Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Phải qua đau khổ để vào vinh quang

 “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”

Chúa Nhật XXII – TN – A
Phải qua đau khổ để vào vinh quang

tbd 310823a

Trong kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng, Đức Giê-su: “Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô, Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Chúng ta, chúng ta đã tin như thế. Và, Giáo Hội gọi đó là niềm tin tông truyền. Gọi là niềm tin tông truyền vì niềm tin này do các tông đồ xưa, truyền dạy.

Các tông đồ đã truyền dạy. Thế nhưng, hồi đó, khi Đức Giê-su nói đến sự kiện Ngài sẽ “phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ… rồi bị giết chết”, thì các ông, đại diện là Phê-rô, “giãy nảy lên” phản đối. Sự phản đối của tông đồ Phê-rô được Đức Giê-su đáp lại bằng một bài giáo huấn để đời.

Bài giáo huấn này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 16, 21-27).

**
Chuyện là thế này. Sau khi biết được dư luận thiên hạ nói về Ngài là ai, và ông Phê-rô đã có một lời tuyên xưng “đáng nhớ”, thì “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết…”

Đức Giê-su tỏ cho các môn đệ biết điều gì? Thưa, “Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Khi nghe lời tuyên bố này, tông đồ Phê-rô đã phản ứng ngay lập tức. Vâng, phản ứng của ông Phê-rô, đó là: “liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.” Ông ta trách rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.”

Xin-Thiên-Chúa-thương… Vâng, đó là một “hảo ý”, một lời cầu xin tốt cho Thầy và cứ sự thường là đáng khen, phải không, thưa quý vị!

Ấy thế mà! Thế mà cái ý tốt đó, lại là nguyên cớ để Đức Giê-su khiển trách ông. Hôm ấy, Đức Giê-su đã khiển trách Phê-rô rằng; “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

***
Gọi Phêrô là “Satan”, nhưng Đức Giê-su không bảo Phê-rô “xéo đi”, như có lần Ngài đã nói với “tên cám dỗ” trong hoang địa.

Nhớ, một lần nọ, Đức Giê-su “vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ”. Trong hoang địa: “Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó Người thấy đói.”

Cơ hội ngàn năm một thuở đã đến, “tên cám dỗ đến gần Người” Ba lần đưa ra những lời cám dỗ đầy mưu mô, xảo quyệt, nhưng Đức Giê-su không sập bẫy. Cuối cùng, Ngài lớn tiếng nói: “Satan kia, xéo đi”.

Còn hôm nay, gọi Phê-rô là Satan đấy! Thế nhưng Đức Giê-su không đuổi ông ta. Trái lại, Ngài chỉ nói: “Lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy...”

Từ ngữ Satan mà Đức Giê-su nói với ông Phê-rô được hiểu như là “người cản trở”. Có một ý nghĩa khác có vẻ nặng lời hơn “người chống đối”. Vâng, Đức Giêsu muốn nói với Phêrô rằng, đừng “cản trở” phương cách cứu độ mà Thiên Chúa đã giao cho Người. Đừng “chống đối” chương trình cứu độ của Người.

Vào một đêm nọ, tại Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu cũng đã nói rõ phương cách “cứu nhân độ thế” của Ngài cho ông Nicôđêmô, rằng: “như ông Môse đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15).

“Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy”. Giương cao như thế nào! Thưa, chính là giương cao trên thập giá. Đó... đó mới chính là “Tư Tưởng Của Thiên Chúa”.

Tư tưởng của Thiên Chúa là “qua đau khổ để vào vinh quang” Và, đó là lý do Đức Giê-su đã có lời phán truyền với các môn đệ, rằng: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.”

Có thể nói rằng, lời phán truyền này như là điều khoản then chốt của “bản hợp đồng” giữa Đức Giê-su và những ai muốn đi theo Ngài.

Có lẽ, có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ cảm thấy “lạ lẫm” khi Đức Giê-su có lời khuyên rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.”

Thế nhưng, với thánh Phao-lô, thì “điều khoản” này không có gì lạ lẫm. Sau cú “ngã ngựa” tại Damas, ông Phao-lô đã cảm nghiệm được rằng: “Thiên Chúa thương xót chúng ta” Và, ông đã có lời khuyên cộng đoàn Roma, lời khuyên rằng: “tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.”

Đón nhận “điều khoản” của Đức Giê-su và lời khuyên nhủ của ngài Phao-lô, vâng, chúng ta có thể nói rằng, đó là sự khôn ngoan, một sự khôn ngoan cho tiến trình “đi theo Chúa”. Nói cách khác, cho đời sống đức tin của mình.

Hãy nhìn ngôn sứ Giê-rê-mi. Mặc cho “Vì lời ĐỨC CHÚA mà (ông ta) bị sỉ nhục và chế diễu suốt ngày”, ngài ngôn sứ vẫn lớn tiếng tung hô: “Lạy ĐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ.” (Gr 20, 7).

Thế nên, hãy đón nhận “điều khoản” của Đức Giê-su và lời khuyên của ngài Phao-lô. Bởi vì, Đức Giê-su chẳng phải là đã có lời truyền dạy rằng: “Được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình”, đó sao?

****
Điều khoản của bản hợp đồng giữa Đức Giê-su và những ai muốn đi theo Ngài, là thế đó.

Xưa, các môn đệ đã ký. Thánh Phao-lô đã ký. Thánh Tê-pha-nô đã ký. Hơn hai mươi thế kỷ qua, nhiều người cũng đã ký. Còn chúng ta? Chúng ta cũng đã ký?

Hãy ký, đừng ngại ngùng! Đức Giê-su kêu gọi những “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”, không có nghĩa là người đó phải “vác một chiếc thập giá bằng gỗ”, chân cao chân thấp đi lên Golgotha, như xưa kia Ngài đã phải làm.

Vác-thập-giá-mình, thánh Phao-lô có lời dạy, đó là: “Đừng có rập khuôn theo đời này, nhưng hãy biến cải con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo.” (Rm 12, 2).

Thế nào là rập-khuôn-theo-đời-này? Thưa, đó là: “ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng, vô tâm vô tình, tàn nhẫn, thiếu tiết độ, hung dữ, ghét điều thiện, phản trác, nông nổi, lên mặt kiêu căng, yêu khoái lạc hơn yêu Thiên Chúa” (2Tm 3, 2-4).

Khi chúng ta không rập-khuôn-theo-đời-này, thì đó chính là lúc chúng ta biến cải con người mình, và khi đã biến cải con người mình, có phần chắc, tâm thần chúng ta sẽ đổi mới. Có phần chắc, chúng ta sẽ “nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo.”

Để có thể thực hiện những điều khoản trong bản hợp đồng mà Đức Giê-su đã đề ra, cũng như tuân hành điều thánh Phao-lô truyền dạy, Lm. Charles E.Miller có lời khuyên nhủ, rằng: “Hãy tham dự Thánh Lễ. Qua kinh nguyện Thánh Thể và đặc biệt là nghi thức Truyền Phép, anh chị em phải kết hợp với Đức Ki-tô - Tư Tế của chúng ta - để dâng mình lên Thiên Chúa là Cha, y hệt như Đức Giê-su đã tự hiến mình trên thập giá. Đó sẽ là cách nói lên chúng ta muốn thi hành ý Chúa trong cuộc sống, mặc cho hệ lụy có ra sao.”

Nói cách khác, kết hợp cuộc sống của mình với Thánh Kinh và Thánh Thể, đó sẽ là phương cách tốt nhất để chúng ta tuân thủ “bản hợp đồng”, một bản hợp đồng được đóng ấn bởi “cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Giê-su Ki-tô”.

Xưa, khi Đức Giê-su nói đến việc “phải lên Giê-ru-sa-lem”, dù đã có đôi lời “càm ràm” nhưng hầu hết các môn đệ, ai nấy đều tuân hành điều Thầy mình truyền dạy. Thánh Phê-rô và thánh Phao-lô, như là những điển hình.

Còn hôm nay, mọi lời tuyên phán của Đức Giê-su “đã hoàn tất”. Và chúng ta, cũng đã tuyên xưng vào mỗi Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, rằng: “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.” Thế thì, chúng ta lại càng phải tuân hành điều Đức Giê-su truyền dạy.

“Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ” Thế nên, chúng ta cũng phải, “phải qua đau khổ để vào vinh quang.”

Petrus.tran

Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

Giê-su – Ngài là Cứu Chúa đời tôi…

 “Người ta nói Con Người là ai? – Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Chúa Nhật XXI – TN – A
Giê-su – Ngài là Cứu Chúa đời tôi…

 

tbd 240823c

Lm. Phạm Quang Hồng, trong một bài giảng phòng tại Đại Hội Thánh Mẫu La Vang 2023 - Hoa Kỳ, có kể một câu chuyện. Câu chuyện ngài kể như sau: “Có một nữ tu trẻ người Việt Nam phục vụ cho một giáo xứ ở Úc. Vì sinh ra ở Úc, thế nên nữ tu này nói tiếng Úc rất thành thạo.

Vị nữ tu này rất thích nói về Chúa Giê-su với bất kỳ ai. Vào một dịp nhà xứ sửa chữa, do vậy có một số thợ đến nhà xứ làm việc, có thợ người Úc lẫn thợ người Việt. Vào buổi trưa, khi những người thợ nghỉ ngơi, vị nữ tu này mặc thường phục, tay cầm ‘lunch box’ (hộp cơm) đi qua nhà xứ tìm gặp mấy anh chàng thợ hồ người Úc trò chuyện.

Gặp người thợ đầu tiên, vị nữ tu hỏi: ‘Do you know who Jesus is? – Anh có biết Giê-su là ai?’ Anh chàng thợ này trả lời: ‘I don’t know – Tôi không biết’. Nghe trả lời như thế, vị nữ tu này buồn quá bèn quay qua hỏi người thợ kế bên. Người thợ kế bên cũng trả lời là không biết.

Hỏi vài người nữa, họ cũng trả lời ‘chúng tôi không biết’. Thế là vị nữ tu này đi lên tầng lầu trên. Hỏi những người thợ ở tầng lầu trên, câu trả lời cũng là ‘tôi không biết’. Thấy khuôn mặt buồn buồn của vị nữ tu, một người thợ đi tìm ông thầu và nói với ông ta rằng: ông thầu, ông lên tầng lầu ba hỏi xem có thằng nào tên Giê-su không? Vợ nó đem cơm tới kìa.”

Vâng, thực tế thì cách ứng xử của mấy ông thợ người Úc không có gì sai. Có rất nhiều người Tây Phương dùng tên “Jesus” làm tên riêng của họ. Ở Mexico, có một người tên là Jesus Alfredo Guzman Salazar, con trai út của trùm ma túy khét tiếng Joaquin Guzman Loera, biệt hiệu “El Chapo”.

Thật ra thì câu chuyện nêu trên chỉ là một câu chuyện “kể nghe cho vui…”, theo lời Lm. Phạm Quang Hồng nói: “…để bớt buồn ngủ” trước một bài giảng phòng khá dài, dài hơn những bài giảng thường nhật.

Tuy nhiên, đối với chúng ta, với câu hỏi “Anh có biết Giê-su là ai?”, thì đó là một câu hỏi “nghiêm túc”, chứ không phải chuyện đùa.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, Ngài cũng đã đặt một câu hỏi, một câu hỏi nội dung giống như nội dung của câu hỏi trong câu chuyện nêu trên, với những người môn đệ của mình.

Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? – Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Vâng, sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 16, 13-20).

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu ghi lại, sự kiện này xảy ra hôm Đức Giê-su và các môn đệ “đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê”.

Tưởng chúng ta cũng nên biết rằng, Xê-da-rê Phi-líp-phê thuộc vùng cực bắc xứ Palestin. Lãnh địa này không thuộc quyền của tiểu vương Hê-rô-đê, nhưng do em của ông là Phi-lip cai trị. Phi-lip là người xây dựng thành Xê-da-rê. Và để phân biệt với thành Xê-da-rê miền duyên hải, nên thành này được gọi là Xê-da-rê Phi-líp-phê. Chính tại nơi đây, Đức Giê-su đã hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”

“Người ta nói Con Người là ai?” Chuyện được kể tiếp rằng: “Các ông thưa: Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” (x.Mt 16, 14).

Sau khi nghe lời tường trình của các môn đệ, Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”

Thầy là ai ư! Hôm ấy, ông Si-môn Phêrô, một Si-môn Phêrô như là phát ngôn nhân thay cho nhóm mười hai, đã thưa với Đức Giêsu rằng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

***
Làm thế nào mà ông Si-môn Phê-rô có được câu trả lời như thế! Vâng, Đức Giê-su có câu trả lời cho chúng ta. Hôm ấy, Ngài đã nói với ông Phê-rô rằng: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”.

“Cha của Thầy - Đấng ngự trên trời…” Vâng, tuy thánh sử Mát-thêu không nói, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng lời công bố của Đức Giê-su đã khiến các môn đệ “kinh ngạc”. Kinh ngạc vì các ông biết rõ Thầy Giê-su mà các ông đã bỏ hết mọi sự và đi theo là “ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét”, kia mà!

Đúng, là con-ông-Giu-se, nhưng kể từ đây, Đức Giê-su “đặt nền móng cho một chân lý cao diệu: Thiên Chúa là Cha Người, và Người thật sự là Con Thiên Chúa” Lm. Charles E.Miller, trong một bài suy niệm, đã có lời chia sẻ như thế.

“Chân lý cao diệu này”, Lm.Charles chia sẻ tiếp: “vượt qua mọi hiểu biết của con người”.

Thật vậy, suốt chiều dài lịch sử cứu độ, có không ít điều Thiên Chúa đã thực hiện vượt qua mọi hiểu biết của con người. Sự kiện “Đức Giê-su Kitô… bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh…” chẳng phải là “vượt qua mọi hiểu biết của con người”, đó sao!

Trở lại câu chuyện Đức Giê-su với các môn đệ ở Xê-da-rê Phi-lip-phê. Hôm ấy, trước lời tuyên xưng của Si-môn Phê-rô, Đức Giê-su đã có những lời “đáng nhớ” với ông Phê-rô rằng: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-19).

****
Hôm ấy, ông Phê-rô đã tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”. Còn Đức Giê-su – Con-Thiên-Chúa-hằng-sống, thì đã xây Hội-Thánh-của-Ngài.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào Hội-Thánh-của-Ngài, hôm nay đã trải qua hơn hai ngàn năm có lẻ. Có đúng như lời Thầy Giê-su tuyên phán: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi!” Sẽ-không-thắng-nổi. Hãy tin như thế.

Nhớ, vào năm 2003, Hội Thánh Công Giáo lên cơn sốt vì cuốn sách Mật mã Da Vinci (tiếng Anh: The Da Vinci Code). Đây là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Mỹ tên là Dan Brown.

Tôi (người viết) không thể quên khuôn mặt lo lắng của Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế đứng trên tòa giảng, trong một thánh lễ ngày Chúa Nhật tại nhà thờ Mai Khôi.

Ngài Lm nói lên nỗi lo lắng của mình về nội dung của cuốn tiểu thuyết. Và, sợ rằng, sẽ có người mất đức tin khi đọc nó.

Vâng, rất đáng lo là vì “cốt truyện của tiểu thuyết kể về âm mưu của Giáo hội Công giáo nhằm che giấu sự thật về Chúa Giê-su. Truyện ám chỉ rằng Tòa thánh Roma biết rõ âm mưu này từ hai ngàn năm qua, nhưng vẫn giấu kín để giữ vững quyền lực của mình. Sau khi vừa xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã khơi dậy mạnh mẽ sự tò mò khắp thế giới đi tìm hiểu sự thật về Sự tích Chén Thánh, và vai trò của Mary Magdalene trong lịch sử Giáo hội Công giáo.” (nguồn: Wikipedia).

Sự thật có đúng vậy không? Tôi không biết, vì tôi chưa “rờ” tới cuốn sách, mặc dầu cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Việt. Với “ấn bản tiếng Việt được Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ra mắt vào năm 2005. Bị coi là một ‘thảm họa dịch thuật’ khi nhiều lỗi bị phát hiện, cuốn sách đã bị tạm ngưng xuất bản để hiệu đính lại. Sau này, bản dịch do dịch giả Dương Tường hiệu đính (và) đã được xuất bản vào tháng 5 năm 2006” (nguồn: Wikipedia).

Hai mươi năm đã trôi qua, còn ai nhắc tới Mật mã Da Vinci? Hay nó đã đi vào dĩ vãng! Vào dĩ vãng với nhiều cuốn tiểu thuyết vớ vẩn khác, đại loại như “ruồi trâu - ruồi bò”!

Nhắc đến cuốn sách “mới chỉ dịch ra hơn bốn mươi ngôn ngữ”, để nói tới một cuốn sách khác. Cuốn Kinh Thánh, thưa quý vị. Nói tới cuốn Kinh Thánh “Ông Schweitzer cho biết: hiện nay, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch sang 700 ngôn ngữ, và hơn 1.500 ngôn ngữ có bản dịch Tân Ước; và mặc dù việc dịch toàn bộ Kinh Thánh hay Tân Ước mất vài năm, mỗi năm vẫn có rất nhiều ngôn ngữ nhận được bản dịch đầu tiên.” (nguồn: vaticannews).

Đó là một “dấu lạ”, và dấu lạ này đủ để chúng ta mạnh mẽ tin, tin rằng: Đức Giê-su “đã” xây Hội Thánh của Ngài, và chưa có quyền lực tử thần nào thắng nổi.

Do vậy, việc kế tiếp mà chúng ta cần làm, đó là hãy xác tín lại niềm tin của mình, như xưa kia các môn đệ (đại diện là Phê-rô), đã xác tín.

“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? – Giờ này đối với tôi, Đức Ki-tô là ai?” Vâng, chúng ta hãy xác tín, không chỉ bằng “lý trí”, rằng: Đức Giê-su: “Ngài là vị mục tử nhân lành. Ngài là cây nho (chúng ta) là cành. Ngài là đường, là sự thật và là sự sống”, nhưng còn phải bằng “con tim mình”, một con tim mở rộng để nhận ra, rằng: “ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa”.

Nói tắt một lời, với cả lý trí và con tim, chúng ta hãy xác tín, xác tín rằng: Đức Giê-su – Ngài là Cứu Chúa đời ta.

Petrus.tran

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

Này con, con muốn sao sẽ được vậy

“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Chúa Nhật XX – TN – A
Này con, con muốn sao sẽ được vậy

tbd 170823a


Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời phán truyền rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Tiếp sau đó, Ngài khẳng định: “Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho.” (x.Mt 7, 7-8).

Vâng, là một Ki-tô hữu, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều tin vào lời Chúa phán truyền nêu trên. Chúng ta tin và vẫn luôn cầu xin Chúa rất nhiều điều. Có những lúc Chúa đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng, không phải lúc nào lời cầu xin của chúng ta cũng đều được đáp ứng. Thế rồi, chúng ta đặt câu hỏi tại sao?

Tại sao ư! Thưa, có rất nhiều câu trả lời cho chúng ta. Rất có thể “…là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (x.Gc 4, 3). Cũng rất có thể là do chúng ta thiếu sự nhẫn nại và lòng kiên trì trong cầu nguyện.

Thomas Edison, người đã có hơn 1.500 phát minh, cho rằng, để thành công trong công việc, thì do 10% thiên tài, phần còn lại là do 90% sự nhẫn nại và lòng kiên trì.

Còn với Đức Thánh Cha Phanxicô! Vâng, “trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 19/05/2021 diễn ra tại sân Damaso ở nội thành Vatican, ngài đã nói đến ba khó khăn chúng ta thường gặp phải khi cầu nguyện; đó là chia trí, sự khô khan thiêng liêng và thờ ơ lười biếng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng, chính các thánh cũng gặp phải những khó khăn này trong lúc cầu nguyện và các ngài dạy rằng chúng ta đạt được tiến triển thật sự trong đời sống thiêng liêng qua việc kiên trì cầu nguyện, như ông Gióp, người vẫn không thay đổi ngay cả giữa nhiều hoạn nạn.” (nguồn: vaticannews).

Kiên trì cầu nguyện “như ông Gióp” ư! Thưa, đúng là vậy. Vì đó là điều làm cho Thiên Chúa “phải siêu lòng”. Sự kiện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an” được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, như một minh chứng điển hình. (x.Mt 15, 21-28).

**
Chuyện được kể rằng: Một ngày nọ “Đức Giêsu lui về miền Tia và Xi-đôn”. Theo các nhà nghiên cứu Kinh Thánh, thì “Tia và Xi-đôn” ngày nay thuộc miền nam Liban, và được biết đến như là miền giáp ranh với đất của dân ngoại.

Vì là vùng đất của dân ngoại, thế nên, không có gì ngạc nhiên khi “có một người đàn bà Ca-na-an ở vùng ấy” tìm đến để gặp Đức Giê-su.

Khi gặp Đức Giê-su, bà ta kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm.”

Quỷ ám! Quỷ ám nghĩa là sao! Thưa, đó là “Một cá nhân bị một thực thể siêu nhiên ác độc nhập hồn, thường gọi là ác quỷ. Các biểu hiện của quỷ ám thường bao gồm mất trí nhớ hoặc nhân cách, ngất lịm như thể người đang hấp hối. Người bị quỷ ám có nhiều thay đổi rõ rệt trong ngữ điệu và khuôn mặt, xuất hiện những vết thương bất thường (vết cào, cắn), có sức mạnh siêu phàm. Không giống như trong mượn xác, chủ thể không thể kiểm soát được thực thể nhập vào mình và nó chỉ ra khỏi khi bị trục xuất, thường là bằng một hình thức trừ tà. Đây là một vấn đề tâm linh chứ không phải là vấn đề mà khoa học thông thường có thể giải thích được”. (nguồn: internet).

Đúng, khoa học không giải thích được và y học cũng không chữa được. Đức Giê-su chữa được. Thánh Mát-thêu đã cho chúng ta biết: tại Ga-li-lê “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt, và Người đã chữa họ.” (x.Mt 4, 24). Nhưng hôm nay, trước lời cầu xin của người đàn bà Ca-na-an, chuyện kể tiếp rằng: “Người không đáp một lời.”

Thế có buồn không! Thưa, rất buồn… thật là buồn-hiu-hắt-buồn về sự lặng thinh của Đức Giê-su. Và, khi nỗi buồn đang gặm nhấm con tim, thì tai bà nghe các môn đệ xin với Đức Giê-su, rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”.

Về đi ư! Lý do? Đây, câu trả lời của Đức Giê-su cho các môn đệ chính là lý do: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel mà thôi.”

Vâng, Đức Giê-su nói như thế đấy! Nếu là chúng ta, chúng ta sẽ phản ứng thế nào! Phải chăng là chúng ta sẽ phàn nàn rằng: “Thôi thế là thôi, là thế đó! Thôi thế là thôi, là thế rồi!” v.v...

Với người đàn bà Ca-na-an, hôm ấy, bà ta không phàn nàn. Bà đã “bái lạy và thưa Người rằng: Lạy Ngài! Xin cứu giúp tôi!”

Jean Jacques Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát…”. Điều này thật đúng cho người đàn bà Ca-na-an.

Vâng, thật đắng chát làm sao khi Đức Giê-su đáp lời bà ta rằng: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”.

Thế nhưng, dù bị xếp vào thành phần “chó con”, một thứ ngôn từ mà người Do Thái thời đó dùng để nói tới “dân ngoại”, không phải dân riêng của Thiên Chúa, bà ta vẫn kiên trì khẩn khoản nài xin. Bà nghẹn ngào nài xin rằng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Cũng là ông Rousseau có nói: “Sự nhẫn nại và lòng kiên trì đắng chát nhưng quả của nó lại ngọt”. Ông Rousseau ơi! Ông nói đúng quá! Hôm ấy, với sự nhẫn nại và lòng kiên trì, người đàn bà Ca-na-an đã nhận được “quả ngọt” từ lòng thương xót của “Con vua Đa-vít”.

Hôm ấy, sau khi nghe bà ta nói như thế, Đức Giê-su đáp lời: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”.

Vâng, một kết quả thật ngọt ngào cho bà ta. Mô tả những “quả ngọt” mà bà ta nhận được, thánh sử Mát-thêu tóm tắt bằng tám chữ: “Từ giờ đó, con gái bà được khỏi”.

***
Câu chuyện “Đức Giê-su chữa con gái người đàn bà Ca-na-an” kết thúc, nói theo cách nói bình-dân-học-vụ, thì đó là một kết thúc “có hậu”.

Và, khi đã nghe qua câu chuyện, chúng ta không thể phủ nhận rằng, tính nhẫn nại và lòng kiên trì của người đàn bà Ca-na-an, chính là nhân tố tác động đến lòng thương xót của Đức Giê-su.

Vì đã không thể phủ nhận, thế nên, chúng ta cũng rất cần xem những đức tính này như là hành trang cho đời sống đức tin của mình.

Tại sao? Thưa, là bởi, những đức tính này có thể được coi là “cầu nối” dẫn đến các nhân đức khác; nó như là chất xúc tác góp phần tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái.

Thật vậy, Kinh Thánh cho chúng ta biết đến một nhân vật, nhờ có tính nhẫn nại và lòng kiên trì nên đã tăng trưởng đức tin, hy vọng trong đức cậy và mạnh mẽ trong đức ái, người đó chính là Gióp.

Ông Gióp, cho dù bị rơi vào thảm cảnh mất mát tài sản, con cái chết chóc, ông ta vẫn đón nhận trong một tinh thần nhẫn nại chịu đựng, kiên trì nguyện cầu, không chút oán trách thở than.

Nhờ vào tinh thần nhẫn nại chịu đựng, kiên trì nguyện cầu, ông Gióp đã không để cho những lời trách cứ điên rồ của bà vợ, rằng “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa và chết đi cho rồi.”, ảnh hưởng đến đức tin, đức cậy và đức ái của ông ta.

Nhờ tinh thần nhẫn nại chịu đựng, kiên trì nguyện cầu, ông Gióp đã có thể thốt lên rằng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (x.G 2, 9-10).

****
Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta biết rồi. Người không loại bỏ ai. Những lời “hà khắc và nhẫn tâm” mà chúng ta nghe trong câu chuyện, thật ra là để nhấn mạnh đến tính cách của người Ki-tô hữu gốc Do Thái vẫn muốn giữ luật Mô-sê (luật cắt bì).

Tưởng chúng ta cũng nên biết “Phúc âm Mát-thêu chủ yếu viết cho các Kitô hữu người Do Thái nói tiếng Hy Lạp và người ngoại quốc, là những người tuân giữ một ít kinh Torah của Do Thái giáo.” (nguồn: internet).

“Thánh Mát-thêu, tác giả câu chuyện này”, theo lời chia sẻ của Lm. Charles, “hy vọng những lời hà khắc và tàn nhẫn này thốt ra từ miệng Đức Giê-su sẽ khiến cho người đọc khó chịu, để nhận ra loại bỏ ‘dân ngoại’ là điều xiết bao sai trái.”

Cuối cùng, ngài Lm. kết luận “Nhờ lòng tin, người đàn bà ấy được Đức Giê-su gia ân cho toại nguyện.”

Vâng, bất cứ ai đến và cầu xin Đức Giê-su, đều được Ngài gia ân cho toại nguyện. Do vậy, hãy đem đến Đức Giê-su những “nan đề” mà chúng ta không thể giải quyết.

Có lẽ, và chắc chắn rằng, cuộc sống của con em chúng ta là những nan đề lớn mà chúng ta đang phải “điên đầu” đối phó. Ai trong chúng ta dám tin chắc rằng, con em chúng ta sẽ không bị “satan ám”!

Hãy nhớ rằng “Satan never sleeps – Quỷ địa ngục không bao giờ ngủ”. Quỷ… không bao giờ ngủ. Nó luôn rình rập nơi cửa sổ tâm hồn con em chúng ta.

Chẳng phải là chúng ta đang phải chứng kiến một xã hội đầy dẫy những “sản phẩm của satan”, những sản phẩm đại loại như: những game giải trí bạo lực, những phim ảnh khiêu dâm, những game show ‘sô’ những nội dung phản giáo dục, đó sao!

Ai sẽ cứu con em mình, nếu không phải là chúng ta! Vâng, chúng ta phải hành động. Hành động như người đàn bà Ca-na-an đã hành động. Chúng ta phải kêu lên với Đức Giê-su như người đàn bà Ca-na-an đã kêu lên: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi.”

Hãy đến nhà thờ, vì nơi đây chính là nơi để chúng ta đến kêu lên với Chúa Giê-su. “Nơi đây, Chúa Giê-su ban cho chúng ta, không phải những mảnh vụn rơi vãi từ bàn ăn, mà là Mình và Máu báu trọng của Người. Đấng đến với ta trong Bí Tích Thánh Thể là Chúa muôn loài.” Vâng, Lm. Charles E.Miller đã có lời khuyên như thế.

Chưa hết, nơi đây, Chúa Giê-su còn ban cho chúng ta Lời Hằng Sống, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Lời Hằng Sống sẽ “là ngọn đèn soi ta bước, là ánh sáng chỉ được ta đi.” Còn nữa, “Nhờ huấn lệnh Người ban, (ta) thành người sáng suốt, nên (ta) ghét mọi đường nẻo gian tà” (x.Tv 119, 104). Khi đã ghét mọi điều gian tà, ma quỷ nào có thể ám chúng ta!

Cuối cùng, nơi đây, Chúa Giê-su cũng sẽ cho chúng ta toại nguyện, như xưa kia Ngài đã cho người đàn bà Ca-na-an được toại nguyện: “Này con, con muốn sao thì sẽ được vậy.”

Petrus.tran

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

Ta sẽ được cứu – khi ở trong thuyền

 “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”.

Chúa Nhật XIX – TN – A
Ta sẽ được cứu – khi ở trong thuyền

 

tbd 110823a

“Một niềm phó thác đời con trong tay Ngài. Dù là đêm dài, dù là tương lai. Một niềm phó thác đời con cho Ngài. Đừng bỏ con mồ côi gục ngã trên nẻo đời.” Những dòng chữ trên đây là trích đoạn bài thánh ca “Một Niềm Phó Thác” – tác giả: Lm. Nguyễn Mộng Huỳnh.

Vâng, là một Ki-tô hữu, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng: phó thác đời ta cho Chúa là điều không thể thiếu trong đời sống đức tin của mình.

Không có sự phó thác vào Chúa, đức tin của chúng ta rất dễ bị chao đảo, lung lay mỗi khi cuộc đời mình gặp một vấn đề nan giải nào đó, để rồi cuối cùng là có nguy cơ sói mòn niềm tin.

Thế nào là niềm tin phó thác? Thưa, “Đó là lòng tín thác của con người đối với Thiên Chúa như người con đối với cha của mình.”

Đức Giê-su, trong những ngày ra đi rao giảng Tin Mừng, mỗi một bài truyền giảng, Ngài luôn hướng lòng mọi người hãy có một niềm tin phó thác. Một sự phó thác như “(những con) chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà (Chúa) trên trời vẫn nuôi chúng”. Còn với mỗi bệnh nhân được chữa lành ư! Vâng, Ngài luôn nói với họ, rằng: “lòng tin của con đã cứu chữa con.”

Thế còn niềm tin phó thác của các môn đệ? Thưa, ba năm theo Thầy Giêsu. Ba năm cùng ăn, cùng ở với Ngài. Dù đã chứng kiến biết bao điều kỳ diệu Đức Giêsu đã làm, như “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật” kể cả những kẻ “bị quỷ ám”v.v… Và dù đã thấy rõ Ngài đã “chữa một người đàn bà băng huyết đã mười hai năm” chỉ nhờ vào “lòng tin phó thác” của bà ta, thế nhưng, các môn đệ dường như vẫn thiếu niềm tin tưởng phó thác nơi Thầy Giêsu! Sự thiếu niềm tin phó thác nơi các ông đã bộc lộ không dưới một lần.

Lần thứ nhất xảy ra trong dịp các ông và Đức Giêsu có một cuộc hải trình băng qua biển hồ Tiberia. Chuyện được kể rằng: “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Vâng, thuyền đầy nước đến độ các ông tưởng rằng Thầy và trò “chết đến nơi rồi…”. Chỉ đến khi Đức Giêsu “ngăm đe gió và truyền cho biển: Im đi. Câm đi”. Lúc đó các ông mới cảm thấy “tẽn tò” trước lời trách cứ của Thầy mình: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin” (Mt 8,26).

Còn lần thứ hai? Thưa, lần này xảy ra sau biến cố Đức Giê-su làm phép lạ “hóa bánh ra nhiều” cho hơn năm ngàn người ăn. Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 14, 22-33).

**
Câu chuyện được thánh Mát-thêu ghi lại như sau: Hôm ấy, sau biến cố làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn năm ngàn người ăn, Đức Giê-su “liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng”.

Vâng, vẫn là một chuyến hải trình như mọi chuyến hải trình trước kia. Tuy nhiên, chuyến hải trình lần này có chút khác biệt, đó là, lần này không có Đức Giêsu cùng đi theo.

Đức Giê-su đâu? Thưa, hôm đó, sau khi giải tán đám đông “Người lên núi một mình và cầu nguyện”. Rồi, khi trời đã sụp tối và “Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số”, thì bất ngờ, “thuyền bị sóng đánh vì ngược gió”.

Bị-sóng-đánh-vì-ngược-gió, chứ không phải sóng-ập-vào-thuyền-đến-nỗi-thuyền-đầy-nước, như chuyến hải trình lần trước. Thế nên, không thấy các môn đệ hoảng hốt sợ hãi.

Thế nhưng, “vào khoảng canh tư”, một sự kiện kỳ lạ xảy ra và đã làm cho các ông hoảng hốt. Vâng, chuyện kể rằng: Đức Giê-su – “Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.”

Người đời thường nói: “Tâm ma mới gặp ma”. Tâm chứa điều gì, cuộc đời sẽ kết duyên với điều đó. Tâm chứa ma thì luôn nghĩ đến ma. Luôn nghĩ đến ma thì sẽ nhìn thấy ma. Luôn nhìn thấy ma thì sẽ dễ sống trong tâm trạng có ma bên mình.

Có vẻ như lời nhận định trên là đúng! Hãy nhìn xem mười hai môn đệ đang hiện diện trên con thuyền. Họ đã dám bỏ hết mọi sự để theo Đức Giê-su. Đã cùng ăn, cùng ở và cùng làm việc với Ngài. Hàng ngày luôn kề cận bên Ngài. Thế mà, than ôi! Thân các ông bên Chúa nhưng tâm của các ông lại là “tâm ma”… Phải chăng, chính vì thế nên các ông đã không nhận ra Chúa!

Hôm ấy, theo lời thánh Mát-thêu kể lại: “Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: Ma đấy!”. Vâng, các ông đã “sợ hãi la lên”, như thế!

Đức Giê-su có trách các ông, như lần trước! Thưa không. Không khiển trách như lần trước. Lần này, Đức Giêsu có vẻ như thấu hiểu nỗi lòng của các ông. Nỗi lòng của những con người đang phải sống trong một xứ sở, ra ngõ là phải đụng mặt những tên “ma đầu giáo chủ”. Đó là những “ông kẹ” Phariseu, Sa- đốc, v.v… luôn rình rập, chực chờ hãm hại Ngài cũng như các môn đệ của Ngài.

“Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ”. Vâng, lời phán truyền của Thầy Giê-su đã làm cho các ông định hướng lại sự suy nghĩ của mình.

Phê-rô, ông Phê-rô ngay lập tức, nói lên suy nghĩ của mình, rằng: “Thưa Ngài, nếu là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”

“Thưa Ngài, nếu là Ngài…” Ông Phê-rô nói như thế. Thế mà, thật ngạc nhiên, Đức Giê-su không một lời khiển trách về sự “nghi ngờ” của Phê-rô. Ngài đã bảo ông: “Cứ đến”. Nghe Đức Giê-su nói thế, chuyện kể tiếp rằng: “Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.”

Mọi việc tưởng chừng suôn sẻ. Thế nhưng, “nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ”. Rồi khi cảm thấy “bắt đầu chìm, ông la lên: Thưa Ngài, xin cứu con với!”

Thánh Vịnh (118, 5-6) có lời chép rằng “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.

Mà thật vậy, hôm ấy, ông Phê-rô đã kêu cầu và Đức Giê-su đã đáp lời. Ngài đáp lời Phê-rô bằng cách “đưa tay nắm lấy ông.”

Tiếp sau đó, Đức Giê-su có lời trách: “Người đâu mà kém tin vậy. Sao lại hoài nghi?” Vâng, chỉ là một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng cần thiết. Cần thiết cho ông Phê-rô (và cũng là cho chúng ta hôm nay.)

Cứ ở trên thuyền, rồi Thầy Giê-su sẽ đến, thì đã sao!

Vâng, chia sẻ về sự kiện này, Lm.Charles E.Miller có lời rằng: “Có lẽ Đức Giê-su chấp thuận lời yêu cầu khó đáp ứng này vì muốn dạy Phê-rô và hết thảy chúng ta một bài học: Hãy hài lòng về cách hành động của Chúa, chứ đừng đòi hỏi Người làm theo cách chúng ta.”

“Anh chị em phải ở lại trên thuyền, vì chiếc thuyền tượng trưng cho Giáo Hội” – ngài Charles có lời tiếp rằng: “Chiếc thuyền này sẽ không bao giờ chìm, thậm chí giữa cơn sóng ba đào vốn tạo ra những gương mù gương xấu nghiêm trọng trong lòng Giáo Hội khiến ta mất phương hướng. Con thuyền Giáo Hội sẽ không lật úp cho dù bị tròng trành bởi những cơn bão lớn đe dọa khiến ta mất lòng tin và đâm ra xao xuyến. Mặc cho phương pháp người khác chọn là gì, (chúng) ta biết mình luôn sẽ tìm thấy Thiên Chúa ở đâu.”

Thiên Chúa ở đâu? Đức Giê-su ở đâu? Thưa, “ở trên thuyền”. Chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa ở trên thuyền. Chúng ta sẽ thấy Đức Giê-su ở trên thuyền.

Hôm ấy, “Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.” Hôm nay, khi chúng ta và Chúa cùng ở trong con thuyền Hội Thánh, thì dù con thuyền Hội Thánh có phải gặp “những cơn ba đào nhiều phen nguy biến”, Ngài cũng sẽ làm cho lặng ngay. Quý vị có tin thế không? Hãy tin, vì Chúa Giê-su đã tuyên phán: “…Trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. (Mt 16, 18).

Chúng ta hãy tin và hãy ở lại trong thuyền, như xưa kia, các môn đệ, là “những kẻ (đã) ở trong thuyền.” (x.Mt 14, 33).

***
Như các môn đệ xưa đi trên con thuyền “bị sóng đánh và ngược gió”, hôm nay, con-thuyền-cuộc-đời của mỗi chúng ta cũng không thoát khỏi những cơn sóng hung hãn của thế gian dưới sự điều khiển của Satan.

Đó chính là những “làn sóng chủ thuyết” những loại chủ thuyết cho rằng thì-là-mà làm gì có Chúa, mà nếu có thì “Chúa đã chết rồi!” Nói cho đúng hơn, những làn sóng chủ nghĩa này cho rằng “… khi nghe tin rằng ‘vị thần cũ đã chết’, chúng ta các nhà triết học và ‘các tinh thần tự do’ cảm thấy được một bình minh mới chiếu rọi.” (Friedrich Nietzsche).

Một-bình-minh-mới-chiếu-rọi, nghe rất quyến rũ, nhỉ! Có, có không ít người, bị ảnh hưởng bởi những loại chủ thuyết này, đã rời bỏ con thuyền Giáo Hội. Họ, như các môn đệ xưa nhìn thấy Đức Giê-su, nhưng tưởng Ngài là ma. Trái lại, khi nhìn thấy những con-ma-chủ-thuyết, họ tưởng lầm là đấng đáng kính phục.

Có một số Ki-tô hữu đã lấy số tử vi, xem sách phong thủy, đọc sách xem bói, thấy những dị đoan lại tưởng là có quyền năng nên tin tưởng và vâng phục.

Coi chừng! Chúa cấm đó: “Vì... lũ thầy bói chỉ thị kiến điều gian trá; chúng công bố những giấc chiêm bao nhảm nhí, nói những lời an ủi vu vơ.” (x.Dcr 10, 2).

Đừng chọc giận Gia-vê bằng những tin tưởng bói toán hoặc dị đoan. Vì chỉ có Thiên Chúa toàn năng, là Ðấng có quyền năng “làm ra sự bình an và dựng nên sự tai vạ”, mà thôi. (Is 45, 7).

Còn, còn một cơn sóng cũng rất hung hãn đang đe dọa chúng ta và con cháu chúng ta. Đó chính là những làn sóng cổ vũ cho một nền “văn hóa sự chết”, một nền văn hóa “sống chung – sống thử”, một nền “văn hóa phá thai”, một nền văn hóa, như lời Lm. Đỗ Trung Thành, OP nói: “làm cho con người đang dần dần đánh mất phẩm giá cao quí mà Thượng Đế ban tặng, biến con người trở nên ‘thú dữ’ giết hại lẫn nhau, thậm chí đó là những người thân yêu nhất của mình, ngay cả ‘giọt máu’ khi còn ‘trứng nước’…”

****
Chúng ta sẽ làm gì để đương đầu với những làn sóng hung hãn (nêu trên)? Thưa, hãy theo gương ngài Phê-rô “la lên” với Đức Giê-su, rằng: “Lạy Chúa! Xin cứu Giáo Hội chúng con. Xin cứu chúng con và con cháu chúng con”.

Đức Giê-su sẽ đến cứu. Thế nhưng, hôm nay, Ngài không “đi trên mặt biển mà đến” với chúng ta “vào khoảng canh tư”, như ngày xưa. Mà này, Ngài đã đến rồi! Ngài đã đến và đang hiện diện 24/24 trong nhà thờ.

Trong nhà thờ, “Người nói với chúng ta bằng những lời trong Sách Thánh, không phải qua tiếng thét gầm của dông bão, mà qua âm giọng bình thường của con người (đó là những vị linh mục). Chúa Giê-su đến với chúng ta, không phải qua những tiếng động kinh hồn của cơn địa chấn, mà dưới hình ‘bánh và rượu’ đơn sơ.”

Đó, đó là những lời chia sẻ của Lm. Charles. Chưa hết, ngài Lm. còn có lời khuyên: “Trong mọi hoàn cảnh và trước mọi nhu cầu của cuộc sống, ta sẽ tìm thấy Chúa với điều kiện là phải ở trên thuyền, làm môn đệ trung tín của Người trong Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền.”

Vâng, nói tắt một lời, “ta sẽ được cứu – khi ở trong thuyền”.

Petrus.tran


Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...