Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

Tin Chúa… phải chạm vào Chúa

 Đức Giê-su bảo ông Gia-ia rằng: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Chúa Nhật XIII – TN – B
Tin Chúa… phải chạm vào Chúa

tbd 290624a


Theo các nhà chú giải Kinh Thánh nhận định, trong bốn thánh sử viết Tin Mừng: Matthêu, Máccô, Luca và Gioan, khi viết về Đức Giê-su, mỗi vị đều có một cách viết đặc trưng riêng, của mình.

Tuy nhiên, cho dù mỗi thánh sử mỗi người một vẻ, mỗi người một cách, nhưng tựu trung các vị đều diễn tả Ngài như một nhân vật “thấu hiểu và cảm thông các nhu cầu của nhân loại”. Vâng, Lm. Charles E.Miller đã không ngần ngại có lời nhận định như thế.

Đúng vậy! Đúng là vậy, trong một sự kiện tại Ca-na. Sự kiện này được thánh sử Gio-an kể lại, như sau: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.” (Ga 2, 1-2).

Hôm ấy, tiệc đang vui thì thân mẫu Đức Maria “thấy thiếu rượu”. Thân mẫu Đức Giê-su liền nói với Người: “Họ hết rượu rồi”. Nghe thế, Đức Giê-su, làm gì nhỉ! Thưa, Ngài nói: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?”

Nghe… nghe thoáng qua có vẻ như Đức Giê-su phớt lờ “nhu cầu của nhà đám” thì phải! Nhưng, sự thật lại không là vậy! Ngài đã “thấu hiểu và cảm thông nhu cầu của nhà đám”. Hôm ấy, tại nhà đám “có sáu chum đá”, Đức Giê-su nói với gia nhân “các anh đổ đầy nước vào chum đi. Và họ đã đổ đầy tới miệng”.

Rồi sao nhỉ! Thưa, khi gia nhân “múc và đem cho ông quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu”. Đấy! đấy chẳng phải Đức Giê-su đã “thấu hiểu và cảm thông các nhu cầu của nhân loại”, đó sao!

Thấu-hiểu-và-cảm-thông, thế nên, một lần nọ, khi “Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6,34).

Chưa hết, với nỗi lòng của Đấng “đến để chiên được sống”, không ít lần Ngài còn cứu chữa họ khỏi những “ốm đau, bệnh hoạn tật nguyền”. Và, ngay cả những người đã chết, Đức Giê-su cũng đã làm cho kẻ đó “sống lại”.

Câu chuyện “Đức Giê-su chữa một người bị băng huyết và cho con gái ông Gia-ia sống lại”, được ghi trong Tin Mừng thánh Mác-cô, như điển hình. (x.Mc 5, 21-43).

**
Chuyện kể rằng: Hôm ấy, “Đức Giêsu xuống thuyền, lại trở sang bờ bên kia”. Lại-trở-sang-bờ-bên-kia, có nghĩa là trước đó, Ngài ở “bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa”.

Hôm ấy, hôm Đức Giê-su ở bên vùng đất của dân Ghê-ra-sa, Ngài đã chữa lành một người “bị thần ô uế ám”. Người này “đã bị (cả) một đạo binh quỷ nhập vào”. Và, khi Ngài lớn tiếng phán rằng: “Thần ô uế kia, xuất khỏi ngươi này”. Vâng, “chúng (liền) xuất khỏi người đó” (Mc 5, 13).

Còn hôm nay! Thưa, trong lúc Đức Giê-su “đang ở trên bờ Biển Hồ”. Từ xa xa “có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới.” (x.Mc 5, 22).

Ông Gia-ia đi tới Biển Hồ để làm gì? Thưa, rất có thể ông ta tìm Đức Giê-su. Rất, rất có thể tiếng đồn về một ông Giê-su đã chữa lành một người “bị quỷ ám” từ bờ-bên-kia-Biển-Hồ vang vọng sang bờ-bên-này-Biển-Hồ, đã “vang” đến tai ông!

Mà nào chỉ có thế thôi đâu! Còn đó là tiếng “rao truyền” của kẻ trước kia đã bị quỷ ám được rao “(khắp) miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh (ta)” (Mc 5, 20).

Vâng, tất cả những lý lẽ nêu trên rất thuyết phục. Sự thuyết phục đó đã được minh chứng khi “Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta liền sụp xuống dưới chân Người.”

Sụp xuống chân Đức Giê-su, ông ta liền “khẩn khoản nài xin: Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống.” (Mc 5, 23).

Đức Giê-su nghe thế, chuyện kể tiếp rằng: “Người liền ra đi với ông.” Theo lời tường thuật của thánh sử Mác-cô: “Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.”

***
Tiếng “rao truyền” của kẻ trước kia đã bị quỷ ám về “tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh (ta)”, không chỉ “vang” đến ông trưởng hội đường Gia-ia, mà còn “vọng” đến một người đàn bà.

Người đàn bà này “bị băng huyết đã mười hai năm”. Bà ta “bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều lần đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác.”

Hôm ấy, “Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà tiến qua đám đông tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người.”

Tại sao lại “sờ vào áo của Người”, mà không nói với Đức Giê-su, theo cách ông Gia-ia vừa mới nói: “Xin Ngài đặt tay lên con, để con được khỏi”? Thưa, không nói không có nghĩa là bà ta không tin vào quyền năng của Đức Giê-su. Trái lại, bà ta có một lòng tin rất mãnh liệt.

Mà, đúng vậy! Hôm ấy, khi sờ vào áo Đức Giê-su, cùng lúc đó, với một lòng tin mãnh liệt, bà ta tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu”.

Quả đúng như bà ta ao ước. Hôm đó, sau khi “sờ vào áo” Đức Giê-su, “tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh” (x.Mc 5, 29).

Sau cái chạm, tuy rất nhẹ nhàng của bà ta, Đức Giê-su “thấy một năng lực từ nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông và hỏi: Ai đã sờ vào áo tôi?”.

“Một đám đông”, như đã nói ở trên, “đi theo và chen lấn Người” thì làm sao biết được “Ai-đã-sờ-vào-áo-tôi?” Vâng, các môn đệ đã thật thà đáp lời Đức Giê-su, như thế.

Đức Giê-su không phản ứng trước câu trả lời của các môn đệ. Ngài “ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó”.

Ngó quanh hay nhìn quanh, đó là một hành động để tâm đến, để ý đến, quan tâm đến. Vâng, Đức Giê-su đã ngó quanh. Khi ngó quanh và nhận ra người đã “sờ vào áo” của mình, Ngài “ngó hoài” người đó.

Mà, “ngó hoài” thì sao! Thưa, “Trời sinh con mắt là gương, người ghét ngó ít, người thương ngó hoài.” (ca dao). Vì “chạnh lòng thương” Đức Giê-su ngó bà ta “hoài”.

Ấy thế mà, thế mà, cái ngó này đã làm người đàn bà “Sợ phát run lên…” Bà ta lo lắng “vì biết cái gì đã xảy đến cho mình”. Trong nỗi sợ hãi và lo lắng, bà ta đến… “đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người”.

Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời truyền dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (x.Mt 7, 7).

Hôm ấy, người đàn bà bị bệnh băng huyết “đã tìm”, tìm-đến-phía-sau-Người, rồi bà ta “đã gõ” gõ-vào-áo-của-Người. Mà, Người là Đấng thánh tín. Thế nên, Người đã nói với bà ta, rằng: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.

Chứng kiến trước một phép lạ “vô tiền khoáng hậu”, ông trưởng hội đường chắc hẳn phải có rất nhiều hy vọng rằng, Đức Giê-su sẽ cứu “con bé nhà ông”.

Đáng tiếc thay! Chuyện kể rằng: “Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: “Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?”

Đó, đó là một “Tin Buồn”. “Sợ và Buồn!”. Trước 30/04/1975, lúc còn chiến tranh, có không ít người cha, người mẹ, người vợ… đã rất sợ và rất buồn. Sợ và buồn khi có một chiếc xe “jeep” lao đậu trước cửa nhà mình, một người lính bước xuống, vào nhà và trân trọng thông báo: Chúng tôi rất tiếc phải báo tin cho ông, cho bà, cho chị… rằng: con ông, con bà, con chị đã hy sinh ngoài mặt trận. Kèm theo đó là một vài kỷ vật của người đã chết, và một tờ giấy báo tử.

Tâm trạng của ông Gia-ia, hôm ấy, có như thế không! Thưa, thánh sử Mác-cô không cho biết. Thế nhưng, chúng ta được biết, Đức Giê-su bảo ông Gia-ia rằng: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi.”

Chỉ cần tin thôi! Vâng, Đức Giê-su khẳng định như thế. Ngài đã “không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an”. Thầy và ba vị môn đệ tiếp tục đi đến nhà ông Gia-ia. Rồi, khi đến nhà ông trưởng hội đường, quả đúng là “người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ”.

Nhìn khung cảnh “Ánh đèn vàng heo hắt, khói trầm cay đôi mắt, em nằm đó sao thôi cười thôi nói. Dáng buồn còn vương nét, mắt huyền giờ đã khép, em nằm đó như đang mơ mộng gì…” (Dona Dona), đúng… đúng là một khung cảnh thật não lòng!

Não lòng thật đấy! Dù vậy, Đức Giê-su vẫn nói với mọi người rằng: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”

Nó ngủ đấy! Vì ngủ, nó mới “mơ mộng”, không thấy vậy sao! Vâng, đó là tôi (người viết) nghĩ như thế. Chứ, hôm ấy, hầu hết ai ai cũng “chế nhạo Người”.

Ngạn ngữ La-Mã (nếu tôi không lầm) có lời rằng: “Chó sủa mặc chó, lạc đà cứ đi qua”. Hôm ấy, mặc cho người ta chế nhạo, Đức Giê-su “dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: ‘Ta-li-ta-kum’ nghĩa là: ‘Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!’. Lập tức con bé đứng dậy và đi lại (như một người đang sống)”. (Mc 5, 41-42).

Chứng kiến phép lạ cải tử hoàn sinh, “lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ”. Vâng, con bé hồi ấy “đã mười hai tuổi”. Thật trùng hợp với năm Đức Giê-su cũng mười hai tuổi, năm đó, Ngài cũng đã làm cho các thầy dạy trong Đền Thờ phải “kinh ngạc về trí thông minh và những lời đối đáp của (mình)”.

“Cho con bé ăn (đi).” Đức Giê-su đã bảo người nhà ông Gia-ia, như thế. Ngài “nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy”.

****
Như đã nói ở trên, câu chuyện này được trích trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

Qua bài Tin Mừng, Lm.Charles E. Miller có lời chia sẻ, rằng: “Câu chuyện Phúc Âm hôm nay cho thấy Chúa Giê-su luôn dành thì giờ cho mọi người, cả người ‘quan trọng’ như Gia-ia là một ông trưởng hội đường, lẫn kẻ đã ‘tán gia bại sản’ như người phụ nữ băng huyết vốn chẳng được ai coi trọng, mà cái tên của bà ta, ngay cả thánh Mác-cô, cũng không biết.”

Đúng, Đức Giê-su là thế đấy. Một lần nọ, Ngài đã chẳng từng tuyên bố, rằng: “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi… vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”, đó sao!

Hai vị, Gia-ia và người phụ nữ băng huyết, đã “tìm đến cùng Giê-su”. Họ đến cùng Giê-su và họ đã tin rằng, có Giê-su, “ách” của họ sẽ “êm ái”, gánh của họ sẽ “nhẹ nhàng”.

Gia-ia chưa thấy “con bé nhà ông” sẽ được Đức Giê-su “cứu thoát và được sống” nhưng ông vẫn tin. Điều này, dạy cho chúng ta bài học rằng: người tin là người “không thấy”, và phần thưởng cho người tin là “thấy” những gì họ tin.

Còn người phụ nữ băng huyết thì sao? Thưa, bà ta, nói theo cách nói ngày nay, đó là: “biến tư tưởng thành hành động”. Điều bà tự nhủ: sờ được vào áo của Đức Giê-su thôi, là sẽ được cứu”, đã được bà biến thành hành động “sờ vào áo của Người.” Kết quả, chúng ta biết rồi: “Tức khắc máu cầm lại.”

Điều bà ta đã làm, nên chăng, hãy xem đó như là “nguồn cảm cảm hứng” để chúng ta tìm-và-gặp Đức Giê-su, gặp để “chạm vào Ngài”!

Vâng, nói tắt một lời, Gia-ia và người phụ nữ băng huyết, chính là “mẫu mực” cho đời sống đức tin của mỗi chúng ta.

*****
Ngày nay, con người được thừa hưởng một nền y học tiến bộ. Những căn bệnh liên quan đến thể lý, trước kia được cho là nan y, nay đã có thể chữa khỏi, nếu được phát hiện sớm. Với căn bệnh băng huyết, chỉ cần một cuộc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ không còn phải khổ sở về nó nữa.

Tuy nhiên, cho dù y học có tiến bộ đến mức có thể ghép tim, ghép thận, v.v… thì cũng không thể ghép được “sự sống đời đời”, điều mà không ai trên thế giới này lại không mong muốn.

Là một Ki-tô hữu, tất nhiên chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời. Tuy nhiên, được thừa hưởng không có nghĩa là chúng ta sẽ không mất quyền thừa hưởng.

Chúng ta sẽ mất quyền thừa hưởng khi chúng ta nhiễm phải những con virus “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép”. Những con virus này sẽ làm chúng ta “băng huyết” sự bình an, lòng trung tín, sự tiết độ.

Chúng ta sẽ mất quyền thừa hưởng khi chúng ta nhiễm phải những con virus “hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa chè chén”. Những con virus này sẽ làm “băng hoại” lòng bác ái, sự nhân hậu, tính từ tâm, tính hiền hòa của chúng ta.

Thánh Phao-lô nói, những ai nhiễm phải những con virus nêu trên, người đó “sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa”. Không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa, có nghĩa là không được thừa hưởng sự sống đời đời. Nhớ nha!

Người xưa có nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Thế nên, chúng ta rất cần những phút hồi tâm để xem lại tâm hồn mình có bị những con virus nêu trên xâm nhập hay chưa!

Không quá khó để tìm ra và tiêu diệt những con virus độc hại đó. Đó là, hãy dùng phần, không phải phần mềm Kaspersky, nhưng là phần mềm “Lời Chúa”.

Phần mềm Lời Chúa là một loại phần mềm “…hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (x.Dt 4, 12).

“Phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” có phần chắc sẽ tìm ra ai là người bị nhiễm những con virus nêu trên, ai là người không nhiễm.

Cuối cùng, khi chiếc “computer tâm hồn” của chúng ta đã được cài đặt phần mềm Lời Chúa, hãy tin Thánh Thần Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta đến với Bàn Tiệc Thánh. Đến để “chạm vào Chúa”.

Chúng ta nói tôi tin Chúa, chưa đủ. Chúng ta còn phải chạm vào Chúa. Nói tắt một lời: “Tin Chúa… phải chạm vào Chúa”.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con

 “Người này là ai, mà cả gió và biển cũng tuân lệnh?”

Chúa Nhật XII – TN – B
Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con

tbd 210624a

 

Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Dân Do Thái thời Cựu Ước luôn xác tín điều này. Kinh Thánh Cựu Ước có lời chép rằng: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên.” (Tv 115, 3).

Với chúng ta, là một Ki-tô hữu, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình.”

Lời tuyên xưng của chúng ta không phải là lời tuyên xưng mơ hồ, nhưng đã được đóng ấn, dấu ấn của “Đức Giê-su Ki-tô – Con Một Thiên Chúa”.

Qua Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta được thấy quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Nơi Đức Giê-su Ki-tô, Kinh Thánh cho chúng ta biết, Ngài có quyền năng trên ma quỷ, trên con người, và trên cả thiên nhiên nữa.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, một lần nọ, Đức Giê-su đã thể hiện quyền năng của mình trên thiên nhiên. Sự kiện này đã làm cho các môn đệ của Ngài vừa kinh ngạc, vừa “hoảng sợ”. Tin Mừng thánh Mác-cô đã ghi lại rất chi tiết sự kiện này, với tiêu đề: “Đức Giê-su dẹp yên sóng gió”. (Mc 4, 35-41).

**
Vâng, theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại: “Hôm ấy, khi chiều xuống, Đức Giê-su nói với các môn đệ: Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Tuân theo lệnh truyền của Thầy Giê-su: “các ông chở Người đi”. Chiều hôm ấy, không chỉ có Thầy và trò sang-bờ-bên-kia, mà còn “có những thuyền khác cùng theo Người.”

Những thuyền khác theo Đức Giê-su để làm gì! Thưa, thánh sử Mác-cô không nói lý do. Nhưng chúng ta có thể đoán, rằng: Họ muốn gặp Ngài. Gặp để nghe một con người có những lời giảng dạy “như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.” (x.Mc 1, …22).

Chưa hết, họ còn muốn gặp Đức Giê-su để chứng kiến một con người có quyền phép “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền”. Kể cả những kẻ “bị thần ô uế nhập”, Ngài cũng có thể ra lệnh bắt chúng phải tuân lệnh “xuất ra khỏi” người đó.

Trở lại với không gian của Biển Hồ, một khoảng không gian dài non hai mươi cây số, rộng khoảng mười một cây số, con thuyền của Thầy và trò Đức Giê-su đang êm ả “lờ lững trôi theo dòng”. Bất ngờ thay! “Một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (x.Mc 4, 37).

Trong lúc dầu sôi lửa bỏng như thế, Đức Giê-su làm gì nhỉ! Thưa, Ngài “đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (x.Mc 4, 38).

Còn các môn đệ! Thưa, dù là những tay ngư phủ lão luyện, nhưng Phê-rô, An-rê, Gioan, Gia-cô-bê và những đồng môn khác vẫn không dấu được sự hoảng hốt và lo lắng. Các ông chạy đến “đánh thức Người dậy và nói: Thầy ơi! Chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”.

Thầy-chẳng-lo-gì thì đã sao! Thầy chỉ là “con bác thợ” - bác Giu-se làm thợ mộc, chứ nào phải là “con ông Dê-bê-đê” chuyên nghề “vá lưới”, nha!

Ấy thế mà, dù chỉ là “con bác thợ”, Đức Giê-su đã cho các môn đệ thấy được quyền năng, không phải quyền năng của con bác thợ, nhưng là quyền năng của Con Một Thiên Chúa.

Hôm ấy, chuyện được kể rằng: “Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi!”. Ngăm đe xong, rồi sao nhỉ! Thưa, “Gió liền tắt, và biển lặng như tờ”.

Vâng, gió đã tắt, biển đã lặng. Đức Giê-su, như một vị thuyền trưởng, nhìn các môn đệ và nói: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Các môn đệ, hôm ấy đều im lặng, không có một câu trả lời.

Không trả lời, có lẽ do: “Các ông (vẫn còn) hoảng sợ”. Sợ… không phải là sợ “trận cuồng phong” vừa mới xảy ra, nhưng là sợ trước việc lạ lùng mà họ vừa chứng kiến.

Chính nỗi sợ đó, khiến các ông đã nói với nhau: “Người này là ai, mà cả gió và biển cũng tuân lệnh?”

***
Vậy… “Người này là ai?”. Vâng, có phần chắc, các một đệ ít nhiều cũng biết Đức Giê-su là ai. Các ông thừa biết Ngài có quyền phép, quyền phép “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền”, quyền phép hóa năm chiếc bánh và hai con cá, cho năm ngàn người ăn no nê, v.v…

Quyền phép như thế, thế tại sao các ông lại còn hoảng sợ! Thưa, theo lời nhận định của Đức Giê-su, là do các ông “vẫn chưa có lòng tin”. Các ông “kém lòng tin”. Đức Giê-su, theo lời thánh sử Luca kể lại, thì Ngài đã nói các môn đệ, rằng: “Đức tin anh em ở đâu?”

Nhắc đến chuyện này để làm gì? Thưa, để chúng ta cũng hãy đặt mình vào vị trí của các môn đệ xưa.

Đặt vào vị trí của các môn đệ xưa, và tự hỏi lòng mình rằng, khi con thuyền cuộc đời của chúng ta gặp phong ba bão táp… phong ba bão táp của bệnh tật, của mất mát, của chia ly, của tử biệt, v.v… chúng ta sẽ không “hoảng sợ” mà vẫn đặt niềm tin vào Chúa rằng, Ngài sẽ “cứu chúng ta thoát khỏi mọi sự dữ”!?

Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: Khi con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với phong ba bão táp, phong ba bão táp của sự suy thoái kinh tế, của thất nghiệp… chúng ta vẫn vững lòng tin “ký thác đường đời” cho Chúa!

Hãy tự hỏi lòng mình, rằng: Khi con thuyền cuộc đời của ta phải đương đầu với phong ba bão táp, phong ba bão táp của “bách hại vì sống công chính”, chúng ta vẫn “một niềm phó thác đời con trong tay Ngài.”!

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Nhưng! Đừng quên, khi còn tại thế, Đức Giê-su không hứa cuộc đời của những ai theo Ngài sẽ phẳng lặng. Trái lại, Ngài còn cảnh báo rằng, “các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”.

Đúng. Chúa đã chiến thắng thế gian, chiến thắng thần chết. Ngài không bỏ mặc chúng ta. Thật vậy, tác giả sách Thánh Vịnh, cảm nghiệm được điều này, nên đã có lời chia sẻ, rằng: “Giữa cảnh gian truân, tôi đã kêu cầu Chúa. Chúa đáp lời và giải thoát tôi. Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì”.

Vâng, hãy tin… hãy “tin tưởng nơi Ngài, Ngài sẽ ra tay”.

****
Chúng ta vừa nói tới những cơn phong ba bão táp ảnh hưởng đến “thể xác”, thế còn những cơn phong ba bão táp nổi lên trong “tâm hồn”, của chúng ta, thì sao?

Vâng, đó là những cơn “bão lòng” xuất phát từ trong tâm lòng chúng ta. Và đó chính là những cơn bão đáng sợ nhất.

Thế nên, hãy tự hỏi lòng mình rằng, tôi có để cho những cơn bão “Cơn-bão-dâm-dục… Cơn-bão-hận-thù… Cơn-bão-ích-kỷ… Cơn-bão-phóng-đáng… Cơn-bão-bè-phái… Cơn-bão-ganh-tị… Cơn-bão-say-sưa… Cơn-bão-thờ-quấy, v.v… xâm nhập và quậy nát tâm hồn tôi?

Vâng, đó là những cơn bão có thể vùi dập, lôi cuốn tâm hồn chúng ta xuống tận đáy địa ngục. Thế nên, chúng ta luôn phải đề cao cảnh giác những loại bão này. Bằng cách nào? Thưa, bằng cách trang bị cho con thuyền cuộc đời mình hai cánh buồm: cánh-buồm-Thánh Kinh và cánh-buồm-Thánh-Thể.

“Cánh buồm Thánh Kinh” sẽ lèo lái con thuyền cuộc đời của ta đi. Đi đến đúng nơi chúng ta cần đến. Đó là: bỏ lại bờ bến thế gian, sang-bờ-bên-kia, bờ bến của hạnh phúc Nước Trời.

Còn “Cánh buồm Thánh Thể” ư! Vâng, có cánh buồm Thánh Thể, con thuyền cuộc đời của ta luôn luôn có Đức Giê-su “đang ở sẵn trong thuyền”. Ôi! hạnh phúc thay, phải không, thưa quý vị!

Có Đức Giê-su đang-ở-sẵn-trong-thuyền, mỗi khi con thuyền cuộc đời của chúng ta gặp phong ba bão táp, với tất cả niềm tin, chúng ta hãy lớn tiếng cầu xin với Ngài rằng: “Chúa ơi! Xin thương cứu chúng con.”

Petrus.tran

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2024

Phúc thay! được là tín hữu Công Giáo

 “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.” (x.Mc 4, 26).

Chúa Nhật XI – TN – B
Phúc thay! được là tín hữu Công Giáo

tbd 150624a


Như chúng ta được biết, Đức Giê-su, sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Na-da-rét, Ngài bắt đầu ra đi loan báo Tin Mừng. Sứ điệp đầu tiên mà Đức Giê-su công bố, đó là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15).

Lời công bố nêu trên đã làm chấn động khắp miền Ga-li-lê, là nơi Ngài “khai mạc công việc rao giảng”. Sự chấn động đó, đã “động” đến nhóm Pha-ri-sêu.

Đối với người Do Thái nói chung, và nhóm Pha-ri-sêu nói riêng, khi nói đến Triều Đại hay Vương Quốc Thiên Chúa, họ nghĩ rằng đó là một Vương Quốc thật sự giữa trần gian với đầy đủ uy lực và quyền thế của nó. Israel đã được dạy dỗ rằng, sẽ có một Đấng Messia đầy quyền uy đến giải thoát họ khỏi gông cùm của đô hộ bởi ngoại bang và lập ra một Triều Đại mới.

Và đó là lý do, người Pha-ri-sêu đã tìm đến chất vấn Đức Giê-su. Hồi ấy, họ đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến?” Và, Đức Giê-su trả lời rằng: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở nơi này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.” (Lc 17, 20-21).

Trong một lần giảng dạy ở ven Biển Hồ, Đức Giê-su đã sử dụng hai dụ ngôn như một cách giải thích cho điều mà quý ông Pha-ri-seu đã thắc mắc. Hai dụ ngôn mang tên “dụ ngôn hạt giống tự mọc lên” và “dụ ngôn hạt cải”.

**
Với dụ ngôn “hạt giống tự mọc lên”, Đức Giê-su nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.” (x.Mc 4, 26).

Vâng, nếu ai đó trong chúng ta là một nông gia, thì “chuyện một người vãi hạt giống xuống đất” không có gì xa lạ. Mà, nếu có lạ thì cái lạ ở đây chính là chúng ta không “vãi” mà là “vùi”. Vùi hạt giống xuống đất.

Vùi xong rồi thì làm gì nhỉ! Cứ, cứ để đó theo ngày tháng tự khắc hạt giống sẽ nảy mầm, đúng không? Đúng… đúng vậy. Đức Giê-su, qua dụ ngôn, cũng đồng quan điểm như thế. Ngài đã nói rằng: “Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết”.

Hôm ấy, Đức Giê-su còn diễn tả quá trình hạt giống nảy mầm rất chi tiết, như sau: “Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt”. (x.Mc 4, 28).

Nói theo cách nói của xã hội hôm nay, “người vãi hạt giống” trong dụ ngôn đã thực hiện đúng “quy trình” của một nông gia, thế nên, rất chính đáng khi Đức Giê-su kết thúc dụ ngôn với lời rằng: “Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”

Rồi, Đức Giê-su lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được?” Vâng, Đức Giê-su đã đặt câu hỏi và chính Ngài đã trả lời, rằng: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (x.Mc 4, 31-32).

Không, không ai có thể phủ nhận, hạt cải là một loại hạt giống “nhỏ nhất trên mặt đất”. Thế nhưng, chắc hẳn không ai trong chúng ta lại không thắc mắc rằng, tại sao khi nó mọc lên, lớn… “đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”?

Thật ra, điều Đức Giê-su nói, không phải là nói ngoa, đó là sự thật. Cố linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh -OP, đã nhìn thấy cây cải này ở Giêrusalem, trong dịp ngài sang bên đó du học. Trong một lần giảng về đề tài này, ngài cho biết, cây cải đó cao khoảng hai mét.

Vâng, Đức Giê-su đã “dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho (mọi người), tùy theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.” (Mc 4, 33-34).

***
Xưa, Đức Giê-su đã “giải nghĩa hết” những gì Ngài đã giảng dạy cho các môn đệ. Và nay, Ngài vẫn tiếp tục giải-nghĩa-hết cho chúng ta, qua các vị Giám Mục, Linh Mục, là những vị kế tục các thánh tông đồ.

Do vậy, thật phải đạo khi chúng ta nghe Lm. Charles E. Miller có lời chia sẻ về cảm nghiệm của mình, sau khi nghe lời Đức Giê-su truyền dạy, qua hai dụ ngôn (nêu trên), lời chia sẻ rằng: “Chúa Giê-su không định dạy chúng ta một bài học về nông nghiệp hay vật lý, mà thôi thúc ta chiêm ngắm một mầu nhiệm sâu thẳm hơn, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trong Hội Thánh”.

Vâng, phải chiêm ngắm “mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trong Hội Thánh”. Bởi vì, tại Xê-da-rê Phi-lip-phê, Đức Giê-su đã thiết lập “Hội Thánh của Ngài”. Hôm ấy, Ngài đã nói với Phê-rô rằng: “anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời, dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (x. Mt 16, 17-19).

Trở lại với câu chuyên dụ ngôn. Chúng ta có thể thấy rằng: tất cả những gì Đức Giê-su ví von về “Nước Thiên Chúa”, nó đều đã xảy ra đúng như thực tế trong lịch sử Hội Thánh.

Thật vậy, lịch sử Hội Thánh tiên khởi cho chúng ta thấy, thoạt đầu mười hai người môn đệ chỉ là một nhúm nhỏ “hạt cải”. Thế mà, khi được gieo trồng tại Giê-ru-sa-lem, nhờ Thánh Thần Chúa, nó “mọc lên”… mọc lên bắt đầu từ mảnh đất phương bắc An-ti-ô-khi-a xứ Xyri. Kế tiếp, vượt qua Địa Trung Hải để đến Rô-ma… Châu Âu và cuối cùng mọc tới “tận cùng trái đất”.

Riêng tại Roma - với Phê-rô “…Chỉ là ông già quê mùa, chất phác, chẳng có gì trong tay, một mảnh đất cũng không. Đang khi đó Hoàng đế Nêrô có cả một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, châu báu đầy tràn, có quyền lực bao trùm và binh lực dũng mãnh, nắm trong tay sự sống chết của mọi thần dân. Giáo Hội Chúa lúc đó mới khởi đầu với một nhóm Kitô hữu quá nhỏ nhoi. Nếu đặt mình trong bối cảnh đó, ai cũng phải đặt vấn đề: Liệu Giáo Hội có thể chịu nổi những cơn bách hại của bạo chúa Nêrô không? Liệu Giáo Hội có thể tồn tại và phát triển khi bị chận đứng dưới sức mạnh hùng hậu của đế quốc không? Xem ra tương lai của Giáo Hội quá mịt mù.”

Ấy thế mà, “diễn biến lịch sử không như những gì người ta lượng định. Có một triết gia nói rằng: ‘Không một chế độ độc tài nào kéo dài hơn một đời người’. Cho dù có kéo dài hơn nữa thì cũng tới lúc tàn tạ. Chỉ có tình yêu và sự sống linh thiêng mới tồn tại vĩnh viễn. Con người không thể đối đầu với Thiên Chúa, vì tất cả đều nằm trong dự hướng của Người. Thật thế, chỉ ít năm sau đó, Hoàng đế Nêrô đã chết trong sự ô nhục, mọi quyền lực tiếp nối lần hồi đều suy thoái. Đế quốc Rôma không đầy ba thế kỷ sau cũng suy tàn. Điều lạ lùng hơn cả là Rôma sau đó lại biến thành kinh đô muôn thuở của Giáo Hội.” (nguồn: NƯỚC THIÊN CHÚA – tác giả Lm. Thái Nguyên).

Nói theo diễn tiến trong dụ ngôn hạt cải: chỉ là một “hạt cải Phêrô” khi được “gieo xuống đất”, mảnh đất tại kinh thành Roma năm xưa “và chết đi”, nay sau hơn hai mươi thế kỷ, nó đã trở thành “cây cải Vatican khổng lồ”, để rồi từng đàn chim tín hữu trên khắp thế giới, “có thể (bay về) làm tổ dưới bóng”, như hôm nay.

Điều này chẳng phải là Mầu Nhiệm - Mầu Nhiệm Nước Thiên Chúa trong Hội Thánh, đó sao!

****
“Nước Thiên Chúa trong Hội Thánh”. Và, Hội Thánh đó là Hội Thánh của Đức Giê-su. Hội Thánh đó đã được khai sinh bởi Chúa Thánh Thần, trong ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần lãnh đạo Hội Thánh và kiện toàn Hội Thánh. Chúa Thánh Thần ở với Hội Thánh, trong Hội Thánh, đời đời.

Đó là điều các thánh Tông Đồ xưa, đã tin. Và, niềm tin đó đã lan tỏa đến “các người tín hữu, (để rồi) họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2, 42).

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta hãy tự hỏi lòng mình rằng: Là một Ki-tô hữu, chúng ta có giống như các tín hữu xưa “hợp nhất với nhau… đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.”

Hay chúng ta, qua lời nói lẫn việc làm, khiến cho khuôn mặt của Hội Thánh trở nên méo mó khó thương và là cớ làm cho con cái Chúa trong Hội Thánh nản lòng dẫn đến xa lìa Hội Thánh, không còn muốn “làm tổ dưới bóng” Hội Thánh!

Hay chúng ta, chỉ vì lời xúi giục của một linh mục xấu xa nào đó, mà đùng đùng kéo lên tòa Giám Mục, buộc vị Giám Mục đương nhiệm từ chức! (chuyện này có thật à nghen!).

Đừng! đừng bao giờ để mình rơi vào thói hư tật xấu này. Bởi, nếu rơi vào, thánh Phao-lô có lời trách cứ rằng: “Hỡi những người ngu xuẩn, ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt? Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì Luật dạy, hay vì đã nhờ được nghe. Anh em ngu xuẩn thế sao? Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao? Bấy nhiêu kinh nghiệm anh em đã trải qua, lại uổng công sao! Mà quả thật là uổng công?” (x.Gl 3, 1-4).

Đúng ra, những lời thánh Phao-lô nói (nêu trên) chúng ta nên xem đó như là một lời khuyên chân tình. Vâng, chúng ta có thể hiểu rằng, ngài Phao-lô khuyên chúng ta đừng vì sự mê hoặc của satan, của thế gian mà làm mất đi “công đức”, công đức mà Thần Khí Chúa đã hướng dẫn chúng ta thực hiện trong đời sống đức tin của mình.

Nói một cách cụ thể, chúng ta không nên chán ghét Hội Thánh, xa rời Hội Thánh chỉ vì một vài gương mù, gương xấu nơi ông linh mục này, ông Giám Mục kia! Tại sao! Thưa, là bởi, Hội Thánh đâu có phải là của mấy “ông cố” đó. Hội Thánh là của Thầy Giê-su. Và, chẳng phải là Thầy Giê-su đã nói rằng: “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”, với ông Phê-rô, đó sao!

*****
Bây giờ, chúng ta trở lại với Lm.Charles E.Miller. Trở lại để nghe thêm một lần nữa lời chia sẻ của ngài. Vâng, ngài Lm. có thêm lời chia sẻ, rằng: “Làm người Công Giáo là phải nhìn xa thấy rộng, phải nhận ra mình là thành phần của một Hội Thánh mà ngược dòng thời gian bao gồm cả Đức Ki-tô, và hiện nay có mặt khắp thế giới.

Ta phải công nhận là tuy mang tính toàn cầu, Hội Thánh vẫn chưa hoàn hảo. Nhưng, anh chị em đừng để những điều thiếu xót và sai lầm của bản thân (mình) hay của người khác trong Hội Thánh khiến ta nản lòng.

Như một bụi cây thỉnh thoảng cần được mé tỉa để sung sức và lớn lên, Giáo Hội cần phải sám hối và canh tân, đây cũng là công việc của Thánh Thần.”

Đúng vậy, Chúa Thánh Thần sẽ “dứt dấy” Giáo Hội, mà cụ thể là dứt dấy mỗi chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ dứt dấy chúng ta sám hối, sám hối những sai phạm từ trong tư tưởng, lời nói đến việc làm của chúng ta. Người sẽ dứt dấy chúng ta canh tân đời sống đức tin của mình.

Một Hội Thánh, có nhiều thành viên luôn sám hối và canh tân, có phần chắc, Hội Thánh đó sẽ trở thành nơi “chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Nói cách khác, thật là diễm phúc được làm thành viên của Hội Thánh đó.

Hội Thánh đó “đang ở giữa chúng ta”, đó là Hội Thánh Công Giáo. Phúc thay! được là tín hữu Công Giáo.

Petrus.tran


Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

Muốn là con Chúa… Hãy thi hành ý Chúa...

 Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (x.Mc 3, 34-35).

Chúa Nhật X – TN – B
Muốn là con Chúa… Hãy thi hành ý Chúa

tbd 080624a

Ghen tỵ (hay đố kỵ) là gì? Thưa, “Là một cảm xúc xảy ra khi một người thiếu đặc điểm tốt đẹp, thành tích, vật sở hữu của người khác và mong muốn điều đó hoặc mong muốn người khác không có được điều đó.”

Ghen tỵ (hay đố kỵ) rất nguy hiểm, nguy hiểm là bởi: “Ghen tỵ có thể bao gồm một hoặc nhiều cảm xúc như: giận dữ, oán giận, không thỏa đáng, bất lực hoặc ghê tởm.” (nguồn: Wikipedia).

Đó, đó là một thói xấu, một thói xấu mà hầu như bất cứ ai, sống trên thế giới này, lại không hơn một lần là nạn nhân của nó.

Đức Giê-su, trong những ngày còn tại thế, cũng chính là nạn nhân của thói xấu này. Trước những việc làm của Ngài như: “chữa nhiều kẻ đau ốm tật nguyền, và trừ nhiều quỷ”, nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu đã không dấu diếm sự ganh tỵ và đố kỵ của mình. Và rồi, họ đã “cà khịa” Đức Giê-su với nhiều lời lẽ rất thâm độc.

Một ngày nọ, Đức Giê-su chữa một người mù vào ngày Sa-bát. Nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu chụp ngay cơ hội lên án rằng: Ngài phạm luật.

Rồi đến hôm Đức Giê-su chữa người bại liệt. Hôm ấy “Người ta khiêng một người bại liệt nằm trên cáng và tìm cách đem vào trong nhà để đặt trước mặt Ngài. Nhưng vì đoàn dân đông đảo, không cách nào đem người bại vào được, nên họ leo lên mái, dỡ ngói, dòng người bại nằm trên cáng xuống giữa đám đông, ngay trước mặt Đức Giê-su. Ngài thấy đức tin của họ, nên bảo: ‘Này con, tội lỗi con đã được tha rồi!’ Nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu lập tức suy nghĩ rằng: Người này là ai mà dám nói phạm thượng thế? Ngoài Đức Chúa Trời, còn ai có quyền tha tội.” (Lc 5, 17-22).

Phạm luật… phạm thượng... rồi sao nữa! Thưa, họ vu khống Ngài. Họ vu khống Đức Giê-su khi thấy Ngài chữa lành người bị quỷ ám. Thấy Đức Giê-su trừ được quỷ, nhóm kinh sư và Pha-ri-sêu la toáng lên rằng: Ngài “lấy quyền Bê-en-dê-bun mà trừ quỷ”. Ghê chưa!

Lời vu khống của họ đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 3, 22-30).

**
Vâng, Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại rằng: Hôm ấy, Đức Giê-su – “Người trở về nhà…” Trở về nhà có nghĩa là Ngài cần một vài phút nghỉ ngơi, đúng không! Ấy thế mà “đám đông lại kéo đến…” Họ kéo đến, có lẽ là rất đông! Và, điều đó đã làm cho “Người và các môn đệ không sao ăn uống được”. (Mc 3, 20).

Chưa hết! Bên cạnh đám đông kéo đến, thánh sử Mác-cô còn cho biết, rằng: “Thân nhân của Người hay tin ấy liền đi bắt Người”. Tại sao lại đi-bắt-Người? Thưa, “họ nói rằng Người đã mất trí”.

“Chúa ơi! Sao lại tệ như thế này!”. Vâng, nếu là chúng ta, chúng ta sẽ thốt lên như thế, chăng! Đức Giê-su, hôm ấy, không nói gì. Trái lại, Ngài chuẩn bị đối phó với một nhóm “các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống”.

Nhóm kinh sư xuống gặp Đức Giê-su để làm gì? Thưa, họ đến để trút lên Ngài sự giận dữ, giận dữ vì họ không thể “trừ quỷ” như Ngài đã trừ quỷ. Họ đã vu khống Đức Giê-su, rằng: “Người bị quỷ vương Bê-en-dê-um ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” (Mc 3, 22). Thế có ác ý không, nhỉ!

Rất bình thản, Đức Giê-su gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ, rằng: “Sa-tan làm sao trừ Sa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy, Sa-tan mà chống Sa-tan, Sa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.”

Này quý ông kinh sư, đừng có mà lộng ngôn! Hãy nghe Đức Giê-su nói tiếp: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.”

Vâng, Đức Giê-su đã nói rất, rất rõ ràng… như thế. Bởi vì “họ đã nói: ông ấy bị thần ô uế ám” (x.Mc 3, 30).

***
Ông-ấy-bị-thần-ô-uế-ám! “Mẹ và anh em Đức Giê-su” có nghe họ nói lời này về con mình không? Thưa, thánh sử Mác-cô không nói gì. Ngài thánh sử chỉ nói rằng: “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra.”

Tại sao lại đứng-ở-ngoài-cho-gọi-Người-ra? Thưa, vì có quá nhiều người “đang ngồi chung quanh Người.” Và rồi, một ai đó đã chuyển tiếp lời gọi đến với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy.”

Ba năm ra đi rao giảng Tin Mừng, có lẽ hôm nay là ngày khó khăn nhất của Đức Giê-su. Thân nhân thì bảo: “Ngài bị mất trí”. Còn thiên hạ thì cho rằng, Ngài bị “thần ô uế ám”. Và, bây giờ người ta nói: Mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia, kìa!

Ai ở ngoài kia! “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Vâng, Đức Giê-su đã có lời đáp như thế. Và, đừng… đừng nghĩ rằng đây là lời hờn dỗi của Ngài, nhưng hãy nghĩ, lời đáp này như một tiền đề cho lời truyền dạy, một lời truyền dạy cho những ai muốn trở nên môn đệ của Ngài.

“Ai là mẹ tôi! Ai là anh em tôi ư!” Hôm ấy, Đức Giê-su “rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (x.Mc 3, 34-35).

****
Đức Giê-su “mất trí” hồi nào? Thân nhân của Ngài mới chính là những người mất trí. Nói rõ hơn, phải nói họ là những người “quẫn trí”, mới đúng.

Chúng ta nhớ không! Hôm “Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn làm trong ngày sa-bát và đứng lên đọc sách Thánh.”

Hôm ấy, người ta trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Và Người đã đọc cho mọi người nghe. Đọc xong, Đức Giê-su giảng dạy và “mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. (x.Lc 4, 22).

Ấy thế mà, một số người (vì là người cùng làng, nên có thể có người là thân nhân của Người) lại đố kỵ, đố kỵ chỉ vì Người là “con Ông Giu-se”. Thế là, họ phẫn nộ “kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”. May thay! Đức Giê-su không mất trí, nên đã nhận ra sự quẫn trí của họ. Chuyện kể tiếp rằng: “Người băng qua giữa họ mà đi”. (x.Lc 4, 30).

Đức Giê-su không mất trí. Ngài không mất trí đến độ không biết “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Câu trả lời cho kẻ nói với Ngài về sự hiện diện của Mẹ và anh em của Ngài (nêu trên), đã cho mọi người thấy rằng, Ngài đã khéo léo nói đến người Mẹ của mình, một người Mẹ đã “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”, thi hành ngay từ khi nhận được lời truyền tin của sứ thần Gáp-ri-en, cho đến tận đồi Golgotha, không một lời than thở, không một lời oán trách, chỉ một lời xin vâng. Vâng, Maria là Mẹ của Ngài.

Cuối cùng, thật là xằng bậy khi nói Đức Giê-su bị thần ô uế ám. Không! Mấy ông kinh sư mới là người bị “ám”. Thật vậy, quý ông đã bị “ám ảnh” trước một Giê-su đầy quyền năng. Quyền năng trên “mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền, (kể cả) những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt, Người (đều) chữa họ (khỏi bệnh)” (x.Mt 4, 24).

*****
Câu chuyện người ta nói Đức Giê-su bị mất trí, bị thần ô uế ám, có vẻ như đang tái hiện trong Giáo Hội nói chung, và trong mỗi chúng ta nói riêng, thì phải!

Mà, thật là vậy. Người ta đang nói Giáo Hội đã “mất trí” khi cứ khăng khăng không cho phép phá thai. Người ta đang nói Giáo Hội đã “mất trí” khi cứ khăng khăng không cho phép hôn nhân đồng tính. Người ta đang nói Giáo Hội đã “mất trí” khi cứ khăng khăng buộc hôn nhân Công Giáo phải là “một vợ một chồng” và không được phép “ly dị”.

Người ta đang nói Giáo Hội đã “mất trí” khi cứ khăng khăng không cho phép linh mục (Công Giáo) lấy một người nữ làm vợ. Người ta đang nói Giáo Hội đã “mất trí” khi cứ khăng khăng không cho phép một người nữ được thụ phong linh mục.

Vâng, tất cả những nan đề này đã và đang (tiếp tục) được Giáo Hội tranh luận, bàn luận. Phần chúng ta, là một người tín hữu, hãy cầu nguyện để Giáo Hội luôn “tnh trí” đưa ra phán quyết, một phán quyết đúng theo “ý muốn của Thiên Chúa”, trước những nan đề này.

Thi hành đúng theo ý muốn của Thiên Chúa. Với Giáo Hội, nó sẽ làm cho Giáo Hội không bị chia rẽ, bị phân hóa, bị thần ô uế ám. Trái lại sẽ làm cho Giáo Hội “hiệp thông với nhau, hiệp nhất với nhau”. Nói tắt một lời “đồng tâm nhất trí” với nhau.

Thi hành đúng theo ý muốn của Thiên Chúa. Với cá nhân chúng ta, nó chứng tỏ rằng: đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta trưởng thành.

Mà, khi đức tin, đức cậy và đức mến của chúng ta trưởng thành, thì sao nhỉ! Thưa, chúng ta sẽ đủ sức “tnh trí” để nhận ra đâu là ý muốn của Thiên Chúa, đâu là ý muốn của con người.

Thế nên, đừng bao giờ quên, lời Đức Giê-su nói: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.

Nói theo cách nói hôm nay: Muốn là con Chúa… Hãy thi hành ý Chúa.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...