Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

Hãy đến nhà thờ…

 “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.”

Chúa Nhật II – MC – B
Hãy đến nhà thờ…

tbd 240224a


Như chúng ta được biết, tông đồ Gio-an có lời dạy rằng: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1Ga 4, 9-10).

Và, Giáo Hội Công giáo cũng đã tuyên xưng rằng: Đức Giê-su “Bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria, và đã làm người. Người chịu đóng đinh vào thập giá vì chúng ta, thời quan Phongxiô Philatô; Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh.”

Lời dạy của tông đồ Gio-an, cũng như lời tuyên xưng của Giáo Hội, không xuất phát do trí tưởng tượng của một ai đó, nhưng là do chính Đức Giê-su công bố, hơn hai ngàn năm xa trước đó.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, một ngày nọ, Đức Giê-su đã dạy cho các tông đồ biết rằng: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.”

Đức Giê-su đã “nói rõ điều này không úp mở.” Vâng, không úp mở, thế nhưng, với các tông đồ năm xưa, lời dạy này xem ra có vẻ như không hợp ý các ông chút nào.

Khi nói tới cuộc tử nạn và Phục Sinh của Thầy Giê-su, các môn đệ, tiêu biểu là tông đồ Phê-rô nghĩ rằng, đó là điều không thể xảy ra. Và, đó là lý do niên trưởng Phê-rô đã có một sự phản ứng quyết liệt. Chuyện kể rằng: ngài Phê-rô “kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người.”

Trách gì? Thưa, thánh sử Mác-cô không nói gì. Nhưng thánh sử Mát-thêu cho biết, ngài Phê-rô nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”

Có thể nói, đây là một lời “trách” đáng yêu. Ấy thế mà, Đức Giê-su lại không hài lòng về lời “phát biểu” của ngài Phê-rô.

Hôm ấy, sau khi nghe Phê-rô nói như thế, Đức Giê-su đã “quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Sa-tan, lùi lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Tư tưởng của Thiên Chúa là gì? Phải chăng chính là lời Đức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô, rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”!?

Thưa đúng vậy. Đức Giê-su đã tuyên bố như thế. Và Ngài đã có một cuộc hiển dung trên một ngọn núi cao, trước sự chứng kiến của ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an, như một cách để mở đôi mắt tâm linh của các ông, ngõ hầu các ông thấy rõ đâu là “Ý Của Thiên Chúa”.

Vâng, sự kiện “Đức Giê-su Hiển Dung” đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Chuyện được kể rằng: Một ngày nọ, “Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình”.

Ngài đưa các ba chàng ngự lâm này, đi đâu? Thưa: “Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao”.

Khi Thầy và trò đã ở trên núi, chuyện kể tiếp rằng: Đức Giê-su “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.”

Ba người môn đệ còn thấy “ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.” Chứng kiến sự kiện vô tiền khoáng hậu này, ông Phê-rô không thể kiềm chế cảm xúc nên đã bộc lộ ý tưởng của mình với Thầy Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, một cho ông Ê-li-a.”

Ý tưởng của ông Phê-rô hay chứ, nhỉ! Thưa, rất khó trả lời. Khó trả lời là bởi “Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” Hôm ấy, theo lời kể của thánh sử Mát-thêu, các ông còn “ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17, 6).

Không, không kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất sao được! Bởi vì, hôm ấy “Có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

Rồi, khi nỗi kinh hoàng lắng dịu, các ông nhìn quanh… “nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.” (Mc 9, 8).

Vâng, chỉ còn Thầy và trò. Và, khi Thầy và trò “ở trên núi xuống”. Đức Giê-su đã “truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe nhưng điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.” Ba vị môn đệ “đã tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu ‘từ cõi chết sống lại’ nghĩa là gì”.

***
Đức Giê-su Hiển Dung. Suy tư về biến cố này, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ có đôi lời chia sẻ: “Như, hai ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã được Thiên Chúa ‘dẫn tới núi thánh’ để trở thành chứng nhân của Vinh Quang Thiên Chúa (x.Xh 33, 18-23 & 1V 19, 9-13). Thì, ba vị Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an cũng được Đức Giê-su ‘dẫn tới một ngọn núi cao’ để trở thành chứng nhân của Vinh Quang Con Một Thiên Chúa.

Như, hai ông Mô-sê và ông Ê-li-a đã thoát khỏi cái chết hủy diệt theo một cách nào đó. (Dnl 34, 6 & 1V 2, 11). Đức Giê-su, cũng vậy. Sau khi loan báo cuộc thương khó và cái chết, Người đã cho các môn đệ nếm trước sự phục sinh của Người.”

Với Lm. Charles E. Miller, trong tác phẩm Sunday Preaching, ngài cũng có đôi lời chia sẻ đáng ghi nhớ, lời chia sẻ rằng: “Sự kiện Hiển Dung cho thấy ý nghĩa của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Đức Giê-su muốn dạy (chúng ta) rằng: ‘Người phải trải qua đau khổ mới có thể đạt tới vinh quang phục sinh’. Mầu Nhiệm Vượt Qua phải tràn ngập lòng trí mọi người, nhất là trong Mùa Chay thánh này. Nó chiếu rọi ánh sáng vào những ngày đen tối nhất và giải tỏa bớt gánh nặng các nỗi đau lớn nhất của chúng ta.”

Những lời chia sẻ nêu trên, thiết nghĩ, chúng ta nên xem đó như là lời mời gọi, một lời mời gọi mỗi chúng ta hãy cùng Đức Giê-su “lên núi”.

“Hãy lên núi!” Nói theo cách nói hôm nay, đó là “hãy đến nhà thờ”. Đến nhà thờ, chúng ta sẽ được “Tham Gia vào Phụng Vụ thánh”.

Đừng coi thường cho việc tham gia này. Bởi vì, “Phụng Vụ thánh”, Lm.Charles nói, đó là: “nguồn mạch không thể thiếu của đời sống Ki-tô giáo đích thực, giúp chúng ta chú tâm vào Mầu Nhiệm Vượt Qua, cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Phụng Vụ thôi thúc chúng ta chiêm niệm và suy tư liên lỉ về mầu nhiệm này vì nó làm trọn sự kiện Đức Ki-tô đến thế gian “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ (Người) mà được cứu độ”.

****
Xưa, khi lên núi, Đức Giê-su đã “biến đổi hình dạng”. Rồi, khi xuống núi, các môn đệ là những người được biến đổi. Các ông đã biến đổi sau khi “được tràn đầy ơn Thánh Thần”.

Ông Phê-rô đã mạnh dạn làm chứng rằng: “khi chúng tôi nói cho anh em… thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa là Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng tuyệt vời vinh hiển phán với Người: Đây là Con yêu dấu Ta. Ta hết lòng quý mến (2 Pr 1,16-17).

Còn tông đồ Gioan ư! Thưa, ngài Gio-an cũng đã làm chứng rằng: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,3).

Nay, chúng ta cũng đã cùng Đức Giê-su “đến nhà thờ”. Tại nhà thờ, Đức Giê-su, qua bàn tay các linh mục, đã biến đổi, từ một tấm bánh, từ một chén rượu, thành chính “Mình Máu Thánh Ngài” để ai ăn “sẽ được sống muôn đời.”

Rồi, khi “ra khỏi nhà thờ”, ra khỏi nhà thờ, chúng ta làm sao nhỉ! Có biển đổi không? Phải chăng, đang là một kẻ hung dữ, chúng ta sẽ biến đổi thành “khí cụ bình an của Chúa!” Phải chăng, đang là một kẻ thờ ơ, lãnh đạm trước Chúa, một kẻ ích kỷ trước mọi anh em, chúng ta biến đổi thành một người “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người!” Phải chăng, đang là “ác quỷ đầy quyền năng”, chúng ta biến thành “thiên thần nhỏ” của Chúa!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, đừng quên có một ai đó đã nói: “Tất cả những gì tốt đẹp đều kết thúc tốt đẹp”. Thế nên, trong đời sống đức tin, chúng ta cần có một sự khởi đầu tốt đẹp, chỉ có như thế và chỉ như thế, chúng ta mới có thể, có một kết thúc tốt đẹp, trong ngày Chúa quang lâm.

Vâng, rất dễ dàng cho một sự khởi đầu tốt đẹp. Đó là chúng ta “hãy đến nhà thờ”.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

Anh em hãy sám hối…

 “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (x.Mc 1, 15).

Chúa Nhật I – MC – B
Anh em hãy sám hối…

tbd 170224a


Ngày 14/02/2024 (vừa qua) là thứ Tư. Với người đời, đây là ngày Valentine. Nhưng với người Công Giáo, đó là ngày “Lễ Tro”. Lễ Tro, hay còn gọi là Thứ Tư Lễ Tro, là ngày khởi đầu cho Mùa Chay.

Mùa Chay, không tính các ngày Chúa Nhật, thường được kéo dài với khoảng thời gian 40 ngày, trước lễ Phục Sinh. Trọng tâm của mùa chay không chỉ là chay tịnh, nhưng còn là nhắc nhở chúng ta hướng về một thực tại, đó là “Mầu Nhiệm Vượt Qua”, về cái chết hy tế và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, mang lại ơn cứu độ cho muôn người.

Vào ngày Thứ Tư Lễ Tro, sau phần Phụng vụ Lời Chúa, hình ảnh từng đoàn người lặng lẽ tiến lên cung thánh, có thể nói, là hình ảnh mang lại cho chúng ta nhiều cảm xúc. Từng đoàn người tiến lên cung thánh một cách trang nghiêm, cúi đầu nhận tro qua bàn tay vị chủ tế, trong tiếng nhạc thâm trầm du dương, với những ca từ u uất nghẹn ngào: “Hỡi người! hãy nhớ mình là bụi tro… một mai người sẽ trở về bụi tro…”.

Tro sẽ được rắc lên đầu hoặc vẽ lên trán hình thánh giá, cho mỗi người tín hữu. Việc sử dụng tro đã xuất hiện từ thời Cựu Ước và được xem đó như là một dấu hiệu của sự sám hối.

Sách Giô-na có ghi, rằng: “Ông Giô-na bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố còn bốn mươi ngày nữa NiNive sẽ bị phá đổ. Dân Ninive tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninive, vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô và ngồi trên tro”.

Vâng, ăn chay và sám hối – sám hối và ăn chay cũng chính là điều Đức Giê-su đã thực hiện và mời gọi. Những sự việc này, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 1, 12-15).

**
Tin Mừng thánh Mác-cô tường thuật, rằng: Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Sa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.”

Thánh sử Mác-cô, không mô tả chi tiết về những cơn cám dỗ của Đức Giê-su. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể tin rằng, Đức Giêsu đã chiến thắng tất cả mọi mưu ma chước quỷ mà Sa-tan đã xuất chiêu để cám dỗ Ngài.

Chúng ta, chúng ta có thể tin, vì nếu Đức Giê-su sa vào chước cám dỗ của Satan, thì sẽ chẳng có chuyện “có các thiên sứ hầu hạ Người.” Thánh sử Mác-cô đã ghi lại rõ ràng, như thế.

Sau khi hoàn tất việc chay tịnh, Đức Giê-su rời hoang địa, với sức mạnh của Thần Khí, một sức mạnh đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tại sông Gio-dan: “Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.”

Tại đây, Ngài đã lớn tiếng mời gọi mọi người, rằng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (x.Mc 1, 15).

***
Đức Giê-su đã ăn chay. Hôm nay, bước vào mùa chay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay. Đức Giê-su ăn chay bốn mươi ngày. Ngày nay, Giáo Hội kêu gọi chúng ta ăn chay hai ngày. Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh.

Chỉ có hai ngày! Thế mà, có không ít người lại quên giữ chay! Có tệ lắm không? Thưa, có. Tệ hơn nữa, đó là có người ăn chay mà như thể không ăn chay. Họ “kiêng thịt” theo đúng luật Giáo Hội đề ra. Nhưng họ lại ăn những loại “thịt” không được xem là thịt bị cấm sử dụng, đại loại như: tôm hùm, cua biển, trai, sò, rùa những loại lưỡng cư v.v… mà ngày nay, chỉ có những người “khá giả” mới có tiền mua được.

Ăn chay theo kiểu đó, có đúng cách không? Thưa, không ít linh mục đã “phàn nàn” về cách ăn chay này.

Chúng ta ăn chay, hãy ăn chay đúng cách. Điều này, Giáo Hội dạy rồi. Những người ăn chay “không đúng cách”, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, có lời phán rằng: “Các ngươi lại ăn chay không đúng cách… (Ăn chay) như thế mà gọi là ăn chay, trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA?” (Is 58, …4…5).

Thiên Chúa, cũng qua môi miệng ngôn sứ Isaia, có lời truyền dạy, rằng: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích… là thế này: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc. Là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ. Thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục…” (Is 58, 6-8).

Có quá khó cho cách ăn chay này? Thưa, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, đừng quên, đó là cách “Chúa ưa thích”.

“Theo Điều 1252 của Bộ Giáo Luật hiện hành, luật ăn chay buộc tất cả mọi người Kitô hữu, từ tuổi thành niên (nghĩa là trọn 18 tuổi) cho đến khi bắt đầu được 60 tuổi (nghĩa là cho đến hết 59 tuổi).” (nguồn: internet).

“Ăn chay là hình thức đền tội của Cựu Ước và Tân Ước. Đối với chúng ta, chẳng ai là không phải đền tội, tội đầy đầu trong tư tưởng, lời nói, việc làm sai trái, thiếu sót bỏ không làm việc tốt phải làm… ‘lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng’. Do đó, nếu Giáo hội không buộc, thì tự mình cũng nên tìm cách hãm mình đền tội cách nhẹ ở đời này, hơn là để đền tội ‘cách nặng’ trong luyện ngục đời sau!”

Vâng, Linh mục Đoàn Quang, trong bài viết “Ăn Chay, Kiêng Thịt Trong Giáo Hội Công Giáo”, đã có lời khuyên dạy, như thế. Thế nên, vâng lời Giáo Hội, chúng ta hãy ăn chay. Và, nên ăn chay theo cách “Thiên Chúa ưa thích”.

****
Ngoài việc ăn chay, chúng ta còn phải sám hối. Đó là điều chúng ta được nghe Đức Giê-su mời gọi. (đã nêu trên).

Vâng, đừng nghĩ rằng, tôi chẳng làm gì gây ra tội lỗi, nên không cần ăn năn, tôi sống ăn-ngay-ở-lành, không làm gì nên tội vì thế cần “quái” gì phải sám hối!

Nghĩ như thế là một sai lầm lớn. Theo tiêu chuẩn con người, chúng ta có thể là người vô tội. Nhưng trước mặt Thiên Chúa thánh khiết, mọi người đều là tội nhân.

Hãy xét mình, có ai trong chúng ta mà không hơn một lần có những ý tưởng xấu, như: “ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, phóng đãng, hận thù, bất hòa, ganh tỵ, chia rẽ, bè phái, say sưa…”?!

Thánh Thần Chúa, qua môi miệng tông đồ Phaolô, đã nói rằng: “Vì mọi người đều đã phạm tội, mất hết sự vinh hiển của Thiên Chúa” (Roma 3, 23).

Vua David, một vị vua được xem là “vua thánh”, thế mà cũng đã diễn tả rõ nét thân phận “phàm nhân” đầy tội lụy của mình, như sau: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi. Đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51, 7).

Phải chăng đó chính là tội “nguyên tổ”! Người xưa, chẳng phải là đã có lời nói rằng: “Nguồn nước dơ bẩn dẫn đến một dòng sông dơ bẩn”, đó sao!

Vì thế, bốn mươi ngày chay thánh, không quá dài để chúng ta chần chờ, để chúng ta chậm chân trở về trong tâm tình sám hối.

Đức Giê-su đã nói, chúng ta biết rồi: “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Tin vào Tin Mừng là tin vào Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu. Một Thiên Chúa “không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống”. (Ed 33, 11).

Thật vậy, Thiên Chúa đã cứu vớt nhiều tội nhân, khi người ấy “ăn năn sám hối”. Lịch sử Cựu Ước, qua câu chuyện sa ngã của vua David, là một bằng chứng điển hình.

Vua David, dù đã “sa chước cám dỗ”, dù đã phạm tội tà dâm và sát nhân, nhưng, nhờ biết sám hối, nhận mình “đắc tội với Đức Chúa”, tình thương tha thứ của Thiên Chúa đã “bỏ qua tội của ngài, ngài không phải chết” (2Sm 12, 13).

Tin và cảm nhận được tình thương tha thứ của Thiên Chúa sẽ dứt dấy tâm hồn tội nhân sám hối. Và một khi người tội nhân thật sự sám hối, một sự thôi thúc mãnh liệt sẽ thúc đẩy người ấy thoát ra khỏi điều mà họ đã bị cám dỗ, để đứng lên trở về.

Người con thứ trong dụ ngôn “người cha nhân hậu” đã cảm nhận được điều đó và anh ta đã có một quyết định, đó là “đứng lên đi về cùng cha.” (x.Lc 15, 20).

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hôm nay, mùa chay năm nay, chúng ta đừng thờ ơ, phớt lờ lời mời gọi này. Hôm nay, chúng ta hãy “xé lòng” mình ra và hãy “nhét” lời mời này vào tâm lòng chúng ta. Bởi vì, Chúa Giê-su… Chúa Giê-su ưa thích điều này.

Thiên Chúa, Người đã làm tất cả. Người chờ đợi chúng ta đón nhận lời mời. Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Isaia, đã cho chúng ta biết rằng: dù tội chúng ta “có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẩm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1, 18).

Vấn đề còn lại, đó là, chúng ta sẽ sám hối và tin vào Tin Mừng? Thánh Cyprian có nói: “Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót (của) Thiên Chúa vẫn rộng mở”.

Vâng, vẫn rộng mở với lời mời gọi đầy lòng thương xót: “Anh em hãy sám hối.”

Petrus.tran

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

Lạy Chúa! Nếu Ngài muốn…

 “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.

Chúa Nhật VI TN - B
Lạy Chúa! Nếu Ngài muốn…

tbd 090224a


“Con hủi” hay “đồ hủi”… Đó là những từ ngữ người ta thường dùng để miệt thị đối với những ai bị bệnh phong hủi. Bệnh phong hủi, như chúng ta được biết, thuộc loại “tứ chứng nan y… thầy thuốc bỏ đi, trống kèn kéo tới”.

Người bị bệnh phong hủi da thịt thường phát nhọt và lở loét. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh là những vết biến màu trên da, không còn cảm giác nóng, lạnh và đau. Vết trên da có thể chỉ lốm đốm dăm ba chỗ và chứa rất ít vi khuẩn. Nhưng cũng có thể xuất hiện trên khắp cơ thể và đầy những vi khuẩn. Mặt người bệnh thường sần sùi từng cục nhỏ, mũi xẹp xuống khiến bệnh nhân có gương mặt của con sư tử.

Khi chuyển nặng vết thương lõm vào da thịt. Trên khuôn mặt, lông mày rụng kèm theo là mắt lộ ra, thanh quản bị lở nên giọng nói trở nên khàn khàn. Tình trạng mất cảm giác xuất hiện ở một vài bộ phận trên cơ thể do dây thần kinh bị nhiễm trùng. Các bắp thịt tiêu dần đi, gân cốt co làm cho hai bàn tay co lại. Ở mức độ nặng ngón tay và ngón chân rụng. (nguồn: internet).

Đối với người mắc bệnh phong, xã hội thời xưa thường xa lánh, kỳ thị. Đã có thời người bệnh phong phải chịu nhiều luật lệ khắt khe như: thả trôi sông, chôn sống, bỏ vào rừng cho thú dữ ăn thịt. Vì thế khi một ai đó mắc bệnh, chỉ có nước bỏ làng ra đi, ở lại cũng không ai chứa chấp, không ai dám bén mảng tới gần.

Do Thái giáo cũng có luật lệ riêng cho những người bệnh phong hủi. Những luật lệ đó cũng không kém phần khắc nghiệt. Khắc nghiệt ngay từ “khâu chẩn bệnh”. Nếu một người bị nhọt, lác, đốm, ung, phỏng, lang ben, sói đầu, v.v… mà các vết thương đó “cứ loang ra” trên cơ thể… “Tư tế sẽ tuyên bố người ấy là ô uế: đó là bệnh phong” (Lêvi 13,7).

Cũng theo luật Lê-vi: “Người mắc bệnh phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế! Ô uế! Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó ô uế; nó ô uế: nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại” (Lv 13, 45-46).

Ngoài luật lệ được ghi trong sách Lê-vi, “Giới lãnh đạo Do Thái giáo còn đặt thêm luật về bệnh phong hủi. Với những điều luật này, cuộc sống của người bệnh đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Chẳng hạn, luật lệ của giới ráp-bi cấm bất kỳ ai đến gần người phong hủi trong vòng 4 cu-bít tức là khoảng 2m. Nhưng nếu đang có gió, không ai được đến gần trong vòng 100 cu-bít, khoảng 45m.” (nguồn: internet).

Dựa vào luật, người phong hủi phải sống “bên ngoài trại”. Thế nên, một số chuyên gia luật Do Thái áp dụng rất khắt khe, đó là những người phong hủi không được sống trong các thành có tường thành. Vì vậy, khi thấy một người phong hủi trong thành, một ráp-bi sẽ ném đá vào người đó và nói: “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”.

Vâng, vào thời Đức Giê-su còn tại thế, Kinh Thánh cho chúng ta biết có rất nhiều người phong hủi tìm đến Ngài. Thế nhưng, thay vì ném đá họ và nói “Hãy trở về chỗ ngươi ở, đừng làm ô uế người khác”, thì Ngài lại cứu chữa họ. Câu chuyện “Đức Giê-su chữa người bị phong hủi”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như một điển hình. (Mc 1, 40-45).

**
Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, rằng: Sau khi âm thầm rời Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng. Khi Người và các môn đệ đang “từng bước từng bước thầm”, bất ngờ, “có một người bị phong hủi đến gặp Người”.

Vâng, không thể tin được về sự liều lĩnh của người phong hủi này. Tại sao? Thưa, vì theo luật Do Thái thời bấy giờ, ít nhất, người phong hủi phải có một cái chuông. Để làm gì? Thưa, để lắc vang lên báo hiệu rằng, có người hủi quanh đó. Hoặc phải la lên “ô uế! ô uế!” để mọi người tránh xa, không đến quá gần ông ta vì rất có thể sẽ lây bệnh. Đó là luật. Luật Lê-vi.

Thế nhưng, hôm ấy người phong cùi này, đã bất chấp lề luật. Lề luật buộc anh phải ra khỏi cộng đồng, nhưng lề luật có đề cập đến việc “làm thế nào anh ta sẽ được chữa lành”, đâu!?

Hôm nay, nguồn hy vọng của anh là Giê-su người Na-da-rét. Đấng mà anh (có phần chắc là) đã nghe rằng, “Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt; và Người đã chữa khỏi”. Đấng đó chẳng phải là đến từ trời sao! Đấng đó há chẳng phải là Đấng duy nhất, anh đang cần đến hay sao! Vậy cớ gì anh không dành cho chính mình, một cơ hội!

Thế nên, như đã nói ở trên, anh ta đến gặp Đức Giê-su. Sau khi đến gần Đức Giê-su, người phong hủi sấp mình trước mặt Ngài. Với hành động này, một nhà truyền giáo có lời chia sẻ, rằng: “Quì gối, sấp mặt sát đất, trước Đức Giê-su là những động tác bày tỏ sự tôn kính tột cùng đối với Ngài. Quì gối, sấp mặt sát đất là chuỗi hành động thờ phượng: Nói đến sự thờ phượng của một người Israel như anh ta, là nói đến thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều nầy cũng có nghĩa rằng: Thờ phượng Đức Giê-su chính là thờ phượng Đức Chúa Trời.”

Nhà chú giải kinh thánh Barclay giải thích chỗ nầy rất hay: “Người phung nầy không thể thổ lộ với ai suy nghĩ của mình về Đức Giê-su, nhưng anh biết: đứng trước Giê-su là anh đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Không cần phải trình bày điều này bằng ngôn ngữ thần học hay triết học, mà chỉ cần đứng trước Đức Giê-su đủ khiến chúng ta thấy mình đối diện với tình yêu và quyền phép của Đức Chúa Trời cao cả.” (nguồn: internet).

Đúng vậy, hôm ấy, tình yêu và quyền phép Đức Chúa Trời, đã được thể hiện qua Đức Giê-su, sau khi người bịnh phong lớn tiếng van xin, xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.

Và, Đức Giê-su “đã muốn”. Ngài đã “chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: Tôi muốn, anh sạch đi.” Câu chuyện kể tiếp rằng “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch”.

***
Đức Giê-su đã “giơ tay đụng vào anh ta”. Phải chăng đây là một cử chỉ, một hành động, phá luật, luật tiếp xúc với người phong? Thưa không, Đức Giê-su không phá luật. Hãy nhìn xem, sau khi chữa lành chàng hủi, chẳng phải Đức Giêsu đã bảo anh ta “thực thi luật”, rằng “hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môse đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”, đó sao!

Khi đặt tay lên chàng hủi, Đức Giê-su muốn gửi đến con người một thông điệp, thông điệp rằng: không có điều gì có thể ngăn cách con người với Thiên Chúa, kể cả tội lỗi. Theo quan niệm Do Thái giáo: người hủi là người tội lỗi.

Mà, dù cho tội của con người “dẫu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông”. Vâng, ĐỨC CHÚA (đã) phán như thế, cùng với lời mời gọi: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận.” (Is 1, 18).

Đặt tay lên chàng hủi, Đức Giêsu đã kiện toàn một điều luật – luật yêu thương – một đạo luật cần thực hiện khi thực hiện “mục vụ giao hòa”, là đặt tay vào tội nhân, là nói với tội nhân, rằng: “cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.

“Đối với Đức Giê-su, không có luật nào lớn hơn luật tình yêu. Chẳng có điều gì bó buộc được Ngài ngoại trừ tình yêu thương. Lòng thương xót chính là động lực thúc đẩy Ngài “giơ tay đụng vào” thân thể lở lói của người phung.

Giơ-tay-đụng-vào-người-phung, Đức Giê-su đã mang lấy sự ô uế của người phung, như có lời Kinh Thánh chép, rằng: ‘Thật người đã mang lấy sự đau ốm của chúng ta, đã gánh lấy sự buồn bực của chúng ta’ (Is 53, 4).

Người bị phong hủi, kể từ khi bị bệnh, chưa bao giờ chạm vào bàn tay của một con người lành. Nhưng hôm nay, anh ta đã được chạm, không chỉ là bàn tay một người lành, nhưng chính là bàn tay của Đức Chúa Trời.

Giờ phút tay Đức Giê-su chạm đến anh ta, là giờ phút anh ta sống lại trong sự kết hợp với con người. Bàn tay đó, lại chính là bàn tay của đấng EMMANUEL – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Do vậy, sự kết hợp ấy khiến anh không chỉ sống lại trong mối tương quan với con người, mà anh còn được sống với chính Thiên Chúa hằng sống.” (nguồn: internet).

****
Vâng, trên đây là một vài lời chia sẻ (đóng trong ngoặc kép) của một blogger, và cũng là một con cái của Chúa. Có thể nói, đó là những lời chia sẻ đáng để chúng ta xem đó như là “nguồn cảm hứng”, một nguồn cảm hứng tìm-đến-gặp-Chúa để Ngài “giơ tay đụng vào mình”, chăng!

Đúng! Có thể! Có thể là bởi… có thể chúng ta không bị phong hủi thể xác. Thế nhưng, có ai dám chắc mình không bị phong hủi tâm hồn?

Thì đây, những con vi khuẩn “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, tị hiềm, chia rẻ, bè phái, ganh tị, say sưa”, chẳng phải là vẫn luôn tìm cách xâm nhập vào đôi mắt, đôi tai, môi miệng chúng ta, ngõ hầu làm phong hủi tâm hồn chúng ta, đó sao?

Mà, ai… ai trong chúng ta, cách này cách khác, lại không hơn một lần “nhiễm” phải những con vi khuẩn nêu trên? Cho nên, thật cần thiết để chúng ta có được nguồn-cảm-hứng tìm đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con được sạch.”

Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn đang ở đó, vẫn đang hiện diện ở những ngôi làng mang tên “nhà thờ” để chờ đón chúng ta. Chờ chúng ta “đến gặp Ngài”.

Nếu chúng ta đến gặp Ngài và cầu xin! Có phần chắc, Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta rằng: “Hãy đi trình diện với các tư tế”.

Vị tư tế của hôm nay là ai ư! Thưa, chính là các vị linh mục. Với quyền thay mặt Đức Giêsu Kitô ban “Bí Tích Giao Hòa”, vị “Tư tế-Linh Mục” sẽ chữa sạch bệnh-phong-tâm-hồn cho chúng ta. Đức tin, với việc đã nhận lãnh Bí Tích rửa tội, cho phép chúng ta tin rằng, Đức Giêsu, qua các vị linh mục, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta rằng “Tôi muốn. (bệnh phong tâm hồn) của con được sạch”.

Chúng ta cầu xin cho mình được sạch. Nhưng, chẳng lẽ chúng ta không cầu xin cho mình “miễn nhiễm” sao!

Thế nên, chúng ta còn phải tìm đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho con, gia đình chúng con, con em chúng con, v.v… miễn nhiễm…”

Còn nữa! Chúng ta còn phải tìm đến với Chúa Giêsu mà nói với Ngài rằng: “Lạy Chúa, Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho các vị Giám Mục, Linh Mục của chúng con, miễn nhiễm…”

Lời cầu xin này, có phần chắc, rất hợp ý Chúa. Bởi vì, các Giám Mục, Linh mục là ai, nếu không phải là Đức Kitô Thứ Hai (Alter Christus)!

Chúng ta phải đến gặp Ngài và cầu xin. Có phần chắc, Đức Giê-su sẽ nói với chúng ta rằng: “Ta muốn!”.

Vâng, Ngài sẽ nói: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế! Thích được các ngươi nhận biết hơn của lễ toàn thiêu” (Hs 6, 6). Ngài muốn chúng ta “Làm theo ý muốn của Cha (Ngài) ở trên trời mà thôi”.

Chỉ có như thế, và chỉ nhờ thế, chúng ta mới có thể “miễn nhiễm” với những con vi khuẩn (nêu trên), mà thôi. Bởi vì, đó là “công thức” Đức Giê-su chữa người bị phong hủi, thời nay.

Chúng ta có thể chối bỏ Đức Giê-su, nhưng chẳng bao giờ có thể chối bỏ chứng cớ về quyền phép mà Đức Giê-su đã thực hiện trên con người.

Thế nên, hãy tìm đến Chúa cùng với lời nguyện xin, xin rằng: “Lạy Chúa, nếu Ngài muốn, Ngài có thể gìn giữ đời con.”

Petrus.tran

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2024

Hãy sống như Đức Giê-su.

 “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, (Đức Giê-su) đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Chúa Nhật V – TN – B
Hãy sống như Đức Giê-su

tbd 030224a


Trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Cô-rin-tô, thánh Phao-lô có lời khuyến cáo rằng: “Thưa anh em, tôi xin nói với anh em điều này, thời gian chẳng còn bao lâu… Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1Cor 7, 29…31).

Có thể nói, lời khuyên này như một tín hiệu cảnh báo về một ngày Chúa sẽ quang lâm. Mà, ngày Chúa sẽ quang lâm đó là một sự thật. Và, sự thật này đã được chúng ta tuyên xưng, rằng: Đức Giê-su “sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.”

Đức Giê-su sẽ trở lại và nếu đó là ngày mai, chúng ta sẽ làm gì? Nói cách khác, chúng ta sẽ làm gì, nếu chỉ còn một ngày để sống!
Vâng, một bạn trẻ thuộc giáo xứ Đồng Chiêm, trong bài chia sẻ: “nếu chỉ còn một ngày để sống”, có lời ưu tư rằng: “Sẽ là một ngày không như mọi ngày. Không đủ thời gian để nói lời cảm ơn. Không đủ thời gian để nói lời xin lỗi. Không đủ thời gian để nói lời chia tay. Không đủ thời gian để làm những gì mình muốn. Không đủ thời gian để yêu nhiều hơn. Không đủ thời gian để bớt giận hờn…” (nguồn: tonggiaophanhanoi).

Với nhạc sĩ Hoài An, ông có lời tâm tình, rằng: “Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha… Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người cho tôi một khúc kinh cầu. Để tôi thương êm ấm môi cười. Cho con tôi bước đời yên vui.”

Sau, sau những lời kể lể: “Nếu chỉ còn một ngày để sống…” Ông Hoài An cất lên những lời thổn thức: “Làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người… Làm sao ta chuộc hết lỗi lầm. Làm sao ta thanh thản tâm hồn. Xuôi đôi tay đi giữa hừng đông.”
Cuối cùng, ông ta ao ước, ước rằng: “Cho tôi như bóng mây, lang thang qua cõi mây. Cho tôi được ngắm sao trên trời, giữa hương đồng cỏ nội. Cho tôi như khúc ca, bay đi xa rất xa. Cho tôi được cảm ơn cuộc đời, cảm ơn mọi người. Cho tôi được sống trong tim người, bằng những lời ca.”

Cho tôi được… Cho tôi như… được như... thế thôi sao!

Vâng, những ưu tư và tâm tình của hai nhân vật nêu trên, có lẽ cũng là những ưu tư và tâm tình thường tình, của con người ở thế gian này. Nơi, mà con người luôn quy hướng về thân phận của chính mình.

Là một Ki-tô hữu, nếu chỉ còn một ngày để sống, ta sẽ làm gì? Phải chăng là, hãy sống cho ngày đó một cách tích cực. Sống không phải cho chính bản thân mình, nhưng là cho tha nhân, và đừng quên quy hướng về Thiên Chúa!

Đúng vậy. Phải, phải sống cho tha nhân và quy hướng về Thiên Chúa, vì đó chính là điều được Đức Giê-su thể hiện “mỗi ngày trong đời” của mình. Câu chuyện Đức Giê-su “chữa nhạc mẫu ông Si-môn (đồng thời) chữa cho nhiều người (khác nữa)”, và được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như là điển hình. (Mc 1, 29-39).

**
Chuyện được kể rằng: “Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê.” Ngoài hai ông này ra, “Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo.”

Cuộc viếng thăm này là một sự tình cờ hay đã có chủ ý? Thưa, không thấy thánh sử Mác-cô nói gì. Chỉ thấy rằng, nhờ cuộc thăm viếng này, gia đình hai ông Si-môn và An-rê được Thầy Giê-su ban cho một ơn phước.

Chuyện là thế này. Hôm ấy, “bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường.” Và khi thấy Đức Giêsu vào nhà, thân nhân của ông Simôn không bỏ lỡ cơ hội: “Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà”. Nghe thế, Đức Giê-su, “…lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy…”

Chỉ đỡ dậy thôi! Lạ thay! “cơn sốt dứt ngay…” Người ta thấy “bà mẹ vợ ông Simon” đi lại như chưa hề bị cơn sốt hành hạ. Bà ta lại còn lăng xăng lui tới “phục vụ các ngài”.

Đức Giê-su đã hướng về tha nhân. Tha nhân hôm ấy là “nhạc mẫu ông Si-môn”. Nói theo ngôn ngữ Công Giáo, hôm ấy: Ngài đã “viếng kẻ liệt”.

Chưa hết, Đức Giê-su còn hướng về tất cả những ai tìm đến mình. Cũng ngày hôm ấy, chuyện kể tiếp rằng: “Chiều đến… người ta đem mọi kẻ đau ốm và những ai bị quỷ ám đến cho Người”.

Hôm ấy, tuy lúc đó “mặt trời đã lặn” thế mà không hiểu tại sao lại xảy ra hiện tượng “cả thành xúm lại trước cửa”. Xúm lại trước cửa để làm gì? Thưa, thì ra… thì ra để xem Đức Giê-su tiếp tục, tiếp tục “chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ...” (x.Mc 1, 34).

Sáng hôm sau. Thánh sử Mác-cô cho biết: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, (Đức Giê-su) đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Vâng, câu chuyện trong Tin Mừng không cho biết Đức Giê-su cầu nguyện điều gì. Nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng: Ngài tạ ơn cho một ngày đã làm việc, đã thực thi sứ vụ của mình một cách trọn hảo. Ngài cầu nguyện cho những sứ vụ tiếp theo, những sứ vụ ở “các làng xã chung quanh”, như lời Ngài đã nói với các môn đệ mình, rằng: “Thầy ra đi cốt để làm các việc đó.”

Qua lời thánh sử Mác-cô ghi lại, chúng ta được biết: “Đức Giê-su (đã) đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường… và trừ quỷ.”

***
Những gì Đức Giê-su đã làm “mỗi ngày trong đời” của mình, là thế đó! Là cầu nguyện, thăm viếng, và rao giảng Tin Mừng. Thánh Phao-lô, người đã từng bắt bớ các Ki-tô hữu, nhưng khi trở lại, đã thấm đậm dấu ấn mỗi-ngày-trong-đời của Đức Giê-su. Đó là dấu ấn “cầu nguyện, thăm viếng và rao giảng Tin Mừng.”

Trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corinto, ngài Phao-lô đã có lời rằng: “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.’ (1Cor 9, 16).

“Thế còn chúng ta thì sao!” Lm.Charles E. Miller đã đặt câu hỏi như thế đấy! Ngài Lm. còn hỏi tiếp rằng: “Chúng ta có thể giống như Đức Giê-su trong việc thi hành bổn phận của mình, đối với ơn gọi trong cuộc sống, bất luận ơn đó là gì, chăng?”

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng, nếu đã là một Ki-tô hữu, “cầu nguyện, thăm viếng và rao giảng Tin Mừng” phải là dấu ấn được đóng ấn trong tâm hồn chúng ta.

Hãy nhớ rằng, việc cầu nguyện của ta không đem lại cho Thiên Chúa điều gì cả, trái lại, nó đem lại cho ta nhiều ơn ích. Ơn ích đầu tiên, đó chính là “sự bình an”.

Thánh Phao-lô có sự trải nghiệm này, và ngài đã chia sẻ cho cộng đoàn Phi-lip-phê, lời chia sẻ rằng: “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô” (x.Pl 4, 6-7).

Nói tới sự thăm viếng. Vâng, đây không phải là một việc quá khó để chúng ta thực hiện. Chỉ cần có một tâm hồn tràn đầy tình yêu thương, chúng ta sẽ không ngần ngại: ra đi, đi để tìm… tìm an ủi người… tìm hiểu biết người… tìm yêu mến người v.v… Chỉ cần có một tấm lòng bao dung, chúng ta đủ dũng cảm thực hiện sứ vụ “Đem an hòa vào nơi tranh chấp.”

Cuối cùng, đó là “ra đi rao giảng Tin Mừng”. Danh hiệu Ki-tô hữu của chúng ta sẽ là “hữu danh vô thực”, nếu chúng ta không theo gương Đức Giê-su “đến các làng xã chung quanh… để rao giảng tại đó”.

Đừng nghĩ rằng, “đến các làng xã chung quanh”, là phải đến xã Qui Đức, xã Hưng Long, xã Tân Kiên, xã Bình Chánh v.v... Làng-xã-xung-quanh chính là gia đình, là hàng xóm láng giềng, là nơi ta làm việc, là những người mà ta gặp gỡ hàng ngày.

Đừng nghĩ rằng chúng ta phải “rao giảng” bằng những lời lẽ cao siêu, những lời lẽ mà chỉ có những thần học gia, những lý luận gia mới có thể thực hiện được.

Chỉ cần… chỉ cần sống một đời sống tốt lành, một đời sống “mến Chúa – yêu người”, một đời sống như một tấm gương sáng, trước bàn dân thiên hạ. Bởi, như người ta thường nói: “Lời nói như gió lung lay, gương bày như tay lôi kéo”.

“Không rao giảng Tin Mừng, chúng ta chỉ là một Ki-tô hữu bại liệt”. Lm Đa minh Nguyễn Đức Thông DCCT, đã có lời khuyến cáo như thế. Thế nên, để không nằm trong danh sách những kẻ bại liệt, chúng ta phải thấm đậm dấu ấn mỗi-ngày-trong-đời của Đức Giê-su. Đó là dấu ấn “cầu nguyện, thăm viếng và rao giảng Tin Mừng.”

Nói tắt một lời: Hãy sống như Đức Giê-su.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...