Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Đừng là những kẻ đạo đức giả.

 Đức Giê-su nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa, mà duy trì truyền thống người phàm”.

Chúa Nhật XXII – TN – B
Đừng là những kẻ đạo đức giả

tbd 300824a

 

Sau bốn mươi ngày chay tịnh trong hoang địa và chịu cám dỗ, “Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời.” (Mt 4, 23).

Cùng với việc rao giảng Tin Mừng, Ngài còn “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” Do vậy, “danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri.” Thánh sử Mát-thêu cho biết chi tiết, rằng: “Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-dan, dân chúng lũ lượt kéo đến đi theo Người.” (Mt 4, 25).

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng chỉ có dân chúng đi theo, còn đó là những người Pha-ri-sêu và các kinh sư nữa.

Lý do gì những ông “kẹ” này đi theo! Thưa, đi theo là “để soi xét, để bới lông tìm vết” ngõ hầu tìm ra những sai phạm của Đức Giêsu, cũng như các môn đệ của Ngài, liên quan đến luật sa-bát cũng như luật truyền thống của tiền nhân.

Đúng là vậy, “Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người. Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu: ‘Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không?’ Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về.”

Vâng, hôm ấy họ đã làm thinh. Và họ không thể đáp lại những lời Đức Giê-su đã phản biện với họ. (x.Lc 14, 1-6).

Thế nhưng, không phải lúc nào họ cũng làm thinh. Đã có lần họ tranh luận rất quyết liệt với Đức Giê-su. Đó là hôm họ thấy… “thấy vài môn đệ của Đức Giêsu dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa”. Thế là một cuộc tranh luận nảy lửa giữa họ và Đức Giê-su nổ ra. Cuộc tranh luận này được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Mác-cô.

**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô, chúng ta được biết: Hôm ấy, “Có những người Pharisêu và kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến.”

Từ Giê-ru-sa-lem đến… đến để làm gì? Thưa, thánh sử Mác-cô không cho biết. Chỉ biết rằng: Vì, họ tụ-họp-quanh-Đức-Giêsu, nên đã “thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.” (Mc 7, 2).

Tay-chưa-rửa thì sao! Thưa, đối với người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do Thái, họ đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân. Truyền thống của tiền nhân là: “không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn”. Chưa hết, “họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.”

Đấy! Truyền thống và tập tục của tiền nhân là thế đấy! Thế nên, vì đã thấy các môn đệ “phạm luật” nên họ lập tức chất vấn Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa” (Mc 7, 5).

Rất… rất bình thản, Đức Giê-su trả lời mấy ông Pha-ri-sêu và kinh sư rằng: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” (x.Mc 7, 6-7).

Những người Pha-ri-siêu và kinh sư lầm to. Đức Giê-su đã được bậc thầy của họ là ông Ni-cô-đê-mô biết đến như là “một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến”, thì cớ gì lại không biết “truyền thống của tiền nhân”?

Nói tới việc theo-truyền-thống-của-tiền-nhân, thì đây, “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua… như-người-ta-thường-làm trong ngày lễ”, không là một điển hình sao?

Còn rửa tay cẩn thận trước khi ăn ư! Thưa, đó chỉ là “tập tục”, tập tục này chỉ dành cho các thầy Tư Tế với mục đích là tẩy rửa các ô uế về lãnh vực tôn giáo, để các Tư Tế xứng đáng thờ phượng Chúa. “Luật Môsê chỉ đòi các tư tế phải tẩy rửa tay chân khi vào Lều Hội Ngộ và trước khi đến bàn thờ để hành lễ, nếu không sẽ phải chết.” (Xh 30, 20-21; 40, 30-31).

Trở lại với quý ông Pha-ri-sêu và các kinh sư. Hôm ấy, thấy rõ quý ông Pha-ri-sêu và kinh sư cứ chăm chăm vào luật tiền nhân, Đức Giê-su nói: “Các ông gạt bỏ điều răn của Chúa, mà duy trì truyền thống người phàm”. Rồi, Ngài còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông”.

Vâng, sự thật về quý ông Pha-ri-sêu và kinh sư, đúng là vậy. Theo truyền thống, Hội Đường Do Thái có tổng cộng 613 điều luật được chia làm hai: 365 điều cấm làm và 246 điều phải làm. Và, đối với người Pharisêu và các kinh sư, họ cho rằng “sự thánh thiện” nằm ở chỗ chu toàn hết mọi điều luật này.

Quý ông Pharisiêu và các kinh sư, có lẽ quên lời “tiền nhân” của họ là ông Môsê. Ông Mô-sê đã có lời truyền dạy, rằng: “anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, mà tôi truyền cho anh em” (Đnl 4, 2).

Đừng thêm và đừng bớt. Nhưng, hãy nhìn vào cõi lòng người ta! Rất rõ ràng khi Đức Giê-su nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.”

Chấm hết cho cuộc tranh luận, Ngài nói: “Ai có tai thì nghe!”

Vâng, chắc chắn là người Pha-ri-sêu và các kinh sư đã nghe. Riêng các môn đệ còn được Đức Giê-su thêm lời giải thích, vì các ông đã “hỏi Người về dụ ngôn đó”. Hôm ấy, Ngài giải thích rằng: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tị, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.” (x.Mc 7, 21-23).

*** 
Xưa, Đức Giê-su đã nói với người Pha-ri-sêu và các kinh sư, cùng đám đông dân chúng, cũng như các môn đệ: “Ai có tai thì nghe!” Nay, Ngài cũng sẽ nói với chúng ta như thế.

Chúng ta có nghe! Vâng, có phần chắc, chúng ta đã nghe, và còn sẽ được nghe nhiều lần, nghe suốt cuộc đời Ki-tô hữu của mình.

Nghe xong, có thấy sợ không? Nếu sợ, hãy để tâm hồn mình chìm vào trong thinh lặng và hãy tự hỏi rằng: Tôi đã thờ phượng Chúa như thế nào? Tâm hồn tôi có đầy dẫy những ý định xấu xa (nêu trên) không?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, chúng ta cũng cần biết rằng, Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Hô-sê, có lời truyền dạy rằng: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (x.Hs 6, 6).

Thế nên, đối với chúng ta hôm nay, là một tín hữu Công Giáo, sống đức tin, không chỉ là: tham dự thánh lễ, tham dự bàn tiệc Thánh Thể, đọc kinh cầu nguyện, lãnh nhận Bí Tích hòa giải v.v… nhưng còn phải làm thế nào để làm cho: “Đời ta là thánh lễ nối dài”. Làm thế nào để: “Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”, và cuối cùng là “ta sống sao để thành chứng nhân”.

Cũng là nói về thánh lễ, Lm. Charles E.Miller, trong tác phẩm “Sunday Preaching”, có lời chia sẻ rằng: “Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Pi-ô XII, cái chủ yếu của việc phụng tự là tấm lòng; có nghĩa những gì ta làm ngoài mặt là nhằm cũng cố các tâm tình thành khẩn bên trong như đức tin, đức cậy và đức mến. Đôi lúc thước đo chính xác nhất cho lòng đạo đức của chúng ta không phải là những gì trong thánh lễ, mà là cách xử sự ngoài đời.” 

Rất ngại ngùng, nhưng chúng ta cũng nên nghe thêm lời dặn dò của Lm. Charles, rằng: “Hình thức bên ngoài quan trọng, song tự nó chẳng làm cho ta nên thánh thiện hơn, cũng như một khẩu hiệu đề cao lòng yêu nước dán trên kính xe không làm cho người lái trở thành một công dân gương mẫu.”

Như vậy, việc làm cho: “Đời ta là thánh lễ nối dài. Đem tình thương Thiên Chúa đến mọi nơi”, và cuối cùng là “ta sống sao để thành chứng nhân” là điều phải trở thành hiện thực trong cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta.

Muốn, muốn trở thành hiện thực, khó lắm chăng! Đúng là rất khó. Rất khó nhưng chúng ta cũng phải thực hiện. Để thực hiện, thánh Gia-cô-bê tông đồ lời dạy bảo rằng: “Hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Hãy đem ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình.” (Gc 1, 21b-22).

Chưa hết, thánh Gia-cô-bê còn có lời khuyên rằng: “Anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa” (x.Gc 1, 19-20).

Khi chúng ta đón nhận lời Chúa và đem ra thực hành, thực hành và thực hành không ngơi nghỉ, hãy tin, tâm hồn chúng ta sẽ không còn “vấn vương những ý định xấu xa”. Và kết quả, thánh Gia-cô-bê khẳng định: chúng ta “sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.”

Vâng, đừng chần chờ gì nữa, hãy thực hành ngay hôm nay. Và điều chúng ta cần thực hành, đó là: đừng “trông mặt mà bắt hình dong”. Nhưng, trước nhất và quan trọng nhất, đó là: Chúng ta hãy thờ phượng Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực.” của chúng ta. Đừng tôn kính Chúa bằng môi bằng miệng. Bởi vì tôn kính như thế, Chúa Giê-su nói rồi, chúng ta chỉ là những kẻ đạo đức giả.

Vâng... Đừng là những kẻ đạo đức giả.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2024

Ngoài Chúa ra… con theo ai bây giờ!

 “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

Chúa Nhật XXI – TN – B
Ngoài Chúa ra… con theo ai bây giờ!

tbd 230824a


Để cho Tin Mừng được loan báo khắp tứ phương thiên hạ, Đức Giê-su đã tuyển chọn mười hai vị môn đệ. Và đây là tên mười hai vị được gọi là Tông Đồ: “đó là Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông An-rê, anh của ông, sau đó là ông Giacôbê con ông Dê-bê-đê và ông Gioan, em của ông; ông Philipphê và ông Bartôlômêô, ông Matthêu người thu thuế và ông Tôma, ông Giacôbê con ông Alphê và ông Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariốt là kẻ phản bội.” (x.Lc 6, 12-16).

Trong mười hai vị tông đồ, có một vị đã được Đức Giê-su trao cho quyền hạn rất cao trọng, đó là ông Phê-rô. Đức Giê-su đã trao cho ông Phê-rô “chìa khóa Nước Trời” cùng với quyền “cầm buộc và tháo cởi”.

Tại Xê-ra-dê Phi-lip-phê, Đức Giê-su đã tuyên bố rằng: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, anh thật là người có phúc… Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” (x.Mt 16, 17-19).

Hồi ấy, sau lời tuyên bố này, không một ai trong số mười một tông đồ còn lại, phản đối sự việc Đức Giê-su trao quyền cho ông Phê-rô.

Vâng, chẳng có gì để phản đối. Bởi vì, ông Phê-rô xứng đáng được nhận lãnh. Xứng đáng nhận lãnh, vì trong nhóm Mười Hai, ông Phê-rô là người có một niềm tin sắt son vào Đức Giê-su.

Thật vậy. Bỏ qua việc ông Phê-rô “chối Thầy ba lần”, một sự yếu đuối nhất thời, của ông. Thì, niềm tin sắt son vào Đức Giê-su của ông Phê-rô đã được minh chứng rất nhiều lần. Một trong những minh chứng rõ nhất, đó là hôm Đức Giê-su cùng nhóm Mười Hai đến Ca-phác-na-um.

**
Hôm đó, tại nơi đây, Đức Giê-su đã công bố một bài diễn từ. Bài diễn từ nói về “Bánh trường sinh – Bánh hằng sống”. Trước đám đông cử tọa, Ngài tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Đối với chúng ta hôm nay, lời tuyên bố nêu trên, không có gì phải tranh cãi. Nhưng, với người Do Thái thời đó, họ đã “tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được”.

Bất chấp những lời tranh luận của họ, Đức Giê-su tiếp tục bài diễn từ, rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (x.Ga 6, 53-55).

Sau khi kết thúc bài diễn từ, một làn sóng phản ứng dữ dội đã nổ ra. Sự phản ứng không chỉ đến từ dân chúng mà còn đến từ một số môn đệ của Đức Giê-su.

Thật vậy, theo lời tường trình của thánh sử Gio-an, “nhiều môn đệ của Người nói: Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (x.Ga 6, 60).

Đúng, đúng là chướng tai với người Do Thái. Đối với người Do Thái, huyết máu là thực phẩm cấm kỵ, luật Lê-vi dạy rằng “bất cứ người nào thuộc nhà Israel… ăn bất cứ thứ huyết nào, thì Ta sẽ quay mặt lại phạt kẻ ăn huyết và sẽ khai trừ khỏi dân nó… Không một ai trong các ngươi được ăn huyết” (Lv 17, 10…12).

Luật là vậy. Nhưng Đức Giê-su vẫn không đính chính, không giải thích như Ngài vẫn thường giải thích, sau mỗi lần giảng dạy một điều nào đó, bằng dụ ngôn.

Hôm ấy, dù “biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy”, Đức Giê-su (vẫn) bảo với các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư!”

Tiếp đến, Ngài mở ra một nhãn giới mới, hầu giúp cho người Do Thái hiểu rõ hơn sứ điệp của mình, qua lời nhắn gửi rằng: “Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì.” Cuối cùng, Đức Giê-su kết luận: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (x.Ga 6, 62-63).

Người Do Thái xưa, có hiểu và tin vào những điều Đức Giê-su nói (nêu trên) không? Có lẽ là không? Vâng, là không. Vì, theo thánh sử Gio-an cho biết: “Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin…” Họ không tin thì họ đâu cần hiểu lời Đức Giê-su nói!

Trong một nỗ lực nhằm giải tỏa sự giằng co giữa việc tin hay không tin, Đức Giê-su nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.”

Đáng tiếc thay! Nỗ lực của Đức Giê-su tan biến như bọt xà phòng. Thánh sử Gio-an kể tiếp rằng: “Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (x.Ga 6, 66).

***
“Nhiều môn đệ rút lui.” Những người môn đệ này là ai? Thánh sử Gio-an không cho chúng ta biết. Thế còn “nhóm Mười Hai”, phải chăng cũng rút lui! Hay là, họ “bước đi một bước dây dây lại dừng”! Vâng, đó chỉ là trí tưởng tượng của người viết.

Thực tế là họ không rút lui. Nhóm Mười Hai vẫn ở lại. Và, Đức Giê-su đã hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao?”

Nghe thế, nhóm Mười Hai, với hai mươi bốn con mắt nhìn nhau… nhìn nhau trong thinh lặng. Trong thinh lặng, tâm tư các ông cố tìm cho mình một câu trả lời. Và, ai sẽ là người lãnh ấn tiên phong trả lời câu hỏi của Thầy Giê-su?

Vâng, sau vài giây phút, sự thinh lặng bị phá vỡ. Nó bị phá vỡ bởi tiếng nói mạnh mẽ của ông Phê-rô. Hôm ấy, ông Phê-rô mạnh mẽ nói với Thầy Giê-su, rằng: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.”

Tiếp đến, với niềm tin sắt son của mình, ông Phê-rô trải lòng ra với Thầy Giê-su: “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (x.Ga 6, 69).

****
Bài diễn từ của Đức Giê-su là thế đó. Ngày nay, bài diễn từ này vẫn được công bố mỗi giờ, mỗi ngày, trong Thánh Lễ. Trong Thánh Lễ, vị linh mục chủ tế vẫn tiếp tục công bố bài diễn từ, bằng những lời nguyện thiết tha.

Lời nguyện rằng: “Lạy Chúa, Chúa thật là Ðấng Thánh, là nguồn mọi sự thánh thiện. Vì thế, chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hóa những của lễ này, để trở nên cho chúng con, Mình và Máu Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.

Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Vì Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì Này là chén Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” (trích nguồn: Ủy Ban Phụng Tự Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 2005).

Vâng, đây là “Máu giao ước mới và vĩnh cửu… đổ ra cho chúng ta”. Mà, đổ ra cho chúng ta, thì chẳng phải chúng ta chính là “đối tác của giao ước”, đó sao!

Vì thế, điều thứ nhất và quan trọng nhất, đó là: chúng ta hãy đặt bút ký vào bản giao ước này. Bởi vì đây là một bản giao ước rất quan trọng, quan trọng cho sự sống muôn đời của chúng ta.

Xưa, Thiên Chúa đã mời gọi dân Do Thái làm đối tác trong một bản giao ước, bản giao ước có điều khoản, rằng: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch Ta” (Xh 20, 3). Ông Giô-suê, người lãnh đạo dân Israel, sau khi ông Mô-sê chết, đã hiểu được tầm quan trọng của điều khoản này. Ông đã đưa ra một tối hậu thư cho dân mình rằng: “Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ ĐỨC CHÚA, thì hôm nay anh em cứ tùy chọn thần mà thờ…” Về phần ông Giô-suê, ông nói: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA” (x.Gs 24, …15).

Nay, Đức Giê-su cũng đã lập một giao ước… bằng Máu “máu giao ước mới và vĩnh cửu…” cho chúng ta. Ngài cũng đã gửi một bản tối hậu thư cho chúng ta, rằng: “Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

Tối hậu thư của ông Giô-suê gửi cho dân Do Thái xưa, đã được phúc đáp. Người Do Thái đã phúc đáp rằng: “Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ ĐỨC CHÚA, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi.”

Tối hậu thư của Đức Giê-su, chúng ta sẽ phúc đáp! Phải phúc đáp. Bởi vì, khi phúc đáp chính là lúc chúng ta đã làm xong “một bài trắc nghiệm cho lòng tin vào chính Đức Giê-su”.

Và, để có thể làm được bài trắc nghiêm này, trước hết chúng ta hãy tự hỏi: trong đời sống đức tin của mình, chúng ta có chán nản, muốn “rút lui”, muốn rời bỏ Giáo Hội? Chúng ta có tin vào Lời của Chúa và tin vào chính Chúa. Biết rõ Chúa Giê-su là ai và nắm vững lời Ngài truyền dạy?

Khi chúng ta có lời giải đáp cho những câu hỏi nêu trên, nó sẽ giúp chúng ta vững bước trên đường về Nước Trời. Khi chúng ta nhận ra Đức Giê-su là Đấng-Thánh-của-Thiên-Chúa, chúng ta sẽ có lời phúc đáp với Đức Giê-su, rằng: “Ngoài Chúa ra… con theo ai bây giờ!”

Petrus.tran

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

Hãy đến… Cầm lấy mà ăn

 “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 58).

Chúa Nhật XX – TN – B
Hãy đến… Cầm lấy mà ăn

tbd 170824a


Như chúng ta được biết, trước khi về trời, Đức Giê-su đã sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Ngài nhắc nhở các môn đệ là phải: “dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” (x.Mt 28, 20).

Xưa, các vị môn đệ, có phần chắc, là có dạy bảo nhiều điều “Thầy đã truyền” cho những người tín hữu của mình. Và, ngày nay, cũng có phần chắc là những vị kế tục các môn đệ, cũng đã và đang dạy bảo cho người tín hữu của mình rất nhiều điều Đức Giê-su đã truyền dạy.

Vâng, mọi việc “dạy bảo” vẫn luôn được tiếp diễn. Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta hỏi… hỏi những-vị-kế-tục-các-môn-đệ ngày nay, gần gủi nhất là các linh mục, rằng: điều gì được các ngài “dạy bảo” nhiều nhất, thường xuyên nhất cho người tín hữu của mình?

Có lẽ, có lẽ không ít vị linh mục sẽ nói, điều mà tôi “dạy bảo” cho tín hữu của mình thường xuyên nhất, đó là: hãy siêng năng tham dự Bí Tích Thánh Thể. Đúng, đúng quá đi chứ!

Là Bí Tích Thánh Thể. Bởi, “Bí Tích Thánh Thể là chóp đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu.” (nguồn: internet). Tham dự Bí Tích Thánh Thể chính là tham dự vào bàn tiệc “Mình và Máu Thánh Chúa Kitô.”

Đây là “một món quà kỳ diệu” mà Thiên Chúa đã ban cho con người, qua Đức Giê-su Ki-tô. Lm. Charles E.Miller đã có lời chia sẻ, như thế. Tại Ca-phác-na-um, hơn hai mươi thế kỷ trước, Đức Giê-su đã “mở” món quà này bằng một bài diễn từ “long trời lở đất”, gây ngạc nhiên tột độ cho mọi người.

**
Vâng, mở đầu bài diễn từ, Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. (x.Ga 6, 51).

Ngạc nhiên không! Có chứ! Người Do Thái hồi ấy đã rất ngạc nhiên. Họ ngạc nhiên vì ”bánh từ trời xuống”, có đấy! Thế nhưng… nhưng là manna, một loại bánh mà “Tổ tiên họ đã ăn trong sa mạc”.

Còn hôm nay, người vừa tuyên bố là ông Giê-su người Na-da-rét… Làm sao ông ấy lại dám nói “tôi là bánh… từ trời xuống!” Khủng khiếp hơn nữa: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”

Thánh sử Gio-an cho biết, họ đã “tranh luận sôi nổi” về những gì Đức Giê-su tuyên bố.

Dẫu vậy, Đức Giêsu vẫn dõng dạc tuyên phán: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.” (x.Ga 6, 53-55).

Vai trò và sứ vụ của Đức Giêsu đến thế gian, là để cho thế gian “được sống muôn đời”. Đây là lời hứa đến từ trời cao, đến từ “Chúa Cha là Đấng hằng sống”.

Thế nên, hôm ấy, không ngại trước những nghi ngờ của đám đông dân chúng, Đức Giê-su tái khẳng định, rằng: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”

Kết thúc bài diễn từ, Đức Giê-su xác quyết: “Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6, 58).

***
Tất cả những điều (nêu trên) đã được Đức Giê-su “giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um” (x.Ga 6, 59).

Vâng, đó là những điều Đức Giê-su “giảng dạy”. Và, những điều giảng dạy này, đã được Ngài hiện thực hóa trong bữa tiệc Vượt Qua. Trong bữa ăn đó, “Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).

Lm Giuse Nguyễn Hữu An, trong bài viết ”Thánh Thể Là Trung Tâm Đời Sống Kitô Hữu”, cũng có lời chia sẻ rằng: “Vào đêm bị trao nộp trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ Ơn. Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho các môn đệ và nói: Này là Mình Thầy, các con hãy cầm lấy mà ăn. Rồi Người cầm lấy chén rượu và nói: Này là Máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. (Mt 26, 26- 29; Lc, 22, 14-19).

Đây là hy tế của Giao Ước Mới được thiết lập bằng máu Đức Kitô như một biến cố vượt qua của Người trên thập giá: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22,20). Đức Giê-su ủy thác việc tưởng niệm biến cố này cho các Tông đồ, cũng như cho Hiền thê yêu quý của Người là Giáo hội: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Tất cả mọi sự đều đã rõ. Thế nên, thiết nghĩ rằng, chúng ta không cần tranh luận (tranh cãi) gì nữa về những lời giảng dạy của Đức Giê-su tại Ca-phác-na-um, năm xưa. Bởi vì, “Đây là mầu nhiệm đức tin”.

Và, có lẽ chúng ta cũng không cần “bức xúc” về sự kiện trong những ngày vừa qua, có một “nhúm” người, dùng nghệ thuật báng bổ bữa tiệc cuối cùng, chúng ta thường gọi là “bữa tiệc ly”, một bữa tiệc mà Đức Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, là chính “Mình và Máu Thánh” của Ngài, để những ai “cầm lấy mà ăn” thì sẽ được “sự sống đời đời”.

Tại sao… tại sao chúng ta không cần “bức xúc”? Thưa, bởi những kẻ báng bổ đó chỉ là “những người hư mất… những kẻ không tin”. Thánh Phao-lô trình bày rõ ràng rằng: “Họ không tin, vì tên ác thần của đời này đã làm cho tâm trí họ ra mù quáng, khiến họ không thấy bừng sáng lên Tin Mừng nói về vinh quang của Đức Ki-tô, là hình ảnh của Thiên Chúa.” (II Cor 4, 4).

Chỉ có những kẻ tin, mới có thể nhìn thấy “vinh quang của Đức Ki-tô”. Còn chuyện báng bổ, nhạo báng đức tin Ki-tô Giáo ư! Không…không có gì mới mẻ. Thời thánh Phê-rô còn tại thế, báng bổ, nhạo báng Ki-tô giáo là chuyện “thường xảy ra ở huyện”.

Ngài Phê-rô gọi những kẻ này là những kẻ vô luân “sống theo những đam mê riêng của họ.” (II Pr 3, 3) Cuối cùng là gì? Thưa, tông đồ trưởng nói “chúng phải diệt vong”. Thế thôi!

Đối với những “drag-queen - người nam giả nữ” là những kẻ góp mặt trong “màn trình diễn tại lễ khai mạc Thế vận hội (Paris 2024), dùng một thứ nghệ thuật quái quỷ, nhại lại bức tranh ‘Bữa tối cuối cùng’ của Leonardo da Vinci”, thì cũng đừng… đừng vì thế mà “sợ và xao xuyến”, thánh Phê-rô có lời khuyên, như thế.

Ngài Phê-rô có lời tiếp rằng: “Đức Ki-tô là Đấng Thánh, hãy tôn thờ Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em… Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Ki-tô, thì chính họ phải xấu hổ vì những điều họ nhạo báng…” (IPr 3, 15-17).

Mà thật vậy. Cả nước Pháp, có thể nói như thế, đang phải xấu hổ vì sự ngạo mạn của một nhúm người mà cụ Cao Bá Quát gọi là: “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”. 

Vấn đề của chúng ta hôm nay, đó là hãy luôn sẵn sàng, sẵn-sàng-trả-lời cũng như sẵn-sàng-đáp-lời… lời mời gọi của Đức Giê-su, qua các vị linh mục, lời mời gọi rằng: “Đây là Mình Thầy – hãy cầm lấy mà ăn. Đây là Máu Thầy – hãy cầm lấy mà uống.”

Cầm-lấy-mà-ăn, chúng ta được hiệp thông với Chúa Kitô. “Nhờ việc rước Mình và Máu Chúa, chúng ta nên một với Người, được thông phần vào cuộc thương khó, cái chết và phục sinh của Người.” Vâng, đó không phải là do trí tưởng tượng của Giáo Hội đặt ra, mà là do Đức Giê-su đã tuyên phán: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).

Cầm-lấy-mà-ăn, khơi dậy trong chúng ta lòng bác ái đối với tha nhân. Thật vậy, tông đồ Phao-lô đã chẳng nói: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”, đó sao! (x.1Cor 10, 16-17). Là-một-thân-thể thì có gì ngăn cản chúng ta “yêu người như chính mình ta vậy”!

Chính vì thế, đừng ngần ngại, “cầm lấy mà ăn” bởi nhờ đó, chúng ta sẽ được, được sống mãi trong tình yêu của Thiên Chúa. Đó, đó là điều Đức Giê-su đã phán hứa: “Kẻ ăn tôi… sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (x.Ga 6, …57).

Xưa, Thiên Chúa, qua môi miệng ông Sa-lô-môn, đã có lời mời gọi, rằng: ““Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế. Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống, hãy bước đi trên con đường hiểu biết” (x.Cn 9, 5-6).

Và nay, trên Bàn Tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su, qua các vị linh mục, Ngài đã-được-pha-chế-rồi, pha chế thành “Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô”. Thế nên, chúng ta, đừng chần chờ gì nữa, “Hãy đến… Cầm lấy mà ăn.”

Petrus.tran

Thứ Sáu, 9 tháng 8, 2024

Thánh Thể… bánh trường sinh của ta

 “Chính tôi là bánh trường sinh… Tôi là bánh từ trời xuống”. (x.Ga 6, 41)

Chúa Nhật XIX – TN – B
Thánh Thể… bánh trường sinh của ta


 

Như chúng ta được biết, Thánh lễ là trung tâm đời sống đức tin của người Công Giáo. Trong Thánh lễ, phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể là những đỉnh cao không thể thiếu. Gọi là không thể thiếu vì đó là những “món ăn” cho đời sống đức tin của người tín hữu.

Nói về “Lời Chúa”, khi còn tại thế, Đức Giê-su đã có lời phán rằng: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”

Còn nói về phụng vụ Thánh Thể ư! Vâng, phụng vụ Thánh Thể trong Thánh lễ là việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Giáo lý Công Giáo dạy rằng: “Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người lại đến. Như thế, Người ủy thác cho Hội thánh việc tưởng nhớ cái Chết và cuộc Phục sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Ðức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu.” (Trích Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, bản dịch của HĐGM Việt Nam, 2011).

Đây là mầu nhiệm đức tin. Một mầu nhiệm “vượt qua mọi cách hiểu thông thường hoặc giải thích theo quy luật của vật lý tự nhiên” (nguồn: internet).

Hơn hai ngàn năm xa trước đó, tại Ca-phác-na-um, khi Đức Giê-su nói đến chân lý này, người Do Thái đã không chấp nhận do bởi “cách hiểu thông thường” của họ. Họ xầm xì phản đối. Vâng, cuộc phản đối này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an. (x.Ga 6, 41-51).

**
Theo Tin Mừng thánh Gio-an ghi lại: một ngày trước khi công bố “diễn từ về bánh trường sinh”, Đức Giê-su, chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã “hóa bánh ra nhiều” cho năm ngàn người ăn no nê.

Dân chúng được ăn no nê, và họ muốn được ăn như thế “hằng ngày”. Thế nhưng, điều đó không nằm trong chương trình cứu nhân độ thế của Đức Giê-su. Chương trình cứu nhân độ thế của Ngài là đem đến cho con người sự sống muôn đời, là phúc trường sinh.

Đã có một số người, trong năm ngàn người được ăn no nê, tìm gặp Đức Giê-su tại Ca-phác-na-um. Đây là một cuộc tái ngộ. Trong cuộc tái ngộ này, ý tưởng của nhóm người này vẫn là muốn được ăn no nê.

Thế nhưng, ý tưởng đó không được Đức Giê-su tán thành. Hôm ấy, bằng những lời lẽ thẳng thắn, Đức Giê-su nói với họ rằng: “Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hay hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (x Ga 6, 27).

Và rồi, Ngài đã hướng dẫn họ nhìn về một thứ bánh khác, đó là “Bánh trường sinh – Bánh hằng sống”. Không úp mở, Ngài tuyên bố: “Chính tôi là bánh trường sinh… Tôi là bánh từ trời xuống”. (x.Ga 6, 41).

Thế nhưng, họ đã không thể lĩnh hội lời tuyên bố này. Và họ đã nhìn Đức Giê-su với ánh mắt ngờ vực. Mà, sao không ngờ vực cho được: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả. Sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 41-42). Họ đã “xầm xì phản đối” như thế.

Nghe vậy, Đức Giê-su không buồn… Ngài không buồn tranh luận với họ về gia thế của mình. Ngài bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với Tôi được, nếu Chúa Cha, là Đấng đã sai Tôi, không lôi kéo người ấy. và Tôi, Tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ.”

Vẫn là những lời đơn sơ, bộc trực, Đức Giê-su nói tiếp: “Vậy, phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”


“Chỉ có Chúa mới có thể nói về Chúa.” Noel Quesson đã nói như thế, sau khi đã có những giây phút suy tư về những lời tuyên bố (nêu trên) của Đức Giê-su.


Phần Đức Giê-su, hôm ấy, Ngài tiếp tục nói về mình, rằng: “Thật tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh.” (x.Ga 6, 47-48).

Và thật ý nghĩa khi Đức Giê-su so sánh bánh-trường-sinh với man-na xưa. Ngài so sánh rằng: “Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”.

Người Do Thái hồi đó không tin. Thế nhưng, Đức Giê-su không vì thế mà rút lại lời tuyên bố, Ngài khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (x.Ga 6, 51).

***
Đức Giê-su không rút lại những điều Ngài đã tuyên bố. Tại bữa Tiệc Vượt Qua, một bữa tiệc đánh dấu việc chuẩn bị bước vào cuộc tử nạn, trong bữa ăn đó, “Đức Giê-su cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra trao cho môn đệ và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 26-28).

Khi tuyên bố chân lý quan trọng này, Đức Giê-su, nói theo cách nói của Noel Quesson: “Không lao vào một cuộc tranh cãi thần học, không bút chiến… Đây là ân sủng, là một sáng kiến của Chúa mà chúng ta phải nhận lãnh.”

Với Lm. Charles E. Miller, ngài có lời chia sẻ như sau: “Chẳng có lời nào có thể bộc trực hơn. Không thuật ngữ nào có thể rõ ràng hơn. Cũng chẳng có chuyện lập lờ nước đôi. Đức Giê-su không nói bánh ấy ‘giống như’ hoặc ‘ám chỉ’ thịt của Người, mà nói rõ mồn một ‘bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống’”.

Ngài Lm. nói tiếp: “Làm trọn lời hứa của mình trong đêm trước khi chịu nạn, Chúa Giê-su đã lập ra Bí Tích Thánh Thể cho các Tông Đồ, cho mọi thế hệ đã và sẽ theo bước các ông, cho đến tận thế”.

Cuối cùng vị linh mục mời gọi: “Khi cầu xin ơn lương thực hằng ngày, ta không chỉ cầu xin thứ bánh giúp duy trì sự sống đời này, mà còn thức ăn trên trời vốn sẽ đưa chúng ta đến sự sống đời sau. Anh chị em chớ lầm lẫn, nhưng hãy giữ vững niềm tin Công Giáo của mình”.

Giáo Hội Công Giáo luôn giữ vững niềm tin này. Trong Thánh lễ mỗi ngày, Giáo Hội, qua vị linh mục, vẫn luôn cất tiếng loan báo cho mọi người biết rằng: “Đây là mầu nhiệm đức tin” cùng với lời mời gọi: “Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Chúng ta tin và sẽ đến tham dự Tiệc Chiên Thiên Chúa, mỗi ngày, mỗi tuần? Câu trả lời dành cho mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta từ chối tham dự, Noel Quesson nói: “là (chúng ta) tự phó mình cho hư không, cho tính hữu hạn thuộc bản chất tự nhiên của con người: ‘Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra thì là xác thịt’” (Ga 3, 6).

Vâng, Đức Giê-su đã hành động. Ngài đã “hiến tế vì chúng ta”. Máu của Ngài “máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người”. Có ai trong chúng ta lại không biết điều này!

Chúng ta… chúng ta đã biết. Thế nên, phần còn lại của chúng ta là hãy hành động. Hãy mau… “Nào mau tới thờ lạy Chúa! Đồng thanh hợp chung tiếng hát ca khen. Cảm mến ơn Chúa ban tràn lan cho trần gian Mình Máu Thánh nên nguồn sống tuôn ngày đêm.’

Hãy mau… Nào mau đến… đến tham dự bàn Tiệc Thánh Thể. Vì Thánh Thể là bánh trường sinh của chúng ta.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...