Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Mến Chúa - yêu người: phải là hai bằng một

 “Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Dnl 6,5).

Chúa Nhật XXX – TN – A
Mến Chúa - yêu người: phải là hai bằng một

tbd 271023a


Một trong những điều căn bản người Ki-tô hữu phải biết, đó là: “Kinh Mười Điều Răn”. Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn: Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ. Thứ ba: Giữ ngày Chúa nhật. Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ. Thứ năm: Chớ giết người. Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục. Thứ bảy: Chớ lấy của người. Thứ tám: Chớ làm chứng dối. Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người. Thứ mười: Chớ tham của người. Mười điều răn ấy tóm về hai điều này mà chớ: Trước kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy. AMEN”.

“Kính mến Thiên Chúa và yêu người”, đó cũng là điều được thánh Gio-an nhắc đến trong thư thứ nhất của ngài, rằng: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 20-21).

Còn với Đức Giê-su? Quan điểm của Ngài như thế nào về việc: “kính mến Thiên Chúa và yêu người”? Thưa, Đức Giê-su tuyên bố: “Đó là điều răn trọng nhất”. Lời tuyên bố của Ngài đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (x.Mt 22, 34-40).

**
Vâng, chuyện được thánh Mát-thêu ghi lại như sau: “Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại.” Họ họp nhau lại để làm gì? Thưa, họ bàn với nhau cử một người thông luật trong nhóm đến gặp Đức Giê-su để hỏi Ngài những vấn đề liên quan đến lề luật.

Khi vị thông luật đến. Rất trịnh trọng ông ta “hỏi Đức Giê-su để thử Người”, rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?”

Tại sao lại gọi đây là một câu hỏi “để thử” Đức Giê-su? Thưa, gọi là thử bởi, nếu ông thông luật hỏi về Mười Điều Răn, thì có gì để mà thử. Mười Điều Răn đó đã được Thiên Chúa ban trên núi Sinai. Ông Mô-sê chính là người lên núi lãnh nhận Mười Điều Răn. Sách Xuất hành có ghi lại rằng: “ĐỨC CHÚA có phán với ông Mô-sê: Hãy lên núi với Ta và ở đó; Ta sẽ ban cho ngươi những bia đá; luật và mệnh lệnh Ta đã viết ra để dạy dỗ chúng” (x.Xh 25, 12). Trải qua bao thế hệ, từ lúc Mô-sê công bố Mười Điều Răn cho tới hôm nay, có ai thắc mắc điều nào trọng nhất đâu!?

Nhưng trái lại, ông thông luật nhấn mạnh đến những điều “trong sách Luật Mô-sê”. Trong sách Luật Mô-sê truyền dạy những gì? Thưa, “sách gồm 5 quyển, dầy 250 trang, chứa 613 khoản luật chia ra 365 khoản cấm (tương đương số ngày trong một năm) và 248 khoản buộc (tương đương số lượng các khúc xương trong cơ thể con người)”.

“Truyền thống coi 613 điều răn là số lượng điều răn có trong Kinh thánh Torah của Do Thái giáo bắt đầu vào thế kỷ thứ 3 công nguyên, khi thầy đạo Simlai nhắc tới trong một bài giảng được chép lại trong sách Makkot Talmud 23b. Các nguyên lý của luật Kinh thánh này cũng được gọi chung là ‘Luật Moses’, ‘Luật Sinai’, hay đơn giản là Lề Luật”. (nguồn: Wikipedia).

Sáu trăm mười ba điều… điều răn nào là điều răn trọng nhất? Khó trả lời nha! Thật vậy, trong bối cảnh Israel thời đó, mỗi một phe nhóm như: Xa-đốc, kinh sư, luật sĩ, Phariseu, v.v… họ thích điều luật nào thì cho điều luật đó quan trọng hơn cả.

Thế nên, nếu Đức Giêsu trả lời điều luật này trọng, điều luật kia không trọng, Ngài sẽ bị “chụp mũ” là nghiêng về phe nhóm này, chống phe nhóm kia. Và điều hiển nhiên là sẽ có một rừng kẻ đối lập “lên mạng ném đá” Ngài.

Điều răn nào là điều răn trọng nhất ư! Hôm ấy, Đức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất” (Mt 22, 37-38). Rồi, ngay lập tức, Ngài tuyên bố tiếp: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.

Kết thúc cho câu trả lời của mình, Đức Giê-su nói: “Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”.

***
Ông thông luật đã đưa ra một câu hỏi. Thế mà, Đức Giê-su lại đưa ra hai câu trả lời. Câu trả lời thứ nhất được trích từ sách Đệ Nhị Luật: “Nghe đây, hỡi Israel! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em”. (Dnl 6,5).

Còn câu trả lời thứ hai! Vâng, câu trả lời thứ hai là từ sách Lê-vi: “ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lv 19,…18).

Suy tư về hai câu trả lời của Đức Giê-su, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ: “Đức Giê-su không đưa ra điều gì mới mẻ, mà chỉ kết hợp hai giới răn đã có sẵn và nằm riêng r trong các sách Kinh Thánh khác nhau lại thành một.

Người quả quyết ta không thể thật lòng yêu mến Thiên Chúa mà không yêu người thân cận, và ta không thể yêu người thân cận theo đúng nghĩa nếu không yêu mến Thiên Chúa.”

Đúng vậy. Một lần nọ, Đức Giê-su đã “quả quyết” rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-se hoặc các lời ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).

Và hôm nay, Ngài đã kiện toàn. Một sự kiện toàn tuyệt hảo: “Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”, tốt nhưng chưa đủ, còn phải “Yêu người thân cận như chính mình”, nữa.

Đức Giê-su không chỉ kiện toàn luật Mô-sê, Ngài còn có lời khuyến cáo, rằng: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.”

Chưa… chưa dừng ở đó, Đức Giê-su còn có lời tiếp rằng: “Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.” (x.Mt 5, 19).

****
Xưa, Đức Giê-su đã truyền dạy như thế. Ông thông luật, tuy thánh sử Mát-thêu không nói gì, nhưng chúng ta có thể tin rằng ông ta không phản đối.

Nay, qua Giáo Hội, chúng ta cũng được truyền dạy như Đức Giê-su đã truyền dạy. Chúng ta phản đối hay sẽ tuân thủ luật Chúa truyền dạy!

Hãy tuân thủ. “Mến Chúa” chưa đủ, còn phải “Yêu người”. Bởi vì yêu người chính là “dấu” để thiên hạ biết chúng ta “là môn đệ của Chúa”. Xưa, Đức Giê-su đã chẳng từng nói rằng: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”, đó sao! (x.Ga 13, …34).

Như vậy, nói không sợ sai “Yêu người” chính là thước đo đời sống đức tin của chúng ta hôm nay. ”Yêu người” còn chính là “chứng tích” để chúng ta đem ra trình diện trước Chúa trong ngày phán xét.

Đừng quên, một ngày nọ, Đức Giê-su đã nói: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.”

Đây, đây chính là khung cảnh của ngày phán xét. Nói cách khác, đó là ngày tận thế. Ngày ấy, nhân đức “yêu người” chính là “tấm chiếu khán” để chúng ta bước vào “Vương Quốc Nước Trời”.

Ngày ấy, Đức Giê-su sẽ phán với những ai có lòng “xót thương người”, rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các người đã viếng thăm; Ta ngồi tù, các người đã hỏi han”.

Những việc làm Đức Giê-su nói ở trên, chính là nhân-đức-yêu-người. Những việc làm nêu trên, Đức Giê-su nói rằng: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x.Mt 25, 40).

Những việc làm-như-thế có khó quá không? Thưa, sẽ không khó khi tâm hồn chúng ta chất chứa đầy những “hoa quả của Thần Khí”. Hoa quả của Thần Khí là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.” (x.Gl 5, 22).

Khi tâm gồn chúng ta đầy ắp hoa quả của Thần Khí, ai dám nói chúng ta không đủ khả năng “làm-như-thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Chúa”!

Thánh Lễ. Vâng, tham dự thánh lễ chúng ta hun đúc lòng xót thương người qua phần “Lời nguyện tín hữu, một phần không thể thiếu trong việc phụng thờ Thiên Chúa, giúp ta thi hành giới răn yêu người”. Đây, đây là lời khuyên dạy của Lm Charles, một lời khuyên dạy rất đáng để chúng ta ghi khắc trong con tim mình.

Chưa hết, ngài Lm. còn thêm lời dạy rằng: “Tuy các giới răn mến Chúa và yêu người được trình bày trong hai Sách Thánh riêng biệt, chúng không được tách rời trong tâm hồn hoặc trong hành động chúng ta.”

Đúng vậy, không được tách rời. Mến Chúa - yêu người: phải là hai bằng một.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

Của Chúa - trả về cho Chúa

 Đức Giê-su bảo họ rằng “Thế thì, của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

Chúa Nhật XXIX – TN – A
Của Chúa - trả về cho Chúa

tbd 211023a


Đức Giê-su, như chúng ta được biết, sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Na-da-rét, “Người đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.”

Sự xuất hiện của Đức Giê-su, cùng với những gì Người thực hiện, đã khiến cho rất nhiều người từ khắp “miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Giodan… lũ lượt kéo đến đi theo Người” (Mt 4, 23…25).

Rất, rất nhiều người đi theo Đức Giê-su. Và những người đi theo Ngài không chỉ “sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”, mà còn “kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Giáo lý thì mới mẻ. Người dạy lại có uy quyền” (Mc 1, 22… 27).

Hơn hai ngàn năm trôi qua, những lời nhận định nêu trên, không có gì phải tranh cãi, nhưng với quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu thời đó, thì nó như dấu chấm than cho những gì quý ông đã thể hiện. Và, đó là lý do quý ông kinh sư và Pha-ri-sêu đã xem Đức Giê-su như một cái gai, một cái gai cần phải nhổ bỏ.

Họ đã cố nhổ nhiều lần, nhưng tất cả sự cố gắng của họ, đều thất bại. Thất bại này đến thất bại khác, thế nhưng họ vẫn không nản chí. Vào một ngày nọ, khi nghe Đức Giêsu, qua một dụ ngôn, đã ví họ như là “những tá điền sát nhân”, nhóm kinh sư và Phariseu nổi khùng lên quyết tâm bắt cho được Ngài. Nhưng than ôi! Khi biết được dân chúng đang xem Đức Giê-su như là “một ngôn sứ”, thế là họ không dám manh động.

Họ không manh động, thay vào đó là một cuộc họp kín với sự thống nhất tuyệt đối của mọi thành viên rằng, bằng mọi giá “tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy.” Vâng, họ đã làm và sự kiện này được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng Mát-thêu.

**
Theo Tin Mừng Mát-thêu ghi lại: khởi sự cho kế hoạch gài bẫy Đức Giê-su, quý ông Pha-ri-sêu đã thành lập một liên minh, một liên minh giữa họ “với những người phe Hê-rô-đê”.

Hôm ấy, liên minh Phariseu-Hêrôđê đã đến gặp Đức Giê-su và nói với Ngài rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta.”

Đúng. Nói rất đúng. Đức Giêsu là người-chân-thật. Ngài cứ-sự-thật-mà-dạy-đường-lối-Thiên-Chúa. Một ngày nọ, Ngài đã nói lên một sự thật, rằng: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.”

“Thầy cũng chẳng vị nể ai…” Cũng đúng luôn. Đức Giê-su chẳng “vị nể ai” Chuyện Ngài đã dám “đuổi hết những người đang mua bán trong Đền Thờ”, như một điển hình.

Có thể nói rằng, chưa bao giờ nhóm Pha-ri-sêu lại có những lời nói “đáng mến” với Đức Giê-su, như hôm nay.

Nhưng, lại là chữ nhưng… nhưng thật ra những lời đáng mến này chẳng khác nào một “cú đấm thăm dò” mà những tay đấm boxing thường sử dụng.

Thật vậy, vừa nói ra những lời nói ngọt ngào xong, họ quay ngoắt 180 độ bằng một câu hỏi đắng chát: “Xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”

Tại sao lại nói đây là câu hỏi “đắng chát”! Thưa, Lm Phaolô Đoàn Thanh Phong, có câu trả lời rằng: “Thực ra, đây là hai nhóm người khác nhau về nguyên tắc, về quan điểm sống. Nếu những người phe Herode chấp nhận nộp thuế cho hoàng đế, như là phương cách bảo vệ chỗ đứng của mình trong bộ máy cai trị.

Thì trái lại, nhóm Pharisêu chỉ chấp nhận nộp thuế cách miễn cưỡng. Bởi, họ không đón nhận thái độ của các Cesar Rôma luôn tự coi mình là thần minh. Cho nên đối với họ, việc nộp thuế cho đế quốc được xem như một sự xúc phạm đến Thiên Chúa. Vì thế, không chỉ phải nộp thuế, mà ngay cả việc mang trong mình đồng tiền của kẻ ngoại bang đã là một hành vi bội giáo.

Nhưng vì cùng mâu thuẫn, xung đột tư tưởng với Chúa Giêsu, nên họ sẵn sàng xóa bỏ nguyên tắc, quan điểm riêng, chấp nhận liên minh lại với nhau để gài bẫy Chúa Giêsu bằng câu hỏi: “Có được phép nộp thuế cho hoàng đế Cesar không?”. Đây là một vấn đề mới nghe qua thật bình thường, nhưng sự thực lại không hề đơn giản.

Thật vậy, nếu Chúa Giêsu trả lời rằng nên nộp thuế, thì chính Ngài đã nhìn nhận Cesar là Chúa của mình, Ngài sẽ trở thành một kẻ bội giáo, mất tín nhiệm với số đông dân chúng. Còn nếu Ngài trả lời rằng không nộp thuế, thì Ngài sẽ bị tố cáo là kẻ chống lại hoàng đế, chống lại chính quyền Rôma. Thật ‘tiến thoái lưỡng nan’, trả lời thế nào cũng khó.

Đúng. Trả lời lời thế nào cũng mắc bẫy. Binh pháp Tôn Tử có nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Hôm ấy, Đức Giêsu “biết”, “biết họ có ác ý…”. Thế nên, Ngài đã đáp lời rằng: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình!”

Tiếp đến, Ngài đã dùng kế “điệu hổ ly sơn” để lôi cổ những con hổ giả hình Phariseu và phe nhóm Hêrôđê ra ánh sáng của chân lý và sự thật.

Dùng phương pháp thính thị, Đức Giêsu yêu cầu họ “cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”. Khi đồng tiền được đưa ra, Ngài hỏi họ rằng “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đồng thanh đáp “Của Xê-da”.

Của-Xêda-ư! Hôm đó, Đức Giê-su bảo họ rằng “Thế thì, của Xêda trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”. Tới đây, câu chuyện kết thúc, kết thúc rằng: “Nghe vậy, họ ngạc nhiên và để Người lại đó mà đi.”

***
Xưa, nhóm Phariseu và phe nhóm Hêrôđê đã “ngạc nhiên” về câu trả lời của Đức Giê-su. Còn chúng ta hôm nay, thì sao? Có ngạc nhiên không?

Vâng, đừng ngạc nhiên. Đừng ngạc nhiên là bởi: “Sứ mạng của Đức Giêsu khi đến trần gian là sứ mạng tôn giáo, là đưa nhân loại về với Thiên Chúa chứ không phải là chính trị. Chính Người đã từ chối làm vua, làm Messia đánh đông dẹp bắc theo mong đợi của người Do Thái. Câu trả lời của Đức Giêsu làm nổi bật chân lý ấy. Với sứ mạng tôn giáo, Đức Giêsu nhắc cho họ nghĩa vụ phải trở về với Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa những gì là của Thiên Chúa. Những kẻ chất vấn muốn nhìn Đức Giêsu dưới gốc độ chính trị thì Người làm cho những kẻ có lập trường chính trị phải thấy Người là con người tôn giáo.”

Lm. Nguyễn Hữu An đã có lời chia sẻ như thế. Ngài Lm còn thêm lời, rằng: “Những gì của Xêda hãy trả cho Xêda. Xêda là hiện thân cho một đế quốc hùng mạnh và giàu có của một thời lịch sử đã qua. Xêda cũng còn là biểu tượng cho thế lực tiền bạc, tham vọng quyền bính và danh lợi dưới mọi hình thức trong xã hội ngày nay đối với mọi người.”

Do vậy, nếu có ngạc nhiên, thì hãy ngạc nhiên khi chúng ta đã là một Ki-tô hữu, nhưng lại sống một đời sống không phải là một Ki-tô hữu. Nếu có ngạc nhiên, thì hãy ngạc nhiên khi chúng ta đã là một Ki-tô hữu, nhưng lại “thờ quấy, phù phép.”

Nói theo cách nói của Đức Giê-su, đó là: “Ai đã tra tay cầm cầy mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9, 62).

Về điều này, thánh Phao-lô có một cái nhìn sâu sắc khi nói với tín hữu Galat, rằng: “Vậy, giờ đây tôi lấy lòng người đời , hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không còn là tôi tớ Đức Ki-tô.” (x.Gl 1, 10).

Đúng thế, sống Đạo, hay nói đúng hơn, sống đức tin là phải sống như lời Đức Giê-su đã truyền dạy. Sống Đạo, hay nói đúng hơn, sống đức tin là phải “rạch ròi” như những gì thánh Phao-lô đã tuyên bố.

Không! “Đức Giê-su”, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ rằng: “Ngài không ép buộc ta làm bất cứ gì, mà chỉ trông đợi ta tự nguyện phụng sự Ngài. Trên hết, Ngài đòi hỏi một tình yêu trung thực và vị tha, giống như tình yêu của Ngài đối với chúng ta”.

Vâng, tình yêu của Đức Giê-su là tình yêu “tự nguyện”. Ngài đã tự nguyện “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Ngài đã tự nguyện “hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cậy thập tự”, tại Golgotha.

Cũng tại Golgotha, Ngài đã “tự nguyện” thể hiện lòng vị tha của mình, qua lời nguyện, rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”.

Như xưa, Đức Giê-su đã tự nguyện. Hôm nay, chúng ta cũng sẽ tự nguyện? Chúng ta sẽ tự nguyện thực thi ý của Ngài “của Chúa, trả về cho Chúa”!

Petrus.tran

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Đừng khước từ lời mời ân sủng…

 Thánh Mát-thêu, một trong số mười hai môn đệ, đã ghi lại dụ ngôn này với tiêu đề: “Dụ ngôn tiệc cưới.”

Chúa Nhật XXVIII – TN – A
Đừng khước từ lời mời ân sủng…

tbd 141023a


Kể từ khi nguyên tổ Adam và Eva phạm tội mất hết ơn lành, theo lời Kinh Thánh ghi lại, thì “sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất”. Không để cho sự gian ác tồn tại và phát triển, Thiên Chúa đã đoán phạt con người bằng một trận hồng thủy. (x.St 6, 5-7).

Thế nhưng, “Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu. Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không nỡ với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta”, cho nên, Thiên Chúa đã ban cho con người một Đấng Cứu Thế.

Hơn hai ngàn năm xa trước đó, Đấng Cứu Thế đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa (con người)”. Ngài chính là Giê-su người Na-da-rét. Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại quê nhà, Đức Giê-su bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng.

Một ngày nọ, trong một lần đàm đạo với ông Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3, 16-18).

Hồi ấy, đã có kẻ “không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” Họ từ chối “lời mời ân sủng” của Thiên Chúa. Và tất nhiên, Đức Giê-su có lời lên án. Đã có lần Ngài trực tiếp nói họ là những kẻ cứng lòng tin. Và có lần Ngài dùng dụ ngôn như một cách nói lời lên án của mình. Thánh Mát-thêu, một trong số mười hai môn đệ, đã ghi lại dụ ngôn này với tiêu đề: “Dụ ngôn tiệc cưới.”

**
Dụ ngôn được kể, rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình”. Vâng, tiệc cưới do một ông vua làm chủ tiệc, chắc hẳn sẽ là vinh dự cho những ai được mời! Đúng vậy. Rất, rất vinh dự.

Ấy thế mà, khi “nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến.”

Không nản lòng, “nhà vua lại sai các đầy tớ khác đi và dặn họ: Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới.”

Than ôi! lần mời thứ hai, cũng chẳng có ai tham dự. Chuyện kể rằng: “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại còn bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn…” Tệ hơn nữa, có “những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết.”

Hai lần bị từ chối, đầy tớ bị hành hung đến chết, chuyện kể tiếp rằng: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng.”

Rồi khi những rắc rối đã được loại bỏ, nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ng đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới”.

Các người đầy tớ đã đi. Họ “đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại…” Cuối cùng, “Phòng tiệc cưới đầy thực khách”.

***
Tưởng chúng ta nên biết, cái cách ông chủ sai đầy tớ đi mời quan khách diễn tả trong dụ ngôn chính là phong tục của người Do Thái, thời đó. Đối với những bữa tiệc quan trọng như tiệc cưới, thiệp mời luôn được gởi đi trước, và thời gian đãi tiệc không được xác định rõ, cho đến khi mọi việc đã xong, chủ bữa tiệc mới sai đầy tớ đi mời lần cuối cùng. Đó là lý do, qua dụ ngôn, chúng ta đọc được đoạn văn ghi rằng: “đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước”.

Bây giờ, chúng ta cùng trở lại câu chuyện dụ ngôn. Vâng, qua câu chuyện dụ ngôn, Đức Giê-su muốn nói đến một sự thật phũ phàng, rằng: “quan khách đã được mời trước” nhưng lại từ chối không đến, chính là những người Do Thái, tiêu biểu là nhóm Pha-ri-sêu, các thầy thông luật, v.v…

Xưa, Thiên Chúa đã tuyển chọn họ làm dân riêng của Người. Nay, khi Con Thiên Chúa đến thế gian, họ được mời gọi “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, tiếc thay! họ đã khinh d, đã từ chối lời mời đó.

Khi Con Thiên Chúa là Đức Giê-su tuyên bố: “tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.” Họ, “Người Do Thái liền xầm xì phản đối.” Mô tả sự kiện bi thương này, tông đồ Gio-an viết: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (x.Ga 1, 11).

Và, kết quả là Thiên Chúa (ông chủ tiệc cưới) chuyển lời mời gọi đến với tất cả mọi người, “bất luận tốt xấu”, trong số người đó, có chúng ta.

Có-chúng-ta. ĐTC Phan-xi-cô khẳng định như thế. Và, đó là lý do ngài Phan-xi-cô có lời chia sẻ đáng ghi nhớ, rằng: “Chúa cũng gọi những người xấu. Tôi có thể nói: ‘Không, tôi xấu lắm, tôi đã làm nhiều điều...’. Không. Ngài gọi bạn: ‘Đến, hãy đến, cứ đến!’. Chúa Giêsu đã dùng bữa với những người thu thuế, họ là những người tội lỗi công khai, ở đó, họ là những người xấu… Chúa Giê-su, Thiên Chúa không sợ những thương tích trong tâm hồn của chúng ta bởi nhiều điều xấu, vì Ngài yêu chúng ta, Ngài mời gọi chúng ta.” (nguồn: internet).

Vâng, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta, lời mời ân sủng. Nhưng thật đáng tiếc! Tiếc vì những lý do quan khách trong dụ ngôn đưa ra để khước từ dự tiệc rất có thể cũng là lý do của chúng ta, hôm nay.

Đó không hẳn là những lý do xấu. Chúng ta phải đi làm. Chúng ta bận buôn bán. Chúng ta còn đó một gia đình cần cơm ăn áo mặc, v.v… Thật “đáng yêu” khi chúng ta không khước từ lời mời để đi bar, để đi đến vũ trường, để nhậu nhẹt say sưa, hoặc để làm những việc bất nhân, thất đức.

Nhưng, rất có thể vì những lý do tưởng như là hợp lý (nêu trên) khiến chúng ta dễ bận rộn với những “điều tạm bợ chóng qua” mà quên đi những điều đem lại “sự sống đời đời.” Do vậy, đừng quá chú trọng vào những lời mời gọi của thế gian mà hãy lắng nghe tiếng mời gọi dịu dàng của Đức Giê-su: “Hãy đến cùng Ta… hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (x.Mt 11, 28).

Thế nên, thật ý nghĩa cho việc chúng ta cùng nghe lời chia sẻ của một vị truyền giáo, lời chia sẻ, rằng: “Thảm kịch của đời sống chính là những cái tốt thường làm hỏng điều tốt nhất. Người ta có thể quá bận rộn mưu sinh mà quên lo cho cuộc đời mình, quá bận rộn với việc tổ chức và quản trị đời sống mà quên đi chính đời sống.” (nguồn: internet). Tất nhiên, chúng ta nên hiểu, đời sống ở đây chính là “đời sống đức tin”.

Trong dụ ngôn, Đức Giê-su còn nói đến hình phạt dành cho những ai khước từ lời mời dự tiệc. Vâng, đừng xem đó như là một sự dọa dẫm, nhưng hãy xem như một lời “cảnh báo”, cảnh báo rằng, nếu khước từ, chúng ta sẽ có một sự mất mát lớn.

Sự mất mát lớn, đó là mất niềm vui của tiệc cưới, “một bữa tiệc cưới Thiên Đàng”, nơi chúng ta sẽ được đồng bàn với Đức Giê-su, với Cha Ngài, với Chúa Thánh Thần.

****
Trở về với thực tại cuộc sống hôm nay. Hôm nay, Đức Giê-su chính là người “sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách”. Đầy tớ của Ngài là những vị Giám Mục, là những vị linh mục. Các quan khách là chính chúng ta.

Những vị đầy tớ Giám Mục, đầy tớ linh mục sẽ “thỉnh” chúng ta đến tham dự “Bữa Tiệc Thánh Thể”. Các vị đầy tớ này sẽ nói, rằng: “Này cỗ bàn đã xong…” Và rằng: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian: Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Chúng ta sẽ đến tham dự! Hay chúng ta sẽ khước từ! Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta tham dự, đừng quên “mặc y phục lễ cưới”.

Tại sao lại đừng quên? Thưa, là bởi, trong câu chuyện dụ ngôn, khi “quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới”, nhà vua mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? Người ấy câm miệng không nói được gì.” Kết quả, kết quả thật khủng khiếp. Người “không mặc y phục lễ cưới”, bị những người phục dịch, “trói chân tay… quăng ra chỗ tối tăm… ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”

Kính thưa quý vị. Quý vị có kinh ngạc và khó hiểu về điều này! Nếu có… vâng, nếu có, chúng ta hãy cùng nghe ĐTC Phan-xi-cô, trong một buổi đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, đã có lời chia sẻ, rằng: “Chúa đặt ra một điều kiện: mặc áo cưới. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện dụ ngôn. Khi phòng đã chật kín, nhà vua đi vào và chào đón những vị khách của giờ cuối, nhưng ông thấy một trong số họ không mặc y phục lễ cưới, loại áo mà mỗi khách được nhận như một món quà ở lối vào. Khi họ đến, họ ăn mặc thế nào, họ không ăn mặc kiểu lễ hội.

Nhưng họ được tặng một loại áo choàng ở lối vào, một món quà, một món quà miễn phí. Và người không mặc y phục là vì đã từ chối món quà, món quà miễn phí đó, đã tự mình loại trừ chính mình: vậy nhà vua không thể làm gì khác hơn là đuổi người ấy ra bên ngoài. Tại sao vậy? Bởi vì anh ấy không chấp nhận món quà. Bởi vì lời mời gọi của Chúa Giêsu, lời mời gọi của Thiên Chúa là một món quà. Là một ân sủng.”

Nếu xưa kia, khi tham dự tiệc cưới, Chúa đặt điều kiện: phải mặc y phục lễ cưới, thì hôm nay, khi tham dự Bữa Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su, qua môi miệng thánh Phao-lô, Ngài cũng đặt điều kiện, điều kiện rằng: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này… Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.” (x.1Cor 11, 27-29). Nên chăng, gọi điều kiện này là y-phục-lễ-cưới của chúng ta, hôm nay!

Trở lại buổi đọc Kinh Truyền Tin của ĐTC Phan-xi-cô với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô. Hôm ấy, ĐTC có lời dạy rằng: “Y phục lễ cưới - chiếc áo choàng này, là một món quà - tượng trưng cho lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không, miễn phí. Đó là ân sủng. Lời mời của Chúa, ngay cả việc Chúa đưa bạn đến dự tiệc, cũng là một ân sủng. Không có ân sủng, bạn không thể tiến một bước trong đời sống Kitô hữu. Tất cả đều là ân sủng.”

Vâng, tất cả đều là lời mời ân sủng. Được tham dự Bữa-Tiệc-Thánh-Thể là ân sủng Chúa ban. Ân sủng Chúa ban cho chúng ta, đó là “sẽ được sống muôn đời” (x.Ga 6, …58).

Do vậy, “đừng khước từ lời mời ân sủng.”

Petrus.tran

Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2023

Chớ để mình là tá điền sát nhân

 Chúa Giê-su đã minh họa cái cách mà người Do Thái đón tiếp mình, qua một dụ ngôn có tên là “những tá điền sát nhân”. Dụ ngôn này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 21, 33-43).

Chúa Nhật XXVII – TN – A
Chớ để mình là tá điền sát nhân

tbd 061023a

 

Chỉ còn khoảng bảy tuần nữa, chúng ta sẽ chấm dứt mùa thường niên. Chấm dứt mùa thường niên, lịch phụng vụ sẽ được bắt đầu bằng mùa Vọng. Nói đến mùa Vọng, hẳn rằng ai trong chúng ta cũng nghĩ đến ngày lễ kỷ niệm Chúa Giê-su giáng trần.

Hai ngàn năm xa trước đó, Chúa Giê-su đã giáng trần rồi. Thế nhưng, “nếu Chúa Giê-su định quay lại cõi trần này theo cung cách (như) Người đã đến lần thứ nhất, (chúng ta) thử nghĩ xem, Người sẽ được đón tiếp như thế nào?”

Đó, đó là câu hỏi Lm. Charles E.Miller nêu ra. Lm. Charles đã nêu ra và ngài kèm thêm một câu hỏi, hỏi rằng: “Liệu cuộc đón tiếp của (chúng ta) ngày nay có khác gì cuộc đón tiếp đã xảy ra hàng bao thế kỷ trước tại xứ Giu-đê?”

Hàng bao thế kỷ trước tại xứ Giu-đê, người Do Thái đã “đón tiếp” Chúa Giê-su như thế nào? Vâng, trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, Chúa Giê-su đã minh họa cái cách mà người Do Thái đón tiếp mình, qua một dụ ngôn có tên là “những tá điền sát nhân”. Dụ ngôn này được ghi trong Tin Mừng thánh Mát-thêu. (Mt 21, 33-43).

**
Dụ ngôn được kể rằng: “Có gia chủ nhà kia trồng được một vườn nho, chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi phương xa” (x.Mt 21, 33). Và rồi, theo thời gian, khi “gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi”.

Đầy tớ của ông chủ đã đến gặp các tá điền và nghĩ rằng mọi sự sẽ tốt đẹp. Nào ngờ, thật tàn nhẫn: “bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ”.

Chuyện, chuyện như thế này có xảy ra nơi cuộc sống đời thường? Thưa có. Có xảy ra, nhưng khác hơn một chút. Tôi (người viết), có một người bạn sinh sống ở Đức. Người bạn này, sau một thời gian làm ăn và dành dụm được một số tiền. Anh ta gửi về Việt Nam và nhờ những người thân trong gia đình đầu tư địa ốc. Sau một thời gian, anh ta về Việt Nam và nghĩ rằng sẽ thu được “hoa lợi” trong việc đầu tư của mình.

Than ôi! Hoa lợi đâu không thấy, chỉ thấy những khuôn mặt mốc của những thân nhân trong gia đình phán một câu “thua lỗ hết rồi”. Thật hư thế nào, chỉ có trời mới biết. Thưa kiện ư! Không được, vì về mặt pháp lý, anh ta đâu có đứng tên sở hữu bất cứ thứ gì đã được thân nhân của anh đầu tư! Kết quả cho việc thu hoa lợi là gì! Cút về Đức. Mà, như vậy cũng là may mắn hơn những người đầy tớ trong dụ ngôn, phải không, thưa quý vị!

Trở lại câu chuyện dụ ngôn. Trước sự kiện tàn nhẫn của những tá điền, ông chủ vẫn lặng thinh. Chuyện kể tiếp rằng: “ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước”.

Đông-hơn-trước là đông hơn bao nhiêu! Vâng, thánh sử Mát-thêu không đề cập tới. Chỉ thấy ngài ghi rằng: “nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.”

Tới đây, lẽ ra gia chủ phải dùng vũ lực để trị đám tá điền bất nhân mới đúng, phải không, thưa quý vị! Thế mà, ông ta vẫn nhẫn nại. Chuyện kể rằng: “Ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: Chúng sẽ nể con ta”.

Bọn tá điền có nể không? Thưa, không. Tại sao không? Do lòng tham. “Khi lòng tham nổi lên trong lòng con người ta, thì họ sẽ trở nên mù quáng, lòng tham sẽ khiến họ phạm những tội ác dã man không thể tưởng tượng được”. Lm. Ansgar Phạm Tĩnh SDD, trong một bài viết, có lời chia sẻ như thế.

Vâng, câu chuyện vua A-kháp như một minh chứng cho điều chia sẻ nêu trên. Vua A-kháp rất muốn trở thành chủ nhân vườn nho của ông Na-vốt. Nhà vua nói với ông Na-vốt rằng: “Hãy nhượng vườn nho của ngươi cho ta, để ta làm vườn rau, vì nó ở ngay sát cạnh nhà ta. Để bù lại, ta sẽ cho ngươi một vườn nho tốt hơn, hay là, nếu ngươi muốn, giá bao nhiêu, ta sẽ trả bằng bạc.” Ông Na-vốt nói với vua: “Tôi sẽ không nhượng gia sản của tổ tiên tôi cho vua.”

Lời từ chối của Na-vốt khiến vua A-kháp “buồn rầu và bực bội”. Hoàng hậu I-de-ven, vợ của vua A-kháp biết được nỗi buồn của vua nên đã bày mưu lập kế, vu oan cáo vạ ông Na-vốt “tội nguyền rủa Thiên Chúa và đức vua.”

Mưu kế của I-de-ven thành công. Và rồi “Na-vốt đã bị ném đá cho chết”. Khi nghe biết ông Na-vốt đã chết, vua A-kháp liền “chiếm đoạt vườn nho ông Na-vốt” (x.1V 21, 16).

Trở lại câu chuyện dụ ngôn, quả thật, đúng là vì lòng tham, nên khi bọn tá điền “vừa thấy người con, thì bảo nhau: Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó”. Và, bọn họ đã làm vậy. Bọn họ “bắt lấy cậu quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi”.

***
Không cần phải tưởng tượng nhiều, chúng ta cũng nhận ra người con trai trong dụ ngôn chính là Chúa Giê-su. Và, cái cách đón tiếp Chúa Giê-su (hồi ấy), trong thực tế, đúng là như thế đấy. Rất khủng khiếp! Có thể nói như thế.

Giê-su đã được Gia-vê Thiên Chúa sai đến thế gian. Trước tiên là đến Be-lem. Be-lem đã đón tiếp Ngài “trong máng cỏ”, vì cha mẹ Ngài “không tìm được chỗ trong nhà trọ”.

Có thật nhà trọ hết chỗ, hay là con của Gia-vê Thiên Chúa (gia chủ vườn nho) không được hoan nghênh, tại đây!

Giải mã cho câu hỏi nêu trên, Lm Charles có lời chia sẻ: “Cuộc sống công khai của Đức Giê-su đầy dẫy những tranh cãi do các giáo huấn và lời rao giảng của Ngài. Lòng trắc ẩn của Đức Giê-su đối với kẻ nghèo và những người đau ốm bệnh hoạn, gây phẫn nộ, chỉ vì Ngài đã làm các việc lành trong ngày Sa-bát.”

Hồi ấy, Israel không hoan nghênh “lời hứa ban Thánh Thể” của Chúa Giê-su. Một số môn đệ của Chúa Giê-su đã bác bỏ, rút lui. Cuối cùng, một làn sóng căm ghét, được kích động bởi nhóm Phariseu, bùng phát lên. Nó đã tạo ra sự phẫn nộ, dẫn đến cái chết của chính-người-con-trai, mà Gia-vê Thiên Chúa đã sai đến. Họ đã đóng đinh Chúa Giê-su trên thập giá, như một tên tội phạm.

****
Ngày nay, có vẻ như cái cách con người đón tiếp Chúa Giê-su cũng chẳng khác gì cái cách của dân tộc Do Thái xưa. Thái độ cố chấp, bội nghĩa và khước từ của con người hôm nay có vẻ như, “chẳng khác gì với nguyên tổ Adam và Eva”, năm xưa.

Thật vậy, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương có lời, rằng: “Thái độ loại trừ Thiên Chúa trở thành một hệ thống triết học và chính trị vô thần duy-vật-chất với những tên tuổi như Feuerbach, Karl Marx. Triết gia hiện sinh vô thần Nietzsche đã đặt trên môi miệng của một người điên đang xông vào đám người vô thần lời tuyên bố này: “Thiên Chúa đã chết! Thiên Chúa sẽ mãi mãi chết! Và chính chúng ta đã giết Người” (Nietzsche, Le Gai Savoir, Livre troisième, 125). Theo ông, phải giết chết Chúa để dành chỗ cho siêu nhân và cho ý chí quyền lực của con người.”

Ngài Lm. Phê-rô còn vẽ lên một bức tranh u tối của thế giới hôm nay: “Trong bối cảnh của thế giới hiện đại và hậu hiện đại, dụ ngôn còn soi sáng cho chúng ta hiểu về thực trạng đáng buồn hiện nay của thế giới, nhất là ở Châu Âu.

Đó là một thế giới bị thống trị bởi hiện tượng tục hóa và giải thiêng; chủ thuyết duy tương đối hóa lên ngôi như một thứ độc tài mới. Trong thế giới đó, Thiên Chúa bị quên lãng, bị loại trừ khỏi cuộc sống. Chúa Giêsu đã bị “loại ra khỏi vườn nho,” khỏi nền văn hóa được gọi là hậu Kitô giáo hay là bài Kitô giáo.

Jean Paul Sartre đã đặt trên miệng một người có cá tính đặc biệt tuyên bố này: “Không còn gì ở trên thiên đàng nữa, cả điều tốt lẫn điều xấu, không có ai có thể truyền lệnh cho tôi… Tôi là một con người, và mỗi con người phải tự khám phá lộ trình của mình.”

*****
Đúng, ông Jean Paul Sartre là một-con-người. Chúng ta cũng là một-con-người, nhưng là “người Ki-tô hữu”.

Ông Sartre khuyên “mỗi con người phải tự khám phá lộ trình của mình”. Không sai. Chúng ta đã khám phá “ra” lộ trình cho mình. Đó là lộ trình đi theo Chúa Giê-su, một Giê-su “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” (Ga 14,6).

Một Giê-su sẽ “đến gặp chúng (ta)” vào ngày sau hết. Một Giê-su rồi cũng sẽ đến thăm “vườn nho” của mỗi chúng ta. Ngài sẽ đến là bởi, khi đã là “người Ki-tô hữu”, chúng ta cũng là một “tá điền” của Thiên Chúa.

Người cũng sẽ “trồng một vườn nho (và) cho chúng ta vào canh tác”. Vườn nho chúng ta vào canh tác là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người chúng ta. Là tá điền được Chúa sai đi canh tác vườn nho của Ngài, nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao chăm sóc vườn nho để có thể sinh những trái nho thấm đậm vị ngọt, vị ngọt của “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”

Hãy nhớ, nếu “hoàn thành” nhiệm vụ, chúng ta sẽ được Chúa ban cho “Nước Thiên Chúa”. Vâng, hôm ấy, kết thúc dụ ngôn, Đức Giê-su tuyên bố: “Bởi đó… Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Thế nên, chớ để mình là những tá điền sát nhân. Nói rõ hơn, chớ là những tá điền “bất tuân phục thánh ý Thiên Chúa”. Chớ là những tá điền “thờ ngẫu tượng, ích kỷ, ghen tương đố kỵ, kiêu căng, tự mãn”. Chớ là những tá điền “vô ơn bạc nghĩa với tình yêu của Thiên Chúa”.

Bởi vì, những loại tá điền này, “khi ông chủ vườn nho đến… ông sẽ tru diệt chúng.” Tru diệt thế nào, chúng ta biết rồi: “hỏa ngục đời đời”.

Đức Giê-su đã kể rất nhiều dụ ngôn, và mỗi dụ ngôn Ngài kể “vẫn giữ nguyên giá trị cho chúng ta”, hôm nay. Vâng, sẽ rất giá trị cho đời sống đức tin của chúng ta, nếu chúng ta “không để mình là tá điền sát nhân”.

Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...