Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

Có tình thương, lời Chúa sẽ ứng nghiệm

 


Chúa Nhật III – TN – C
Có tình thương, lời Chúa sẽ ứng nghiệm

tbd250125a

 

Theo Tin mừng thánh Luca, chúng ta được biết: Khi Đức Giê-su khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng, “Người trạc khoảng ba mươi tuổi.” Kể từ đó, Đức Giê-su bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li.

Tại đây, Đức Giê-su đã “đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.”

Chính vì thế: “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri”. Và rồi, khi tiếng đồn về một ông Giê-su “giảng dạy thì có uy quyền… ra lệnh cho thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” được đồn ra khắp “vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đa và vùng bên kia sông Gio-đan”, như một hiệu ứng domino “dân chúng lũ lượt kéo đi theo Người.”

Có thể nói rằng, rất nhiều người dân ở Palestin không chỉ được nghe những lời giảng dạy của Đức Giê-su mà còn được hưởng ơn phước Ngài ban cho. Trong khi đó, cư dân tại Na-da-rét… buồn thay! chưa, chưa một lần… được nghe, được hưởng ơn phước. Vâng, Na-da-rét chưa một lần! Dù, Đức Giê-su được gọi là Giê-su người Na-da-rét.

Thế rồi… rồi có một ngày… có một ngày Đức Giê-su về Na-da-rét. Đức Giê-su đã về Na-da-rét. Trong một buổi nhóm họp ở hội đường, và nhân cơ hội được đọc Sách Thánh, Ngài đã loan báo cho cư dân tại đó một “Tin Mừng”, một Tin Mừng đã được ngôn sứ Isaia loan báo trước đó hằng bao thế kỷ, một Tin Mừng mà con người đã “mơ ước bao lâu”, nay ứng nghiệm.

Sự kiện này được ghi lại trong Tin Mừng thánh Luca với tiêu đề: “Đức Giê-su tại Na-da-rét” (Lc 4, 16-21).

**
Tin mừng thánh Luca ghi lại sự kiện này như sau: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Galile”. Tại nơi đây: “Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh”.

Sau đó, “Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng.” Đến Na-da-rét, Đức Giê-su ở lại quê quán mình bao lâu! Thưa, thánh sử Luca không nói đến. Thế nhưng, những sinh hoạt thường nhật của Đức Giê-su, thánh sử Luca lại cho chúng ta biết.

Vâng, hôm ấy, nhằm ngày sa-bát, thánh sử Luca cho biết, Đức Giê-su “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát.” (Lc 4, 16).

Vào hội đường trong ngày sa-bát, đó là việc vẫn-quen-làm, của bất cứ người Do Thái nào. Người Do Thái được dạy rằng: “Ngươi hãy nhớ ngày sa-bát, mà coi là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi”. (Xh 20, 8-10).

Ngày sa-bát là ngày kính-Đức-Chúa. Ngày đó, họ nhóm lại trong hội đường để lắng nghe Lời Chúa. Bắt đầu cho phần phụng vụ, họ xướng kinh “Shêma” và kinh “mười tám lời chúc phúc”. Kế tiếp, mọi người thinh lặng lắng nghe Lời Chúa được trích từ Sách Luật (Ngũ Thư) hay từ các sách Ngôn Sứ.

Mọi người đều có quyền đọc Sách Thánh, hoặc là tự nguyện hoặc là được viên trưởng hội đường chỉ định. Người được chỉ định thường là người thông thạo Kinh Thánh. Họ được mời lên công bố và giảng giải Lời Chúa cho cộng đoàn.

Trở lại câu chuyện Đức Giê-su vào-hội-đường. Hôm đó, Ngài được vinh dự đọc Sách Thánh. Bài đọc hôm ấy được chọn trong sách ngôn sứ Isaia. Cầm trong tay cuốn sách ngôn sứ do họ trao, Đức Giê-su mở ra, gặp ngay đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (x.Lc 4, 18-19).

Sau khi đọc xong, “Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống.” Tất cả cử tọa trong hội đường đều im lặng… họ “chăm chú nhìn Người”.

Nhìn Đức Giê-su… chờ đợi Ngài giảng giải Lời Chúa chăng! Vâng, Đức Giê-su đã giảng. Lời giảng của Ngài không phải là một lời khuyên răn, nhưng là một lời tuyên bố. Hôm ấy, Đức Giê-su tuyên bố rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21).

***
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Đúng, lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm. Và, Giê-su người Na-da-rét chính là tác nhân cho sự ứng nghiệm vào những lời ngôn sứ Isaia loan báo.

Với sức mạnh của Thần Khí, Giê-su người Na-da-rét đã loan báo Tin Mừng Nước Trời khắp “vùng Thập Tỉnh, thành Giê-ru-sa-lem, miền Giu-đa và vùng bên kia sông Gio-đan”.

Một anh mù tên là Ba-ti-mê con ông Ti-mê, hai người mù tại Giê-ri-cô… kêu cầu Đức Giê-su, Giê-su người Na-da-rét đã làm cho họ “nhìn thấy được.” Một người bại liệt được “mấy người khiêng đến” gặp Đức Giê-su xin chữa lành. Thấy họ có lòng tin, Giê-su người Na-da-rét đã làm cho người bại liệt này “đứng dậy, đi về nhà.”

Tuy nhiên, những điều ứng nghiệm nêu trên, mới chỉ là sự ứng nghiệm về phần thuộc thể. Điều Giê-su người Na-da-rét, còn làm và sẽ làm “cho đến tận thế” đó là phần thuộc linh.

Vâng, Đức Giê-su còn làm và sẽ làm cho những kẻ “mù hồn” được sáng mắt, “sáng con mắt đức tin”. Ngài sẽ làm cho những ai bị giam cầm, ”giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam v.v…” được bình an, được hoan lạc.

Chỉ cần một cử động của tâm hồn và đến với Đức Giê-su. “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng tôi”. Giê-su người Na-da-rét đã có lời mời gọi như thế. Tất cả mọi sự rồi sẽ ứng nghiệm cho những ai đáp lời mời gọi của Ngài. Đừng quên, Đức Giê-su chính là người thừa hành “năm hồng ân của Chúa”.

****
Xưa, Đức Giê-su chính là tác nhân làm cho những lời loan báo của ngôn sứ Isaia, được ứng nghiệm. Chúa Nhật hôm nay (26/01/2025) những lời loan báo của ngôn sứ Isaia, được tái công bố, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa. Ai… ai sẽ là tác nhân!?

Nên chăng là chúng ta? Nên là vậy. Nên là vậy, bởi chúng ta là một Ki-tô hữu. Là một Ki-tô hữu, chúng ta là chi thể trong nhiệm thể là Chúa Ki-tô.

Là chi thể trong nhiệm thể là Chúa Ki-tô, chúng ta chính là đôi mắt, là đôi tai, là môi miệng, là cánh tay… nối dài của Ngài. Thế nên, chính chúng ta phải là người làm cho những lời Chúa tuyên phán, ứng nghiệm.

Chúng ta sẽ làm như thế nào! Thưa, hãy học theo cách Chúa Giê-su. Vâng, Chúa Giê-su chỉ sử dụng một cách thức duy nhất, đó là “chạnh lòng thương xót”.

Thấy con trai bà góa thành Na-in chết, Chúa Giê-su chạnh lòng thương và rồi Ngài đã làm cho con bà ta sống lại. Một lần khác, khi “Đức Giê-su thấy đám đông, thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt…” Một lần khác nữa, khi nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình mà trời thì đã tối, Chúa Giê-su chạnh lòng thương xót, không nỡ bỏ rơi họ, nên đã hóa năm chiếc bánh và hai con cá cho họ ăn no nê.

Chỉ cần có lòng thương xót. Chỉ cần có lòng thương xót, chúng ta sẽ không ngần ngại “cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới mặc v.v…”

Chúng ta sẽ làm cho lời truyền dạy của Chúa “hãy yêu kẻ thù” được ứng nghiệm, nếu chúng ta bày tỏ lòng thương xót qua hành động “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm.”

Chỉ khi chúng ta có lòng thương xót, chỉ khi đó chúng ta mới “dám”… Dám “tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.”

Vâng, thế giới chúng ta đang sống hôm nay, đang rất cần tình yêu thương. Thế nên, chúng ta hãy có lòng thương xót. Hơn nữa “Có tình thương, lời Chúa sẽ ứng nghiệm.”

Petrus.tran

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2025

Ca-na - nhớ Mẹ Maria…

 Ca-na - nhớ Mẹ Maria…

tbd180125a


Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: “Đức Chúa Giêsu có hai bản tính: một là bản tính Đức Chúa Trời, hai là bản tính loài người. Hai bản tính ấy kết hợp trong một Ngôi duy nhất là Ngôi thứ hai Đức Chúa Trời.”

Vì có bản-tính-loài-người, thế nên Đức Giê-su “sống như người trần thế”. Đó là lý do Ngài thấu hiểu những gì gọi là đau khổ, là buồn vui trong cuộc sống của con người. Do vậy, cuộc sống của con người (đặc biệt là dân Do Thái), luôn nhận được sự quan tâm của Ngài.

Thật vậy, trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su, ngoài việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Ngài còn quan tâm đặc biệt đến những ai đau khổ buồn phiền. Chính vì thế, “Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xy-ri. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong bại liệt… Người đã chữa họ.”

Mà, đâu chỉ là những nỗi buồn phiền vì ốm đau, bệnh hoạn, tật nguyền! Còn đó là những nỗi buồn phiền “không tên”. Một bữa tiệc cưới tại Ca-na, không may “hết rượu”, cứ sự thường thì chủ tiệc cưới là người chịu trách nhiệm giải quyết, ấy thế mà… thế mà Đức Giê-su lại là người lo toan.

Đức Giê-su đã lo toan. Ngài đã biến nỗi buồn-hiu-hắt-buồn của chủ tiệc cưới, thành niềm vui bất tận. Câu chuyện đầy tình thân ái này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an, với tiêu đề “Tiệc cưới tại Ca-na” (Ga 2, 1-11).

**
Câu chuyện được thánh sử Gio-an ghi lại như sau: “Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na, miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự.” (Ga 2, 1-2).

Nhìn khung cảnh quan khách vui vầy quanh bàn tiệc với những tiếng cười hoan hỉ, ai cũng thầm nghĩ, chắc hẳn bữa tiệc hôm nay sẽ là một bữa tiệc tràn ngập niềm vui.

Thế nhưng, thật không may, trong khi đôi tân hôn, đón nhận những lời chúc: “Mừng đôi uyên ương. Xây tổ ấm trên cành yêu đương”, với khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Thì ngược lại, khuôn mặt “thân mẫu Đức Giê-su” lại có vẻ như băn khoăn lo lắng. Đúng! Đức Maria băn khoăn lo lắng, vì Mẹ “thấy thiếu rượu.”

Rượu, đó là một thứ cần thiết trong đám cưới ở bất cứ thời đại nào. Việt Nam có câu: “Vô tửu bất thành lễ”. Với người Do Thái, thì sao! Thưa, phải nói là “tối cần thiết”.

Tối cần thiết là bởi, theo phong tục của người Do Thái, hết rượu trong tiệc cưới là một điềm gở, đôi tân hôn chắc chắn sẽ mất mặt với hàng xóm, láng giềng. Chưa hết, người Do Thái, trong việc sinh hoạt ăn uống hàng ngày, họ không uống nước, kể cả nước ngọt, lẫn bia. Họ uống rượu, một loại rượu được ép từ trái nho.

Cũng là người Do Thái, Mẹ Maria thấu hiểu điều này. Thế nên, khi-thấy-thiếu-rượu, chuyện kể rằng: “Thân mẫu Đức Giê-su nói với Người, rằng: Họ hết rượu rồi.”

Họ hết rượu sao! Đức Giê-su, với bản tính loài người, có lẽ cũng thoáng một chút băn khoăn. Nhưng, thực tế Ngài chỉ là khách mời. Do vậy, Đức Giê-su trả lời rằng: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?”

Đừng vội cho rằng Đức Giê-su trả lời như thế là thiếu lễ phép! Vâng, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ, đã giải thích câu trả lời của Đức Giê-su, như sau: “Thưa bà” có nghĩa là: Đức Maria sẽ là Mẹ các tín hữu. “Can gì đến”: đó là lối nói sê-mít để tỏ thái độ không muốn can thiệp.” (nguồn: sách Kinh Thánh Tân Ước).

Đúng. Đức Giê-su chỉ là khách mời, việc Ngài không muốn can thiệp là điều khôn ngoan. Nhưng, vì có bản tính Thiên Chúa, một Thiên Chúa là tình yêu, Đức Giê-su (rồi cũng sẽ) can thiệp. Còn ngay bây giờ ư! Vâng, Ngài đã trả lời (cũng rất khôn ngoan), rằng: “Giờ của tôi chưa đến.”

Thế nên, chẳng có gì phải “càm ràm” về những lời đối đáp giữa thân mẫu Đức Giê-su và Ngài. Thì đấy! Mẹ Maria đâu có càm ràm! Ngược lại, thấu hiểu lời con mình nói, “thân mẫu Người nói với gia nhân: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.” (x.Ga 2, 5).

Vâng, dù đã thoái thác, nhưng khi Đức Giê-su thấy “Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do Thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.” Thế là, Ngài bảo nhóm gia nhân: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi!”

Tiệc cưới thiếu rượu đâu có thiếu nước! Thế mà Đức Giê-su lại truyền lệnh “đổ đầy nước vào chum”! Lệnh truyền này chẳng phải là một lệnh (lạc), sao! Tuy nhiên, nhóm gia nhân (có phần chắc nhớ đến lời Mẹ Maria căn dặn), nên vẫn tuân theo chỉ thị của Đức Giê-su “Họ đổ đầy tới miệng”. (Tất nhiên là cả sáu chum).

Sau khi công việc đổ nước hoàn tất, Đức Giê-su nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Không chậm trễ, “họ liền đem cho ông (ta)” Ngạc nhiên thay! “Khi người quản tiệc nếm thử, nước đã hóa thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết)” (x.Ga 2, 9).

Ông quản tiệc, thánh Gio-an kể tiếp: “…mới gọi tân lang lại và nói: Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà say mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến bây giờ”. “Tân lang”, không thấy thánh sử Gio-an nói anh ta phản ứng ra sao, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng, chắc hẳn anh ta cũng ngạc nhiên không kém!

Sự kiện vô tiền khoáng hậu này, đã xảy ra trong một bữa tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Tông đồ Gio-an là người cũng tham dự và ngài đã có lời ghi lại, rằng: “Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người.” Ngài tông đồ còn thêm một chi tiết rất quan trọng, đó là: “Các môn đệ đã tin vào Người.”

***
Như đã nói ở trên, câu chuyện này được ghi trong Tin Mừng thánh Gio-an, với tiêu đề “Tiệc cưới tại Ca-na.” Có thể nói rằng, những gì đã xảy ra trong bữa tiệc cưới hôm ấy, là ước mơ không của riêng ai.

Rất, rất đáng để chúng ta ước mơ. Bởi vì, Đức Giê-su đã thể hiện một tình yêu quảng đại và tràn trề cho đôi tân hôn, mà không phải “muốn là được.”

Thì đây, chúng ta hãy nghe các nhà nghiên cứu về lịch sử nói về Ca-na. Ca-na vào thời điểm đó, chỉ là một thị trấn nhỏ. Người ta ước tính rằng, thực khách được mời, nhiều lắm cũng chỉ khoảng sáu bảy chục khách, tính luôn Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su và Mẹ Maria.

Với sáu chum đá, chứa khoảng tám chục đến một trăm hai mươi lít, “tính đổ đồng” cũng được khoảng sáu trăm lít rượu. Quá đủ… quá đủ để thực khách cùng nhau lớn tiếng: “Xin mời anh nâng ly cùng tôi. Nào ta cùng uống.”

Như thế, chẳng phải tình yêu của Đức Giê-su “quảng đại và tràn trề”, đó sao!

Tuy là vậy, nhưng tình yêu của Đức Giê-su nào chỉ có dừng lại ở Ca-na! Không, tình yêu của Đức Giê-su là một tình yêu hải hà… “hải hà đến nỗi nó bao trùm tất cả mọi người trong giao ước mới”.

Cha Charles E.Miller đã say sưa chiêm ngưỡng tình yêu của Đức Giê-su, được thể hiện trong bữa tiệc cưới Ca-na, để rồi một nguồn cảm hứng đã đến với ngài, qua lời chia sẻ nêu trên.

“Rượu mới trong bữa tiệc…” Cha Charles nói tiếp: “…chẳng những dồi dào, mà còn rất ‘chất lượng’. Người quản tiệc lưu ý tân lang ‘(sao) anh lại giữ rượu ngon mãi đến bây giờ (mới chịu dọn ra)?’ Trong kỷ nguyên Ki-tô giáo, Thiên Chúa cũng đã giữ lại cho chúng ta thừa mứa các loại rượu hảo hạng trong giao ước mới của Người.”

Đúng vậy. Khi “Giờ của Người” đến. Giờ Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Một bữa tiệc đã được dọn ra. Đức Giê-su chính là chủ tiệc. Tại bữa tiệc này, Ngài không lấy nước hóa thành rượu. Ngài biến đổi bánh và rượu thành “Mình và Máu Thánh Chúa.”

Đó… đó chính là loại-rượu-hảo-hạng-trong-giao-ước-mới-của-Người.

****
Từ bữa tiệc cưới Ca-na năm xưa, mỗi bữa tiệc cưới của chúng ta (hoặc con cháu chúng ta) hôm nay, cũng phải là một bữa tiệc của tình yêu quảng đại và tràn trề, một sự quảng đại và tràn trề mà Chúa Giê-su đã đem đến cho tất cả mọi người.

Để có thể thể hiện tình yêu quảng đại và tràn trề, Cha Charles E.Miller có lời khuyên rằng: “Mỗi đôi hôn phối tận hiến cho nhau phải khiến ta liên tưởng đến ‘lòng chung thủy’ của Thiên Chúa.”

Vâng, quả là một lời khuyên chí tình, chí lý. Bởi vì, khi liên tưởng đến “lòng chung thủy” của Thiên Chúa, nó sẽ là nguồn cảm hứng để chúng ta gửi “thiệp mời”, mời Đức Giê-su (tất nhiên là cũng mời) mời thân mẫu của Ngài, đến tham dự tiệc cưới của chúng ta.
Mà, cho dù chúng ta không tổ chức tiệc cưới, thì đó cũng chẳng phải là lý do để chúng ta không “mời”. Vâng, chúng ta có thể mời Đức Giê-su và Mẹ Maria đến dự bữa tiệc riêng tư, tại nhà chúng ta.

Thật ra, có nằm mơ chúng ta cũng chẳng có cơ hội “đưa thiệp mời” cho Đức Giê-su. Tại sao? Thưa, Ngài chính là người đưa thiệp mời cho chúng ta.

Chúng ta không chỉ nhận được thiệp mời, từ Đức Giê-su, một lần duy nhất trong đời. Nhưng là mỗi ngày và mỗi tuần. Tham dự thánh lễ, mỗi ngày và mỗi tuần, đó là chúng ta phúc đáp “thiệp mời” của Đức Giê-su. Trong thánh lễ, Đức Giê-su, qua lời mời gọi của linh mục chủ lễ, mời chúng ta “đến dự Tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Ngoài thánh lễ, không đợi chúng ta mời, Đức Giê-su đã đứng trước cửa ngôi nhà (tâm hồn) của mỗi chúng ta. Ngài đứng và lớn tiếng gọi chúng ta, tiếng gọi rất rõ ràng, rằng: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (x.Kh 2, 20).

Xưa, đôi tân hôn ở Cana miền Ga-li-lê đã “dùng bữa” với Đức Giê-su, và Đức Giê-su đã “dùng bữa” với đôi tân hôn. Kết quả là “Đức Giê-su đã làm dấu lạ.” Ngài đã làm dấu lạ hóa giải những nan đề “suýt” làm cho đôi tân hôn mất mặt với thực khách, mắc cỡ với bà con lối xóm.

Với chúng ta hôm nay, chắc hẳn ai cũng có rất nhiều vấn đề nan giải, những nan giải đè nặng lên thể xác lẫn tâm hồn của mỗi chúng ta. Thế nên, hãy mở cửa, cánh cửa ngôi nhà gỗ đá, cũng như cánh cửa ngôi nhà tâm hồn của chúng ta. Mời Giê-su vào “dùng bữa”.

Đức Giê-su sẽ vào như lời đã hứa. Đức Giê-su không đi với hai bàn tay trắng. Ngài sẽ mang đến cho chúng ta sự bình an, niềm hoan lạc, sự hy vọng và tình yêu thương.

Đức Giê-su, khi đến “nơi các môn đệ ở”, Ngài đã chẳng từng chúc lành: “Bình an cho anh em”, đó sao! Hai lần đến và ba lần chúc: “Bình an cho anh em”. Tông đồ Gio-an đã xác nhận điều này. (x.Ga 20, 19-29).

Còn… còn Mẹ Maria nữa chứ! Hãy mời Mẹ Maria. Bởi vì… bởi vì Mẹ chính là “Mẹ Hằng Cứu Giúp”.

Nếu xưa kia tại tiệc cưới Cana, Mẹ Maria là người “giúp” nhà đám thông báo cho Đức Giê-su biết, biết “họ hết rượu rồi”, kết quả ra sao, chúng ta đã biết.

Thì, hôm nay Mẹ cũng chính là người “giúp” chúng ta, thông báo cho Đức Giê-su biết, biết những nan đề mà chúng ta đang phải vật lộn giữa “Chốn ba đào nhiều phen nguy biến. Quanh chúng (ta) quỷ ma chực liên”, nhờ đó Con Mẹ sẽ ban cho chúng ta “Ban sức thiêng giúp (ta) vững bền”.

Hãy nhớ rằng, lời Mẹ “nói giúp”, ngày hôm nay chúng ta gọi là “cầu bầu”, luôn được “Người (Chúa) đoái thương nhìn đến” (x.Lc 1, 48).

Nói… nói tới điều này, cảm động muốn khóc! Vâng, rất nhiều người, trong đó có tôi, được Mẹ “nói giúp”, và kết quả, Chúa-đã-đoái-thương-nhìn-đến.

Ca-na hôm nay không còn là một thị trấn nhỏ. Ca-na hôm nay không còn bị lãng quên. Nhắc đến Ca-na, nhớ đến tình yêu của Thiên
Chúa. Nhắc đến Cana, phải nhớ đến Mẹ Maria.

Nói ngắn gọn: Cana - nhớ Mẹ Maria.

Petrus.tran

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

Chúng ta có Cha Trên Trời…

 Chúng ta có Cha Trên Trời…

tbd 110125a

 

Từ khi Chúa Giê-su sinh ra, cho đến lúc ra đi loan báo Tin Mừng, có một vài sự kiện đặc biệt đã xảy ra trong cuộc đời của Ngài. Những sự kiện đó được ghi lại trong các sách Tin Mừng (Phúc Âm) và được Giáo Hội đưa vào lịch phụng vụ, hằng năm.

Sự kiện đầu tiên được nhắc đến, đó là câu chuyện: “Đức Giê-su trốn sang Ai Cập”. Sự kiện này, lịch phụng vụ ghi là lễ “Các thánh Anh Hài tử đạo”. Lễ các thánh Anh Hài tử đạo được thiết lập là dựa vào câu chuyện có một số trẻ em ở Belem, trong thời điểm Chúa Giê-su sinh ra, đã bị vua Hê-rô-đê giết chết.

Chuyện điên rồ này xảy ra do từ một nguồn tin của mấy nhà chiêm tinh, đã loan tin rằng: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? (và họ muốn) tìm đến bái lạy Người”. Nguồn tin này lọt đến tai Hê-rô-đê, một ông vua đang tại vị, lúc đó.

Vua Hê-rô-đê liền triệu tập các thượng tế và kinh sư hỏi cho ra lẽ. Kết quả cho biết là “ở Belem”. Thế là, trong khi mấy nhà chiêm tinh vui mừng lên đường đi Belem, thì bạo chúa Hê-rô-đê rơi vào cơn hoảng sợ. Ông ta sợ con trẻ này lớn lên sẽ cướp ngôi mình.
Trong nỗi hoảng sợ, ông ta “sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Belem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.” (x.Mt 2, 16-17).

Hài Nhi Giê-su, vào thời điểm đó, đã cùng thánh Giu-se và Mẹ Maria “vượt biên” qua Ai-cập.

Kế tiếp là “lễ Thánh Gia”. Với lễ Thánh Gia, chúng ta được biết đến đôi chút về những sinh hoạt đời thường trong gia đình của “Hài Nhi Giê-su, Đức Maria và thánh Giuse” mà nay chúng ta gọi là Gia Thất Thánh.

Vào năm ngoái (năm B), Giáo Hội, qua phần phụng vụ Lời Chúa, cho chúng ta thấy hình ảnh một gia thất thánh, tuân thủ lề luật “đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa”, như luật đã dạy.

Còn năm nay (năm C), chúng ta được nghe câu chuyện Chúa Giê-su cùng cha mẹ trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy được một gia thất thánh, không thánh bởi những lời đồn thổi, nhưng bởi cách sống, sống vâng theo ý Cha Trên Trời.
Sau lễ Thánh Gia là lễ “Chúa Hiển Linh”. Đây là sự kiện “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi”.

Và, cuối cùng là Chúa Nhật hôm nay 12/01/2025. Hôm nay, Giáo Hội nhắc đến một sự kiện rất đặc biệt, đã xảy ra với Chúa Giê-su, đó là sự kiện: “Chúa Giê-su chịu phép rửa”.

**
Vâng, Chúa Giê-su đã chịu phép rửa. Nơi Ngài chịu-phép-rửa, không phải trong một hội đường nào đó, mà là ở sông Gio-đan. Người làm phép rửa cho Chúa Giê-su, không phải là một vị tư tế, nhưng là do ông Gio-an, người được biết đến là anh em họ với Ngài, thực hiện.

Theo lời thánh sử Luca ghi lại: “Hồi ấy, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Messia!” (x.Lc 3, 15).

Tại sao dân chúng lại “tự hỏi”, như thế! Thưa, vì họ thấy ông Gio-an đã “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội.” (Lc 3, 3).

Điều dân chúng tự hỏi cũng là điều một số người khác dùng để chất vấn ông Gio-an. Thật vậy, có một số người thuộc phái Pha-ri-sêu đã chất vấn ông Gio-an rằng: “Tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô?” (Ga 1, 25).

Chuyện là thế đấy! Để tránh sự hiểu lầm nơi dân chúng, cũng như những lời “cự nự” của mấy ông kẹ Pha-ri-sêu, ông Gio-an đã thẳng thắn nói với mọi người, rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa” (Lc 3, 16 & Ga 1, 26).

Những lời trần tình của ông Gio-an có làm giảm đi nỗi băn khoăn của dân chúng! Thưa, không thấy thánh sử Luca nói gì. Nhưng, chúng ta có thể nghĩ rằng, người băn khoăn lại chính là ông Gio-an.

Ông Gio-an băn khoăn điều gì? Thưa, đó là sự xuất hiện của Giê-su người Na-da-rét. Vâng, hôm ấy, Chúa Giê-su đã đến sông Gio-đan. Và “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa…” Đó… đó chính là điều làm ông Gio-an băn khoăn.

Thánh sử Luca không nói, nhưng ngài Mát-thêu cho biết, “Đức Giê-su (đã) đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình” (x.Mt 3, 13). Ông Gio-an đã “một mực can Người và nói: Chính tôi mới cần Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi” (Mt 3, 14). Nhưng, Đức Giê-su trả lời, rằng: “Bây giờ cứ thế đã…”.

Vâng, cứ-thế-đã. Và rồi, hôm ấy, tại sông Gio-đan đã xảy ra điều huyền diệu. Chuyện được thánh sử Luca ghi lại rằng: “đang khi (Đức Giê-su) cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dạng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3, 22).

***
Chúng ta vừa nghe lại trích đoạn Tin Mừng thánh Luca, nói về sự kiện Chúa Giê-su “chịu phép rửa”. Dựa vào sự kiện này, Giáo Hội thiết lập ngày lễ “CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA”.

Nói tới ngày lễ này, Lm. Charles E.Miller có lời chia sẻ, rằng: “Theo lịch phụng vụ, lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa kết thúc cuộc cử hành Giáng Sinh của Giáo Hội, nhằm nhắc nhở rằng Người giáng trần là để cứu chuộc chúng ta. Phép rửa Người chịu bởi ông Gio-an Tẩy Giả đánh dấu khởi đầu sứ vụ công khai của Người, mà chóp đỉnh là hy lễ Vượt Qua, cái chết và sự sống lại của Người.”

Chưa hết, ngài Lm. còn thêm lời rằng: “Chúa Giê-su được sinh ta là để chịu chết. Người đến thế gian để hiến mình làm của lễ hy sinh vẹn toàn, vô tì tích lên Cha Trên Trời hầu có thể cứu rỗi toàn thể nhân loại.”

Ngài Bishop Donald J. Hying, cũng cùng suy tư như thế. Vâng, qua phần mở đầu bài viết: “What Is the Meaning of Jesus’ Baptism? - PHÉP RỬA CỦA ĐỨC GIÊSU CÓ Ý NGHĨA GÌ?”, ngài Bishop suy tư như sau: “Những người Kitô hữu chúng ta suy ngắm và cử hành biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa theo những phương diện đáng chú ý: về mặt Phụng vụ, là thời điểm kết thúc mùa Giáng Sinh; về lòng đạo đức, là Mầu nhiệm đầu tiên của Năm Sự Sáng trong kinh Mân côi; và về phương diện thần học, như một lăng kính Kinh thánh về ý nghĩa của phép rửa Kitô giáo.” (nguồn: internet).

Tưởng chúng ta cũng nên nghe lời chia sẻ của ngài TGM. Giuse Vũ Văn Thiên. TGM. Giu-se có lời chia sẻ rằng: “Nhân vật Gioan Tẩy giả được nhấn mạnh trong Mùa Vọng, hôm nay lại xuất hiện. Trong dòng sông Gio-đan, Chúa Giêsu đã lãnh nhận phép rửa bởi “vị ngôn sứ cuối cùng” này.

Giữa sa mạc khô cằn, một dòng chảy là biểu tượng cho sự canh tân phục hồi. Đây cũng là biểu tượng của sự sống. Phép rửa ông Gioan và các môn đệ ông thực hiện chỉ là nghi thức sám hối. Chúa Giêsu đã hoà mình vào dòng người khiêm nhường nhận mình là những tội nhân, để được ông Gioan rửa, mặc dù Người là Thiên Chúa chí thánh, Đấng không hề biết đến tội lỗi, như thánh Phaolô đã viết: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Ngài” (2 Cr 5, 21).

Những lời chia sẻ của các vị đáng kính, nêu trên, không thể không nói rằng: nó đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn, rõ hơn tại sao Chúa Giê-su “cũng chịu phép rửa”.

Thế nên, đừng “băn khoan” về việc Chúa Giêsu, có tội tình gì đâu, thế mà Ngài đã “chịu phép rửa”, một phép rửa tỏ-lòng-sám-hối-để-được-ơn-tha-tội. Nhưng, hãy ghi khắc trong con tim mình, rằng: Chúa sẵn lòng “dìm mình xuống” (hồi đó dìm mình xuống nước là nghi thức chịu phép rửa), là để gánh-lên-tội-lỗi-trần-gian.

****
Như đã nói ở trên, Chúa Nhật hôm nay (12/01/2025), toàn thể Giáo Hội long trọng cử hành lễ kính “Chúa Giê-su chịu phép rửa”. Cử hành lễ kính này, không chỉ để nhìn lại một biến cố lịch sử, một biến cố của những nhiệm mầu, nhưng còn là để nhớ đến việc mỗi chúng ta cũng đã “chịu phép rửa”, một phép rửa được nâng lên hàng “Bí Tích – Bí Tích Rửa Tội”.

Nhớ đến việc đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để chúng ta đừng quên rằng, chúng ta “cũng được gọi là con Thiên Chúa”. Đây là một ân huệ, “một ân huệ của Thiên Chúa” thánh Phao-lô nói như thế. (x.Ep 2, 8).

Trong thư gửi tín hữu thành Roma, ngài tông-đồ-dân-ngoại nhấn mạnh: "Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: ‘Abba !Cha ơi!’. Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng: chúng ta là con cái Thiên Chúa.” (Rm 8, 15-16).

Vâng, chúng ta “Được tái sinh làm con Thiên Chúa”. Chưa hết, chúng ta còn “Được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ một ấn không thể xóa nhòa.” (GL. đ. 849).

Vì đã… lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Vì là… nhờ-một-ấn-không-thể-xóa-nhòa. Thế nên, thật phải đạo khi chúng ta để cho tâm hồn mình, trở về trong thinh lặng và tự hỏi, rằng: Sau bao nhiêu năm đã là con cái Chúa, chúng ta có được-nên-đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa-Giêsu, “chút nào không”?

Vâng, câu trả lời là của mỗi chúng ta. Thế nhưng, nếu chúng ta “chưa” đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa, chúng ta sẽ mất diễm phúc được Cha Trên Trời tuyên phán, như đã tuyên phán với Đức Giê-su tại sông Gio-đan, rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con”.

Thế nên, khi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Khi đã được tái sinh làm con Thiên Chúa. Chúng ta không thể không đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa. Mà, muốn đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa, nào có khó gì đâu!

Không khó đâu! Chúa Giê-su nghĩ gì, ta nghĩ như Chúa. Chúa Giê-su nói gì, ta nói như Chúa. Chúa Giê-su làm gì, ta làm như Chúa. Chúa Giê-su nghĩ, Chúa Giê-su nói, Chúa Giê-su làm… tất cả những điều đó đều đã được ghi trong Kinh Thánh – Kinh Thánh Tân Ước, thưa quý vị!

Do vậy, hãy đọc Kinh Thánh, vì “Đó Là Lời Chúa”. Và, một khi có Lời Chúa trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ nghĩ, sẽ nói, sẽ làm… như Chúa Giê-su.

Có lời Chúa dẫn dắt, chúng ta sẽ không còn nghĩ, không còn nói, không còn làm “những điều trái ngược với Thần Khí”. Nói rõ hơn, chúng ta sẽ không còn nghĩ, không còn nói, không còn làm. “những việc do tính xác thịt gây ra”, đại loại như: “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, v.v…”

Nghĩ, nói, làm… những điều nêu trên, thánh Phao-lô khuyến cáo: “Sẽ không được thừa hưởng Nước Trời” (x.Gl 19-21) Không được thừa hưởng “của hồi môn là Nước Trời”, coi như chúng ta “mất toi” danh phận là con cái của Chúa, đúng không?

Ngoài Lời Chúa ra, chúng ta còn phải đến nhà thờ. “Nhà Thờ”, Lm. Charles nói: “Là Giê-ru-sa-lem của chúng ta”. Vì vậy, sẽ thật khôi hài khi chúng ta đã “chịu phép rửa” nhưng lại không thích đến Nhà Thờ.

 Không đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ, Lm Charles E.Miller khôi hài nói: “cũng giống như tay chơi vĩ cầm mà chẳng bao giờ mó tới cây đàn của mình”.

Đến nhà thờ, chúng ta còn có thêm một cơ hội, cơ hội được-nên-đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa-Giêsu, qua Bí Tích Thánh Thể.

Lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, chúng ta biết rồi, đó là nhận lãnh chính Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô. Và đó là điều rất cần thiết, bởi vì, Chúa Giê-su đã nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.”

Ta ở lại trong Chúa, Chúa ở lại trong ta, không có lý do gì chúng ta lại không được-nên-đồng-hình-đồng-dạng-với-Chúa.

Như vậy, chúng ta đã có câu trả lời. Đúng ra thì phải nói, Chúa đã trả lời cho chúng ta. Điều còn lại là chúng ta nghe và thực hành. Có như thế, vào ngày quang lâm, Chúa Giê-su mới “chỉ vào (chúng ta) và nói: “Đây là anh em tôi”. (Mt 12, 49).

Khi đã là anh em của Chúa Giê-su, Cha Trên Trời sẽ âu yếm gọi chúng ta: Này con… con là con Cha. Nói cách khác, khi đã là anh em của Chúa, chúng ta có Cha Trên Trời.

Vâng, hãy ghi khắc trong con tim mình: “Chúng ta có Cha trên Trời”.

Petrus.tran

 

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2025

Thánh Kinh - Thánh Thể… dẫn tôi gặp Chúa

 Chúa Nhật – Lễ Hiển Linh


tbd 040125a


Như một truyền thống đẹp, mỗi năm cứ đến ngày lễ kỷ niệm Chúa Giê-su xuống thế làm người, tất cả các nhà thờ Công Giáo đều thiết kế một hang đá thường được gọi là hang Belem. Gọi là hang Belem vì Chúa Giê-su sinh ra tại Belem, miền Giu-đê.

Nói đến hang Belem, tưởng chúng ta cũng nên biết, “Nguồn gốc sự trưng bày hang Belem được cho là một khám phá của thánh Phanxicô Assisi. Năm 1223 ở Greccio, để chuẩn bị thuyết giảng về mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giáng sinh làm người trong thân phận khó khăn nghèo hèn, thánh nhân đã cho dàn dựng lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một hang đá bằng gỗ, bên cạnh có các con bò lừa…” (nguồn: internet).

Ngày nay, như chúng ta thường thấy, thiết kế khung cảnh hang Belem, người ta trưng bày hình ảnh thánh Giu-se, Đức Maria và Hài Nhi Giê-su. Ngoài ra, còn có các thiên thần, các mục đồng cùng với đoàn chiên của họ.

Có một hình ảnh không thể thiếu, và được trang trí rất công phu. Đó là hình ảnh các ngôi sao. Người ta treo một ngôi sao rất lớn trên đỉnh nóc nhà thờ, kèm theo đó là nhiều ngôi sao nhỏ, tỏa dài xuống tận mặt đất.

Có thể nói là cả một rừng sao. Và, có lẽ chính vì thế mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã gọi Mùa Giáng Sinh là Mùa-sao-sáng! Vâng, tuy là “người ngoại đạo” nhưng ông ta “tin có Chúa ngự trên cao”. Và thế là vào năm 1967, một nhạc phẩm mang tên “Mùa sao sáng” đã được ông ta cho ra đời, với những lời ca thâm trầm, thiết tha.

“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời. Người hẹn cùng tôi ngày về khi đất nước yên vui. Quỳ lạy Mẹ Maria, lòng Mẹ từ bi bao la. Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam... Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời. Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao. Lạy Mẹ đồng trinh ban ơn, người Việt càng thương nhau hơn. Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao.” (Nguyễn-văn-Đông).

Chưa hết, còn… còn một hình ảnh nữa, được trưng bày nơi hang Belem, đó là hình ảnh các nhà chiêm tinh.

Vì sao lại có chuyện treo một-ngôi-sao-rất-lớn-trên-đỉnh-nhà-thờ và trưng bày hình ảnh các nhà chiêm tinh? Thưa, là bởi, để nói đến một sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm Chúa Giê-su sinh ra.

Vâng, sự kiện lịch sử này đã được ghi lại chi tiết trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, với tiêu đề: “Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giê-su Hài Nhi.”

**
Theo Tin Mừng thánh Mát-thêu, câu chuyện được ghi lại như sau: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Belem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem” (x.Mt 2, 1-2).

Nói tới Giê-ru-sa-lem, nên chăng, chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về lịch sử của địa danh này! Vâng, “Vào năm 2892 (869 TCN) Vua Đa vít đã chiếm giữ thành phố này và lập thành thủ đô vĩnh cửu của đất nước Do Thái. Kể từ đó đến nay, Giê-ru-sa-lem trở thành thành phố quan trọng nhất của người Do Thái, cả về đời sống tôn giáo, lẫn đời sống chính trị.

Thành phố Giê-ru-sa-lem chứa trọn ước mơ và hy vọng của bao thế hệ Do Thái. Mặc dù thành phố bị đánh chiếm, tái chiếm và san bằng nhiều lần, nhưng người Do Thái vẫn coi đó như là thủ đô của họ. Bất kể thành phố đang ở dưới thẩm quyền của ai, người ta có thể công nhận hay không công nhận, thì đó vẫn là thủ đô của người Do Thái.

Hằng ngày ba lần, từ khi có thành phố Giê-ru-sa-lem cho đến ngày nay, người Do Thái vẫn hướng về Giê-ru-sa-lem và cầu nguyện với Đức Chúa Trời rằng: ‘hãy trở về Giê-ru-sa-lem, thành phố của Chúa, với lòng thương xót’…” (nguồn: facebook.mucvudothai).

Trở lại với mấy nhà chiêm tinh. Hôm ấy, mấy nhà chiêm tinh không “trở về Giê-ru-sa-lem” nhưng là “đến Giê-ru-sa-lem”. Đến Giê-ru-sa-lem, quý ông chiêm tinh gặp cư dân bản địa và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu?”.

Đồng thời, các ông đã nói cho mọi người biết rằng: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”.

Một người Do Thái mới sinh, được xem như là Đức Vua, và hôm nay, mấy nhà chiêm tinh muốn đến bái lạy, thì có phần chắc, đó là điều gây hoang mang không chỉ cho ông vua tại vị lúc bấy giờ, mà còn cho cả toàn dân.

Mà đúng vậy, khi nguồn tin này đến tai vua Hê-rô-đê, chuyện kể rằng: “Vua bối rối”. Còn cư dân thì… “cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao”. (Mt 2, 3).

Trong sự bối rối, Hê-rô-đê muốn xác minh sự thật. Thế là: “Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu?”

Khi “bá quan văn võ” tề tựu đông đủ, họ trả lời, rằng: “Tại Belem, miền Giu-đê”. Vâng, đó là một câu trả lời hợp lẽ. Rất hợp lẽ, “vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì nơi ngươi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2, 6).

Vậy là, điều mấy nhà chiêm tinh muốn tìm, nay đã tìm thấy. Nơi họ muốn đến, nay đã rõ địa chỉ. Thế là, những con lạc đà, trên lưng là mấy nhà chiêm tinh, lại tiếp tục cuộc hành trình.

Rồi khi hoàng hôn buông xuống, và cũng là lúc trời về đêm, một-trời-đầy-sao-nghìn-hào-quang-chiếu-sáng-ngôi-cao, là lúc các ông đi, (có lẽ) đi cả ngày lẫn đêm.

Vâng, thật lạ… “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại”. Trông thấy ngôi sao (dừng lại), “họ mừng rỡ vô cùng”.

Và rồi, chuyện kể tiếp rằng: “Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria”. Không do dự, mấy nhà chiêm tinh “liền sấp mình thờ lạy Người.” Với tất cả sự tôn kính “Họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhủ hương và mộc dược mà dâng tiến.” (x.Mt 2, 11).

***
Mấy nhà chiêm tinh, nói theo ngôn ngữ của bóng đá, mới hoàn tất “lượt đi”. Còn “lượt về” nữa. Vâng, còn chuyến trở về.

Chuyến trở về, theo lời dặn của vua Hê-rô-đê, mấy nhà chiêm tinh sẽ “tái ngộ” ông ta. Tái ngộ để tường thuật “tường tận về Hài Nhi”, cho ông ta biết.

Biết để làm gì? Thưa, hôm trước, khi gặp mấy nhà chiêm tinh tại Giê-ru-sa-lem, “Vua Hê-rô-đê đã bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Be-lem và dặn rằng: Xin quý ngài đi, dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” (x.Mt 2, 7-8).

Thế, mấy nhà chiêm tinh, có trở về gặp lại Hê-rô-đê? Thưa không. Mấy nhà chiêm tinh “được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa”. Thế là họ “đã đi lối khác mà về xứ mình.”

Trên đường về, chúng ta có thể tưởng tượng, các ông vừa đi vừa cất tiếng ca: “Tôi đã thấy mặt trời lên sau đêm dài tăm tối triền miên… Tôi đã thấy trời hừng lên, sau mưa dầm rả rích ngày đêm…” (trích đoạn: Từ một cơn mơ. Tác giả: Ngô Mạnh Thu).

Tưởng tượng mấy nhà chiêm tinh “đã thấy mặt trời lên”, gợi cho chúng ta nhớ đến điều mà xưa kia ngôn sứ Êdêkiel “cũng đã thấy”.

Theo lời ngôn sứ Ê-dê-ki-el kể: “Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải.” Điều này thật trùng khớp với “vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông”

Còn nữa… Ê-dê-ki-el kể tiếp rằng: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến.”(x.Ed 47, 1-9. 12).

Những gì ngôn sứ Ê-dê-ki-el kể lại, chính là nguồn cảm hứng để Giáo Hội tiếp lời loan báo, rằng: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.

Nhắc lại những điều nêu trên, để thấy rằng, sự tưởng tượng của chúng ta, cũng là điều hợp lẽ. Hợp lẽ vì, thấy-mặt-trời-lên-sau-đêm-dài-tăm-tối-triền-miên chẳng phải là thấy Hài Nhi Giê-su đã sinh ra trong “một đêm đầy tăm tối”, tăm tối của kỳ thị, của chối từ, của bạo tàn, của chết chóc, đó sao!

Hài Nhi Giê-su là gì nếu không phải là “Mặt Trời Công Chính”! “Ngôn sứ Malachi đặt danh hiệu ‘mặt trời công chính’ là nhằm ám chỉ Thiên Chúa của dân Israel. Đối với những ai coi cuộc đời của mình như sự ảm đạm, hoặc sống dưới một bóng mây đen tối, thì ‘mặt trời công chính’ là dấu chỉ đầy hy vọng. Nơi nào có bóng tối thì Thiên Chúa sẽ chiếu dọi ánh sáng.” Lm. Jude Siciliano, O.P., trong một bài giảng, đã có lời chia sẻ, như thế.

Nay, Mặt Trời Công Chính Giê-su đã xuất hiện vào một đêm tăm tối tại Belem. Kể từ đây, những ai tìm đến và thờ phượng Ngài, “tất cả đều được cứu rỗi”.

Thế nên, chúng ta tiếp tục tưởng tượng nữa nhé! Vâng, hãy tưởng tượng quý ông chiêm tinh đã lớn tiếng hát vang: “Tôi đã thấy đường nở hoa. Ôi thanh bình đẹp thay một cơn mơ!” Đúng! qua cơn mơ, qua việc được-báo-mộng, mấy ông chiêm tinh đã về tới xứ sở của mình. Một xứ sở “thanh bình đẹp thay!”…

***
Vâng, câu chuyện nói về mấy nhà chiêm tinh (kể trên) đã xảy ra hơn hai ngàn năm qua. Và, Chúa Nhật hôm nay (05/01/2025), câu chuyện này được kể lại, qua phần phụng vụ Lời Chúa.

Có lẽ, có lẽ chúng ta đã được nghe, không phải một lần, nhưng là nhiều lần, mỗi khi “(đến) mùa sao sáng, đêm Noel Chúa sinh ra đời”.

Được nghe hay đã nghe… chưa đủ! Sẽ là trọn hảo, nếu sau khi được nghe và đã nghe, chúng ta là hiện thân của mấy nhà chiêm tinh “tìm đến Chúa và sấp mình thờ phượng Người.”

Xưa, mấy nhà chiêm tinh, chỉ cần “một mùa sao sáng”, chỉ cần “một mùa” thôi, mấy ông đã đi tìm Hài Nhi Giê-su. Với “lòng khát khao” được nung nấu ngay từ khi còn ở tận bên “phương (trời) Đông”, việc đi tìm Hài Nhi Giê-su đã được mấy ông xếp vào loại “ưu tiên một”.

Thì đây, khi còn ở tận phương-trời-Đông, mấy ông đã chẳng từng nói: “Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi (khát khao) đến bái lạy Người”, đó sao!

Và rồi, khi lòng khát khao bừng cháy, mấy nhà chiêm tinh đã không quản ngại đường xá xa xôi, (theo tính toán của những nhà nghiên cứu là khoảng 2.000km), các ông đã “từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem…” để hỏi cho bằng được “Đức Vua dân Do Thái mới sinh ở đâu”. Cuối cùng, mấy ông đã gặp và đã “sấp mình thờ lạy Người”.

Hôm nay, chúng ta được nghe… đã nghe câu chuyện này “từ mùa đông trước qua mùa đông tiếp theo sau này”, thì cớ gì chúng ta lại không tìm đến gặp Hài Nhi Giê-su, nhỉ!

Đức Giê-su, trong một bài giảng (ngày nay chúng ta gọi là bài giảng trên núi), đã có lời dạy rằng: “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng” (x.Mt 5 , 6). Như vậy, nếu chúng ta “khát khao” được gặp Chúa, chẳng lẽ Ngài không cho chúng ta “thỏa lòng”, sao!

Chưa hết! Thiên Chúa, qua môi miệng ngôn sứ Giê-rê-mi, có lời phán rằng: “Chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi… Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta, Ta sẽ cho các ngươi được gặp” (x.Gr 29, 11… 13-14).

Vậy, chúng ta “sẽ… sẽ tìm Chúa… sẽ… sẽ hết lòng kiếm Chúa”!? Vâng, nếu chúng ta có lòng khát khao và hết lòng tìm kiếm. Chúa sẽ cho chúng ta được gặp.

Không có trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta tìm kiếm Chúa. Nếu xưa kia, ngôi sao ở phương Đông chính là tấm bản đồ dẫn đường cho mấy nhà chiêm tinh “đến tận nơi Hài Nhi ở”, thì ngày nay, Kinh Thánh chính là tấm bản đồ dẫn chúng ta tìm và gặp, không phải là một Hài Nhi Giê-su, mà là một Giê-su Cứu Chúa, của đời ta.

Vua David đã chẳng từng nói: “Lời Chúa (Kinh Thánh) là ngọn đèn soi cho con bước. Là ánh sáng chỉ đường con đi”, đó sao! Là-ánh-sáng-chỉ-đường có khác nào ngôi-sao-dẫn-đường, nhỉ!

Có Lời Chúa, là có “vì sao của Người”. Có vì-sao-của-Người dẫn đường chúng ta sẽ đến được “tận nơi Chúa ở”. Mà, hôm nay, nơi-Chúa-ở nào có bao xa! Vâng, đó chính là nơi “Bàn Tiệc Thánh Thể”, thưa quý vị!

Thế nên, ngay hôm nay… bây giờ, hành trang trên đường tìm đến Giê-su hãy là quyển Thánh Kinh, và đừng quên mang thức ăn đi đường là Thánh Thể. Bởi vì, khi chúng ta có được hai thứ quan trọng và cần thiết này, chúng ta sẽ không bao giờ “lạc lối về nhà Chúa”, trước bao nhiêu lối rẽ, những lối rẽ chỉ dẫn chúng ta đến “thung lũng âm u, nghi ngờ và chết chóc, trên đường đời, hôm nay.


Vì thế, hãy luôn ghi khắc trong con tim mình: Thánh Kinh và Thánh Thể, chính là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta. Nói cách khác: Thánh Kinh - Thánh Thể… dẫn tôi gặp Chúa.

Petrus.tran

Đừng ném đá - đừng phạm tội.

Chúa Nhật – V  – MC – C                            Đừng ném đá - đừng phạm tội . “ Chúa thương chúng ta vì Chúa là Thiên Chúa. Chúa thương ...