “ông Giê-su” nào cả!

Tôi (người viết) cũng đã được lên trời hồi năm mười ba tuổi bằng một chiếc phi cơ C47 của không lực VNCH. Khi phi cơ bay lên trời, nhìn qua khung cửa kính, cố tìm ông thánh Phê-rô, nhưng chẳng thấy ngài đâu cả. Nghĩ lại, đúng là mình thật ấu trĩ.

Vâng, lên trời bằng phi thuyền hay phi cơ thì làm sao thấy Chúa. Đức Giê-su “lên trời” không như một viên phi công lái một chiếc phản lực cơ, bay lên trời. Ngài không lên trời như một phi hành gia lên trời bằng một chiếc phi thuyền.

Trong Kinh Thánh, từ ngữ “trên trời” có nghĩa là chỉ nơi Thiên Chúa hiện diện. “Lên trời” là đi vào sự hiệp thông tuyệt hảo và vĩnh cửu với Chúa Cha và được chia sẻ với Chúa Cha quyền năng và vinh quang. Như có lời được ghi trong Thánh Vịnh: “Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con”.

Thế nên, lên trời bằng phi thuyền hay phản lực cơ thì đừng có mơ được thấy Chúa, hoặc thấy ngài Phê-rô. Chúng ta chỉ có thể thấy Chúa bằng con mắt đức tin. Vâng, chỉ với con mắt đức tin, chúng ta mới có thể cất tiếng tuyên xưng, tuyên xưng rằng: Đức Giê-su “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh. Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng.”

Tuy nhiên, tuyên xưng đức tin bằng lời nói chưa đủ. Chúng ta còn phải tuyên xưng bằng việc làm. Vâng, phải-bằng-việc-làm. Đó là những “việc” Đức Giê-su đã truyền phải “làm”, trước lúc Ngài về trời, cũng như trong những ngày Ngài còn tại thế.

Trước lúc về trời, chúng ta biết rồi. Đức Giê-su chẳng phải là đã truyền dạy: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”, đó sao!

Thấy chưa! Chính Chúa Giê-su đã nói “bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền” kia mà! Thế nên, chúng ta luôn phải tuân giữ lời Đức Giê-su truyền dạy.

Nếu không, nếu không tuân giữ… coi chừng! Lời khuyến cáo của Đức Giê-su còn đó: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.”

Không phải cứ lớn tiếng tuyên xưng: “Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha” là xong đâu! Còn phải đừng có đứng “đăm đăm nhìn lên trời” nữa. Hỡi những người Công Giáo, sao còn đứng nhìn trời! - Hỡi những người Công Giáo “hãy ngước mặt nhìn đời”.

Vâng, một cách cụ thể, đó là: hãy đi vào đời, đi-vào-đời để “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Đi-vào-đời, còn để “đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậу vào nơi thất vọng, rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.”

Đi-vào-đời và “đem” những điều nêu trên đến với tha nhân, chẳng phải là chúng ta đã làm cho “Mọi người biết thương nhau. Không oán ghét không gây hận sầu”, đó sao! Chẳng phải là chúng ta đã làm những việc Chúa truyền phải làm, đó sao!

Vẫn biết rằng những “việc” Đức Giê-su truyền chúng ta phải “làm” không dễ để làm trước một xã hội “chỉ yêu gian dối”. Thế nhưng, đã là môn đệ của Đức Giê-su, thì “Ngày nào bầu trời còn mây bay. Lòng ta vẫn (phải) yêu thương người. Dù đời còn gặp nhiều chông gai. Trọn đời (ta) vẫn cứ đi đi hoài”.

Đúng vậy, chúng ta vẫn cứ phải đi, đi “khắp các miền Giu-đê-a, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” Chúng ta vẫn cứ phải đi… “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Thầy Giê-su. Chúng ta vẫn cứ phải đi, đi “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm уêu mến người hơn được người mến уêu.”

Vâng, chúng ta phải xác quyết rằng: “dù đời cay đắng như vôi”, trọn đời chúng ta “vẫn cứ đi đi hoài.”

Petrus.tran

Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2023

Mến Chúa - yêu người, Chúa sẽ yêu ta

 “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.” (Ga 14, 18).

Chúa Nhật VI – PS – A
Mến Chúa - yêu người, Chúa sẽ yêu ta

tbd 130523a

Trong cuộc sống đời thường, một trong những cảm xúc khiến cho bất cứ ai đối diện cũng đều sợ hãi, đó là sự cô đơn. Có nhiều lý do khiến chúng ta cảm thấy cô đơn. Ví dụ: thiếu những mối liên hệ bạn bè, sự vắng mặt của một người thân yêu, v.v…

Sự cô đơn xảy ra rất thường xuyên, và có đôi lúc chỉ là thoáng qua. Sự cô đơn có thể là do kết quả của một cuộc chia tay, hay một cuộc ly hôn hoặc một sự “ra đi” của người vợ hay người chồng.

Việc “ra đi” của một người quan trọng trong cuộc sống của mình, thường sẽ đem đến sự buồn bã. Trong trường hợp này, ai cũng có thể cảm thấy cô đơn, dù rằng bên cạnh ta vẫn còn đó nhiều người khác.

Nhóm Mười Hai các môn đệ xưa, đã đối diện với trường hợp này. Vâng, các ông đã “buồn ngơ ngác bóng chim bay” khi nghe Đức Giê-su tuyên bố: “Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi…”

Nghe Thầy tuyên bố như thế, tất nhiên, nỗi cô đơn đã ập vào cõi lòng các ông.

Tuy nhiên, Đức Giê-su, như lời thánh Gio-an có nói: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình… và Người yêu thương họ đến cùng”. Do vậy, Ngài đã xua tan nỗi cô đơn của các ông bằng những lời an ủi, rằng: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”.

Không chỉ là những lời an ủi, Đức Giê-su còn lấp đầy hố sâu cô đơn nơi tâm hồn các môn đệ bằng những lời hứa ban thấm đậm tình yêu thương.

“Thầy đi”. Đúng! Nhưng, nhưng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em”. (Ga 14, 16-17).

Vâng, đó là tất cả những gì Đức Giê-su đã biểu lộ cho một thứ tình yêu thương “đến cùng”. Một thứ tình yêu đủ để Ngài lớn tiếng tuyên bố: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi.” (Ga 14, 18).

**
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Đúng, Đức Giê-su “đi”, nhưng chúng ta không mồ côi, bởi vì Ngài “sẽ trở lại”. Thật vậy, hôm ấy, Đức Giê-su còn có lời tuyên bố, rằng: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy...”

Lời tuyên bố nêu trên, tất nhiên, cũng là lời tuyên bố dành cho chúng ta hôm nay. Và, đó là lý do để chúng ta tin rằng: Đức Giê-su sẽ trở lại và chúng ta sẽ được thấy Ngài.

Trở lại với các vị môn đệ xưa. Với những lời phán hứa của Thầy mình, không có gì để nghi ngờ rằng, các ông đã không còn cảm thấy cô đơn. Món quà vô giá, món quà “Chúa Cha sẽ ban cho” đã củng cố niềm tin và hy vọng, niềm tin và hy vọng rằng “Đấng Bảo Trợ” sẽ giúp các ông “mở lòng ra” đón nhận và thực thi những lời Thầy Giê-su phán truyền.

Vâng, chúng ta hãy nghe và hãy ghi khắc trong con tim mình, lời Đức Giê-su tuyên phán với các môn đệ, năm xưa: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (x.Ga 14, 21).

Tin vào lời tuyên phán của Thầy Giê-su, cảm xúc cô đơn của các môn đệ xưa, đã được giải tỏa. Phần chúng ta, nên chăng, niềm tin của các môn đệ xưa sẽ là mẫu mực cho niềm tin của chúng ta, hôm nay?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên, lời mời gọi của Đức Giê-su còn đó: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng”.

Vâng, gánh nặng của chúng ta hôm nay chẳng phải là đang phải sống trong một xã hội: mạnh được yếu thua, phân biệt chủng tộc, phân cách giàu nghèo, đó sao! Và, điều đó chẳng phải là nguyên nhân làm phát sinh trong tâm hồn chúng ta sự cô đơn, đó sao!
Hãy đến và đặt niềm tin vào Giê-su. Nói theo cách nói của Đức Giê-su, đó là: Nếu chúng ta “ở trong Thầy… Thầy (sẽ) ở trong (chúng ta)”.

Khi chúng ta ở-trong-Thầy, Thầy Giê-su mới có thể “xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho (chúng ta) một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với (chúng ta) luôn mãi.”

Đấng Bảo Trợ chính là “Uy Lực Thần Khí”, một thứ Uy Lực đã làm nên biết bao điều kỳ diệu suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội. Và cũng sẽ làm như thế đối với chúng ta. (Vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo thêm trong sách Công Vụ Tông Đồ.)

Thế nên, đừng để mất cơ hội này. Bởi vì, khi đã là một Ki-tô hữu, nếu không có Đấng Bảo Trợ, nếu không có “Uy Lực Thần Khí”, nói không sợ sai, chúng ta sẽ chỉ là một Ki-tô hữu bại liệt.

Gọi bại liệt, là bởi, nếu không có Uy Lực Thần Khí - Uy Lực của Đấng có thể “ban cho trí hồn (ta). Ơn biết khôn ngoan tìm theo chân lý”, thì làm sao chúng ta có thể “xa điều gian dối”, những gian dối, những dối trá nhan nhản trên truyền thông đại chúng, hôm nay! Không nhận ra đâu là chân lý, đâu là tà thuyết, chẳng phải là chúng ta “bại liệt” nhận thức, đó sao!

Không có Uy Lực Thần Khí, chúng ta không thể gặt hái hoa trái của Thánh Thần. Không có hoa trái Thánh Thần, hoa trái “tiết độ và trong sạch”, làm sao chúng ta có thể chế ngự những dục vọng, một trong nhiều nguyên nhân gây đổ vỡ hôn nhân gia đình!

Không có hoa trái Thánh Thần, hoa trái “bác ái, vui vẻ, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm”, làm sao chúng ta có thể “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hòa vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm”! Và, như thế có khác nào chúng ta “bại liệt” tình yêu thương!

Nói về “Uy lực Thần Khí”, Lm. Charles E. Miller có lời chia sẻ: “Dòng điện là một uy lực ghê gớm ta không nhìn thấy, song thường nhận ra giá trị của nó mỗi khi mất điện, dù chỉ một thời gian ngắn. Chúa Thánh Thần, về mặt nào đó, giống như dòng điện thiêng liêng của chúng ta, Ngài là sức mạnh bên trong Giáo Hội, là Đấng mà thế gian không thấy và cũng chẳng nhận biết”.

Thế nên, đừng để mất đi “Uy Lực Thần Khí” trong đời sống đức tin của chúng ta. Và, hãy nhớ rằng, chúng ta “có bổn phận cầu xin Chúa Thánh Thần hầu có thể nên những người Công Giáo bền đỗ và tích cực.” Lm. Charles E.Miller, thêm lời khuyên như thế.

Thế nào là người Công Giáo bền đỗ và tích cực? Thưa, đó là vững vàng trong đức tin và nhiệt thành trong đức ái. Nói cách khác, đó là chúng ta “giữ các điều răn của Chúa”. Điều răn: mến Chúa – yêu người.

Mến Chúa và yêu người thì sao, nhỉ! Thưa, Đức Giê-su nói: “Thầy sẽ yêu mến người ấy.” Vâng, mến Chúa và yêu người, chúng ta sẽ không cô đơn. Bởi vì, Chúa sẽ yêu mến chúng ta.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2023

Mother’s Day – Ngày Hiền Mẫu

 Theo truyền thống, hàng năm, cứ vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm, ở Hoa Kỳ và một số nước Phương tây gọi ngày này là Mother’s Day.

Mother’s Day – Ngày Hiền Mẫu

tbd 120523b

Theo truyền thống, hàng năm, cứ vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng năm, ở Hoa Kỳ và một số nước Phương tây gọi ngày này là Mother’s Day.

Mother’s Day nghĩa là gì? Xin thưa, dịch sang tiếng Việt Nam, tùy từng địa phương, có nghĩa là ngày của mẹ, ngày của má, ngày của u v.v…

Tuy nhiên, chữ “Mother’s Day”, dịch sang tiếng Việt Nam là “Ngày Hiền Mẫu” thì quả là một từ ngữ tuyệt đẹp nhất.
Mother’s Day - Ngày Hiền Mẫu là ngày được đặt ra với chủ đích để những người con nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của người mẹ đối với mình.

Khi nói về chuyện nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của người Mẹ, phải chăng là nói tới chữ hiếu của những người con?

Đúng vậy. Ngày của Mẹ nhắc chúng ta đừng quên tri ân, tỏ lòng hiếu thảo, không chỉ cho người mẹ nói riêng, nhưng cũng cho mọi người trong gia đình nói chung. Mọi người trong gia đình chính là người vợ và cũng là người mẹ tương lai, mẹ-của-những-đứa-con trong một gia đình nhỏ sau này.

Người mẹ, người vợ thường chỉ làm những việc âm thầm, những việc bình thường nhưng đôi lúc thật phi thường, nhưng thật đáng tiếc, lại thường bị lãng quên. Vì thế, ngày của mẹ, chính là cơ hội để chúng ta ghi nhận những công lao mà người Mẹ đã làm cho chúng ta.

Nhiều người cho rằng, con gái thường quan tâm đến Mẹ nhiều hơn con trai, vì người ta cho rằng, con trai, nhất là khi đã lập gia đình, phải lo toan nhiều thứ cho gia đình nhỏ của mình, nên ít thì giờ nghĩ đến mẹ.

Nghĩ như vậy cũng không chắc lắm. Trong chúng ta, nhất là những người được sinh sống ở miền nam Việt Nam trước năm 1975, chắc hẳn ai cũng đều được học câu chuyện “Nhị Thập tứ hiếu”.

“…Nhị thập tứ hiếu là một tác phẩm trong văn học Trung Hoa kể lại sự tích của 24 tấm gương hiếu thảo do Quách Cư Nghiệp vào thời nhà Nguyên biên soạn. Ông nổi tiếng là một người con hiếu thảo, và sau khi cha mất, ông đã xuất bản quyển sách này.

Ở Việt Nam, ông Lý Văn Phức (1785-1849), đậu cử nhân, làm quan dưới ba triều vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, là người tôn sùng chữ hiếu, ông liền dịch truyện Nhị thập tứ hiếu ra quốc văn theo thể thơ song thất lục bát, để dễ truyền bá mà răn dạy người đời phải có hiếu với cha mẹ”. (trích nguồn: internet).

Có những lời thơ chép rằng:
“Người tai mắt đứng trong trời đất,
Ai là không cha mẹ sinh thành,
Gương treo đất nghĩa, trời kinh,
ở sao cho xứng chút tình làm con.
Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết,
Thì suy ra trăm nết đều nên,
Chẳng xem thuở trước Thánh Hiền,
Thảo hai mươi bốn, thơm nghìn muôn thu.

Hầu hết các người con hiếu thảo trong “Nhị Thập Tứ Hiếu” đều là “đấng mày râu”. Chỉ có hai người là nữ giới, đó là nàng Khương Thị và nàng Đường Thị.

Xin lỗi quý chị em phụ nữ nhé! Kể ra cho vui mà thôi. Bởi vì, dù là con trai hay con gái hay nói cách khác, “là con cái Chúa”, chúng ta đừng quên Kinh Thánh đã dạy rằng: “Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi ban cho” (Xh 20, 12).

Chưa hết đâu, mời quý vị nghe Kinh Thánh nói tiếp rằng: “Ai đánh cha hoặc mẹ, phải bị xử tử”, “Ai chửi rủa cha hoặc mẹ, phải bị xử tử” (Xh 21, 15-17). Sợ chưa!!!

Chúa Giêsu cũng đã lên án thái độ giả hình của những người mượn lý do tôn giáo để bỏ bê bổn phận hiếu thảo đối với cha mẹ. Tông đồ Phaolô coi hành động bội nghịch cha mẹ như là tội ác.

Thánh nhân khuyên “Trước tiên con cháu phải học cho biết ăn ở hiếu thảo đối với gia đình mình, và đền ơn đáp nghĩa các bậc sinh thành” (1Tm 5, 4). Ngài Phao-lô cũng đã nhắc lại điều răn Chúa dạy: “Hãy tôn kính cha mẹ” là điều răn có kèm theo lời hứa, “để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3).

Như vậy, dù là con trai hay con gái, ai cũng phải có bổn phận hiếu thảo với cha mẹ, phải không thưa quý vị!

Trong “Ngày Hiền Mẫu”, chắc hẳn chúng ta sẽ chúc cho người Mẹ những lời chúc tốt đẹp nhất. Và chắc rằng chúng ta không thể không thể hiện lòng biết ơn người Mẹ qua cử chỉ chân thành và thiết thực như tặng một bó hoa, một cái bánh cake với hàng chữ chúc thọ, một món nữ trang, một món quà mà người Mẹ ưa thích, hoặc một bữa cơm thịnh soạn, v.v...

Thế nhưng, điều quan trọng hơn, trong ngày này, đừng quên đến những gì là căn bản nhất của một gia đình mà Đức Giê-su đã dạy bảo. Đó chính là giới răn yêu thương: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Chỉ có tình yêu thương trong sự “kính sợ Đức Kitô”, trong gia đình, người chồng mới có thể “yêu thương vợ như chính mình, người vợ mới có thể “tùng phục chồng như tùng phục Chúa” và cuối cùng, những người con mới có thể “vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa” (Ep 6, 1).

Tưởng cũng nên nhắc đến tông đồ Phêrô. Ngài niên trưởng đã gửi đến quý chị em, lời khuyên rằng: “Duyên dáng của chị em không hệ tại cái mã bề ngoài như kết tóc, đeo vòng vàng, hay ăn mặc xa hoa; nhưng là con người nội tâm thầm kín, với đồ trang sức không bao giờ hư hỏng là tính thùy mị, hiền hòa.” (1Pr 3, 3-4). Tính thùy mị và hiền hòa, nhớ nha!

Nhắc đến những điều này có lạc đề không? Xin thưa là không. Bởi vì, hôm nay, chúng ta (quý chị em phụ nữ) là một người vợ, nhưng ngày mai sẽ là một người Mẹ, nếu nền tảng gia đình không được xây dựng bằng tình yêu thương trong sự kính sợ Chúa, bằng những lời Chúa dạy dỗ, thì mai sau làm sao chúng ta (quý chị em phụ nữ) có thể trở thành “Hiền Mẫu”!

Nói tới “Hiền Mẫu” có một con người mẫu mực để quý chị em chúng ta noi theo, đó chính là bà Monica. Thật là tuyệt vời khi bà Monica được nhìn nhận là bổn mạng giới hiền mẫu.

Không nhìn nhận sao được khi “hiền mẫu” Monica, nhờ cuộc đời thánh thiện, bà đã cải hóa được một chàng trai tính tình ngang ngược, hung bạo, ngạo mạn, đó là chàng trai tên Patricius - cũng là vị hôn phu của bà.

Chưa hết… còn “ông thần” Augustino nữa chứ! Vâng, kiên nhẫn trong sự cầu nguyện, sự cậy trông và phó thác, hiền mẫu Monica đã đem đến cho Hội Thánh Chúa một tiến sĩ lừng danh - tiến sĩ Augustino.

Cuối cùng, một điều tưởng chúng ta cũng nên biết, chữ “Mother - Mẹ” còn có một ý nghĩa rất sâu sắc, không giản dị “Mẹ” chỉ là người sinh ra chúng ta. Chữ “Mother - Mẹ” theo chữ Do Thái cổ là “ame”, đọc là ah-may, có nghĩa là “mối dây liên kết gia đình”.

Chính vì thế, thật phải đạo, khi hôm nay “ngày của Mẹ” đừng vì lý do gì mà chúng ta không đến thăm Mẹ, để nhờ đó chúng ta tạo được mối-dây-liên-kết-gia-đình mỗi ngày một chặt chẽ hơn.

Hôm nay là ngày hiền mẫu! Vâng, là người vợ, đừng quên thăm “mẹ chồng”. Là người chồng, đừng quên thăm “mẹ vợ”. Nếu có “mẹ kế”, hãy noi gương Mẫn Tử Khiên, Vương Tường và cả vua Ngu Thuấn là những người cũng có mẹ kế, nhưng cuộc đời của các ông không có dấu hiệu nào tỏ ra là bất hiếu với mẹ kế của mình, mà đến thăm.

Bởi vì người Mẹ nào thì cũng là “mối dây liên kết gia đình” của chúng ta.

Tuy nhiên, có một người mẹ, hay nói cách khác, có một người má, quý ông không nên tỏ ra có hiếu mà đến thăm, đó chính là “má mì”… Đến thăm “má mì” chẳng những mối dây liên kết gia đình bị cắt đứt, mà nguy cơ không có mặt ở Nước Trời là điều khả thi, phải không thưa quý chị em phụ nữ!

Nhân ngày Hiền Mẫu, xin Chúa ban cho các Bà Mẹ (cũng như quý chị em phụ nữ) sức khỏe và bình an.

Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...