Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2024

Hãy biết làm đẹp lòng Chúa...

 Chúa Nhật – Lễ Thánh Gia Thất

Hãy biết làm đẹp lòng Chúa
 

tbd 281224a


Trước Lễ Giáng Sinh tám ngày, VOA Tiếng Việt loan báo một bản tin, như sau: “Một thiếu nữ 15 tuổi hôm 16/12 đã nổ súng tại một trường học ở tiểu bang Wisconsin, bắn chết một bạn học, một giáo viên, làm bị thương sáu người khác trước khi tự sát bằng súng lục. Thiếu nữ nổ súng là một học sinh tại trường, cảnh sát xác định là Natalie Rupnow, còn được gọi là Samantha.”

Ba tháng trước, tháng 9/2024, VOA Tiếng Việt cũng đã loan báo một vụ xả súng khác tại trường Apalachee ở Winder, Georgia. “Một học sinh 14 tuổi giết chết hai bạn học, hai giáo viên, đồng thời làm bị thương 9 người nữa trong một vụ xả súng tại một trường trung học ở bang Georgia hôm thứ Tư 4/9, chỉ vài tuần sau ngày khai giảng, các nhà chức trách cho biết. Đây là vụ nổ súng đầu tiên trong năm học mới tại Hoa Kỳ. Nghi phạm học tại trường được xác định danh tính là Colt Gray, 14 tuổi. Cậu ta đã bị giam giữ, sẽ bị khởi tố và bị xét xử như một người trưởng thành, Chris Hosey, giám đốc Cục Điều tra Georgia nói”.

Ông Donald Trump, khi nhận được tin, đã viết trên mạng xã hội rằng: “Chúng tôi xin chia buồn với các nạn nhân và người thân của những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện bi thảm ở Winder, Georgia. Những trẻ em đáng yêu đã bị một tên quái vật bệnh hoạn và mất trí cướp đi khỏi chúng ta quá sớm”. (nguồn: VOA Tiếng Việt).

Đó… đó chỉ là hai bản tin, trong hàng ngàn bản tin, trẻ vị thành niên phạm tội giết người.

Vâng, thật dễ để gọi nhóc tỳ Colt Gray là “một tên quái vật bệnh hoạn và mất trí”. Cái khó là tìm xem nguyên nhân nào, “động cơ” nào thúc đẩy (những) tên tội phạm nhí “ăn chưa no, lo chưa tới” này, phạm pháp!

Các nhà tội phạm học, xã hội học, tâm lý học đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân được nói tới nhiều nhất là do thiếu sự quan tâm (tình yêu thương) của gia đình, nặng nề nhất là ở những gia đình cha mẹ ly dị, ly hôn. Hoặc do những biến động của xã hội như chiến tranh. Và, cũng có thể là do ảnh hưởng của những chủ thuyết lệch lạc, đại loại như: chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết vô thần, và gần đây là sự cổ vũ cho một lối sống tự do, tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính.

Tất cả những lý do nêu trên, đúng… nhưng chưa đủ. Cái “chưa đủ”, đó là: con người thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa, trong tâm hồn mình. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa, con người sẽ không tuân giữ lề luật Chúa. Không tuân giữ lề luật Chúa, con người sẽ dễ phạm tội (phạm pháp), thế thôi!

Kinh Thánh có ghi nhiều bài học cay đắng khi một gia đình nào đó từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Gia đình nguyên tổ Adam và Eva, chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết, chỉ vì “(bỏ) trốn… để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa”, sau khi phạm tôi bất tuân, một thảm cảnh đã xảy ra, hai người con là Cain và Abel trở thành thù nghịch. Hậu quả, người anh Cain giết chết em mình là Abel.

Chúa Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình có cha, có mẹ. Đây là một gia đình với những con người thật. Người cha tên là Giu-se và người mẹ tên là Maria.

Như các gia đình khác trên thế gian này, gia đình Chúa Giê-su cũng đã phải đối diện với nhiều nan đề, chẳng hạn như: cơm-áo-gạo-tiền, hoặc là những mâu thuẫn nội tại v.v… trong cuộc sống thực tế của mình.

Thế nhưng, tất cả những nan đề đó đều được các thành viên trong gia đình giải quyết một cách tốt đẹp, trong tinh thần “có sự hiện diện của Thiên Chúa”.

Câu chuyện “Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do-thái”, được ghi trong Tin Mừng thánh Luca, như một minh chứng.

**
Vâng, chuyện được thánh sử Luca ghi lại như sau: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua”.


Tưởng chúng ta nên biết, lễ Vượt Qua là một ngày lễ rất quan trọng theo truyền thống phụng tự Do-thái giáo. Người Do Thái được dạy rằng: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là quy luật cho đến muôn đời.” (Xh 12, 14).

Năm ấy: “(Đức Giê-su) được mười hai tuổi”. Vì là-quy-luật-cho-đến-muôn-đời, thế nên “cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”.

“Xong kỳ lễ…” tức là sau một tuần trẩy hội, chuyện kể tiếp rằng: “hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (Lc 2, 43).

Vì sao cha mẹ Đức Giê-su chẳng-hay-biết? Thưa, chuyện là thế này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích.

(Điều này, cũng giống như ngày xưa, ở miền nam Việt Nam hồi thập niên 60, thế kỷ trước, vào nhà thờ dự thánh lễ, nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên, con cái còn nhỏ muốn ngồi bên nào cũng được).

Trở lại câu chuyện ông bà Giuse-Maria, hôm ấy hai ông bà “cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành”. Thế rồi, “sau một ngày đường, (ông bà) mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thân…”

Buồn thay! “không thấy con đâu”. Trong nỗi buồn-hiu-hắt-buồn, “hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem” tìm con.

Sau ba ngày… Vâng, chuyện kể tiếp rằng: “…hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ…” Trong Đền Thờ, hai ông bà nhìn thấy cậu bé Giê-su “Đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”.

Chỉ là cậu bé mười hai tuổi, thế mà “ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và lời đối đáp của cậu”.

Tìm thấy con và thấy con mình được những ông thầy dạy nơi Đền Thờ ca ngợi, thế mà chẳng thấy hai ông bà “hớn hở vui mừng”! Trái lại, Đức Maria và thánh Giu-se “sửng sốt”.

Sửng sốt nhìn con yêu, Đức Maria nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực nhọc tìm con!”

Cớ gì Đức Maria lại “phàn nàn” với con mình như thế! Phải chăng lời tiên tri của ông Si-mê-ôn đang văng vẳng bên tai Mẹ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”!!!

Hôm nay, họ khen con đấy! Ngày mai, họ sẽ đòi đóng đinh con thì sao! Lúc đó, chẳng phải lời ông Si-mê-ôn nói về Mẹ, ứng nghiệm: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”, đó sao!

Tất cả… tất cả những điều trình bày trên đây, chỉ là trí tưởng tượng của tôi (người viết).

Trở lại với Đức Maria, chuyện kể rằng, nghe Mẹ mình hỏi, Đức Giê-su hỏi lại một câu hỏi khác: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).

Có một sự thinh lặng đáng tiếc. Bởi vì: “ông bà không hiểu lời Người vừa nói.”

Như chúng ta thường thấy, trong gia đình khi cha mẹ và con cái “không hiểu” nhau, thì đó là một thảm họa. Thảm họa ra sao, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết rồi.

Thế mà, đối với gia đình Chúa Giê-su, dù cha mẹ không hiểu con, nhưng không vì thế mà thảm họa xảy ra. Tại sao! Thưa, vì có sự hiện diện của Chúa.

Thật vậy, theo lời kể của thánh Luca: “Sau đó, (Đức Giê-su) đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét, và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.”

Con thì hằng-vâng-phục… vâng phục cha mẹ. Mẹ thì hằng-ghi-nhớ… nhớ những điều con mình nói về Chúa Cha, chẳng phải đó là một gia đình có sự hiện diện của Chúa, sao!

***
Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay (29/12/2024) gọi là Lễ Thánh Gia. “Thánh gia hay còn gọi là Thánh gia thất, (tiếng Anh: Holy Family) là cụm từ để chỉ về một gia đình gồm ba thành viên, trong đó người cha là Giuse, người mẹ là Maria và người con trai là Giêsu.” (nguồn: internet).

Hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được “nhìn lại” một phần nhỏ sự sinh hoạt trong gia đình Đức Giê-su. Chỉ là một-phần-nhỏ, nhưng nó đủ làm cho (người khó tính mấy) cũng phải nhìn nhận, đây là một thánh-gia-thất.

Thánh-gia-thất không “thánh” qua những vầng hào quang “bởi do” các họa sĩ thường vẽ trên những bức chân dung của ba vị, nhưng là “bởi vì” đời sống của ba vị là một đời sống “vâng phục và vâng lời” Thiên Chúa.

Với người cha là thánh Giu-se, ngài đã rất nhiều lần “vâng lời và vâng phục” lời sứ thần Chúa truyền dạy.

Lần thứ nhất, ngài Giu-se đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đem vợ về nhà”.

Lần thứ hai, sau khi “sứ thần Chúa hiện ra báo mộng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” Ông Giu-se vâng lời.

Lần thứ ba. Sau khi Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra báo mộng cho ông: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”. Ông cũng đã vâng lời.

Còn với Đức Maria ư! Chúng ta biết rồi. Câu chuyện “Truyền tin cho Đức Maria” được ghi trong Tin Mừng Thánh Luca, đã cho chúng ta thấy một Maria, rất can trường, không sợ gian khổ hiểm nguy (có thể bị ném đá chết), cất tiếng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Cuối cùng là Đức Giê-su. Thánh Phao-lô, người được mệnh danh là tông đồ dân ngoại, đã mô tả sự vâng lời và vâng phục của Đức Giê-su đầy đau thương: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x.Pl 21, 6-8).

Vâng lời và vâng phục lời Chúa truyền dạy… Khó quá! Phải không, thưa quý vị!

****
Trở về đời sống thường nhật, chúng ta được biết, ở Hoa Kỳ có một ngày gọi là “American Family Day - Ngày tôn vinh vai trò quan trọng của gia đình tại Mỹ”.

“American Family Day” khuyến khích các gia đình dành thời gian cho nhau. Không giống như một số ngày lễ gia đình khác, việc tuyên bố ngày này không khuyến khích việc tặng quà. Thay vào đó, nó như một lời nhắc nhở các thành viên trong gia đình dành thời gian để chia sẻ, tâm sự, quan tâm và động viên lẫn nhau”(nguồn: internet).

Là một Ki-tô hữu, nên chăng chúng ta xem ngày Lễ Thánh Gia là “ngày gia đình của các Ki-tô hữu!” Vâng, chắc chắn là vậy rồi.

Thế nên, Chúa Nhật hôm nay, hãy nghĩ thật nhiều đến gia đình mình. Nghĩ đến và tự hỏi, gia đình chúng ta có là bản sao gia đình Na-da-rét!

Không… không quá khó đâu! Để trở thành bản sao gia đình Na-da-rét, chúng ta chỉ cần “vâng phục và vâng lời” những gì Thiên Chúa truyền dạy.

Và đây, đối với vợ chồng, Chúa Giê-su truyền dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.

Với người vợ, Thiên Chúa, qua môi miệng thánh Phao-lô, truyền dạy rằng: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa… Như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy”.

Còn người chồng ư! “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Chồng phải yêu vợ như yêu chính mình”.

“Yêu vợ là yêu chính mình”. Thánh Phao-lô đã nói rất rõ ràng như thế, thưa quý anh em trong Chúa, của tôi!

Còn nữa, nói tới gia đình, chúng ta còn phải nói tới con cái. Về điều này, tuy thánh Phao-lô sống vào thời đại uy quyền của người gia trưởng (người cha) là số một. Thế nhưng, ngài có một lời khuyên rất phù hợp với thời đại của chúng ta ngày nay, lời khuyên rằng: “Người làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (x.Ep 6, 4).

Khó… rất khó để chúng ta thực thi những lệnh truyền nêu trên, trong một xã hội không còn tôn ti trật tự, như hôm nay. Thế nhưng, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta không thể không làm cho gia đình mình như là một bản sao của gia đình Na-da-rét, năm xưa.

Bởi vì, khi gia đình chúng ta như là một bản sao của gia đình Na-da-rét, khi đó gia đình chúng ta “Anh em hòa thuận. Vợ chồng ý hợp tâm đầu.” Đó là chưa nói tới, hàng xóm của chúng ta sẽ là những người “láng giềng thân thiết”.

Hãy biết rằng, nếu được như thế, KinhThánh nói, gia đình chúng ta là một gia đình biết làm đẹp… “đẹp lòng Đức Chúa” (x.Hc 25, …1).

Vâng, ngay hôm nay, bây giờ…chúng ta: Hãy biết làm đẹp lòng Chúa.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

Hãy phá kỷ lục về đức ái...

 Hãy phá kỷ lục về đức ái

tbd 201224a


Theo lịch phụng vụ, Chúa Nhật hôm nay (22/12/2024), chúng ta bước vào tuần thứ IV mùa vọng. Là tuần thứ IV, thế nên hầu hết các giáo xứ đều đã hoàn tất phần thiết kế hang đá Giáng Sinh.

Nếu bớt chút thời giờ theo dõi, chúng ta sẽ thấy rất nhiều kỷ lục về việc trang trí hang đá Giáng Sinh được “khoe” trên truyền thông mạng, đặc biệt là trên youtube.

Người ta khoe kỷ lục về chiều cao của cây thông. Tại giáo xứ Hà Phát, thật choáng ngợp khi nhà thờ này đã thiết kế một cây thông toàn bằng nón lá, với chiều cao của nó là 47 mét. Giáo xứ Minh Hòa cũng không kém cạnh gì. Ở đây, họ đã thiết kế một cây thông bằng lon bia (42.000 lon) và cao 30 mét, đứng sừng sững trong khuôn viên nhà thờ.

Có người lại khoe kỷ lục về sức nặng của ngôi sao. Giáo xứ Kim Bích… Vâng Kim Bích đã thiết kế một ngôi sao nặng gần chục tấn. Xem trên “yiu-tuýt” thấy cảnh cả chục thanh niên hò reo kéo ngôi sao lên tháp chuông nhà thờ khiến người xem không khỏi thót tim. Thót tim vì nói dại… chẳng may sợi dây dùng để kéo ngôi sao lên tháp chuông, bất ngờ “đứt”… Đứt thì sao! Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có câu trả lời.

Bây giờ, chúng ta tới giáo xứ Tây Hải (Hố Nai). Thật khó tin khi giáo xứ này trình làng một ngôi sao với cái giá đủ để sửa chữa một vài căn nhà rách nát cho người nghèo ở ven đô Saigon.

Một bác trai khoảng sáu mươi tuổi, có lẽ là một thành viên trong ban tổ chức, hí hửng trả lời phỏng vấn với một phóng viên nghiệp dư, về giá tiền của ngôi sao, rằng: “ba ‘chăm’ mấy chục ‘chiệu’ đấy!” Ông ta còn cho biết: “Tổng số tiền cho việc thiết kế hang đá Giáng Sinh của giáo xứ này khoảng một tỷ đồng.”

Có… có rất nhiều giáo xứ đua nhau thiết lập kỷ lục. Chính hiện tượng này khiến cho không ít người nghĩ rằng, dường như có một cuộc đua marathon về kỷ lục thiết kế hang đá Giáng Sinh đang xảy ra trên khắp các xứ đạo ở Việt Nam, thì phải!

Cách nay hơn hai ngàn năm xa trước đó, tại Palestin, có một người chuẩn bị cho ngày Giáng Sinh đầu tiên, (nếu được phép gọi là như thế), rất giản dị. Không ngôi sao, không cây thông, không đèn chớp tắt, nói “ngược” theo cách nói của Tú Xương, đó là “không hò, không hét, không y uông”, mà rất âm thầm, âm thầm với hai tiếng “xin vâng”. Người đó chính là một cô trinh nữ có tên là Maria. Ngày nay, chúng ta gọi là Đức Maria.

Là một con người thật, sau khi nhận được sứ điệp của Thiên Chúa qua sứ thần Gap-ri-en với lời xin vâng, Đức Maria đã có một hành động chưa từng thấy, đó là tự xem thân phận của mình như là một người “nữ tỳ” cho Thiên Chúa.

Người nữ-tỳ-cho-Chúa không chỉ nói lời xin vâng bằng môi miệng, nhưng còn bằng việc làm, đó là: “đem niềm vui đến cho tha nhân, và trao cho trái tim của họ niềm an ủi.”

Thánh sử Luca, người được mệnh danh là “người thầy thuốc yêu quý”, cho chúng ta thấy Đức Maria đã thể hiện tinh thần này cách ưu việt, qua câu chuyện “Đức Maria viếng thăm bà Êlisabet.”

Có thể nói câu chuyện này là một “minh chứng sống động”, một minh chứng sống động nói lên tinh thần Giáng Sinh của người nữ tỳ có tên là Maria, của mùa Giáng Sinh đầu tiên, năm ấy.

**
Câu chuyện được kể rằng: khi được sứ thần Gap-ri-en cho biết “bà Êlisabet tuy đã già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai…” Đức Maria liền “vội vã lên đường”. Vâng, Đức Maria đã lên đường “đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.”

Đi “đến miền núi” là nơi bà chị cư ngụ, thì quả đó là một cuộc hành trình đầy gian truân. Thế nhưng, dù gian truân là vậy, Đức Maria vẫn thực hiện đúng như lời Kinh Thánh truyền dạy: “Đừng ngại thăm nom người ốm” (Hc 7, 35). Nói cách khác, Đức Maria đã không “ngại núi e sông”.

Núi và sông, rồi cũng bị bỏ lại sau lưng. Nhà ông Da-ca-ri-a kia rồi. Và, Đức Maria đã “vào nhà ông…”. Rồi khi Đức Maria mở lời “chào hỏi bà E-li-sa-bét”, một điều kỳ diệu xảy ra, đó là: “Bà E-li-sa-bét vừa nghe tiếng (Đức) Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên…” Chưa hết, bà E-li-sa-bét còn được “đầy tràn Thánh Thần”.

Được đầy-tràn-Thánh-Thần, chuyện kể tiếp rằng: Bà E-li-sa-bét: “liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.”

Như đã có lời nhận định nêu trên, “Maria - người nữ tỳ của Chúa - không chỉ nói lời xin vâng bằng môi miệng, nhưng còn bằng việc đem niềm vui đến cho tha nhân, và trao cho trái tim của họ niềm an ủi.”

Và, hôm nay, tại nhà ông Da-ca-ri-a, điều đó đã trở thành hiện thực. Sự hiện diện của Đức Maria, đã đem đến cho bà E-li-sa-bét niềm vui, và bà đã bộc lộ niềm vui của mình rất chân tình, rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”.

Hôm ấy, bà E-li-sa-bét cảm nghiệm được một nguồn an ủi vô biên khi thấy Đức Giê-su, em mình: “thật có phúc”.

***
Trở lại với câu chuyện về kỷ lục. Vâng, đó là việc nên làm và cần làm. Thế nhưng, vấn đề là kỷ lục đó liệu có sinh ơn ích gì cho con cái Chúa! Liệu kỷ lục đó có làm cho niềm tin của con cái Chúa trưởng thành hơn! Liệu kỷ lục đó có làm cho con cái Chúa tăng trưởng đức bác ái, lòng nhân hậu, sự từ tâm, lòng trung tín, sự hiền hòa và sự tiết độ!

Đừng tưởng rằng, để chuẩn bị cho ngày Giáng Sinh, Đức Maria không thiết lập kỷ lục cho riêng mình. Này nhé! Đầu tiên, Đức Maria đã phá kỷ lục môn “đi bộ.”

Từ miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, nơi Đức Maria cư ngụ, đến nhà bà chị E-li-sa-bét, theo các nhà chú giải Thánh Kinh, là một cung đường dài khoảng 160 cây số. Một trăm sáu mươi cây số “đường núi” thế mà cô thiếu nữ Maria đã không quản ngại về sự “ngăn sông cách núi”, cô Maria đã không “ngại núi e sông”. Và, cuối cùng là cô Maria đã tới nhà ông Da-ca-ri-a. Như vậy, chẳng phải là Đức Maria đã thiết lập kỷ lục về môn đi bộ cho mình, đó sao!

Chưa hết, ngoài việc phá kỷ lục môn đi bộ, một bộ môn thiên về thể xác, Đức Maria còn phá kỷ lục một bộ môn thiên về tinh thần. Đó là bộ môn “an ủi”.

Theo lời kể của thánh sử Luca, chúng ta được biết, “Đức Maria (còn) ở lại với bà E-li-sa-bét độ ba tháng, rồi (mới) trở về nhà.” (Lc 1, 56).

Ở lại để làm gì? Thánh sử Luca không đề cập đến. Thế nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng, để phụ giúp bà chị họ cho tới ngày mẹ tròn con vuông. Điều này… điều này chẳng phải là một niềm an ủi lớn cho bà E-li-sa-bét, đó sao! Vì thế, có gì để phản đối Đức Maria đã thiết lập kỷ lục bộ môn an ủi, cho mình!

Thật ra, Đức Maria còn thiết lập nhiều kỷ lục sau khi Đức Giê-su được sinh ra, lớn lên, ra đi rao giảng và cuối cùng là tử nạn trên đồi Golgotha.

Thế nên, hôm nay, nếu chúng ta muốn thiết lập một kỷ lục nào đó cho ngày lễ Giáng Sinh, không gì tốt hơn là hãy nhìn Đức Maria. Nhìn Đức Maria như là mẫu mực cho công việc cần làm và nên làm, này. Bởi vì, nhờ đó mà những kỷ lục được chúng ta thiết lập, sẽ mang lại ơn ích cho Giáo Hội, cũng như cho xã hội.

Thì đây. Nếu giáo xứ chúng ta không màng tới kỷ lục về chiều cao của cây thông, chúng ta sẽ giảm bớt được một ít kinh phí. Số kinh phí này làm “lộ phí” cho việc đến viếng thăm những trẻ em cô nhi bất hạnh, đến với những bà “Ê-li-sa-bét thời @” đang muốn phá thai, nói với họ những lời khuyên chân tình…

Vâng, hãy tin, giáo xứ chúng ta sẽ phá kỷ lục, kỷ lục có nhiều em bé vui mừng và có nhiều “đứa con trong bụng mẹ nhảy lên vui sướng”. Đúng không, thưa quý vị! Và, nếu đúng, chẳng phải là chúng ta đã làm “đẹp mặt” Giáo Hội, đó sao!

Chưa hết… còn nữa. Còn đó những bà Êlisabet-già-nua không nơi nương tựa, đang phải sống cô đơn nơi xó xỉnh của một nghĩa trang, hay một gầm cầu, nào đó. Còn đó là những bà Êlisabet đang “ẩn-mình-chờ-chết” trên giường bệnh vì không có tiền thuốc thang. Còn đó là những bà Êlisabet đơn thân với đàn con nhếch nhác v.v…

Phải làm sao! Thưa, giảm bớt vài tấn về sức nặng của “cái ông sao” mà giáo xứ của chúng ta dự định trình làng cho thiên hạ chiêm ngưỡng, vào mùa Giáng Sinh năm nay. Hãy mang cái số “tấn” giảm bớt đó biến thành những tấn gạo, tấn mì, tấn bột, tấn đường, tấn sữa đem tặng cho những bà E-li-sa-bét được nêu trên.

Làm như thế, có phần chắc, giáo xứ chúng ta sẽ phá kỷ lục, kỷ lục có nhiều bà E-li-sa-bét thời nay lớn tiếng kêu lên: “Bởi đâu tôi được quý linh mục, quý ân nhân đến với tôi thế này?”

Còn… còn rất nhiều kỷ lục chúng ta cần làm và nên làm. Chẳng hạn như, hãy giảm bớt kỷ lục về chiều dài của những dây đèn chớp tắt, mà hãy tăng độ dài của con đường từ nhà thờ đến nhà giáo dân, hầu cho giữa vị linh mục và người tín hữu có thể kết nối nhau thành những dây đèn phát ra ánh sáng: Ánh Sáng Chúa Ki-tô. Nhờ ánh sáng Chúa Ki-tô, giáo xứ chúng ta sẽ phá kỷ lục về sự chia sẻ giữa linh mục và người tín hữu về những niềm vui nỗi buồn trong đời sống đức tin, đức cậy và đức ái.

Thế nên, hãy quên đi những kỷ lục, những kỷ lục khi nói đến chỉ là phô diễn cho sự giàu có của giáo xứ chúng ta. Đó là một mối nguy hiểm. Bởi vì, khi giáo xứ chúng ta phô diễn sự giàu có, Đức Maria cảnh báo: “Người giàu có, lại đổi về tay trắng.” (Lc 1, 53).

Lễ Giáng Sinh gần kề. Và, ngày Chúa Giê-su xuống thế làm người đã xảy ra hơn hai ngàn năm. Hồi ấy, ngày Chúa Giáng Sinh: “Có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế, cho loài người Chúa thương.”

Hôm nay, ngày Lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, chúng ta sẽ làm gì! Nên chăng, chúng ta tiếp tục cất tiếng hát, hát bài hát mà các thiên binh và sứ thần đã cất tiếng hát, năm xưa? Thưa, nên là vậy. Bởi vì, “bình an dưới thế - cho loài người” là điều khẩn thiết cho thế giới đầy bất an, hôm nay.

Chúa… Chúa rất muốn ban “bình an dưới thế, cho loài người Chúa thương”. Và, chúng ta chính là “khí cụ bình an của Chúa”. Để chúng ta “đem yêu thương…” đến với tha nhân. Mà, làm sao chúng ta có thể thể hiện tình yêu thương, nếu không có lòng bác ái! Thế nên, trước hết và trên hết, chúng ta hãy là người đầu tiên phá kỷ lục về đức ái.

Vâng, để cho ngày Chúa Giáng Sinh là một ngày bình-an-dưới-thế-cho-loài-người, chúng ta “Hãy phá kỷ lục về đức ái”.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Tôi biết, tôi phải làm gì

 http://gpbanmethuot.com/trang-ban-doc/toi-biet-toi-phai-lam-gi-75576.html

Tôi biết, tôi phải làm gì

tbd 131224a


Theo lịch phụng vụ, chúng ta đang tiến dần đến tuần lễ cuối cùng của mùa vọng. Như vậy, lễ Giáng Sinh gần kề. Giáng Sinh gần kề, sự kiện này đã được báo điện tử VOA Tiếng Việt mô tả trong một bản tin đăng tải trên internet, như sau: “Cơn sốt Giáng Sinh đã bắt đầu. Từ những màn trình diễn ánh sáng huyền bí, các chợ Giáng Sinh sôi động, cho đến những ông già Noel làm bằng Lego - cả thế giới đang hòa mình vào không khí lễ hội. Ông già Noel đã ghé thăm Vườn Tivoli, một trong những công viên giải trí lâu đời nhất thế giới ở Đan Mạch, để chính thức khai mạc mùa Giáng Sinh...”

Đúng, cả thế giới đang chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh. Nhiều người lên kế hoạch cho bữa tiệc réveillon. Nhiều người đang quay cuồng với việc mua sắm. Vui, nói chung là niềm vui đang phủ trùm lên khắp mọi nhà. Những điều đó, không có gì lạ, vì đó là thú vui cố hữu của người đời.

Đối với người Công Giáo, thì sao! Thưa, vui thì cũng có vui, đấy! Tuy nhiên, không như người đời, họ chỉ vui với những niềm vui chóng qua, còn người Công Giáo, có vui cũng là “vui luôn trong niềm vui của Chúa.”

**
Hơn hai ngàn năm xa trước đó, người Do Thái đã cảm nghiệm được niềm vui này. Tại sông Gio-đan, họ đã gặp được một người tên là Gio-an. Ông Gio-an đã đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta “chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3).

Sự kiện này khiến người Do Thái vui mừng tột độ. Họ đã hòa mình vào niềm vui đó bằng sự sám hối chân thành. Thánh sử Luca cho biết, có rất nhiều người: “lũ lượt kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa.”

Nhìn dòng người thập phương lũ lượt kéo đến, ông Gio-an không khỏi không kinh ngạc vì thấy có quá nhiều thành phần trong xã hội. Và, ông đã nghĩ rằng, có một ai đó trong nhóm người này chưa thật tâm. Do vậy, ông lớn tiếng nói: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” Nói xong, ông đưa ra một lời cảnh báo, lời cảnh báo, rằng: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối”.

Lời cảnh báo của ông đã dứt dấy tâm hồn những người đến với ông. Họ hỏi ông: “Chúng tôi phải làm gì đây?” Ông Gio-an Tẩy Giả trả lời rằng: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”.

Trong nhóm người kéo đến xin ông Gio-an làm phép rửa, thánh sử Luca cho biết: “Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa.”

Vâng, họ không thể an tâm khi ông Gio-an nói rõ ràng, rằng: “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Do vậy, họ đã hỏi ông Gio-an: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?”. Ông Gio-an bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh”.

Binh lính, mấy người binh lính cũng bị tác động, họ đã hỏi, như những người thu thuế đã hỏi: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? Ông Gio-an có lời khuyên: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”

Nghe những lời khuyên bảo kèm với những cảnh báo của ông Gio-an, nhiều người tự hỏi: “biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a!”

Để xua tan mối bận tâm của họ, ông Gio-an giải thích rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”.

Cuối cùng, ông Gio-an: “còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ”.

***
Thánh sử Luca không trực tiếp nói cho chúng ta biết nhiều-điều-khác-nữa mà ông Gio-an đã khuyên dân chúng, là những điều gì! Tuy nhiên, một cách gián tiếp, ngài Luca đã cho chúng ta nghe lại những lời đã được chép trong sách ngôn sứ I-sai-a, được cho là nói về ông Gio-an, về những gì mà ông đã khuyên nhủ dân chúng trong hoang địa.

Những lời được chép trong sách ngôn sứ I-sai-a như sau: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 4-6).

Nhắc đến lời khuyên nhủ này để làm gì? Thưa, để chúng ta nhận thức được rằng, niềm vui Giáng Sinh không hệ tại ở việc du lịch, mua sắm, tiệc tùng, dancing v.v… là những thú vui thói đời chóng qua, nhưng là hồng phúc “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.

Ơn cứu độ của Thiên Chúa phải là niềm vui Giáng Sinh của chúng ta. Bởi vì, khi vui Giáng Sinh với niềm vui này, đó là chúng ta “vui luôn trong niềm vui của Chúa.”

Xưa, chính thánh Phao-lô đã khuyến khích những người tín hữu Phi-líp-phê, như thế đấy! Ngài Phao-lô đã nói rằng: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến.” (Pl 4, 4-5).

Sống “hiền hòa rộng rãi” chẳng phải là làm theo những gì ông Gio-an đã khuyên bảo, sao! Và, lời nhắc nhở “Chúa đã đến gần” có gì sai, khi chúng ta cũng đang mong chờ ngày Chúa lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết!

Nếu niềm vui Giáng Sinh của chúng ta là một niềm vui vui-luôn-trong-niềm-vui-của-Chúa, chúng ta có Chúa trong tâm hồn mình. Có Chúa trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ có thể thực thi những gì ông Gio-an khuyên bảo.

Có Chúa trong tâm hồn mình, chúng ta không thể không chạnh lòng thương xót trước những kẻ thiếu ăn, thiếu mặc. Có Chúa trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ không ngần ngại cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới áo mặc. Nói theo cách nói của ông Gio-an, đó là: chúng ta “sẽ chia cho người không có” những gì mình có dư thừa.

Có Chúa trong tâm hồn mình, lẽ nào chúng ta lại hà hiếp những kẻ thân cô thế cô! Có Chúa trong tâm hồn mình, lẽ nào chúng ta lại giở trò tống tiền với những kẻ sa cơ thất thế!

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng, niềm-vui-của-Chúa, chính là một thứ chất dinh dưỡng tuyệt hảo, giúp kích thích những loài hoa: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”, là những loài hoa đang được vun trồng nơi vườn hoa tâm hồn của chúng ta, phát triển và nở rộ.

Được như thế, nói không sợ sai, đó là chúng ta đã “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối.”

****
Một ngày nọ, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.


Do vậy, hôm nay, sau khi nghe những lời khuyên bảo của ông Gio-an, chúng ta không thể không thi hành. Không thi hành, nói cách khác, không-sinh-hoa-kết-quả, chúng ta chỉ là “hạt giống lép”. Mà đã là giống lép, ông Gio-an nói rồi, Đấng, mạnh-thế-hơn-tôi: “Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân; thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn (giống) lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (x.Lc 3,17).


Thưa quý bạn, chắc hẳn quý bạn và tôi, không ai trong chúng ta muốn mình là “hạt giống lép”! Không muốn là hạt giống lép! Vậy thì, hãy vui Giáng Sinh trong-niềm-vui-của-Chúa.

Bởi vì, như đã nói ở trên, trong niềm vui của Chúa, chúng ta có Chúa. Có Chúa, chúng ta có được sức mạnh Thánh Thần, hầu có thể thực thi những lời khuyên bảo của ông Gio-an.

Cuối cùng, khi có Chúa, thay vì hỏi: Tôi phải làm gì đây? Chúng ta sẽ mạnh mẽ lớn tiếng nói, nói rõ ràng, rằng: Tôi biết, tôi phải làm gì.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

Có sám hối – có ơn cứu độ

 Chúa Nhật – II – MV – C

Có sám hối – có ơn cứu độ

tbd 061224a

Như chúng ta được biết, trong một năm thời tiết trên trái đất không đồng đều. Có những tháng nhiệt độ tăng cao, có những tháng nhiệt độ hạ thấp. Các giai đoạn nhiệt độ thay đổi, được gọi là mùa.

Trên thế giới, trong một năm có những nơi có bốn mùa rõ rệt: mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Có những nơi, chỉ có hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Ở Việt Nam, rất đặc biệt. Miền bắc có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Trái lại, miền nam chỉ có hai mùa: mưa - nắng.

Thưa quý bạn! Quê của quý bạn ở đâu? Riêng em (người viết): “Quê em hai mùa mưa nắng. Hai thôn nghèo nối liền bờ đê. Từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè. Như bức tranh gợi tình quê đậm đà. Lời ru con tiếng võng đong đưa. Ai chờ ai thương dòng nước u buồn.” (Gợi nhớ quê hương – Tác giả: Thanh Sơn).

Vâng, không liên quan gì đến vùng miền. Niên lịch của người Công Giáo một năm có “năm mùa”. Năm mùa đó là: mùa vọng và mùa giáng sinh, mùa chay và mùa phục sinh, xen kẽ giữa bốn mùa nêu trên, là mùa thường niên.

Nếu mùa xuân thường bắt đầu vào tháng 2 cho đến hết tháng 4, thì mùa vọng và mùa giáng sinh được bắt đầu vào tháng 12 (tháng cuối năm), và kéo dài đến hết tuần thứ nhất của tháng giêng, năm kế tiếp.

Theo lịch phụng vụ, Chúa Nhật hôm nay (08/12/2024) chúng ta đã bước vào mùa vọng. Chính xác là tuần thứ II mùa vọng. Nếu chúng ta làm một cuộc bộ hành rảo quanh các ngôi nhà thờ, chúng ta sẽ thấy chương trình tĩnh tâm, cũng như chương trình Thánh lễ giáng sinh đã được niêm yết trang trọng trên bảng thông báo của nhà thờ.

Giờ cử hành Thánh lễ giáng sinh thì hầu như nhà thờ nào cũng na ná giống nhau. Nếu có khác, thì cũng chỉ chênh lệch ba mươi phút hoặc một tiếng đồng hồ là cùng.

Còn ngày tĩnh tâm và linh mục giảng phòng thì sao? Thưa, “trăm hoa đua nở - trăm giáo đường đua tiếng”. Nghĩa là mỗi giáo đường mỗi khác. Cái khác rõ nét nhất, đó là vị linh mục giảng phòng. Có giáo xứ mời linh mục thuộc dòng Đa minh. Có giáo xứ mời linh mục thuộc dòng Chúa Cứu Thế. Có giáo xứ “cây nhà lá vườn”, vị linh mục chánh xứ chính là vị giảng phòng.

Nếu bạn là linh mục chánh xứ, bạn sẽ mời ai? Nên chăng, chúng ta trở về Palestin của hơn hai ngàn năm xa trước đó, mời một vị có tên là Gio-an, đến giảng phòng! Nên… nên mời ông Gio-an lắm chứ!

Vâng, chính Giáo Hội đã mời ông Gio-an. Cứ đến mùa vọng, năm nào cũng thế, Giáo Hội luôn mời ông Gio-an, mời ông đến từng Giáo phận, vào tận từng ngôi thánh đường. Ông Gio-an sẽ rao giảng những điều ông đã rao giảng năm xưa tại sông Gio-đan, qua phần phụng vụ Lời Chúa. Với Chúa Nhật hôm nay, những lời rao giảng của ông Gio-an, được trích thuật trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 3, 1-6).

**
Vâng, trước hết, chúng ta cùng nghe thánh sử Luca nói đôi nét về ông Gio-an. Ông Gio-an là con của ông Dacaria, một vị tư tế thuộc nhóm Avigia, và mẹ ông là bà Elisabeth cũng thuộc dòng tộc tư tế Aharon.

Ông được sinh ra dưới sự quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ của ông “tuy là người hiếm hoi… và đã cao niên”, nhưng Thiên Chúa nhận lời cầu xin của cha ông, và đã cho ông ra đời cách đặc biệt.

Sau khi sinh được tám ngày, lúc ông Gio-an chịu phép cắt bì và đặt tên, thì Dacaria, cha của ông, được tràn đầy Thánh Thần và nói: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người” (Lc 1,76).

Và tiếp đến, là ba mươi năm sau. Ông Gio-an đã thực hiện đúng như lời tuyên bố của cha ông. Khi “có lời Thiên Chúa phán cùng (ông)”. Thánh sử Luca cho biết: “Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (x.Lc 3, 3).

Ngôn sứ I-sai-a, một vị ngôn sứ sống ở cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ VII TCN, có chép trong sách của mình rằng: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy được ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 4-6).

Theo thánh sử Mát-thêu, những lời chép của Isaia, chính là nói về ông Gio-an. (Mt 3, 3).

***
Qua phần trích thuật Tin Mừng thánh Luca, (nêu trên). Có thể nói, lời rao giảng của ông Gio-an năm xưa, rất ngắn gọn. Chỉ vọn vẹn chín chữ: tỏ-lòng-sám-hối-để-được-ơn-tha-tội.

Vâng, chỉ vọn vẹn có thế. Thế mà, nó lại tạo ra một cơn địa chấn, một cơn địa chấn làm chấn động “khắp vùng ven sông Gio-đan”. Âm hưởng của nó đã “động đến tâm hồn” rất nhiều người. Đã có rất nhiều người “từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê… kéo đến với ông (Gio-an). Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan” (Mt 3, 5).

Với chúng ta hôm nay, sau khi nghe lời “rao giảng kêu gọi” của ông Gio-an năm xưa, liệu âm hưởng của nó có động-đến-tâm-hồn chúng ta! Liệu chúng ta cũng sẽ thú tội, tỏ-lòng-sám-hối-để-được-ơn-tha-tội!

Sẽ thật là ngớ ngẩn khi một ai đó trong chúng ta nói rằng: Ồ! Tôi có làm gì nên tội mà phải tỏ lòng sám hối! Đừng, đừng bao giờ suy nghĩ như thế! Thánh Phao-lô, chẳng phải là có nói “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa”, đó sao! (x.Rm 3, 23).

Với vua David, ông ta… ông ta đã nhận rõ điều này nên đã cất tiếng thở than: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai”!!! (Tv 51, 7). Và rồi David đã lớn tiếng tỏ lòng sám hối: “Con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm… Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con xin Ngài thanh tẩy”.

Thế nên! Chúng ta không thể không tỏ lòng sám hối.

***
Chúng ta hãy tỏ lòng sám hối. Và, không gì tốt hơn là chúng ta hãy xem tiếng-hô-trong-hoang-địa của ông Gio-an như là “một bản kiểm thảo”, cho việc tỏ lòng sám hối của mình.

Hãy trải bản kiểm thảo đó trước mặt chúng ta, và hãy xem đó như một tấm gương để chúng ta “soi” lại tâm hồn mình. Soi lại, hầu cho chúng ta có thể “sửa lại mọi sự trong ngoài” chúng ta.

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có như là một “thung lũng”chất chứa đầy tội lụy!

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có như là một hố sâu ngập tràn rác rưởi của tội lỗi: “tội dâm ô, tội ô uế, tội phóng đãng, tội thờ quấy, tội phù phép, tội hận thù, tội bất hòa!”

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có như là một ngọn núi chất đầy “sự ghen tuông, sự nóng giận, sự tranh chấp, sự chia rẽ, sự bè phái, sự ganh tỵ, sự say sưa chè chén!”

Hãy soi, soi tâm hồn chúng ta, xem nó có giống như một con đường quanh co trải đầy sự dối trá, sự lừa lọc, sự gian xảo v.v…!

Hãy, hãy cẩn trọng soi xét tận cùng tâm hồn chúng ta. Bởi vì, nếu tâm hồn chúng ta vẫn còn vấy bẩn các-điều-đó (nêu trên), thánh Phao-lô khuyến cáo: “(chúng ta) sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (x. Gl 5, 19-21).

Không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa thì sao, nhỉ! Thưa, “sẽ (không) thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”, chứ sao nữa!

Vâng, chớ để điều tệ hại này xảy ra! Là một Ki-tô hữu, có ai trong chúng ta lại không muốn mình được “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”! Do vậy, đừng chần chờ gì nữa, hãy thực hiện những điều ông Gio-an đã hô trong hoang địa.

Hãy thực hiện, ngay hôm nay, bây giờ. Hãy san lấp những thung lũng chất chứa đầy tội lụy (trong tâm hồn chúng ta), bằng “sự sám hối” chân thành. Hãy bạt-cho-thấp những núi đồi chất ngất sự kiêu căng và tự mãn (trong tâm hồn chúng ta), bằng lối sống “hiền hòa, từ tâm.” Hãy uốn-cho-ngay những khúc quanh co của sự tranh chấp, chia rẽ, bè phái (trong tâm hồn chúng ta) bằng tình yêu thương, sự bác ái, lòng nhẫn nhục, sự nhân hậu, sự trung tín.

Có như thế và chỉ như thế, hết thảy chúng ta sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói ngắn gọn: Có sám hối – có ơn cứu độ.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện…

 “Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 27).

Hãy tỉnh thức và cầu nguyện…

Chúa Nhật I – MV – C
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện…

Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: sẽ có ngày tận thế. Và ngày đó, Đức Giê-su - “Người sẽ lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Đây là điều chúng ta tuyên xưng vào mỗi ngày Chúa Nhật và lễ trọng. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc đến ngày “Người sẽ lại đến”, có lẽ không ít người trong chúng ta lại cảm thấy “lòng xao xuyến”, lòng xao xuyến là bởi, khi nào “ngày ấy” sẽ xảy ra!

Các môn đệ xưa, cũng không là ngoại lệ. Hồi ấy, các ông đã gặp riêng Đức Giê-su và hỏi: “Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế.” Đức Giê-su trả lời rằng: “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, ngay cả những thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi.” (Mt 24, 36).

Vâng, không ai biết được ngày-và-giờ. Còn về “cứ điềm nào (để) biết ngày ấy” ư! Thưa, Đức Giê-su nói: “sẽ có những điềm lạ” . Và, sau khi nói lên những điềm lạ sẽ xảy ra, Ngài đã có những lời khuyến cáo mạnh mẽ đến với các môn đệ mình.

Đức Giê-su đã có lời khuyến cáo như thế nào! Những điềm lạ sẽ xảy ra, ra sao! Tất cả đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca. (Lc 21, 25-28.34-36).

**
Theo thánh sử Luca ghi lại, hôm ấy Đức Giê-su đã nói rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.” (Lc 21, 25-26).

Đức Giê-su, mở đầu với lời tuyên bố như thế, và nếu chỉ là như thế, thì sẽ thật là bất hạnh cho những ai đặt niềm tin vào Ngài. Làm sao không bất hạnh cho được, khi quyền-lực-trên-trời, quyền lực của Con Một Thiên Chúa, sẽ-bị-lay-chuyển!

Nhưng không, Đức Giê-su còn nói tiếp: “Bấy giờ, thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21, 27).

Nhóm Mười Hai, tuy thánh sử Luca không nói, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, sau khi nghe Thầy mình nói như thế, tinh thần các ông như được thêm phần hăng hái và tin tưởng.

Phải, phải nói là rất hăng hái và tin tưởng. Bởi vì Đức Giê-su đã có thêm lời rằng: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc.”

Anh-em-sắp-được-cứu-chuộc! Vâng, Đức Giê-su nói rất rõ ràng như thế. Và Ngài đã nói lên những lời khuyến cáo, rằng: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.”

Cuối cùng, một lời khuyên chân tình đã được Đức Giê-su gửi đến các ông, lời khuyên rằng: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21, 36).

***
Tất cả những gì các môn đệ muốn biết đã được Đức Giê-su công bố. Tất cả những gì cần phải làm để được-cứu-chuộc đã được Đức Giê-su phán truyền. Và thật phước hạnh thay, Chúa Nhật hôm nay (01/12/2024), qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được nghe Giáo Hội nhắc lại những điều cấp thiết này.

Đừng ngạc nhiên… đừng ngạc nhiên khi hôm nay Chúa Nhật I – Mùa Vọng, một mùa theo truyền thống, hướng đến lễ kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh, thế mà Phụng Vụ Lời Chúa lại nói đến ngày Đức Giê-su quang lâm và ngày tận thế.

Vâng, Mùa Vọng, chúng ta thường hướng đến việc kỷ niệm Chúa Giê-su Giáng Sinh. Nhưng, nếu chỉ có thế e rằng chưa đủ. Tại sao? Thưa là bởi, điều đó chưa phải là cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta. Mà, cứu cánh cho cuộc sống của chúng ta là gì? Chẳng phải là được cứu chuộc, sao!

Mùa Vọng, dịch từ tiếng La tinh “Adventus”, có nghĩa là “đến”. Vọng là trông mong, là mong đợi và hy vọng điều sắp đến.

Khi chúng ta trông mong, mong đợi và hy vọng, Lm.Charles E.Miller nói: “Chính là chúng ta hướng đến tương lai, một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống”.

Do vậy, ngài Charles tiếp lời, rằng: “Mùa Vọng phản ánh cuộc sống theo nghĩa mùa này cũng hướng về tương lai bằng hai cách. Thứ nhất, Mùa Vọng hướng nhìn về tương lai qua việc chuẩn bị đón mừng ngày 25/12, ngày Đức Ki-tô giáng trần. Thứ hai: Mùa Vọng chuyên chú trông đợi một tương lai bất định và có vẻ xa vời, lúc Đức Ki-tô sẽ ‘lại đến’ thế gian, kiện toàn vương quốc của Người. Anh chị em có thể gọi đây là ngày lễ tốt nghiệp của thế giới chúng ta”.

Cuối cùng, ngài Lm. kết luận: “Chúng ta trông mong và hy vọng vững vàng nơi ngày quang lâm của Đức Ki-tô vì chưng đã chấp nhận sự kiện Người đến lần thứ nhất với một lòng tin mạnh mẽ. Những gì Thiên Chúa hứa trong thời Cựu Ước đã được Đức Ki-tô làm trọn khi Người đến lần thứ nhất, và những gì Thiên Chúa hứa sau đó sẽ thành hiện thực trong ngày Đức Ki-tô lại đến lần thứ hai”.

Vì thế, Mùa Vọng: chúng ta vui mừng kỷ niệm ngày Chúa Giê-su xuống thế làm người. Nhưng đừng quên, còn đó là ngày Đức Giê-su sẽ lại đến trong vinh quang.

****
Xưa, các môn đệ là những nhân chứng chứng kiến Đức Giê-su được rước lên trời. Các ông còn được nghe “hai người đàn ông mặc áo trắng” nói rằng: “Đức Giê-su - Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời”. Ấy thế mà… thế mà hơn hai mươi thế kỷ, chuyện này vẫn chưa xảy ra.

Đúng vậy! Đức Giê-su, cho đến hôm nay, Ngài vẫn chưa “lại đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết”. Tuy nhiên, chưa lại đến, không có nghĩa là không lại đến.

Do vậy, chúng ta vẫn phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, vì những điềm lạ… những điềm lạ mà Đức Giê-su cảnh báo năm xưa, nay vẫn chưa chấm dứt, nó vẫn đang xảy ra mỗi ngày một nhiều và rất rõ.

Thì đây! Có “lạ” không! khi sự suy đồi đạo đức của con người hôm nay, còn hơn thời No-ê! Có lạ không! khi huấn quyền của Giáo Hội, đang bị một số ít Giám mục địa phương không thực hiện. (Chuyện này có thật, nha!) Như thế, chẳng phải là quyền-lực-trên-trời (quyền của Phê-rô) đang-bị-lay-chuyển, đó sao!

Có lạ không! khi con người “quát” vào mặt Thiên Chúa, rằng thì-là-mà: “Thằng Trời đứng sang một bên. Để cho nông hội đứng lên làm trời.” Có lạ không! khi con người đang thay Chúa quyết định giới tính của mình! Có lạ không! khi có một vài “ông kẹ” dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, để ấn định ngày tận thế, thay cho Thiên Chúa!

Có… “có” không phải là “sẽ”… nhiều điềm lạ đang xảy ra. “Lạ” nhất là đã có người tuyên bố “phá thai” là quyền tự do của con người. Mất quyền tự do phá thai là mất hết các quyền tự do khác. Kỳ lạ hơn nữa, người này đã sử dụng quyền tự do phá thai như là nghị trình cho việc cổ vũ cho mình tranh cử chức vị tổng thống.

Vâng, họ đang cổ vũ cho một nền văn hóa sự chết. Một nền văn hóa mà satan và bè lũ chúng đang mời mọc, dụ dỗ, thậm chí dọa nạt khiến không ít người siêu lòng mà nghe theo.

Phải tỉnh thức, bởi có tỉnh thức chúng ta mới có thể nhận thức rằng, những sự kiện “lạ… kỳ lạ” nêu trên, chính là điềm báo Chúa sắp trở lại thế gian này lần thứ hai. Do vậy, chúng ta phải “đề phòng”, như lời Đức Giê-su đã truyền dạy.

Chớ để lòng mình bị ru ngủ bởi những lời cám dỗ có cánh, đại loại như: “Có Thiên Chúa đấy, nhưng còn lâu Người mới trở lại trong vinh quang!”

Đừng! Đừng nghe! Bởi đó chỉ là những lời satan phỉnh gạt, như xưa kia satan đã phỉnh gạt Eva tại vườn E-den, rằng: “Chẳng chết chóc gì đâu!” (Chết hay không, chúng ta biết rồi!).

Thế nên, tốt nhất, chúng ta hãy nghe lời Đức Giê-su đã khuyến cáo năm xưa. Năm xưa, Ngài khuyến cáo rằng: “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em.”

Chúa sẽ đến bất thần. Chúng ta luôn phải tỉnh thức.

*****
Vâng, cuộc đời của một người có khác gì một chuyến xe, mà tài xế không ai khác hơn là chính mình. Chính mình là tài xế, do vậy, mình phải lái chiếc xe đó trong tình trạng “tỉnh thức”, phải không, thưa quý vị!

Hãy tưởng tượng, hành trình đến gặp Vua Nước Trời sẽ ra sao nếu chúng ta điều khiển “chiếc xe cuộc đời” của mình trong trạng thái vật vờ… vật vã? Phải chăng, chúng ta sẽ đi trệch khỏi lộ trình mà Đức Giêsu đã vạch ra?

Trệch khỏi lộ trình Đức Giê-su đã vạch ra thì sao? Phải chăng, chúng ta sẽ là “người bị bỏ lại”! (Mt 24, …41).

Vậy nên, sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta đừng để vật vờ vật vã trong thời gian chờ đợi ngày quang lâm của Chúa. Phải tỉnh thức thôi! Và, muốn tỉnh thức, hãy cầu nguyện. Chúa Giê-su chẳng phải đã nói: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”, đó sao! (Lc 22, 40).

Có cầu nguyện, chúng ta sẽ không “bị ru ngủ” trước những thú vui thói đời, trước những đam mê dục vọng. Có cầu nguyện, chúng ta sẽ không để “lòng mình… lo lắng sự đời.”

Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tỉnh thức. Tỉnh thức chúng ta mới có thể cầu nguyện. Thế nên, đừng lãng quên lời Đức Giê-su truyền dạy: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.”

Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...