Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Đức Giê-su là Đấng Thánh…

 Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền.

Chúa Nhật IV – TN – B
Đức Giê-su là Đấng Thánh…

tbd 270124a


Cũng như các tông đồ Phao-lô, Phê-rô và Gio-an v.v… tông đồ Gia-cô-bê cũng đã để lại cho hậu thế một bức thư, ngày nay chúng ta gọi là “Thư của thánh Gia-cô-bê”.

Mở đầu bức thư, tông đồ Gia-cô-bê viết: “Tôi là Gia-cô-bê, tôi tớ của Thiên Chúa và của Chúa Giê-su Ki-tô, kính gửi mười hai chi tộc đang sống tản mác khắp nơi. Chúc anh em được an vui mạnh khỏe.” (Gc 1, 1).

Trong bức thư, điều tông đồ Gia-cô-bê quan tâm đến một cách đặc biệt, đó là “đức tin”. Ngài Gia-cô-bê nhắn nhủ rằng: “đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.”

Tại sao phải có hành động? Thưa, tông đồ Gia-cô-bê giải thích: “Bạn, bạn có đức tin; còn tôi, tôi có hành động. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không hành động, còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.”

Cuối cùng, ngài Gia-cô-bê kết luận: “Bạn tin rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. Bạn làm phải. Cả ma quỷ cũng tin như thế và chúng run sợ” (Ga 2, 19).

Đúng. Ma quỷ cũng tin và chúng run sợ. Sự kiện Đức Giê-su “giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành một người bị quỷ ám”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như một minh chứng điển hình. (Mc 1, 21-28).

**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, một ngày nọ: “Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phac-na-um”. Vì hôm ấy là “ngày sa-bát”, thế nên Ngài cùng các môn đệ “vào hội đường”.

Nói tới Hội đường, tưởng chúng ta cũng nên biết, nó bắt đầu xuất hiện từ thời người Do Thái bị đi đày bên Babylon. Đó là nơi để duy trì niềm tin và hội họp cầu kinh trong lúc bị lưu đày nơi đất khách quê người. Truyền thống đó vẫn được duy trì khi người Do Thái trở về cố hương.

Trong buổi nhóm ở hội đường, ngoài việc cầu kinh còn có việc đọc Kinh Thánh. Người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng Do Thái và sau đó được dịch và giảng nghĩa bằng tiếng Aram. Kế tiếp là một vài lời khuyên dạy dựa theo bài Kinh Thánh được đọc hôm đó. Khách lạ trong hội đường thường được mời để thực hiện công việc danh dự này.

Trở lại câu chuyện của Đức Giêsu, theo lời thánh Mác-cô ghi lại, thì: “Người vào hội đường giảng dạy”. Như vậy, Đức Giê-su chính là người thực hiện công việc danh dự này, hôm ấy.

Đức Giê-su giảng dạy điều gì? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói gì. Chỉ thấy ngài thánh sử ghi rằng: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”

Mà thật đúng như vậy. Đức Giê-su là Đấng-có-thẩm-quyền. Hôm đó, Ngài đã dùng thẩm quyền của mình để thực hiện một phép lạ, một phép lạ long trời lở đất.

Chuyện là thế này. Hôm ấy, “trong hội đường có một người bị thần ô uế nhập”. Người này la lên, rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”.

Tới đây, chúng ta tạm dừng câu chuyện để tìm hiểu xem “thần ô uế” là ai? Vâng, Lm. Lê Minh Thông OP, có lời giải thích rằng: “Thần ô uế ở đây thuộc về quỷ. Nhân vật này được Tin Mừng Gio-an định nghĩa: Quỷ không đứng trong sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là sự gian dối, và là cha sự gian dối” (Ga 8, 44).

Trở lại câu chuyện. Hôm ấy, sau khi thốt lên những lời “cự nự” với Đức Giê-su, thần ô uế la lên, rằng: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (x.Mc 1, …24).

Có, có thể nói rằng, đây là một câu nói đầy “hơi hướng” của một tên đại bịp. Thiên Chúa là Đấng Thánh, thì lẽ đương nhiên, Đức Giê-su – Con Một Người, cũng phải được gọi là Đấng Thánh. Một kẻ được xem như là cha của sự gian dối, thì làm sao có thể nói sự thật. Thế mà hôm nay, thần ô uế lại nói lên sự thật về Đức Giê-su. Nói lên sự thật này, chẳng qua là để bịp thiên hạ rằng thì-là-mà tôi đâu phải là kẻ nói dối! Hãy tin tôi đi!

Đức Giê-su, có phần chắc, biết rõ thâm ý của thần ô uế. Hôm đó, Ngài đã “quát mắng” thần ô uế, rằng: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Nghe lới quát mắng, thần ô uế run sợ: “…lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất ra khỏi anh ta” (x. Mc 1, 25-26).

Hôm ấy, khi chứng kiến phép lạ tỏ tường, mọi người trong hội đường đã kinh ngạc trước quyền uy của Đức Giêsu. Chuyện kể rằng: “Họ đã bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Chưa hết, thánh sử Mác-cô còn cho biết: “danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.”

***
Vâng, mọi người trong hội đường đã bàn tán rất nhiều điều. Thế nhưng, không hiểu tại sao, không thấy ai bàn tán đến việc thần-ô-uế gọi Đức Giê-su là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Gọi như thế đúng quá đi chứ!

Về điều này Lm. Giuse Lê Minh Thông, OP. có lời chia sẻ, rằng: “Để nói đúng sự thật về Đức Giê-su, Người đã chọn một con đường khác: Giải thoát con người khỏi thần ô uế, và mặc khải cho con người biết Người là ai. Tuy con người không biết rõ Đức Giê-su như thần ô uế (biết), nhưng nếu con người đón nhận và tin vào Đức Giê-su thì con người có thể biết đúng và nói đúng về Người. Cho dù tiến trình học biết Đức Giê-su không đơn giản. Sự kiện các môn đệ trong trình thuật Tin Mừng Mác-cô ngày càng ‘không hiểu’, ‘hiểu lầm’, ‘hiểu sai’ về Đức Giê-su cho thấy rằng thực sự hiểu Đức Giê-su và hiểu giáo huấn của Người là việc làm suốt cả đời người môn đệ.”

Đúng vậy. Hiểu Đức Giê-su và hiểu giáo huấn của Người là việc chúng ta phải làm suốt cả một đời người.

Mà, việc chúng ta phải làm suốt cả một đời người, là việc gì? Thưa, hãy theo gương Đức Giê-su. Đó là “đến hội đường ngày sa-bát”. Nói theo cách nói ngày nay, đó là “đến nhà thờ ngày Chúa Nhật”.

Đến nhà thờ ngày Chúa Nhật, qua môi miệng các linh mục, chúng ta sẽ được nghe Đức Giê-su giảng dạy. Về điều này, Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa có lời tâm tình rằng: “Sứ mạng ‘giảng dạy’ thật cao cả và cũng thật lắm gian truân, nguy hiểm. Sự hiểm nguy, gian truân không chỉ đến do người đời bách hại mà còn có thể do bởi chính các ngôn sứ, vì lý do nào đó, đã không nói lời của Thiên Chúa mà chỉ nói lời của mình, thậm chí còn nói lời do thần dữ xui khiến. Để tránh những tai họa này, không gì hơn, Kitô hữu chúng ta, cách riêng những người chuyên lo việc giảng dạy hãy xét xem mình đã thực hiện ra sao điều mình giảng dạy, hãy xét xem những lời mình giảng dạy có sức thuyết phục như thế nào và đồng thời hãy xét xem các lời tuyên dạy của mình có đủ đầy hai phương diện, đó là vừa xua trừ sự xấu, sự dữ và vừa làm phát sinh tình yêu, phát sinh sự sống như thế nào?”

Trở lại việc “đến nhà thờ. Đến nhà thờ, chúng ta cũng sẽ được Đức Giê-su, qua các linh mục với quyền tha tội, trục xuất những thấn ô uế, đại loại là những vị thần “dâm bôn, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ghen tuông, ganh tỵ, nóng giận, chia rẽ, bè phái, say sưa chè chén”, mà có đôi lúc chỉ vì một phút yếu lòng, nên đã bị nó thâm nhập vào tâm hồn chúng ta.

Đến nhà thờ ngày Chúa Nhật, chúng ta còn được Đức Giê-su “ban cho Mình Thánh người để làm của ăn và Máu Thánh Người để làm của uống.” Vâng, Lm. Charles E.Miller gọi đây là “cơ hội (chúng ta) nhận Chúa Giê-su như là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”

Do vậy, đừng chậm trễ đến nhà thờ ngày Chúa Nhật. Đến, để nghe lời giảng dạy của Đức Giê-su. Nghe để hiểu Đức Giê-su, hiểu giáo huấn của Người. Và, cuối cùng là để nhận Đức Giê-su như là Đấng Thánh.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

Con quyết luôn theo Ngài

 Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 14-15).

Chúa Nhật III – TN – B
Con quyết luôn theo Ngài

tbd 190124a

Sau ba mươi năm sống ẩn dật tại Na-da-rét, Đức Giê-su bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng. Theo thánh sử Mác-cô ghi lại, thì: “Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (x.Mc 1, 14-15).

“Tin Mừng của Thiên Chúa”, như lời Đức Giê-su truyền dạy trước khi về trời, rằng: phải được loan báo “khắp tứ phương thiên hạ”, vì thế nói theo ngôn ngữ nhà binh, Ngài đã mở một “chiến dịch” tuyển chọn các môn đệ, để tiếp nối sứ vụ của mình.

Có bốn người, được cho là đầu tiên, đã được Ngài tuyển chọn. Bốn vị này có tên là: An-rê, Si-môn, Gia-cô-bê và Gio-an. Sự kiện đáng nhớ này, được ghi rất chi tiết trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 1, 14-20).

**
Theo lời thánh sử Mác-cô ghi lại: Hôm đó, khi “Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-mon với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: Các anh hãy theo tôi…”

Đức Giê-su gọi hai vị này “theo tôi” để làm gì? Thưa, Ngài nói: “tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá”. Nghe Đức Giê-su gọi và nói như thế, chuyện kể tiếp rằng: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”.

Rồi, sau khi gọi hai vị này, thánh sử Mác-cô cho biết: “Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-dê, và người em là Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, và đi theo Người”.

Một, chỉ một lời mời gọi và quá nhanh cho một hành vi đáp trả. Tại sao vậy! Thưa, thánh sử Mác-cô không cho biết. Thế nhưng, chúng ta có thể suy luận rằng, đã có một cuộc “hội ngộ” giữa Đức Giê-su và các ông, trước đó.

Đúng, đã có một cuộc hội ngộ chân tình giữa các ông và Đức Giê-su. Tin Mừng thánh Gio-an cho chúng ta biết về cuộc hội ngộ này. Chuyện kể rằng, hôm ấy, “khi ông Gio-an (tẩy giả) đang đứng với hai người môn đệ của mình. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su”. Hai vị này chẳng những đã đi theo, mà còn “ở lại với Người ngày hôm ấy”. (x.Ga 1, 35-41).

Trong cuộc hội ngộ này, rất có thể hai ông đã tiết lộ thân thế và nghề nghiệp của mình. Một trong hai ông, ông An-rê, còn dẫn em mình là ông Si-môn “đến gặp Đức Giê-su”.

Thế nên, hôm nay, người mà ông An-rê đã cất tiếng chào “Thưa Ráp-bi”, nay đang đứng trước con thuyền của các ông, và gọi đích danh các ông, thì chẳng có gì xa lạ đối với các ông.

Vâng, hôm đó, bốn chàng ngư phủ không “đến mà xem” nơi ở của Đức Giê-su, nhưng đã đáp lời mời gọi, nói theo cách nói của thánh sử Luca, các ông “bỏ hết mọi sự và đi theo Người.” (Lc 5, 11).

***
Đức Giê-su đã “khai mạc công việc rao giảng” của mình, như thế đó. Và, hôm nay, Giáo Hội cũng tiếp tục sứ vụ của Ngài. Giáo Hội vẫn tiếp tục mời gọi mọi người, rằng: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Thực ra, phải nói rằng, đây là một mệnh lệnh, một mệnh lệnh như là điều kiện tiên quyết để được nhận lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa. Tấm gương dân thành Ni-ni-vê được “cứu” là một minh chứng hùng hồn về sự “sám hối”.

Kinh Thánh có ghi lại một câu chuyện như sau: Dân thành Ni-ni-vê đã có những hành động “gian ác thấu tận trời cao”. Thế nhưng, nhờ nghe tiếng cảnh cáo của Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giô-na, lời cảnh cáo rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá đổ”.

Nghe thế, từ vua quan cho tới dân chúng, họ đã “khoác áo vải thô và hết sức kêu cầu Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của mình” (Gn 3, 8).

Và rồi, khi “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại. Người hối tiếc về tai họa Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa” (Gn 3, 10).

Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu thành Roma, có lời dạy rằng: “Mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang của Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Ki-tô Giê-su” (x.Rm 3, 23-24).

Lời dạy là thế đấy! Và, có ai trong chúng ta lại không phạm tội! Có ai trong chúng ta lại không hơn một lần, phạm tội “trong tư tưởng, lời nói, việc làm”!? Thế nên, đừng để quá muộn cho việc sám hối. Bởi vì, “Ngày của Chúa gần kề, kìa Người ngự đến cứu chúng ta…”

Ni-ni-vê có bốn mươi ngày. Còn chúng ta, thì sao! Thưa, Đức Giê-su cho chúng ta câu trả lời, rằng: “chính giờ phút anh em không ngờ”.

****
Bốn vị: An-rê, Si-môn, Gia-cô-bê và Gio-an đã: “Đáp lời mời gọi và đi theo Ngài.” Bốn vị ngư phủ không còn là những kẻ “lưới cá”, nhưng đã trở thành những kẻ “lưới người”.

Chiếc lưới… chiếc lưới mà các ngài đã sử dụng, không phải là loại lưới “làm hoàn toàn thủ công từ khâu se sợi tơ, sợi gai rồi đan lại với nhau”, nhưng là được làm bởi “ơn Thánh Thần”. Có Ơn-Thánh-Thần, mẻ “lưới người” đầu tiên mà các ông đã thu hoạch, có số lượng “khoảng ba ngàn người” (x.Cv 3, …41).

Con thuyền được các ngài sử dụng để ra khơi, không phải là những con thuyền mang số hiệu hay ký hiệu, mà thế gian thường dùng để nhận dạng đó là con thuyền vận tải quốc tế hay vận tải nội địa, nhưng là con thuyền mang ký hiệu “Giáo Hội”.

Nói về hai chữ Giáo Hội, Lm.Charles E.Miller, trong tác phẩm Sunday Preaching, có lời ngỏ rằng: “Chúng ta gọi Giáo Hội là Công Giáo vì nó mang tính phổ quát. Giáo Hội trải dài qua mọi thời đại ngược về thời Đức Ki-tô và sẽ tồn tại cho tới ngày Ngài lại đến trong vinh quang.”

Chưa hết, ngài Lm. còn có lời tiếp rằng: “Mặc dầu được khai lập tại Giê-ru-sa-lem, Giáo Hội không phải của người Do Thái. Tuy Tòa Thánh hiện đặt tại Roma, không có nghĩa Giáo Hội là của người Ý. Mặc dầu được trải rộng ra khắp thế giới nhờ công sức của các nhà truyền giáo Châu Âu, Giáo Hội không phải của người châu lục này. Giáo Hội mang tính phổ quát, toàn cầu.”

Như vậy, dù là người Công Giáo Việt Nam, chúng ta cũng là một trong những thủy thủ đoàn của con thuyền mang “ký hiệu Giáo Hội”. Nói theo cách nói của Đức Giê-su, chúng ta cũng là “những kẻ lưới người”.

Mà, cớ gì chúng ta không phải là những-kẻ-lưới-người, khi chúng ta đã là một Ki-tô hữu, nhỉ! Vâng, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta phải là người đứng trong hàng ngũ những-kẻ-lưới-người.

Đừng sợ điều mà chúng ta sẽ phải thực hiện, đó là: bỏ-hết-mọi-sự-và-đi-theo-Chúa. Không! Không nhất thiết chúng ta phải bỏ công ăn việc làm, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa, như Nhóm Mười Hai các môn đệ, ngày xưa đã thực hiện. Hoặc như các linh mục, tu sĩ ngày nay, đã và đang thực hiện.

Điều chúng ta phải “từ bỏ”, đó là từ bỏ “những việc do tính xác thịt gây ra”. Những việc đó, “Ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén…” (x. Gl 5, 19).

Nói tắt một lời, đó là chúng ta phải từ bỏ những đam mê, những quyến rũ của thế gian là những nguyên nhân dẫn chúng ta xuống hố sâu vực thẳm của cái chết đời đời.

Còn… còn một điều hết sức quan trọng. Đó là, chúng ta phải “trang bị” cho mình một chiếc lưới mang nhãn hiệu “Thánh Thần Chúa”. Đây là một chiếc lưới được đan-lại-với-nhau bằng nhưng sợi gai, sợi tơ: “bác ái, hoan lạc, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”. Với chiếc lưới này, không khó để chúng ta “thu phục người ta”.

Trở lại với sự-từ-bỏ. Một ngày nọ, niên trưởng Phê-rô, cũng vì ám ảnh chuyện phải “từ bỏ mọi sự”, nên đã hỏi Đức Giê-su, rằng “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Đây, hãy ghi khắc trong con tim mình, lời Đức Giê-su nói với ông Phê-rô: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử… Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19, 27-29).

“Được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp.” Vâng, Đức Giê-su đã nói rất minh bạch. Nhóm Mười Hai (ngoại trừ Giu-đa), đã tin và đã “đáp lời mời gọi và đi theo Ngài”.

Còn chúng ta! Chúng ta tin và đáp lời mời gọi! Nếu tin và đáp lời… Hãy, hãy quỳ dưới chân Thánh Giá Chúa Ki-tô mà cất lên lời ca nguyện, ca nguyện rằng: “Con xin theo Chúa đến giây phút cuối cuộc đời, để đáp ân tình Ngài thương ban cho từ lâu. Con xin tha thiết thốt lên một lần nữa, là con quyết luôn theo Ngài.” (trích nhạc phẩm: Theo Chúa – tác giả: Lm.Thành Tâm).

Vâng, hãy tha thiết nói với Chúa, rằng: “Con quyết luôn theo Ngài”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Hãy đến thôi!

 Nghe thế, hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”.

Chúa Nhật II – TN – B
Hãy đến thôi!

tbd 130124a


Sau khi “được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan”, Đức Giê-su bắt đầu ra đi “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Và, để cho sứ mạng rao giảng được loan báo “khắp tứ phương thiên hạ”, Ngài đã tuyển chọn một số người làm môn đệ, để sau này tiếp nối sứ mạng của mình.

Nói về cuộc tuyển chọn của Đức Giê-su, qua sự ghi chép lại của các thánh sử, chúng ta được biết rằng: có người được chính Ngài đến gặp và mời gọi “Hãy theo ta”. Ông Mát-thêu như một điển hình. Chuyện được kể lại rằng: Một hôm, “Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: ‘Anh hãy theo tôi’. Ông đứng dậy đi theo Người.” (x.Mt 9, 9).

Có người qua sự giới thiệu của bạn bè, họ đã đến gặp Đức Giê-su, và rồi họ cũng đi theo Người. Đó là trường hợp ông Na-tha-na-en. Một ngày nọ, ông Phi-lip-phê nói với ông Na-tha-na-en rằng: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét làm sao có cái gì hay được?”

Ông Phi-líp-phê đáp lời, rằng: “Cứ đến mà xem” Na-tha-na-en tìm đến. Và rồi qua một vài lời đối đáp với Đức Giê-su, ông ta đã phải nhìn nhận Đức Giê-su “Là Con Thiên Chúa… là Vua Israel” (x.Ga 1, 43-51).

Còn… còn một trường hợp khác, rất đặc biệt, đó là hai người trong nhóm môn đệ của ông Gio-an (Tẩy Giả). Một ngày nọ, khi nghe ông Gio-an nói Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa”. Hai ông này liền đi theo Người.

Câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an với tiêu đề “Các môn đệ đầu tiên” (Ga 1, 35-42).

**
Chuyện được kể lại rằng: Hôm ấy, “ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói ‘Đây là Chiên Thiên Chúa’. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu” (x.Ga 1, 37).

Tại sao chỉ là một lời giới thiệu ngắn ngủi như thế, hai người môn đệ này liền-đi-theo? Thưa, bởi vì hai ông là người Do Thái, mà người Do Thái nào cũng vậy, khi nghe nói đến “chiên”, không một ai lại không nhớ đó là con vật gắn liền với đời sống tôn giáo của họ.

Chiên ư! Làm sao họ quên được ngày lễ vượt qua đầu tiên, ngày mà toàn dân Israel thoát khỏi cảnh nô lệ bên Ai Cập. Nhớ, ngày đó, cha ông họ được dạy bảo rằng, hãy giết một con chiên và lấy máu của con chiên đó bôi lên cửa nhà mình và nhờ dấu hiệu đó, thiên sứ Chúa vượt qua mà không giết hại con đầu lòng của họ.

Đối với người Do Thái, “Chiên” đồng nghĩa với “chết thay”, đồng nghĩa với “giải thoát” và cuối cùng đồng nghĩa với “cứu chuộc”. Bởi vậy, khi nghe thầy Gio-an nói Đức Giê-su là “Chiên con của Đức Chúa Trời”, hai người môn đệ này không khỏi băn khoăn về “thần tính” của Đức Giê-su cũng như sứ mạng của Ngài.

Là môn đệ của ông Gio-an tẩy giả, có lẽ nào hai người môn đệ này lại không được nghe thầy mình nói nhiều về một nhân vật “đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi”! Lẽ nào họ lại không được nghe thầy mình nói về một Đấng “xóa bỏ tội trần gian”!

Hành động “liền đi theo Đức Giê-su” nói lên rằng, hai môn đệ rất muốn biết rõ Ngài có thật là “Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” như lời thầy Gio-an đã tuyên bố hay không!

Thế là, như đã nói ở trên, họ liền đi. Trong lúc hai ông từng bước từng bước đi theo sau Đức Giê-su, thì “Ngài quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: Các anh tìm gì thế?”

Đức Giê-su “hỏi”, nhưng hai ông lại đáp bằng một câu “chào hỏi”, một câu chào hỏi rất tôn kính “Thưa Rappi. Thầy ở đâu?”.

“Thầy ở đâu?”. Vâng, có thể nói, câu chào hỏi này tỏ rõ ước muốn “tìm để biết”, biết sự thật về Đức Giê-su, của hai người môn đệ. Hôm đó, để đáp lại ước muốn của hai người môn đệ, Đức Giê-su đã nói với họ rằng “Đến mà xem”.

Nghe thế, hai môn đệ “đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười”.

***
Chuyện gì đã xảy ra khi hai ông ở lại với Đức Giê-su “ngày hôm ấy”! Thưa, thánh sử Gio-an không đề cập đến. Tuy nhiên, có một chuyện, chúng ta có thể đoan chắc rằng, ông An-rê, “anh ông Si-mon Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su”, đã cảm nhận rằng, Đức Giê-su đúng là “Chiên Thiên Chúa”.

Vâng, chính vì cảm nhận ra Đức Giê-su là ai, nên khi về đến nhà, điều ông An-rê làm ngay lập tức, đó là “ông gặp em mình là ông Si-mon và nói: ‘Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a (nghĩa là Đấng Ki-tô)’. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su”.

Rồi, khi ông Si-mon gặp Đức Giê-su, Ngài nhìn ông và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

(Không hiểu sao, theo Tin Mừng Mát-thêu ghi, thì Đức Giê-su lại nói: “Này anh Si-môn con ông Giô-na” (x.Mt 16, 16)) Gio-an và Giô-na cùng chung một ý nghĩa chăng! Vâng, sự việc này các nhà chú giải Kinh Thánh chắc hẳn có câu trả lời.)

Điều quan trọng ở đây mà chúng ta cần biết, đó là: việc Thiên Chúa đổi tên một ai đó có một ý nghĩa rất đặc biệt. Khi Thiên Chúa đổi tên và ban cho một người một cái tên mới, có nghĩa là “người ấy được định sẵn cho một sứ mệnh mới trong đời. Tên mới là một cách tiết lộ kế hoạch thiêng liêng và cũng để bảo đảm với họ rằng kế hoạch của Thiên Chúa sẽ được hoàn thành qua họ. (nguồn: internet).

Xưa, Thiên Chúa đổi tên của Áp-ram, nghĩa là “cha cao cả” thành “Áp-ra-ham” nghĩa là “Cha của nhiều dân tộc”. Đồng thời, Thiên Chúa đổi tên vợ của Áp-ra-ham từ “Sa-rai” nghĩa là “công chúa của tôi” thành “Sa-ra” nghĩa là “Mẹ của các dân tộc” (x.St 17, 15). Và, kế hoạch của Thiên Chúa chúng ta biết rồi: hai ông bà sẽ là ông tổ dân riêng của Thiên Chúa.

Nay, Đức Giê-su đổi tên ông Si-môn, một cái tên có nghĩa là “Đức Chúa Trời đã nghe,” thành “Kê-pha”. Và, kế hoạch mà Đức Giê-su trao cho Si-môn, đã được Ngài công bố, rằng: “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (Mt 16, 18-20).

Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a, có nói: “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm-kiếm ta hết lòng.” (Gr 29, 13).

Hai người trong nhóm môn đệ của ông Gio-an, đã tìm-kiếm Đức Giê-su hết lòng. Các ông đã gặp được Ngài. Và rồi, các ông đã “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”.

****
Hôm nay, “Giáo Hội tiếp tục vai trò của Gio-an Tẩy Giả” Lm.Charles E.Miller, trong tác phẩm Sunday Preaching, đã có lời chia sẻ như thế.

Vâng, chắc chắn là vậy. Giáo Hội, qua việc cử hành Thánh Lễ, vẫn tuyên bố Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”. Và, hơn thế nữa, Giáo Hội còn có lời loan báo thiết tha, rằng: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.”

Qua việc cử hành Thánh Lễ, Giáo Hội giúp chúng ta gặp Đức Giê-su Ki-tô, và cùng đồng bàn với Ngài nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, một bữa tiệc “thiêng liêng gồm Mình và Máu Thánh của Người.”

Chưa hết, trong Thánh Lễ chúng ta còn được nghe lời Đức Giê-su nói, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa.

Nếu xưa kia, Đức Giê-su nói với hai môn đệ: “Đến mà xem”, thì ngày nay, Ngài sẽ nói với chúng ta, rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dường.” (x.Mt 11, 28).

Vâng, Đức Giê-su vẫn đang ở trong ngôi nhà của Ngài, một ngôi nhà mà hôm nay chúng ta quen gọi là “ngôi nhà tạm”, chờ đợi chúng ta. Mỗi ngày và mỗi tuần, Đức Giê-su vẫn chờ đợi chúng ta “đến mà xem”.

Đừng lảng tránh không đến thăm “ngôi nhà tạm”, thưa quý vị! Khi chúng ta đến thăm ngôi nhà này, và cùng đồng bàn với Đức Giê-su nơi Bàn Tiệc Thánh… Vâng, rất hạnh phúc, đó là chúng ta được “Ở lại trong (Chúa) và (Chúa) ở lại trong ta” (x.Ga 6, 56). Ở lại trong Chúa và Chúa ở lại trong ta chẳng phải là ta đã “ở lại với Người” đó sao!

Hồi ấy, hai người trong nhóm môn đệ của ông Gio-an Tẩy Giả, chưa phải là môn đệ của Đức Giê-su, thế mà họ đã “đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người.”

Hôm nay, chúng ta đã là một Ki-tô hữu, lẽ nào chúng ta lại không “đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người”, như các môn đệ xưa!


Vâng, hãy đến thôi!

Petrus.tran

Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

Tìm Chúa – Chúa sẽ cho gặp…

 “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi” (Mt 2, 1-12).

Chúa Nhật Lễ Hiển Linh
Tìm Chúa – Chúa sẽ cho gặp…

tbd 050124a


Giáng Sinh… Vâng, mùa Giáng Sinh, đối với người đời, xem như là đã kết thúc. Thế nhưng, với chúng ta là người Công Giáo, Giáng Sinh vẫn còn tiếp tục. Tiếp tục với việc cử hành lễ Chúa Hiển Linh.

Hiển Linh là gì? Thưa, theo từ điển tiếng Việt do viện ngôn ngữ học xuất bản, định nghĩa là “thần thánh tỏ rõ sự linh thiêng”. Tự điển do ông Thanh Nghị soạn, định nghĩa là “linh thiêng rõ ràng”. Với danh từ gốc Hy Lạp “Epiphania” thì nó có nghĩa là “hiện ra, bày tỏ”.

Kinh Thánh Tân Ước thường dùng hai chữ hiển linh để nói tới việc Thiên Chúa bày tỏ ra cho nhân loại qua Đức Giê-su. Cử hành lễ Hiển Linh, Giáo Hội muốn nói đến việc Thiên Chúa đã tỏ mình ra, qua Hài Nhi Giê-su, cho dân ngoại. Và, đại diện cho dân ngoại là các nhà chiêm tinh, mà chúng ta quen gọi là “Ba Vua”. Câu chuyện nói về các nhà chiêm tinh đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu với tiêu đề: “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi” (Mt 2, 1-12).

**
Câu chuyện được thánh sử Mát-thêu ghi lại như sau: “Khi Đức Giê-su ra đời tại Belem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem và hỏi: Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?” (Mt 2, 1-2).

Kèm theo câu hỏi, các nhà chiêm tinh còn có lời loan báo rằng: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Lời loan báo này khi được loan truyền, nó như một trái boom tấn, gây chấn động cả kinh thành Giê-ru-sa-lem. Thật vậy, chuyện kể tiếp rằng: “Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao” (x.Mt 2, 3).

Để biết thực hư thế nào về lời loan truyền đó: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.”

Nghe qua câu hỏi của nhà vua, họ trả lời, rằng: “Tại Belem, miền Giu-đê.” Để khẳng định cho câu trả lời của mình là đúng, các ông thượng tế và kinh sư nói tiếp: “vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Sau khi được nghe những lời ghi chép trong sách ngôn sứ, tuy thánh sử Mát-thêu không nói, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, vua Hê-rô-đê rất hoang mang và lo lắng.

Sự hoang mang và lo lắng của nhà vua đã thể hiện qua việc ông ta “bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.” Hỏi xong, ông ta còn dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người”.

Tới đây, chúng ta tạm dừng lại với câu hỏi, hỏi rằng: Lời dặn dò này có thực tâm không! Vâng, RONROLHEISER,OMI cho chúng ta câu trả lời, rằng: “Tin báo về vị vua mới hạ sinh đã khiến ông ta kinh hãi rụng rời, bởi chính ông ta là một vị vua. Vinh quang và hào quang giờ đây sẽ chiếu rọi trên vị vua mới và rời bỏ ông ta mãi mãi. Vậy, ông ta đã phản ứng thế nào? Ông ta rắp tâm giết Hài Nhi. Hơn nữa, để chắc chắn, ông còn hạ lệnh giết tất cả bé trai trong toàn vùng. Hành động này đáng để viết ra cả một quyển sách nhân học. Hành động thú tính của ông ta cho thấy không phải chỉ loài cá mới ăn thịt con của mình! Vậy đó!”

Kinh Thánh cho biết, vua Hê-rô-đê đã “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Be-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng đã hỏi các nhà chiêm tinh.” (Mt 2, 16).

Bây giờ, chúng ta trở lại với cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh. Qua lời công bố của các thượng tế và kinh sư, các nhà chiêm tinh đã biết được nơi mình sẽ phải đến. Đó là Belem miền Giu-đê.

Thế là, từng đoàn lạc đà cùng các nhà chiêm tinh ra đi. Khi họ ra đi… “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.” (x.Mt 2, …9).

Vâng, thật kỳ diệu khi ngôi sao dẫn họ đến tận nơi Hài Nhi ở. Bởi vì, không ai có thể phủ nhận, cùng thời điểm trên tại Belem, có nhiều hài nhi được sinh ra. Nhưng… kỳ diệu thay! Ngôi-sao lại chỉ dừng nơi chính “Đức Vua sinh ra”.

Hôm ấy khi ngôi sao “dừng lại” nơi Hài Nhi Giê-su sinh ra, chuyện kể rằng: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (x.Mt 2, 13).

***
Sẽ thật ngây thơ khi nghĩ rằng cuộc hành trình đi tìm “Hài Nhi Giêsu” của mấy nhà chiêm tinh như là một cuộc trẩy hội cưỡi-lạc-đà-xem-hoa! Không phải vậy.

Có thể nói đó là một cuộc hành trình đầy gian khổ. Cứ thử làm một bài toán, từ nơi ở của các nhà chiêm tinh, tính theo đường “chim bay”, đến Giê-ru-sa-lem, khoảng 2000Km. Nếu đi đường bộ, với núi non hiểm trở, đoạn đường có thể kéo dài gấp đôi. Với sự di chuyển của lạc đà, và nếu chỉ di chuyển ban đêm, giỏi lắm, họ chỉ đi được khoảng 70km/ngày, là cùng. Làm một bài toán nhân, một tháng là 2100km. Như vậy, hành trình của các nhà chiêm tinh (đường bộ) phải mất khoảng hai tháng.

Chưa hết, các ngài còn phải đối diện với những cạm by, những âm mưu của vua Hê-rô-đê. Ông ta là một “con cáo”, một con cáo đầy tham vọng, dễ gì cam chịu bỏ ngai vàng để… “tôi cũng đến bái lạy Người”!

Về âm mưu này, có người luận rằng, các nhà chiêm tinh nếu quay lại Giê-ru-sa-lem báo cho Hê-rô-đê biết tường tận về chỗ ở của Hài Nhi, không khéo quý ông khi về xứ mình lại chết vì “virus lạ”…

Vui thay, các ông đã “được báo mộng đừng trở lại gặp Hê-rô-đê…” Nghe theo lời báo mộng, các nhà chiêm tinh “đã đi lối khác mà về xứ mình.”

Chúng ta có thể tưởng tượng rằng, quý ông chiêm tinh vừa đi vừa lớn tiếng ca rằng: “Tôi đã thấy mặt trời lên, sau đêm dài tăm tối triền miên… Tôi đã thấy đường nở hoa. Ôi thanh bình đẹp thay một cơn mơ!” (trích: Từ một cơn mơ).

****
Mà, cớ gì không lớn tiếng ca như thế nhỉ! Giáo Hội, đã chẳng từng nói: “Chúa Kitô là mặt trời công chính đang chiếu sáng cho toàn thể nhân loại”, đó sao!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa cũng đã có lời rằng: “Mừng sinh nhật Đấng Cứu Thế, Kitô hữu chúng ta tuyên xưng rằng Hài Nhi giáng sinh trong hang đá lạnh lẽo năm xưa chính là Ánh Sáng thế gian. Mặt Trời công chính đã bừng sáng giữa đêm đông.”

Do vậy, đã là một Ki-tô hữu, không có lý do gì, chúng ta lại không theo gương các nhà chiêm tinh, tìm đến Belem “bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”. Không có lý do gì, chúng ta lại không “sấp mình thờ lạy Người.” Không có lý do gì, chúng ta lại không “mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.”

Nói theo cách nói hôm nay, chúng ta không cần phải cưỡi lạc đà đi trên 2.000km để gặp gỡ Đức Ki-tô. Chỉ cần năm, mười phút “lội bộ”, nếu nhà gần. Còn nếu nhà xa, chỉ cần ba mươi phút trên chiếc honda, là chúng ta có thể đến nhà thờ và “sấp mình thờ lạy Người.”

Về việc “dâng tiến”, chúng ta hãy làm theo cách Chúa truyền dạy. Mà, Chúa truyền dạy gì nhỉ! Thưa, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Hô-sê, đã truyền dạy rằng: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ thiêu” (Hs 6, 6).

Vâng, Thiên Chúa muốn, không phải là muốn chúng ta “mở bảo tráp - lấy vàng”, nhưng là “mở tấm lòng - tấm lòng vàng”, một tấm lòng bao dung, một tấm lòng biết “Đem yêu thương vào nơi oán thù, Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hoà vào nơi tranh chấp, Đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Thiên Chúa muốn, không phải là muốn chúng ta “lấy nhũ hương và mộc dược”, nhưng là lấy những hương thơm của hoa trái Thần Khí, những hương thơm: bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, v.v… mà dâng tiến. Dâng tiến cho “những người anh em nhỏ nhất của (Ngài)”. Vì đó là cũng là cách dâng tiến “cho chính Ngài vậy.”

Xưa, chỉ cần “một mùa đông giá, hang Belem Chúa sinh ra đời”, chỉ cần “một mùa” thôi, các nhà chiêm tinh đã gặp Hài Nhi Giê-su. Và, các ông đã “sấp mình thờ lạy Người”.

Nay, qua biết bao “mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời”… Vâng, “rất nhiều mùa sao sáng” đã đi qua cuộc đời của mỗi chúng ta, chẳng lẽ chúng ta chưa gặp được “Giê-su Cứu Chúa đời ta”, sao!

Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, có lời tuyên phán, rằng: “Các ngươi sẽ tìm Ta, và các người sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp.”(Gr 29, 13-14).

Thế nên, nếu chúng ta chưa gặp, thì hãy tìm. Hãy tìm và hãy tin, nếu chúng ta tìm Chúa, Chúa sẽ cho chúng ta gặp. Nói ngắn gọn: “Tìm Chúa – Chúa sẽ cho gặp”.

Petrus.tran

Hãy đến tòa giải tội… tạ tội

  Hãy đến tòa giải tội… tạ tội   Bốn mười ngày của Mùa Chay, tính từ thứ tư lễ tro, chỉ còn tính từng ngày. Và, khi mùa chay kết thúc, tuần ...