Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2024

 Chúa Nhật XXX – TN – B

Có lòng tin - sẽ được thấy

tbd 251024b


Mù là gì? Thưa, theo Wikipedia định nghĩa: “mù là triệu chứng mất khả năng cảm nhận thị giác một phần hoặc toàn phần (mù, đui). Người bị mù hoàn toàn không có khả năng nhận thức sáng tối, không thấy được những gì xung quanh. Chứng mù mắt có thể do rối loạn bẩm sinh, sinh lý hay thần kinh.” Định nghĩa ngắn gọn: mù là mất khả năng nhìn.

Vì “mất khả năng nhìn”, thế nên đối với người mù, nếu có ai hỏi bạn ước mơ gì, có phần chắc họ sẽ nói “tôi muốn nhìn thấy được”. Vâng. Có phần chắc là vậy.

Cô Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, một nhà thơ khiếm thị, với bút danh là Vũ Thủy, trong bài viết “Người mù cũng biết yêu”, đã có lời tâm sự rằng: “Thứ chúng tôi quý nhất là ánh sáng, nhưng không thể có. Thứ các bạn có rất dư thừa và tràn trề ở chung quanh, nhưng các bạn cảm thấy không giá trị vì không mất tiền mua; đó là ánh sáng. Các bạn có thể chia sẻ cho chúng tôi một ít ánh sáng, nếu các bạn có sự quan tâm đến những người mù.

Ánh sáng, đó là sự hiểu biết cho người mù. Ánh sáng, đó là sự cảm thông với nỗi cô đơn của người mù. Ánh sáng còn có thể là sự hòa đồng trong lao động, học tập. Quan trọng nhất xin các bạn đừng coi chúng tôi là những người đáng thương mà hãy xem chúng tôi là những người cần được giúp đỡ.

Bởi chúng tôi biết có rất nhiều ánh mắt nhìn chúng tôi thương hại nhưng chỉ nhìn mà thôi. Cái chúng tôi cần là sự chìa tay ra dắt chúng tôi đi khi chúng tôi gặp những trắc trở trên mọi phương diện.” (nguồn: internet).

Ước mơ của cô Vũ Thủy, cũng là ước mơ của một anh chàng mù sống ở Palestina cách đây hơn hai ngàn năm. Anh ta tên là Ba-ti-mê. Anh ta cũng muốn có ai đó chia-sẻ-một-ít-ánh-sáng cho mình. Anh ta cũng muốn một ai đó chìa-tay-ra-dắt-anh-ta-đi.

Vâng, câu chuyện của anh ta rất ly kỳ, với nhiều tình tiết vui buồn lẫn lộn. Và, câu chuyện này được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Mác-cô. (Mc 10, 46,52).

**
Chuyện được thánh Mác-cô ghi lại như sau: Một ngày nọ “Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô”. Rồi “khi (Ngài) cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê” (x.Mc 10, 46).

Một-người-mù-đang-ngồi… bên-vệ-đường! Vâng, có phần chắc hình ảnh này không xa lạ với chúng ta, hôm nay. Nhiều… nhiều lắm. Rất nhiều người mù từ miền Tây lên Saigon tìm kế sinh nhai. Có người ngồi bên vệ đường bán móc khóa, bán bông ráy tai. Có người lang thang trên hè phố… bán vé số, v.v… Họ ngồi đó lắng tai nghe xem có ai đến hỏi mua gì. Họ vừa đi vừa lắng tai nghe xem có ai gọi mua vé số. Nhìn rất, rất đáng thương.

Anh Ba-ti-mê cũng vậy. Anh ngồi đó lắng tai nghe. Tuy thánh sử Mác-cô không kể, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, miệng anh ta không ngớt lớn tiếng nói: “ông đi qua, bà đi lại, làm ơn thương xót”.

Rồi, đột nhiên anh ta nghe có tiếng xôn xao. Khi tiếng xôn xao mỗi lúc nghe một rõ hơn, anh nhận ra đó là một nhóm người khá đông đi ngang qua. Anh Ba-ti-mê nghe loáng thoáng một ai đó nói “đó là Đức Giê-su Na-da-rét”. Không một phút chần chờ, anh ta lớn tiếng kêu lên: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”

Như một người “thầm đợi phone người yêu”, anh Ba-ti-mê thầm đợi nghe tiếng đáp trả của Giê-su người Na-da-rét. Tiếc thay! Tiếng mà anh ta được nghe, lại là tiếng của một số người đang vây quanh Ngài. Họ đã “quát nạt bảo anh ta im đi”.

Tiếng gầm gừ quát nạt rõ to, thế nhưng nó vẫn không “át” được tiếng van xin của anh Ba-ti-mê. Vâng, làm sao át được khi “anh ta càng kêu lớn tiếng: Lạy Con vua Đa-vít, xin rủ lòng thương tôi!”

Cú phone thứ hai của anh Ba-ti-mê đã được kết nối vào chiếc Appo của Đức Giê-su. Chuyện kể tiếp rằng “Đức Giê-su đứng lại và nói: Gọi anh ta lại đây!” Thế là, cái nhóm người vừa mới quát nạt anh ta liền thay đổi thái độ và nói với anh ta rằng: “Cứ yên tâm, đứng dậy. Người gọi anh đấy!”

So sánh giữa anh mù và những người quát nạt anh ta, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, có lời nhận định như sau: “Tương phản với thái độ khiêm nhu và dứt khoát của anh mù. Mác-cô nhấn mạnh tư cách bất nhất của đám đông. Họ không hiểu nỗi đau của người tàn tật, cũng không hiểu lòng tin thúc đẩy anh ta kêu lên. Nhưng khi Chúa Giê-su gọi người mù thì ngay tức khắc đám đông kêu anh ta với vẻ nịnh hót: Can đảm lên, Người gọi anh đấy!”

Đúng, anh mù rất can đảm. Anh can đảm gọi Đức Giê-su là Con-vua-Đavít, một cách xưng hô chỉ Đấng Messia. Ôi! Đấng Messia - Ngài gọi tôi à!

Nếu là bạn, bạn có thốt lên như thế không? Với anh Ba-ti-mê, có lẽ vì vui quá, nên đã không thốt lên lời. Niềm vui của anh được biểu lộ qua hành động. Chuyện kể rằng: “Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su.

Xưa, ngôn sứ Giêrêmia có nói “Đức Chúa đã phán thế này: Reo vui lên mừng Giacop… Này Ta sẽ… quy tụ chúng lại từ tận cùng cõi đất. Trong chúng, có kẻ đui, người què… tất cả cùng nhau trở về… Chúng trở về nước mắt tuôn rơi. Ta sẽ an ủi, và dẫn đưa chúng”! (Gr 31, 7-9).

Và, hôm nay, Đức Giê-su đã làm cho anh mù Ba-ti-mê được “reo vui lên”. Ngài, nhìn anh với ánh mắt trìu mến, và hỏi rằng: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” – “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Vâng, anh ta đã nói lên ước muốn của mình với một tâm trạng tràn đầy niềm tin và hy vọng.

Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời phán dạy rằng: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy…” (x.Mt 7, 7-8). Hôm nay, anh mù Ba-ti-mê đã thi hành đúng lời Đức Giê-su truyền dạy và Đức Giê-su cũng đã thực hiện đúng lời mình phán hứa.

Hôm ấy, Đức Giê-su đã biến ước mơ của anh thành hiện thực. Ngài nói với anh ta rằng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh.” Ngay lập tức, “anh ta nhìn thấy được.”

***
Anh-ta-nhìn-thấy-được. Chưa hết, thánh sử Mác-cô còn cho biết thêm rằng: “và (anh ta) đi theo Người trên con đường Người đi.”

Về hành động “đi theo Chúa” của Ba-ti-mê, cũng là Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, có lời nhận định như sau: “Anh ta chính là mẫu người môn đệ trung thành. Chính anh ta đã cầu xin với Đức Giê-su cho anh được ‘thấy’ và Ngài đã cho anh ‘thấy’. Ngược lại, với chàng thanh niên giàu có tới tìm ánh sáng nhưng lại quay đi khi đã thoáng thấy.”

Tuy nhiên, có người lại tỏ ra nghi ngờ, rằng: “Liệu anh ta có ‘bền đỗ’ đi đến cùng? Liệu anh ta có đi theo Đức Giêsu lên Golgotha, là nơi Ngài chịu khổ hình? Liệu anh ta có thành tín đứng dưới chân thập giá cùng Đức Maria, một số các bà và người môn đệ thương mến?”

Vâng, Lm. Charles E.Miller đã giải tỏa sự nghi ngờ này như sau: “Thánh sử Mác-cô không cho chúng ta biết, có lẽ ngài muốn ta nhìn thấy chính mình trong con người từng đã bị mù, và trả lời các câu hỏi này qua nếp sống của ta.”

Đúng vậy. Chúng ta cũng từng “bị mù” như người ăn xin mù trong câu chuyện nêu trên. “Trước khi chịu Phép Rửa chúng ta mù về mặt thiêng liêng vì thiếu đức tin.” Tuy nhiên, Lm. Charles thêm lời chia sẻ, rằng: “Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy chúng ta được chia sẻ của cải của Thiên Chúa, và nhờ đức tin, chúng ta vui hưởng ơn được thấy.”

Ơn-được-thấy… thấy gì? Thưa, đó là ánh sáng Chúa Ki-tô. Vì vậy, trả lời các câu hỏi nêu trên, qua nếp sống (hằng ngày) của mỗi chúng ta, là điều phải đạo.

Thế nên, hãy để một phút trong thinh lặng và hãy tự hỏi mình rằng: Qua nếp sống hằng ngày của ta, ta có tham dự thánh lễ mỗi ngày Chúa Nhật? Câu trả lời là của mỗi chúng ta.

Thế nhưng, nếu chúng ta tham dự Thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần, điều đó minh chứng rằng ta thật sự bền đỗ đi đến cùng với Đức Giê-su. “Trong mọi thánh lễ…”, Lm.Charles nói: “…chúng ta đi theo Đức Ki-tô, về mặt nào đó, lên đồi Can-vê. Bởi lẽ, trong Thánh lễ, ta đứng dưới chân cây thập giá, thông dự vào hy lễ duy nhất là chính Đức Ki-tô. Thánh lễ mời gọi ta hiến dâng thân mình cùng Đức Ki-tô - vị Thượng Tế cao cả của chúng ta - lên Cha Trên Trời để tuyên hứa rằng mình sẽ ‘bền đỗ’ với đức tin Công Giáo và trung thành với Đức Ki-tô và Giáo Hội của Người, cho đến chết.”

*****
Trở lại với anh Ba-ti-mê. Anh Ba-ti-mê “mù mắt” nhưng không “mù hồn”. Đôi mắt thuộc thể của anh ta không nhìn thấy khuôn mặt Đức Giê-su ra sao, nhưng đôi mắt thuộc linh của anh ta đã nhìn ra Đức Giê-su là “Con vua Đa-vít”. Anh ta đã lớn tiếng “Lạy ông Giê-su… xin rủ lòng thương.” Và ông Giê-su đã cho anh ta nhìn-thấy-được.

Nhắc lại chuyện này để làm gì? Thưa, để mỗi chúng ta cần xem lại chính con người mình. Có thể, thể xác chúng ta không mù mắt. Nhưng, biết đâu phần tâm linh chúng ta mù hồn!

Kinh Thánh cho chúng ta biết, với những ai mù hồn, điều tất yếu sẽ xảy ra, người đó sẽ có những hành động mù quáng. Một… một trường hợp điển hình thôi! Đó là vua Hê-rô-đê.

Vua Hê-rô-đê mù hồn, có thể nói như thế. Thế nên, ông ta đã có những hành động “mù quáng”. Ông ta đã mù quáng đến độ, chỉ vì một điệu múa dâm dật của một cô gái làm cho ông ta vui thích, và để làm thỏa lòng cô ta, ông ta đã hạ lệnh giết Gio-an Tẩy Giả, người đã ngăn cản ông ta lấy vợ của anh mình.

Mù hồn sẽ làm cho chúng ta bị “mù quáng”, mù quáng trước tiền bạc, trước danh vọng, trước quyền lực, trước sắc dục, trước những cám dỗ của trần gian, v.v… Mù hồn, chúng ta sẽ không thể nhận ra Chúa Giê-su, rằng Ngài “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Thế nên, chúng ta cần ghi khắc trong con tim mình, rằng: “mù mắt sáng hồn - hơn mù hồn sáng mắt.”

Có “sáng hồn” chúng ta mới có thể phân định, phân định rằng: “Tôi sẽ đi đâu và sẽ đến với ai.” Có sáng hồn, chúng ta mới có thể nhận ra rằng: “Chỉ Đức Ki-tô mới là Đấng ban cho ta ơn đức tin, cho ta được trở nên con cái Chúa, và hứa ban cho ta sự sống đời đời.”

Vâng, đó là những lời chia sẻ chân tình của Lm. Charles. Ngài Lm. tiếp lời rằng: “Tin sẽ biến đổi thành thấy”. Nói cách khác: “Có lòng tin – sẽ được thấy”.

Petrus.tran

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

 Chúa Nhật XXIX – TN – B

Phải phục vụ như Chúa
 

tbd 191024a


Tham vọng là gì? Theo Wiktionary định nghĩa, “Tham vọng là lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt quá xa khả năng thực tế, khó có thể đạt được.” Chính vì khó-có-thể-đạt-được, thế nên, với những ai có tham vọng, người đó “có thể bất chấp mọi cách để đạt được mục tiêu, kể cả việc làm hại đến lợi ích của người khác.” (nguồn: internet).

Nói tới tham vọng, một blogger ẩn danh, có thể nói vị này là một người bảo thủ, đã nói một cách mạnh mẽ rằng: “Trong nhiều nền văn hóa phương Đông, tham vọng được coi là một điều ác vì nó trói buộc chúng ta vào việc theo đuổi những phù phiếm của thế gian, khiến chúng ta xa rời đời sống tâm linh và những thành quả như là đức hạnh, trí tuệ và sự tĩnh lặng.”

Tại sao lại nói tham-vọng-được-coi-là-một-điều-ác? Thưa, ác là bởi, đã “tham” thì tất nhiên tham vọng đó “không lành mạnh”. Thế nào là tham vọng không lành mạnh? Thưa, cũng qua lời vị blogger ẩn danh (nói trên), thì “đó là sự phấn đấu thái quá hoặc hỗn loạn để đạt được điều đó.”

Có tham vọng lành mạnh, không? Thưa, có… “đó là một sự phấn đấu có cân nhắc”.

Tuy vậy, tham vọng dù không lành mạnh hay lành mạnh, nó vẫn bị coi như là một căn bệnh nguy hiểm cho sự sống còn của nhân loại. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều này.

Thật vậy, suốt chiều dài lịch sử nhân loại, có không ít những vị vua chúa hoặc lãnh tụ, khi nuôi trong lòng mình tham vọng không lành mạnh, đại loại như muốn bá chủ thế giới, muốn bành trướng thế lực v.v… họ sẵn sàng biến tham vọng đó thành sự thật bằng cách gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu.

Có những vị khi nuôi tham vọng không lành mạnh, đại loại như muốn làm vua, làm tổng thống, làm chủ tịch v.v… họ đã không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn, nhẹ thì gian lận bầu cử, mạnh hơn một chút thì đảo chánh, mạnh hơn nữa thì thủ tiêu đối phương.

Còn “tham vọng lành mạnh” ư! Thưa, tham vọng dù là có cân nhắc, dù chỉ là để làm cho cuộc sống của mình tốt hơn, ví dụ như phấn đấu làm tốt mọi việc được giao phó, để mong được thăng quan tiến chức, hoặc nói theo cách nói của cụ Nguyễn Công Trứ, rằng: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông”, thì điều đó cũng không làm cho cuộc sống của con người an bình, hạnh phúc.

Tại sao? Thưa, dễ hiểu thôi, sự ganh tị sẽ xảy ra, sự tức tối sẽ bộc phát, những lời mỉa mai sẽ được thổi bùng lên, và cuối cùng đó là thù oán. “Cái thằng con bà bán xôi đầu hẻm, thế mà cũng học đòi thi vào y khoa!” Hoặc, “Con cái thằng trung sĩ quèn cho đi tu là để ăn bám Giáo Hội”. Sự thật là thế đó. Dù tham vọng của con bà bán xôi, hay con cái thằng trung sĩ chỉ là những tham vọng lành mạnh.

Xưa, Nhóm Mười Hai là những môn đệ của Đức Giê-su, cũng có những tham vọng riêng của mình. Mặc dù, những tham vọng của các ông cũng chỉ là những tham vọng bình thường trong một cuộc sống bình thường.

Vâng, các ông chỉ muốn biết “xem ai là người lớn hơn cả”! Ấy thế mà, nó đã bùng nổ giữa các ông một cuộc “cãi nhau” kịch liệt.

Rồi, khi tông đồ Gia-cô-bê và Gio-an công khai hóa tham vọng mình, rằng hai ông muốn được: “một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”, thì ngay lập tức những vị môn đệ còn lại “đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an”.

Đức Giê-su, khi biết được những tham vọng của các ông, rất ôn hòa, Ngài nói: “Các anh không biết các anh xin gì!” Và, nhân dịp này, Ngài đã dạy cho cả Nhóm Mười Hai một bài học sâu sắc. Chi tiết bài học này được ghi trong Tin Mừng thánh Mác-cô. (Mc 10, 35-45).

**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô ghi lại, chúng ta được biết: “Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gặp Đức Giê-su và nói: Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.

Chúng-con-muốn… Vâng, với lời khẩn khoản như thế, có thể nói rằng, lòng tin vào Thầy Giê-su của hai vị môn đệ này rất đáng để chúng ta noi theo.

Tại sao lại đáng noi theo! Thưa, vì Đức Giê-su đã có lần nói: “Anh em cứ xin thì sẽ được… Vì hễ ai xin thì nhận được.” Nay, tin vào lời Thầy mình nói, nên hai vị môn đệ này đã đến xin Thầy, vậy nên rất đáng noi theo, thì có gì sai!

Trở lại với khung cảnh Thầy và trò bên nhau. Hôm ấy, sau khi nghe hai ông Gia-cô-bê và Gio-an xin điều “chúng con sắp xin đây”, Đức Giê-su liền hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?”

Nếu… nếu hôm nay, Chúa Giê-su hỏi chúng ta câu hỏi này, chúng ta sẽ xin gì? Vâng, có lẽ và chắc hẳn là vậy, rằng điều chúng ta xin Chúa, mỗi người mỗi khác, tùy theo hoàn cảnh của mình, phải không, thưa quý vị!

Còn ông Gia-cô-bê và ông Gio-an, hôm ấy, đã thưa với Đức Giê-su rằng: “Xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (x.Mc 10, 37).
Lời xin của “hai người con ông Dê-bê-đê” có làm cho chúng ta khó chịu! Riêng nhóm mười môn đệ còn lại, thánh sử Mác-cô cho biết: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và Gio-an” (Mc 10, 41).

Đức Giê-su không tức tối và như đã nói ở trên, Ngài dạy cho cả Nhóm Mười Hai một bài học sâu sắc.

***
Mở đầu cho bài học, Đức Giê-su truyền bảo: “Các anh không biết các anh xin gì!” Nghe đây! Vâng, Ngài tiếp tục cất tiếng nói với các ông, rằng: “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”

Theo các nhà chú giải Kinh Thánh giải thích, lời tuyên phán này, ngụ ý “diễn tả bằng hình ảnh những đau khổ và cái chết” mà Đức Giê-su sẽ gánh chịu. Nói rõ hơn, sự đau khổ mà Ngài phải chịu, cũng là sự đau khổ mà các ông sẽ phải chịu. Và trước đau khổ đó, các ông có sẵn sàng đón nhận không?

Can đảm thật. Cả Nhóm Mười Hai đáp: “Thưa được”.

Không được cũng phải được. Bởi vì, hôm ấy, Đức Giê-su nói tiếp: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu”.

Còn việc bên ngồi bên tả hay bên hữu ư! Đức Giê-su có lời tuyên bố rằng: “Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được”.

Cuối cùng, để cho mười hai môn đệ không còn nhìn nhau bằng ánh mắt “hình viên đạn”, Đức Giê-su tiếp lời truyền dạy, rằng: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người”. (x.Mc 10, 43-44).

Quan điểm của người đời cho rằng, giá trị của một con người thường được dựa trên quyền lực, địa vị và tiếng tăm. Nhưng, với Đức Giê-su, điều có giá trị và đáng quý nhất của một con người, đó hướng tới những người khác và phục vụ người ta.

Xưa… các môn đệ quên chăng lời Đức Giê-su đã truyền dạy “Giữa kẻ ngồi ăn và người phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ”!? (x.Lc 22, 27).

Vâng, có thể là các môn đệ đã quên lời Thầy. Thế nên, hôm ấy, Đức Giê-su lớn tiếng nói, nói rất rõ ràng với các ông rằng: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy.”

“Anh em hãy làm như Thầy. Anh em hãy học cùng Thầy.” Có lẽ, có lẽ Đức Giê-su đã nói như thế trước khi Ngài kết thúc bài dạy của mình, rằng: “Vì (Thầy) đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 45).

****
Lời truyền dạy (nêu trên) của Đức Giê-su đã được minh chứng qua các “gương lành” mà Ngài đã thực hiện.

Gương lành mà Chúa Giê-su đã thực hiện là gì! Thưa đó là: “Chúa Giê-su, con Thiên Chúa hằng sống, đã từ bỏ ngai vị trên trời để trở thành một trong chúng ta. Người đã từ chối tất cả những gì ‘thế tục này ham muốn’. Khiêm nhường đến như vậy là vì Người đang nghĩ, không phải tới chính mình, mà tới chúng ta.”

Lm.Charles E.Miller có lời chia sẻ của mình như thế. Và, rồi ngài Lm. có lời dạy rằng: “Người mang lấy xác thịt phàm nhân hầu có thể trở nên Tư Tế, Đấng Cứu Độ chúng ta. Đấng ta có thể tin tưởng quay sang cầu xin thương xót và bênh đỡ trong lúc ngặt nghèo.”

Lời dạy của ngài Lm. là thế. Thế nên, trong lúc ngặt nghèo, không gì tốt hơn là chúng ta hãy tìm đến Đức Giê-su, như xưa kia hai tông đồ Gia-cô-bê và Gio-an đã tìm đến, và thưa với Ngài rằng: “Lạy Chúa, chúng con muốn Chúa thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây”.

Điều-chúng-ta-sắp-xin, nên chăng đó là chúng ta hãy “ước trông một điều, đêm ngày tôi khấn xin, là cho tôi được vui sống trong nhà Chúa trọn đời”!?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, hãy biết rằng: được-vui-sống-trong-nhà-Chúa-trọn-đời chẳng phải là được-ngồi-bên-hữu-ngồi-bên-tả Chúa sao!

Nếu chúng ta muốn được-ngồi-bên-hữu-ngồi-bên-tả Chúa! Dễ thôi! Hãy thực hiện những gì Đức Giê-su đã truyền dạy. Điều Đức Giê-su đã truyền dạy, chúng ta biết rồi: “Thầy đến… là để phục vụ.”

Chúa Giê-su đã đến thế gian này và Ngài đã phục vụ. Và chúng ta cũng đã có mặt ở thế gian này. Ở thế gian này trong vai trò là môn đệ của Chúa. Do vậy, chúng ta cũng: Phải phục vụ như Chúa.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Hãy vượt qua những trở lực...

 “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”

Chúa Nhật XXVIII – TN – B
Hãy vượt qua những trở lực

tbd 121024a


Sự sống đời đời là điều không một ai lại không ước mơ. Suốt chiều dài lịch sử nhân loại, không ít người đã muốn biến mơ ước đó thành sự thật. Đã có người dành hết cả cuộc đời mình để tìm cho được thần dược trường sinh bất tử. Người đó chính là Tần Thủy Hoàng.

Theo sử sách ghi lại: “Tần Thủy Hoàng sinh năm 259 TCN. Ông là vị vua thứ 36 của nước Tần và là người đầu tiên chấm dứt thời kỳ Chiến quốc, thống nhất Trung Quốc. Kế vị cha, ông lên ngôi vua từ năm 13 tuổi và trở thành hoàng đế ở tuổi 38.” (nguồn: internet).

Như đã nói ở trên, ông ta khao khát được trường sinh bất tử. Sự khao khát này mỗi ngày một trỗi dậy mạnh mẽ, và đó là lý do thôi thúc Tần đế bằng mọi giá phải tìm cho ra thuốc trường sinh bất tử.

Có nhiều câu chuyện về việc tìm thuốc trường sinh bất tử của Tần Thủy Hoàng được ghi lại trong sử sách cũng như được truyền khẩu. Một trong những câu chuyện được Trung Quốc lẫn Nhật Bản lưu truyền. Đó là câu chuyện pháp sư Từ Phúc vượt biển Đông tìm thuốc trường sinh bất tử cho Tần Thủy Hoàng.

Năm 219 trước công nguyên, Từ Phúc được mời vào cung của Tần Vương và tự nguyện đến ba hòn đảo tiên được ghi trong “Tiên Hải kinh” có tên là Phùng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu ở biển Đông để tìm thuốc trường sinh bất tử.

“Sau chuyến vượt biển tìm thuốc trường sinh đầu tiên không có kết quả, Từ Phúc trở về và tâu rằng, đã tìm thấy đảo Bồng Lai, nơi đây có thần tiên nắm giữ thuốc trường sinh, nhưng muốn lấy được thần dược phải có lễ vật gồm 3.000 đồng nam, đồng nữ. Từ Phúc còn yêu cầu cung cấp cho ông ta cung lớn và vũ khí để đuổi cá kình cản đường trên biển.

Tần Thủy Hoàng đã nhanh chóng đáp ứng mà không mảy may nghi ngờ. Tuy nhiên, ở chuyến đi cuối cùng, do không tìm thấy thuốc trường sinh, Từ Phúc và đoàn tùy tùng không quay trở lại và được cho là lưu lạc đến Nhật Bản. Ông ta đã xưng vương ở một vùng thảo nguyên mênh mông rộng lớn phía Đông.” (nguồn: internet).

Ước mơ có được thần dược trường sinh bất tử chỉ là mơ ước hão huyền. Từ thuở tạo thiên lập địa cho đến hôm nay, chưa có ai được trường sinh bất tử, chưa có ai có được sự sống đời đời. Trừ… chỉ trừ Đức Giê-su Ki-tô, mà thôi.

Trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã tuyên phán rằng: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống lại. Ai sống và tin vào Ta, sẽ không bao giờ phải chết”.

Chưa hết, vào một lần khác, Đức Giê-su lớn tiếng nói, rất rõ ràng rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3, 16).

Các sách Tin Mừng không nói đến, nhưng chúng ta có thể tin rằng, những lời tuyên phán của Ngài (nêu trên) đã chấn động khắp Palestina. Đó, đó là điều tất yếu. Tất yếu bởi được-sống-muôn-đời là một sự “hoàn hảo” cho một kiếp nhân sinh.

Hồi ấy, một người thanh niên nhận ra sự hoàn hảo này, anh ta tìm đến Đức Giê-su. Chàng thanh niên và Đức Giê-su đã có một cuộc trao đổi. Anh ta đã “trao” cho Đức Giê-su ước mơ của mình, ước mơ rằng: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su có làm cho anh ta thỏa lòng? Vâng, Tin Mừng thánh Mác-cô sẽ cho chúng ta biết chi tiết của sự việc này. (Mc 10, 17-30).

**
Mở đầu câu chuyện, thánh Mác-cô cho mọi người biết, rằng: Hôm ấy, “Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (x.Mc 10, 17).

Câu hỏi… câu hỏi là thế đấy. Và, nếu được phép trả lời thay cho Đức Giê-su, chúng ta sẽ trả lời ra sao!

Phải chăng, chúng ta sẽ trả lời rằng: “Này bạn, bạn đến đúng địa chỉ rồi! Ông Giê-su người Na-da-rét, người mà bạn đang quỳ-xuống-trước-mặt-Người, “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền; những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt… Người đã chữa họ.” Này bạn, nghe cho rõ đây: “Từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-dan, dân chúng (đã) lũ lượt kéo đến đi theo Người”, thế mà cớ gì hôm nay, bạn mới tìm đến ông Giê-su?

Vâng, những suy nghĩ trên đây, chỉ là những suy nghĩ nông cạn của tôi (người viết). Hôm ấy, Đức Giê-su “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”, thế nên, Ngài đã đáp lời rằng: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.”

Trừ một mình Thiên Chúa, mà thôi! Vì… “Chúa là Ðấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa tình thương, Người không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta.” Anh có biết không?

Đức Giê-su, sau khi chấn chỉnh lại suy nghĩ của anh ta, Ngài nói: “Hẳn anh biết các điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ”…

Không một chút đắn đo, anh ta trả lời rằng: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Nghe thế, Đức Giê-su không thể không “đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến”.

Lòng yêu mến của Đức Giê-su, không chỉ biểu lộ nơi đôi mắt, nhưng còn được thể hiện nơi đôi môi, bằng lời nói. Hôm ấy, Ngài đã nói với anh ta một điều, một điều mà anh ta còn thiếu, ngõ hầu đem lại sự hoàn thiện nơi điều anh ta đã-tuân-giữ-từ-thuở-nhỏ.


Vâng, Đức Giê-su đã nói với anh ta rằng: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.”


Nghe thế, anh ta phản ứng thế nào, nhỉ! Thưa, anh ta mất hết sự phấn khích của cái giây phút “quỳ mọp xuống” trước mặt Đức Giê-su. Thánh sử Mác-cô mô tả: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (x.Mc 10, 22).

***
Một ngày nọ, Đức Giê-su có lời phàn nàn rằng: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ Mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6, 46).

Qua câu chuyện kể trên, lời phàn nàn của Ngài đã ứng nghiệm. Lời Chúa Giê-su đã ứng nghiệm nơi một người thanh niên giàu có. Anh ta “tuân giữ” Mười điều răn của Đức Chúa Trời từ thuở nhỏ, và đã gọi Đức Giê-su là “Thầy nhân lành”, nghiệt ngã thay! anh ta đã không làm điều Thầy-nhân-lành dạy.

Vâng, đừng vội lên án anh ta. Nhưng hãy nhìn anh ta như một “tấm gương soi”, soi lại cuộc sống đức tin của mình. Hãy soi lại bản thân mình rằng: Đã là một tín hữu Công Giáo, tôi có tuân giữ Mười điều răn của Đức Chúa Trời?

Sao! “Tôi đã học thuộc lòng từ hồi còn nhỏ… hồi rước lễ lần đầu ư!” Vâng, có phần chắc mỗi chúng ta, ai nấy đều thuộc nằm lòng. Thuộc-nằm-lòng-từ-thuở-nhỏ.

Thế còn hôm nay, ngay bây giờ! Ngay bây giờ là ba mươi, bốn mươi, năm mươi tuổi… và nhiều hơn nữa… Tôi có “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”?

Câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, sẽ thật là đáng tiếc nếu chúng ta không “kính mến Người trên hết mọi sự”. Tại sao? Thưa, không kính mến, chẳng chóng thì chầy, chúng ta sẽ “thờ quấy”, thờ “hầm bà lằng xán cấu” đủ loại thần tạp nham, đại loại như: thần tiền bạc, thần danh vọng, thần quyền lực, thần dâm bôn, thần hận thù, thần bất hòa, thần ghen tuông, thần nóng giận, thần tranh chấp, thần chia rẽ, thần bè phái v.v…

Chớ có dại nha! Thờ những loại thần tạp nham nêu trên, thánh Phao-lô khuyến cáo: “những kẻ (thờ những thần đó) sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa” (x.Gl 5, 20-21)/ Không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa có nghĩa là không được sự sống đời đời làm gia nghiệp, vậy đó!

Thực tế chúng ta thấy rồi. Người thanh niên giàu có trong câu chuyện nêu trên, dù đã tuân giữ mười điều răn từ thuở nhỏ, nhưng khi tới tuổi hai mươi, ba mươi (có lẽ là thế) chỉ vì không “kính mến Người trên hết mọi sự”, nên đã vấn vương bụi trần, vấn vương thần “tiền bạc”. Kết quả, chúng ta biết rồi! Anh ta không được thừa hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp.

****
Khi anh thanh niên giàu có đi rồi. Chuyện kể tiếp rằng: “Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!”

Nghe thế, “các môn đệ sững sờ”. Sự sững sờ chưa kịp tan biến thì các ông lại phải lặng người đi vì xúc động khi Đức Giê-su tiếp tục cất tiếng nói: “Các con ơi, vào Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”

Sự ví von của Đức Giê-su đã làm cho các môn đệ ngộ nhận. Và rồi các ông “lẩm bẩm” nói với nhau: “Thế thì ai có thể cứu được?”

Chúng ta không thể biết được tâm trạng của các môn đệ vào thời điểm đó. Nhưng, có phần chắc, Đức Giê-su biết rõ. Biết rõ và Ngài đã “nhìn thẳng vào các ông và nói: Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể.”

Sau khi nghe Thầy Giê-su nói như thế, một tia hy vọng lóe lên trong con người ông Phê-rô. Để rồi ông đã không ngần ngại lên tiếng thưa với Đức Giê-su, rằng: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!”

Đức Giê-su hiểu ý của ông. Ngài, ngay lập tức, đáp lời rằng: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu đời sau.” (Mc 10, 29-30).

Vâng, hai ngàn năm đã trôi qua, những điều Đức Giê-su đã nói với người thanh niên giàu có, cũng như với các môn đệ, phải chăng cũng là nói với chúng ta, hôm nay? Thưa, đúng vậy. Đúng vậy, Đức Giê-su cũng đang nói với chúng ta, như thế đó.

Đức Giê-su vẫn đang mời gọi chúng ta đi theo Ngài đúng theo từng lời từng chữ mà Ngài đã nói với người thanh niên giàu có. Đức Giê-su vẫn đang mời gọi chúng ta “từ bỏ mọi của cải vật chất, từ bỏ cha, từ bỏ mẹ, từ bỏ anh chị em v.v…” để sống bậc sống tu trì, trở thành tu sĩ hay linh mục.

Tất nhiên, lời mời gọi theo kiểu này, không phải là dành cho tất cả mọi người. Không phải tất cả thành phần trong Giáo Hội đều nhận được lời mời gọi giống nhau. Và, đó là lý do để chúng ta nhận ra Đức Giê-su còn nhiều phương cách khác để mời gọi mỗi chúng ta.

Rất hợp lý khi chúng ta hiểu rằng, lời mời gọi “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo… rồi đến theo tôi” là một lời mời gọi hướng tới “những trở lực”, những trở lực có khả năng “ngăn cản” chúng ta trở thành “những môn đệ tốt lành và những thành viên nhiệt tình của Giáo Hội”. Lm. Charles E.Miller có lời giải thích như thế.

Cụ thể hóa những trở lực có khả năng ngăn cản chúng ta, Lm.Charles đã có một bản liệt kê rất rõ ràng, như sau: “Trở lực có thể là quá ích kỷ, hoặc ‘chỉ biết có mình trong hôn nhân’. Luôn thể hiện ý riêng và đạp đổ mỗi khi không ưng dạ. Trở lực có thể là ‘ưa ngồi lê đôi mách’, thích sỉ nhục người khác hoặc phao tiếng ác về họ.”

Trở lại với lời ví von của Đức Giê-su, rằng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.”

Vâng, theo nhóm phiên dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ thì: “Người ta đã tưởng tượng ra nhiều loại bình giải (rất dài dòng) để làm cho lời này của Chúa Giê-su ‘được dễ nghe hơn’… Hãy gác qua một bên các cách giải thích thêm mắm thêm muối đó và hãy nghe Tin Mừng: với các tông đồ, đã hiểu rõ phép tỉ dụ.”

Rất hợp lý. Và đó là lý do kho tàng Phụng Vụ của Giáo Hội không chỉ có Thánh Kinh mà còn có cả Thánh Truyền.

Riêng với Lm. Charles, ông ta đã có lời giải thích rằng: “Có Chúa Giê-su đứng trước chúng ta và cho ta câu trả lời chẳng tuyệt vời hay sao? Có lẽ thế, mà cũng có thể câu trả lời của Người sẽ gây thương tích như cây gươm hai lưỡi. Có thể ta sẽ buồn rầu bỏ đi như anh chàng giàu có ấy.”

Tuy có thể là vậy, nhưng ngài Charles đã cho mọi người một giải pháp, một giải pháp để xóa bỏ sự buồn rầu, rằng: “Nhưng trong Thánh Lễ, ơn Chúa ở cùng chúng ta, (tuy) thách thức chúng ta bằng lời Kinh Thánh, (nhưng) đồng thời củng cố sức mạnh chúng ta bằng Bí tích Thánh Thể, giúp ta chấp nhận thách thức này.”

Thế nên, đừng sa sầm nét mặt mà bỏ Chúa khi phải đón nhận thách thức. Bởi vì, muốn đến với Chúa, chúng ta phải vượt qua những thách thức. Nói, theo cách nói của Lm. Charles E.Miller, đó là: “hãy vượt qua những trở lực”.

Petrus.tran

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Chuỗi Mân Côi - một bản concerto bất hủ...

 Chúa Nhật XXVII – TN – B

Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Chuỗi Mân Côi - một bản concerto bất hủ

tbd 051024a


Chúng ta thường nghe nói, những người anh em Tin Lành không tôn sùng Đức Maria. Điều đó không sai, vì giáo lý của họ không có phần nói về Đức Maria. Tuy nhiên, dù không có phần nói về Đức Maria, nhưng không vì thế mà những vị Mục sư hay những thầy Truyền đạo lại không nói về Đức Mẹ.

Khoảng thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước, tôi (người viết) có quen một thầy Truyền đạo. Ông bạn truyền đạo tôi quen “giúp xứ” cho một nhà thờ Tin Lành ở quận 10 - Sàigòn. Thỉnh thoảng tôi có đi nhóm (đi nhóm có nghĩa là đi nhà thờ) ở đó, vào những ngày Chúa Nhật.

Vào một ngày Chúa Nhật nọ (không nhớ ngày-tháng-năm), tôi đến đó nhóm thờ phượng. Hôm đó, thầy Truyền đạo tôi quen là người chịu trách nhiệm giảng thuyết. Thầy giảng một đoạn Kinh Thánh được trích trong Tin Mừng thánh Luca. Tựa đề của phần trích đoạn này, theo cách dịch của Kinh Thánh Tin Lành, đó là: “Mari thăm Ê-li-sa-bét – Bài ca tụng của Mari” (Lc 1, 39-58).

Dựa vào nội dung của trích đoạn (nêu trên), thầy truyền đạo đã giảng một bài giảng làm cho tôi kinh ngạc sững sờ. Vâng, thật kinh ngạc và sững sờ khi tai tôi được nghe một ông thầy truyền đạo thuộc Hội Thánh Tin Lành không ngớt lời “tôn vinh bà Mari”.

Bài giảng của thầy, hôm ấy… rất “được ơn”. Được ơn, theo cách nói của anh em Tin Lành, có nghĩa là ơn Chúa Thánh Linh đã tác động đến tâm hồn cử tọa.

Nội dung bài giảng, vì quá lâu, tôi không thể nhớ được. Nhưng, có một điều tôi nhớ, không bao giờ quên, đó là khi kết thúc bài giảng, thầy truyền đạo đã cất lên những lời than thở, có thể nói là như thế, lời than thở rằng: “Bà Mari là một người đáng tôn kính. Buồn thay! Hội Thánh của chúng ta hiếm khi nhớ đến Bà.”

Không biết sau buổi nhóm thờ phượng, ông bạn truyền đạo của tôi có bị vị Mục sư Tổng Hội Trưởng góp ý gì không, vì đối với Tin Lành, ca tụng Đức Maria là chuyện lạ! Tôi… lúc đó đã suy nghĩ như thế!

Sau một thời gian khoảng vài năm, sau khi tôi không còn đi nhóm ở đó, hỏi thăm một người bạn thân cũng là một tín đồ Tin Lành, tôi được biết, thầy không bị rầy la gì cả và nay thầy đã được phong chức Mục sư.

Trở lại với thầy Truyền đạo tôi quen. Lời than thở của thầy rất đúng. Đúng là bởi, anh em Tin Lành “hiếm khi” nhớ đến Đức Maria.
Khác với anh em Tin Lành “hiếm khi” nhớ đến Đức Maria, Giáo Hội Công Giáo, suốt chiều dài lịch sử, luôn “liên lỉ” nhớ đến Đức Maria. Giáo Hội Công Giáo không chỉ nhớ đến Đức Maria trong những thánh lễ kính đặc biệt về Mẹ, mà còn nhớ đến từng ngày, từng giờ, từng phút qua việc “lần chuỗi Mân Côi”.

Trong việc “nhớ” đến Đức Maria, Giáo Hội còn dành riêng hai tháng, tháng năm và tháng mười, để kính nhớ đặc biệt về Mẹ. Với tháng năm chúng ta quen gọi là “tháng hoa”. Với tháng mười chúng ta gọi là “tháng Mân Côi”.

Vâng, tháng mười được gọi là tháng Mân Côi. Và, theo truyền thống, Giáo Hội lấy ngày Chúa Nhật đầu tiên của tháng mười để kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi. Và, đó là lý do, Chúa Nhật hôm nay (06/10/2024), toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi.

**
Đức Mẹ là ai! Thưa, có lẽ không ai trong chúng ta lại không biết Mẹ là ai! Tuy nhiên, để biết một cách chính xác Mẹ là ai, không gì tốt hơn là chúng ta hãy tìm đến Tin Mừng thánh Luca.

Theo Tin Mừng Luca chúng ta được biết: “Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét.”

Nhiệm vụ sứ thần Chúa đến đây là để “gặp một cô trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít.” Cô trinh nữ ấy… “tên là Maria.”

Khi vào nhà trinh nữ, sứ thần Chúa nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, cô Maria đã không bày tỏ mừng vui, trái lại… cô Maria “rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.”

Để hóa giải sự bối rối của cô Maria, sứ thần Chúa có lời giải thích: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”

Vì bà đẹp lòng Thiên Chúa, thế nên, Thiên Chúa đã tuyển chọn bà. Vâng, sứ thần Chúa đã gián tiếp nói như thế qua lời tuyên bố rằng: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao.”

Chưa hết, sứ thần Chúa còn tiếp lời rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1, 32-33).

Nghe xong lời sứ thần Chúa truyền đạt, cô nàng thiếu nữ Maria càng thêm bối rối. Cô Maria đã nói lên sự bối rối của mình với sứ thần Chúa rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.

Dù đã đưa ra một lý do rất hợp lý. Thế nhưng, lệnh truyền của Thiên Chúa, qua sứ thần Gáp-ri-en, vẫn phải được thực thi. Sứ thần Chúa, hôm ấy, dõng dạc tuyên bố rằng: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Và để cô Maria nhận ra quyền-năng-Đấng-Tối-Cao, sứ thần Chúa đã đưa ra một bằng chứng, một bằng chứng đã xảy ra cách nay được sáu tháng. Sứ thần Chúa đã trưng dẫn cho cô Maria nhìn thấy bằng chứng như sau: “Kìa bà Ê-li-sa-bét người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

Thiên Chúa đã làm được điều kỳ diệu trên bà Ê-li-sa-bét, vậy có gì ngăn trở để Người làm điều kỳ diệu trên tôi! Hỏi là trả lời. Và, cô Maria, hôm ấy đã trả lời rằng: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Đức Mẹ chính là Đức Maria. Tôn kính Đức Mẹ chính là tôn kính Đức Maria.

***
Thế còn Mân Côi nghĩa là gì? Thưa, Mân Côi còn được gọi: Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi nghĩa là một thứ ngọc đỏ hoặc hoa hồng. Giáo Hội Công Giáo hiểu chữ Mân Côi theo nghĩa là Hoa Hồng.

Hiểu theo nghĩa “hoa hồng” là bởi do tích truyện một đan sĩ khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi vị đan sĩ ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Qua tích truyện này, tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng hay vòng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu và được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi. (nguồn: internet).

Tưởng chúng ta nên nhớ lại, năm 1917, Đức Maria đã hiện ra với ba em bé chăn cừu tại làng Fatima, nước Bồ Đào Nha. Ba em bé tên là Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto.

Đức Maria đã hiện ra sáu lần, bắt đầu từ ngày 13/5/1917 và lần cuối cùng là ngày 13/10/1917. Trong những lần hiện ra, ngoài những điều được gọi là “bí mật Fatima”, những bí mật mà nay đã được “bật mí”, chúng ta còn được biết Đức Maria đã gửi đến ba em nhỏ những lời nhắn nhủ, lời nhắn nhủ rằng: “hãy mau ăn năn đền bồi, hãy tôn sùng Mẫu Tâm, hãy năng lần hạt Mân Côi.”

Thế nào là lần hạt Mân Côi? Thưa, hạt Mân Côi hay còn gọi là chuỗi Mân Côi, theo truyền thống là một trăm năm mươi kinh, được chia thành mười lăm mầu nhiệm, dựa vào Kinh Thánh, đó là: năm sự vui, năm sự thương, năm sự mừng. (Và mới đây được thêm năm sự sáng).

Nếu xưa kia, chuỗi Mân Côi được ví như vòng hoa hồng, thì hôm nay, nên chăng gọi chuỗi Mân Côi là một… một “Liên khúc của tình yêu”! Mà, cớ gì không gọi là như thế nhỉ!

Với mầu nhiệm “năm sự vui”, chúng ta được dẫn dắt về một thuở xa xưa, cái thuở mà lời Chúa phán qua môi miệng ngôn sứ, một tin vui rằng: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Rồi theo thời gian, lời phán của Chúa qua môi miệng ngôn sứ đã thành sự thật. Sự thật là: “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai.”

Đó… đó chẳng phải là những “lời mở đầu” cho liên-khúc-của-tình-yêu, một liên khúc, sau này đã được chính Đức Giê-su tiếp nối với những lời ca, ca rằng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”, sao!

Và đến mầu nhiệm “năm sự thương”. Vâng, nói đến năm sự thương, chúng ta phải “nén đau thương, vương ngậm ngùi” để kể về một Giê-su Con Trời, bị đánh đòn, đầu đội mão gai, vác thập giá, và cuối cùng là chết trên Thập giá tại đồi Golgotha… chỉ vì… “Chỉ vì tình yêu Chúa chịu nhục thân chết cho trần gian. Để cứu muôn người lỗi tội đưa về Trời đẹp tươi.”

Việc gánh chịu nhiều đau khổ cho tới chết, “Con Chúa Trời” chẳng phải là đã cất tiếng lên hát, hát tiếp “lời hai” liên-khúc-của-tình-yêu, rằng “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu. Người liều mạng sống vì người mình yêu”, đó sao!

Với mầu nhiệm “năm sự mừng” ư! Vâng, quả đúng là vui mừng và hy vọng. Con Chúa Trời đã đem niềm vui mừng và hy vọng đến cho nhân loại qua biến cố “sống lại và lên trời”. Sự sống lại và lên trời của Đức Giê-su đã cho những ai “tin vào Ngài” niềm vui mừng và hy vọng về một ngày sau cũng sẽ được sống lại từ cõi chết.

Vậy, có gì sai khi nói, đây chính là “lời ba” liên-khúc-của tình-yêu!

Với mầu nhiệm “năm sự sáng”. Suy niệm mầu nhiệm năm sự sáng chúng ta sẽ nhìn thấy dung nhan “Giêsu Con Trời” sáng tỏa trên núi Tabor, tại nơi đây, Thiên Chúa đã xác thực Ngài chính là “Con của Người”… “Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.

Chưa hết, Ngài đến thế gian còn để ban tặng cho thế gian “Bánh Hằng Sống là chính Mình và Máu của Ngài” với lời khẳng định “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (x.Ga 6, 54).

Hai mươi mầu nhiệm, tất cả đều phảng phất, đều tỏa sáng bốn chữ “chỉ vì tình yêu”, đúng như lời thánh Gioan tông đồ đã nói “Chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, …10).

Vậy, hãy lớn tiếng nói… nói rõ ràng rằng: chuỗi Mân Côi chính là “Liên khúc của tình yêu”, một tình yêu không biên giới.

****
Trở lại với Đức Maria. Hồi đó, sau nhiều biến cố xảy ra cho cuộc đời mình, Mẹ đã trở về đời sống bình lặng tại Na-da-rét. Trong sự bình lặng, Mẹ đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.”

Nhắc đến điều này để làm gì? Thưa, để chúng ta cũng hãy ghi nhớ… “nhớ lại tất cả những lần mình đã “lần hạt Mân Côi”.

Hãy nhớ lại đi! Hãy nhớ lại mỗi lần… lần-hạt-Mân-Côi, chúng ta có “miệng đọc lòng suy”, suy đi nghĩ lại những mầu nhiệm của mỗi năm chục kinh, và đem ra thực hành vào đời sống của chúng ta?

Xưa, một ngày nọ, Đức Giê-su có lời truyền dạy rằng: “Không phải bất cứ ai nói với Ta: ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’, đều được vào vương quốc thiên đàng đâu; nhưng chỉ người nào làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi.” (Mt 7, 21).

Cũng vậy với việc lần hạt Mân Côi. Không phải những ai đọc ‘kính mừng Maria… kính mừng Maria” đều là nhớ đến Mẹ, là con của Mẹ đâu! Nhưng chỉ những ai ‘miệng đọc lòng suy’ và sống theo gương Mẹ, thì mới được gọi là nhớ đến Mẹ, là con của Mẹ.

Đừng “tôn sùng Mẫu Tâm” bằng chót lưỡi đầu môi…

Thế nên… Khi chúng ta suy gẫm năm sự vui, thứ hai thì gẫm: “Ðức Bà đi viếng bà thánh Isave.” Đừng ngần ngại thể hiện “lòng yêu người” trong đời sống thường nhật của mình.

Khi chúng ta suy gẫm năm sự thương, thứ ba thì gẫm: “Ðức Chúa Giêsu chịu đội mão gai” Đừng nóng giận khi một ai đó “sỉ nhục” chúng ta.

Khi chúng ta suy gẫm năm sự mừng, thứ hai thì gẫm: “Ðức Chúa Giêsu lên trời.” Đừng… đừng ái mộ những sự dưới đất, những sự đại loại như: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quẫy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa, chè chén”. Bởi vì, thánh Phao-lô nói, những ai ái mộ những sự xấu xa (nêu trên), người đó “không được thừa hưởng Nước Trời” (x.Gl 5, 19-21).

Trái lại, khi suy gẫm sự kiện Đức Giê-su lên trời, chúng ta hãy “ái mộ những sự trên trời” Một cách cụ thể, đó là hãy ái mộ những nhân đức: “bác ái, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ”.

Khi chúng ta suy gẫm năm sự sáng, thứ hai thì gẫm: “Ðức Chúa Giêsu làm phép lạ hóa nước thành rượu tại Cana”, chúng ta sẽ làm gì? Thưa, chớ nản lòng và hãy bền chí khi phải đối diện trước những thử thách về phần hồn lẫn phần xác. Hãy… “Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng Ðức Chúa Trời.”

Suy gẫm và thực hành, chính là lúc chúng ta làm cho Chuỗi Mân Côi trở thành một bản concerto bất hủ. Đúng là vậy. Chuỗi Mân Côi - một bản concerto bất hủ.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...